An Nam phong tục


Qui định về tổ chức hành chính ở thôn xã



tải về 252.53 Kb.
trang3/3
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích252.53 Kb.
#35461
1   2   3

4.5. Qui định về tổ chức hành chính ở thôn xã

Hầu hết các bản Hương ước tục lệ của làng xã đều nói đến việc cắt cử bầu ra chức dịch trong làng. Đồng thời cũng có những qui định rất chặt chẽ về thời hạn, quyền lợi và nghĩa vụ của người tham gia. Chẳng hạn như khoán lệ làng Nhân Vực huyện Thường Tín đặt ra ba điều nói rõ những qui định này.



Điều 13: Trong làng ai làm công việc được 3 năm là đủ lệ. Nếu viên nào làm đến 10 năm thì cả người làm được 3 năm và người làm 10 năm đều được chước việc phu dịch, riêng viên nào làm đủ 10 năm thì bản xã chước cả sưu thuế.

Điều 14: Lãnh binh 6 năm mãn lệ, bản xã cũng chước từ như cựu binh.

Điều 17: Lạp tiết tháng 12, ngày mồng 5 mỗi người 1 đấu, tiền thịt rượu và các lễ vật khác bản xã chiếu bổ.

- Lệ các viên thủ chỉ ở bản xã, văn từ Tú tài trở lên, võ từ Suất đội trở lên, tước thượng làm thủ chỉ. Nếu có người hàng văn thi đỗ Tú tài phải khao dân: Lợn 20 quan, gạo 16 đấu. Hàng văn cũng như vậy để tỏ sự trọng đạo, làm lệ.

Sau khi mãn hạn thực hiện chức dịch thì các vị chức sắc này xếp vào hàng kỳ cựu. Có nhiều xã còn tuyển chọn các vị cao niên có đức hạnh và các vị kỳ cựu này lập ra tổ chức gọi là Hội đồng kỳ mục. Như vậy Hội đồng kỳ mục bao gồm các vị cựu quan chức của làng xã và các vị cao niên có đức hạnh. Họ quả là những người có kinh nghiệm sống rất phong phú, do vậy sau này làng xã có vấn đề gì cần thiết thì đều nhờ Hội đồng này tư vấn cho, chẳng hạn như việc xây dựng Hương ước của làng cũng đều có chữ kỳ của các vị trong Hội đồng.

Các chức danh như Xã trưởng, Lý trưởng, Trương tuần, Xã khán đều do dân lựa chọn, họ thay mặt làng để điều hành công việc, do vậy các bản Hương ước tục lệ đều thấy xác định rõ chức danh này. Chẳng hạn như Hương ước của xã Tiên Tiến huyện Chương Mĩ ghi:



Điều thứ 30: Lý trưởng là người thay mặt làng thực hành việc quan. Phó lí là người giúp việc lí quỹ phải yết thị tại công sở ít ra một tháng để công chúng biết. Khi yết thị phải cho mõ rao.

Các vị chức dịch phải lo mọi công việc của làng từ việc tế lễ thần linh đến các việc hàng ngày như lao động sản xuất, trật tự trị an, học hành thi cử... Do vậy họ cũng được chăm sóc quyền lợi, chẳng hạn như khoán ước của thôn Thổ Quan qui định:

"Bản thôn có đám đất ao công 1 mẫu 5 sào ghi trong sổ bạ. Trong thôn người nào làm Lí trưởng nhận phần đất ao đó canh tác hạn 6 năm một kì. Thời gian làm việc không phạm sai sót mà sau đó lại xin thôi việc thì có thể xét miễn tạp dịch cả đời. Người nào có khả năng được tái bổ khóa nữa thì được ban cho chức nhiêu cả đời. Nếu làm thất thoát sưu thuế sẽ truy cứu bắt họ tộc phải bồi thường."

4.6. Trật tự trị an

Làng xã là tổ chức hương thôn rất phong phú nên phải đặt ra những qui tắc và bảo vệ an ninh rất nghiêm ngặt. Ngay như ngày làng vào đám, thì việc bảo vệ an ninh đặt ra rất bức xúc. Chẳng hạn qui ước của làng Phú Cốc huyện Thường Tín qui định:

"Hễ ngày nào vào đám tế thần cầu phúc là để mong cho mạch nước được bền vững, khi làm lễ cử nhạc thì ba bàn quan viên, hương sắc, thôn trưởng phải ăn mặc mũ áo chỉnh tề, đứng đầu lễ theo đúng nghi thức. Thôn trưởng chỉ cho phép bàn tư được ngồi ở dưới hầu rượu để tỏ ý thuần hậu. Còn từ bàn năm trở xuống cho đến hạng thứ hai đều phải sắm sửa khí giới để phòng giữ ban đêm theo đúng lệ.

Nếu như đến phiên nào đó lười nhác trễ nải, canh phòng không nghiêm để đến nỗi bị mất tiền của tài vật của các kép hát thì phiên đó phải đền. Mặt khác, đến đêm tối, phải chia nhau đi tuần phòng canh giữ khắp các nơi trong làng để ngăn ngừa bọn gian phi xâm nhập vào. Còn các đồ thờ tế ở trong đình và các vật khác như áo mũ của các quan viên để tại đình trung thì giao cho 4 giáp trung nam trông nom cẩn thận. Nếu như xem thường không tuân theo qui ước để đến nỗi bị mất thứ gì đó thì hạng trung nam phải bồi thường.”

Lại nữa, vào dịp tế thần đến khi đón rước thì ai nấy phải lo làm tròn bổn phận của mình, cốt sao cho nghiêm túc cẩn thận để bày tỏ ý tôn kính. Nếu như chậm chạp không siêng cần thì cũng phải phạt, cũng để làm sáng tỏ lễ thờ thần và giữ nghiêm khoán ước.

Ngay ở các khu vực sản xuất ông nghiệp, cũng cần thiết có các qui định để đảm bảo an ninh, chống trộm cướp như ở điều 11 trong khoán ước làng Mậu Lương có nói đến:

Điều 11: Lệ giới cấm đồng điền.

Hàng năm vào hai vụ đông hè khi lúa chín, cấm không được ai mang rượu thịt ra đổi lấy hoa màu để tụ tập lại uồng rượu và cấm không được ai mang nước trà, trầu cau ra đồng đổi lấy hoa màu. Ai vi phạm bản thôn sẽ bắt phạt 3 quan tiền cổ.

Riêng việc các vị thủ từ, nhà sư hoặc phu gõ mõ mang nước trà đi đổi các nơi thì không cấm.

Sống trong xã hội cũ, nạn trộm cướp thường xuyễn xảy ra, ảnh hưởng rất nhiều đến đời sống của nhân dân, do vậy khoán ước của các làng rất coi trọng nội dung này. Chẳng hạn như Khoán ước của hai xã La Nội, Ỷ La của huyện Từ Liêm (nay thuộc Hoài Đức), đặt hẳn một mục mang tên là Nghiêm cấm trộm cướp bảo vệ an ninh cho dân.

Trong 2 xã, người nào bắt được trộm cướp và tang vật sẽ có tờ thông báo cho 2 xã biết. Việc giải cướp, các thôn trưởng phải cử các trung nam khoẻ mạnh có trang bị các khí giới điều động đến quan cầm chế. Tiền tốn bao nhiêu 2 xã cùng chịu. Lệ thưởng cho 1 suất phu, các quan viên thì thưởng cho 6 mạch tiền cổ. Những người tích cực bắt cướp mà bị thương cũng thu cho 1 suất phu; đối với các quan viên thưởng tăng thêm mỗi người 2 mạch tiền cổ và 1 đấu gạo, cốt để động viện. Các vụ trộm cắp nhỏ thì không theo lệ này. Còn như các lý lẽ chưa rõ, việc kiện tụng vẫn còn nhiều thì người bắt được trộm phải đi theo để đối chất cho đến khi kẻ trộm chịu nhận tội mới thôi. Tiền tốn bao nhiêu 2 xã cùng chịu y như trên. Nếu như người bắt cướp giữa đường bỏ dở khiến cho không có cách nào luận tội kẻ cướp, bắt liều chính là lỗi ở người bắt cướp đó, không liên can gì đến 2 xã.

Trong 2 xã có trộm nhỏ, bắt được quả tang cùng các tang vật sẽ chiểu theo giá trị của tang vật: nếu tang vật trị giá 3 mạch tiền thì bắt phạt thành 3 quan tiền cho người bắt trộm 1 quan tiền, còn lại 2 quan 2 xã cùng uống rượu. Nếu tang vật nhiều thì bắt phạt tăng thêm đồng thời đuổi khỏi vị trí hương ẩm.

Những người ngụ cư mà ăn trộm, khi bắt được thì luận tội tăng thêm. Nếu người nghèo khó không thể đền được thì bắt phạt người cho họ ở nhờ rồi đuổi họ đi để cho dân được sống yên ổn. Những năm mất mùa đói kém các vụ trộm cắp nhỏ tùy theo thực tế mà xử trí.

Những người sống nhờ quá 3 tháng cũng phải tuân theo truyền chỉ như với dân ngụ cư. Những người sống nhờ ở vùng chợ búa trong địa phận của 2 xã và phía ngoài 7 thôn nên có người trong bản xã đồng ý. Giấy nhận thực tạm trú viết làm 2 tờ: 1 tờ nộp cho các quan viên, 1 tờ nộp cho xã trưởng. Xã trưởng cho phép thì dân mới được ở. Nếu chủ nhà không đồng ý thì không được ở. Nếu ai cố tình vi phạm, người làng sẽ trình báo cáo quan viên của 2 xã để họ giải quyết và đuổi đi không cho ở. Tiền tốn bao nhiêu 2 xã cùng chịu.

Trong 2 xã người nào ban đêm có khách từ nơi xa đến phải trình báo cho bản ngõ trưởng nậu làm bằng. Ai làm trái, cho phép hàng xóm tố cáo, bắt phạt 3 mạch tiền, người nào bao che cũng phạt như vậy, người cố ý vi phạm sẽ bị xét xử.

Các xóm trong 7 thôn đều dựng 1 điếm canh. Mỗi đêm có 5 người phân nhau canh gác. Nếu sao nhãng việc canh phòng để cho kẻ gian đột nhập, các quan viên của 2 xã sẽ phạt họ trị giá 3 mạch tiền cổ. Người mất trộm hô hoán, trong xóm sẽ tỏa đi tìm các dấu vết, nếu tìm thấy dấu vết thì cứ 1 người về báo cho bản thôn cùng 2 xã. Trong bản xã sẽ cử các trung nam đi bắt. Người nào trốn tránh sẽ bắt phạt mỗi người 1 quan tiền cổ cho 2 xã cùng uống rượu.

Ở nông thôn ngoài việc trộm cướp gây mất an ninh ra, thì việc cứu hỏa cũng là cần thiết. Hương ước thôn Mậu Lương đặt hẳn một mục về việc này:

Điều 10: Lệ cứu hỏa

"Nhà nào đó trong thôn ta bị cháy, hễ nghe thấy tiếng hô hoán hoặc tiếng trống đánh đổ hồi thì trương tuần các xóm đốc thúc mọi người sắm sửa các đồ chứa nước cứu hỏa để đưa đến cứu chữa. Bản thôn sẽ kiểm điểm, nếu thấy người nào đó vắng mặt thì phạt 6 mạch tiền cổ. Nếu như do có việc đi đâu đó mà vắng mặt thì miễn cho.”



4.7. Các biện pháp duy trì Hương ước tục lệ

Để giúp cho mọi người có ý thức nghiêm túc tuân thủ theo các điều lệ trong Hương ước, thì trong các điều lệ đều có chỉ rõ việc xử lí người vi phạm Hương ước, chẳng hạn như Khoán ước của làng Phú Cốc huyện Thường Tín đặt ra một điều nói rõ mục đích này:



Điều 6: Không tuân theo luật định của làng sẽ bị xử phạt

Sống ở xóm làng cốt sao cho hòa mục để giúp cho phong tục thêm thuần hậu. Nếu như làng ta đã bàn luận làm một việc gì đó, vừa là hợp với lẽ phải, vừa là thuận với lòng dân, cốt sao cho mọi người cùng thông tỏ để xếp đặt nên công việc đó, nếu như có người nào đó cậy mình tuổi cao hoặc cậy mình giàu có, hoặc cậy lắm anh nhiều em mà không chịu tuân theo nghị định đó thì làng sẽ bắt phạt 1 quan tiền cổ, 1 khẩu trầu để răn đe kẻ làm sai trái.

Còn như khi đang ăn uống cỗ bàn thì phải giữ sao cho lớn ra lớn, bé ra bé, nói năng hành động phải cân nhắc thận trọng, để tỏ ý tôn trọng khi đứng giữa xóm làng. Nếu như vì cớ ăn uống rượu thịt mà chửi bới mắng nhiếc người khác thì tùy theo mức sai phạm nặng nhẹ mà xử phạt không tha, cốt để giữ nghiêm khoán ước.

Nhìn chung các mức xử lí người vi phạm Hương ước gồm có các loại:



Một là, xử phạt bắt đi lao động công ích như đắp đường xá, quét vôi ở đình.

Hai là, phạt tiền theo mức độ khác nhau hoặc là bắt bồi thường bằng tiền.

Ba là, không cho tham dự các hoạt động của làng như tế thần, đi học, hiếu hỉ.

Bốn là, thề thốt trước thần linh (xem bài Hương ước của xã Hữu Đạo huyện Chương Mĩ)

Năm là, khai trừ ra khỏi làng, tước bỏ mọi thứ quyền lợi.
*

* *


Vùng đất Thăng Long- Hà Nội là khu vực tập trung đông dân, kinh tế văn hóa phát triển, nên sớm xuất hiện các văn bản Hương ước tục lệ. Các bản Hương ước này đều do chính người dân địa phương đứng ra xây dựng cho riêng mình. Đồng thời trải qua hàng ngàn năm, những điều khoản không còn đủ giá trị để điều hành các sinh hoạt của người dân nữa thì sẽ bị gạt bỏ, thay vào đó là các điều khoản tiến bộ hơn, giúp ích cho đời sống xã hội. Các điều khoản ấy thực phong phú đa dạng, thực có nhiều điều đáng nói, đáng suy nghĩ.

Tìm hiểu nghiên cứu Hương ước tục lệ của các làng xã ở vùng Thăng Long – Hà Nội chúng ta hình dung thấy các hoạt động xã hội thời xưa. Các điều ước đều được qui định hết sức tỉ mỉ, chặt chẽ. Rõ ràng là các làng xã của Việt Nam xưa xây dựng Hương ước đều là có mục đích tốt đẹp là làm cho xã hội sống có kỉ cương, mọi người làm ăn chăm chỉ, kính trên nhường dưới, làm cho phong tục ngày một thuần hậu, nhờ đó mà giúp cho của cải ngày một dồi dào, dân cư ngày một đông đúc, xã hội đoàn kết đi lên. Nghiên cứu Hương ước tục lệ thời xưa sẽ tìm thấy những kinh nghiệm quí báu của cha ông ta, những nét đẹp của vùng quê đất lề quê thói nhằm đặt ra xây dựng các qui ước văn hóa ở thôn xã phố phường ngày nay. Đó cũng là mục đích chính của những người làm việc tuyển chọn, phiên dịch, sắp xếp giới thiệu Tuyển tập Hương ước tục lệ Thăng Long Hà Nội lần này.



Trong quá trình soạn thảo, mặc dù đã có nhiều cố gắng, song Hương ước Tục lệ của người Hà Nội xưa còn nhiều lẽ sâu sắc không dễ khám phá, hơn nữa lại được viết bằng chữ Hán chữ Nôm, nên khó tránh khỏi sai sót nhầm lẫn, rất mong bạn đọc xa gần xem xét và chỉ bảo thêm.




Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 252.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương