Bên Thắng Cuộc I. Giải Phóng



tải về 1.89 Mb.
Chế độ xem pdf
trang8/96
Chuyển đổi dữ liệu26.10.2023
Kích1.89 Mb.
#55447
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   96
Huy Duc - Ben Thang Cuoc

Nguyễn Hữu Hạnh
Trong khi ấy, từ Cần Thơ, Chuẩn tướng hồi hưu Nguyễn Hữu Hạnh lặng lẽ theo 
dõi tình hình, nhận thấy đây là cơ hội cuối cùng để mối quan hệ âm thầm với Cách 
mạng gần chục năm qua mang về kết quả. 
Ông Hạnh với ông Minh đã có hơn ba mươi năm biết nhau trên nghĩa thầy trò. 
Ngày đăng lính, ông Nguyễn Hữu Hạnh được người Pháp đưa vào một đơn vị nơi 
ông Dương Văn Minh là thiếu úy đại đội phó. Sau ba tháng huấn luyện với sự dìu 
dắt trực tiếp của ông Minh, ông Hạnh được phong trung sỹ. Trong chiến dịch Thoại 
Ngọc Hầu, truy quét quân Bình Xuyên năm 1956, ông Minh bổ nhiệm ông Hạnh giữ 
chức tham mưu trưởng chiến dịch. 
Ông Hạnh có một người bác, nhưng nhỏ tuổi hơn ông, ông Nguyễn Tấn Thành - 
thường gọi là Tám Vô Tư. Ông Nguyễn Tấn Thành “trụ” lại ở miền Nam, trong khi 
con trai của ông, Nguyễn Tấn Phát
23
, được đưa ra miền Bắc. Mấy lần ông Tám Vô Tư 
bị chính quyền Sài Gòn bắt, ông Nguyễn Hữu Hạnh đều khéo léo sử dụng quyền lực 
và các mối quan hệ để cứu ra. Khi ba của ông Nguyễn Hữu Hạnh mất, ông Hạnh 
muốn đưa về an táng ở quê lúc bấy giờ nằm trong vùng kiểm soát của quân Giải 
phóng, ông Tám Vô Tư lại đứng ra “dàn xếp”. “Ổng khéo lắm”, Chuẩn tướng 
Nguyễn Hữu Hạnh nhớ lại. Dần dần, ông Nguyễn Hữu Hạnh nhận ra bác mình, ông 


Tám Vô Tư, đang thực hiện một kế hoạch “binh vận” do ông Bảy Lương, tức Lê 
Quốc Lương
24
, phụ trách. 
Tướng Nguyễn Hữu Hạnh tỏ ra hợp tác; tuy nhiên, ông khôn khéo từ chối lời đề 
nghị “ra căn cứ dựng cờ sỹ quan yêu nước trong Mặt trận Giải phóng”, từ chối tham 
gia lực lượng thứ ba, và từ chối tiếp xúc với “anh em Cách mạng”. Tướng Nguyễn 
Hữu Hạnh nói với ông Tám Vô Tư: “Ông bị bắt, tôi cứu, tôi mà bị bắt không ai cứu 
được”. Giữa năm 1974, Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu cho Nguyễn Hữu Hạnh về 
hưu; ông về Cần Thơ, gặp gỡ binh vận nhiều hơn nhưng vẫn không chịu “đi hẳn 
theo Cách mạng”. Tuy nhiên, khi thế cờ đã gần như ngã ngũ, đặc biệt, khi thấy ông 
thầy Dương Văn Minh nhảy ra chấp chính, Chuẩn tướng Nguyễn Hữu Hạnh quyết 
định nắm lấy cơ hội cuối cùng.
Ông kể: "Sáng 29-04-1975 tôi đến gặp ông Minh tại nhà riêng, văn phòng khi ấy 
vẫn còn ở nhà ông, số 3 Trần Quý Cáp. Trung tướng Mai Hữu Xuân, phụ trách sự vụ 
nói với tôi: Đại tướng bận họp, Chuẩn tướng chờ một chút. Ông Dương Văn Minh là 
một con người kín đáo, trầm lặng, nhưng lúc này trên gương mặt ông cũng lộ rõ vẻ 
suy nghĩ lo âu. Một sĩ quan tùy viên vào trình có Đại sứ pháp đến. Tôi sang phòng 
bên để ông Minh và ông Huyền tiếp Mérillon nhưng vẫn nghe được tiếng của Đại sứ 
Mérillon thông báo là Tổng trưởng Ngoại giao Pháp đã liên lạc với Hà Nội về vấn đề 
thương thuyết, nhưng Hà Nội trả lời ‘Rất tiếc là đã quá trễ’. 
Hai ông Dương Văn Minh và Vũ Văn Mẫu tiếp tục trao đổi sau khi Mérillon ra về. 
Họ quyết định tuyên bố thả hết tù chính trị. Tôi hỏi ông Dương Văn Minh: ‘Thưa Đại 
tướng, còn về tình hình quân sự ra sao?’. Ông Minh nói: ‘Toa là quân nhân không đi 
xem còn hỏi gì?’ Là tổng tư lệnh quân đội, nhưng lúc bấy giờ ông Minh cũng không 
nắm nổi tình hình mà còn phó thác cho Trung tướng Đồng Văn Khuyên phụ trách 
mọi việc ở Bộ Tổng tham mưu. Tôi thấy lúc này cần phải nắm lấy việc chỉ huy quân 
đội và tôi đoán thế nào ông Minh cũng trao việc này cho tôi. Tôi nói: ‘Tôi về hưu rồi 
đi coi sao được. Đại tướng có cho quyền thì tôi mới đi’. Ngay lúc đó ông Minh phái 
tôi đến Bộ Tổng Tham mưu xem xét tình hình quân sự”. 
Ông Nguyễn Hữu Hạnh chưa kịp về tới nhiệm sở thì Tổng Tham mưu trưởng Cao 
Văn Viên và Tướng Nguyễn Văn Minh, tư lệnh Biệt khu Thủ đô, đã bỏ ra nước ngoài. 
Trung tướng Vĩnh Lộc được cử giữ chức tổng tham mưu trưởng, Thiếu tướng Lâm 
Văn Phát giữ chức tư lệnh Biệt khu Thủ đô. Tướng Vĩnh Lộc trao cho ông Nguyễn 


Hữu Hạnh bộ đồ quân phục của một đại úy và cho ông cặp quân hàm chuẩn tướng. 
Chân ông Hạnh đi giày quân sự nhưng đầu thì không mũ, Tướng Vĩnh Lộc nhìn, lắc 
đầu, chửi thề rồi nói: “Bây giờ chúng nó chạy như chuột”. 
Tình hình ở Bộ Tham mưu rối ren, bế tắc. Theo Tướng Nguyễn Hữu Hạnh, khi 
ông Minh gọi Tướng Vĩnh Lộc tới nhà, cử ông làm tổng tham mưu trưởng, thì Tướng 
Vĩnh Lộc từ chối: “Đại tướng giao cho Ngô Quang Trưởng đi, sớm nay tôi còn thấy 
nó ở Tổng Tham mưu”. Quân đoàn I của Tướng Trưởng vừa bị đánh tan tác ở Huế 
và Đà Nẵng, Tướng Trưởng vừa mới chạy tới Sài Gòn. Dương Văn Minh không đồng 
ý. 
Nhân khi ông Minh rời phòng khách, Tướng Nguyễn Hữu Hạnh cố thuyết phục 
Vĩnh Lộc chấp nhận. Tướng Vĩnh Lộc lên nắm quyền nhưng vẫn sắp xếp cho gia 
đình chuẩn bị “di tản”. Ông Hạnh nhớ lại: “Cái chức ấy bao năm qua nhiều kẻ đã 
phải giành giật nhau, vậy mà bấy giờ không ai muốn nhận nữa”. 

tải về 1.89 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   96




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương