Biển-đức XVI. Những Trao Đổi Cuối Đời. Với Peter Seewald



tải về 1.13 Mb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu26.04.2018
Kích1.13 Mb.
#37175
  1   2   3



Biển-đức XVI.

Những Trao Đổi Cuối Đời.
Với Peter Seewald

Người dịch: Phạm Hồng-Lam




Nxb Droemer


(c) 2016 Droemer Verlag

Droemer Knaur GmbH & Co. KG, München


Tin không gì khác hơn là việc sờ chạm được vào bàn tay Thiên Chúa trong đêm đen của trần thế, và cứ thế - trong tĩnh lặng – lắng nghe lời Người, nhìn thấy tình yêu.”


Biển-đức XVI. Kết thúc tuần tĩnh tâm cho giáo triều, trước ngày chấm dứt nhiệm kì giáo tông, 23 tháng 2 năm 2013.

Mục Lục



Dẫn Nhập


03

Phần I

Tiếng Chuông Roma

10


Những ngày tĩnh lặng trong Mater Ecclesiae

Từ chức


„Tôi không rời bỏ thập giá”

11

18

26




Phần II

Cuộc Đời Của Người Phục Vụ


33


Thời niên thiếu trong gia đình

Chiến tranh

Thời sinh viên, phó xứ và dạy học

Từ tay mơ trở thành nhà thần học sáng chói

Công Đồng: Mong ước và thất vọng

Giáo Sư và Giám Mục

Bộ Trưởng


34

44

50



72

83

99



116


Phần III

Giáo Tông Với Các Tác Phẩm Về Đức Giê-su

124

Bỗng chốc thành Giáo Tông

Những khía cạnh của chức vụ

Tông du và gặp gỡ

Thiếu sót và những vấn nạn

Tóm lược

125


131

144


151

158



Ghú thích

166


Chi Tiết Tiểu Sử

169


Dẫn Nhập
 

Một mùa hè và một mùa đông đi qua. Ngày 23.05.2016 một lần nữa tôi lái xe men theo con đường dốc dẫn tới tu viện Mater Ecclesiae trong các khuôn viên Vatican. Lần này tôi e sợ rằng, có thể đây là buổi trao đổi dài cuối cùng giữa hai chúng tôi.

Nữ tu Carmela mở cửa. Hôm nay chị không đeo trên người tấm yếm làm bếp, mà khoác một bộ áo thanh lịch. Trong phòng tiếp khách treo một bức hình thánh An-tịnh (Augustinus), một bậc thầy tinh thần lớn. Thánh nhân là nhân vật quan trọng đối với giáo tông Biển-đức XVI, vì Biển-đức đã học được nơi ngài về cuộc tìm kiếm Chân Lí Đức Tin bi tráng của con người.

Thay vì đi dép đỏ, cựu Giáo Tông hôm nay mang đôi xăng-đan như một tu sĩ dòng. Rất ít người biết con mắt trái của ngài đã mù từ nhiều năm nay, và đôi tai lúc này cũng đã nặng. Người gầy đi nhiều, nhưng điệu bộ của cụ già chưa bao giờ mềm mại như lúc này. Và quả thật quyến rũ, khi nhìn nhà tư tưởng táo bạo, vị triết gia của Chúa, người đầu tiên được gọi là cựu Giáo Tông, đang bước vào giai đoạn cuối cuộc đời, trong đó ngoài việc suy tư đầu óc thường đắm mình trong thinh lặng cầu nguyện, một hành vi vốn là tâm điểm của đức tin.

Tháng 11 năm 1992 tôi gặp vị cựu Bộ Trưởng lần đầu tiên. Tạp chí „Süddeutsche Zeitung“ muốn đưa ra một chân dung nhân vật và tôi đảm nhiệm việc này. Trong danh sách những người muốn xin hẹn gặp vị Hồng Y nổi tiếng nhất thế giới lúc bấy giờ có tên các đồng nghiệp của báo „New York Times“, „Prawda“ và „Le Figaro“. Tôi chỉ là người mang danh công giáo, chẳng còn đạo nghĩa gì, nhưng càng tìm hiểu lâu về Joseph Ratzinger, tôi càng ngưỡng mộ trước thái độ tự chủ, sự đam mê và can đảm của ngài, dám chống lại những tư tưởng lỗi thời. Và đặc biệt là những phân tích của ngài không những gây kích động, mà chúng xem ra còn đúng nữa.

Quan sát kĩ hơn, nhân vật vốn bị chế diễu là „Hồng Y Thiết Giáp“ không phải là người biểu trưng của một lịch sử quá khứ, mà là của tương lai: một đầu óc mới trong việc nhận thức và diễn tả các bí ẩn của đức tin. Khả năng đặc biệt nơi ngài là có thể đơn giản hóa được những điều rắc rối, nhờ đó có thể nhìn xuyên qua bề mặt để thấu vào sự vật. Khoa Học và Tôn Giáo, Vật Lí và Siêu Hình, Suy Tư và Cầu Nguyện – Ratzinger nối được tất cả những thứ đó lại với nhau, để đi sâu thật sự vào tâm điểm của một vấn đề. Và vấn đề còn được nâng cao lên nhờ thứ ngôn ngữ đẹp và lối suy tư sâu lắng của ngài. Ngài nói „Thần Học là sự suy tư về những điều Thiên Chúa đã nói trước và nghĩ trước cho ta.“ Để có thể nhận lãnh, con người cũng phải biết lắng nghe. Muốn không những gây ấn tượng trên con người, mà còn dẫn họ về với Thiên Chúa, cần phải có Lời cảm hứng.


Cũng như Karol Wojtyla, bản thân Joseph Ratzinger đã kinh nghiệm về những hậu quả của các hệ thống vô thần. Lúc còn nhỏ, ngài đã chứng kiến cảnh thu dỡ thập giá ra khỏi các lớp học. 17 tuổi làm lính, ngài nhận ra sự ngông cuồng của một thế giới không có Thiên Chúa; thế giới này muốn tạo ra „con người mới“ và đã kết thúc trong khủng bố và đổ vỡ kinh hoàng. Nhiệm vụ nổi bật của suy tư và toàn bộ công trình của ngài là cả dùng lí luận để bảo vệ Ki-tô Giáo chống lại việc làm đảo lộn các giá trị. Ngài nói, „Qua lòng tin của cha mẹ tôi, tôi đã xác định được rằng, Ki-tô Giáo là một thành trì của sự thật và công lí chống lại vương quốc vô thần và dối trá, mà chế độ quốc-xã là biểu tượng.“
Một bước đường bi thảm lát đầy thành công và thất bại đã đưa cậu học trò đầy năng khiếu và vốn sớm nhận ra ơn gọi của mình đi tới tận ngai thánh Phê-rô. Cậu là một học sinh tinh tế, thích làm thơ sáu vần tiếng Hi-lạp và mê say nhạc Mozart. Một sinh viên non trẻ mơ về một cuộc bừng dậy của Ki-tô Giáo khi đang bước đi trên những con đường đổ nát vì bom đạn ở München. Một ông giáo trẻ ham tìm hiểu được tiếp cận lối tư tưởng cấp tiến của những nhà thần học cự phách thời đó và đang vùi đầu vào các tác phẩm của An-tịnh, Kierkegaard và Newman. Một linh mục phó xứ thông thoáng gây hứng khởi cho các nhóm trẻ. Nhưng cũng là một ông giáo bỗng gặp vận không may với luận văn lên ngạch giáo sư (Habilitation) của mình và cảm thấy như đang phải đối diện với một đêm đen phủ lấp tương lai nghề nghiệp.

Nhưng số phận lại rẽ qua một hướng khác. Từ một giáo sư non trẻ xuất thân từ một làng nhỏ trong miền Bayern ngài bỗng trở thành một ngôi sao mới trong bầu trời các nhà thần học.

Với thứ ngôn ngữ tươi mát, cách diễn giải Tin Mừng sáng tạo, với sự cưu mang những giáo huấn đích thực ngài khiến cho thiên hạ phải đồn thổi nghe ngóng về mình. Giáo sư Gottlieb Söhngen ở München viết: „Nơi thần học của một nhà tư tưởng lớn có sự ảnh hưởng qua lại giữa một bên là nội dung và hình thức của tư duy thần học với bên kia là sự nhất thống sinh động.“ Các giờ lớp của Ratzinger đông nghẹt người nghe. Giáo trình của ngài được chép tay ra hàng ngàn bản. Tác phẩm „Einführung ins Christentum“ (bản tiếng Việt: Đức Tin Ki-tô Giáo. Hôm Qua Và Hôm Nay) gây hứng khởi cho Karol Wojtyla ở Krakau, cho Viện Hàn Lâm Các Khoa Học Đạo Đức Và Chính Trị ở Paris, một trong những Viện Hàn Lâm của Institut de France; về sau ông được mời làm thành viên của Viện này.

Mới 35 tuổi, Ratzinger đã có thể đóng góp cho Công Đồng Vatican II những tư tưởng thông thoáng, nhằm đưa Giáo Hội bước vào thời hiện đại. Chẳng có ai ngoài nhà thần học non trẻ này đã có thể diễn tả hay hơn về chủ đích thực sự của Công Đồng, giáo tông Gio-an XXIII – người khởi xướng Công Đồng - đã nói như thế.

Trong khi những nhà thần học khác, vốn được ca ngợi như là những kẻ tiến bộ, mà thật ra họ phần nhiều chạy theo quan điểm chính dòng của tầng lớp tiểu tư sản, thì Ratzinger vẫn là một giáo sư, một tổng giám mục, một bộ trưởng chuyên gây bực bội. Suốt một phần tư thế kỉ, với tư cách là Bộ Trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin, ngài chống lưng cho giáo tông Gio-an Phao-lô II, và vì thế đã bị no đòn búa rìu công luận. Ngài cảnh giác: „Vấn đề chính của thời điểm lịch sử này là Thiên Chúa đã biến mất khỏi chân trời của con người.“ Theo ngài, „vì ánh sáng từ Thiên Chúa bị dập tắt“ nhân loại đâm ra mất phương hướng, và „chúng ta sẽ càng ngày càng thấy những hậu quả công phá của nó“.

Giáo Hội cũng bị ngài phê phán. Ngay từ năm 1958 ngài đã nói tới việc „giải thế“ („Entweltlichung“: lột hết các thứ mũ áo loè loẹt thế gian mà Giáo Hội trong suốt quá trình lịch sử đã khoác lên mình. Người dịch). Theo ngài, điều này cần thiết, để cho các chất kích tố của đức tin có lại được hiệu năng của chúng. Chúng ta luôn phải giữ tinh thần đối kháng, phải khước từ đồng phục, để đường đường minh chứng cho thiên hạ thấy lại được rằng, Ki-tô Giáo có một vũ trụ quan vượt lên trên mọi thứ thuần tuý thế tục và vật chất, ngoài ra nó còn mở ra một mạc khải về cuộc sống đời đời. Đừng khờ khạo nghĩ rằng, chỉ cần khoác lên mình một tấm áo mới, chỉ cần nói giống như thiên hạ nói, là mọi chuyện tức khắc sẽ ổn. Nhưng trái lại, điều cần phải làm là quay trở về với những thông điệp đích thực và với một nền phụng vụ có khả năng làm bừng sáng lại mầu nhiệm hi tế.

Không thể quên được lời than của ngài khi đi đường thánh giá ở Roma năm 2005: „Có bao nhiêu là dơ bẩn trong Giáo Hội và ngay cả nơi hàng linh mục, là những người lẽ ra hoàn toàn thuộc về Chúa?“

Vị Hồng Y già trở thành một thứ đá tảng, và không ai muốn ngồi lên đó. Chính Ratzinger ước ao được nghỉ hưu. Nhưng chỉ mấy ngày sau những lời nguyện trong ngày thứ sáu tuần thánh kêu mời mọi người xét mình và thanh tẩy đó, ngài lại xuất hiện trên bao lơn nhà thờ trong vai trò vị kế nhiệm thứ 265 của thánh Phê-rô, trước sự reo hò của đám đông. Ngài tự giới thiệu trước 1,2 tỉ tín hữu trên thế giới, mình là một „giáo tông nhỏ“, một người thợ tầm thường trong vườn nho của Chúa, kẻ nối gót đại giáo tông Karol Wojtyla – và ngài biết, mình sẽ phải làm gì.

Tân Giáo Tông nói rõ, vấn nạn đích thực của Giáo Hội không nằm nơi việc giảm số lượng tín hữu, mà nơi việc mất đức tin. Theo ngài, đó là việc ý thức ki-tô giáo biến mất dẫn tới khủng hoảng, việc do dự trong cầu nguyện và thánh lễ, việc hết hứng khởi truyền giáo. Muốn đổi mới thật sự, theo ngài, phải có một cuộc phục hưng tâm hồn, một trái tim rực lửa. Ưu tiên hàng đầu của ta là loan truyền những điều mình biết được và tin được từ nguồn chắc chắn về đức Ki-tô. Quan trọng là „phải giữ cho được chiều kích cao cả và trong sáng của Lời Chúa – chống lại mọi khuynh hướng thích ứng và pha loảng“.

Suốt nhiều năm dài, nhiệm kì giáo tông này chỉ nghe tiếng tung hô. Xưa nay chưa bao giờ số người tới dự các buổi gặp gỡ giáo tông đông như thế. Các tông thư Deus caritas est (Thiên Chúa là tình yêu), Spe salvi (Hi vọng cứu rỗi) và Caritas in veritate (Bác ai trong chân lí) được in với số lượng ấn bản vô cùng lớn. Nhiều cuốn sách của ngài từ lâu đã trở thành loại cổ điển, giờ đây các bài nói chuyện của ngài lại là đề tựa ăn khách cho làng báo quốc tế. Ngài đã tự tạo cho mình một công trình độc đáo riêng, mà vẫn không đoạn tuyệt với con đường dài và sinh động của vị tiền mhiệm.

Nhưng cụ già 78 tuổi không chỉ là người đã cùng hình thành Công Đồng, mà còn là kẻ đã mơ ước có Công Đồng. Chừng mực, đối thoại, tập trung vào những điều cơ bản, đó là lối làm việc mới được ngài đưa vào Vatican. Giảm bớt phí tổn phụng vụ, rút ngắn thời gian họp các giám mục, thay vào đó là những cuộc thảo luận nặng tình đồng nghiệp.

Biển-đức XVI âm thầm làm việc, kể cả những việc do vị tiền nhiệm để lại. Ngài chống lại những gì mang tính phô trương. Ngài lặng lẽ bỏ thói hôn tay, thay triều thiên quyền uy của giáo tông bằng một mũ giám mục bình thường. Nhưng vì tôn trọng truyền thống, ngài cũng giữ lại những thói quen không hợp với con người mình. Ngài không phải là ông chủ, không phải là đối tượng tôn thờ của Giáo Hội, luôn tìm cách tiến lên phía trước. Mà chỉ là đại diện cho một Vị khác; mọi yêu thương và tin tưởng là cho Vị này mà thôi, đó là đức Giê-su Ki-tô, Lời của Thiên Chúa trở thành phàm nhân.

Sau Gio-an Phao-lô II, Biển-đức XVI là vị kế nhiệm thứ hai của thánh Phê-rô nói chuyện trong một nguyện đường hồi giáo. Nhưng Giáo Tông người đức này là người đầu tiên tham dự một buổi phụng vụ tin lành. Một hành động lịch sử có một không hai, khi vị lãnh đạo Giáo Hội công giáo tới thăm chỗ sinh hoạt của Luther trước đây. Ngài đặt, đây cũng là một điều chưa từng có, một tín hữu tin lành làm Chủ Tịch Hội Đồng Giáo Tông Các Khoa Học, đưa một tín đồ hồi giáo vào giữ ghế giáo sư trong Đại Học Giáo Tông. Đồng thời, với khả năng thần học và tri thức của ngài, ngài đã nâng vị thế giáo tông lên một tầm cao, khiến cả những người bên ngoài cũng bị cuốn hút và quan tâm tới Giáo Hội công giáo. Bên cạnh đó, ba năm chủ đề suy tư nặng phần nội dung: Năm kính thánh Phao-lô, Năm Linh Mục và Năm Đức Tin cũng là điều đáng ghi. Với tự sắc Summorum Pontificum ngài cho các linh mục được quyền, mà chẳng cần phải xin phép trước các giám mục, dâng lễ theo nghi thức trước Công Đồng Vatican II. Đây là một hành vi mở cửa, một hành vi tự do, chứ không phải là một hành động thụt lùi.

Không phải tất cả những gì Biển-đức XVI làm đều đúng. Và rõ ràng Giáo Tông này đã không vận dụng được hết mọi khả năng tiềm tàng nơi mình. Nhiều khi xem ra như có sự tẩy chay nơi các giám mục và một số thành phần trong giáo triều. Thiếu sự hỗ trợ. Biển-đức khiêm tốn cam chịu. Ngài chấp nhận cả những kẻ phản bội, giống như Thầy mình đã chấp nhận. Nhưng phải chăng ngài đúng là một Giáo Tông yếu kém, như những người chống đối ngài đã cố gắng loan truyền sau ngày ngài từ chức?

Vô số bài báo và tiết mục truyền thông liên tiếp nã đạn trên Ratzinger. Ngài trả lời: „Khi một giáo tông chỉ nhận được tiếng vỗ tay mà thôi, thì vị đó nên tự hỏi, mình đã làm gì sai chăng.“ Quả thật những trận bom dai dẳng của các cơ quan báo chí hàng đầu đã là những tai ách nặng nề trong nhiệm kì giáo tông này. Họ chỉ muốn nói lấy được, chẳng quan tâm gì tới những cáo buộc của mình có cơ sở hay không.

Có thể kể ra đây ngắn gọn một vài „tai tiếng“ nặng nề đó. Theo họ, Biển-đức đã đưa giám mục Williamson của Huynh Đoàn Pi-ô „một người vốn chối bỏ sự kiện Quốc Xã Đức giết dân Do-thái vào Giáo Hội trở lại“. Cáo buộc nổ ra vào tháng giêng năm 2009; quả thật điều này đã khiến công luận, cho tới lúc đó vô cùng thiện cảm với Giáo Tông, từ đây có một cái nhìn khác hẳn đối với ngài. Nhưng thực tế: Williamson là một tín hữu anh giáo trở lại Công Giáo. Chức giám mục của ông đã chẳng được Roma công nhận, và Giáo Hội công giáo cũng chưa rút lại vạ tuyệt thông cho Huynh Đoàn Pi-ô.

Một trong những đề tài quan tâm đặc biệt của Ratzinger là mối tương giao giữa Do-thái Giáo và Công Giáo. Israel Singer, từ năm 2001 tới 2007 làm Tổng Thư Kí Nghị Hội Thế Giới của Do-thái Giáo, cho hay, nếu không có giáo tông Biển-đức, thì thái độ cố hữu của Giáo Hội công giáo từ hai ngàn năm nay đối với Do-thái Giáo đã không thể chấm dứt được. Phó Chủ Tịch Nghị Hội Thế Giới, ông Maram Stern, cũng phát biểu: Dưới thời Biển-đức XVI lịch sử tương quan giữa Công Giáo –và Do-thái Giáo „chưa bao giờ đẹp như lúc này“.

Trong vụ lạm dụng tình dục trẻ em bởi các linh mục và tu sĩ quả thật đã có một số thiếu sót và lỗi lầm, đặc biệt do các cơ quan trách nhiệm trong các quốc gia liên hệ. Nhưng từ lâu người ta cũng biết rằng, nếu không có Biển-đức XVI, thì mức độ tác hại của cuộc khủng hoảng trầm trọng đó hẳn còn nặng nề hơn cho Giáo Hội công giáo. Khi còn là Bộ Trưởng, Ratzinger đã có những biện pháp rốt ráo điều tra và phạt những kẻ tội phạm. Ở vai trò giáo tông, ngài đã sa thải gần 400 linh mục và cho ấn định lại những nền tảng giáo luật, để có thể truy cứu trách nhiệm đối với những giám mục và hồng y nào không chịu làm sáng tỏ vấn đề.

Còn vụ VatiLeaks? Không thể coi thường sự việc. Đàng sau các diễn tiến này có những phá rối của một vài thẩm cấp trong giáo triều. Nhưng cái gọi là „Âm mưu trong Vatican“ rốt cuộc chỉ còn việc đánh cắp tài liệu bởi một anh quản gia bệnh hoạn. Còn chuyện ngân hàng IOR của Vatican, Biển-đức đã ra lệnh rà soát lại và bắt đầu cho tiến hành tổ chức lại mới. Ngài cũng đã cho lệnh điều tra toàn bộ sự việc liên quan. Bản tường trình của Ủy Ban điều tra được giữ kín. Nhưng mức độ vấn đề cũng chẳng trầm trọng như người ta đồn đoán.

Những kẻ ủng hộ Biển-đức giờ đây xót xa, vì không còn được mục kích những bài thuyết trình khôn ngoan có khả năng làm hạ nhiệt lí trí và hâm nóng trái tim, nét đa diện trong ngôn ngữ của ngài, những phân tích trung thực, sự nhẫn nại lắng nghe, phong cách tao nhã hiếm có từ trước tới nay nơi hàng giáo tông. Dĩ nhiên cả nụ cười ngập ngừng, những cử chỉ thường hơi chũi về bên trái của ngài mỗi khi bước lên bục nói, như ta thấy nơi anh hề Charly Chaplin. Nhưng đặc biệt là việc ngài bám chặt nơi lí trí, vốn là thành trì của đức tin, nó giữ cho Đạo khỏi rơi vào vùng mơ tưởng và cuồng tín. Và còn tinh thần tiến bộ của ngài nữa, một yếu tố nhiều người không nhìn ra và cũng chẳng muốn nhìn ra. Ngài trước sau vẫn trung thành với sự tiến bộ đó, đến cả sẵn sàng làm những điều trước đó chưa ai làm.

Dù với bao nhiêu là sách vở, bài viết, bài giảng, bài suy niệm, thư từ - cho tới khi làm giám mục, Ratzinger có tất cả 30 000 lá thư – ngài không bao giờ tạo một Thần Học riêng cho mình. Nhà thần học Ratzinger chỉ thu nhận những gì đã có, nhận ra cái gì là chính yếu trong đó, sắp xếp chúng lại theo mối liên hệ thời gian và diễn tả chúng bằng một ngôn ngữ mới – nhằm giúp thông điệp ki-tô giáo và những kiến thức của lịch sử giáo hội không bị mai một đi nơi các thế hệ tiếp nối. Vì nhận ra tầm quan trọng lớn lao của Giáo Hội, nên nỗ lực đấu tranh của ngài cho định chế này cũng là điều dễ hiểu. Ngài đấu tranh để Giáo Hội trước sau vẫn là con thuyền cứu rỗi vượt thời gian, một con tàu No-ê chở nhân loại đi vào một thế giới tốt đẹp hơn. Ngài gọi đây là „sự cực đoan cánh chung của cuộc cách mạng ki-tô giáo“.

Chỉ riêng bộ sách ba tập về đức Ki-tô đủ làm cho nhiệm kì giáo tông này trở thành độc đáo. Đó là những cuốn cẩm nang không thể thiếu cho các nhà thẩn học và giáo lí viên tương lai cũng như cho việc đào tạo linh mục, tắt lại: chúng là nền tảng giáo huấn đức tin cho ngàn năm thứ ba. Công việc giáo huấn của ngài đã không khép lại nơi ghế đại học, mà là nơi ngai toà Phê-rô. Chưa một ai khác đã có thể như ngài dựa trên kiến thức, tiểu sử, sức lực và niềm hứng khởi của mình để vận dụng sự tỉ mỉ khoa học và sự hiện thực thần bí hầu đánh sáng lại khuôn mặt đức Giê-su vốn đã bị cào xé đến biến dạng, và nhờ đó giúp nhân loại tái nhận diện được Người.

Nhà sử học người anh Peter Watson xếp Biển-đức XVI vào chung hàng với Lessing, Kant và Beethoven và gọi ngài là một trong những đại biểu cuối cùng của „sự sáng tạo của dân Đức“. Mario Vargas Llosa, khôi nguyên giải Nobel văn chương người pê-ru, coi ngài là một trong những trí thức thông tuệ nhất hiện tại; „những suy tư mới mẻ và táo bạo“ của ngài, theo ông, là câu trả lời cho những vấn nạn ngày nay về đạo đức, văn hoá và hiện sinh. Hãy để lịch sử đánh giá về vai trò và vị trí của ngài trong tương lai. Nhưng có một điều nay đã chắc chắn: Với hơn ba mươi năm dài, không ai đứng đầu một định chế lớn và lâu đời nhất thế giới lâu như Joseph Ratzinger. Qua các đóng góp cho Công Đồng, qua việc tái khám phá các giáo phụ, qua việc linh động hoá các giáo huấn cũng như việc tẩy rửa và củng cố Giáo Hội, ngài không những là một người canh tân đức tin, mà, trong tư cách một nhà thần học trên ngai phê-rô, còn là một trong những giáo tông có tầm vóc nhất từ xưa tới nay, một bậc thầy giáo hội có một không hai của thời đại tân tiến. Hành động từ chức của ngài rốt cuộc đã làm thay đổi ngai toà phê-rô tận nền tảng. Hành động lịch sử này đã trả lại chiều kích tâm linh vốn có (được uỷ nhiệm) ngay từ buổi đầu cho ngai toà đó.

Cùng với sự từ giã của Biển-đức XVI, một thời đại với những biến chuyển lịch sử trọng đại trong nhịp bước ngàn năm đã sang trang. Tám năm nhiệm kì của ngài giống như những cuộc tĩnh tâm lớn; chúng cần thiết cho Giáo Hội, để qua đó Giáo Hội củng cố thành trì nội tâm và gia tăng sức mạnh tinh thần cho mình. Nhìn như thế thì Biển-đức XVI đã bắc một nhịp cầu giữa một thời đại đang tiêu vong với cái mới đang tới – dù vẫn chưa biết cái mới đó sẽ ra sao. Giáo tông Phan-sinh tóm tắt về người tiền nhiệm mình như sau: Biển-đức XVI là „một giáo tông lớn. Lớn về lực và khả năng xuyên thấu của trí tuệ của ngài, lớn vì đóng góp quan trọng của ngài cho Thần Học, lớn vì tình yêu của ngài đối với Giáo Hội và con người, lớn vì đức hạnh và lòng đạo của ngài“. Theo Phan-sinh, „các thế hệ nối tiếp sẽ nhận ra tinh thần của ngài (Biển-đức) càng ngày càng lớn lao và quan trọng hơn“.



Những nội dung phỏng vấn sau đây được thực hiện không lâu trước ngày ngài từ chức và thời gian sau đó. Dự trù là để làm chất liệu cho một cuốn Tiểu Sử và một lần nữa hi vọng mở ra một cái nhìn thông thoáng về những nhân vật kiệt xuất nhất trong thời đại chúng ta. Cựu Giáo Tông đã đọc bản thảo và ngài đồng ý cho in. Ước gì cuốn sách này giúp độc giả phần nào bỏ đi được cái nhìn sai về ngài, đồng thời chiếu tỏa ánh sáng vào những mảng tối, đặc biệt soi tỏ nguyên nhân của việc từ chức, một biến cố đã khiến thế giới hồi hộp ngưng thở. Rốt cuộc là để hiểu hơn về con người Joseph Ratzinger và về mục tử Biển-đức XVI và để đánh giá đúng sự thánh thiện của ngài – và nhất là: để mở ra một cái nhìn khách quan về công trình của ngài, trong đó tiềm sẵn một gia sản quý cho tương lai.


Peter Seewald


Phần I
Tiếng Chuông Roma

Những Tháng Ngày Tĩnh Lặng Trong Mater Ecclesiae

Thưa cha Benedetto, trước đây hàng triệu người tung hô đức Thánh Cha, Ngài ở trong lâu đài, tiếp đón những vị khách lớn. Giờ đây Ngài có cảm thấy thiếu một chút gì đó không?
Hoàn toàn không. Không! Trái lại, tôi cảm tạ Chúa vì đã cho tôi thoát khỏi gánh nặng, có lẽ Chúa không còn bắt tôi phải mang trách nhiệm nữa. Tôi bây giờ tự do, được hàng ngày khiêm tốn cùng bước đi với Người, được sống với bạn bè và được bạn bè thăm viếng.

Bỗng dưng chẳng còn một chút quyền bính gì nữa, gần như bị giam hãm trong các bức tường của Vatican – Ngài nghĩ sao?
Tôi chẳng bao giờ quan niệm „quyền bính“ như là việc mình được có thêm quyền lực. Nhưng luôn coi đó là trách nhiệm, là một cái gì khó khăn và nặng nề. Là một cái gì bắt mình mỗi ngày phải tự hỏi: Tôi có xứng đáng với cái đó không? Cả khi được đám đông tung hô, tôi vẫn luôn ý thức rằng, không phải họ tung hô người đàn ông nhỏ con đáng thương này, nhưng họ tung hô Vị mà tôi đại diện. Vì thế việc từ chối quyền bính đối với tôi chẳng có gì khó khăn cả.
Trước đây Ngài có lần nói, nhiệm kì giáo tông của mình có thể sẽ ngắn?
Đúng, tôi đã nghĩ, là mình không còn đủ sức để cáng đáng vai trò.
So với nhiều vị tiền nhiệm thì tám năm của Ngài cũng đã là lâu. Ý nghĩ trên đây có ảnh hưởng gì trên chương trình làm việc trong nhiệm kì không?
Chuyện đã rõ. Tôi đã không thể đề ra những chương trình dài hơi. Nếu có thời gian, thì mình phải làm một cái gì đó lâu dài. Tôi hiểu rằng, mình có một thứ sứ mạng khác; nỗ lực ưu tiên của tôi là làm cho người ta thấy, đâu là ý nghĩa của đức tin trong thế giới hôm nay, đưa đức tin vào tâm điểm cuộc sống và làm sao giúp cho con người can đảm sống đức tin một cách cụ thể trong thế giới này. Đức Tin và Lí Trí, đó là tất cả những gì tôi coi là sứ mạng của mình. Sứ mạng này chẳng đòi hỏi thời gian nhiệm kì phải lâu hay ngắn.
Đã có lúc nào Ngài cầu Chúa „Xin cất gánh nặng này cho con“?
Không. Không cầu như thế. Nhưng tôi đã xin Người cho tôi tránh được nhiệm vụ đó và xin Người giúp tôi. Nhưng tôi cũng biết, một khi Người đã đưa tôi vào vị trí đó, thì Người cũng chẳng để tôi té ngã.
Đã có bao giờ Ngài nghĩ tới chuyện rồi một lúc nào đó sẽ quẳng hết gánh nặng đi, để được sống như một người thường? Không thể mãi chỉ có phục vụ, chỉ có trách nhiệm dai dẳng, chỉ có sự buồn chán của chức vị đè nặng?
Có nghĩ tới, đương nhiên. Đặc biệt lúc còn làm Bộ Trưởng Bộ Giáo Lí Đức Tin tôi vẫn thường nói điều đó với Giáo Tông. Nhưng Gio-an Phao-lô II đáp: „Không, Hồng Y làm tiếp.“
Ngài đã có nghĩ tới việc từ chối kết quả bầu cử?
Quả thật tôi đã rất quan tâm tới chuyện đó. Nhưng điều làm cho tôi bị ấn tượng, là trong buổi tiền mật nghị nhiều hồng y đã bằng cách này hay cách khác buộc người sẽ được bầu phải chấp nhận kết quả của đa số hai phần ba và phải nhìn thấy trong đó sự tin tưởng của họ - cho dù người đó cảm thấy mình không đủ khả năng vác thập giá.
Đã có lúc nào Ngài nghĩ rằng, việc bầu chọn mình là sai?
Không. Các hồng y đã chọn lên một người, thì người đó phải thi hành nhiệm vụ của mình. Và chỉ có sự thẩm định của Thiên Chúa mới quan trọng, chứ việc đánh giá của các nhà báo chẳng quan trọng.
Ước mơ lớn của Ngài là làm sao chỉ còn được sống với suy niệm và cầu nguyện. Lúc này Ngài có thể sống như thế không?
Không hẳn. Thứ nhất là không còn đủ nghị lực tinh thần, để ngày ngày chuyên tâm vào những chuyện của Chúa và chuyện tâm linh, một phần cũng vì ảnh hưởng bên ngoài, vì nhiều khách thăm. Nhưng tôi cũng thấy tốt, khi mình còn được dịp trao đổi với những người lúc này đang mang trách nhiệm với Giáo Hội hoặc với những người trước đây có liên hệ với tôi, nghĩa là khi mình còn đang có dịp đụng tới những chuyện được gọi là của con người. Thứ hai là thể lực không còn cho phép mình luôn ở lại được nơi cái gọi là những vùng cao. Xem thế, thì ước mơ không đạt. Nhưng đúng là mình có nhiều tự do nội tâm cho chuyện đó, như vậy cũng là quý hoá lắm rồi.
Ngài còn tiếp tục viết gì nữa không?
Không! Không, tôi đã làm xong công trình của mình rồi.
Có viết Nhật Kí hay Sổ Tay không?
Nhật Kí thì không, nhưng vẫn đều đặn ghi lại những suy gẫm của mình, để rồi sẽ huỷ đi.
Tại sao?
(Mỉm cười.) Vì chúng quá riêng tư.
Nhưng chúng có thể…
… là một món ăn tạp cho các nhà viết sử.
Ngài đã để lại một công trình thần học lớn chưa từng có so với các giáo tông từ trước tới nay. Giờ đây làm sao có thể bỏ bút ngồi yên được?
Hoàn toàn chả có vấn đề gì cả. Mỗi tuần tôi soạn bài giảng cho thánh lễ chủ nhật. Như vậy tôi vẫn làm công việc trí óc, vẫn phải diễn giải lời Chúa. Nhưng tôi không còn viết được nữa. Vì viết đòi hỏi phải có phương pháp, việc này quá khó nhọc đối với tôi lúc này.
Ngài viết bài để giảng trước bốn, năm người?
Tại sao không? (Cười.) Cho ba hay hai mươi hay cả ngàn người thì cũng phải soạn. Lời Chúa luôn phải có cho con người.
Ngài còn có điều gì nhất thiết cần phải làm nữa không?
Với nghĩa là còn làm một cái gì đó để lại cho đời, thì không. Nhưng vẫn còn phải làm công tác cầu nguyện của mình.
Việc di chúc?
Trước đây tôi đã nhiều lần viết đi viết lại bản di chúc. Nay thì không còn sửa đổi nữa.
Một di chúc thần học?
Không. Không. (Cười.) Không, tôi muốn để lại một số đồ đạc mình có.
Một cựu Giáo Tông suy niệm ra sao? Ngài có thích hay quý đặc biệt một lối linh thao nào không?
Lúc này tôi có thể chậm rãi và chuyên sâu cầu nguyện theo sách nhật tụng và qua đó làm bạn với các Thánh Vịnh và các Giáo Phụ. Mỗi chủ nhật, như đã nói, soạn một bài giảng ngắn. Suốt tuần tôi nghĩ một chút về nó, để cho các tư tưởng chín dần trong đầu óc, có vậy mình mới nhìn vấn đề được dưới nhiều mặt. Bài đó nói gì cho tôi? Nó nói gì cho những người trong tu viện này? Điều mới đối với tôi lúc này, nếu được phép nói như thế, là tôi có nhiều yên tĩnh hơn để thả hồn vào các bài nguyện thánh vịnh, có thể đào sâu chúng hơn. Và bằng cách đó, các bài đọc phụng vụ, nhất là các bài đọc ngày chủ nhật, đồng hành với tôi suốt cả tuần lễ.
Ngài yêu thích đặc biệt lời nguyện nào?
Có một vài lời. Chẳng hạn như lời của thánh I-nhã: „Lạy Chúa, xin hãy nhận lấy toàn bộ sự tự do của con.“ Và một lời của Phan-sinh Xa-vê: „Con yêu Chúa không phải vì Ngài có thể đưa con lên trời hoặc tống con xuống hoả ngục, mà vì Chúa là Chúa.“ Hoặc lời của Niklaus von Flüe: „Xin Chúa hãy nhận lấy con như con đang là…“. Có một lời nguyện tôi yêu thích đặc biệt, muốn thấy nó được in trong sách „Gotteslob“ (Phụng Ca), nhưng đã quên đề nghị, đó là „Lời cầu chung“ của thánh Petrus Canisius trong thế kỉ 16. Lời cầu đó vẫn luôn mang tính thời sự và đẹp. (2)
Đâu là nơi cầu nguyện lí tưởng của Ngài?
Có thể nói, đương nhiên là Altöting [địa điểm hành hương nổi tiếng thế giới ở Đức, bang Bayern, gần thủ phủ München, nơi có tượng „Đức Mẹ Đen“. Người dịch.]
Tâm điểm suy tư của Ngài luôn là sự gặp gỡ giữa cá nhân với đức Ki-tô. Việc suy tư đó lúc này ra sao? Ngài đã tới gần đức Giê-su đến đâu?
(Hít vào mạnh.) Vâng nó thay đổi tuỳ theo hoàn cảnh, nhưng tôi vẫn thấy Người ở ngay trước mặt tôi trong phụng vụ, cầu nguyện và trong những suy gẫm cho bài giảng thánh lễ chủ nhật. Người luôn vẫn là đấng lớn lao và huyền bí. Lúc này tôi không còn dễ dàng như xưa cảm nhận ra nét cao cả và tầm quan trọng trong nhiều đoạn Tin Mừng. Tôi nhớ đến thời mình còn làm phó xứ. Ngày nọ, nhà thần học Romano Guardini được một giáo xứ tin lành bên cạnh mời tới nói chuyện và ông nói với vị mục sư: „Càng về già việc sống đạo càng khó hơn, chứ không dễ hơn.“ Câu này đã làm cho vị chính xứ của tôi giật mình xúc động. Nhưng nó có phần đúng. Một đàng, mình có được suy tư chín chắn hơn. Cuộc sống đã định hình. Đã có được những quyết định nền tảng. Nhưng đàng khác, các thắc mắc lại nặng nề hơn, thêm vào đó là sức ép của vô thần ngày nay, sức ép của sự vắng bóng đức tin đang thấm sâu vào Giáo Hội, và thêm nữa là sự cao cả của lời Chúa càng ngày càng vuột ra khỏi sự suy diễn của mình.

Cái đó là do mình xa Chúa hay là do sự ngờ vực?
Không phải do ngờ vực, nhưng vì cảm thấy không thể nào vươn tới được cái huyền nhiệm cao cả đó. Dĩ nhiên mình cũng có thêm được những nhận thức mới. Điều này làm cho tôi cảm động và an ủi tôi rất nhiều. Nhưng tôi cũng nhận ra, là không thể nào hiểu thấu được Lời. Nhất là những Lời thịnh nộ, Lời phủ bác, Lời đe doạ phán xét làm cho mình lo sợ và chúng trở nên mạnh mẽ và khủng khiếp hơn xưa.
Người ta cho rằng, một giáo tông, vị đại diện của đức Ki-tô trên trần gian, phải là người đặc biệt sống gần và thân mật với Chúa?
Đúng, cần phải như thế, và tôi cũng không có cảm tưởng là Ngài ở xa tôi. Tôi vẫn luôn có thể thưa chuyện với Ngài. Nhưng dù vậy, tôi chỉ là một con người nhỏ bé đáng thương, không phải bao giờ cũng vươn tới được Ngài.
Cũng có những „đêm tối“ mà nhiều thánh hay nói tới?
Không đến nỗi như thế. Có lẽ tôi cũng chưa thánh đủ, nên chưa rơi vào bóng tối sâu dày như thế. Nhưng ngay trong vòng chuyện con người, trong đó người ta than van, tại sao Chúa lại để cho những thứ đó xẩy ra, thì câu hỏi rất day dứt. Lúc đó mình chỉ biết bám chặt vào niềm tin, là Chúa chắc chắn biết rõ hơn mình.
Trong đời Ngài đã có những „đêm đen“ như thế không?
Có thể nói, chẳng có những đêm thật đen, nhưng lắm khi gặp khó khăn với Chúa trong nhiều hoàn cảnh. Tại sao lại có nhiều sự dữ đến thế? Điều này làm sao phù hợp với sự toàn năng, với lòng nhân từ của Người?
Ngài giải quyết những trường hợp đó ra sao?
Trước hết bằng cách bám chặt vào sự chắc chắn của đức tin, có thể nói là bước vào đứng trong đó. Rồi biết rằng, khi mình không hiểu điều gì, thì không có nghĩa là điều đó sai, mà vì mình quá bé nhỏ nên chưa thể hiểu nổi. Trong một vài trường hợp quả thật tôi từ từ hiểu ra vấn đề. Quả là một quà tặng quý hoá, khi mình bỗng dưng nhìn ra được cái mà trước đó không nhìn ra. Và mình hiểu ra, khi gặp bế tắc với lời Chúa, mình cần phải khiêm tốn chờ đợi, cho đến lúc Chúa mở ra cho mình hiểu.
Và Chúa đã mở ra?
Không phải bao giờ Người cũng mở. Và những lúc mở thì mình thấy chúng quả thật lớn lao.
Một Giáo Tông về hưu có sợ sự chết hoặc ít là có sợ mình chết hay không?
Trên một phương diện nào đó có sợ. Thứ nhất, sợ mình bị tật bệnh lâu dài và trở thành gánh nặng cho kẻ khác. Nếu rơi vào hoàn cảnh này thì tôi buồn lắm. Ba tôi cũng luôn sợ điều đó, nhưng ông đã tránh được. Thứ đến, dù hoàn toàn tin tưởng rằng, Chúa sẽ không thể vứt bỏ mình, nhưng càng gần tới ngày phải ra trước mặt Người, tôi càng cảm thấy mạnh hơn, là mình đã làm quá nhiều điều sai. Vì thế gánh nặng tội lỗi cứ đè nặng lên mình, dù mình vẫn sống trong niềm tin phó thác nền tảng đó.
Điều gì đè nặng Ngài?
Ấy là chuyện mình thỉnh thoảng không đáp ứng đầy đủ cho người khác, không hành xử đúng đắn với họ. Cám ơn Chúa, toàn là chuyện chẳng lớn lao gì, nhưng phải nói là có nhiều điều mình đã có thể và phải làm tốt hơn hoặc đã làm hay hành xử khác hơn đối với nhiều người.
Ngài sẽ nói gì khi đứng trước Đấng Toàn Năng?
Xin Người đoán đến phận hèn yếu của mình.
Ki-tô hữu tin rằng, „sống đời đời“ có nghĩa một cuộc sống trọn đầy.
Điều đó tất nhiên! Rằng như thế là mình đúng đang ở trên quê hương mình.
Ngài chờ đợi gì?
Chuyện này có nhiều lớp. Lớp đầu nặng tính thần học. Ở đây, như thánh An-tịnh (Augustinus) nói, là một niềm an ủi lớn và cũng là một ý tưởng lớn. Ngài cho hay, khi quảng diễn câu thánh vịnh „mãi mãi tìm kiếm khuôn mặt của Người“: Cái „mãi mãi“ này là toàn bộ vĩnh cửu. Thiên Chúa quá lớn, chúng ta không bao giờ thấu hiểu Người. Người luôn luôn mới. Luôn luôn có những khám phá mới và niềm vui mới kéo dài bất tận. Những điều này xoay vào trong một trục về mặt thần học. Đồng thời cũng có mặt khác, hoàn toàn mang tính chất con người, là tôi vui mừng sẽ được gặp lại ba mẹ, các chị, các bạn tôi, và tôi mường tượng cảnh đó cũng sẽ đẹp như thời gian trong gia đình tôi trước đây.
Cánh Chung Luận, môn học về „những điều sau hết“ – chết, luyện ngục, mở ra một thế giới mới – là một trong những đề tài suy tư chính của Ngài. Ngài cho hay, cuốn sách về Cánh Chung Luận là tác phẩm được soạn kĩ nhất của Ngài. Lúc này đây, khi đang cận kề trước những câu hỏi cánh chung, Ngài có thấy những suy tư thần học có giúp mình được gì không?
Có. Chẳng hạn như những suy tư về lửa luyện tội, về đau khổ và ý nghĩa của nó, và rồi về tính chất cộng đoàn của hạnh phúc, nghĩa là có thể nói con người được dầm mình trong đại dương bao la của niềm vui và tình yêu, điều này quả rất quan trọng đối với tôi.
Ngài có nghĩ mình là người đã giác ngộ?
Không, không. (Cười.) Không.
Nhưng, bên cạnh thánh thiện, giác ngộ cũng là một mục tiêu nhắm đạt tới của Ki-tô hữu mà!
Khái niệm „giác ngộ“ tự nó bao hàm một chút gì ưu tuyển. Tôi là một Ki-tô hữu bình thường. Dĩ nhiên vấn đề là việc nhận ra ánh sáng sự thật. Nhờ đức tin, một người bình thường cũng được giác ngộ. Bởi vì người đó thấy được điều mà những người dù thông thái không nhận ra. Trong ý nghĩa đó thì đức tin là sự giác ngộ. Người Hi-lạp gọi phép rửa là Photismus: sự giác ngộ, đi tới ánh sáng, trở nên thấy. Mắt tôi mở ra. Tôi thấy được chiều kích hoàn toàn khác, điều mà với đôi mắt thường tôi không thể nhận ra được.

Từ Chức

Hãy trở lại cái quyết định đã đưa nhiệm kì giáo tông của Ngài đi vào lịch sử. Qua hành động từ chức, lần đầu tiên một giáo tông đương vị từ bỏ quyền bính. Với hành vi cách mạng này Ngài đã làm biến đổi vai trò và chức vị giáo tông mạnh như chưa từng có trong Thời Mới. Nó trở nên tân tiến hơn, trong một ý nghĩa nào đó cũng người hơn, đưa vai trò nầy lại gần gian đoạn ban đầu với thánh Phê-rô hơn. Ngay năm 2010 Ngài đã tuyên bố trong cuốn sách của chúng ta „Ánh Sáng Thế Gian“: Khi một giáo tông không còn năng lực thể xác và tâm thần trong việc lãnh đạo, thì người đó có quyền và ngay cả buộc phải từ chức. Dù vậy, Ngài có gặp những ray rứt nội tâm trước quyết định đó không?
(Hít vào thật mạnh.) Dĩ nhiên chẳng dễ tí nào. Sau cả ngàn năm không có giáo tông nào từ chức và việc này cũng chỉ là một trường hợp ngoại lệ trong thiên kỉ đầu, nên quyết định đó đã không dễ dàng, nó cứ bắt mình phải suy đi tính lại. Mặt khác, việc từ chức lại quá đương nhiên đối với tôi, nên đã chẳng có ray rứt mạnh mẽ. Trách nhiệm và gánh nặng cứ bắt tôi xét đi xét lại với chính mình và trước mặt Chúa, nhưng việc suy xét này không đến nỗi là chuyện cấu xé tâm can.
Ngài có nghĩ rằng, quyết định của mình sẽ làm nhiều người thất vọng hoặc hoang mang?
Có lẽ nó mạnh hơn những gì tôi đã nghĩ; thoát chốc những người bạn, nghĩa là những người vốn lắng nghe thông điệp của tôi và coi chúng là những gì quan trọng và có tính chất dẫn đường, bỗng dưng ngỡ ngàng cảm thấy mình bị bỏ rơi.
Ngài đã tính tới cú „sốc“ đó?
Vâng có.
Điều đó đã làm tiêu tán rất nhiều sinh lực của Ngài?
Trong những chuyện như thế mình cần sự trợ giúp. Nhưng tôi cũng rõ, là mình phải quyết định như thế và đó là thời điểm đúng. Và rồi người ta cũng đã chấp nhận. Nhiều người mừng, vì giờ đây họ có một giáo tông mới với cung cách mới. Những người khác có thể còn buồn đôi chút, nhưng lúc này đã vui trở lại. Họ hiểu rằng, thời điểm của tôi đã qua và những gì tôi có thể cho thì đã cho.
Quyết định đã tới với Ngài lúc nào?
Có thể nói, trong kì nghỉ hè năm 2012.
Trong tháng tám?
Đâu khoảng đó.
Lúc đó Ngài ở trong tình trạng suy nhược tinh thần?
Không. Không suy nhược tinh thần, nhưng tôi cảm thấy không được khoẻ. Tôi nhận ra, tôi đã phải cố gắng quá sức trong hai chuyến đi Mễ-tây-cơ và Cu-ba vừa rồi. Cả bác sĩ cũng nói: Tôi không được phép bay xuyên đại dương nữa. Theo chương trình, đại hội giới trẻ sắp tới sẽ diễn ra trong năm 2014 tại Rio de Janeiro. Nhưng vì cuộc thế vận hội túc cầu nên đại hội đã phải dời lên trước một năm. Tôi tính phải từ chức làm sao để vị giáo tông kế nhiệm có đủ thời gian chuẩn bị cho việc đi Rio. Do đó quyết định đã chín mùi lần lần sau chuyến đi Mễ-tây-cơ và Cu-ba. Nếu không thì tôi đã có thể cố gắng ở lại cho tới 2014. Nhưng tôi biết, tôi không thể nào nán được cho tới lúc đó.
Làm sao có thể quyết định một chuyện quan trọng như thế mà không nói với ai?
Tôi vẫn chuyện vãn nhiều với Chúa.
Ngài có nói với anh mình không?
Có. Có, nhưng sau này mới nói.
Chỉ tới lúc trước khi thông báo Ngài mới cho bốn người biết quyết định này. Tại sao vậy?
Dĩ nhiên tôi có lí do để làm chuyện đó. Vì khi người ta biết được, thì sứ vụ mình sẽ vỡ vụn, bởi vì mình hết uy quyền. Quan trọng, là mình phải làm sao để đóng trọn vai trò và hoàn thành đầy đủ việc phục vụ của mình cho đến giờ phút chót.
Ngài có sợ ai đó sẽ tìm cách cản ngăn mình?
Không (cười đùa), tôi biết sẽ có người cản, nhưng tôi chẳng sợ, vì đã biết chắc rằng, mình phải làm điều này, và như vậy thì chẳng ai có thể ngăn cản mình được.
Bản văn từ chức được viết lúc nào và do ai?
Do tôi. Lúc này tôi không còn nhớ chính xác là lúc nào nữa, nhưng trễ lắm là đã viết ra trước ngày thông báo quyết định mười bốn ngày.
Tại sao lại viết bằng tiếng La-tinh?
Vì chuyện quan trọng thường được viết bằng tiếng La-tinh. Vả lại, La-tinh là thứ ngôn ngữ tôi nắm vững tới mức có thể viết đúng đắn. Tôi cũng có thể viết bằng tiếng Í, nhưng sợ có thể vấp phải vài lỗi.
Ban đầu Ngài tính từ chức trong tháng 12, nhưng sau lại quyết định vào ngày 11 tháng hai, nhằm vào ngày lễ hội hoá trang, ngày lễ Mẹ hiện ra ở Lộ-đức. Có ý nghĩa biểu tượng nào khi chọn ngày đó không?
Tôi không biết đó là ngày lễ hội hoá trang. Vì thế nó đã gây ra những xáo động ở Đức. Nhưng đó là ngày Mẹ hiện ra ở Lộ-đức. Ngày lễ thánh Bernadette ở Lộ-đức cũng lại gần dịp sinh nhật của tôi. Tôi cho đó là ngày thích hợp cho quyết định của mình.
Như vậy thời điểm đó…
…vâng, nó có một liên hệ nội tâm.
Ngài còn nhớ gì về ngày lịch sử hôm đó? Hẳn là cả đêm đã không ngủ?
Nhưng cũng không đến nỗi xấu. Đối với công luận, dĩ nhiên đó là một bước đi lạ và gây choáng ngợp. Riêng tôi, nhờ đã suy nghĩ chuẩn bị từ lâu, nên đã vượt qua tương đối dễ. Vì thế đó không phải là ngày đặc biệt đau buồn cho tôi.
Và mọi sự đã như bình thường vào ngày hôm sau?
Vâng, có thể nói như thế.
Vẫn những lời cầu nguyện như cũ…
Vẫn những cầu kinh như cũ, nhưng dĩ nhiên có thêm một số lời cầu đặc biệt cho giờ phút đó.
Không thức dậy sớm hơn, không ăn sáng trễ hơn?
Không. Không.
Gần bảy mươi hồng y ngồi trong căn phòng đẹp Sala del Consistoro (phòng mật nghị). Đó là buổi họp để thông báo về một số trường hợp được phong thánh sắp tới. Khi Ngài bước vào phòng, đã chẳng ai nghĩ tới chuyện gì sẽ xẩy ra?
Vâng, chúng tôi đã ấn định với nhau về một vài án phong thánh.
Mọi người kinh ngạc, khi nghe Ngài bắt đầu nói bằng tiếng La-tinh: „Các Hồng Y thân mến, tôi không chỉ mời Anh Em về để thông phần vào việc phong thánh, nhưng tôi còn có điều này quan trọng muốn thông báo với Anh Em.“ Cả phòng họp hồi hộp. Khi nghe Ngài đọc thư từ chức, một vài khuôn mặt trở nên bất động, những người khác hoài nghi, hoang mang, ngỡ ngàng. Chỉ sau khi hồng y niên trưởng Angelo Sodano phát biểu, mọi người mới hiểu ra câu chuyện. Liền đó Ngài có bị chất vấn hay tấn công gì không?
(Cười.) Không thể có chuyện đó xẩy ra. Sau buổi nghị hội, Giáo Tông trịnh trọng bước ra khỏi phòng, và đã không bị ai tấn công. Trong một hoàn cảnh như thế giáo tông là người làm chủ tình thế.
Ngài đã nghĩ gì trong ngày lịch sử đó?
Dĩ nhiên về câu hỏi, thiên hạ sẽ nói gì và tôi sẽ phải ăn nói làm sao? Đó là một ngày buồn trong nhà của tôi. Suốt hôm đó tôi đặc biệt thưa chuyện với Chúa. Ngoài ra chẳng có gì đáng nói.
Trong bản văn từ chức Ngài nói tới lí do không còn sức. Nhưng mất năng lực có là lí do đủ để từ chức không?
Dĩ nhiên người ta có thể trách tôi về điểm này, đây có lẽ là một sự hiểu lầm về chức năng. Người kế vị Phê-rô không chỉ mang trên mình một phận vụ, song người đó phải làm sao để được như ngài. Như vậy, phận vụ chẳng phải là tiêu chuẩn duy nhất. Mặt khác: Giáo tông còn phải làm những việc cụ thể, phải nắm vững toàn bộ tình hình, phải biết cái gì là ưu tiên cần làm, và vân vân. Bắt đầu với việc tiếp các nguyên thủ quốc gia, các giám mục, qua đó mình phải đủ khả năng suy xét để có được những quyết định mỗi ngày. Có người bảo, thì có thể bỏ bớt đi một số công việc đó! Dù vậy, vẫn còn biết bao sự việc quan trọng phải làm, nếu muốn thực thi vai trò cách đúng đắn. Rõ ràng: Nếu khả năng mình không còn đủ để làm những chuyện ấy nữa, thì cũng nên từ chức – đối với tôi thì như vậy, với những người khác có thể khác.
Trong một bài thuyết trình, Ngài có đề cập tới hồng y Reginald Pole (1500-1558). Vị này có lần phát biểu: Chỗ đúng đắn nhất của vị đại diện Chúa Ki-tô là thập giá; nơi ưu quyền giáo tông có một cấu trúc tử đạo.
Câu này thời đó gây chấn động rất mạnh. Tôi đã cho một sinh viên viết luận án về đề tài này. Nó vẫn còn đúng, là vì giáo tông phải là nhân chứng mỗi ngày cho Chúa, phải vác thập giá mỗi ngày và cũng luôn phải sẵn sàng đón nhận Martyria, nghĩa là đón nhận sự đau khổ và những vấn nạn của thế giới. Đấy là một điều gì rất quan trọng. Khi một giáo tông chỉ nhận được tiếng hoan hô mà thôi, thì vị đó phải tự hỏi, mình đã làm gì sai chăng. Là vì ngay từ đầu, khởi đi từ chính đức Ki-tô, thông điệp của Người đã là chuyện điên rồ. Luôn luôn tồn tại mâu thuẫn, và giáo tông luôn vẫn là dấu chỉ của sự mâu thuẫn. Đó là một tiêu chuẩn cho người kế vị tông đồ Phê-rô. Nhưng đây không có nghĩa là người đó phải bị chết chém.
Ngài đã không muốn xuất hiện trước thế giới theo như cung cách của người tiền nhiệm mình?
Người tiền nhiệm đã có một sứ mạng riêng của ngài. Tôi tin chắc là, - sau khi đã xuất hiện với cả một sức mạnh áp đảo, đã gần như vác nhân loại trên vai mình, đã đưa sức lực kinh khủng của mình ra để chịu đau khổ và gánh nặng của thế kỉ, đã loan báo thông điệp của mình - có thể nói nhiệm kì giáo tông của ngài cũng bao hàm một giai đoạn đau đớn và đã có một thông điệp riêng. Thiên hạ cũng nhận thấy như vậy. Người ta chỉ thực sự mến ngài, khi thấy ngài đau đớn. Có mở lòng ra, người ta mới gần gũi được tha nhân. Có như thế điều đó mới có được ý nghĩa triệt để. Tuy nhiên, tôi xác tín rằng, không được tuỳ tiện lập lại điều đó, và rằng sau tám năm làm giáo tông mình chẳng còn đâu thêm tám năm nữa, để xuất hiện như vậy.
Ngài cho hay đã có sự cố vấn – của vị lãnh đạo tối cao của Ngài - trong quyết định từ chức. Chuyện ấy như thế nào?
Mình phải trải các vấn đề ra trước mặt Chúa, thật rõ ràng được chừng nào có thể, và cố gắng không những cân nhắc việc từ chức theo tiêu chuẩn hữu hiệu hoặc các tiêu chuẩn khác, mà còn nhìn vấn đề từ mặt đức tin. Và cũng chính từ mặt này mà tôi đi tới khẳng định, là vai trò giáo tông đòi buộc tôi phải đưa ra những quyết định và những nhận định, nhưng nếu sắp tới đây mình không còn đáp ứng được đòi hỏi này nữa, thì Chúa cũng sẽ chẳng còn buộc mình và có thể nói Người giải thoát gánh nặng cho tôi.
Có bản tin cho rằng, một „biến cố thần bí“ nào đó đã dẫn Ngài tới việc từ chức?
Đó là một hiểu lầm.
Ngài đả thông được với Chúa?
Có, đả thông thật sự.
Ngài có nghĩ rằng nhiệm kì giáo tông của mình đã cạn kiệt sinh lực? Rằng mình không còn là người giải quyết vấn đề, mà lại là đầu mối của vấn đề?
Không, tôi không nghĩ như thế. Tôi ý thức rằng, mình không còn cống hiến được gì nhiều nữa. Nhưng tôi không phải là vấn đề cho Giáo Hội và tôi cũng không nghĩ như thế.
Có phải vì thất vọng với những người cộng sự, vì thiếu sự nâng đỡ?
Cũng không. Vụ Paulo Gabriele là một tai nạn đáng tiếc. Nhưng trước hết, đây không phải là lỗi của tôi. Anh đó được các thẩm cấp xét duyệt và đưa vào vị trí này. Thứ đến, người ta cũng đã phải tính đến những chuyện như thế có thể xẩy ra. Tôi không thấy mình có lỗi gì về chuyện này.
Dù vậy truyền thông í-đại-lợi cho rằng, lí do thật sự của việc từ chức là vụ Vatileaks, trong đó không chỉ việc Paolo Gabriele đánh cắp tài liệu, mà cả những chuyện tài chánh và các âm mưu của giáo triều. Họ bảo, Ngài rốt cuộc đã hốt hoảng trước bản tường trình dày 300 trang của Uỷ Ban Điều Tra và chẳng còn nhìn ra lối thoát nào nữa ngoài việc từ chức.
Điều đó không đúng, hoàn toàn không đúng. Trái lại, toàn bộ mọi chuyện đã được giải quyết. Thời đó tôi có nói – tôi nghĩ là đã nói với Anh – mình không có quyền bỏ đi khi mọi chuyện đang đảo điên, mà chỉ được phép khi bình yên trở lại. Tôi đã có thể từ chức, vì tình hình đã trở lại yên tĩnh. Không có chuyện chịu thua một áp lực nào đó hay trốn chạy trước một việc mà mình không thể cáng đáng nổi nữa.
Một vài tờ báo còn cho đó là một âm mưu và một vụ tống tiền.
Nhảm nhí. Thực ra phải nói vụ Gabriele là một chuyện nhỏ: Không hiểu do đâu một người đã mơ nghĩ rằng, mình phải gây ra một vụ tai tiếng, để giúp thanh tẩy Giáo ộiHo65i

Hội. Nhưng chẳng ai tống tiền tôi cả. Mà tôi cũng chẳng để cho ai tống tiền được mình. Giả như có chuyện đó xẩy ra, thì tôi đã không ra đi, vì không được phép ra đi do áp lực. Cũng không phải vì tôi thất vọng hay vì một chuyện gì khác. Trái lại, cám ơn Chúa, là nhờ trời trong biển lặng trở lại. Nhờ tình hình này tôi có thể an tâm giao tay lái lại cho người kế tiếp.


Có luận cứ bảo rằng, việc từ chức đã làm cho ngai giáo tông bị tục hoá. Nó không còn là một chức vị có một không hai nữa, mà trở thành như bao nhiêu chức vị khác.
Điều đó tôi phải chấp nhận và phải suy nghĩ xem, cái gọi là thuyết phận vụ (Funktionalismus) có bao trùm lên ngai giáo tông hay không. Nhưng nơi các giám mục cũng đã có một bước đi giống như vậy. Trước đây giám mục không được phép từ chức, và đã có một lô giám mục bảo rằng, tôi là „Cha“ nên tôi cứ ở lại đây. Không thể đơn giản từ chức, vì nếu từ chức, thì vai trò giám mục đã bị phận vụ hoá và tục hoá, trở thành một thứ công chức, theo họ quan niệm này không thể áp dụng được cho giám mục. Tôi phải chống lại quan điểm này; theo tôi, một người Cha cũng có thể từ chức. Dĩ nhiên ông không hết làm Cha, nhưng ông trao cái trách nhiệm cụ thể lại cho kẻ khác. Ông vẫn là Cha trong ý nghĩa sâu xa tinh thần với một tương quan và trách nhiệm đặc biệt, nhưng không với các nhiệm vụ thuần tuý. Đó là tình cảnh đã có nơi các giám mục.

Giờ đây mọi người đều hiểu rằng, một mặt giám mục là người mang một sứ mạng bí tích; sứ mạng này vẫn ở với họ về mặt tinh thần, nhưng mặt khác nó không nối họ mãi mãi vào trong một phận vụ. Như vậy, theo tôi, giáo tông cũng không phải là một siêu nhân, chỉ cần sự hiện diện của ông là đủ, mà ông còn phải thi hành các phận vụ. Khi một giáo tông từ chức, trách nhiệm tinh thần mà ông đã nhận lãnh vẫn tiếp tục đi theo ông, nhưng ông không còn phải thi hành phận vụ nữa. Như thế, lần lần ta sẽ hiểu, là sự cao cả của ngôi vị giáo tông vẫn không mất, cho dù tính chất con người nơi vai trò này có thể lộ diện rõ hơn.


Ngay sau khi nghe tuyên bố của Ngài, như thường lệ sau ngày thứ tư lễ tro giáo triều bước vào tĩnh tâm mùa chay. Vấn đề từ chức có được mang ra thảo luận trong dịp này không?
Không, tĩnh tâm là chỗ thinh lặng, lắng nghe, cầu nguyện. Chương trình đề ra một tuần thinh lặng, để mọi người: giám mục, hồng y và nhân viên trong giáo triều có thể chuẩn bị tâm hồn. Gác lại mọi chuyện bên ngoài, để tất cả tâm hồn cùng đối diện với Chúa.

Với tôi, đây là thời gian cảm động và tốt, vì một mặt được sống thu mình trong im lặng, không bị ai quấy rầy, vì không có những buổi gặp gỡ công; tất cả chúng tôi được thoát ra khỏi sự nhộn nhịp và được sống rất gần nhau về mặt nội tâm, vì chúng tôi mỗi ngày bốn lần nghe giảng và cầu nguyện chung với nhau; mặt khác mỗi người cũng có dịp thưa chuyện với Chúa về trách nhiệm riêng của mình.

Như vậy, phải nói chương trình tĩnh tâm rất tốt. Nhìn lại, tôi thấy cuộc tĩnh tâm còn tốt hơn sự mong chờ ban đầu của tôi.
Ngài có hối tiếc việc từ chức?
Không! Không, không. Hàng ngày tôi vẫn thấy đó là quyết định đúng.
Có thể một lúc nào đó lại nghĩ khác…
Không, hoàn toàn không. Tôi đã suy nghĩ và thưa chuyện với Chúa đủ lâu.
một khía cạnh nào đó Ngài đã quên nghĩ tới không. Và sau đó lần lần mới nhận ra?
Không.
Ngài có nghĩ rằng, rồi đây trong tương lai sẽ có những yêu sách đòi một giáo tông đương nhiệm phải từ chức?
Không được phép đầu hàng trước những yêu sách. Vì thế, trong thông báo của tôi, tôi nhấn mạnh, mình hành động trong tự do. Mình không bao giờ được phép bỏ đi, khi hành động đó có nghĩa là một cuộc trốn chạy. Không bao giờ được phép nhượng bộ các áp lực. Mình chỉ được phép ra đi, khi không ai đòi hỏi chuyện này. Đã không ai, không một ai đòi hỏi tôi từ chức cả.
Việc từ chức của Ngài đã như một biến cố sang trang và mở ra cho một lục địa khác; điều đó có làm Ngài ngạc nhiên không?
Trong Giáo Hội thánh mọi chuyện có thể xẩy ra.

Tôi không rời bỏ thập giá“



Sau khi cử hành những nghi lễ phụng vụ cuối cùng với tư cách Giáo Tông và chia tay từ giã Palzzo Apostolico, Ngài cùng nhóm người thân cận – các thư kí Georg Gänswein và Alfred Xuereb cùng bốn nữ tu – trước hết tới tạm trú tại dinh nghỉ hè của các giáo tông ở Castel Gandolfo. Ở đây Ngài có theo dõi cuộc mật nghị bầu giáo tông mới không?
Dĩ nhiên có.
Như thế nào?
Hẳn nhiên chúng tôi không tiếp ai nữa và cũng hoàn toàn không còn liên lạc với thế giới bên ngoài, nhưng chúng tôi theo dõi những gì được chiếu trên truyền hình. Chúng tôi đặc biệt theo dõi buổi tối hôm bầu cử.
Ngài có hình dung như thế nào về người kế nhiệm của mình không?
Không. Hoàn toàn không.
Chẳng có suy nghĩ gì, chẳng có cảm giác nào?
Không. Không.
Thế tại sao khi từ giã giáo triều Ngài dám hứa tuyệt đối vâng lời vị kế nhiệm mình?
Giáo tông là giáo tông, bất kể vị đó là ai.
Dù sao thì trong lần mật nghị năm 2005 Jorge Mario Bergoglio đã là một ứng viên nhiều triển vọng. Có phải thế không?
Tôi không thể nói gì về điểm này (Cười).
Ngài nghĩ gì khi thấy vị kế nhiệm mình xuất hiện trên bao lơn nhà thờ thánh Phê-rô? Và người đó lại bận áo trắng nữa?
Đã đành là chúng tôi đều bận áo trắng. Ngài đã không chịu khoác tấm khăn choàng vai (Mozetta). Điểm này chẳng đánh động tôi chút nào. Nhưng điều làm tôi cảm động, là trước khi xuất hiện trên bao lơn, ngài đã gọi điện thoại cho tôi, nhưng không gặp, vì lúc đó chúng tôi đang ngồi theo dõi truyền hình; rồi ngài cầu nguyện cho tôi, rồi giây phút trầm tư, rồi là sự chân tình ấm áp trong câu chào của ngài, tất cả những thứ đó có thể nói đã như tia điện xẹt vào tim mỗi người. Đã chẳng ai nghĩ ngài được bầu. Dĩ nhiên tôi quen biết ngài, nhưng cũng không nghĩ tới ngài. Vì thế việc ngài được bầu là một ngạc nhiên lớn đối với tôi. Nhưng rồi như một tia lửa tức thì bật sáng, đó là cách ngài cầu nguyện, cách ngài tâm thành nói với con người.
Ngài biết Bergolio khi nào?
Qua thư từ trao đổi và những lần gặp giữa giáo tông với các giám mục địa phương (Ad-limina). Tôi biết ngài là một người rất quả quyết, một người dám nói cách thẳng thắn ở Á-căn-đình. Còn lối cư xử thân mật của ngài đối với con người thì tôi chưa có kinh nghiệm, vì thế nó làm tôi ngạc nhiên.
Ngài đã nghĩ tới các ứng viên khác?
Có, đã nghĩ tới những người khác, nhưng không xác định một người nào cụ thể.
Trong đó có Bergolio?
Không. Tôi đã không nghĩ ngài ở trong nhóm có hi vọng nhiều nhất được bầu.
Mặc dù như đã nói, ngoài Ngài ra, Bergolio là một trong những người có triển vọng trong lần mật nghị trước.
Đúng. Nhưng tôi nghĩ, chuyện đó thuộc vào quá khứ rồi. Chẳng ai còn nghe nói tới ngài nữa.
Ngài mừng về kết quả bầu cử?
Khi nghe xướng tên, tôi chưa rõ lắm. Nhưng khi thấy ngài vừa thưa chuyện với Chúa vừa nói chuyện với con người, tôi vui thật sự. Và sung sướng.
Để xác định lại một lần nữa: Như vậy không phải vì biết trước được người sẽ kế nhiệm mình, nên quyết định từ chức của Ngài đã trở nên dễ dàng hơn?
Không. Đoàn hồng y có sự tự do và năng động riêng của họ. Không thể nói trước được, ai là người sẽ được bầu.
Có nhiều cái mới nơi giáo tông Phan-sinh: Ngài là tu sĩ dòng tên đầu tiên ngồi vào ngai thánh Phê-rô; người đầu tiên lấy tên Phan-sinh. Và nhất là: vị đầu tiên tới từ „thế giới mới“. Điều này ảnh hưởng thế nào trên cấu trúc của Giáo Hội công giáo hoàn vũ?
Điều đó có nghĩa là Giáo Hội vốn uyển chuyển, năng động, không đóng kín và vẫn tiến tới trong những bước đi mới của mình. Giáo Hội không đông đặc trong một mô hình nào đó, nhưng luôn mở ra cho ta những ngạc nhiên bất ngờ. Giáo Hội bao hàm trong nó một động năng giúp mình tự cải tiến. Quả là đẹp và phấn kích, khi được thấy ngay cả trong thời đại chúng ta có những điều bất ngờ xẩy ra và chúng chứng tỏ cho thấy là Giáo Hội sống động và đong đầy những khả năng biến chuyển.

Mặt khác, hi vọng rồi đây Nam Mĩ sẽ đóng một vai trò quan trọng. Đây là lục đại công giáo lớn nhất, đồng thời cũng là miền đất đau khổ và có nhiều vấn đề nhất. Lục địa này quả thật có nhiều giám mục nổi tiếng và, dù lắm đau khổ và nhiều vấn đề, đó là một Giáo Hội đầy năng động. Như thế, qua việc bầu này, có thể nói thời điểm của Nam Mĩ đã tới. Lại nữa vị Giáo Tông mới vừa có gốc Ý lẫn Nam Mĩ, nên trong ngài có sự quyện lẫn của hai thế giới cũ và mới cũng như có sự hợp nhất của lịch sử.


Với giáo tông Phan-sinh, Giáo Hội công giáo hoàn vũ không còn quy hướng về Âu châu nữa, ít ra là vai trò của Âu châu từ nay bị yếu đi.
Rõ ràng Âu châu không còn đương nhiên là trung tâm của Giáo Hội hoàn vũ nữa và Giáo Hội giờ đây phổ quát hơn với sự đồng cân của nhiều đại lục. Âu châu vẫn có trách nhiệm và những nhiệm vụ đặc trưng của nó. Nhưng đức tin của Âu châu đã hao mòn đến độ không còn là xung lực chính cho Giáo Hội hoàn vũ và cho đức tin trong Giáo Hội nữa. Và chúng ta cũng đã thấy, nhờ các yếu tố như yếu tố phi châu, nam mĩ hoặc phi-luật-tân, mà Giáo Hội lại có được nguồn động năng mới; năng lực này thổi gió mát vào một Phương Tây mỏi mệt, xua tan sự mệt mỏi và đánh thức đức tin của nó trở dậy. Khi tôi nghĩ về nước Đức, tôi thấy ở đó cũng có một đức tin sống động và nhiều tâm hồn hăng say phục vụ Chúa và con người. Nhưng mặt khác cũng thấy đây đó sức nặng của nạn bàn giấy, đức tin bị lí thuyết hoá, xã hội bị chính trị hoá và thiếu sinh lực; sinh lực này xem ra nhiều lúc lại gần như bị đè bẹp bởi các cơ cấu quá nặng nề. Trong hoàn cảnh như thế, việc trỗi dậy của các lục địa khác trong Giáo Hội là điều phấn khởi; và Âu châu hi vọng sẽ được tái truyền giáo từ ngoài.
Người ta nói, Thiên Chúa thường sửa lỗi mỗi vị giáo tông qua người kế nhiệm của mình. Giáo tông Phan-sinh sẽ sửa lỗi Ngài về điểm gì?
(Cười.) Đúng, tôi có thể nói, về thái độ ân cần trực tiếp với con người. Tôi nghĩ, đây là điểm mấu chốt. Ngài cũng là một Giáo Tông mang nhiều suy tư. Khi đọc tông thư Evangelii gaudium (Niềm vui Tin Mừng) hoặc khi nghe các bài phỏng vấn, tôi nhận ra ngài là người nhiều suy tư, thao thức với những câu hỏi thời đại. Và đồng thời cũng là một người trực tiếp đến với con người, luôn quen sống giữa con người. Ngài không ở trong dinh Palazzo, mà ở Santa Marta, là có ý muốn quần tụ với con người. Tôi nghĩ rằng, điều này cũng có thể làm được ở trên đó [trên dinh Palazzo], nhưng ngài muốn tạo một dấu nhấn mới. Có thể tôi quả thật đã không sống gần với con người đủ. Và nữa, có thể nói, ngài cũng là người can đảm khi đề cập và tìm cách giải quyết các vấn đề.
Ngài có nghĩ là vị kế nhiệm của mình hơi quá vũ bão, hơi thái quá?
(Cười.) Mỗi người mang một tâm tính khác nhau. Người này có lẽ hơi thiếu cởi mở, người kia có lẽ quá năng động hơn mình tưởng. Nhưng tôi thấy, việc ngài trực tiếp đi tới với người khác, là điều tốt. Dĩ nhiên tôi vẫn tự hỏi, không biết ngài giữ được tới bao lâu. Vì mỗi ngày thứ tư với hai trăm lần bắt tay hoặc hơn cũng đòi hỏi khá nhiều sức lực. Nhưng hãy để cho Chúa lo liệu.
Nghĩa là Ngài không thấy có vấn đề trước cung cách của Phan-sinh?
Không. Trái lại tôi thấy như vậy là tốt.
Tân và cựu Giáo Tông giờ đây ở gần nhau, cách nhau chỉ mấy trăm mét. Nghe nói, Ngài sẵn sàng giúp tân Giáo Tông khi cần. Tân Giáo Tông có hỏi han, nhờ cố vấn gì không?
Thường thì chẳng có cơ hội hỏi han. Ngài có hỏi tôi một vài việc, cả về cuộc phỏng vấn của ngài trên báo Civiltà Cattoloca (3). Dĩ nhiên ngài hỏi thì tôi trả lời. Nhưng nói chung thì tôi mừng, vì thường không bị lôi cuốn vào công việc.
Nghĩa là Ngài cũng không phải là người đầu tiên nhận được tông thư đầu tay – Evangelii gaudium - của giáo tông Phan-sinh?
Không. Nhưng dịp đó ngài đã viết cho tôi một lá thư riêng thật thú vị với nét chữ li ti. Chữ ngài viết còn nhỏ hơn chữ tôi. So với chữ của ngài thì chữ của tôi khá lớn.
Chuyện khó có thể tin được.
Quả thật như vậy. Lá thư rất dễ thương. Như thế tôi đã nhận được bản tông thư cách đặc biệt; nó được đóng bìa trắng, thứ vốn được làm riêng cho giáo tông. Tôi đọc. Bản văn dài, nhưng cũng thật lôi cuốn. Chắc chắn không phải tất cả là của ngài, nhưng trong đó có rất nhiều điểm riêng tư của ngài.
Nhiều nhà bình luận coi tông thư này là một thay đổi lớn về chính sách, đặc biệt về yêu cầu tản quyền trong Giáo Hội. Đọc bản văn, Ngài có nhận ra một cuộc giã từ đường lối trước đây của Ngài không?
Không. Chính tôi cũng luôn mong ước làm sao để các Giáo Hội địa phương thật sống động trong đường lối riêng của mình, chứ đừng nhờ cậy quá nhiều nơi giáo triều. Nhưng điều cũng quan trọng, là tất cả luôn mở ra cho nhau và cùng hướng về vị đại diện thánh Phê-rô; nếu không, dễ xẩy ra chuyện chính trị hoá, quốc gia hoá và những thu hẹp văn hoá. Việc trao đổi giữa Giáo Hội địa phương và Giáo Hội hoàn vũ là điều rất cần thiết. Tôi cũng phải nói, lẽ ra chính những giám mục chống lại tập quyền là người phải đưa ra các đề nghị giải quyết, nhưng tiếc rằng họ đã không làm. Do đó chúng tôi đã luôn phải phụ giúp thêm. Là vì một Giáo Hội địa phương càng tốt đẹp và sống động trong đức tin, nó càng đóng góp nhiều cho toàn thể.

Không phải chỉ có chuyện Giáo Hội hoàn vũ ngự trị trên Giáo Hội địa phương, mà những chuyện của Giáo Hội địa phương cũng là nhân tố quyết định cho toàn thể. Thánh Phao-lô nói, khi một thành phần ở bất cứ nơi đâu đau bệnh, tất cả đều bị đau lây. Chẳng hạn, khi Âu châu mỏi mòn về đức tin, thì đó cũng là nỗi đau cho tất cả - và ngược lại. Khi mê tín hoặc những chuyện gì khác dấy lên trong một Giáo Hội nào đó, chúng luôn tác động lên toàn thể. Như vậy, chung vai cộng tác là điều rất quan trọng. Không có vai trò của người kế vị thánh Phê-rô và không có nỗ lực tạo đoàn kết thì không được. Và không có trách nhiệm của Giáo Hội địa phương thì cũng không được.


Như vậy trong tông thư chẳng có điểm nào cho thấy sự đứt đoạn với chương trình của Ngài?
Không. Dĩ nhiên người ta có thể trích ra đôi chỗ và diễn dịch cách sai lầm rằng, đấy là những chủ trương ngược lại trước đây. Nếu tách ra biệt lập những đoạn, ta có thể cấu trúc thành những mâu thuẫn, nhưng nếu nhìn vào tổng thể thì không có mâu thuẫn. Có thể có những dấu nhấn mới, nhưng mâu thuẫn thì không.
Ngài có hài lòng về thời gian qua của giáo tông Phan-sinh không?
Có. Một làn gió mát thổi vào Giáo Hội, một niềm vui mới, một đặc sủng mới đánh động con người, chỉ chừng đó thôi cũng đã là một cái gì tốt đẹp rồi.
Trong những lời chia tay trên công trường Phê-rô có hai câu thật đặc biệt. Câu đầu trong buổi kinh truyền tin cuối cùng: „Chúa gọi tôi leo lên núi Tabor.“ Câu này có nghĩa gì?
Trước hết, đấy là câu trong bài Tin Mừng hôm đó. Nhưng trong giây phút này Tin Mừng có một ý nghĩa cụ thể đối với tôi. Tin Mừng bảo, giờ đây có thể nói tôi cùng ra đi với Chúa, bước ra khỏi cuộc sống thường ngày để lên một ngọn cao khác, nơi đó tôi sống trực tiếp và thân mật hơn bên Chúa; như vậy, tôi được tách ra khỏi đám đông vẫn có và được đưa vào vòng thân mật đậm đà hơn với Chúa.
Rồi tới nghi lễ phụng vụ cuối cùng của Ngài: thứ tư lễ tro; đấy chẳng phải là thời gian trùng hợp ngẫu nhiên. Nó như thể có nghĩa: Này, tôi muốn đưa các Bạn tới nơi này: thanh tẩy, ăn chay, hối cải.
Buổi lễ đã lên chương trình từ trước. Nhưng trước đó tôi cũng đã nghĩ tới ngày thứ tư lễ tro này. Thêm một thánh lễ lớn nữa mà tôi sẽ được dâng. Lẽ ra lễ sẽ diễn ra ở St. Sabina, vì đó là thánh đường cũ của giám mục giáo phận, nhưng lần này chúng tôi quyết định dời về nhà thờ thánh Phê-rô. Tôi cảm thấy đây như thể là một sự quan phòng của Chúa: buổi phụng vụ cuối cùng mở ra thời gian hối cải và như vậy cũng gắn liền với Momento Mori, sự thương khó của đức Ki-tô – nhưng đồng thời cũng dẫn vào mầu nhiệm phục sinh. Một mặt, thứ bảy tuần thánh là ngày tôi chào đời; mặt khác, thứ tư lễ tro với nhiều ý nghĩa của nó là ngày chấm dứt nhiệm kì phục vụ của tôi; sự kiện xem như thể vừa là một cái gì đó do mình nghĩ ra vừa là điều mình phải chấp hành.
Câu thứ hai được Ngài nhấn mạnh: „Tôi không rời bỏ thập giá.“
Người ta đã nói về tôi đại khái như vầy, ông ấy đã bước xuống khỏi thập giá và đã chọn sự thoải mái cho mình. Đó là lời trách mà tôi cũng đã phải nghĩ đến. Một lời mà tôi đã phải bận tâm, trước khi có quyết định. Tôi khẳng định, đây không phải là một cuộc chạy trốn, càng không phải là do một áp lực cụ thể nào cả. Cũng không phải là một sự trốn tránh tinh thần trước yêu sách của đức tin vốn đòi buộc mình phải bước vào thập giá. Nhưng đây cũng là một cách khác, để được liên kết với sự đau đớn của Chúa, được bước vào âm thầm thinh lặng, được cầu nguyện mãnh liệt hơn cho toàn thể Giáo Hội. Như thế, quyết định của tôi không có nghĩa là chạy trốn, mà là một cách khác, để tiếp tục trung thành với sứ vụ của mình.
Ngài đã không tổ chức lễ chia tay rầm rộ, mà chỉ thông báo trong một buổi tiếp kiến chung.
Nếu tổ chức lễ chia tay, thì mình đã chạy theo thế gian rồi, điểm mà Anh đã nói. Mình phải ở lại trong khuôn khổ của một sứ vụ tinh thần. Trong trường hợp này, phụng vụ thứ tư lễ tro và cuộc gặp gỡ tín hữu trên Công Trường Phê-rô vừa là niềm vui vừa là tĩnh tâm. Ở đây, tâm điểm không phải là thân phận cá nhân của con người này, nhưng ông đại diện cho một Vị khác. Vì thế, điều tuyệt đối đúng, là một lần nữa ta phải gặp gỡ Giáo Hội như một toàn thể, mặt khác là gặp những con người muốn chia tay mình. Và cuộc chia tay này không phải là một lễ hội trần gian, song là một cuộc gặp gỡ lời Chúa và cùng nối kết với nhau trong niềm tin chung.
Và khi chiếc trực thăng chở Ngài cất cánh, người ta có cảm tưởng như trong một màn kịch, ít ra là từ ngoài nhìn vào. Có thể nói, chưa bao giờ có một giáo tông đang sống được bay về trời…
(Giáo Tông cười.)
Ngài nghĩ gì, khi ngồi trên máy bay trực thăng rời Roma?
Tôi rất cảm động. Cuộc chia tay nồng ấm, và các cộng sự (giọng bị ngắt quãng) cũng khóc. Rồi trên Nhà „Pastor Bonus“ có băng chữ lớn: „Cảm ơn, Chúa sẽ trả công“, rồi tiếng chuông nhà thờ (Giáo Tông khóc). Chúng làm tôi quá xúc động. Nhưng khi lênh đênh trên không và nghe tiếng chuông thánh đường ở Roma, tôi biết, là mình có thể nói hai chữ cám ơn và tâm tình chung của mọi người là lòng biết ơn.


tải về 1.13 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương