BỘ TƯ pháp dự thảo báo cáO



tải về 493.65 Kb.
trang3/7
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích493.65 Kb.
#30184
1   2   3   4   5   6   7

1.5. Kết luận và kiến nghị


Đánh giá tác động của các phương án cho thấy việc ban hành Luật TGPL thay thế Luật TGPL 2006 (phương án 1D) có lợi ích đối với người được TGPL, cả ccác cơ quan nhà nước, tổ chức và xã hội. Người được TGPL sẽ được cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất lượng, tránh bỏ lọt đối tượng.

So sánh tác động ảnh hưởng về mặt chi phí - lợi ích giữa phương án ban hành Luật TGPL (sửa đổi) với 03 phương án khác (1A, 1B, 1C) là giữ nguyên thực trạng, không ban hành văn bản mà thực hiện các giải pháp khác hoặc ban hành Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật TGPL mà không ban hành Luật TGPL (sửa đổi), Nhóm nghiên cứu thấy rằng nếu chọn lựa giải pháp có lợi nhất đối với điều kiện ở nước ta hiện nay thì cần thiết ban hành Luật TGPL thay thế Luật TGPL 2006.



2. Vấn đề 2: Về phạm vi điều chỉnh của Dự thảo Luật

2.1. Xác định vấn đề

Luật TGPL 2006 Ngoài việc điều chỉnh hoạt động TGPL do Nhà nước cung cấp (qua việc cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của các Trung tâm và Chi nhánh của Trung tâm), phạm vi điều chỉnh của Luật TGPL 2006 không rõ ràng đối với hoạt động TGPL tự nguyện của các tổ chức xã hội (các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL). Như vậy, phạm vi điều chỉnh của Luật TGPL 2006 là tương đối rộng bao gồm cả Nhà nước và xã hội. Tuy phạm vi điều chỉnh rộng nhưng Mặt khác, Luật TGPL 2006 chưa quy định cụ thể cơ chế quản lý và có chính sách thu hút việc tham gia của các tổ chức xã hội trên cơ sở khả năng, điều kiện của ngân sách Nhà nước nên việc tham gia TGPL của các tổ chức xã hội chưa hiệu quả. Do đó, phạm vi điều chỉnh của Luật TGPL (sửa đổi) cần có sự phân định rõ đặc trưng riêng của hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách với dịch vụ pháp lý tự nguyện, miễn phí được các tổ chức khác thực hiện.



2.2. Thực trạng hiện nay

Luật TGPL 2006 bên cạnh điều chỉnh những hoạt động TGPL do lực lượng của Nhà nước thực hiện, hoạt động TGPL được Nhà nước trả tiền còn điều chỉnh đến hoạt động TGPL của các tổ chức hành nghề luật sư, tổ chức tư vấn pháp luật thuộc các tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị - xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội - nghề nghiệp với tư cách là các tổ chức tham gia TGPL và các tổ chức này không được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Tuy nhiên, vai trò của Nhà nước đối với các tổ chức này mới chỉ dừng lại ở việc đăng ký tham gia TGPL mà chưa quản lý, kiểm soát được hoạt động của các tổ chức này. Hiện toàn quốc có 69 Công ty luật, 294 Văn phòng luật sư, 61 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Tuy nhiên, việc thực hiện TGPL của các tổ chức tham gia TGPL hiệu quả chưa cao, chủ yếu là các vụ việc tư vấn pháp luật đơn giản. Nhiều tổ chức chỉ đăng ký mà chưa thực hiện vụ việc hoặc số lượng ít, một số vụ việc không theo đúng đối tượng TGPL, trình tự, thủ tục theo quy định, thậm chí là không lập hồ sơ vụ việc và chưa được đánh giá chất lượng vụ việc TGPL. Số lượng vụ việc của các tổ chức này nhiều lúc còn chồng lấn, chưa bóc tách được với các vụ việc do cá nhân thành viên tổ chức này thực hiện và được Nhà nước trả tiền khi thực hiện theo cơ chế cộng tác viên TGPL. Bên cạnh đó, Luật TGPL 2006 còn huy động các cá nhân tham gia thực hiện TGPL và được Nhà nước chi trả (dưới hình thức cộng tác viên TGPL) thì có thể kiểm soát được kết quả hoạt động, đối với các lực lượng tham gia thực hiện TGPL không được Nhà nước chi trả kinh phí thì không kiểm soát được kết quả hoạt động.

Luật TGPL 2006 cũng không điều chỉnh hoạt động TGPL theo nghĩa vụ của luật sư. Theo Điều 23 Luật TGPL 2006 thì hoạt động TGPL theo nghĩa vụ của luật sư là một trong những phương thức tham gia TGPL của luật sư, hoạt động này thực hiện theo quy định của pháp luật về luật sư. Tại Điều 31 Luật Luật sư quy định việc thực hiện TGPL của luật sư theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam (8h/năm/luật sư). Trên thực tế việc thực hiện nghĩa vụ TGPL của luật sư còn chưa được thực hiện nghiêm túc theo quy định Luật TGPL về đối tượng được TGPL, hồ sơ giấy tờ… và thường được thực hiện mang tính chất phong trào (ví dụ nhân ngày Luật sư Việt Nam hoặc ngày Pháp luật Việt Nam), do đó hiệu quả chưa cao. Hơn nữa hiện nay chưa có cơ chế kiểm soát hiệu quả hoạt động TGPL theo nghĩa vụ của luật sư.

2.3. Mục tiêu

Phân định rõ đặc trưng riêng của hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách với dịch vụ pháp lý tự nguyện, miễn phí được các tổ chức, cá nhân khác thực hiện.



2.4. Các phương án được lựa chọn

- Phương án 2A: giữ nguyên hiện trạng.

- Phương án 2B: xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) điều chỉnh hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách.

2.5. Tác động của các phương án

2.5.1. Phương án 2A: giữ nguyên hiện trạng

a) Tác động tích cực:

- Bảo đảm tính ổn định của phạm vi điều chỉnh.

- Nhà nước không phải bỏ ra kinh phí trong việc xây dựng văn bản pháp luật khác hoặc sửa đổi, bổ sung văn bản có liên quan.

b) Tác động tiêu cực

- Nếu giữ nguyên phạm vi điều chỉnh như hiện nay thì Nhà nước sẽ không quản lý được các tổ chức đăng ký tham gia TGPL vì các tổ chức này không được Nhà nước cấp kinh phí để thực hiện TGPL. Các tổ chức này tự nguyện đăng ký tham gia thực hiện TGPL nên Nhà nước không thể bắt họ thực hiện TGPL và không kiểm soát được chất lượng TGPL do họ cung cấp.

- Chưa phù hợp với thông lệ quốc tế, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài, Luật TGPL của nhiều nước cũng điều chỉnh về tổ chức, hoạt động và các vấn đề liên quan đến tổ chức TGPL do Nhà nước thành lập hoặc cấp kinh phí mà không điều chỉnh dịch vụ pháp lý thiện nguyện của xã hội (Nam Phi, Ấn Độ, Hàn Quốc, Nhật Bản, Moldova, Lítva, Ai len, Hà Lan...).

2.5.2. Phương án 2B: xây dựng Luật TGPL (sửa đổi) điều chỉnh hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách.

a) Tác động tích cực

- Phân định rõ đặc trưng riêng của hoạt động TGPL do Nhà nước bảo đảm từ nguồn ngân sách. Ngân sách nhà nước hỗ trợ cho các tổ chức, cá nhân thực hiện TGPL. Do đó, các tổ chức tham gia TGPL (tổ chức hành nghề luật sư và các Trung tâm tư vấn pháp luật) nếu đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật TGPL (sửa đổi) sẽ được Nhà nước xem xét, lựa chọn ký hợp đồng thực hiện TGPL và được Nhà nước hỗ trợ kinh phí. Điều này sẽ ràng buộc trách nhiệm của các tổ chức tham gia thực hiện TGPL trong quá trình thực hiện các vụ việc TGPL, góp phần nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

- Việc quản lý nhà nước sẽ minh bạch, rõ ràng vì hiện nay hoạt động TGPL theo nghĩa vụ của luật sư được thực hiện theo quy định của pháp luật về luật sư. Tại Điều 31 Luật Luật sư quy định việc thực hiện TGPL của luật sư theo Điều lệ của Liên đoàn luật sư Việt Nam (8h/năm/luật sư). Việc thực hiện tư vấn pháp luật miễn phí, tự nguyện của các tổ chức, cá nhân sẽ tiếp tục được điều chỉnh tại các văn bản pháp luật liên quan như: Nghị định số 77/2008/NĐ-CP ngày 16/7/2008 của Chính phủ về tư vấn pháp luật; quy chế, điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức. Đồng thời nghiên cứu, xây dựng ban hành văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi văn bản Luật có liên quan điều chỉnh TGPL miễn phí của xã hội. Nhà nước khuyến khích các tổ chức, cá nhân sử dụng kinh phí của mình hoặc nguồn thu hợp pháp khác ngoài ngân sách nhà nước cung cấp dịch vụ pháp lý tự nguyện, miễn phí.

- Phù hợp với thông lệ quốc tế, tham khảo kinh nghiệm nước ngoài về phạm vi điều chỉnh cho thấy, Luật TGPL một số nước cũng chỉ điều chỉnh hoạt động TGPL do nhà nước bảo đảm bằng nguồn ngân sách (như Mỹ, Úc, Nhật, Singapore, Indonesia, Lào, Ailen, Argentina, Nam Phi, Hàn Quốc, Moldova, Ucraina, Malaysia, Ấn Độ, Hà Lan...).

b) Tác động tiêu cực:

- Cơ quan quản lý nhà nước về TGPL phải bố trí thời gian, kinh phí quán triệt, phổ biến quy định mới này của dự thảo Luật đến các đối tượng chịu sự điều chỉnh (việc quán triệt, phổ biến quy định mới này được lồng ghép với việc quán triệt, phổ biến dự án Luật khi được ban hành).

- Phải xây dựng ban hành văn bản pháp luật mới hoặc sửa đổi văn bản Luật có liên quan điều chỉnh TGPL miễn phí của xã hội.



2.6. Kết luận và kiến nghị

Sau khi đánh giá tác động, cân bằng giữa lợi ích và chi phí, nhóm nghiên cứu thấy rằng nếu lựa chọn theo phương án 2B thì đạt được nhiều lợi ích hơn, minh bạch, rõ ràng, hợp lý hơn vì đưa hai loại cơ chế, tính chất khác nhau vào chung một cơ chế điều chỉnh sẽ bất hợp lý. Phương án này không làm hạn chế việc thực hiện các hoạt động cung cấp dịch vụ pháp lý miễn phí của các tổ chức, cá nhân, do đó xét dưới góc độ người dân quyền lợi của họ cũng không bị ảnh hưởng.



3. Vấn đề 3: Tổ chức thực hiện TGPL

3.1. Xác định vấn đề

Một trong những quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng dự án Luật TGPL (sửa đổi) là Nhà nước bảo đảm tính bền vững của công tác TGPL theo hướng kiểm soát chặt chẽ chất lượng dịch vụ TGPL, ngân sách chi cho hoạt động TGPL hiệu quả, bảo đảm đúng mục tiêu. Với thực tế khách quan nêu trên, yêu cầu đặt ra khi nghiên cứu, xây dựng tổ chức thực hiện TGPL là bảo đảm tính độc lập, tinh gọn, hiệu quả, đáp ứng kịp thời, có chất lượng nhu cầu TGPL của người được TGPL.



3.2. Thực trạng hiện nay

Khoản 1 Điều 13 Luật TGPL 2006 quy định các tổ chức thực hiện TGPL là Trung tâm TGPL nhà nước và các tổ chức tham gia TGPL. Điều 14 Luật TGPL quy định Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập và bảo đảm về biên chế, kinh phí hoạt động của Trung tâm. Trung tâm là đơn vị sự nghiệp trực thuộc Sở Tư pháp, có tư cách pháp nhân, có con dấu, trụ sở và tài khoản riêng. Điều 16 Luật TGPL quy định: “Căn cứ vào nhu cầu và điều kiện thực tế của địa phương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương quyết định thành lập Chi nhánh của Trung tâm”. Theo báo cáo 08 năm thi hành Luật TGPL, cả nước có 201 Chi nhánh, trong đó có 51 Chi nhánh có trụ sở riêng. Về tổ chức bộ máy, có 33 Chi nhánh chưa có Trưởng Chi nhánh, 103 Trưởng Chi nhánh chính thức là Trợ giúp viên pháp lý, 8 Trưởng Chi nhánh chính thức chưa là Trợ giúp viên pháp lý, 42 Trưởng Chi nhánh kiêm nhiệm là Trợ giúp viên pháp lý, 15 Trưởng Chi nhánh kiêm nhiệm chưa là Trợ giúp viên pháp lý. Về hoạt động, có 01 Chi nhánh chưa có vụ việc/năm, 5 Chi nhánh dưới 5 vụ việc/năm, 18 Chi nhánh có 5 – 10 vụ việc/năm, 8 Chi nhánh có 10 – 20 vụ việc/năm, và 164 Chi nhánh có trên 20 vụ việc/năm.

Theo khoản 2 Điều 13 Luật TGPL các tổ chức tham gia TGPL là tổ chức hành nghề luật sư và tổ chức tư vấn pháp luật thuộc tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội nghề nghiệp. Các tổ chức này thực hiện TGPL theo Giấy đăng ký tham gia TGPL với Sở Tư pháp nơi đã cấp Giấy đăng ký hoạt động. Tuy nhiên, do Luật TGPL chưa quy định cụ thể chính sách hỗ trợ trên cơ sở khả năng, điều kiện của ngân sách nhà nước nhằm thu hút các tổ chức xã hội, tổ chức hành nghề luật sư, luật sư có kinh nghiệm, uy tín tham gia thực hiện TGPL nên việc huy động các nguồn lực tham gia thực hiện TGPL còn hạn chế. Việc tham gia thực hiện TGPL của các tổ chức này là hoàn toàn tự nguyện. Hiện toàn quốc có 69/1.201 Công ty luật, 294/2.319 Văn phòng luật sư, 61/176 Trung tâm tư vấn pháp luật đăng ký tham gia TGPL. Nhiều địa phương chưa khuyến khích, huy động được tổ chức hành nghề luật sư, tư vấn pháp luật tham gia TGPL3.

Luật TGPL quy định bất kỳ tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật nào cũng được đăng ký thực hiện TGPL mà không quy định điều kiện cho các tổ chức này cũng như không có quy định Nhà nước chi trả kinh phí thực hiện TGPL. Luật cũng chưa có cơ chế vinh danh, miễn giảm thuế tạo điều kiện cho tổ chức hành nghề luật sư, luật sư tham gia thực hiện TGPL, do vậy nhiều luật sư chưa thực sự tâm huyết với dịch vụ TGPL. Toàn quốc có 1.080 luật sư là cộng tác viên. Hiện có 12 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc Trung ương Hội luật gia Việt Nam và 54 Trung tâm tư vấn pháp luật trực thuộc các tỉnh, thành hội, trong đó đa số đều đã đăng ký tham gia TGPL4. Tuy nhiên, hầu hết hoạt động TGPL của các Trung tâm tư vấn pháp luật đều chưa nhận được hỗ trợ từ nguồn ngân sách nhà nước, chủ yếu là hoạt động trên cơ sở tình nguyện của các luật gia và nguồn tài trợ hạn chế từ một số tổ chức nước ngoài.



3.3. Mục tiêu

Đa dạng hóa các tổ chức thực hiện TGPL để cung cấp dịch vụ TGPL kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL khắc phục những hạn chế, bất cập của tổ chức thực hiện TGPL hiện nay.



3.4. Các phương án lựa chọn

- Phương án 3A: giữ nguyên hiện trạng

- Phương án 3B: Tổ chức thực hiện TGPL là Trung tâm TGPL và các tổ chức tham gia TGPL, quy định điều kiện của các tổ chức tham gia TGPL và quy định Nhà nước cấp kinh phí cho các tổ chức này thực hiện TGPL.



3.5. Tác động của từng phương án

3.5.1. Phương án 3A: giữ nguyên hiện trạng.

a) Tác động tích cực

Không có sự xáo trộn trong Trung tâm đang tồn tại, ổn định công chức, viên chức và người lao động làm việc tại các tổ chức TGPL của nhà nước.

b) Tác động tiêu cực

- Không bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL do Luật không quy định điều kiện cũng như quy định bảo đảm chất lượng dịch vụ của các tổ chức tham gia TGPL.

- Chưa có cơ chế, chính sách để thu hút được các tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật có uy tín, kinh nghiệm tham gia thực hiện TGPL.



3.5.2. Phương án 3B: Tổ chức thực hiện TGPL là Trung tâm TGPL và các tổ chức tham gia TGPL, quy định điều kiện của các tổ chức tham gia TGPL để được Nhà nước xem xét, ký hợp đồng thực hiện TGPL và hỗ trợ kinh phí.

a) Tác động tích cực:

- Nâng cao tính chuyên nghiệp của hoạt động TGPL.

- Chuẩn hóa các tổ chức tham gia TGPL nhằm nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

- Thu hút được tổ chức hành nghề luật sư, Trung tâm tư vấn pháp luật có uy tín, kinh nghiệm thực hiện TGPL do có hỗ trợ kinh phí.

- Việc quản lý, theo dõi các tổ chức tham gia TGPL sẽ sát sao, chặt chẽ hơn, đặc biệt là trong việc thanh tra, kiểm tra.

b) Tác động tiêu cực

Phát sinh thêm thủ tục lựa chọn các tổ chức đăng ký tham gia TGPL5, cơ quan quản lý TGPL sẽ phải bố trí thời gian, nhân lực trong việc lựa chọn các tổ chức đăng ký tham gia TGPL.



3.6. Kết luận và kiến nghị

Trên cơ sở so sánh lợi ích và chi phí của các phương án, nhóm nghiên cứu thấy rằng phương án 3B mang lại nhiều lợi ích hơn cho người được TGPL khi được cung cấp dịch vụ TGPL miễn phí mà có chất lượng. Phương án này chỉ thay đổi cơ chế từ việc nhà nước trả kinh phí cho cộng tác viên (cộng tác viên là luật sư, cộng tác viên là tư vấn viên pháp luật, cộng tác viên khác) thực hiện TGPL sang việc nhà nước trả kinh phí cho luật sư làm việc theo hợp đồng cộng tác với Trung tâm TGPL nhà nước và tổ chức tham gia TGPL, không làm phát sinh kinh phí.



4. Về người thực hiện TGPL

4.1. Xác định vấn đề

Chiến lược Cải cách tư pháp đã đặt ra yêu cầu đối với đội ngũ các chức danh tư pháp phải nâng cao một bước về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, kỹ năng nghề nghiệp để giải quyết nhanh chóng, kịp thời, chính xác các vụ việc, bảo đảm quyền dân chủ của công dân.

Một trong những mục tiêu, quan điểm chỉ đạo trong việc xây dựng dự án Luật TGPL (sửa đổi) là bảo đảm chất lượng dịch vụ TGPL theo hướng chuẩn hóa đội ngũ người thực hiện TGPL, nâng cao các điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý; đa dạng hóa nguồn lực thực hiện TGPL bảo đảm các đối tượng được TGPL được giúp đỡ pháp lý khi có nhu cầu. Một trong những giải pháp để thực hiện mục tiêu này là xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL theo hướng chuyên nghiệp hóa để nâng cao chất lượng dịch vụ TGPL.

4.2. Thực trạng hiện nay

Điều 27 Luật TGPL 2006 quy định các hình thức TGPL bao gồm: tham gia tố tụng, đại diện ngoài tố tụng, tư vấn pháp luật và dịch vụ pháp lý khác. Đây cũng là các hình thức cung cấp dịch vụ pháp lý của luật sư (Điều 4 Luật Luật sư quy định dịch vụ pháp lý của luật sư gồm: tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng cho khách hàng và các dịch vụ pháp lý khác). Như vậy, để bảo đảm chất lượng TGPL thì tiêu chuẩn, điều kiện đối với Trợ giúp viên pháp lý phải tương đương với luật sư. Tuy nhiên, quy định về người thực hiện TGPL cũng còn nhiều bất cập, trong đó có sự chênh lệch về tiêu chuẩn, điều kiện giữa người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý, luật sư trong việc tham gia tố tụng, tư vấn pháp luật và các hình thức TGPL khác. Đối với hình thức tư vấn pháp luật còn có sự chênh lệch giữa luật sư, Trợ giúp viên pháp lý, tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên TGPL khác nên chất lượng chưa đáp ứng được yêu cầu. Cụ thể:

+ Đối với Trợ giúp viên pháp lý và luật sư: Luật TGPL chưa quy định về chế độ tập sự và được đào tạo nghề luật sư đối với Trợ giúp viên pháp lý. Trong khi đó, Điều 10 Luật Luật sư quy định thời gian tập sự hành nghề luật sư và đã được đào tạo nghề luật sư là một trong những tiêu chuẩn của luật sư.

+ Luật TGPL quy định người thực hiện TGPL là tư vấn viên pháp luật và cộng tác viên TGPL khác thực hiện TGPL bằng hình thức tư vấn pháp luật, tuy nhiên, tiêu chuẩn, điều kiện của họ chưa có sự thống nhất. Điều 19 Nghị định số 77/2008/NĐ-CP của Chính phủ về tư vấn pháp luật quy định tư vấn viên pháp luật có đủ các tiêu chuẩn: (1) có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, có phẩm chất đạo đức tốt, không phải là người đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã bị kết án mà chưa được xóa án tích; (2) có Bằng cử nhân luật và (3) có thời gian công tác pháp luật từ ba năm trở lên. Đối với cộng tác viên TGPL khác: ngoài các điều kiện về nhân thân, về phẩm chất đạo đức, chỉ cần là người có bằng đại học khác làm việc trong các ngành, nghề có liên quan đến quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân hoặc người thường trú ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, vùng dân tộc thiểu số và miền núi có bằng trung cấp luật hoặc có thời gian làm công tác pháp luật từ ba năm trở lên hoặc có kiến thức pháp luật và có uy tín trong cộng đồng thì được Giám đốc Sở Tư pháp xem xét, công nhận và cấp thẻ cộng tác viên TGPL (khoản 1 Điều 22 Luật TGPL 2006).

Hiện nay, toàn quốc có 572 Trợ giúp viên pháp lý. Đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý ngày càng phát triển về số lượng, nâng cao chất lượng, đóng vai trò chủ chốt ở các địa bàn khó khăn nơi số lượng luật sư chậm phát triển. Trong năm 2015, số vụ việc tham gia tố tụng do Trợ giúp viên pháp lý thực hiện chiếm tỷ lệ lớn trong tổng số vụ việc tham gia tố tụng của Trung tâm TGPL nhà nước. Ví dụ, tỷ lệ này khá cao ở một số địa phương như: Điện Biên (168/173 vụ, tương đương 97%), Gia Lai (344/379 vụ, tương đương 91%), Thừa Thiên Huế (172/235 vụ, tương đương 73,2%); đặc biệt nhiều địa phương đạt tỷ lệ 100% như: Lào Cai (147/147 vụ), Lai Châu (105/105 vụ), Hòa Bình (101/101 vụ), Quảng Trị (67/67 vụ). Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 - 2014 Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 450.084 vụ việc/920.292 vụ (chiếm 49%), trong đó tư vấn pháp luật 432.296 vụ, tham gia tố tụng 13.735 vụ, đại diện ngoài tố tụng 549 vụ, hòa giải 871 vụ và hình thức TGPL khác 2.042 vụ. Năm 2015, Trợ giúp viên pháp lý thực hiện 79.201 vụ việc tư vấn pháp luật, 4.838 vụ việc tham gia tố tụng, 245 vụ việc đại diện ngoài tố tụng, 66 vụ việc hòa giải và 131 vụ việc TGPL theo các hình thức khác.

Luật sư cộng tác viên (1.080 người) chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng số luật sư cả nước (khoảng 10.000 luật sư), phân bổ không đồng đều giữa các địa phương, đảm nhiệm phần lớn việc TGPL tham gia tố tụng nhưng có xu hướng giảm về số lượng, chất lượng ít được cải thiện. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007-2014 luật sư cộng tác viên thực hiện được 37.673 vụ việc tham gia tố tụng. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 4.773 vụ việc. Cộng tác viên khác có số lượng lớn (hơn 9.000 người), chiếm tỉ lệ áp đảo, được tổ chức rộng khắp ở cả 3 cấp tỉnh, huyện, xã, thực hiện TGPL chủ yếu bằng hình thức tư vấn pháp luật, hòa giải và phổ biến, giáo dục pháp luật thông qua TGPL lưu động, sinh hoạt Câu lạc bộ TGPL ở cơ sở. Theo tổng kết 8 năm thi hành Luật TGPL 2006 thì từ năm 2007 -2014 đội ngũ cộng tác viên khác thực hiện được 355.894 vụ việc tư vấn pháp luật. Năm 2015 đội ngũ này thực hiện được 35.551 vụ việc tư vấn pháp luật. Tuy nhiên, phần lớn là các vụ việc tư vấn đơn giản, không lập thành hồ sơ vụ việc.



4.3. Mục tiêu

Chuẩn hóa điều kiện, tiêu chuẩn của đội ngũ người thực hiện TGPL để cung cấp dịch vụ pháp lý kịp thời, có chất lượng cho người được TGPL, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; xây dựng đội ngũ người thực hiện TGPL chuyên nghiệp, độc lập, bị kiểm soát chặt chẽ về chất lượng cung cấp dịch vụ TGPL; đa dạng hóa phương thức huy động luật sư, tư vấn viên pháp luật có nguyện vọng, đáp ứng các điều kiện theo quy định của Luật TGPL (sửa đổi) tham gia thực hiện TGPL.



4.4. Các phương án lựa chọn

- Phương án 4A: giữ nguyên như hiện nay

- Phương án 4B: người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Quy định tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư. Luật sư thực hiện TGPL theo 02 phương thức: (1) theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý TGPL với tổ chức tham gia TGPL và (2) theo hợp đồng cộng tác với Trung tâm.

- Phương án 4C: Người thực hiện theo phương án 4B và bổ sung thêm Tư vấn viên pháp luật.

- Phương án 4D: người thực hiện TGPL theo phương án 4C. Luật sư thực hiện TGPL ngoài 02 phương thức như phương án 4B còn thực hiện TGPL theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn với Trung tâm.

4.5. Tác động của các phương án

4.5.1. Phương án 4A: giữ nguyên như hiện nay

a) Tác động tích cực

- Tránh xáo trộn, tạo tâm lý yên tâm công tác cho đội ngũ Trợ giúp viên pháp lý.

- Bảo đảm tính đồng bộ, thống nhất với các Bộ luật tố tụng. Hiện nay, Bộ luật Tố tụng hình sự đã ghi nhận Trợ giúp viên pháp lý là người bào chữa, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người bị tố giác, bị kiến nghị khởi tố, người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị hại, đương sự (Điều 72, Điều 83 và Điều 84 của Bộ luật Tố tụng hình sự). Ngoài ra, Bộ luật Tố tụng dân sự và Bộ luật Tố tụng Hành chính quy định Trợ giúp viên pháp lý tham gia tố tụng với tư cách người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự. Đây có thể coi là sự ghi nhận của Quốc hội và các cơ quan tiến hành tố tụng về vị trí, vai trò của Trợ giúp viên pháp lý trong quá trình tham gia tố tụng bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người được TGPL.

- Bảo đảm tính chủ động trong việc thực hiện TGPL cho người được TGPL, nhất là tại địa bàn vùng sâu, vùng xa nơi đội ngũ luật sư còn hạn chế.

b) Tác động tiêu cực

Tiêu chuẩn của người thực hiện TGPL chưa toàn diện, Trợ giúp viên pháp lý chưa có đủ tiêu chuẩn ngang bằng với luật sư. Cộng tác viên TGPL khác có trình độ chưa thống nhất.

4.5.2. Phương án 4B: người thực hiện TGPL là Trợ giúp viên pháp lý và luật sư. Quy định tiêu chuẩn của Trợ giúp viên pháp lý tương đương với luật sư. Luật sư thực hiện TGPL theo 02 phương thức: (1) theo hợp đồng giữa cơ quan quản lý TGPL với tổ chức tham gia TGPL và (2) theo hợp đồng thực hiện TGPL với Trung tâm.

a) Tác động tích cực

- Các tác động tích cực của phương án 4A.

- Chuẩn hóa tiêu chuẩn của đội ngũ người thực hiện TGPL, nâng cao chất lượng TGPL.

- Đa dạng hóa phương thức huy động luật sư thực hiện TGPL.

- Tiết kiệm kinh phí cho ngân sách nhà nước. Hiện nay việc thực hiện tư vấn pháp luật do Trợ giúp viên pháp lý và cộng tác viên thực hiện. Nếu giao việc thực hiện tư vấn pháp luật cho Trợ giúp viên pháp lý thực hiện thì Nhà nước sẽ không phải chi trả kinh phí thực hiện hoạt động này.

b) Tác động tiêu cực

- Không còn tư vấn viên pháp luật thực hiện TGPL sẽ thu hẹp đội ngũ người thực hiện TGPL so với hiện nay.

- Không giảm được biên chế trong Trung tâm TGPL; không huy động được luật sư hành nghề theo tư cách cá nhân thực hiện TGPL do đội ngũ này chỉ được ký hợp đồng lao động đối với các cơ quan, tổ chức theo quy định của pháp luật luật sư.

- Không khuyến khích được Trợ giúp viên pháp lý chuyển sang làm luật sư vì việc ký hợp đồng theo vụ việc sẽ không bảo đảm tính ổn định, lâu dài như chức danh Trợ giúp viên pháp lý.




tải về 493.65 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương