1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.


- Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện



tải về 1.72 Mb.
trang28/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31

27 - Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện


Trọng Minh





Họ và tên: Quách Vĩnh Thiện

Ngày và nơi sanh: ngày 18 tháng 5 năm 1943, tại Sài Gòn nhằm ngày lễ Phật Đản.

Học lực: Kỹ sư Tin học.

VIỆN SĨ HÀN LÂM VIỆN ÂU CHÂU

Gia cảnh: Con thứ tư trong số tám người con – 6 trai 2 gái - của ông Quách văn Vân, công chức bộ Công Chánh, Nha Hàng Hải VNCH và bà Lương Cẩm Vân.

Tái hôn với Phan Thị Thanh Vân, cựu Xướng Ngôn Viên Đài Truyền Hình Việt Nam Cần Thơ trước 1975. 



Học trình:

Lúc bé, học tiểu học ở trường Cầu Kho Sài Gòn.

Học trung học ở trường Pétrus Ký Sài Gòn.

Sau khi đậu Tú Tài năm 1964, sang Pháp du học

Tại Pháp, lúc đầu học ở Faculté des Sciences à Bordeaux, năm sau, lên Paris theo học Faculté des Sciences à Orsay. Tiếp tục học Conservatoire National des Arts et des Métiers (CNAM).

Kỹ Sư Tin Học do IBM France đào tạo.



Hoạt động:

Làm việc 41 năm trong lãnh vực tin học và liên tục trong vòng 31 năm ông đã cộng tác với một hãng lớn về điện tử Pháp (SOPRA GROUP) có hơn 12.000 kỹ sư. Trong lúc làm việc ông giữ chức vụ “Trách nhiệm về kiểm soát phẩm chất của các Logiciels về điều hành nhân viên” trước khi các logiciels nầy được đem bán cho các cơ quan khác (Responsable de qualité dans le domaine des Resources Humaines). Ông cũng thường đi đến các hãng lớn như Chanel, Cartier, Alstom, Cogéma, Domaine Royal Club à Evian… để cố vấn trong lãnh vực điều hành nhân viên qua hệ thống điện tử. Hiện tại dù đã đi nghỉ hưu, ông vẫn được hảng mời vào nhóm ‘công thần’ (Le Cercle des Masters) có khoảng 50 người, vì đã giúp hảng phát triển và thịnh vượng. Nhóm ‘des Masters’ nầy thỉnh thoảng họp mặt để theo dõi công việc làm ăn của Hảng và thường được hưởng miển phí cùng với người phối ngẩu những buổi ăn tiệc, du lịch hay giải trí ( xem opéra, xem triển lảm tranh …).

Bắt đầu học đàn Tây Ban Cầm từ thuở nhỏ, từ 6 tuổi cho đến 14 tuổi được nhạc sĩ Hoàng Bửu truyền dạy môn nghệ thuật nầy. Ngoài Tây Ban Cầm, còn đàn Accordéon, Piano, Guitare Hawaienne, Mandoline, đàn bầu ... Yêu thích và chơi đàn từ nhạc cổ điển tây phương cho đến Jazz, Rock and Roll.

Trong thời gian học tại trường Pétrus Ký, là trưởng ban văn nghệ, mỗi năm ban nhạc Pétrus Ký sang trường Gia Long đệm nhạc cho các cô học sinh Gia Long trong ngày phát phần thưởng cuối năm trong đó có ca sĩ Hoàng Oanh. Thuở ấu thơ ưa thích võ nghệ và âm nhạc, học võ Kung Fu từ lúc 9 tuổi, kế tiếp học Karaté đến đai đen.

Lúc 15 tuổi đệm đàn Tây Ban Cầm cho những Đại Nhạc Hội Âm Nhạc với các ca sĩ danh tiếng thời ấy như ban Thăng Long, Cao Thái, Thanh Thúy, Elvis Phương, Công Thành… Lập ban Kích động nhạc tại Sài Gòn vào thập niên 60, Ban Les Fanatiques, cùng với Ca sĩ Công Thành. Trong thời sinh viên ở Pháp đệm đàn cho các ca sĩ Bích Chiêu, Tiny Yong… Là người có biệt tài lên dây đàn Piano và được công nhận có lỗ tai tuyệt đối (l’oreille absolue). Vào cuối thập niên 60, học nhạc tại Hàn Lâm Viện Pháp về đàn Tây Ban Cầm.  

Năm 1996 theo học Thiền, vì cảm nhận cuộc đời có vay có trả và thấu hiểu định luật của tạo hoá : Sanh Lão Bệnh Tử, nên phổ nhạc những bài tâm linh qua thơ của một Thiền Sư (Tô Lục Chuốc Hồng, Lục Tự Khai Minh, Chấn Động Lục Tự Di Đà, Lục Căn Lục Trần …). Ông cũng sáng tác rất nhiều nhạc tình cảm như Paris Tình Nở, Gởi Em Lời Nhung Nhớ, Tình Không Phai, Paris Mùa Lễ Hội, Nếu Một Mai Mình Xa Cách, đài RFI Việt ngữ thỉnh thoảng có phát thanh các bài nhạc nầy. Ngoài ra còn làm nhạc “Pop Music” như Living On Earth, Par Amour …

 Một sự tình cờ có dịp đọc quyển sách Kim Vân Kiều và thấu hiểu  đó là kho tàng văn hóa của dân tộc Việt Nam mà  UNESCO cũng công nhận là tuyệt tác của nhân loại. Từ đó tự nguyện phổ nhạc toàn bộ tập thơ Kim Vân Kiều (3254 câu thơ) qua 77 bài hát với ước mong là thế hệ sau có dịp thưởng thức thơ Kiều qua điệu nhạc, để tác phẩm nầy sống mãi với thời gian, không bị rơi vào quên lãng.

77 bài hát Kim Vân Kiều được thể hiện qua 7 CD với các ca sĩ trẻ nhưng giọng hát rất điêu luyện: 

CD1 - Trăm Năm Trong Cõi Người Ta

CD2 - Bên Tình Bên Hiếu

CD3 - Quyến Gió Rũ Mây

CD4 - Tài Tử Giai Nhân

CD5 - Cá Chậu Chim Lồng

CD6 - Hại Nhân Nhân Hại

CD7 - Chữ Tài Chữ Mệnh 

Song song là 7 CD nhạc hoà tấu Kiều có tựa đề Le Destin từ 1 cho đến 7.

Công trình phổ nhạc Kim Vân Kiều là một việc làm rất khó khăn về sáng tác và kỹ thuật vì phải tìm đủ thể loại nhạc để tránh sự lập đi lập lại nhàm chán. Vừa sáng tác vừa hòa âm cho tròn bộ tác phẩm của thi hào Nguyễn Du mà vẫn tôn trọng nguyên vẹn không thay đổi một chữ một lời tuyệt tác nầy, nên nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã bắt đầu công trình từ năm 2005 và hoàn tất 77 bài nhạc vào năm 2009. 

Ngày ra mắt 7 CD phổ nhạc Kim Vân Kiều (12/4/2009) được diễn ra tại Học Viện Âm Nhạc Bussy Saint Georges (Conservatoire de Musique), một nơi có nhiều người Việt cư ngụ, được sự tán thưởng nồng hậu của cộng đồng Việt Nam, các ghế ngồi không còn chỗ trống. Lần thứ nhì, tác phẩm được ra mắt tại Giáo Sứ Việt Nam ở Quận 17 Paris, cũng được đồng bào hưởng ứng đông đảo. 

Ngày thứ bảy 28/11/2009, tại Thư Viện Ba Lan, số 6 Quai d’Orléans, Paris 4è, trong khu Île de Saint Louis, một nơi nổi tiếng là thanh lịch, có khung cảnh đẹp ở bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) và bên bờ sông Seine thơ mộng, đã diễn ra buổi trình diễn Musique des Mots et des Couleurs do Hàn Lâm Viện Âu Châu về Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương (L’Académie Européenne des Sciences, des Arts et des Lettres - European Academy of Sciences, Arts and Letters ) tổ chức. 

Trong buổi trình diễn với 10 quốc gia tham dự nầy, có phần giới thiệu bằng Pháp ngữ công trình sáng tác phổ nhạc 77 bài hát Kim Vân Kiều của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện do Thanh Vân đảm trách, phần biểu diễn Tây Ban Cầm do chính Nhạc Sĩ thực hiện và phần trình bày nhạc cụ cổ truyền VN do Giáo sư Tiến sĩ Quỳnh Hạnh và anh Nguyễn Thu phụ trách. Điều rất hân hạnh cho đất nước Việt Nam là chúng ta đã có được một tiết mục trong buổi trình diển rất chọn lọc đó, đem truyện Kiều và nhạc cụ VN quảng bá đến người Tây Phưong. Những nhân vật đến tham dự buổi trình diễn đều là thành phần trí thức thượng thặng của Âu châu. Tất cả khán giả đều tán thưởng nồng nhiệt 3 tiết mục của Việt Nam nầy.  

Sau buổi trình diễn, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện qua công trình sáng tác của anh, anh đã được mời làm Thành Viên của Hàn Lâm Viện nầy. 

Sau đây là phần giới thiệu nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong quyển sách được phát cho quan khách chỉ đựơc tham dự qua giấy mời đặc biệt của Hàn Lâm Viện

(Phần giới thiệu được viết bằng Pháp ngữ, đây là bản dịch) 

Quách Vĩnh Thiện, từng là kỹ sư tin học đến ngày nghỉ hưu.



Say mê âm nhạc từ nhỏ, anh đã học đàn Tây Ban Cầm lúc 6 tuổi. Từ năm 2005, dù vẫn còn đi làm việc, trong vòng 5 năm trời, anh đã miệt mài phổ nhạc toàn bộ 3254 câu thơ của Đại Thi Hào Nguyễn Du (1766-1820). Để thực hiện công việc «đội đá vá trời» nầy, Quách Vĩnh Thiện đã hoàn thành 77 bài hát mà vẫn giử nguyên văn lời thơ của Nguyễn Du, qua nhiều thể loại âm nhạc, từ nhạc dân tộc VN đến nhạc âm hưởng tân thời của nhiều quốc gia trên thế giới.

Trường thi KIM VÂN KIỀU của Nguyễn Du được xem là tác phẩm văn học vĩ đại và  được dân gian VN yêu chuộng nhất. Câu chuyện Thúy Kiều, cô gái trẻ đẹp, tài nghệ hơn người (sắc đành đòi một, tài đành họa hai) nhưng vì muốn cứu cha, đành phải hy sinh mối tình trong trắng, nhưng nồng thắm với Kim Trọng, một chàng trai nho nhã, thông minh, con nhà danh giá …. 

UNESCO đã xếp tác phẩm Kim Vân Kiều của thi hào Nguyễn Du vào hàng di sản văn hóa nhân loại. 

Ngoài ra, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện còn sáng tác hơn 150 bài nhạc về Tình Yêu, Tâm Linh ...” 

Nhà thơ Đổ Bình, Chủ Tịch Câu Lạc Bộ Văn Hóa Paris, cũng là nhạc sĩ đã sáng tác nhiều bài nhạc, khi phát biểu về Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong ngày ra mắt CD Kim Vân Kiều tại Học Viện Âm Nhạc Bussy Saint Georges ngày 12/04/2009, đã nói như sau : 

Hành trình vào cõi thơ là làm một cuộc phiêu lưu vô tận.

Thơ vốn sẵn trong thiên nhiên, hàm chứa nhiều tính chất trong trời đất. Ngôn ngữ của thơ đôi khi ẩn trong văn, nhạc và hội họa, bắt nguồn từ cảm xúc tâm hồn. Trong nền văn học Việt Nam thi phẩm Ðoạn Trường Tân Thanh của đại thi hào Nguyễn Du không những là một tác phẩm trác tuyệt hàng đầu của đất nước mà còn là đóa hoa muôn sắc trên thi đàn quốc tế. Thi phẩm được dịch sang nhiều thứ tiếng ở những quốc gia có nền văn học cao như Pháp, Anh, Đức, Ý, Hoa Kỳ, Nhật Bản, Trung Hoa, Nga, Tiệp, Hung, Ba Lan… và tác giả Nguyễn Du đã được Cơ quan UNESCO liệt vào hàng danh nhân quốc tế... Rất nhiều, văn nhân, họa sĩ, trí thức, học giả, nhà phê bình... đã viết, phân tích, diễn thuyết, minh họa, biên kịch, cải lương… về giá trị tác phẩm của thiên tài Nguyễn Du qua những nét đẹp về phương diện văn chương, tư tưởng và hội họa… Những năm gần đây truyện Kiều đã được giới nhạc sĩ phổ thành nhạc.  

« Thơ và nhạc là hai nghệ thuật riêng biệt nhưng rất khắn khít nhau làm say đắm lòng người ». Thơ là nghệ thuật của «lờì», nhạc là nghệ thuật của «âm thanh». 

«Thơ phổ nhạc là nghệ thuật đem thêm âm hòa với âm thanh sẵn có trong thơ, hoặc thay đổi âm thanh của thơ chuyển thể thành những nốt nhạc để hát».

Mấy năm gần đây dòng thơ phổ nhạc ở trong nước cũng như hải ngoại nở rộ, thơ nương nhạc chấp cánh, nhạc dựa thơ bay cao, mặc dù muốn phổ được một bài thơ «đạt» đúng nghĩa là một nghệ thuật rất khó !

Trong số những nhạc sĩ phổ thơ có Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện một người say mê âm nhạc ngay từ lúc còn thiếu thời.

Anh đã từng sáng tác những ca khúc tình ca, đạo ca ở thập niên trước, nhưng mãi những năm gần đây tình cờ Quách Vĩnh Thiện  đọc lại truyện Kiều và bùi ngùi thương cảm cho phận nàng Kiều bạc hạnh long đong, rồi thương mình mang kiếp tha hương qua câu thơ:

Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người.” 



Gần nửa thế kỷ sống nơi xứ người, nhìn lại tuổi đời chồng chất, nhạc sĩ đã cảm nhận đươc nỗi cô đơn và chợt phát hiện sự thâm thúy của hồn thơ đượm triết lý nhân sinh, tư tưởng, lẽ đạo. Từ đó nhạc sĩ nghiền ngẫm tác phẩm rồi chợt hiểu: Tại sao Nguyễn Du lại đặt tên cho tác phẩm là Đoạn Trường Tân Thanh. Khám phá được cái lẽ đạo trong Kiều, nhạc sĩ đã quyết bắt tay vào phổ nhạc thi phẩm. Đây là một việc làm rất khó, cái khó nhất là vì đó là một tác phẩm lớn của dân tộc đòi hỏi nhạc sĩ phải có thực tài, nắm bắt được cái tinh hoa của hồn thơ, tính nhạc toàn thi tập. Nhạc sĩ phải dàn trải giai điệu, nhịp điệu, sắp đặt thể loại soạn thành những cấu trúc đoạn nhạc khác nhau; nhưng vẫn hài hòa, tạo ra từng phân đoạn hợp với tình tiết câu thơ theo nhân vật trong truyện. Cái khó của thơ lục bát là nhịp mạnh thường rơi vào cuối câu vần bằng, do đó nhạc sĩ phải khéo dùng những biến cung để dòng nhạc chuyển tiếp linh động không nhàm chán, lê thê. Từ trước đến nay những bài thơ lục bát của nhiều nhà thơ nếu được phổ thành nhạc, hầu hết những bài thơ đó không dài quá 30 câu để nhạc sĩ dễ cảm nhận phổ thành ca khúc.

Để thực hiện bản trường ca, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã phải bỏ ra 6 tháng để phân tích dàn trải cấu trúc toàn thi tập, tạo những thể điệu khác nhau và gần 5 năm từ đầu năm 2005 đến đầu 2009 mới hoàn tất xong trường ca. Gọi là trường ca vì những chuỗi hình nốt, giai điệu, tiếp nối nhau diễn tả dựa trên lời thơ không gián đoạn ý mà soạn cấu trúc nhạc theo lối tây phương.

Điểm khó nhất đối với một thi phẩm lớn là không được sửa lời thơ, hay đổi thứ tự chữ để giai điệu, câu nhạc có kết hay… Nhạc sĩ đã dùng nhiều biến cung thăng, giảm để dòng nhạc ít quay về chủ âm (tonique), hoặc khéo léo dùng những thể điệu, tiết tấu, uyển chuyển của dòng nhạc Balade pha lẫn Blue Jazz, Bossanova, Boléro, Valse  Andantino, Rock lente, Mambo… tạo sự bìến đổi cấu trúc giai điệu thành từng đoạn khác nhau làm phong phú ý nhạc.

Mời qúy bạn bước vào cõi nhạc của Quách Vĩnh Thiện trong Trường Ca Đoạn Trường Tân Thanh thưởng thức những giai điệu đặc biệt của riêng Quách VĩnhThiện: Mở đầu bằng cung Ré thứ, điệu Mambo chậm buồn diễn tả nỗi lòng của thi hào Nguyễn Du. 

Dòng nhạc chuyển sang Boléro tiết điệu mềm mại gần với dân ca, rất quen thuộc trong làng tân nhạc trước 75 ở miền nam, để diễn tả lời thơ.  

Dòng nhạc biến cung sang Mi thứ và chuyển điệu Bossa Nova, Tempo chậm nghe có chút gì xa vắng. 

Ở đoạn thơ nầy Quách Vĩnh Thiện đã dùng cấu trúc làm điệu Lambada, lối nhạc rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam… Tuy nhiên Tempo hơi chậm, chắc để phát âm rõ ràng.

Dòng nhạc biến cung, nhịp điệu tiết tấu thay đổi, Balade lãng mạn trữ tình chuyển sang Rock Lente linh động, rộn ràng.  

Dòng nhạc thay đổi nhịp điệu, tiết tấu. Giai điệu Slow nhẹ nhàng chuyển sang Blue Jazz một chất nhạc phát từ những nỗi buồn thân phận. Giai điệu buồn pha chút âm hưởng Á đông.

Giai điệu Mambo diễn tả vui buồn lẫn lộn, có chút bùi ngùi, thương tiếc.  

Dòng nhạc chuyển sang Libre có chút Rock, diễn tả sự buồn bã, đau khổ. 

Dòng nhạc chuyển sang Samba, thể điệu rất hiếm trong làng nhạc Việt Nam, tác giả  cố ý dung Tempo chậm lại để phát âm rõ ràng.  

Dòng nhạc biến cung đổi nhịp chuyển giai điệu sang Boston mềm mại và Valse Andantino dìu dặt nhẹ nhàng.  

Từ cung Mi thứ giai điệu Valse Andantino khoan thai dịu dàng, dòng nhạc biến cung Si giáng thứ, giai điệu Pop Rock làm thay đổi sắc thái dòng nhạc.

Từ điệu Jazz nhẹ nhàng lướt qua Tango, đây là cách soạn nhạc rất mới và rất hiếm về thể nhạc nầy trong vòm trời âm nhạc?   

Và tiếp theo là Jazz Valse. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã mang tiếng đàn trải lên khuông nhạc nên đã dùng điệu Valse hòa với nhạc Jazz. Đây cũng là một lối nhạc độc nhất, chưa có người nhạc sĩ sáng tác nào viết.         

 Thực hiện bản trường ca Đoạn Trường Tân Thanh, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đã gieo vào vườn hoa nghệ thuật một hạt mầm để ươm thêm sắc màu cho muôn hoa. Và trong cõi bất tận của âm thanh, có những dòng nhạc khai phá sáng tạo của riêng anh. Đây cũng là tấm lòng bày tỏ sự ca ngợi thi phẩm và cảm ơn tác giả thi hào Nguyễn Du đã cho đời một tác phẩm hay và cho nhạc sĩ một nguồn cảm hứng phổ nhạc…” (trích lời thi sĩ Đỗ Bình) 

Còn Giáo sư Hàn Lâm Lê Mộng Nguyên, mà cũng là nhà soạn nhạc nổi tiếng, tác giả bài hát “Trăng mờ bên suối“ cũng nói về Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trong ngày 12/04/2009 như sau : 

Truyện Kiều (3254 câu thơ) của Nguyễn Du do Quách Vĩnh Thiện phổ nhạc toàn bộ : một công trình vĩ đại, một sáng tác chưa từng có (Le poème Kim Văn Kiều – 3254 vers – de Nguyễn Du mis en musique par le compositeur Quách Vĩnh Thiện: un travail grandiose, une œuvre sans précédent). 

Chúng ta biết trước đó, với Kiều Ca (Le roman de Kiều en chansons), Thu Hà và nhóm nghệ sĩ trong đoàn ca nhạc của nàng, đã làm 2 CD dài gần 2 tiếng đồng hồ, gồm một phần Ngâm và một phần bằng lời Ca (do Hải Hà phổ nhạc). Phần ngâm theo điệu cổ truyền gọi là Kiều Lẩy, nghĩa là lượm lặt những câu thơ trong Truyện Kiều từ nhiều đoạn khác nhau để thu ghép lại với nhau theo vần điệu, như mấy cụ nhà nho, nhà chùa ngâm Kiều ngày xưa… Khác hẳn với nữ Nghệ sĩ Bích Thuận trong CD «Kim Vân Kiều» của Bà, đã ngâm hoàn toàn theo kiểu Tao Đàn mà Đinh Hùng đã phát khởi từ thập niên 60 để ngâm thơ mới. Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã làm thử Minh Họa Kiều… Nhưng chưa ai, từ trước đến nay, đã có can đảm và nhiệt chí để phổ nhạc vào thơ Nguyễn Du từ câu 1 cho đến câu 3254 nghĩa là câu cuối «Mua vui cũng được một vài trống canh»! Công trình sáng tác của QVT đối với những người đi trước, thật là đặc biệt, chưa từng có, thật đáng khâm phục.  

Công trình vĩ đại này – tôi xin nhấn mạnh một lần nữa - sở dĩ được thực hiện, là nhờ can đảm và ý chí không sờn của tác giả Quách Vĩnh Thiện đã muốn lấy hết sức lực và tài năng của mình với mục đích bình dân hóa Truyện Kiều của nhà đại thi hào Nguyễn Du, đặng phụng sự một cách thuần túy văn hóa và đất nước Việt Nam, như cụ Phạm Quỳnh đã nói trong ngày giỗ của Tố Như Tiên Sinh, năm 1924 tại Hà Nội : «Truyện Kiều còn, tiếng ta còn; tiếng ta còn, nước ta còn, còn non còn nước còn dài, chúng tôi là kẻ hậu sinh xin dầu lòng dốc chí, cố gia công trau chuốt lấy tiếng quốc âm nhà, cho quốc hoa ngày một rực rỡ, quốc hồn ngày một tỉnh táo, quốc vận ngày một vẻ vang, ngõ hầu khỏi phụ cái chí hoài bão của tiên sinh, ngậm cười chín suối vẫn còn thơm lây» (Tạp chí Nam Phong, tháng 08-1924). Nhà phê bình Vũ Đình Long cũng đã ca tụng trong Nam Phong 1924, rằng: «Truyện Kiều thực là một cây đàn tuyệt quý không phím không dây. Tác giả lấy đầu lưỡi mà nẩy lên tiếng, mỗi đoạn văn là một cung, mỗi câu văn là một điệu, mỗi chữ là một tay nỉ non thánh thót, réo rắt tiêu tao, đêm khuya canh tỉnh mà nghe người tốt giọng ngâm Kiều thì còn đàn nào hay bằng nữa… Cụ Nguyễn Du không phải là nhà thi sĩ, cụ chính là THẦN THƠ vậy!» 

Trong Chiều Văn Hóa ngày 27 th.01-2008 tại Quán Đào Viên (Paris, Quận 13), tác giả QVT trình bày CD KVK 1 «Trăm Năm Trong Cõi Người Ta» và CD KVK 2 «Bên Tình Bên Hiếu», tâm tình với cử tọa: «Truyện Kiều không chỉ là tiếng kêu thương đau cho thân phận một người con gái tài sắc, còn là lời tố cáo đanh thép những bất công tàn ác của một xã hội rối ren và mục nát vào thế kỷ 18 và 19. Nguyễn Du khóc cho thân phận Thúy Kiều là phản ảnh của tâm trạng mình. Truyện Kiều là một tác phẩm phong phú, độc đáo của dân tộc Việt Nam». Trên Đài Việt Nam Tự Do – New Orleans ngày thứ tư 12 th.03-2008, tôi có mời thính giả thưởng thức bài «Mộng Triệu Mạch Tương»  (từ câu 235 đến câu 270), trích CD KVK 1 do  nam ca sĩ Thụy Long trình bày (với giọng hát truyền cảm), có đoạn tả cảnh tả tình rất đẹp như sau : 



Bâng khuâng nhớ cảnh nhớ người

Nhớ nơi kỳ ngộ vội rời chân đi

Một vùng cỏ mọc xanh rì

Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu

Gió chiều như gợi cơn sầu

Vi Lô hiu hắt như màu khơi trêu

…………………………………………. 

Và 2 câu cuối của bài ca:

Lơ thơ tơ liễu buông mành

Con oanh học nói trên cành mỉa mai 

Nhất Linh - Nguyễn Tường Tam không ngớt lời khen ngợi, trong Tạp Chí Nam Phong năm 1924: «Cái làn sóng thơ Kiều hình như lai láng khắp cõi Nam. Trừ những câu ca dao ra, thật không có quyển truyện nào phổ thông trong đám dân gian bằng Truyện Kiều. Vì văn Kiều hay quá, nên những người nhà quê không có học thức cũng thích xem và thích ngâm nga. Nhưng nói đến cái hay của văn Kiều thì chưa biết thế nào mà kể được… ». Nhất Linh nhận định trong câu Lơ thơ tơ liễu buông mành, rằng ba chữ lơ thơ tơ « … nghe rất êm tai, hay về phần tưởng tượng ít mà hay về phần âm điệu êm ái nhiều hơn.» Nhạc của QVT về mặt này đã diễn tả, rất lãng mạn, những nét đẹp của vạn vật và con người, như ước vọng của tác giả Đoạn Trường Tân Thanh. 

Cũng trên Đài VNTD – New Orleans, ngày thứ tư 23 th.07 –  2008, tôi có giới thiệu CD KVK 3 «Quyến Gió Rủ Mây» (từ câu 891 đến 1312) gồm 11 bài: tôi chọn bài CHƯƠNG ĐÀI (từ câu 1233 đến 1274) để cống hiến quý thính giả một giọng ca trầm ấm và mến cảm của nữ ca sĩ nổi tiếng HƯƠNG GIANG với cây đàn guitare lão luyện của QVT, đã làm nổi bật cái buồn sâu đậm của nàng Kiều bị đày đọa chốn thanh lâu (ở đây, người và cảnh hòa hợp, ta cảm tưởng vạn vật cũng có linh hồn) : 

Cảnh nào cảnh chẳng đeo sầu

Người buồn cảnh có vui đâu bao giờ

Đòi phen nét vẽ câu thơ

Cung cầm trong nguyệt nước cờ dưới hoa

Vui là vui gượng kẻo mà

Ai tri âm đó mặn mà với ai?

……………………………………………



Khi về hỏi liễu Chương Đài

Cành xuân đã bẻ cho người chuyên tay

…………………………………………….



Song sa vò võ phương trời

Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng 

Trích từ KVK 3, có bài «Buồn Trông» đượm buồn man mác qua giọng ca của nữ ca sĩ Quỳnh Lan, cùng nhạc đệm do tác giả QVT độc tấu Tây Ban Cầm rất quyến rũ: 



Buồn trông cửa bể chiều hôm

Thuyền ai thấp thoáng cánh buồm xa xa

Buồn trông ngọn nước mới sa

Hoa trôi man mác biết là về đâu

Buồn trông nội cỏ rầu rầu

Chân mây mặt đất một màu xanh xanh

……………………………………….. 

GS Phạm thị Nhung phân tích: «Từ lầu Ngưng Bích, với tâm hồn nặng trĩu ưu tư, Kiều đưa mắt ngắm nhìn phong cảnh chiều hôm, nơi cửa bể. Lúc này ngoài cửa bể mặt trời đã lặn, ánh nắng yếu ớt phai dần, bóng tối đã bắt đầu bảng lảng. Cảnh vật trở nên mờ nhạt hơn, khó nhìn hơn. Bóng tối đến còn gây thêm ảnh hưởng vào bóng tối u sầu trong tâm hồn Kiều. Nhìn ra bể khơi, Kiều thấy xa xa ẩn hiện một cánh buồm. Con thuyền hiện ra đó, chính là hình ảnh tượng trưng cho tự do mà từ bấy lâu nay nàng hằng ao ước, khát khao. Nhưng hy vọng tự do nào vừa dấy lên trong lòng Kiều thì rồi cũng lại tắt ngấm, khác nào cánh buồm kia vừa thoáng hiện ra đó lại đã biến đi. Kiều cay đắng nhận ra rằng tự do còn quá xa tầm tay với, của nàng, biết bao giờ, ôi biết đến bao giờ Kiều mới thoát cảnh sống bị giam hãm nơi này? ». Phải chăng Nguyễn Du ở đây là một nhà thơ ấn tượng (poète impressionniste) và Quách Vĩnh Thiện cũng là một nhạc sĩ ấn tượng (compositeur impressionniste)? Trong đoạn trích từ Bài số 6 của  CD KVK 4 tên là TRĂNG HOA 1515-1554, do Quỳnh Lan hát, tác giả KVK  tả tình và tả cảnh một cuộc chia ly qua vài nét nhẹ nhàng, đã hiến cho ta một bức tranh tuyệt vời : 

Dặm hồng bụi cuốn chinh an

Trông người đã khuất mấy ngàn dâu xanh

Người về chiếc bóng năm canh

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi

Vầng trăng ai xẻ làm đôi

Nửa in gối chiếc nửa soi dặm trường 

…….


Ngoài ra, ở Nguyễn Du còn có cái triết lý Phật giáo biểu hiện qua lời kết thúc Đoạn Trường Tân Thanh :

Thiện căn ở tại lòng ta

Chữ  tâm kia mới bằng ba chữ  tài 

Tố Như Tiên Sinh muốn chúng ta, như học giả Trần Trọng Kim đã viết: « … hãy giữ lấy tấm lòng trong sạch, dẫu có phải phong trần, cũng không đổi lòng, thay dạ, ấy là cái thiện căn ở sẵn đó rồi. Lời kết luận ấy rất có ý nghĩa, khiến cho ai đọc cũng phải đem lòng ngẫm nghĩ ».

(Trích lời Giáo sư Lê Mộng Nguyên)

Và Giáo sư Dân Tộc Học mà cũng là nhà báo Nguyễn văn Huy, trong một bài viết về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cũng đã nêu lên:

“…Chủ đích của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện là dắt người nghe khởi đầu đi từ nhạc cổ truyền của Việt Nam là đàn tranh, đàn cò, sáo... sang các thể loại nhạc khác nhau trên thế giới để sau đó trở về với cội nguồn âm nhạc Việt Nam…” 

Ngoài ra, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện sắp hoàn tất vào đầu năm 2010 việc phổ nhạc một tác phẩm văn chương hy hữu khác của kho tàng văn hóa Việt Nam, đó là tác phẩm CHINH PHỤ NGÂM với 412 câu thơ do bà Đoàn thị Điểm chuyển thành thơ chữ nôm. Lần nầy sẽ là 21 bài  phổ nhạc và vẫn giử nguyên vẹn lời thơ như nhạc sĩ đã thực hiện cho Kim Vân Kiều. 21 bài nhạc nầy được thực hiện trong 2 CD:

* Chinh Phụ Ngâm 1 - Nợ Núi Sông với 11 bài.

* Chinh Phụ Ngâm 2 - Vinh Quang với 10 bài.

Hiện Nhạc sĩ Quách Vĩnh-Thiện đang sống tại vùng phụ cận Paris. 

Liên lạc :

Quách Vĩnh Thiện,

54 rue Roger Salengro,

93140 Bondy

France


Điện thoại : 06 09 76 89 45.

Điện thư :



quachvinhthien@gmail.com

Tìm xem


http://thienmusic.com 



Thành Viên Hàn Lâm Viện Âu Châu hiện diện ngày 28/11/2009

(Photo du 28 Novembre 2009 à la Bibliothèque Polonaise Paris)

Les membres de l’Académie Européenne des Sciences, des Arts et des Lettres.

Nhạc sĩ Quách Vĩnh-Thiện và Thanh-Vân

Ngày 28/11/2009

Trọng Minh




oOo
28 - Quách Vĩnh Thiện – Trải qua một cuộc bể dâu
Thanh Vân

Quách Vĩnh Thiện sanh ngày 18 tháng 5 năm 1943 (15 tháng 4 âm lịch năm Quí Mùi) nhằm ngày lễ Phật Đản, lúc 6 giờ 30 sáng tại Sàigon, trong một gia đình 6 trai 2 gái. Quách Vĩnh Thiện là người thứ tư, pháp danh Minh Lễ.
Cha là Quách Văn Vân ( 2 Octobre 1913 – 6 Décembre 2002 ) làm công chức Bộ Công Chánh – Nha Hàng Hải Sàigòn. Ông nội là Quách Văn Thới là Thầy thuốc Tàu, người quê quán Mỹ Tho. Mẹ là Lương Cẩm Vân ( 1 Juin 1919 – 15 Juillet 1983 ) cựu Chủ Tịch Hội Đồng Taxis ở Sàigon. Ông Ngoại là Lương Vinh Thái, cựu Đốc Học trường Phan Thanh Giản Cần Thơ.
Từ lúc chào đời đến 6 tuổi ở Hòa Hưng – Sàigòn :

Lúc chào đời không uống được sửa, bà mẹ phải nuôi sống bằng nước gạo rang !

Năm 1945 quân đội Nhật Bổn oanh tạc vào căn cứ Pháp ở Hòa Hưng cạnh Saìgòn.

Gia đình Quách Vĩnh Thiện ở cách căn cứ nầy độ 300 thước. Bom đạn nổ kinh hồn, cả lối xóm chạy ra khỏi nhà để vào hầm tránh bom, ông Quách Văn Vân trong lúc hoảng hốt, ôm một cậu con trai nhỏ ngoài đường, tưởng chừng là con mình Quách Vĩnh Thiện, chạy xuống hầm tránh bom, khi ở trong hầm mới biết là không phải con mình !

Cậu bé Thiện 3 tuổi bơ vơ ngoài đường với bom đạn, một mảnh bôm nhỏ bay ngang trán làm máu tuôn trào đầy mặt, cậu bé liền chạy về nhà. Lúc đó Bà Nội cũng khá già nên bà cụ không chạy tránh bom đạn mà chui dưới bộ ván gổ và niệm Nam Mô A Di Đà Phật. Cậu bé Thiện nghe văng vẳng tiếng niệm Nam Mô và cũng chui xuống dưới bộ ván gổ mà Niệm Phật đến hết cuộc oanh tạc. Không quân Nhật Bổn gây nhiều tàn phá và cướp mất không ít tánh mạng đồng bào cu ngụ chung quanh thành Hòa Hưng, lúc đó do quân đội Pháp đóng giữ.
Từ lúc 6 tuổi đến 14 tuổi ở đường Trần Hưng Đạo, Sàigòn, đối diện rạp hát Alhambra :
Lúc 6 tuổi bắt đầu học đàn Mandoline, sau đó mê sai tiếng đàn guitare. Một anh bạn hàng xóm, đến tuổi 18, phải đi quân dịch, thấy Thiện mê say đàn nên cho mượn cây guitare màu đen để chơi thử. Sau thời gian đi quân dịch, anh hàng xóm tốt bụng thấy Thiện còn nhỏ tuổi mà ham thích nhạc quá nên tặng luôn cây đàn !
Lúc 8 tuổi, học Trường Tiểu Học Cầu Kho cách nhà khá xa, gia đình không khá giả, nên xin Ba Mẹ mua mọi thứ đồ phụ tùng xe máy đạp, từ đó Thiện ngồi ráp từng cây căm rồi đến sườn xe, yên xe…ráp xong đi đến thợ mướn hàn . Dù còn nhỏ, Thiện đã muốn chính bản thân mình ráp chiếc xe máy đạp (với sự hướng dẩn của một chú thợ máy, sửa xe Taxi và xích lô do mẹ Thiện làm chủ). Hàng xóm đến xem cậu bé ráp và thực hiện chiếc xe đạp màu xanh lá cây, có chạy thêm một viền chỉ màu vàng trên sườn xe. Muốn có đường viền màu vàng nầy, cậu bé Thiện phải lấy một chiếc cọ lông gà cắt xéo góc, chấm sơn và tỉ mỉ ngồi vẽ. Từ đó đi học với chiếc xe đạp quí yêu nầy.
Lúc 9 tuổi ham võ thuật, xin Cha Mẹ đi học võ Kung Fu, Võ Đường Hàn Bái Đường với Võ Sư Vũ Bá Oai. Thiện được huấn luyện bởi Bác Sĩ Nguyễn Anh Tài, một đệ tử của Võ sư Vũ Bá Oai. Vì võ đường chỉ nhận đồ đệ từ 10 tuổi nên ông thầy võ, Bác Sĩ Tài ra điều kiện : « nếu chú mầy học thuộc lòng được 20 điều tâm niệm của Võ Đường thì tao mới cho mầy học » . Thế là cậu bé Thiện bỏ công học thuộc lòng và đến trả bài với ông thầy võ, Thiện trở thành học trò trẻ tuổi nhất của lò Hàn Bái Đường, vì lý do đó mà các cuộc biểu diển Võ Thuật là phải có màn trổ tài của Thiện. Có một ngày, biểu diển võ thuật tại thành phố Mỹ Tho, lúc đó Thiện khoảng 10 tuổi, một quan khách ngoài 30 được mời lên võ đài đùa giởn với cậu bé nầy, không ngờ bất thình lình Thiện nhảy lên lưng ông khách siết cổ với phương cách số 8 dùng cả hai bàn tay và hai cánh chân. Ông quan khách bị bất tỉnh, miệng trào bọt, Bác Sĩ Nguyễn Anh Tài đánh vào huyệt phía sau cổ để làm ông tỉnh dậy. Khán giã kinh hồn ! Lên được đến dây lưng đỏ, sau theo học Judo với Thầy Nhật Bổn Ishida ở Võ đừơng Watanabé … Khi sang Pháp tiếp tục học võ nghệ Karaté, Aie ( Gươm Nhật Bổn ), Kendo … lên tới đai đen.
Cùng thời gian đó, 10 tuổi, biểu diển guitare nhiều nơi. Ngoài ra còn được giải nhất về cuộc thi Tranh Nhi Đồng Toàn Quốc, bức tranh được gởi dự thi tại Nhật Bổn về Tranh Nhi Đồng Thế Giới.

Năm 1954 đất nước chia đôi ở Vĩ Tuyến 17, Bộ Công Chánh Sàigòn làm Cuộc Thi Lồng Đèn vào dịp Trung Thu, cậu bé Thiện làm một lồng đèn hình nước Việt Nam chia đôi. Lồng đèn cao 1,5 m, ngang 0,60 m diển tả cuộc sống trên và dưới vĩ tuyến 17 được giãi thưởng hạng nhì. Hạng nhất là lồng đèn Tố Khổ Ở Miền Bắc do một người lớn tuổi thực hiện!
Từ lúc tuổi 14 đến 20 :



Thi đậu vào trường Pétrus Ký năm 1957, học nhạc với Thầy Marcel.

Vì sanh trưởng trong gia đình 8 anh em nên khi đi học về, thay vì về nhà Thiện lại đến một ngôi chùa tìm nơi thanh tịnh, thảnh thơi để học bài. Có một ông sư ở chùa nầy theo dõi và hẹn một ngày rãnh rỗi đề thuyết giãng cho Thiện về 2 chữ « Có và Không ». Nhờ hấp thụ được phương pháp Có Không mà cuộc sống sau nầy Thiện chấp nhận được những lúc đau khổ, khó nhọc, lo âu. Ngay cả hôm sau đi thi, tối đó dùng chữ « Không » nên giấc ngũ được an lành, nhưng gần đến ngày thi phải dùng chữ « Có » chăm chú học để thành đạt. Có và Không, Có Không và Không Có áp dụng vào hoàn cảnh trong cuộc sống hằng ngày. Vì không bao giờ thấy Thiện học bài Mẹ Thiện ngạc nhiên đặt câu hỏi : sao không bao giờ thấy Thiện ‘gạo bài’ nhưng lại được lên lớp đều đều ?
Cha Mẹ Thiện rất nghiêm khắc và không hề muốn Thiện đánh đàn nơi công cộng.

Vào tuổi 15 Thiện phải dấu cha mẹ đi đàn trong các Đại Nhạc Hội, với các danh ca thời đó như Thái Thanh, Thái Hằng, Thanh Thúy, Cao Thái … Có một lần Ba Thiện dùng cây củi đòn đánh Thiện bầm cả người vì biết Thiện đi đàn lén, đau đớn hơn 3 tuần lể ! Hội đồng giáo sư Pétrus Ký chỉ định Thiện làm trưởng ban Văn Nghệ cho trường và cứ phải cùng ban nhạc sang trường Gia Long đệm nhạc cho mấy cô nữ sinh trường nầy trong dịp lễ phát phần thưởng cuối năm, thời gian đó có Ca Sĩ Hoàng Oanh còn cắp sách học tại đây.


Nhạc Sĩ Nguyễn Đức là người đào tạo và hướng dẩn các Ca Sĩ như Hoàng Oanh… Nhạc Sĩ Nguyễn Đức thấy Thiện có khiếu về nhạc nhưng còn thiếu phần căn bản, nên dẩn Thiện đến gặp Nhạc Sĩ Hoàng Bửu là một nhạc sĩ lỗi lạc về guitare cổ điển thời đó, Nhạc Sĩ Hoàng Bửu chỉ dạy, đặt cho tên là Hoàng Thiện và truyền tất cả tài năng cùng bí quyết của ông về guitare.



Hàng trên :Khiêm – Công Thành – Héléna - Tới

Hàng dưới : Lý – Tony Thạch – Vĩnh Thiện
Đầu thập niên 60, thời Elvis Presley, The Shadows với Cliff Richard, The Ventures, The Beatles, Rolling Stone…Thiện lập ban nhạc Les Fanatiques với ca sĩ Công Thành, ca sĩ Tới, ca sĩ Héléna. Trong ban nhạc có : Vĩnh Thiện ( Lead Guitar ), Khiêm ( Bass Guitare ), Huy ( Rythm Guitare ) thời gian sau Huy sang ban nhạc The Blacks Caps và Lý thay thế Huy, Tony Thạch ( Drum ). Ban nhac Les Fanatiques nổi tiếng nhờ chơi bài Apache ( The Shadows ), Công Thành với bài What I Say ( Ray Charles ), ça ne peut plus durer ( Eddy Michell ), ca sĩ Tới với bài The Young One , Héléna với bài Tous les garçons et les filles ( Françoise Hardy ) … Ban nhạc được tham dự ngày Cách Mạng Thành Công tại Kim Đô Chợ Lớn do các tướng lãnh tổ chức. Đã khá nổi tiếng, ban nhạc Les Fanatiques được mời có mặt trong cuốn film Saigon By Nigth nhưng Thiện bắt buộc từ chối vì dù đi đàn rất thường xuyên Thiện vẫn dấu bố mẹ nên sợ có hình ảnh trên ciné thì « lộ tẩy » sẽ bị đòn nặng !

Chính vì vậy, khi đi trình diễn, áo quần bảnh bao, áo Mode thời nhạc trẻ Beatles, quần ống túm, đầu tóc kiểu banane, nhưng khi về gần đến nhà thì phải dấu quần áo đó và mặc lại quần áo khác. Tiệm đàn Lâm Hào ở Chợ Lớn, ông chủ làm cho Thiện một cây guitare màu đỏ nháy giống kiểu cây đàn Fender Stratocaster của Hank Marvin của ban nhạc The Shadows. Sau nầy cuối thập niên 60 Thiện mua được cây đàn Fender Stratocaster thứ thiệt tại Pháp. Lúc còn ở Việt Nam đầu 60 ban nhạc Les Fanatiques tham dự trong Club Hoa Kỳ ở Phi Trường Tân Sơn Nhất và nhiều rạp hát lớn thời đó như Đại Nam, Khải Hoàn, Đa Cao …
Rời quê hương Việt Nam :

Ban nhạc Les Fanatiques đang nổi tiếng nhưng Thiện có được hồ sơ sang Pháp du học.

Thân mẩu Thiện chấp nhận cho Thiện đi du học và bà đi coi bói ông Thầy Bói với Con Chim ở trước Đền Lăng Ông Bà Chiểu. Ông Thầy nầy tiên đoán là Thiện sẽ thành công trên xứ người !

Trong khi đó thân phụ Thiện mắng chửi vì không muốn cho xuất ngoại, cả anh em cũng phản bác việc Thiện ra xứ người !

Hồ sơ đi du học được nhận tại 3 nơi ở Đại Học Khoa Học Pháp : Paris, Toulouse và Bordeaux. Nhưng lúc đó Thiện nghĩ rằng Paris là kinh đô ánh sáng có lẽ có nhiều cám dổ sẽ khó học hành, Toulouse là thành phố kỹ nghệ còn Bordeaux là thành phố nổi tiếng về rượu đỏ Bordeaux cũng như nổi tiếng về người sang trọng thanh nhả. Thế là chọn Bordeaux.
Có những chuyện rất buồn cười về chuyến đi xuất ngoại, y hệt chuyện « Tư Ếch lên Sài Gòn ». Chuyến bay đến Pháp, có vài người bạn đi chung phi cơ. Đến Bangkok Thái Lan dừng chân độ 2 tiếng đồng hồ, một anh bạn Việt Nam cùng đi du học, khi vào cầu xí của phi trường thấy dĩa tiền « pourboire », cầm lấy, trúc hết vào túi vì nghĩ ai đã bỏ quên ! Trong chuyến bay đến New Delhi, đến giờ ăn, anh bạn ngồi cạnh đánh chữ thập trên tất cả những ô của tờ menu, cô tiếp viên dọn tất cả cho anh chàng ăn hả hê vì anh ta nói rằng cha mẹ mua giấy máy bay và được ăn uống thả giàn… Kết cuộc anh chàng phải trả một số tiền dollars to vì chỉ miển phí cho mỗi thứ một món trong bửa ăn !

.

Bước chân đến xứ Pháp tại Phi Trường Orly vào tháng 9 năm 1964, không họ hàng và cũng không có bạn bè quen thuộc. Mặc chiếc áo Manteau màu xanh lá cây đậm mua ở khu dân sinh Sàigòn của các ông lính Tây bỏ lại Việt Nam ! Người Pháp nhìn Thiện với đôi mắt trợn trừng vì chiếc áo manteau quái dị dài đến gót chân trong khi thời đó 1964, là mode mặc áo manteau ¾ chỉ dài qua đầu gối mà thôi. Không ngờ 4 năm sau, năm 1968 với phim « Il était une fois dans l’ouest » của Sergio Léone với Charles Bronson, Henri Fonda, Claudia Cardinale … quá thành công, trong phim Charles Bronson mặc ‘áo khoác ngoài’ dài lết đất nên mode áo quần lại dài xuống, cả manteau cũng dài tới gót chân. Thiện chắt lưỡi tiếc thầm chiếc áo manteau mua ở khu dân sinh Sàigòn đã đem vứt vào thùng rác vì hổ thẹn, lại trở thành mode thời thượng năm 1968 !
Từ Phi Trường Orly lấy xe lửa xuống Bordeaux cảm tưởng rằng mình đi lạc vào thế giới khác. Người bản xứ ăn mặc khác mình, ăn uống khác mình, nhà cửa không giống chút nào ở quê hương mình, ngôn ngữ cũng không hiểu… Đến Bordeaux xứ lạ quê người, đi vào trọ Hôtel vài ngày, rồi tìm đường đến Đại Học Khoa Học ở Talence, ngoại ô của Bordeaux. Cắp sách đến giãng đường Đại Học Khoa Học với 3 giờ Toán do giáo sư Blondel dạy, mặc cho thầy giảng, trò vẫn như ‘vit nghe sấm’ chẳng thu thập được gì, thầm khóc một mình trong cả tháng trời không biết tỏ nổi khổ cùng ai ! Cậm cụi mò từng chữ trong sách vở toán để tự học một mình. Mùa đông năm đó, nghe Adamo hát bài Tombe La Neige, trong khi trời lạnh giá, Thiện khóc ròng và thoáng muốn quay trở về Việt Nam.

Lập ban nhạc Les Cobras ở Bordeaux để quên đi nổi khổ đau trên xứ người và cũng được tham dự nhiều nơi ở Bordeaux. Sau khóa học ở Bordeaux xin đổi theo học ở Đại Học Khoa Học tại Orsay ngoại ô Paris.


Được vào ở trong cư xá sinh viên quốc tế « Maison de l’Indochine de la Cité Internationale »  tại Paris quận 14. Lập ban nhạc Sao Đêm ( Les Saodems ) với Ca Sĩ Bích Chiêu, Ly Lan, Tiny Yong … Trong thời gian ở trong cư xá sinh viên rất vất vả, lúc ấy 1965, chính quyền Nguyễn Cao Kỳ cắt đứt ngoại giao với Pháp, nên tiền bạc của gia đình ở VN gởi sang Pháp cũng bị gián đoạn, một số sinh viên không có chỗ ở và tiền bạc. Thiện có lòng thương người nên cho cư ngụ trong phòng mình những bạn bè gặp khó khăn, có lúc căn phòng vỏn vẹn 10 m2 có đến 6 người ở, người nào đau ốm Thiện nhường cái giường ngủ của mình, Thiện bị lạnh vì ngủ dưới đất và không đủ mền ấm nên bị ho xuyển quanh năm tưởng chừng đã bị ho lao chết thời đó.

Có một ngày đi học lạnh quá không có đủ áo ấm nên lấy một số báo cũ để lót vào ngực, trong lúc đi xe lửa đến trường, xe lửa thời đó chạy dục dặt, phải đứng vịn cây cột sắt, đột nhiên các tờ báo ở trong ngực đổ hết ra, làm những người Pháp chung quanh thấy cảnh nầy và bậc cười !

Vừa lên Paris phải đi học và làm việc để sống, đi làm bồi bàn, đi gát điện thoại, đi làm tài xế đưa các bà bếp làm ở tiệm ăn Việt Nam. Sau khi tiệm đóng cửa, Thiện phải đi đưa từng người về đến nhà, sau đó phải đi đem xe hơi đậu trước nhà ông chủ và trả chìa khóa, lặn lội về nhà hơn 7 cây số dưới cơn gió lạnh thấu xương, tưởng chừng mình đang sống dưới địa ngục của trần gian !

Độc tấu Tây Ban Cầm tại Diners Spectacles ‘La Route Mandarine Paris’
Sau đó tìm được chổ đàn gần nhà hát Opéra, đêm đêm đi đàn trong những nơi « Diners Spectacles » đến 1 giờ sáng, métro không còn chạy nữa phải đi về dưới cơn mưa giá lạnh từ Opéra đến cư xá sinh viên ở quận 14 khoảng cách hơn 5 cây số. Vì thế đôi khi trong giờ học, quá mệt Thiện nằm ngũ gật trên bàn học, ông Thầy gọi thức dậy và nói : chắc cậu ham chơi lắm đêm đêm đi chơi không lo học! Sau khi trình bày hoàn cảnh éo le, ông Thầy thông cảm tình thế và nói khi nào mệt quá thì cứ nằm ngủ không sao cả. Hoàn cảnh éo le nầy làm cho mình tủi thân không thấy tương lai đi về đâu !
Một ngày đẹp trời tình cờ xem báo Le Monde, trong trang tìm việc 1 mẩu rao ‘ tuyển lựa 5 sinh viên toán học ưu tú để đào tạo ngành Tin Học ( Informatique / Computer ) cho hãng IBM Pháp’ đập vào mắt Thiện, Thiện ghi tên dự thi. Hãng IBM lúc ấy ở đường Rivoli kế bên cung điện Louvre. Phải thi trong 3 ngày, ngày đầu tiên đến dự thi họ thông báo có trên 500 thí sinh đến tham dự đa số là người Pháp và toàn là nam nhi, Thiện thấy có một người Việt Nam khác nữa. Thiện chán nản tự nghĩ « khó mà qua cái ải nầy » . Ngày đầu thi xong, IBM loại bỏ hơn 200 cậu sinh viên toán học. Buổi sáng ngày thứ nhì, cho ra về khoảng 100 cậu nữa và buổi chiều lại cho về thêm khoảng 100. Ngày thứ ba chỉ còn lại 100 cậu, mình không hiểu tại sao « chó dắt » mà còn sót lại trong số người nầy !

Với trận then chốt, sáng thứ ba IBM loại 50 cậu, buổi chiều chỉ còn lại 50 sinh viên !

Họ nhắc lại : chúng tôi sẽ chọn 5 sinh viên trong số còn lại nầy. Cuối cuộc thi, IBM France đọc tên 5 người, khi nghe tên, Thiện gần té xỉu tưởng chừng đang nằm mơ chứ không phải sự thật. 

Trong thời gian được huấn luyện về Tin Học, Thiện tiếp tục học buổi tối tại Đại Học Conservatoire National des Arts et des Métiers tại Paris trong nhiều năm. Vì vẫn mê âm nhạc, năm 1969 ghi danh và được chọn vào Hàn Lâm Viện Paris về Guitare Classique tu bổ về kỹ thuật guitare.

Vào thời gian đó mấy cái máy  Computer to lớn khổng lồ, giá tiền rất đắc nên nhân viên phải giỏi và phải làm việc nhanh chóng. Một « Programme » được viết ra phải chạy sau 5 lần « Compilé » vì thế thời thập niên 60 và 70 vào ngành Tin Học rất là khó khăn, các chuyên viên giỏi được nhiều hãng mua chuộc và cho lương bổng cao.

Sau đó, Thiện được đi làm ở hãng SNECMA với chương trình thực hiện máy bay Concorde, rồi sang hãng ITT ( International Téléphone Télégraphe ) với chức vụ Responsable d’Etudes, kế đến Audit Interne.


Năm 1978, bỏ hãng ITT để vào hãng Sopra Group với chức vụ Kỹ Sư sáng chế Soft Ware Concepteur des Logiciels, sau đó trở thành Responsable Qualité ( trách nhiệm về chất lượng tốt Soft Ware ). Lúc gia nhập Sopra Groups, hãng chỉ có 400 nhân viên, 31 năm sau khi Thiện đi nghĩ hưu, Sopra trở thành một hãng có nhiều chi nhánh trên quốc tế với trên 12.000 kỹ sư làm việc. Sáng chế đầu tiên của Thiện trong hãng là một Progiciel về Téléprocessing cho người xữ dụng không cần biết nhiều về Tin Học. Progiciel nầy để các Phòng Quản trị Nhân viên của các hãng lớn làm « update »  (bạch nhật hóa), một « file » như Personnel File để có thể thêm bớt và thay đổi tên nhân viên và trả lương bổng hàng tháng. Kế đến Thiện hợp tác với vài người trong Sopra cho ra đời một Progiciel PACHA rất nổi tiếng thời đó. PACHA là Progiciel về « Human Ressource ». Chính Thiện phải lặn lội đi bán Progiciel PACHA và là Chef Projet khi các hãng khác mua để bảo đảm sự hoàn hảo của chương trình « Gestion des Ressources Humaines ». Thiện đã đến làm việc cho các hãng sau đây với tính cách ‘Consultant trong lãnh vực Điều Hành Nhân Viên’ : Parfum Rochas, Chanel, Cartier, Yves Saint Laurent, Cogema ( Areva ), Alsthom TGV, Domaine Royal Club, Evian, Virgin Mégastore, Europe 1, Banque de France, Barclay Bank Genève, Croix Rouge International Genève, Bank Crédit Agricole La Martinique, Corsair Ajaccio Corse …

Progiciel PACHA được trên 1000 hãng mua và áp dụng tại Pháp, Hoa Kỳ, Phi Châu, Tây Ban Nha, Thụy Sĩ, Anh Quốc, Vương Quốc Bỉ …Nhờ vậy mà Sopra phát triển mạnh và vẫn tồn tại đến ngày nay.
Năm 1968, Quách Vĩnh Thiện làm hôn lễ với một nàng con gái có 2 giòng máu Việt Pháp. Mối tình kết nối sau 2 lần nàng tự tử vì Thiện không hề có ý nghĩ kết hôn với nàng, chỉ xem nàng là bạn. Số mạng chưa đến, cô gái nầy được Bác Sĩ cứu sống, cứ mỗi lần, Bác Sĩ gọi Thiện đến, cho hay : « cô nầy trăn trối, muốn chết vì ông đấy »  làm Thiện phải siêu lòng. Hai đứa con ra đời vào năm 1972 và 1974. Trong 25 năm sống với bà, Thiện bị cấm đoán chơi nhạc ở công cộng, ngay cả đánh đàn ở nhà cũng bị cấm luôn, Ba Má Thiện ngày xưa cũng cấm đoán nhưng cho Thiện đàn với tính cách giải trí, vui chơi, bây giờ bà vợ còn hơn thế nữa, cấm Thiện cầm đến cây đàn ! Thiện sống  25 năm khổ sai, khổ sở với bà vợ nầy về vấn đề nhạc mà còn nhiều vấn đề khác, như không cho giao thiệp với ai, bạn bè điện thoại đến nhà bà đều thối thoát bảo là : Thiện không có ở nhà, đi công tác... và rồi không hề kể lại cho Thiện hay biết, ngay cả gia đình cũng không liên lạc được với Thiện. Vì đã bị ‘ràng buộc’ và có bổn phận với 2 đứa con, Thiện đành nhắm mắt sống một cuộc đời tẻ nhạt, chán chường.

Năm 1992, hai đứa con thi xong tú tài và trưởng thành, Thiện xin ra sống riêng một mình, vì biết mức chịu đựng của mình đã đến cực điểm. Bà vợ ra tòa kiện thưa về tình trạng nầy, xin cấp dưỡng, trong khi tiền bạc, lương bổng Thiện bà vẫn nắm trong tay. Qua nhiều năm kiện tụng, sau đó Thiện được tòa án cho ly dị.
Từ 1992 đến 1996, trong 5 năm đắng cay, Thiện trải qua một cuộc « bể dâu » khổ sở về tinh thần và tài chính, vì tiền bạc vừa phải trả cho Luật Sư rất đắc, vì bà vợ cứ thưa kiện liên miên và phần khác phải cấp dưỡng cho bà và 2 đứa con dù đã trưởng thành. Với lỗ tay tuyệt đối ( absolu ) Thiện đi lên dây đàn piano vào cuối tuần để bù đắp cho ngân quỷ thiếu hụt. Cuộc sống lại khó khăn !

Lúc đó Thiện gặp gở Thanh Vân.



Thanh Vân – Quách Vĩnh Thiện
Năm 1996, biết được một phương pháp thiền, từ đó cảm xúc và cảm nhận được sự nhiệm mầu của thiền. Thiền đem lại sự chấp nhận trong hoàn cảnh và giúp vượt qua những trở ngại, khó khăn trong cuộc sống trần gian. Để phổ biến giúp cho những người đau khổ, khoảng 50 bài hát về Tâm Linh được phát hành trong thời gian đó như :

Bài Trần Gian nhạc và lời Quách Vĩnh Thiện.

Bài Giáng Trần là cuộc đời của Quách Vĩnh Thiện mà một Thiền Sư viết lời và Thiện phổ nhạc.

Bài Tây Phang ( Nirvana ), lời của Thiền Sư Đỗ Thuần Hậu..

Bài Lục Tự Khai Minh, lời của Thiền Sư Lương Sĩ Hằng.

Bài Ấu Thơ, bài Chấn Động Lục Tự Di Đà (nhạc và lời Quách Vĩnh Thiện.)
Những CD được lần lượt phát hành như : Giáng Trần, Trần Gian, Lục Căn Lục Trần, Thiên Địa Nhân 1, Thiên Địa Nhân 2 …

Nhờ phương pháp Thiền, Thiện từ từ tìm được niềm tin trong cuộc sống. Trong khoảng thời gian làm nhạc Tâm Linh (1996- 2004 ),cùng thời gian đó có những nhạc sĩ nổi danh cũng làm nhạc Tâm Linh như Phạm Duy bài Lúa Trời, Ngựa Trời, Kỷ Nguyên Di Lạc và rất nhiều bài khác ; Hoàng Thi Thơ bài Hãy Thành Tâm, Duyên Kỳ Ngộ, Thương Yêu Tha Thứ … ; Duy Khánh với bài Đường Về Thiên Thai, Hẹn Hò ; và Quách Vĩnh Thiện với bài Bạn Về Đây, Lục Tự Khai Minh, Âu Á Tương Hội, Du Hành Đạo Pháp …

Năm 1999, Thanh Vân và Quách Vĩnh Thiện nắm tay nhau gây dựng lại cuộc đời vì cùng tương tự một hoàn cảnh, tâm đầu ý hợp. (Phan Thị Thanh Vân là cựu Xướng Ngôn Viên đài truyền hình TV7 Cần Thơ, sinh viên trường Luật, Đai Học Cần Thơ, pháp danh Diệu Nghĩa).

Từ đó một loạt nhạc tình được phát hành với lời viết của Thanh Vân và nhạc Quách Vĩnh Thiện.





1972 - Thanh Vân chúc Tết khán giả sau khi trình bày tin tức.

Đầu năm 2005, nhìn thấy trong tủ sách quyển Truyện Kiều của Nguyễn Du do ông Nguyễn Thạch Giang khảo đính và chú thích được xuất bản Hà Nội 1973. Quyển sách cũ, rách nát. Quyển sách nầy của một ông Thầy Bói có tiếng tăm ở Việt Nam, ông Thầy Bói tặng cho Thanh Vân từ lâu!

Đem quyển sách dán lại cho lành lặn rồi không biết tại sao thay vì đem cất lại trong tủ sách, Thiện lại ngồi đọc hết Truyện Kiều. Cảm thấy hổ thẹn là người có chút văn hóa Việt mà không hiểu những từ ngữ  trong Truyện Kiều! Đọc lại lần thứ nhì và xem chú thích thì thông hiểu được một phần, cảm xúc tình cảnh Thúy Kiều mà chính bản thân mình cũng đã trải qua một cuộc « bể dâu », hoạn nạn. Từ đó say mê Truyện Kiều nên đọc lại lần thứ ba. Khi đọc đến câu 890 « Sống Nhờ Đất Khách Thác Chôn Quê Người », hai dòng lệ tuôn trào như hai dòng suối. Thấy thân phận mình qua câu thơ nầy cũng là thân phận của Thúy Kiều và kiều bào bỏ hết tài sản, gia đình, quê hương đi tìm tự do, dù phải khốn khổ cho tánh mạng trên biển cả.

Hứa hẹn với Thanh Vân là phổ ra nhạc hết tập thơ Truyện Kiều. Thiện phải mất sáu tháng để nghiền ngẩm tác phẩm nầy và cắt ra 77 đoạn để có thể viết ra thành 77 bài nhạc. Cũng vì UNESCO công nhận Truyện Kiều là di sản văn hóa của nhân loại nên dự định làm 77 bài hát với nhiều thể loại nhạc trên thế giới như Tango, Bossa Nova, Salsa, Samba, Lambada, Rock and Roll, Jazz, Valse… Hoạch định chương trình cho 77 bài hát trong 5 năm trường với các ca sĩ trẻ (áp dụng cách hoạch định việc làm y như trong hãng), mổi bài hát chuẩn bị cho ca sĩ nào rồi mới viết thành nhạc. Nhờ đã biết rõ giọng hát riêng biệt, cao thấp, trầm bổng ra sao của các ca sĩ trong nhóm của mình, nên khi bài hát thành tựu, các ca sĩ ấy hát, diễn tả được hết năng khiếu, bài hát trở nên linh động, thắm thiết dễ đi vào lòng người thưởng ngoạn.

Năm năm sau, 2009, Truyện Kiều đã được phổ nhạc toàn bộ với 7 CD. Để nghe hết 7 CD nầy phải mất 8 giờ đồng hồ:

Ngày 12 tháng 4 năm 2009, toàn bộ tác phẩm KVK phổ nhạc được ra mắt tại

Học Viện J.S. Bach ở Bussy St. Georges


CD 1 - Trăm Năm Trong Cõi Người Ta

CD 2 - Bên Tình Bên Hiếu

CD 3 - Quyến Gió Rủ Mây

CD 4 - Tài Tử Giai Nhân

CD 5 - Cá Chậu Chim Lồng

CD 6 - Hại Nhân Nhân Hại

CD 7 - Chữ Tài Chữ Mệnh
Ngày 28 tháng 11 năm 2009 Thiện được mời tham dự cho ngày Văn Hóa do Hàn Lâm Viên Âu Châu tổ chức, có sự tham dự của 10 quốc gia, tại Bibliothèque Polonaise ở Îles de Saint Louis, Paris quận 4, một khung cảnh đẹp, nên thơ và thanh lịch của Paris bên bờ sông Seine. Nhờ buổi trình diễn nầy, Thiện được bầu là thành viên của Hàn Lâm Viện Âu Châu.

Hàn Lâm Viện Âu Châu có 70 nhân vật được giải thưởng cao quí Nobel trong số 600 thành viên với 54 quốc tịch.
Sau khi hoàn tất phổ nhạc Truyện Kiều, Thiện lại bắt tay phổ nhạc tác phẩm Chinh Phụ Ngâm của bà Đoàn Thị Điểm với 2 CD, 21 bài hát, CD 1 : Chinh Phụ Ngâm - Nợ Núi Sông, CD 2 : Chinh Phụ Ngâm – Vinh Quang.

 

Quách Vĩnh Thiện đi nghỉ hưu đầu tháng hai năm 2009. Đã làm việc cho hãng Sopra Group liên tục trong 31 năm, từ lúc hãng còn phôi thai, đến hôm nay là một tập đoàn có uy tín, được đấu giá trên thị trường chứng khoán, với 12 000 kỹ sư làm việc và cũng vì có công đóng góp cho hãng phồn thịnh, Thiện được chỉ định vào nhóm « Cercle des Masters » của hảng Sopra Group ( hiện tại có khoảng 50 người Masters). Mổi năm nhóm nầy được mời họp 1 lần cùng với thành phần chỉ huy để theo dõi chương trình hoạt động, kế hoạch…. của hãng. Ngoài ra còn được hảng mời du lịch,vui chơi, ăn uống trong 1 dip cuối tuần vào tháng Năm, mỗi lần ở một nơi khác nhau ( Genève, Toulouse, Strasbourg…), chi phí đều do hảng đài thọ. Phải nói Sopra lá hãng duy nhất biết trọng đãi cựu nhân viên có công đóng góp cho sự thịnh vượng của mình.


La Lettre des Masters n° 28 - Rencontre à Toulouse





Tháng năm 2010 Cercle des Masters tồ chức ngày gặp gở tại Toulouse.

( hình trích từ báo Cercle des Masters )



Cuộc đời Thiện cũng lận đận, gian khổ, trãi qua không ít đắng cay, đau xót như nhân vật Thúy Kiều của Nguyễn Du, hy vọng « cái nghiệp » đã trả, « hết cơn bỉ cực đến hồi thới lai » chút nào không ? Chỉ có ông Trời mới biết, vì theo Nguyễn Du :
Ngẫm thay muôn sự tại Trời,

Trời kia đã bắt làm người có thân.

Bắt phong trần phải phong trần,

Cho thanh cao mới được phần thanh cao.

Thanh Vân

Paris, le 18 Janvier 2011


oOo


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương