Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động



tải về 134.02 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích134.02 Kb.
#29998
LỜI NÓI ĐẦU

Dù biết rằng: Chúng ta là kẻ hậu sinh, sống trong hậu thế của một Đất Nước vùng nhiệt đới: Nóng và ẩm, thời tiết, khí hậu khắc nghiệt đã tàn phá khốc liệt và vô tình đối với ván khắc in tranh (các loại) bằng gỗtranh in, tranh vẽ trên giấy của các bậc tiền bối, tiền nhân; Song mỗi khi tiếp xúc với những bức tranh dân gian Việt Nam còn lại đến bây giờ, tôi tự hỏi và mong ước làm sao có thể sưu tầm được các tác phẩm xưa của các cụ để được biết thêm nhiều điều về các bậc tài hoa ấy đã đem tài năng nghệ thuật của mình thể hiện nên các “quí vật này”.

Còn bây giờ chúng ta chỉ được xem các loại tranh dân gian Việt Nam trưng bày tại bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam (66 - Nguyễn Thái Học - Hà Nội) hoặc tìm đọc, tìm xem trong một số ấn phẩm được xuất bản tại Hà Nội từ sau khi tiếp quản Thủ đô, ngày 10/10/1954.

Với chức năng của một Bảo tàng Nghệ thuật Quốc gia, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam rất chú trọng đến các khâu then chốt như sau: Sưu tầm - Nghiên cứu - Giới thiệu - Bảo quản, đối với mọi đối tượng mỹ thuật, trong đó có tranh Hàng Trống.

Từ khi thành lập, khai trương (1966) tới nay, BTMT đã có phần trưng bày tranh dân gian trong đó có tranh Hàng Trống.

Năm 1974, một cuộc triển lãm chuyên đề về tranh dân gian Việt Nam được trưng bày ở tầng một của nhà Bảo tàng gồm 200 bức tranh, trong đó có độ 50 - 60 bức tranh Hàng Trống. Đây là một cuộc trưng bày lớn nhất từ trước tới nay, cho thấy diện mạo đồ sộ của tranh dân gian Việt Nam. Chỉ tiếc một điều là không có một ấn phẩm nào được xuất bản , vì rằng: Bảo tàng Mỹ thuật không có chức năng xuất bản.

Một phần bộ sưu tập đồ sộ đó được chuyển thành bộ sưu tập Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động trên khắp mọi miền dân cư của Tổ quốc. Nhờ công việc giới thiệu lưu động như thế này mà nhân dân khắp nơi mới được xem, tiếp cận một loại di sản nghệ thuật quí giá của dân tộc.

Trong các cuộc trưng bày nghệ thuật Việt Nam ở nước ngoài, sưu tập của BTMT bao giờ cũng có tranh dân gian Việt Nam trong những điều kiện có nội dung phù hợp.

Đối với yêu cầu trao đổi giao lưu văn hóa với các Bảo tàng Nghệ thuật nước ngoài, tranh dân gian Việt Nam cũng được trao đổi với một tỷ lệ tác phẩm thích đáng.

Việc phát hiện, sưu tầm luôn luôn được chú trọng và khuyến khích:

Năm 1980, Bảo tàng Mỹ thuật đã chọn mua toàn bộ ván khắc gỗ in tranh truyện Hàng Trống của Thanh An Hiệu sáng tác (ra mẫu) và thuê thợ khắc Liễu Tràng - Hải Dương thực hiện.

Tổng số đợt mua này là ván khắc 40 bức tranh truyện, khổ tranh lớn, tứ bình, nằm trong thể loại quan trọng trong một dòng tranh dân gian phục vụ cho nhu cầu văn hóa của cư dân Đô thành Thăng Long xưa.

Và một số ấn phẩm như sau:

1. Sách Tranh tượng dân gian Việt Nam do nhà xuất bản Mỹ thuật nay là nhà xuất bản Văn hóa - Thông tin, xuất bản năm 1960, 96 trang.

Tập sách bao gồm: Tranh Đông Hồ, tranh Hàng Trống, tranh thờ Hàng Trống và Miền núi, tượng dân gian.

Bộ sưu tập tranh Hàng Trống in trong tập sách này được chọn lọc khá kỹ lưỡng theo tiêu chí nghệ thuật là chính, đã cung cấp những tư liệu có giá trị tiêu biểu về dòng tranh dân gian này.

Nhưng đối với công việc nghiên cứu về một dòng tranh dân gian thì tuyển tập này là không đầy đủ, không giúp được cho công tác nghiên cứu một cách nhìn tổng thể vốn di sản quý báu của dòng tranh này.

Sau Cách mạng Tháng Tám 1945, và cuộc chiến tranh chống Pháp (1946 - 1954), việc có một tuyển tâp như thế này là hết sức quý giá đối với đông đảo bạn đọc và giới mỹ thuật, nhất là đối với tầng lớp trí thức, học sinh đang được rèn luyện, học tập trong các nhà trường văn hóa - nghệ thuật của chế độ chủ nghĩa xã hội lúc đó và cho tới bâygiờ.

Tập sách này giới thiệu được: 23 tranh Đông Hồ, 27 tranh Hàng Trống, 4 tranh thờ Chư vị Thánh Mẫu của Hàng Trống cùng với 12 tranh thờ miền núi, và một số tượng đất nung dân gian. Gồm 96 trang.

2. Sách Tranh dân gian Việt Nam: do nhà xuất bản Văn hóa Dân tộc, Hà Nội xuất bản năm 1995. 170 trang.

Tập sách này có hai phần: Phần tranh dân gian Đông Hồ và Hàng Trống do Nguyễn Bá Vân sưu tầm, giới thiệu, và phần tranh thờ miền núi do Phan Ngọc Khuê giới thiệu.

Ưu điểm lớn nhất của tập sách này là: đã giới thiệu trong đó các loại tranh thờ Chư vị - Thánh Mẫu của dòng tranh dân gian Hàng Trống. Các thể loại khác nhau chưa giới thiệu được nhiều.

Trong thập niên từ 1960 đến 1970, chúng ta còn được biết tới một quyển sách in bằng tiếng Pháp có tên là:

Imagerie populaire vietnamienne, Publications de I’école Francaise d’Extrême- Orient, Vol XLVII, Paris, 1960, 419 pages (tranh dân gian Việt Nam, Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp, tập 47, Paris, 1960, 419 trang) do Maurice Durand biên soạn.

Maurice Durand (1914-1966), sinh ra và lớn lên ở Hà Nội, là một trong số ít những nhà nghiên cứu khoa học của EFEO có thể coi như có hai thứ tiếng mẹ đẻ: Pháp và Việt. Cha ông làm Trưởng phòng dịch thuật đồng thời là nhà Hán học có tên tuổi và mẹ ông là người Việt Nam, quê gốc ở Kiến An. Cả hai bậc bố mẹ đã giúp ông trở thành nhà nghiên cứu khoa học am hiểu Văn hóa - Nghệ thuật cổ của Việt Nam. Ông đã học trường Đại học Sorbonne (Paris).

Năm 1946, ông làm giáo viên dạy văn học tại trường Trung học Sài Gòn. Năm 1947, ông vào làm việc tại EFEO (Viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp tại Hà Nội) trong suốt 10 năm.

Năm 1957, ông là người tham gia chịu trách nhiệm chuyển giao các kho sách của thư viện EFEO cho chính quyền Việt Nam. Rời Việt Nam về Pháp, ông vẫn tiếp tục nghiên cứu Sử học và Ngữ Văn Việt Nam.

Trong niên san BEFEO (tập 25, trang 19-22), J.Filliojat đã tóm lược tham vọng nghiên cứu văn hóa cổ Việt Nam của ông như sau: “Maurice Durand không phải đến Việt Nam qua Trung Quốc, mà ông đến Trung Quốc để hiểu Việt Nam rõ hơn, chính Việt Nam là nơi làm việc” của ông.

Năm 1960, ông biên soạn tập sách tranh đã nói ở trên, gồm 314 bộ tranh, mỗi bộ có thể có từ 2 đến 4 bức tranh hoặc có tranh đơn, nhưng có các dị bản để đối chiếu, tổng cộng có: 533 bức tranh nói chung, không riêng chỉ có tranh Hàng Trống.

Với chuyên môn và kiến thức sâu sắc về Sử học và Ngữ văn Việt Nam, nên trong sách này M.Durand chủ yếu trình bày rất sâu về ngữ nghĩa của chữ Hán (mà một chữ có hai nghĩa) đề trên tranh, những hình ảnh biểu trưng liên quan đến chữ Hán mang ý nghĩa chúc tụng và có tới 9 phụ lục về các truyện Nôm dân gian của Việt Nam có liên quan đến một số tranh in trong sách. Còn về phương diện nghệ thuật học thì có nhiều hạn chế:

Toàn bộ số tranh in trong sách của ông không hề có xuất xứ nguồn gốc của tranh. Không hề có sự phân biệt những đặc điểm riêng của từng dòng tranh dân gian của Việt Nam. Nếu không hiểu rõ về những đặc trưng riêng của các dòng tranh thì không thể biết được tranh nào là thuộc dòng Hàng Trống, tranh nào thuộc dòng Đông Hồ, ngoài hai dòng ấy còn có nhiều bức tranh đến nay không thể biết nguồn gốc, xuất xứ từ đâu.

Đây là một quyển sách giới thiệu tổng hợp các dòng tranh dân gian, nhưng ông không đề cập tới các phong cách nghệ thuật và các đặc thù riêng của nghệ thuật vẽ tranh dân gian của người Việt Nam. (Chúng tôi xin tóm tắt các phần chính của sách này ở phần phụ lục).

Trong số 533 bức tranh in trong sách, dù được in bằng ảnh chụp đen trắng, không có mầu nhưng đến nay ta có thể phân biệt được cụ thể như sau:

- 257 tranh Hàng Trống (bao gồm cả các dị bản).

- 154 bức tranh Đông Hồ (bao gồm cả các dị bản).

- 95 bức tranh không có nguồn gốc.

- 4 bức tranh vẽ bằng sơn mầu (sơn tây) trên kính, là mặt hàng của các hiệu tráng gương ở phố Hàng Thiếc, Hà Nội sản xuất trước đây.

- 20 bức tranh khắc gỗ minh họa cho các loại truyện Nôm. xuất bản ở Hà Nội, như: Phạm Công Cúc Hoa (5 bức), Thạch Sanh (6 bức), Tây Du Ký (6 bức), Nhị Độ Mai (1 bức), Phan Trần (1 bức), Hoa Tiên (1 bức).

- Tranh Đạo giáo: Cung nghênh Thánh giá, Thập diện Diêm Vương (là loại tranh cổ).

- Tranh Thiên Chúa Giáo: 1 bức: Tử vì đạo.

- 1 trang tranh truyện: Sự tích Hai Bà Trưng, gồm có 8 hình minh họa, do nhà in IDEO, Hà Nội, in và xuất bản.

Toàn bộ số tranh này được tuyển chọn từ kho sách của Thư viện Viễn Đông Bác Cổ Pháp ở phố Président Wilson, Paris. Về lĩnh vực tranh dân gian được lấy từ kho sách mang tên Maurice Durand (MD) đều do EFEO lưu giữ và được sưu tầm từ năm 1930 cho tới 1957 tại Hà Nội.

Trong nhiều thập niên cuối thế kỷ XX qua các công trình đăng trên các sách báo tạp chí văn hóa - nghệ thuật, các nhà nghiên cứu đã tốn nhiều công sức đánh giá một cách sâu sắc về nghệ thuật tranh dân gian Đông Hồ cùng với các thể loại khác trong nền mỹ thuật Việt Nam mà ít có sự chú ý giới thiệu nghiên cứu về tranh Hàng Trống, ngoài một số tranh thờ Chư Vị - Thánh Mẫu. Có những lý do sau đây:

- Tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội, trong mọi thể loại có quá nhiều nội dung mang tích Tầu, hình thức thể hiện giống tranh Tầu. Nên dẫn đến sự coi thường và còn có lập luận theo cảm giác là chép lại tranh Tầu để kinh doanh kiếm lời.

- Trong thực tế chưa hề có được một sự tập hợp đầy đủ mọi tư liệu bản vẽ, bản khắc của đủ mọi thể loại tranh Hàng Trống để tạo điều kiện cho các nhà nghiên cứu mỹ thuật - văn hóa tham khảo.

- Có quan niệm coi trọng những dòng tranh dân gian có xuất xứ từ văn hóa làng xã, coi đó là cái nôi bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc. Còn nơi thành thị náo nhiệt, mở rộng giao lưu văn hóa - nghệ thuật - kinh tế với nước ngoài, thì e ngại rằng tranh Hàng Trống có nhiều yếu tố lai căng (ngoài tranh thờ Chư Vị - Thánh Mẫu).

Chính vì lẽ đó, chúng tôi càng tha thiết với ước vọng của mình là sưu tầm, tập hợp mọi tư liệu về tranh Hàng Trống hiện còn được bảo tồn trong dân gian, trong các gia đình nghệ nhân, nhà sưu tập, các bảo tàng và các cơ sở văn hóa, cùng một số tranh Hàng Trống chọn lọc tranh đã in trong Imagerie populaire Viêtnamienne, coi như một cuộc tổng kiểm kê di sản tranh dân gian Hàng Trống do tiền nhân để lại. Di sản này khá đồ sộ có nhiều điều cần nghiên cứu kỹ càng, vì nó có tầm quan trọng đặc biệt đối với việc nghiên cứu các dòng tranh khác của cả nước, ảnh hưởng tới sinh hoạt văn hóa - nghệ thuật của nhiều vùng. Cần đặc biệt chú trọng, nhất là trong những thập niên cuối của thế kỷ XX vừa qua, chúng ta chưa có những công trình xứng đáng giới thiệu, nghiên cứu đầy đủ về dòng tranh - có thể nói có nhiều phong cách nghẹ thuật trong dòng tranh của người Hà Nội, mà ta gọi là dòng tranh dân gian Hàng Trống. Đồng thời, chúng ta cần có một chuyên khảo nghiên cứu về bản sắc nghệ thuật của tranh dân gian Việt Nam nói chung, như vậy là rất tốt. Nếu chỉ nói riêng về tranh dân gian Hàng Trống - Hà Nội, thì cũng là điều rất cần thiết.

Có thể nói nôm na là: Một công trình khảo sát về tranh Ta và tranh Tầu.

Với mục đích, ý nghĩa:

Việc so sánh cả hai nền văn hóa - nghệ thuật càng làm nổi bật tính đặc thù của nền văn hóa dân tộc Việt Nam mà sự đóng góp bên ngoài cũng phong phú như chính bản thân nó.

Chúng ta thừa nhận sự ảnh hưởng thực sự của nền văn hóa nghệ thuật Trung Quốc đối với Việt Nam, nhưng không có nghĩa là đánh giá thấp tài năng của người Việt Nam.

Trên cơ sở suy nghĩ về tình hình thực tế như vậy, nên khi có ý định biên soạn tập sách này, tôi có yêu cầu sự giúp đỡ của EFEO. Tôi có nhờ Philippe Le Failler liên hệ với Marcus Durand - con trai của Maurice Durand - về việc xin phép sử dụng một số ảnh tranh Hàng Trống đã in trong sách của Maurice Durand, năm 1960 và xin Marcus gửi cho ảnh mầu chụp các tranh đó. Rất tiếc, Marcus trả lời rằng: ông đang có ý định tái bản tập sách của Maurice Durand, bằng bản in mầu, nên không thể giúp được. Đành phải in các ảnh tranh cần thiết theo mục đích của mình bằng bản đen trắng. Tuy không thể thỏa mãn chính mình và bạn đọc được, nhưng cái “nghiệp” mỹ thuật nó vậy: không có tranh (dù chỉ là đen trắng) cũng rất khó giãi bày, khó hình dung cho bạn đọc, nếu chỉ có chữ viết.

Vào đầu năm 2006, bộ sưu tập tranh thờ Hàng Trống sưu tầm tại miền núi phía bắc Việt Nam của hai nhà sưu tầm Bác sỹ Mark S.Rapoport và cô Nguyễn Thị Nhung (đồng chủ nhân gallery 54 Tradition Gallery 34 Hàng Bún Hà Nội) được tổ chức trưng bày tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, sau đó hiến tặng lại cho Bảo tàng Mỹ Thuật Việt Nam, một số bức tranh đã được chọn trưng bày tại đây. Được sự giúp đỡ của Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam và sự dồng ý của Mark và Nhung, trong sách này có tuyển chọn một số bức tranh đã trưng bày trong dịp đó.

Nhân dịp sách Tranh Dân gian Hàng Trống Hà Nội được xuất bản, tôi xin chân thành bày tỏ lòng cảm ơn tới cơ quan EFEO tại Hà Nội, Ông Phillippe Le Failler, Ông Marcus Durand, Bác sỹ Mark S.Rapoport và cô Nguyễn Thị Nhung, Ban Giám đốc Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam đặc biệt là người bạn đồng nghiệp là hoạ sỹ – nghệ nhân Lê Đình Nghiên – Con trai nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống, Lê Đình Liệu - đã từng đóng góp nhiều công sức cho Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam ngay từ những ngày đầu hình thành Bảo tàng (1962).

Có những hạn chế và những thiếu sót không thể vượt qua được, xin bạn đọc rộng lượng thông cảm và khoan thứ cho. Xin cảm ơn.

Tin chắc rằng trong tương lai sẽ có những công trình nghiên cứu đầy đủ hơn và toàn diện hơn.

2007-2010

PHAN NGỌC KHUấ

TỔNG LUẬN
I. SỰ HÌNH THÀNH VÀ PHÁT TRIỂN CỦA TRANH DÂN GIAN HÀNG TRỐNG-HÀ NỘI.

1. BỐI CẢNH LỊCH SỬ , XÃ HỘI, VĂN HÓA

Lịch sử dân tộc ta đã ghi nhận rằng trên lãnh thổ Bắc Việt Nam đã có một quá trình hình thành văn hoá vật chất trải qua các phát minh lớn về chế tác đá, chế tác đồ gốm, chế tác đồ kim khí và đã đạt tới đỉnh cao. Đồng thời với quá trình phát triển văn hoá vật chất đó là quá trình hình thành tộc người, ngôn ngữ, tín ngưỡng và tổ chức xã hội, từ Nhà, đến Làng, đến Nước mà sử gọi là nước Văn Lang, sau đó là nước Âu Lạc. Cư dân cổ xưa đã tồn tại trên đất nước ta, dựng xây nền Văn minh Lạc-Việt toả ra Đông Nam á từ thời đại đồng thau-Đó là một sự thực lịch sử khách quan. Đến giai đoạn này thì bị nhà Hán chinh phục, lập chính quyền đô hộ.

Nhưng rồi người Việt lại nổi lên, tái lập chính quyền Đại Việt độc lập (thế kỷ X), bởi vì họ đã có một vốn văn hoá đạt đến ngưỡng của xã hội có giai cấp đủ để duy trì bản sắc văn hoá dân tộc đồng thời tiếp thu văn hoá Trung Hoa và ấn Độ, xây dựng một nền văn minh mới: Văn minh Đại Việt (từ thế kỷ X đến đầu thế kỷ XX).

Là một dân tộc có nguồn gốc như vậy, nhân dân ta không thể chấp nhận xây dựng nền văn minh Đại Việt như một cái đuôi của Văn minh Trung Hoa, dù rằng đất nước ta đã bị Hán hoá ít nhiều, trong 1000 năm Bắc thuộc, vì điều đó xúc phạm đến tinh thần độc lập tự chủ của dân tộc.

Văn minh Trung Hoa vẫn còn ảnh hưởng trên con đường xây dựng nền văn minh Đại Việt là một thực thể, tồn tại của lịch sử khách quan mà còn ảnh hưởng tới các nước “đồng văn” khác ở Châu á như: Nhật Bản, Triều Tiên. Song ý thức dân tộc độc lập của dân tộc, ta đã tìm cho mình một con đường đi riêng, không chịu lệ thuộc một cách nguyên vẹn, trở thành bóng dáng đậm nhạt của một nền văn hoá Trung Quốc. Đó là hiện trạng nẩy sinh một hệ thống “Giải Hoa” mà dân tộc ta đã xây dựng nên.

Về hệ thống chính trị: chúng ta cần một chính quyền đủ mạnh: chính quyền Đại Việt, trên nền tảng giương cao ngọn cờ đoàn kết dân tộc, chống cát cứ, phá hoại sản xuất. Chính quyền Đại Việt xây dựng quốc gia trên nền tảng xã hội phân hoá thấp, nếu áp dụng theo mô hình chính quyền Trung Hoa dựa trên nền tảng xã hội phân hoá cao với các giai tầng Vua, quan, lãnh chúa… sẽ không đứng vững vì những cát cứ, phân tranh, tiêu diệt lẫn nhau chỉ có lợi cho kẻ xâm lược ngoại bang.

Đây là vấn đề cơ bản của nhận thức xã hội, đã xuất hiện và cố kết người Việt từ đầu thời kỳ tự chủ. Xây dựng chính quyền trên cơ sở xã hội gần dân và thân dân, các triều đại Lý, Trần, Lê đã nhiều lần đánh thắng quân xâm lược phương Bắc, giữ vững độc lập dân tộc, phân chia bờ cõi giữa hai quốc gia Trung Việt và phong tục Bắc Nam cũng khác.

Để xây dựng nền Văn minh Đại Việt, nhà Lý đã quan tâm đến nền văn hoá của cư dân Đông Nam á, hướng đến một trung tâm Văn minh lớn khác của nhân loại đó là Văn minh ấn độ. Nền văn hoá này không còn quá xa lạ với đất nước ta, nhân dân ta. Từ đầu Công nguyên, chúng ta đã có trung tâm văn hoá Phật giáo ở Luy Lâu (Thuận Thành, Bắc Ninh), ở phía Nam nước ta, vương quốc Chiêm Thành đã đuổi giặc Hán, giành độc lập tự chủ từ thế kỷ VII, đã xây dựng nên nền văn hoá Trà Kiệu rực rỡ. Những dấu ấn nghệ thuật Lý, trong thời kỳ này còn ghi nhận rõ rằng: Hình tượng con rồng đời Lý có bóng dáng của rắn thần Naga trong nghệ thuật ấn độ, Chăm pa và Ăng co (Khơ me). Các pho tượng Kim Cương (chùa Long Đọi-Hà Nam), Phật A-di-đà (Phật Tích-Bắc Minh), Garuda (tượng đầu người mình chim) v.v… còn mang nhiều dấu tích ảnh hưởng của nghệ thuật Gandhara (trung tâm nghệ thuật nổi tiếng thời kỳ Kushana, thế kỷ I-III SCN, ở vùng Taxila-miền Tây Bắc ấn độ. Thành tựu và đặc trưng nổi bật của nền nghệ thuật này là sự sáng tạo các tượng Phật và Bồ Tát có hình thể và trang phục chịu ảnh hưởng của nghệ thuật La Mã-Hy Lạp).

Tuy đến thời Lê Sơ (thế kỷ XV), nghệ thuật đã rời bỏ con đường đi của nghệ thuật thời kỳ Lý-Trần, nhưng những thành qủa trong lĩnh vực nghệ thuật thời Lý Trần là một biểu hiện vừa mang tính thời sự trong việc tiếp thu các luồng tư tưởng, tôn giáo mới từ ấn độ, vừa thể hiện sự bản địa hoá nhanh chóng cả hình thức nghệ thuật lẫn nội dung tôn giáo trong nền nghệ thuật của dân tộc ta. Điều đó góp phần nuôi dưỡng và phát triển những phong cách nghệ thuật khác ở Đông Nam á, trong đó có Việt Nam. Phong cách nghệ thuật ấy vẫn còn lưu dấu lâu dài trong nhiều tác phẩm điêu khắc dân gian trang hoàng cho kiến trúc đình làng ở đồng bằng Bắc bộ Việt Nam suốt trong các thế kỷ XVI, XVII, XVIII như tượng trong đình Chu Quyến-Ba Vì, Hà Nội hoặc hệ thống tượng thờ Tứ Pháp từ tả ngạn đến hữu ngạn sông Hồng, mà các nghệ nhân tạo tượng thờ Tứ Pháp đều công nhận rằng: tạc theo phong cách nghệ thuật tạc tượng Chàm.

- Hệ tư tưởng Nho giáo mới được đề cao từ thời Lê sơ, mang tính sang trang của lịch sử, nhưng chính quyền Đại Việt lại lâm vào các cuộc khủng hoảng chính trị đem đến nội chiến và nhân dân lao khổ bởi các cuộc nội chiến Lê-Mạc, tiếp đến phân tranh Trịnh-Nguyên, sau đó là Lê Chiêu Thống đầu hàng nhà Thanh nối giáo cho giặc xâm lược nước ta một lần nữa… Tây Sơn đuổi giặc Thanh nhưng ngay sau đó là cuộc truy sát thế lực Tây Sơn của vua Gia Long thời Nguyễn.

Tình hình xã hội đó cho thấy: tuy còn giữ được nước, song đất nước không thịnh trị thì những dòng tư tưởng đa chiều trong xã hội đã gây nên mâu thuẫn nội bộ, kéo dân tộc vào các cuộc nội chiến liên miên làm tàn phai những tư tưởng tiến bộ, văn hoá trở nên manh mún, ít nhiều mang tính tự phát trong dân gian theo từng vùng, miền có khi đến từng làng, xã.

Nhìn chung, ta không thấy có các công trình nghệ thuật to lớn, nhưng các công trình vẫn trải trên diện rộng, trong khắp các làng xã tạo nên diện mạo của một nền nghệ thuật dân gian có phần náo nhiệt trong các thế kỷ ấy. Đó là nền tảng của nghệ thuật dân gian, trong đó có các loại tranh dân gian ở các vùng, miền, như Đông Hồ, Hàng Trống, Kim Hoàng.

Hệ tư tưởng Nho giáo phải dùng chữ Hán để truyền thụ, sang đến thế kỷ XV, tuy đã có chữ Nôm- được sáng tạo dựa theo chữ Hán, song có thể thấy rằng: 90% dân ta là mù chữ (tình hình đó kéo dài đến trước Cách mạng tháng Tám-1945), nên về các tôn giáo, tư tưởng, văn hoá ngoại lai như Phật Giáo, Đạo Giáo, Nho Giáo tuy xâm nhập đã lâu, nhưng trong thực tiễn thì thái độ tiếp nhận của người Việt đối với các dòng tư tưởng và tôn giáo này tuy cởi mở chấp nhận nhưng không cuồng tín, vì các dòng tư tưởng-văn hoá đó không có cội nguồn xâu xa bắt nguồn từ trong tâm thức cổ nhất của Người Việt ở mọi miền của Tổ quốc, từ các dân tộc ở miền núi đến dân tộc Kinh ở miền xuôi. Trong lĩnh vực tôn giáo, tín ngưỡng thì người Việt chủ yếu là cầu phồn thực; tức là cầu trường tồn và phát triển: có con, có của, được sống lâu, hạnh phúc, đầy đủ.

Người Việt đã có đủ nhận thức về tự nhiên, về con người về thần linh và vũ trụ; trong sinh hoạt văn hoá tinh thần thể hiện trong các Lễ hội dân gian như: Tùng Dí (Sơn Tây), Tình tình phôộc (Phú Thọ), Dã La (Hà Đông-Hà Nội), Nõ Nường (Hòa Bình-Thanh Hoá của người Mường), Kin Lẩu Nó (Sơn La của người Khơ Mú), Kin Pang Then (của người Thái vùng Tây Bắc) đều có chung một nguồn gốc từ tín ngưỡng phồn thực. Những sinh hoạt trong các lễ hội dân gian đó đã gây nguồn cảm hứng sáng tạo nghệ thuật cho nhiều thế hệ nghệ sĩ dân gian. Ngoài những tượng cặp đôi nam nữ giao phối gắn trên thạp đồng Đào Thịnh từ thời Sơ sử, trong các đình làng xây dựng từ thế kỷ XV, XVI, XVII, XVIII, chúng ta đã tìm thấy khá nhiều các mảng chạm khắc, trang hoàng cho kiến trúc Đình làng có những cảnh tượng: trai gái ôm nhau, đè nhau, giao phối, bóp vũ bắt trạch, đố nhau bóp vú, khoả thân, tắm truồng… những cảnh tượng trong lễ hội và trên các mảng điêu khắc dân gian được diễn ra trước mắt bàn dân thiên hạ một cách tự nhiên theo tục lệ và diễn ra trước mắt các Thần Linh hoặc được chạm trổ, treo cao trước mắt Thần Linh, vào vị trí dễ nhìn, dễ thấy nhất của Thần Linh và mọi người dân khi bước vào đình làng. Đây không phải là một hình thức văn hoá thể hiện sự dâm bôn hay dâm hiếu mà nằm trong tư tưởng hoà điệu cùng vũ trụ, sự hoà điệu giữa con người với thiên nhiên và muôn loài. Con người muốn dùng chính mình, cuộc sống tự nhiên của đời người để gợi ý Thần linh và muôn vật theo hình ảnh của con người mà phát triển theo quy luật tự nhiên của vũ trụ, để vạn vật sinh sôi nẩy nở bội phần về mọi mặt phục vụ cho cuộc sống hạnh phúc, đầy đủ của con người. Đó là cơ sở nền tảng về nội dung của nền nghệ thuật dân tộc.

Những ý thức đó, hiện tượng đó, thành tựu văn hoá đó thực chất không mang tinh thần của đạo đức Nho giáo.

Từ thời Gia Long, triều Nguyễn, nhân dân ta đã thấy mầm mống của hoạ xâm lăng từ thực dân Pháp. Đến thời Tự Đức, thực dân Pháp đã đặt được ách thống trị lên cả nước ta, thực sự đã mất nước.

Giai cấp phong kiến đã dần dần mất quyền thống trị. Sau khi bãi bỏ chế độ khảo thí Tam trường, tầng lớp nho sĩ (lớp người rèn luyện mọi mặt theo khuôn thức Nho giáo để cung cấp cho nhu cầu của Triều đình phong kiến) đã mất vị trí độc tôn trong xã hội. Quan lại, nho sĩ bị đẩy dần ra khỏi chính trường, họ trở về làng xã thành những trí thức xã thôn, đi tìm vinh quang trong sinh hoạt văn hoá làng xã và dù sao vai trò của họ cũng có tác động đến văn hoá xã thôn.

Trước sự áp đặt văn hoá ngoại lai của kẻ xâm lược mang danh khai hoá của Phương Tây, người Việt lại phải huy động, quy tụ, liên kết mọi sức mạnh của dân tộc mình, trong đó có sự quy tụ, liên kết, huy động mọi dòng tư tưởng-văn hoá, để giương cao ngọn cờ dân tộc, độc lập và tự chủ để chống lại ngoại bang. Đây là một cuộc đấu tranh khốc liệt với kẻ thù xâm lược từ Phương Tây tràn đến với sức mạnh tổng hợp của các thế lực tư bản chủ nghĩa toàn cầu trong giai đoạn phát triển toàn thịnh của nó, mà thực dân Pháp là đại diện.

Bài học lịch sử của dân tộc trong quá trình giành độc lập, tự chủ, chống lại thế lực từ Phương Bắc đè xuống là nhân dân ta đã tập hợp, quy tụ sức mạnh đoàn kết dân tộc, của các luồng tư tưởng văn hoá Lạc Việt kết hợp với các dòng tư tưởng-văn hoá Phương Nam để đấu tranh lâu dài, vùng lên mạnh mẽ xây dựng Văn minh Đại Việt, chính quyền Đại Việt thành công. Đến thời kỳ này, chúng ta phải biết phát huy sức mạnh đoàn kết dân tộc, huy động, quy tụ mọi dòng văn hoá-tư tưởng văn hóa Phương Đông cùng với nền văn hoá-tư tưởng của văn minh Đại Việt thành một chiến tuyến đồng lòng hợp sức cùng chống cuộc xâm lăng của văn hoá-tư tưởng Phương Tây.

Trên chiến tuyến văn hoá Phương Đông đó ngoài bản lĩnh của các dòng văn hoá-tư tưởng Đại Việt còn có các dòng văn hoá-tư tưởng ngoại lai mà người Việt đã tự nguyện, cởi mở chấp nhận trong quá trình lịch sử của dân tộc mình, coi như một yếu tố cấu thành sức mạnh của văn hoá, tư tưởng Phương Đông. Chúng ta dung nạp nhiều lĩnh vực, quan niệm văn hoá-tư tưởng: tam tòng tứ đức, tam cương ngũ thường, trung hiếu tiết nghĩa như một hiện tượng văn hoá, với tư cách đã được Việt Hoá từ lâu, để góp phần chống lại những quan niệm văn hoá Phương Tây: khai hoá văn minh, lối sống thực dụng, tham vàng bỏ ngãi, vinh thân phì gia, không nghĩ đến nhục mất nước, thân làm nô lệ.

Hà Nội trong thời kỳ đó tuy không còn là kinh đô của triều Nguyễn, nhưng vẫn là trung tâm văn hoá và thương mại của đất nước, nơi tập trung nhân tài của cả nước. Thực dân Pháp rất chú trọng, đã truyền bá các luồng văn hoá-tư tưởng-xã hội dưới danh nghĩa khai hoá văn minh, nên cuộc đấu tranh giữa văn hoá-tư tưởng Phương Đông và Phương Tây càng khốc liệt và mạnh mẽ ở Hà Nội. Trong tình hình đó, văn hoá-nghệ thuật của dân gian Hà Nội không đi chệch ra ngoài luồng đấu tranh văn hoá-tư tưởng chung của cả nước, của toàn dân tộc. Vận dụng sức mạnh của khối liên kết, hội tụ các dòng văn hoá-tư tưởng Phương Đông để chống lại các dòng văn hoá, tư tưởng Phương Tây nhằm nô dịch nhân dân ta.

Điểm tự hào và sáng chói trong các trang sử đấu tranh trên mặt trận văn hoá-tư tưởng của nhân dân Hà Nội ở thời kỳ đó là: tổ chức Đông Kinh Nghĩa Thục. Và trong xu thế chung, các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội đã góp phần của mình: đó là các tác phẩm nghệ thuật đề cao trung, hiếu, tiết, nghĩa, chính thắng tà, trí, mưu, dũng, lược để thắng hung tàn, vạch trần bộ mặt đớn hèn bất lực của các triều đình phong kiến bất tài, bất nhân, dìm nhân dân vào tai hoạ mất nước, mất nhà, mất cả mạng sống của mình trước sự xâm lược của ngoại bang. Trong các loại tranh truyện dựa theo các cốt truyện Nôm dân gian, các tích tuồng dân tộc và các truyện Tầu đã được Việt hoá từ lâu như: Kim Vân Kiều, Nhị độ mai, Chiêu Quân cống Hồ… Đó là một sự thực lịch sử khách quan của nguyên nhân xuất hiện các thể loại tranh truyện của Hàng Trống, một thể loại tranh mang nhiều tính chiến đấu đề cao các anh hùng, các anh thư trong cuộc đấu tranh chính, tà mà các dòng tranh dân gian trong cả nước không có. Đây là công lao của các nghệ nhân dòng tranh dân gian Hàng Trống, góp phần thức tỉnh lòng yêu nước của dân tộc.

Bất cứ một dòng nghệ thuật nào cũng phải cách tân đổi mới, đem đến sức sống mới, phát triển được truyền thống, bản sắc của nền nghệ thuật đó. Nghệ thuật dân tộc đã tiếp nhận nghệ thuật tôn giáo của Phật giáo, Đạo giáo, nhưng các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội đã sáng tạo nên một loại tranh tôn giáo đậm đà bản sắc dân tộc, phù hợp với văn hóa, tư tưởng, tín ngưỡng của dân tộc, mà bất cứ một người am hiểu nghệ thuật nào dù ở trong nước hay ngoài nước đều khâm phục về sự sáng tạo nghệ thuật tràn đầy mỹ cảm trong hình thức nghệ thuật và tính nhân văn thể hiện trong nội dung của loại tranh tôn giáo này: đó là tranh thờ Chư vị-Thánh mẫu.

Sự cách tân trong nghệ thuật còn thể hiện trong việc tiếp thu tinh hoa văn hoá của nhân loại. Các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội là những người tiếp cận nghệ thuật phương Tây, có thể là sớm nhất của cả nước. Nhưng trên cơ sở bản sắc nghệ thuật Việt Nam và bản chất tư tưởng-văn hóa Việt Nam, các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống đã không nệ cổ, bảo thủ mà bình tĩnh gạt bỏ những yếu tố nghệ thuật không phải là của mình mà tiếp thu tinh thần chủ nghĩa hiện thực của nghệ thuật Phương Tây để sáng tác nên các loại tranh chơi-tranh thế sự mang lại hơi thở hiện đại cho các tác phẩm của mình. Điều này, các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống là những người đi tiên phong, có thành quả nghệ thuật rõ rệt, đóng góp cho kho tàng nghệ thuật dân tộc ở thời kỳ đầu thứ kỷ XX nhiều tác phẩm sáng giá, mà các dòng tranh dân gian trong cả nước cũng không có. Đứng trên quan điểm nghệ thuật dân tộc hoà nhập cùng nền nghệ thuật toàn cầu mà không mất đi bản sắc nghệ thuật dân tộc của mình, thì các nghệ nhân tranh dân gian Hàng Trống cũng để lại nhiều bài học quý báu cho các thế hệ nghệ sĩ Việt Nam sau này.

Chúng ta phải ghi nhận những thành tựu đó trong ngành mỹ thuật của dân tộc ta, như ngành văn học đã ghi nhận tác phẩm Tố Tâm của Hoàng Ngọc Phách là tác phẩm mở đầu cho nền văn xuôi hiện đại của Việt Nam thoát khỏi lối văn biền ngẫu hạn hẹp, tù túng trong khuôn thức của văn học ngàn xưa, hoặc Thơ Mới đã khai thông cho nền thơ dân tộc hiện đại, sáng tạo cả về nghệ thuật thơ và nội dung thơ mang đầy tính nhân văn.

Đến bây giờ, tuy muộn nhưng cần thiết phải trả lại giá trị tinh thần cho tranh dân gian Hàng Trống-Hà Nội, trong giai đoạn lịch sử đương thời của đất nước. Tranh dân gian Hàng Trống, Hà Nội đã là nhịp thở của Tổ tiên, đã hoà chung cùng nhịp thở của toàn dân tộc.

Chúng ta tôn trọng công lao nghệ thuật của ông bà tổ tiên, trong mọi lĩnh vực văn hoá-nghệ thuật chúng ta nhìn lại quá khứ là điều cần thiết, để vững bước trong sự nghiệp xây dựng truyền thống văn hoá-nghệ thuật Việt Nam đậm đà bản sắc dân tộc trong hiện tại và tương lai.
2- CÁC HIỆU TRANH DÂN GIAN Ở HÀ NỘI:

Tranh Hàng Trống là sản phẩm nghệ thuật của dân gian, được sản sinh do nhu cầu tinh thần của xã hội, thích ứng với từng giai đoạn lịch sử của kinh đô Thăng Long xưa, dòng tranh này đã lớn dần, phát triển phong phú và đa dạng theo năm tháng cùng với các điều kiện văn hoá, chính trị, kinh tế của cư dân kinh đô.

Ở Thăng Long có nhiều hiệu tranh, phường tranh khắc ván, in tranh, vẽ tranh ở các phố Hàng Gai, Hàng Nón, Hàng Quạt, Hàng Hòm, Hàng Gà, Hàng Đẫy. Vào các phiên chợ giáp Tết, người ta đưa tranh về bán tập trung tại đình Hàng Trống, nên có tên gọi chung là tranh Hàng Trống, hay còn gọi là tranh Tết.

Đình Hàng Trống thuộc đất thôn Tự Tháp, tổng Tiền Túc, sau đổi là tổng Thuận Mỹ, thuộc huyện Thọ Xương, nay thuộc quận Hoàn Kiếm, Hà Nội, số nhà 82, có tên gọi là Đình Đông Hương, thuộc phố Hàng Trống bây giờ, chính là ngôi đỡnh do dõn lập ra để thờ bà Nguyễn Thị Huệ, quê ở thôn Cựu Lâu (nay là phố Hàng Khay, quận Hoàn Kiếm, Hà Nội .

Tập quỏn mà những nhà làm tranh trong cỏc phố phường Hà Nội và vùng lân cận đem tranh về họp chợ bán tranh vào dịp Tết ở đinh Hàng Trống đó có từ lâu đời.

Trải qua bao thăng trầm của chiến tranh, nhất là trong cuộc kháng chiến chống Pháp (1946- 1954), dân cư các nơi khác về Hà Nội sinh sống, đó xâm nhập làm nhà ở, chiếm đất của đình. Ngôi đình xưa chỉ còn một diện tích rất nhỏ hẹp: tầng dưới là thư viện của nhân dân phường, gian gác nhỏ phía ngoài và gian gác nhỏ phía trong là nơi thờ Tứ vị Thánh Mẫu. Chỉ còn lại một cỗ kiệu, ngai thờ thần thủa xưa và bỏt bộ binh khớ thờ thần là dấu vết cũn lại của ngụi đỡnh xưa.

Tuy có tên gọi chung là tranh Hàng Trống, nhưng mỗi phường mỗi hiệu đều có bản sắc riêng mang theo dấu ấn riêng của một miền quê.

Trên cơ sở thực tế đó ; ta thấy :

Thuở ban đầu nghề in tranh, vẽ tranh chỉ là một nghề thủ công như bao nghề thủ công khác ở Hà Nội và các vùng quê lân cận. Mặt hàng tranh không phải là mặt hàng mua bán thường xuyên trên thị trường ; mà chỉ được làm và bán vào một thời vụ nhất định trong năm : dịp Tết.

Thực chất đó chỉ là nghề phụ của một bộ phận nhỏ trong dân chúng : hộ gia đỡnh cú làm một nghề thủ cụng khỏc như nghề làm vàng mó (người xưa quen gọi là nghề hàng tờ - có liên quan đến tờ giấy) hoặc là làm nghề thợ khắc bản in kinh, sỏch, dấu … hoặc buụn bỏn nhỏ như hiệu Vũ Hải vốn là buôn bán đồ thờ cúng làm bằng gỗ sơn quang dầu có vẽ thêm tranh thờ các chư vị- Thánh Mẫu theo đặt hàng của khách. Cho tới nay, ta biết số hiệu làm tranh và bán tranh không nhiều, số người làm trong các hiệu đó chủ yếu là người trong gia đỡnh, quỏn xuyến mọi công việc từ in, vẽ đến bán tranh.

Nhưng do yêu cầu văn hóa của đô thị mà mặt hàng tranh ngày một phát triển. Có những yếu tố thúc đẩy sự hỡnh thành và phỏt triển đó, xin nêu ra để cùng tham khảo :

1/ Qua từng thời kỳ, Thăng Long- Đông Đô- Hà Nội bao giờ cũng là nơi hội tụ, kết tinh và toả sáng của tài hoa trong cả nước. Về phương diện liên quan đến tranh dân gian Hàng Trống ta thấy rằng: Hà Nội có đủ các tiền đề thuận lợi để tranh Hàng Trống phát triển:

- Về nội dung, chủ đề, đề tài cho tranh: kinh đô là nơi tụ hội các bậc túc nho của nhiều thời đại, trình độ dân trí phát triển cao về mọi mặt kể cả phương diện thẩm mỹ, thưởng thức nghệ thuật. Tinh, thính, nhạy, cả trên hai bình diện: Sáng tác và thưởng thức nghệ thuật, đứng hàng đầu trong cả nước về hai phương diện này. Trí thức Thăng Long cũng là những nhân tố luôn biết đề cao tinh thần yêu nước; công việc sáng tạo văn học nghệ thuật dân tộc trên cơ sở nghệ thuật cổ truyền của dân tộc có tiếp thu tinh hoa văn hoá Cổ Kim Đông Tây để phù hợp với phong tục tập quán Việt Nam. Có quan niệm rộng mở trong mối quan hệ giao lưu văn hoá.

- Về phương diện vật chất: Các vùng sản xuất nguyên liệu có chất lương cao nhất đều ở vùng phụ cận Kinh thành: mực nho Kiêu Kỵ (Gia Lâm), giấy dó làng An Thái (vùng Bưởi), bút vẽ của làng Bạch Liên, Phương Quế (huyện Thường Tín, Hà Tây) các sản phẩm của họ đứng vào hàng đầu so với sản phẩm cùng loại trong cả nước.

Thợ khắc gỗ tài hoa cũng về Hà Nội, sinh cơ lập nghiệp trong các phường Hàng Gai, Hàng Quạt, Hàng Gà, Hàng Nón, Tô Tịch- Họ có cội nguồn quê hương từ các cơ sở làng nghề nổi danh trong cả nước, như: Thôn Liễu Tràng, thôn Thanh Liễu (nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc tỉnh Hải Dương) - nơi đây là quê hương của Lương Nhữ Hộc (thế kỷ XV), ông đã truyền nghề khắc gỗ cho dân làng. Ông Nguyễn Văn Đăng (1874-1956) và các ông Nguyễn Văn Giai, Phạm Văn Tiên đã sinh sống ở Hà Nội nhiều đời và làm nghề thợ khắc từ thế kỷ XIX và tới cuối thế kỷ XX. Thời kỳ 1907- 1908, thơ văn Đông Kinh Nghĩa Thục đã có câu: “Liễu Tràng khéo khắc bản in

Cụ Trương Thị Mão, người thừa kế duy nhất của hiệu tranh Thanh An, trước ở 58 phố Hàng Đẫy, sau ở số nhà 45 phố Trần Nhân Tông Hà Nội, cho biết: toàn bộ ván khắc in tranh của hiệu tranh này, đều mời thợ khắc Liễu Tràng, Hải Dương thực hiện.

2/ Thời nhà Lý, thế kỷ 11, Phật giáo rất phát triển. Ở kinh thành Thăng Long có tới hàng trăm ngôi chùa, tô hàng ngàn pho tượng, có những ngôi chùa lớn do Nguyên Phi Ỷ Lan cho xây dựng. Chắc chắn rằng không hiếm các ngôi chùa lớn là “Tổ đình”- chốn Tổ, của các ngôi chùa nhỏ trong vùng, có nhiệm vụ cung cấp kinh sách nhà Phật cho các thiện nam tín nữ là cư dân kinh thành. Trong kinh sách nhà Phật không hiếm những ván khắc hình vẽ minh hoạ về hình tượng Phật, cách tạc tượng Phật, bùa, chú; Có nhiều chùa còn có bản khắc gỗ: Ván in vải bọc thi hài khâm liệm người chết gọi là “Lục Thù- Hải Hội”.

Nguồn tư liệu mỹ thuật đồ hoạ Phật giáo này là mẫu hình cho thể loại tranh Phật giáo do người dân Thăng Long lưu truyền và phát triển sau này. Cho đến nay, chúng ta vẫn còn gặp loại bản khắc có nguồn gốc Kinh, sách Phật giáo tại các chùa, thậm chí có những bản ván in bùa, chú, “Lục thù- hải hội”, có niên đại cách ngày nay tới 200 năm.

Tượng Phật, tranh các Phật, Bồ Tát, Kim Cương Hộ Pháp trang hoàng ở các chùa đã được nghệ nhân khắc ván, thu hẹp kích thước, in trên giấy, tô mầu rực rỡ, phục vụ cho nhu cầu tôn giáo. Đó là loại tranh thờ Phật giáo của Hàng Trống.

3/ Theo tài liệu nghiên cứu lịch sử của các nhà làm lịch ở nước ta, thì: Từ thời Trần, thời Lê, ở Thăng Long đã có toà Tư Thiên Giám. Hàng năm vào dịp Tết Nguyên Đán, đón năm mới, Toà Tư Thiên Giám có nhiệm vụ phải soạn lịch năm mới, in ra để dâng Vua, Triều Đình sử dụng và ban phát cho các quan lại cùng thứ dân. Tuỳ theo cấp bậc cao thấp mà có loại lịch tương xứng, có nghĩa là có nhiều loại lịch, thứ lịch khác nhau. (*)



*Xem: "Bảng đối chiếu Âm Dương lịch 2000 năm và niên biểu lịch sử" của Nguyễn Trọng Bình, Nguyễn Linh,

Bùi Viết Nghị - NXB Khoa học Xã hội, Hà Nội, 1976

Ấn phẩm - lịch thường niên- do Triều Đình chủ trương và Toà Tư Thiên Giám thực hiện, có lẽ không thể thiếu vắng được vai trò đồ hoạ trang trí: Hẳn là các hàng mỹ tự chúc tụng năm mới có kèm theo trang trí hoặc không có trang trí. Nếu có, thì chủ đề có thể nào khác được, ngoài hình tượng của mười hai con giáp, tứ linh, tứ quý (bốn loại hoa tượng trưng cho bốn mùa), chim, thú (thường thấy trong điêu khắc, vẽ tranh trang trí ở các đình chùa đền miếu)

Ấn phẩm lịch thường niên không thể thiếu được ở một nơi như kinh đô Thăng Long và đó là một nguồn kích thích sáng tạo cho một thể loại tranh đồ hoạ với chủ đề chúc tụng năm mới, rất phát triển trong dân gian với nhiều hình thức thể loại: câu đối, đại tự, nghi môn, cuốn thư, các bản khắc về Hà Đồ, Lạc Thư, Tiên Thiên Bát Quái, Hậu Thiên bát quái, dùng để trấn trạch, trừ tà (mà đến nay các ván khắc gỗ in loại này vẫn còn được gìn giữ khá tốt, như của hiệu tranh Thanh An). Thể loại tranh chúc tụng năm mới, mới chính thức là khởi nguyên cho một tên gọi nôm na ở mọi miền trên đất nước ta, đó là Tranh Tết, gắn bó với phong tục tập quán lâu dài của nhân dân ta. Loại tranh chúc tụng này phát triển liên tục có sự kết hợp của vẻ đẹp thư pháp (viết chữ Hỏn) và hoạ pháp (hỡnh vẽ minh họa) rất được ưa chuộng trong cư dân Thăng Long.

Ở giai đoạn đầu thế kỷ XX, tranh chúc mừng năm mới của Trung Quốc: Thượng Hải niên hoạ, Thanh Hải niên hoạ có điều kiện phổ biến sang Việt Nam, nghệ nhân Hàng Trống đã chịu ảnh hưởng nhiều của loại tranh này, có thể chép nguyên xi, hoặc cải biến chút ít cho phù hợp với thẩm mỹ, phong tục, tập quán Việt Nam, được sản xuất với động cơ thuần tuý thương mại. Số tranh chép nguyên xi với động cơ đó không nhiều và số phận tồn tại trên thị trường tranh Hà Nội cũng không lâu, vì người dân Hà Nội cũng sớm nhận diện được sự lai căng về nghệ thuật và tính khuếch đại thái quá của nội dung chúc tụng không phù hợp với khung cảnh xã hội Việt Nam.

4/ Thời Lê, tín ngưỡng thờ Chư vị - Thánh Mẫu phát triển rộng rãi ở đồng bằng Bắc Bộ. Bên cạnh chùa Phật, có đền thờ Mẫu và quán Đạo giáo. Tranh thờ Đạo Giáo từ quán Đạo mà ra, tranh thờ Mẫu cũng theo đó mà hình thành và phát triển phục vụ cho tín ngưỡng thờ Mẫu.

Thời Lê, sắc phong Thánh Mẫu Liễu Hạnh là Mã Hoàng Công Chúa. Đời Lê Cảnh Trị (1663- 1671) ở Nam Định xây dựng Phủ Giầy; ở Hà Nội xây dựng Phủ Tây Hồ; ở Thanh Hoá lập đền Sòng Sơn.

Những hoạt động tín ngưỡng này đã kéo theo nghệ thuật tạc tượng và vẽ tranh Chư vị- Thánh Mẫu lên một cấp độ cao hơn, lộng lẫy hơn trên cơ sở tham khảo nguyên mẫu của tranh thờ Phật giáo, Đạo giáo, và thần linh bản địa: Ông Công, Ông Táo, Ông Sư (thầy dạy các nghề).

Các tranh thờ Chư vị - Thánh Mẫu của nghệ nhân dân gian Hà Nội là một loại tranh đẹp nhất trên cả nước về thể tài tranh tôn giáo; Là những tác phẩm có giá trị nghệ thuật cao, phẩm chất nghệ thuật độc đáo, có bản sắc riêng nêú ta có dịp so sánh với tranh có cùng thể tài tôn giáo phổ biến ở Trung Quốc. Đây là một thể loại nghệ thuật sáng giá, đáng tự hào của nghệ nhân dân gian Hàng Trống, là di sản nghệ thuật đặc sắc, độc đáo trong thể loại tranh tôn giáo của nhân loại.

5/ Điều kiện kỹ thuật in tranh có khuôn khổ lớn và dài đã cho phép nghệ nhân Hàng Trống sản xuất các bộ tranh truyện đứng vào hàng đầu trong các dòng tranh ở cả nước: nhiều về số lượng đề tài, đẹp về chất lượng nghệ thuật, đáp ứng nhu cầu văn hoá - tinh thần cho nhiều tầng lớp nhân dân, nhất là nhân dân ở đô thị, thị trấn, thị tứ và tầng lớp khá giả ở nông thôn, trong cả nước.

Căn cứ, phân tích theo từng bộ tranh trong dòng thư mục về tranh truyện, chúng tôi cho rằng tranh bộ nhị bình, tứ bình của Hàng Trống,có bộ có lẽ được khắc từ thế kỷ 19 đến nay phải có hơn 100 năm tuổi. Trong khi đó, các dòng tranh dân gian khác không có thể loại tranh truyện như tranh Hàng Trống.

Thể loại truyện tranh, tranh chơi (bộ và bức) của dòng tranh Đông Hồ ra đời vào khỏang 1930- 1945 chính là nhờ sự kích thích, khơi nguồn của thể loại tranh truyện, tranh chơi của tranh Hàng Trống, ở Hà Nội và vùng lõn cận.

6/ Sau khi dập tắt phong trào Cần Vương, lập được ách đô hộ ở Đông dương, thực dân Pháp đã bước vào cuộc khai thác thuộc địa một cách quy mô: khai thác mỏ, xây dựng đường xe lửa, mở rộng giao lưu ngoại thương, xuất nhập khẩu, đẩy nhanh sự hình thành rõ rệt phân chia giai cấp giàu nghèo trong xã hội, cách biệt giữa thành thị và nông thôn.

Hàng hoá từ các nước phương Tây, hàng Trung Quốc cùng lan tràn kể cả văn hoá phẩm, cuộc vận động dùng hàng nội hóa, chấn hưng công nghệ trở nên sôi nổi và đã hình thành một sự canh tranh sống còn trên thương trường nước nhà.

Bị chi phối bởi quy luật cạnh tranh, một số phường thợ thủ công không chuyển hướng kịp thời đã bị xoá sổ, còn những phường thợ thủ công muốn tồn tại phải tự mình chuyển hướng đổi mới: tính chất nghiệp dư sản xuất hàng hoá lúc nông nhàn đã không thích hợp với nhu cầu xã hội và yêu cầu nâng cao chất lượng hàng hoá. Các phường tranh dân gian trong cả nước cũng nằm trong quy luật kinh tế xã hội ấy, không thể nào khác được.

Trước sự cạnh tranh của quy luật phát triển thị trường, phường tranh đỏ Kim Hoàng và nhiều phường tranh thủ công đã chết dần chết mòn.

7/ Chữ Nôm xuất hiện từ thời Trần (thế kỷ 13) đã đảm nhiệm vai trò làm một thứ chữ quốc ngữ. Nhiều nhà văn nhà thơ danh tiếng và khuyết danh đã sáng tạo nhiều tác phẩm văn học có giá trị trong văn học sử Viêt Nam, nhất là ở giai đoạn từ thế kỷ 16 đến nửa đầu thế kỷ 19.

Truyện nôm chủ yếu mang chủ đề đấu tranh xã hội dù rằng nó bắt nguồn từ cốt truyện cổ tích trong nước hay tự sáng tạo hoặc có nguồn gốc nước ngoài đều đó được phổ biến rộng rói, trở nên quen thuộc trong công chúng. Điều đó có thể phần nào cắt nghĩa việc các nhà làm tranh dân gian Việt nam khi vẽ tranh truyện đã tìm về kho tàng truyện nôm này.

Thể loại tranh truyện, tranh chơi Hàng Trống tuy hình thành muộn nhưng phát triển nhanh, có quy mô lớn mang nhiều tính chuyên nghiệp của một hoạt động thương mại về mặt hàng văn hoá phẩm ở kinh đô. Cần phải có vốn đầu tư về mọi mặt (từ ra mẫu đến vào trục từng bức để hoàn thiện tác phẩm). Và loại tranh này kén chọn người mua, khách hàng: có điều kiện thưởng thức tranh (có không gian treo tranh) có trình độ học vấn, thẩm mỹ để lĩnh hội cái đẹp và tính uyên thâm, triết lý của nội dung tranh truyện, vốn có nguồn gốc xuất xứ từ các tác phẩm văn học cổ điển Trung Hoa và Việt Nam.

Tính chuyên nghiệp của các nghệ nhân Hà Nội, đã vượt qua quá trình sinh hoạt nghề nghiệp, cộng tác theo phương thức phường hội, mà đã trở thành các cơ sở kinh doanh chuyên nghiệp, làm tranh cả năm, chuyên về một phạm vi mặt hàng có chủ đề nhất định, do từng gia đình đảm nhiệm.

Có các hiệu tranh do tư nhân làm chủ, như sau:


  1. Hiệu tranh Vũ Hải của gia đình nghệ nhân Lê Xuân Quế (1880- 1947) và bà Chu Thị Thủy (1880- 1965), quê ở làng Bình Vọng, tổng Bằng Liệt, nay thuộc huyện Thường Tín, Hà Nội. Gia đình vốn có nghề làm trống khẩu, trống chầu, đồ thờ sơn son thiếp vàng (cây nến, ống hương, đài…) cùng các mặt hàng phục vụ cho việc lên đồng, lễ bái ở các đền, phủ cho các con hương đệ tử. Đồng thời chuyên vẽ các loại tranh thờ Chư vị- Thánh Mẫu , và các loại tranh chúc tụng năm mới như Tam Đa, Tứ Quý, Tố Nữ cùng tranh chơi như Đám Cưới Chuột (Lão Trử thủ tân- tranh số 81) ..v..v.

Những năm đầu thế kỷ 20, bà Chu Thị Thủy thường xuyên từ Hà Nội lên Vân Nam để mua các loại giấy của Trung Quốc về làm hàng tranh dân gian. Thời kỳ đó còn ở phố Phủ Doãn, sau chuyển về Hàng Nón. Đến đời con là ông Lê Đình Liệu, hiệu Vũ Hải lại chuyển về Hàng Hòm, vẫn chuyên về các công việc của các cụ thân sinh để lại. Khỏang năm 1965, Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam chuẩn bị khai trương, đã mời ông Lê Đình Liệu về làm chuyên gia về tranh dân gian Hàng Trống của Bảo Tàng. Hiện nay thế hệ con cháu là ông Lê Đình Nghiên (và con trai) vẫn công tác tại Bảo Tàng Mỹ Thuật và gia đỡnh ụng ở số nhà 22 phố Cửa Đông Hà Nội.

Dòng họ Lê ở Bình Vọng, Bằng Liệt, còn có nghệ nhân Lê Đình Chuyện là người khắc ván tài hoa, làm công tác khắc ván in tranh cho nhà xuất bản Văn Hóa và các bảo tàng, báo chí ở Hà Nội. Năm 1985 đã về hưu. Hoặc cụ Cả Nghị (ở phố Huế Hà Nội) đã từng cộng tác với Bảo Tàng Mỹ Thuật- cũng đã mất khỏang năm 1985.



  1. Hiệu tranh Thanh An có nguồn gốc rất đáng lưu ý:

Cụ ông Trương Văn Hanh (khỏang 1884- không rõ năm mất) còn gọi là Hàn Hanh (Hàn lâm viện đãi chiếu), vốn là chức việc trong làng, quê ở Yên Xá, Tân Triều, Thanh Trì, Hà Nội. Ông không biết gì về nghề tranh dân gian. chỉ duy nhất có vợ ông- cụ bà Lương Thị Hảo (khỏang 1884- mất ngày 11/11 năm Đinh Hợi 1947 tại chiến khu Thái Nguyên) là người phụ nữ đảm đang, buôn bán giỏi và chính bà đã đem nghề làm tranh dân gian về quê chồng ở Yên Xá, để làm tranh trong gia đình mình, ngay từ thời mới về làm dâu.

Hai cụ có 2 con trai và 6 con gái. Người con gái đầu là bà Trương Thị Mão (sinh 1902- mất năm 1984) cùng với 5 em gái đã cùng tham gia với mẹ (bà Hảo) trong việc tô vẽ màu cho tranh của hiệu Thanh An, kinh doanh mặt hàng này tại 58 Hàng Đẫy, ngay bên bến xe điện, ở ngã năm Cửa Nam- Hàng Đẫy- Tràng Thi- Hàng Bông và Thợ Nhuộm, đối diện với hiệu An-Pô- nay là phố Nguyễn Thái Học Hà Nội. Đến tuổi trưởng thành 5 cô em đi lấy chồng, không ai tiếp tục theo nghề của bà Hảo truyền cho, chỉ có bà Trương Thị Mão còn giữ được nghiệp nhà cho tới khi bà mất (1984).

Từ nguồn gốc nào mà cụ bà Lương Thị Hảo có nghề làm tranh? Và cụ Hảo quê ở đâu? trong hòan cảnh nào về làm dâu ở Yên Xá? Hiện nay không ai cung cấp được tư liệu gì! Rất đáng tiếc! Vì: dân làng và họ Trương ở Yên Xá không hiểu rõ đã đành. Thế hệ con- nay không còn ai. Thế hệ cháu nội- cháu ngoại của 2 cụ không ai biết được điều gì trước những câu hỏi đó. Những nghi vấn về nguồn gốc họ Lương của cụ Hảo có gốc tích gì, liên quan tới họ Lương của tổ sư nghề khắc gỗ là Lương Nhữ Hộc, ở vùng Liễu Tràng, nay thuộc xã Tân Hưng, huyện Gia Lộc, tỉnh Hải Dương không? Hiện còn là một tồn nghi, chưa có lời giải ! Nhưng theo bà Trương Thị Mão cung cấp: đại bộ phận ván khắc in tranh dân gian của hiệu Thanh An, mà bà Mão biết, giữ được, cung cấp cho Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, vào năm 1980, là do “gia đình mời thợ khắc ván in tranh người làng Liễu Tràng ở Hải Dương về Hà Nội để thực hiện”.

Bà Trương Thị Mão có chồng là họa sỹ đồng thời là nhà điêu khắc Vũ Văn Thu (1894- 1966) quê ở thôn Cự Đà- Khúc Thủy, Thanh Oai- Hà Đông cũ. Trước Cách mạng tháng Tám 1945, ông Thu là công chức nhà Dây Thép Bờ Hồ, Hà Nội, nay là Bưu điện Bờ Hồ- Hà Nội. Ông Vũ Văn Thu đã theo học chương trình dự thính của trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương ở Hà Nội, vào năm học 1932-1933. Ông có tài về điêu khắc. Hai tác phẩm của ông “Chân dung nhà sư” tạc bằng gỗ, cao 64cm, 1940 và “Người hút thuốc lào”, gốm, 1940, hiện đang trưng bày tại Bảo Tàng Mỹ Thuật Việt Nam, Hà Nội. Ông chuyên sáng tác tranh khắc gỗ đen trắng. Năm 1942, nhà xuất bản Tân Dân, Hà Nội đã tuyển chọn và in một tập sách : tranh khắc gỗ của ông, có tên là Paysage de Hanoi et environs, có bài viết tựa đề của Ứng Hòe Nguyễn Văn Tố, học giả viện Viễn Đông Bác Cổ (EFEO) tại Hà Nội.

Năm 1958, Hội Mỹ Thuật Việt Nam giới thiệu với công chúng một phòng tranh vẽ thuốc nước của ông Vũ Văn Thu tại nhà triển lãm Hội Mỹ Thuật Việt Nam ở số nhà 10 phố Hàng Đào, Hà Nội. Ấn tượng về phong cách nghệ thuật của ông cho thấy có nhiều âm hưởng của cách thể hiện trên tranh dân gian Hàng Trống Hà Nội, dòng tranh mà trong đó có hiệu tranh Thanh An của gia đình ông và ông cũng đã từng tham gia sáng tạo. Theo gia đình kể lại thì bộ tranh Kim- Vân- Kiều (xem sách này, từ tranh số ... đến ...) là do ông thiết kế bản mẫu cho thợ khắc ván gỗ để in tranh. Và , liệu còn gì nữa ? ...

Ông Thu và bà Mão có người con gái độc nhất là Vũ Thị Hòa (1930- 2005), là vợ của họa sỹ Tạ Tỵ (1920- 2004). Họa sỹ Tạ Tỵ, học khóa 12 (1938- 1943) tại trường Cao Đẳng Mỹ Thuật Đông Dương, Hà Nội, là họa sỹ chuyên vẽ tranh theo trường phái lập thể. Ông có nhiều thành công nghệ thuật trên các tranh thể hiện bằng chất liệu sơn mài và sơn dầu. Chắc không có ảnh hưởng gì nhiều về phương diện nghệ thuật trên tranh dân gian của hiệu Thanh An.

Hiệu tranh này còn tồn giữ được nhiều ván khắc tranh tứ bình, có xuất xứ từ thế kỷ 19, và sáng tác nhiều mẫu tranh cho tới tận năm 1945- thời Đại chiến thế giới II. Sau khi bà Nguyễn thị Móo mất (1984) , hiện nay khụng cũn ai nối nghiệp. Căn gác nhỏ ở số 45 phố Trần Nhân Tông Hà Nội có bàn thờ bà do người cháu họ trông nom.


  1. Hiệu tranh Vạn Mỹ Xuân, cũng chuyên về tranh chơi và tranh thế sự, tranh chúc tụng năm mới, có người vẽ tài năng còn ký tên rõ trên lạc khoản là Trọng Đan, có người viết chữ để khắc tên tranh trên bản ván khắc là Ngô Khảo. Bộ tranh chơi hai bức Cá chép ngắm trăng và Chim Công, do Văn Nguyên ra mẫu, do hiệu này phát hành. Đến nay không thể tỡm được tông tích của hiệu tranh này và cỏc tỏc giả cú tờn nờu ở trờn.




  1. Hiệu Vĩnh Lợi có tranh Rước Rồng, Lưỡng nghi sinh tứ tượng, Duyệt binh (do Thanh Vĩnh vẽ). Đến nay không thể tỡm được tông tích của hiệu tranh này và tác giả Thanh Vĩnh.




  1. Tác giả có biệt danh là Lương Ngọc Võ Cát Phủ, hoặc Cát Phủ (Ông Cát) vẽ tranh Tiết Trung Thu, Quan Công, cùng một số nhân vật thời Tam Quốc. Đến nay không thể tìm được tông tích của tác giả này.

Xem xét kỹ thì giữa các hiệu tranh cũng có sự sao chép lẫn nhau các loại tranh bán chạy trên thị trường Hà Nội lúc bấy giờ như tranh Duyệt Binh, Thày đồ Cúc, cỏc bộ tranh Tứ Quý, tranh truyện Kim Vâ n Kiều, Rước Rồng...

Các cơ sở kinh doanh gia đình đó, với phương châm “lời ăn lỗ chịu” đã tập hợp tài năng ở kinh đô xưa để phát triển mặt hàng, chấp nhận cuộc cạnh tranh trên thị trường tranh ở Hà Nội, nhất là thời kỳ đầu thế kỷ 20, có cả tranh Tây, tranh Tầu, tranh ta (của các tạp chí xuất bản bằng chữ quốc ngữ, thường in phụ bản mầu và phụ bản số Tết hàng năm).



Sự cạnh tranh ấy thực sự có hai dòng tranh tham gia: Hàng Trống, và sau này là Đông Hồ. Họ đã để lại cho kho tàng tranh dân gian những tác phẩm có giá trị.




Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> An Nam phong tục
Documents -> PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 134.02 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương