1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.



tải về 1.72 Mb.
trang23/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   31

21 - Khóc Tố-Như

Để thay Lời Bạt


Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như.

Phạm Thị Nhung
Theo Tình-sử, Tiểu-Thanh là bút-hiệu người con gái họ Phùng, tên Văn-Cơ, sống vào đời Minh (1368-1643). Nàng mồ-côi mẹ từ hồi nhỏ, được một ni-cô nuôi, cho đi học. Lớn lên, sắc đẹp, thơ hay, nổi danh là một tài-nữ đất Quảng-Lăng. Mười sáu tuổi lấy lẽ một người họ Phùng, bị vợ cả ghen, bắt lên ở trên núi Cô-sơn, cạnh Hồ-tây (tỉnh Chiết-giang). Nàng quá đau-buồn, uất-ức mang bệnh mà chết, lúc đó nàng mới 18 tuổi (nay còn mộ ở Cô-sơn).

Vũ Băng-Đình (trong cuốn Dịch Thơ Chữ Hán, Nhà XB Giáo-Dục) cho biết thêm chi-tiết: “Trước khi chết, Tiểu-Thanh cho vẽ một bức tranh truyền-thần chân-dung nàng. Bức đầu nàng nói: "Hình tôi thì giống nhưng chưa lột hết thần của tôi ". Với bức hai: "Thần thì được rồi nhưng bóng-dáng chưa linh-động". Đến bức thứ ba, đủ vẻ lộng-lẫy, nàng nói: " Được rồi đấy". Rồi nàng để bức tranh trước giường, đốt hương thơm, khấn: "Tiểu-Thanh! Tiểu-Thanh! Chốn này có phải là duyên-phận của mầy đâu". Nói xong nước mắt chan-hòa, nấc lên một tiếng rồi chết”.

Khi còn sống, nàng Tiểu-Thanh thường làm thơ để gửi-gấm tâm-sự. Nàng chết rồi bà vợ cả vẫn còn ghen, bắt đem đốt ; may còn sót lại 12 bài, gọi là phần-dư-cảo.

Nguyễn Du đọc bài ký viết về nàng Tiểu-Thanh, quá đỗi xúc-động, đã cảm-tác bài thơ chữ Hán Độc Tiểu-Thanh ký này:


ĐỘC TIỂU-THANH KÝ

Tây hồ hoa uyển tẫn thành khư,

Độc điếu song tiền nhất chỉ thư,

Chi phấn hữu thần liên tử hậu,

Văn chương vô mệnh lụy phần dư,

Cổ kim hận sự thiên nan vấn,

Phong vận kỳ oan ngã tự cư,

Bất tri tam bách dư niên hậu,

Thiên hạ hà nhân khấp Tố-Như? [2]
Nguyễn Du [1]

(Thanh-Hiên Tiền Hậu Tập)

Thơ dịch:
ĐỌC BÀI KÝ VỀ TIỂU-THANH
Hồ tây vườn cũ đã gò hoang,

Mở sách bên song đọc viếng nàng,

Tranh-họa có thần, đời mãi tiếc,

Văn-chương đốt dở, lụy còn vương,

Xưa nay oan-khổ, trời khôn hỏi,

Chung án phong-lưu, ta tự ma,

Thiên-hạ, ba trăm năm lẻ nữa,

Biết ai còn khóc Tố-Như chăng?
[1] Nguyễn Du, tự là Tố-Như, hiệu Thanh-Hiên, biệt-hiệu Hồng-Sơn liệp-hộ và Nam-Hải điếu-đồ, với biệt-danh Chiêu Bẩy.
Độc Tiểu-Thanh Ký là một bài thơ cuối cùng trong Thanh-HiênTiền Hậu Tập.

Bài thơ viết theo thể Đường-luật thất ngôn bát cú, luật bằng vần bằng nhưng thất niêm. Theo niêm-luật thì chữ thứ 2 câu 8 phải niêm với chữ thứ 2 câu 1, tức cùng B hoặc cùng T ; ở đây chữ thứ 2 câu 8 là T (hạ), trong khi chữ thứ 2 câu 1 lại là B ( hồ).

Điều đặc-biệt ở bài này là, Nguyễn Du không chỉ xót-thương người thiếu-phụ tài-hoa bạc-mệnh kia, mà còn coi mình là kẻ đồng hội đồng thuyền, rồi tự buộc mình chịu chung cái án oan-khiên lạ-lùng của các khách phong-nhã xưa nay. Như vậy, Nguyễn Du khóc người, đồng thời cũng để khóc mình. Vì thế, gần suốt bài thơ dòng nào cũng có những từ-ngữ chứa-đựng hình-ảnh hay tình-huống hay tâm-trạng bi-ai, oán-hận, chết-chóc, khóc-thương (Tẫn thành khư, liên tử hậu, lụy, hận sự, kỳ oan, khấp...) ; và toàn bài đều có giọng thơ trữ-tình, tràn-ngập cảm-xúc bi-thương:

Hai câu đầu (1-2) giọng thơ buồn-buồn khi nhắc đến những tang-thương biến-đổi của cảnh-sắc thiên-nhiên, nơi nàng Tiểu-Thanh xưa từng sống.

Hai câu 3-4 giọng thơ thương-cảm, xót-xa khi nàng đã qua đời.

Hai câu 5-6 giọng thơ uất-ức nghẹn-ngào, toát ra một nỗi bi-phẫn thống-thiết khi nói đến nỗi oan-khiên của khách phong-lưu ( kể cả tác-giả).

Lời tác-giả tự hỏi trong 2 câu cuối 7-8, giọng thơ ngậm-ngùi, thân-thiết (mong có kẻ tri-âm).

[2] Để rõ vấn-đề, trước hết chúng ta hãy tìm hiểu mấy điểm quan-trọng trong 2 câu kết:


1- Nguyễn Du đưa ra con số thời-gian trên 300 năm, là ý chỉ thời-gian kể từ khi nàng Tiểu-Thanh mất đi tới lúc tác-giả khóc nàng. Tiểu-Thanh sống chết vào đời Minh, theo Tự-điển Từ-lâm Hán-Việt, là khoảng 1368-1643. Nguyễn Du sáng-tác bài thơ khóc nàng vào thời-gian làm quan với nhà Nguyễn tại Bắc-hà, tức khoảng năm 1802-1804. Như vậy, Tiểu-Thanh mất vào quãng đầu thế-kỷ 16.

Nguyễn Du khóc Tiểu-Thanh, người của 300 năm về trước, nên chạnh thương mình, tự hỏi, không biết sau 300 năm nữa, thiên-hạ, có ai khóc mình chăng? Thực ra 300 năm sau chỉ là một con số tượng-trưng cho khoảng thời-gian khá lâu sau khi Nguyễn Du qua đời. Có lẽ ông đã nghĩ, phải chờ đám hậu-sinh này, sống xa hẳn cái thời Lê mạt-Nguyễn sơ, một thời-đại rối-ren, biển-dâu nhất trong lịch-sử nước nhà: Binh-biến triền-miên, thời-thế xoay chiều như vũ-bão, thay vua đổi chúa liền-liền, chính-trị phức-tạp ; tà chánh, trung nghịch, đúng sai hỗn-loạn... ; mới có được cái nhìn sáng-suốt, vô-tư, mà cảm-thông cho cảnh-ngộ và hiểu được nỗi u-uất của ông, nhất là từ khi ông ra làm quan với nhà Nguyễn ( được trọng-dụng)? Có vậy mới mong giải được nỗi oan-khiên này.

2- Nguyễn Du mong người đời khóc Tố-Như, chớ không phải khóc Nguyễn Du, khóc Thanh-Hiên, khóc Hồng-Sơn liệp-hộ... Sao vậy?

Bởi chỉ có tên Tự, một tên chữ duy nhất có ý-nghĩa sâu-sắc, thường gắn liền với Danh ( Danh là tên cha mẹ đặt cho khi mới sinh). Tên Tự thường do ông thầy dạy học hay ông thân-sinh đặt cho khi làm Lễ gia-quan (thêm cho cái mũ) vào tuổi 16 đôi mươi, để gọi thay cho Danh ; hay chính người ta tự đặt, để nói lên hoài-bão hay tâm-ý... của mình.


Đối với Nguyễn Du, cái tên tự Tố-Như mới là cái tên thiết-thân của ông, là chính bản-thân ông, biểu-hiệu cho cả tâm-hồn, nguyện-vọng của đời ông.
Vậy 2 chữ Tố-Như có nghĩa ra sao?
Theo tự-điển Thiều-Chửu, "Tố" là tơ trắng, nghiã bóng chỉ người có phẩm-hạnh cao- khiết; "Như" là như vậy đó. Theo Alexandre Lê, “Tố” ở đây chỉ sự trong-trắng về mặt tinh-thần, còn “Như” chỉ sự mong-muốn được như cái mà từ đứng trước nó biểu-đạt. Tố-Như mang hàm nghĩa của sự mong-muốn được trong-sạch, thanh-cao về phẩm-chất.” (trích bài Về Tự Tố-Như của ND trong cuốn Hồ Xuân Hương, Nàng Là Ai? của Phạm Trọng-Chánh, NXB Khuê-Văn, Paris 2001). Tóm lại, hai chữ Tố-Như mang ý-nghĩa nói lên nguyện-vọng của Nguyễn Du, mong giữ được mãi-mãi sự cao-thượng và trong-trắng trong tâm-hồn, cũng như về phẩm-cách.

Nguyễn Du trông-đợi người đời sau sẽ khóc ông qua ý-nghĩa tên tự này. Có thế, mới thấu hiểu được bao nỗi oan-khiên lạ-lùng mà ông phải gánh-chịu gần suốt cuộc đời ; ngay cả khi chấp-nhận ra làm quan với nhà Nguyễn, cũng là để thực-hiện cái chí-nguyện bình-sinh đó mà thôi.
Chúng ta cùng tìm hiểu.

Qua tài-liệu sách-vở và thơ chữ Hán trong Thanh-HiênTiền Hậu Tập (thơ Nguyễn Du làm trong khoảng thời-gian 1786-1804), cho biết:

Nguyễn Du sinh-trưởng trong một gia-đình vọng-tộc, dõi đời khoa-bảng, quan-lộc.

Từ buổi Lê sơ, cụ tổ Nguyễn Doãn-Địch đậu Thám-hoa (1480), làm quan tới chức Hữu Thị-lang trong triều vua Lê Thánh-Tông... Nay thời Lê mạt-Nguyễn sơ thì cha con, anh em đều hiển-đạt, làm quan dưới triều Lê-Trịnh. Đặc-biệt, thân-phụ Nguyễn Nghiễm đỗ Nhị giáp Tiến-sĩ, văn võ toàn tài, dẹp loạn lập được nhiều chiến-công, từng nắm những chức-vị lớn như Thượng-thư Bộ Công, rồi hàm Thái-tự Thiếu-bảo, tước Xuân Quận-công… rồi Tả Tướng, hiển-hách nhất khi được giao chức Tham-tụng, tức Tể-tướng đầu triều, trong gần 15 năm. Và Anh cả Nguyễn Khản, đỗ Tam giáp Tiến-sĩ, dậy học Trịnh Khải, nên khi Trịnh Khải lên ngôi Chúa ông được đắc sủng, được phong chức Thượng-Thư Bộ Lại, tước Quản Quận-Công, kiêm Trấn-thủ Sơn-tây, sau đó cũng Tham-tụng, đứng đầu quan-giai như cha. Nguyễn Khản còn là con người tài-hoa, ăn chơi lịch-lãm nhất Bắc-hà. Ông cho xây tư-dinh ở đình Kim-âu, phường Bích-câu, bài-trí phong-cảnh rất đẹp; ông còn say-mê sáng-tác âm-nhạc cho đào-nương ca, nhà ông không mấy khi ngớt tiếng đàn, tiếng hát.

Sau khi cha mẹ qua đời (Cha mầt hồi ND 10 tuổi, mẹ mầt 13 tuổi), anh em Nguyễn Du được cho về ở nhà ông anh cả này.

Nguyễn Du, đặc-biệt tư-chất thông-minh, cầm kỳ thi họa lầu-thông. Ông lại ham đọc sách, nghiên-cứu cổ-văn, và các kinh-sách Nho, Phật, Lão... được người đương-thời tán-tụng là "Mục quán quần thư" (con mắt xem hết kinh, sách). Về văn-chương, Nguyễn Du lừng-danh, được xếp trong danh-sách "An-nam ngũ tuyệt". Con đường công-danh tưởng cứ thế mà lên, nào ngờ danh-phận chẳng ra đâu, cuộc đời quá đỗi nổi-trôi, nhiều đau-thương, uất-ức.


Ông đã tự hỏi:
Có phái cái án oan-khiên dành cho kẻ tài-hoa phong-nhã đó chăng?
Thực vậy sao?
Năm Nguyễn Du 19 tuổi (1783) đi thi Hương chỉ đỗ Tam trường (Tú-tàì), không được đại-khoa. Phải nhờ tập-ấm mới được thừa-kế cha nuôi họ Hà chức Chánh Thủ-Hiệu đội quân ở Thái-nguyên, một chức quan võ nhỏ, quá khiêm-tốn đối với gia-tộc Nguyễn Du.

Thế rồi biết bao biến-cố thời-cuộc dồn-dập xẩy tới, Nguyễn Du đã phải đau lòng chứng-kiến không những cảnh biển-dâu xẩy ra cho đất nước, mà cả đại-gia-đình ông và chính bản-thân ông đều là những nạn-nhân trực-tiếp:


Trải qua một cuộc bể-dâu,

Những điều trông thấy mà đau-đớn lòng.

( ĐTTT cc. 3-4)


Từ ngày Trịnh Sâm tính chuyện bỏ trưởng lập thứ (1780), nội-bộ sinh tranh-chấp, phe-đảng. Nguyền Khản phòTrịnh Khải (con trưởng), bị án tù và bị bãi chức. Trịnh Sâm vừa nằm xuống, quân Tam Phủ ( kiêu binh) làm loạn, loại Trịnh Cán, lập Trịnh Khải lên ngôi Chúa (1782) ; vì cậy công chúng sinh kiêu-căng, đòi-hỏi vô lối. Nguyễn Khản cùng mấy vị đại-thần khác dâng sớ xử trảm 7 tên đầu sỏ, bị chúng trả thù, đem quân đánh-phá tư-dinh các vị, đình Kim-âu bị triêt-hạ, Nguyễn Khản trốn thoát lên Sơn-tây và toàn gia phải bỏ chạy.
1786, Tây Sơn đem binh từ Nam ra Bắc, lấy nghĩa phù Lê diệt Trịnh. Trịnh Khải bị bắt, đâm cổ tự vẫn. Tây-Sơn trả lại nước cho nhà Lê. Sau đó Nguyễn Huệ lại sai Vũ Văn Nhậm đem quân ra Bắc thanh-toán Nguyễn Hữu Chỉnh… Vua Lê nghi-ngờ Tây-Sơn không thật lòng, bỏ chạy sang Kinh-bắc. Anh em Nguyễn Du theo xa-giá không kịp, ở lại mưu-đồ cần-vương, việc lớn không thành. Sau đó, Nguyễn Khản bị bạo bệnh qua đời.

Tây-sơn đem đại-binh ra Bắc lần thứ ba thì đã hoàn-toàn khác rồi. Nguyễn Huệ dứt Lê, Lên ngôi Hoàng-Đế, đại phá quân Thanh ; xong, chiếm luôn nước của nhà Lê, rồi thống-trị Bắc-hà, đổi kinh-thành Thăng-long ra Bắc-thành.Vua Lê Chiêu-Thống phải chạy sang tầu.

Nguyễn Du đặt chí ở chỗ cao-thượng, là lý-tưởng phụng quốc ; trung với vua, với đương triều là trung với nước, như truyền-thống bao đời của các nhà Nho ta xưa. Huống chi ông lại là con cháu một dòng họ đã nhiều đời hưởng ơn vua lộc nước của nhà Lê và chính mắt ông đã chứng-kiến những ngày vinh-hiển nhất của cha, anh dưới triều Lê-Trịnh ; thế nên, nay gặp cảnh quốc phá, gia vong, ông tự khoác lên vai cái nghĩa-vụ diệt Tây-sơn, phục Lê là điều dễ hiểu.

Sau lần mưu chuyện cần-vương ở Sơn-tây không thành, sợ bị quân Tây-sơn trả thù, các anh của Nguyễn Du người tìm về quê mẹ, người tìm về quê vợ ẩn cư hết cả.

Còn Nguyễn Du thì sao? Một thân bơ-vơ, lưu-lạc… nhưng vẫn không nguôi nuôi chí phục quốc. Bởi vậy, ông đã phải trải qua Mười năm gió bụi (1786-1796):

Thập tải phong trần khứ quốc xa,

Tiêu tiêu bạch phát ký nhân gia.

(U Cư II)


Phải sống xa quê-hương, ăn gửi, nằm nhờ xứ người ; tóc bạc trắng cũng vì trong lòng chất-chứa nhiều nỗi muộn-phiền:

- Phải kể trước hết là nỗi tủi-nhục của con nhà dòng-dõi trâm-anh thế-phiệt, xưa cha, anh đều là những bậc đại-thần nhất phẩm triều-đình ; Nguyễn Du được nuôi-dưỡng trong lầu vàng gác tía, kẻ hầu người hạ, giầu-sang phú-quí ai bì ; mà nay trở thành kẻ không nhà, sống lang-thang một mình, lẩn tránh nơi núi sâu, rừng thẳm:



Quần phong thâm xứ, dã nhân cư.

(Sơn Cư Mạn Hứng)


Sống thời tao-loạn nơi quê người có dễ đâu, còn phải giả quê-mùa, phải sợ người để bảo-toàn sinh-mệnh:

Dị hương dưỡng chuyết sơ phòng tục

Loạn thế toàn sinh cửu úy nhân.

(U cư I)

Tấm thân rày đây mai đó, chẳng khác nào ngọn cỏ bồng trốc rễ trong cơn gió lốc mùa thu, không biết rồi sẽ trôi-dạt về đâu?
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp

Tất cánh phiêu-linh hà xứ qui?

( Tự thán I)

Làm ta liên-tưởng tới cảnh-ngộ bơ-vơ lưu-lạc xứ người của nhân-vật Thúy-Kiều sau khi bán mình, lấy tiền chuộc tội oan cho cha già:
Khi sao phong-gấm rủ là,

Giờ sao tan-tác như hoa giữa đường ?

(Đoạn-Trường Tân-Thanh, cc .1235-1236)


- Đến cái đau nước mất, nhà tan, anh em ly-tán: Dinh-cơ của gia-phụ ở Tiên-điền Hồng-lĩnh đã bị quân Tây-sơn đốt-phá tàn-rụi, làm gì còn nhà? Anh em thì mỗi người phiêu-bạc một nơi :

Hồng-lĩnh vô gia, huynh-đệ tán

( Quỳnh-hải nguyên tiêu)


Không tin-tức, không cả thư từ quê nhà, Nguyễn Du băn-khoăn lo-ngại, chằng biết anh chị em mình có được bình-an không?
Cố-hương đệ muội âm-hao tuyệt,

Bất kiến bình-an nhất chỉ thư.

(Sơn Cư Mạn Hứng)


- Lại đến cái uất, Nguyễn Du mang danh là kẻ tài-hoa, thông-minh hơn đời “ Mục quán quần thư”, “An-nam ngũ tuyệt”, mà không làm nên trò-trống gì, nghề văn, nghề võ lúc này đều vô-dụng, ông trở thành kẻ vô nghề-nghiệp, lâm cảnh nghèo đói, quẫn-bách:

Thư kiếm vô thành sinh kế xúc

( Tự Thán II)

Trọn ba tháng xuân bệnh-tật dày-vò mà không tiền mua thuốc:
Tam xuân tích bệnh bần vô dược

( Mạn Hứng)

Đói rét phải nhận sự giúp-đỡ, nhờ vào lòng thương của người:
Cơ hàn bất giác thụ nhân liên.

( Khất Thực)


- Lại đến cái hận, chí lớn phục Lê mãi chưa thành hay chẳng bao giờ thực-hiện được?

Sau cuộc nổi-dậy của Nguyễn Quýnh (anh thứ tư, khác mẹ) ở Nghệ-an (1791), bị quân Tây-sơn đàn-áp dữ-dội. Vì không chịu hàng, Nguyễn Quýnh cùng bao hào-mục, nghĩa-sĩ bị chết thảm, làng xã bị đốt phá tan-tành. Quê nhà sau trận huyết-chiến đó chỉ còn lại những nhơ-nhớp/ Nhà thơ ở xa ngàn dậm, (được tin) nước mằt tuôn rơi:


Chỉ uế càn khôn huyết-chiến dư,

Tang tử binh tiền thiên lý lệ.
Từ đó tới nay, anh-hùng, nghĩa-sĩ đi đâu vắng-bặt, khác nào cá, rồng lặng-lẽ đêm thu:
Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ.

( Bát Muộn )


Thời-gian Nguyễn Du lập gia-đình với em gái Tiến-sĩ Đoàn Nguyễn Tuấn, bạn học của Nguyễn Nễ (anh thứ 6, cùng mẹ), thì cả hai anh nghe theo lời hiểu-dụ của vua Quang-Trung, đã ra làm việc với tân-triều. Nhưng Nguyễn Du thì… không! Ông về Quỳnh-côi, nương-náu nhà ông anh vợ.

Vợ ông đã mấy lần có sinh mà chẳng có dưỡng, sau mới được Nguyễn Tứ; con thơ còn nhỏ-dại thì bà đau yếu, qua đời. Tất cả đó đã đẩy nhà thơ vào bước đường cùng. Cũng may, trời bắt lâm vào bể khổ, khiến giục bước phiêu-bồng:


Thiên hồi khổ hải xúc phù tung!

(Trệ khách)


Nguyễn Nễ đã cho tu-sửa lại ngôi nhà của gia-phụ ở Tiên-điền, Nguyễn Du bèn quyết-định rời quê vợ, đem con trở về quê nhà (1796).

Về Hồng-lĩnh chưa được mấy ngày, nghe tin Nguyễn Ánh (trước bị quân Tây-Sơn đánh bật ra khỏi nước) nay đã trở về chiếm lại được Gia-định. Nguyễn Du liền lên đường vào Nam ngay, tính nhờ tay Nguyễn Ánh diệt Tây-Sơn. Chuyện bị lộ, trên đường tới Vinh ông bị bắt. Nhờ viên Trấn-thủ Nghệ-an là bạn thân của Nguyễn Nễ, vả y cũng tiếc tài ông nên chỉ gian mười tuần rồi thả về.

Trong lúc ở tù, bệnh nhiều, Nguyễn Du đã nghĩ đến chuyện sống chết, ông không sợ chết, chỉ lo chuyện phục Lê không xong, phải mang mối hận Bình-chương không biết bao giờ mới hết:

Bình-chương di hận hà thời liễu?

( My Trung Mạn Hứng )


(Xưa Trương Thế-Kiệt phò Đế Bính chống Nguyên; thua chạy đến núi Bình-chương thì bị đắm tầu, chết mang theo mối hận không khôi-phục được nhà Tống.)

Trở về Hồng-lĩnh, Nguyễn Du tiếp-tục cuộc sống ẩn thân và mưu tìm người tài-đức có chung chí-hướng làm chỗ dựa thân, lo chuyện đại-nghĩa.

Quê-hương Hà-tĩnh cảnh-trí hùng-vĩ, sông Lam sâu-thẳm, núi Hồng hoành-tráng dài cả trăm dậm, đã nuôi-dưỡng hùng-tâm con người nặng lòng vì nước vì dân này. Nguyễn Du cảm thấy tinh-thần phấn-trấn, hào-khí chất-ngất:
Bách lý Hồng-sơn chính-khí đồng.

(Ký Hữu )


Ông mơ chuyện đẩy núi Thiên-nhận, lấp bằng năm trăm dậm sông, xây-dựng lại một quê-hương đã nhiều khó-khăn, tàn-phá bởi chiến-tranh, bởi thiên tai:
Nghĩ khu Thiên-nhận sơn,

Điền bình ngũ bách lý.

(Lam Giang)

Đôi khi cao-hứng, nhà thơ để cho trí tưởng-tượng bay bổng theo với ước-mơ, về một tương-lai tươi-sáng đang chờ-đợi:
Vô ngôn độc đối đình tiền trúc,

Sương tuyết tiêu thời hợp hóa long.

( Một mình lặng ngắm hàng trúc trước sân,

Sương tuyết tan rồi sẽ hóa long)

(Ký Hữu)

Nhưng rồi năm tháng lặng-lẽ trôi qua, nghiã-sĩ mỗi ngày một vắng, thời-cơ không đến, công cuộc phục Lê càng ngày càng thêm khó-khăn. Cũng bởi Nguyễn Du đã đồng-hóa chuyện lo khôi-phục nhà Lê với lòng trung-trinh yêu nước trong-sáng, với lòng trung-nghĩa thủy-chung thẳng tắp nguyên-phong của mình, nên dù cảnh-ngộ khắc-nghiệt thế nào, Nguyễn Du vẫn can-đảm một mình đeo-đuổi, sẵn-sàng chấp-nhận gian-khổ:
Cổ mạch hàn phong cộng nhất nhân.

Hắc dạ hà kỳ mê thất hiểu,

(Đường mòn hun-hút, gió lạnh thốc riêng vào một người,

Đêm tối thăm-thẳm, chẳng biết bao giờ mới sáng? )
Và quyết giữ vững tâm-hồn trong-sạch, khí-tiết thanh-cao, không bao giờ chịu để cho bả lợi-danh lôi-cuốn:

Bất sầu cửu lộ triêm y duệ.

Thả hỷ tu mi bất nhiễm trần.

( Không buồn vì dầm sương ướt áo,

Chỉ mừng vì bụi trần chẳng bám được vào râu, mày mình )

(Dạ hành).


Cái hận mất nước vào tay Tây-sơn chưa cứu-vãn được, thì cái nghèo trong cuộc sống thực-tế hằng ngày đã đầy-đọa nhà thơ khốn-đốn:

Nghèo đến nỗi - Suốt ngày bếp không đỏ lửa / Ngoài song chỉ có hoa cúc vàng tươi đẹp…có thể ăn được! :


Táo đầu chung nhật vô yên hỏa,

Song ngoại hoàng hoa tú khả xan.

( Tạp Ngâm II )


Trong lúc cùng-quẫn này, nhà thơ cầu-cứu đến đạo Phật. Nhờ kinh-điển Phật-pháp khai ngộ, ông rõ được lẽ sắc không của sự vật, như lá rơi, hoa nở chỉ là sự chết sống vô-thường của mọi sự vật hiện ra trước mắt ; nên tâm không còn bị vướng-mắc mà lúc nào cũng giữ được sự thanh-thản, an-nhiên, tự tại:
Diệp lạc hoa khai nhãn tiền sự

Tứ thời tâm kính tự như như.

(Tạp Thi)


Suốt 6 năm ẩn cư nơi Hồng-lĩnh, Nguyễn Du cũng đã nhiều lần nhắc đến thú đi săn, đi câu, thú uống rượu, hay ca-ngợi thú ở ẩn trên vạn ngọn núi cao, xa-lánh hẳn nơi gió bụi/ Mây chiều che kín cánh cửa gỗ/ Ước gi thoát khỏi vòng trần-tục/ Ngồi dưới gốc tùng thú biết bao:

Vạn sơn thâm xứ tuyệt phong trần,

Thác lạc sài môn bế mộ vân.

Ná đắc khiêu ly phù thế ngoại,

Trường tùng thụ hạ tối nghi nhân.

(Sơn Thôn)

Không ngoài mục-đích di-dưỡng tinh-thần, giúp ông tạm quên phần nào nỗi buồn-thương thế-sự.

Thời-gian lặng-lẽ trôi, thấm-thoàt đã gần 6 năm ở Hồng-lĩnh (1796-1802), Nguyễn Du nhẩm tính lại, không khỏi ngửa mặt bi-phẫn than trời, bao nhiêu mộng đẹp về lý-tưởng phục Lê giúp nước ( hùng-tâm), về mưu-sinh đều trở thành chuyện hão. Cuộc sống thực-tế bi-đát, đói rét, bệnh-tật triền-miên đã cướp hết tuổi trẻ của ông:


Tráng-sĩ bạch đầu bi hướng thiên,

Hùng-tâm sinh-kế lưỡng mang nhiên,

Xuân lan thu cúc thành hư sự,

Hạ thử đông hàn đoạt thiếu-niên.

(Tạp Thi)


Nguyễn Du cay-đắng, đúng hơn là quá thất-vọng, vì chuyện khôi-phục Lê triều đã đi vào bế-tắc, cả mười năm không ai hỏi tới, ông tìm đâu ra thuốc tiên để chữa căn bệnh trầm-kha này?

Cửu chuyển hoàn đan hà xứ tầm?
Cuối cùng, nhà thơ đành bó tay, chỉ còn biết cầu-mong ở một phép lạ: Uớc gì vầng trăng sáng xuất-hiện / Ánh sáng giọi xuống xua hết mọi bóng tối:
An đắc huyền-quang minh-nguyệt hiện,

Dương-quang hạ chiếu phá quần âm.

( Ngọa Bệnh II)


Thời-thế biến-chuyển, sau 5 năm tại vị, vua Quang-Trung bị bạo-bệnh thăng hà, con là Nguyễn Quang-Toản mới 10 tuổi kế vị, không đảm-đương được việc lớn, quan quân chia-rẽ, chính-sự đổ-nát, dân-tình rối-loạn. Nguyễn Phúc-Ánh có cơ-hội phục thù, đem toàn lực-lượng từ xiêm-la trở về lấy lại Nam-hà rồi Phú-Xuân, lên ngôi Hoàng-đế, đặt niên-hiệu là Gia-Long (1802). Nhiều bề tôi nhà Tây-Sơn đã ra đầu quân cho Nguyễn Vương. Tháng 6 năm Nhâm tuất (1802), Gia-Long thân-chinh tiến đánh Bắc-hà, chỉ trong 1 tháng chiếm được Thăng-long, thống-nhất giang-sơn. Để xoa dịu tình-hình ngoài Bắc, vua Gia-Long phong tước cho con cháu nhà Lê, nhà Trịnh, lại cấp ruộng đất cho hai họ để giữ việc thờ-phụng tổ-tiên. Đồng thời, xuống dụ cho các cựu thần nhà Lê đến nơi hành-tại, tùy tài bổ-dụng. Nhiều người hưởng-ứng.Theo Đại-Nam Chính-Biên Liệt-Truyện, Nguyễn Du“ Đến khi có lệnh gọi, không thể chối từ, ông bất-đắc-dĩ phải ra’’.

Lâm vào hoàn-cảnh không chờ-đợi này, Nguyễn Du chắc hẳn đã nghĩ, nhà Tây-Sơn đã mầt, Gia-Long nay thống-nhất sơn-hà thì chuyện phục-hồi cơ-nghiệp nhà Lê trở thành không tưởng.

Và cái chí-nguyện bình-sinh hướng-thượng của ông trước sau vẫn là mong được phụng quốc. Chẳng thế, ông đã bao năm phải bôn-ba cực-khổ đi tìm người tài-đức để cùng mưu việc phục Lê cứu nước, và làm chỗ dựa thân, đem tài ra giúp nước. Người mà Nguyễn Du nghĩ đến đầu tiên chính là Nguyễn Ánh (Gia-Long ngày nay), khi ông tính chuyện vào Nam mượn tay Nguyễn Ánh diệt Tây-Sơn? Nay Tây-Sơn đã bị Nguyễn Ánh tận diệt; thù nhà, nợ nước coi như đã được họ Nguyễn trang-trải giùm, ông cũng tạm yên lòng? Huống chi, Nguyễn Hoàng, ông tổ của vua Gia-Long cũng là người xuất-thân từ một gia-đình thế-phiệt ngoài Bắc, vào Nam mở-mang được bờ-cõi, lập nên một triều-đình hiển-hách. Gia-Long cũng là người có tài, có chí lớn. Và qua cách đối-xử vừa rồi với con cháu Vua Lê, Chúa Trịnh và đám cựu-thần nhà Lê, thì thấy, Gia-Long cũng là ông vua có nhân, có nghĩa, biết trọng hiền-tài.

Nay Nguyễn Du có lệnh gọi đích danh ra làm việc, không ra, tránh sao khỏi bị nghi-ngờ? Thôi thì hãy tùy duyên ra làm quan với nhà Nguyễn, âu cũng là một cơ-hội để ông góp phần trong công-cuộc kiến-thiết đất nước sau bao năm dài chinh-chiến. Đây chẳng là cái chí phụng quốc cao-thượng mà ông hằng ôm-ấp đó sao?

Nguyễn Du dẫu đã viện ra đủ mọi lý-lẽ để tự trấn an và làm hành-trang rời quê-hương Hồng-lĩnh lên đường ra Thăng-long chờ ngày lãnh ấn nhậm chức. Tháng 8 ông được bổ Tri-huyện Phù-dung, phủ Khoái-châu. Nhưng khi tới Thăng-Long tâm-tư ông sao vẫn rối-bời; ông cảm thấy có một cái gì đó không ổn, cả đêm thao-thức chẳng ngủ, ông bèn viết thư gửi bạn (Ký Hữu) để bộc-lộ nỗi lòng. Rằng ra làm quan với nhà Nguyễn là chuyện vạn bất-đắc-dĩ đó thôi, nếu không, tâm-tình ông đâu có khổ-sở thế này:
Thiên-lý Trường-an thử dạ tình,

Một chức quan nhỏ ở một châu ngoài thì có đáng kể gì?



Nhất châu hà sự tiểu công-danh.
Trong khi ông phải hy-sinh từ bỏ tất cả những thú vui ẩn-dật cực-kỳ cao-nhã, cực-kỳ

thích-thú nơi quê nhà, như đêm nay không còn được ngắm vừng trăng tròn đầy, sáng vằng-vặc trên núi Hồng, hay cái thú thèm chết được là thú nằm khểnh bên song cửa hướng Bắc ( hóng gió mát ), trong cuộc sống yên-ổn, không còn vướng-bận chuyện thế-gian, tâm đạt trạng-thái vắng-lặng, siêu-thoát:


Tiễn sát Bắc song cao ngọa giả,

Bình cư vô sự đáo hư-linh.
Nhưng nỗi khổ tâm lớn nhất của Nguyễ Du chính là, ông lo-sợ khi ra làm quan với nhà Nguyễn rồi, khó giữ được tấm lòng toàn-vẹn như xưa. Khác chi ngọc còn ở trong núi đá chưa đẽo-gọt (thái phác) thì vẹn-toàn, chớ khi lấy ra gọt-rũa rồi, đâu còn giữ được mặt thật của nó nữa:

Thái phác bất toàn chân diện mục.
Muốn phân-trần với bạn để cho lòng mình được nhẹ bớt ưu-phiền thì cứ viết ra thôi, chớ ông chẳng tin người đương-thời hiểu thấu được nỗi lòng đau-đớn, u-uất của ông đâu.

Thàng 8 Nguyễn Du nhậm chức Tri-huyện Phù-dung, phủ Khoái-châu, Trấn Sơn-nam.

Sau mấy tháng làm việc với nhà Nguyễn, ông nhận thấy, chẳng những quan Tổng-trấn Bắc-thành (Thăng-Long bị đổi tên) là một vị tướng (Nguyễn văn Thành), được triệu từ Qui-nhơn đến, mà các quan nắm đầu TamTào cũng đều là người từ trong Nam được bổ ra để phối-hợp điều-khiển việc cai-trị dân. Từ cách tổ-chức làm việc đến cách xưng-hô, nết ăn ở của họ cũng khác-lạ, không giống dân Bắc-hà mình. Như tiếng sáo gấp, tiếng tơ buồn, vạn lần không thể hoà-hợp được:
Cấp quản bi ti vạn bất đồng.

( Ngẫu Hứng)


Đầu tháng 11 lại nghe tin vua Gia-Long vừa cho đem vua tôi binh tướng Tây-Sơn ra pháp trường xử tội một cách vô cùng dã-man, tàn-nhẫn. Kẻ bị xẻo thịt, người bị bêu đầu, vua Thái-Đức Nguyễn Nhạc và vua Thái-Tổ Nguyễn Huệ thì bị quật mả, vứt xác, còn đầu thì đem giam ở ngục tối. Tướng Trần Quang Diệu thì bị lột da, vợ là nữ tướng Bùi thị Xuân và con thì bị cho voi xé xác!

Nguyễn Du quá sửng-sốt, kinh-hãi và tuyệt-vọng trước sự tàn-bạo, thiếu hẳn đức tính độ-lượng cần có của một đấng quân-vương. Thế nên, mấy ngày sau đó ông nhận được chiếu thăng chức Tri-phủ Thường-tín, Hà-đông mà lòng lạnh-tanh, ông mỉa-mai:


Ngoại lộ văn-chương thể,

Trung tàng sát phạt ky.

(Bề ngoài thấy văn-hoa tốt mã/ Bên trong dấu chất độc giết người)

( Khổng Tước Vũ)


Từ đó Nguyễn Du càng chán đời, ông sống lơ-mơ như người trong mộng, chỉ tơ-tưởng tới quê-hương:

Trần thế bách niên khai nhãn mộng,

Hồng-sơn thiên-lý ỷ lan tâm.

(Cõi trần trăm năm chỉ là giấc mộng mở mắt,

Tựa lan can lòng nhớ núi Hồng.)

(La Phù Giang Thủy Các Độc Tọa)


Lúc nhà Lê mới mất vào tay Tây-sơn, ông bơ-vơ lạc-lõng trước cơn lốc thời-cuộc, đã có cảm-tưởng thân mình như nhánh cỏ bổng đứt rễ trong cơn gió thu ào- ạt thổi:
Đoạn bồng nhất phiến tây phong cấp.

( Tự thán )


Nay ra làm quan với nhà Nguyễn, ông khóc thương thân tủi phận, mang mặc-cảm bơ-vơ, lạc-lõng chẳng khác gì xưa:
Nhất lệ thiên nhai sái đoạn bồng.

(Nơi chân trời, khóc thương thân như nhánh cỏ bồng bị lìa gốc)

( Ngẫu hứng II)


Một khi đã mắc vào vòng quan-trường rồi, tấm thân cứ bị câu-thúc mãi. Ngẫm lại, suốt mấy năm ra làm quan với nhà Nguyễn, ông càng ngày càng thêm chán-nản thất-vọng. Ông đã phải sống trong một môi-trường quá phức-tạp, khó-khăn, đám quan-lại hầu hết là dân võ-biền, nay lại được nắm những chức-vị quan-trọng, họ tự tôn mặc-cảm, hống-hách, nghênh-ngang, chia bè chia phái, tranh-giàng quyền-lực, ganh-ghét hãm-hại nhau, người trên bắt nạt kẻ dưới ... Nguyễn Du đả phải gò mình sống theo những luật-lệ phép-tắc khe-khắt nơi đây (trái hẳn với bản-tính trong-sáng, cao-nhã, thanh-tịnh của mình). Gia phả từng ghi, Nguyễn Du làm quan thường bị các quan trên quở-trách nên rất bức chí:

Tây phong xuy ngã chính thê thê,

Thương tàn vật tính bi phù hĩnh,

Khắc lạc thiên chân thất mã đề.

(Ngẫu hứng)


Ý ông muốn nói, giờ đây ông bị kẹt cứng vào thảm-trạng bị gò-bó đến khốn-khổ, khác nào bị hứng chịu trận gió thu lạnh ngăn-ngắt thổi ùa vào người / Ông thương mình khác gì con le, chân ngắn bị nối dài ra/ hay con ngựa trong thiên Mã-đề của Trang-tử, vốn tính thích ăn uống, chạy nhảy tự-do, nay bị Bá Nhạc đem về, nuôi luyện bằng cách đốt lông, xén bờm, gọt móng; làm mất tính tự-nhiên thiên-bẩm của chúng.

Mùa đông năm quí hợi (1804), Nguyễn Du được lệnh sung vào phái đoàn ngoại-giao lên trấn Nam-quan nghênh tiếp phái đoàn sứ-thần nhà Thanh, sang phong sắc cho vua Gia-Long. Tâm-sự khách anh-hùng đã hoàn-toàn nguội-lạnh, không còn nghĩ tới chuyện rong-ruổi nữa:



Anh hùng tâm sự hoang trì sính.
Nay trên đường quan-trường chỉ còn lợi với danh, cái lợi-danh mà Nguyễn Du đã xem là bọt-bèo, là hão-huyền trong bài Mộ xuân Mạn Hứng (Phù lợi vinh danh chung nhất tán), thế mà nay nó chưa buông-tha ông, vẫn đầy-đọa ông trong từng nụ cười, từng cái nhăn mặt cũng phải giả-dối, không được tự-nhiên:
Danh lợi doanh trường lụy tiếu tần.

(Xuân tiêu lữ thứ)


Nhân dịp qua Lạng-sơn, nhìn thấy tượng đá Vọng phu, lòng ông không khỏi cảm-khái trước tấm lòng trinh-tiết của nàng:
Nhất trinh lưu đắc cổ kim thân.

( Tấm thân giữ trọn được tiết-trinh mãi-mãi)

( Vọng phu thạch )

Nguyễn Du nghĩ ngay đến chuyện rũ áo từ quan:
Mộng trung tùng cúc ức qui dư.

(Trong mộng thấy tùng cúc lại nhớ đến chuyện muốn vế)

( Lạng-sơn đạo trung)


Vừa xong công-tác tiếp sứ-thần nhà Thanh trở lại nhiệm-sở, Nguyễn Du liền dâng sớ cáo quan về quê. (Nguyễn Hành đã có thơ đề tặng "Hỉ thúc phụ Thường-tín Tri phủ giải quan quy")

Nhưng nào có yên, mấy tháng sau Nguyễn Du lại có chiếu gọi vào kinh-đô Thuận-hóa ( Huế) làm việc, ông được thăng chức Đông-các Đại-Học-sĩ, và được phong-tước Du-Đức Hầu…Ông còn tiếp-tục khốn-khổ trước những ghen-tỵ, chèn-ép của bọn quan-lại Nam-hà, khiến phải ngậm-ngùi thương thân:


Thù phương độc thác hữu quan than,

Sự lai đồ lệ giai kiêu ngã.

( Thân làm quan gửi chốn xa-lạ,

Khi có việc, bọn nha-lại đều kiêu-căng, lên mặt với ta.)

( Ngẫu Đắc, Nam Trung Tạp ngâm)


Làm ta liên-tưởng tới hai câu thơ trong ĐTTT:
Bó thân về với triều-đình,

Hàng thần lơ-láo phận mình ra đâu?
Hai câu thơ này đã diễn-tả đúng tâm-trạng mặc-cảm “hàng thần” của Nguyễn Du trong thời-gian làm quan tại triều-đình Thuận-hóa.

Tiểu-sử Nguyễn Du cho hay, đời làm quan của ông còn phải kéo dài tới khi nhắm mắt lìa đời mới thực sự được chấm-dứt. Năm 1820, vua Gia-Long băng, Minh-Mệnh nguyên-niên, Nguyễn Du đã về hưu, còn bị triệu ra làm Chánh-sứ sang Trung-quốc báo tang và cầu phong, nhưng chưa kịp đi thì bệnh nặng, ông không chịu uống thuốc, chỉ nằm chờ chết.

Sống bất-đắc-chí, sống sầu-thảm, tủi-nhục, nên Nguyễn Du vẫn cho đó là cuộc sống thừa. Bởi thế, khi sắp mất, ông bảo người nhà sờ chân tay, họ thưa lạnh cả rồi ; ông chỉ nói mấy tiếng: “Được, được’’ rồi tắt thở. Nguyễn Du mất ngày 16-09-1820 (10-08 năm Canh-thìn), thọ 56 tuỗi.
Tóm lại, qua thơ văn chữ Hán của Nguyễn Du chúng ta được biết, ông là một con người có lý-tưởng cao-thượng, tính-tình đa-cảm, dễ xúc-động, đôn-hậu, thủy-chung; bản-chất trong-sạch, cao-khiết.

Lúc mới ra làm quan với nhà Nguyễn, Nguyễn Du đã nuôi hy-vọng, nếu biết giữ mình trong nếp sống thanh-bạch, cao-khiết; và cố đem hết tài-sức tâm-huyết ra làm việc, đạt được nhiều thành-quả tốt-đẹp, mang lại lợi-ích cho dân, cho nước thì cũng có thể biện-bạch được tấm lòng phụng quốc lý-tưởng trong-sáng của mình, và giải-thích được phần nào lý-do vì đâu ông không vẹn được tấm lòng thủy-chung với nước cũ, triều xưa. Cho tới khi vào việc ông mới rõ, tuy được vua Gia-Long đãi-ngộ, cho thăng chức nhanh và cho lãnh chức lớn nhưng bị bọn quan trên chèn-ép, vả không có thực quyền thì hỏi làm gì được? Huống chi trước sau gì ông cũng chỉ là một nhà văn-học thuần-túy, sống nhiều về tình-cảm hơn lý-trí, về tư-tưởng hơn hành-động,“ Mà đã là một nhà văn-học thuần-túy”, nói như học-giả Phạm Quỳnh, “thì không nên tham-dự vào chính-trị’’, tức chốn quan-trường. Đây là “ nơi của những con người thực-tế, lanh-lợi, khéo-léo, biết lợi-dụng thời-cơ hoặc mánh-khoé, thủ-đoạn…”, tất không thể thích-hợp với con người tình-cảm, có lý-tưởng cao-thượng như Nguyễn Du. Ông như đoá hoa lan tinh-khiết,“ Hoa lan phải mọc trong u-cốc, không thể sống lẫn-lộn giữa chợ đời” ( Trích: Văn-Học, Chính-trị trong Kiến-Văn Cảm-Tưởng, Hoa Đường Tùy-Bút, di-cảo của Phạm Quỳnh).

Và Nguyễn Du thường để lòng xót-thương cho những người phụ-nữ tài-hoa bạc-mệnh, đặc-biệt hơn hết với nàng Vương Thúy-Kiều trong đại-tác-phẩm trường-thiên thơ nôm Đoạn-Trường Tân-Thanh và với nàng Tiểu-Thanh, trong thơ chữ Hán Tiểu-Thanh ký. Ngẫm lại đời mình cũng quá nhiều nỗi bất-bình, sống trong cảnh quốc-phá gia-vong thời Lê mạt Nguyễn sơ mà tài-hoa vô-dụng, phẫn chí đến nỗi mới ba mươi tuổi tóc đã bạc trắng. Sau ra làm quan với nhà Nguyễn lại quá thất-vọng và mang nỗi u-uất vì đã không thực-hiện được trọn-vẹn ý-nguyện"Tố-Như" đối với triều xưa, nước cũ như lòng hằng mong-mỏi. Bởi thế, ông thường coi mình là kẻ đồng hội đồng thuyền với họ, và còn tự buộc mình vào chung cái án oan-khiên của tất cả các khách tài-hoa phong-nhã xưa nay:
Xưa nay oan-khổ, trời khôn hỏi,

Chung án phong-lưu, ta tự mang.
Nguyễn Du ôm tất cả nỗi oan-khổ của khách tài-hoa bạc-mệnh để mà thương mà khóc, bất kể thời-gian, không-gian nào, bởi thế tiếng lòng của người thơ càng thêm thống-thiết.

Thế-giới ngày nay còn đầy-dẫy những sự tàn-bạo, bất-công, oán-thù, chia-rẽ… ; biết bao con người chẳng phải tài-hoa cũng đang là những nạn-nhân thê-thiết. Tiếng kêu thương của Nguyễn Du vì thế có giá-trị xã-hội sâu-sắc và mang đầy nhân-bản-tính.

Câu hỏi Nguyễn Du tự đặt ra :
Thiên-hạ, ba trăm năm lẻ nữa

Biết ai còn khóc Tố-Như chăng?
Anh-linh Thi-bá Tố-Như hẳn được nhiều an-ủi, vì đã có biết bao kẻ hậu-sinh thương khóc NGƯỜI.
Phạm thị Nhung

(Paris, tháng 4 - 2011)

Tài-liệu tham-khào :

- Chi-Điền Hoàng Duy-Từ, Nguyễn Du Thơ Chữ Hán

Nhà XB Mr L.Hoàng, California, USA, 1986

- Đặng Cao-Ruyên, Bể Dâu Trong Dòng Họ Nguyễn Du

Tổ-Hợp XB Miền Đông Hoa-Kỳ, 2002

- Lê Hữu Mục - Phạm thị Nhung- Đặng Quốc Cơ, Truyện Kiều và Tuổi Trẻ

Làng Văn XB lần 2, Toronto Ontario Canada, 2001

- Nhất-Uyên Phạm Trọng-Chánh, Hồ Xuân-Hương Nàng Là Ai?

Nhà XB Khuê-văn, Paris, 2001

- Phạm Quỳnh, Kiến-Văn Cảm-Tưởng -- Hoa- Đường Tùy-Bút

di-cảo chép tay của học-giả PQ, thực-hiện trong thời-gian ông về ở ẩn

tại Phú-cam, ngoại thành Huế, 1945.

- Thảo Nguyên , Đọc và Dịch Thơ Chữ Hán Nguyễn Du

Nhà XB Hội Nhà Văn, Hà Nội, 2007

- Trần Trọng-Kim, Việt-Nam Sử-Lược,

Bộ Giáo-Dục, Trung-tâm Học-liệu XB, Saigon, 1971.

- Vũ Băng-Đình, Dịch Thơ Chữ Hán Nguyễn Du, Nhà XB Giáo Dục.


oOo


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   19   20   21   22   23   24   25   26   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương