12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


- Người sáng chế ra cấu trúc quyền lực hai tầng



tải về 1.61 Mb.
trang5/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

- Người sáng chế ra cấu trúc quyền lực hai tầng

 

"Chính quyền kỳ lạ" chưa hề thấy

Minamoto Yoritomo sinh năm 1147 mất năm 1199, sau khi bị ngã ngựa nhân đi xem cầu dịp cuối năm trước đó, năm 1198. Tính tuổi đếm, ông thọ 53 tuổi. Thời ấy như vậy không phải là chết yểu vì đó là tuổi thọ trung bình.

Minamoto Yoritomo đã để lại trong lịch sử và dân tộc tính Nhật Bản một dấu ấn rất lớn. Nhất là nếu xét ảnh hưởng đối với Nhật Bản ngày nay, thì dấu ấn đó càng sâu đậm.

Công lao lớn nhất của Minamoto Yoritomo là sáng lập ra "phủ chúa" ("mạc phủ46[1]") làm nền tảng cho chính quyền "võ gia" (tức là "samurai"). Ðể đạt được mục đích này, ông đã phát minh ra một phương thức kỳ diệu. Nghĩa là, ông đã khéo léo sáng chế ra một "cấu trúc quyền lực hai tầng," triển khai ra toàn quốc nền chính trị "võ gia" trong khi đó vẫn duy trì chế độ luật lệnh cũ sẵn có từ thời Nara.

Nói Minamoto Yoritomo là nói người đã được phong Chinh Di Ðại Tướng Quân, đã lập ra "mạc phủ" Kamakura, đã nắm quyền thống trị thực sự Nhật Bản. Ðiều này mọi người đều biết rõ.

Vậy, Chinh Di Ðại Tướng Quân mà Minamoto Yoritomo đã nhiệm chức là gì và "mạc phủ" do ông lập ra, là gì? Quyền lực bởi đó Yoritomo thống trị Nhật Bản có cơ sở pháp lý như thế nào? Nói cách khác, ông đã được ai đứng trên lập trường nào trao cho quyền hạn gì? Nghi thức và lập pháp ra làm sao? Lạ lùng thay là những chi tiết này lại ít ai biết tới.

Nói Yoritomo làm Chinh Di Ðại Tướng Quân, mở ra mạc phủ, người ta thường nghĩ ngay tới mạc phủ gần ngày nay nhất, tức là mạc phủ Tokugawa thời Edo47[2] (1603-1867). Do đó, người ta tưởng tượng ngay rằng mạc phủ do Yoritomo lập ra thời Kamakura là cơ cấu thống trị giống như mạc phủ Tokugawa vậy.

Tuy nhiên, cũng gọi là mạc phủ, song cơ cấu do Yoritomo lập ra ở Kamakura khác xa với mạc phủ Tokugawa cả về tổ chức lẫn chức năng. Từ nguồn gốc của quyền lực, từ cấu trúc thống trị tới con mắt nhìn vào đó của thế gian, tất cả đều khác nhau lắm. Mạc phủ do Yoritomo lập ra chưa từng có cho tới lúc đó, và như vậy với cảm giác của chúng ta ngày nay, thì đó quả là một "chính quyền kỳ lạ." Song, chính đó là chỗ tiềm tàng tính sáng tạo đáng sợ của ông ta.

Trải qua trước đó là thời đại Heian khá dài. Vua Kanmu thiên đô từ kinh thành Nagaoka sang kinh thành Heian năm 794. Từ đó, nếu kể khi Minamoto Yoritomo nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân lập ra mạc phủ Kamakura năm 1192, cũng là lúc thời đại Heian chấm dứt và thời đại Kamakura bắt đầu, thì thời đại Heian đã kéo dài 398 năm.

Thành phố Tokyo đã trở thành trung tâm hành chính, tức là đã bắt đầu có chức năng của thủ đô, là kể từ khi mạc phủ Tokugawa được mở ra ở thành Edo năm 1603. Nếu tính liên tục thì năm 2002, Tokyo sẽ phá kỷ lục của kinh thành Heian để trở thành đô thị có chức năng thủ đô lâu đời nhất trong lịch sử Nhật Bản. Với thời gian lâu như vậy, đô thị thường trở nên quá đông dân cư, hết nơi này đến nơi khác sinh ra tình trạng bất hợp lý. Vì vậy, cuộc thảo luận vấn đề dời đô đã diễn ra gần đây ở Nhật Bản, là chuyện đương nhiên. Trong cuộc thảo luận này, sự kiện Kamakura của Yoritomo tuy có chức năng của thủ đô, song trung tâm văn hóa và kinh tế vẫn còn là Kyoto, đã được đem ra tham khảo.

Kinh thành Heian đóng vai trò kinh đô, và như thế đã tạo ra một thời đại có hệ thống hẳn hoi, tức là "thời đại Heian," một thời gian dài ngang với từ khi Tokugawa Ieyasu lập ra mạc phủ ở thành Edo cho tới Thành phố Tokyo ngày nay.

Dĩ nhiên, trong 398 năm này đã có biết bao lần quyền lực được luân chuyển, bao nhiêu đổi thay rồi. Thời kỳ đầu của thời đại Heian thì ít nhiều vẫn còn ảnh hưởng tàn dư của thể chế quốc gia luật lệnh thời Nara. Cái thể chế lúc đó hãy còn là tập quyền trung ương với vua làm trung tâm. Nhưng dần dần thể chế này băng hoại, để đến khoảng giữa thời kỳ Heian, thì cả nước thành những trang viên, trang ấp do các nhóm quý tộc chia nhau cai quản.

Thể chế quốc gia luật lệnh của thời đại Nara, là rập y theo khuôn mẫu của nhà Ðường bên Trung Hoa. Do đó, thể chế tập quyền trung ương được tổ chức nề nếp ngăn nắp, gọi là "nhị quan bát tỉnh48[3]."

Nhị quan gồm có Thần Kỳ quan, tức là quan tôn giáo lo việc tế lễ, và Thái Chính quan tức là quan lo việc chính trị, tương đương với thủ tướng ngày nay. Dưới quyền chỉ huy của Thái chính quan có tám bộ (gọi là "tỉnh"), với các chức quan đại thần như là Dajodaijin, Sadaijin, Udaijin, Naidaijin, v.v., và các chức phó đại thần như Dainagon, Chunagon, Shonagon, v.v. Chế độ quan chức thật là chỉnh tề. Chế độ địa phương cũng được chỉnh đốn, xếp đặt gọn gàng.

Ðồng thời, phép "ban điền thu thụ" được thực thi.Theo phép này thì tất cả đất trồng trọt đều thuộc sở hữu nhà nước. Mỗi người dân được cho mượn một khoảnh nhất định. Phép tắc như vậy trên thực tế đã được thực thi bao lâu và trên quy mô bao lớn, còn là vấn đề nghi vấn. Song, thực sự là chế độ như vậy đã được nỗ lực áp dụng một thời kỳ nhất định. Nghĩa là, thể chế của triều đình nhà Ðường đã được du nhập y nguyên, được tổ chức quy củ để xác lập chế độ tập quyền trung ương.

Ðến thời đại Heian, thì thể chế trên dần dần băng hoại, chế độ trang viên, trang ấp sinh ra và quyền thống trị trang viên của bọn quý tộc trở nên mạnh mẽ. Ðến nỗi, quyền lực trung ương không còn có ảnh hưởng tới những trang viên này, tức là lãnh địa của bọn quý tộc nữa, khiến phát sinh ra cấu trúc phân quyền địa phương. Ngoài ra, đất đai của chùa chiền, của đền đài, do nhà vua hoặc quý tộc tặng cho, cũng chiếm diện tích khá lớn. Quản lý những lãnh địa của quý tộc hay đất đai của đền chùa này, là đám võ sĩ (samurai) ở địa phương. Ðó chính là những quản gia kiêm vệ sĩ.

Tóm lại, ở thời Heian thì giới quý tộc xem võ sĩ samurai là lớp người ti tiện. Quý tộc thường chỉ sinh hoạt ở kinh đô, như Hikaru Genji đã nói đến ở Chương II. Mà nếu họ có nhậm chức quan địa phương đi chăng nữa, họ cũng chẳng làm gì thật sự cả. Việc bắt nông dân hay đám nô bộc lao động gia tăng hoa màu để thu thuế ("niên cống") là công việc của võ sĩ samurai. Công việc của võ sĩ là dùng bạo lực đàn áp nông dân, thay cho giới người quý tộc không muốn nhúng tay vào việc này. Vì vậy, trong thời kỳ giai cấp võ sĩ samurai mới hình thành như vậy, họ thường bị gọi là "bọn thầy chùa sát sinh."

Tuy nhiên, ai đã được trao cho việc làm bạo lực như vậy, cũng dần dần mạnh lên rồi độc lập. Giai cấp võ sĩ thời đại Heian không phải là ngoại lệ. Họ trở nên mạnh, qua việc đè nén nông dân ở hiện trường, trực tiếp quản lý sản xuất. Cùng với thời đại, họ mạnh lên, biết bớt xén niên cống đóng cho quý tộc, và nhờ đó có thể tự lập được về mặt kinh tế. Võ sĩ samurai tự lập được như vậy quay ra đánh lẫn nhau để mở rộng thế lực. Trong một thời gian dài, giới quý tộc đã lợi dụng bọn võ sĩ samurai trong cuộc tranh giành này để duy trì quyền lực của mình trên thế cân bằng. Song, tới cuối thời đại Heian, người ta đã thấy xuất hiện những "cột trụ võ sĩ," tức là những người lôi kéo được đông đảo võ sĩ thần phục mình. Ðó là những võ tướng, những sứ quân, như Genji, như Heike vậy.

Yoritomo xuất hiện

Quý tộc nước nào cũng dẻo dai, bền bỉ. Nhất là quý tộc thời đại Heian lại càng dai dẳng, không dễ gì tiêu diệt họ được. Họ khiến bọn võ sĩ đánh lẫn nhau để duy trì quyền uy của mình. Vì vậy đã có loạn lớn. Năm 1147, tức là năm Minamoto Yoritomo ra đời chính là lúc bắt đầu của thời kỳ tao loạn này.

Cha và ông nội Yoritomo, tức là Yoshitomo và Tameyoshi đã chia thành hai phe bạn và thù, đối địch với nhau trong cơn loạn năm 1156. Ðám quý tộc thuộc dòng họ Fujiwara, tuy lúc đó chỉ là làm cảnh, song đã nghiễm nhiên ngồi trên hai phe. Với bọn quý tộc, nếu không có sự ủng hộ của giới võ sĩ samurai, họ không thể đánh nhau được. Mặt khác, đám võ sĩ thì không có đủ uy quyền đứng làm thủ lãnh. Nói cách khác, võ sĩ samurai thì dùng quý tộc làm cảnh, quý tộc thì lợi dùng samurai làm bộ đội chiến đấu.

Minamoto Yoritomo thuộc dòng chính của họ Seiwa Genji. Họ này xuất phát từ con vua Seiwa, được phong tên họ là Minamoto. Trong hàng võ gia, họ này là danh giá nhất. Yoritomo sinh ra trong dòng chính của họ này, cho nên năm mới 12, 13 tuổi đã được phong quan tước là "Tùng ngũ vị hạ nội tàng nhân49[4]."

Tùng ngũ vị hạ là tước vị thấp nhất trong hàng quan được vào chầu vua. Nhưng, ngay sau đó, năm 1159 lại có loạn Heiji. Cha Yoritomo, tức là Yoshitomo, đã thua Taira no Kiyomori. Yoritomo đã bị bắt giải về Kyoto và sắp bị chém thì được ni cô Ikenozenni, người vợ thứ của Taira no Kiyomori lúc đó đã xuất gia, xin cho khỏi chết. Sau đó Yoritomo bị đày ra đất Izu.

Sau đó khoảng 20 năm, tức là cho tới năm 33 tuổi, ông bị quản thúc dưới quyền quan địa phương. Trong khoảng thời gian này, hình như ông vẫn không ngừng thu thập tin tức, tìm hiểu tình thế. Sau này, từ một nơi chỉ đáng gọi là vùng quê hẻo lánh của nước Nhật, tức là Kamakura, ông đã trở thành một con người tinh tường tin tức, chính là vì đã có năng khiếu từ thời bị lưu đày vậy.

Taira no Kiyomori nổi loạn Heiji, nắm được quyền bính, nên tầng lớp võ sĩ, cho đến lúc đó vẫn bị coi là giai cấp thấp hèn, thì nay trở nên mạnh, và ngay trong việc chính trị, cũng bày tỏ được ý kiến mạnh bạo. Năm 1167, Kiyomori đã leo lên tới quan chức tối cao, tức là Dajodaijin. Tuy nhiên, chỉ ba tháng sau, ông từ chức để đi tu, song trên thực tế vẫn nắm thực quyền.

Taira no Kiyomori là con người hào phóng lỗi lạc, giống như võ tướng Oda Nobunaga sau này, nên đã có tư tưởng cải cách. Vì thế, nên ông đã bị các thế lực cũ, đại biểu là pháp hoàng Go-Shirakawa, phản đối kịch liệt. Cái quan hệ giữa Taira no Kiyomori và pháp hoàng50[5] Go-Shirakawa này cũng tương tự như quan hệ giữa Oda Nobunaga và mạc tướng (Shogun) Ashikaga Yoshiaki vậy.

Thế rồi, thời toàn thịnh của Heike kéo dài được 10 năm. Vào khoảng năm 1180 (niên hiệu Trị Thừa năm thứ tư) thì cả nước Nhật Bản bi nạn đói hoành hành. Trận đói này làm một yếu tố quan trọng trong cuộc phân tranh Genpei51[6]. Nhân trận đói này, lòng dân phẫn uất trước quyền cai trị của Heike, và loạn lạc bùng ra tứ phương. Việc Minamoto Yoritomo đã khởi quân chống lại nhà Heike, không phải là duy nhất. Trong tình trạng đói kém đó, những đám phản loạn tương tự đã phát sinh ra ở khắp nơi.

Tháng 4 năm 1180, Yorimoto đã được mật chiếu chinh thảo họ Taira của vua Mochihito. Tháng 8, ông dương cờ phản ở Izu. Trong trận đánh với các tướng của Heike như bọn Oba Kagechika ở Ishibashiyama, thuộc Sagami, nay là thị trấn Odawara, tỉnh Kanagawa, ông bị thua, suýt bị bắt, song đã thoát nạn nhờ ẩn náu trong hang ở Sugiyama. Ngày hôm sau, quân Heike lùng soát hang động, ông sắp bị bắt thì may được tướng của Heike là Kajiwara Kagetoki vì tình mà tha cho chạy thoát52[7]. Cảnh này đời sau thường được ca ngợi trong những màn kịch cổ.

Thoát nạn, Yoritomo theo đường biển thoát sang đất Awa (nay là địa phận tỉnh Chiba). Ở đây, nhờ được sự tiếp viện của các tướng như Kazusanosuke Hirotsuke hoặc Chibanosuke Tsunetane của dòng họ Miura, lãnh chúa53[8] vùng Joso Kaso (nay cũng thuộc tỉnh Chiba), ông đánh ngược lên chiếm các vùng đất Kanto54[9]. Trong khi đó, tình trạng xã hội trở nên vô cùng bất ổn vì trận đói hoành hành. Tập thể võ sĩ samurai hạ cấp do Heike thống suất đã tan rã.

Trong khi Yoritomo đánh lên phía bắc, thì tháng 10 cùng năm đó đã có trận đánh ở Fujikawa. Viên đại tướng tổng chỉ huy quân chinh phạt Yoritomo, là Taira no Koremori, mặc dầu trong tay có đại quân, mà nửa đêm chỉ vì nghe thấy tiếng vỗ cánh bay của đàn vịt trời, bỗng kinh hồn bỏ chạy về mất. Theo sách Sơn Hoè Ký (Sankaiki) thì viên tướng này "nghe thấy tiếng vỗ cánh của bầy vịt trời, tưởng lầm là bị địch đánh úp ban đêm." Tuy nhiên, về mặt số lượng thì quân Taira đông hơn nhiều, nên hẳn phải có nguyên nhân khác nữa làm cho viên tướng này khiếp sợ. Có lẽ đây là vì đám võ sĩ hạ cấp thuộc hạ thiếu ăn bất mãn nên dám làm loạn bất cứ lúc nào.

Thêm nữa cái bất hạnh cho phe Heike là năm 1181, Kiyomori đã chết vì bị cảm sốt.

Yoritomo thắng trận Fujikawa, nhưng sau đó hầu như không ra trận nữa. Những trận đánh chinh thảo Heike sau này là do Minamoto Yoshinaka ở Kiso. Từ Kiso khởi binh, Yoshinaka đã phá quân Heike ở đèo Gurikara, rồi men đường Hokuriku đánh tới kinh đô Kyoto. Ông quét sạch quân Heike sau khi đoàn quân này đã mất chủ soái Kiyomori, rồi lên làm Chinh Di Ðại Tướng Quân. Nắm được quyền bính ở kinh đô, thanh thế Yoshinaka lớn lắm, đến nỗi người đời đó đã gọi ông là "tướng quân mặt trời mọc." Thế nhưng, một mặt ông bị sự đối lập của phe muốn bảo tồn quyền lực của quý tộc ở kinh đô, một mặt quân đội của ông cũng gây nhiều nhũng nhiễu làm mất lòng dân, có lẽ vì lương thực không đủ để nuôi quân.

Tháng 10 năm 1183, Yoritomo được sắc phong tổng lĩnh binh quyền khu vực miền Ðông. Yoshinaka không bằng lòng việc này, đã quản thúc pháp hoàng Go-Shirakawa. Do đó, pháp hoàng đã cho Yoritomo mật chiếu chinh phạt Yoshinaka.

Ðược mật chiếu, Yoritomo phái hai em là Noritomo và Yoshitsune đi đánh Yoshinaka. Yoshitsune đã phá Yoshinaka ở Ujikawa, kéo quân vào kinh thành Kyoto. Sau đó, ông đuổi quân Heike ở Ichinotani, nay là thành phố Kobe, thuộc tỉnh Hyogo, bao vây địch quân ở Dannoura hơn một năm mới phá tan được. Như thế là cuộc phân tranh Gempei chấm dứt, và từ đó quyền độc tài quân sự bởi họ Minamoto đã được thực hiện.



"Chinh di đại tướng quân" chỉ là một chức tư lệnh quân đội

Trong khoảng thời gian cuộc chinh phạt diễn ra như trên, thì Yoritomo làm gì? Ông đóng quân ở Kamakura, giữ vững quyền cai quản miền Kanto. Chẳng hạn, ông đem quân quét sạch vùng đất của họ Satake, nay là tỉnh Ibaraki, vốn cũng thuộc dòng họ Genji, lúc đó mưu toan độc lập. Ấy đại để ông chỉ có chiến công như vậy thôi, chứ không có những chiến công hiển hách như Yoshitsune. Như vậy kể cũng lạ đối với một võ tướng đã bình định được thiên hạ như Yoritomo.

Yoshitsune sau khi chinh phạt xong Yoshinaka, chiếm được kinh đô Kyoto rồi thì tiếp tục đánh tới bờ biển phía tây, quét sạch họ Heike. Song, như vậy sao tránh khỏi giữa Yoshitsune và Yoritomo, hoặc giữa Yoshitsune và pháp hoàng Go-shirakawa có sự bất hòa. Yoritomo chỉ chờ như vậy để xua quân thảo phạt các em mình. Thêm nữa, Yoritomo lại chinh phạt luôn cả Fujiwara Yasuhira, lãnh chúa đã được bốn đời của đất Hiraizumi, thuộc địa phương Oshu, vì đã che dấu Yoshitsune khi ông này bị lùng bắt đã chốn sang đất ấy. Tóm lại, Yoritomo đã dùng võ lực trong thế chờ đợi an nhàn, nên đã dễ dàng đắc thắng, chiếm được quyền chi phối toàn nước Nhật. Thật là khôn ngoan, song không được quần chúng hâm mộ.

Bây giờ, ta thử tìm hiểu xem Yoritomo lúc ấy chính thức giữ địa vị gì? Ta sẽ thấy vô cùng thú vị.

Như đã nói ở trên, lúc 12, 13 tuổi, Yoritomo đã được phong tước Tùng ngũ vị hạ, rồi lãnh chức Hyoe no Suke, tức là chỉ huy phó của một đội bảo vệ, ngày nay tương đương với vụ phó ở cơ quan trung ương. Tuổi mới 12, 13 cho nên đây chỉ là chức vụ tượng trưng. Sau đó, vì loạn Heiji, Yoritomo đã bị cách khỏi chức vụ này và bị đày ra miền Ðông.

Sau khi dẹp xong họ Heike, Yoritomo đã được đền đáp công lao như thế nào? Ông đã được pháp hoàng Go-Shirakawa ban cho "quyền sa thải" ở miền Ðông. Theo ngôn ngữ ngày nay, thì quyền này tương đương với quyền của một tỉnh trưởng. Nói cách khác, Yoritomo đã nắm được quyền nội chính của miền đông nước Nhật. Năm 1184 (niên hiệu Nguyên lịch nguyên niên), dẹp xong Yoshinaka, và năm sau (niên hiệu Văn trị nguyên niên) thì diệt xong họ Heike. Tháng 11 năm đó, Yoritomo được lãnh quyền chỉ định các quan trấn thủ, quan cảnh vệ các châu quận toàn quốc. Như thế ông đã tạo ra được một cơ chế khiến samurai trong cả nước đã mặc nhiên phải trở thành thuộc hạ của ông. Nghĩa là, ông mới chỉ nắm được quyền quân sự và quyền cảnh sát trên toàn quốc, chứ chưa hẳn đã được giao phó toàn quyền cai trị. Hơn thế nữa, người trao quyền như vậy cho Yoritomo lại chỉ là pháp hoàng Go-Shirakawa (một ông vua đã thoái vị đi tu), nên sự việc này không có cơ sở pháp lý nào cả.

Trong khoảng thời gian ngắn trước sau những diễn biến trên, Yoritomo đã đặt ra ở Kamakura cái gọi là "sở công văn" và "sở vấn chú55[10]." Hai sở này thật ra chỉ là "sở tư," "xí nghiệp tư" để quản lý tài sản riêng của Yoritomo mà thôi. Mặc dầu có quy mô lớn hơn, chúng không khác gì những cơ cấu tương tự đã được giới quý tộc lập ra để quản lý trang viên của họ.

Tuy nhiên, nhờ nắm được thực quyền trong tay, Yoritomo đã đưa được người quý tộc của phe phái mình vào địa vị trọng yếu. Chẳng hạn, ông đã đề nghị thành công cho Kujo Kanezane vào chức Nairan, quan chức tương đương với "chuẩn quan bạch56[11]" có quyền duyệt xét mọi sắc sớ trước khi tâu vua, nghĩa là, ông đã đưa được vây cánh của mình vào địa vị quyết đoán chương trình nghị sự để thao túng triều đình.

Khoảng 5, 6 năm sau, tức là vào năm 1190, Yoritomo mới lần đầu tiên được yết kiến pháp hoàng Go-Shirakawa và được phong Gon Dainagon U-Konoe Taisho (Quyền Ðại Nạp Ngôn Hữu Cận Vệ Ðại Tướng). Chức đó, sau này Oda Nobunaga cũng giữ lâu năm, chỉ là chỉ huy trưởng cảnh sát trấn giữ cung vua, tương đương với một bộ trưởng thường. So với Taira Kiyomori đã lên tới Dajodaijin (tướng quốc) thì chức vị của Yoritomo hãy còn khiêm nhượng lắm, song dù sao như vậy ông cũng đã lên tới địa vị đáng nể trong thể chế luật lệnh đương thời.

Thế nhưng, ngay năm sau, ông từ chức đó. Như vậy là trong thể chế luật lệnh ông đã trở thành vô vị vô quan. Năm 1192, ông được phong Chinh Di Ðại Tường Quân và lập ra "mạc phủ" ở Kamakura.

Vậy thì Chinh Di Ðại Tướng Quân là gì? Thói thường, nghe Chinh Di Ðại Tướng Quân, người ta nghĩ ngay rằng đó là quan chức tố cao của mạc phủ, đương nhiên có quyền cai trị thiên hạ. Nhưng đó là kể từ sau nhà mạc phủ Tokugawa. Chứ thời Yoritomo nhậm chức đó thì không phải như vậy.

Không phải Yoritomo là người đầu tiên nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân. Ðầu tiên là Otomo Otomaro. Ông này được phong chức đó đúng năm kinh đô Heian được lập ra, tức là năm 794.

Thời đó, miền đông Nhật Bản, tức là từ vùng Kanto tới vùng Tohoku ngày nay, còn có người Ezo chưa chịu thần phục triều đình Yamato, cư ngụ. Theo nhân chủng học, thì trong đám người này có lẽ có người thuộc dân tộc Ainu. Tuy nhiên, thời ấy, tất cả những người ở miền đông không chịu tuân theo triều đình Yamato, đều bị gọi là Ezo. Cũng như vậy, những người ở miền nam Kyushu thời đó không chịu thần phục triều đình Yamato, thì gọi là Kumaso.

Chinh Di Ðại Tướng Quân là chức quan đánh dẹp người Ezo, đối lại với chức quan đánh dẹp miền nam là Trấn Tây Ðại Tướng Quân. Nói cách khác, Chinh Di Ðại Tướng Quân là tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, chẳng qua là một chức võ quan lâm thời.

Người thứ hai nhậm chức Chinh Di Ðại Tướng Quân, tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, là Sakanoue no Tamuramaro, người đã khai khẩn vùng Tohoku, biến vùng đất giá lạnh đó thành ruộng cấy lúa được.

Người thứ ba là Fun’yano Watamaro, không nổi tiếng lắm. Từ đó, vùng Tohoku đã đặt dưới quyền cai trị của triều đình Yamato, nên chức Chinh Di Ðại Tướng Quân bị bỏ đi.

Rồi một thời gian sau, Yoshinaka vào kinh đô, thành Chinh Di Ðại Tướng Quân như đã kể trên. Ðúng ra, người ta cho rằng chính Yoshinaka đã tự phong cho mình chức đó. Thế rồi, sau khi Yoshinaka mất, chức này lại bị bỏ trống tám năm nữa. Ðến năm 1192 mới lại thấy Minamoto Yoritomo thụ phong chức này.

Xem như trên, ta thấy rằng chức võ quan lâm thời tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, Chinh Di Ðại Tướng Quân, chỉ là một quan chức nhỏ, nhất thời trong thể chế luật lệnh. Thế nhưng, Minamoto Yoritomo đã lợi dùng quyền chỉ định và sa thải các tư lệnh địa phương mà trước kia pháp hoàng Go-Shirakawa đã ban cho ông bằng một bức thư riêng, khiến samurai toàn quốc phải nghe theo chỉ thị của mình sau khi được phong tổng tư lệnh quân đội miền Ðông.

Tóm lại, cái cơ sở pháp lý cho Yoritomo nắm quyền thống trị toàn quốc thật là kỳ lạ.

Bề ngoài là thể chế luật lệnh, thực chất là cơ chế "mạc phủ"

Thêm nữa, cái khôn ngoan đáng sợ của Minamoto Yoritomo là giữ nguyên thể chế quan lại "nhị quan bát tỉnh," không đụng chạm gì đến các quan chức ở kinh đô từ Dajodaijin, Sa-Udaijin trở xuống.

Cấu trúc hai tầng về quyền hạn, quyền lực: Ðây mới là điểm sáng tạo độc đáo, đồng thời là điểm đáng ngại của Yoritomo.

Tổng tư lệnh quân đội miền Ðông (Chinh Di Ðại Tướng Quân) không những đã chỉ nắm quyền quân sự của quân đội miền Ðông, mà còn lần lượt đặt ra và phong thêm nhiều quan chức khác nữa. Ðây là những "quan chức ngoài luật lệnh," tức là những quan chức không có quy định trong luật lệnh. Người ta nói, người Nhật quen xử sự theo hai cách: "vỏ ngoài (hình thức)" và "mặt trong (thực chất)." Yoritomo biết phân biệt thể chế luật lệnh (hình thức) và cơ chế mạc phủ (thực chất), làm thành một cấu trúc quyền lực hai tầng, không phải đã không có liên quan mật thiết với điều đó.

Tư tưởng "dịch tính (hoặc dịch thế) cách mạng" phát sinh ra ở Trung Hoa thời cổ xưa, như đã nói ở trên, coi thiên tử là người nhận thiên mệnh (mệnh trời) trị thiên hạ. Nhưng nếu đức cạn khiến sinh ra trong nhà một kẻ thất đức, thì họ này không còn tư cách làm thiên tử nữa, và một họ khác có đức hơn sẽ nhận thiên mệnh lập ra dòng vua khác, nghĩa là đổi đời, đổi họ vậy. Ðây là tư tưởng chính trị nhìn nhận cách mạng. Tư tưởng này lan ra khắp vùng đông châu Á: Trung Hoa thì đương nhiên, cả Mông Cổ, Hàn Quốc (và Việt Nam nữa), đâu đâu cũng có nhiều lần thay đổi triều vua. Ở châu Âu hay Ấn Ðộ cũng vậy, hể có thay đổi người nắm quyền lực thì có thay đổi triều vua.

Thế nhưng, duy có Nhật Bản là nước "vạn thế nhất hệ (muôn đời một dòng họ)." Ở đây, kể từ Thái tử Shotoku, người Nhật đã thấm nhuần khái niệm một người có thể tin một lúc nhiều tôn giáo, cho nên sau khi Ðạo Phật đã truyền vào rồi mà Ðạo Thần (tức là Shinto, Thần đạo) vẫn sống còn. Lại thêm có Yoritomo nghĩ ra phương pháp thành lập chính quyền samurai trong lúc vẫn duy trì triều đình với thể chế luật lệnh giữ nguyên vẹn. Với hai việc như vậy, người ta thấy rằng cái tuyệt đối, cái duy nhất, cả về tinh thần lẫn về chính trị, đều không còn ở xứ này nữa. Có chăng chỉ còn loại người biết thực tế, biết thỏa hiệp khéo léo, mà thôi.

Ðúng ra, "mạc phủ" thời Kamakura không phải đã cai trị được đất đai cả nước Nhật Bản. Mạc phủ Kamakura với tư cách tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, tuy đã thu hút được samurai trên toàn quốc vào dưới trướng của mình, song trên thực tế, đất đai do samurai cai quản mới chỉ được một nửa trên toàn quốc. Một nửa còn lại là trang viên của quý tộc hay của đền chùa. Những nơi này vì không thuộc quyền quản lý của samurai, nên quyền hành của bộ tổng tư lệnh quân đội miền Ðông không ảnh hưởng tới được.

Thêm nữa, mạc phủ Kamakura cũng không có quyền chỉ định các quan chức của thể chế luật lệnh, từ Dajodaijin trở xuống. Quyền này vẫn là thuộc triều đình ở Kyoto. Duy, các quan chức như vậy trên thực chất đều không có quyền hành gì tương xứng cả.

Triều đình có quyền cai trị đất đai và quyền phong quan cai trị, song mạc phủ Kamakura lại có võ lực, nên khi cần có thể bắt giữ lưu đày quý tộc hay hoàng tộc. Việc đó đã xẩy ra sau chính biến Thừa Cửu năm 1221, khi quan phụ chính Hojo Yoshitoki và người con kế nghiệp là Hojo Yasutoki hành sử quyền đó.

Yoritomo còn học thêm được một bài học sau cái thất bại của Taira no Kiyomori. Ông đã tách chức năng thủ đô đem ra Kamakura, một nơi xa hẳn kinh đô để tránh ảnh hưởng của bè phái và quyền lợi. Ông đã, bằng sự cách ly về địa lý và hình thái của hai đô thị, thực sự cho người ta cảm thấy rõ rệt cái cấu trúc hai tầng của quyền lực, một hình thức và một thực chất.

Từ đó cho tới thời Minh Trị, triều đình nước này luôn luôn đóng ở kinh đô, song trung tâm hành chính thì đổi chỗ từ nơi này sang nơi khác. Nhờ thế, thể chế chính trị có thể đổi khác, song văn hóa vẫn được kế thừa. Yoritomo, vì có tính đa nghi, nên đã cảm thấy cần cách ly công khanh với võ sĩ samurai phần vì sợ sức thẩm thấu văn hóa của triều đình và công khanh vào võ sĩ samurai, phần vì e ngại sức mạnh của lòng hâm mộ của võ sĩ samurai đối với văn hóa công khanh.

Minamoto Yoshitomo đã tránh không đối đầu toàn diện với thể chế cũ, và bằng một thủ đoạn hiện thực khéo léo đã lập ra một chính quyền trong tình trạng mập mờ về mặt pháp lý. Có thể nói, ông đã đả phá cái quan niệm thường thức là "một nước chỉ có một chính phủ."

Tuy nhiên, thấy làm như vậy được thì hết người này tới người khác bắt chước làm theo. Có người sẽ nghĩ rằng: Nếu những quan chức như Dajodaijin hay Sa-Yudaijin mà chỉ có danh không có thực quyền cũng được, thì ngay Chinh Di Ðại Tướng Quân, tức là tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, cũng có thể đôn lên làm vì để cho kẻ dưới nắm lấy thực quyền chứ gì?

Thực hành điều đó chính là vợ Yoritomo, tức là Hojo Masako và người cháu ruột tên là Hojo Yasutoki. Khi con cháu Yoritomo tranh giành sát hại lẫn nhau không còn ai nữa, thì hai người này bèn lựa trong hàng ngũ công khanh ở kinh đô một người xứng đáng để đôn lên làm tướng shogun, còn thực quyền thì giao cho nhân vật đứng ngay dưới shogun, gọi là Chấp quyền ("phụ chính") do dòng họ Hojo nắm giữ. Nghĩa là một người chỉ tương đương với chức tham mưu hoặc chánh văn phòng của bộ tổng tư lệnh quân đội miền Ðông, đã nắm được thực quyền, thao túng bộ tổng tư lệnh này vậy.




tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương