12 người lập ra nước Nhật Mục lục Lời tựa của dịch giả


Bắt đầu truyền thống "thực quyền thuộc kẻ dưới"



tải về 1.61 Mb.
trang6/24
Chuyển đổi dữ liệu24.07.2016
Kích1.61 Mb.
#4415
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24

Bắt đầu truyền thống "thực quyền thuộc kẻ dưới"

Sự việc trên vừa đúng là cái mặt trái của hình tượng quý phái kiểu Hikaru Genji đã nói ở chương trước. Nó còn có ảnh hưởng tới hình dạng cơ cấu quyền lực của Nhật Bản ngày nay nữa. Trong xã hội Nhật Bản bây giờ, thì thủ tướng hay bộ trưởng các bộ không nắm thực quyền bằng một giám đốc trực thuộc, hay đúng hơn, có nhiều trường hợp không bằng một vụ trưởng. Không phải chỉ có thế, cái suy nghĩ cơ bản là, người ngồi trên thì không nên "chi li" quá, không nên tỉ mỉ quá. Người có trách nhiệm tối cao chỉ nên ngồi làm tượng trưng, còn thực quyền thì trao cho các cấp thực thi ở dưới. Như thế mới là cách làm việc đúng.

Chính phủ Nhật Bản ngày nay đã kế thừa trung thực truyền thống ấy. Bộ trưởng chỉ đọc cái gì quan liêu (công chức) đã viết ra thôi. Nếu đọc sai thì bị chê là "bậy."

Chẳng hạn, thời nội các Kaifu57[12] đã xẩy ra "vụ tê-ta" như sau. Ðảng đối lập đặt vấn đề "nên cải cách thuế tiêu thụ." Họ lý luận rằng những mặt hàng như thực phẩm thì nên áp dụng thuế suất nhẹ.

Lúc ấy, Thủ tướng Kaifu, được đám quan liêu (công chức) Bộ Kho bạc đưa cho tờ ghi chép viết rằng: "sẽ mạnh dạn xem lại thuế tiêu thụ58[13]," song không biết có phải cố ý hay không, ông đã đọc sai thành: "sẽ (có những) xem lại mạnh dạn thuế tiêu thụ59[14]." Nghĩa là, ông đã nói sai chữ "tê" thành chữ "ta", nên mới gọi là "vụ tê-ta."

Cùng là một tiếng Nhật (omoikiru), song nói "omoikitte" (ô-môi-kít-tê, thể tiến hành hiện tại) hay nói "omoikitta" (ô-môi-kít-ta, thể quá khứ), thì ý nghĩa khác nhau nhiều lắm. Ðám công chức Bộ Kho bạc viết "sẽ mạnh dạn xem lại thuế tiêu thụ" là ý nói "nên sửa lại thuế tiêu thụ hay không là vấn đề còn lưỡng lự, song xin hứa sẽ mạnh dạn xem để sửa lại." Cũng có thể hiểu là sẽ xem lại song không hẳn sẽ có cải cách lớn. Song, như Thủ tướng Kaifu nói "sẽ xem lại mạnh dạn..." thì như vậy nghĩa là "sẽ làm những cải cách mạnh dạn."

Ðám công chức Bộ Kho bạc nổi giận. Một người trong đám họ dám nói: Một tên thủ tướng mà dám đọc sai câu viết của cơ quan chủ quản, là ý gì?

Ðúng ra, y định nói "một tên quan lại" song đã buột miệng ra thành "một tên thủ tướng." Ðây chẳng qua là cái cảm nghĩ thường ngày của một cán bộ cao cấp đã ngẫu nhiên vuột ra không kiềm chế được.

Ở Nhật, không cứ gì đám quan liêu Bộ Kho bạc, mà ngay ở các xí nghiệp cũng vậy, có rất nhiều khi người ta muốn xổ ra "một tên tổng giám đốc!"

Dù là thủ tướng, nhưng cũng phải để cho ý kiến của chuyên gia thuộc hạ được thông qua. Ở xí nghiệp cũng vậy, tổ chức càng lớn thì người ngồi trên chóp bu càng nên nghe theo ý kiến của cấp dưới sau khi những người này đã nghiên cứu kỹ càng rồi. Ðiều này là chuyện đương nhiên. Không làm ngược lại cấp dưới:"Chí lý! Tụi bay đã làm tốt lắm. Tao sẽ đọc y hệt như vậy. Hiểu rồi. Hiểu rồi." Nói như vậy mới đáng gọi là thái độ của kẻ cả, của người làm lớn, được trọng vọng ở Nhật Bản vậy.

Nhờ Minamoto Yoritomo sáng lập ra chế độ thao túng chính trị bằng cách đẻ ra rất nhiều "quan chức ngoại lệ," nên một tiền lệ đã hình thành, theo đó cơ cấu thượng tầng được bảo tồn trên hình thức, nhưng thực quyền đã được chuyển giao cho cơ cấu hạ tầng. Kết quả là đám quý tộc sống dựa vào thể chế luật lệnh ở kinh đô vẫn duy trì được tư thế danh gia thế phiệt. Nhờ vậy mà đã chỉ có rất ít máu chảy, một sự phân công nghiệp vụ đã hình thành: Võ sĩ samurai thì đảm đương quân sự chính trị, còn quý tộc thì đảm đương văn hóa.

Cũng vì vậy mà nền văn hóa do quý tộc ở kinh đô đảm đương đã thiếu sinh khí, thiếu thực cảm sinh hoạt. Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng nó có hiệu quả giữ được nhân tài bảo hộ văn hóa.

Phải chờ đến 300 năm sau, tức là tới hậu bán của thời Muromachi mới thấy tầng lớp võ sĩ samurai bắt đầu sáng tạo ra văn hóa mới. Lúc ấy, võ sĩ samurai lớp trên của nhà mạc phủ Ashikaga, tức là hàng quận thú, thái thú thì lần lần quý tộc hóa, nên bị đám lãnh chúa mới nổi lên dần dần chiếm đoạt mất thực quyền. Ðến thời võ tướng Oda Nobunaga thì quý tộc Heian suy đồi đến nỗi không còn năng lực đảm đương văn hóa nữa. Sang tới xã hội ổn định của thời Tokugawa thì văn hóa quý tộc Heian lại phục hưng. Do đó, những nghề nghiệp như công nghệ cổ truyền ở vùng quanh kinh đô đã hưng thịnh lên nhờ tiếp nhận thêm kỹ thuật sản xuất mới.

Nếu những người có tiền bạc, có sức mạnh, có thực quyền đứng ra xúc tiến hoạt động văn hóa như ở Anh, ở Pháp, thì hạng người võ biền như Nobunaga, như Hideyoshi, cũng có thể đã làm bén rễ ở Nhật Bản những văn hóa đồ sộ từ lâu rồi.

Những công trình kiến trúc như thành Azuchi, thành Ozaka, cung Jurakudai60[15], đều đã làm cho các nhà truyền giáo đạo Cơ đốc kinh ngạc và thán phục, bởi vì thời đó chúng đồ sộ, tráng lệ hơn những thành quách, cung điện của Tây Âu. Thế nhưng, quý tộc Nhật Bản ở kinh đô thời đó, vừa không có thực quyền, vừa không có tiền, nên đã phải đi tìm cái đẹp trong những loại hình nhỏ bé, ai ai cũng có thể làm ra được.

Minamoto Yoritomo, với sự xây dựng cấu trúc quyền lực có thực chất, tránh xung đột quyết liệt với thế lực bảo thủ bảo cựu, đã mặc nhiên lưu lại ở Nhật Bản một cấu tạo văn hóa gồm hai loại hình khác nhau từ người đảm đương đến hình thái. Ðó là văn hóa công khanh (quý tộc) và văn hóa võ gia (samurai).

Dù chỉ với ý nghĩa rằng đó là người đã lần đầu tiên lập ra nền chính trị võ gia, xã hội võ sĩ, thì Minamoto Yoritomo cũng đáng là người vô cùng quan trọng trong lịch sử Nhật Bản. Cũng không thể bỏ qua sự thật là ông cũng đã tách rời hẳn quyền hành chính khỏi quyền tôn giáo. Nghĩa là theo thể chế luật lệnh thì phải có "nhị quan," với "quan tôn giáo" là một, song mạc phủ Kamakura đã không đặt chức quan tôn giáo này. Ở điểm này, ông cũng là nhà cải cách rất lớn.

 

Yoritomo mở ra nền chính trị "võ gia"

Minamoto Yoritomo, với tư cách một "cột trụ võ sĩ," là một chính khách đồng thời là võ tướng đã gây dựng nên nền chính trị võ gia. Ông hầu như chỉ ở Kamakura, chứ ít khi ra chiến trường. Cả đời ông chỉ vào kinh có hai lần.

Là võ tướng sáng lập ra chính quyền, song Yoritomo không có những truyền thuyết hùng tráng. Cho nên ngay thời nay, sự hâm mộ ông cũng nhạt nhẽo. Trái lại, các em ông, những người đã thực sự chiến đấu, nhất là Yoshitsune thì có rất nhiều đề tài để nói đến và rất được người ta hâm mộ. Thế nhưng, nếu nhìn vào sự thực rằng, sau khi đã định Kamakura làm đất đóng mạc phủ, ông giữ vững ở đó, nuôi dưỡng thực lực trong lúc sai khiến người khác, để sau này triển khai nền chính trị võ gia mới mẻ, thì ta thấy chính Yoritomo mới thật là nhân vật lớn. Một nhân vật lớn như vậy lại có thêm tính nghi kỵ và lòng tàn nhẫn nữa. Ông đã giết hai em, là Noritomo và Yoshitsune, cũng như nhiều người họ hàng thân thích khác nữa.

Kết quả là Yoritomo có rất ít con cháu và thân thích. Ðến đời thứ ba thì máu mủ ruột thịt bị đứt đoạn. Thêm nữa, ông đã tru diệt nhiều công thần đã đóng góp vào sự nghiệp xây dựng mạc phủ Kamakura. Ðó cũng là thêm một lý do khiến cho họ Hojo đã thành phụ chính, tức là nắm được quyền chấp chính vậy.

Là một nhân vật lịch sử, Yoritomo tính tình mờ ám, âm hiểm. Ðó là điểm giống những bậc anh hùng đã lập ra vương triều trên khắp thế giới. Có lẽ tính tình đa nghi, âm hiểm chính là điều kiện để duy trì quyền lực lâu dài chăng.

Yoritomo nắm được quyền lực, lập ra mạc phủ ở Kamakura. Ông sát hại các tướng đã thực sự chiến đấu thành công như Yoshitsune. Sự việc này đã uất tích thành lòng thương tiếc kẻ anh hùng bạc mệnh, hay như Yoshikawa Eiji61[16] nói "anh hùng hoại diệt62[17]" vậy. Xem như vậy thì cái bản chất của người Nhật hay ca tụng những người nỗ lực mà không thành công, có lẽ cũng bắt nguồn từ ảnh hưởng của Yoritomo đối với nền văn hóa Nhật Bản.

Sau Yoshitsune còn có nhiều "anh hùng hoại diệt" trong lịch sử Nhật Bản. Ðiển hình là Sanada Yukimura và các nghĩa sĩ Ako (Ako Roshi) trong tích Chushingura. Nhất là những nghĩa sĩ này, sau khi trả được thù cho chúa rồi thì đều phải tự mổ bụng, và dòng họ Asano, chúa của họ , cũng không phục hưng được. Nghĩa là, họ đã làm cho mọi người càng thêm bất hạnh. Ðúng là những "anh hùng hoại diệt."

Minamoto Yoritomo đã làm nên sự nghiệp vĩ đại, mà từ xưa đến nay ít được người ta hâm mộ. Vì vậy mà bậc anh hùng hoại diệt như Yoshitsune mới sinh ra.

Còn một điểm nữa không thể bỏ qua được đối với vai trò lịch sử của Yoritomo, là ảnh hưởng lớn ông đã để lại đối với quan niệm giai cấp của Nhật Bản. Như đã nói ở đầu chương, ở thời Heian, võ sĩ samurai bị gọi là bọn "thầy chùa sát sinh." Ðám võ sĩ như vậy, sau khi đã nắm được quyền lực, đã hoàn thành sự nghiệp "hạ khắc thượng63[18]" rồi, đã không tự mình trở thành quý tộc, mà trái lại đã để nguyên triều đình và công khanh. Nói cách khác họ đã phân tách rõ rệt "địa vị" và "quyền lực" vậy.

Sự việc này tương tự như tư tưởng "cánh mạng vinh dự64[19]" ở Anh hay tư tưởng độc lập của Mỹ, tức là tư tưởng cách mạng theo đó những người nắm hiện trường sản xuất, giữ quyền chính trị. Nếu coi võ sĩ samurai đương thời là những người kinh doanh nông trại, thì sự tương đồng vừa nói không phải là vô căn cứ.

Nakagawa Yatsuhiro viết rằng: Trong bộ luật điển "Go-Seibai (Joei) Shikimoku65[20]" của thời Kamakura có tư tưởng giống như bản tuyên ngôn độc lập của Mỹ. Nếu chỉ nhìn vào sự kiện là hiện thực đã được phản ánh trong cơ cấu thống trị, thì lời viết này cũng có phần chí lý; nghĩa là, muốn triệt để phản ánh hiện thực, thì nên bảo lưu toàn bộ trạng thái phi hiện thực của hình thức cũ. Cái khôn ngoan có tính cách Nhật Bản đó đã sinh ra từ Minamoto Yoritomo.

 

Người nắm quyền lực lớn Hojo Masako xuất hiện

Nhìn từ Yoritomo thì chuyện sau đây là dông dài. Nhưng không thể không nói sơ qua về Hojo Masako, vợ Yoritomo.

Khi Yoritomo bị Heike bắt, đày ra Izu, thì người giám thị ông, là Hojo Tokimasa, trông ông có tương lai nên đã đem con gái gả cho. Ðó là Masako. Thật ra, theo sách Gempei Seisuiki thì chính Masako đã theo Yorimoto mặc dầu bi cha phản đối. Song có lẽ vì nhiệm vụ, sợ bị Heike nhòm ngỏ, nên bề ngoài đã phải làm như vậy chăng. Cho rằng vì yêu Yoritomo nên Masako đã chạy theo chàng, thì sự kiện Tokimasa phản đối là không đúng sự thật, xét quan hệ giữa Yoritomo và Tokimasa sau này.

Nhật Bản là nước có truyền thống vợ chồng khác họ, cho nên Masako không thành Minamoto Masako mà vẫn là Hojo Masako. Bà Masako này đã bắt đầu hoạt động và được gọi là "Nữ tướng shogun" là kể từ sau khi Yorimoto mất.

Khi Yoritomo còn sống, bà đã ra lệnh cho thủ hạ đốt nhà vợ bé của Yoritomo. Ngay Yoritomo cũng không ngăn nổi việc ấy, thì đủ biết bà là người vợ không vừa, song lúc đó bà chưa ra mặt làm chính trị.

Chỉ có một lần trong sinh thời Yoritomo, bà đã làm chính trị. Ðó là năm 1195, nhân Yoritomo vào kinh để làm lễ ở chùa Todai-ji, Masako cũng đồng hành. Bà đã gặp bà ái phi của pháp hoàng Go-Shirakawa (bà này sau khi pháp hoàng mất rồi, vẫn nắm quyền hành ngấm ngầm), bày kế đưa con gái trưởng của bà và Yoritomo, là Ohime vào làm vợ vua Go-Toba. Taira Kiyomori cũng đã tìm cách kết hợp công khanh với võ sĩ song không thành.

Tiếc rằng Ohime đã mất năm 1197, nên kế hoạch không thành. Sau đó, cũng còn nhiều kế hoạch khác nữa, song năm 1199 Yoritomo mất và Masako xuất gia đi tu. Thật ra, sau đây mới là thời kỳ Masako hoạt động mạnh.

Trước nhất, cùng với cha là Hojo Tokimasa, bà đã đưa con trai của Yoritomo và bà, tên là Yoriie lên làm mạc tướng. Bố vợ Yori’ie tức là họ Hiki dần dần có thế lực, nên hai bên, một bên là họ Hojo bên kia là họ Hiki, đã đối lập với nhau kịch liệt.

Lấy cớ để tránh sự độc tài của mạc tướng, bà đã lập ra chế độ "hợp nghị" gồm có 13 người, kể cả cha là Hojo Tokimasa, em là Yoshitoki, và những người khác như Oe Hiromoto, Hiki Yoshikazu, tức là những người có thế lực lớn. Bằng cách này, Masako đã đoạt được quyền của con trai, là mạc tướng Yoriie, người mà vợ nói sao cũng nghe vậy. Nghĩa là bà đã tước cái quyền ngoài luật của mạc tường bằng một nội quy của 13 người bất kể luật lệnh đã có. Một lần hình thức và thực chất đã được tách riêng ra rồi, thì quyền lực sẽ được phân tán vô hạn định xuống hạ tầng. Masako là người đầu tiên thực hành điều này.

Năm 1203 khi Yoriie mắc bệnh nặng thì bà chia đôi quyền hành ra cho con trai của Yoriie, tức là Kazuhata và con trai thứ của mình, là Sanetomo. Việc này làm phẫn nộ Hiki Yoshikazu, tức là cha ruột của người con dâu bị Masako ghét, tức là mẹ đẻ của Kazuhata. Masako chỉ chờ có thế để kết hợp với gia đình cha ruột của mình tức là họ Hojo, tiêu diệt dòng họ Hiki.

Tiếp theo, bà giết luôn cả cháu nội của mình (Kazuhata), bắt con trai trưởng là Yoriie lúc ấy đã khỏi bệnh, xuất gia đi tu, rồi giam lỏng ở chùa Tu thiền tự (Shuzenji). Việc này về sau đã trở thành cốt truyện của bản kịch nổi tiếng "Sự tích Tu Thiền Tự" của Okamoto Kido (1872-1939). Bà cho con thứ là Sanetomo lên làm mạc tướng, cho cha là Tokimasa làm phụ chính. Nghĩa là bà yêu quyền hành hơn con cháu, hoặc là bà coi họ hàng mình trọng hơn cả chăng.

Thêm nữa, bà mưu đồ với người vú nuôi thượng hoàng Go-Toba, là Fujiwara Kenshi, (tước Khanh nhị vị66[21]), hứa hẹn với nhau sẽ đưa hoàng tử Yorihito, con thượng hoàng Go-Toba lên làm mạc tường kế vị Sanetomo. Nghĩa là hai bà xúc tiến vấn đề kết hợp giữa triều đình và mạc phủ vậy.

Vì vậy mà tuy đã xuất gia đi tu, song Masako đã được phong tước "Tùng nhị vị." Bà được gọi là "Nữ mạc tướng," chính là vì bà đã có tước vị ngang hàng với chồng làm Chinh Di Ðại Tướng Quân67[22] vậy.

Thời ấy việc phụ nữ mưu đồ với nhau là chuyện thường, nhưng trong số những phụ nữ như vậy thì Masako là người thành công nhất, đáng mặt là thủy tổ của "bà mẹ ngoáo ộp."

Sách Gukansho có câu viết mỉa mai rằng: "Con gái Tokimasa, mẹ Sanetomo và Yoriie có sống sót mới có đời nay!" Rồi cùng với bà Khanh nhị vị có thế lực to lớn ở kinh đô, thì sách viết: "Nhờ có đàn bà tô điểm cho, thì nước Nhật mới thành." Ý nói nước Nhật phải nhờ nữ giới giúp cho thì nền chính trị mới được hoàn chỉnh.

Masako đòi được một hoàng tử từ kinh đô hạ mình xuống làm rể mình, song sự thế đổi thay khiến điều đó bị khước từ. Kết cục, thượng hoàng Go-Toba đã đề cử Yoritsune, một người trong dòng họ Minamoto bà con xa của Yoritomo lên làm mạc tướng, tức là khác với lời hứa. Yoritsune lúc đó mới lên 2 tuổi, nên quyền hành đã do Masako và cha ruột là Hojo Tokimasa nắm giữ.

Sau khi Tokimasa mất thì em Masako tức là Yoshitoki lên làm phụ chính. Sau đó, lại là con Yoshitoki lên làm phụ chính. Cứ như vậy, người họ Hojo liên tiếp lên làm phụ chính nắm giữ thực quyền.

Hoạt động nổi bật nhất của Hojo Masako là lúc thượng hoàng Go-Toba bực mình với quyền thế của Kamakura, đã khởi loạn Jokyu năm 1221.

Masako diễn thuyết kêu gọi võ sĩ samurai: "Chớ quên ơn của họ Minamoto. Chớ theo vua, hãy theo mạc phủ." rồi gửi quân vào kinh đô bắt tất cả từ thượng hoàng Go-Toba trở xuống, đem đày ra hải đảo. Sự việc này đã làm cho quyền thế mạc phủ không thể lay chuyển được nữa. Thực quyền như vậy đã vào tay Masako và dòng họ Hojo. Ðó là hình ảnh Masako đã được lưu truyền lại.

Mặc dù nói là Hojo Masako đã nắm giữ thực quyền ghê gớm, song Masako đã thực sự lèo lái chính trị, hay cha bà (Tokimasa) và em bà (Yoshitoki), hay cháu bà (Yasutoki) đã nắm quyền ấy, thì hãy còn là một nghi vấn. Duy, có một điều chắc chắn là, vì có Masako nên Tokimasa hay Yasutoki mới chiếm được vị trí trung tâm của quyền lực. Lại nữa, cứ nhìn vào tư thế của ba đời phụ chính từ Tokimasa qua Yoshitoki tới Yasutoki, rồi chuyện âm mưu với bà Khanh nhị vị, rồi diễn thuyết khi có loạn Jokyu, người ta có cảm tưởng rằng quả thật Masako là vai chính. Không còn nghi ngờ gì nữa là sau khi Yoritomo chết, người đàn bà này đã nắm quyền lớn, đã có quan hệ tới lịch sử nước Nhật vậy.

 

Quan chức ngoài luật lệnh đã sinh ra cấu trúc hai tầng

Ở đây, điều quan trọng là tại sao Masako đã có thể làm như vậy được?

Ðó là vì chính Yoritomo, với tư cách tổng tư lệnh quân đội miền Ðông (Chinh Di Ðại Tướng Quân), tức là một quan chức đứng ngoài quy định của bộ luật lệnh Ðại Bảo68[23], đã chế ra một phương pháp nắm quyền chính trị bất thường bằng cách tự xưng mình là "cột trụ của samurai" toàn quốc. Cái phương pháp bất thường này lại được Masako phát triển thêm một bước nữa, đưa quyền hành của mạc tướng xuống hàng chánh văn phòng, tức là phụ chính. Nghĩa là, mặc dù quyền hành vốn dĩ thuộc vua và dưới vua còn có "nhị quan bát tỉnh" nữa, song cơ chế này vẫn được giữ nguyên vẹn và thực quyền đã được trao vào tay tổng tư lệnh quân đội miền Ðông qua bộ tư lệnh của người ấy, gọi là "mạc phủ," làm thành một chính phủ thực chất (de facto). Thế rồi, chánh văn phòng bộ tư lệnh lại nắm lấy thực quyền bằng cách đưa một đứa bé mới hai tuổi vào địa vị tổng tư lệnh quân đội miền Ðông để hình thức hóa địa vị này đi. Làm cho sự việc này có thể xẩy ra được không ai khác hơn là chính Minamoto Yoritomo vậy.

Ðiều trên đã ảnh hưởng lớn tới lịch sử Nhật Bản, đã biến thành truyền thống là chánh văn phòng lại nắm thực quyền hơn bộ trưởng mà không ai coi sự việc ấy là kỳ lạ nữa. Không cứ gì các cơ quan chính phủ đâu, cả xí nghiệp tư nhân cũng vậy, những câu nói cửa miệng như: "Ông tổng giám đốc thì dẫu có nói cũng chẳng hiểu đâu! Phải nói với ông phó nọ, ông phó kia cơ!" hoặc "Không, ông phó đó cũng chẳng hiểu đâu mà chính phải nói với ông trưởng phòng tổng giám đốc ngồi bên cạnh kia!" không còn ai coi là kỳ lạ nữa.

Minaamoto Yoritomo là người đã mở màn cho lịch sử "Cấu trúc quyền lực hai tầng" kiểu Nhật Bản. Sau đó Masako cùng những người của họ Hojo đã phát triển cấu trúc đó thêm một bước nữa. Với ý nghĩa này, Hojo Masako cũng là một diễn viên phụ không thể nào quên được vậy.

[1] Mạc phủ: Bakufu. Mạc phủ vốn chỉ là chỗ quây màn, dựng lều làm bản doanh tại trận tiền của một tướng lãnh. Song, ở Nhật Bản, từ mạc phủ được dùng để chỉ cơ chế quyền lực chính trị toàn quốc đứng đầu bởi một vị tướng (trong sách này thường viết là mạc tướng, hoặc tướng shogun hoặc shogun) được vua phong cho, thường là Chinh Di Ðại Tướng Quân. Ở Nhật Bản trong thời kỳ có mạc phủ, Nhật hoàng thực chất chỉ là làm vì, mà tướng quân shogun mới thực sự thống trị toàn quốc như là một ông vua. Vì thế, có nhiều sách do người phương Tây viết về Nhật Bản thời kỳ có mạc phủ, mạc tướng thường được dịch là King (vua), trong khi đó Nhật hoàng dịch là Emperor (hoàng đế), mặc dù chỉ là một vị hoàng đế vô quyền.


[2] Edo, là nói thời kỳ ngót 300 năm (từ 1603 tới 1867) dòng chúa Tokugawa mở mạc phủ ờ thành Edo (tức Tokyo ngày nay) tiếm quyền cai trị nước Nhật của Nhật hoàng.

[3] Nhị quan bát tỉnh, tức là chế độ gồm có hai chức quan và tám "tỉnh", tức là tám bộ. Hai chức quan là "thần kỳ quan," trông coi vấn đề tế lễ, và "thái chính quan," đảm đương việc trị nước. Tám "tỉnh" gồm có Trung Vụ tỉnh (lo việc chiếu sớ, nhân sự, hộ tịch, tô thuế,...), Thức Bộ tỉnh (nghi thức, điển lễ, tặng thưởng,...), Trị Bộ tỉnh (hôn lễ, tang tế, ngoại giao,...), Dân Bộ tỉnh (dân chính, tài chính, thuế khóa,...), Binh Bộ tỉnh (quân chính, binh mã, binh khí,...), Hình Bộ tỉnh (tư pháp), Ðại Tàng tỉnh (kho bạc) và Cung Nội tỉnh (việc cung đình).


[4] Quan tước chia làm 8 "vị". Mỗi "vị" còn chia ra Chính và Tùng, Thượng và Hạ.Tùng Ngũ Vị Hạ là tước vị phong cho đích tử của công hầu khi tới tuổi thành niên. Thời xưa, tuổi thành niên thường thấp hơn thời nay. Nội tàng nhân là một chức quan coi kho của vua.
[5] Thái thượng hoàng đã đi tu. Trong bản NXB CTQG lời chú này để ở sau trang này.

[6] Cuộc phân tranh giữa họ Minamoto và họ Taira.

[7] Kiểu Quan Công tha Tào Tháo ở Hoa Dung Tiểu Lộ chăng?

[8] Lãnh chúa là từ gọi chung những chúa tể hoặc sứ quân cai trị một vùng đất nhỏ, một tiểu quốc.

[9] Kanto, là khu vực gồm Thành Phố Tokyo và sáu tỉnh bao quanh, tức là Ibaraki, Tochigi, Gunma, Saitama, Chiba và Kanagawa.
[10] Sở công văn là cơ quan tương với văn phòng hành chánh, và sở vấn chú là tòa án. Ðặt ra những công sở như vậy là chứng tỏ đã nắm được quyền cai trị chính thức.

[11] Quan bạch, là chức quan được phép xem trước sớ sắc rồi mới tâu vua. Tên quan chức này là từ sách Hán Thư (truyện Hoắc Quang): "chư sự giai tiên quan bạch quang, nhiên hậu tấu ngự thiên tử," nghĩa là mọi sự việc đều được xem trước cho rõ, rồi sau đó mới tâu lên thiên tử.

[12] Nội các của thủ tướng Kaifu, từ 8/10/1989 tới 5/11/1991.

[13] Việc xem lại (sửa lại) thuế tiêu thụ, sẽ được làm một cách mạnh dạn. Nghĩa là chưa hứa sửa chữa gì cả.

[14] Sẽ có những xem lại (sửa lại) mạnh dạn cho thuế tiêu thụ. Rõ ràng là hứa sẽ có những cải cách mạnh dạn về thuế tiêu thụ. Bản NXB CTQG không có 2 từ trong ngoặc “(có những).”

[15] Cũng gọi là Jurakutei.

[16] Một nhà tiểu thuyết lớn, chuyên viết tiểu thuyết lịch sử.

[17] Nguyên văn tiếng Nhật là Hametsu no Eiyu, đọc âm chữ Nho là Anh hùng Phá diệt.

[18] Hạ khắc thượng (Gekokujo), tức là kẻ dưới khắc phục người trên.

[19] Cánh mạng vinh dự (Glorious Revolution): Sự kiện lịch sử Anh theo đó khi vua James II độc đoán định cho cựu giáo phục hưng, những lãnh tụ quốc hội cầu cứu công chúa Mary theo tân giáo và quận công William năm 1688. Năm sau, Mary II và WIlliam III lên ngôi vua, ban hành Hiến chương nhân quyền (Bill of Rights).


[20] Luật điển nói ở đây là của niên hiệu Joei (Trinh Vĩnh, năm 1233) gồm có 51 điều.

[21] Tước gồm có tám vị. Thường ra, tam vị trở lên là hàng Công, Khanh.

[22] Chinh di đại tướng quân là "chức vị", trong khi đó "Tùng nhị vị" là tước vị. Chẳng hạn, trong quân đội, một đại úy trung đội trưởng, thì đại úy là tước vị còn trung đội trường là chức vị.
[23] Ðại Bảo luật lệnh, soạn ra năm Ðại Bảo nguyên niên (701), gồm 6 quyển luật và 11 quyển lệnh.

Chương IV : Oda Nobunaga 

- Người anh hùng bị phủ nhận của lịch sử Nhật Bản

Thời chiến quốc, thời kỳ đổi mới kỹ thuật lớn

Oda Nobunaga là một trong những nhân vật nổi tiếng nhất của lịch sử Nhật Bản. Thời nay, giới trẻ vẫn còn coi nhân vật này là "bảnh," là "tuyệt" ở chỗ đó là một người cải cách có lối sống "phá thiên hoang69[1]" trong thời chiến quốc70[2] Nhật Bản.

Cũng như những nhân vật lịch sử nổi tiếng khác, hình ảnh Oda Nobunaga như được lưu truyền trong truyền thuyết, trong kịch bản, nếu có phần khác với sự thực là điều khó tránh khỏi được. Tuy nhiên, vì cuộc đời và hành động của Nobunaga đã khiến ông dễ trở thành vai chính của truyện kể cũng như kịch bản, nên cái "thực ảnh" và cái "hư ảnh" của ông khác nhau tương đối ít chăng. Chỉ có một điểm khác xa, là người ta thường nói Nobunaga có tính nóng nẩy cục cằn, song thật ra ông là người chịu nhịn, nhẫn nại.

Quả thật Nobunaga là con người có tình cảm thất thường, lời nói và hành động cũng nghiêm khắc. Song nếu nhìn hành động suốt cuộc đời ông, ta mới thấy ông là người bền chí, đa mưu túc kế, hiểu biết tinh tường và nói chuyện lý thú. Những điều này rất quan trọng cho việc nhận xét nhân vật Oda Nobunaga.

Oda Nobunaga sinh năm 1534, đúng là lúc thời "chiến quốc" vừa chuyển từ giai đoạn tranh giải địa phương (nửa đầu) sang giai đoạn tranh giải toàn quốc (nửa cuối). Nên biết thêm rằng, chín năm sau thì súng nòng thép được truyền tới Nhật Bản và 15 năm sau thì Francisco Xavier71[3] đặt chân lên đất Nhật Bản.

Nobunaga sinh ra đúng thời nhà mạc phủ Ashikaga đã suy đồi, toàn nước Nhật lâm vào thời loạn "hạ khắc thượng." Từ giữa thế kỷ thứ XV, kể từ sau loạn Onin, toàn quốc Nhật Bản đã lâm vào cảnh loạn ly tứ tung, khắp nơi xẩy ra những cuộc va chạm nhỏ. Tuy nhiên, kỹ thuật tiến bộ hơn và nền kinh tế cũng phát triển hơn. Thời kỳ Oda Nobunaga sống là thế kỷ thứ XVI, ở Nhật gọi là "thời chiến quốc," song ở bên châu Âu thì thời kỳ đó gần trùng với "thời Phục Hưng (Renaissance)". Mới nghe hai tên gọi này người ta mường tượng ra hai cảnh xã hội hoàn toàn khác nhau, song thực ra chúng lại rất giống nhau. Thời đó đã có những cải cách kỹ thuật ở khắp nơi trên thế giới, có nhiều phát hiện mới về địa lý72[4], và cải cách tư tưởng cũng tiến bộ. Nghĩa là thời cận đại đã manh nha. Gần 500 năm trước đó, từ đời Ðường mạt sang đời Tống, khoa học tự nhiên và kỹ thuật đã phát triển ở Trung Hoa. Chúng được truyền sang Tây Âu và Nhật Bản dưới dạng thức đã hoàn thành để được đưa vào thực dụng.

Thế kỷ thứ XV, một trong những kỹ thuật mới được ứng dụng ở Nhât Bản là kỹ thuật phát triển đất đai, bằng cách tát nước khỏi những đồng lầy để phân ra thành đất trồng trọt và ao hồ. Kết quả là diện tích trồng trọt tăng lên, sản lượng nông nghiệp gia tăng. Mặt khác, ao hồ thì nuôi cá, thả sen. Nhờ đó, thức ăn được phong phú hơn, tình trạng dinh dưỡng được cải thiện hơn.

Lại nữa, những vùng đất cằn cỗi cũng được dẫn nước vào, biến thành đất trồng trọt. Kết quả là ở mỗi vùng đất đều được trồng trọt hoa mầu thích hợp, xúc tiến phương thức đất nào hoa mầu nấy. Nhờ vậy đã thấy có những hoa mầu trước đó xa lạ đối với Nhật Bản, như trà, vừng (mè), khoai lang, hạt cải. Chẳng bao lâu sau, người ta thấy xuất hiện bông (gòn) và đậu. Thật ra trà và vừng là những hoa mầu đã có ở Nhật từ lâu, như đã thấy lưu giữ trong Shosoin73[5], song nhờ kết quả khai thác đất đai, những hoa mầu này đã được sản xuất ra rất nhiều.

Ðến thế kỷ XVI thì năng suất thu hoạch càng tăng, chỉ một người canh tác cũng thừa nuôi được cả gia đình. Do đó, sốngười không làm gì cũng sống được, tăng vọt lên. Những người trước kia gọi là "samurai địa phương," tức là giai cấp địa chủ, dần dần biến thành võ sĩ samurai chuyên nghiệp. Họ là những người mà sử sách sau này gọi là "hào trưởng."

Tuy nói thế, nhưng ở tiền bán thế kỷ XVI tức là nửa đầu của thời chiến quốc thì những hào trưởng này vẫn chưa thể bỏ nông nghiệp được. Họ còn sống ở nông thôn, kinh doanh quản lý sở đất của mình, cũng có khi tự mình canh tác đồng thời thu sưu thuế và giữ việc trị an thôn xóm.

Ở thế kỷ XX, thì những nước phát triển giầu có lại không tăng dân số, trong khi những nước đang phát triển lại có dân số tăng vọt. Thế nhưng một định luật phổ biến trong lịch sử là nếu cuộc sống được phong túc hơn thì dân số tăng lên. Nhờ khai thác đất đai và tiến bộ kỹ thuật nên năng suất sản xuất đã tăng lên, và như vậy đã làm cho dân số Nhật Bản thời chiến quốc tăng nhiều.

Ðại khái, kể từ lúc hết loạn Onin (năm 1477) cho tới trận đánh Sekigahara74[6] (năm 1600), tức là trong khoảng hơn 120 năm, Nhật Bản đã tăng dân số gấp đôi và tổng sản phẩm quốc dân (GNP) gấp ba.

Ở khắp nơi, các hào trưởng xuất hiện và cùng với bọn thủ hạ của họ, làm thành những nhóm gọi là "đảng con cháu gia đình." Ðám người này sống nhờ vào sản xuất thặng dư, làm thành một giai cấp trung gian mới. Thường ngày họ tụ tập thành vài chục người vừa làm nông nghiệp vừa lo việc quản lý đất đai và trị an. Họ là những tập thể khác hẳn với những võ sĩ quản lý nông trại, trang ấp của giới quý tộc sống ở kinh đô, như đã nói ở những chương trước. Họ kết hợp nhiều nhóm lại với nhau để một mặt chống lại kẻ địch bên ngoài, một mặt tranh giành lẫn nhau để chiếm đoạt quyền cai quản đất đai.

Vì vậy, trong giai đoạn đầu của thời chiến quốc, từ cuối thế kỷ thứ XV tới khoảng những năm 30 của thế kỷ thứ XVI hay là lúc Oda Nobunaga sinh ra, ở Nhật Bản đã có nhiều trận tranh giành, nhỏ là cỡ thôn xóm, lớn cũng không hơn cỡ quận huyện. Từ thắng lợi qua những trận đánh như vậy, hoặc qua hôn nhân hay nhận con nuôi, dần dần người ta thấy xuất hiện những hào trưởng có thế lực lớn.

Sử sách Nhật kể lại những trận đánh liên quan tới việc tranh đoạt quyền chúa của mạc phủ Ashikaga, cũng chỉ thấy nói quy mô của trận đánh là khoảng bốn, năm ngàn người. Những trận đánh xẩy ra ở khắp nơi nói ở đoạn trên thì nhỏ hơn, thông thường chỉ với quy mô vài trăm người. Ðó là những trận đánh do các hào trưởng cầm đầu thôn xóm, chỉ huy động nổi vài trăm tráng đinh nông dân là cùng. Tướng dẫn đầu và quân lính như vậy chỉ là những người nửa nông dân nửa bộ đội.

Xem như vậy, chức năng của hào trưởng là vừa kinh doanh nông nghiệp vừa bảo vệ xóm làng. Do đó, nếu người cha chết yểu rồi mà người con hãy còn nhỏ thì người gia thần trưởng lão hoặc người chú trở thành người đỡ đầu nắm giữ thực quyền. Nói cách khác, kẻ có thực lực đã vươn lên được và như thế sinh ra trạng thái "hạ khác thượng."

Bởi thế, những kẻ làm nên như vậy thường là có năng lực, lại khéo kinh doanh nông địa, nên họ càng làm tăng thêm hoa lợi, mở mang thêm ruộng đất, sản xuất hoa mầu mới, khéo lưu thông hoa mầu mới này để làm tăng thế lực của mình. Với thể lực gia tăng như vậy, họ chiếm đoạt thêm đất đai bên cạnh.

Ðến khi Oda Nobunaga sinh ra thì thực sự mới thành hình những thế lực đáng gọi là nước (tiểu quốc). Họ Hojo ở Sagami, họ Takeda ở Kai, họ Imagawa ở Tsuruga, họ Miyoshi ở Awa, họ Ouchi ở Suo v.v..

Họ Oda của Nobunaga cũng là một thế lực mới nổi dậy như trên.



tải về 1.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   24




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương