An Nam phong tục



tải về 252.53 Kb.
trang1/3
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích252.53 Kb.
#35461
  1   2   3
LỜI GIỚI THIỆU
Hương ước, tục lệ là những điều lệ quy ước của một cộng đồng người sống trong cùng một khu vực đặt ra nhằm điều hoà mối quan hệ giữa cá nhân với cá nhân, giữa cá nhân với tập thể, hoặc giữa tập thể này với tập thể khác.

Sách An Nam phong tục của Cử nhân Đoàn Triển biên soạn khoảng cuối thế kỷ 19 định nghĩa khoán ước:

Dân gian phần nhiều có khoán ước, hương ước, gọi chung là khoán lệ. Đàn ông trong buổi hương ẩm say rượu nói càn và kẻ trộm cắp từ cái măng con gà trở lên đều bị trách phạt, nhẹ thì phạt tiền 1 quan 2 mạch, 3 quan 6 mạch, 7 quan 2 mạch. Nặng thì phạt bắt mổ lợn thết đãi hoặc truất bỏ ngôi thứ trong làng. Đàn bà chửa hoang bị phạt nặng. Kẻ nào làm trái luật pháp phải đến cửa quan xét hỏi mà phiền luỵ đến người khác, thì bao nhiêu phí tổn đều do kẻ gây ra phải chịu. Người nghèo không đủ sức lo liệu thì họ hàng phải chia nhau ra gánh hộ”.

Quan điểm của Cử nhân Đoàn Triển xem xét Hương ước tục lệ từ góc độ xử phạt người vi phạm phong tục tập quán. Đây là một điều khoản quan trọng trong Hương ước, song có thể hiểu Hương ước là những quy tắc sống trong cộng đồng, chẳng hạn như bản Khoán ước của làng Phú Cốc huyện Thường Tín nêu rõ:

Từng nghe, nhà nước có trăm điều pháp luật để làm cho chính sự được ngay ngắn. Làng xã cũng có ước lệ riêng để giúp cho phong tục thêm thuần hậu, mà gốc của một nước chính là ở dân vậy. Làng xã trên thuận dưới hoà, anh em hoà mục, phong tục sẽ dần dần tốt đẹp hơn, tình người sẽ ngày một hoà hợp hơn. Cày ruộng mà ăn uống, đào giếng mà uống nước, mọi người sẽ bước lên cõi xuân đài thọ vực, của lắm người đông, cùng chung sống ấm no hạnh phúc. Do vậy làng ta muốn sửa sang tục cũ cho được thuần hậu.”

Hầu hết các làng xã ở khu vực nông thôn xưa đều có lập ra Hương ước tục lệ riêng cho mình. Đây là những tư liệu văn hoá lịch sử cổ truyền có giá trị nhiều mặt. Hiện nay trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm và kho sách của Viện Thông Tin khoa học xã hội còn lưu giữ được hàng ngàn văn bản Hương ước tục lệ. Ngoài ra trong dân gian làng xã cũng lưu giữ được số lượng văn bản Hương ước tục lệ tương tự như vậy. Riêng ở địa bàn thành phố Hà Nội cũng có đến hàng trăm văn bản. Trong dịp kỷ niệm 1000 năm xây dựng kinh đô Thăng Long – Hà Nội, Tủ sách Thăng Long ngàn năm văn hiến phân công chúng tôi tìm hiểu nghiên cứu, giới thiệu các Hương ước tục lệ hiện đang lưu giữ trên địa bàn Hà Nội và trong các kho sách ở các Thư viện lớn tại Hà Nội. Bước đầu tìm hiểu nghiên cứu, chúng tôi xin trình bày giới thiệu theo các nội dung chính là:

1. TỔNG QUAN VỀ HƯƠNG ƯỚC TỤC LỆ

1.1. Tên gọi

Về tên gọi của loại hình văn bản này có đến hàng chục loại khác nhau như Hương ước, Tục lệ, Khoán lệ, Khoán ước, Điều lệ, Lệ bạ, Ước lệ, Phong tục, Hương lệ v.v. Riêng trong kho sách của Viện Nghiên cứu Hán Nôm cũng có đến hàng chục tên gọi như:

- Điều lệ, có 7 văn bản

Ví dụ:


Điều lệ phường Hồ Khẩu huyện Hoàn Long AF a2/79

Điều lệ xóm Trung Hậu xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/76

Điều lệ giáp Trung Thuận huyện Hoàn Long AF a2/25

- Hương lệ, có 3 văn bản là:



Hương lệ xã Hoa Ngạc huyện Từ Liêm AFa2/61

Hương lệ xã La Khê huyện Từ Liêm AF a2/22

Hương lệ xã Sơn Đồng huyện Hoài Đức AF a2/23

- Khoán bạ, có 1 văn bản là:



Khoán bạ giáp Trung Tả huyện Hoàn Long AF a2/33

- Khoán lệ, có 27 văn bản

Ví dụ:

Khoán lệ giáp Tây huyện Hoàn Long AF a2/30

Khoán lệ phường Kim Mã huyện Hoàn Long AF a2/29

Khoán lệ thôn Kiều Mai huyện Hoàn Long AF a2/55

Khoán lệ trại Nam Đồng huyện Hoàn Long AF a2/28

Khoán lệ xã Cống Xuyên huyện Thượng Phúc phủ Thường Tín AF a2/96

- Khoán ước, có 19 văn bản

Ví dụ:

Khoán ước phường Kim Liên huyện Hoàn Long AF a2/26

Khoán ước Thôn Thổ Quan huyện Hoàn Long AF a2/31

Khoán ước xã Văn Giáp huyện Thường Tín A.2951

- Lệ bạ, có 3 văn bản



Lệ bạ xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/15

Lệ bạ xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/10

Lệ bạ xã Hoa Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/60

- Phong tục, có 38 văn bản

Ví dụ:

Phong tục giáp Bãi Trù xã Cát Ngòi huyện Đan Phượng AF a2/10

Phong tục phường Thượng Cát xã Phượng Cát huyện Từ Liêm AF a2/58

Phong tục sở Quán La huyện Từ Liêm AF a2/59

Phong tục xã Đồng Luân huyện Chương Mỹ AF a2/8

Phong tục vạn Hạ Trì xã Hạ Trì huyện Từ Liêm AF a2/58

Phong tục thôn Tổ xã Thượng Trì huyện Từ Liêm AF a2/58

- Tục lệ, có 531 xã

Ví dụ:

Tục lệ giáp Đoài Nhị xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/67

Tục lệ phường Hà Xá huyện Thạch Thất AF a6/5

Tục lệ thôn Ba Lai huyện Phú Xuyên AF a2/45

Tục lệ xã Yên Vọng huyện Chương Mỹ AF a2/2

- Ước khoán, có 1 văn bản là



Ước khoán xã Đạo Ngạn huyện Chương Mỹ AF a2/7

Do tên gọi Tục lệ phổ biến hơn nên người biên soạn Thư mục sách Hán Nôm đã đặt tên cho mảng thư tịch này là Tục lệ.

Còn ở kho sách của Viện Thông Tin khoa học xã hội đang lưu giữ được hơn 1000 văn bản. Trong đó chủ yếu được mang tên là Hương ước, nên khi đăng ký thư mục, người làm công tác biên mục ở đó đã gọi tên mảng sách này là Hương ước. Gần đây, khi nghiên cứu khai thác các văn bản Hương ước tục lệ, các nhà nghiên cứu khoa học xã hội đã đặt tên cho loại sách này là Hương ước, như:

Hương ước cổ Hà Tây, 1993

Hương ước Hà Tĩnh, 1996

Hương ước Nghệ An, 1998

Hương ước và quản lý làng xã, 1998

Hương ước Thái Bình, 2000

Hương ước Thanh Hoá, 2000

Hương ước vùng đồng bắc Bắc Bộ, 2003

Hương ước Hưng Yên (sắp xuất bản)

Riêng ở tỉnh Lạng Sơn khi giới thiệu mảng sách này lại đặt tên là Tục lệ, như:



Tục lệ Lạng Sơn, 1998

Lần này khi nghiên cứu giới thiệu về phong tục tập quán của các làng xã ở địa bàn Hà Nội, chúng tôi thấy cần gọi tên đầy đủ là:



Tuyển tập Hương ước tục lệ Thăng Long – Hà Nội.

1.2. Quy mô của Hương ước tục lệ

Các điều quy ước của một cộng đồng người trong xã hội Việt Nam xưa thường thấy xảy ra ở hai khu vực, một là trong đơn vị cư dân hoặc hành chính như giáp, thôn, phường, xã, trại, vạn, tổng; hai là trong các tổ chức sinh hoạt có tính chất chuyên ngành như phường làng nghề, hội tư văn.



1.2.1. Hương ước tục lệ ở đơn vị cư dân

- Phe giáp

Phe giáp là đơn vị cư dân nhỏ nhất trong cộng đồng làng xã gồm có số nhân đinh nhất định cùng với làng xã lo các việc tế thần, ma chay, cưới xin. Các cư dân của từng giáp có thể sinh sống cùng trên một địa bàn, song cũng có nơi ở xen kẽ với các giáp khác. Để liên kết gắn bó với nhau, các giáp đều có Hương ước tục lệ qui định rõ rệt.

Ví dụ:

Điều lệ giáp Hoàng Chính xã Đa Sĩ AF a2/79

Tục lệ giáp Đoài Nhị xã Đông Ngạc AF a2/67

Phong tục giáp Bãi Trù xã Cát Ngũ AF a2/10

Đặc biệt trong làng xã còn có một đơn vị giáp có quan hệ gắn bó chặt chẽ với nhau về việc học hành thi cử, đó là giáp Tư văn, còn gọi là Văn giáp, Văn hội. Tiêu chuẩn của những người tham gia hàng giáp là những người có trình độ văn hóa hiểu biết, do vậy Tục lệ hàng giáp do họ chế đặt ra thường rất chặt chẽ (xem bản Văn hội ước ở dưới).



- Thôn xóm

Thôn là đơn vị dân cư nhỏ hơn xã, có khi tương đương với một xóm hoặc một thôn nhỏ thì trực thuộc xã, thôn lớn lại được trực thuộc tổng. Cư dân trong thôn phải sinh sống làm ăn cùng trên một địa bàn. Những người vì lí do nào đó chuyển đổi chỗ ở sẽ phải gia nhập vào thôn khác. Trong cả hai kho sách của Viện Hán Nôm và Viện Thông tin thì các bản Hương ước cấp thôn tương đối phổ biến.

Ví dụ:

Điều lệ thôn Ngọc Khánh huyện Hoàn Long AFa2/103

Phong tục thôn Đống Ba xã Thượng Cát AF a2/59

Khoán lệ thôn Thượng xã Trung Kính AF a2/57

- Phường

Tổ chức phường có thể ở khu đô thị, song cũng có ở khu dân cư trong nông thôn, song có điều là khi ở khu vực nông thôn thì các phường này còn tổ chức nghề phụ, do vậy họ cũng cần có Hương ước tục lệ.

Ví dụ:

Tục lệ phường Cù Sơn tổng Hoàng Xá AF a6/38

Tục lệ phường Thụy An tổng Đông Cao AF a7/16

Điều lệ phường Hồ Khẩu huyện Hoàn Long AF a2/35.

Khoán lệ trại Khương Thượng huyện Hoàn Long AF a2/27

Khoán lệ trại Nam Đồng huyện Hoàn Long AF a2/28

- Làng xã

Xã là đơn vị hành chính cấp thấp nhất. Tục lệ ở làng xã ở đâu cũng có, thường được gọi là lệ làng. Hiện nay trong kho sách của Viện Hán Nôm còn lưu giữ được mấy trăm văn bản Hương ước tục lệ.

Ví dụ:

Điều lệ xã Yên Hòa huyện Hoàn Long AF a2/27

Hương lệ xã Hoa Ngạc huyện Từ Liêm AF a2/61

Khoán lệ xã Kim Quan huyện Thạch Thất AF a6/17

- Tổng

Tổng là đơn vị cư dân lớn hơn xã. Các bản Hương ước tục lệ hàng tổng chủ yếu qui định về tập tục thờ cúng tế lễ, ví dụ:

Khoán ước tổng Đại Phùng A. 2875
1.2.2 Hương ước tục lệ ở làng nghề

Các làng nghề trong Việt Nam xưa chủ yếu là nghề thủ công xã hội như làm mây tre, kim hoàn, nồi đất, đồ gốm sứ. Các làng nghề này đều có Hương ước tục lệ.

Ví dụ:

Khoán lệ phường Kim Mã huyện Hoàn Long AF a2/29

Kim Ngân đình thị lệ (Văn bản lưu giữ ở đình Kim Ngân phố Hàng Bạc)

Điều lệ phường Long Đằng xã Đông Ngạc AF a2/79

Ngoài các phường dùng nghề ra, trong kho sách của Viện nghiên cứu Hán Nôm còn lưu giữ một số bản Tục lệ của các vạn chài, phường thủy cơ.

Ví dụ:

Tục lệ phường Thủy Cơ xã Thịnh Đức huyện Phú Xuyên AF a2/44

Phong tục vạn Hạ Trì huyện Từ Liêm AF a2/58.

1.3. Lịch sử Hương ước tục lệ

Các điều khoán Hương ước tục lệ do con người đặt ra. Một khi con người sống tụ hợp thành làng xã, bắt buộc phải đặt ra các điều lệ để ràng buộc lẫn nhau khuyến khích động viên nhau làm việc. Chắc chắn là lúc đầu các qui ước này chỉ là truyền miệng, sau đó mới cố định thành văn bản. Hiện nay các văn bản Hương ước tục lệ còn lại mới tìm thấy các văn bản có sớm nhất xuất hiện vào thời Hồng Đức (1470-1496) thời Lê Thánh Tông, chứng cứ gồm:



Một là, sách Đại Phùng tổng khoán ước, kí hiệu A.2875 soạn năm Chính Hòa thứ 5 (1684) đời Lê Hi Tông đã chép lại một số điều ước cũ soạn vào năm Hồng Đức thứ 6 (1475).

Nguyên là vào năm Hồng Đức thứ 6 (1475) toàn tổng họp giao cho các xã thôn chia đều địa giới, nhưng vẫn theo như một ấp. Nếu có việc gì xảy ra thì cùng bảo vệ giúp đỡ nhau để tỏ rõ nghĩa tình. Thôn ấp cùng ruộng hỗ canh hỗn cư, cùngl àm cùng ở không có phân biệt. Nhà cửa ruộng hoa màu chỗ nào cũng phải giữ gìn nghiêm ngặt, đề phòng kẻ gian bên ngoài xâm nhập. Lại vào những lúc mùa mang thu hoạch, tổng mục và khán thủ các xã thôn dựng điếm tuần tra, cho đến khi xong công việc, không để sót một lượm lúa nào, giúp dân được trông cậy. Nếu xã thôn nào canh phòng sơ sài để thất thoát thì phạt viên khán thủ ấy một quan tiền cổ để giữ nghiêm việc ruộng đồng



Hai là, bia đá Trăn Tân từ lệ bi kí, ở xã Phúc Thọ huyện Lương Tài tỉnh Bắc Ninh, dựng năm Hồng Đức thứ 18 (1484) qui định tục lệ tế lễ giữa 9 xã trong huyện gồm:

Xã Phúc thọ (xã có đền Trăn Tân).

Xã Quảng Nạp

Xã Lĩnh Mai

Xã Quảng Bố

Xã Hạo Bố

Xã Đỗ Xá

Xã Phú Nẫm

Xã Quỳnh Bội

Xã Đức Lâm.

Bia từ lệ nay qui định hai lệ gồm 9 điều:

- Lệ lập hội Hương hỏa, có 6 điều:



Điều 1, qui định các xã luân lưu cầm cờ rước hội

Điều 2, qui định việc tu sửa đền

Điều 3, qui định việc đóng góp tiền gạo

Điều 4, qui định việc đi rước

Điều 5, qui định việc phân chia lỗ phần

Điều 6, qui định việc cấm không vi phạm.

- Lệ đón rước, gồm 3 điều:



Điều 1, qui định ngày rước cho từng xã

Ngày 6 tháng 4, xã Phúc Thọ

Ngày 7 tháng 4, xã Quảng Nạp

Ngày 8 tháng 4, xã Lĩnh Mai, xã Quảng Bí.



Điều 2, qui định vị trí kiệu rước của các xã:

Kiệu xã Phúc Thọ đặt ở trên

Kiệu xã Lĩnh Mai đặt ở dưới

Kiệu xã Quảng Bố đặt ở phía sau.



Điều 3, qui định việc viết văn tế, đọc văn tế

Ba là, do các khoán ước làng xã đặt ra nhiều quá, thậm chí còn một số địa phương đặt ra tư ước vi phạm đến điều luật của quốc gia, do vậy nhà nước đã ban hành chỉ dụ để nhắc nhở. Sách Hồng Đức thiện chính thư ghi lại điều luật do vua Thánh Tông ban hành ngày 20 tháng 4 năm 1476 chỉ rõ:

Nhà nước đặt ra điều luật để mọi người căn cứ vào đó mà thi hành giúp cho nhân dân cả nước an khang thịnh đạt, do vậy không nhất thiết phải đặt ra khoán ước riêng. Nếu như trong dân gian muốn ngăn ngừa các tệ nan, khuyên răn người ta cải tà qui chính, vứt bỏ các thói xấu mà đặt ra khoán ước riêng thì phài nhờ cậy những người có đức hạnh, có học thức thì khoán ước đó mới được ban bố cho thi hành. Đồng thời khoán ước đặt ra đó phải trình lên trên xem xét lại các điều khoản ấy có hợp với tập tục hay không thì mới cho phép thi hành.



Nếu thấy trong khoán ước có ý đặt ra để mưu lợi riêng tư thì phải bác bỏ để tránh nảy sinh mưu kế tà gian. Trường hợp người nào lén lút đặt ra tư ước riêng thì cho phép dân xã tố cáo lên để trị tội nhằm gạt bỏ tục xấu.”

Rõ ràng là Hương ước tục lệ có từ thời Lê Sơ, trải qua các thời Mạc, Lê Trịnh, Tây Sơn, Nguyễn thì Hương ước không ngừng phát triển, các điều khoản ngày một chặt chẽ hợp lí hơn. Các điều khoản trong khoán ước tục lệ không phải đều đặt ra ngay trong một lúc mà trong suốt tiến trình lịch sử của mình, cộng đồng cư dân làng xã luôn sửa đổi thêm bớt, giúp cho các Hương ước tục lệ phù hợp hơn. Chẳng hạn như ở làng Dương Liễu huyện Hoài Đức, trong khoảng thời gian hơn 100 năm đã có đến 9 lần đặt thêm điều khoản Hương ước, như:

- Khoán ước lập ngày 10 tháng 7 năm Cảnh Trị thứ 4 (1666), gồm 7 điều.

- Khoán ước lập ngày 20 tháng 8 năm Cảnh Trị thứ 6 (1668)

- Khoán ước lập ngày 19 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670)

- Khoán ước lập ngày 20 tháng 3 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670)

- Khoán ước lập ngày 18 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 12 (1691)

- Khoán ước lập ngày 21 tháng 1 năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739)

- Khoán ước lập ngày 1 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 10 (1789) gồm 23 điều.

- Khoán ước lập ngày 19 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) gồm 1 điều.

- Khoán ước lập ngày mồng 8 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) gồm 1 điều.

- Khoán ước lập ngày 20 tháng 2 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) gồm 8 điều.

Đến đầu thế kỉ 20, chính quyền nhà nước còn đề ra chủ trương lập Hương ước cải lương. Đa phần các bản Hương ước này viết theo mẫu đưa từ trên xuống. Có nơi viết bằng chữ Hán, có nơi viết bằng chữ Nôm, lại có nơi viết bằng chữ quốc ngữ mới.

Gần đây trong các làng xã nông thôn có phong trào xây dựng làng văn hóa, do vậy đã đặt ra qui ước làng văn hóa. Nhìn chung các bản qui ước này khi đặt ra có tham khảo thêm các bản Hương ước cổ truyền. Điều đó cho thấy Hương ước tục lệ là sản phẩm văn hóa của người xưa sẽ còn tồn tại mãi.

2. CÁC DẠNG THỨC TỒN TẠI CỦA HƯƠNG ƯỚC TỤC LỆ

Văn bản Hương ước tục lệ thường gặp bao gồm các loại sách viết tay, ván khắc gỗ, bia đá, sách đồng. Hiện nay số văn bản Hương ước tục lệ được sưu tầm lưu giữ ở các thư viện lớn ở trung ương và địa phương các tỉnh, ngoài ra còn một số đang lưu giữ ở ngày các làng xã.



2.1. Sách đồng

Sách đồng liên quan đến Hương ước tục lệ trong cả nước còn lại hơn mười cuốn, chủ yếu là ở các tỉnh phía bắc như Phú Thọ, Vĩnh Yên, Bắc Giang. Ở khu vực Hà Nội chúng tôi mới phát hiện có một văn bản. Đó là cuốn sách đồng để tại đình làng Đông Lao xã Đông La huyện Hoài Đức. Sách gồm 16 lá đồng xâu chuỗi lại. Nội dung ghi lại các điều ước giữa dân làng Đông Lao và danh tướng Nguyễn Công Triều (xem phần dịch ở dưới).



2.2. Bia đá

Bia đá ghi lại các bản Hương ước tục lệ tương đối phổ biến. Hiện trên địa bàn Hà Nội chúng tôi đã điều tra tìm thấy có 82 văn bia Hương ước. Đặc biệt là các bản Hương ước cải lương mới lập hồi đầu thế kỉ 20 hiện nay còn lại khá nhiều như Hương ước cải lương ở thôn Cáo Đỉnh xã Xuân Đỉnh lập năm Duy Tân thứ 5 (1912) gồm 106 điều. Các bản Hương ước cổ chủ yếu là qui định về việc thờ phụng tế lễ, ví dụ

- Lập khoán ước tự sự bi kí (Bia ghi lại việc lập khoán ước thờ phụng) ở xã Gia Quất huyện Gia Lâm, nay thuộc quận Long Biên. Bia dựng năm Cảnh Trị thứ 6 (1671), gồm 6 điều qui định việc thờ cúng Hậu thần Trần Văn Huệ và vợ là Hoàng Diệu Hương.

- Hữu Đạo thôn ước thệ văn bia ghi lại 37 điều ước thệ của thôn Hữu Đạo xã Tiên Phương lập năm Thành Thái thứ 6 (1894). Bia ước thệ này hiện vẫn còn giữ được để ở cửa đình thôn Hữu Đạo. Nội dung các điều ước thệ chủ yếu là cấm răn người dân làm việc sai trái, do vậy văn bia còn ghi rõ nghi thức thề thốt với thần linh:

Nay cho dựng bia ở bên trái cửa đình, san khắc các điều ước thệ để truyền lại cho con cháu đời sau, dùng đấy làm gương. Hàng năm đến kì vào đám tháng giêng mùa xuân và ngày rằm tháng bảy, toàn dân sắm sửa hương hoa lễ vật đem đến đặt trước bia theo đúng nghi thức, mọi người cùng đến thề nguyện. Kẻ nào trốn tránh thì quỉ thần tru diệt, do vậy không thể không thận trọng.



2.3. Sách viết tay

Các văn bản Hương ước tục lệ chủ yếu viết bằng chữ Hán và chữ Nôm. Trước khi có Hương ước cải lương thì các điều khoản trong Hương ước tục lệ chủ yếu làm lẻ tẻ theo từng giai đoạn. Sau này mới xâu chuỗi lại thành một bản hoàn chỉnh. Có bản Hương ước chỉ qui định về một điều khoản mà thôi. Đến khi có Hương ước cải lương do nhà nước ban hành thì nội dung tương đối chi tiết đầy đủ. Chẳng hạn như bản Hương ước của xã Duyên Trường ở xã Duyên Thái huyện Thường Tín lập đầu thế kỉ 20 đã là bản Hương ước sớm hoàn chỉnh. Nội dung cụ thể gồm 2 phần:



Phần 1, Nói về chính trị, gồm 25 điều:

- Điều 1, Việc tổ chức hội đồng giáp biểu

- Điều 2, Việc bầu lí trưởng, chưởng bạ

- Điều 3, Việc chi lương cả năm cho các chức dịch.

- Điều 4, Quân cấp công điền, tự điền

- Điều 5, Việc bổ sưu thuế

- Điều 6, Việc cắt tuần trông nom mùa màng

- Điều 7, Việc bắt trai tráng đi lao dịch

- Điều 8, Việc bắt lính

- Điều 9, Việc đê đường

- Điều 10, Việc cứu chữa

- Điều 11, Việc kiện cáo

- Điều 12, Việc sinh tử giá thú

- Điều 13, Việc trình báo

- Điều 14,Việc ngụ cư

- Điều 15, Việc cứu hỏa

- Điều 16, Việc chôn cất nhờ

- Điều 17, Việc trộm cướp

- Điều 18, Việc cờ bạc, rượu lậu, thuốc phiện

- Điều 19, Việc gian dâm

- Điều 20, Việc lễ phép

- Điều 21, Việc hiếu đễ

- Điều 22, Việc liêm xỉ

- Điều 23, Việc vệ sinh

- Điều 24, Việc phòng bị truyền nhiễm

- Điều 25, Việc chiếm trộm ruộng đất của công.

Phần 2: Nói về phong tục, gồm 15 điều

- Điều 26, Việc thờ thần

- Điều 27, Việc tế tự

- Điều 28, Việc bầu chủ tế giữ tế khí

- Điều 29, Việc khao vọng

- Điều 30, Việc vọng vào tư văn

- Điều 31, Việc viết văn và rước văn

- Điều 32, Việc mục tuần điếm

- Điều 33, Thứ vị tại đình trung

- Điều 34, việc đi mừng

- Điều 35, Việc kính biếu

- Điều 36, Việc cheo cưới

- Điều 37, Việc tang ma

- Điều 38, Việc đi rước

- Điều 39, Việc canh phòng trong những ngày hội

- Điều 40, Việc tu lý đình cũ, cầu cống.

Nhiều bản Hương ước có đến trên một trăm điều khoản, qui định rất chặt chẽ về qui tắc sống. Trước khi có Hương ước cải lương, trong các làng xã Việt Nam đều thấy lập Hương ước tục lệ viết thành sách. Khuôn khổ của các sách Hương ước tục lệ vùng thường là nhỏ bé về kích cỡ, mỏng về số trang. Bởi lẽ lời lẽ của Hương ước thường là ngắn gọn, chặt chẽ. Thứ tự các điều mục trong các sách Hương ước cổ khác hẳn với Hương ước cải lương. Mở đầu thường là các điều khoản về thờ phụng thần linh, tiếp đến mới là các điều khoản về dân sinh, như lao động sản xuất, phong tục tập quán. Chẳng hạn như bản Khoán ước của làng Mậu Lương huyện Thanh Oai (nay thuộc phường Kiến Hưng quận Hà Đông) lập năm Minh Mệnh thứ 7 (1826) viết bằng chữ Hán, gồm 15 điều khoản là:

Điều 1, Lệ tăng thêm lễ ở đền Đô Hồ và đền Ao Phủ

Điều 2, Lệ thu tiền xướng ca

Điều 3, Lệ tuần phòng ban đêm vào ngày đón rước thờ phụng đức thánh và tổ chức xướng ca.

Điều 4, Lệ phân chia coi giữ các đồ thờ phụng

Điều 5, Lệ kén chọn hạng trung nam vào dịp rước thành hoàng làng hàng năm.

Điều 6, Lệ ưu đãi người già

Điều 7, Lệ cưới xin nộp tiền lan giai

Điều 8, Lệ ngăn cấm trộm cướp

Điều 9, Lệ thưởng cho người đánh bắt trộm cướp

Điều 10, Lệ cứu hỏa

Điều 11, Lệ giới cấm đồng điền

Điểu 12, Lệ chia giữ đê khuyến nông

Điều 13, Lệ cỗ bàn tang gia

Điều 14, Lệ trợ giúp cho tang gia

Điều 15, Lệ làm lễ dâng xôi.

3. TỔ CHỨC XÂY DỰNG VÀ PHỔ BIẾN HƯƠNG ƯỚC TỤC LỆ



3.1. Lí do xây dựng Hương ước tục lệ

Hương ước tục lệ là những qui tắc sống do cộng đồng làng xã xây dựng ra. Trong cuộc sống hàng ngày từ lao động sản xuất đến các sinh hoạt văn hóa tập tục, đã không ngừng phát sinh ra các mâu thuẫn, do vậy cần phải có các nguyên tắc điều lệ, do đó phải định ra Hương ước tục lệ. Chẳng hạn như Khoán lệ xã Hòa Tranh huyện Ứng Hòa ghi:

"Thường nghe, triều đình có qui chế thống nhất của triều đình, qui chế mà đúng mực thì làm việc gì cũng tốt đẹp, làng xóm có qui định của làng xóm, qui định mà ngay ngắn thì mọi người đều tuân theo. Nay toàn dân trong làng ta muốn tìm lại phong tục thuần hậu thời xưa và gạt bỏ những thái tu thô bỉ, nên đã xem xét bổ sung đặt ra các điều lệ."

Hương ước tục lệ sẽ là thước đo, là tiêu chuẩn của công lí, do vậy các làng xã đều muốn xây dựng hương ước để điều chỉnh kỉ cương, để giữ gìn thuần phong mĩ tục. Đó cũng là mục đích chính của việc lập Hương ước mà các làng đặt ra:

'' Triều đình có phép tắc để chấn chỉnh kỉ cương, làng xã có ước lệ để giữ gìn phong tục. Cốt lõi của luân thường đạo lí là ở dân làng. Dân làng có tục tốt trên dưới thuận hòa, anh em bè bạn gắn bó thân thiết. Ở khắp mọi nơi dân chúng vui ca cày ruộng lấy thóc mà ăn, đào nước lấy giếng mà uống, văn nghiệp ngày một rực rỡ, dân đinh ngày một đông đúc, của cải ngày một dồi dào, cuộc sống hạnh phúc, cơm no áo ấm, do vậy mọi người cùng muốn xây dựng điều ước để giúp cho nếp sống thuần hậu hơn."

(Hương ước xã Phú Cốc, Thường Tín).

Ở các phố phường làm nghề thủ công hoặc buôn bán thì nhu cầu đòi hỏi có Hương ước càng tỏ ra bức xúc hơn. Bởi ở phố phường mật độ cư dân đông đúc hơn, các va chạm trong cuộc sống thường nhật xảy ra nhiều hơn, nên rất cần có ước lệ:

"Thường nghe, triều đình có phép tắc của triều đình, làng xã có điều lệ của làng xã, huống hồ phố ta vốn có nghề riêng trở thành của báu của quốc gia, nếu không có khoán lệ để ràng buộc thì lấy gì để cố kết lòng người. Do vậy tham khảo châm chước các điều lệ cổ xưa mà định đặt ra điều lệ mới."

(Ước lệ chợ đình Kim Ngân).

Có trường hợp khoán ước đặt ra chỉ vì một nguyên nhân cụ thể gây ra bức xúc cần có điều lệ để giải quyết. Chẳng hạn như ở làng Phúc Lý huyện Từ Liêm, vào cuối thế kỉ 18, quân đội nhà Lê cũ ở phía bắc đang tập hợp lực lượng chống lại triều đình Tây Sơn, do đó giặc giã nổi lên khắp nơi. Làng Phúc Đam nằm ở khu vực đó, nên đến ngày 28 tháng 12 năm Cảnh Thịnh thứ 4 (1796) gần nguyên đán các quan viên chức mục trong làng liền hội họp định ngay ra điều ước bảo vệ xóm làng:

"Các quan viên chức mục, thôn trưởng xã Phúc Đam huyện Từ Liêm cùng lập văn tự ký hệ. Duyên do là thời gian này trong xã thường xuyên xảy ra cướp bóc tước đoạt, vì thế mọi người trong xã hội họp đặt ra điều lệ giao cho khán thư, tuần phu ra sức canh phòng và đặt điếm tuần ở các xóm. Mỗi làng phải chọn ra một viên cán đương đốc thúc dân phu làng mình cho cẩn thận. Trường hợp một làng có báo động, thì cán đương các làng khác nghe thấy tiếng mõ liên hồi thì phải dẫn dân phu làng mình mang theo gậy gộc và đuốc sáng đến ứng cứu, tùy nghi truy đuổi. Ai có năng lực bắt được giặc cướp, thì cứ tính đầu tên cướp bắt được mà thưởng, bắt được 1 tên thưởng 3 quan tiền cổ. Người nào bị thương nhẹ thì mỗi vết thương cấp cho 1 quan tiền cổ. Hoặc là người nào không may bị chết thì làng cấp cho tiền chôn cất là 30 quan tiền cổ, lại cho một người con trai của người đó được làm nhiêu nam để khuyến khích. Trường hợp nào coi thường chậm đến ứng cứu hoặc không ra chỗ truy bắt thì phạt làng đó tiền rượu giá 1 quan 2 mạch tiền cổ."

Có khi Hương ước tục lệ là văn bản cố định lại những tục lệ đặt ra từ trước, song chỉ là khẩu truyền, nhưng do quá trình thi hành có nhiều sai sót gây ra tranh cãi làm ảnh hưởng đến tình cảm xóm làng. Chẳng hạn như ở xã Tường Phiêu huyện Thạch Thất (nay thuộc xã Tích Giang huyện Phúc Thọ) đã đặt ra 12 điều ước canh phòng giữ làng xã và đồng điền, từ thượng cổ, song phải đến năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764) mới họp bàn cố định thành văn bản:

"Quan viên sắc mục xã khán chức dịch và đồng dân xã Tường Phiêu huyện Thạch Thất phủ Quốc Oai hội họp ở đình bàn việc cắt cử người tuần phòng trong xã, các điều khoản này đã từng khẩu truyền xin kê khai ra dưới đây".

Có nhiều làng xã tổ chức soạn thảo lại Hương ước tục lệ chỉ vì một lí do hết sức đơn giản là sách để lâu dùng nhiều nên bị rách nát. Do mất chữ mất trang, nếu không ghi lại, chẳng hạn như khoán lệ của xã Hạ Hội huyện Từ Liêm (nay là xã Tân Hội huyện Đan phương) vốn có khoán lệ từ cổ song do bị rách nát nên đến ngày mồng 2 tháng 9 năm Tự Đức thứ 11 (1858) dân làng mới soạn lại:

"Quan viên, kì mục, chức dịch, trưởng thôn và toàn thể dân làng Hạ Hội bàn việc biên soạn lại khoán lệ. Duyên do là văn bản ghi chép các điều qui định trong khoán lệ của làng bị nát làm thất thất nhiều chữ, nên dân làng tổ chức hội họp ở đình xem xét lại các điều lệ cũ để định đặt ra điều lệ mới dùng làm mực thước cho muôn đời sau. Đồng thời lại cho viết thành hai bản. Một bản giao cho các quan viên giữ để thi hành. Một bản bỏ vào tráp gỗ cất giữ ở đình. Hàng năm vào ngày bàn giao sổ sách thì viên đương cai trong năm đem ra đọc tại đình, mãi mãi giữ làm lệ."

Rõ ràng là Hương ước tục lệ của các làng xã thời xưa không thể chỉ lập ra một lần là cố định mãi. Bởi lẽ xã hội luôn luôn có biến động, đời sống của cư dân cũng có những thay đổi thường xuyên như đất đai được mở rộng, dân số gia tăng, do vậy các điều ước cần được bổ sung và thay đổi cho phù hợp với tình hình mới. Chúng ta có thể kiểm chứng nhận định này qua việc khảo sát các bản khoán ước lập ra ở làng Dương Liễu đã nhắc đến ở phần trên.

Trong khoảng trên 100 năm từ năm 1666 đến năm 1800, làng Dương Liễu đã xây dựng 12 bản khoán ước qui định 98 điều khoản về dân sự trong làng.

Lần thứ nhất lập ngày 10 tháng 7 năm Cảnh Trị thứ 6 (1666) đời Lê Gia Tông, gồm 7 điều về dân sự, không thấy nêu lý do soạn thảo.

Lần thứ hai lập ngày 20 tháng 8 năm Cảnh Trị thứ 6 (1668) đời Lê Gia Tông gồm có 4 điều qui định về ngôi thứ trong đình và việc tuyển người đi lính. Lần này cũng không thấy nêu lý do soạn thảo.

Lần thứ ba lập ngày 19 tháng 2 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670) đời Lê Gia Tông, gồm có 4 điều, qui định việc xử phạt những người bỏ bê việc quan. Lần này cũng không thấy nêu lý do soạn thảo.

Lần thứ tư lập ngày 20 tháng 3 năm Cảnh Trị thứ 8 (1670), qui định 9 điều, đề cập đến nhiều lĩnh vực của đời sống làng xã. Như vậy chỉ là đúng tháng sau khi lập Hương ước lần thứ ba, thì dân làng Dương Liễu lại tổ chức soạn thảo lại khoán ước và dĩ nhiên lần này đã nêu ra lý do cụ thể.

"Các vị xã trưởng, thôn trưởng, quan viên làng Dương Liễu và mọi người trên dưới họp bàn lập khoán ước.



Từng nghe nước có chính lệnh, dân có tư ước. Xã ta trước đây đã có khoán ước, nay thấy còn nhiều điều xa hoa phiền toái, nên phải sửa đổi, do vậy lập ra khoán ước gồm các điều khoản kê khai ra dưới đây."

Lần thứ năm, lập ngày 18 tháng 10 năm Chính Hòa thứ 12 (1691) đời Lê Hi Tông, gồm có 15 điều. Lí do lập khoán ước là vì vấn đề đất đai đồng điền:

"Nguyên do vì số đất công ở bãi ngoài của xã ta trước đây cho thuê cày cấy, người nhiều người ít không đều nhau, hơn nữa do tục cũ quá phiền nhiễu nay các quan viên và mọi người trên dưới họp bàn chiếu theo số ruộng mà chia đều cho các người nhận cày cấy, nên soạn lại khoán ước."



Lần thứ sáu, lập ngày 21 tháng giêng năm Vĩnh Hựu thứ 5 (1739) đời Lê Ý Tông gồm 18 điều. Lần soạn thảo này vẫn nêu lí do là khoán ước cũ có phần phức tạp rắc rối, cần được sửa lại:

"Quan viên xã thôn trưởng xã Dương Liễu cùng mọi người trên dưới hội họp bàn luận rằng, nước có chính lệnh, dân có tư ước, vừa rồi thấy khoán ước cũ có nhiều chỗ phiền phức rắc rối, cần được chỉnh đốn lại, nay xây dựng lại khoán ước để giữ cho làng xóm được yên ấm."



Lần thứ bảy, lập ngày 1 tháng 4 năm Cảnh Hưng thứ 10 (1749) gồm 23 điều qui định về việc cử người trông nom ruộng đất hoa màu cho dân làng.

"Các quan viên xã Dương Liễu là Nguyễn Đồng Luân, Nguyễn Danh Cai và mọi người trên dưới trong xã bàn bạc tuyển chọn hạng tuần phiên trông coi hoa màu các loại trong đồng ngoài bãi và canh phòng hương ấp."



Lần thứ tám, lập ngày 19 tháng năm nhuận năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) đời Lê Hiển Tông gồm 4 điều, bổ sung cho việc cắt cử tuần phiên canh giữ đồng điền ở bản khoán ước lần thứ 7.

Lần thứ chín, lập ngày 21 tháng 11 năm Cảnh Hưng thứ 15 (1754) nghĩa là chỉ sau lần thứ 8 có nửa năm. Lần này chỉ qui định đúng một điều:

"Quan viên xã thôn trưởng và các hạng dân xã Dương Liễu cùng lập giao từ qui định về việc, hễ xã trưởng giữ sổ nợ thì đến ngày 30 hàng tháng phải xem xét tính toán, để đến kỳ thu tô vụ đông và vụ hè cứ theo đó mà thu. Nếu ai phàn nàn lấy cơ tăng thêm tô thuế mà không chịu nộp thì bắt phạt 3 mạch tiền cổ. Hàng năm tăng thêm tô vào hai kỳ, tính đúng theo lệ cũ. Nay lập giao từ."



Lần thứ mười, lập ngày 8 tháng 10 năm Cảnh Hưng thứ 21 (1760) lần này cũng vẻn vẹn có một điều cũng là việc thu tô thuế:

"Các quan viên hương lão trong xã cùng giao ước, đối với các thửa ruộng trong xã, nếu có người ở huyện khác đến nhận cày cấy thì cho phép tuần phiên thu mỗi vụ đông, hè lấy mỗi sào hai lượm lúa. Nếu người ở hai xã Quế Dương và Mậu Hòa đều nhận cấy vụ hè thì cũng thu như đối với người ở huyện khác, còn nếu nhận cấy vào vụ đông thì chỉ thu gấp đôi mức bình thường mà thôi."



Lần thứ mười một, lập ngày 20 tháng 7 năm Cảnh Hưng thứ 25 (1764), qui định 5 điều. Đây là là những điều khoản bổ sung mới hoàn toàn.

"Quan viên xã thôn trưởng xã Dương Liễu và mọi người trên dưới trong xã tham khảo kê xét các điều ước cũ mà soạn thảo ra các điều lệ mới."



Lần thứ mười hai, lập tháng 3 năm Cảnh Thịnh thứ 8 (1800) đời Nguyễn Quang Toản triều Tây Sơn gồm 8 điều. Lần này không thấy nêu lý do, song xem xét kỹ thì đó đều là các điều khoản qui định về ruộng đất canh tác và tuần phiên.

Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 252.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương