An Nam phong tục


Người tham gia lập Hương ước tục lệ



tải về 252.53 Kb.
trang2/3
Chuyển đổi dữ liệu04.01.2018
Kích252.53 Kb.
#35461
1   2   3

3.2. Người tham gia lập Hương ước tục lệ

Những người tham gia xây dựng Hương ước tục lệ cho làng xã là những chức dịch trong làng như Xã trưởng, Thôn trưởng, Khán thủ, Hương trưởng và các vị kì lão. Họ là những người có trình độ văn hóa nhất định, có nhiều làng xã là những vị quan triều về hưu trí tại quê đã tham gia xây dựng hương ước, đúng như qui định trong bản chỉ dụ đời Hồng Đức chép trong sách Hồng Đức thiện chính thư:

"Nếu như trong dân gian muốn ngăn ngừa các tệ nạn, khuyên răn người ta cải tà qui chính, vứt bỏ các thói xấu mà đặt ra các khoán ước riêng thì phải lựa chọn người có đức hạnh, có trí thức thì khoán ước đó mới được ban bố cho thi hành. Đồng thời khoán ước đặt ra đó phải trình lên trên xem xét các điều khoản ấy có hợp với tập tục hay không thì mới cho phép thi hành."

Hương ước tục lệ đặt ra phải trình lên quan trên xem xét rồi mới được thi hành, do vậy càng làng xã càng phải lưu tâm lựa chọn những người có đạo đức, có tài năng để xây dựng, chẳng hạn như Khoán lệ làng Tu Hoàng tổng Kim Thìa nay thuộc xã Xuân Phương huyện Từ Liêm soạn thảo ngày 15 tháng 5 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786) đời Lê Hiển Tông do các vị khoa bảng trong làng cùng các sắc mục xây dựng, ở dưới bản khoán lệ 16 điều này thấy ghi tên các vị kí tên:

Giám sinh Vương Huy Tốn

Sinh đồ Nguyễn Ích Đôn

Hương lão Vương Trọng Hiểu

Viên mục Nguyễn Huy Giám

Tri sự Vương Đình Cơ

Viên mục Vương Khải Phát

Xã trưởng Nguyễn Công Đại

Thôn trưởng Nguyễn Duy Phiên

Hoặc như khoán ước của tổng Đại Phùng do dân 5 xã trong tổng là Đan Phượng Thượng, Đan Phượng Hạ, Phượng Trì, Đại Phùng, Thu Quế cùng nhau xây dựng ngày 18 tháng 12 năm Cảnh Hưng thứ 42 (1781) đời Lê Hiển Tông lại gồm nhiều các vị quan chức, khoa bảng hơn:

Triều quan Tạ Đăng Vọng

Huyện thừa Nguyễn Thế Bảng

Giám sinh gồm các vị:

Nguyễn Kim Toàn

Nguyễn Thế Doanh

Nguyễn Quí Nhã

Bùi Đăng Phượng

Nguyễn Đình Thiêm

Các vị xã trưởng, thôn trưởng, trùm trưởng trong 5 xã của tổng Đại Phùng gồm:

Nguyễn Quế

Nguyễn Thế Hào

Nguyễn Quốc Bảng

Chu Hữu Tài

Nguyễn Văn Hưng

Phạm Khắc Minh

Tạ Duy Sĩ

Bùi Kim Anh

Nguyễn Công Trứ

Nguyễn Tuyển Sĩ

Nguyễn Hữu Phú

Nguyễn Hữu Dung

Bùi Viết Phú

Trần Đình Nho

Nguyễn Khắc Phục

Tạ Đăng Khoa

Tạ Đăng Khiêm

Nhiều làng khoa bảng khi lập ra khoán ước của hội Tư văn thì hoàn toàn do các vị chức sắc quan triều đảm nhiệm. Chẳng hạn như khoán ước của Văn hội làng La Khê huyện Từ Liêm soạn thảo ngày 25 tháng 1 năm Cảnh Hưng thứ 47 (1786) có đến hàng trăm vị sắc mục mà học vị Sinh đồ là chức danh thấp nhất, cụ thể gồm:

Quan viên phụ Hoằng Tín đại phu Hàn lâm viện Thị độc Ngô Nguyễn Hán

Giảng dụ Lê Đình Doãn

Quan viên Giám sát ngự sử đạo Thanh Hoa Ngô Duy Trưng

Hàn lâm việc Đãi chế Ngô Trọng Khuê

Thự Giám sát ngự sử đạo Thanh Hoa Lê Cử

Lang trung bộ Hộ Nguyễn Thuần

Tri huyện Nguyễn Quân

Các vị Huấn đạo gồm:

Nguyễn Dung

Lê Đăng Đệ

Nho sinh trúng thức Ngô Ngạn Dĩnh

Giám sinh Nguyễn Tọai

Huyện thừa Nguyễn Huyên

Điện tiền Phạm Danh Tuấn

Phó sở sứ Bạch Bá Cơ

Nho sinh gồm có các vị: Lê Doãn Thuần, Nguyễn Bao Thước, Lê Dõan Giảng, Nguyễn Bao Dung

Sinh đồ gồm các vị: Lê Nguyễn Tố, Lê Nguyễn Hoàn, Nguyễn Liêu, Nguyễn Phú Lẽ, Lê Thọ Cảnh, Lê Nguyễn Huệ, Hoàng Ngô Diễn, Nguyễn Hữu Dung, Hoàng Nguyễn Lệ, Phạm Nguyễn An, Lê Nguyễn Nho...

3.3. Truyền bá tổ chức thực hiện Hương ước tục lệ

Theo qui định chung, các bản Hương ước tục lệ do dân làng soản thảo ra phải trình báo lên trên xem xét, sau đó đưa về làng thực hiện. Dân làng giao cho một vị quan viên đang đảm nhiệm chức trách đương cai giữ lấy một bản, còn bản sao khác thì đem cất giữ ở tại đình làng. Hàng năm vào dịp tổ chức lễ hội, vị chủ tế đem bản Hương ước đó ra đọc tại đình trung để mọi người được nghe. Cá biệt có những làng xã đem hương ước khắc vào ván gỗ treo ở đình làng hoặc khắc lên bia đá đặt cạnh đình làng để mọi người thường xuyên xem xét mà thi hành, chẳng hạn như bản ước thệ của thôn Hữu Đạo xã Tiên Phương huyện Chương Mĩ khắc vào bia đá năm 1894 để ở bên trái đình ghi rõ:

"Nay cho dựng bia để ở bên trái cửa đình san khắc các điều ước thệ để truyền lại cho con cháu đời sau, dùng đấy làm gương. Hàng năm đến kỳ vào đám tháng giêng mùa xuân và ngày rằm tháng bảy, toàn dân sắm sửa hương hoa lễ vật đem đến đặt trước bia theo đúng nghi thức mọi người cùng đến thệ nguyện. Kẻ nào trốn tránh thì quỉ thần tru diệt, do vậy không thể không thận trọng."

Hoặc như Hương ước của xã Tiên Tiến huyện Chương Mĩ gồm 127 điều, dân xã đã bỏ hẳn ra điều ở cuối để giới thiệu về biện pháp thực hiện Hương ước:



Điều thứ 122: Hương ước này làm xong phải đọc cho làng nghe, ai ai cũng công nhận là phải đều bằng lòng kí kết đệ trình, nếu sau này ai làm điều gì trái hương ước, thời làng phạt hay tước thứ vị, người ấy còn sau này theo trình độ tiến hóa muốn cải đổi thêm điều gì thời làm giấy xin phép mà viết vào sau.

Điều 123: Hương ước này cứ đến việc làng thư kí phải đọc cho làng đều nghe.

Điều thứ 124: Kể từ ngày thi hành khoán ước này. Các điều lệ gì cũ trái mấy hương ước này đều bỏ đi cả.

Điều thứ 125: Trong làng ai trái những khoản hương ước trên thời hương lý tùy tình nặng nhẹ mà phạt hoặc không cho dự trung đình tế tự, một hạn là năm tháng thời hương lý phải làm biên bản rõ ràng, hoặc chuất thứ vị xuống ban dưới.

Điều thứ 126: Đến ngày 15 tháng giêng tế thần, thư kí phải đem hương ước đọc cho đồng dân đều nghe.

Điều thứ 127: Ngoài những thể lệ đã thực trong hương ước này lập cho riêng làng còn dân lại phải tuân theo lệ luật quan trên nữa.

4. NỘI DUNG HƯƠNG ƯỚC TỤC LỆ

Nội dung của các bản Hương ước tục lệ phản ảnh đầy đủ các sinh hoạt xã hội của nông thôn Việt Nam xưa, từ các hoạt động văn hóa tâm linh đến các hoạt động đời sống hàng ngày như lao động sản xuất, học tập hướng nghiệp, bảo vệ trật tự an ninh, các tập tục cưới xin, chúc mừng, khao vọng, ăn chay. Song cũng có một số bản Hương ước chỉ phản ảnh từng mặt của cuộc sống, có bản chỉ chuyên đề cập đến việc thờ phụng thành hoàng, có bản chỉ chuyên nói về lao động sản xuất nông nghiệp. Đến khi có Hương ước cải lương thì nội dung được khoanh vào 4 vấn đề chính là: xử phạt, chia ruộng tốt, thờ thần và chính trị xã hội. Các bản Hương ước cổ của làng xã xưa đề cập đến nhiều nội dung hơn, có thể khái quát vào một số nội dung là: thờ thần thành hoàng, lao động sản xuất, trật tự trị an, khuyến học, cưới xin ma chay, duy trì hương ước. Để hiểu rõ hơn về các nội dung chính phản ảnh trong Hương ước cổ, chúng tôi xin chọn giới thiệu bản Hương lệ của hai xã La Nội và Ỷ La ở huyện Hoài Đức, bao gồm 7 nội dung là:

- Thờ thần cầu phúc

- Tôn trọng người hiền tài

- Trọng học sùng nho

- Coi trọng nông nghiệp

- Ngăn cấm tệ nạn

- Giữ gìn trật tự an ninh

- Việc ma chay chôn cất

Căn cứ theo bản Hương lệ này và nhiều bản khoán lệ ở các làng trong khu vực Hà Nội, chúng ta có thể khái quát nội dung chính phản ánh trong Hương ước tục lệ cũ như sau:

4.1. Phụng sự thần linh cầu xin ban phúc

Mỗi làng đều tôn thờ một vị thành hoàng làng, cho nên hầu hết các bản Hương ước cổ, đều đưa phần thờ thần lên hàng đầu. Chẳng hạn bản Hương lệ làng Mậu Lương huyện Thanh Oai xưa có 15 điều thì đã có đến sáu điều nói về việc thờ thành hoàng làng.



Điều 1: Tăng thêm lễ ở hai ngôi đền là đền Đô Hồ và đền Ao Phủ. Giao một thửa ruộng quan diện tích 3 sao cho hai vị thủ từ cày cấy để lo việc đèn nhang.

Điều 2: Qui định việc cầu phúc hàng năm vào ngày đầu xuân, có mở hội ca hát.

Điều 3: Kén chọn hạng trung nam đi rước thánh

Điều 4: Tuần phòng canh gác vào đêm tế thần để đảm bảo an ninh.

Điều 5: Phân chia đồ thờ cho các giáp trông coi.

Nhìn chung các điều lệ qui định về việc thờ thần hết sức tỉ mỉ rõ ràng, có thể tập trung vào các nội dung chính là:



4.1.1 Xác định ngày tổ chức vào đám và các ngày lễ tết trong năm.

Qui định nghi thức tế lễ gồm, chọn ra chủ tế, bồi tế, người viết văn tế, chẳng hạn như Khoán ước của xã Duyên Trường đặt hẳn một điều qui định việc bầu chủ tế:

Ông chủ tế thì bầu từ hàng khoa mục phẩm hàm, các chức Tư văn từ văn trưởng trở lên, thượng lão từ 60 tuổi trở lên. Các mục ấy không ai chịu thì bầu từ 50 tuổi trở lên”. Khi bầu được chủ tế rồi thì giáp trưởng thông với hương dịch để nói với ông đến xem ngày lễ đình.

Lại như Khoán ước của tổng Đại Phùng huyện Đan Phượng lại phân công rõ ràng xã nào viết văn tế, xã nào đọc văn tế:

Nghi thức tế lễ thì giao cho xã Đan Phượng Thượng viết văn tế, xã Đan Phượng Hạ đọc văn tế. Các xã khác nếu như có người quyền chức phẩm hàm cũng không được tranh giành, phải phân thành ban chủ tế, bồi tế, đông xướng, tây xướng, tổng mục, chấp sự. Các xã trong tổng luân phiên nhau thực hiện, không được hỗn tạp để nghiêm việc tế tự.”

Ngay cả các đồ thờ tế thành cũng được đưa vào điều quan giao cho từng giáp trông nom quản lí. Nếu như ai sơ xuất để thất lạc thì phải bồi thường đầy đủ.



4.2. Hoạt động lao động sản xuất

Nội dung về lao động sản xuất được các bản Hương ước phản ánh rất sâu rộng. Trước đây dân các xã chủ yếu là sản xuất nông nghiệp và làm nghề thủ công, nên các qui định về sản xuất cũng chỉ nhằm vào hai nội dung này.

Về lao động nông nghiệp thì nổi cộm lên là vấn đề phân chia sử dụng đất đai. Chẳng hạn Khoán ước của xã Dương Liễu lập năm 1691 gồm 15 điều thì đã có 11 điều nói về việc sử dụng phân chia đất đai, như:

Điều 1: Qui định việc đóng thuế

Điều 2: Cho đo đạc đất vàng bãi bồi bên sông Đáy để chia đều cho người cày cấy.

Điều 3: Qui định việc ruộng đất cũ của xã nếu ai được chia lại đem cầm bán thì nay bắt phải chuộc về.

Điều 4: Qui định việc người được chia ruông không may bị chết thì số ruộng đó phải trả lại cho xã.

Điều 5: Qui định việc người được chia ruộng không chịu đóng thuế hoặc không tham gia lao động công ích thì xã thu lại ruộng.

Điều 6: Qui định nếu ai thừa ruộng không sử dụng thì xã thu lại.

Điều 8: Người được chia ruộng nếu chuyển đi xã khác ở thì trả lại ruộng.

Điều 9: Phân chia ruộng

Điều 12: Qui định chia ruộng cho người từ 17 tuổi trở lên. Nếu chia ruộng cho năm 17 tuổi thì đến năm 18 tuổi mới phải đóng thuế. Nếu chia ruộng cho năm 18 chia ruộng, thì năm 19 tuổi mới phải đóng thuế.

Điều 13: Ruộng đất chia cứ lấy 6 năm làm kì hạn.

Điều 15: Cấp ruộng cho chức dịch

- Quan tại triều cấp cho 4 sào

- Quan viên khao vọng 2 lần cấp 2 sào

- Quan viên khao vọng 1 lần cấp 1 sào

- Tuần đinh, chức dịch cấp 1 sào.

Ngoài việc ruộng đất ra, đối với sản xuất nông nghiệp xưa kia chủ yếu là vấn đề dẫn nước tưới ruộng. Thứ đến là việc trông nom bảo vệ hoa màu. Để trả công cho người trông đồng, Hương ước các làng qui định phải trả bằng thóc, tính theo đầu ruộng đất, chẳng hạn như khoán lệ xã Tu Hoàng qui định:

Hai vụ mùa hè mùa đông, mỗi sào thu thóc trả cho tuần phiên trông đồng mỗi sào là 1 chát lúa. Nếu người ngoài xã vào cấy thì lấy là 1 lượm.

Còn đối với sản xuất thủ công nghiệp thì các qui ước càng chặt chẽ sát sao hơn. Chẳng hạn như khoán lệ phường Long Đằng xã Đông Ngạc huyện Từ Liêm qui định, mỗi khi mua được song mây thì đềm chia đều cho các hộ trong phường. Ai có công đi khai thác được nguyên liệu thì phường sẽ ưu tiên cho mua nhiều hơn.



4.3.Văn hóa xã hội tập tục làng xã

Vấn đề tập tục văn hóa bao gồm các lĩnh vực cưới xin, ma chay, mừng thọ, khao vọng... trong các tập tục đó thì được chú ý nhiều hơn cả là việc hiếu hỉ và khao vọng.

Việc khao vọng được qui định rất rõ, ai được bổ nhiệm chức sắc hoặc đỗ đạt thì đều phải khao làng, chẳng hạn như Khoán ước của thôn Nhân Ái xã Vân Canh huyện Từ Liêm (nay thuộc Hoài Đức) qui định:

Ai đỗ Tiến sĩ khao làng trị giá 60 quan tiền

Ai đỗ Phó bảng khao làng trị giá 50 quan tiền

Ai đỗ Cử nhân khao làng trị giá 40 quan tiền

Ai đỗ Tú tài khao làng trị giá 30 quan tiền

Ai đỗ nhất trường, nhị trường khao làng 20 quan tiền.

Nhiều xã lại qui định phải khao những hai lần. Ai khao hai lần thì làng chia ruộng cho nhiều hơn.

Một nội dung quan trọng liên quan đến văn hóa xã hội là qui định người ở nơi khác đến sinh sống tại làng gọi là dân ngụ cư. Đã là dân ngụ cư thì không được tham gia đầy đủ các hoạt động của làng như không được bầu vào các chân chủ tế, bồi tế...

Người ngụ cư phải sống ở đó ba đời và đóng góp đấy đủ các nghĩa vụ với dân làng rồi thì mới cho vào sổ bạ tịch của làng. Ngay cả những người vốn đã cư trú lâu đời ở làng, song do lí do nào đó chuyển đi nơi khác, nay có nguyện vọng muốn quay về làng thì vẫn bị phân biệt đối xử, chẳng hạn như điều 8 trong bản khoán ước làng Phú Cốc huyện Thường Tín qui định:

Hễ người nào đi làm ăn ở nơi khác, nay muốn xin về làng cũ chịu gánh vác sưu sai tạp dịch thì cho phép.



Nếu người đó đã thăng đền bàn trưởng, thôn trưởng thì cho phép nộp lợn, xôi, rượu đúng giá 2 quan tiền cổ, cùng 100 khẩu trầu, rồi xếp vào hạng bàn dưới.

Nếu người đó chỉ là hạng thứ dân thì bắt nộp gà rượu đáng giá 6 mạch tiền cổ, cùng 100 khẩu trầu, cũng xếp vào hạng bàn dưới.”

Cũng trong khoán ước làng Phú Cốc, ở điều 8 lại qui định hễ người nào có quê mẹ hoặc quê vợ ở làng này mà muốn xin vào làng chịu gánh vác sưu sai tạp dịch thì làng sẽ họp bàn xét xem người ấy có thực sự là người tốt không thì sẽ chấp nhận. Đồng thời lại bắt nộp 3 quan 5 mạch tiền cổ và 100 khẩu trầu. Trường hợp khác nếu không phải là quê mẹ hay quê vợ thì số tiền phải nộp là 5 quan tiền cổ.

Một nét văn hóa rất đặc trưng thể hiện qua các bản Hương ước tục lệ là sinh hoạt của hội Tư văn ở làng xã. Về qui chế có hội Tư văn hàng huyện, hội Tư văn hàng tổng và hội Tư văn hàng xã. Đối với cấp thôn giáp cũng có nơi lập ra hội Tư văn riêng. Lại có những thôn, xã lập riêng một đơn vị giáp gọi là giáp Tư văn, có nội qui qui chế riêng. Do đó hội Tư văn có nơi còn gọi là Văn giáp, Văn thuộc.

Người đứng đầu hội Tư văn là Trùm trưởng Hội tư văn, có nơi gọi tắt là Văn trưởng, được Hội viên hội Tư văn bầu ra, thời gian giữ chức không hạn chế. Thường là văn trưởng làm việc đến khi nào mất mới chọn người khác thay thế.

Hội trưởng hội Tư văn có trách nhiệm điều hành công việc của hội làm cho phong tục làng xã ngày một thuần hậu. Do vậy tiêu chuẩn tuyển chọn rất chặt chẽ. Chẳng hạn như điều 11 trong bản tục lệ thôn Tuy Lai huyện Mĩ Đức ghi rõ:

Hội trưởng của bản thôn trông nom công việc của văn hội hết sức quan trọng, can hệ đến Hội không phải là nhỏ. Do vậy từ nay về sau qui định, hễ người nào trong làng khoa mục từ Tú tài trở lên bản hội mới tôn bầu làm Hội trưởng để viết văn tế.

Nếu như bản hội chưa có ai đỗ Tú tài trở lên thì căn cứ vào tên họ chức tước thứ tự ghi trong sổ, vị nào cao nhất thì tôn bầu làm Hội trưởng để viết văn tế, và gìn giữ các loại sổ sách của bản hội.”

Nghĩa vụ trách nhiệm của trùm trưởng hội Tư văn là rất nặng nề, thế nên về quyền lợi cũng được quan tâm nhiều, ngoài việc kính biếu lễ vật cho văn trưởng, nhiều làng xã còn đặt ra qui ước cấp ruộng cho văn trưởng tạo điều kiện cho văn trưởng làm việc tốt hơn.

Trụ sở của Hội tư văn thường là văn chỉ hoặc văn từ của làng. Nơi đây ngoài việc thờ phụng Khổng Tử và các vị tiên hiền ra còn sắp đặt các ban thờ các vị Hậu hiền của địa phương. Chẳng hạn như văn chỉ của làng Nhân Ái xã Vân Canh chia làm ba ban. Ban giữa thờ các vị đỗ đại khoa, ban tả thờ các vị đỗ trung khoa, ban hữu thờ các vị đỗ tiểu khoa.

Về tiêu chuẩn cho vào hội Tư văn thì tùy theo trình độ văn hóa của dân làng. Có nơi rất ít người đỗ đạt thì tiêu chuẩn chỉ là những người có đức hanh, hiểu biết chữ Hán đến trình độ nhất đinh. Thế nhưng đối với làng xã có nhiều người đỗ đạt khoa trường thì qui định này lại đặt ra rất cao, chẳng hạn như làng La Khê qui định ở điều 6 trong bản khoán ước của Văn hội ghi rõ:

"Vị Hậu tiến nào thi đỗ tam trường thì được gia nhập văn hội, cần phải chọn ngày sắm sửa lễ vật gồm trầu cau, kính biếu các vị triều quan mỗi vị một miếng, các vị trong bản hội mỗi người 1 miếng.

Trước tiên đem lễ vật đến yết bái các vị tiên hiền. Lễ vật gồm 2 con gà, 2 mâm xôi, 2 vò rượu, 2 cơi trầu, mỗi cơi 50 miếng. Sau khi lễ xong đem lễ vật về nhà viên đương cai, mọi người có mặt ở đó cùng uống rượu. Cỗ bàn như lệ cũ thì châm chước, cho nộp thay bằng tiền, mỗi mâm nộp thay bằng 3 mạch. Các vị triều quan mỗi vị 1 mâm, trùm xã thì hai vị 1 mâm. Bản hội thì cứ 4 vị 1 mâm."

Ở làng Phú Diễn huyện Từ Liêm thì qui ước gia nhập văn hội còn chặt chẽ hơn. Bản Hương ước của xã chỉ có 18 điều, song dân làng đã dùng đến 3 điều để xét tiêu chuẩn cho người tham gia vào hội, đó là điều 7, điều 8 và điều 9. Cụ thể là:



Điều 7: Người nào mới thi đỗ Cử nhân, Tú tài mà vọng nhập vào Văn hội thì phải có lời trước 3 ngày. Hôm sau mang gà xôi và các lễ vật đến làm lễ cáo yết ở văn chỉ. Sau đó lần lượt đi mời từng người trong văn hôi. Đến ngày lễ chính thì tùy nghi sửa lễ vật.

Số tiền vọng như sau:

Tú tài nộp 3 quan

Cử nhân nộp 6 quan (nếu đã nộp tiền vọng Tú tài rồi thì cho miễn)

Phó bảng nộp 8 quan

Tiến sĩ trở lên nộp 10 quan

Số tiền đó giao cho Trùm trưởng văn hội nhận lấy, giữ làm của chung để chi tiêu.

Điều 8: Các vị quan viên phụ ở bản ấp nếu muốn vọng nhập vào văn hội thì ngồi xếp ngang với hàng Cử nhân. Sau này nếu được ban thêm phẩm trật thì tùy theo phẩm tước mà tăng thêm.

Điều 9: Làng ta từ xưa đến nay nếu như đến nay, những người chưa đỗ đạt khoa bảng thì không cho phép tham gia văn hội. Riêng trường hợp Ấm sinh hoặc Quan viên thì cho xếp vào hàng cuối hạng Cử nhân Tú tài. Sau này nếu ra làm quan thì tùy theo phẩm hàm mà sắp xếp.

Nếu người nào đó làm càn, gây ra kiện tụng thì bản ấp sẽ xử phạt.

Làng xã được dân gian coi như một tiểu triều đình, nào các vị Hội viên hội Tư văn cũng được gọi là Quan viên. Người giữ chức quan viên thực sự danh giá, song ở chế độ cũ, danh vị này có thể mua được, chẳng hạn như điều 31 trong khoán ước của thôn Nhân Ái xã Vân Canh qui định:

"Người nào giàu sang có thể mua chức danh quan viên. Bản hội thu mỗi người 100 quan tiền và 10 quan tiền khao vọng cùng 100 miếng trầu, 1 vò rượu."

Lại có những xã qui định rất chặt chẽ về nghĩa vụ của các quan viên. Các thành viên hội Tư văn trong làng nhận sự chăm sóc giáo dưỡng mà trưởng thành. Sau này nếu có ai được ra làm quan thì phải có trách nhiệm đóng góp tiền của cho bản hội. Chẳng hạn như điều 10 trong khoán ước làng Phú Diễn nêu ra:

Điều 10: Trong văn hội có người nào được ra làm quan thì phải nộp ruộng.

Tri huyện, Đồng tri phủ thì nộp 1 sào

Tri phủ nộp 2 sào

Án sát sứ nộp 3 sào.

Quan từ hàng tam phẩm trở lên, không phân biệt ở trong triều hay ngoài địa phương, đều nộp 4 sào.

Nếu từng nộp ở huyện rồi mới làm Tri phủ thì chỉ nộp một nửa.

Nếu đã từng nộp ở huyện phủ rồi mới thăng làm Án sát sứ thì cũng cho trừ một nửa.

Các trường hợp khác cũng phỏng theo như thế.

Số ruộng đó dùng làm ruộng tế tự của văn hội, giao cho viên trùm trưởng văn hội nhận lấy. Mười sào ruộng tết trị giá 20 quan tiền.

Do có đóng góp như vậy nên các việc hiếu hỉ của thành viên trong văn hội sẽ được bản hội đặc biệt quan tâm. Chẳng hạn như Điều 5, Điều 6 trong Hương ước làng Phú Diễn qui định:



Điều 5: Trong Văn hội có vị nào mà cha mẹ song toàn cùng vào hương lão thì mừng 1 đôi câu đối trị giá 1 quan tiền, nếu thọ 70 tuổi thì mừng 1 đôi câu đối trị giá 2 quan.

Trường hợp bản thân hội viên Văn hội thọ được như thế thì văn hội cũng mừng lễ vật đủ như trên.



Điều 6: Trong văn hội có vị nào quá cố thì văn hội đến điếu viếng, lễ vật gồm xôi, gà, rượu, vàng, hương, câu đối đáng giá 3 quan tiền.

Nếu là cha mẹ đẻ mất thì điếu viếng 1 đôi câu đối trị giá 2 quan tiền.

Nếu là cha mẹ vợ mất hoặc người nội tộc mất mà có trầu cau đến mời văn hôi thì tùy theo mức độ mà điếu viếng trầu cau, vàng hương, đáng giá 1 quan tiền.

Các điếu viếng khánh hạ nêu trên đều do trùm trưởng văn hội lo liệu rồi phân bố cho mọi người cùng chịu.

Việc khánh hạ còn tăng thêm 1 điều nữa.

4.4. Hình thức khao vọng

Khao vọng là tập tục cũ lưu truyền rộng rãi trong các làng quê ở nông thôn Việt Nam. Ngày nay tập tục này không còn tồn tại nữa, thế nhưng nó còn để lại dấu ấn khá đậm nét trong các thư tịch cổ của chúng ta. Mỗi khi có dịp lật trang sách cũ, xem lại di huấn của các bậc tiền nhân, chúng ta không thể không trăn trở suy tư, thế mà vẫn còn nhiều điều bất cập. Các sách mới xuất bản trong thời gian gần đây thường gộp cả hai khái niệm khao vọng làm một đơn vị giải thích, chẳng hạn trong cuốn Từ điển tiếng Việt do Nhà xuất bản Khoa học xã hội in năm 1988 ở Hà Nội, viết:

Khao vọng: Nộp tiền và làm tiệc mời dân làng ăn nhân dịp đỗ đạt hoặc thăng chức, theo tục lệ cũ”.

Thực ra khao và vọng mặc dù có quan hệ gắn bó mật thiết với nhau, song vẫn là hai cá thể có khả năng tồn tại độc lập. Thường là tổ chức tiệc khao để dân làng chứng nhận tư cách của mình làm cơ sở cho việc vọng vào ngôi thứ nào đó trong làng. Thế nhưng cũng có trường hợp chỉ tổ chức tiệc khao mà không có lễ vọng, ngược lại có khi chỉ thực hiện lễ vọng mà không có tiệc khao. Dưới đây chúng tôi xin tách riêng từng phần để giới thiệu kỹ thêm về tập tục khao vọng này.



4.4.1. Tiệc khao

Từ khao có nguồn gốc từ tiếng Hán, dùng để chỉ việc tổ chức yến tiệc mừng công, khoản đãi quân sĩ. Trong các làng xã Việt Nam thời xưa, mỗi khi gặp được việc vui mừng như thi đỗ, được bổ làm quan hay đến tuổi lên lão làng, người ta thường tổ chức bữa tiệc thịnh soạn để chiêu đãi bà con chòm xóm và bạn bè thân hữu, đó là tiệc khao. Dân làng đến dự tiệc sẽ chứng nhận tư cách pháp nhân của người tổ chức tiệc khao rằng người đó đã đủ tiêu chuẩn để vọng vào các ngôi thứ trong làng. Nếu như người thi đỗ hoặc bổ làm quan mà không tổ chức tiệc khao, hoặc tổ chức tiệc khao không đúng nghi thức quy định, thì dân làng mặc nhiên không công nhận tư cách của người đó.

Nghi thức tổ chức tiệc khao rất phong phú và đa dạng, song cũng tùy thuộc vào điều kiện kinh tế của từng người và phong tục tập quán của từng địa phương. Thông thường là giết trâu mổ lợn làm cỗ linh đình, chẳng hạn như lệ khao ở làng Dương Liễu huyện Hoài Đức có quy định các hạng mục rất rõ ràng: “Trong dân ai có việc vui mừng thì khao làng 1 con bò trị giá 10 quan tiền, 1 gánh rượu ngon trị giá 2 quan tiền, 100 đấu gạo xôi,..” Đến khi kinh tế hàng hóa phát triển, nhiều làng đã quy đổi các lễ vật khao làng thành tiền mặt cho tiện lợi. Lại có làng vừa thu lễ vật vừa thu bằng tiền mặt, chẳng hạn như lệ khao ở làng Yên Trường huyện Chương Mỹ quy định: “Lệ khao dùng 1 con lợn, 1 mâm xôi, 6 chai rượu, 100 khẩu trầu và thêm 50 đồng bạc”. Số tiền và lễ vật này hoặc dùng toàn bộ làm cỗ khao làng, hoặc trích lại một phần giao lại cho bản giáp, còn bao nhiêu đem làm cỗ mời dân làng cùng dự.

Người tổ chức tiệc khao được hưởng quyền lợi là được vọng vào ngôi thứ trong đình, được hưởng phần lễ biếu trong các kỳ tế lễ, và được tham dự các tiệc khao của người khác. Tiệc khao thường chỉ tổ chức một lần, song cũng có người tổ chức nhiều lần. Quyền lợi của người tổ chức tiệc khao nhiều lần cũng theo đó mà tăng thêm, chẳng hạn như lệ làng Dương Liễu huyện Hoài Đức quy định: “Người tổ chức tiệc khao 1 lần được phân chia 1 sào ruộng, được biếu 3 người 1 mâm cỗ trong kỳ tế thánh; người tổ chức tiệc khao 2 lần được chia 2 sào ruộng, được biếu 2 người 1 mâm cỗ”.



4.4.2. Lễ vọng

Trong tiếng Hán từ vọng có nghĩa là hướng về, trông theo. Lệ vọng trong xã hội cũ được dùng với nghĩa là người đi sau hướng về người đi trước, tiếp nối bước chân của người đi trước. Do vậy cũng có thể hiểu nghĩa là được tham gia vào một tổ chức nào đó ở hương thôn. Trong các làng xã Việt Nam thời xưa, cộng đồng cư dân người Việt có nhiều tổ chức sinh hoạt tập thể như phe giáp, làng xóm, hội lão, hội tư văn v.v… Mỗi tổ chức này đều đặt ra những tieu chuẩn cụ thể để tuyển người tham gia. Dân làng ai đủ tiêu chuẩn thì được mời tham gia và phải đóng góp một số tiền lệ phí nhất định, gọi là tiền vọng. Số tiền này được sung toàn bộ vào công quỹ, hoặc trích lại một phần giao cho đơn vị sở tại của người đó, còn lại bao nhiêu thì sung công. Thông thường ở mỗi làng quê có các lệ vọng, như: Vọng giáp, vọng đình, vọng lão, vọng tư văn, vọng quan viên v.v…

- Vọng giáp: Giáp là một tổ chức cư dân ở hương thôn phụ thuộc vào làng xã. Mỗi làng thường có từ bốn đến sáu giáp, nên người được vào hàng giáp cũng có nghĩa là vào làng. Theo quy đinh cũ, chỉ có người đàn ông mới có bổn phận gánh vác công việc của làng xã. Do vậy tiêu chuẩn đầu tiên được vọng giáp phải là con trai. Có làng quy định con trai từ ẵm ngửa trở lên là được vọng giáp, được đi việc làng và chia phần cỗ, song phải đến 18 tuổi mới phải phân bổ gánh vác công việc. Mỗi giáp lại phân ra làm nhiều hạng gọi là chạ, thông thường có ba chạ là chạ nhất, chạ nhì và chạ ba. Người mới vọng giáp thì được xếp vào chạ ba, dần dần chuyển lên chạ nhì, chạ nhất. Đến khi đủ tiêu chuẩn tổ chức cỗ thờ thì được cử làm lềnh, đứng ra lo liệu cộng việc tế tự trong làng cùng các chức sắc. Người vọng giáp chỉ phải nộp tiền hoặc lễ vật một lần cho giáp, song có giáp quy định mỗi lần lên chạ đều phải nộp tiền. Chẳng hạn như lệ làng Yên Trường huyện Chương Mỹ quy định mỗi lần lên chạ phải nộp thêm 6 đồng. Ai không nộp đủ tiền vọng thì không được lên chạ.

- Vọng lão: Đàn ông đến 50 tuổi thì gọi là lão hạng, có cơi trầu đưa đến đình xin vọng lão, được miễn giảm một nửa số sưu dịch. Ngươờigià 60 tuổi gọi là lão nhiêu, được miễn trừ hoàn toàn sưu dịch. Người khá giả có thể tổ chức tiệc mừng khao cả làng hoặc khao hàng giáp, còn thông thường chỉ nộp tiền và lễ vật: Mức nộp tiền vọng lão cũng tùy thuộc vào từng địa phương. Chẳng hạn như ở làng Đống Khôn huyện Thường Tín quy định người vọng lão phải nộp 3 mạch tiền cổ, 1 chai rượu và trầu cau đủ mỗi người một miếng, nhưng phường La Khê quận Hà Đông lại quy định người vọng lão hạng nộp 30 quan tiền, người vọng lão nhiêu nộp 20 quan tiền.

- Vọng quan viên: Quan viên vốn là chỉ chức danh của những người làm quan nhận sắc mệnh của triều dình, sau được các làng xã dùng để chỉ các vị có quyền chức trong làng. Tiêu chuẩn được vọng quan viên ở các làng cũng rất khác nhau. Những làng có truyền thống nho học nhiều người đỗ đạt thì quy định ai thi đỗ Tú tài trở lên mới được vọng quan viên. Thế nhưng có nhiều kỳ tiêu chuẩn thấp hơn, chỉ cần đi thi trúng trường là đủ, hoặc từng đảm nhận các chức dịch ở địa phương như Chánh tổng, Lý trưởng. Có làng, để khuyến khích việc học, lại quy định ai nuôi được hai, ba người con học giỏi là có đủ tư cách vọng quan viên. Đặc biệt khi cần chi tiêu việc gì lớn, làng quy định người nào nộp đủ số tiền cần thiết cho dân thì cũng được vọng quan viên. Mức tiền nộp vọng quan viên cũng không có tiêu chí nhất định, có làng đặt ra quy chế ai đỗ cao, làm quan to thì phải nộp tiền vọng nhiều, chẳng hạn như:

+ Lệ làng Viên Sơn huyện Yên Thành tỉnh Nghệ An quy định, hàng văn từ Tú tài trở lên, hàng võ từ Suất đội trở lên nộp tiền vọng quan viên là 6 quan; còn hàng chức dịch thì chỉ phải nộp 1 quan tiền vọng.

+ Lệ làng Phú Diễn huyện Từ Liêm quy định, người đỗ Tú tài nộp tiền vọng Quan viên 3 quan; Cử nhân nộp 6 quan; Phó bảng nộp 8 quan; Tiến sĩ nộp 10 quan.

Ngược lại có làng lại đặt lệ, người làm quan to hoặc đỗ cao thì nộp tiền vọng quan viên ít, chẳng hạn:

+ Lệ làng Đan Tràng huyện Nghi Xuân tỉnh Hà Tĩnh thu tiền vọng quan viên của quan hàng nhất nhị phẩm là 3 quan tiền; hàng tam tứ ngũ phẩm thu 5 quan; hàng lục thất bát cửu phẩm thu 10 quan.

+ Lệ phường La Khê quận Hà Đông thu tiền vọng quan viên của người đỗ Tiến sĩ 3 quan; Cử nhân 12 quan; Tú tài 18 quan.



+ Lệ làng Yên Lâm huyện Nghi Lộc tỉnh Nghệ An thu tiền vọng quan viên của người đỗ Tiến sĩ 3 quan; Cử nhân 5 quan; Tú tài 10 quan.

Đôi khi do nhu cầu chi tiêu, có làng gia tăng mức nộp tiền vọng, chẳng hạn như lệ làng Đặng Xá huyện Phú Xuyên quy định: “Các viên vọng quan viên, mỗi người phải nộp 3 quan 5 mặch tiền. Nay do phải tu sửa điện chính, chi phí tăng nhiều nên mời viên vọng quan viên phải nộp thêm 6 quan 5 mạch, tổng cộng là 10 quan tiền”.

Lệ khao vọng thời xưa có nét tinh tế, có sự phiền hà, có lẽ vì thế mà dường như nó đã bị loại trừ ra khỏi hương thôn, song rất có thể nó sẽ tiếp tục gây phiền hà cho những ai muốn khai thác di sản văn hóa của ông cha mà lại không biết đến nó.


Каталог: Upload -> Files -> Documents
Documents -> Thanh thực lục và giá trị SỬ liệu về quan hệ giữa nhà thanh và nhà TÂy sơn pgs. Ts sử học Tạ Ngọc Liễn
Documents -> Sơn Tây dư đồ, Sơn Tây địa chí, Sơn Tây tỉnh chí, Sơn Tây quận huyện khảo, Cầu Đơ tỉnh nhân đinh phong tục tổng sách, Hà Đông toàn tỉnh tổng xã thôn danh sách, Hà Đông tỉnh các phủ huyện tổng xã thôn danh hiệu
Documents -> Tranh dân gian Việt Nam đi triển lãm lưu động
Documents -> Minh Thực lục và sách Minh Thực lục: Quan hệ Trung Hoa –Việt Nam thế kỷ XIV-XVII phạm Hoàng Quân Lời mở
Documents -> Trong vài thập kỷ trở lại đây, nguồn tư liệu địa bạ được nhiều nhà khoa học quan tâm khai thác
Documents -> PHẦn thứ nhấT: VĂn học thăng long hà NỘI
Documents -> Điều kiện tự nhiên (Đktn), tài nguyên thiên nhiên (tntn), môi trường sinh thái của Hà Nội khá phong phú và đa dạng

tải về 252.53 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương