1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.



tải về 1.72 Mb.
trang19/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   31

5.TIẾNG ĐÀN TÁI-NGỘ

Bài Pháp-thoại đề cao tình thương theo giáo-lý từ-bi của nhà Phật.

A - Trong bài nói chuyện của Thiền-sư Nhất-Hạnh tại San-José, California, ngày 21 tháng 10 năm 1993. Thiền-sư đã phân-tích cho biết: Khi Thúy-Kiều nhảy xuống sông Tiền-Đường tự tử, Sư Giác-Duyên đã thuê hai ngư-phủ giăng lưới ngang sông Tiền-Đường chờ sẵn, kéo lưới vớt lên ; rồi đưa về thảo-am làm lễ xuất-gia cho nàng và dẫn nàng tu học. « Kiều đã có cơ-hội được tiếp-xúc, học-hỏi với đạo-lý giải-thoát… Thúy-Kiều đã tìm được an-lạc thật sự trong nếp sống tu-hành… và Thúy-Kiều đã đạt tới một trình-độ giác-ngộ rất cao…

Giữa người yêu cũ với nàng bây giờ đã có một khoảng cách rất xa… Chính trong đêm đó, Thúy-Kiều đã dạy cho Kim Trọng con đường tu học.Trong văn Kiều của Nguyễn Du, điều này không có nhắc tới. Nhưng trong Nguyên-lục thì có. Đêm đó Thúy-Kiều làm 10 bài thơ để hướng-dẫn Kim Trọng tu học…

Đây là bài thơ thứ 10:

Hôm nay gặp lại chàng

Tử sinh em đã vượt

Khuyên chàng hãy định tâm

Một lòng sau như trước.

Gặp lại chàng hôm nay, em đã trải qua kinh-nghiệm của sống chết, và em đã được giải-thoát rồi. Vậy chàng hãy sớm định tâm trở lại. Chàng hãy cố tu-tập đi. Để trên con đường tâm-linh chàng có thể tới gần em.Và làm người bạn tâm-linh của em. Bài thơ ấy nguyên-tác như sau:



Kim nhật trùng kiến lang

Bất phục tri hữu tử

Nguyện quân tảo định tình

Thận chung như thận thủy. …… »
B - Theo thiển-ý, trong đoạn cuối tác-phẩm ĐTTT, Nguyễn Du tuy không cho Thúy-Kiều làm thơ, nhưng đã cho nàng mượn Tiếng Đàn Tái-Ngộ để hướng-dẫn Kim Trọng trên đường tu học.

Đời là bể khổ, lại sống trong thời mạt-pháp, xã-hội sa-đọa, đầy-dẫy những sự tham-ô, tàn-bạo, bất-công…, khổ-đau của con người càng thêm chồng-chất. Chính Thúy-Kiều đã là nạn-nhân thê-thảm trong cái xã-hội đó. Bởi thế, nàng Kiều có tâm-nguyện chuyển-hóa những kinh-nghiệm khổ-đau xưa thành hạnh-phúc yêu-thương. Nàng đem những gì mình học-hỏi được về giáo-lý từ-bi của nhà Phật, thực-tập trong cuộc sống để độ mình, và độ người.

Sách Phật-giáo chẳng đã dạy, dù sống ở đâu, nếu mình biết sử-dụng một cách khéo-léo tùy duyên, thì tất cả các pháp đều là Phật-pháp, đều có ích cho việc tu-tập của mình và đem lại lợi-lạc cho người.

Đêm nay, giữa không-khí ấm-cúng nơi động-phòng hoa-chúc, Kim Trọng Thúy-Kiều, đôi tình-nhân xưa, sau 15 năm xa-cách được trùng-phùng trong tình bạn tri-kỷ, tương-kính tương-tri. Sau khi hàn-huyên đã tạm thỏa-thuê, Kim Trọng ngỏ ý mong được nghe lại tiếng đàn tuyệt-diệu năm xưa của Kiều. Kiều đã thố-lộ ngay với Kim về ảnh-hưởng tai-hại của tiếng đàn đó đối với cuộc đời nàng :

…….Vì mấy đường tơ

Hại người cho đến bây giờ mới thôi.

Trước kia, Kiều vì mê-mờ, vị-kỷ, nhiều dục-vọng, đã tự-phụ về tài đàn vượt-trội thiên-hạ của mình, những là:



Nghề riêng ăn đứt hồ-cầm một trương

Khúc Bạc-mệnh-oán, thuở nàng còn thơ vì thương-cảm số-kiếp hồng-nhan mệnh bạc của bao người xưa mà sáng-tác nên, khi phổ vào đàn, gẩy lên, càng làm say-mê lòng người:



Một thiên Bạc-mệnh lại càng não nhân.

Chính Kiều cũng say-mê tài đàn của mình, tự ru mình, nuôi-dưỡng mình bằng những chủng-tử ảo-não, bi-thương đó ; kết-quả, quen dần thành nết ( Rằng quen mất nết đi rồi), rồi thành nghiệp, thành mệnh trói-buộc nàng không sao thoát ra được. Cũng bởi tự kỷ ám-thị, Kiều cho rằng mình là khách tài-hoa, đa tình, mẫn-cảm, thì số-kiếp tất cũng sẽ đoạn-trường như ai ; giống y như lời Đạo-Cô Tam-Hợp suy-luận, tiên-đoán:



Ma đưa lối, quỉ dẫn đường

Lại tìm những chốn đoạn-trường mà đi.

Thế nên, sau khi tỉnh-ngộ, nàng đã quyết tâm bỏ đàn để dứt- khoát với quá-khứ mê-lầm.

Nhưng đêm nay, « Nể lòng người xưa », nàng xin vâng lời đàn thêm một phen nữa.

Kiều biết Kim Trọng cũng là một tay chơi đàn nguyệt có hạng, nhớ lại lần đầu tiên Kiều gẩy đàn cho chàng nghe, chàng đã tỏ ra là một người sành-điệu, biết thưởng-thức tiếng đàn và hiểu được ý đàn của nàng. Thế nên, đêm nay nàng cũng muốn mượn Tiếng đàn tái-ngộ, tùy duyên nói pháp, cốt dẫn-dắt Kim Trọng hướng về tình thương theo giáo-lý từ-bi của nhà Phật ( như đã được giới-thiệu ở bài 4 ), mục-đích giúp chàng thanh-lọc dần tâm-tư, tình-ý, để có thể gần nàng hơn trong đời sống tâm-linh.

Ý đàn của Kiều thật rõ-ràng, như muốn nhắn-nhủ cùng Kim, hãy mở lòng từ-bi, đem tình yêu-thương hướng về tất cả, từ con người đến muôn loài chúng-sinh. Song muốn thực-hiện tình yêu-thương vị-tha, cao-thượng ấy một cách tích-cực, thì ta phải biết dẹp bỏ tình yêu cá-nhân vị-kỷ, dẹp bỏ cái tâm cố-chấp phân-biệt đối-đãi, mới có thể sống hòa-đồng với mọi người, với muôn loài, và xem họ như chính bản thân ta như Trang Chu vậy. Có thế, tình yêu-thương từ-bi cao-thượng kia mới thực sự được trải rộng, bởi không còn một kỳ-thị nào, khiến tất cả mọi người cũng như muôn loài chúng-sinh đều có thể nhận được ân-hưởng hạnh-phúc của tình yêu-thương ấy.

Tiếng đàn lần này toát ra một khí-vị tươi vui, êm-đềm, thanh-thoát quá chừng. Nó phản-chiếu tâm-hồn Kiều đã ổn-định, nội-tâm nàng đang thơ-thới, an-vui.

Khi kiều vừa đàn xong, Kim-Trọng vội lên tiếng về sự ngạc-nhiên thích-thú của chàng, vì chàng nhận ra ngay tiếng đàn tái-ngộ đã có sự thay đổi rõ-rệt ; tuy vẫn bản đàn năm xưa (phổ ấy), và vẫn một tay Kiều gảy (tay nào)  mà nay tiếng đàn nghe mới trong-trẻo, đầm-ấm làm sao ; nó mang sắc-thái « vui vầy » khác hẳn sắc-thái « sầu-thảm » năm xưa :

Phổ ấy tay nào?

Xưa sao sầu-thảm, nay sao vui-vầy!

Tẻ vui cũng bởi lòng này

Hay là khổ tận đến ngày cam lai?

Nghe những lời Kim Trọng nhận-xét, Kiều hẳn rất hạnh-phúc, vì chàng Kim đã không phụ lòng tin-tưởng trông-đợi của nàng, không những về tài thẩm-âm của chàng mà còn vì chàng tỏ ra đã hiểu rõ tâm-ý nàng qua những tiếng đàn kia .



Quả thực, ngoài hạnh-phúc đã thoát khỏi mọi khổ-nạn, đã giải-quyết ổn-thỏa được mọi vướng-mắc trong lòng ( Chàng kim đã chấp-thuận lời thỉnh-cầu của Kiều “ Đem tình cầm sắt đổi ra cầm cờ ’’ ) và đang được sum-họp với những người thương, Kiều còn một niềm vui lớn, phát-xuất tự nội-tâm, đó là niềm vui tỉnh-thức. Nhờ tỉnh-thức, Kiều biết đem tình thương-yêu vị-tha theo giáo-lý từ-bi của nhà Phật hướng về tất cả, để giải-tỏa những hờn-oán xưa cùng thoát khỏi những ràng-buộc của thế-tình, những hệ-lụy của nhân-sinh.Và cũng bởi nàng biết đem tình thương-yêu hướng về tất cả, nên nàng cũng được hưởng sự sum-vầy với tất cả trong hạnh-phúc yêu-thương. Đây chính là điều nàng muốn tri-kỷ, muốn tâm-tình với chàng Kim đêm nay, và Chàng Kim cũng tỏ ra đã tiếp-nhận đầy-đủ.

Kiều thong-thả tháo dây đàn rồi cuốn lại, vì hiểu rằng, thông-điệp nàng gửi cho Kim-Trọng qua tiếng đàn tái-ngộ, như thế là đã hoàn-tất. Kiều hy-vọng Kim Trọng sẽ tìm được niềm vui, niềm phấn-khởi trong những bước đầu tu-tâm dưỡng-tính và đôi bạn tương-tri Kim-Kiều sẽ sớm được gần nhau hơn trong đời sống tâm-linh, trở thành đôi thiện-hữu trí-thức, dắt-dìu nhau trên đường tiến tu.

Tóm lại, Tiếng đàn tái-ngộ của Thúy-Kiều chẳng những có giá-trị về nghệ-thuật mà còn mang giá-trị của một bài pháp-thoại, một bài pháp-thoại rất hay. Nó không chỉ hướng-dẫn Kim Trọng mà còn cả chúng ta, những độc-giả của Nguyễn Du, hướng về đạo từ-bi, giúp ta tu-tập bỏ dần tham-sân-si, thanh-tịnh-hóa dần thân-khẩu-ý, để biết hành- xử theo tinh-thần yêu-thương bình-đẳng, vong-ngã của con nhà Phật. Nhờ đó, ta vừa độ được cho ta tránh bớt những sầu-não, những hệ-lụy ở đời ; vừa có thể ban vui (từ), cứu khổ (bi) đến cho nhiều người, nhiều chúng-sinh kém may-mắn hơn ta.

Trong đoạn kết tác-phẩm ĐTTT, Nguyễn Du viết:



Thiện-căn ở tại lòng ta,

Chữ tâm kia mới bằng ba chữ tài.

Là vô-hình-trung tác-giả đã nói rõ ý thêm cho bài Tiếng Đàn Tái-Ngộ của Thúy-Kiều.

Đúng thế, chữ tâm ở đây mang nghĩa thiện-tâm.Thiện-tâm hay lòng nhân của đạo Nho, hay Phật-tính, tức tình thương từ-bi-hỷ-xả trong Tứ vô-lượng-tâm của đạo Phật ; nói chung là tình thương từ-bi, bác-ái, vị-tha, cao-thượng mà tất cả các tôn-giáo lớn trên thế-giới xưa nay hằng rao-giảng và đề-cao, đã có gốc rễ sẵn trong lòng mỗi chúng ta (câu 1).

Vẫn hay tài-năng và thiện-tâm đều rất cần cho đời sống nhân-loại, nhưng Nguyễn Du nhất-thiết đề cao thiện-tâm hơn tài-năng (câu 2). Chính vì, tài-năng cần phải có thiện-tâm hướng-dẫn (ý-nghĩ , lời nói, hành-động) mới mong đem lại nhiều điều ích-quốc, lợi-dân ; bằng thiếu thiện-tâm, tài-năng sẽ trở thành mối nguy-hại cho chính bản-thân, đồng thời cho cả xã-hội. Bởi dục-vọng, bởi tham sân si, con người lại tự đầy-đọa mình và đồng-loại trầm-luân trong bể khổ, và làm cho trần-gian này trở thành địa-ngục.



Một khi hiểu rõ thiện-tâm, hay tình thương từ-bi, bác-ái vị-tha kia mới là thiết-yếu, là nền-móng căn-bản tạo-dựng hạnh-phúc cho đời sống nhân-loại, ta mới quyết-tâm tu-tập, nuôi-dưỡng cho nó càng ngày càng lớn mạnh thêm, để tiến tới khả-năng hóa-giải được lòng tham-lam, đố-kỵ, sân-hận nơi ta ; cao hơn nữa là cảm-hóa được kẻ gian-ác, giúp giảm-thiểu những bạo-lực, bất-công trong xã-hội. như thế, nó không những làm vơi bớt bao khổ-đau cho muôn loài mà còn đem lại được sự bình-an, hạnh-phúc đích-thực đến cho mọi người.

Mới hay mệnh của con người ta sướng hay khổ không phải do sự quyết-định từ một đấng tối-cao nào, cũng không bởi luật “ Tài mệnh tương đố’’ (hay “ Hồng-nhan bạc- phận’’) , mà do ở nơi tâm ta quyết-định. Hoà-bình hạnh-phúc của nhân-loại không thể giải-quyết bằng chiến tranh. Chỉ có tình thương mới cứu con người thoát khỏi địa-ngục trần-gian.

Hiện nay nhân-loại đang sống trong một thời-đại đầy bạo-động, đạo-đức con người mỗi ngày một xuống dốc, người ngay-thẳng, kẻ hiền-lương bị vùi-dập, thì lời kêu-gọi của ND về thiện-tâm, về lòng từ-bi, bác-ái, vốn là căn-bản đạo sống văn-hóa muôn đời của dân-tộcViệt-Nam “Thương người như thể thương thân’’, phải hiểu là một thông-điệp có ý-nghĩa nhất mà ND muốn truyền-đạt đến tất cả các độc-giả của ông, trước khi cuốn ĐTTT được khép lại.

Phải chăng thế-giới đã nhận chân được gía-trị thi-ca của Nguyễn Du, rõ-rệt nhất là đại-thi-phẩm ĐTTT, đã được dịch ra hơn 30 ngoại-ngữ và Năm 1965, đúng 200 năm sau năm sinh Nguyễn Du, Hội-Đồng Hòa-Bình Thế-Giới đã quyết-định đặt ông lên đài cao vinh-dự cùng với các nhà văn-hóa lỗi-lạc của nhân-loại.

Phạm Thị Nhung

Tài-liệu tham- khảo :

Hòa-Thượng Thích Thanh-Từ: Bát-Nhã Tâm-Kinh giảng-giải, Tịnh-xá Minh-Đăng-Quang xb, Westminster, California, Mỹ-Quốc.

Thiền-Sư Thích Nhất-Hạnh: - Đường Xưa Mây Trắng, Lá- Bối xb lần thứ nhất tại San-José, CA, Mỹ-quốc.

Kiều và Văn-Nghệ Đứt Ruột (Bài nói chuyện của Thiền-Sư Nhất-Hạnh tại San-José, California. Ngày 21-10-1993 ).

Đàm Quang Hậu: Phẩm-chất hí-kịch trong Đoạn-Trường Tân-Thanh.Bản in 1989 (chập 2 bản in 1963 và1965, có sửa-chữa)

Lê văn Hoè: Truyện Kiều Chú-Giải, Quốc-Học Thư-Xã Hà-Nội xb, 1953

Lê Hữu-Mục, Phạm thị Nhung, Đặng Quốc-Cơ: Truyện Kiều Và Tuổi Trẻ, Làng Văn, Toronto Canada xb. Lần hai 2001.

Phan Ngọc : Tìm Hiểu Phong-Cách Nguyễn Du Trong Truyện Kiều. Nhà XB Khoa Học Xã Hội, Hà Nội 1985.

Trần Ngọc Ninh: Thơ Trong Truyện Kiều, Truyền Thông , số 39&40, tr.310).

oOo


tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   15   16   17   18   19   20   21   22   ...   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương