Của Con Người Tác giả: dr. K. Sri Dhammananda Dịch giả: tk pháp Thông o0o Nguồn


Tại Sao Lại Sợ Giã Từ Cuộc Đời Này?



tải về 1.04 Mb.
trang19/31
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.04 Mb.
#34457
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   31

19.Tại Sao Lại Sợ Giã Từ Cuộc Đời Này?


Đối với hầu hết mọi người, cái chết là một sự kiện trái ý. Với bao nhiêu khao khát còn cần được thoả mãn, với chuyện sống chưa hoàn toàn chấm dứt dù có gặp muôn vàn khổ đau. Con người vẫn cảm thấy dễ chịu với ảo tưởng về hạnh phúc hơn là với hiện thực của cái chết. Nếu họ có phải nghĩ chút nào về nó, thì việc đó cũng chỉ có một chỗ (nhỏ) trong giờ thứ mười một mà thôi.

Những chấp đắm vào cuộc sống trần tục như vậy tạo ra một tâm lý sợ hãi không lành mạnh về cái chết. Nhưng sự thực thì mọi kiếp sống chỉ là khổ đau. Chết là một hiện tượng tự nhiên và không thể tránh khỏi. Nó không đáng sợ bằng phân nửa ý nghĩ về chính cái chết. Tâm có một khả năng của riêng nó để tạo ra và vẽ vời thêm thắt những hình ảnh sai lầm về cái chết.

Lý do là, một cái tâm không tu tập để thấy cuộc sống với tất cả những tính chất vô thường và bất toại nguyện của nó, có thể chấp trước vào những ảo tưởng cũng như người chết đuối ngay cả một cọng rơm mong manh cũng sẽ bám vào vậy. Nó tạo ra một nỗi lo lắng băn khoăn, thậm chí đối với cả những người nhiệt thành cầu nguyện một đấng siêu nhiên tưởng tượng nào đó, để được tha thứ và ban cho một nơi trên cõi trời khi cuộc sống dường như vô vọng. Tất nhiên tâm lý sợ chết chỉ là sự thể hiện của bản năng tự bảo tồn. Nhưng vẫn có một cách để khắc phục tâm lý ấy. Bạn hãy làm một công việc phục vụ vị tha nào đó để có được niềm hy vọng và sự tự tin vào lúc chết. Lòng vị tha có khả năng thanh lọc những luyến ái ích kỷ.

Thanh tịnh tâm, không chấp trước vào các pháp thế gian, sẽ bảo đảm một cuộc từ biệt cõi đời này trong an vui hạnh phúc. Chính việc thường xuyên quán niệm sự chết để hiểu được tính chất vô thường của cuộc sống, và có trí tuệ để sửa lại cách sống lầm lạc, sẽ loại tâm lý sợ hãi ra khỏi cái chết. Củng cố tâm để đương đầu với những sự kiện và hiện thực của cuộc sống. Tránh những tham vọng hư ảo và không thể thực hiện được. Phát triển lòng tự tin. Lúc đó bạn sẽ thấy thoải mái hơn khi tìm cách giải quyết những khó khăn trong cuộc sống. ‘Khi bạn sinh ra, bạn khóc còn thế gian thì vui sướng. Hãy sống cuộc đời bạn như thế nào để khi bạn chết, thế gian sẽ khóc, còn bạn thì được giải thoát khỏi khổ đau.’

Mặt khác, chúng ta phải hiểu rằng sự sống không chấm dứt hay chết. Khi thân xác vật lý này không còn thích hợp để giữ lại nữa sự sống giã biệt thân. Hiện tượng đó gọi là chết. Tuy nhiên điều đó không có nghĩa là chấm dứt của sự sống. Sự sống đã ra đi ấy lại bắt đầu xây dựng một căn nhà hay thân xác khác để trú ngụ hợp theo Nghiệp (kamma) tốt hay xấu trong quá khứ của nó.

---o0o---


20.Những Nguyên Tắc Tôn Giáo Là Quan Trọng


Là con người, chúng ta có trách nhiệm giữ gìn một vài nguyên tắc tốt đẹp vì lợi ích của bản thân chúng ta cũng như vì lợi ích của mọi người. Điều này dễ hiểu bởi vì khi chúng ta giữ giới (những nguyên tắc đạo đức), chúng ta cũng bảo vệ cho người khác. Bao lâu chúng ta chưa hoàn hảo, nếu chúng ta muốn có những người láng giềng tốt, chúng ta phải bảo đảm rằng chúng ta có một hàng rào vững chắc, nếu không nó sẽ dẫn đến những cuộc cãi vả, rầy rà và hiểu lầm.

Khi chúng ta dựng lên một hàng rào hay một bức tường vững chắc, chúng ta không chỉ bảo vệ căn nhà của chúng ta và gia đình của chúng ta thôi, mà đồng thời chúng ta cũng còn bảo vệ cho nhà cửa của những người lân cận nữa. Việc giữ giới của chúng ta cũng giống y như vậy. Khi chúng ta quyết định không sát sanh hay làm hại người khác, chúng ta đã cho phép mọi người sống một cách bình yên không sợ hãi.

Đó là sự đóng góp cao nhất chúng ta có thể làm cho những người khác. Chúng ta cũng sẽ chấm dứt việc dối trá hay lừa đảo người khác để họ có thể sống bình yên không sợ hãi và nghi ngại. Nếu chúng ta biết cách làm thế nào để chu toàn những bổn phận và trách nhiệm của chúng ta, chúng ta đã giữ gìn được nhân phẩm và sự hiểu biết của mình. Lẽ đương nhiên, khi làm như vậy, chúng ta giữ gìn được sự bình yên, hoà hợp và an tịnh trong cuộc sống của chúng ta nữa.

Thế nhưng, như trong bài thơ ‘Bức Tường Đang Sửa’ thật dễ thương của mình, Robert Frost có nói, nếu bản chất của chúng ta tốt, và bản chất của những người láng giềng của chúng ta cũng tốt, thì hàng rào kia sẽ trở thành thừa thãi. Một vài xã hội gọi là nguyên thủy ngày xưa thực sự đã sống những cuộc sống lý tưởng như vậy. Nói gì thì nói về phần chúng ta, đặc biệt trong những xã hội thị thành, những hàng rào tôn giáo để bảo vệ bản thân chúng ta và những người khác vẫn là điều cần thiết.

Để làm được điều này chúng ta phải giữ những quy tắc của tôn giáo hay giữ giới (sīla). Sīla có nghĩa là kỷ luật để rèn luyện tâm. Chúng ta rèn luyện bản thân bằng việc giữ một vài nguyên tắc tôn giáo, biết rõ những nguy hiểm của việc vi phạm chúng. Có một sự khác nhau giữa những giới luật của đạo Phật và những điều răn hay giáo luật của các tín ngưỡng khác. Nhiều người tuân thủ những nghĩa vụ tôn giáo của họ là do sợ sự trừng phạt. Có lẽ nếu không có sự đe doạ của hoả-ngục rất có thể nhiều người sẽ không tuân giữ những giáo luật của họ một cách nghiêm túc đâu.

Tuy nhiên người Phật tử tuân theo những nguyên tắc tôn giáo của mình bằng cách tránh xa những việc làm ác vì biết những việc làm ấy là sai. Dĩ nhiên chúng ta cũng cần phải thêm vào chữ thận trọng ở đây. Bởi vì khi một người tự gọi mình là Phật tử không có nghĩa là họ tự động được xem là trong sạch! Một người Phật tử chân chính là người thực lòng hành theo Lời Dạy của Đức Phật để làm cho mình trở thành một con người Cao Quý. Điều này đòi hỏi phải có nhiều sự trung thực và nỗ lực cố gắng.

Các bậc thầy tôn giáo luôn luôn chủ trương rằng hạnh phúc của con người không phụ thuộc vào sự thoả mãn những thèm khát và dục vọng của thể xác, hay vào sự thu thập của cải vật chất. Sự thực này có lẽ cũng được thấy rõ qua kinh nghiệm thực tiễn của con người. Cho dù chúng ta có được tất cả những lạc thú trần gian đi nữa, chúng ta vẫn không thể cảm thấy hạnh phúc và bình yên nếu tâm chúng ta bị ám ảnh không ngừng với lo lắng và sân hận, phát sinh từ cái nhìn vô minh về bản chất của hiện hữu.

Hạnh phúc thực sự không thể được định nghĩa dưới hình thức giàu sang, quyền lực, con cái, danh vọng hay những phát minh. Những thứ này tất nhiên có thể dẫn đến một sự thoải mái tạm thời nào đó về thể xác song không thể đưa đến hạnh phúc theo nghĩa tối hậu (hạnh phúc trường cửu). Điều này đặc biệt đúng khi những sở hữu ấy có được một cách bất chính hay do biển thủ, thụt két. Chúng trở thành cội nguồn của khổ đau, tội lỗi và sầu muộn cho người sở hữu nó hơn là hạnh phúc.

Những cảnh sắc hấp dẫn, những khúc nhạc say mê, những mùi thơm, vị ngon và những xúc chạm thân thể quyến rũ đã đánh lừa và làm cho chúng ta lầm lạc để rồi cuối cùng trở thành những kẻ nô lệ cho những lạc thú thế gian ấy. Dĩ nhiên sẽ không ai phủ nhận rằng có hạnh phúc nhất thời trong sự chờ đợi, hy vọng cũng như trong sự thoả mãn các giác quan, song những thú vui ấy chỉ tồn tại một thời gian ngắn mà thôi. Khi nhìn lại quá khứ, người ta có thể hiểu ra bản chất phù du và bất toại nguyện của những lạc thú đó, và chính cái nhìn ấy sẽ lót đường cho một sự hiểu biết tốt hơn về hiện thực này.

Nếu những sở hữu vật chất là điều kiện tiên quyết của hạnh phúc, thì giàu sang và hạnh phúc sẽ là đồng nghĩa.

Giàu sang không thể dập tắt được cơn khát cháy bỏng của tham ái. Có thể chúng ta không bao giờ cảm nhận được hạnh phúc nếu chúng ta chỉ biết tìm cách để thoả mãn những ước muốn thú vật thô thiển của chúng ta, hay tìm cách để thoả mãn nhu cầu của chúng ta đối với những thú vui ăn uống và tình dục. Nếu hạnh phúc là vậy, thời với những tiến bộ to lớn mà con người thành tựu trong mọi lĩnh vực, thế gian hẳn có thể vững bước trên con đường đi đến hạnh phúc hoàn toàn về mọi mặt rồi. Nhưng điều này rõ ràng không phải vậy.

Những khát khao vật chất có thể không bao giờ được thoả mãn một cách tuyệt đối bởi vì ngay lúc chúng ta có được điều chúng ta mong muốn, chúng ta sẽ cảm thấy không thoả mãn với nó và liền ao ước một cái gì khác. Khi những đổi thay và biến hoại xảy ra trong rất nhiều cái mà chúng ta đắm trước, chúng ta cũng cảm thấy không hạnh phúc.

Rõ ràng sự hưởng thụ các dục lạc không phải là hạnh phúc đích thực. Chân hạnh phúc chỉ có thể phát sinh từ sự giải thoát hoàn toàn của tâm. Cội nguồn của hạnh phúc không ở thân xác: nó phải được tìm thấy trong một cái tâm không còn những xáo trộn tâm lý. Châu báu thế gian là vô thường nhưng châu báu siêu thế như tín (đức tin), giới, lòng quảng đại, chân thật, và trí tuệ là bất diệt. Gắn bó tình cảm, sân hận và ghen tỵ làm mất phẩm giá con người; nhưng từ ái, hoan hỷ, và một thái độ không định kiến, thiên vị sẽ làm cho họ trở nên cao thượng, thậm chí thánh nhân ngay trong kiếp sống này.

Chỉ có xoay những tư duy vào bên trong thay vì hướng ra ngoài con người mới có thể phát triển và duy trì sự bình yên tâm hồn của mình. Hãy nhận biết rõ những nguy hiểm và cạm bẫy của tham, sân, si — những năng lực huỷ diệt. Học cách trau dồi và giữ vững những năng lực nhân từ của thương yêu và hoà hợp. Bãi chiến trường nằm ở bên trong chúng ta, và chính ở đây chúng ta phải đánh trận đánh quyết liệt và phải chiến thắng. Trận đánh không đánh bằng vũ khí, mà bằng sự nhận biết của tâm về tất cả những năng lực tiêu cực và tích cực bên trong chúng ta. Sự nhận biết hay chánh niệm này là chiếc chìa khoá để mở cánh cửa từ đó những tư duy xung đột và tranh chấp cũng như những tư duy thiện ngoi lên.

Tâm là cội nguồn tối hậu của mọi hạnh phúc và khổ đau. Để có hạnh phúc trên thế gian, tâm của mỗi cá nhân trước hết phải có sự bình yên và hạnh phúc đã. Hạnh phúc cá nhân dẫn đến hạnh phúc của xã hội, trong khi hạnh phúc của xã hội có nghĩa là hạnh phúc của quốc gia. Và  hạnh phúc của thế giới được xây dựng trên chính hạnh phúc của các quốc gia này.

Từ những bài học của cuộc sống, một điều rõ ràng là chiến thắng đích thực không phải do tranh giành mà có được. Thành công chưa từng thành tựu bằng sự xung đột. Hạnh phúc không bao giờ cảm nhận bằng sự oán giận. Bình yên không đạt được bằng tích chứa của cải hay quyền lực thế gian. Bình yên có được nhờ biết buông bỏ tính ích kỷ và giúp thế gian với những hành động của từ ái và yêu thương của chúng ta. Chính sự bình yên trong tâm hồn này sẽ chiến thắng mọi thế lực đối nghịch. Nó cũng giúp chúng ta duy trì một cái tâm lành mạnh và sống một cuộc sống phong phú, mãn nguyện của hạnh phúc và tri túc.

---o0o---



tải về 1.04 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương