Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.13 Mb.
#37175
1   2   3

Giáo Sư Và Giám Mục


Münster (1963-1966)

Mùa hè 1963 Joseph Ratzinger nhận lời mời về Khoa Công Giáo của Đại Học Münster, một thành phố đậm nét văn hóa sinh hoạt của sinh viên. Ông và bà chị ở trong tòa nhà một tầng chung với nhiều sinh viên từ bang Bayern tới. Có những bữa ăn chung vào ngày chủ nhật – đôi khi kéo nhau tới ăn trong một nhà nhàng gần đó mang cái tên thật đẹp: „Quán Nước Trời“.

Do chuyện không hay nên Ratzinger phải từ giã Bonn. Một phần là vì vài sinh viên tiến sĩ người ngoại quốc của ông gặp khó khăn với Phân Khoa, một phần là do sự ganh tị và thù nghịch của những giáo sư có ảnh hưởng lớn ở đó đối với vị Giáo Sư trẻ. Hubert Jedin cho hay, người ta ghê tởm đẩy ông đi. Chính Ratzinger thì lại coi việc đổi chỗ này là „do sự quan phòng gởi tới cho mình“, cho dù chữ này thoạt tiên được ông dùng cho hai sinh viên tiến sĩ của mình, với hi vọng là sau khi ông đi họ sẽ có được những điều kiện tốt hơn.

Chẳng lâu sau đó, dư luận lại ồn lên vì những bài giảng mùa Vọng của Ratzinger ở nhà thờ chính tòa Münster. Trong những cuộc tranh luận thần học, chẳng hạn với Johann Baptist Metz và Hans Urs von Balthasar, ông tỏ ra là một người điều khiển chương trình có khả năng tháo gỡ được những điểm nút phức tạp và làm sáng tỏ được những quan điểm mọi phía.
Thưa đức Thánh Cha, quyết định rời Bonn là một trong những quyết định cô đơn, được lấy trong gấp rút và có lẽ cả với nhiều bực bội?
Không. Tôi đã trình bày chuyện đó với hồng y Frings, bởi vì với tư cách giáo sư thần học ở Bonn tôi là cố vấn công đồng cho ngài, nên không thể tự động bỏ đi được, và tôi muốn sau khi về Münster vẫn tiếp tục phụ giúp ngài. Vốn là người đầy lòng nhân và già kinh nghiệm, ngài đã lấy tình cha con nói với tôi rằng, nếu như tôi quả thật thích dạy môn Thần Học Tín Lí hơn môn Thần Học Cơ Bản, thì tôi có thể nhận lời Münster. Ngài nói, song nếu vì bực tức mà đi thì không nên. Quả thật tôi đã suy nghĩ nhiều về điểm này và nhận thấy mình có tương lai nhiều hơn với môn Tín Lí, chứ không phải với Thần Học Cơ Bản. Do đó rốt cuộc tôi đã chọn Münster.
Ở Münster Ngài gặp một nhóm giáo sư quây quần chung quanh triết gia Josef Pieper (1904 tới 1977). Mỗi thứ bảy lúc 15 giờ họ gặp nhau tại nhà giáo sư Pieper ở đường Malmedweg 10. Đó có phải là một thứ câu lạc bộ như của người Anh không?
(Cười.) Đúng. Mỗi chiều thứ bảy ông ta gặp giám mục Volk, nhà ngữ học rô-man Lausberg và nhà ngữ học la-tinh Beckmann; tôi cũng tham gia vào nhóm đó. Chúng tôi có những buổi trao đổi thật hào hứng, qua đó giáo sư Pieper đặc biệt tường trình về những chuyến du hành và những suy tư của mình. Đó là một sinh hoạt thú vị thêm vào trong khuôn khổ đại học.
Mục đích của nhóm là gì, có phải đó là một nhóm bảo thủ quần tụ với nhau không?
Tuyệt đối không. Thời đó ông Pieper, cũng như tôi, được hiểu là một người tiến bộ. Là người đi theo cái mới, chẳng hạn như cả muốn diễn nghĩa lại Tô-ma ở Aquino. Người ta say mê với những giờ lên lớp của ông. Tác động của Guardini ở München thế nào, thì ảnh hưởng của Pieper ở Münster cũng như thế. Về sau, ông ấy cũng có một quan điểm như tôi và Lubac. Chúng tôi nhận ra, cái mới mà chúng tôi muốn đó đang bị phá vỡ. Và ông cực lực chống lại xu hướng đó.
Lúc nào thì Ngài thật sự quen biết Hans Urs von Balthasar, nhà thần học lớn của Thụy-sĩ?
Thời còn sinh viên dĩ nhiên tôi đã đọc sách ông ấy. Năm 1948 tôi dự một buổi thuyết trình của ông tai Đại Học München. Ngay khi còn ở Freising tôi đã dùng sách của ông để soạn bài lên lớp. Chỉ khi ở Bonn năm 1960 tôi mới quen ông trực tiếp. Lúc đó cuốn sách của Alfons Auer „Weltoffener Christ“ (Ki-tô Hữu Cởi Mở) vừa được trình làng. Balthasar cũng một quan điểm đó, ông tán đồng thứ cởi mở đầy bất trắc đó và mời Alfons Auer, Gustav Sieverth, tôi và một người nào đó nữa về Bonn để nói về quyển sách. Tại sao ông mời tôi, tôi không biết. Auer rốt cuộc đã không đến, và mục đích của buổi trao đổi không thành. Nhưng phải chăng từ đó một mối thân hữu đã hình thành?
Ông ấy là loại người khác hẳn Ngài.
Ông ấy đúng là một nhà quý phái, to lớn, gầy, cao sang với thái độ giữ kẽ của một nhà quyền quý. Ngay ánh mắt đầu tiên gặp nhau, chúng tôi đã thông hiểu nhau.
Ngài luôn bảo, „mình không phải là một nhà thần bí“, nhưng lúc này lại làm bạn với một nhà thần bí.
Đúng, nhưng tại sao lại không được?
Năm 1965 von Balthasar nhận bằng tiến sĩ danh dự ở Münster, lúc Ngài đã có mặt ở đó. Cùng năm này có một cuộc gặp gỡ khác ở Basel. Sau đấy là những thư từ qua lại và rất nhiều những trao đổi bằng điện thoại trong thập niên 80. Ông ấy như thế nào?
Thật vui, rất bình thường. „Balthasar đây“, ông luôn chuyện trò bình thường với tôi bằng giọng thụy-sĩ đặc quánh.
Ngài gọi ông ta bằng tên Urs thân mật?
Không. Chúng tôi không Tao – Mày với nhau.
Ngài và Balthasar đã có những buổi thuyết trình chung ở Viện Công Giáo tại München, đã ra chung với nhau một cuốn sách về đức Ma-ri-a. Ngài đề tặng tác phẩm „Dogma und Verkündigung“ (Tín Điều và Loan Truyền) của mình cho Balthasar; đối lại ông ấy đề tặng Ngài tác phẩm năm tập của ông „Skizzen zur Theologie“ (Những Phác Họa Cho Thần Học). Đâu là điểm đặc trưng trong mối thâm giao đó?
Tôi thật sự hướng tới ông là vào năm 1961, khi nhà xuất bản Hochland gởi cho tôi hai tập gồm những bài viết của ông vừa mới in – „Verbum Caro“ và „Sponsa Verbi“, để trao đổi. Dĩ nhiên tôi phải đọc thật kĩ nội dung, thì mới nói chuyện được. Từ đó Balthasar trở thành một khái niệm đối với tôi. Thần học của ông có sự hiện diện của các Thánh Phụ, có viễn kiến, nó thật sự triển nở từ đức tin và từ suy tư, nó đưa ta vào chiều sâu và đồng thời cũng luôn luôn mới. Đó không phải là thứ hàn lâm rốt cuộc không đưa ta tới đâu cả, mà là một tổng hợp của sự uyên bác, của chuyện nghiệp thật sự và của chiều sâu tâm linh. Nó hấp dẫn tôi và từ đó chúng tôi gắn bó với nhau.
Đúng là có họ với nhau về đàng tinh thần?
Đúng. Cho dù tôi không thể sánh được với ông về mặt uyên bác. Nhưng chúng tôi cùng có một ý hướng nội tâm và một viễn kiến chung.
Ngài thật không thể so với ông ấy được về mặt uyên bác sao?
Không. Hoàn toàn không. Quả thật không thể sánh được. Không thể tin nổi được điều ống ấy viết và làm. Ông không có „Doktor Theol.“ (tiến sĩ thần học). Ông chỉ là một chuyên gia ngữ văn Đức và mỗi khi trong Ủy Ban Thần Học có ai hỏi ông chọn thứ gì, ông vẫn luôn nói: „Không, tôi không phải là nhà thần học, tôi không thể làm chuyện đó.“ Và rồi ông giải thích tiếp: „Vâng, ở Basel chúng tôi chẳng có thư viện nào cả.“
Chỉ gắn bó với nhau về mặt khoa học và tinh thần hay cả ở bình diện cá nhân nữa?
Cũng có. Chẳng hạn có lần ông mời tôi lên Rigi, trong một ngôi nhà của một người nhà giàu nào đó đã nhường cho ông sử dụng. Chúng tôi sống với nhau mấy ngày trong vùng núi. Mỗi khi chúng tôi xuống đi lễ, ông xách theo một xấp thư, rồi vất vào thùng thư. Những thư này ông viết lúc sáng sớm; ông viết hàng loạt thư với nét chữ đẹp. Hễ đặt bút xuống là chữ chảy ra ào ào. Sách ông cũng viết với lối như thế. Bà thư kí Capol chỉ việc xem lại, sửa lỗi nào còn sót và cứ việc đánh máy bản in.
Làm sao tưởng tượng được cảnh hai người sống với nhau nhiều ngày trên núi?
(Cười.) Ấy, trong ngày chúng tôi mỗi người làm việc riêng trong phòng mình, trưa ăn chung với nhau rồi đi dạo. Ở đây người ta có thể đi dạo dễ dàng, chẳng cần phải là những người chuyên leo núi.
Ngài cũng biết bà Andrienne von Speyr, người bạn tinh thần của Balthasar? Bà ấy là bác sĩ và nhà thần bí và nguyên là một tín hữu tin lành. Bà đọc cho Balthasar viết về những thị kiến của mình, chẳng hạn những thị kiến về Khải Huyền, và Balthasar đã soạn lại cho in.
Không, lúc đó bà không còn nữa. Trong những năm họp Công Đồng tôi cũng không thể liên lạc được với ông. Chỉ liên lạc được trở lại trong thời gian tôi dạy ở Tübingen. Lúc đó thì bà đã mất.
Ngài không cảm được sách của bà ấy?
Không. Đó là điểm khác nhau giữa tôi và Balthasar. Ông ấy cũng là một người thiên về thần bí, có thể nói như vậy.
Balthasar có phê bình chỉ trích gì Ngài không? Hình như có lần ông nói: „Nếu Ratzinger không tiếp tục đi tới, thì nơi ông sẽ thiếu luôn cả một chiều kích.“ Ông ấy muốn nói tới việc cần phải chấp nhận thập giá như là ánh sao dẫn lối.
Ấy, câu đó ở đâu?
Hình như do đồng nghiệp Johann Baptist Metz của Ngài nói với tôi.
Hay thật. Anh có nói chuyện với ông Metz?
Có.
Cuộc gặp gỡ thú vị?
Thật lạ, vào cuối đời ông ấy tự hỏi, liệu khái niệm Thần Học Chính Trị, một khái niệm đậm dấu ảnh hưởng của ông, có phải là một lầm lỗi không, hay rốt cuộc mọi thứ có lẽ cũng chỉ là rác rưởi. Ông nói, ý hướng của ông hơi khác với những gì người ta hiểu về nó. Ông cũng trách việc Ngài đã coi thần học của ông ấy gần như là một thần học theo nghĩa của Ernst Bloch.
Có một chút gì đúng trong đó. Và việc làm của ông cũng có chút ngây thơ. Ngoài ra tôi ngạc nhiên trước việc ông coi Thần Học Chính Trị của mình là điều mới mẻ, trong khi ông không biết rằng, vào năm 1935 Erik Peterson đã viết một bài phê bình rốt ráo tư tưởng về Thần Học Chính Trị của Carl Schmitt, sau khi tranh luận với ông này. Nhưng tôi muốn nói thêm, Metz trước sau vẫn là người có công lớn trong việc thúc đẩy Thần Học và ông có cái nhìn đúng về những vấn nạn nền tảng của Thần Học. Ông trước sau vẫn trung thành với Giáo Hội. Ngoài ra tôi rất quý ông, vì cho dù những mâu thuẫn, ông vẫn mời tôi làm diễn giả trong ngày mừng sinh nhật 70 của mình.
Trở lại với Balthasar và việc ông ấy phê bình Ngài…
Có thể lắm. Ông là người có cái nhìn bao quát và dĩ nhiên cũng có khi người này thấy ra điều người khác không thấy. Tôi coi đó là chuyện thường.
Từ Münster Ngài tiếp tục tham dự Công Đồng, các buổi lên lớp của Ngài đầy đặc người nghe, các bài giảng được chép lại thành nhiều trăm bản và phân tán ra khắp nước. Nhưng ba năm sau lại diễn ra cuộc chia tay, lần này đi Tübingen, nơi Hans Küng đã tranh đấu mạnh cho Ngài về đó. Xem ra chuyến đi này là một đề tài đáng nói trong cuộc đời Ngài. Một lần nữa việc ra đi lại khiến cho các bạn bè và đồng nghiệp hết sức ngỡ ngàng. Có một lí do nào đó mà Ngài cho tới nay chưa muốn nói ra hay không?
(Cười.) Không. Quả thật quyết định đó đã không dễ đối với tôi. Lí do thứ nhất muốn ra đi là v́ ở Münster xa miền nam quá. Tôi là một người gắn bó với bang Bayern miền nam, do đó Münster ở phía bắc quá xa quê hương. Lại nữa tôi muốn về bên cạnh người anh ở Regensburg [Georg Ratzinger lúc đó vừa được cử phụ trách ca đoàn nhà thờ chính toà và kiêm luôn trưởng „Ca Đoàn Chim Sẻ“, một ca đoàn gồm các thiếu niên nam nổi tiếng thế giới]. Đoạn đường xe lửa về Regensburg dài bất tận. Lí do thứ hai là vì tôi cảm thấy Thần Học Chính Trị của Johann Baptist Metz đã mở cửa cho chính trị đi vào đức tin. Và tôi không chịu được cảnh luôn phải đối diện với những xáo trộn xẩy ra trong phân khoa mình. Trong khi đó, về phương diện con người, tôi lại rất thông cảm với Metz. Vì thế về Tübingen và sống với truyền thống ở đó xem ra là một quyết định đúng đối với tôi.
Làm sao biết được tình hình ở Tübingen tốt hơn? Đó là một thành phố tin lành và các giáo sư tin lành không hẳn sẽ ủng hộ Ngài. Nhất là ủng hộ một người bắt đầu lên tiếng chỉ trích Công Đồng.
Chính tôi cũng ngạc nhiên về sự ngây thơ của mình. Với các giáo sư của Phân Khoa Thần Học Tin Lành tôi có một quan hệ rất tốt. Quả thật ở đó có những nhân vật nổi bật như Otto Michel, Ulrich Wickert và những người khác. Lúc này Martin Hengel chưa về đó. Vâng, tôi đã thơ ngây tin rằng, tự thân Küng vẫn muốn mình là một nhà thần học công giáo, dù ông hay mạnh miệng và làm những chuyện xằng. Küng đã có một bài thuyết trình rất hay về sự nhất thống của Kinh Thánh, mang lại dư âm rất tích cực, và ông còn làm nhiều chuyện hay khác nữa. Nhưng tôi đã không lường trước được việc ông càng ngày càng lìa xa Giáo Hội.

Tübingen (1966-1969)

Việc dọn nhà từ Münster về Tübingen được thực hiện với chiếc xe Opel Kadett của người „học trò nguyên khởi“của mình, từ ngữ mà Ngài đã dùng để chỉ Vinzenz Pfnür. Tại sao Ngài lại không học lấy bằng lái xe?
Tôi cũng không hiểu là tại sao nữa…
Vì bà chị sợ xe?
Không, điều đó có lẽ chẳng làm tôi bận tâm. Cha tôi bảo, cả ba đứa con phải học lái xe. Chẳng ai có bằng lái cả. Phần tôi đơn giản là vì không có giờ. Và tôi cũng phải nói là ngồi trong xe tôi có cảm giác như đang ngồi trong một cỗ máy. Lại nữa lái cả một chiếc xe ngang dọc khắp đó đây là điều quá nguy hiểm đối với tôi. Còn chuyện dọn nhà bằng xe Opel Kadett thì không đúng. Lemann-Dronke, một phụ tá của tôi, đã dùng chiếc xen Con Bọ (VW-Käfer) của anh chở đồ đạc, tới Regensburg thì bị cảnh sát chận lại kiểm tra vì nghi ngờ tình trạng của xe, nhưng may mắn đã không bị giữ lại. Còn tôi đi xe lửa từ Münster về Tübingen.

Ngài hài lòng ngay với Tübingen và gọi nó là „ma thuật của thành phố nhỏ miền Schwaben“.
Thành phố thật đẹp. Nào là công trường thành phố, với ngôi nhà thờ tin lành, rồi tới „Gôgei“ [khu vườn nho trước đây trong nội thành], phía dưới sông Nectar là những cánh đồng dọc thung lũng v.v. Từ nhà ở của tôi có thể nhìn thấy nhà nguyện Wurmlinger, nó nằm ngay trước mặt.
Các sinh viên ở Tübingen mô tả Ngài là người rất thân thiện, nhưng rất ít nói.
Điều đó tôi không biết. (Cười.) Nhưng tự thân tôi là người ít thích trò chuyện. Anh tôi thì ngược lại.
Ngay từ đầu xem ra nguyên tắc của Ngài là hết mình làm việc với những người được giao phó cho mình. Vì thế không có sự đồng nhất trong đám sinh viên, vì chẳng ai bị loại trừ cả.
Có nhiều người khác nhau là điều luôn luôn tốt.
Ngài luôn bắt đầu những buổi thảo luận với nhóm sinh viên tiến sĩ của mình bằng một thánh lễ, điều này ở Tübingen xem ra là chuyện lạ đời. Có một lần Ngài cùng các sinh viên sang Thuỵ-sĩ thăm giáo sư tin lành Karl Barth. Từ đâu có mối liên hệ này?
Từ lúc học với giáo sư Gottlieb Söhngen tôi được coi là một người theo trường phái Barth rồi, dù mình không tán thành ông ở nhiều điểm. Ông là một trong những sư phụ của tôi về đường thần học. Lại nữa thêm mối liên hệ nẩy sinh qua ngã Balthasar, vốn là một người bạn thân của Barth. Do đó mà chúng tôi đã sang thăm ông. Lúc này ông đã già. Chúng tôi không đào sâu câu chuyện với ông, nhưng gặp được ông là một may mắn thú vị rồi.
Ngài rất ngưỡng mộ ông ấy?
Đúng. Và ông cũng ưa tôi. Trong chuyến thăm nước Đức năm 2010, chủ tịch Hội Đồng Lãnh Đạo các Giáo Hội Tin Lành Schneider nói với tôi, Karl Barth luôn nói với họ là „hãy đọc Ratzinger“.
Thời đó Ngài cũng đọc Sartre?
Sartre là người mình phải đọc. Ông ta viết triết học của mình chủ yếu ở quán cà-phê. Vì thế nó không đi sâu, nhưng thực tế hơn, thống thiết hơn. Ông đã diễn dịch chủ thuyết hiện sinh của Heidegger ra ngôn ngữ thực tế. Nhờ đó ta nhận ra rõ hơn những giải pháp thay thế. Pieper đã khai triển điểm này rất hay.
Ở Tübingen Ngài có liên lạc với Ernst Bloch không?
Một lần tôi được ông mời về nhà. Chỉ một nhóm rất nhỏ độ sáu, bảy người. Tôi phải nói, quả thật lạ. Có cả một ông ả-rập ở đó, mà có lẽ chính tôi đã mang ông ấy đến. Một ai đó đã mang cỗ điếu bát tới và Bloch nói: „Đã từ lâu tôi muốn có lại cái này.“ Nhưng rồi ông loay hoay không biết hút ra làm sao cả. (Cười.)
Tại sao Ngài lại được hân hạnh mời tới?
Tôi giờ chẳng nhớ nữa, không thể trả lời được.
Bà chị của Ngài có khó chịu khi gặp các giáo sư hay không?
Chị không hợp với những khuôn mặt thật lạ. Nhưng chúng tôi thường mời từng người tới nhà, chẳng hạn như Küng và các vị khác. Chị rất hài lòng về những người này.
Chị vốn là người ít cởi mở?
Đúng.
Ngài có gặp khó khăn vì điểm này không?
Không.
Chị không hẳn là một phụ nữ hợp cho những cuộc giao tiếp.
Chắc chắn không. Nhưng chị cũng không cần phải là người như thế.
Ngài mua máy truyền hình đầu tiên ở Tübingen. Anh Georg bảo là vì Ngài „nghiện xem tin tức“.
(Bật cười lớn.) Không phải. Tôi chẳng muốn truyền hình gì cả, nhưng tôi quen thân với ông linh mục tuyên uý sinh viên Starz, một người rất tốt. Bữa nọ ông đến nhà tôi và bảo: „Hôm nay bọn mình lái xe đi chơi đây đó và mua một cái truyền hình.“ Chúng tôi vào một siêu thị. Ở đó có bán dồi xúc-xích và thịt, và giữa những loong thịt và đồ hộp có dựng một đôi chiếc truyền hình. Chúng tôi mua một cái, nhưng nhằm thứ không được tốt lắm.
Năm 1968 xuất hiện cuốn „Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay“ (Einführung ins Christentum) của Ngài. Hình như lúc đầu nội dung của cuốn này không nhắm tới việc cho in thành sách?
Không phải. Ngay lúc ở Bonn ông chủ nhà phát hành Kösel, tiến sĩ Will, đã khuyên tôi nên viết một cuốn về Bản Chất Ki-tô Giáo. Ông ta cứ nhắc đi nhắc lại điều này, càng lúc càng thúc ép. Ở Tübingen tôi và Küng thay nhau lên lớp. Cứ một học kì ông lên lớp thì tôi được nghỉ và ngược lại. Trong một học kì không phải lên lớp tôi nghĩ tới việc soạn nội dung đó, trước để dùng cho giảng khoá, về sau in thành sách.
Như vậy „Đức Tin Ki-tô Giáo…“ không phải là tập hợp các ghi chép của sinh viên?
Không. Tôi viết nó bằng tốc kí, sau đọc cho người ta đánh máy rồi biên tập lại.
Cuốn sách từ lâu đã trở thành một tác phẩm kinh điển và được in không biết bao nhiêu lần trên khắp thế giới. Nhiều thế hệ say mê nó, kể cả một Karol Wojtyla, người về sau là giáo tông Gio-an Phao-lô II. Ngài có ngạc nhiên về sự thành công của nó?
Thật ngạc nhiên.
Đã chẳng ai ngờ tới điều này.
Đúng, chẳng ai ngờ. Người ta vẫn còn mua đọc nó.
Nhiều chục năm tới vẫn có người đọc. Ngài viết nó bằng tốc kí. Có người kể, Ngài chỉ cần một tờ giấy Din A4 là đủ cho một bài thuyết trình dài? Các tác phẩm về đức Giê-su cũng được viết bằng tốc kí?
Tất cả mọi cuốn. Nếu không, thì tôi mất quá nhiều thì giờ để viết. Ở đây tôi chợt nhớ tới Rahner cũng gặp chuyện tương tự. Ông than với giọng địa phương đặc sệt: „Viết cho xong mấy thứ này thì chán quá.“ (Cười.) Có được tốc kí là tiến bộ hơn rồi.
Nhiều chục năm dài Hans Küng cứ phỉ báng và thoá mạ Ngài. Chẳng hạn, ông cho Ngài là loại người ham hố quyền lực, đã tạo ra một hệ thống kiểm soát người khác như bọn mật vụ đông đức trước đây làm và đã từ chức rồi mà vẫn cứ muốn nắm quyền như là một „Giáo Tông trong bóng tối“. Năm 1968 hai người còn thông hiểu nhau. Nhưng ông ấy có một lối sống hoàn toàn khác. Ông lái chiếc Alpha Romeo, trong lúc Ngài với chiếc xe đạp cũ. So với Ngài ông ta thuộc loại dân quyền quý.
Rõ ràng ông xuất thân từ một gốc khác hẳn tôi, ở Sursee, có một cửa hiệu bán giày, có căn nhà sang trọng. Ông từ một khuôn đúc khác tôi.
Câu Ngài thường nói: „Điều này tôi đồng ý với ông đồng nghiệp Küng.“ Trái lại Küng thì nói: „Trên căn bản tôi và đồng nghiệp Ratzinger là một.“ Cả hai đồng xuất bản một chuỗi sách, trong đó có cuốn „Die Kirche“ (Giáo Hội) của Küng.
Cho tới một lúc tôi cảm thấy không thể tiếp tục được nữa và rút ra khỏi việc đồng xuất bản. Tác phẩm đó còn có tôi đứng tên xuất bản chung, tôi nghĩ đó là cuốn cuối cùng.
Ngài tuyên bố với ai về chuyện rút tên?
Tôi viết thư thông báo mình không còn đứng tên chung.
Viết cho Küng?
Có lẽ cả cho nhà phát hành Herder nữa, chuyện này tôi không còn nhớ nữa.
Không cần phải nêu lí do?
Chẳng cần.
Küng hẳn cho đó là một xúc phạm?
Chúng tôi không bao giờ cãi cọ nhau, nhưng cả hai đều nhận thấy – có lẽ ở nơi tôi rõ hơn – là mình càng ngày càng xa nhau.
Trong không khí căng thẳng của thời 68 giờ đây còn có thêm tông thư Humanae vitae, thường được gọi là tông thư thuốc ngừa thai, của Phao-lô VI. Lúc đó Ngài cảm nhận ra sao?
Humanae vitae đối với tôi trong hoàn cảnh thời đó và trong bối cảnh suy tư thần học mà tôi theo là một bản văn khó nuốt. Rõ ràng điều tông thư nói ra, trên cơ bản, là đúng, nhưng nó không thoả mãn chúng tôi lúc đó về mặt lí luận. Tôi chờ đợi một cái nhìn nhân chủng học bao quát hơn. Về sau giáo tông Gio-an Phao-lô II đã bổ túc quan điểm luật tự nhiên của tông thư bằng một viễn kiến về mặt nhân vị.

Về sau, Küng càng ngày trở nên như một địch thủ nặng kí của Ngài. Không phải như kiểu địch thù giữa Mozart và Salieri, nhưng gần như chính Küng là người tạo tai tiếng bất lợi cho Ngài; thế mà sau khi được bầu vào năm 2005 Ngài còn tiếp ông ấy ở Vatican. Tại sao vậy?
Con đường thần học của ông đi vào một ngã khó hiểu và ông càng ngày càng trở nên cực đoan. Tôi không thể và không được phép làm như ông. Tại sao ông lại coi chính tôi là địch thủ, tôi không biết. Bởi vì còn có nhiều người khác viết chống lại ông, bắt đầu từ Rahner.
Ông vẫn giữ những hiềm thù đối với Ngài đó cho đến lúc kết thúc.
Mình phải chấp nhận.
Ở Công Đồng Ngài làm việc chung với Karl Rahner. Hans Küng khuyên Ngài về nhận ghế đại học ở Tübingen, còn Ngài thì đề nghị giáo sư tả phái Metz vào thế chỗ của mình ở Münster. Có phải một lúc nào đó Ngài đã quyết định rẽ sang một hướng khác? Điều gì đã xẩy ra?
Tôi thấy Thần Học đã rời bỏ vai trò diễn giải đức tin của Giáo Hội, để đi theo một hướng riêng do nó tự nghĩ ra. Là một nhà thần học công giáo, tôi thấy điều đó không hợp với tôi.
Thời đó có một thỉnh nguyện thư yêu cầu bỏ luật độc thân, cũng có chữ kí của Ngài. Một sơ hở lầm lẫn?
Bản văn do Rahner và Lehmann soạn đã được thảo luận trong Uỷ Ban Đức Tin của Hội Đồng Giám Mục Đức, trong đó có mặt ba chúng tôi. Nó được viết cách ngóc ngách nước đôi, như lối viết thường thấy của Rahner; một mặt cho thấy nó bảo vệ luật độc thân, mặt khác mở ngỏ vấn đề để tiếp tục suy nghĩ. Tôi kí là vì tình bạn nhiều hơn. Dĩ nhiên đó là một bất hạnh cho tôi. Nhưng tôi có thể nói rằng, đó không phải là một yêu sách bỏ độc thân. Đó là một lối trình bày nước đôi đặc trưng của Rahner, mà ta có thể hiểu theo lối nào cũng được.
Ngài luôn nhấn mạnh, là mình vẫn trước sau như một, luôn trung thành với quan điểm trước đây của mình.
Tôi tin rằng, tất cả những ai đọc sách tôi đều xác định được điều đó.
Rồi tới giai đoạn nóng với những cuộc chống đối, bãi khoá, ngồi lì, ngăn cản giáo sư lên lớp của sinh viên. Ngài có trực tiếp theo dõi những cuộc xuống đường trong thành phố không?
Không.
Với dáng vẻ trẻ trung Ngài đã có thể trà trộn khắp nơi giữa đám sinh viên mà không ai để ý?
Có thể lắm. (Cười.) Thời đó tôi rất gắn bó với Peters, trưởng Khoa Luật ở ngay bên cạnh mình. Thời đó, nói thêm, Hans Maier đã khuyến dụ được tôi tham gia hội Freiheit der Wissenschaft (Hội Tự Do Cho Khoa Học). Chúng tôi đã cùng sát cánh với những đồng nghiệp vốn muốn chống lại những quậy phá bất chính kia.
Hans Küng không ngừng phao tin rằng, Ngài thật sự bị chấn thương tinh thần vì những chống phá của sinh viên.
Hoàn toàn không đúng. Các giờ lớp của tôi không bao giờ bị phá rối. Dù vậy, tôi đã chứng kiến cảnh bạo lực khủng bố ghê gớm lúc đó.
Sau khi Humanae vitae xuất hiện, năm 1970 Hans Küng viết cuốn sách bút chiến Unfehlbar (Không Thể Sai Lầm). Đến khi bị Ngài phê bình, cho rằng vị đồng nghiệp đã vượt ra khỏi khuôn khổ đức tin công giáo, thì sách bị xé bỏ.
Đúng thế.
Ngài góp phần như thế nào trong việc rút phép dạy thần học của Küng năm 1979?
Tôi không trực tiếp dính líu. Trong những năm trước đó thỉnh thoảng tôi được yêu cầu viết giám định về Küng, và tôi luôn luôn nói, cứ để ông tự do. Theo tôi, rõ ràng điều ông viết sai về mặt thần học, nhưng tôi không bao giờ khuyên phải ra biện pháp nào cả đối với ông. Hồng y Franjo Sepe, người tiền nhiệm của tôi trong Bộ Đức Tin, rất đỗi giận dữ trước cảnh tha bổng đó. Ông nổi nóng thật sự, nói: „Tôi đã 15 năm ở đây. Giáo Hội bị đập phá, mà chúng ta bình chân như vại. Nếu một lần nữa vẫn cho thông qua, thì tôi sẽ từ nhiệm.“ Ông cho hay, lương tâm ông không còn cho phép kéo dài thêm sự việc. Rồi Gio-an Phao-lô II cho mời các hồng y đức – Höffner, Volk và tôi – cùng với tổng giám mục Freiburg và giám mục Rottenburg-Stuttgart về Roma, để cùng ngài trao đổi thêm một lần nữa – lúc đó vào mùa Giáng Sinh. Nhưng quyết định đã có sẵn rồi. Và chúng tôi xác nhận với nhau, trừ phiếu trắng của giám mục Rottenburg, là sẽ không thay đổi quyết định đó nữa, nó phải được giữ nguyên.
Küng bảo, người ta phán xét ông, nhưng không cho ông cơ hội trả lời và xem hồ sơ?
Không có chuyện đó. Tôi hồi đó chưa ở Roma, nhưng đã có những thủ tục mà người ta cũng phải giữ. Thường thì hồ sơ xét đoán không được gởi cho đương sự, nhưng ông hẳn biết, là mọi chuyện đã diễn ra như thế nào, ông đã được hỏi và đã có thể trả lời.

Regensburg (1969-1977)

Hi vọng cuối cùng thì mọi chuyện lại tốt đẹp. Vị Giáo Sư trẻ trở lại quê hương Bayern, ông anh và bà chị đặc biệt vui mừng được sống gần em. Tại Đại Học Regensburg, Ratzinger và các giáo sư khác thay nhau làm khoa trưởng Khoa Thần Học Công Giáo, và năm 1976 được bầu làm Phó Viện Trưởng. Ông mơ ước xây đắp công trình thần học của mình. Thời gian này xuất hiện những tác phẩm quan trọng như „Das Geheimnis von Tod und Auferstehung“ (Bí Ẩn Sự Chết Và Sống Lại) và „Das neue Volk Gottes, Entwürfe zur Ekklesiologie“ (Dân Mới Của Thiên Chúa. Những Sơ Đồ Về Giáo Hội Học), trong cuốn sách này Ratzinger cũng trình bày về „Tình đồng nghiệp của các giám mục“ và sự „Đổi mới Giáo Hội“. Nhất là lúc này ông đã có thể suy nghĩ rốt ráo những vấn nạn về Chết và Bất Tử, Sống đời đời, đức Ki-tô tái lâm và Toà phán xét. Đó là nội dung của cuốn „Cánh Chung Học“, một tác phẩm được ông soạn kĩ nhất.
Ngài chẳng bao giờ ở lâu một chỗ. Có lẽ giống như một người đơn độc, chẳng nhất thiết phải thích ứng vào một nơi nào cả. Rời Bonn, rời Münster, nay lại bỏ Tübingen.
Dù vậy, tôi đã làm bộ trưởng từ 1982 tới 2005.
Nhưng sau nhiệm kì năm năm Ngài đã muốn nghỉ.
Vâng, và đã rõ là tôi sẽ không được nghỉ. (Cười.)
Regensburg là chốn Ngài muốn dừng chân, mà lại không được. Nếu đã có thể, thì đấy là niềm hạnh phúc cuộc đời của Ngài.
Có thể nói như vậy.
Ngài đã cùng bà chị xây một mái nhà cho mình ở Regensburg, nhưng giờ lại phải ra đi. Thật hoảng hồn, khi được vị Sứ Thần toà thánh trao tay lá thư cho biết Giáo Tông muốn Ngài về làm giám mục ở München. Thất vọng và khó hiểu, không phải chỉ vì từ nay mình không còn được dạy học, một nghề mà Ngài cho đó là ơn gọi của mình, mà còn vì sự bất cập của các cấp trên, hẳn họ phải biết rằng, „tôi hoàn toàn xa lạ với việc lãnh đạo và chuyện hành chánh“. Đó có phải là nếp gẫy lớn nhất của đời mình, sự kết thúc của những giấc mơ?
Vâng, nhưng mình cũng biết là không thể sống với những giấc mơ được.
Sau một đêm trăn trở, Ngài đã đặt bút kí sự đồng ý của mình trong phòng trọ của một khách sạn. Khách sạn nào vậy?
Đó là – Trời, nó còn mang tên gì vậy? Từ nhà ga đi vào trung tâm thành phố… ở phía phải có một khách sạn. Không biết nó có còn đó nữa hay không.
Trong đêm đầy khó khăn đó Ngài đã bàn với linh mục giải tội của mình là Johann Auer, một người mà theo như Ngài kể lại trong cuốn hồi kí, „biết rất rõ đâu là biên giới khả năng của tôi về mặt thần học và mặt con người“. „Biên giới về mặt con người“ có nghĩa là gì?
Ông ấy bảo rằng, tôi – phải nói thế nào đây? – còn phải học hỏi rất nhiều, tôi chưa hoàn hảo, tôi có những vấn đề. Chúng tôi là bạn, và cũng vì bạn mà ông ấy vẫn khiển trách tôi trong tình anh em, chính bởi vì ông thấy được giới hạn của tôi.
Nhưng ông ấy đã khuyên Ngài nhận.
Đó là điều trớ trêu. Tôi đã chờ ông ta nói ra: „Không, anh không thể mần được! Là vì ông ta luôn luôn nói câu: „Chả là cái quái gì hết!“ hoặc chờ ông khuyên nên làm cái này cái nọ ngược lại. Vì thế tôi nghĩ ông sẽ nói với tôi: Chả là cái quái gì cho anh cả!
Có thể đấy chỉ là câu nói xuất phát từ sự nhút nhát của Ngài?
Có lẽ không phải. Mà có lẽ cũng có, nhưng…
Một phụ tá của Ngài trước đây cho hay, Ngài quá rụt rè đi, chỉ có ai thật thấu hiểu thì mới lôi được Ngài từ lồng kiếng ra.
(Cười.) Đó là hơi cường điệu.
Ngài có thể nói ra được hết mọi chuyện riêng của mình với linh mục Auer?
Đúng, đúng.

München (1977-1982)

Sau gần 25 dạy học trong các đại học ở Đức, với bài sai ngày 25.03.1977 giáo tông Phao-lô VI cử Ngài làm tổng giám mục München-Freising. Người dân ở thủ phủ miền nam này nhận biết Ngài như là một nhà phân tích xã hội mạnh miệng và uy tín nhất, là người đưa ra câu trả lời rõ ràng cho những vấn nạn đạo đức hiện tại. Không ngớt người hỏi xin các bài giảng của Ngài. Lúc này xuất hiện các tác phẩm: „Eucharistie – Mitte der Kiche“ (Thánh Thể - Tâm Điểm Của Giáo Hội), „Christlicher Glaube und Europa“ (Đức Tin Ki-tô Giáo và Âu Châu), „Glaube – Erneuerung – Hoffnung. Theologisches Nachdenken über die heutige Situation der Kirche“ (Đức Tin – Đổi Mới - Hi Vọng (với phụ đề) Suy Tư Thần Học Về Hoàn Cảnh Hiện Tại Của Giáo Hội).

Ngày 06.08.1978 giáo tông Phao-lô VI từ trần. Trong cuộc mật nghị hồng y sau đó Ngài gặp lại vị Hồng Y giáo phận Krakau, người mà Ngài đã một lần gặp cách đó một năm khi họp Công Đồng. Sự quen biết đó diễn ra như thế nào?
Trong buổi tiền mật nghị hồng y Wojtyla là người thỉnh thoảng lên tiếng, và tiếng nói của ngài luôn ấn tượng rất mạnh trên tôi. Tôi có cảm tưởng ngài là một người nhiều suy tư với một căn bản triết học vững; thêm vào đó đặc biệt là một người đạo đức, tốt bụng và nhân ái. Gặp trực tiếp ngài thì nhận ra ngay những đức tính đó. Một người học thức và khôi hài, có lòng nhân mặn mà và lòng đạo rất sâu.
Hai người nói chuyện với nhau như thế nào?
Bằng tiếng Đức. Ngài nói tiếng Đức rất khá. Đó là sinh ngữ đầu tiên và thông thạo nhất, mà ngài đã bắt đầu học ngay từ lớp một.
Karol Wojtyla, cũng như Ngài, trước hết là giám mục phụ tá, sau lên tổng giám mục Krakau và cùng tham dự Công Đồng với Ngài. Hai người có đi dạo với nhau ở Roma không?
Trong thời công đồng thì không. Nhưng tôi đã nghe nói về ngài. Tôi biết ngài là một triết gia và vừa nói chuyện trong đại hội các triết gia ở Napoli nước Í.
Mật nghị tháng tám bầu Albino Luciani làm giáo tông Gio-an Phao-lô I, vị „Giáo Tông hay mỉm cười“). Nhưng ngài đã từ trần sau 33 ngày. Lại mật nghị hồng y. Là Hồng Y của München, Ngài có mặt ở cả hai lần bầu. Một ngạc nhiên lớn. Lần đầu tiên sau năm trăm năm một vị không phải là người Í được bầu: Karol Wojtyla. Ngài có phần đóng góp lớn nào của mình trong việc bầu cho Wojtyla không?
Không, tôi tin là không. Tôi là một trong những hồng y trẻ và cũng chẳng muốn tự đóng một vai trò nào. Tôi dứt khoát chống lại mọi âm mưu và những chuyện như thế, đặc biệt trong việc bầu giáo tông. Phải để cho mỗi người tự do bầu theo lương tâm. Những hồng y trong vùng nói tiếng Đức có nói chuyện với nhau trước, nhưng đã không dặn nhau bầu cho một nhân vật nào cả.
Nhưng các hồng y nói tiếng Đức xung quanh hồng y König ở Wien đã ủng hộ mạnh cho Wojtyla?
Đương nhiên là có ủng hộ.
Còn Ngài thì hoàn toàn dè dặt?
Tôi có thể nói, bên ngoài mật nghị hồng y König đã nêu lên nhiều nhân vật. Còn chuyện trong mật nghị thì phải giữ kín. Tôi là một tổng giám mục mới ra lò, nên muốn hoàn toàn tránh xa mọi sinh hoạt công. Chúng tôi, những hồng y nói tiếng Đức có gặp nhau, để bàn chuyện. Nhưng riêng tôi chẳng đụng tới bất cứ gì liên quan chuyện chính trị cả. Điều này tôi thấy không hợp với hoàn cảnh của tôi.
Ngài có hốt hoảng không khi Wojtyla được bầu?
Không. Hoàn toàn không. Tôi bầu cho ngài. Hồng y König có nói với tôi. Và từ kinh nghiệm riêng, cho dù mới quen biết sơ giao, tôi xác tín ngài đúng là nhân vật nên được bầu.
Ngày 16.10.1978 bắt đầu nhiệm kì giáo tông thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo. Vị Giáo Tông tự cho mình „đến từ một vùng đất lạ“ mở đầu một thời đại, trong đó thế giới thay đổi như chưa từng ai có thể nghĩ tới. Qua việc bầu Wojtyla, Ngài bước vào một hoàn cảnh mới. Là vì vị tân Giáo Tông là người bằng mọi cách muốn Ngài về Roma.
Lúc đó tôi chưa biết điều này, nhưng càng về sau mới rõ ra.
Lời mời đầu tiên đến từ lúc nào?
Hiện tôi không còn nhớ nữa. Tôi biết, là ngài muốn đưa tôi sang Roma. Một năm trước đó có việc điều động nhân sự mới cho Bộ Giáo Dục. Ngài muốn đưa tôi vào. Tôi trả lời: „Không được. Tôi vừa về München, tôi đã hứa với tín hữu, lúc này không thể đơn giản bỏ đi được.“ Vì thế hồng y Baum ở Wahsington đã về đó. Về sau, tôi không còn có thể chối từ được nữa. Nghĩa là tôi còn đưa ra một điều kiện, mà tôi nghĩ rằng, không thể thoả mãn được. Tôi nói: „Tôi chỉ có thể chấp nhận, nếu được tiếp tục ra sách“. Lúc đầu ngài do dự, sau đó tìm hiểu thì biết hồng y Garrone, người tiền nhiệm của Baum trong Bộ Giáo Dục, đã có in sách, nên rốt cuộc nói với tôi: „Ngài có thể tiếp tục ra sách.“
Có phải là điều bất kính không, khi đặt điều kiện với một giáo tông?
(Cười.) Có thể, nhưng tôi coi đó là bổn phận của tôi phải nói ra. Vì thâm tâm tôi cảm thấy mình có bổn phận muốn nói ra cho nhân loại một điều gì đó.

Bộ Trưởng

Roma (1982 - 2005)



Qua buổi lễ từ giã giáo phận München người ta mới thấy được mối gắn bó của tổng giám mục Ratzinger đối với thành phố này và với cả tiểu bang Bayern. Vai trò giám mục đã biến ông trở thành một mục tử gần với con chiên. Chưa bao giờ một hồng y ở Đức nhận được nhiều lời khen, nhận được thiện cảm như trường hợp của ngài; buổi lễ đó lại còn được cả đài truyền hình chính ARD của quốc gia trực tiếp truyền đi.

Nhưng cũng đã thoáng xuất hiện những viễn tượng không hay. Ratzinger biết, rồi đây những bản văn từ Roma mang chữ kí của mình sẽ chẳng phải toàn là những thứ tin tức gây thiện cảm. Và nữa: Ông Tổng Giám Mục trẻ dễ thương của München có thể sẽ trở thành „con chó giữ nhà của Giáo Tông“.
Thưa đức Thánh Cha, ngày 25.11.1981 Ngài được chỉ định làm Bộ Trưởng Bộ Đức Tin, và như thế trở thành người đứng đầu lo việc gìn giữ đức tin của Giáo Hội công giáo bên cạnh Giáo Tông . Ngày 01.03.1982 Ngài tới Roma nhận nhiệm sở. Nghe nói, những buổi họp lớn đầu tiên của Ngài đều bằng tiếng La-tinh?
Lúc đó tôi không biết tiếng Í. Tôi mới chỉ học nói theo sơ sơ. Hẳn đó là cái dở của tôi. Vì không thể điều hành được bằng tiếng Í, tôi đã dùng tiếng La-tinh.
Với hi vọng, là mọi người đều hiểu.
Thời đó quả thực ai cũng biết tiếng La-tinh, nên chẳng có vấn đề gì cả.
Lần đầu tiên gặp Gio-an Phao-lô II ở Vatican diễn ra như thế nào? Hai người đã nói với nhau về đường lối chính sách của Giáo Tông và đặc biệt về những nhiệm vụ phải làm của một Bộ Trưởng?
Không. Tôi tới gặp ngài hàng tuần. Có dư đủ giờ để trao đổi với nhau. Chúng tôi không bàn tới những đường lối căn bản. Còn công việc phải làm của một bộ trưởng thì đã rõ.
Có lần Ngài nói, có dâng thánh lễ chung thì mới hiểu rõ được con người của Gio-an Phao-lô II, chứ chỉ có nghiên cứu sách của ngài mà thôi thì không đủ. Nghĩa là sao?
Khi dâng lễ chung với ngài, mình mới cảm được sự gần gũi của ngài với Chúa, cảm được chiều sâu đức tin của ngài, và mới nhận ra ngài đúng là một kẻ chìm đắm trong đức tin, cầu nguyện và tràn đầy thánh thần. Đọc sách ngài, ta cũng nhận ra được một hình ảnh về ngài, nhưng không nhìn thấy toàn bộ nhân cách của ngài.
Hai người mang tâm tính rất khác nhau. Vậy tại sao lại có thể hoà hợp với nhau đến như thế? Phải chăng chính vì vậy mà bộ máy mới chạy?
Có lẽ như thế. Ngài là người hướng ra xã hội, cần sự sống và chuyển động, cần những cuộc gặp gỡ. Tôi trái lại thích yên tĩnh và đại loại như thế. Chính vì khác nhau, mà chúng tôi bổ tức cho nhau.
Và vì đơn giản là hai vị ưa nhau?

Đúng.
Vì các hợp chất hoá học tương hợp?


Đúng.
Và cũng vì cùng chung một niềm tin?
Vâng.
Điều đó khiến cho sự việc trở nên đẹp và đơn giản?
Đúng. Là vì cả hai biết, mình đều muốn cùng một thứ như nhau.
Có những gặp gỡ riêng tư? Những buổi đi dạo chung, ăn chung, tham quan chung?
Có ăn chung, nhưng luôn với một số ít người khác nữa. Không có đi dạo và đi tham quan chung.
Không đi trượt tuyết chung?
(Cười.) Không. Tôi không biết trượt tuyết.
Hai người xưng hô với nhau bằng Anh – Tôi?
Không.
Khi còn làm Tổng Giám Mục ở München và khi làm Bộ Trưởng ở Roma Giáo Tông có nhờ Ngài giúp một công tác nào đó ở Ba-lan không? Công tác yểm trợ phong trào đối kháng Solidarnosc (Công Đoàn Đoàn Kết)?
Không.
Thời đó Ngài đã nhiều lần sang Ba-lan.
Đúng, nhưng sang vì những chuyện khác… Tôi có những quan hệ trực tiếp.
Mật vụ của Đông Đức theo dõi Ngài. Họ có một hồ sơ về Ngài.
Đúng, nhưng chẳng có gì trong đó.
Ngài có tich cực đồng hành với „Ostpolitik“ (chính sách đối với các nước đông âu cộng sản) của Giáo Tông không?
Chúng tôi có trao đổi với nhau về chuyện này. Rõ ràng chính sách của Casaroli [Hồng y Agnostino Casaroli được coi là kiến trúc sư về chính sách của Vatican đối với Đông Âu dưới thời Gio-an XXIII và Phao-lô VI; ông giữ vai trò Quốc Vụ Khanh dưới thời Gio-an Phao-lô II từ 1979 tới 1990] đã thất bại từ nền tảng, cho dù nó được người ta khen lấy khen để. Đường hướng mới của Gio-an Phao-lô II xuất phát từ kinh nghiệm sống động riêng của ngài, từ mối giao tiếp của ngài với các quyền lực và các thế lực đó. Dĩ nhiên thời đó người ta không thể hi vọng vào một cuộc sụp đổ mau chóng của chế độ này. Nhưng rõ ràng, là phải mạnh mẽ chống lại nó, thay vì nỗ lực đi tìm những thoả hiệp. Đó là quan điểm nền tảng của Gio-an Phao-lô II, mà tôi cũng tán đồng.
Có khi nào hai người cãi nhau?
Không.
Hẳn là đã có những dị biệt quan điểm. Chẳng hạn như nơi cuộc gặp gỡ cầu nguyện ở Assisi của Giáo Tông với đại diện các tôn giáo thế giới; đây không phải là một đề tài thú vị của Ngài.
Điều này đúng. Nhưng chúng tôi đã không tranh luận gì, vì tôi biết, ngài mong muốn điều đúng và trái lại ngài cũng hiểu, là tôi có một đường lối hơi khác. Trước cuộc gặp ở Assisi lần thứ hai ngài bảo tôi, là ngài muốn tôi đến đó và tôi cũng đã đến. Và lần này việc tổ chức cũng đã hoàn bị hơn. Những yêu cầu của tôi đã được chấp nhận và rồi đã có được một hình thái tổ chức, qua đó tôi có thể tham gia cách tốt đẹp.
Trong cuốn sách đầu tiên của chúng ta „Muối Cho Đời“ tôi có hỏi: „Gio-an Phao-lô II sợ Ngài phải không?“ Vì nghe đâu, mỗi lần gặp chuyện khó xử, Gio-an Phao-lô II thường hỏi: „Thế hồng y Ratzinger đã nói thế nào về điểm này?“
Không. (Cười lớn.) Chẳng có chuyện sợ gì cả, nhưng ngài rất quan tâm tới ý kiến của chúng tôi. Nhân đây tôi muốn kể cho Anh nghe một câu truyện vui: Có lần một vị đại diện toà thánh hỏi giáo tông Pi-ô XII, ông có được phép làm một điều gì đó theo ý riêng hay không, và việc làm này không hoàn toàn phù hợp với giáo luật. Giáo Tông suy nghĩ một lúc rồi nói: „Ngài được phép. Nhưng nếu Bộ Đức Tin biết được và cho điều tra, thì tôi chẳng giúp gì Ngài được đâu.“ (Cười.)
Một trong những tài liệu gây sóng gió của Ngài là tuyên ngôn „Dominus Iesus“, trong đó trình bày về tính cách cá biệt của Giáo Hội Công Giáo. Cho tới nay người ta vẫn cho rằng, tài liệu đó là do chính Ngài viết.
Tôi cố ý không bao giờ tự viết một tài liệu nào cả của Bộ, để tránh bị trách cứ, là mình qua đó muốn phát tán và áp đặt quan điểm thần học riêng của mình. Tôi chủ trương phải để cho cơ thể được phát triển bình thường, mỗi thứ phải được xuất phát từ bộ phận trách nhiệm của nó. Dĩ nhiên tôi cũng đóng góp vào đó và cũng giúp biến đổi chúng. Nhưng tôi đã không tự tay viết một tài liệu nào, kể cả Dominus Iesus.
Thời đó người ta đồn rằng, chính Giáo Tông cũng chống tại Tuyên Ngôn.
Điều này không đúng. Một hôm ngài gọi điện cho tôi và nói: „Tôi muốn nhân một buổi đọc kinh Truyền Tin sẽ nói về chuyện này và cho thiên hạ hiểu rằng, tôi hoàn toàn đồng ý với bản Tuyên Ngôn; vì thế tôi muốn Hồng Y tự viết cho tôi bản văn để đọc, trong đó cho thấy hai chúng ta hoàn toàn là một.“ Và tôi đã viết, nhưng trộm nghĩ, bản văn không thể viết cách xuyềnh xoàng được. Vì thế nội dung đã được viết rõ ràng và câu văn cũng thật tô chuốt. Ngài hỏi tôi: „Có chắc bản văn không còn một kẽ hở nào nữa chứ?“ –„Chắc chắn.“ Nhưng sự việc đã tác động hoàn toàn ngược lại. Cũng vì hình thức đài các của bản văn mà mọi người đã nói: „Ấy, cả Giáo Tông cũng không muốn đồng ý với Hồng Y.“
Còn lần xin lỗi năm 2000, qua đó Giáo Hội công giáo đã xin lỗi về những thiếu sót và lầm lỗi trong lịch sử? Người ta bảo, Ngài đã chống lại chuyện này.
Tôi không chống, trái lại còn tham dự vào chuyện đó. Quả thật tôi đã tự hỏi, không biết Giáo Hội có nên xin lỗi đi xin lỗi lại nhiều lần hay không. Nhưng khi nhìn vào gương của Thánh Vịnh và của Sách Ba-rúc chẳng hạn, tôi nhận ra việc Giáo Hội phải nhận lỗi mãi trong nhiều thế kỉ là chuyện đúng.
Ý tưởng làm sách Giáo Lí Công Giáo cho toàn thế giới là do Ngài đưa ra?
Không phải chỉ mình tôi đưa ra. Thời đó càng ngày càng có nhiều người nêu lên câu hỏi: Không biết Giáo Hội còn có một giáo huấn chung nữa không? Người ta bảo, quả thật chẳng biết Giáo Hội tin điều gì nữa. Có nhiều trào lưu rất mạnh, ngay cả trong những người rất tốt, họ bảo: Ta không thể nào làm được một cuốn giáo lí chung. Tôi nói: Hoặc là chúng ta còn có một cái gì để nói; nếu vậy thì phải làm sao trình bày nó ra. Hoặc là ta chẳng còn gì để nói nữa. Như thế, tôi là một chiến sĩ tiên phong cho tư tưởng đó, với xác tín rằng, Giáo Hội ngày nay vẫn phải có khả năng nói ra những gì mình tin và dạy.
Còn tông thư Fides et Ratio– Đức Tin và Lí Trí năm 1998, có bao nhiêu phần của hồng y Ratzinger trong đó? Đôi chút hay chẳng có gì cả?
Có thể nói đôi chút. Có đóng góp một số ý tưởng.
Có câu chuyện vui nào giữa Ngài và Gio-an Phao-lô II không?
Trong dịp Gio-an Phao-lô II thăm nước Đức lần đầu tiên và đang ghé München, tôi thấy lịch trình công việc của ngài dày đặc từ sáng đến tối mịt. Tôi nghĩ, không thể để như thế được. Phải chừa một chút để nghỉ ngơi chứ! Và tôi đã can thiệp thành công, để ngài nghỉ trưa chốc lát trong căn phòng đẹp của tòa tổng giám mục. Vừa lên phòng chưa được bao lâu, ngài gọi tôi lên gấp. Khi tôi bước vào, ngài cũng vừa nguyện kinh sách xong. Tôi nói: „Đức Thánh Cha phải nghỉ ngơi một chút!“ Ngài liền trả lời: „Tôi có thể nghỉ ngơi ở chốn đời đời.“ Tôi nghĩ, đó là đặc tính của con người ngài. Tôi có thể nghỉ ngơi ở chốn đờn đời. Còn ở chốn này thì không thể nghỉ được.
Có lẽ điều đó cũng đúng phần nào đối với chính Ngài. Khi tôi gặp phỏng vấn Ngài lần đầu trong tháng 11 năm 1992, Ngài thú nhận là đã quá mệt mỏi và muốn từ chức xin nghỉ. Ngài bảo, phải nhường chỗ cho những sinh lực mới.
Năm 1991 tôi bị xuất huyết mạch máu não. Nó còn tác động mạnh cho tới năm 1992. Phải nói từ 1991 tới 1993 là những năm khá khó nhọc đối với tôi; cả về thể lực lẫn tâm lực. Và rồi tôi lại khỏe lại.
Ngài xin từ chức lần đầu tiên vào lúc nào?
Điều này tôi cần phải tìm nhớ lại cho rõ. Sau thời gian năm năm đầu (Quinqeunnium) vào năm 1986 tôi có nhắc nhở Giáo Tông rằng, nhiệm kì của tôi đã hết. Nhưng ngài bảo: không nghỉ được. Năm 1991 tôi khẩn thiết yêu cầu ngài cho tôi nghỉ, vì như đã nói, tôi bị xuất huyết não và sức khỏe quá tệ. Tôi nói với ngài: Giờ thì không thể tiếp tục được nữa. Nhưng ngài trả lời: „Không được.“
Và lần thứ ba?
Trước khi tôi có thể mở miệng, ngài đã nói: „Hồng Y không cần phải viết đơn xin nghỉ, không cần phải nói với tôi, vì đơn sẽ không được chấp nhận. Hồng Y phải ở lại, bao lâu tôi còn ở đây.“
Tháng chín 1991 Ngài bị đột quỵ phải nằm bệnh viện Pi-ô XI ở Roma mười bốn ngày. Sự việc xẩy ra như thế nào?
Vụ xuất huyết não làm cho thị lực mắt trái của tôi bị hạn chế. Tôi vẫn nhìn được với con mắt đó, nhưng chỉ nhìn thấy thẳng trước mặt, chứ không thấy hai bên chung quanh. Ngoài việc kiệt sức vì công việc và tuổi tác, đó là nỗi phiền hà chính. Nhưng chừng ấy cũng đủ mệt rồi.
Rồi sao nữa?
Dần dần thị lực mắt trái trở nên khá hơn. Nhưng rồi một hôm, tôi nghĩ là năm 1994, bị thêm chứng tắc mạch máu, nó toả dần ra khắp con mắt. Lúc đó tôi đang ở Maria Eck và ngày hôm sau mới tới được bác sĩ. Nhưng quá trễ, thị lực đã bị ảnh hưởng quá nặng. Phải chữa trị lâu, và cuối cùng bị thêm Makula nữa [Macula lutea: chứng bệnh làm võng mạc có những đốm vàng], nên mắt trái mù luôn.
Mù hẳn?
Vâng. Tôi chẳng còn thấy sáng hay tối gì nữa.
Ở Vatican Ngài chẳng liên hệ với nhóm chính trị nào cả. Ngài chúa ghét chuyện lập bè lập nhóm. Có phải vì xa cách bộ máy cơ quan mà Ngài gặp lắm kẻ thù?
Tôi tin hẳn không có chuyện đó. Tôi cũng có những bạn hữu. Mọi người biết, tôi không làm chính trị, do đó hận thù đã không có dịp nẩy nở. Họ biết: Ông này chẳng nguy hiểm gì.
Với tư cách người canh giữ đức tin, Ngài đã ảnh hưởng trên nhiệm kì của Gio-an Phao-lô II suốt một phần tư thế kỉ, lâu nhất từ trước cho tới nay. Ngược lại, Wojtylas đã ảnh hưởng thế nào trên con người Ratzinger?
Tôi học được từ ngài lối suy nghĩ thông thoáng hơn, ngay cả trên bình diện đối thoại tôn giáo. Đặc biệt chúng tôi trao đổi với nhau rất nhiều về các tông thư đạo đức và về cuốn giáo lí. Tầm nhìn rộng và nặng chiều triết học của ngài do đó cũng đã giúp tôi mở rộng chân trời của mình.
Ai đã quyết định để Ngài viết các lời nguyện đường thánh giá ở cầu trường Kolosseum năm 2005, trong đó Ngài nói tới nhiều nhơ bẩn trong Giáo Hội, tới sự phản bội đức Ki-tô. Có phải Giáo Tông là người đã đưa ra những ý tưởng đó?
Những ý tưởng kia là do ngài. Chính Giáo Tông muốn nói ra điều đó.
Giáo Tông đã nói gì về bản văn đó?
Chẳng còn nói được gì, vì ngài đã quá đau yếu và quá mệt.
Hàng triệu người theo dõi truyền hình buổi lễ tiễn đưa giáo tông Gio-an Phao-lô II. Hôm đó trên công trường Phê-rô có từ ba tới năm triệu người chen chúc nhau dự lễ. Chiếc hòm gỗ đơn sơ, gió lật từng trang cuốn Tin Mừng đặt trên đó, buổi lễ do Ngài chủ tế thật cảm động. Ngài nghĩ và cảm gì lúc đó?
Cái chết đó hiển nhiên đã đánh động tôi mạnh, vì chúng tôi rất thân nhau. Ngài là một nhân vật quan trọng quyết định đối với tôi. Tôi cũng đã chứng kiến hết đoạn đường đau đớn của ngài, và khi tới thăm ngài tại bệnh viện Gemelli tôi biết ngài sẽ chẳng còn sống được bao lâu nữa. Dĩ nhiên chẳng ai cầm lòng được trước một cảnh ra đi như thế. Đồng thời tôi cũng ý thức, là ngài đang hiện diện, đang từ cửa sổ thiên đình đưa tay ban phép lành cho mọi người, như tôi đã nói lên điều đó trên công trường Phê-rô. Đây chẳng phải là lời nói suông, nhưng nó xuất phát từ cảm xúc tự đáy lòng. Ngài lúc này vẫn đang hiện diện, vẫn đang nhìn xuống chúc lành và tình bạn giữa tôi và ngài vẫn tiếp tục với một cách khác.

Phần III
Giáo Tông Với Những

Tác Phẩm Về Đức Giê-su

Bỗng Dưng Thành Giáo Tông


Ngày 19.04.2005 Joseph Ratzinger xuất hiện trên bao lơn nhà thờ thánh Phê-rô trong cương vị là người kế nhiệm thứ 264 của thánh Phê-rô, với dáng vẻ của một người trẻ măng. Sở dĩ như vậy, là vì người ta đã quá quen với hình ảnh một giáo tông bệnh hoạn trên chiếc xe lăn, khó đọc xuôi chảy một bản văn cầm trên tay. Chưa có lần chuyển giao quyền hành giáo tông nào có nhiều khác biệt như lần này. Vị tiền nhiệm thiên về thần bí và chuyên về mẹ Ma-ri-a. Người kế nhiệm là một nhà thông thái chuyên về đức Giê-su. Một người là diễn viên cần sân khấu. Một người là „người thợ“ nhút nhát „trong vườn nho của Chúa“, người của văn tự vốn thích ẩn mình trong âm thầm. Tân Giáo Tông cho hay, nhiệm vụ chính của ngài là làm sao cho „Lời Chúa vẫn giữ được nét cao cả và sự tinh khiết trước mọi nỗ lực thích nghi và pha loãng“. Đối với ngài, cải cách trước hết có nghĩa là sự thanh tẩy nội tâm trong lòng Giáo Hội.
Thưa đức Thánh Cha, Ngài mơ ước điều gì khi nghĩ rằng, sau cái chết của Gio-an Phao-lô II lần này chắc chắn mình sẽ được nghỉ hưu?
Như đã nói, tôi ước ao trở lại cuộc sống bình ổn để có thể tiếp tục viết sách.
Mơ ước đó có thực tế không?
Tuyệt đối thực tế.
Ngay trước khi vào họp mật nghị Ngài giảng lễ và cảnh báo về „nạn độc tài của chủ nghĩa tương đối“, theo đó quy chuẩn cuối cùng để phán xét mọi giá trị rốt cuộc nằm trong tay từng cá nhân một và tuỳ theo các sở thích của họ. Theo Ngài, trước hoàn cảnh này Giáo Hội cần phải loan truyền sự thật của đức tin, cho dù mọi ý hệ và mọi phong trào thời thượng. Những cơn sóng thời thượng không ngừng gây điên đảo nếp nghĩ của Ki-tô hữu và đẩy họ từ thái cực này sang thái cực khác. Ở thời đại này, những ai tin vào giáo huấn trong sáng của Giáo Hội thường bị gán cho nhãn bảo căn (Fundamentalismus). Nhưng các linh mục cần phải có được cho mình „sự bất an thánh thiện“, để mang quà tặng đức tin tới cho con người, cụ thể là mang „Lời mở ra niềm vui thiên chúa cho tâm hồn họ“, kết cuộc giúp họ cắm rễ vào „tình bạn với đức Ki-tô“. Giáo sĩ và giáo dân trên công trường hôm đó đồng lòng vỗ tay vang dội. Nhiều người bảo, đó là bài nói nhằm kêu gọi các hồng y bỏ phiếu cho mình.
Hoàn toàn không có chuyện đó. Với tư cách niên trưởng tôi phải giảng lễ trước các hồng y. Và tôi chỉ diễn dịch bài đọc ngày lễ hôm đó của thánh Phao-lô gởi các tin hữu ở Ê-phê-sô, trong đó ngài bảo, không được để cho sóng gió thế gian lôi cuốn mình đi. Chỉ có thế. Chủ đề đã có sẵn.
Đây là lần mật nghị thứ ba mà Ngài tham dự. Đâu là những khác biệt so với hai lần trước?
Trong hai lần trước tôi còn thuộc nhóm những hồng y trẻ và chưa ai biết đến, có thể nói là một anh lính trơn, chưa phải nghĩ ngợi gì. Lần này tôi mang trách nhiệm của một niên trưởng hồng y. Nghĩa là phải lo việc chôn cất người quá cố, phải điều hành các công tác chuẩn bị và có trách nhiệm ngay cả trong cuộc họp bầu. Sau khi có kết quả, vị niên trưởng sẽ hỏi người được bầu xem có chấp nhận kết quả bầu cử không. Sau gần hai mươi năm ở Roma và được nhiều người biết, vai trò của tôi lúc này không còn như xưa nữa. Và cuối cùng là tôi lúc này đã 78 tuổi, nên đã chẳng lo nghĩ gì lắm. Các giám mục được hưu lúc 75 tuổi, thì người ta không thể đẩy một ông già 78 tuổi vào ghế của Phê-rô.
Có lẽ không phải đây là lần đầu tiên một người trên 75 tuổi được bầu.
Nhưng trước đây chưa có hạn mức 75 này. Tôi nghĩ, nếu luật bắt một giám mục 75 tuổi từ chức, thì người ta không bắt một người đã 78 tuổi làm Giám Mục Roma.
Quả thật khó mà tưởng tượng được việc Ngài không tin mình sẽ được bầu khi bước vào mật nghị.
Hẳn trước đó đã có nhiều người tới nói với tôi. Nhưng tôi chẳng quan tâm, vì nghĩ rằng, điều vô lí này sẽ không thể xẩy ra. Vì thế cơn sốc đối với tôi càng mạnh.
Có giây phút nào Ngài chần chừ không muốn nhận kết quả bầu cử không?
Có. Suốt trong những ngày họp. Nhưng rồi không hiểu sao tới một lúc nào đó tôi hiểu là mình không được phép từ chối.
Ngài nghĩ tới việc chọn tên hiệu cho mình lúc nào?
Trong những ngày họp bầu.
Suốt những ngày bầu?
Phải chăng cuộc bầu chỉ diễn ra trong một ngày mà thôi?
Diễn ra trong hai ngày, thứ hai và thứ ba.
Đúng, trong những ngày bầu. Tôi vẫn tin, là sự việc sẽ không xẩy ra. Trong ngày đầu đã có dấu hiệu tôi có thể trúng cử. Tôi bỗng nghĩ tới mối liên hệ với giáo tông Biển-đức XV – và qua vị này với chính thánh Biển-đức.
Tại sao lại không chọn cho mình tên hiệu Gio-an Phao-lô III?
Có lẽ không thích hợp, vì tôi không thể đạt tới định mức đã được đặt ra. Tôi không thể là một Gio-an Phao-lô III được. Tôi là một mẫu hình khác, một khuôn cắt khác, tôi có một đặc sủng khác hoặc chẳng có đặc sủng nào.
Bỗng dưng trở thành vị đại diện Chúa Ki-tô trên trần gian. Ngài nghĩ gì lúc đó?
Ý nghĩ đến với tôi lúc đó: Giờ đây tôi cần sự phù trợ của Chúa nhiều hơn. Người ta biết, quả thật tôi chẳng là gì cả. Nhưng khi Người đã đặt gánh nặng lên vai tôi, thì Người phải giúp tôi gánh.
Khi được các hồng y bầu, Ngài thốt ra, là mình bị một “nhát đao” bổ xuống. Về sau, có bao giờ Ngài hối hận về sự so sánh đó không?
Không. Đúng là cảm giác như thế, nhát dao của máy chém.
Có vị tiền nhiệm nào là mẫu gương cho Ngài không? Phải chăng Phao-lô VI?
Có lẽ không phải. Đối với tôi, tất cả các giáo tông trong thế kỉ 20 cách nào đó đều là những mẫu gương, mỗi người một cách. Tôi biết, mình không thể giống ai trong họ được, nhưng có thể học nơi họ mỗi người một ít.
Ngài còn nhớ gì về những ngày đầu trong trách vụ mới?
Những ngày đầu? Thứ nhất là bữa ăn trưa ở nhà khách Santa Marta với anh tôi, với toàn gia đình và bạn hữu. Hôm đó thật vui và cảm động. Rồi tới cuộc tiếp khách đầu tiên với Kyrill, lúc đó còn là “Bộ Trưởng Ngoại Giao” ở Nga [từ 2009 làm Thượng Phụ của Giáo Hội Chính Thống ở Moskova]. Cuộc trao đổi rất thắm thiết. Tôi thích cái nét nông dân nga nơi ông. Chúng tôi hiểu nhau nhiều. Rồi tới cái đêm trước ngày lễ chuyển giao trách vụ. Tôi thức giấc lúc hai giờ sáng và nghĩ, nếu giờ này không ngủ lại được thì mai sẽ tệ lắm. Nhưng rồi đã lấy lại được giấc ngủ lúc bốn giờ sáng (cười).
Ngài cần ngủ bao nhiêu tiếng mỗi ngày?
Tôi ngủ nhiều, bảy, tám tiếng. Và tôi cũng gặp nhiều khó khăn trong việc cài khuy áo (Manchette). Nó làm cho tôi quá bực, đến muốn tống cổ xuống đáy luyện ngục tay nào đó đã nghĩ ra loại khuy này (cười).
Trước đây ngài không bận áo có khuy như thế?
Thỉnh thoảng, nhưng thường thì không, không.
Nghe nói, vừa đắc cử giáo tông Ngài đổi ngay tiệm may, vì chủ tiệm trước đó cắt quá ngắn.
Không có đâu. Xưa nay tôi vẫn đặt may ở Eurokleo và luôn cả ở Gamarelli. Không có Gamarelli là không thể nào xong được đâu.
Còn việc tới thăm chỗ ở lần đầu tiên?
Vâng, trước hết chúng tôi tới xem cái tháp. Trong khu vườn Vatican có một cái tháp pháo đài cũ được cha Giovanni [giáo tông Gio-an XXIII] cho sửa lại thành chỗ ở. Giáo tông Gio-an Phao-lô II cũng dọn vào đó một thời gian dài, khi điện giáo tông phải sửa sang lại. Người ta đề nghị tôi nên dọn vào đó, nhưng tôi không thích. Thứ nhất là vì các phòng trong đó có hình tròn bán cung. Tôi muốn ở trong những phòng bình thường, đúng cho con người. Thứ đến là ở đó gió mạnh quá. Thành ra tôi đã ở lại trong nhà khách Santa Marta, đợi cho đến khi Palazzo sửa xong.
Ngài đã cho trang hoàng căn hộ của mình, để nó sáng sủa và thân mật hơn?
Đầu tiên tôi yêu cầu dỡ tấm thảm đi, tôi không thích thảm. Tôi muốn nền là nền, thảm là thảm, không thể trộn lẫn cả hai thứ. Và rồi đúng là tôi đã cho thiết kế lại, để căn phòng ấm cúng thân mật hơn. Thật ra việc sơn lại đã được dự trù từ lâu, nhưng người ta chẳng chịu làm. Điều này cuối cùng đã được thực hiện trong thời gian tôi đi nghỉ hè.
Tại sao Ngài vẫn khăng khăng giữ lại căn hộ trước đây của mình?
Tôi đã không muốn và không thể bỏ nó, vì việc chuyển nhà diễn ra quá vội vàng. Tôi chỉ mang được một ít sách đi mà thôi, còn lại mọi thứ đều nằm tại chỗ. Đa số sách và đồ đạc vẫn phải để lại trong đó. Có lúc tôi đã nghĩ, trước sau gì cũng phải dọn hết đi, nhưng mang chúng đi đâu? Và người ta nói với tôi: Thôi cứ tạm để đấy đã.
Nghĩa là chẳng có chỗ nào để rút lui?
Chẳng có. Tôi biết chắc chắn là mình không thể về lại phòng này. Mà dù có từ chức, thì cũng không thể trở lại trong căn hộ bình thường đó được.
Là người mê nhạc, Ngài vừa làm việc hoặc vừa viết vừa nghe nhạc?
Không, như thế sẽ bị chia trí. Hoặc là nhạc hoặc là viết.
Ngài cần một không khí đặc biệt để viết?
Khi viết điều gì hay muốn suy nghĩ, tôi cần yên tĩnh. Tôi phải cần ở một mình. Có vậy mới tập trung đầu óc được cho sách, tư tưởng mới có thể chín dần.
Câu hỏi bên lề: Sau khi Ngài từ chức, đã có một cuộc tranh luận về ngân sách gia đình của giáo tông. Và hồng y Marx ở München đã bất chợt cho hay, ngân sách đó quá xa hoa. Ngài cũng nghĩ như thế?
Không. Hoàn toàn không. Chúng tôi luôn có cuộc sống rất đơn giản, ngay gốc gác của tôi cũng nói lên điều đó. Có thể nói, tôi xuất thân từ xứ Ngựa Đá [Hufschlag là tên làng nơi ở của Ratzinger thời thiếu niên. Hufschlag cũng có nghĩa là cú ngựa đá], nên không thể có cuộc sống vương giả được. Cái gì đã khiến cho hồng y Marx phát biểu như thế, tôi không biết.
Chẳng ai học được nghề làm giáo tông cả. Vậy có người nào hướng dẫn Ngài làm quen với công tác và chức vụ mình hay không?
(Cười.) Dĩ nhiên mình có thể học được từ những người có chức vụ khác, từ Hồng Y Quốc Vụ Khanh hoặc từ những vị thừa hành v.v. Như vậy một cách nào đó từ từ mình có thể làm quen với công việc.
Thời gian đầu đôi mắt của Ngài thường bị thâm quầng.
Vậy à?
Rõ ràng vai trò mới với lượng công việc chồng chất đã khiến Ngài mất ngủ?
Tự thân tôi vẫn cảm thấy bình ổn. Nhưng thời gian đầu đúng là mình gần như bị ngộp bởi công việc. Song rồi dần dần quen với nhiệm vụ mới.

Những Khía Cạnh Của Chức Vụ Giáo Tông


Quả là điều lạ lùng, khi tạo được một sự chuyển tiếp không đứt đoạn qua việc bầu một Giáo Tông người đức sau cái chết của một „Giáo Tông Của Thiên Niên Kỉ“ như Gio-an Phao-lô II. Các nhà bình luận nói tới một „cơn sốt Benedetto“, khi thấy thế giới hân hoan trước vị tân Giáo Tông. Chưa bao giờ số người tới gặp gỡ đông như lúc này. Các tông thư của Biển-đức được in với số lượng chóng mặt. Các báo chí lớn khắp nơi bàn tán về những bài nói chuyện của ngài.

Biển-đức XVI nói trong ngày lễ nhận chức 22.04.2005 trên Quảng Trường Thánh Phê-rô: „Chương trình thật sự của một chính quyền không phải là làm theo ý của tôi, làm sao thực hiện cho được những tư tưởng của tôi, nhưng là cùng với toàn thể Giáo Hội tôi lắng nghe lời và ý của Chúa và để Người dẫn dắt mình.“ Rồi ngài tiếp: „Chúng ta chẳng phải là sản phẩm tình cờ và vô nghĩa của tiến hoá. Mỗi chúng ta là hoa trái của một ý nghĩ thiên chúa. Mỗi chúng ta được tạo thành bởi ý muốn, mỗi chúng ta được yêu thương, mỗi chúng ta không vô ích.“
Thưa đức Thánh Cha, Ngài viết bài giảng quan trọng cho ngày lễ khai mạc sứ vụ đó ở đâu và lúc nào? Có lẽ trong căn hộ cũ của mình?
Tôi không còn nhớ rõ. Tôi nghĩ là ở trong nhà khách Santa Marta.
Hẳn Ngài đã nghĩ và chuẩn bị nó từ trước?
Không. Không được phép làm như thế. Tôi tin vào sự linh ứng của Chúa trong giây phút hiện tại lúc đó.
Bài nói chuyện hoặc bài giảng đầu tiên của một tân giáo tông thường được công luận hiểu là chương trình làm việc của vị đó. Ngài cũng nghĩ như thế?
Tôi cũng đã nghĩ như thế, và rồi tôi đã viết ra với sự phù trợ của Chúa.
Trên hai thập niên dài Ngài là người cộng sự thân cận của một giáo tông, và suốt nửa cuộc đời Ngài chuyên tâm vào sứ vụ loan truyền về mặt thần học. Có điều gì Ngài đặc biệt muốn tránh thực hiện không, sau khi nhận chức giáo tông?
Điều tôi muốn làm nhất là đưa Thiên Chúa và Đức Tin vào tâm điểm suy tư và cuộc sống. Và tôi cũng đặc biệt tìm cách đưa Kinh Thánh lên hàng ưu tiên. Tôi là một người đến từ lãnh vực thần học, và tôi biết điểm mạnh của tôi, nếu có, là việc rao giảng về Đức Tin một cách tích cực. Do đó, tôi muốn đặc biệt giảng dạy vô khối những điều chứa đựng trong Kinh Thánh và Truyền Thống.
Hỏi lại: Chỉ có những điều đã thực hiện là quan trọng. Nhưng đôi lúc những điều không thực hiện lại quan trọng hơn.
Tôi biết trả lời sao đây? Tôi biết, nhiệm kì giáo tông của mình sẽ không lâu. Tôi sẽ không thể thực hiện được những dự án dài hơi và những công trình lớn lao. Chẳng hạn tôi sẽ không thể triệu tập được một công đồng mới, nhưng cũng vì thế tôi muốn và có thể tăng cường thêm vai trò của thượng hội đồng giám mục.
Ngài thấy có vần đề gì không, khi người kế vị thánh Phê-rô là một giáo sư? Trong số mười hai tông đồ đức Giê-su chẳng chọn vị học thức nào cả.
Điều đó đúng, nhưng xưa nay vẫn có những giáo tông học giả, khởi đầu với đại giáo tông Lê-ô, đại giáo tông Grê-gô-ri-ô, hai ngôi sao thật sáng, rồi đến I-nô-xen III và các vị khác. Như vậy, chẳng có gì lạ. Dĩ nhiên một giáo tông không cần phải là một học giả về mặt thần học, tuyệt đối không cần. Nhưng người đó phải được huấn luyện về mặt tinh thần. Người đó phải biết đâu là những trào lưu hiện tại, đâu là những vấn nạn, những việc làm của ngày hôm nay. Như thế, làm giám mục hay giáo tông không nhất thiết phải là một giáo sư, nhưng cũng không loại trừ thành phần này cho các vai trò đó. Vâng, một giáo sư có thể tạo gánh nặng, điều này về sau ta mới có thể nhận ra, khi ông nhìn những thực tại cuộc sống quá nặng qua lăng kính lí thuyết, điều này đúng là một mối nguy. Nhưng rồi với sự giáo dục của những người khác dần dần ông sẽ trở thành khá hơn.
Hồng y Kurt Koch nói, giáo tông Biển-đức đã phải tiếp nhận và giải quyết nhiều chuyện, có thể nói đó là những gánh nợ, đã có từ trước. Ngài nghĩ sao?
Đúng, tình trạng hiện nay cũng lại như thế. Trong Giáo Hội luôn luôn có những vấn đề; chính ngay trong thiên kỉ của chúng ta, sau những chấn động tạo rối loạn của thời hậu công đồng người ta chẳng biết phải hiểu Công Đồng ra sao nữa. Nói chung, tình hình xã hội hiện nay buộc Ki-tô Giáo phải tự định hướng lại, tự định nghĩa lại mình và thể hiện nó ra. Như vậy thì trước sau vẫn không ngớt vấn đề.
Hồng y Koch đặc biệt cũng muốn nói tới những vấn đề còn tồn đọng, chưa được giải quyết dưới thời Gioan Phao-lô II.
Dĩ nhiên có một số chuyện. Nhưng tôi có thể nói, việc gì có thể giải quyết thì chúng đã được giải quyết. Nhưng luôn lại xuất hiện những vấn đề mới. Và một số trong chúng chẳng bao giờ giải quyết tới nơi tới chốn được.
Như đã nói, Ngài cho rằng, vì tuổi tác nhiệm kì của mình sẽ không kéo dài. Ý nghĩ đó đã ảnh hưởng trên chương trình hành động của Ngài. Phải chăng nhận thức đó là một lỗi lầm? Ngài đã có thể, cũng giống như giáo tông Phan-sinh đang làm, mở ra một cuộc canh tân và ít ra thành lập một số uỷ ban để thực hiện chương trình đó.
Mỗi người có một đặc sủng khác nhau. Phan-sinh là một người có khả năng xắn tay áo canh tân. Ngài đã làm tổng giám mục lâu năm, đã quen nghề, lại nữa trước đó đã làm bề trên của Dòng Tên và cũng dư can đảm trong những chuyện liên quan tới việc tổ chức. Tôi biết, đó không phải là điểm mạnh của tôi. Và nó cũng chẳng cần thiết. Bởi đã có việc canh tân giáo triều của Gio-an Phao-lô II với tự sắc Pastor Bonus. Đối với tôi, làm đảo lộn ngay mọi thứ có lẽ là điều không nên. Đúng là tôi đã không thể khởi sự một công trình dài hơi quan trọng nào về mặt tổ chức. Nhưng tôi cũng đã nghĩ rằng, chuyện đó không phải là điều cấp thiết.
Cựu sứ thần Karl Josef Rauber, mà Ngài đã quen biết lúc họp Công Đồng, nói về Ngài như vầy: Joseph Ratzinger là một học giả tuyệt đối đứng đắn, nhưng ông chỉ thích nghiên cứu và viết mà thôi.
(Cười.) Không, điều đó hẳn không đúng. Không thể chỉ như vậy được. Mình phải làm nhiều chuyện thực tế nữa, những chuyện này cũng tạo niềm vui cho mình. Thăm các giáo xứ, tiếp xúc với tín hữu, dạy Giáo Lí, gặp gỡ mọi giới. Chính việc đi thăm các giáo xứ là một phần công tác thú vị và vui. Tôi cũng không bao giờ chỉ là một giáo sư. Một linh mục hẳn không thể chỉ là một giáo sư. Nếu như thế, thì quả là thiếu sót. Sứ vụ của một linh mục luôn bao gồm một phần công tác linh hướng, trong đó có phụng vụ, có những cuộc trao đổi với tín hữu. Có lẽ tôi suy tư và viết nhiều, có thể lắm. Nhưng sự thật là tôi không chỉ làm hai chuyện đó mà thôi.
Đúng. Là bởi Ngài bắt đầu với một chuyện khá động trời: Thay cái vương miện quyền uy trên huy hiệu giáo tông bằng một mũ giám mục bình thường. Ngài là giáo tông đầu tiên trong Thời Mới làm chuyện này. Có sự phản đối nào trong đoàn hồng y không?
Tôi chẳng nghe ai nói gì cả. Đã chẳng ai phản đối trực tiếp với tôi. Mà chuyện đó cũng tới lúc phải làm. Vì khi mình không đội vương miện nữa, thì cũng chẳng có lí do gì giữ nó lại trên huy hiệu.
Ngoài ra vị Giáo Tông mới cũng có những thay đổi mạnh bạo. Lần đầu tiên có sự trao đổi trong các cuộc họp giám mục (thượng hội đồng giám mục), lần đầu tiên đại diện các tôn giáo khác cũng được mời tới dự. Ngài triệu tập những cuộc họp đều đặn với các vị đứng đầu các Bộ, qua đó giảm bớt những cuộc gặp riêng với từng vị, bớt đi những chuyến công du, bớt các nghi lễ phụng vụ và lễ phong thánh. Và Ngài cũng bỏ thói quen của vị tiền nhiệm, không còn mời khách dự thánh lễ buổi sáng và không còn đều đặn mời khách dùng bữa ăn chung nữa.
Ở một khía cạnh nào đó thì đây là một thiếu sót, nhưng phải nói, là tôi không thể nào làm khác hơn. Trong thánh lễ sáng sớm tôi cần sự yên tĩnh và tập trung. Tôi không thể mở đầu một ngày với ngay những cuộc gặp gỡ. Tôi cần dâng lễ trong không khí ít người, để có thể yên tĩnh cầu nguyện. Điều này không có nghĩa là tôi không muốn cho ai cùng dự lễ. Nhưng mỗi ngày phải gặp những khuôn mặt mới thường với nhiều tiếng nói khác nhau là điều quá tải đối với tôi. Và sau những cuộc tiếp kiến trong ngày tôi cần sự yên tĩnh trong các bữa ăn. Cứ phải gặp gỡ, trao đổi liên tiếp là điều tôi không thể làm được.
Có một thay đổi sớm sủa qua việc thuyên chuyển vị đặc trách lễ tân Piero Marini bởi Giudo Marini. Người ta bảo, lí do là vì Biển-đức XVI muốn những buổi lễ của mình phải được tổ chức một cách khác?
Không phải, Piero Marini trước sau vẫn là một người rất tốt. Về mặt phụng vụ ông tiến bộ hơn tôi, nhưng điểm này chẳng có vấn đề gì cả. Chính ông cũng muốn nhân dịp này được nghỉ. Và vì thế mới có một Marini thứ hai thay thế Marini thứ nhất.
Ngài cũng đã chọn một thánh giá mục vụ khác với thánh giá của vị tiền nhiệm, mặc áo choàng vai màu đỏ thay vì áo khoác màu trắng, cho rước lễ bằng miệng. Tất cả những thứ đó, theo những người chỉ trích Ngài, là sự „quay lại những nghi lễ phụng vụ của thời quá khứ“. Có phải thế không?
Không. Tôi vui mừng về sự canh tân của Công Đồng, khi những yếu tố canh tân của nó được thành tâm chấp nhận đúng với bản chất tốt đẹp của nó. Nhưng cũng đã có không thiếu những nhảm nhí và phá hoại, mà mình phải chống lại. Phụng vụ trong nhà thờ thánh Phê-rô luôn luôn tốt đẹp, và chúng tôi vẫn cố gắng tiếp tục. Không có luật buộc phải rước lễ bằng miệng, và tôi vẫn luôn cho chịu lễ bằng cả hai cách. Nhưng khi nhận ra trên công trường Phê-rô có lắm kẻ hiểu lầm, thay vì nuốt đi thì lại bỏ Mình Thánh vào túi, nên tôi thấy việc cho chịu lễ miệng có thể là một dấu chỉ đúng. Phải chăng điều này có nghĩa là khôi phục quá khứ? Tôi phải khẳng định rằng, trong phụng vụ chẳng có phạm trù Cũ và Mới gì cả. Các Giáo Hội đông phương gọi đó đơn giản là Phụng Vụ Của Thiên Chúa, nó được từ trên ban cho chúng ta, chứ không do con người làm ra. J.A. Jungmann gọi phụng vụ của phương tây là „Phụng Vụ được trở thành“. Với khái niệm này ông muốn nhấn mạnh tới yếu tố lịch sử bên phía tây phương; tây phương công nhận có một quá trình lớn lên và trưởng thành, suy đồi và canh tân nơi phụng vụ, dù vậy họ vẫn nhìn thấy một sự tiếp nối không đứt đoạn của điều đã được Chúa lập và các tông đồ truyền lại. Tôi cử hành phụng vụ với ý thức đó.
Hồng y Angelo Sodano chắc chắn không thể tiếp tục giữ chức Quốc Vụ Khanh?
Ông ấy cũng già như tôi. Khi một giáo tông được bầu thuộc hạng già, thì quốc vụ khanh phải là người đầy sinh lực hoạt bát. Chính Ông cũng nhận ra rằng, quốc vụ khanh cũng phải theo một quy chế như các giám mục bình thường. Và khi một giám mục từ chức ở tuổi bảy lăm hay bảy bảy, thì quốc vụ khanh trễ lắm cũng phải từ chức trước tuổi tám mươi.
Lần ra mắt quốc tế đầu tiên của Ngài là dịp Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Köln, với một triệu người tham dự. Người ta thấy tân Giáo Tông nắm tay cười hát với những người trẻ từ mọi lục địa. Chính Ngài có ngạc nhiên về cung cách, về sự hấp dẫn mới của mình?
Ở một khía cạnh nào đó, có. Nhưng phải nói, tôi rất thích sinh hoạt với giới trẻ khi còn làm phó xứ. Và khi dạy học mình không chỉ giảng, mà còn tiếp xúc với sinh viên. Như vậy thế giới trẻ chẳng phải là chuyện xa lạ đối với tôi. Quả thật các đại hội giới trẻ là những kí ức đẹp nhất trong suốt nhiệm kì giáo tông của tôi. Köln, Sydney, Madrid, đó là ba biến cố trong cuộc đời, mà tôi không bao giờ quên. Tôi thật vui mừng, khi được hiện diện ở đó, được các bạn trẻ đón nhận và đã có thể giúp họ.
Mọi giọng điệu chỉ trích im bặt. Suốt bốn năm dài nhiệm kì giáo tông của Ngài toàn là những tiếng tung hô hào hứng. Biến cố gây căng thẳng đầu tiên là bài nói chuyện nổi tiếng ở Regensburg. Trong bài nói chuyện tại đại học Regensburg Ngài đã trích lại câu nói của hoàng đế Manuell II. Palaiologos về vai trò của bạo lực nơi đạo Islam, khi Hoàng Đế trao đổi với một học giả người per-sê. Câu trích này, vốn bị các báo chí phản ánh lại một cách thiếu trung thực (6), đã tạo nên một làn sóng chống đối bạo động khắp thế giới. Trong cuốn „Ánh Sáng Thế Gian“ chúng ta đã nói cặn kẽ về điểm này. Một câu hỏi cuối liên quan tới sự việc đó: Có phải Ngài vô tình khi trích dẫn câu nói đó của Hoàng Đế?
Tôi đã đọc cuộc đối thoại giữa hai học giả đó, vì tôi muốn có sự đối thoại giữa Islam và Ki-tô Giáo. Vì thế, ở đây chẳng có chuyện vô tình. Quả thật đấy là một cuộc đối thoại. Vị Hoàng Đế được nói tới ở đây, dù đã bị lệ thuộc bởi áp lực và quyến bính của Islam, vẫn còn có được tự do, để nói lên những điều mà ngày nay có thể người ta không dám nói ra nữa. Tôi thấy đây là điểm thú vị, nên đã trích lại một cuộc đối thoại cách đây năm thế kỉ về trước. Nhưng như đã nói, tôi đã không lường trước được ý nghĩa chính trị của sự kiện.
Còn một điểm nữa cũng cần phải được giải toả: Chuyên gia về Vatican Marco Politi viết, hồng y Sodano đã cảnh báo về đoạn trích tế nhị ấy trước khi Ngài khởi hành đi Bayern. Nhưng Ngài đã lờ đi. Đúng hay sai?
Không đúng. Đã chẳng ai nói gì trước về chuyện đó.
Từ luận điểm sai đó Politi cho rằng „vụ tai tiếng Regensburg“ chẳng phải là chuyện tình cờ. Theo ông, đây là một chính sách đi ngược lại đường lối đối thoại của Gio-an Phao-lô II đối với Hồi Giáo. Ông ấy còn nêu lên một chỉ dấu: Ngay trong buổi lễ nhận chức Ngài đã cố tình không nhắc tới Islam.
Không đúng. Tôi chẳng biết một tí gì về điều đó.

Như vậy có nghĩa là Ngài không thay đổi đường lối đối thoại của Gio-an Phao-lô II?
Không. Hoàn toàn không.
Sau vụ cho phép dâng lễ theo nghi thức cũ (bằng tiếng La-tinh) qua tự sắc Summorum Pontificum, người ta lại dấy lên vụ lời cầu cho dân Do-thái trở lại trong nghi lễ thứ sáu tuần thánh. Ngài đã cho sửa lại lời nguyện cũ vào tháng hai năm 2008. Phải chăng việc ồn ào này đã có thể tránh được?
Vụ này là do những nhà thần học bất thân thiện ở Đức tạo ra. Chuyện như thế này: Chúng ta đều biết và đều đã chấp nhận lời cầu mới của thứ sáu tuần thánh (7). Nhưng ngay từ thời Gio-an Phao-lô II chúng ta đã nhận một số nhóm với nghi lễ cũ của họ vào lại trong Giáo Hội, chẳng hạn như nhóm Huynh Đoàn Pi-ô. Như vậy trong Giáo Hội có nhiều cộng đoàn dòng tu, nhiều cộng đoàn tín hữu vẫn cử hành phụng vụ cũ. Nhưng ta không thể chấp nhận được lời cầu cũ trong phụng vụ thứ sáu tuần thánh. Và tôi ngạc nhiên, vì không thấy ai lên tiếng phản đối cả.

Theo tôi, ta không thể tiếp tục dùng lời cầu đó, một lời mà các nhóm theo phụng vụ cũ cũng buộc phải sửa đổi. Như vậy, phải làm sao có được một lời thích hợp, vừa có thể áp dụng cho các nhóm phụng vụ cũ vừa phù hợp với những hiểu biết tân thời về tương quan giữa Ki-tô Giáo và Do-thái Giáo. Lời cầu thứ sáu tuần thánh mới, cũng như các lời cầu thứ sáu tuần thánh khác, gồm hai phần: một lời mời gọi cầu nguyện và một lời nguyện đích thực. Lời mời cầu nguyện tôi đã lấy lại từng chữ từ trong sách nguyện giờ. Còn chính lời nguyện thì tôi viết theo nội dung của Kinh Thánh. Nội dung lời nguyện mới chẳng có một điểm nào biện minh cho những tố được xáo đi xáo lại ở Đức.



Tới nay tôi vẫn còn mừng, là mình đã thành công trong việc sửa đổi này theo hướng tích cực. Nếu cứ theo yêu sách của những kẻ chống đối mà rút lại lời nguyện mới, thì có nghĩa là ta lại phải tiếp tục đọc câu không thể chấp nhận được, trong đó có chữ perfidi Iudaie (dân phản phúc do-thái). Nhưng ở Đức vẫn luôn có những người muốn triệt hạ tôi. Họ biết, đề tài Do-thái là viên đạn dễ bắn nhất và rồi cố tình dựng lên chuyện giả dối, có trời mới biết họ nói gì. Tôi phải nói, đó là việc làm quái gỡ. Cho tới lúc đó lời cầu cũ vẫn được đọc, và tôi đã sửa lại cho họ một lời cầu mới có ý nghĩa hơn, thế nhưng họ không muốn điều đó và cũng không muốn ai hiểu được việc tôi làm.
Cả vụ tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em chúng ta cũng đã nói nhiều trong cuốn „Ánh Sáng Thế Gian“. Người ta tố cáo Ngài đã cố tình bưng bít sự việc. Mới đây Ngài đã viết thêm một thư ngỏ để chống lại những tố cáo. Tại sao lại phải biện bạch thêm một lần nữa?
Vì sự thật, và nếu cứ để cho những thoá mạ kia thành sự thật, thì hậu quả sẽ không lường. Với tư cách Bộ Trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin, tôi đã bắt tay giải quyết ngay, khi sự vụ được gởi tới Bộ. Ban đầu Bộ Giáo Sĩ yêu cầu chuyển sang cho họ, vì họ mới là cơ quan trách nhiệm giải quyết. Nhưng tôi nhận thấy bên đó sẽ không có được những biện pháp mạnh mẽ, nên đã giữ lại. Tôi biết, đây là một công tác nặng nề và chúng tôi sẽ bị chỉ trích, nhưng đồng thời cũng biết, bên chúng tôi mới có được những người có khả năng giải quyết hơn. Để cho Bộ Đức Tin giải quyết cũng là dấu hiệu cho thấy, đây là việc rất mực ưu tiên của Giáo Hội.
Trong lời cầu nguyện đàng thánh giá thứ sáu tuần thánh năm 2005 Ngài nói tới sự nhơ bẩn trong Giáo Hội. Lúc đó có phải Ngài muốn nói tới những trường hợp lạm dụng?
Cũng có chúng trong đó, nhưng tôi còn nghĩ tới nhiều điều khác nữa. Là Hồng Y của Bộ Đức Tin tôi biết rất nhiều chuyện, vì mọi thứ tai tiếng đều được chuyển về đó. Thành ra mình cần phải có một tinh thần vững, mới chịu đựng được những thứ đó. Người ta vẫn biết, trong Giáo Hội luôn có lắm nhơ nhuốc, nhưng những điều một vị đứng đầu Bộ Đức Tin phải tiêu hoá thì nặng nề lắm, Vì thế tôi muốn cầu xin chính Chúa ra tay giúp đỡ.

Nhiều người cho rằng, Gio-an Phao-lô II đã không giải quyết vấn đề một cách triệt để lắm.
Tin tức luôn được gởi tới. Khi ngài đã nhận đủ thông tin và đã nhìn ra sự việc, ngài bảo phải nhất quyết làm cho ra lẽ. Nhưng giáo luật hiện hành không cho phép ra những hình phạt nặng. Tôi nói, ta cần phải có những thay đổi luật cho điểm này. Giáo Tông tức thì cho phép tôi làm. Chúng tôi đã đưa ra những quy tắc và cơ cấu pháp lí mới. Chỉ như thế mình mới giải quyết được sự việc.
Người tiền nhiệm của Ngài đã đề ra chương trình tái phúc âm hoá. Nhưng chương trình này thật sự được thực hiện trong nhiệm kì của Ngài qua việc lập Hội Đồng Giáo Tông Hỗ Trợ Tái Phúc Âm Hoá. Nhưng kế hoạch tái Ki-tô giáo hoá Âu châu này, nếu như có thể làm được, có lẽ cũng phải kéo dài nhiều trăm năm. Phải chăng đây là chuyện ảo tưởng?
Không thể đơn giản chấm dứt việc loan truyền Tin Mừng. Xưa kia trong thế giới hi-lạp – roma cũng có chuyện điên rồ không kém, khi một vài anh Do-thái tìm cách rao giảng Ki-tô Giáo cho thế giới đầy học thức uyên bác của Hi-lạp và Roma. Có thể chúng ta cũng sẽ gặp những thất bại lớn. Âu châu rồi đây sẽ phát triển ra sao; nó có còn bộ mặt âu châu nữa không, khi các tầng lớp dân khác sẽ tạo cho nó một cấu trúc khác đi, chúng ta không biết được. Nhưng việc loan báo Tin Mừng, một Tin Mừng vốn mang trong nó động lực xây dựng tương lai, mang lại ý nghĩa cho cuộc sống con người và dạy cho họ biết sống ra sao, tuyệt đối không thể phụ thuộc vào sự tính toán thành công hay thất bại được. Các tông đồ đã không có được những nghiên cứu xã hội học, để xem chuyện đó có thể làm được hay không, nhưng các ngài đã hành động chỉ vì tin tưởng vào sức mạnh nội tâm của Lời Chúa. Ban đầu chỉ có rất ít người trong giới hạ lưu gia nhập. Nhưng rồi các vòng ảnh hưởng của họ cứ lan ra dần.

Dĩ nhiên Lời Chúa cũng có thể biến mất khỏi các lục địa. Chúng ta thấy, Tiểu Á và Phi châu ban đầu là hai lục địa ki-tô giáo, nay chẳng còn là ki-tô giáo nữa. Ki-tô Giáo cũng có thể biến mất khỏi những nơi nó đã một thời có ảnh hưởng lớn. Dù vậy, Lời Chúa mãi mãi phải được rao truyền và tầm quan trọng của nó chẳng bao giờ mất cả.


Về chuyện cho phép được dâng lễ lại theo nghi thức Công Đồng Trento: Nỗ lực này đã không đơn giản. Có phải là do những chống đối chính trong Giáo Hội?
Đúng như thế, một phần bởi người ta sợ - có thể nói – tôi chủ trương phục hồi cổ tục (Restauration), một phần cũng vì có một số người hiểu sai khái niệm Canh Tân. Nhưng đây không có nghĩa là chúng ta có một loại thánh lễ mới. Đó là hai cách trình bày một thánh lễ về mặt nghi thức, nhưng cả hai đều thuộc vào một nghi lễ nền tảng chung. Trước đây và nay tôi vẫn luôn nói rằng, điều gì trước đây là linh thiêng trong Giáo Hội thì nay không thể coi nó là điều tuyệt đối cấm được. Không thể có một cộng đoàn nào lại cấm điều trước đây họ coi là yếu tố nền tảng của mình. Phải tiếp tục làm cho người ta thấy được cái bản chất nội tại của cái khác kia. Vì thế, hành động của tôi là để tạo cho chính Giáo Hội làm hoà lại với chính mình, chứ chẳng phải là do âm mưu gì cả.
Việc cho phép dâng lễ theo nghi thức cũ thường được diễn dịch như thế này: Sở dĩ có nó là nhắm nhượng bộ Huynh Đoàn Pi-ô.
Sai hoàn toàn! Điều quan trọng đối với tôi là làm sao cho chính Giáo Hội trước sau vẫn là một thực thể. Điều gì trước đây đối với Giáo Hội là linh thánh, thì nay không thể bị xem là sai. Nghi lễ phải được tiếp tục phát triển. Vì thế mới cần canh tân. Nhưng không được phá vỡ bản chất của nó. Huynh Đoàn Pi-ô thì cho rằng, xem ra Giáo Hội muốn phủ nhận quá khứ của mình. Điều này không được phép xẩy ra. Nhưng như tôi đã nói, ý hướng của tôi không mang tính chất chiến thuật gì cả, mà là để giải quyết ngay chính sự việc. Dĩ nhiên đây cũng là một điểm, mà giáo tông có nhiệm vụ phải làm những gì có thể, để tránh sự đổ vỡ trong Giáo Hội. Trong đó cũng có việc nỗ lực đưa những người này, nếu có thể, trở về lại với Giáo Hội.
Lúc còn làm Bộ Trưởng, Ngài than phiền phụng vụ bị nghèo đi và và bị lạm dụng. Theo Ngài, phụng vụ là tâm điểm của đức tin, tương lai của Giáo Hội lệ thuộc vào phụng vụ. Nếu đúng như thế, tại sao lại có quá ít cải tổ trong lãnh vực này. Ngài có toàn quyền mà?
Mình không thể làm được gì nhiều về mặt định chế và pháp lí. Điều quan trọng là, làm sao tạo cho tín hữu hiểu được phụng vụ là gì, đâu là ý nghĩa thực sự của nó. Vì thế mà tôi cũng đã viết sách. Tiếc rằng vẫn luôn có những nhóm nào đó được coi là chuyên gia nhưng lại có cái nhìn méo mó; họ muốn tuyệt đối hoá những lí thuyết của họ và không chịu nhìn ra điều cốt yếu. Đây không phải là chuyện tìm cách đưa những trò chơi riêng tư của mình vào, nhưng là để phụng vụ của Giáo Hội được kiện toàn và được cử hành cách trọn vẹn. Nhưng chuyện này mình không thể ra lệnh được.
Người ta nghĩ rằng, giáo tông có toàn quyền, ông có thể ra lệnh.
Không.
Không thể ra lệnh?
Không, không thể!
Trong suốt nhiệm kí Ngài đã đưa ra nhiều đề nghị cho công tác đại kết, nhưng nhiều đề nghị đã bị chìm đi. Cái gì làm Ngài thất vọng nhất về mặt đại kết?
Tôi đã rất thất vọng, vì tôi nhìn thấy thực tế và biết có thể chờ đợi điều gì và không thể chờ đợi điều gì. Hoàn cảnh giữa chúng ta với Tin Lành và với Chính Thống rất khác nhau. Cả những ngần ngại đối với nhau cũng mang nhiều sắc thái khác biệt. Có thể nói, vấn đề thật sự lớn nơi Tin Lành là sự bất đồng nội tại. Người ta luôn chỉ nói với một phần thực tại, nhưng rồi các phần thực tại khác lại đi ngược lại phần thực tại này. Như ta biết, các Giáo Hội Tin Lành đang ở trong một khủng hoảng lớn. Dĩ nhiên điều này có thể làm cho ta thất vọng. Nhưng ai hiểu được thực tế, người đó sẽ không thể chờ đợi một sự kết hợp giáo hội đúng nghĩa của nó. Vì thế mình luôn phải cố gắng lắng nghe nhau và học hỏi lẫn nhau. Để cho điều căn bản, đó là niềm tin vào đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, đừng mất đi, và từ đó tìm ra những hướng dẫn nền tảng cho bước thực hành.
Nhưng lúc đầu Ngài đã rất vui và đặt nhiều hi vọng vào những dấu hiệu cụ thể cho thấy có thể tiến đến một cuộc tái hợp nhất.
Nếu so với trước đây, thì chúng ta đã có được tiến bộ. Mặt khác chính Giáo Hội Tin Lành ờ Đức đang gặp khủng hoảng lớn. Họ đang đi về đâu? Người ta có thể canh tân điểm nào? Phải trụ lại ở điểm nào? Có vô số lực chống nhau ở những điểm này. Có những lực tới rất gần với chúng ta, nhưng cũng có những lực rất xa chúng ta.
Trong quan hệ với Giáo Hội chính thống ở Nga đã có lúc tình hình lạc quan đến nỗi khiến Ngài hi vọng có thể gặp Thượng Phụ ở Moskova ngay trong nhiệm kì của Ngài.
Đúng. Như tôi đã có lần đề cập, giữa hai Giáo Hội đã sẵn có mối thiện cảm cá nhân và một hiểu biết chung về điều căn bản của Ki-tô Giáo: Cả hai đồng ý phải tiếp tục giữ lấy những nhận thức quan trọng, kể cả về mặt đạo đức, giữ lấy quan niệm về hôn nhân, về gia đình và về những thứ khác. Có một đồng thuận lớn ở những điểm này. Ở Nga người ta cũng nhìn ra những hậu quả phải đến, nếu không tiếp tục bám giữ những điều kia. Mặt khác, những gánh nặng lịch sử và định chế lại quá lớn, khiến mình phải thật thận trọng trước sự lạc quan.

Ở đây đặc biệt phải nói tới mối tương quan rất tích cực giữa Roma và Byzanz. Giữa hai Giáo Hội Roma và Konstantinopel đã nẩy nở một mối tình chị em đúng nghĩa. Thượng phụ Bartholomaios I không chỉ là một người có học thức lạ thường, mà còn đúng là một người của Thiên Chúa. Tôi sung sướng và thầm cám ơn, vì đã có được tình bạn với Thượng Phụ. Thượng Phụ cũng đã tới thăm tôi trong tu viện tí hon này.


Một trong những biến cố nổi bật trong nhiệm kì của Ngài là sự xuất hiện tác phẩm lớn gồm ba tập về đức Giê-su Ki-tô. Đây sẽ là tác phẩm nền tảng về đức tin ki-tô giáo cho các thế hệ linh mục lẫn giáo dân. Lần đầu tiên trong lịch sử một giáo tông đưa ra một nghiên cứu thần học chắc nịch về ông tổ của Đạo mình. Khắp nơi trên thế giới tác phẩm được hàng triệu người đón nhận và nó tạo ra một bước ngoặc trong việc tìm hiểu các sách Tin Mừng. Ngài đã không nghi ngờ gì về tính chất thực của Tin Mừng và đã diễn giải chúng cách mới cho con người tân tiến thời nay hiểu. Ý định này đã có từ trước khi làm giáo tông. Đã có khi nào Ngài nghĩ, một giáo tông không nên viết sách?
Tôi biết, trước sau gì cũng phải viết tác phẩm đó. Vì thế, đã chẳng bao giờ nghĩ là có nên hay không nên viết.
Tập thứ nhất xuất hiện vào dịp sinh nhật 80 tuổi của Ngài, năm 2007. Làm sao để có giờ cho công việc này?
Tôi cũng tự hỏi như thế. Và một cách nào đó Chúa đã đặc biệt giúp tôi. Nhưng tôi cũng rất ước ao làm sao hoàn thành được việc này. Vì một mặt phụng vụ là tâm điểm, nó là sự tự kinh nghiệm của Giáo Hội về chính mình; nếu phụng vụ không còn là chính nó nữa, thì mọi chuyện sẽ bế tắc. Cũng vậy, khi chúng ta không còn nhận biết đức Giê-su nữa, thì lúc đó Giáo Hội cũng chấm dứt. Và mối nguy gương mặt của Người bị lối diễn dịch của một vài loại thẩn học gia nào đó xuyên tạc và huỷ hoại quả rất lớn. Vì thế tôi phải ít nhiều lao vào cuộc chiến với nhiều chi tiết rối rắm này. Ở đây, không thể chỉ có việc cắt nghĩa các tín điều theo hướng thiêng liêng là đủ. Mình phải bước vào cuộc tranh cãi này, vừa phải giữ mình để đừng lạc lối trong các chi tiết diễn giải, nhưng cũng phải nhìn thật xa, để thấy rằng, phương pháp phê bình lịch sử không là vật cản cho đức tin của chúng ta.
Ngài cần sự giúp đỡ của người khác cho tác phẩm?
Không. Tôi vẫn luôn ở giữa các nhà thần học và vẫn tiếp tục theo dõi các cuộc tranh luận và các kiến thức mới, do đó đã luôn chuẩn bị cho những luận cứ.
Và sau khi làm xong công việc của chức vụ, Ngài đã có thể ngồi xuống và viết tiếp chỗ đang bỏ dở? Như kiểu một bà nào đó nắm lại que đan và tiếp tục đan?
(Cười.) Cũng gần như vậy. Vì là chuyện mình đã suy nghĩ nhiều và luôn nằm sẵn trong đầu, nên hễ bật máy lên, là nó tức khắc chạy tiếp.
Khi một người ở tuổi 80 làm việc với một tác phẩm lớn và phải quay trở lại miệt mài với đề tài mình đã quan tâm suốt cuộc đời, thì người đó làm gì?
Trước hết mình phải đọc lại toàn bộ và suy nghĩ. Một mặt đọc các nội dung Tin Mừng, mặt khác vừa trao đổi với các tác phẩm diễn giải quan trọng nhất. Qua đó một lần nữa mình tiếp cận vấn đề một cách mới. Đấy cũng là một bước tiến bộ cho tôi về mặt tinh thần, khi một lần nữa mình đi vào tận nền tảng của vấn đề và thấy buộc phải nói nó ra. Vì chỉ khi mình có thể diễn tả và phát biểu nó ra được, lúc đó thâm tâm mình cũng nhận ra được nó.
Phải chăng công việc đó là một thứ nguồn lực không thể thay thế được cho nhiệm kì giáo tông của Ngài?
Có thể nói như vậy. Đối với tôi nó được coi như một hành động liên tiếp kín nước từ đáy cội nguồn.
Có giây phút nào trong đời Ngài nghĩ rằng, tất cả những gì mình tin nơi Chúa cũng chỉ là một tư tưởng mà thôi? Rồi một ngày nào đó mình phải thức giấc và nói: Hoá ra chúng ta đã lầm?
„Điều đó có nền tảng thật không?“ Câu hỏi này dĩ nhiên luôn đến với con người. Nhưng tôi cũng đã có nhiều kinh nghiệm cụ thể về đức tin, nhiều kinh nghiệm về sự hiện hữu của Chúa; tôi đã được trang bị cho câu hỏi đó, nên nó không thể lay chuyển được tôi.
Ngài đã chẳng bao giờ gặp ngờ vực lớn nào cả? Chẳng hạn trong thời niên thiếu, trong thời sinh viên?
Rất hiếm khi. Thời đó Giáo Hội còn rất sống động, mọi chuyện còn đơn giản và trực tiếp, chân thật và hài hoà. Chỉ về sau này, khi thế giới bị chẻ nát ra, thì chính Ki-tô Giáo và Giáo Hội chẳng còn biết mình là ai nữa. Nhưng cám ơn Chúa, tôi luôn vẫn đứng vững.
Chỉ“ có ba tông thư trong nhiệm kì của Ngài. Tại sao lại quá ít như vậy?
Thứ nhất, vì tôi còn phải làm cho xong tập sách về đức Giê-su. Điểm này dĩ nhiên người ta có thể trách tôi đã đặt sai ưu tiên. Nhưng dù sao thì đó cũng là một lí do. Thứ đến là sau khi đã có quá nhiều tông thư dưới thời Gio-an Phao-lô II, tôi nghĩ mình nên giữ một nhịp độ thưa hơn.
Có một tông thư ruột nào không? Ngài thích nhất tông thư nào?
Có, có lẽ là tông thư đầu tiên, Deus caritas est.

Tông Du Và Gặp Gỡ

Hãy nói về những cuộc gặp gỡ với các bậc vị vọng đương thời. Ngài đã tiếp Václav Havel?
Có, cuộc gặp diễn ra rất thân tình. Trước đó tôi đã đọc một vài bài sắc sảo và chính xác của ông, nói về tương quan giữa chính trị và chân lí. Lúc đó ông không còn khỏe nữa, nhưng tôi rất cảm động, khi được nói chuyện với một con người như Václav Havel. Rồi với Simon Peres, một khuôn mặt tôi ngưỡng mộ, cũng là một cuộc gặp đầy ý nghĩa. Chúng ta biết, cha ông đã gặp phải số phận như thế nào. Nhưng ông vẫn giữ thái độ nhân ái và cởi mở, một con người đầy lòng nhân và chân thành.
Còn ông Obama thì sao?
Hiển nhiên ông là một chính trị gia nổi tiếng; ông biết cách để đạt thành công và có một số tư tưởng hẳn là không hợp với chúng tôi. Nhưng khi gặp tôi, ông là một người nhiều suy tư, chứ không phải chỉ là một nhà chiến thuật. Tôi có cảm nhận, là ông tìm kiếm những cuộc gặp gỡ và biết lắng nghe. Ngoài ra cả Michelle Bachelet, nữ tổng thống thống của Chi-lê nữa. Bà là người vô thần, theo Mác-xít, vì thế có rất nhiều điều chúng tôi không đồng quan điểm. Nhưng một cách nào đó tôi nhìn thấy nơi bà có một ý chí đạo đức nền tảng gần với ý hướng ki-tô giáo. Cuộc trao đổi nhiều bổ ích. Điểm gây ấn tượng nơi tôi, là mình được làm quen với những nhân vật này không chỉ ở mặt chiến thuật chính trị của họ, những người tuy có quan điểm rất xa với mình, nhưng cũng đều cố gắng nhìn vào lẽ phải.
Ngài rất thích trao đổi với những người theo thuyết bất khả tri, những người vô thần, những người thuộc cánh tả.
Đúng, thế nào chăng nữa thì đây cũng là chuyện cần làm. Với điều kiện là họ nói và suy nghĩ thành tâm. Dĩ nhiên có những người cuồng tín, họ chỉ là cán bộ và chỉ biết tuôn ra những lời đã được soạn sẵn. Nhưng có những người mình nhận ra sự bất an trong thâm tâm họ…
Ngài đã có một cuộc tranh luận triết học nổi tiếng ở München với [triết gia] Jürgen Habemas. Ông ấy có lần tới thăm Ngài?
Tôi không còn thấy ông nữa. Ông đã gởi cho tôi một tấm cạc nhỏ trong một chuyến du lịch, qua đó cho thấy hãy còn có một chút quan hệ với nhau.
Cuộc gặp Putin như thế nào?
Thú vị. chúng tôi nói với nhau bằng tiếng Đức, ông ấy nói tiếng Đức hoàn hảo. Chúng tôi đã không bàn thật sâu, nhưng tôi tin, dù là một con người đam mê quyền lực, một cách nào đó ông quả thật đã cảm nhận được sự cần thiết của đức tin. Ông là người có đầu óc thực tế. Ông nhìn thấy nỗi đau của một nước Nga đứng trước sự đổ vỡ của luân lí đạo đức. Ông cũng là một người yêu nước, một người muốn đưa nước Nga trở lại địa vị của một đại cường quốc và thấy rằng, sự đổ vỡ ki-tô giáo đang đe doạ tương lai nước Nga. Con người cần Thiên Chúa, điều này ông coi là đương nhiên và thâm tâm của ông hẳn cũng xúc động về điều đó. Trước khi trao bức ảnh thánh lưu niệm cho giáo tông Phan-sinh, ông giờ đây đã làm dấu thánh giá và hôn ảnh…
Ngài hợp với ai nhất, với tổng thống Giorgio Napolitano hiện nay của Í-đại-lợi, một cựu đảng viên cộng sản?
Vâng, chúng tôi là bạn thân. Trước đó tôi cũng là bạn thân của Francesco Cossiga [Tổng Thống của Í từ 1985-1992] và của Carlo Azeglio [Tổng Thống của Í từ 1999-2006]. Napolitano là một người đặt luật pháp, công bằng và sự thiện lên hàng ưu tiên, chứ không vì quyền lợi của đảng phái. Chúng tôi rất hiểu nhau. Ông có đến thăm tôi tại tu viện này.
Đâu là chuyến tông du khó khăn nhất?
Có lẽ là chuyến thăm Thổ-nhĩ-kì. Lúc đó tảng mây đen của bài nói chuyện ở Regensburg hãy còn lơ lửng trên bầu trời. Vì thế thoạt tiên Erdogan không muốn tiếp tôi. Nhưng lần hồi không khí trở nên ấm lại, và cuối cùng hai bên đã thật sự đồng ý với nhau. Nhưng lúc đầu quả là khó, và tôi hết lòng cám ơn Chúa đã đưa cả hai phía lại gần nhau.
Ngày 18.04.2008: Trước diễn đàn liên hiệp quốc ở New York Ngài đã đọc một bài diễn văn nổi tiếng. Báo New York Post viết về sự xuất hiện của Ngài: „Ai còn hơi thở, hẳn kẻ đó phải cảm động”. Và tờ Londoner Times: „Trong chuyến công du Hoa-kì giáo tông Biển-đức XVI nghiễm nhiên bước ra khỏi bóng che của vị tiền nhiệm và ngài đã cho thấy cái đặc sủng của riêng mình.“ Ngài nghĩ sao?
Trước hết, việc toàn thể đại hội đồng chăm chú lắng nghe một bài nói khá dài của tôi là điều ấn tượng. Và cảnh thính giả đứng lên vỗ tay có lẽ cho thấy, bài nói của tôi đã chạm được con tim họ thật sự. Sau đó là rất nhiều những cuộc gặp gỡ với đủ mọi người mọi nước, với các trẻ em, các nhân viên liên hiệp quốc, các chính trị gia; Liên Hiệp Quốc không còn là một định chế vô danh nữa, nó trở thành một cộng đồng, biểu hiện nơi những con người; tất cả đều vui mừng trước sự hiện diện của Giáo Tông, trước việc ông đã tới Liên Hiệp Quốc và đã nói chuyện với họ.
Paris ngày 12.09.2008: Sự xuất hiện của Ngài tại thủ đô Pháp được ví như một trận bóng trên sân nhà. Hẳn Ngài thoả mãn lắm?
Đúng, phải nói như vậy. Tôi yêu văn hoá pháp và cảm thấy một cách nào đó như ở nơi nhà mình. Quả thật cảm động, khi dâng thánh lễ trên Esplanade des Invalides trước 200 ngàn người…
Một điều chẳng ai nghĩ có thể xẩy ra…
… cuộc gặp trong Viện Hàn Lâm giống như một cuộc tái sum họp của những bạn bè, rất cảm động. Rồi cuộc gặp ở Collège des Bernadins, cũng có các cựu tổng thống hiện diện. [Cựu tổng thống] Giscard biết tôi, sau đó ông đến thăm tôi một lần nữa. Tôi soạn các diễn văn của tôi dựa theo truyền thống thần học của Pháp, vì thế như có một sự cảm thông tinh thần toát ra tự thâm tâm mình.
Paris – nơi dấy lên bao nhiêu là kỉ niệm.
Dù rằng tôi đã không tới đó nhiều lần, như người ta vẫn nói. Lần đầu tiên tôi tới Paris là vào năm 1954, khi diễn ra Hội Nghị về thánh An-tịnh (Augustinus), đó là chuyến du lịch hải ngoại lớn nhất của tôi cho tới lúc đó. Được bước vào thế giới lớn của khoa học quốc tế và vào thế giới tinh thần đặc biệt của người Pháp là một kỉ niệm luôn hằn mãi trong tâm trí tôi.
Chúng ta nói tới một cuộc gặp gỡ khó khăn, cho dù đó là quê hương của Ngài: Berlin, tháng 9 năm 2010. Tôi nghĩ, chuyến đi đó là một thử thách đặc biệt đối với Ngài.
Hoàn toàn đúng, phần vì cách nào đó Berlin là nơi truyền thống công giáo đã trở nên xa lạ trên nhiều lãnh vực, cho dù ở đây Công Giáo vẫn hiện diện và vẫn được sống đạo, nhưng chỉ còn là biên lề; nơi đây là thành phố của Tin Lành. Trong các lá thư gởi cho linh mục chánh xứ Weiger do bà Barbara Gerl-Falkowitz xuất bản, [nhà thần học dòng tên] Romano Guardini đã mô tả cách đáng sợ cái cảm tưởng xuyên tận da thịt của ông, khi thấy cảnh nghèo nàn của Công Giáo đang phải đối diện với quyền lực của văn hoá trần tục ở Berlin. Hẳn đó là kinh nghiệm ban đầu, rồi đây nó sẽ phải được điều chỉnh lại đôi chút. Nhưng kinh nghiệm nền tảng này ngày nay có lẽ lại được chứng thực một lần nữa. Như vậy rõ ràng mình không thể chờ đợi được gì ở Berlin như ở Madrid, London hay Edinburg. Ba nơi này cũng không phải là những thành phố công giáo, nhưng công luận ở đó khác…
Đúng một năm trước Giáo Tông đã được tiếp đón nồng hậu tại những nơi này.
Berlin rõ ràng lạnh lùng. Nhưng mặt khác tín hữu công giáo cũng đã chứng tỏ niềm vui và sự hiện diện của họ tại đây. Thánh lễ ở cầu trường Olympia quả thật cảm động…
Ngài có nghĩ là sẽ xẩy ra những chuyện mà mình không muốn?
Có nguy cơ đó. Như chúng ta thấy, đã có những quậy phá trong chuyến thăm của Gio-an Phao-lô II…
Tôi không nói tới những chống đối trên đường phố, nhưng của các đại diện cộng đồng, các đại diện chính giới. Ngay trong diễn văn chào mừng tổng thống Wulff đã có những đòi hỏi phải sửa đổi các giáo huấn nền tảng công giáo.
Mình phải dự trù những chuyện đó. Vì thế tôi đã chẳng ngạc nhiên hay sửng sốt gì về mọi chuyện xẩy ra. Nhưng rồi không khí thật cảm động, khi tôi nói trong Quốc Hội. Mọi người im phăng phắc lắng nghe, cơ hồ một cây kim rớt cũng có thể nghe được. Tôi nhận ra không khí đó không chỉ vì lịch sự, mà đúng là một lắng nghe từ trái tim, và đó là giây phút đầy ý nghĩa đối với tôi.
Trong bài diễn văn quan trọng ở Freiburg Ngài yêu cầu Giáo Hội phải tiến hành một cuộc giải thế (Entweltlichung). Theo Ngài, cần phải làm điều này, để các tố chất của đức tin có thể phát huy được hiệu lực của chúng. Giải thế không có nghĩa là quay lưng lại với con người, giã từ bác ái ki-tô giáo hay rút lui khỏi mọi dấn thân xã hội và chính trị, nhưng là từ bỏ quyền lực, của cải, hư danh, dối trá và tự dối mình. Bài nói chuyện đã bị nhiều người – kể cả những người trong Giáo Hội có khi cố tình diễn dịch sai. Tại sao lại có thể xẩy ra được như vậy?
Khái niệm „giải thế“ hẳn quá xa lạ đối với người nghe, vì thế có lẽ tốt hơn mình không nên quá nhấn mạnh vào từ đó. Nhưng tôi nghĩ là nội dung câu nói vốn đã đủ rõ, để những ai muốn hiểu, thì họ cũng hiểu rồi.
Đó là một câu nói mang tính cách mạng.
Vâng.
Vấn đề là luôn giữ tinh thần phản kháng, chấp nhận lội ngược dòng không xu thời, để cho thấy rằng, Ki-tô Giáo gắn liền với một thế giới quan riêng bao gồm cả bí ẩn về cuộc sống đời đời, thế giới quan này vượt trên mọi thứ thuần trần tục và vật chất. Theo Ngài, phải cần một sự chân thật mới và cần một cuộc sống ki-tô giáo thật, nghĩa là cần một cuộc canh tân thật sự và quyết liệt của Giáo Hội. Điều này hiện được giáo tông Phan-sinh nói rất dễ hiểu.
Vâng, có nhiều cách nói.
Về chuyện thuế tôn giáo ở Đức. Nếu được toàn quyền quyết định, thì Ngài sẽ quyết định cách khác?
Quả thật tôi rất nghi ngờ tính đúng đắn của hệ thống thuế tôn giáo hiện đang có. Tôi không nói là phải bỏ hẳn thuế. Nhưng việc đương nhiên dứt phép thông công những ai không đóng thuế là điều, theo tôi, không thể bền được.
Nhiều cơ quan truyền thông ở Đức coi Giáo Hội công giáo là đối thủ của tiến bộ, tiến bộ là điều Giáo Hội tìm cách chống. Có lẽ chưa có một giáo tông nào trong Thời Mới bị đối xử tệ ngay chính trên quê hương mình như Ngài. Ngài cảm thấy cái tệ đó đến mức nào?
Các giáo tông trong Thời Mới tất cả đều là người Í, mà cũng đừng nên quên rằng, Pi-ô IX đã bị hiểu lầm, khi ngài không chịu lãnh đạo nước Í chiến đấu chống lại nước Áo. Ban đầu, ngài được coi là một Giáo Tông yêu nước, quyết tâm, tiến bộ. Nhưng khi ngài không chịu đáp ứng kì vọng, thì dân Í hoàn toàn chống lại ngài. Ngày nay ta không thể tưởng tượng được mức độ cực đoan của sự chống đối đó. Nhưng đó lại là nét cao cả của ngài, bởi vì nếu ngài chấp nhận làm lãnh tụ nước Í, thì quốc gia Vatican đã tiêu tan. Ngài cảm được nỗi chán chường của người dân đối với mình, một chán chường mà chỉ là thánh mới có thể chịu đựng vượt qua được.

Một thí dụ nữa là Biển-đức XV. Thời đó người Í coi việc tham gia Thế Chiến I là một phần của Risorgimento, của sự hồi sinh của nước Í. Miền Trento còn thuộc nước Áo, Í phải tìm cách lấy lại. Do đó, họ coi Thế Chiến I là một bổn phận yêu nước. Nhưng Biển-đức XV lại cho đó là một cuộc chém giết vô nghĩa. Ngài đã bị người công giáo chửi bới vô cùng thậm tệ. Song thái độ đó quả là anh hùng, khi dám nói rằng: Không, đây không phải là hành động yêu nước, mà là một sự tàn phá vô nghĩa.


Nói cách khác: Ngài đã có thể tự thích ứng được với những tấn công đó, chúng không làm cho Ngài quá….
Không, sở dĩ tôi nghĩ tới hai giáo tông của thế kỉ vừa qua và thế kỉ trước, là để thấy rằng, các ngài còn bị đối xử tệ hơn tôi.
Xem ra Giáo Hội công giáo Đức cũng chưa dấn thân đủ, chẳng hạn trong việc tái phúc âm hoá, dù tình trạng mất đức tin ở đây đã đạt tới mức độ báo động.
Ở nước Đức chúng ta có một đạo Công Giáo đã đâu vào đó và được trả lương cao, với rất nhiều tín hữu được nhận vào làm công, những người này sau đó lại đối xử với Giáo Hội trên tinh thần chủ - thợ. Giáo Hội đối với họ chỉ là ông chủ, mà mình phải cẩn thận đề phòng. Như vậy họ không tới do động năng đức tin, mà từ vị thế chỗ làm. Theo tôi, cái nguy hiểm lớn nhất của Giáo Hội ở Đức là có quá nhiều người làm công trả lương và vì thế nó bị lệ thuộc vào một cơ chế bàn giấy thiếu chất thiêng liêng. Giáo Hội ở Í không thể trả lương cho một lượng người như thế, người làm ở đây đa số tự nguyện. Vì thế những đại hội công giáo lớn thường đều ở Rimin chẳng hạn đều được xây dựng trên xác tín niềm tin. Từ tổ chức các gian phòng, trang hoàng kĩ thuật, mọi thứ đều do thiện nguyện, không trả tiền. Một hoàn cảnh khác hẳn.
Và nó tạo nên một ý thức khác.
Dĩ nhiên. Tôi ưu tư về tình trạng đó, về sự lệ thuộc quá nhiều vào tiền bạc, về sự than phiền thiếu tiền khiến cho nỗi bất bình gia tăng, và về sự cay nghiệt trong các giới trí thức.
Thất vọng của Ngài về chuyến thăm nước Đức lớn như thế nào?
Theo sự lượng giá của riêng tôi thì chữ thất vọng không đúng. Dĩ nhiên có những nhóm bề thế trong Công Giáo có lẽ không đồng ý với những gì tôi nói, nhưng mặt khác bài nói của tôi đã khiến cho người nghe phải nghĩ lại; nó gợi ý cho những nhóm trầm lặng và đã khích lệ họ. Rõ ràng những suy nghĩ như thế tạo ra nhiều phản ứng khác nhau. Quan trọng là sự suy nghĩ lại và việc sẵn sàng canh tân thật sự.
Havanna, ngày 28.03.2012. Trước đó Ngài ở Mễ-tây-cơ, rồi sang Cuba. Ngài còn nhớ gì khi tới Havanna không?
Dĩ nhiên tôi biết mọi chuyện đã được bộ máy sắp đặt, nào đoàn pháo binh, nào bắn súng và mọi thứ khác. Nhưng một cách nào đó tôi cũng cảm được sự công nhận nơi phía chủ tịch nước về Vatican và Giáo Tông, về Giáo Hội và về Công Giáo, những điều đó làm dấy lên hi vọng.

Tôi đã đề nghị Cuba lấy ngày thứ sáu tuần thánh làm ngày nghỉ lễ. Raoul Castro cho hay, „chuyện này phải qua quyết định của Hội Đồng Nhà Nước. Lúc này tôi chỉ có thể chấp nhận như một trường hợp ngoại lệ, và sau khi có sự chấp thuận của Hội Đồng Nhà Nước nó sẽ trở thành mãi mãi“. Và sự việc cũng đã xẩy ra như thế. Tôi có cảm tưởng, điều quan trọng đối với ông Chủ Tịch là làm sao vừa giữ được chủ thuyết mác-xít cứng ngắc, hầu tiếp tục nắm giữ quyền uy quốc gia, vừa mở lần ra cho Ki-tô Giáo. Mở ra cho Ki-tô Giáo, thì tự do cũng theo chân lớn lên.


Còn việc gặp Fidel Castro ra sao?
Một cách nào đó khá cảm động. Ông hẳn đã già và yếu bệnh, nhưng hãy còn minh mẫn và xem ra cả linh hoạt. Tôi không tin ông có thể thoát được ra khỏi toàn bộ cấu trúc suy tư mà ông đã lớn lên trong đó. Nhưng qua những đổ vỡ của lịch sử thế giới ông thấy cần phải đặc biệt đặt lại cho mình cả câu hỏi về tôn giáo. Rồi ông yêu cầu tôi gởi sách cho ông.
Ngài đã gởi?
Tôi đã gởi cho ông cuốn „Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay“ và một hai cuốn khác nữa. Ông không phải là con người mà ta có thể hi vọng vào một cuộc trở lại với Thiên Chúa, nhưng ông đã nhận ra rằng, sự việc diễn tiến không như ông nghĩ và ông phải đặt lại toàn bộ vấn đề và phải suy nghĩ lại.

Thiếu Sót Và Những Vấn Nạn


Thưa đức Thánh Cha, Ngài đã cử một tín hữu tin lành làm chủ tịch Hội Đồng Giáo Tông Về Khoa Học. Dưới thời Ngài, lần đầu tiên một tín hữu hồi giáo trở thành giáo sư dạy Koran ở Đại Học Gre-gô-ri-ô. Ngài đã thành lập Hội Đồng Giáo Tông Hỗ Trợ Tái Phúc Âm Hóa để làm nền tảng cho việc truyền giáo trong thời tân tiến. Ngài đã tạo cơ hội cho những cộng đoàn khác, chẳng hạn cho các tín hữu anh giáo, có thể giữ tập tục sống đạo của mình trong lòng Giáo Hội Công Giáo. Trong khuôn khổ câu chuyện hôm nay, chúng ta chỉ đề cập một phần trong muôn vàn các quyết định và biến cố trong nhiệm kì của Ngài mà thôi.Vì thế tôi muốn đặc biệt tìm hiểu những gì mà lối hành xử của Ngài đã tạo nên phê bình chỉ trích. Một trong những điều phía chống đối nêu lên, theo họ là vì Ngài ít muốn cải tổ.
Trước hết phải nói, bước vào vai trò giáo tông lúc đã bảy mươi tám tuổi thì mình chẳng dám nghĩ gì tới những cải tổ xa xôi to lớn, mà rốt cuộc mình sẽ không thể kham nổi. Điểm này tôi đã nói rồi. Mình phải làm những gì cấp thiết trước mắt. Và thứ đến: đâu là những cải tổ lớn? Điều quan trọng, là phải làm sao cho Đức Tin tiếp tục hiện diện giữa lòng xã hội hôm nay. Tôi thấy đây là công tác bản lề. Còn những cái khác đều là chuyện hành chính, mà theo tôi lúc này chưa buộc phải vội giải quyết.
Ngài không thấy nhu cầu cần phải đẩy thêm Giáo Hội đi vào hướng tân tiến?
Tùy vào việc mình hiểu thế nào về Tân Tiến. Vấn đề không phải tân tiến là gì và ai là người tân tiến. Mà chuyện quan trọng trên thực tế, là chúng ta không những phải gìn giữ cái đức tin chân thật và loan truyền nó dưới những hình thái tốt, mà chúng ta còn phải hiểu nó và học cách diễn tả nó sao cho phù hợp với ngày nay – và từ đó xây dựng một lối sống mới. Nhưng điều này vẫn diễn ra. Nhờ sự quan phòng; nhờ Thánh Linh; nhờ những phong trào dòng tu trẻ, qua đó cuộc sống của Giáo Hội được diễn tả cách mới mẻ.

Chẳng hạn khi so sánh các nữ tu của chúng tôi trong tu viện này với các chị thuộc các dòng trước đây, tôi nhận thấy có một bước tân tiến rất lớn. Đơn giản là vì ở đâu đức tin sống động và tích cực, không bị chối bỏ mà trái lại được sống với niềm vui, ở đó nó cũng tìm được những hình thái mới.



Đó là điều làm cho tôi vui mừng, khi thấy việc sống đức tin một cách mới trong các phong trào trẻ và qua đó cho thấy Giáo Hội mang một bộ mặt mới. Những điểm này ta thấy đặc biệt qua những Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới. Đấy không phải là những thanh niên chậm tiến, song là những người trẻ vốn cảm được rằng, họ cần thứ gì khác hơn là những từ ngữ sáo mòn vẫn có. Những người trẻ đó quả thật đã bắt được lửa. Qua những chuyện do Gio-an Phao-lô II khơi mào này, ta thấy một thế hệ mới đang hình thành và Giáo Hội nhờ đó mang một bộ mặt tươi trẻ.
Rất lâu rồi Ngài đã từng đòi hỏi Giáo Hội phải chia tay với một số của cải, để cho thứ tài sản đích thực của mình có thể đơm hoa kết trái. Lẽ ra yêu cầu này cũng phải được thể hiện cụ thể hơn trong nhiệm kì của Ngài?
Có lẽ phải thế, nhưng rất khó thực hiện. Bởi vì luôn luôn phải bắt đầu từ ngay chính mình. Vatican có quá nhiều tiền ư? Tôi không biết. Chúng tôi phải làm rất nhiều để giúp những quốc gia nghèo cần sự giúp đỡ. Giúp các miền ở Amazon, ở Phi châu và các nơi khác. Phải sẵn tiền để mà cho, để mà phục vụ. Như vậy thì phải làm sao có tiền vào đã, rồi mới cho đi được. Thành ra tôi không biết, thực tế mình đã có thể giúp được bao nhiêu. Tôi nghĩ rằng, mỗi Giáo Hội địa phương nên tự hỏi mình về chuyện này, bắt đầu từ Giáo Hội ở Đức.

Lúc này, dưới thời giáo tông Phan-sinh, người ta cũng nêu lên thắc mắc về những điều không còn hợp thời trong Giáo Hội.
Đối với tôi ngay từ đầu IOR (Istituto per le Opere de Religione = ngân hàng Vatican) là một vấn nạn lớn, mà tôi đã tìm cách cải tổ. Nhưng không thể làm nhanh được, vì chính mình cần phải có thời gian để tìm hiểu. Quan trọng là phải thay thế người cầm đầu. Phải có một lãnh đạo mới, và có nhiều lí do cho thấy, không thể tiếp tục để người Í lãnh đạo cơ quan này. Tôi có thể nói, việc đưa nam tước Freyberg lên thay thế là một giải pháp rất hay.
Đó là sáng kiến của Ngài?
Đúng. Thêm vào đó là những luật được ban hành do tôi trách nhiệm, chẳng hạn như luật triệt tiêu việc rửa tiền. Nó rất được quốc tế hoan nghênh. Dù sao, tôi đã làm khá nhiều chuyện, để cải tổ IOR. Tôi cũng đã tăng cường hai ủy ban quốc tế, để kiểm soát nó, và đã có được những tiến bộ đáng kể. Tôi đã âm thầm đóng góp trong việc ra luật và trong nhiều công việc cụ thể khác. Tôi nghĩ, giờ đây người ta có thể dựa vào đó mà đi tới.
Dưới thời Ngài đã lộ ra nhiều chuyện được bưng bít từ lâu.
Dĩ nhiên tôi đã muốn làm nhiều hơn những gì tôi có thể. Do những lời nói lên trong chặng đường thánh giá thứ chín [khi hồng y Ratzinger đề cập tới những xấu xa trong Giáo Hội], nhiều người đã nói rằng: Ấy, Giáo Tông giờ đây đã ra tay! Tôi cũng muốn điều đó, nhưng giải quyết nó là chuyện chẳng dễ chút nào cả. Các vấn nạn cơ chế và nhân sự chòng tréo vào nhau, nếu nóng vội thì lại hư chuyện, thay vì chữa lành. Vì thế đã phải cẩn thận và chậm rãi tiến hành.
Sau khi từ chức, người ta mới biết được là Ngài đã sa thải nhiều trăm linh mục.
Khi sự việc nổ ra, giáo luật chỉ cho phép treo chén mà thôi. Nhưng so với luật pháp hoa-kì, thì hình phạt đó không đủ, vì đương sự vẫn tiếp tục là linh mục. Và chúng tôi đã cùng với các giám mục hoa-kì quyết định: Phải sa thải, phải cho hoàn tục các linh mục này, có như thế mới gọi là phạt.
Ngài đề cập tới thời còn làm Bộ Trưởng.
Vâng, đúng. Rồi tôi cho sửa lại hình luật vốn tự nó rất yếu, để đặc biệt bảo vệ các nạn nhân và nhờ đó có thể ra tay nhanh hơn. Là vì các vụ án kéo dài lê thê, và sau mười năm mới có thể phạt một ai, thì sự việc lúc đó đã quá trễ.
Ngài đã sa thải trên dưới 400 linh mục…
Lúc tôi đã trở thành Giáo Tông và đã có được những khoản luật cải tổ trước đây.

Cả chuyện về Williamson [một giám mục thuộc Huynh Đoàn Pi-ô bị vạ tuyệt thông; Giám Mục này không chấp nhận có chuyện Quốc-xã giết dân Do-thái và đã được giáo tông Biển-đức giải vạ tuyệt thông. Người dịch], mà chúng ta đã bàn cặn kẽ trong cuốn „Ánh Sáng Thế Gian“. (8) Một câu hỏi chót về chuyện này: Chính xác vào lúc nào Ngài được thông báo về những khó khăn gặp phải?
Được thông báo sau khi sự việc đã xẩy ra. Tôi hoàn toàn không thể hiểu nổi, tại sao không ai trong chúng tôi biết trước được chuyện này. Tôi không thể tưởng tượng được điều này.

Quốc Vụ Khanh của Ngài, hồng y Bertone, đã có thể yêu cầu Ngài rút lại quyết định chứ.

Vâng.
Và thế là xong mọi chuyện.


Dĩ nhiên. Nhưng tôi không tin hồng y Bertone đã biết trước chuyện này; tôi không thể tưởng tượng được việc ông đã biết trước.
Có thể coi vụ Williamson là một biến cố sang trang của nhiệm kì của Ngài. Ngài có nghĩ như thế không?
Thời đó người ta đã tạo ra một trận chiến tuyên truyền ghê gớm chống lại tôi. Những kẻ chống tôi rốt cuộc đã có cớ để nói rằng, tôi là người không có khả năng và không thích hợp cho vị trí lãnh đạo. Quả đó là thời khắc đen tối và nặng nề cho tôi. Nhưng rồi người ta đã hiểu ra, là tôi quả thật không được thông tin đầy đủ về trường hợp này.
Đã không có một hậu quả nhân sự nào về vụ này?
Không. Chỉ có việc tôi đã tổ chức lại hoàn toàn mới Uỷ Ban Ecclesia Dei, vốn là kẻ trách nhiệm trong vụ này, vì qua sự vụ xẩy ra, tôi nghiệm thấy, nó không hoạt động đúng đắn.
Phải chăng Ngài quá mềm yếu?
Tôi nghĩ tất cả lỗi là do Uỷ Ban, nên tôi đã cải tổ nó tận căn.
Hai tác giả người í Andrea Tornielli và Paolo Rodari đi tới kết luận trong cuốn sách Attacco a Ratzinger [Tấn Công Ratzinger] vốn được phổ biến trước khi vụ Vatileaks xẩy ra của họ, là đã có những âm mưu, những chiến dịch truyền thông và những tấn công từ phía những nhóm chống Công Giáo nhằm chống lại Giáo Tông. Ngài có nghĩ rằng, đã có những âm mưu hay chống phá nào trong giáo triều không?
Không, có lẽ tôi không nói được. Dù sao, tất cả những vị lãnh đạo, các bộ trưởng và chủ tịch hội đồng, đều đứng về phía tôi.
Quốc vụ khanh Tarcisio Bertone là người đặc biệt phải chịu nhiều búa rìu công luận. Bertone không xuất thân từ giới ngoại giao. Người ta bảo, nếu được điều hành bởi một người chuyên môn hơn, thì đã tránh được nhiều chuyện tạo gánh nặng cho Ngài. Tại sao không đổi nhân sự cho vai trò trọng yếu này?
Vì tôi không thấy có lí do để đổi. Bertone đúng không phải thuộc giới ngoại giao, nhưng ông là một tuyên úy, giám mục và nhà thần học, giáo sư, nhà giáo luật. Là chuyên gia giáo luật, ông cũng dạy luật quốc tế và nắm vững các khía cạnh pháp lí của vai trò mình. Vấn đề đơn giản là ông bị tiên kiến bởi một số thành phần. Và họ tìm mọi cơ hội, để minh chứng điều họ tin. Vâng, có thể ông có lỗi lầm, vì đi đây đó nhiều quá. Nhưng đối với tôi ông trước sau vẫn là một người của đức tin, luôn cố gắng hết mình phục vụ Giáo Hội. Ngoài ra, những sự việc đó đang được tiến hành điều tra về mặt pháp lí, ta phải chờ kết quả.
Nhiều hồng y, trong đó có hồng y Schönborn [của Áo], trong một cuộc họp mặt đã yêu cầu phải thay Bertone. Có phải thế không?
Không, không có chuyện đó.
Cũng như thánh Biển-đức, vị quan thầy tên hiệu của Ngài, Ngài cũng đã gặp một „con quạ“, tên mà người ta dùng để gọi anh quản gia Paolo Gabriele của Ngài. Anh này đã đánh cắp tài liệu mật. Chuyện này tác động trên Ngài như thế nào?
Chắc chắn nó không gây ra nơi tôi một thứ thất vọng hay một nỗi đau theo kiểu trần gian. Tôi hoàn toàn không hiểu nổi. Cả khi nhìn vào con người, tôi cũng không thể tưởng tượng được, sao anh ta lại có thể muốn điều như thế. Do động lực nào? Tôi không thể đào sâu về mặt tâm lí học.
Một số người cho rằng, điều đó đã có thể xẩy ra, là vì Ngài quá tin người.
Vâng, nhưng không phải tôi tuyển chọn anh ta. Tôi hoàn toàn không biết anh. Xem mọi hướng, thì anh là người xem ra hoàn toàn thích hợp cho công việc này.
Người ta nói, khả năng hiểu người nói chung không phải là điểm mạnh của Ngài.
(Cười) Đúng, tôi công nhận điểm này. Nhưng mặt khác tôi là người rất cẩn thận và hay đề phòng, vì tôi có nhiều kinh nghiệm về những hạn chế nơi người khác và cả nơi chính tôi.
Ngài thấy thế nào về mặt pháp lí của sự việc?
Ngay cả nền tư pháp của Vatican cũng phải được độc lập, điều này tôi cho là quan trọng. Tôi không chấp nhận chuyện quân vương phán, đây là việc để riêng trẫm quyết định. Một nhà nước pháp quyền phải để cho tư pháp có đường đi riêng của mình. Còn việc quân vương có thể ban khoan hồng lại là chuyện khác.
Ngày mùng 6.10.2012 tòa án tuyên phạt anh quản gia 18 tháng tù. Anh bước vào tù ngày 25 tháng 10. Ngài tới thăm anh ngày 22 tháng 12, tha thứ và ra lệnh khoan hồng cho anh. Gabriel được thả ngay trong ngày. Anh ta đã nói gì với Ngài trong lần thăm đó?
Anh ta ngỡ ngàng tức giận về chính con người anh. Tôi không muốn phân tích nhân cách của anh. Việc anh làm là một chuyện; thêm vào đó là những thứ người ta đổ cho anh; những gì anh tự khai và những thứ người ta gán cho anh pha trộn với nhau cách lạ lùng. Anh đã hiểu ra, mình không được phép làm như thế và mình đã đi lầm đường.
Người ta ngờ rằng, một mình anh quản gia không thể làm được một chuyện như thế. Ngài nghĩ thế nào?
Chỉ một mình anh chuyển tài liệu ra ngoài. Không thể một ai khác vào đó được.
Cũng có thể có những đồng chí, đồng bạn xúi dục anh ta?
Có thể, nhưng tôi không biết. Dù sao, đã chẳng phát hiện ra được ai ngoài anh.
Ngài đã lập ra một uỷ ban để điều tra vụ này. Ngài có hốt hoảng, khi biết tại Vatican cũng có quá nhiều đố kị, ghen tương, ham muốn danh vọng thái quá?
Chuyện thiên hạ biết cả rồi. Nhưng tôi muốn nhấn mạnh, là mọi chuyện đó không phải xẩy ra ở khắp Vatican. Ở đây có rất nhiều người tốt, hết lòng tận tuỵ làm việc, từ sáng tới tối. Tôi biết rất nhiều điều tốt ở đây, để rồi phải nói rằng, ờ thì mình cũng phải chấp nhận chuyện không hay đó. Trong một cơ chế gồm nhiều ngàn người không thể chỉ có người tốt mà thôi. Mình phải thú nhận, điều đó gây ra thật nhiều vẩn đục, nhưng ta không được vì thế mà bỏ quên những người khác. Tôi cảm động, khi gặp bao nhiêu người ở đây thật sự muốn sống hết mình vì Chúa và Giáo Hội và cho con người. Bao nhiêu là người tốt và lương thiện tôi đã gặp ở đây! Điểm này nặng cân hơn so với điểm kia và tôi muốn nói rằng, thế gian là vậy! Chúa cũng đã cho ta biết điều đó! Trong lưới có cả cá xấu.
Để kết thúc phần này: Người kế nhiệm của Ngài có nói tới một nhóm áp lực của những người đồng tính trong Vatican. Ngài có thấy đây thật sự là một vấn nạn, như người kế nhiệm của Ngài nhận định không?
Quả thật người ta đã tố giác với tôi về một nhóm, và chúng tôi đã giải tán. Bản tường trình của Uỷ Ban điều tra (gồm ba vị hồng y) có đề cập tới nhóm này. Đó là một nhóm nhỏ, có lẽ gồm bốn hoặc năm người, hiện đã bị chúng tôi giải tán. Nay có xuất hiện lại thêm nhóm nào không, thì tôi không biết. Chắc chắn không có chuyện đầy dẫy những nhóm như thế ở Vatican.
Vụ VatiLeaks có làm cho Ngài chán nản trong vai trò của mình không?

Không, là vì tôi biết điều đó luôn có thể xẩy ra. Nhất là, như tôi đã nói, mình không được phép bỏ đi giữa cơn bão tố, mà phải ở lại chống cự.



Tóm Lược


Thưa Giáo Tông, trong thập niên 50 của thế kỉ trước Ngài đã tiên đoán một cuộc mất mát lớn về đức tin ở Âu châu. Điều này khiến người ta đánh giá Ngài là một kẻ bi quan. Ngày nay, ai cũng thấy tiên đoán của Ngài đang thành hiện thực: Giáo Hội đang trở nên bé nhỏ, mất đi nhiều đặc quyền, càng ngày càng ít tín hữu và có lẽ đang bị chống đối.
Vâng, đúng. Có thể nói, tiến trình giải Ki-tô Giáo vẫn tiếp diễn.
Lúc này Ngài thấy tương lai của Ki-tô Giáo ra sao?
Rõ ràng chúng ta không còn tương hợp với nền văn hóa tân tiến ngày nay; nền tảng ki-tô giáo không còn là động lực chi phối mọi chuyện. Ngày nay chúng ta sống trong một nền văn hóa theo khuynh hướng thực chứng và bất khả tri, văn hóa này càng ngày càng tỏ ra bất khoan dung với Ki-tô Giáo. Như vậy, xã hội tây phương, nhất là ở Âu châu, không hẳn đơn giản là một xã hội ki-tô giáo. Vì thế người tin Chúa càng phải cố gắng tiếp tục tạo cho mình một ý thức về các giá trị và về cuộc sống và phải nỗ lực sống những cái đó. Quan trọng là từng giáo xứ, từng Giáo Hội địa phương phải quyết tâm sống đạo hơn. Trách nhiệm sẽ lớn hơn.
Giờ đây nhìn lại Ngài thấy đâu là điểm có thể nói tiêu biểu nhất trong nhiệm kì của Ngài?
Có thể nói đó là „Năm Đức Tin“. Nó đem lại một khích lệ mới cho đức tin, cho việc tìm lại động lực cho cuộc sống, giúp tái khám phá ra Thiên Chúa hiện diện trong đức Ki-tô, nghĩa là tìm lại tâm điểm của niềm tin.
Ngài coi mình là vị Giáo Tông cuối cùng của một thời đại cũ hay là người đầu tiên của một thời đại mới?
Có lẽ là người giữa hai thời đại.
Là một cây cầu, một thứ móc nối hai thế giới với nhau?
Tôi không còn thuộc về thế giới cũ, nhưng mà thế giới mới cũng chưa thật sự hiện diện.
Phải chăng việc bầu giáo tông Phan-sinh có thể được xem như là dấu chỉ bề ngoài của một sang trang lịch sử? Có thật ngài là người dứt khoát mở ra một thời đại mới?
Những phân chia thời đại, chẳng hạn như việc bắt đầu thời Trung Cổ hay Thời Mới, luôn luôn chỉ được nhận diện về sau. Chỉ mãi về sau người ta mới nhận ra được hướng đi của các phong trào. Vì thế lúc này tôi không dám nói tới điều Anh hỏi. Nhưng rõ ràng Giáo Hội càng ngày càng rời xa khuôn mẫu sống của Âu châu cũ và do đó đang mặc lấy cho nó một dạng hình và những hình thái mới. Lúc này chúng ta đang chứng kiến tiến trình đi tới của việc giải Ki-tô Giáo tại Âu châu, Ki-tô Giáo tại đây đang càng ngày càng biến khỏi cấu trúc công cộng. Vì thế Giáo Hội phải tìm ra cho mình một lối hiện diện mới, phải thay đổi cách hiện diện của mình. Những đột biến chu kì đang diễn ra. Diễn ra tới điểm nào thì lật trang sử, nghĩa là một thời đại mới mở ra, điểm này ta chưa có thể biết được.
Hẳn Ngài có biết lời tiên tri của Malachia trong thời Trung Cổ. Vị này đưa ra một danh sách các giáo tông nối tiếp và tiên đoán về ngày tận thế, ít ra là về ngày cánh chung của Giáo Hội. Theo bảng đó thì ngôi giáo tông sẽ kết thúc với nhiệm kì của Ngài. Ngài có quan tâm tới chuyện này không và phải chăng Ngài là vị cuối cùng của một loạt giáo tông như ta đã biết cho tới nay?
Mọi chuyện đều có thể. Có lẽ lời tiên tri do nhóm chung quanh Philipp Neri tạo ra. Để đối lại với phía Tin Lành thời đó cho rằng ngai giáo tông đã đến thời chấm dứt, vị này đã đưa ra một danh sách giáo tông bất tận, để muốn nói rằng: Không, không có chuyện chấm dứt ngai giáo tông, như Tin Lành nói. Không thể có chuyện chấm dứt, vì danh sách giáo tông hãy còn dài lắm.
Điều gì Ngài ít thú vị nhất lúc còn trong nhiệm kì?
Có thể nói, đó là các cuộc tiếp kiến các chính trị gia. Thực tế mà nói, gặp gỡ các vị lãnh đạo quốc gia và các vị đại sứ luôn là chuyện thú vị, vì mình học được những kinh nghiệm hay. Đa số họ, dù là người không ki-tô giáo, quả thật đều thích chuyện tâm linh. Nhưng với tôi một cách nào đó, phần gặp gỡ chính trị là mảng vất vả nhất.
Ngài có bất bình với chính mình về điều gì không?
Chắc chắn có, chẳng hạn như tôi không còn đủ sức để diễn tả những bài giáo lí làm sao cho thật thấm, cho thật đi vào lòng người.
Hãy nói như vầy: Lối nói của Ngài rất dè dặt. Nhất là khi trình bày Ngài hiếm khi nhìn vào mắt người nghe và giọng của Ngài hơi đơn điệu. Điều đó là có chủ ý?
Không, không. Đó là con người tôi, tôi phải thú nhận như thế; tôi thường không đủ mạnh mẽ khi nói – và tôi cũng không nhập tâm đủ nội dung bài nói, để có thể trình bày cách tự do, không cần giấy. Hẳn đó là một điểm yếu. Và giọng nói của tôi vốn yếu.
Nhưng điểm mạnh của Ngài là nói suôn sẻ, đa số các nội dung này có thể dùng để in ngay được.
Nhưng khi phải nói quá nhiều, như nhiệm vụ một giáo tông phải nói, thì vấn đề quả có hơi quá sức.
Giáo Tông luôn có nhiều người vây quanh, phải liên tục gặp những yếu nhân. Như vậy còn có giờ phút nào cô đơn riêng mình, để tâm hồn có thể đơm hoa?
Có, nhưng vì tôi cảm thấy mình rất gần Chúa, nên chẳng bao giờ cô đơn cả.
Ai tin, người đó chẳng bao giờ cô đơn?
Đúng như thế. Người đó hiểu ngay ra, là không phải mình làm điều đó. Tôi cũng không thể làm điều đó một mình được. Người luôn có mặt ở đó. Tôi chỉ có việc lắng nghe và mở rộng lòng ra cho Người. Và rồi chia sẻ điều đó với những người thân cận nhất của mình.
Lắng nghe và mở rộng lòng ra như thế nào? Ngài có thể chỉ cho tôi được không?
(Cười.)
Cách nào tốt nhất để làm điều đó?
Ấy, mình van xin Chúa, xin Người giúp mình trong giây phút này! – và tập trung tâm trí, yên lặng. Và rồi mình có thể cứ gõ cửa nhiều lần với kinh nguyện, cứ làm vậy sẽ được.
Ngài muốn làm được gì hơn nữa trong cuộc sống?
Tôi muốn làm được nhiều hơn về mặt khoa học. „Mạc khải“, „Kinh Thánh“, „Tông truyền“ và „Tương quan Thần Học - Khoa Học“, đó là những đề tài tôi muốn nghiên cứu sâu xa hơn, nhưng tôi đã không thực hiện được. Nhưng dù vậy, tôi cũng thỏa lòng với chuyện mình phải bước vào một con đường khác. Điều Thiên Chúa muốn không giống như chuyện tôi muốn. Giờ đây tôi thấy rõ, đó là con đường đúng cho tôi.
Sau nhiều chục năm xa cách Khoa Học, khi nghĩ lại kết quả làm việc của mình, hẳn Ngài cũng cảm thấy có đôi chút sa sút về khả năng chuyên môn, đôi chút xa lạ với giới thần học?
Thần Học trong Đại Học ở Đức rõ ràng đang gặp khủng hoảng và cần có những đầu óc mới, những sinh lực mới, một cường độ đức tin mới. Nhưng chính Thần Học thì vẫn luôn bước đi trên con đường mới. Tôi cám ơn Chúa về những gì mình đã có thể làm được, cho dù đó là những kết quả khiêm tốn, cho dù đó là những hoa trái thời cơ hơn là những đóng góp về mặt mục vụ - tâm linh. Những gì tôi đã có thể làm, như đã nói, hơi khác với những gì tôi muốn – tôi muốn suốt đời là một giáo sư đích thực -, nhưng nhìn lại, tôi thấy con đường mới của tôi trong cuộc đời cũng tốt.
Trước sau Ngài vẫn được gọi là Giáo Sư. Người ta gọi Ngài là „Giáo Tông Giáo Sư“ hay „Giáo Tông Thần Học Gia“. Ngài thấy, gọi như thế có đúng không?
Có thể nói, tôi đã cố gắng để trước hết trở thành một mục tử. Dĩ nhiên người mục tử cũng phải mê say với lời Chúa, nghĩa là với công việc của một giáo sư. Thêm vào đó, muốn được là một người xác tín, một Confessor. Từ Professor và Confessor, theo ngữ văn, gần như cùng một nghĩa, nhưng nhiệm vụ công tác của mình dĩ nhiên nặng về đường Confessor hơn.
Đâu là mặt yếu của Ngài?
Có lẽ tôi không có được lối lãnh đạo rõ ràng cả quyết và thiếu quyết định. Quả thật tôi là một giáo sư nhiều hơn, người vốn thích cân nhắc và suy tư về những chuyện tinh thần. Lãnh đạo không phải là điểm mạnh, và tôi có thể nói, đây phần nào là mặt yếu của tôi.
Đâu là điểm thành công nhất của Ngài?
(Cười.) Tôi không biết.
Trong cuốn Tự Truyện, Ngài thường nói tới những „vất vả mới“. Phải chăng Ngài đã trải qua một cuộc sống nặng nề khó khăn?
Có thể nói là không. Tôi muốn nói rằng, luôn luôn cũng có những khó khăn và vất vả, nhưng cũng có rất nhiều điều hay điều đẹp; không, có thể nói đời tôi chẳng có gì nặng nề.
Một người lớn tuổi và nhất là một Giáo Tông còn có thể học được gì?
Người ta có thể học mãi. Thứ nhất, mình phải học biết đức tin nói gì với mình trong thời buổi này. Và mình phải học có thêm khiêm tốn, sống đơn giản, sẵn sàng chấp nhận đau khổ và can đảm phản kháng. Mặt khác sự cởi mở và sự sẵn sàng tiếp bước.
Trong vai trò Giáo Tông, Ngài là một nhà cải cách, một nhà bảo tồn hay, như những người phê phán Ngài nói, là một kẻ thất bại?
Tôi không thể coi mình là một kẻ thất bại. Tôi đã thi hành nhiệm vụ mình trong tám năm. Đó là thời gian với nhiều khó khăn, khi ta nghĩ tới những tai tiếng lạm dụng tình dục trẻ em, tới trường hợp ngớ ngẩn của Williamson hoặc tới vụ Vatileaks. Nhưng nói chung đó cũng là một thời, trong đó nhiều người đã tìm lại được đức tin và cũng đã có một phong trào tích cực sống đạo lớn rộng.
Nhà cải cách hay nhà bảo tồn?
Luôn phải làm cả hai. Phải đổi mới, vì thế tôi đã cố gắng đưa cuộc sống đi tới, xuất phát từ một đức tin theo lối suy nghĩ tân tiến. Đồng thời cũng cần phải giữ sự liên tục, không để đức tin đứt đoạn hay đổ vỡ.
Trở về với tình trạng hiện nay của Ngài với tư cách là một Giáo Tông về hưu, một tình trạng chưa có trong lịch sử giáo hội trước đây: Có thể nói được rằng, Joseph Ratzinger, giáo tông Biển-đức, con người của lí trí, nhà tư tưởng táo bạo, giờ đây cuối đời khoác áo một tu sĩ dòng, một nhà chiêm niệm để đi vào nơi, mà chỉ có lí trí không thôi thì không đủ?
Vâng, đúng như thế.
Một câu hỏi luôn được đưa ra, mỗi lần một cách khác: Thiên Chúa, Đấng chúng ta thường nói tới và thường kêu xin phù hộ, ở đâu? Có thể tìm tới Người nơi đâu và bằng cách nào? Chúng ta cứ tiếp tục tiến mãi vào vũ trụ với hàng tỉ hành tinh, với vô số hệ thống mặt trời, và dù mình có thể nhìn tận mãi tới đâu, thì vẫn không gặp được chốn gọi là Trời, nơi đó Thiên Chúa ngự trị.
(Cười.) Đúng, là vì Người chẳng ngự trị nơi một địa điểm nào cả. Chính Thiên Chúa là nơi chốn trên mọi nơi chốn. Khi Anh nhìn vào thế giới, Anh chẳng thấy Trời, nhưng thấy đầy dẫy vết tích của Thiên Chúa. Trong cấu trúc của vật chất, trong trật tự đầy hợp lí của thực tại. Và cả nơi mỗi con người mà Anh thấy. Anh thấy những cái xấu, nhưng cũng thấy những điều tốt, thấy tình yêu. Đó là những nơi Thiên Chúa hiện diện trong đó.

Mình phải hoàn toàn bước ra khỏi cái quan niệm vốn có về không gian. Quan niệm này không còn hợp nữa, chỉ vì vũ trụ quá mênh mông đi, để con người chúng ta có thể gọi được là vô tận, cho dù nó chẳng phải là vô tận theo nghĩa hẹp của từ ngữ. Và Thiên Chúa chẳng ở đâu bên trong hay bên ngoài vũ trụ cả, Người hiện diện theo một cách thế hoàn toàn khác.

Chúng ta quả thật cần phải đổi mới tư duy, bỏ đi lối quan niệm về không gian vốn có, để hiểu một cách mới. Cũng giống như giữa con người có một sự hiện diện tinh thần – hai người có thể đang ở trên hai lục địa khác nhau, nhưng có thể sờ đụng nhau, vì đây là một chiều kích khác với chiều kích không gian. Thiên Chúa cũng thế, Người không ở đâu cả, nhưng Người là thực tại. Một thực tại đỡ nâng mọi thực tại khác. Với thực tại này tôi chẳng cần phải hỏi „ở đâu“. Bởi vì „ở đâu“ đã là một hạn chế rồi, không còn sự vô biên nữa, Đấng Tạo Dựng là vũ trụ, là Đấng bao tỏa mọi thời gian và chính mình thì lại chẳng phải là thời gian, nhưng là Đấng tạo ra thời gian và luôn luôn hiện hữu.

Tôi tin rằng, ở mặt này chúng ta cần phải thay đổi nhiều điều. Cũng giống như sự thay đổi toàn bộ nhân sinh quan của chúng ta. Không phải chúng ta chỉ có 6000 năm lịch sử [như theo lối tính trong Kinh Thánh cho hay], nhưng theo chỗ tôi biết, có nhiều hơn rất nhiều, chẳng biết là bao nhiêu năm nữa. Thôi cứ để thả lỏng con số giả thiết này. Tuy nhiên, nhận thức mới này khiến chúng ta ngày nay có một quan niệm mới về cấu trúc của thời gian và về lịch sử. Điểm này trước hết Thần Học phải nghiên cứu tường tận hơn, để tái cung cấp cho con người những khả thể hình dung. Trong lãnh vự này chúng ta đang có những khiếm khuyết vô cùng lớn trong việc diễn nghĩa Thần Học và Đức Tin ra ngôn ngữ của thời nay. Để cung cấp cho chúng ta những mô hình hình dung, hầu giúp con người hôm nay hiểu được rằng, chẳng phải đi tìm Thiên Chúa ở chốn này cả. Hãy còn rất nhiều việc để làm.


Như vậy Thiên Chúa có phải là một thứ tinh thần, một thứ năng lực? Đức tin ki-tô giáo, trái lại, bảo, Thiên Chúa là một nhân vị.
Đúng thế. Chính vì Người là một nhân vị, nên không thể tìm Người ở một địa điểm nào được cả. Với loài người chúng ta, nhân vị cũng là cái gì đó vượt ra ngoài không gian thuần túy và mở ra cho tôi sự vô tận. Nghĩa là mình một lúc có thể ở đâu đó nhưng đồng thời cũng có mặt lúc này ở đây. Không phải mình chỉ hiện diện nơi đâu thân xác mình đang có mặt, nhưng là mình đang sống ở một nơi xa. Và cũng chính vì Người là nhân vị, tôi không thể xác định Người ở một nơi chốn vật lí – bởi vì nhân vị là cái bao quát hơn, khác hơn, lớn hơn.
Ngài không hình dung Thiên Chúa như thế nào cả?
Không.
Cũng giống như người do-thái giáo?
Đúng. Dĩ nhiên Thiên Chúa cũng hiện hữu qua đức Giê-su Ki-tô, qua một phàm nhân.
Ai thấy tôi, là thấy Cha“?
Đúng. Đức Ki-tô đúng là hình ảnh của Thiên Chúa.
Như Ngài nói, lúc này Ngài đang ở trong giai đoạn cuối đời. Ta có thể chuẩn bị cho cái chết không?
Theo tôi nghĩ, không những có thể mà còn phải chuẩn bị. Không phải theo nghĩa là mình giờ đây phải giải quyết cho xong những hành vi nào đó, song là sống trong sự chuẩn bị tâm hồn, để vượt qua được khóa thi cuối cùng trước mặt Chúa. Mình bước ra khỏi thế giới này, để sẵn sàng ra trước mặt Chúa, trước mặt các thánh và trước mặt các bạn hữu cũng như những người không phải là bạn hữu. Có thể nói, mình chấp nhận sự kết thúc của cuộc sống này và chuẩn bị tâm hồn để ra trình diện Chúa.
Ngài chuẩn bị như thế nào?
Đơn giản qua những chiêm niệm của mình. Qua việc luôn nghĩ là mình đã tới điểm cuối cuộc đời. Qua việc nỗ lực hướng con người mình về đó, và nhất là luôn tỉnh thức. Điều thật sự quan trọng là sống trong ý thức, là cả cuộc đời mình hướng về một cuộc gặp gỡ, chứ không phải chuyện mình hình dung thời điểm đó sẽ như thế nào.
Sẽ ghi gì trên mộ bia của Ngài?
(Mỉm cười.) Tôi muốn nói là chẳng ghi gì cả. Chỉ ghi tên mà thôi.
Tôi chợt nghĩ tới câu khẩu hiệu giám mục của Ngài: „Cộng tác viên của chân lí“. Do đâu Ngài chọn khẩu hiệu này?
Như thế này: Đã từ lâu người ta tìm cách đẩy Chân Lí qua một bên, vì nó xem ra quá lớn. Chẳng ai dám khẳng định „Chúng tôi nắm chân lí“, do đó cả chúng ta nữa cũng gần như loại khái niệm Chân Lí ra khỏi Thần Học. Nhưng trong những năm tranh đấu của thập niên 70 thế kỉ trước tôi đã ý thức rõ: Nếu chúng ta loại bỏ Chân Lí, thì tất cả những điều chúng ta làm để làm gì? Vì thế Chân Lí phải có mặt.

Lẽ dĩ nhiên chúng ta không thể nói: „Tôi đã nắm được Chân Lí“, nhưng Chân Lí đã đụng chạm tới ta. Và chúng ta cố gắng để cho sự đụng chạm đó dẫn mình đi. Và rồi tôi cảm được câu trong lá thư thứ ba của thánh Gio-an, rằng chúng ta là „cộng tác viên Chân Lí“. Chúng ta có thể cộng tác với Chân Lí, vì Chân Lí là một nhân vị. Ta có thể tham gia vào Chân Lí, có thể nỗ lực làm cho người ta để ý đến Chân Lí. Rốt cuộc tôi xem đó như một định nghĩa đúng đắn nhất cho nghề nghiệp của một nhà thần học; nhà thần học vốn là người được Chân Lí này đụng chạm, là người nhận biết nó, nên ông cũng phải sẵn sàng phục vụ nó, sẵn sàng cộng tác với nó và cho nó.


Có lẽ câu „Cộng tác viên của Chân Lí“ cũng hợp cho bia mộ của Ngài.
Ờ, đúng đấy. Nếu đó là khẩu hiệu của tôi, thì người ta cũng có thể khắc nó trên bia mộ cảu tôi.
Câu hỏi cuối của cuộc trao đổi cuối cùng này: Tình yêu là một trong những đề tài nền tảng của Ngài, trong thời sinh viên, giáo sư và giáo tông. Tình yêu ở đâu trong cuộc đời của Ngài? Ngài đã cảm, đã nếm, đã sống tràn đầy tình yêu như thế nào? Hay đó chỉ là chuyện lí thuyết, chuyện thần học?
Không. Không phải. Khi người ta không cảm được, thì người ta cũng không thể nói về nó được. Trước hết tôi cảm được nó trong cuộc sống gia đình, nơi cha mẹ và anh chị. Và, ờ, lúc này tôi không muốn đi sâu vào những chuyện riêng tư, nhưng dù sao tôi đã cảm được nó trong những chiều kích và hình thái khác nhau. Càng ngày tôi càng nhận ra việc được yêu và việc trao tình yêu lại cho người khác là nền tảng, để từ đó ta có thể sống, có thể chấp nhận chính mình và chấp nhận người khác. Cuối cùng tôi càng ngày càng nhận ra rõ hơn, chính Thiên Chúa, có thể nói, không những chẳng phải là một kẻ quyền uy ghê gớm hay một quyền lực xa xôi, mà Người là tình yêu và Người yêu tôi – và vì thế sự sống được điều hướng bởi Người. Bởi cái sức mạnh mà ta gọi là tình yêu.


Chú Thích


  1. „Nunc dimittis“ là những chữ mở đầu bài ca của Si-mê-ôn. Kinh Thánh thuật lại chuyện ông già Si-mê-ôn đã cất lên bài ca đó, khi thấy con trẻ Giê-su được cha mẹ đưa vào đền thánh dâng cho Thiên Chúa (Lc 2,29). Si-mê-ôn nhận ra trẻ Giê-su Ki-tô chính là Đấng Thiên Sai. Ông ca ngợi Chúa và cho biết giờ đây sẵn sàng chết trong toại nguyện: „Giờ đây, lạy Chúa, như Ngài đã nói, hãy để cho tôi tớ được ra đi trong yên lành. Bởi mắt tôi đã nhìn thấy được ơn cứu độ, mà Chúa đã đưa ra trước mặt muôn dân…“

  2. „Kinh nguyện chung“ của thánh Petrus Canisius, vị „tông đồ thứ hai“ của nước Đức: „Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Cha ngự trên trời. Xin Cha hãy đoái nhìn những than van, bất hạnh và khốn cùng của chúng con bằng con mắt xót thương nhưng không của Ngài. Xin hãy đoái thương mọi Ki-tô hữu, những người vì họ mà Con của Ngài là đức Giê-su Ki-tô, đấng cứu chuộc và là Chúa chúng con, đã tự nguyện trao mình trong tay sự dữ và đã đổ máu quý giá của Người nơi cây thánh giá. Nhờ bởi Chúa Giê-su, xin Cha vô cùng nhân ái hãy giúp chúng con tránh được những hình phạt xứng đáng, những nguy hiểm hiện tại và tương lai, những phẫn nộ có hại, những trang bị vũ khí chiến tranh, những mắc mỏ giá cả, bệnh tật, những giây phút âu sầu đáng tội. Chúng con cũng xin Cha soi sáng và giúp sức cho những vị lãnh đạo tinh thần và trần thế, để họ hỗ trợ tất cả những gì làm vinh danh Chúa, góp phần cho sự cứu rỗi của chúng con, cho sự triển nở nền hoà bình chung và cho hạnh phúc của toàn thể Ki-tô hữu. Lạy Thiên Chúa của hoà bình, xin giúp chúng con hợp nhất trọn vẹn trong đức tin, tránh mọi phân cách và chia rẽ; xin hướng dẫn tâm hồn chúng con trở về với sự ăn năn đúng đắn và biến cải đời sống chúng con; xin đốt lửa tình yêu của Ngài trong chúng con; xin làm cho chúng con đói khát sự công chính, để chúng con sống và chết trong sự hài lòng của Chúa, như những người con ngoan của Ngài. Lạy Chúa, chúng con cũng cầu xin, như điều Chúa vẫn muốn, cho những bạn bè và kẻ thù của chúng con, cho kẻ lành cũng như người bệnh, cho mọi Ki-tô hữu buồn phiền và đau khổ, cho người sống lẫn kẻ chết. Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy tất cả những việc làm hay bỏ sót của chúng con, những hành vi và biến đổi của chúng con, cuộc sống và cái chết của chúng con. Xin cho chúng con ngay từ bây giờ nếm được hồng ân của Chúa và mai đây được cùng với các thánh ca khen và vinh danh Chúa trong niềm vui và hạnh phúc đời đời! Lạy Cha chúng con ở trên trời, xin Cha cho chúng con vay trước điều đó! Nhờ Chúa Giê-su Ki-tô, Con Cha yêu dấu, là Đấng cùng bản tính với Cha và Chúa Thánh Thần sống và ngự trị từ muôn thủa đến muôn đời. Amen.“

  3. Trong cuộc phỏng vấn với tờ báo của Dòng Tên Civiltà Cattolica, phổ biến trong tháng chín 2013, giáo tông Phan-sinh trả lời những câu hỏi liên quan tới cuộc đời của ngài, tới suy nghĩ và cái nhìn của ngài về Giáo Hội.

  4. Sau những chặng đường ở Marktl, Tittmoning và Aschau, tháng tư 1937 gia đình dời về làng Hufschlag gần Traunstein trong một căn nhà nông dân cũ được ông bố mua lại năm 1933 với giá 5 500 mác đế quốc. Ngay sau khi Hitler nên nắm quyền, ông tin chắc: „Chiến tranh sẽ tới, và mình giờ đây cần phải có ngay một căn nhà riêng.“

  5. Nhà toán học và triết gia người pháp Blaise Pascal trải qua một kinh nghiệm thần bí vào năm 1654; kinh nghiệm này được ông ghi lại trên một miếng da nhỏ - Mémorial (bản ghi nhớ) – mà ông luôn luôn giữ bên mình. Theo đó, Thiên Chúa không phải là sản phẩm của tư duy, Người không hiện hữu qua những lí chứng biện minh của các triết gia („không phải là Thiên Chúa của các triết gia và các học giả“), nhưng Người là một kinh nghiệm như lửa, ở đây Pascal muốn nhắc tới câu truyện bụi gai cháy trong Kinh Thánh (Xh 3,6: „Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác và của Gia-cóp“).

  6. Đoạn trong „bài nói chuyện ở Regensburg“ ngày 12.09.2006, trong đó Biển-đức XVI ghi lại câu nói của hoàng đế bi-dăng-tin Manuel II Palaiologos: „Không đi sâu vào chi tiết cũng như vào việc trình bày khác nhau giữa các ‚nhà thông luật‘ và những ‚người không tin‘, ông [hoàng đế Manuel II] quay ra nói với người đối thoại, bằng một giọng cộc cằn không ngờ, giọng điệu hẳn ta không thể nào chấp nhận được, về câu hỏi nền tảng liên hệ tới tương quan giữa tôn giáo và bạo lực: Ông nói: ‚Anh hãy chỉ cho tôi hay, đâu là điều mới mẻ nơi Mo-ha-mét, và ở điểm này anh sẽ chỉ thấy toàn là điều dở và bất nhân, chẳng hạn như ông đã ra lệnh phải dùng gươm để phát triển cái đạo do ông giảng.‘ Sau khi nói cộc cằn như thế, Hoàng Đế cắt nghĩa tỉ mỉ vì sao việc loan truyền đức tin bằng bạo lực là điều sai trái. Nó trái với bản tính của Thiên Chúa và trái với bản chất của linh hồn…“

  7. Về lời cầu thứ sáu tuần thánh cho người Do-thái, một trong những „lời cầu lớn“ trong phụng vụ thứ sáu tuần thánh theo nghi lễ roma, đã có những tranh luận mạnh mẽ. Bản văn nguyên thuỷ có từ thế kỉ thứ 6. Nó gọi người Do-thái là perfidis (bất trung) và xin Chúa hãy „lấy đi cái màn che khỏi tâm họ“, cho họ nhận biết đức Ki-tô và xé cái „màn tối“ khỏi họ. Cồng Đồng Vatican II đổi mới phụng vụ và giáo tông Phao-lô VI nhân đó đã cho sửa lại ngôn từ lời cầu. Ngày nay ta có bản văn lời cầu như sau: „Chúng ta cũng cầu cho người Do-thái là những người đầu tiên được Thiên Chúa giao tiếp: Xin Chúa hãy giữ họ trong sự trung thành với giao ước của Ngài và trong tình yêu đối với danh Ngài, để họ đạt tới mục tiêu, mà Ngài muốn dẫn họ đi tới.“ Khi giáo tông Gio-an Phao-lô II để các giám mục cho phép một số nhóm được cử hành nghi thức phụng vụ cũ theo Sách Lễ năm 1962, thì lời nguyện cũ trước đây cũng theo đó trở lại. Biển-đức XVI đã sửa lại lời cầu vào tháng hai năm 2008 như sau: „Chúng ta cũng cầu cho những người Do-thái. Xin Thiên Chúa là Chúa chúng ta soi sáng tâm họ, để họ nhận biết đức Giê-su Ki-tô, đấng cứu rỗi mọi người. Lạy Thiên Chúa toàn năng hằng hữu, Chúa muốn tất cả mọi người đều được cứu rỗi và đều được nhận biết sự thật. Xin thương cho toàn Is-ra-en cũng được cứu rỗi, khi tới hồi viên mãn tất cả mọi dân tộc đã bước vào trong Giáo Hội của Ngài. Nhờ đức Ki-tô Chúa chúng con. Amen“ Chỉ tới hôm nay - năm 2016 – tôi mới biết được, là người ta hình như cũng đã đặt đầu đề cho từng lời nguyện cả trong Sách Lễ Cũ, những lời nguyện này vốn không có trong Sách Lễ Cũ và vì thế cần phải được bỏ đi. Hình như đầu đề lời cầu cho dân Do-thái ở đó có tên là: „Pro conversione Iudaerum“ Đầu đề này vốn không có trong Sách Lễ Cũ. Nếu cần có một đầu đề cho lời nguyện, thì nên viết như thế này: „Pro Iudaeis“.

  8. Tháng hai 2009 Biển-đức ra văn thư rút lại vạ dứt phép thông công cho bốn giám mục thuộc Huynh Đoàn Pi-ô. Lệnh này đã gây ra một trận chiến truyền thông chưa bao giờ có. Hãy nhớ lại tuần tự biến cố: Vatican dự định phổ biến tin về việc đức Thánh Cha đã quyết định rút lại vạ thông công cho bốn giám mục lúc 12 giờ ngày 24 tháng hai. Lí do phạt vạ không còn nữa, sau khi Huynh Đoàn đã ra tuyên cáo trở lại quy phục quyền bính của Giáo Tông. Rút vạ thông công không có nghĩa là phục hồi chức vụ hay kề cả việc hội nhập trở lại trong lòng Giáo Hội công giáo. Nhưng trước đó một tuần, ngày 17 tháng giêng, tin tức này được một nhà báo người tây-ban-nha bật mí. Ngày 20 tháng giêng tuần báo Der Spiegel (Đức) đăng tin về một cuộc phỏng vấn trên truyền hình thụy-điển, trong đó giám mục người anh Richard Williamson của Huynh Đoàn công khai phủ nhận việc Quốc Xã giết dân Do-thái. Ngày 22 tháng giêng truyền hình thuy-điển cho phát hành cuộc phỏng vấn đó. Cùng ngày, kí giả Andrea Tornielli của báo Il Giornale (Í) cũng loan tin về cuộc phỏng vấn của Williamson. Cũng cùng ngày 22 tháng giêng Vatican triệu tập một cuộc họp cao cấp về vấn đề này. Thành phần tham dự: các hồng y Bertone, Hoyos, Levada, Hummes và hai giám mục. Cuộc họp không đi tới kết quả nào, không có biện pháp gì cả. Thư kí riêng của Giáo Tông là Georg Gänswein đau nằm ở nhà.

Sự việc trở thành một cuộc vu vạ chính trị. Dù Vatican đã ra bao nhiêu tuyên bố, người ta vẫn kết án Giáo Hội công giáo chứa chấp kẻ phủ nhận cuộc giết dân Do-thái. Chính Biển-đức XVI, trước đó mấy tuần kêu gọi „hãy đoàn kết chặt chẽ với thế giới do-thái“ và cực lực chống lại mọi hình thức chống do-thái, giờ đây lại bị các cơ quan truyền thông gán cho là người chống do-thái.


Chi Tiết Tiểu Sử

1927


Sinh ra với tên Joseph Aloisius Ratzinger vào thứ bảy tuần thánh, ngày 16.04.1927, lúc 4.15 giờ tại Marktl am Ill/Oberbayern, quận Altötting, giáo phận Passau, rửa tội lúc 8.30 sáng cùng ngày. Cha là đội trưởng cảnh sát Joseph Ratzinger (*06.03.1877; + 25.08. 1959) và mẹ là Maria Ratzinger, nhũ danh Paintner, con gái một thợ làm bánh mì (*08.01.1884; + 16.12.1963). Joseph là con thứ ba và là út trong gia đình, sau chị Maria Theogona (*07.12.1921; + 02.11. 1991) và anh Georg (*15.01.1924).

1929-1942



11.07.1929: Gia đình chuyển về Tittmoning. 05.12.1932: Dời về Aschau am Ill. Tháng 04.1937: Cha về hưu, đồng thời dời về nhà riêng ở Hufschlag, một căn nhà nông dân cũ (xây năm 1726). 1937: Được nhận vào trung học Traunstein; 16.04.1939: Vào chủng viện St. Michael của tổng giáo phận tại Traunstein.

1943-1945



Tháng 08.1943 tới tháng 09.1944: Phục vụ trong đội phòng không ở Unterföhring, ở Ludwigsfeld gần München và ở Gilching gần hồ Ammersee. Mùa thu 1944: Thi hành dân vụ ở Burgenland thuộc Áo. 13.12.1944: Nhập „Đội Huấn Luyện Phòng Vệ I của Tiểu Đoàn 179 Trừ Bị Bộ Binh Và Huấn Luyện“. Tháng 5.1945: Đào ngũ. Tháng 5 tới 19.07.1945: Bị quân đội Mĩ bắt làm tù binh tại Neu Ulm.

1946-1959



03.01.1946 tới hè 1947: Học triết tại phân khoa Triết Thần học viện Freising. Sau đó học Thần tại đại học München. Cuối thu 1950 tới tháng 06.1951: Nội trú tại Freising để chuẩn bị lãnh chức linh mục. 29.06.1951: Nhận chức linh mục ở nhà thờ chính toà Freising. Từ 01.07.1951: Linh mục trợ tá tại München-Moosach (giáo xứ St. Martin). Từ 01.08.1951: Làm phó ở München-Bogenhausen (giáo xứ Hl. Blut). 01.10.1952 tới 1954: Dạy học ở chủng viện Freising. 1953: Làm luận văn tiến sĩ tại đại học München (đề tài: Dân và Nhà Thiên Chúa theo giáo huấn của thánh An-tịnh về Giáo hội). Từ lục cá nguyệt mùa đông 1954/55: Giảng sư về Tín Lí và Thần Học Căn Bản tại phân khoa Triết Thần, đại học Freising. 1957: Luận văn vào ngạch giáo sư (Habilitation) về môn Thần Học Căn Bản tại đại học München, với đề tài „Thần học lịch sử của thánh Bonaventura“. Lần đầu bị giáo sư Michael Schmaus từ chối chấm đậu. 01.01.1958: Chỉ định làm giáo sư tạm thời về môn Tín Lí và Thần Học Cơ Bản tại phân khoa Triết Thần Đại Học Freising.

1959-1963

Giáo Sư thực thụ về môn Thần Học Cơ Bản tại Đại Học Bonn. Tháng 08.1959: Ba mất ở Traunstein.

1962-1965

Cố vấn cho hồng i giáo phận Köln là Joseph Frings và là nhà thần học chính thức (Peritus) của Công Đồng Vaticano II. Thành viên Uỷ ban Đức tin thuộc Hội đồng Giám mục Đức và thành viên Uỷ ban Giáo Tông các Nhà thần học Quốc tế ở Roma.

1963-1966

Giáo Sư giữ ghế Tín Lí và Lịch Sử Tín Lí tại Đại Học Münster. Tháng 12.1963: Mẹ mất.

1966-1969

Giáo Sư giữ ghế Tín Lí và Lịch Sử Tín Lí tại phân ban Thần Học Công Giáo thuộc Đại Học Tübingen. 1968 xuất hiện „Đức tin Kitô giáo. Hôm qua và hôm nay“ (Einführung in das Christentum).

1969-1977

Giáo Sư giữ ghế Tín Lí và Lịch Sử Tín Lí tại Đại Học Regensburg.

1977-1981



25.03.1977: Giáo tông Phao-lô VI chọn làm Tổng Giám Mục München-Freising, truyền chức ngày 28.05.1977. 29.06.1977: được giáo tông Gio-an Phao-lô II trao tước hồng i. 25.11.1981: được cử làm Bộ Trưởng Bộ Tín Lí, Chủ Tịch Uỷ Ban Giáo Tông Về Kinh Thánh.

1982-2005



28.02.1982: Từ giã giáo phận München-Freising. 1994: Thành viên của Bộ Phong Thánh. 1986 (tới 1992): Trưởng Uỷ ban Giáo Tông soạn thảo „Sách Giáo lí Của Giáo hội Công giáo“. 1991: Tháng 09 bị đột quỵ, phải nằm viện nhiều tuần lễ. Ngày 02 tháng 11: Chị Maria mất, người suốt 34 năm giúp em trong việc điều hành nhà cửa và công việc hành chánh. 1992: Được nhận vào Académie des Sciences Morales et Politiques de l’ Institut de France, Paris. 1992: Được nâng lên hàng Giám Mục Hồng I giáo phận Velletri-Segni ngoại Roma. 1998: Được bầu làm Phó Hồng I Đoàn. 02.04.2005: Giáo tông Gio-an Phao-lô II mất. 08.04.2005: Với tư cách niên trưởng Đoàn Hồng I điều hành lễ mai táng giáo tông Gio-an Phao-lô II.

2005-2013



19.04.2005: Được bầu làm Giáo Tông thứ 265 của Giáo Hội Công Giáo, ở lần bầu thứ tư, sau 26 tiếng đồng hồ mật nghị. Tân Giáo Tông lấy tên hiệu là Biển-đức XVI, và là người Đức thứ hai làm Giáo Tông sau Hadrian VI trước đây 482 năm. Biển-đức XVI là Giáo Tông đầu tiên của Thời Mới đã gỡ bỏ vương miện (Tiara) – dấu chỉ quyền lực thế gian - ra khỏi huy hiệu mình, và thay vào đó đơn giản bằng một mũ giám mục. Tháng 08.2005: Có mặt tại Đại Hội Quốc Tế Giới Trẻ ở Köln với một triệu người tham dự. Tháng 10.2005: Thượng Hội Đồng Giám Mục tại Roma. 2006: Ra thông điệp „Deus caritas est“. Bỏ danh hiệu „Thượng Phụ Phương Tây“; bắt đầu cải tổ giáo triều bằng cách cho sát nhập nhiều Hội Đồng lại làm một. Du hành sang Ba-lan, thăm trại tập trung Auschwitz. Dự Đại Hội Gia Đình Thế Giới tại Tây-ban-nha. Thăm quên hương Bayern. Gặp đại diện tối cao của thế giới chính thống giáo Bartholomäus I ở Istanbul.
2006-2014

Trong 2872 ngày của nhiệm kì mình, Biển-đức XVI đã viết 17 Tự Sắc, với 116 Tông Hiến và 144 Tông Thư. Thêm vào đó là 278 bức công thư và 242 thông điệp gởi các đại diện tôn giáo và đại diện chính quyền. Các tác phẩm gồm: Thông điệp „Deus caritas est“, „Spe salvi“ và „Caritas in veritate“. Thông điệp thứ bốn của ngài „Lumen fidei“ được tân giáo tông Phan-sinh phổ biến. Ba tập về đức Giê-su được dịch ra trên 20 thứ tiếng và ấn hành nhiều triệu ấn bản, được tín hữu trong 72 quốc gia đón nhận.



Biển-đức XVI. cử hành 352 nghi lễ phụng vụ, tiếp khách chung 340 lần (không kể những chuyến tông du và những lần tiếp khách riêng), phong 62 chân phước và 28 hiển thánh. Bên cạnh 27 lần cầu nguyện chung trong các dịp đặc biết và 352 bài giảng, đức Thánh Cha còn đọc 452 lần Kinh Truyền Tin chung với tín hữu. Tổng cộng ngài đọc 1491 bài diễn văn. Tông du ngoài nước Í 24 lần (22 quốc gia) và 30 lần tông du trong nước Í. Những buổi xuất hiện ở Roma và Castel Gandolfo được 18 triệu người chào đón.

11.02.2013: Từ chức trong cương vị một giáo tông sau 1000 năm và là vị giáo tông đương nhiệm đầu tiên trong lịch sử giáo hội từ chức, sau tám năm tại chức; quyết định từ chức có hiệu lực ngày 28.02.2013.

tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương