12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Sự thay đổi tổ chức và sự xuất hiện của "binh gia" chuyên nghiệp



tải về 1.61 Mb.
trang8/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   24

Sự thay đổi tổ chức và sự xuất hiện của "binh gia" chuyên nghiệp

Quân đội vốn do các hào trưởng mộ tập từ xóm làng dắt tới. Người dắt tới như vậy đương nhiên có tiếng nói quan trọng. Họ trở thành một tập thể gia thần với quyền lợi cá nhân của họ được coi là ưu tiên. Cái gọi là "24 tướng lĩnh của Takeda" chính là bọn hào trưởng cai trị các địa phương của châu Koshu mà Takeda làm chúa.

Nobunaga đã bắt đầu dùng lính thuê. Các hào trưởng, gia thần của ông lấy thế làm bất mãn, và do đó đã liên tiếp xẩy ra những vụ âm mưu ám sát ông. Nói theo ngôn ngữ ngày nay, thì người cha đã sáng lập ra công ty, rồi người con kế nghiệp làm ông chủ đời thứ hai, song ông chủ đời thứ hai này đã xuất hiện trong bộ quần "gin" áo blu-dông da, ưu đãi bọn du thủ du thực và bọn người làm mướn. Ðương nhiên, các nhân viên kỳ cựu từ đời cha sáng lập, phải thì thầm với nhau rằng: "Không thể để như vậy được! Phải đổi người em lên làm tổng giám đốc." Thế nhưng, ông tổng giám đốc trẻ tuổi đời thứ hai lại có nhiều sáng kiến làm cho công ty phát đạt. Không những thế, ông cắt bỏ những mặt hàng cũ, bắt đầu những mặt doanh thương mới. Nhân viên thì ông không chú trọng tới bằng cấp, thâm niên nữa, mà để cho mọi người thi đua tự do. Nếu trước kia, công ty lợi dụng mối quan hệ tốt với các cơ quan nhà nước để bán sản phẩm với giá đắt, thì nay ông bỏ lối làm ăn đó đi, quay sang bán rẻ để thu hút khách hàng từ quảng đại quần chúng. Ông phế bỏ những đại lý cũ đi, mà bán trực tiếp cho người tiêu dùng. Hơn thế nữa, với các cấp chủ nhiệm, trưởng phòng và các nhân viên êlít xuất thân từ các đại học danh tiếng, thì ông tuyên bố: "Tụi bay chớ có chõ mõm vào. Tao làm việc với đám nhân viên cưng mới tuyển kia." Thực tế, ông đã dùng toàn những nhân viên ít học, mới mướn. Ngay cả Toyotomi Hideyoshi (sau này thay ông làm chúa thiên hạ) đã từng buôn lậu, tức là phần tử đáng lẽ đã bị gạn lọc ra khỏi xã hội coi trọng học lực, song cũng được ông trọng dụng. Ông lần lượt đưa những người như vậy vào để triệt để cải cách tổ chức.

Trong trận Nagashino năm 1575, Nobunaga, năm ấy 42 tuổi, đã dàn ba ngàn tay súng bắn tan đội quân khét tiếng là vô địch của Takeda. Truyện này đã trở nên quá nổi tiếng. Nhưng tại sao ông đã làm được như vậy? Hay nói đúng hơn, tại sao những lãnh chúa khác lại không làm được như vậy?

Bảo rằng Nobunaga có con mắt tiên kiến nên đã biết súng là một võ khí lợi hại, thì không đúng hẳn. Thời ấy, hầu hết các lãnh chúa đều biết súng là võ khí lợi hại cả. Ngay như họ Mori thì từ 20 năm trước đó, đã ghi lại rằng binh sĩ bị thương nhiều nhất vì bị súng bắn. Tuy nhiên, sử dụng súng một cách tập trung triệt để như Nobunaga thì chưa ai biết làm, cũng chưa ai làm được, trước đó cả. Lý do là họ không có căn bản tài chính để mua nổi ba ngàn khẩu súng.

Lính tráng thời ấy là do các hào trưởng dắt tới, cho nên võ khí, lương thực đều phải tự túc. Hào trưởng thì cưỡi ngựa mặc giáp trụ. Lính nông dân kha khá một chút mới có súng vác theo. Vì thế, súng tuy có thật song tính theo đơn vị bộ đội của mỗi thôn xóm thì số súng chỉ chiếm khoảng 5 tới 10 phần trăm. Như vậy, muốn lập một đội súng thì phải gom mấy tay súng của thôn A, cộng với vài tay súng của thôn B, thêm vào đó dăm cây súng của thôn C, v.v.. Chừng đó, người hào trưởng thôn A sẽ kêu lên: "Không thể dắt thằng đó của tôi đi được." Hào trưởng thôn C thì nói: "Người thôn khác tới đây đâu được!" v.v..

Thế nhưng, Nobunaga thì tự bỏ tiền ra mua súng phát cho lính, lính cũng do chính mính bỏ tiền ra thuê. Vì vậy chỉ riêng họ Oda đã lập ra được đội quân bắn súng. Còn đám tướng sĩ cưỡi ngựa trước kia thì bị gạt lui xuống hậu trường. Nói cách khác, đám người mới tuyển chỉ có học lực trung học thì được ưu đãi, còn nhóm êlít tốt nghiệp đại học thì bị cho ngồi chơi xơi nước. Ðương nhiên, bọn ngồi chơi xơi nước này phản ứng. Nhưng Nobunaga không sợ, không chùn, đã quyết tâm làm và làm được.

 

"Rải võ ra khắp thiên hạ" và ý thức "quốc gia"

Cái đáng phục của Nobunaga là ông đã sáng tạo ra một loạt cơ chế mới, từ tổ chức, tài chính, nhân sự tới chiến lược chiến thuật. Nhờ đó, xã hội đã đổi hẳn bộ mặt. Nói cách khác, đường lối của Nobunaga đã gây ra một luồng biến đổi từ xã hội trung cổ sang xã hội cận đại, xã hội hiện đại, về mọi mặt, từ tài chính, kinh tế, tới quân sự.

Tất nhiên, các thế lực thủ cựu đều phản đối, và vì thế, các vụ âm mưu ám sát Nobunaga đã xẩy ra không dứt. Vụ Akechi Mitsuhide được nổi tiếng vì đã thành công, song trước đó đã có biết bao nhiêu vụ âm mưu ám sát ông rồi. Như đã nói, ngay từ khi còn ở Owari đã có nhiều vụ âm mưu như vậy, cho tới khi ông vào kinh đô thì những vụ đó tiếp diễn liên tục. Asai Nagamasa lấy em gái ông, tên là O-Ichi, đã đồng lõa với họ Asakura làm loạn. Mạc chúa Ashikaga Yoshiaki, vốn được Nobunaga đôn lên địa vị đó, đã chống lại ông ba lần. Matsunaga Hisahide, thì dù biết chẳng làm nên cơm cháo gì, cũng đã dương cờ phản hai lần. Gia thần có ảnh hưởng lớn là Araki Murashige ở vùng Settsu cũng làm phản. Nghĩa là, vì Nobunaga đã thực hiện cải cách, không nhìn nhận những quyền đã có, nên đám gia thần có ảnh hưởng từ trước đã phản kháng liên tục. Nhưng Nobunaga không sờn lòng, cứ tiếp tục đường lối cải cách của mình.

Kết quả cải cách của Nogunaga đã để gì lại cho lịch sử Nhật Bản? Trước hết với phiêu ngữ "Rải võ ra khắp thiên hạ," ông đã thống nhất được một nửa nước Nhật. Chính vì có Oda Nobunaga, mà sau này mới có Toyotomi Hideyoshi và Tokugawa Yeyasu, những người đã thống nhất được Nhật Bản. Chính Nobunaga là người đã sáng lập ra nước Nhật tập quyền trung ương kiểu hiện đại.

Thời mạc phủ Ashikaga trước đó, rồi thời mạc phủ Kamakura trước nữa, đều đã nhìn nhận sự phân quyền của quý tộc, của đền chùa và của samurai có lãnh địa. Tình trạng phân quyền như vậy đã được duy trì cho tới khi Nobunaga hô hào "rải võ ra khắp thiên hạ," nâng tầng lớp võ sĩ samurai lên thành thế lực chính trị duy nhất trong thể chế tập quyền trung ương mà chế độ luật lệnh thời cổ đã hướng tới.

Nhật Bản là nước từ xưa đã được thống nhất về mặt lịch sử, văn hóa, ngôn ngữ, cả đến tín ngưỡng và tập quán. Song về mặt chính trị, thì cái ý thức quốc gia coi Nhật Bản là một nước duy nhất, càng ngày càng trở nên mỏng manh hơn, kể từ thời cổ tới sau thời đại Nara. Nhận thức điều đó rõ ràng và làm sống lại ý thức quốc gia chính là Nobunaga vậy.

Nếu Nobunaga không tỏ ý muốn thống nhất thiên hạ mạnh mẽ như vậy, thì Nhật Bản có thể đã trở thành một liên bang giống như Ðức, Italia hay Ấn Ðộ. Người Nhật từ xưa vẫn có ý thức mạnh mẽ coi đất nước Nhật là một "thiên hạ", song cái ý thức rằng "bởi đây là một nước nên mỗi người đều phải phục tùng một chính phủ, phải chấp nhận một chính quyền chung" như người Nhật ngày nay quan niệm về chế độ tập quyền trung ương, thì đã mất đi mất rồi. Chủ trương như vậy và bằng hành động của chính mình làm sống lại chế độ đó, chính là Nobunaga với đường lối cải cách và tập quyền của ông vậy.

Nếu Nobunaga sống thêm mười năm nữa, thì nước Nhật sẽ ra sao? Ðó không phải chỉ là một cái "nếu của lịch sử," mà thực ra nó làm cho người ta tưởng tượng được xa hơn nhiều. Bởi vì Nobunaga đã vẽ ra được hình ảnh nước Nhật sau khi ông thống nhất được thiên hạ.

Thời kỳ chiến quốc có nhiều võ tướng tài ba. Takeda Shingen, Uesugi Kenshin, Mori Motonari đều là những võ tướng tài ba cả. Thế nhưng, chỉ có hai người đã làm sáng tỏ được vấn đề "sau khi thống nhất được thiên hạ rồi thì trị nước ra làm sao?" Ðó là Oda Nobunaga và Tokugawa Yeyasu. Võ tướng, lãnh chúa thời chiến quốc mà lại có cái nhìn tổng quan như vậy thì quả là hai người này xuất sắc hơn cả.

Trong hai người, thì Nobunaga, với tư tưởng "rải võ ra khắp thiên hạ," đã có kế hoạch rõ rệt là thực hiện quyền thống trị toàn quốc bời tầng lớp võ sĩ được thâu tóm lại, với chính ông đứng ở thượng đỉnh, để lập ra một vương chế tuyệt đối, tức là một chế độ quân chủ chuyên chế tuyệt đối. Trước hết, ông chủ trương rằng, tôn giáo chỉ nên dừng lại ở trong tâm người ta. Nói cách khác, đó là một hình thức phân tách chính trị khỏi tôn giáo. Vì thế, chính Nobunaga đã không trở thành một nhà lãnh đạo tôn giáo, đồng thời ông cũng không can thiệp vào vấn đề tín ngưỡng. Thứ nhì, ông nghĩ rằng vua (thiên hoàng) và công khanh thì chỉ nên chăm lo mặt nghi lễ, văn hóa. Còn quyền chính trị thế tục thì hoàn toàn phải do tầng lớp võ sĩ samurai nắm giữ. Hơn thế nữa, ông không chấp nhận sự phân quyền cho địa phương, mà chủ trương lập ra một chính phủ tập quyền trung ương, một vương quyền tuyệt đối vậy.

Nobunaga không hề giấu giếm cái tư tưởng như vậy. Vì thế, ông không cho kẻ địch đã đầu hàng được quyền tự trị. Về điểm này, thì Hideyoshi nối tiếp sự nghiệp của Nobunaga, đã bị sa đọa nên đã nhìn nhận Mori, Uesugi, chứ nếu là Nobunaga thì ông đã tiêu diệt những người này đi rồi. Ðó là vì ông phải làm như thế mới xác lập được vương quyền tuyệt đối vậy.

 

Viễn tượng về một vương quyền tuyệt đối đầu tiên trong lịch sử thế giới

Cái đáng sợ của Nobunaga là ông không để a tới cái lợi trước mắt, mà kiên trì theo đuổi niềm tin của mình. Khi phong đất cho gia thần, ông cũng không cho họ quyền tự trị. Chẳng hạn, khi phong đất Etsuzen cho Shibata Katsuie, ông bảo phải phục tùng mệnh lệnh của ông, cấm không cho nằm ngủ duỗi chân về phía ông80[12].

Không những thế, Nobunaga hình như đã có chủ ý trong việc phân công các gia thần của mình vào công tác trấn giữ các địa phương. Chẳng hạn, ông phong cho Hideyoshi làm Hashiba Etsuzen no Kami (thái thú châu Etsuzen, nay là phía bắc đảo Kyushu), Akechi Mitsuhide làm Koreto Hyuga no Kami (thái thú châu Hyuga, nay là tỉnh Miyazaki, phía nam đảo Kyushu). Lại nữa, Niwa Nagahide được ông phong cho họ Koreto và cho trấn giữ miền tây. Ðại để, ông để cho ba thủ hạ thân tín này cai quản đảo Kyushu. Một mặt, ông để cho Shibata Katsuie trấn giữ hai châu Dewa và Etsugo, Takigawa Kazumasu thì cho giữ châu Kita-Kanto, rồi Tokugawa Yeyasu thì hình như định giao cho giữ châu Mutsu rộng 1 triệu 600 ngàn hộc. Nghĩa là ông đã phân công cho bọn Tokugawa trấn giữ toàn quốc, và định thâu tóm quyền quản lý trực tiếp về trung ương. Ông đã có ý định rõ rệt như vậy.

Ðồng thời, Nobunaga tuy xuất thân từ vùng Owari, nhưng đã đóng đô ở thành Gifu, rồi lại đổi sang ở thành Azuchi, và nếu còn sống, hẳn ông đã đổi sang ở thành Ozaka. Các võ tướng lãnh chúa thời chiến quốc thường bám chặt lấy nơi quê quán. Chẳng hạn, Takeda Shingen cố thủ Kaitsutsujigasaki, Uesugi Kenshin không rời khỏi Kasugayama. Trong khi đó, Nobunaga lần lần đổi sang ở nơi tiện lợi hơn. Bởi vì ông coi việc thực hiện một vương chế tuyệt đối trên toàn quốc Nhật Bản là mục tiêu của mình, nên không câu nệ tính địa phương của nơi đóng bản doanh.

Thời ấy, vua Tây Ban Nha Felippe II và nữ hoàng Anh quốc Elizabeth I cũng đang xây dựng vương chế tuyệt đối nhưng không có tính cách triệt để như thể chế Nobunaga định lập ra. Phải chờ đến khoảng một trăm năm sau một vương chế như vậy mới thành hình dưới thời vua Pháp Louis XIV. Nếu Nobunaga thực hiện xong việc "rải võ ra khắp thiên hạ," thì ở Nhật Bản đã xuất hiện một nhà nước quân chủ chuyên chế tuyệt đối đầu tiên trên thế giới vậy.

Những người như thế nào đã sống trên thế giới thời đó? Thế giới lúc đó đã có nhiều người đáng chú ý. Nga hoàng Ivan IV, người đã cải cách nước Nga, sinh trước Nobunaga bốn năm và mất sau Nobunaga hai năm. Vua Felippe II, người đã lập ra hạm đi vô địch của Tây Ban Nha, thì sinh trước Nobunaga bảy năm và sống thêm 16 năm nữa sau khi Nobunaga đã mất. Nữ hoàng Anh Elizabeth I hơn Nobunaga một tuổi song sau này mới hoạt động mạnh. Họ đều là người cùng thời với Nobunaga. Có thể nói Nobunaga đã có ý thức thống nhất Nhật Bản sớm sủa không thua kém gì các bậc đế vương châu Âu vậy.

Bởi thế, nếu Nobunaga sống thêm 10 năm nữa, thì Nhật Bản hẳn đã trở thành một nước có nền quân chủ chuyên chế tuyệt đối, đã có chính sách trọng thương81[13] và như vậy đã phát triển kinh tế, kỹ thuật. Thế nhưng sau khi Nobunaga mất đi, thì Nhật Bản có thể đã bị ngoại bang xâm lược.

Ðối lại, Tokugawa Yeyasu đã áp dụng chính sách bế môn tỏa cảng, giữ cho Nhật Bản khỏi bị ngoại xâm. Song, ông đã làm cho Nhật Bản trở thành một nước không có gì hấp dẫn cả. Nếu Oda Nobunaga sống, thì chắc chắn ông đã làm Nhật Bản thành một nước sinh động hơn, náo nhiệt hơn. Lịch sử Nhật Bản hẳn đã đổi khác đi nhiều. Với ý nghĩa này, Nobunaga còn có thể coi là một phần "lịch sử Nhật Bản đã bị phủ nhận".

Tuy nhiên, Nobunaga là người đầu tiên tỏ rõ ý chí thống nhất và lập ra một chính thể tập quyền trung ương ở Nhật Bản, sau khi nước này đã bị phân hóa kể từ thời trung cổ. Ðồng thời, ông đã để lại "thần thoại" chứng minh rằng nước Nhật có thể cải cách được. Vì vậy, mặc dù đường lối "rải võ ra khắp thiên hạ," của ông đã chỉ mới hoàn thành nửa chừng, song những gì ông để lại cho Nhật Bản quả là lớn lao.

[1] Thiên hoang là chỉ lúc thiên hạ còn hỗn độn chưa mở mang. Phá thiên hoang là chỉ việc làm có tính cách khai thiên lập địa, chưa từng có.

[2] Thời chiến quốc Nhật Bản là kể từ loạn Onin (1467-1477) cho tới lúc Oda Nobunaga đứng ra thống nhất thiên hạ (1582). Khác với thời chiến quốc Trung Hoa (403-221 trước công nguyên).


[3] Francisco Xavier (1506-1552) là giáo sĩ Cơ đốc thuộc dòng Tên (Jésuites) đầu tiên đặt chân lên đất Nhật. Ông là người đầu tiên đã dùng mẫu tự La-tinh phiên âm tiếng Nhật. Tương truyền rằng giáo sĩ Alexandre de Rhodes, cũng thuộc dòng Tên, đã tham khảo công trình của Xavier trong việc hoàn thành phương pháp viết tiếng Việt bằng mẫu tự La-tinh năm 1651. Cho nên, chỉ nêu tên Alexandre de Rhodes trong sự nghiệp La-tinh hóa Việt ngữ là thiếu sót!
[4] Chẳng hạn Christopher Columbus đã tìm ra châu Mỹ vào cuối thế kỷ thứ XV (1492). Ở Việt Nam, nhân vật này hay được gọi là Christophe Colombe, tức là đọc theo tiếng Pháp. Thật ra, ông là người Italia, nên đáng lẽ phải gọi ông bằng tên tiếng Italia, tức là Cristoforo Colombo. Cách đọc ở đây, Christopher Columbus, là theo tiếng Mỹ (Anh).

[5] Shosoin là một viện bảo tàng lập ra ở Nara vào thế kỷ thứ VIII để tàng trữ hơn ch ín ngàn bảo vật của thiên hoàng Shomu (701-756).

[6] Trận đánh quyết định giữa hai phe, một bên là Ishida Mitsunari và một bên là Tokugawa Yeyasu. Tất cả các lãnh chúa thời đó đều đã về phe với một trong hai võ tướng này. Phe Tokugawa đã thắng trận và do đó Tokugawa Yeyasu đã lên làm chúa lập ra mạc phủ Tokugawa kéo dài gần 300 năm ở Edo (Tokyo ngày nay).
[7] Cửa quan là nơi kiểm soát người đi lại và hàng hóa lưu thông, vừa có trách nhiệm về trị an vừa để thâu thuế đường và thuế chợ.

[8] Miền "đàng trên" là dịch chữ Kamigata. Kamigata là tên gọi miền đất gồm có kinh đô Kyoto và những châu quận quanh đó, tương tự như xưa kia ở VN ta gọi "đàng trong" là vùng đất quanh nơi chúa Nguyễn cai quản.


[9] Thiên hạ bố võ, nghĩa là "rải võ ra khắp thiên hạ," tức là rải nền chính trị võ gia (samurai) ra khắp thiên hạ. Ðây là chủ trương chính trị của Nobunaga. Ông đã lấy bốn chữ này khắc vào dấu, ấn cũng như in vào cờ, xí của quân đội của ông.

[10] Thời chiến quốc Nhật Bản, "trà đạo" phần lớn là do các nhà sư truyền bá. Sư Nhật Bản lấy vợ được.

[11] Miyamoto Musashi thường được coi là kiếm khách võ nghệ siêu quần, binh pháp tinh thông, có một không hai trong lịch sử samurai Nhật Bản.
[12] Người Nhật khi tôn kính ai, chịu ơn ai, thì hay tỏ thái độ đó bằng cách không duỗi chân về phía người ấy trong khi nằm ngủ.

[13] Chủ nghĩa trọng thương (mercantilism) là chủ trương kinh tế coi trọng thương mại của các nước châu Âu từ khoảng giữa thế kỷ XV sang tới giữa thế kỷ XVIII. Chủ trương này là nhà nước bảo hộ và can thiệp vào mậu dịch với mục đích làm giầu bằng cán cân mậu dịch có lợi cho mình.



Chương V :  Ishida Mitsunari 

Người sáng tạo loại hình "Kế hoạch kiểu Nhật"

 

Thủy tổ của loại hình kế hoạch do công chức bậc trung thảo ra

Ðể làm người thứ năm trong "Mười hai người lập ra nước Nhật," tôi muốn chọn Ishida Mitsunari. Sự chọn lựa này hẳn sẽ có nhiều người cho là bất ngờ, bởi vì nó đã bỏ qua rất nhiều nhân vật vương bá nổi tiếng trong lịch sử của Nhật Bản. Tuy nhiên, đây không phải là cố ý làm một sự bất ngờ, mà chính là vì nhân vật Ishida Mitsunari đã để lại một ảnh hưởng vô cùng to lớn đối với Nhật Bản và người Nhật ngày nay.

Bản thân tôi, Sakaiya Taichi, đã nghĩ tới tổ chức Hội chợ Thế giới82[1] là khi tôi mới là công chức tại bộ Thương nghiệp Quốc tế và Công nghiệp được hơn ba năm, lúc đó tôi 28 tuổi. Trước hết, tôi đã tìm hiểu Ishida Mitsunari như là một tiền lệ về xây dựng một dự án khổng lồ. Nếu không có tiền lệ của Ishida Mitsunari, thì một gã tổ trưởng 28 tuổi đầu như tôi, chắc chẳng bao giờ dám mơ màng tới việc liều lĩnh vận động tổ chức một Hội chợ Thế giới cả.

Trong lịch sử cận đại của Nhật Bản, đã có biết bao nhiêu kế hoạch khổng lồ. Chẳng hạn những kế hoạch siêu khổng lồ như cuộc Duy tân Minh Trị, cuộc Xây dựng nước bù nhìn "Mãn Châu," cuộc Chiến tranh Thái bình dương. Thời hậu chiến thì có việc Xây dựng tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen83[2], việc Tổ chức Thế vận hội Tokyo năm 1964, việc xây dựng hệ thống thủy lợi Aichi Yosui, việc tát cạn phá Hachiro-gata, tuy trình độ lớn nhỏ có thể khác nhau ít nhiều, song tựu trung đều đáng được gọi là những kế hoạch khổng lồ.

Kế hoạch thống nhất thiên hạ nói trong chương trước đã do một nhà độc tài có cá tính mãnh liệt, Oda Nobunaga, dùng quyền lực, sáng kiến và khả năng hành động của mình khởi đầu. Sau đó tới Toyotomi Hideyoshi tiếp tục sự nghiệp, rồi tới Tokugawa Ieyasu hoàn thành công trình. Ba người tuy thuộc loại hình nhân vật khác nhau, song đều là những bậc thiên tài, những nhà độc tài và những lãnh tụ của tổ chức cả.

Thế nhưng, rất khó có thể đưa ra một nhân vật độc tài nói là đã làm nên kế hoạch Duy tân Minh Trị. Xuất hiện trên khán đài Duy tân Minh Trị là rất nhiều nhân vật nổi tiếng, như Saigo Takamori, Kido Takayoshi, Okubo Toshimichi, Sakamoto Ryoma, v.v.. Phải chăng họ là những người ở địa vị có thể điều khiển được hàng chục ngàn quân? Phải chăng họ là những người có quyền lực độc tài, có thể xuất ra hàng chục ngàn lượng vàng? Không, hoàn toàn không. Thời đó, những kẻ sĩ bậc trung xuất thân từ hai miền Satsuma và Choshu84[3], những nhà hoạt động vô danh đã tụ tập lại, chủ trương rằng "cần phải cải cách Nhật Bàn," "dòng thời đại đang dần dần đổi hướng," v.v.. Cứ như thế, cái bầu không khí toàn thể đã sôi động lên. Rồi rốt cục, mạc phủ Tokugawa cùng các phiên chúa đã không thể ngăn chặn được cao trào khí thế đang dâng lên như vậy được nữa. Ðấy, cái đặc trưng lớn lao của cuộc Duy tân Minh Trị là như vậy.

Cũng vậy, nếu nhìn vào quá trình Nhật Bản đã dấn thân vào tấn bi kịch chiến tranh Thái bình dương từ điểm phát hỏa là "nước Mãn Châu" tới cuộc chiến Nhật-Hoa rồi chiến trận Thái bình dương đại quy mô, người ta không thể quy trách nhiệm đó vào một vị thủ tướng, một viên đại tướng nào cả. Ngược lại, chính thủ tướng cũng như đại tướng lục quân thời ấy đều đã lên tiếng "phản đối," "phản đối," nhưng rồi vẫn bị lôi kéo vào tấn bi kịch đó. Thật ra, chính những sĩ quan trẻ tuổi hàng trung tá, thiếu tá của lục quân, những công chức thuộc phe cải cách hàng cục trưởng, vụ trưởng của các cơ quan trung ương nhà nước, đã thực sự thúc đẩy và xúc tiến vụ việc này. Chính là hàng võ quan và văn quan bậc trung đã thực sự điều khiển, lèo lái thời đại vậy.

Một hiện tượng tương tự đã tiếp tục diễn ra trong thời hậu chiến. Việc kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen là do ai quyết định? Quả có Kỹ sư trưởng Shima Hideo là người đã tận tụy về mặt kỹ thuật85[4], song chẳng phải chỉ có một kỹ thuật gia mà có thể làm nên công trình đồ sộ này. Cũng chẳng phải vì cuộc vận động của toàn dân mà thành được. Thật ra, chính những công chức bậc trung, một cách vô tư không ai bảo ai, đã nghĩ tới việc cho chạy một kiểu tầu tiện lợi thích hợp với thời đại trên tuyến đường Tokaido (tuyến giữa Tokyo và Osaka). Rồi từ ý nghĩ đó chính họ đã vận động kiến thiết tuyến đường sắt siêu cao tốc Shinkansen vậy. Câu chuyện là như vậy.

Ðến như công trình thủy lợi Aichi Yosui hoặc công trình lấp cạn phá Hachiro Gata, thì những sự nghiệp lớn lao này thực sự đã bắt đầu từ những cuộc vận động của những người vô danh tiểu tốt. Nghị viên quốc hội đã chỉ bắt đầu hành động, là sau khi bầu không khí thực hiện kế hoạch đã dâng lên tới cao trào do cuộc vận động mà dân chúng địa phương đã phát động mà thôi.

Tóm lại, Nhật Bản là nước mà chính "những người không phải là những ông lớn" đã làm nên những kế hoạch to lớn vậy. "Ông lớn" nói ở đây là những người có quyền thế lớn, có địa vị cao, có tiền bạc nhiều. Ở Nhật Bản, thì kể từ mạc chúa Tokugawa Ieyasu về sau, những "ông lớn" như vậy, không hề bắt tay vào những kế hoạch khổng lồ nữa.

Chính vì nhận thức được như vậy, mà tuy chỉ là một tổ trưởng mới 28 tuổi, tôi đã mạnh dạn nghĩ và tin tưởng rằng: "Nếu khéo vận động, thì không chừng có thể mở ra ở Nhật Bản được một Hội chợ Thế giới. Với quy mô lớn gấp 20 lần Thế vận hội Tokyo, đây sẽ là một sự nghiệp kinh thiên động địa."

Vậy thì, những "ông không lớn" đã soạn thảo và xúc tiến những kế hoạch kiểu Nhật Bản là bắt đầu từ bao giờ, từ ai? Ngược dòng lịch sử, người ta thế nào cũng tìm thấy được căn nguyên là thời Chiến quốc Nhật bản, và thế nào cũng đụng phải nhân vật Ishida Mitsunari86[5].

Cho đến thời bấy giờ, tất cả những kế hoạch lớn, kể từ thời Nara, thời Heian, đều là do những bậc có quyền thế lớn, có thực lực lớn, chủ trì. Thời Chiến quốc thì Oda Nobunaga, Toyotomi Hideyoshi đều là những bậc thiên tài khác thường có quyền lực lớn trong tay, lãnh đạo những kế hoạch lớn. Ngay cả những đối thủ của họ, tức là những người đã thua họ, cũng đều là những thủ trưởng biết tự mình quy hoạch, tự mình tổ chức phe đảng của mình để tranh giành hơn thua.

Duy chỉ có trận đánh Sekigahara87[6] thì xem ra khác hẳn. Lúc đó, mạc chúa Tokugawa Ieyasu, với cá tính cương cường, đã xuất hiện ở vị thế trung tâm của phe Ðông. Song, thật ra, từ trước đó, ở vị trí cao nhất trong năm chức "đại lão," tức là hàng lương đống, hàng cột trụ của thiên hạ lúc đó, ông đã giữ trong tay quyền chính trị độc tài rồi, nghĩa là ông đâu có cần phải đánh một trận thư hùng nữa. Chính phe Tây, tức là phe phản Tokugawa, mới cần phải hoạch định và thực hiện một trận thư hùng như vậy. Thế nhưng, trong phe Tây lại không có ai đáng mặt đứng ra làm minh chủ.

Người được tôn làm đại tướng tổng chỉ huy của phe Tây là Mori Terumoto. Là cháu đích tôn của Mori Motonari, thống lãnh 12 châu quận miền trung bộ Nhật Bản thời đó, ăn lộc 1 triệu 200 ngàn hộc, Mori Terumoto quả xứng đáng là kình phùng địch thủ của Tokugawa Ieyasu. Song le, Mori Terumoto đã chỉ tham gia chiến dịch phản Tokugawa sau khi Ishida Mitsunari đã khởi hấn rồi. Lại nữa, ông không hề đánh một trận nào cả, cũng không tích cực ra chỉ thị, mệnh lệnh nào cả. Rồi sau khi phe Tây thua trận rồi, ông chỉ còn biết chuộc tội bằng cách cắt hai phần ba đất dâng cho Ieyasu để cầu hòa và khẩn xin Ieyasu tha chết cho. Ôi! Có đại tướng tổng chỉ huy nào tệ đến như vậy không? Thật là "tướng tổng chỉ huy mướn," với tư thế "chân trước chân sau!"

Vai phó tổng tư lệnh là Ukita Hide’ie. Mới 27 tuổi, có nhân cách tốt, lại là con nuôi chúa Toyotomi Hideyoshi, ông luôn luôn giữ lòng trung nghĩa với dòng chúa Toyotomi. Thế nhưng, ông cũng chẳng phải là đã tự đứng ra vận động cho trận thư hùng này. Lại nữa, ngay trước khi cử sự, trong nhà lại có chuyện xích mích, khiến ông không thể dốc toàn lực cho chiến dịch được.

Thật ra nhân vật chủ mưu, người đã viết kịch bản, đã bài trí sân khấu, đã phân công vai diễn, rồi đã mở màn vở kịch khổng lồ này, chính là Ishida Mitsunari.

Vậy thì, Ishida Mitsunari là người thế nào?

Ngày nay, ta đều biết Ishida Mitsunari là kẻ đã gây ra trận đánh Sekigahara. Người đời nhìn ông như một người vốn lo sợ Tokugawa Ieyasu sẽ tiếm ngôi của dòng chúa Toyotomi, nên đã hô hào, cổ động mọi thế lực đứng dậy đánh đổ Tokugawa Ieyasu. Nhưng đây là chỉ là sự nhận thức sau sự việc. Nếu không có trận đánh Sekigahara, thì hỏi ngày nay người ta sẽ biết về nhân vật Ishida Mitsunari này được bao nhiêu?

Nếu chúng ta tháo gỡ hết đồ trang sức, lau chùi sạch phấn son của kế hoạch khổng lồ, của trận thư hùng Sekigahara đi, chúng ta sẽ thấy hiện ra hình ảnh Ishida Mitsunari khác hẳn, nhỏ đi hẳn. Nghĩa là, mặc dầu Ishida Mitsunari đã lưu lại tên trong lịch sử với vai trò là người viết kịch bản và tạo dựng nên tấn kịch trận đánh Sekigahara, nhưng nếu ta lột bỏ cái vỏ ngoài như vậy đi, tháo gỡ những định kiến, thiên kiến về ông đi, rồi nhìn kỹ cái vị trí mà ông đã được đặt vào, nhìn cái tài sức của ông trong việc hoạch định sáng tạo, thì ta sẽ thấy một sự thực khác xa.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   4   5   6   7   8   9   10   11   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương