1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.


- Giải đáp một số nghi vấn trong Truyện Kiều



tải về 1.72 Mb.
trang20/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   31

18 - Giải đáp một số nghi vấn trong Truyện Kiều

qua bản Kiều Nôm cổ của Lâm-Nọa-Phu

Đàm Quang Hưng


Từ khi Truyện Kiều được phiên âm từ Chữ Nôm sang Chữ Quốc Ngữ, có nhiều nghi vấn đã được nêu lên. Một số những nghi vấn ấy - mà chúng tôi tạm gọi là nghi vấn loại I (Một) - đã được các học giả giải đáp một cách thoả đáng, nhưng số nghi vấn còn lại – mà chúng tôi tạm gọi là nghi vấn loại II (Hai) - chỉ được giải đáp một cách gượng ép.

Để có một cái mốc thời gian, chúng tôi xin nhắc lại , vua Gia-Long nhà Nguyễn mất ngày 19 tháng Chạp (tháng 12 âm lịch ) năm Kỷ Mão, tức ngày Thứ Năm 03 tháng 02 năm 1820, thọ 58 tuổi. Mười một (11) ngày sau, Thái Tử Nguyễn-Phước-Đảm lên nối ngôi, làm lễ đăng quang vào ngày Tết Nguyên Đán, mồng 01 tháng Giêng (tháng 01) năm Canh Thìn, tức là ngày Thứ Hai14 tháng 02 năm 1820, cải niên hiệu Gia-Long thành Minh-Mạng. Vào tháng 7 năm 1820 vua Minh-Mạng hạ chiếu cử thi hào Nguyễn-Du, lúc đó đang giữ chức Hữu Tham Tri Bộ Lễ trong triều đình Huế, làm chánh sứ, sang Trung-quốc cầu phong với vua Gia-Khánh nhà Thanh. Chưa đến ngày sứ bộ khởi hành thì thi hào bỗng bị bạo bệnh, mất vào ngày 10 tháng 8 năm Canh Thìn, tức là ngày Thứ Bảy 16 tháng 9 năm 1820, thọ 55 tuổi.

Nhân đây, chúng tôi xin thưa một chuyện. Chúng tôi có được nghe 2 sử gia nói về tương quan giữa năm mất của vua Gia-Long với năm mất của thi hào Nguyễn-Du. Một vị nói: “Thi hào Nguyễn-Du mất sau vua Gia-Long 1 năm”. Vị kia nói:“Thi hào Nguyễn-Du mất cùng năm với vua Gia-Long”. Thưa Quý độc giả, cả hai sử gia cùng nói đúng! Sử gia đầu nói đúng vì ổng nói theo âm lịch,Vua Gia-Long mất vào năm Kỷ Mão còn thi hào Nguyễn-Du mất vào năm Canh Thìn, sau Kỷ Mão 1 năm! Sử gia kia cũng nói đúng vì ổng nói theo dương lịch: Cả vua Gia- Long lẫn thi hào Nguyễn-Du cùng mất vào năm 1820!

Dưới triều vua Tự-Đức nhà Nguyễn (1847-1883), ở kinh đô Huế có một nho sĩ, tên hiệu là Lâm-Nọa-Phu, quê ở Hoan-Châu (vùng Thanh-Nghệ-Tĩnh ngày nay), làm quan trong bộ Công thuộc triều đình Huế. Lâm tiên sinh đã chép tay cuốn truyện thơ Đoạn TrườngTân Thanh (ĐTTT), viết bằng chữ Nôm, của thi hào Nguyễn-Du, tại Mái Tây trong dinh thự bộ Công ở Huế và tiên-sinh đã chép xong cả bản ĐTTT ấy vào ngày 19 tháng 8 năm Canh Ngọ, niên hiệu Tự-Đức thứ 23, tức là ngày Thứ Tư, 14 tháng 9 năm 1870, nghĩa là 50 năm sau khi thi hào Nguyễn-Du mất và trước đây (2011) 141 năm. Bản chép ĐTTT ấy được lưu ruyền trong gia đình họ Lâm và được con cháu họ Lâm đem theo khi họ di cư từ Huế vào Saigon.

Sau chính biến 1975, có chiến dịch thiêu hủy sách báo, văn hóa phẩm miền Nam, nhiều gia đình đem các sách cũ, mới ra bày bán rẻ ở các lề đại lộ Saigon, để người mua dùng làm giấy gói đồ, cuốn ĐTTT do Lâm tiên sinh chép tay cũng được đem ra bày bán. Trưởng nam của chúng tôi đã mua được bản chép tay ấy.

Vào năm 1984, khi chúng tôi đang cư ngụ tại thành phố Houston, tiểu bang Texas, Hoa-kỳ, thì chúng tôi nhận được bản ĐTTT chép tay ấy do con chúng tôi gửi biếu.


Ngày nay, dân tộc Việt-Nam chúng ta đã thu thập được rất nhiều bản Kiều Nôm cổ khác nhau. Thế mà, mới chỉ đọc 1 bản nói trên thôi, chúng tôi cũng đã thấy ngày nay chúng ta có thể giải đáp được nhiều nghi vấn loại II một cách thoả đáng hơn, qua các bản Kiều Nôm cổ.
Trong khuôn khổ hạn hẹp của bài viết này, chúng tôi chỉ xin nêu ra 3 thí dụ về những thắc mắc loại II.

xxxxx
Thí dụ 1:
Thắc mắc: “Liệu có đúng là thi hào Nguyễn-Du đã dùng hai chữ “nét ngài”

để mô tả nhan sắc của Thuý-Vân hay không?”:
Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, “nét ngài” nở nang. (câu 19-20)
Trong Truyện Kiều, thi hào dùng từ kép “mày ngài” để dịch ý hai từ kép vừa khác nhau về âm, vừa khác nhau về nghĩa trong Hán văn: đó là “nga mi” “ngọa tàm”.

Vì “mày ngài 1” = “nga mi” = “lông mày con ngài”, tức râu con ngài, vừa nhỏ sợi, vừa dài, vừa cong, có vẻ đẹp mảnh mai, nên trong Hán văn, từ kép này thường được dùng để ví với cặp lông mày của các mỹ nhân. Theo nghĩa rộng, “mày ngài 1” được dung để chỉ những cô gái chốn lầu xanh. Trong bài viết này, chúng tôi xin tạm gọi:


“mày ngài 1” = “mày ngài-nga mi” = “mày ngài nữ”
Vì “mày ngài 2” = “ngọa tàm” = “con tằm nằm”, thân hình tròn trịa, nằm cong cong trên lớp lá dâu trải trong nong, có dáng đẹp mạnh bạo, nên trong Hán văn, từ kép này thường được dùng để ví với cặp lông mày rặm, trên khuôn mặt các võ sĩ. Theo nghĩa rộng, “mày ngài 2” được dùng để chỉ những tay hảo Hán trong chốn giang hồ. Trong bài viết này, chúng tôi xin tạm gọi: “mày ngài 2” = “mày ngài-ngoạ tàm” = “mày ngài nam”.
Trong Truyện Kiều, thi hào Nguyễn- Du đã dùng từ kép “mày ngài” 3 lần:

Lần 1, thi hào dùng từ kép “mày ngài” với nghĩa “mày ngài nữ” cho những cô gái trong chốn lầu xanh của Tú-Bà. Khi Thuý-Kiều theo Mã-Giám-Sinh về tới Lâm-truy thì được Tú-Bà ra đón vào nhà, Kiều nhìn thấy nơi phòng khách có hai hàng ghế kê sát hai bức tường đông, tây; một bên thì có mấy cô gái lầu xanh, bên kia thì có bốn năm khách làng chơi đang ngồi đợi đến lượt mình được bà chủ mời tới chọn bạn gái.


Bên thì mấy ả mày ngài

Bên thì ngồi bốn năm người làng chơi. (c 927-928)
Lần 2, Thi hào dùng từ kép “mày ngài” với nghĩa “mày ngài nam” cho người tướng giang hồ râu quai nón Từ-Hải. Đó là lần đầu tiên Thuý-Kiều nhìn thấy Từ-Hải xuất hiện tại lầu xanh của Bạc-Bà:
Râu hùm, hàm én, “mày ngài”

Vai năm tấc rộng, thân mười thước cao. (c 2167-2168)

Lần 3, Thi hào lại dùng từ kép “mày ngài” với nghĩa “mày ngài nam” cũng cho Từ-Hải.

Sau nửa năm lấy nhau, Từ-Hải để Thuý-Kiều ở nhà, còn mình thì đem binh đi chiếm cứ đất đai trong vùng tỉnh Sơn-đông để mở rộng phần lãnh thổ thuộc quyền mình kiểm soát. Thành công trở về, Từ-Hải lập doanh trại lớn, đắp thành luỹ bao quanh, đi đâu cũng phục sức rạng rỡ như Đại tướng của triều đình, mũ mãng cân đai, cưỡi ngựa uy nghi, có đoàn kỵ binh theo hầu. Từ Hải bèn sai binh sĩ đem một đoàn xe ngựa về nhà rước vợ tới doanh trại ở với mình. Khi lính canh cổng vào trình báo đoàn xe Thuý-Kiều đã tới, Từ Hải liền ra lệnh kéo cờ rợp thành luỹ, cho nổ đại bác vang lừng, rồi sai binh lính mở rộng cổng để mình cưỡi ngựa ra tận bên ngoài đón vợ vào doanh trại.

Thuý-Kiều nhìn thấy chồng hơi lạ trong phục sức gấm vóc rạng rỡ, mũ mãng cân đai, nhưng diện mạo thì vẫn giữ được vẻ đẹp hào hùng, thân quen như trước:



Rỡ mình lạ vẻ cân đai

Hãy còn hàm én “mày ngài” như xưa. (c 2271-2272)
Bây giờ, chúng tôi xin nói về hai từ “nét ngài”:

“Nét ngài” có nghĩa là “hình ảnh mảnh mai và linh động của mày ngài nữ”. Vậy “nét ngài” có hai đặc tính là “mảnh mai” và “linh động”.


(a) Mảnh mai: Vì “mày ngài nữ” trông tựa “nét bút chì” nhẹ lướt theo một đường cong trên mặt giấy nên “mày ngài nữ” được gọi là “nét”. Còn “mày ngài nam” thô bản tựa “con tằm” nằm trên lá dâu nên không được gọi là “nét”

(b) Linh động: Vì “mày ngài nữ” = “nét ngài” có thể chuyển động được. Một cô gái có thể “nhíu nét ngài” để lườm nguýt, có thể “giuơng nét ngài” để nhìn rõ một vật hoặc để tỏ thái độ ngạc nhiên v.v… Ở mỗi trạng thái trong quá trình chuyển động của “mày ngài”, mỗi “nét ngài” mang một ý riêng. Khi lườm nguýt, cô gái dùng “nét ngài” để diễn tả ý bất bình giận dỗi hoặc ý âu yếm, nũng nịu, thay cho lời nói. Trong chốn lầu xanh, các kỹ nữ phải học tập cách điều khiển “nét ngài” để mê hoặc đàn ông. Vào thời Đông Chu, người đẹp Tây-Thi chỉ khẽ “nhíu nét ngài” là người đàn ông đối diện lập tức bị mê hồn. Vì thế khi lập lại lời Tú-Bà giảng dạy cho Thuý-Kiều nghe những phương cách chiêu dụ khách làng chơi, thi hào Nguyễn-Du đã viết:


Khi khoé hạnh, khi “nét ngài”,

Khi ngâm ngợi nguyệt, khi cười cợt hoa. (c 1213-1214)
Trong tất cả các bản Truyện Kiều in bằng Chữ Quốc ngữ, xuất bản ở Hà-nội, Huế hoặc Sài-gòn, từ 1934 đến 1954, ta đều đọc thấy hai câu mô tả nhan sắc Thuý-Vân như sau:
Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn,“nét ngài”nở nang. (câu 19-20)

Thế nên, các học giả ở nước ta trong thế hệ trước, hầu hết đều cắt nghĩa là:



  1. Khuôn trăng đầy đặn: ý nói mặt bầu bĩnh, dày dặn, phúc hậu. “Nét ngài” tức là nét mày ngài, dịch chữ “nga mi” của Tàu. “Nét ngài nở nang” ý nói lông mày Thuý-Vân hơi thô, to bản.

  2. Thậm chí, vào năm 1952, khi soạn giả Vân-Hạc Lê-Văn-Hoè cho xuất-bản cuốn Truyện Kiều Chú Giải ở Hà-nội, ông còn đưa ra lời bình luận: “Mặt đầy đặn phúc hậu thì phải có lông mày như thế mới xứng”!

Chúng tôi nhớ hồi còn nhỏ, có một học giả Pháp ở Paris, sang nước ta để học tiếng Việt và nghiên cứu về văn chương Việt. Ông nghiên cứu rất kỹ về cuốn Truyện Kiều của thi hào Nguyễn-Du rồi đến thăm một vị túc nho người Việt, giỏi Pháp học. Ông hỏi vị túc nho: “Trên thế giới, dù ở nơi nào và vào thời nào, thì một thiếu nữ có cặp lông mày rậm mà quý vị thường gọi là “lông mày sâu róm”, cũng không thể là một thiếu nữ đẹp. Vậy thì tại sao thi hào Nguyễn-Du của quý vị lại mô tả Thuý-Vân với cặp lông mày rậm, và cho rằng Thuý-Vân là một thiếu nữ đẹp?”. Vị túc nho của chúng ta đáp: “Theo quan niệm của Đông phương chúng tôi thì khi muốn mô tả cái đẹp phúc hậu của một thiếu nữ, người ta thường mô tả sự đầy đặn, chứ không ưa mô tả sự mảnh mai. Vì vậy, thi hào của chúng tôi mới viết như thế”. Học giả người Pháp vẫn không hiểu.

Riêng chúng tôi, vì hồi đó còn nhỏ, không dám nói leo. Tuy nhiên, trong thâm tâm, chúng tôi vẫn không chịu sự giải thích của vị túc nho.
Chúng tôi nghĩ nếu đem 2 từ kép hàm 2 ý “mâu thuẫn nhau” mà ghép với nhau thì ta sẽ được một cụm từ “nghe không ổn”.
Thí dụ ta nói “vóc hạc mảnh khảnh” thì “nghe ổn”, nhưng nếu ta nói “vóc hạc phục phịch” thì “nghe không ổn” vì “vóc hạc” và “phục phịch” hàm 2 ý “mâu thuẫn nhau”.

Cũng thế, thí dụ ta nói “nét ngài mảnh mai” thì “nghe ổn”, nhưng nếu ta nói “nét ngài nở nang” thì “nghe không ổn” vì “nét ngài” và “nở nang” hàm 2 ý “mâu thuẫn nhau”.

Hơn nữa, chúng tôi nghĩ thi hào Nguyễn-Du chỉ dùng từ kép “nét ngài” cho các cô gái lầu xanh thôi, chứ không dùng từ kép ấy cho các thiếu nữ thuỳ mị, nết na thuộc các gia đình trưởng giả, gia giáo như Thuý-Vân.

Vào năm 1990, một tối, chúng tôi đem cuốn Đoạn Trường Tân Thanh chép tay bằng Chữ Nôm của Lâm-Nọa-Phu tiên sinh ra đọc. Mới đọc chưa hết trang đầu, khi đọc tới hai câu:



Vân xem trang trọng khác vời,

Khuôn trăng đầy đặn, “nét người” nở nang. (c 19-20)
Chúng tôi bỗng giật mình nhẹ nhõm, vì thấy hai câu ấy đã giải toả được cho chúng tôi nỗi thắc mắc về nhan sắc của Thuý-Vân trong bấy lâu nay.
Chúng tôi thầm nghĩ:

Thi hào của chúng ta muốn mô tả một nàng Thuý-Vân phúc hậu, đã mô tả khuôn mặt và thân hình của nàng:“khuôn mặt thì tròn trĩnh” mà “thân hình thì đầy đặn”. Thi hào đã có cái táo bạo của nhà thơ cấp tiến khi mô tả Thuý-Kiều tắm trong màn mỏng ở lầu xanh cho Thúc-Sinh coi thì hẳn thi hào phải có dư cái táo bạo khi mô tả nhan sắc Thuý-Vân qua hai phần là khuôn mặt và thân hình, y như các giám khảo trong những cuộc thi hoa hậu quốc tế ngày nay.



Kết luận: Chúng tôi nghĩ rằng hai câu:
Vân xem trang trọng khác vời

Khuôn trăng đầy đặn, nét người nở nang. (c 19-20)
Mà Lâm tiên sinh đã chép tay để lại cho hậu thế, có xác suất cao đúng là hai câu do thi hào Nguyễn-Du đã viết ra.

xxxxx
Thí dụ 2:

Thắc mắc: “Liệu có đúng là thi hào Nguyễn-Du đã dùng hai chữ “đồng thân”

để chỉ sự liên hệ giữa Kim-Trọng với Vương-Quan hay không?”.
Chung quanh vẫn đất nước nhà

Với Vương Quan, trước vẫn là “đồng-thân”. (c 153-154)
Từ trước đến nay, chúng tôi đã được nghe 2 ý kiến đối chọi nhau của các độc giả Truyện Kiều về liên hệ giữa Kim-Trọng với Vương-Quan:
Ý kiến 1: Kim-Trọng là bạn học của Vương- Quan và vì thế, Kim-Trọng phải nhỏ tuổi hơn Thuý-Kiều.
Một người bạn chúng tôi thuật chuyện:

“ Vào năm 1944, hồi còn ít tuổi, tôi theo học năm đầu ở bậc Trung học, tại Hà-nội. Một hôm, thầy giáo Việt văn hỏi tôi về tuổi của Kim-Trọng so với tuổi của Thuý-Kiều. Tôi đáp: “Thưa Thầy, Kim-Trọng lớn tuổi hơn Thuý-Kiều!”. Thầy giáo mắng tôi: “Dốt!” rồi Thầy cắt nghĩa cho cả lớp cùng nghe:


“ Vì Kim Trọng là bạn học của Vương-Quan nên Kim-Trọng phải “cùng lứa tuổi” với Vương-Quan, nghĩa là hoặc Kim-Trọng nhỏ hơn Vương-Quan một vài tuổi, hoặc bằng tuổi Vương-Quan, hoặc Kim-Trọng lớn hơn Vương-Quan một vài tuổi.

Thế nhưng, Kim-Trọng lại là một chàng trai con nhà danh giá giàu sang, dòng dõi văn chương, trời cho trí óc thông minh, diện mạo và dáng dấp đẹp đẽ, cốt cách quý phái, tính tình hào hoa phong nhã, nổi tiếng đa tài, như thi hào Nguyễn Du đã mô-tả trong 6 câu:


Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim, tên Trọng, vốn nhà trâm anh

Nền phú hậu, bậc tài danh

Văn chương nết đất, thông minh tính trời

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. (c 147-152)
Vậy thì, Kim-Trọng phải thông minh hơn chú bé Vương-Quan, em út của Thuý-Kiều, hay ít nhất cũng phải thông minh bằng Vương-Quan.

Vì thế, Kim-Trọng phải nhỏ tuổi hơn Vương-Quan hoặc bằng tuổi Vương-Quan là cùng.

Do đó, “Kim-Trọng phải nhỏ tuổi hơn Thuý-Kiều, chị cả của Vương-Quan!”

Có nhiều độc giả đồng ý với lập luận này.

Năm 1952, trong cuốn Truyện Kiều Chú Giải xuất bản ở Hà-nội, soạn giả Vân-Hạc Lê- Văn-Hoè cũng đồng ý với lập luận này nên ông đã cho in như sau:
Vương- Quan, tuổi độ 11, 12. Kim-Trọng là bạn học với chàng, chắc cũng chỉ vào trạc tuổi đó. Nếu bảo rằng Kim-Trọng hơn tuổi Vương-Quan và Thuý-Kiều, tức 16, 17 tuổi, thì không đúng, vì Kim-Trọng văn chương nết đất, thông minh tính trời! Có lẽ nào 16, 17 tuổi mà còn học cùng với anh 11, 12 tuổi!

Vậy Kim-Trọng chỉ bằng trạc tuổi em Kiều.

Thế mà đã biết mê Kiều thì kể cũng hư sớm quá!’’
Ý kiến 2: Kim-Trọng lớn tuổi hơn Thuý-Kiều và vì thế, Kim-Trọng không thể là bạn học của Vương-Quan:

Thưa Quý độc giả:

Lập luận bênh vực ý kiến 1 khởi đi từ tiên đề:

Kim-Trọng là bạn học của Vương-Quan”

còn lập luận bênh vực ý kiến 2 khởi đi từ tiên đề:

Kim-Trọng là người tình của Thuý-Kiều”.


Cả hai lập luận cùng căn cứ trên “sự mâu thuẫn” giữa đoạn 6 câu:

Nguyên người quanh quất đâu xa

Họ Kim, tên Trọng, vốn nhà trâm anh

Nền phú hậu, bậc tài danh

Văn chương nết đất, thông minh tính trờ

Phong tư tài mạo tót vời

Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa. (c 147-152)

với đoạn 2 câu:



Chung quanh vẫn đất nước nhà

Với Vương Quan, trước vẫn là “đồng thân”. (câu 153-154)
Lập luận 2 là như sau:
Vì Kim-Trọng là người tình của Thuý-Kiều nên Kim-Trọng phải lớn tuổi hơn Thuý-Kiều hoặc ngang tuổi với Thuý-Kiều. Vậy thì Kim-Trọng phải lớn tuổi hơn Vương-Quan.

Rồi lập luận 2 này cũng dùng lý lẽ như lập luận 1:

Thế nhưng, Kim-Trọng lại là một chàng trai con nhà danh giá giàu sang, dòng dõi văn chương, trời cho trí óc thông minh, diện mạo và dáng dấp đẹp đẽ, cốt cách quý phái, tính tình hào hoa phong nhã, nổi tiếng đa tài, như thi hào Nguyễn-Du đã mô tả như trong 6 câu ở trên. Do đó, Kim-Trọng phải “đi học từ sớm” và “đi học trước Vương-Quan từ lâu”, nên Kim-Trọng không thể nào là “bạn học cùng lứa” với Vương-Quan được!

Riêng chúng tôi, chúng tôi không đồng ý với ý kiến 1. Chúng tôi nghĩ:

Lẽ nào vào buổi gặp gỡ 3 chị em Thuý-Kiều trong dịp tiết Thanh minh, Kim-Trọng mới chỉ là một chú bé 11 tuổi?

Lẽ nào chú bé Kim-Trọng cưỡi ngựa đi dự hội Đạp Thanh mà đã có phong độ của một văn nhân?

Lẽ nào chú bé Kim-Trọng có thể cưỡi ngựa với phong độ của một kỵ sĩ nhà nghề, dám “lỏng buông tay khấu” để “bước lần dặm băng”?

Lẽ nào chú bé Kim-Trọng đã có được cái tao nhã “lưng túi gió trăng” của một văn nhân đứng tuổi? [Hán văn : Bán nang phong nguyệt = Nửa túi gió trăng = Lưng túi gió trăng]

Lẽ nào chú bé Kim-Trọng cưỡi ngựa đi dự hội Đạp-Thanh mà có tới “vài thằng con con” theo chân để hầu hạ?

Còn hơn thế nữa, lẽ nào chú bé Kim-Trọng 11 tuổi, mê mẩn thiếu nữ Thuý-Kiều sắp tới 15, [sắp làm lễ cập kê, búi tóc, cài trâm vào sinh nhật thứ 15 của thiếu nữ] để rồi chừng 3 tháng sau [tuần trăng thấm thoắt, nay đà thêm 2], vào ngày cả Vương-Ông, Vương-Bà cùng hai em đi sang bên ngoại mừng Lễ Thọ. Chú bé Kim-Trọng được gặp Thúy-Kiều.

Lẽ nào một chú bé 11 tuổi mà đã dám than thở với người yêu 15 tuổi:
Anh nhớ em đến độ bạc trắng nửa mái tóc!”?

Những là đắp nhớ đổi sầu

Tuyết sương nhuộm nửa mái đầu hoa râm. ( c 383-384)
Năm 1990, khi đọc bản Kiều Nôm chép tay của Lâm tiên sinh, chúng tôi thấy tiên sinh chép hai câu 153-154 như sau:


Chung quanh vẫn đất nước nhà

Với Vương-Ông trước, vẫn là “tương thân” (c 153-154)
Khi đọc tới hai câu này, chúng tôi tin ngay rằng “trước kia”, Kim-Trọng đã là bạn vong niên của Vương-Ông về văn chương, thường tới nhà Vương-Ông bàn luận văn chương nên người con trai của Vương-Ông là Vương-Quan mới “quen mặt” Kim-Trọng. Thế nhưng, 2 người con gái của Vương-Ông là 2 nàng “kiều nữ” vẫn phải “trướng rủ màn che” trong khuê phòng, nên không “biết mặt” Kim-Trọng.

[Nhân đây, chúng tôi xin độc giả phân biệt 2 chữ “kiều” khác nhau trong Hán ngữ: chữ “kiều” trong common noun “kiều nữ” với chữ “kiều” trong proper noun “Thuý-Kiều”].

Vì thế, khi đi dự hội Đạp Thanh về, lúc ba chị em Thuý-Kiều gặp Kim-Trọng, thì:
Chàng Vương quen mặt ra chào

Hai“kiều” [kiều-nữ] e-lệ, nép vào dưới hoa” (c 145-146)
Lại nữa, “trước kia”, khi tới nhà Vương-Ông bàn luận văn chương, Kim-Trọng vẫn thường được nghe người ta đồn rằng Vương-Ông có 2 người con gái đẹp lắm, nhưng Kim-Trọng chưa bao giờ được gặp mặt:
Vẫn nghe thơm nức hương-lân

Một nền đồng tước khoá xuân hai kiều . (c 155-156)
Kết luận: Với suy luận trên, chúng tôi nghĩ rằng hai câu:
Chung quanh vẫn đất nước nhà

Với Vương-Ông trước, vẫn là “tương thân”. (c 153-154)
Mà Lâm tiên sinh đã chép tay để lại cho hậu thế, có xác-suất cao đúng là hai câu do thi hào Nguyễn-Du đã viết ra.
xxxxx

Thí dụ 3:

Thắc mắc: “Liệu có đúng là thi hào Nguyễn-Du đã dùng từ “thốt” để thay cho từ “nói” trong việc mô tả tác phong “nói-cười” của Thuý-Vân hay không?”.
Hoa cười, ngọc “thốt” đoan trang

Mây thua nước tóc tuyết nhường màu da. (c 21-22)
Trong tất cả các bản in tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn-Du, bằng Chữ Quốc Ngữ, phát hành ở Hà-nội, Việt-Nam, từ năm 1934 đến năm 1954, người ta đọc thấy 8 câu trong đó thi hào Nguyễn-Du đã dùng cả hai từ “nói” và “cười”.

Tuy nhiên, người ta chỉ thấy trong 7 câu sau là có đủ cả 2 chữ “nói” và “cười”, còn trong câu đầu thì chỉ có chữ “cười” thôi, chứ không có chữ “nói”, vì chữ “nói” đã được thay bằng chữ “thốt”:




  1. Khi giới thiệu về phong thái của lời “nói” với tiếng “cười” của Thuý-Vân, thì trong tất cả các bản Đoạn Trường Tân Thanh in bằng chữ Quốc ngữ nói trên, người ta đều đọc thấy:


Hoa “cười”, ngọc “thốt”, đoan-trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. (c 21-22)
(2) Sau khi cưới vợ lẽ (Thuý-Kiều) ở Lâm-truy, Thúc-Sinh sợ vợ cả (Hoạn-Thư) ở Vô-tích ghen, nên không dám báo cho vợ cả biết. Tuy nhiên, Hoạn-Thư đã nghe thấy người ta đồn về chuyện ấy nhiều lần rồi.

Một hôm có 2 gia nhân nhà Hoạn-Thư đi chợ, nghe được chuyện ấy, bèn về trình báo với nữ chủ để tâng công. Hoạn-Thư giả vờ thịnh nộ, nói rằng tin ấy là tin bịa đặt, rồi sai quân hầu vả miệng, bẻ răng 2 kẻ trình báo. Vì thế, trong ngoài kín mít như bưng, không còn ai dám ho he nói điều chi nữa. Hoạn-Thư cứ thảnh thơi, “nói cười” như không.

Thi hào Nguyễn Du đã mô tả thái độ của Hoạn-Thư như sau:
Buồng đào, khuya sớm thảnh thơi

Ra vào, một mực“nói cười” như không. (c 1565-1566)
(3) Khi thấy Thuý-Kiều khuyên Thúc -Sinh nên về Vô-tích thăm vợ cả, Thúc-Sinh liền nghe lời mà lên đường. Tới nhà, Thúc-Sinh được Hoạn-Thư vồn vã đón tiếp, thái độ cực kỳ vui vẻ, cười nói suốt ngày. Mấy lần Thúc-Sinh ấp úng rào đón để thú thực với Hoạn-Thư về việc mình đã cưới vợ lẽ thì Hoạn-Thư lại chặn đứng ngay, nói lảng sang chuyện khác.

Thi hào đã mô tả thái độ của Hoạn-Thư như sau:


Mấy phen “cười nói” tỉnh say

Tóc tơ bất động mảy may sự tình. (c 1575-1576)
(4) Thúc-sinh trở lại Lâm-truy, nghe cha già kể chuyện đã chôn cất Thuý-Kiều trọng thể sau khi Thuý-Kiều thác vì hoả hoạn. Thúc-Sinh buồn tê tái. Ở Lâm-truy với cha được ít lâu, Thúc-Sinh lại xin cha cho mình về Vô-tích thăm vợ cả. Thúc-Ông giục Thúc-Sinh lên đường.

Thúc-Sinh tới nơi, Hoạn-Thư gọi Thuý-Kiều ra chào Ông Chủ. Khi Thuý-Kiều với Thúc-Sinh nhìn thấy nhau thì cả hai mới giật mình, hiểu ra mưu kế mà Hoạn-Thư đã dàn dựng.

Thi hào Nguyễn-Du đã cho Thuý-Kiều tự nhủ về tính thâm độc của Hoạn-Thư như sau:
Bề ngoài thơn-thớt “nói cười”

Mà trong nham hiểm giết người không dao. (c 1815-1816)
(5) Hoạn-Thư ngồi ở bàn rượu với chồng, bắt Thuý-Kiều phải đứng trực một bên, hai tay bưng bình rượu, để mỗi khi thấy chén của Ông Chủ cạn thì phải tới rót thêm rượu vào, rồi phải lên tiếng mời Ông Chủ dùng.
Vì quá đau lòng, Thúc-Sinh ngảnh mặt, giấu hai tròng mắt đỏ hoe, giả lả “nói cười” với Hoạn-Thư, rồi quay bảo Thuý-Kiều: “Tôi say rồi! Xin cô đừng rót thêm cho tôi nữa!”.

Thi hào đã mô tả hành động của Thúc-Sinh như sau:



Ngảnh đi, chợt “nói”, chợt “cười”

Cáo say, chàng đã tính bài lảng ra. (c 1841-1842)
(6) Hành hạ Thuý-Kiều như vậy, Hoạn-Thư khoái trá lắm, “cười nói” vang nhà. Nhưng vì cảm thấy hành hạ như thế vẫn chưa đủ, Hoạn-Thư lại bày thêm một trò chơi khác là bắt Thuý-Kiều phải gảy đàn cho Ông Chủ nghe.

Thi hào Nguyễn Du đã mô tả hành động của Hoạn-Thư như sau:


Tiểu-Thư “cười nói” tỉnh say

Chưa xong cuộc rượu, lại bày trò chơi. (c 1847-1848)
(7) Thuý-Kiều gảy “Nhạc khúc Đoạn trưòng”. Nghe tiếng đàn, Thúc-Sinh não ruột, nuớc mắt lã chã, cúi đầu giấu vợ, dùng ống tay áo gạt nước mắt, ngồi im lặng, chẳng “nói” chẳng “cười”. Thấy thế, Hoạn-Thư quay mắng Thuý-Kiều: “Con kia! Đây là cuộc vui đoàn tụ của ông Chủ với ta! Sao ngươi chẳng biết ý tứ gì, đem khúc Đoạn Trưòng gảy trong cuộc vui! Tội ngươi nặng lắm!” Nghe vợ nói thế, Thúc-sinh hãi quá, vội vàng gượng “nói” gượng “cười” cho qua.

Thi hào đã mô tả hành động của Thúc-Sinh như sau:


Sinh càng thảm-thiết bồi-hồi

Vội vàng gượng “nói”, gượng “cười” cho qua. (c 1863-1864)
(8) Sau khi hành hạ Thuý-Kiều, Hoạn-Thư thấy mình hơi quá đáng nên cũng thương hại bèn cho Thuý-Kiều ra tu hành ở Quan Âm các, xây cất trong vườn nhà, như lời Kiều thỉnh cầu.

Một hôm, Hoạn-Thư giả vờ về thăm mẹ. Thúc-Sinh mừng quá, vội lẻn ra Quan Âm các thăm Thuý-Kiều. Gia nhân giong xe cho Hoạn-Thư đi, mới chừng nửa dặm thì Hoạn-Thư ra lệnh cho quay xe về. Hoạn-Thư vào Quan-Âm-Các, bắt gặp Thúc-Sinh đang tâm-sự với Thuý-Kiều. Cả Thuý-Kiều lẫn Thúc-Sinh đều tái mặt. Thuý-Kiều đang chờ đợi sự phẫn nộ và trừng phạt của Hoạn-Thư thì chợt thấy Hoạn-Thư cười nói ngọt ngào.

Thi hào Nguyễn-Du đã mô tả thái độ và hành động của Hoạn-Thư như sau:

Cười cười nói nói” ngọt-ngào



Hỏi - Chàng mới ở chốn nào lại chơi. (c 1983-1984)
Có độc giả thắc mắc, hỏi chúng tôi:“Trong 8 câu trên thì có tới 7 câu có cả 2 chữ “nói” và “cười”. Tại sao trong câu đầu, thi hào Nguyễn Du của chúng ta không viết:
Hoa cười ngọc “nói” đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da?
Chúng tôi đáp: - Có 3 trường hợp:

(a) Có thể là sau khi thi hào Nguyễn-Du dùng chữ “thốt” lần đầu, hoặc là Người đổi ý, hoặc là Người vô tình mà dùng chữ “thốt”.

(b) Có thể là thi hào dùng chữ “nói”, viết theo “thuần nôm” là:

“nói” = “khẩu” (miệng) + “nội” (trong), nhưng người chép lại dùng chữ Hán “thuyết = nói” mà chữ Nôm đọc là “thốt”, để diễn chữ “nói” chăng?

(c) Có thể là ta chưa thấy một bản Nôm chép cẩn thận cho “nhất-quán” một chữ “nói” từ đầu đến cuối chăng? Nếu đúng thế thì bản chép tay của Lâm tiên sinh là một bản chép tay nghiêm chỉnh và cẩn thận, vì chúng tôi thấy chữ viết của tiên sinh đẹp như “rồng bay phượng múa” và tiên sinh chép nắn nót, rõ rệt từng câu từng chữ:
Hoa cười ngọc “nói” đoan trang

Mây thua nước tóc, tuyết nhường màu da. (c21-22)
Hơn nữa, vì câu nào ta đã nghe quen thì ta thấy “thuận tai”, còn câu nào lạ thì ta thấy “trái tai”

Thí dụ: Ta đã “quen tai” với hai câu:


Buồng đào khuya sớm thảnh thơi

Ra vào một mực nói cười như không.
Nay nếu có ai sửa thành:
Buồng đào khuya sớm thảnh thơi

Ra vào một mực “thốt” cười như không.
thì chắc là ta sẽ thấy “trái tai”.

Hay là: Ta đã “quen tai” với hai câu:


Cười cười nói nói ngọt ngào

Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi.
Nay, nếu có ai sửa thành:

Cười cười “thốt thốt” ngọt ngào

Hỏi chàng mới ở chốn nào lại chơi.
thì chắc là ta cũng sẽ thấy “trái tai”…

xxxxx
Kính thưa Quý độc giả:

Trong tác phẩm Đoạn Trường Tân Thanh của thi hào Nguyễn-Du, hiện nay còn rất nhiều chữ đang gây thắc mắc cho độc giả nhưng chưa được giải đáp thoả đáng, tương tự như những chữ đã được nêu lên trong 3 thí dụ trên.

Chúng tôi nghĩ rằng các học giả của thế hệ này cũng như các học giả của các thế hệ tương lai sẽ dần dần giải đáp được hết những thắc mắc ấy qua việc nghiên cứu và lập luận nghiêm túc, dựa trên tất cả các văn bản Kiều Nôm Cổ mà dân tộc chúng ta đã và sẽ thu thập được.


ĐÀM QUANG HƯNG

Houston, TEXAS, USA

April 2011

oOo


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   16   17   18   19   20   21   22   23   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương