1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.


- Truyện Kiều Qua Các Khúc Ngâm Trung-Nam-Bắc



tải về 1.72 Mb.
trang22/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   31

20 - Truyện Kiều Qua Các Khúc Ngâm Trung-Nam-Bắc



Tôn Nữ Lệ Ba Ngâm Diễn

Vào năm 2001 giới yêu nhạc yêu thơ hải ngoại xôn xao vì một bộ CD rất công phu diễn ngâm Kiều, do nghệ sĩ Lệ Ba trình bày. Xôn xao vì đây là lần đầu tiên truyện Kiều được diễn ngâm ở một quy mô lớn với rất nhiều trích đoạn, bởi giọng ngâm rất hay, nhạc đệm tài tình, và nhất là người diễn đã trình bày Kiều qua nhiều điệu ca ngâm khác nhau của cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam.
Ngoài Toronto là thành phố nhà được Lệ Ba tổ chức buổi ra mắt đầu tiên, sau đó Lệ Ba còn đi nhiều nơi như Dallas, Florida, Houston và một chuyến lưu diễn xa tận bên Úc. Cho mãi đến cuối tháng 11, đầu tháng 12 năm 2002 , người dân Quận Cam của miền Nam California mới được hân hạnh đón tiếp người nghệ sĩ tài hoa này trong các buổi trình diễn tại Little Saigon. Giáo sư Viện Trưởng Viện Việt Học Nguyễn Khắc Hoạch đã lên giới thiệu sơ lược về nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Ba từ Toronto, Canada sang thăm Miền nam California. Bà hiện là bác sĩ Nha Khoa tại Toronto nhưng máu văn nghệ đã thấm vào người từ thuở còn bé. Mới có 5 tuổi mà cô bé Lệ Ba đã từng được thân sinh là Bác Sĩ Bửu Du, đưa cô con gái yêu biễu diễn tài thuộc thơ đến hơn 100 câu trước quan khách. Sau này, khi lớn lên Tôn Nữ Lệ Ba đã từng là nữ sinh trường Đồng Khánh áo tím ở đất Thần Kinh (Huế) rồi đến trường Gia Long Saigon.

Tỵ nạn tại đất Toronto và sau khi tốt nghiệp bác sĩ Nha Khoa, Tôn Nữ Lệ Ba đã dành nhiều thời giờ cho đoàn văn nghệ cổ truyền Hồng Lạc tại Toronto, Canada mà Tôn Nữ Lệ Ba làm Trưởng đoàn, hôm nay có cơ duyên một lần nửa sang California với một chương trình diễn ngâm Truyện Kiều qua các thể loại Trung Nam Bắc.


Và trưa ngày 30 tháng 9 năm 2007 vào lúc 1 giờ trưa chủ nhật, Lệ Ba trở lại Little Sàigòn một lần nữa chính thức trình bày chương trình “Truyện Kiều qua các khúc ngâm Nam Trung Bắc” tại phòng sinh hoạt nhật báo Viễn Đông cùng ngày Gia Long Thế Giới kỳ 3 tổ chức tại Nam California, với sự có mặt hầu hết các Giáo Sư và Gia Long Thế Giới, đặc biệt màn trình diễn hợp tấu đàn tranh, đàn cò của ba Giáo Sư Gia Long Nguyễn Kim Oanh (Maryland), Giáo Sư Nguyễn Như Mai (Paris) và GS Quốc Gia Âm Nhạc Nguyễn Thúy Hoan (Việt Nam). Phần dẫn nhập do Gia Long Âu Châu Thiên Nga (Paris) đảm trách, cầm Micro điều khiễn chương trình do MC GL Lê Phương Thúy đến từ San José. Một buổi trình diễn Gia Long một trăm phần trăm đáng ghi nhớ.

Thoạt nhìn khán giả, và thân hữu tham dự, có sự góp mặt của Chị Võ Kim Thoàn (cựu Trưởng Ban Tổ Chức GLTG Hải Ngoại Maryland 2001) và Chị Huỳnh Mai Hoàng (Trưởng phái đoàn GL Việt Nam) giúp soát vé bàn ngoài và trông nom quầy CD Kiều, Chị Lê Công An (cựu Trưởng Ban Tổ Chức GLTG kỳ 2 Houston 2005), ân nhân bảo trợ hai thùng donation. Các GS GL Nam Cali Nguyễn Thị Nhung, cựu Thứ Trưởng Bộ Quốc Gia Giáo Dục Nguyễn Thanh Liêm, GS Ngô Thu Cúc (Florida), GS Phạm Thị Nhung và Phu Quân (Paris), GS Nguyễn Diệu Lan, Nguyễn Diệu Chước (Paris), GS Phạm Quỵ (New Mexico), GS Nguyễn Lân (Maryland), GS Hoàng Quỳnh Hoa (Maryland), Anh Chị Nhà Văn Nguyễn Đình Toàn, Anh Chị Nghệ sĩ Trần Lãng Minh-Nga Mi.


Chương trình trình diễn gồm sáu đoạn trích từ truyện Kiều. Trước khi diễn mỗi đoạn, Gia Long Âu Châu Thiên Nga, đọc lời dẫn nhập được viết rất công phu bởi giáo sư Nguyễn Phan Cảnh từ Canada gửi sang.

1. Trao duyên 2. Thúc Sinh 3. Hoạn Thư 4. Từ Hải đón Kiều 5. Tiền Đường 6. Tái hợp.

Trong mỗi trích đoạn, nữ nghệ sĩ Tôn Nữ Lệ Ba đã nhập vai của từng nhân vật diễn ngâm qua các thể loại từ Ca Trù, hát Chèo của miền Bắc cho đến Hò Mái Đẩy, ngâm thơ miền trung và đến nói thơ theo giọng miền Nam. Mỗi vai Tôn Nữ Lệ Ba lại thay đổi một trang phục tượng trưng của nhân vật từ Kiều đến Thúc Sinh, Hoạn Thư, Từ Hải cùng với những lời thơ trích từ trong Truyện Kiều đã lôi cuốn cử tọa và cử tọa rất thích từng đoạn trích do Lệ Ba vừa ngâm thơ vừa diễn xuất.



  • Đoạn đầu tiên được mệnh danh là Trao Duyên:


GL Thiên Nga qua giọng nói nhẹ nhàng đi vào lòng người nghe đã mở đầu khúc Trao Duyên:


Kính thưa qúy vị,

Lạy rồi sẽ thưa”,

Nét văn hóa khiêm cung và hiểu biết ấy làm cho người ta bàng hoàng đến rơi nước mắt. Cái nét văn hóa tuyệt đẹp này của Á Đông, chúng ta lại thấy được ở truyện Kiều. Trong 34 câu lục bát làm nên đoạn TRAO DUYÊN này, phải chăng đã trở thành lời chị ru em trong tiếng võng đưa khắp mọi làng quê đất Việt.

Tôn Nữ Lệ Ba sẽ mở đầu Trích Đoạn bằng giọng ngâm

Hà Tĩnh quê hương Nguyễn Du như một trang trải, vì đó chính

là : ‘Lạy rồi sẽ thưa’.

cho đến

"Phím đàn với mảnh hương nguyền ngày xưa" được ngâm với thể

Tao Đàn. Ở đây, điệu Tao Đàn rất phù hợp với lối tự sự, kể lể,

khẩn nài.. Nghệ sĩ Lệ Ba xuất hiện đầu vấn khăn vàng, áo dài màu xám nhạt, cổ đeo kiềng vàng, đã sử dụng các lối ngâm Hà Tĩnh, ru Bắc, Tao Đàn và Nam Ai để diễn đạt đoạn thơ được xem là bi ai nhất trong truyện Kiều, là đoạn Thúy Kiều ngỏ lời trao mối duyên tình của mình với Kim Trọng lại cho Thúy Vân.

Ngoài thể Tao Đàn, các thể ca ngâm còn lại đều mới mẻ đối với người nghe, nhất là lối ngâm Hà Tĩnh xuất phát từ chính quê hương của cụ Nguyễn Du, đều đã chuyên chở ý tình của mỗi khúc thơ một cách tuyệt diệu.



  • Đoạn thứ nhì tả cảnh biệt ly giữa Kiều và Thúc Sinh khi chàng Thúc từ giã nàng để về quê. Qua giọng nói người dẫn nhập, khán giả đã yên lặng cảm nhận những dòng thơ trữ tình:


Chén đưa nhớ bữa hôm nay,

Chén mừng xin đợi ngày rày năm sau .

Người lên ngưạ, kẻ chia bào

Rừng phong thu đã nhuốm màu quan san

Dậm hồng bụi cuốn chinh an,

Trông vời đã khuất mấy ngàn dâu xanh.

Người về chiếc bóng năm canh,

Kẻ đi muôn dặm một mình xa xôi.

Vầng trăng ai xẻ làm đôi,

Nữa in gối chiếc, nửa soi dặm trường
Biệt ly thường gợi cảnh sông nước, Lệ Ba đã bắt đầu bốn câu đầu bằng điệu hò mái nhì, rồi tiếp đến là ngâm Huế, rồi ngâm Nam.

  • Đoạn thứ ba Lệ Ba hoàn toàn thay đổi xiêm y được đặt tên là "Hoạn Thư".

Ăn mặc theo lối mệnh phụ Trung Hoa thời xưa, và toàn dùng một lối ngâm quen thuộc là Lẩy Kiều. Trong cuộc đánh ghen, Hoạn Thư đã phải nén lòng chờ đợi hơn hai năm trời mới thực hiện được, tưởng đâu sẽ có một cảnh hoả diệm sơn bùng nổ dữ dội;nhưng không, lúc nào nàng ta cũng giữ được bình tĩnh, được thế chủ động để thi hành kế hoạch của mình.

Làm cho nhìn chẳng được nhau

Làm cho đầy đoạ cất đầu chẳng nên.

Làm cho trông thấy nhỡn tiền

Cho người thăm ván, bán thuyền biết tay.
GL Thiên Nga, với giọng nói răn đe làm hồi hộp khán giả:

Bây giờ, qúy vị đã sẳn sàng để gặp HOẠN THƯ chưa?

Tôn Nữ Lệ Ba sẽ diễn tả tâm trạng cùng những suy tư của Hoạn Thư qua Thể Ngâm

Lẩy Kiều và Điệu Trống Quân, Quan Họ Bắc Ninh

Kịch tính lộ rất rõ trong nét mặt, cử chỉ và nhất là trong giọng ngâm của người nghệ sĩ trong đoạn này, cực tả cái đặc tính ghen của người đàn bà mà tên đồng nghĩa với GHEN, là Hoạn Thư. Khán giả thưởng thức từng câu, và những tràng pháo tay nối nhau kéo dài đến hết màn trình diễn.


  • Đoạn trình diễn thứ tư của Lệ Ba là một đoạn vui tươi rộn rã, điều ít thấy trong Kiều. Đó là đoạn Từ Hải.

Nguyễn Du đã xây dựng Từ Hải bằng một hình tượng vô cùng uy nghi.

Bao giờ mười vạn tinh binh …

Tiếng chiêng dậy đất, bóng tinh rợp đường.

Làm cho rõ mặt phi thường ...

Bấy giờ ta sẽ rước nàng nghi gia.

Đây chính là phút giây rực rở, hạnh phúc nhất đời Kiều.

Lối diễn sẽ thăng hoa mang chất Hùng Tráng của Hát Bội về cho ngâm thơ. Và cả sân khấu cung đình bao đời vàng son cũng sẽ lắc mình thức dậy, về Đưa Dâu.

Sau khi thành công "xây dựng cơ đồ," Từ Hải sai người đi đón Kiều, mà Lệ Ba gọi là đoạn "Rước dâu." Dùng thể Hát Bội từ đầu đến cuối, vì cho rằng hầu như thể ngâm nào của Việt Nam cũng buồn, không thích hợp diễn đạt không khí tưng bừng của đoạn này, nghệ sĩ Lệ Ba "sắm tuồng" thành nhân vật Từ Hải, áo hia mũ mãng như một võ tướng ngày xưa, và từng bước đi,từng cái vung tay, hất mặt đều đúng theo cung cách hát bội. Từ trước đến nay không ai đem thơ Kiều ra mà Hát Bội, Lệ Ba là người đầu tiên thể nghiệm, và Hát Bội được đưa vào, và rồi tiếng trống được nổi lên. Tất cả đều tạo tiền lệ. Từ Hải đón Kiều với làn điệu Hát Bội, làn điệu tuyệt vời cho đoạn thơ có tính anh hùng ca, trong bể cả trữ tình Nguyễn Du. Nếu với Hát Bội, mà sự cách điệu hóa đã được đẩy đến cao độ, đến nỗi mỗi điệu bộ, mỗi vẻ mặt, mỗi cử động đều nói lên được tâm tình, nhân cách của nhân vật - thì với Lệ Ba, mỗi làn điệu ngâm cất lên là kinh, và nghiệm sống của nhân vật được cảm nhận. Tiếng trống chầu, trống con và đàn cò do giáo sư nhạc sĩ Nguyễn Văn Châu phụ diễn đã thật sự gây được không khí rộn rã tưng bừng, nâng cao tài diễn xuất và tiếng hát vững vàng của Lệ Ba, kết thúc bằng hình ảnh uy nghi hùng tráng mà không kém đa tình:

Kéo cờ lũy, phát súng thành

Từ Công ra ngựa thân nghênh cửa ngoài

Rỡ mình lạ vẻ cân đai
Hãy còn hàm én mày ngài như xưa...”

Cái chết của Từ Hải chặn đứng tất cả. Và nhịp mau của làn thơ anh hùng ca chết sững và tái sinh trong làn điệu Ngâm Hà Tĩnh với "Một cung gió thảm mưa sầu", làn điệu khơi dậy cái gió thê lương trên bãi chiến trường, làn điệu của chiêu hồn tử sĩ; nhưng cũng là làn điệu của một trở về nguồn cội, thăm lại quê hương Nguyễn Du.



  • Đoạn thứ năm, Tiền Đường thấm đẫm tính cách triết lý của nỗi khổ kéo dài mười mấy năm, được diễn tả vô cùng thích hợp trong lối Ca Trù. Đây cũng là lần đầu Ca Trù được sử dụng để ngâm thơ Kiều. Như thế, khai phá nối tiếp khai phá. Những tiếng "tom," tiếng "chát" và tiếng đàn u ẩn của nhạc đệm như gợi mối tình cảm sâu kín trong lòng mỗi người nghe, nâng đưa tiếng hát của người nghệ sĩ đến tận cùng cái sầu cái thảm của kiếp bạc mệnh. Ai nấy bùi ngùi, nhiều người nhỏ lệ. Nhưng tiếp theo nhạc đệm chuyển sang tiếng tụng kinh văng vẳng và nghệ sĩ Lệ Ba ngồi xếp bằng trước chuông và mõ, lên tiếng tụng Huế, như dần dần mở ra một lối giải thoát...

Có trời mà cũng tại ta

Tu là cội phúc, tình là dây oan...

Từ trước cũng chưa ai đưa tụng Huế vào Kiều, và đây là một thử nghiệm thấy rõ ngay sự thành công. Lời Tam Hợp Đạo Cô luận giải về số phận Thúy Kiều có lẽ không diễn bằng bất cứ thể điệu nào khác thích hợp hơn là tụng Huế như Lệ Ba đã làm, đã đưa đến khán giả một chút đạo vị, một chút hơi hướng giải thoát...



  • Đoạn chót, đoạn thứ sáu, là Tái Hợp, là có hậu sau bao nhiêu nỗi truân chuyên, được Lệ Ba dùng ngâm Huế, Sa mạc, Lẩy Kiều để diễn xuất. Tuy chỉ trích có sáu đoạn nhưng người nghe có cảm tưởng như vừa trải qua cả cuốn truyện Kiều với cả một kiếp nhân sinh đầy đau khổ, với biết bao biến cố tung lên, ném xuống, để cuối cùng với duyên nghiệp phần nào rũ sạch, với sự giác ngộ "tu là cõi phúc, tình là dây oan" Thúy Kiều đã đạt được sự yên ổn trong tâm hồn cũng như trong đời sống. Lệ Ba biết truyện Kiều chứa đựng tâm thức của dân tộc Việt Nam, và đã dùng hết khả năng ca ngâm của mình để đưa thơ Kiều, tư tưởng Kiều đến với đồng bào, để cùng mọi người, người diễn cũng như người thưởng thức, cảm thấy mình Việt Nam hơn, gần gụi nhau hơn, thương yêu nhau hơn...

Buổi trình diễn Kiều vừa qua của Lệ Ba tại Little Saigon là một thành công lớn trong sinh hoạt văn học nghệ thuật tại đây. Nhất là có sự góp mặt của hầu hết GS và Đại Tỷ thân hữu GLTG kỳ 3 chào đón nhiệt liệt. Tổng cộng tiền thu vé và hai thùng donation là $7,800.00 US được trao cho Thầy Thích Chơn Thành giúp trẻ em khuyết tật ở Việt Nam.
Sau buổi diễn ngâm, Lệ Ba ra phía trước ký bán băng CD Kiều mỏi tay! Gần như ai đến nghe Lệ Ba ngâm đêm hôm ấy cũng phải chạy ra phía trước, mua băng Kiều đưa về nhà nghe tiếp cái giọng ngâm, lại một lần nữa đưa Kiều của Nguyền Du lên bệ đài là một tác phẩm văn chương Việt Nam duy nhất cứ mãi được ưa chuộng ở mọi thời đại, ở mọi tầng lớp.

Tiểu Sử Tôn Nữ Lệ Ba

Tôn Nữ Lệ Ba, hiện nay là một Nha sĩ hành nghề tại thành phố Toronto, Canada.

Trên bìa sau CD Thơ Lệ Ba, có ghi đôi giòng về tiểu sử như sau:

Sinh tại Ðồng Hới, Quảng Bình. Lớn lên ở Huế học Tiểu Học và Trung Học Ðồng Khánh, Huế · 1969 tốt nghiệp Trung Học, Trường Trung Học Gia Long, Sàigòn · 1974 tốt nghiệp Nha Sĩ Ðại Học Ðường Y-Nha Khoa Sàigòn · 1967-72 Trưởng Ban Kịch Ðoàn Văn Nghệ Tiên Rồng. 1979 định cư tại Canada. 1982 thành lập nhóm Dân Ca Hồng Lạc tại Montréal. 1990 thành lập Ðoàn Vũ-Nhạc Hồng Lạc tại Toronto. 1998 nhận giải thưởng “Pioneers Arts Award”, Canada. 2000 có tên trong danh sách “150 Prominent Refugees” của UNHCR (Cao Ủy Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc) . Hiện hành nghề Nha sĩ tại Toronto, Canada.


TÁC PHẨM ÐÃ THỰC HIỆN

  • Băng nhựa Thơ Chính Khí Việt (1985) hỗ trợ con tàu Ánh Sáng Cứu Người Vượt Biển.

  • CD Thơ (1999).

  • CD Kiều (2001).

Trong một bài viết kể lại thời niên thiếu của mình Lệ Ba viết:

“Tôi hát dân ca hay hò ru em đâu cần biết một nốt nhạc nào? Tôi còn nhớ có lần đến thăm Thầy Nguyễn Hữu Ba, Giáo Sư Âm Nhạc Cổ điển Miền Trung, là bạn của Thân sinh tôi. Ông biểu tôi hát bài Con Ngựa Ô Huế. Tôi thưa là tôi không dám hát vì sợ trật nhịp. Ông cười trấn an tôi: “Con hát đi, thầy theo con”. Ông vào nhà lấy cây đàn kìm và bắt đầu gảy. Tôi kẹt quá thành thử phải cất giọng. Lạ lùng thay, tôi hát không sai tí nào. Đến bây giờ, tôi cũng không hiểu tại sao, vậy thì nhịp từ đâu ? Mà tôi cũng không cần biết nhịp từ đâu nữa. Tôi thật bằng lòng với sự dốt nát âm nhạc của tôi và có cảm giác nếu tôi phải học để hát cho đúng khuôn khổ thì thà chết sướng hơn…”
Xem thế thì rõ ràng Lệ Ba có một năng khiếu trời cho về ca ngâm.
Nhà văn Phạm Xuân Đài đã phê bình giọng ngâm thiên phú như sau: “Dân ca dân nhạc dường như đã có sẵn trong con người cô, là chính sự sống của cô, và hình như là chính lẽ sống của cô nữa. Cứ sống hồn nhiên, với các cơ duyên bình thường trong cuộc đời thì năng lực ca ngâm nơi cô cũng đủ phát tiết hơn người. Nhưng Lệ Ba là một người đam mê các môn văn nghệ truyền thống Việt Nam, từ nhỏ đã không ngừng lao vào, không ngừng học hỏi, vì cô biết cái thiên bẩm là điều kiện cần nhưng chưa đủ để thể hiện một cách thâm sâu và đa dạng tình cảm dân tộc qua các làn điệu. Năng khiếu và năng lực ấy như là kết tinh của bao hồn tài tử từ bao đời đã hát xướng ca ngâm, đồng thời đã rút hết tinh chất sự sống của mình để xây đắp nên một nền văn nghệ Việt Nam. Lệ Ba là kẻ nối tiếp và phát huy trong một bối cảnh đặc biệt hai triệu con dân nước Việt phải ra đi sống khắp nơi trên thế giới trong những môi trường văn hoá xa lạ, khơi động sợi tơ tình cảm đã được chế tạo từ bao đời trong hệ thần kinh của họ gồm những ca dao tục ngữ, những trống quân cò lả, những tuồng chèo, hát bội, cải lương, những câu hò hụi, hò khoan, những điệu hát Nam ai Nam bằng, và cũng tàng chứa trong đó những Kiều, Chinh phụ ngâm, Cung Oán, Lục Vân Tiên.”

Lệ Ba được sự góp ý của giáo sư Nguyễn Phan Cảnh về Kiều thì về mặt âm nhạc, Giáo sư Trần Văn Khê là người Lệ Ba đã tìm đến với cung cách “tầm sư học đạo” của thời xưa. Cô đã tâm sự với thính giả của đài SBS Úc Châu:


“Về phương diện âm nhạc tôi có qua Pháp hỏi Bác (Trần Văn Khê) tất cả những đoạn mà tôi hát trong truyện Kiều do tôi đã nghĩ ra, nhưng không nắm rõ điệu đó như thế nào, có gì đặc biệt mình phải để ý hay phải tránh. Bác Khê là người ban đầu đã dẫn dắt rất nhiều. Bác đã dạy bồng mạc hát làm sao, sa mạc hát làm sao, lẩy Kiều hát ra sao... Ráng học, biết mình có nhiều chỗ khuyết điểm vì không phải là người ở trong ngành nhạc.”

Ðọc đoạn trích lời giáo sư Trần Văn Khê sau đây chúng ta thấy được tinh thần học hỏi của Lệ Ba như thế nào. Ðó là người biết rõ cái mình có và cái mình chưa có.

Hồi Tôn Nữ Lệ Ba định sang bên này để tìm hiểu thêm về cách ngâm thơ thì bác có nói bác không phải người chuyên môn ngâm thơ, thế nhưng trong nghiên cứu âm nhạc bác biết đủ các cách ngâm thơ, ngâm đúng hay không đúng thì bác đều biết, do đó nếu Lệ Ba muốn qua bên này thì bác sẽ xếp đặt tìm lại trong các đĩa hát xưa, chẳng hạn cách ngâm “sổng”, ngâm sa mạc, bồng mạc, kể chuyện Kiều như thế nào, lẩy Kiều như thế nào để Lệ Ba nghe cho chính xác. Ðồng thời Bác có thể phân tích trong mỗi một cách ngâm chữ nhạc nào là cơ bản, cấu trúc âm thanh nó như thế nào. Lần đó Lệ Ba định sang đây với người chồng, người chồng biết âm nhạc nhiều hơn. Lệ Ba đóng cửa phòng mạch ở Toronto định hai vợ chồng sang bên này nhưng khi sắp đặt rồi thì người chồng bị mổ tim gấp, Lệ Ba phải đi một mình, đem qua máy ghi âm ghi hình đồng thời nghe hết chuyện Bác nói để về cho người chồng nghe lại thì Bác cảm động vô cùng. Bởi vì một người có giọng ngâm rất hay mà muốn tìm hiểu những bí quyết trong cách ngâm thơ, bỏ thì giờ đi sang bên này, sớm mai 9 giờ đã có mặt tại nhà Bác, ngồi học hỏi, trưa nghĩ một chút, qua bên quán cơm cạnh nhà để ăn, trở về nghe tới tối chín mười giờ mới trở về nhà. Năm ngày liên tiếp như vậy. Tới ngày cuối cùng còn nhiều chuyện chưa có hỏi được, hôm đó Lệ Ba chịu khó thức tới 12 giờ, 1 gìờ khuya để hỏi cho hết. Ðiều đó cho Bác thấy Lệ Ba là người nghiêm túc, lại được trời phú cho giọng rất tốt.

Kiều là cái khó nhất, thường thường người ta chỉ lẩy Kiều, lấy một đoạn trong Kiều người ta ngâm ra, có một cái hơi đặc biệt của lẩy Kiều... Sau khi Lệ Ba nhận thức được lẩy Kiều chỗ nào luyến lên chỗ nào ngân xuống, nhưng có nhiều đoạn tôi thấy không thể nào ngâm theo các loại đó được. Chẳng hạn như câu Thúy Kiều nói với Thúy Vân : Ngồi lên cho chị lạy rồi sẽ thưa... rồi tới khi nhớ tới Kim Lang ‘Ôi Kim Lang, hỡi Kim Lang, thôi thôi thiếp đã phụ chàng từ đây’ không thể nào mà ngâm cái hơi nào mà nghe cho được, lúc đó phải la lên, phải khóc lên, than lên, thì cái điệu đó đã có trong tuồng hát bội, tức là chuyển qua hơi nam, hơi thán... rồi thêm tiếng đàn Nam Ai dồn dập họa chăng mới nói được cái tinh thần của lúc đó, là lúc Kiều la lên một tiếng mà kêu chàng Kim Lang. Lệ Ba nghe nói thú vị quá, đóng cửa phòng mạch nữa, đi qua bên Californie tìm người hát bội học sáu ngày... Sau khi học ở bên Californie, cô làm cho tôi một bản nháp. Nghe bản nháp xong, tôi chỉ trích từ đầu chí cuối, Lệ Ba bỏ bản nháp đó. Tôi bảo phải đi về Việt Nam, Lệ Ba về Việt Nam, học tại Sàigòn, rồi gửi cho tôi nghe, tôi chỉ lại thật mau, Lệ Ba ghi âm lại hết, và sửa lại hết..”


Trong chuyến đi Úc tháng 9 năm 2001, Lệ Ba trình diễn dân ca dân nhạc ở những sân khấu quần chúng, nhưng Kiều thì chỉ trình diễn trong các đại học. Ðó là chủ ý của Lệ Ba muốn cho sinh viên học sinh là giới trẻ Việt Nam tại hải ngoại hiểu thêm một chút về truyện Kiều, hoặc chưa biết thì họ có dịp biết. Những buổi như vậy không còn thuần tuý là buổi trình diễn văn nghệ, mà là một dịp trình bày, trao truyền văn hoá.

Ở nguồn cội, là tâm thức tự-do-Việt mà Cụ Nguyễn Du chất vấn đến độ hóa thơ, đâu là bến bờ tự do trong sự hình thành cõi riêng của ta, và cõi-riêng-người giới hạn cõi-riêng-ta đến mức nào. Từ miền đất được sống và nghĩ tự do, Lệ Ba đưa ta về giáp mặt với chất vấn trải dài suốt lữ thứ phiêu bồng làm nên cõi-riêng-Kiều, cõi-riêng-Kim-Trọng, cõi-riêng-Từ-Hải, ... và sự giao thoa giữa các cõi riêng đó trong cuộc khóc-cười nhân sinh.



Ngẫm hay muôn sự tại trời,
Trời kia đã bắt làm người có thân.
Bắt phong trần phải phong trần,
Cho thanh cao mới được phần thanh cao.
Có đâu thiên vị người nào,
Chữ tài chữ mệnh dồi dào cả hai,
Có tài mà cậy chi tài,
Chữ tài liền với chữ tai một vần.
Đã mang lấy nghiệp vào thân,
Cũng đừng trách lẫn trời gần trời xa.
Thiện căn ở tại lòng ta,
Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.
Lời quê chắp nhặt dông dài,
Mua vui cũng được một vài trống canh.


Gia Long Âu Châu ghi chép.
oOo


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   18   19   20   21   22   23   24   25   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương