Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.13 Mb.
#37175
1   2   3

Phần II
Về Cuộc Đời

Thời niên thiếu trong gia đình


Thưa đức Thánh Cha, từ một cậu bé thuộc gia đình dân dã khi về già trở thành người kế vị thánh Phê-rô. Lúc còn bé Ngài nghĩ thế nào về một giáo tông?
Đối với chúng tôi Pi-ô XI thời đó là một giáo tông tuyệt đối. Ngài là vị đại diện Chúa Ki-tô, một người ở trên cao cách xa chúng tôi muôn trùng nhưng cũng lại rất gần, vì ngài là mục tử của tất cả mọi người. Chúng tôi kính mến ngài – đồng thời nghĩ không thể nào vươn được tới ngài, vì ngài ở trên cao thăm thẳm.
Thời đó Ngài có thích đặc biệt vị thánh nào không?
Có lẽ không trả lời được. Quan thầy của tôi, thánh Giu-se, dĩ nhiên tôi vẫn luôn rất yêu thích.
Một cậu bé như Ngài thời đó có bao giờ đứng trước câu hỏi không thể trả lời được về Thiên Chúa không?
Không, thế giới niềm tin trong tôi lúc đó được xây rất chắc chắn.
Trong một lá thư cho Chúa Hài Đồng Ngài ước có được „một cuốn sách lễ, một bộ quần áo đi lễ màu xanh, một tượng ảnh thánh tâm“. Điều đó có quá lạ đối với một cậu bé bảy tuổi thời đó không?
(Cười.) Đúng, nhưng đối với chúng tôi ngay từ đầu việc tham dự phụng vụ là chuyện vô cùng quan trọng; đó là một thế giới đầy nhiệm mầu mà ai cũng muốn tiếp tục tiến vào. Và trò chơi làm cha xứ dĩ nhiên là trò ưa chuộng và cũng khá phổ biến thời đó.
Ngài là đứa con út được cưng chiều trong gia đình, em của chị Maria và anh Georg.
Đúng vậy.
Gia đình gọi Ngài thế nào?
Ban đầu tất cả gọi tôi là „Cu Tí“ (Josepherl). Nhưng rồi lúc lên khoảng tám tuổi, tôi bảo không được tiếp tục gọi như thế nữa, nếu không, thì tôi sẽ là „Cu Tí“ mãi mãi! Yêu cầu của tôi đã được lắng nghe và từ đó tôi được gọi đúng tên.
Ngài là một cậu bé vui vẻ và đơn sơ hay là người hướng nội, sớm thích suy tư?
Ban đầu, ở Tittmoning và Aschau, tôi là một cậu bé ham vui. Nhưng rồi – không hiểu do đâu – tôi dần trở nên đăm chiêu hơn và không còn vui nhộn như xưa. Nhưng cũng có lúc thế này lúc thế khác. Chiến tranh đã làm cho mọi sự trở nên rắc rối hơn.
Sinh nhật của Ngài, ngày 16.04.1927, nhằm ngày thứ bảy tuần thánh. Sau khi trở thành Giáo Tông, hôm đi viếng tấm khăn liệm của đức Ki-tô ở Turin, Ngài đã thốt lên: „Đây là thời điểm mà tôi đã chờ đợi bao năm.“ Ngài bảo, tấm hình này là hình ảnh của thứ bảy tuần thánh. Xem ra biến cố ngày chào đời này càng ngày càng trở nên như là một thứ định mệnh đối với Ngài?
Đúng. Tôi luôn luôn cảm thấy nó như ở ngay trước mắt mình. Thời đó lễ Phục Sinh được mừng trong đêm rạng sáng chủ nhật và tôi được rửa tội với nước thánh đầu tiên. Ba mẹ tôi rất muốn điều này. Ông bà coi đó là một biến cố đầy ý nghĩa và cũng đã nói với tôi về chuyện này ngay từ đầu. Ý thức đó luôn đồng hành với tôi, suốt cả thời gian đi học và dạy học và trong các biến cố thời cuộc, vốn đôi khi rất ảm đạm như thứ bảy tuần thánh, và vì thế nó càng ngày càng thấm sâu vào trong tôi. Tôi cũng luôn cố gắng tìm hiểu ý nghĩa sâu xa của nó – và quả thật nó đã trở thành một thứ xưng hô, một thứ chương trình của đời tôi.
Những bài viết của Ngài về chuyện này thật sâu sắc và cảm động.
Là chính vì nó không phải là điều do mình nghĩ ra, mà là một cái gì đó đã đan dệt vào nền tảng, vào ngay từ đầu cuộc đời của mình, khiến tôi không những suy tư về nó, mà còn sống với nó.
Cũng như ba của Karol Wojtyla, ba của Ngài cũng là con của một nông dân và làm cảnh sát, một người đàn ông rất mực đạo đức. Có phải ông đã ảnh hưởng mạnh trên cuộc đời tu trì của Ngài không?
Trên một phương diện nào đó, đúng. Một mặt, ông là người đạo đức không thể tưởng được, cầu nguyện rất nhiều, bám rễ sâu trong đức tin của Giáo Hội; và mặt khác lại là một người rất tỉnh táo phê phán, có thể phê phán cả giáo tông lẫn các giám mục. Chính lòng đạo sốt sắng và tỉnh táo đó đã ảnh hưởng trên tôi rất nhiều.
Lòng đạo của ông có liên quan gì với một biến cố nào không?
Tôi không biết. Thời niên thiếu ông được một linh mục phó xứ huấn luyện và bị ảnh nhiều bởi vị này. Ông thường hay nói về linh mục đó. Ông tham gia vào ca đoàn thiếu niên do một thầy giáo thành lập. Như vậy chắc chắn nhà thờ nhà xứ đã ảnh hưởng nhiều trên ông.
Trình độ học thức của ba Ngài không cao?
Ông chỉ học tiểu học, nhưng là một người có đầu óc, có thể suy nghĩ độc lập.
Có phải ông cũng muốn làm linh mục hay không?
Ông không bao giờ nói với chúng tôi điều này. Hình như ông có ý định trở thành tu huynh dòng phan-sinh tiểu đệ.
Nhiều ơn gọi đã trực tiếp hoặc gián tiếp nẩy sinh từ nông trại gia đình Ratzinger ở Rickering, một làng tí hon trong Rừng Bayern, nơi ba của Ngài sinh ra. Chẳng hạn như ông bác Georg Ratzinger nổi tiếng của Ngài, ông không những là linh mục mà còn là một dân biểu của Quốc Hội của Đế Quốc. Rồi các anh chị của ba Ngài, linh mục Alois và nữ tu Theogona. Rồi tới Ngài và ông anh Georg và cuối cùng là một người bà con hiện làm linh mục ở Simbach, gần Marktl là nơi sinh trưởng của Ngài. Có thể nói gần như là một gia đình toàn linh mục.
Vâng, gần như cả một gia đình (cười). Chúng tôi biết nhiều về bác linh mục Alois, vì mùa hè năm 1937, mà có lẽ cả hè năm 1935, chúng tôi đều tới nghỉ tại nhà xứ của ông. Cô Theogona chúng tôi cũng thân.
Những hình ảnh đó, chẳng hạn như gương của linh mục Alois, có thôi thúc Ngài đi tu làm linh mục không?
Thời đó chuyện này bình thường. Những đại gia đình nông dân đều có nhiều con và thường cũng có một người con làm linh mục.
Bác Alois hẳn là một người đặc biệt?
Đúng, ông là một hình tượng lạ lùng. Bác sáng dạ, nhưng ngang như cua. Bác đặc biệt cổ võ việc cử hành phụng vụ bình dân của người Đức.
Và ông cũng là người chống Quốc Xã?
Đã rõ.
Trong sách “Priester unter Hitlers Terror” (Linh Mục Dưới Thời Khủng Bố Của Hitler), gồm hai tập dày có một mục lục ghi tên các linh mục chống lại Quốc Xã và bị khủng bố, có tên của ông bác của Ngài, cuối năm 1936 ông bị truy tố trước vị Chủ Tịch Miền, vì ông bắt tín hữu mình tuyên thệ trung thành với Giáo Hội. Lúc nhỏ Ngài có nghe chuyện này không?
Đối với chúng tôi, một linh mục rõ ràng là phải chống lại Quốc Xã. Và ba của chúng tôi là người chống triệt để, nên không thể tưởng tượng được một ai trong gia đình chúng tôi có thể làm ngược lại. Cô Theres, một người em của ba, là tay chống cực đoan. Cô cùng với các anh chị em có một căn nhà và ít đất đai ở Osterhofen, nằm ngay cạnh đường xe lửa. Khi một đoàn tàu với các nhân vật lớn của Quốc Xã chạy qua, cô lấy tay làm dấu hiệu mũi dài để chửi họ (Giáo Tông ra dấu theo, cười). Họ tức lắm, nhưng chẳng làm gì được vì xe đang chạy.
Năm 1933 Giáo Hội cử hành „năm thánh”. Cũng chính năm này Hitler lên nắm quyền, mang chết chóc và khủng bố vào thế giới.
Năm thánh dĩ nhiên đã được công bố từ lâu trước. Theo truyền tụng, Chúa bị đóng đinh năm 33 tuổi, và vì thế năm 1933 là một dịp kỉ niệm lớn; nơi chúng tôi ở là Aschau cũng cử hành năm thánh. Sự chiến thắng của sự dữ năm đó đè nặng trên chúng tôi. Nhưng đời sống đạo trong Giáo Hội quá sống động, nên biến cố ngoại cảnh kia đã không thể làm hư không khí năm thánh.
Ba Ngài đặt mua dài hạn báo „Der gerade Weg“ (Con Đường Thẳng), tờ báo chống Phát-xít. Hẳn ông…
… rơi vào tình trạng rất nguy hiểm. Chúng tôi con nít sống theo gia đình, làng xã, vốn thời đó còn chịu ảnh hưởng rất lớn của Công Giáo. Chuyện đó dĩ nhiên ảnh hưởng trên ông nhiều hơn chúng tôi.
Mẹ Ngài có lúc phải đi nấu thuê trong một nhà trọ. Chuyện này có trở thành đề tài bàn tán trong gia đình không?
Đó là lúc ba tôi đã nghỉ hưu, cần tiền để trang trải học phí cho ba chị em chúng tôi. Dù lúc đó tôi chưa vào nội trú, mà đã phải trả mỗi tháng 20 mác. Năm 1938, khi mẹ phải đi làm, hoàn cảnh tài chánh của chúng tôi thật khó khăn.
Lúc đó ba Ngài làm gì? Có lẽ ông là người đàn ông nội trợ đầu tiên trong lịch sử nước Đức.
(Giáo Tông cười to.) Đó là một thách đố lớn đối với ông. Ông chỉ biết nấu mỗi một món „bột chiên“. Còn lại phải học mọi thứ khác từ từ.
Ông hiên ngang đeo yếm làm bếp, chẳng e ngại gì?
Ông làm bình thường.
Nghe nói ông tự lau giày lấy.
Chuyện này xưa nay ông vẫn làm, lau cho cả gia đình; đó là nghề riêng của ông.
Là cảnh sát ông thường phải đổi chỗ. Trong 35 năm hành nghề có tới 14 lần đổi nơi làm việc. Đa phần là do ông muốn. Tại sao vậy?
Tôi không thể giải thích được, nhưng trong máu nhà Ratzinger có chút gì không ổn. Chính tôi cũng là người lang thang nhiều…
Vì ông phải chuyển chỗ làm nhiều, nên mới lập gia đình trễ?
Đúng. Và tôi nghĩ, có lẽ cũng cả vì ông lưỡng lự trước ý hướng muốn làm tu sĩ.
Và mẹ Ngài cũng lập gia đình trễ?
Có lẽ cũng vì công ăn việc làm của bà.
Mẹ Ngài là một đứa con ngoài giá thú. Ngài biết điều này lúc nào?
Khá sớm, lúc ở Aschau, dù lúc đó tôi chưa hiểu gì về khái niệm này. Chuyện như thế này: Là công chức, ba tôi phải có một sổ „Chứng minh dân Arier (Đức)“, để minh chứng minh ông và bà là dân Arier. Đối với ông chẳng có khó khăn, là vì có thể lấy được giấy tờ từ phòng hộ tịch. Còn mẹ xuất thân từ miền Tirol thuộc Í-đại-lợi. Linh mục chánh xứ Aschau phải thư đi thư lại với chính quyền xã ở Tirol mãi. Khi làm giấy, mới biết bà là đứa con ngoại hôn. Mãi sau này tôi mới hiểu ra chuyện này.
Ngài coi đó là một tình tiết có uẩn khúc?
Chẳng coi là gì cả. Lời khai của mẹ quá thuyết phục, chẳng phải cần bằng chứng đạo đức nào cả.
Bà có biết ai là cha của mình hay không?
Hiển nhiên biết, chính là người sau đó đã cưới mẹ của bà.
Nhưng ông Rieger, người thợ cả làm bánh, lúc đầu đã không làm giấy chính thức hóa cho đứa con, tại sao?
Đó là một thiếu sót về mặt luật pháp. Mẹ tôi là đứa con đầu của hai người. Cả đứa thứ nhì, cậu Benno, cũng là con ngoại hôn. Họ đã hứa hôn, nhưng không có chỗ ở thường trú. Và ông đã cưới bà ở Rimsting, nơi hai người có một tiệm bánh. Ông nói, khi cha mẹ đã lấy nhau, con gái đương nhiên trở thành con giá thú. Bà ngoại rất nghiêm và khó tính, còn ông ngoại thì nhân từ và dễ thương. Ông rất thương bà – và bà cũng thương ông.
Còn Ngài? Ngài có được bố ruột chấp nhận và thương yêu không?
Có. Ngay từ lúc còn bé. Tôi nhận được rất nhiều ưu ái và tình thương của ba. Đặc biệt từ tháng tư 1937 sau khi về hưu, ông thường đi dạo với tôi và kể cho tôi nghe về thời niên thiếu của ông. Năm 1938, vì túng thiếu mẹ phải đi nấu thuê ở Reit im Winkl và anh chị không còn ở nhà nữa, chúng tôi cùng nhau đi dạo mỗi ngày. Ông đúng là một nhà tiểu thuyết, ông có rất nhiều câu truyện hồi hộp để kể cho tôi nghe. Tôi tin rằng, những câu truyện đó không những được kể cách hồi hộp, mà chính ông cũng hồi hộp khi kể chúng. Đó là những câu truyện về gia đình. Về một đôi vợ chồng, họ làm sao để quen nhau, chuyện gì đã xẩy ra trong nhà họ v.v., đúng là những truyện tiểu thuyết về quê hương.
Cuộc sống gia đình của ba mẹ Ngài ra sao?
Rất tốt, mặc dù tính khí của hai người rất khác nhau. Mẹ thì niềm nở, ân cần, tình cảm, ít lí sự. Bà quen sống với những gì bất chợt, hiện tại, không tính toán. Vì thế lối sống hai người rất khác nhau. Thỉnh thoảng cũng có những đụng độ làm chúng tôi đau lòng, nhưng chúng tôi biết, những va chạm đó không thể nào phá vỡ được sự gắn bó sâu xa của ông bà.
Ngài có lần nói, ba tôi nghiêm, có lẽ quá nghiêm. Cái nghiêm đó thể hiện ra sao?
Phải nói là, càng ngày ông càng trở nên bớt nghiêm. Với tôi, ông không khắt khe như với anh chị tôi. Cái nghiêm đó thể hiện qua những đòi hỏi đúng giờ và chính xác, qua việc la mắng om sòm hoặc đôi khi bợp tai, nếu làm gì vượt quá giới hạn cho phép. La mắng hay bợp tai thời đó là những phương tiện giáo dục bình thường. Chúng tôi biết, mình phải sống đâu ra đó: phải giữ luật đạo, giữ thói quen gia đình và giữ luật chung. Ông là người trực tính, thật thà và muốn mọi người cũng sống theo con đường đó. Và mình cảm được ngay là ông sẽ không bỏ qua cho đâu, nếu mình sống lằng nhằng.
Về sau Ngài khen một trong những vị giáo sư của mình ở Freising về việc ông „chống lại lòng đạo gò bó của thế kỉ thứ 19“. Ngài viết: „Đối với tôi, đó là một bước tiến quyết định.“ Có lẽ ba của Ngài cũng quá cứng nhắc trong việc sống đạo?
Hãy nói như vầy: Ông bị ảnh hưởng rất mạnh bởi vị phó xứ, mà chúng ta đã nói đến trên kia. Ông phó xứ vốn là người rất tốt. Xem thế, thì ba tôi đã được huấn luyện sống theo tinh thần đạo gò bó của thế kỉ 19. Ngày nay ta có thể cho rằng, như thế là phần nào quá nhiệm nhặt. Nhưng mình không thể lấy khung cảnh ngày nay để so với khung cảnh ngày xưa được.
Những gì Ngài viết về thời niên thiếu hầu hết đều mang vẻ lãng mạn. Có lần Ngài bảo, „thiên đàng cũng giống như thời niên thiếu của tôi“. Điều đó nói lên ước mong của Ngài được sống trong sự ổn định?
Đúng.
Dù sao trong cuốn tự thuật Ngài ít nói tới những va chạm, những khó khăn và đổ vỡ.
Trong gia đình dĩ nhiên cũng có những cãi cọ và mâu thuẫn. Chúng tôi là những con người hoàn toàn bình thường. Không hẳn bao giờ cũng có được ổn định. Nhưng cảm giác được ở gần bên nhau và hạnh phúc có nhau là kinh nghiệm phổ biến hơn trong gia đình chúng tôi.
Có sự mâu thuẫn giữa cha mẹ và con cái, như cảnh trong thập niên 1960 vẫn thường thấy không?
Không.
Sau khi anh Georg xin vào chủng viện giáo phận ở Traunstein, Ngài cũng xin vào theo. Có phải đó là do gương của anh Georg không?
Ở một mặt nào đó, đúng. Anh Georg là cậu bé biết mình muốn gì, anh có những tư tưởng rõ ràng và dứt khoát. Thứ đến, ngay từ đầu anh em chúng tôi rất gần gũi nhau, coi nhau như một. Về sau chúng tôi cũng tranh luận với nhau về khía cạnh thần học đối với tất cả những vấn nạn mà chúng tôi gặp. Nhưng tôi vào chủng viện hơi trễ, khi đang học lớp ba trung học tổng hợp. Lí do đơn giản là vì ba tôi không đủ trả tiền phí cho cả ba đứa con vào nội trú cùng một lúc. Nhờ đó tôi được ở nhà thêm hai năm, hai năm thật thoải mái.
Điều lạ, là cả bà chị cũng được học trung học. Chuyện này là do ba của Ngài muốn?
Đúng. Ông muốn cả chị tôi cũng phải được học và có nghề. Thời đó người ta không nghĩ cho con gái mình vào trung học tổng hợp. Có hai loại trường cao cấp: Trường Lyzeum, loại trường ít nhiều dành cho con gái giới quyền quý thượng lưu, và Trường Gia Chánh, trong đó dạy viết tốc kí, đánh máy, kế toán, tiếng Anh v.v. Học trình vững chắc, và chị cũng rất thích học.
Lúc nhỏ Ngài là cậu bé ốm yếu hơn những đứa khác. Ngài có cảm thấy mình bị bỏ rơi không?
Không. Khi bước vào chủng viện, mọi sự đối với tôi đều xa lạ. Đó là chuyện thường. Nhưng nó chỉ kéo dài nửa năm đầu mà thôi.
Các bạn học lấy làm lạ trước việc Ngài rất sớm tỏ ra là cậu học trò biết mình muốn gì hoặc hiểu ra nhanh sự việc. Trong một chứng chỉ ở Traunstein có lời phê, Ngài là đứa „bướng bỉnh“. Bướng bỉnh là một bản chất của con người Ngài?
Điều đó xẩy ra trong một thời gian. Ở lớp ba, lớp bốn có lúc tôi khá ngỗ nghịch.
Nhưng không chỉ thời gian đó. Cả thời trong quân ngũ, khi một lão huấn luyện viên khắc nghiệt hét lớn trước đám tân binh của mình: „Bọn bay hay tao sẽ lì được lâu hơn“, thì Ngài là người duy nhất tiến lên nói: „Chúng tôi“. Một người nhỏ con nhất, xem ra yếu nhất, lại đứng ra thách thức người chỉ huy. Về sau thái độ đó lại càng rõ hơn. Chẳng hạn khi Ngài chống lại vị giáo sư tín lí nổi tiếng quốc tế, khi ông này từ chối luận án lên ngạch của mình. Như vậy, chất bướng đó là có thật.
Vâng, thích phản kháng là yếu tố có thật trong tôi.
Trong trường, Ngài được gọi là „Hacki“ (Ba Trợn). Tờ báo tường Helios của học sinh có bốn câu thơ về Ngài như sau: „Giờ đây xuất hiện Hacki, là tay mâu thuẫn cực kì ai ơi, thể thao chẳng biết chút gì, thế mà khoa học lại kì hơn ai.“ Bài báo viết năm 1945. Như vậy, khả năng khoa học đã xuất hiện sớm nơi Ngài?
Vâng, đúng.
Ngài đã khá sớm có một lối làm việc có giờ giấc hẳn hoi, đều đặn theo chương trình trong ngày. Bắt đầu từ khi nào?
Từ khi chúng tôi ở Hufschlag (4). Trước đó trường không ra bài làm. Ở Hufschlag tôi có hai giờ đầu tiên buổi chiều để làm bài - có khi lâu hơn, mà lắm khi cũng chỉ một giờ mà thôi, tuỳ mình làm xong bài sớm hay trễ. Giờ làm bài dần dần kéo dài thêm. Tôi phải chia thời gian ra và đã sử dụng giờ giấc đúng đắn.
Ngay thời còn học sinh và sinh viên Ngài đã tỏ ra hơn hẳn các bạn đồng học về kiến thức. Do đâu?
Cũng đừng nên cường điệu quá. Tôi mê học tiếng La-tinh và Hi-lạp và cũng khá về tiếng Do-thái. Tôi chỉ là một người đổ tâm trí vào những thứ đó, trong khi các bạn khác ít quan tâm tới tới chuyện lí thuyết.
Lúc 14 tuổi Ngài khám phá ra văn chương, dịch những bản văn của Giáo Hội từ tiếng Hi-lạp và La-tinh.
Chính là để giải trí ấy mà.
Nhờ đâu Ngài học được nhiều thứ tiếng? Nhà trường đâu dạy nhiều như thế.
Không, tôi không nói được thứ tiếng nào cả.
Nghĩa là sao?
Niên khoá 1942 - 1943 tôi có một năm học tiếng Í như là môn nhiệm ý, nhưng giờ học cứ bị đình hoài. Dù sao mình cũng đã có được một chút nền tảng, ngoài ra chẳng có gì hơn. Chỉ sau khi tới Roma, thực tế giúp tôi học nói thêm. Nhưng tôi chưa bao giờ học tiếng Í tới nơi tới chốn, vì thế tôi cũng chẳng nắm chắc gì cả về mặt văn phạm. Tiếng Pháp được học một năm ở trường; tôi cố giữ nó, nhưng cũng chỉ là chút căn bản ít ỏi mà thôi. Tiếng Anh tôi học bằng dĩa nghe lúc dạy học ở Bonn, nên nó mãi là thứ rất yếu nơi tôi. Và thế là hết. Xem ra tôi nói được nhiều thứ tiếng, song thực tế khác hẳn.
Cha mẹ Ngài nói gì về cái năng khiếu lạ lùng của đứa con?
Chẳng là gì ghê gớm cả. Tôi được điểm cao, mà tôi cũng cần phải học.
Ông bố có kích thích tham vọng nào đặc biệt nào nơi người con không?
Có thể nói là không. Ba rất muốn chúng tôi học hành và sống cho đàng hoàng. Nhưng ông chẳng muốn và cũng chẳng ham chút gì việc chúng tôi trở thành cái gì đó „to lớn“. Ông mừng, khi biết chúng tôi muốn làm linh mục. Ông đơn giản là một con người được nuôi sống bằng bầu khí đạo hạnh của Giáo Hội.
Trong cuốn tự thuật, Ngài viết, ơn gọi linh mục „lớn dậy trong tôi cách hoàn toàn tự nhiên, chẳng do bởi những biến cố lớn lao nào“. Nếu không có những biến cố lớn, hẳn có những biến cố tinh thần nho nhỏ?
Có thể nói, đó là sự thấm thấu từ từ của phụng vụ trong tôi. Tôi nhận ra phụng vụ là tâm điểm và cố gắng tìm hiểu nó cũng như tìm hiểu hậu trường lịch sử đàng sau của nó. Ông thầy dạy đạo của chúng tôi là người vừa viết một cuốn sách về các nhà thờ chính toà ở Roma. Các giờ lớp được ông chuẩn bị kĩ. Cũng nhờ ông, chúng tôi có được những hiểu biết nền tảng cụ thể về giáo sử. Điều đó làm cho tôi thích học. Nhờ đó nói chung khiến tôi quan tâm tới những vấn đề tôn giáo. Đây là thế giới tôi gặp được sự thoải mái nhiều nhất.

Chiến Tranh


Phục Sinh năm 1939 Ngài vào chủng viện giáo phận ở Traunstein. Mấy tháng sau nổ ra Thế Chiến Thứ Hai. Ngài còn nhớ ngày 01.09.1939, ngày bắt đầu thế chiến?
Có, tôi nhớ rất rõ, vì nó có liên hệ tới mình, đó là ngày chủng viện tức khắc biến thành trạm cứu thương và chúng tôi ai nấy phải về nhà, để từ đó ngày ngày cắp sách tới trường. Từ năm 1938, khi khủng hoảng ở Áo nổ ra, ai cũng biết là chiến tranh rồi sẽ tới. Vì thế tôi còn biết rất rõ, khi được báo tin là Hitler tuyên bố „sẽ bắn trả lại“, lúc đó là mấy giờ thì tôi không còn nhớ nữa.
Trong thời chiến ba của Ngài đi rảo khắp các nông trại gần nhà để xin của ăn.
Ông kể hết cho chúng tôi nghe chuyện đó. Và chúng tôi cũng biết, đó là những nông trại nào và đâu là chỗ có nhiều hi vọng xin được nhất.
Ở Traunstein các học sinh công giáo bị đám thanh niên quá khích của Hitler đe doạ, phải dựng hàng rào quanh trường. Chủng viện bị đánh phá. Lúc đó Ngài có sợ không?
Có chứ. Mà phải nói, cám ơn Chúa, lớp chúng tôi không có một tên quốc xã nào. Vì thế chẳng phải sợ bị ai tố cáo ở đâu cả. Nhưng nói chung bầu khí khá căng thẳng. Chúng tôi biết, về lâu về dài người ta sẽ dẹp Giáo Hội, sẽ dẹp hết các linh mục. Rõ ràng, một xã hội như vậy chắc chắn không có tương lai. Với riêng tôi, hoàn cảnh càng thêm bi đát, khi thể dục trở thành môn bắt buộc của chương trình tú tài, và nếu không tham gia môn này thì trượt tú tài. Nhưng đồng thời chúng tôi cũng luôn xác tín, là chủ nghĩa quốc xã sẽ không kéo dài được lâu. Ba tôi tin chắc điểm này. Chúng tôi nghĩ, cuộc chiến sẽ sớm chấm dứt, vì chúng tôi tin, nước Anh và Pháp mạnh hơn Quốc Xã nhiều. Vì thế, chúng tôi rất hi vọng là chiến tranh sẽ sớm chấm dứt. Nhưng nỗi sợ và gánh nặng cứ đè lên mọi người. Rồi khi những bạn hữu đầu tiên nằm xuống và biết được rồi đây sẽ tới phiên mình, thì bầu khí lại càng căng thẳng hơn.

Gia đình Ngài có biết và có nói gì về những trại tập trung của Quốc Xã không?
Chúng tôi biết có một trại ở Dachau. Trại được khai trương ngay sau ngày được gọi là cướp chính quyền. Người ta hốt hoảng, khi nghe ông này bà kia bị đưa đi Dachau. Ba tôi là độc giả báo „Con Đường Thẳng“ của Gerlich. Ông biết, Gerlich đã bị đánh chết hay bị bắn ở Dachau rồi [Fritz Gerlich, 1883-1934, với tờ „Con Đường Thẳng“ của ông, được coi là một trong những đại biểu của cuộc tranh đấu báo chí chống lại Quốc Xã]. Chúng tôi biết, nhiều điều không hay đã xẩy ra ở đó. Chúng tôi chưa biết chuyện liên quan tới người Do-thái, vì ở Aschau và Traunstein không có người Do-thái. Ở Traunstein có một nhà buôn gỗ, nhưng ông này đã bỏ đi ngay hôm sau ngày cửa sổ nhà ông bị ném đá.

Chúng tôi không quen người Do-thái nào. Nhưng, khi cần, ba tôi luôn mua vải vóc kim chỉ từ một xí nghiệp ở Augsburg, mà chủ của nó là người Do-thái. Khi Quốc Xã tịch thu tài sản đó và giao lại cho một chủ khác, ba nói: „Không, tôi sẽ chẳng mua thứ gì cả của một người chiếm đoạt tài sản của người khác.“ Từ đó ông không còn mua gì nữa từ xí nghiệp này.


Ngài và gia đình Ngài đã nghe được chuyện giết người bằng hơi ngạt ở Auschwitz và những nơi khác cũng như chuyện giết tập thể người Do-thái lúc nào?
Chúng tôi say sưa theo dõi tin tức từ các đài ngoại quốc, nhưng đã chẳng nghe nói tới chuyện giết người bằng hơi ngạt gì cả. Chúng tôi biết, hình như người Do-thái gặp chuyện không may, họ bị bắt chở đi và hẳn sẽ gặp phải sự chẳng lành, nhưng chỉ sau khi chiến tranh kết thúc chúng tôi mới biết rõ sự việc.
Gia đình Ngài có nói gì về chuyện đó không?
Có, có nói. Ba tôi luôn gọi Hitler là một tên tội phạm, nhưng cái chiều kích mới, kinh khủng kia thì sau này mới hiện hình cách kinh hoàng hơn.
Sau khi rời tổ phòng không ngày 10.09.1944 Ngài được điều đi lao động tại Burgenland. Ngài đã kể chuyện này trong cuốn tự truyện. Cụ thể là ở đâu?
Ở Deutsch-Jahrndorf, trong vùng giáp ranh nước Slô-vắc – Hung và Áo, ngay gần ở Pressburg. Từ đài Pressburg, nghĩa là từ Bratislava, người ta nhìn thấy chúng tôi. Biên giới nước Hung nằm ngay bên. Ở đó chúng tôi cũng phải đi thu hoạch cà chua khi tới mùa. Chúng tôi ở trong năm hay sáu lán trại thô sơ, được chia chỗ theo dạng người lớn nhỏ. Những đứa lớn nhất ở lán 1, tôi ở trong lán 4 hay 5 gì đó. Thời đó người ta chưa lớn con, tôi được coi là loại người cỡ trung bình. Mỗi lán có khoảng 15 người, chia nhau nằm ngủ giường tầng.
Mỗi ngày đám quân dịch được chở đi đắp „Bức Tường Đông Nam“?
Mười bốn ngày đầu, mà có lẽ tới ba tuần, chúng tôi chỉ có huấn luyện và tập dượt. Rồi chiến tranh càng lúc càng tới gần hơn. Sáng sớm mỗi người chúng tôi phải chọn trong đống xe đạp một chiếc thật tốt cho mình. Đôi khi không may chớp phải chiếc không ra gì. Rồi cùng nhau đạp tới chỗ lao động, thi nhau đào bới.
Với chiếc xẻng nổi tiếng mà Ngài đã mô tả?
Tôi xúc đất rất dở. Thiện nghệ là mấy đứa con nhà nông. Sức lao động của tôi chẳng lợi lộc gì cho „Lãnh Tụ“ cả.
Giữa tháng 12.1944 là thời gian luyện tập quân sự ở Traunstein. Một đồng bạn của Ngài kể, trên ra lệnh mọi người đeo mặt nạ chống khí độc và lên đường lội bộ suốt 40 cây số. Nhiều người quỵ ngã dọc đường, còn Ngài đi được tới đích?
Nói 40 thì hơi quá, tôi nghĩ là 30 cây số thôi. Chúng tôi có đeo mặt nạ thật, nhưng đã không giữ nó luôn trên mặt. Đi bộ đối với tôi là chuyện không khó, vì tôi vẫn đi từ Hufschlag tới trường học ở Traunstein.
Giữa tháng 01.1945 – lúc lên 17 tuổi – Ngài được thuyên chuyển qua nhiều địa điểm lao động loanh quanh trong vùng Traunstein. Đầu tháng 02.1945 được miễn lao động. Sao vậy?
Tôi không bị bệnh nặng. Chỉ bị nhiễm độc ngón tay cái. Cả ngón sưng tấy lên, làm mủ, đau kinh khủng. Rồi được một ông bác sĩ, có lẽ là bác sĩ thú y thì đúng hơn (cười), mổ mà chẳng có thuốc tê thuốc mê gì cả. Ông mổ dở, ngón tay vẫn không thuyên giảm. Có lẽ đó là do hảo ý của ông và nó có hậu quả tích cực cho tôi. Dù sao, ông đã viết cho tôi giấy miễn lao động.
Ngài chưa bao giờ tham dự trận đánh nào. Cuối tháng tư đầu tháng năm, như Ngài viết trong cuốn tự truyện, „tôi quyết định đi về nhà“. Chuyện nghe ra đơn giản. Nhưng đó là đào ngũ, có thể bị xử tử. Ngài có biết điều đó không?
Về sau tôi mới hoảng hồn. Tôi biết có nhiều chốt canh và tôi có thể bị bắn tức khắc, và việc ra đi đó chỉ mang lại nguy hiểm cho mình mà thôi. Nhưng dù vậy, tại sao tôi lại cứ an nhiên về nhà, quả thật tôi không hiểu nữa; hẳn là mình dại dột thật.
Ba Ngài nói gì về việc đào ngũ của cậu con?
Ba tôi và toàn gia đình tức thì mừng rỡ, khi thấy tôi. Như tôi đã kể, vào nhà, tôi thấy hai nữ tu dòng Maria Ward đang ngồi ở bàn nghiên cứu tấm bản đồ. Thấy tôi bận quân phục bước vào, cả hai nói: „Ôi, cám ơn Chúa, giờ có một anh lính ở đây, mình khỏi phải lo.“ (Cười.) Nhưng hoàn cảnh quả thật hoàn toàn ngược lại, mà họ không biết.
Đột nhiên có hai công an quốc xã đi vào nhà, nhưng đã không xẩy ra chuyện gì cả, mặc dù ba Ngài đã la mắng họ. Gần trước khi cuộc chiến chấm dứt, Ngài bị lính hoa-kì bắt giữ. Trước khi lên đường tới chỗ tập trung, Ngài còn kịp mang theo một cuốn vở hay một cái gì đó để ghi chép.
Đúng là một tập vở.
Ngài đã ghi chép gì trong thời gian bị cầm tù?
Mọi thứ. Ghi lại tình hình trong ngày, nhưng cũng có cả việc viết luận về những đề tài, mà tôi biết đó là đề của các kì thi tú tài trước đây. Rồi thử làm thơ tiếng hi-lạp v.v. Chả có gì đáng giá, chỉ là phản ảnh của những ngày ở trong trại.
Một số bạn đồng học của Ngài bị trầm cảm bởi những kinh nghiệm tồi tệ trong thời gian tù. Ngài phải ở trong một trại tập trung gần Ulm với 50 000 tù binh. Cảm tưởng của ngài ra sao?
Hoàn cảnh thật khó khăn. Thứ nhất, suốt hai ngày chúng tôi chẳng được ăn gì cả. Sang tới ngày thứ ba mỗi người nhận được một phần ăn của lính hoa-kì, lần đầu tiên trong đời tôi mới thấy kẹo cao-su. Và khi tới địa điểm giam giữ, chúng tôi phải ăn ngủ ngoài trời. Mười bốn ngày đầu khá tốt, vì trời đẹp.
Nghĩa là nằm trên mảnh chiếu, ngủ ngoài trời?
Tôi nằm trên đất, chẳng có chiếu gì cả.
Không chăn đắp?
Chẳng có chăn mền gì. Bao lâu trời còn ấm, chẳng có vấn đề.
Lúc đó mới tháng năm, tháng sáu, chưa phải giữa mùa hè. Như vậy Ngài thuộc típ mạnh khoẻ, chứ đâu như người ta vẫn nghĩ.
(Cười.) Lúc đó còn trẻ vả lại vốn nghĩ rằng, tình trạng này chỉ kéo dài một thời gian ngắn thôi.
Rồi khi mưa tới?
Khiếp đảm. Người ta tụ tập thành cộng đoàn trong một vài căn lều lớn, nhưng tôi không thuộc cộng đoàn nào cả. Ông „Trưởng Khu“ của chúng tôi đẩy tôi vào một lều. Nhưng người ta ra dấu không muốn nhận tôi, tôi nên ra khỏi đó. Cuối cùng một viên hạ sĩ quan rất tử tế đã cho tôi ở ké, ông có một chiếc lều tí hon – lều của người Đức thường rất bé. Về sau tôi sang ở với một người bạn học, vì anh có một lều tiệp-khắc lớn hơn. Anh được thả trước tôi và đã cho tôi giữ mang lều về nhà, sau đó anh trở lại Hufschlag lấy lều.
Ngài mang lều trên lưng lội bộ từ München về nhà?
Đúng (cười)… nhưng cái đói mới là chuyện đáng nói. Chúng tôi mỗi ngày được ăn một cà-mèn đầy. Nạn ăn cắp lại như rươi. Hai chúng tôi đào một cái hang rồi cắm lều lên trên; khi đào hang, tôi đào thêm một cái ngăn nhỏ bên mình, để cất bánh mì trong đó. Tôi chợt thiếp đi, và khi thức đậy, thì bánh mì đã không cánh mà bay. Cái đói triền miên dai dẳng. Nhưng quan trọng đối với tôi là trong trại có những nhóm tổ chức các buổi thuyết trình và các sinh hoạt khác. Vì thế những ngày tù đối với tôi cũng chẳng đến nỗi khổ sở.
Ơn gọi làm linh mục tiếp tục chín mùi trong trại tập trung. Có phải việc đọc cuốn tiểu sử của thánh Hildegard von Bingen và cuốn „Das lebendige Licht“ (Ánh Sáng Sống Động) – cuốn sau Ngài đã đọc một lần lúc 14 tuổi – đã góp phần thôi thúc lí tưởng nơi Ngài?
Hai cuốn đó được anh tôi đọc cho nghe vào mỗi buổi tối. Có lẽ chúng không góp phần quyết định cho lí tưởng linh mục của tôi, mà chỉ là những bài đọc thêm có ích cho chúng tôi. Về sau, tôi đã cố gắng tìm hiểu thêm về cái ý chính cuốn sách muốn nói tới. Khuôn mặt nữ thánh này luôn bám theo tôi, làm tôi suy nghĩ, tôi rất trân quý. Nhưng gương đó đã không khiến tôi phải đào sâu hơn.
Mẹ Ngài nói gì về ơn gọi linh mục? Phải chăng bà đã có tiếng nói quyết định trong chuyện này? Chẳng hạn như mẹ của Don Bosco, nhưng bà mẹ này cũng đã nói: „Ngày nào con không còn tin vào ơn gọi, thì hãy cởi áo tu ra. Thà làm một anh nhà nông nghèo còn hơn một linh mục tồi.“
Ấy, hay quá. Có lẽ nó cũng giống như quan niệm của mẹ tôi. Bà đã không nói như thế. Bà vui mừng, khi thấy hai anh em chúng tôi tiếp tục tiến. Nhưng bà cũng đã nói, nếu thấy không hợp với mình, thì tốt hơn nên theo con đường khác. Do đó bà rất vui, nhưng là một niềm vui chừng mực, vì bà biết, cũng có thể thất bại.

Thời Sinh Viên, Phó Xứ, Dạy Học


Ngày 03.01.1946 Ngài lấy xe lửa lên đường về đại chủng viện ở Freising cùng với anh Georg và một bạn người Traunstein khác, Rupert Berger. Ngài mang theo gì trong túi hành lí?
(Cười.) Dĩ nhiên có quần áo là thứ cần cho cuộc sống. Có lẽ có thêm một bộ đồ xịn nữa và vài cuốn sách, rất ít sách, vì chúng tôi không có sách.
Thật không có sách ở nhà?
Có, nhưng không phải là loại cần cho việc học.
Có lẽ chuyến xe lửa đi München đầy ắp hành khách, người tị nạn, cựu lính chiến, các bà nhà quê…
Chen nhau kinh khủng. Khi chúng tôi nhảy lên, xe đã chật như nêm cối. Nhưng lúc đó như vậy là bình thường.
Ngài nghĩ gì, khi lên đường về đại chủng viện?
Hồi hộp chờ xem mọi chuyện sẽ xẩy ra như thế nào. Một mặt chờ xem chính ngôi nhà chủng viện, nhất là chờ xem các buổi lên lớp, các giáo sư. Chúng tôi có một người bạn, đồng học với anh Georg, đã vào đại học ở Tübingen tháng 11 vừa rồi. Người Pháp cho mở lại ngay các đại học trong vùng chiếm đóng của họ, và nhờ đó phân khoa thần học có thể bắt đầu. Trong dịp về nghỉ lễ Giáng Sinh anh say sưa kể cho chúng tôi về sinh hoạt đại học. Mọi thứ đều khác với trung học v.v. Anh ta bị cuốn hút hoàn toàn vào cuộc sống mới đó. Nhưng chúng tôi cũng biết, phần lớn toà nhà chủng viện Freising đang được dùng để giữ tù binh ngoại quốc.
Rồi sao nữa, khi tới Freising?
Giấc mơ của tôi đã thành tựu, rốt cuộc được bước vào thế giới của khoa học, thần học và được đồng hành với cộng đoàn các linh mục tương lai. Chúng tôi lên đường với rất nhiều hồi hộp, nhưng cũng rất cởi mở và sẵn sàng, tràn trề hi vọng. Tôi còn nhớ những gặp gỡ đầu tiên, nhưng lúc này chẳng đáng kể lại nữa. Khi chúng tôi đang bước lên đồi nhà thờ chính toà, người đầu tiên chúng tôi gặp là Fellermeier, sau này là giáo sư. Chúng tôi ngạc nhiên trước người đàn ông trẻ với dáng cao trọng và rất đĩnh đạc này. Những điều kiện bên ngoài còn khá khó khăn. Một phần lớn căn nhà còn làm trạm xá chiến tranh cho người ngoại quốc. Chúng tôi chỉ được ở một phần nhà, mọi chuyện ăn ở học hành còn rất thô sơ.
Hẳn cái „đồi thánh“ đó hoàn toàn hợp với sở thích của Ngài?
Cũng có phần nào. Nhà thờ chính toà thật quyến rũ, đẹp hết sẩy. Việc khai giảng cũng tốt đẹp. Chúng tôi bắt đầu ngay bằng cuộc tĩnh tâm do Angermaier, giáo sư đạo đức học trong nhà, hướng dẫn và cuộc tĩnh tâm rất tốt. Ông là một nhà suy tư tươi mới, đặc biệt ông muốn đưa chúng tôi thoát ra khỏi cảnh đạo đức gò bó của thế kỉ 19 để trở nên cởi mở hơn. Không khí mới ở đây tôi cảm thấy như là một cuộc đột phá. Tôi cũng hồi hộp chờ đợi những giờ học, mặc dù lúc ban đầu mọi thứ không hoàn hảo như mình tưởng.
Chỉ riêng cảnh quang đồi nhà thờ chính toà với cái nhìn tới tận rặng núi Alpen đã lôi cuốn rồi. Rồi chính ngôi thánh đường nguy nga với chặng đường thánh giá, hầm mộ. Mọi thứ đều toát lên nét công giáo truyền thống, thói quen cầu nguyện và những kinh nghiệm từ nhiều thế kỉ của người Bavaria. Ta có thể sờ chạm được không khí linh thiêng ở đây.
Sự hiện diện của trạm xá cũng như việc chúng tôi chỉ được sử dụng có một phần nhà đã hạn chế bớt nét đẹp kia. Dù vậy cảnh quang của khuôn viên vẫn tuyệt vời: Nhà nguyện thánh Gio-an, đại học, nhà thờ chính toà, phía sau là nhà nguyện thánh Biển-đức, chủng viện, nhà nguyện nhỏ trong nhà tuyệt đẹp. Cho dù chật hẹp và trong không khí vẫn còn vương mùi chiến tranh, việc được sống bên nhau làm cho chúng tôi vui thích. Đối với tôi, cảnh sống bên nhau, gặp gỡ nhau, cộng đoàn với nhau vẫn sống động hằn sâu trong tâm trí mãi về sau.
Trong cuốn tự truyện Ngài đặc biệt ghi nhớ hai cảnh: nghi lễ phụng vụ trong nhà thờ chính toà và những giờ thinh lặng suy gẫm trong nhà nguyện trong nhà.
Cả hai đều quan trọng. Nhà thờ chính toà với nét đẹp lộng lẫy làm choáng ngợp con người. Và thánh nhạc nơi đó cũng tuyệt. Nhà nguyện tuy nhỏ - về sau được nới rộng ra để đủ chỗ cho mọi người, chúng tôi quỳ ở phía sau – nhưng bức hình bàn thờ và không khí trầm lắng của nó quả thật đánh động lòng người.
Về sau lúc lớn tuổi Ngài thường vào tĩnh tâm trong các tu viện. Chẳng hạn trong tu viện ở Scheyern. Ngài đặc biệt yêu thích cuộc tĩnh tâm và linh thao nào?
Cuộc tĩnh tâm đầu, năn 1946, đặc biệt xúc động đối với tôi. Rồi tới, dĩ nhiên, các buổi tĩnh tâm lúc nhận chức phó thế và linh mục, đó là những dịp một lần nữa cầu nguyện, tập trung tâm trí hướng về biến cố đang chờ đợi mình. Xúc động là vì mình cố gắng nhìn lại từ thẳm sâu hồn mình, tịnh tâm, mở lòng ra và tự hỏi: Tôi có xứng đáng không, tôi có khả năng không? Đối với tôi, điều này làm cho tôi hết sức xúc động. Sau khi làm linh mục mỗi năm chúng tôi có ba ngày tĩnh tâm. Tôi còn nhớ rất rõ một lần được linh mục Swoboda, một tu sĩ dòng ca-mê-lô – Dòng do Camillus ở Lellis thành lập – giảng phòng. Lối giảng tươi mát, mạnh mẽ và cương quyết củng như khả năng chuyên môn của ông tạo ấn tượng mạnh nơi người nghe. Rồi một lần do Hugo Rahner [anh của nhà thần học Karl Rahner] giảng phòng. Phải nói là các bài giảng của ông hơi xuống tinh thần.
Xuống tinh thần?
Tôi không biết, có lẽ một phần cũng là do căn bệnh bắt đầu phát khởi nơi ông. Dù sao, đức tin đối với ông không chỉ là niềm vui. Tôi có cảm tưởng, tin là chuyện khá khó nhọc đối với ông. Buổi tĩnh tâm năm sau được một tu sĩ ở St. Michael hướng dẫn với những bài giảng thật vui nhộn. Chúng tôi tĩnh tâm trong niềm vui và hạnh phúc. Ông là một con người đơn giản bình thường, nhưng toát lên niềm vui. Ông cũng kể cho chúng tôi nghe những chuyện tếu. Chẳng hạn như ở St. Michael, mỗi lần không nghĩ ra ý tưởng gì cho bài giảng, ông liền đội cái mũ của linh mục Rupert Mayer lên đầu [Rupert Mayer, tu sĩ dòng tên và nhà giảng thuyết ở München, chống lại Quốc Xã, mất năm 1945 và được phong chân phước năm 1987]. Tức thì ý tưởng tới ngay trong đầu ông. Và cuối cùng là những buổi tĩnh tâm hàng năm của tôi ở Scheyern sau khi làm giám mục, tôi làm một mình, không có ai hướng dẫn.
Năm 2005 Ngài cũng đã đặt chỗ tĩnh tâm trong tu viện Scheyern rồi. Đùng một cái được bầu làm giáo tông. Sao lại cứ chọn Scheyern?
Có một lần chúng tôi tới thăm, nhưng tôi đã không biết rõ hơn về tu viện. Trong những ngày đầu làm giám mục, Tewes [một giám mục phụ tá ở München] nói với tôi, là ông ấy sẽ đi Scheyern ít ngày để xét mình. Tôi liền nghĩ, tại sao mình lại không làm như thế. Tu viện ở xa ngoài miền quê với những cánh rừng lớn, không khí yên tĩnh phóng khoáng thoải mái, sự đơn sơ của tu viện và nhịp sống bền vững ở đó, tất cả những thứ đó lôi cuốn tôi.
Ngài thuộc lớp linh mục đầu tiên ở Freising sau cuộc đổ nát do Quốc Xã và chiến tranh gây ra. Có thể nói, kinh nghiệm về chế độ độc tài xám đã ảnh hưởng quyết định trên suy tư và hành động của Ngài?
Đúng, phải nói như thế. Chúng tôi đã kinh qua một giai đoạn, trong đó người ta tung hô về „Đế Quốc Mới“, về huyền thoại nước Đức, về cái vĩ đại của dân tộc đức, và coi Ki-tô Giáo, đặc biệt là Công Giáo, như là một thứ gì đó đáng khinh, vì nó mang tính chất rô-ma và do-thái. Chiến tranh lại càng làm cho con người bị siết chặt hơn trong gọng kìm. Người ta biết, mình có thể gặp nguy hiểm mỗi ngày. Bao lâu người ta lo Quốc Xã sẽ chiến thắng, bấy lâu họ tất hiểu, tất cả mọi thứ và toàn bộ cuộc sống sẽ tiêu tan. Dù vậy chúng tôi vẫn luôn tin Hitler sẽ không thể chiến thắng. Cho dù việc Quốc Xã chiến thắng nhanh chóng ở Pháp, cuộc tiến quân của nó sang Nga, sự chiến thắng của Nhật phá tan hạm đội hoa-kì, những giây phút vốn làm cho lòng người bất an, chùng lại. Giờ đây lại được sống trong tự do, một thời đại trong đó Giáo Hội có thể tái lên đường, được con người tìm đến và đón nhận trở lại. Nhưng đồng thời mình cũng thấy những tay quốc xã trước đây giờ đây lại rạp mình trong nhà thờ. Chẳng hạn ông thầy giáo dạy Pháp Văn của chúng tôi, một tay quốc xã và ghét Giáo Hội khét tiếng, giờ đây lại ôm hoa tới gặp linh mục chính xứ Haslach, và nhiều chuyện đại loại như thế…
Trong các tác phẩm của ngài, đề tài Đệ Tam Quốc Xã và chủ nghĩa phát-xít của Hitler ít được bàn đến. Tại sao?
Tôi luôn hướng tới tương lai. Và đó cũng không phải là đề tài chuyên biệt của tôi. Chúng tôi đã có kinh nghiệm bản thân, nhưng giờ đây tôi coi việc khảo sát nó trên phương diện lịch sử hay thần học không phải công việc của mình. Đối với tôi, phác hoạ một đường hướng cho ngày mai là chuyện quan trọng hơn. Chúng ta hôm nay đang sống ở đâu? Giáo Hội sẽ về đâu? Xã hội sẽ ra sao?
Nhưng vấn đề đồng trách nhiệm của người dân hoặc cả chuyện dính bùn của Giáo Hội với chế độ quốc xã vẫn luôn được đặt ra. Và đề tài này đã được phía đối phương khai thác.
Phải nói, kinh nghiệm của chúng tôi khác. Giờ đây người ta tạo ra hình ảnh coi cả Giáo Hội là một dụng cụ của Quốc Xã. Quả thật chúng tôi thấy Giáo Hội bị o ép – tôi không muốn nói bị truy nã – và thấy đó là nhân tố chống lại Quốc Xã. Tôi còn biết rõ, sau chiến tranh bỗng nhiên ai cũng muốn xoá dấu vết quốc xã của mình như thế nào, khi linh mục chính xứ chúng tôi nói: „Đến nỗi rốt cuộc người ta nói, chỉ còn mấy ông cha xứ là người duy nhất theo Quốc Xã mà thôi“. Mọi người đều cười, đó là một câu nói tiếu lâm. Không ai có thể tưởng tượng được điều đó, vì ai cũng còn biết, Giáo Hội là lực duy nhất chống lại chế độ. Chắc chắn đã không có sự phản kháng tích cực và lớn hay có những cuộc chống đối mang tính cách mạng. Nhưng rõ ràng, sau khi chiến tranh nổ ra, mục tiêu đầu tiên Quốc Xã muốn diệt là Giáo Hội, nhưng chúng đã phải tạm để đấy đã, vì chúng cần mọi lực lượng cho nhu cầu chiến tranh. Chúng tôi đã không bao giờ nghĩ được, rằng Giáo Hội một cách nào đó đã cộng tác với Quốc Xã. Điều này về sau người ta mới dựng lên.
Nhưng, như Ngài đã nói, một cách chung ta cũng không thể nói được Giáo Hội ở Đức là ổ kháng chiến chống lại chế độ. Đã có những tòng phạm, kể cả các giám mục. Giáo Hội Tin Lành còn nhuốm bùn mạnh hơn.
Thời đó có những „Ki-tô Hữu Người Đức“, một thứ Ki-tô hữu theo đuôi Quốc Xã, hét ra lửa. Giờ đây không biết họ lặn đi đâu biệt tăm. Đúng, ba tôi thỉnh thoảng cũng tức giận chửi bới, bảo rằng hồng y Faulhaber chưa cụ thể hơn trong việc chống lại Quốc Xã, dù Faulhaber rõ ràng là một nhân chứng chống lại chế độ. Trong hồ sơ trường trung học tổng hợp ở Traunstein có ghi câu nói của Quốc Xã: „Tinh thần Faulhaber chế ngự toàn chủng viện“, nghĩa là trong chủng viện chất chứa tinh thần chống nhân dân (antivölkischer Geist). Faulhaber là biểu tượng của những gì Quốc Xã kinh tởm. Cả ba tôi cũng nhận thấy các giám mục chưa tỏ ra đối kháng đủ. Vâng, mỗi người có một tâm tánh khác nhau, nhưng chúng tôi chưa bao giờ cảm thấy có sự tòng phạm của Giáo Hội. Bản luận cương „Der Mythus des 20. Jahrhunderts“ (Huyền Thoại Của Thế Kỉ 20), một cuốn sách tuyệt đối phản Ki-tô Giáo, do Alfred Rosenberg viết, một lí thuyết gia hàng đầu của Quốc Xã, cho thấy sự khác biệt giữa Quốc Xã và Giáo Hội.
Phải chăng, như Ngài đã nói, đó đơn giản không phải là đề tài nghiên cứu của mình? Tôi vẫn thấy đó là một đề tài lớn của xã hội, nó luôn được đặt ra.
Một đề tài lớn, dĩ nhiên. Nhưng đó không phải là đề tài nghiên cứu khoa học của tôi.
Linh mục Höck, bề trên chủng viện ở Freising, có kể về chuyện ông bị tù ở trại tập trung Dachau không?
Có, một lần cả nguyên một buổi chiều. Ông vẽ một sơ đồ trên tường rồi kể mọi chi tiết sự việc.
Có những cuộc thảo luận về „Bông Hồng Trắng“, về chuyện chống lại Quốc Xã không?
Chúng tôi có biết và cũng đã bàn về chuyện đó. Chúng tôi hãnh diện về „Bông Hồng Trắng“. Học sinh chúng tôi ở Traunstein có nghe chuyện xẩy ra ở München và cả lớp đồng thanh tỏ thiện cảm. Tất cả đều nói: „Họ gan dạ thật.“
Về sau Ngài có liên hệ mật thiết với em gái của giáo sư Kurt Huber, một thành viên đầu đàn của „Bông Hồng Trắng“ ở München.
Cô là một phụ nữ quý phái với lòng đạo rất sâu xa, một người đàn bà tinh ròng.
Một trong những cuốn sách bản lề Ngài đọc trong thời sinh viên là tác phẩm „Der Umbruch des Denkens“ (Đột Phá Tư Duy) của nhà đạo đức học Theodor Steinbüchel. Lúc còn trẻ Ngài nghĩ mình thuộc diện nào? Tiến bộ, thích thắc mắc?
Tôi không thích thứ Triết Học nhàm chán và đã vào chai sẵn, nhưng hiểu Triết Học như là một cách đặt câu hỏi – Con người ta đích thật là gì? – và muốn bước vào thứ Triết Học tân tiến. Trong chiều hướng đó tôi là một người tiến bộ và hay thắc mắc. Tác phẩm của Steinbüchel đối với tôi rất quan trọng, vì nó – và cả cuốn „Die philosophischen Grundlagen der christlichen Moraltheologie“ (Những Nền Tảng Triết Học Của Thần Học Đạo Đức Ki-tô Giáo) – mở ra cho tôi một cái nhìn bao quát vào Triết Học tân tiến, là thứ tôi muốn tìm hiểu và tìm cách cùng thực hiện. Tiếc là tôi không thể đào sâu Triết Học được như mình mong muốn. Một đàng, tôi thắc mắc, nghi ngờ, không muốn thứ Triết Học đã đóng chai, đàng khác tôi cũng muốn tìm hiểu lại và bước theo những nhà thần học thời trung cổ và thời mới. Ở đây, chủ thuyết Nhân Vị, thời đó vốn chưa rõ ràng gì cả, đã đánh động tôi cách đặc biệt và tôi xem đây là điểm khởi đầu cho tư duy triết và thần học.
Thời đó cũng có một cuốn quan trọng khác „Katholizismus als Gemeinschaft“ (Ki-tô Giáo Như Là Cộng Đoàn) của Henri de Lubac. Ngài viết, „Lubac đưa đức tin ra khỏi lối nhìn đạo đức chật hẹp nặng tính cá nhân và dẫn nó vào vùng thông thoáng nặng tính xã hội của cái Chúng Ta sống động.“ Đức tin này vốn khác với thứ đức tin thời niên thiếu và truyền thống gia đình của Ngài. Như vậy có sự xung đột nào không?
Chẳng có xung đột nào, mà chỉ là một sự mở rộng, một cái nhìn thoáng hơn, nhưng căn bản vẫn là cái bản sắc đạo đức mà chúng tôi đã thu nhận được trong thời niên thiếu. Bởi vì nó vẫn dạy rằng, yêu thương tha nhân là điều quan trọng và đức tin giúp ta hiểu được cái toàn thể. Như vậy, đây có thể gọi được là sự khám phá ra điều mà đức tin quả muốn nói đến, nhưng đã không thể tỏ hiện được ra trong thần học giáo lí của chúng ta. Ở đây thật tình tôi vẫn cảm nhận được sự tiếp nối; tuy nhiên cũng đã gặp được niềm vui, khi hiểu ra ý nghĩa mới của đức tin từ những phát biểu hơi cũ mòn và đã có thể cùng với nó bước được vào trong cuộc sống tân tiến. Như thế đúng là một đột phá. Chẳng có đứt đoạn nào cả.
Nghĩa là chẳng có mâu thuẫn gì với thế giới suy tư và sống đạo của ba Ngài?
Không, ba tôi vốn là một người rất thực tế. Ông rất thích học thuyết xã hội công giáo. Ông vẫn coi Công Giáo như là một thực tại xã hội. Như vậy, đã có sẵn một sự chuẩn bị tâm hồn cho đường hướng mới này rồi.
Ngài có khi nào nói cho ba mình biết về sự thôi thúc muốn đi tìm điều mới lạ của Ngài không?
Không. Ông không phải là người muốn tranh luận về những điều đó. Nhưng ông biết, chúng tôi được hướng dẫn đầy đủ và chúng tôi, có thể nói, sẽ không đánh mất nền tảng tâm linh, bỏ rơi kinh hạt và các phép bí tích. Đó là điều quan trọng nhất đối với ông.
Lúc bước vào đại học Ngài có lần nói: „Khi bắt đầu học Thần Học, tôi cũng bắt đầu thích thú tìm hiểu những vấn đề tri thức; tôi làm điều này, bởi vì nó mở ra cho tôi thấy bi kịch đời mình và nhất là mở tung màn bí ẩn của sự thật.“ Trong cuốn „Muối Cho Đời“ chúng ta đã bàn điểm này rồi, và lúc đó Ngài nói, đó là một lối nói hơi cường điệu. Ở đây tôi muốn hỏi lại: Đâu là „bi kịch cuộc đời“ của Ngài?
Là tôi có thể bắt đầu đời mình với chuyện gì. Tôi có nên làm linh mục hay không? Liệu tôi có thích hợp cho vai trò này không? Và nhất là: Tại sao tôi hiện hữu? Tôi sẽ về đâu? Tôi là ai?
Một lần nữa: Ngài thấy chính con người mình như thế nào?
Chúng tôi thuộc giới tân tiến. Chúng tôi đã muốn canh tân Thần Học từ nền tảng và qua đó cũng muốn làm cho Giáo Hội ra mới và sống động hơn. Do đó chúng tôi sung sướng, khi được sống trong một thời điểm với những chân trời và con đường mới, mở ra sau hai phong trào giới trẻ và phụng vụ. Chúng tôi muốn cùng với Giáo Hội tiến lên trên con đường đó, với xác tín rằng, bằng cách đó Giáo Hội sẽ trẻ trung trở lại. Tất cả chúng tôi đều mang một nỗi miệt thị nào đó đối với thế kỉ 19, điểm này thời đó là mốt sống. Nghĩa là ghét cái lối nghệ thuật tân gô-tích với những pho tượng lớn nhỏ loè loẹt, ghét cái đạo đức bề ngoài và lối sống đạo quá tình cảm. Chúng tôi muốn vượt qua mọi thứ đó. Muốn thay thế chúng bằng một lòng đạo lớn lên từ phụng vụ và sự cao cả cũng như chừng mục của nó, nghĩa là một phụng vụ quay về với nguồn cội – và cũng chính nhờ sự quay về này mà phụng vụ trở nên mới và tân tiến.
Ngài là một người theo chủ thuyết hiện sinh?
Tôi đọc Heidegger không bao nhiêu và thấy cũng thú vị. Triết học này với những khái niệm gây cho mình một hứng khởi nào đó. Như đã nói, tôi muốn đi ra từ triết học kinh điển của thánh Tô-ma, trong đó An-tịnh (Augustinus) là kẻ giúp đỡ và dẫn lối cho tôi. Cũng nhờ đó mà mình có thể đối thoại sống động được với các nền triết học mới. Nhưng chắc chắn tôi không bao giờ là một người theo hiện sinh.
Trong cuốn tự thuật Ngài cho hay, mình cảm thấy có khả năng „Đối thoại với An-tịnh“. Ngài bảo, đây là một cuộc đối thoại „mà tôi đã thử từ lâu và bằng nhiều cách“. Câu nói xem ra khá bí ẩn.
(Cười.) Vâng, khi còn trẻ, mình muốn giữ nơi mình một chút gì và tin rằng, mình có thể làm được một cái gì đó. Tôi không biết đến cái phức tạp của „điều đó đã được nhiều học giả lớn viết rồi“, nhưng tôi nghĩ: Chúng tôi là những người trẻ, chúng tôi có một lối khám phá mới. Và với niềm xác tín thế hệ trẻ sẽ có thể xây dựng lại thế giới đó, tôi đã chẳng sợ gì trước những chuyện lớn. Đúng là đầu năm 1946 tôi bắt đầu làm quen với một vài tác phẩm của An-tịnh. Tôi rất cảm động về sự giằng co tâm hồn nơi An-tịnh. Những gì thánh Tô-ma viết hầu hết đã trở thành sách giáo khoa và chúng xem ra vô ngã, không liên hệ trực tiếp với một ai cả. Dĩ nhiên chúng cũng hàm ý một cuộc giằng co, mà chỉ sau này ta mới khám phá ra. An-tịnh trái lại đấu tranh với chính mình, ngay cả sau khi ngài đã quay về với Chúa. Và đó là điểm làm cho sự việc trở nên bi thảm và đẹp.
Lúc đó ở München Ngài hay đi xem kịch và nghe nhạc kịch. Ngài thích nhất những vở nào?
Nói chung tôi thích những vở diễn tả cuộc sống con người, nói về những chuyện con người. Đặc biệt tôi mê vở „Der seidene Schuh“ (Chiếc Giày Lụa) của Paul Claudel hoặc cả „Des Teufels General“ (Tướng Của Quỷ) của Zuckmayer và vở nhạc kịch „Dialoge der Karmelitinnen“ (Cuộc Đối Thoại Của Các Chị Dòng Kín) của Francis Poulenc, mà lời của nó dựa trên một bi kịch cùng tên được Georges Bernanos viết theo cuốn „Die Letzte am Schafott“ (Người Nữ Cuối Cùng Trên Dàn Máy Chém) của Gertrud von Le Fort. Tôi cũng nhớ tới buổi diễn thật hay vở nói về giấc mơ tối mùa hè của Shakespeare hoặc một vở của Paul Claudel nói về nữ hoàng Isabella, trong đó sự phân biệt trắng đen giữa những người tây-ban-nha và thổ dân làm ta ngày nay hẳn giật mình.
Liên quan tới nghệ thuật: Ngài có thích đặc biệt một hoạ sĩ, một bức hoạ nào không?
Tôi trước sau vẫn thích nền hội hoạ của Hoà-lan, thứ đến là các nghệ nhân ba-rốc của Bayern.
Hoạ sĩ van Gogh của Hoà-lan?
Không, những người trước nữa cơ. Chẳng hạn Rembrandt, ông được coi là một huyền thoại thời chúng tôi còn trẻ. Nhưng đặc biệt là cả Vermeer van Delft. Chị tôi tặng tôi một bức rất đẹp của ông này.
Bản nhạc nào của Mozart Ngài thích nhất?
Tôi rất thích bản ngũ tấu cho cla-ri-nét. Dĩ nhiên bản „Krönungsmesse“ cũng lôi cuốn tôi từ bé. Bản „Requiem“ tôi thích cách đặc biệt. Đây là bản hoà tấu đầu đời tôi nghe ở Salzburg. Rồi tới „Eine kleine Nachtmusik“ (Đoản Khúc Đêm). Bản này lúc còn nhỏ chúng tôi tập chơi bốn tay trên dương cầm. Rồi dĩ nhiên „Die Zauberflöte“ (Sáo Thần). Nói về nhạc kịch tôi muốn nhắc tới „Don Giovanni“.
Cả một hai bản của Johann Sebastian Bach nữa phải không?
Đúng, bộ lễ „h-Moll-Messe“ của Bach tôi thích đặc biệt. Bản này tôi yêu cầu anh tôi đánh cho nghe trong một dịp lễ Giáng Sinh. Và bản „Matthäuspassion“ cũng tuyệt.
Giờ tôi phải hỏi Ngài về Karl Valentin. Cái gì nơi nhân vật hài hước và ngang bướng miền Bayern này làm cho Ngài thú vị? Hè năm 1948 Ngài hành hương từ Fürstenried tới mộ của ông ấy ở Planegg. Dù sao đó là một cuộc đi bộ tới 30 cây số.
Tôi không thú vị ông đến mức đó. Đi bộ vẫn là nghề của tôi (cười). Thời đó có một anh bạn đồng học, Walter Dietzinger, nay đã mất, một người rất bảnh trai, thuộc loại hơi lạ thường và là tay tôn thờ Valentin. Qua anh, tôi hiểu được cái nụ cười kín đáo vừa lạ vừa khó chịu và một cách nào đó thấy nó có ý nghĩa. Hiểu được là có những cái làm cho ta bật cười, nhưng sau đó cũng bắt ta phải suy nghĩ.
Có một câu hay của Valentin: „Hôm nay tôi sẽ đi thăm tôi, tôi hi vọng mình có mặt ở nhà.“
Tôi biết câu đó. Hitler có lần đã đưa tay cho ông ấy bắt và nói: „Ông Valentin, ông đã làm cho tôi rất nhiều lần phải cười thoả chí.“ Valentin đáp lại: „Còn ông chưa làm cho tôi cười được bao giờ.“
Có thật vậy không?
Có, có thật.
Một thầy giáo ở München đã ấn dấu trên Ngài, đó là Gottlieb Söhngen. Đâu là những cảm tưởng đầu tiên của Ngài về ông ấy?
Ngay trong buổi lên lớp đầu tiên tôi đã bị ông cuốn hút. Là người gốc Rheinland, ông có một lối nói tự nhiên và một cách trình bày vào thẳng vấn đề. Nhất là ông cũng thường hay đề cập tới các vấn nạn. Thời đó chủ nghĩa thực chứng đang ít nhiều chế ngự trên các môn lịch sử, cả trên môn Diễn Giải Kinh Thánh. Như giáo sư Söhngen một cách nào đó không muốn dẫn chúng tôi vào một toà lâu đài đã kiện toàn và đẹp đẽ, nhưng luôn hỏi: Nó thật sự ra sao? Nó có liên quan gì tới tôi không? Và đó là điều gây cảm hứng nơi tôi.
Ngài có liê hệ cá nhân gần gũi với ông không?
Thời đó học sinh phải hết sức cung kính trước các giáo sư, một thế giới khác hẳn ngày nay. Và tôi và anh tôi là những người vô danh tiểu tốt từ miền quê. Nhưng trong kì thi đầu tiên tôi đã có được sự gần gũi với ông.
Ông ta có sớm nhận ra, Ngài là đứa học trò đặc biệt của mình hay không?
Không. Ông cũng không thể nhận biết điều đó.
Tại sao không?
Là vì tôi có thể nói tôi còn là một chú bé, còn cần phải học nhiều may ra mới tiến sâu vào được các vấn đề.
Nhưng dù sao rõ ràng Ngài là một học sinh xuất sắc của ông. Điều này có là một gánh nặng cho Ngài không?
Tôi không cảm thấy mình là một học sinh xuất sắc của ông. Không, tôi chỉ biết mừng, vì mình có thể làm việc, vì mình hiểu ra ông muốn dẫn mình tới đâu, vì mình dần dần sẽ tiếp cận được Thần Học nói chung, và mình có thể đạt được chút kết quả nào đó.
Có thể nói, Söhngen là người thầy dạy Thần Học đích thực của Ngài?
Có thể nói như vậy, vâng, phải nói như thế. Tôi muốn nói, các vị khác dĩ nhiên cũng rất quan trọng đối với tôi. Tín Lí của thầy Schmaus cũng ấn dấu trên tôi. Và dĩ nhiên cả thầy Pascher, nhất là qua những bài thuyết trình của ông. Mỗi tuần ông có ba buổi gọi là Punkta. Ông nói ra những suy tư của chính mình, không cần cầm giấy, nói suốt một tiếng đồng hồ. Cả phân khoa triết thần nói chung quả thật đã ấn dấu trên tôi. Nhưng để hiểu được Thần Học là gì, đây vốn là điểm đánh động tôi nhất, thì phải nói thầy Söhngen là người đã giúp tôi nhiều nhất.
Đâu là điểm nổi nhất của „trường phái München“?
Điểm nổi bật nhất là nó đặt nặng về Kinh Thánh, các giáo phụ, phụng vụ và hướng nhiều tới đại kết. Hơi thiếu về chiều kích triết học tô-ma, có lẽ đây cũng là điểm hoàn toàn có lợi cho „trường phái München“.
Söhngen là một trong những nhà thần học cho rằng, không thể tín điều hoá việc Mẹ về trời. Có thể nói, cả Ngài thời đó cũng không quan tâm lắm tới việc kính đức Mẹ và Thánh Mẫu Học?
Là người công giáo, tất nhiên những buổi chầu tháng năm, việc kính đức Mẹ trong mùa Vọng, lần chuỗi môi khôi và đơn giản là lòng yêu mến mẹ Ma-ri-a đối với tôi là chuyện đương nhiên, nhưng lòng yêu mến này không sâu xa và không quá nặng tình cảm, như nơi các quốc gia công giáo cổ điển Ba-lan và Í-đại-lợi. Bayern cũng là một xứ công giáo cổ điển, nhưng lực tình cảm ở đó không mạnh như ở các nơi khác. Tôi sùng kính đức Mẹ, nhưng với trọng điểm đức Ki-tô và qua đức Ki-tô tới với Mẹ.
Mặc dù ba Ngài là người rất sùng kính đức Mẹ.
Cả mẹ tôi nữa. Lòng sùng kính Mẹ rất phổ biến trong cả gia đình tôi. Chẳng hạn ngay từ hồi còn nhỏ, trong làng chúng tôi thường dựng bàn thờ tháng Năm. Nhưng về mặt thần học, chúng tôi được giáo dục nặng về đức Ki-tô và về Giáo Hội cổ thời; trong đó vẫn có Thánh Mẫu Học, nhưng nó không có sức sống tự tại. Vì thế, truyền thống đạo đức và kiến thức giáo lí thần học chưa đi vào được trong nhau.
Giáo sư Söhngen có liên lạc với Romano Guardini?
Họ có biết nhau, nhưng tôi tin là họ không liên hệ chặt chẽ với nhau lắm.
Söhngen có coi Guardini chẳng phải là một nhà thần học đúng nghĩa, như nhiều người khác vẫn có quan điểm như thế?
(Cười.) Điều này có lẽ tôi không dám nói lúc này. Trong cuốn „Die Einheit in der Theologie“ (Sự Nhất Thống Trong Thần Học) của ông có một chỗ ông trích lời Guardini. Ông viết trong ghi chú: „Tiếc rằng tôi không tìm ra gốc của câu trích ở đâu nữa và xin độc giả hãy xem đây như là dấu chỉ sự liên hệ sống động với một tác giả.“ Có thể nói, ông đã biết Guardini, nhưng hai người không thân thiết. Trái lại Pascher và Schmaus rất thân với Guardini.
Ngài có quen biết Guardini không?
Không quen lắm. Lần đầu tiên gặp ông ở Bogenhausen. Ông ấy ở Bogenhausen. Một hôm ông gọi điện vào chiều tối thứ sáu hỏi chúng tôi, ông có thể tới dâng thánh lễ chủ nhật không, và Chánh Xứ của tôi …
là linh mục Blumschein, nơi Ngài làm phó.
… hoàn toàn không biết ăn nói ra sao. Ông Guardini muốn dâng lễ chiều chủ nhật tại nhà thờ chúng ta! Mọi sinh hoạt bị đảo lộn. Guardini là người vốn rụt rè, nhưng rất đơn giản và dễ mến. Anh tôi biết ông ta rõ hơn, vì anh một thời làm phó ở St. Ludwig và có dịp gặp ông giáo vào mỗi chủ nhật. Năm 1956 chúng tôi và một người bạn đi Franken, nơi cậu tôi ở. Khi chúng tôi đi qua Rothenfels tới đó, chúng tôi bảo nhau hãy đi lên luỹ, nơi Guardini vẫn sống với giới trẻ vào mỗi dịp hè và từ nhiều chục năm nay. Và chắc mình cũng sẽ thấy ông ta. Chúng tôi lên luỹ, và quả thực đã gặp Romano Guardini ở cửa thành (cười lớn). Đúng như một giấc mơ. Ông tỏ ra rất vui: „Tôi gặp những ai đây!“ Chúng tôi chuyện trò với ông một lúc. Đó là lần gặp duy nhất có tính cách cá nhân.
Rupert Berger, một bạn học của Ngài, cho hay, thời sinh viên Ngài thỉnh thoảng cũng gặp Guardini, khi mọi người chen chân vào phòng khánh tiết chật ních của đại học để nghe ông ấy thuyết trình.
Có. Cuốn sách nhỏ - không phải là một tác phẩm lớn - đầu tiên của ông mà tôi đọc sau khi chiến tranh chấm dứt là cuốn viết về đức Giê-su. Nó làm tôi say mê, vì trước đó đã đọc nhiều tác phẩm khác về đề tài này, nhưng chẳng thấy cuốn nào ra hồn cả. Vì thế ông được tôi chiếu cố.
Sau phần học chữ, giờ đây tới phần thực tập làm linh mục, trong đó có lúc phải dùng búp-bê để tập rửa tội.
Đó là các môn thực hành – Thần Học Mục Vụ, Phụng Vụ -, mình tập cách dâng lễ, ban các bí tích và dạy giáo lí trong trường học. Chúng tôi làm thành từng nhóm để tập dưới sự canh phòng của linh mục phó bề trên. Dần dần chúng tôi làm được mọi việc.
Hình như Ngài không để tâm lắm những chuyện đó, vì nghĩ rằng: trước sau gì mình sẽ không trở thành linh mục. Tôi sẽ chỉ là linh mục, để làm một chuyện gì khác.
Không, không, tôi rất ý thức điều này: Tôi không buộc phải làm giáo sư. Tôi cũng sẵn sàng và muốn làm linh mục coi xứ. Đó là một cuộc chiến đấu gay go trong tôi. Nếu giám mục không muốn cho tôi dạy học, thì tôi sẽ là linh mục coi xứ. Điều này tôi sẵn sàng chấp nhận và coi là điều rất quan trọng.
Trong cuốn tự thuật, Ngài nói một câu đáng ghi: Ngài đã cảm được rất sớm, là Thiên Chúa muốn một cái gì đó nơi Ngài, và cái đó chỉ thực hiện được, nếu Ngài làm linh mục.
Đúng. Một cách nào đó tôi biết Chúa đang muốn, đang chờ đợi nơi tôi một cái gì đó. Và dần dần tôi rõ ra, cái đó có dính dáng tới chức linh mục.
Nhưng đây rõ ràng có liên hệ tới một điều gì đó vượt lên trên chức linh mục.
Đúng, Thiên Chúa đòi hỏi nơi mỗi người một cái gì đặc biệt. Tôi biết, Người cũng muốn tôi làm một điều gì đó. Và tôi nghĩ, cái đó có liên hệ với Thần Học. Nhưng rõ hơn thì tôi đã không thể xác định được.
Như vậy có nghĩa là có quan tâm thật sự với việc tập rửa tội với các con búp-bê?
Quan tâm chứ!
và đã có thể ban bí tích rửa tội cách tốt đẹp?
Chuyện đó chẳng phải nói. Trong năm đầu làm phó xứ ở Bogenhausen tôi phải rửa tội khá nhiều, vì trong giáo xứ chúng tôi có một Bệnh Viện Sản Khoa, mỗi tuần có vài trẻ xin rửa tội.
Chương trình huấn luyện linh mục có cả việc học hát. Hình như Ngài học hát với một cựu ca sĩ nhạc kịch?
Đúng, ông Kelch. Ông mất rồi. Sống tới ngoài tuổi 90.
Giọng hát Ngài có vấn đề, và phải sửa?
Có. Nhưng cũng chẳng thay đổi được gì nhiều.
Trên giấy mời dự thánh lễ mở tay của Ngài có câu: „Chúng tôi không phải là các ông chủ trên đức tin của các bạn, nhưng là những người phục vụ cho niềm vui của các bạn.“ Từ đâu có câu này?
Chúng tôi không những ý thức, mà luôn nỗ lực để có một quan niệm tiến bộ về sự kính trọng, không để mình rơi vào cơn cuồng si muốn được tôn kính, mà ngược lại, luôn muốn mình là kẻ phục vụ. Tôi chẳng muốn mình là một „ngài đáng kính hay đức đáng kính“ gì cả. Đối với tôi, việc ý thức mình là một người phục vụ chứ không phải ông chủ không những an ủi tôi, mà đó còn là lí do quan trọng cho phép tôi lãnh nhận chức linh mục. Vì thế với tôi câu trên là một động cơ nền tảng. Một động cơ mà tôi gặp được trong các bài đọc, trong các sách Kinh Thánh và trong rất nhiều văn bản khác, và tôi đặc biệt muốn được tự thể hiện mình qua hình ảnh đó.
Các học trò của Ngài nói, nhiều chục năm họ quan sát Ngài khi dâng lễ và họ nhận thấy, Ngài không bao giờ dâng lễ như một thói quen. Trái lại Ngài đổ hết tâm trí vào và coi đó như là thánh lễ đầu tiên mình dâng.
Quả là hồi hộp, khi trở đi trở lại cũng gặp một người. Tôi muốn nói, quả là điều gì đó thật bất thường, khi chính Chúa đang hiện diện ở đó. Bánh không còn là bánh nữa, mà trở thành xương thịt của đức Ki-tô, ai mà chẳng động lòng trước biến cố này.
* * *
Về thời gian làm phó xứ ở Bogenhausen: Có phải kinh nghiệm của thời gian này đã khiến Ngài viết bài „Die neuen Heiden und die Kirche“ (Giáo Hội Và Những Người Ngoại Đạo Mới) không?
Quả đó là năm hoạt động đẹp nhất đời tôi. Nhưng hoàn cảnh mới này, nhất là những giờ dạy giáo lí, cũng đã cho tôi những kinh nghiệm thật thảm hại. Tôi có bốn chục đứa trẻ, cả nam lẫn nữ; mình nói gì, chúng vẫn làm theo, nhưng xét kĩ thì biết chúng ở nhà chẳng được dạy chút gì về đạo. „Ba con bảo, chẳng cần phải quan tâm gì về chuyện giáo lí cả.“ Điều đó cho thấy, tất cả xem ra còn nguyên vẹn về mặt định chế, nhưng thực tế thì người ta đã bỏ xa đạo rồi.
Viết bài đó, người ta có bảo Ngài bị mát không? Tôi muốn nói, giữa lúc Giáo Hội vừa trải qua chiến tranh và đang bừng lên trở lại cả về định chế lẫn sống đạo, thì lại có một ông linh mục nào đó ngược ngạo nói, vô đạo đang phát triển!
Có. Mà quả rõ ràng như thế. Chúng ta đã làm tốt công việc giáo dục lớp trẻ. Nhưng tất cả giới trẻ cũng đang rơi vào một tình trạng cấu xé nội tâm, thế giới bên ngoài đã trở nên xa lạ với lòng đạo của chúng.
Bài viết trên được đăng năm 1958 nơi tạp chí Hochland; đó là bài viết gây xôn xao đầu tiên của Ngài. Rồi đây, cả mãi cho tới lúc đã bước lên ghế giáo tông, Ngài sẽ còn có nhiều bài khiêu khích khác nữa. Phản ứng thời đó ra sao?
Thật tiếc, nói chung là tiêu cực. Có một bài báo lạ lùng tố cáo tôi viết bài đó là để chống lại đảng cầm quyền Liên Minh Xã Hội Ki-tô Giáo (CSU). Nhưng đấy là một trường hợp hạn hữu. Có những tin khác vu tôi lạc đạo. Khi tin này xuất hiện, tại chỗ tôi ở Freising đã có người hốt hoảng. Lúc này tôi đã nhận lời mời về Đại Học Bonn. Đồng nghiệp của chúng tôi, giáo sư Scharbert, một chuyên gia Cựu Ước, đã viết luận văn lên ngạch tại Bonn và có quen biết nhiều tại đây, cho hay, nhiều vị ở Bonn tỏ ra thất vọng. Họ tự hỏi, không biết việc mời tôi về Bonn có phải là một lầm lỡ không. Tại München đặc biệt hồng y Wendel bị kích động. Nhưng về sau ông nói với tôi, ông có nghe chuyện và lấy làm ái ngại, nhưng ông sẽ chẳng bao giờ quyết định từ chối tôi chỉ vì một bài báo. Thật lạ, tới nay tôi vẫn tự hỏi, không hiểu tại sao người ta lúc đó lại có thể phản ứng như thế. Dù sao, đấy là một cơn bão đối với tôi.
Bài viết là một tiếng chuông thức tỉnh, một lời gọi khẩn thiết nhắc nhở mọi người hãy nhận ra dấu chỉ thời đại. Còn các phản ứng tích cực?
Dĩ nhiên cũng có. Trước hết là những người của tạp chí Hochland chung quanh ông Josef Schöningh; ông này vừa là người xuất bản Hochland vừa là nhà đồng thành lập và xuất bản của nhật báo Süddeutsche Zeitung. Bài viết được họ coi là một phát biểu quan trọng.
Có phải bài viết của nữ văn sĩ Ida Friedericke Görres trên tạp chí Frankfurter Heften cũng gợi hứng cho Ngài viết bài kia không?
Bài của bà có tiếng vang rất lớn. Thời đó đâu đâu người ta cũng bàn tán về nó. Ở Freising bài này bị phản đối rất dữ. Tôi biết nội dung của nó nói gì, nhưng chính mình không đọc. Điều gợi hứng cho tôi đơn giản là hiện trạng cụ thể của Giáo Hội mà một phó xứ như tôi đã kinh nghiệm được. Rồi một ai đó có mời bà Görres tới nói chuyện tại chủng viện. Nhưng hồng y Faulhaber đã quyết định: Bà này không được phép nói chuyện trong chủng viện của tôi!
Ngài quen bà Görres năm 1970 và trao đổi thư từ dài dài với bà và gần như cũng thường…
… gặp nhau. Tôi cũng đã đi dự đám tang của bà. Bà đọc cuốn „Einführung ins Christentum“ (Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay), lấy làm phấn chấn và vui mừng khi thấy một nhà thần học trẻ, một thế hệ trẻ, đã trình bày Ki-tô Giáo với ăm ắp lòng tin. Một mặt, bà rất dị ứng với lối đạo đức của thế kỉ 19. Nhưng mặt khác, khi thấy sự hứng khởi của thời hậu công đồng đã làm bốc hơi đức tin và dẫn Giáo Hội tới một chiều hướng ngược lại, bà quay ra hoàn toàn khắt khe – và lấy làm vui mừng, vì qua cuốn sách nhận thấy có một nhà thần học trẻ vừa có đầu óc tiến bộ vừa có lòng tin. Bà viết ngay cho tôi và sau đó tới thăm tôi ở Regensburg.
Sau giai đoạn phó xứ, trước hết Ngài được gọi về dạy học tại chủng viện ở Freising, để dạy nhiều môn, trong đó có môn Mục Vụ Bí Tích. Cùng lúc đó Ngài hướng dẫn một nhóm thanh thiếu niên. Và một điều ít ai biết, là từ 1955 tới 1959 Ngài cũng làm tuyên uý sinh viên.
Đại Học Kĩ Thuật ở Freising có phân khoa nông nghiệp và rượu bia, đó là „Oxford của ngành sản xuất bia“. Trong số các sinh viên có người Trung-quốc, những người thuộc mọi miền thế giới, chẳng hạn từ Cu-ba có một anh rất đỗi phấn chấn trước cuộc cách mạng của Castro. Thời đó có thể người ta phấn chấn thật, mà có khi cũng bị bắt buộc phải vỗ tay. Tôi học được rất nhiều từ họ. Trước hết mỗi tháng một lần tôi thường được mời tới thuyết trình vào buổi tối cho các sinh viên. Rồi tôi cũng có một cái quỹ nhỏ, để có thể giúp những anh chị nào gặp khó khăn. Đó là những người trẻ rất dễ thương, tôi có nhiều kinh nghiệp đẹp với họ.
Trong ba năm đó Ngài cũng thường ngồi toà giải tội?
Dĩ nhiên. Vào mỗi thứ bảy. Trung bình hai tiếng đồng hồ.
Người ta xưng với Ngài những gì?
Đa số là các chủng sinh tới xưng tội. Họ rất thích tới với tôi, vì tôi xem ra rất dễ dãi với họ. (Cười.)
Ngài còn nhớ gì về ngày 21.02.1957?
Đó là ngày tôi công khai trình bày luận văn vào ngạch dạy học (Habilitation), để được cấp bằng dạy đại học. Bản luận văn ban đầu của tôi bị người chấm thứ hai là giáo sư Schmaus từ chối; nó được trả lại, để tôi làm lại một phần. Bản thứ hai được ông chấp nhận. Nhưng bầu khí quá căng thẳng, khiến tôi không biết rồi sẽ ra sao. Tôi đề nghị một đề tài về Sử để thuyết trình. Thường thì phân khoa luôn chấp nhận đề nghị của thí sinh. Nhưng người ta bảo, tôi phải chọn một đề tài về Thần Học Hệ Thống, vì tôi muốn được cấp bằng dạy môn Tín Lí. Tôi chỉ có một vài ngày để dọn đề tài. Cùng lúc đó lại đang phải lên lớp đều đều ở Freising. Tôi rất căng thẳng, vì biết một thành phần của phân khoa sẽ xét nét theo dõi phần trình bày của mình và thâm tâm họ đã có sẵn cái nhìn tiêu cực về tôi. Tôi nắm chắc việc sẽ bị đánh rớt. Sau phần trình bày của tôi tới phần phát biểu – dĩ nhiên là thuận lợi - của giáo sư đỡ đầu luận văn là giáo sư Söhngen. Rồi tới lượt Schmaus phản kích tôi. Nhưng bỗng dưng buổi thảo luận trở thành cuộc đấu khẩu tay đôi gay cấn giữa Söhngen và Schmaus. Hoàn cảnh thật trờ trêu.
Lúc đó Ngài đã đưa ba mẹ về sống chung trong căn hộ của mình ở Freising. Ông bà có mặt trong bữa trình luận văn không?
Anh tôi có mặt, còn ông bà thì không. Tôi không muốn để ông bà chứng kiến cảnh khó khăn đó. Ông bà ở lại Freising. Lẽ ra các giáo sư phải trao đổi với tôi về nội dung tôi trình bày, chứ không phải họ thảo luận với nhau. Sau đó chúng tôi ra ngoài hành lang chờ kết quả. Anh tôi, linh mục chánh xứ Pakosch của giáo xứ St. Ludwig và thêm một người nữa. Thời gian chờ đợi thật lâu, tôi nghĩ chẳng có hi vọng gì nữa.
Nhưng đã không phải vậy.
Sau một thời gian chờ lâu, tôi được thông báo: đậu. Thảm kịch như vậy là chấm dứt, nhưng nó vẫn tiếp tục dằn vặt tâm trí mình. Trước đó tôi đứng gần bên hố thẳm…
Lúc đó Ngài có giận Chúa, hay đã ca ngợi Người khi nghe tin mình thoát nạn?
Chẳng giận mà cũng không ca ngợi. Nhưng tôi đã cầu nguyện nhiều, xin Chúa giúp tôi. Nhất là vì ba mẹ tôi. Nếu bị đánh trượt và phải đẩy ông bà ra đường [vì không còn chỗ nào để dạy và ở nữa], thì quả là một thảm hoạ.
Nhưng liên quan tới kinh nghiệm đau đớn của vụ trình luận văn Ngài cũng đã phát biểu: thử thách đó „chữa lành tôi về mặt con người và có thể nói nó kéo theo một lô-gích cao hơn“. Thế nào là „Lô-gích cao hơn“?
Tôi đã trình luận án tiến sĩ rất nhanh. Nếu giờ đây tôi cũng có được văn bằng vào ngạch sớm, thì tôi có thể đâm ra tự mãn, một chiều. Biến cố đó khiến tôi phải hạ mình khiêm tốn. Sẽ có lợi cho ta, nếu ta thỉnh thoảng phải đối diện với thân phận nhận nghèo nàn của mình; không coi mình là một người hùng to lớn, nhưng là một thí sinh nhỏ bé đang đứng trước hố thẳm và phải biết vui với việc mình sẽ làm. Như vậy lô-gích ở đây có nghĩa là cần có sự thất bại và thất bại hay sỉ nhục trong trường hợp này là cần thiết.
Như thế nghĩa là nơi Ngài vốn có khuynh hướng tự cao?
Tôi muốn nói, tôi đậu tiến sĩ rất xuất sắc và ngay sau khi đậu ông viện trưởng nói, ông hi vọng sớm có tôi làm đồng nghiệp. Nghe thế, chàng thanh niên lại càng căng tràn hi vọng (cười). Tôi cũng luôn có mặt trong giảng khoá của giáo sư Schmaus. Mỗi lần không thể có mặt, ông để cho tôi hướng dẫn lớp. Và lớp vẫn diễn tiến hết sức sinh động, thành ra tôi trở thành một trong những khuôn mặt được người ta đặt nhiều kì vọng.
Và điều này khiến Ngài trở nên ta đây?
Không, nhưng dù sao mình cũng cần có những thất bại hay nhục nhã.
Những thất bại nhục nhã?
Tôi tin rằng, sẽ nguy hiểm cho một người còn trẻ, nếu anh ta đi hết thành công này tới thành công nọ và đâu đâu cũng chỉ gặt hái toàn là lời khen. Anh ta cần phải biết đâu là giới hạn của mình, thỉnh thoảng cần phải đối diện với tình huống khó khăn, cần phải trải qua một giai đoạn thất bại, cần phải nhận ra được giới hạn của chính mình. Đời không phải chỉ có toàn thành công, mà cả những thất bại. Con người cần thất bại, để học cách tự đánh giá mình cho đúng, để chấp nhận gánh nặng và thêm nữa để cùng suy nghĩ với người khác. Để không xét đoán vội vàng và như một người từ trên cao phán xuống, nhưng cũng vui vẻ chấp nhận người khác trong sự khổ cực và yếu đuối của họ.
Ngài còn giữ bản luận văn đầu với đầy những lời phê chằng chịt bằng bút màu của ông Schmaus trên lề các trang giấy không?
Không, tôi đã vứt rồi. (Cười.)
Vứt ngay từ thời đó?
Ừ.
Vì tức giận?
Tôi đã đốt nó.
Đốt trong lò?
Vâng, trong lò bếp.
Sau khi đậu vào ngạch, Ngài được cử làm Giảng Viên Thỉnh Giảng, sau đó làm Giáo Sư Ngoại Thường, nghĩa là chẳng giữ ghế nào cả. Trong cuốn hồi tưởng, Ngài cho hay, sỡ dĩ như thế hẳn là do những tiếng bấc tiếng chì của phía đối phương. Nghĩa là sao?
Rõ ràng có những người không muốn tôi được biên chế giáo sư và nói xấu tôi ở Bộ Giáo Dục. Chuyện như vậy: tôi được mời tới để thảo luận về việc cấp tước giáo sư và ông công chức cao cấp đã đối xứ với tôi như một ông quan ngồi trên phán xuống. Tôi chợt hiểu, ông ta đã được đâu đó thông tin về tôi rồi. Ông hỏi: „Ông đã tạm giữ ghế dạy bao lâu rồi?“ Tôi trả lời: „Từ năm 54, nghĩa là đã ba năm, nay là năm thứ tư.“ Rồi ông nói: „Như vậy thì phải cử ông, chứ chẳng còn cách nào khác. Lại thêm một trường hợp nữa.“
Thế nghĩa là sao?
Một giáo sư vô tích sự. Không biết bằng cách nào đã lọt được vào đây và muốn thành công chức.
Người ta nói xấu Ngài về chuyện gì?
Là tôi không có khả năng hay là vì cái gì đó. Tôi không biết.
Trong cuốn hồi tưởng, Ngài cũng cho hay, quan hệ giữa Ngài và hồng y tổng giám mục München là Wendel chẳng xuôi chảy lắm.
Đấy lại là một chuyện khác. Lúc đầu, vì bài „Die neuen Heiden und die Kirche“, người ta đâm thọc với Hồng Y là tôi rối đạo và có nhiều lỗi khác. Nhưng chuyện ở đây hơi khác. Thời đó, khoảng cuối năm 1958, Trường Sư Phạm ở München-Pasing được nâng lên cấp đại học. Dân München vốn có bệnh hoang tưởng tự đại, họ muốn triết gia Pieper giữ ghế giáo sư triết học. Rồi các ông trong toà giám mục xúi Hồng Y đưa tôi lên giữ ghế giáo sư thần học, vì theo họ, có như thế thì phân ban thần học mới đủ mạnh và ngang ngửa được với phân ban triết học. Họ bảo, bên triết có Pieper và bên thần có Ratzinger, như vậy là hay. Hồng y Wendel là người chẳng hiểu gì nhiều về chuyện hàn lâm ở Đức, nhận thấy kế hoạch đó hay, và nói với tôi: „Cha nhận ghế giáo sư ở Đai Học Sư Phạm München-Freising, chứ không đi lên Bonn.“
Được sóng đôi với một triết gia ngoại hạng như Pieper là điều hay.
Dù thế, đây là một Đại Học Sư Phạm, không phải là sở trường của tôi. Tôi nói: „Không, tôi không thể nhận được.“ Hồng Y vẫn không đổi ý, không cho tôi đi Bonn. Theo truyền thống ở Đức lúc đó, khi một linh mục được một đại học nào đó nhận vào hàng ngũ giáo sư, giám mục giáo phận đương nhiên phải kí bài sai cho phép linh mục đó ra đi. Thế là diễn ra một cuộc trao đổi thư từ gay go giữa hai chúng tôi. Cuối cùng, dù không hài lòng lắm, Hồng Y đã cho phép tôi đi.
Ngài đã chống lại lệnh của Giám Mục mình?
Không. Tôi đã không tức thời chấp nhận điều mong muốn đầu tiên của ông. Như đã nói, ở Đức có truyền thống rõ ràng, là một linh mục đương nhiên được giải nhiệm và tạm rời giáo phận để đi dạy tại đại học nơi nhận mình. Hồng Y cũng đã không đơn giản từ chối, ông chỉ nói: „Tôi có việc quan trọng hơn cho Cha.“ Ông được người ta thông tin sai về thực tế. Và tôi cũng tin chắc, là mình sẽ không hợp cho nhiệm vụ tại đại học München-Pasing. Ở đây, mình phải nói với các thầy cô tương lai, những người vốn không học Thần Học, về những điều thuộc sở thích tổng quát. Điểm này không phải là sở trường của tôi.
Và Ngài đã làm gì để có thể thuyết phục Hồng Y?
Thư từ qua lại thật khổ sở khó khăn. Tôi nghĩ, có lẽ linh mục tổng quản Fuchs đã thuyết phục được Tổng Giám Mục mình. Ông Fuchs là người ngay từ đầu cũng có một cái nhìn khác về việc bổ nhiệm tôi. Dù sao, một hôm Hồng Y đã nói với tôi, ông không hài lòng chuyện này, nhất là cả chuyện về bài viết trên Hochland, nhưng ông không muốn cấm cản tôi, và ông đã để tôi đi.
Ngài đã quan tâm tới đạo Tin Lành rất sớm, ngay từ lúc còn ở Freising. Trong số học trò của Ngài đã có những nhà chuyên môn về đại kết nổi danh. Điều gì nơi Tin Lành lôi kéo sự quan tâm của Ngài?
Đây là di sản của giáo sư Söhngen để lại. Cha mẹ của Söhngen không cùng một tôn giáo, và đấy là một vấn đề hiện sinh đối với ông. Trong các giáo án, Söhngen không bao giờ chỉ nói tới truyền thống công giáo mà thôi, nhưng cũng luôn nói tới việc đối thoại với Tin Lành, đặc biệt với Karl Barth. Với tôi ngay từ đầu việc đối thoại với Tin Lành là một phần đương nhiên của Thần Học. Vì thế ở Freising tôi đã có một giảng khoá về bản tuyên tín của Tin Lành [Confessio Augustana, bản tuyên tín nền tảng của Tin Lành theo phái Luther]. Xem thế thì đại kết là một phần đương nhiên của các giáo án của tôi và các sinh viên của tôi cũng quan tâm rất nhiều về đề tài này.
Ở Freising Ngài làm quen với các tác phẩm của Martin Buber, vốn cũng là một đại biểu của nhánh thần bí trong Do-thái Giáo. Có phải đây là lần gặp gỡ Do-thái Giáo đầu tiên của Ngài?
Có lẽ như vậy.
Cái gì nơi Buber làm Ngài say mê? Về sau Ngài còn mua cả dĩa ghi âm của ông.
Tôi vô cùng ngưỡng phục Buber. Một mặt, ông là một đại biểu lớn của thuyết nhân vị, của nguyên tắc Anh – Tôi, một nguyên tắc xuyên suốt toàn bộ triết học của ông. Dĩ nhiên tôi có đọc Opera Omnia của ông. Thời đó, ai đọc sách ông, được coi là người ít nhiều sống đúng mốt. Cùng với Rosenzweig ông dịch lại mới bản Kinh Thánh. Quan điểm nhân vị cũng như triết học bắt nguồn từ Kinh Thánh của ông thể hiện ra cụ thể trong các câu truyện ông viết. Lòng đạo do-thái giáo này, trong đó đức tin hoàn toàn thoải mái và đồng thời luôn thời sự trong mọi thời, lối tin của ông trong thế giới ngày nay, toàn bộ con người của ông, tất cả những thứ đó mê hoặc tôi.
Ngài cũng đọc Herman Hesse, chẳng hạn cuốn „Der Steppenwolf“ (Sói Đồng Hoang) và „Das Glasperlenspiel“ (Trò Chơi Hạt Cườm).
„Das Glasperlenspiel“ tôi đọc khi nó vừa ra. Có lẽ vào những năm đầu của thập niên 50. „Der Steppenwolf“ đọc ở Regensburg, nghĩa là trong thập niên 70.
Der Steppenwolf“ là sách dành cho đám Hip-pi ở San Francisco đọc. Tại sao Ngài mê đọc nó?
Đó là một bản phân tích huỵch toẹt về sự tha hoá của con người. Đó là hình ảnh về điều đang xẩy tới với con người ngày nay. Nó cho thấy các gốc rễ bị bươi ra như thế nào, cho thấy toàn bộ vấn nạn, nó xuyên thấu con người thực sự. Còn „Das Glasperlenspiel“ tôi đọc lúc còn rất trẻ và đang được ôm ấp trong mái ấm gia đình. Hình ảnh vai chính câu truyện rốt cuộc phải lên đường lần nữa làm tôi cảm động. Ông lại phải ra đi. Ông là bậc thầy chơi trò hạt cườm, nhưng chẳng có gì là chung cuộc cả. Trong mọi khởi sự đều chứa một phép phù thuật, ông ta lại phải bắt đầu lại.

Từ Một Tay Mơ Trở Thành Nhà Thần Học Sáng Chói


Quyết định về Bonn làm thay đổi mọi thứ. Đọc cuốn hồi tưởng của Ngài thì thấy đó như một sự thở ra thoải mái, như bước vào một cánh cửa tự do mới. Lần đầu tiên Ngài sống một mình. Nhưng cũng không hẳn. Sáng kiến bà chị đi theo ở với Ngài là do ai?
Vừa do chị mà cũng do tôi. Tôi cần một người lo cho phòng ốc nhà cửa. Và trước khi nghĩ tới người khác, thì đây là một cách giải quyết hay hơn.
Chẳng phải ai ai cũng muốn anh chị em mình luôn ở bên cạnh.
Chúng tôi chỉ có ba chị em. Vì thế ngay từ trong gia đình chúng tôi rất quấn quýt bên nhau.
Chị Maria còn theo Ngài tới các nơi khác, kể cả về Roma, cho đến khi chị mất ở đó năm 1991. Chị là người đàn bà luôn bên cạnh Ngài. Đâu là ảnh hưởng của chị trên đời sống và tư tưởng của Ngài?
Có thể nói, chị không ảnh hưởng gì trên các suy tư thần học của tôi, nhưng có ảnh hưởng qua sự hiện diện, qua cách sống đức tin và sự khiêm tốn của chị. Đơn giản trong bầu khí niềm tin chung vốn lớn lên theo chúng tôi và chín mùi với thời gian. Đức tin này đã được Công Đồng chấp nhận; nó có biến chuyển, nhưng vẫn bám chặt nơi chúng tôi. Tôi có thể nói, chị có ảnh hưởng trên bầu khí nền tảng về suy tư và cách sống của tôi.
Lúc đầu Ngài ở chung với các sinh viên thần học trong chủng viện. Sau đó chuyển sang căn hộ ở đường Wurzelstrasse ở Bonn-Bad Godesberg.
Địa điểm này rất thuận lợi. Chỉ cần hai phút đi bộ là tới bến xe điện. Như vậy cứ mười lăm phút là tôi có thể bước lên xe và tới thẳng trước Đại Học. Với tuyến xe lửa chạy dọc theo bờ sông Rhein tôi có thể đi tới Köln. Thêm nữa, chỉ cần vài phút là tới bờ sông, có thể đi bộ tới nhà thờ Thánh Tâm và các chỗ khác, thật tuyệt cho những cuộc đi dạo.
Ngài thích đi dạo?
Dĩ nhiên. Rồi trong chung cư còn có một ông bác sĩ, nhưng tôi đã chẳng cần tới phòng mạch của ông. Đối diện có cửa hàng thuốc tây, mà tôi cũng chẳng cần bước chân vào. Đi hai phút tới chi nhánh quỹ tiết kiệm; ông trưởng ngân hàng này thuộc lòng số trương mục của các khách hàng thường lui tới của mình, thật là tiện lợi và lí tưởng. Mỗi lần tôi bước vào, ông nói ngay: „Trương mục của ông số này số này“.
Thời gian đầu Ngài làm gì trong những lúc rảnh? Vào quán cà-phê, nhà hàng ăn? Hay chẳng có lúc nào rảnh cả?
Cũng tuỳ. Trước hết tôi đi dạo vào buổi trưa và chiều tối. Nhà bên cạnh có giáo sư Hödl và cô em của ông, rồi thêm một ông trong hội đồng học vụ, chúng tôi thường ăn chung, cùng nhau nghe dĩa hát và chơi các trò chơi. Như vậy cũng khá bề bộn rồi.
Ngài bảo, tôi không có khiếu thể thao. Nhận định này phải cải chính: Lúc còn nhỏ và thời niên thiếu cũng như sau này lúc dạy học Ngài vẫn chạy xe đạp đều đều.
Vâng đúng. Khi ở Münster rồi cả khi ở Tübingen và Regensburg.
Cả ở München sau khi làm giám mục?
Không, lúc đó không dám nữa. Tôi không dám làm chuyện quá vượt ngoài quy ước.
Và Ngài cũng đi bộ đường xa nhiều hoặc đi dạo núi?
Có, rất nhiều.
Ở đâu và cách nào giúp Ngài suy nghĩ tốt nhất?
Nơi bàn viết hoặc khi phải suy nghĩ điều gì cho thật cặn kẽ hơn, tôi nằm dài trên trường kỉ (sofa). Lúc đó mình có thể suy nghĩ rốt ráo.
Ngài luôn có bộ trường kỉ bên cạnh?
Tôi luôn luôn cần trường kỉ.
Ngày 24.06.1959 Ngài thuyết trình mở đầu sự nghiệp dạy học với tư cách một giáo sư thực thụ. Giảng đường chật ních người nghe. Chắc là căng thẳng lắm?
Không, tôi đã chuẩn bị sẵn một đề tài hay.
Hẳn Ngài rất tự tin?
Nói như vậy có lẽ hơi quá, nhưng tôi biết, bài của tôi đã được soạn kỉ, do đó tôi chẳng cần phải hồi hộp.
Cứ nhìn bức hình Ngài đang lên lớp ở Freising, hai tay tì lên giá thuyết trình và ôm lấy đầu, thì xem ra nói chung Ngài chẳng có chút e ngại gì.
Đó không phải là tấm hình tiêu biểu. Thông thường, khi lên lớp, tôi vẫn vừa nói vừa múa tay. Chỉ thỉnh thoảng khi gặp đoạn phải im lặng thì tôi mới tập trung tinh thần như thế.
Có phải đề tài thuyết trình mở đầu của Ngài mang tên: „Thiên Chúa của Đức Tin và Thiên Chúa của Triết Học“ không? Đề tài do phân ban đưa ra?
Tôi tự chọn đề tài. Chuyện như thế này: Lúc còn sinh viên tôi đọc nhiều sách của Pascal. Giáo sư Söhngen đã có một giảng khóa về Pascal, và dĩ nhiên tôi cũng đã đọc cuốn sách của Guardini viết về Pascal, trong đó ông nhấn mạnh đặc biệt tới mẫu giấy ghi nhớ Mémorial (5). Mémorial nói về „Thiên Chúa của đức tin“, là „Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp“, đối nghịch với „Thiên Chúa của các triết gia“. Thời đó mốt của các nhà thần học tiến bộ là kết án sự hi-lạp hoá Ki-tô Giáo; họ cho rằng yếu tố đó đã làm méo mó Ki-tô Giáo. Vì thế người ta muốn quay trở về nguồn cội của Kinh Thánh, trong đó có sự hiện diện của một Thiên Chúa sống động, luôn đối thoại với con người và đụng chạm được với tâm họ; Thiên Chúa này hoàn toàn khác với Thiên Chúa của các triết gia.
Đó là một trong những đề tài nghiên cứu căn bản của Ngài ngay từ đầu?
Đúng, nhưng tôi thấy An-tịnh (Augustinus) cũng đã đề cập nhiều tới vấn đề này rồi. Thoạt tiên An-tịnh không thể nào hiểu được Thiên Chúa của Áp-ra-ham, của I-sa-ác và của Gia-cóp. Ngài say mê đọc các bài triết luận của Cicero. Các bài này cũng dấy lên nỗi phấn chấn về sự thiên linh và đời đời, nhưng chẳng có chút phượng thờ, chẳng giúp gì con người gặp được Thiên Chúa. Ngài tiếp tục đi tìm và hiểu ra là „mình phải đọc Kinh Thánh“; nhưng lại thất vọng về Cựu Ước, mà ngài cho đó „chắc chắn không phải“ Đấng mình muốn tìm. Ngài nhận ra có sự mâu thuẫn rất lớn về phía Thiên Chúa của Áp-ra-ham, I-sa-ác và Gia-cóp, vì nghĩ rằng những câu truyện đó không khả tín và chẳng đáng quan tâm. Ngài quay về với các triết gia, gặp được thuyết Ma-ni-kê [do Manes 215-276 sáng lập, là một hỗn hợp giữa Ki-tô Giáo và phái Ngộ Giáo; ông chủ trương vũ trụ bắt đầu với Thiên – Ác đi song song], rồi mãi về sau khám phá ra điều được ngài suốt đời gói trọn trong câu sau: „Tôi học được từ những người theo Platon: ‚tự khởi đầu là Lời’. Tôi học được từ các Ki-tô hữu:‚Lời đã trở thành nhục thể’. Và chính nhờ đó mà Lời cũng đã tới được với tôi.“
Nghĩa là An-tịnh coi sự nối kết của hai vế này, chứ không phải sự chống nhau của chúng, mới là điều quan trọng?
Điểm này cũng làm tôi say mê. Tôi đi tới xác định: Dĩ nhiên, chúng ta cần Thiên Chúa, một Thiên Chúa sống động, Đấng đã và đang nói với con người. Một Thiên Chúa đụng tới tâm mình, Người biết tôi và yêu thương tôi.Nhưng một cách nào đó Người đồng thời cũng phải là Đấng mà tôi có thể hiểu được bằng lí trí. Con người là một thể thống nhất. Và cái gì hoàn toàn không dính dáng tới lí trí, hoàn toàn tách khỏi lí trí, thì nó cũng không hội nhập vào trong toàn bộ sự hiện hữu của tôi, nó sẽ mãi mãi là một vật gì lạ ở đâu đó.

Tôi tự hỏi, vậy thì thực tế ra sao? Một bên là Thiên Chúa của đức tin, một bên là Thiên Chúa của các triết gia, hai Thiên Chúa này triệt tiêu nhau hay thuộc vào nhau trên thực tế? Các triết gia hi-lạp không muốn thứ Thiên Chúa của Áp-ra-ham. Ngược lại, Kinh Thánh Cựu Ước ngay từ đầu cũng không muốn Thiên Chúa của các triết gia. Và rồi tôi thấy hai con đường đó đã đi tới gặp nhau tại Alexandria. Nghĩa là đề tài thiết thân đó đơn giản đã mê hoặc tôi, khiến mình tự hỏi: Như vậy đức tin mình quả thật là gì? Đâu là chỗ đứng của nó trong toàn cuộc sống của tôi?


Ngài viết trong cuốn hồi tưởng, lục cá nguyệt đầu tiên của tôi ở Bonn là „một lễ hội của tình yêu ban đầu“. Thế nghĩa là sao?
Trong lục cá nguyệt đó, một đàng, tôi dạy về Triết Học Tôn Giáo – Tôn Giáo là gì dưới cái nhìn của Triết Học? -, mặt khác, phải dạy về Khái Niệm Thần Học: Đâu là nền tảng của Thần Học? Thần Học phải làm gì? Đâu là vai trò, đâu là nền tảng nội tại của nó? Đó là hai giảng khoá tôi phải lên lớp. Cả hai đều đụng tới điểm căn bản: Thần Học phải làm gì để có thể biện minh được cho vị trí của mình trong đại học? Môn học này còn thích hợp cho đại học tân tiến của chúng ta ngày nay không? Phải chăng đó là một vật lạ rơi rớt lại từ thời Trung Cổ và cần phải loại ra khỏi đại học?
Trong đó cũng gồm cả câu hỏi này: Từ bình diện triết học ta có thể nói gì về Tôn Giáo?
Đề tài Khái Niệm Thần Học tôi đã chuẩn bị được ít nhiều rồi khi còn ở Freising, chẳng cần phải tốn thêm nhiều thì giờ cho nó. Cả Triết Học Tôn Giáo tôi cũng đã dạy ở Freising, nhưng lúc này tôi phải dọn lại mới. Đế tài này gây phấn chấn nhiều cho các sinh viên và cả tôi. Nghĩa là tất cả chúng tôi đều tích cực tham gia thật linh động. Một mặt tôi nghiệm được sự phiêu lưu của tư duy, của nhận thức, của sự tiến tới và đào sâu vấn đề. Mặt khác cảm được sự hào hứng trong những câu trả lời của sinh viên, tất cả điều đó quả là một lễ hội; tôi nhận ra chính mình, vững bước đi tới và quả thật đã làm được những điều thâm tâm mình muốn; các sinh viên cũng có một cảm nhận như thế, họ cùng đi với tôi và tôi thấy mình có thể trao cho lớp người trẻ này một chút gì đó; và rồi cùng nhau trưởng thành lên qua những trao đổi thảo luận.
Ngài gọi đó là „tâm trạng lên đường“.
Đúng vậy. Tất cả đều là khởi đầu. Đại Học Bonn bị phá huỷ trong chiến tranh, vừa mới được tái trùng tu, thư viện còn thiếu nhiều. Xem thế thì rõ ràng là bầu khí lên đường. Mình phải bắt đầu lại từ đầu sau chiến tranh và rồi phải tìm lại đức tin trong hoàn cảnh mới. Cộng Hoà Liên Bang Đức còn non trẻ, và trong ý nghĩa đó cuộc sống cũng mới khởi đầu. Chúng tôi tất cả đều mang tâm trạng là mình có thể cùng đóng góp một cái gì đó, mình cùng với Giáo Hội và đất nước làm lại từ đầu. Tâm trạng đó quả sống động và thật đẹp.
Ngài làm việc nhiều trong thư viện?
Thư viện lúc đó đang còn được xây lại. Nhưng chúng tôi có một thư viện giảng khoá riêng, và tôi làm việc nhiều nơi đó. Với chức vụ giám đốc giảng khoá tôi cũng có thể tự mua sắm sách. Khi thư viện đại học mở lại, có lẽ vào năm 1961, tôi thích vào đó, vì ở đây có hệ thống mượn tài liệu bằng điện tử tối tân. Đây là điều rất mới đối với tôi: mình ghi tên sách mượn và sách tức thì chuồi tới cho mình.
Ngài thường ngồi với sách mãi tới chiều tối?
Không, không, tôi không bao giờ làm việc ban đêm, không bao giờ.
Ngài viết trong cuốn hồi tưởng, rất đông sinh viên „háo hức chờ đợi một giọng điệu mới, mà họ tin là có thể nhận được nơi tôi“. Các giảng khoá của Ngài chật ních người nghe. Rất sớm Ngài được tiếng là một ngôi sao đang lên giữa bầu trời các nhà thần học. Ngài phát huy lối dạy của mình như thế nào? Có theo một mẫu gương của ai không?
Chúng tôi lớn lên ở München trong một nền Triết Học tân tiến. Một số giáo sư đã dẫn chúng tôi tới với và mở ra cho chúng tôi những điều mới lạ. Cung cách đó đã nhập tâm tôi và tôi cố gắng phát triển nó tiếp trong khả năng mình.
Giáo sư Söhngen là một mẫu gương?
Đúng, một cách nào đó. Dĩ nhiên tôi không thể làm theo ông được. Tôi muốn nói, ông là một người rheinland, tôi hoàn toàn mang chất bayern. Ông kích động tôi rất nhiều và là một mẫu gương về cách suy tư, nhưng không phải là một mẫu gương trực tiếp mà tôi có thể theo được.
Ngài là người nghĩ ra cách hướng dẫn các sinh viên dọn tiến sĩ của mình bằng lối tổ chức những buổi gặp gặp gỡ thảo luận chung, ngược lại với lối hướng dẫn từng cá nhân.
Dĩ nhiên tôi cũng hướng dẫn và nói chuyện với từng người một. Nhưng tôi cảm nhận đây là một nhóm người cùng trên đường với tôi, cùng thuộc vào nhau và cũng cần học hỏi lẫn nhau, để rồi tất cả chúng tôi cùng học hỏi nơi nhau. Vì thế tôi nghĩ, mỗi cá nhân cũng sẽ nhận được nhiều hơn cho công trình của mình, khi họ cùng tham khảo với nhau, hơn là mỗi người một mình trên con đường của mình.
Tất cả những lời phê trên bài vở sinh viên mình Ngài đều viết bằng bút chì.
(Cười.) Xưa nay tôi vẫn làm như thế. Lúc nhỏ tôi tập viết bằng bút chì và giữ luôn thói quen này cho mình. Bút chì có lợi thế là có thể tẩy xoá. Nếu viết bằng bút mực thì nó vẫn nằm ì ra đấy.
Khi đã là giáo tông, Ngài vẫn tiếp tục viết, chẳng hạn các cuốn sách về đức Giê-su, bằng bút chì?
Luôn luôn bằng bút chì!
Không bao giờ bằng bút mực?
Không.
Với chữ nhỏ như thế?
Vâng, và càng ngày chữ của tôi càng nhỏ lại. Nhưng tôi tin, đây là một diễn tiến cũng xẩy ra nơi những người khác.
Đa số những người bạn và những đồng nghiệp thân cận của Ngài đều là những người ưa tranh luận và lập dị, họ cũng sẵn sàng cọ xát với bộ máy làm việc, với Giáo Hội. Hẳn Ngài chẳng sợ gì chuyện đối kháng?
Thời điểm lúc đó còn khác. Chỉ về sau mới có sự chia cách giữa những người chống lại vai trò giáo sư được phân bổ của mình và đi theo con đường riêng của họ với những người cho rằng, mình chỉ làm được Thần Học bao lâu còn ở lại trong Giáo Hội. Thời đó tất cả chúng tôi đều ý thức rằng, Thần Học đương nhiên có tự do và nhiệm vụ của nó, do đó mình không thể hoàn toàn nhắm mắt tuân theo chỉ định từ trên; nhưng chúng tôi cũng biết, Thần Học không có Giáo Hội thì chỉ là những thứ phát biểu cá nhân, chẳng có nghĩa gì. Tôi là một người trẻ tuổi, tự mở ra cho mình một cánh cửa mới và đi theo một con đường mới, và vì thế những người có đầu óc tranh biện đã gặp nhau.
Chẳng hạn như Hubert Jedin hay Paul Hacker. Sử gia công đồng Jedin là người nửa gốc do-thái, dưới thời Quốc-xã đã phải sang ẩn trốn ở Vatican. Nhà ấn-độ học Hacker là một người tin lành.
Con đường của Jedin rất hay. Ông là một sử gia có trọng lượng riêng, không dễ dàng chịu khuất phục cấp trên. Nhưng khi ông thấy người ta xa lìa Giáo Hội, ông trở thành nhân vật quyết liệt biện hộ cho tính cách giáo hội. Paul Hacker cũng là một nhân vật rất đặc biệt với nhiều khả năng tranh luận. Hiểu biết của ông rất lớn, nhưng đồng thời cũng rất dễ nổ.
Có phải Ngài đã sửa lại bài viết về khuynh hướng hiện thực, sau khi bị Hacker phê bình và bài đó được đăng trong tập kỉ yếu về giáo sư Söhngen?
Đúng. Tôi không còn nhớ nội dung bài viết, nhưng quả thực ông ta là người đáng cậy. Mình có thể thực sự tranh luận với ông. Thứ nhất, ông có một khả năng mênh mông về ngữ học. Ông nói thông thạo 18 thứ tiếng và giỏi tiếng Phạn đến nỗi người Ấn phải tới ông để học tiếng này. Như vậy ông là một bậc thầy, một người với sở học mênh mông; ông biết nhiều các giáo phụ, về Luther và nắm vững lịch sử tôn giáo ấn-độ từ đầu chí cuối. Điều ông viết luôn có cái gì mới trong đó và rất cặn kẽ. Quả thật mình có thể học được nhiều nơi ông và thỉnh thoảng tất nhiên cũng có thể tranh luận với ông.
Một lần sinh viên của Ngài than, Ngài chỉ còn độc nói tới Hare Krishna trong các giờ lớp mà thôi.
Không, không, tôi không bao giờ nói về Hare Krishna, mà chỉ đề cập tới huyền thoại thần Krishna; huyền thoại này giống hệt lạ lùng với câu truyện về đức Giê-su và nó giúp nhiều cho việc đối thoại liên tôn. Tôi dạy lịch sử tôn giáo, Ấn-độ Giáo do đó cũng là một chương lớn trong giảng khoá của tôi. Nhờ quen Hacker, tôi cũng đã mượn được tài liệu của ông. Nói chung tôi thường chỉ bàn đến khía cạnh triết học của Ấn-độ Giáo mà thôi, trong khi tôi vẫn nghĩ rằng, lẽ ra mình cũng cần phải đề cập tới khía cạnh phụng tự và thần thoại của tôn giáo này.
Ngài say mê tôn giáo đó?
Vâng, có. Và tôi mừng hồi đó đã nghiên cứu về nó, bởi vì, về sau khi công tác đối thoại liên tôn tới, thì tôi đã sẵn có chút vốn liếng.
Nghe nói tình bạn giữa Ngài với Hacker gặp nhiều trắc trở, và cuối cùng đã đổ vỡ?
Có lẽ không phải như thế. Lúc tôi về Regensburg, lúc đó ông trở thành người phê phán Công Đồng quá dữ, một lần tôi có viết nặng lời cho ông, bảo rằng, như thế không được. Nhưng chúng tôi đã lại hiểu nhau. Chúng tôi biết, cả hai chúng tôi là người có đầu óc lớn, nhất là nơi ông, còn tôi thì có một chút, và chúng tôi có thể giáng những đòn mạnh, nhưng cả hai chúng tôi đều cùng muốn một thứ như nhau.
Có lần ông phàn nàn hết tiền vì nói chuyện điện thoại…
Có thể lắm. Nhưng ông không chỉ điện thoại cho tôi mà thôi.
Có phải do Hacker thúc ép Ngài đã phải xách theo bài „Nghĩ về sự cải cách của Giáo Hội“ của ông tới Công Đồng?
Không.
Trong bài đó Hacker nói về một sự đại kết giả tạo và cảnh giác về việc Giáo Hội công giáo đang bị tin lành hoá. Ông cáo buộc Ngài thái độ úp úp mở mở khi viết về đức Ma-ri-a.
Ông cáo buộc tôi nhiều thứ, giữa bạn bè với nhau có thể làm như thế và chuyện đó đúng. Ông là người từ Tin Lành trở lại Công Giáo nên lúc đầu hãy còn rất dị ứng với Roma. Nhưng dần dần ông đã đổi khác. Thay vào đó ông trở nên càng ngày càng phê phán Rahner dữ và nghiêng về một phía, đi tới quá khích. Ông ta trước sau vẫn giữ thái độ kích động, nhưng mình không nhất thiết phải nhìn mọi thứ như lối ông muốn.
Một đồng nghiệp thân tín của Ngài nữa ở Bonn là Heinrich Schlier. Dưới thời Hitler ông từ chối mọi ban phát chức tước và là thành viên của „Giáo Hội niềm tin“ („Bekennende Kirche“) [ngược lại với những „Ki-tô hữu người đức“ („Deutsche Christen“) là những tín hữu tin lành trung thành với Quốc-xã]. Năm 1942 ông bị cấm phổ biến các bài viết của mình. Sau chiến tranh ông được giao ghế dạy Tân Ước tại Đại Học Bonn. Năm 1954 ông trở lại Công Giáo, và vì là một học trò thân tín của nhà thần học tin lành hàng đầu Rudolf Bultmann, nên chuyện đó đã gây nên một xì-căng-đan cực lớn. Những đồng nghiệp trước đây không còn chấp nhận ông nữa, còn phía công giáo thì thái độ bất nhất. Schlier phải trả lại ghế dạy trong phân khoa thần học tin lành, nhưng vẫn là giáo sư thực thụ. Trong các tác phẩm của ông có cuốn „Bekenntnis zur katholischen Kirche“ (Tuyên Tín Vào Giáo Hội Công Giáo), trong đó ông cùng với ba nhà thần học tin lành khác biện minh cho việc trở về Công Giáo của họ. Nghe nói ông này có ảnh hưởng rất lớn trên Ngài, vừa về phương diện phê bình lịch sử vừa về mặt tâm linh.
Ông có ảnh hưởng lên tôi, nhưng không phải một chiều và lớn. Tôi cũng rất trân trọng ông về phương diện con người. Như đã nói, ông xuất thân là một tín hữu tin lành và học trò của Bultmann. Cho mãi cuối đời ông vẫn hết lòng kính trọng Bultmann và học được từ thầy mình rất nhiều, nhưng về sau vượt trội hơn cả thầy – và như ông nói, đã trở thành công giáo theo cung cách rất tin lành: nghĩa là trở về Công Giáo nhờ qua Kinh Thánh. Những cuốn diễn giải sắc bén nổi tiếng của ông quá tuyệt – như các cuốn „Bình Giải Thư Gởi Tín Hữu Ga-la-ta“, „Bình Giải Thư Gởi Tín Hữu Ê-phê-sô“, „Bình Giải Thư Gởi Tín Hữu Ro-ma“. Đồng thời ông cũng là một người nặng tâm linh. Điểm này anh có lí. Sự tổng hợp giữa tâm linh và phê bình lịch sử của ông quả có một không hai.
Sophronius Clasen là ai, người mà Ngài đã kết bạn trong thời ở Bonn?
Đó là một tu sĩ phan-sinh. Thời đó có bốn đại học nổi tiếng thuộc các nhà dòng ở chung quanh Bonn với những giáo sư thật giỏi trong đó. Dòng Phan-sinh ở Mönchengladbach, Dòng Đa-minh ở Walberberg, Dòng Truyền Giáo Steyler ở St. Augustin, Dòng Chúa Cứu Thế ở Hennef-Geistingen. Josef Barbel là chuyên gia tuyệt vời về các giáo phụ của Dòng Chúa Cứu Thế. Dòng Steyl nổi tiếng về các nghiên cứu lịch sử tôn giáo và họ có một tập san nghiên cứu riêng. Dòng Đa-minh xuất bản phiên bản tiếng đức tập san về thánh Tô-ma và cũng nổi danh không kém. Các tu sĩ phan-sinh có tập san „Wissenschaft und Weisheit“ (Khoa Học Và Minh Triết). Ở đây có Sophronius Clasen, giáo sư về Trung Cổ hay Tín Lí gì đó, một người thông thạo thần học của thế kỉ 13 và chuyên gia về Bonaventura. Ông có đọc cuốn sách viết về Bonaventura của tôi và tới thăm tôi. Từ đó chúng tôi trở thành thân thiết với nhau.
Có thể nói đó là thời hoàng son của Thần Học ở Đức?
Đúng, ở nhiều phương diện. Chỉ cần nghĩ tới bốn đại học này cũng cảm nhận được. Đó không phải là những „quán thịt nhà“ như người ta thời đó nói. Mà đúng là những trung tâm với những người có trình độ thật, mà ta có thể học được nhiều nơi họ. Riêng chính phân khoa cũng có lắm thứ để cung ứng, ở đấy có Jedin, Klauser, Schöllgen và nhiều người khác. Quả đúng là một thời vàng son. Chúng tôi mang tâm trạng mình đang ở trong một thời khắc có thể đóng góp được chút gì cho nhân quần.
Nếu nhìn gộp chung Bonn với Köln thì Ngài đang ở trong một vùng công giáo và trong một trung tâm quyền lực chính trị của một nước Cộng Hoà Liên Bang Đức mới thành lập, với thủ tướng đầu tiên là Konrad Adenauer và người đối lập của ông là Kurt Schumacher thuộc đảng SPD.
Có thể nói như vậy. Khi Adenauer từ Röhndorf tới và đi phà qua sông Rhein, ông thường băng qua nhà chúng tôi ở. Một vài đồng nghiệp chúng tôi rất quen biết tổng thống Heuss. Tôi không cố tình làm chính trị, nhưng thấy rất rõ là nước Đức còn non trẻ, đang đi tìm cho nó một hình thù mới. Nước Đức quả thật chưa định hình. Chọn lựa lúc đó là: Ưu tiên cho tự do - hay ưu tiên cho thống nhất. Đảng của Schumacher chọn ưu tiên thống nhất. Theo họ, Đức không được đi theo tây phương, mà phải trung lập và mở ngỏ, để có thể tiến tới thống nhất. Adenauer đặt ưu tiên cho tự do. Chỉ có thống nhất, nếu trước đó chúng ta có tự do. Nghĩa là chúng ta phải nối kết với phương tây, có như thế chúng ta mới có được một bắt đầu mới. Vì chính sách đó ông bị người ta chửi là một thủ tướng của Đồng Minh.

So với nước Đức thời Bismarck thì đấy là một tư tưởng hoàn toàn mới, trong khi quan điểm của Schumacher là sự tiếp nối của chính sách Bismarck. Tôi tin, đây là điểm mà chúng ta cho tới giờ này vẫn chưa ý thức đủ. Adenauer đã tạo cho nước Đức một hình ảnh mới, qua việc ông nối đất nước này vào phía tây phương. Tôi rất tán thành chủ trương này. Chúng tôi cảm nhận rằng, sau sự thất bại của chủ trương Bismarck, nước Đức phải xây dựng cho mình một quốc gia mới và chúng tôi cũng sẵn sàng bắt đầu với bước đường này.


Ngài có quen biết Adenauer không?
Với tư cách cá nhân thì không.
Nhưng trước sau Ngài vẫn là con người thích chính trị.
Tôi không bao giờ muốn làm chính trị, nhưng cá nhân mình thì lại rất thích chính trị và cái triết lí ẩn tàng đàng sau chính trị. Là vì chính trị sống nhờ triết học. Chính trị không thể đơn giản là chuyện thực tế, với nghĩa: „Chúng tôi làm một cái gì đó.“ Nó phải có một cái nhìn về toàn thể. Điểm này luôn tạo ấn tượng nơi tôi. Thêm nữa, khâm sứ toà thánh Corrado Bafile lúc đó cũng sống gần nhà chúng tôi. Ngài Khâm Sứ dễ thương một hôm tới gặp tôi, một giáo sư trẻ, và nói, chỗ đậu xe của ông cũng là chỗ đậu của tôi, rồi ông đưa cho tôi xem một bài thuyết trình của ông. Tôi quá cảm động, khi thấy một vị Tổng Giám Mục có chức vị cao mà lại khiêm tốn, thành tâm cởi mở tới hỏi ý kiến của tôi. Từ đó, một cách nào đó, tôi cảm thấy gần gũi hơn với Roma, cho dù tình cảm này trước sau vẫn lờ mờ.
Vụ tai tiếng của báo Spiegel xẩy ra trong thời Ngài còn ở Bonn, đó là tai tiếng đầu tiên của Franz Josef Strauss, rồi tới cuộc tranh đấu của cánh tả chống lại chính quyền Adenauer, vụ khủng hoảng ở Cuba… Lúc đó Ngài mới 32 tuổi.
Như đã nói, những điều đó làm tâm tôi rất xao động, đặc biết tất cả những gì xẩy ra ở Đức. Trước sau tôi vẫn là người nhất mực ủng hộ Adenauer. Cũng nhờ ông mà chúng ta có được một thời gian dài sống trong an bình. Là vì ưu tiên chọn tư do cũng có nghĩa là bất cứ lúc nào đó cũng có thể xẩy ra chiến tranh.

Công Đồng:

Mong Ước và Thất Vọng


Có những cuộc gặp gỡ làm biến đổi đời mình. Một trong những biến cố đó là lần gặp hồng y Frings. Gặp nhau trong một buổi hoà nhạc ở Köln-Gürzenich, như báo chí thường nói, hay tại một buổi diễn thuyết về Thần Học Công Đồng ở Bensberg?
Không phải ở buổi hoà nhạc, mà trong lần thuyết trình về Thần Học Công Đồng tại Viện Công Giáo ở Bensberg; hồng y Frings cũng tới đó nghe. Chúng tôi cùng đi dạo và trao đổi với nhau suốt dãy hành lang dài. Và rồi ông nhờ tôi viết cho ông bài thuyết trình tại nghị hội ở Genua.
Hồng y Frings là thành viên trong Uỷ Ban Chuẩn Bị Công Đồng. Ông nhận được mọi bản văn đề nghị, gọi là “Lược Đồ”, rồi trao lại cho Ngài, để bình nghị và đưa ra những đề nghị cải tiến. Cảm tưởng đầu tiên của Ngài đối với Hồng Y?
Trước đó chúng tôi đã gặp nhau ở Köln. Là giáo sư tôi có bổn phận phải trình diện vị giám mục sở tại. Ông đúng là một mẫu người vùng Rheinland, ở Neuss, đôi chút hài hước, sảng khoái kiểu dân Rheinland, cốt cách quyền quý nhưng thân mật. Và ngay lần gặp đầu, chúng tôi cảm thấy thông hiểu nhau ngay.
Về sau, tại Công Đồng, cứ mỗi chiều tối hôm trước buổi họp Hồng Y mở máy thâu băng nghe và ghi nhớ những gì Ngài nói, để hôm sau thuyết trình lại trước các nghị phụ. Phải có một trí nhớ lạ lùng mới ghi nhớ nằm lòng được trọn bản văn. Lúc gặp Ngài lần đầu, Hồng Y đã mù rồi hay sao?
Gần như mù rồi. Năm 1959 ông còn đọc được, nhưng phải khó khăn lắm. Phải rọi đèn pin lên câu chữ mới đọc được.
Ngày 19.11.1961, ngày lịch sử ở Genua. Qua bài thuyết trình của hồng y Frings, người ta đã phải thay đổi lược đồ diễn tiến công đồng do giáo triều đưa ra, và chấp nhận một hướng đi mới. Hồng Y được mời nói về đề tài Công Đồng và những suy tư của thời đại tân tiến. Bản văn do Ngài viết. Hồng Y có yêu cầu Ngài viết theo khuôn khổ nào không?
Không, ông để cho tôi hoàn toàn tự do.
Và Ngài có nhờ ai giúp thêm không? Nhờ một nhà thần học khác, chẳng hạn như Jedin?
Không, tuyệt đối không. Vì tế nhị, tôi không thể nói với một ai khác. Hồng Y lúc đó đã không còn đọc nổi nữa. Ở Genua, ông mở đầu vài câu, rồi sau đó trao cho một người khác đọc.
Là tác giả của bản văn quan trọng, hẳn Ngài cũng muốn biết phản ứng như thế nào? Phản ứng ra sao?
Có. Có phản ứng.
Có lẽ cũng có cả phản đối?
(Cười.) Tôi không còn nhớ nữa, là mình đã gặp lại Hồng Y lúc nào. Có lẽ rất sớm sau đó. Nhưng ông đã nói gì, thì tôi không còn nhớ nữa.
Có lẽ Hồng Y đã cám ơn Ngài. Và ông cũng đã chẳng dấu diếm chuyện ai là tác giả bản văn.
Chính ông sau đó đã nói ra cho cả thiên hạ biết chuyện này. (Cười.)
Giám mục Hubert Luthe, lúc đó là thư kí của hồng y Frings, người mà Ngài đã quen biết trong thời còn học chung ở München, có kể cho tôi nghe về cuộc gặp nổi tiếng giữa giáo tông Gio-an XXIII và hồng y Frings. Sau bài thuyết trình ở Genua, Hồng Y còn phải sang làm việc với Uỷ Ban Chuẩn Bị Công Đồng nhiều lần nữa ở Roma. Một hôm ông nhận được điện thoại. Giáo tông Gio-an muốn nói chuyện với Hồng Y. Luthe kể: „Tôi đón Hồng Y vào lúc trưa. Sau khi khoác áo choàng ngoài, Hồng Y nói với tôi: ‘Cha sửa lại một lần nữa tấm khăn choàng đỏ cho tôi, có thể đây là cuộc gặp cuối.’” Nhưng cuộc gặp đã không khiếp hãi như dự tưởng. Gio-an XXIII nói: „Thưa Hồng Y, tôi phải cám ơn Ngài. Đêm hôm qua tôi đã đọc bài của Ngài. Quả là một cuộc tương phùng tư tưởng thật may mắn.” Giáo Tông cho hay, hồng y Frings đã nói ra hết những điều về Công Đồng, mà chính ngài không thể nói ra được. Hồng y Frings trả lời: Thưa đức Thánh Cha, bài đó không phải tôi viết, mà do một giáo sư trẻ.” Giáo Tông nói: Thưa Hồng Y, tông thư vừa rồi của tôi cũng đâu do tôi viết. Vấn đề là mình nhận diện mình qua điều gì.”

Ngài cũng đã được nghe chuyện này?
Chính Hồng Y cho tôi hay chuyện ông gặp Giáo Tông. Ông kể, Giáo Tông gọi điện cho mình và ông cảm thấy lo. Nhưng ngoài chuyện đó ra tôi chẳng nghe phản ứng gì nhiều.
Ngài có gặp giáo tông Gio-an XXIII?
Không. Tháng 10 năm 1962 tôi tới Công Đồng, thì ngài đã đau nặng.

Những chuẩn bị cho Công Đồng đã xong. Ngài đã đọc các lược đồ và đã góp ý kiến. Ngài còn nhớ hôm lên đường khởi hành sang Roma chứ?
Trước hết hồng y Frings, Luthe và tôi tới thăm các mộ giám mục trong nhà thờ chính toà ở Köln. Hồng Y đứng ngắm một hồi lâu chỗ mà ông rồi đây sẽ được mai táng. Rồi chúng tôi ra phi trường.
Cả ba đều trú ngụ trong Anima - Học Xá dành cho linh mục của Đức?
Hồng Y và Luthe ở trong đó; ngoài ra tất cả các giám mục của Áo cũng ở tại đây. Chẳng còn phòng trống cho tôi. Vì thế ông Giám Đốc thuê cho tôi một phòng trong khách sạn Zanardelli nằm ngay góc đường gần đó. Từ ăn sáng, dâng lễ tôi ở Anima, chỉ có giờ nghỉ trưa – điểm này quan trọng ở Roma - là tôi về lại khách sạn. Cho tới lúc đó tôi không ngủ trưa. Từ đây thói quen này đi vào đời tôi. Trong kì họp công đồng thứ hai, tôi ở trong Palazzo Pamphili, gần Sant’ Agnese bên công trường Navona. Chỉ trong kì họp thứ ba và thứ tư tôi mới vào trong Anima.
Ngài có thích cuộc sống ở Roma không, chẳng hạn như ở Piazza Navona?
Tất cả đều mới lạ đối với tôi. Sáng sớm các trẻ em bận đồng phục đi tới trường, chúng không đeo túi sau lưng, nhưng ôm những cuốn sách được buộc bó lại bằng một sợi dây. Tôi thấy buồn cười. Khắp nơi sinh hoạt sống động, cảnh mua bán, các tiệm hớt tóc đầy người, lúc ấy ai cạo râu cũng phải xoa xà-bông. Mỗi ngày tôi đi dạo, qua đó tìm hiểu đời sống chung quanh, thỉnh thoảng cùng đi với Hồng Y. Ông đã mù rồi, phải dắt đi. Có một lần tôi đi lạc, chẳng biết hướng nào nữa. Hoàn cảnh thật trớ trêu. Hồng Y hỏi tôi: „Công trường nơi chúng ta đang đứng có hình thù như thế nào?” Tôi mô tả bức tượng của một chính trị gia người í-đại-lợi được dựng ở đó. „Ấy, đó là ông Minghetti, vậy ta phải tiếp tục đi theo hướng này.”

Cuộc sống ở Roma đa phần diễn ra ngoài đường phố, vui nhộn, hơi ồn ào làm tôi thấy hay và thích. Sinh hoạt trong Anima khá thú vị, ở đó được quen biết nhiều người, các giám mục của Áo và các linh mục trong nhà này. Hồng y Frings gọi các hồng y khắp nơi tới với mình. Giám mục Volk, một bộ óc giỏi và là nhà tổ chức có tài, tập trung nhiều nhóm giám mục quốc tế tại phòng ở của ông trong Villa Mater Dei. Tôi luôn có mặt trong những buổi gặp gỡ đó. Tại đây tôi đã quen biết Lubac...


Có phải đó là lần đầu tiên Ngài gặp nhà thần học dòng tên người pháp vốn bị Dòng của mình cấm dạy học?
Thật ngỡ ngàng khi được trực tiếp gặp ông. Ông là con người rất đơn giản, rất khiêm tốn và rất độ lượng. Chúng tôi tức thì như là bạn thân của nhau từ lâu. Dù rằng giữa hai chúng tôi có sự khác biệt rất lớn về tuổi tác và về khả năng, về những thành quả trong cuộc sống. Ông luôn luôn tỏ ra thân mật và đầy tình huynh đệ. Cả Daniélou [Jean Danié1ou, hồng y người pháp] cũng là người vui nhộn. Lubac quả thật đã đau khổ. Trong Thế Chiến I ông bị một viên đạn vào đầu khiến ông đau đầu kinh niên. Nhưng ông đã không bao giờ phan nàn gì về người Đức.
Trong Thế Chiến II Lubac có tham gia kháng chiến pháp. Hai người nói chuyện với nhau bằng tiếng Pháp?
Oui, bằng tiếng Pháp.
Trong những khoá họp công đồng Ngài có giao du với ai thân thiết đến độ thỉnh thoảng mời nhau tới uống một cốc bia, một li rượu?
Hai người uống với nhau thì không có, nhưng cả một nhóm nhỏ. Nhất là trong nhóm Uỷ Ban các nhà thần học.
Cụng li cho đến khuya?
(Giáo Tông cười lớn.)
Ngài có nói cho Henri de Lubac hay, tư tưởng của ông đã ảnh hưởng trên Ngài thế nào không? Chẳng hạn cuốn Catholicisme và các tác phẩm khác của Lubac đã khiến Ngài quan tâm nhiều tới việc thúc đẩy Giáo Hội vượt ra khỏi truyền thống để mở ra con đường cứu rỗi phổ quát, và đã khiến Ngài cùng chung tay thành lập Nouvelle Théologie?
Ông chẳng muốn nghe ai nói tới ảnh hưởng của ông đối với họ, dù bằng cách nào. Ông rất đơn giản và mê làm việc không thể tưởng được. Tôi còn nhớ, trong Uỷ Ban các nhà thần học một lần ông ốm nặng, liệt giường. Vậy mà ông đã nhờ người mượn ở thư viện thành phố cho mình một cuốn sách trong thế kỉ 16, mà ông đang viết về tác giả của nó, vừa nằm vừa nghiên cứu.
Cũng giống y như…
Không đâu, phải nói là tôi xưa nay không chăm chỉ được như ông. Cả Congar [hồng y người pháp] cũng chăm chỉ không kém. Trong Uỷ Ban các nhà thần học ông không bao giờ biết nghỉ là gì, luôn cứ ngồi tại chỗ làm việc tiếp.
Ngài đánh giá nhà thần học nào cao nhất?
Có thể nói Lubac và Balthasar.
Chúng ta sẽ nói tiếp về Urs von Balthasar. Ở Roma, cảnh nào của Công Đồng mê hoặc Ngài nhất?
Trước hết là nét phổ quát và đa nguyên của Công Giáo, có thể gặp ở đó người từ mọi lục địa thế giới, mọi người đều hiệp nhất trong chức vụ giám mục, có thể nói chuyện với nhau và cùng nhau đi tìm một con đường chung. Rồi tới việc gặp gỡ những khuôn mặt lớn, được thấy và được nói chuyện với Lubac, Daniélou, Congar, những nhân vật lớn khiến tôi vô cùng bồi hồi xúc động. Hoặc được tranh luận với các giám mục. Nghĩa là sự đa nguyên và cơ hội được gặp các nhân vật lớn, những người có quyền quyết định, tất cả những cái đó đúng là những kinh nghiệm không thể nào quên được.
Ngài có dự các buổi họp khoáng đại trong nhà thờ thánh Phê-rô không?
Có, kể từ khi tôi được chính thức khoác áo thần học gia công đồng, trước đó thì không.
Ngay Phục Sinh năm 1962 Ngài và ông anh đã đến Roma, lần đầu tiên trong đời Ngài, cả hai trọ trong nữ tu viện gần nhà thờ thánh Phê-rô. Tại sao hai anh em không sang đó du lịch sớm hơn?
Phải nói, trong những năm học đại học chúng tôi thường nghe những giọng điệu đôi chút chống Roma. Không phải chống lại ưu quyền của giáo tông hay bất tuân ngài, nhưng là một chút ngờ vực nào đó đối với thứ thần học do Roma dọn sẵn. Do đó có một chút xa lánh. Nhưng tôi chưa bao giờ xa lánh đến độ như một bạn đồng học tuyên bố: „Nếu phải đi, thì tôi thà đi Giê-ru-sa-lem hơn là sang Roma.“

Nhưng tôi cũng chẳng có nhu cầu phải sang đó. Nhất là hoàn cảnh tài chính của tôi không cho phép mình nghĩ đến. Thêm nữa là phương tiện vận chuyển, đoạn đường xe lửa sang đó rất dài, không tiện lợi như ngày nay.


Cảm tưởng của lần đầu tiên sang đó? Thích thú, thoả mãn?
Đúng hơn, chẳng thú vị lắm. Dĩ nhiên tôi thích thú được thấy thành phố công giáo cổ nổi tiếng này, được thăm các hang toại đạo, xem Santa Priscilla, San Clemente, nhà thờ thánh Phao-lô ngoại thành. Dĩ nhiên cả việc viếng những mộ phần dưới nhà thờ thánh Phê-rô. Nhưng không phải theo nghĩa, là mình lơ lửng trên các tầng mây, mà vì cảm được sự gần gũi với nguồn cội của Giáo Hội, cảm được mối dây liên tục lớn lao của Giáo Hội.
Có phải lần đầu tiên đứng trên công trường thánh Phê-rô mình trở nên nghẹn lời hớn hở: „Này anh Georg, giờ đây chúng ta đang đứng trên quê hương mình, đứng giữa trung tâm của hoàn vũ công giáo?“
Đúng, nhưng anh em Ratzinger không tình cảm đến mức độ đó. Tôi muốn nói, đúng là bị ấn tượng đấy. Nhất là, như đã nói, được gặp sự liên tục của Giáo Hội từ cội nguồn, nghĩa là thật sự từ thánh Phê-rô và các tông đồ. Chẳng hạn như ở Ngục Mamertini mình có thể tưởng tượng được thời sơ khai khốn đốn của Giáo Hội. Nhưng cái mê hoặc được thể hiện nơi tâm trí và tâm hồn, chứ không phải là thứ tình cảm bùng vỡ ra ngoài.
Chuyến đi đó là sự chuẩn bị cho Công Đồng?
Giáo tông Gio-an XXIII đã gây phấn khởi nơi chúng tôi. Ngay từ đầu tôi mê hoặc ngài vì tính bất chấp định lệ. Tôi thích nét đơn giản, trực tiếp, nhân từ của ngài.
Ngài là một đồ đệ của Gio-an XXIII?
Đúng.
Một „fan“ thứ thiệt?
Có thể nói như thế.
Ngài nghe nói tới việc mở Công Đồng ở đâu và do ai?
Chẳng nhớ rõ nữa. Chắc chắn là tôi đã nghe qua máy truyền thanh. Rồi dĩ nhiên các giáo sư cũng nói với nhau. Đó là một tin đầy xúc động. Thông báo mở Công Đồng cũng đặt ra những câu hỏi - Nó sẽ diễn tiến ra sao, làm thế nào để đưa nó tới thành công? – nhưng đồng thời cũng dấy lên niềm hi vọng.
Ngài tham dự Công Đồng từ đầu đến cuối, suốt cả bốn khoá họp?

Từ đầu đến cuối. Là giáo sư tôi được Bộ mặc nhiên cho phép nghỉ dạy để đi tham dự.


Trong thời họp công đồng, Ngài đã chẳng buồn đi xem thắng cảnh?
Cũng vì ít giờ, công việc quá nhiều. Mỗi ngày tôi vẫn đi dạo, nhưng chỉ loanh quanh ở Anima mà thôi. Ở đây cũng có nhiều cảnh để xem rồi. Nhà thờ của Pháp St. Luigi, điện Pantheon, Eustachius, Sapienzia, Palazzo Madama và vân vân. Ngoài ra chẳng biết gì thêm nhiều.
Có lẽ có vô số chuyện phải làm ở Công Đồng?
Tôi cũng không muốn cường điệu. Nghĩa là không đến nỗi bị bù đầu. Nhưng cũng dư chuyện để làm, nhất là phải gặp gỡ nhiều.
Nhưng vẫn có giờ để ngủ trưa?
Tất nhiên. Đây là điểm cố định của tôi (Cười), không ai có thể cản ngăn tôi được điểm này.
Làm sao trao đổi được với những người khác? Ngài đâu biết tiếng Í nhiều.
Tôi chỉ nói được sơ sơ. Nhưng một cách nào đó mọi chuyện rồi cũng trôi chảy. Thứ nhất là nhờ tôi biết tàm tạm tiếng La-tinh, dù phải nói là tôi chưa bao giờ học Thần Học bằng tiếng La-tinh và chưa bao giờ nói tiếng La-tinh như các sinh viên ở Collegium Germanikum [trường do giáo tông Giu-li-ô III mở năm 1552 tại Roma dành cho những sinh viên nói tiếng Đức]. Chúng tôi dùng tiếng Đức để trao đổi với nhau về mọi chuyện. Vì thế, việc nói tiếng La-tinh là điều mới lạ đối với tôi. Và cũng vì thế mà khả năng ảnh hưởng của tôi bị giới hạn. Dĩ nhiên tôi có thể dùng tạm tiếng Pháp.
Tại sao lại không ghi danh ngay một khóa học tiếng Í?
(Cười.) Không có giờ. Có quá nhiều việc để làm.
Ngài có mang theo tự điển không?
Có.
Nghĩa là vừa làm vừa học?
Đúng như vậy.
Biến cố nào đặc biệt khiến Ngài thích nhớ lại nhất?
Tôi và Hồng Y lên thuyền đi Capri nhân dịp lễ các Thánh. Trước đó ghé Napolo xem các nhà thờ và những thứ khác. Thời đó đường đi Capri còn rất gian nan. Con thuyền chòng chành dữ quá. Mọi người đều say sóng nôn oẹ, kể cả Hồng Y. Tôi đã có thể kìm được, không bị say. Nhưng tới Capri thì trời rất đẹp. Thật là may.
Thời đó Ngài đứng về phía nào, phía tiến bộ?
Đúng, có thể nói như vậy. Thời đó tiến bộ chưa có nghĩa là vượt ra khỏi đức tin, nhưng là tìm cách học biết nó cách tốt hơn và sống đức tin cách đúng đắn hơn, một đức tin khởi đi từ cội nguồn. Thời đó tôi còn nghĩ, mọi người chúng tôi đều muốn như thế. Cả những nhân vật tiến bộ như Lubac, Daniélou v.v. cũng nghĩ như vậy. Bước sang năm thứ hai của Công Đồng bắt đầu đã có sự phai màu, nhưng phải đợi nhiều năm sau mới có sự đổi màu thực sự.
Những nghiên cứu mới cho thấy, sự đóng góp của Ngài bên cạnh hồng y Frings lớn hơn điều chính Ngài nghĩ. Chúng ta đã nói tới bài diễn văn ở Genua. Thêm vào đó, trước khi Công Đồng họp, còn có bài thuyết trình đầu tiên – như một thứ bản ghi nhớ - cho các giám mục nói tiếng Đức ở Anima. Sau đó là việc gợi ý cho hồng y Frings bác bỏ việc thành lập mười tiểu ban công đồng, dự trù thực hiện trong cuộc họp ngày 13 tháng 10, vì những nhân vật được đề nghị đều là người của giáo triều.
Nhưng đó là sáng kiến riêng của hồng y Frings. Tôi không nhúng tay vào những việc thuộc về hành chánh, kĩ thuật và chính trị. Đó đúng là suy nghĩ của ông: Công Đồng trước hết phải để cho người ta quen biết nhau đã, rồi từ đó họ tự bầu chọn ra những người họ muốn.
Sao có thể có được chuyện đó? Hồng y Frings đâu phải là người có đầu óc cách mạng.
Không, ông hoàn toàn không phải là nhà cách mạng. Ông là người rất bảo thủ và rất nghiêm. Mọi người đều sửng sốt và lấy làm lạ, khi thấy ông giờ đây nắm vai trò lãnh đạo. Chính ông đã nhìn vấn đề như thế, vì trước đó chúng tôi có trao đổi với nhau. Ông giải thích, việc tôi lãnh đạo một giáo phận và có trách nhiệm với giáo tông và với Chúa về giáo phận mình khác với khi tôi được mời tới Công Đồng, để cùng với giáo tông lãnh đạo Giáo Hội. Lúc đó, tôi tự mang lấy trách nhiệm, trách nhiệm này không còn đơn giản là vâng lời theo giáo huấn của giáo tông, mà là trách nhiệm của một người tự hỏi mình, đâu là giáo huấn của Giáo Hội ngày nay và giáo huấn đó phải được giảng dạy như thế nào.Ông rất ý thức về điểm này. Ông đã phân biệt giữa tình trạng thông thường của một giám mục công giáo với tình trạng bất thường của một nghị phụ công đồng, một người được mời tới để cùng quyết định.
Khi tới Roma, hồng y Frings đã có sẵn những ý nghĩ rõ ràng trong đầu rồi?
Có lẽ tôi không nói được. Ông gởi cho tôi tất cả các lược đồ, và tôi đã không hoàn toàn đánh giá tiêu cực, như về sau chúng đã bị đánh giá. Tôi gởi lại cho Hồng Y nhiều sửa đổi, nhưng toàn bộ bản văn – trừ văn kiện về Mạc Khải – thì vẫn giữ nguyên. Người ta có thể cải tiến bản văn. Chúng tôi đồng ý với nhau, là hướng đi nền tảng đã có rồi, giờ chỉ cần cải tiến nó nhiều thêm, nhất là cần bớt đi phần ngự trị của các giáo huấn, thay vào đó đưa thêm lời Kinh Thánh và các Giáo Phụ vào.
Người ta bảo, Ngài đóng vai trò quan trọng trong „cuộc họp đảo chánh” tại học xá Anima ngày 15.10.1962. Trong cuộc họp đó, người ta đã soạn một bản văn khác thay cho dự thảo của Roma, bản này được in ngay ra 3000 tờ và phát cho các nghị phụ.
Nói „họp đảo chánh” thì hơi quá. Nhưng chúng tôi thống nhất với nhau, là đề tài „Mạc Khải” cần phải được đề cập một cách khác, không phải như trong dự thảo đã viết. Dự thảo vẫn còn nặng lối nói tân kinh viện và vì thế, theo chỗ chúng tôi biết, chưa nói lên được tất cả. Đối với tôi và qua luận văn lên ngạch giáo sư (Habilitationsschrift) của tôi, „mạc khải” là một đề tài không xa lạ. Vì vậy ở đây có sự đóng góp của tôi, nhưng mọi chuyện đều theo yêu cầu và trước sự hiện diện của hồng y Frings. Về điểm này về sau tôi bị cáo buộc, là đã chơi xỏ Hồng Y hoặc đại loại như thế. Tôi phải chống lại lời cáo buộc này. Chúng tôi tất cả đều khẳng định, chúng tôi làm chuyện đó là để phục vụ chính nghĩa đức tin và phục vụ Giáo Hội. Và cả để làm sáng tỏ mối tương quan đúng đắn giữa Kinh Thánh, tông truyền và giáo huấn, làm cho “mạc khải” trở nên thật dễ hiểu và đúng đắn, thông qua một lối diễn tả mới với việc dùng những khái niệm mới. Và đề nghị sau đó đã được Công Đồng chấp nhận.
Cuộc họp đó có bao nhiêu người tham dự?
Tôi không nhớ rõ nữa. Chỉ nhớ, tôi tham dự một buổi họp với các hồng y và một buổi với các giáo sư.

Chắc cuộc họp căng thẳng lắm?
No. Quả thật chúng tôi đã không biết, là việc làm của mình sẽ tạo ra một đảo lộn. Chúng tôi cũng chỉ đưa ra những đề nghị, chứ không có một quyết định nào cả. Việc này sau đó được phổ biến ra toàn Công Đồng như thế nào, tôi không biết. Khắp nơi viết bài chế diễu chúng tôi. Người ta bảo, đó đúng là một bản văn của tam điểm hay đại loại như thế.
Ngài không bị trúng đạn?
(Cười.) Vâng. Quả thật tôi không bị nghi ngờ là một thành viên tam điểm.
Đó là các luận chứng của Ngài, bản văn của Ngài. Ngày 14.11.1962 hồng y Frings đã trình bày nó trước công nghị trong nhà thờ thánh Phê-rô, khiến mọi thứ bị đổ nhào. Cái dự thảo ban đầu, nó vốn cản ngăn mọi đề nghị khác, bị rút lại, và từ đây người ta có thể tự do tranh luận, để đi vào mô hình mới.
Việc biểu quyết rất phức tạp. Ai đồng ý cần thêm vào điều mới, phải bỏ phiếu “Không”. Ai muốn giữ bản văn cũ, phải bỏ phiếu “Có”. Hai bên ngang ngửa. Tính theo số phiếu, phía đồng ý giữ bản văn cũ thắng. Nghĩa là phe giữ lược đồ cũ có đa số phiếu. Nhưng giáo tông Gio-an nhận thấy đa số này không bền, nên ngài quyết định cho viết lại dự thảo mới.
Có nghĩa là hồng y Frings đã nhận được tiếng vỗ tay rầm rộ ở công nghị?
Tôi không ở trong đó. Tôi nghĩ là không có chuyện đó.
Trước nhà thờ thánh Phê-rô chẳng có phòng điện thoại nào, thời đó cũng chưa có điện thoại cầm tay. Lúc đó làm sao để biết được những chuyện như thế?
Sau phiên họp, hồng y Frings trở về phòng. Nhưng tôi không còn nhớ nữa, có phải chính ông đã kể cho chúng tôi nghe sự việc hay không. Tất cả chúng tôi hồi hộp chờ xem Giáo Tông sẽ làm gì. Và rất mừng, khi nghe ngài cho biết, chúng ta sẽ làm lại mới, dù đa số muốn giữ cái cũ.
Bảy hôm sau, ngày 21 tháng 11 công nghị quyết định loại bỏ lược đồ về „Các nguồn mạc khải”, một lược đồ vốn bị Ngài chỉ trích rạr mạnh. Thời đó, Ngài viết: Bản văn „được viết với một thứ tinh thần phản tiến bộ“. Nó mang „giọng lạnh lùng và thật khó chịu“. Ngài coi quyết định loại bỏ này là điểm sang trang thật sự của Công Đồng.
(Cười.) Giờ đây tôi lấy làm lạ, không hiểu tại sao lúc đó tôi nói năng hỗn láo như thế. Đó quả là một biến cố sang trang, sang trang trong ý nghĩa là một lược đồ sẵn có đã bị loại bỏ và người ta bắt đầu thảo luận để tìm một lược đồ hoàn toàn mới.
Còn việc gặp Karl Rahner? Lúc đầu hai người chung nhau viết một số văn bản chung. Ông ta lớn tuổi hơn Ngài nhiều, có lẽ lớn hơn mười ba tuổi…
Tôi nghĩ lớn hơn tới 23 tuổi, ông sinh năm 1904, còn tôi sinh năm 1927.
Đúng, Ngài có lí. Nghe nói, làm việc chung với ông khó lắm, phải không?
Có lẽ không hẳn. Ông là người rất muốn đi tới với những người trẻ, với những nhà thần học trẻ. Do đó những người như tôi dễ cộng tác với ông. Thời đó quan hệ giữa hai chúng tôi rất tốt. Nhưng khi cùng ông phác hoạ bản văn mới về mạc khải, tôi nhận ra là chúng tôi mỗi người thuộc về một thế giới tư duy riêng. Ông bước ra từ thế giới kinh viện, vì thế có nhiều thuận lợi, bởi vì nhờ đó có thể mạnh mẽ bước vào những cuộc thảo luận thông thường. Còn tôi bước ra từ Kinh Thánh và các Giáo Phụ.
Hai người đã quen nhau từ trước. Việc cộng tác chung diễn ra cụ thể ra sao? Hai người ngồi chung bàn làm việc trong một căn phòng?
Năm 1962 chúng tôi hai người thường ngồi với nhau trong một phòng để soạn một bản văn. Về sau không còn sự gắn bó làm chung đó nữa.
Ngài có thể chung nhau soạn một bản văn trong một nhóm đội?
Nếu cùng có chung một quan điểm nền tảng và cùng chung một đường hướng căn bản, thì được.
Ngài đã quen biết Hans Küng trong một cuộc hội thảo của các nhà thần học tín lí vào năm 1957 ở Insbruck. Hai người có gặp nhau dịp Công Đồng hay không?
Có, nhất là lúc ban đầu, còn về sau thì rất ít khi gặp. chúng tôi thỉnh thoảng uống với nhau một li cà-phê ở đường Via della Conciliazione gần công trường Phê-rô. Nhưng ông không tham gia các công tác của Uỷ Ban, mà chỉ thuyết trình riêng tư trước các nhóm giám mục. Vì thế, tôi thường gặp ông, nhưng không làm việc chung với nhau trong các công tác công đồng.
Küng sớm nhận ra, mình chẳng cần trực tiếp tham dự mà vẫn có thể lèo lái được nhiều dư luận, bằng cách năng xuất hiện như một thông dịch viên của Công Đồng trước báo chí, và nhờ đó ông được nhiều người biết đến, hơn là những người suốt ngày cặm cụi làm việc với các bản văn.
Ừ, ừ.
Công Đồng được thông báo ngày 25.01.1959, thì năm 1960 ông đã viết cuốn „Konzil und Wiedervereinigung“ (Công Đồng Và Tái Thống Nhất). Nhưng chính ông đã chẳng ảnh hưởng trực tiếp gì trên Công Đồng?
Qua các giám mục chắc chắn ông đã có thể ảnh hưởng trong việc tạo quan điểm, nhưng ông không tham gia trong việc soạn các văn bản.
Tại Công Đồng Ngài có gặp hồng y Montini, người về sau trở thành giáo tông Phao-lô VI, không?
Tôi tin là không, không. Tôi chỉ quen biết ngài khi làm Tổng Giám Mục ở München.
Khi còn là Giáo Sư ở Regensburg, Ngài đã chỉ trích dữ dội giáo tông Phao-lô VI, khi vị này không những cho loại bỏ cuốn Sách Lễ cũ, mà còn cấm sử dụng nó nữa.
„Dữ dằn“ ư? Tôi tin là không đến nỗi như thế.
Xem ra Giáo Tông không khó chịu về Ngài?
Không.
Có lẽ có – vì Giáo Tông sau đó phạt Ngài làm giám mục.
Không, ha ha. Không, Giáo Tông hẳn biết, và điều này đúng, là trên cơ bản tôi hoàn toàn tán đồng hướng đi của ngài.
Thập niên 1960 là giai đoạn đặc biệt nhiễu nhương. Chiến tranh ở Việt Nam, phong trào Híp-pi, cơn sốt Beatle, cách mạng tình dục… Các nghị phụ công đồng hoàn toàn không biết những chuyện này?
Tôi nghĩ, các phong trào đó manh nha trong nửa đầu của thập niên 60, nhưng chỉ trong nửa sau của thập niên chúng mới bùng lên. Dù sao, trong thời gian họp công đồng, những cái đó chưa chiếm lĩnh thời cuộc thế giới. Phong trào chống đối của thanh niên sinh viên năm 1968 là biến cố sang trang.
Dù sao, năm 1963 đã xuất hiện „Der Stellvertreter“ (Người Đại Diện) của Rolf Hochhuth, một vở kịch về giáo tông Pi-ô XII và thái độ của ngài đối với Quốc Xã Đức. Cuộc tranh luận tiếp sau đó lẽ ra phải khiến Giáo Hội Công Giáo ý thức được tầm nguy hiểm của ngòi nổ này. Nhưng thay vì chỉa mũi dùi vào chuyện diệt chủng người Do-thái, vào chủ nghĩa phát-xít và sự đồng phạm của Giáo Hội, thì người ta lại xoay ra tranh cãi về tội tập thể của người Do-thái trong việc đóng đinh đức Ki-tô. Sự thiếu sót này cho tới nay đã góp phần tạo thêm hình ảnh xấu cho Giáo Hội. Tại sao không ai ở Công Đồng nhận ra tầm quan trọng của cuộc tranh luận đó?
Lúc đó người ta tin Pi-ô XII là người đã bảo vệ người Do-thái, nên họ coi vở kịch kia mang hậu ý xấu và chẳng ai quan tâm nhiều. Golda Meir, Ben Gurion và nhiều nhân vật sống đồng thời khác đều cám ơn Pi-ô XII về nỗ lực của ngài. Trong ý thức của người Do-thái Pi-ô XII là một trong những ân nhân lớn và tinh ròng của họ. Chỉ sau vở kịch của Hochhuth hình ảnh kia bắt đầu mờ dần và rồi người ta quay sang nhìn lịch sử một cách mới, khác hẳn, xem như thể ngài là một người theo chủ nghĩa quốc xã. Thời đó người ta coi đây còn là chuyện ngớ ngẩn và chẳng ai có thể tranh cãi về nó.

Trong những năm đó chúng tôi có nhiều cuộc gặp gỡ với những người Do-thái, và không ai trong họ nói gì cả về hướng nhìn mới đó. Nhưng mọi người thúc ép Công Đồng phải có một tuyên ngôn đưa quan hệ giữa Giáo Hội và Do-thái Giáo về hướng tốt đẹp hơn. Một tuyên ngôn mở ra sự đánh giá tích cực về đạo Do-thái và qua đó làm giảm đi những tiên kiến đã có. Người ta đặt nặng vấn đề này. Và rồi Công Đồng cũng đã ra một tuyên ngôn như thế, nó được người Do-thái cho tới nay công nhận là một tài liệu nền tảng cho quan hệ giữa hai bên. Cả về phía các bạn hữu do-thái chẳng có một ai nghĩ tới nhu cầu phải bênh vực Giáo Hội hoặc phải giải thích, vì sao họ đã không làm chuyện đó.


Bỏ ngoài chuyện Pi-ô XII – ngày nay người ta vẫn không thể nào hiểu được, tại sao Công Đồng đã không đề cập gì tới thảm kịch thế chiến, thảm kịch các hệ thống vô thần, độc tài, bất nhân ở cả Đông lẫn Tây?
Thời đó tình hình quả thật khác. Có một sức ép ghê gớm từ Liên-sô, nó đã nuốt trửng nửa Âu châu rồi. Khủng hoảng Ku-ba cho thấy, thế giới có thể nổ tung bất cứ lúc nào. Ai cũng biết, Hitler là một tên tội phạm, nước Đức trong tay một băng tội phạm đã gây những điều kinh hoàng. Nhưng sự đe doạ hiện tại quá lớn, khiến người ta không còn nghĩ tới chuyện quá khứ, mà chỉ thấy sức nặng của sự đe doạ trước mắt.
Sách của Ngài viết về từng khoá họp công đồng là những tác phẩm nổi tiếng đầu tiên về đề tài này. Những cuốn tiếp theo được in cả trên một nhật báo.
Tốt, nhưng đó không phải là cái gì to tát. Chúng chỉ là bản tường thuật ngắn cho mỗi kì họp.Tường thuật đầu tiên là bài thuyết trình của tôi trong phòng khánh tiết lớn ở Bonn, đông nghẹt người nghe. Đó đúng là một biến cố hàn lâm. Một thông tin và diễn giải giúp cho những người quan tâm biết được điều gì đang diễn ra tại Công Đồng. Đây đó có quá nhiều người trình bày về Công Đồng, nên cũng cần có một tiếng nói thật của một tham dự viên vừa là người cùng có trách nhiệm trên một phương diện nào đó.
Đã không có tiếng la ó chống đối nào?
Chỉ có ông Schmaus tốt bụng bảo, tôi là một thần học gia thiếu niên và đại loại như thế. Còn ra chẳng nghe được gì khác từ giới thần học ở Đức.
Trong cuốn tự truyện Ngài nói tới „những yêu cầu quá tải của Công Đồng“. Và cho hay, mình „không được khoẻ“, khi bắt đầu lên lớp ở Tübingen trong học kì mùa hè.
Đó là hè năm 1966. Lúc đó bận quá, vì tôi vừa còn phải dạy ở Münster, vừa phải về nhận nhiệm vụ mới ở Tübingen, cứ phải đi về lê thê với những chuyến xe lửa Münster -Tübingen. Trong thời gian đầu ở Tübingen có nhiều chuyện phải làm, yêu cầu của Đại Học rất cao, mà sinh viên cũng rất đòi hỏi. Mặt khác những đòi hỏi của Münster cũng không kém nặng nề.
Trong Tự Truyện Ngài thường đề cập tới tình trạng sức khoẻ. Khi được chỉ định là giám mục München, Ngài viết: „mặc dù ai cũng biết tình trạng sức khoẻ của tôi không khả quan“. Nghĩa là chẳng bao giờ khoẻ cả?
(Cười.) Nhưng như vậy là mình quan tâm tới mình và nhờ đó có thể sống lâu hơn.
Ngài có bị giải phẩu lần nào không?
Không. Tôi chỉ được ghép một máy trợ tim. Chẳng có cuộc giải phẩu nào khác.
Bao lâu rồi?
Tôi nghĩ, vào năm 1997.
Cồng Đồng vừa họp được một năm. Tháng 12.1963 mẹ Ngài mất trong nhà của anh Georg ở Traunstein, sau một thời gian dài bị ung thư. Ngài đã về kịp để gặp mẹ, trước khi bà mất?
Có. Tôi rời Roma sớm và về tới nhà vào ngày lễ các thánh. Lúc này bà vừa liệt giường. Không biết, sau đó tôi có trở lại Roma nữa không. Dù sao, tôi đã có thể ở lại nhiều tuần và tiễn biệt mẹ.
Ngài có biết được trước là bà sẽ không còn sống bao lâu nữa?
Có. Từ tháng giêng bà đã không còn ăn được gì. Từ tháng sáu trở đi chỉ còn nuốt được đồ lỏng mà thôi. Dù vậy bà vẫn làm những việc trong nhà. Cuối tháng mười, bà gục xuống trong khi đang mua thức ăn trong một siêu thị. Từ đó mọi người đều biết, chẳng còn bao lâu nữa.
Như vậy là Ngài đã may mắn được tiễn biệt cả cha, mất tháng 8.1959, lẫn mẹ trong những ngày sau cùng?
Đó là điều an ủi cho tôi. Cho tất cả chúng tôi.
Quan điểm của Ngài về Công Đồng từ từ thay đổi. Trong cuốn sách phổ biến năm 1965 „Ergebnisse und Probleme der 3. Konzilsperiode“ (Kết Quả Và Vấn Đề Trong Kì Họp Thứ Ba Của Công Đồng) Ngài còn viết: „Công Đồng và cùng với Công Đồng Giáo Hội đang lên đường. Chẳng có lí do gì để ngờ vực và chán nản. Chúng ta có đủ lí do để hi vọng, vui mừng và kiên nhẫn.“ Nhưng ngay ngày 18 tháng 6 cùng năm, Ngài tuyên bố trước cộng đoàn sinh viên công giáo ở Münster, là người ta bắt đầu „tự hỏi, nên để mọi chuyện trong tay những người gọi là bảo thủ điều khiển thì tốt hơn, hay nên giao chúng cho chủ nghĩa tiến bộ cai trị“. Một năm sau, tháng 6 năm 1966 tại Đại Hội Công Giáo Toàn Quốc ở Bamberg, Ngài đưa ra một kết luận đầy nghi ngờ và ngao ngán. Rồi trong một buổi lên lớp ở Tübingen năm 1967 Ngài bảo rằng, đức tin giờ đây „đang bị che phủ bởi sương mù bất trắc như chưa từng có“. Có phải đó là thảm kịch của Công Đồng, từ đây bắt đầu một cuộc chia rẽ nội bộ mới và kéo dài mãi cho tới ngày nay?
Có thể nói, đúng. Ý hướng của các giám mục là muốn canh tân và đào sâu đức tin. Nhưng các thế lực khác cũng trở nên ngày càng mạnh, đặc biệt là các nhà báo, họ diễn dịch nhiều chuyện hoàn toàn mới. Cho đến một lúc người ta tự nhủ, nếu các giám mục có thể thay đổi mọi thứ, thì tại sao mình lại không làm được? Phụng vụ bắt đầu rạn vỡ, vì ai muốn cử hành ra sao cũng được. Chẳng bao lâu sau ta đã có thể thấy được, là ý muốn tích cực của các giám mục đã bị lái sang một hướng ngược lại.

Từ 1965 tôi nhận ra mình có bổn phận phải làm sáng tỏ ra những điều chúng tôi đã thực sự muốn và những điều chúng tôi không muốn.


Là một tham dự viên và là người cùng có trách nhiệm trong Công Đồng, hẳn Ngài cũng bị lương tâm cắn rứt?
Tôi đã tự hỏi, không biết mình đã làm sai hay đúng. Nhất là khi mọi chuyện đã không còn như ý nữa, thì đó là câu hỏi buộc mình phải đặt ra. Hồng y Frings sau đó rất hối hận. Nhưng tôi luôn luôn ý thức rằng, những điều chúng tôi nói ra và đã đạt được cụ thể là những điều đúng và chúng hẳn phải xẩy ra. Tự thân chúng tôi đã hành động đúng, cả cho dù chúng tôi đã không lượng định được hết những hậu quả chính trị và những ảnh hưởng cụ thể của chúng. Chúng tôi đã quá quan tâm vào mặt thần học, mà không cân nhắc những hậu quả ra bên ngoài.
Như vậy, việc triệu tập Công Đồng là một lầm lẫn?
Không, triệu tập Công Đồng là đúng. Dĩ nhiên người ta có thể tự hỏi, chuyện đó có cần hay không. Và ngay từ đầu cũng đã có những người chống lại quyết định này. Đó là thời điểm mà người ta đơn giản chờ đợi cái mới nơi Giáo Hội, chờ đợi một cuộc canh tân toàn thể, không chỉ ở Roma mà thôi, chờ đợi một cuộc gặp gỡ mới của Giáo Hội hoàn vũ. Do đó, việc họp công đồng là đúng.
Một trong những mục tiêu của Công Đồng là có được một giáo tông, mà như Ngài đã mô tả lúc đó, „không những là người ngồi trên cao kí nhận các văn bản, mà là người cùng hình thành chúng từ bên trong“. Một vị lãnh đạo Giáo Hội cần phải có tinh thần „cùng cộng tác và đồng hành“ với các giám mục, phải trở về „với tinh thần đơn sơ vốn là căn tính ban đầu của ngai vị này…“ Xem ra đó là điều mà năm mươi năm sau Ngài đã muốn thực hiện qua việc định nghĩa lại vai trò giáo tông, qua lối hành xử, qua ngôn từ sử dụng và qua việc làm cho tới lối xuất hiện của mình. Có đúng như vậy không?
Đúng, tuyệt đối đúng.



tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương