1 Truyện Kiều Thơ và Nhạc Nguyễn Thanh Liêm.


- Vài lời về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện



tải về 1.72 Mb.
trang27/31
Chuyển đổi dữ liệu28.07.2016
Kích1.72 Mb.
#8719
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31

25 - Vài lời về nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện

Trần Quang Hải



Tôi quen với Thiện từ lúc còn học chung tại trường trung học Petrus Ký (1955-61). Tới khi sang Pháp gặp lại nhau năm 1964. Thiện có khiếu về đàn guitar điện từ nhỏ. Đã từng lập ban nhạc kích động Les Fanatiques lúc còn học sinh trung học và đã đệm cho nhiều ca sĩ nổi danh thời đó ở Saigon.

Khi sang Pháp, Thiện học về ngành tin học, trở thành kỹ sư và làm việc cho tới ngày hưu trí (2009). Nghề tay trái của Thiện là âm nhạc. Thiện tiếp tục học nhạc tài Hàn lâm viện tây ban cầm ở Paris và trở thành hội viên của hội tác quyền SACEM của Pháp.

Từ 1999 tới 2004, Thiện viết nhạc theo xu hướng Thiền và đã phát hành một số CD nhạc Thiền.

Tới năm 2005, Thiện khám phá truyện Kiều của Nguyễn Du qua câu 890 “Sống nhờ đất khách, thác chôn quê người”. Chính câu thơ 8 chữ này đã làm sống dậy trong lòng Thiện và tả đúng tâm trạng của Thiện. Sau sáu tháng nghiền ngẫm, Thiện đã hoàn thành công việc đầu tiên là cắt xén toàn truyện Kiều thành 77 ca khúc. Trong vòng 5 năm trời làm việc không ngừng, Thiện đã hoàn thành 77 nhạc phẩm qua 7 CD với nhiều điệu nhạc khác nhau từ âm hưởng dân tộc loại nhạc ngũ cung tới các điệu phổ thong như valse, bolero, chachacha, rock, tango, salsa, reggae, …

Mục đích của Thiện là phổ nhạc theo thời điểm hiện tại, hạp với lỗ tai nghe nhạc của giới trẻ. Và một điểm đáng chú ý là lần đầu tiên trong lịch sử âm nhạc Việt Nam, Quách Vĩnh Thiện là nhạc sĩ duy nhứt đã phổ nhạc toàn bộ truyện Kiều không thêm bớt một chữ nào. Đã có vài nhạc sĩ Việt Nam phổ nhạc truyện Kiều như nhóm Thu Hà (1999), nhạc sĩ Phạm Duy (2005), nhạc sĩ Vũ Đình Ân (2009), nhưng chỉ trích đoạn Kiều chứ không làm như nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện.

Với thời gian 5 năm ròng rã gian truân và sự hy sinh tài chánh khá lớn để hoàn thành một công trình âm nhạc mà không phải bất cứ nhạc sĩ nào có thể làm được, nhứt là tự mình thực hiện và phát hành lấy.

Năm 2009, nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện được bầu vào Hàn Lâm Viện Âu Châu.

Tôi trân trọng giới thiệu nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và bộ đĩa 7CD phổ nhạc truyện Kiều của đại thi hào Nguyễn Du đến với các bạn hữu gần xa .


Trần Quang Hải

Nhạc sĩ, dân tộc nhạc học gia.


oOo

26 - Quách Vĩnh Thiện, Người Mang Hồn Nhạc Vào Truyện Kiều

Cao Minh Hưng



Quách Vĩnh Thiện – Thanh Vân - Ngọc Bích – Cao Minh Hưng
Những tháng cuối năm học cấp II (lớp 9), chúng tôi, nhóm năm đứa học sinh từ các trường khác nhau, sau khi đã vượt qua các khoá dự thi học sinh giỏi Văn vòng loại, được về tham dự khoá huấn luyện đặc biệt (còn gọi là lớp "bồi dưỡng Văn"), trước khi đại diện tỉnh nhà đi dự thi học sinh giỏi Văn cấp quốc gia. Đã nhiều năm trôi qua, nhưng tôi vẫn nhớ như in những buổi chiều sau giờ học thường ngày, chúng tôi cắm cúi đạp xe đến ngôi trường trong thị xã. Dưới cái nắng hè gay gắt bên ngoài khung cửa sổ lớp học, tôi và bốn người bạn mới quen ngồi say sưa nghe những câu bình luận của cô giáo về Truyện Kiều. Đâu đó thỉnh thoảng chợt vang lên một tràng tiếng ve sầu ẩn trốn đâu đó trên những cành phượng vĩ đang chuẩn bị khoe sắc thắm vào hè. Đây là lần đầu tiên chúng tôi được học về truyện Kiều một cách cẩn thận như vậy vì Truyện Kiều lúc đó chỉ được giảng dạy một cách chiếu lệ trong vài giờ học trong lớp. Có lẽ chúng tôi say mê Truyện Kiều vì lần đầu tiên chúng tôi như lạc vào một thế giới thi ca mới, khác với những câu thơ cứng ngắc, khô khan như hô khẩu hiệu của những nhà thơ viết theo xu hướng của thời đại mà chúng tôi bị bắt buộc phải học lúc bấy giờ. Tôi quên mất tên của cô giáo dạy lớp "bồi dưỡng Văn" đó, vì đây là lần đầu tôi được học với cô. Thật ra thì đến hai lớp huấn luyện khác nhau, một lớp về văn thơ thời đại và lớp kia chỉ chuyên về Truyện Kiều vì Sở Giáo Dục của tỉnh muốn chúng tôi có đủ kiến thức cho cả hai bộ môn thơ để phòng hờ nếu đề thi về bình luận Truyện Kiều, thì chúng tôi cũng có đủ kiến thức mà đạt kết quả cao để làm "nở mày nở mặt" tỉnh nhà.
Không biết có phải vì cách giảng bài thu hút của cô giáo hay vì đã chán ngấy với những dòng thơ của các nhà thơ "cán bộ văn hoá" thời ấy, mà tôi rất say mê và nóng lòng chờ đợi đến giờ học của cô. Kiến thức về Truyện Kiều của nhà thơ Nguyễn Du của cô thật là uyên bác. Cô đã làm cho chúng tôi như sống lại với từng nỗi thăng trầm của Thúy Kiều đến độ cô bạn nữ trong lớp phải sụt sùi khóc những đoạn cô giáo giảng về cảnh Thúy Kiều phải chịu cảnh vùi dập dưới tay Tú Bà và Mã Giám Sinh. Đó là lần duy nhất trong đời học sinh của tôi mà tôi có may mắn được hiểu rõ về thi phẩm này trong suốt hơn một tháng trời may mắn được dự lớp học này.
Sau khi tốt nghiệp trung học ở Việt Nam, và hơn 20 năm định cư trên quê hương mới, tôi không có nhiều dịp để nghe về Truyện Kiều, có chăng, chỉ thỉnh thoảng đọc một trang báo hay một quyển sách nào đó, có nhắc đến thi phẩm này. Sau khi Hội "Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ" được hình thành vào cuối tháng 3 năm 2010 do sự sáng lập và dìu dắt của Nhạc sĩ Anh Bằng, chúng tôi có dịp làm quen với nhiều anh chị em nghệ sĩ ở khắp nơi trên thế giới. Vào những tháng cuối năm 2010, Truyện Kiều bỗng được nhắc đến nhiều lần khi chúng tôi được nghe nhắc đến một thiên trường ca phổ nhạc từ thi phẩm Kim Vân Kiều của một nhạc sĩ từ bên Pháp. Người đó không có ai khác hơn chính là Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện. Đọc những thông tin về công trình phổ nhạc đồ sộ từ Kim Vân Kiều của anh, tôi càng thêm khâm phục người nhạc sĩ đã bỏ công sức làm một công việc phi thường này suốt 5 năm dài. Trong dịp cuối năm, nhân chuyến công du của anh đến Hoa Kỳ để ra mắt 7 CD trong tập nhạc về Kim Vân Kiều, tôi được may mắn gặp anh cùng phu nhân, chị Thanh Vân, khi anh chị đến miền Nam California.
Chúng tôi hẹn nhau ở một quán phở trong khu Phước Lộc Thọ mà giờ đây dường như đã trở thành một địa điểm các du khách đến Little Saigon thường dừng chân. Lần đầu gặp anh chị, tôi không ngờ Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện ở ngoài đời còn rất trẻ so với tuổi đời của anh. Anh chị chào đón chúng tôi với nụ cười hiền hoà và niềm nở. Bằng giọng miền Nam xen lẫn với accent của người đã sống khá lâu, đến hơn 50 năm, trên đất Pháp, anh và chị trò chuyện với vợ chồng tôi một cách rất thân mật, như thể chúng tôi đã quen biết nhau từ trước. Trước khi những tô phở được mang ra, tôi tranh thủ hỏi thăm Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện về cuộc sống cũng như quá trình phổ nhạc trong hơn 5 năm dài của anh. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết anh đã trải qua nhiều giai đoạn khó khăn vất vả trong thời gian thực hiện tác phẩm này.

Vì là một kỹ sư, nên trong thời gian đầu khi mới bắt tay vào phổ nhạc, anh có rất ít thời gian và chỉ có thể sáng tác vào ban đêm sau giờ làm việc. Khi tôi hỏi anh nguyên do nào đã khiến anh chọn Truyện Kiều để đầu tư công sức vào thực hiện công trình đồ sộ này, mà chắc chắn sẽ đòi hỏi nhiều hy sinh về thời gian và công sức để thực hiện. Anh kể rằng anh vô tình tìm thấy tập truyện Kim Vân Kiều trong lúc thu xếp những quyển sách cũ và trong lúc dán lại cuốn sách cũ đã bắt đầu bị bong gáy này, anh tình cờ đọc được trang sách có câu:


"Sống nhờ đất khách thác chôn quê người"
Anh đã cảm thấy thật bùi ngùi và rơi lệ cho thân phận "ba chìm bảy nổi" của nàng Kiều sống nơi đất lạ không khác vì hoàn cảnh sống tha hương của anh. Từ những đồng cảm ban đầu đó đã thôi thúc anh bắt tay vào nghiên cứu kỹ lưỡng hơn, để anh có thể thấu hiểu những tinh túy ẩn chứa đằng sau những câu thơ của thi sĩ Nguyễn Du, để có thể phổ nhạc sao cho dòng nhạc có thể chuyên chở và diễn tả trọn vẹn ý thơ.
Tôi tò mò hỏi anh điều gì khó khăn nhất khi trong khi anh phổ nhạc. Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết, đó là làm sao cho 3254 câu thơ lục bát từ thi phẩm này không bị trùng lặp về ý nhạc vì sẽ dễ mang lại sự nhàm chán cho người nghe. Các nhạc sĩ đã từng phổ thơ lục bát trước đây chắc điều đồng ý rằng vì luật bằng trắc theo khuôn khổ của thơ lục bát, nên loại thơ này rất khó phổ nhạc và nếu không khéo, sẽ dẫn đến sự trùng lặp và đơn điệu. Vì Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện có vốn kiến thức sâu rộng và khả năng thiên phú của anh về âm nhạc, nên anh đã tìm tòi, ứng dụng và uyển chuyển trong cách sử dụng các thể loại nhạc khác nhau, từ các thể điệu nhạc phổ thông mà người Việt thường nghe trước đây như Boléro, Rumba, Slow, Boston, Tango, pha lẫn những dòng nhạc tây phương, một chút cổ điển như Blue Jazz, Bossa Nova, Valse Andantino, Rock lente, Valse Andantino, đến những thể điệu nhạc vui, tân thời như Rock, Samba, Chachacha, Lambada, Mambo…và tất nhiên không thiếu những tình tự quê hương thoáng ẩn trong các điệu nhạc quê hương xen lẫn ngũ cung. Có thể nói 7 đĩa CD phổ nhạc từ Kim Vân Kiều là sự tổng hợp thật tuyệt vời các loại nhạc hiện hành trên thế giới hiện nay với sự diễn tả thật trọn vẹn của các ca sĩ được nhiều người biết đến qua tài nghệ của họ như Quỳnh Lan, Hương Giang, Tố Hà, Mai Thảo, Mỹ Dung, Hải Phương, Ngọc Ánh, Xuân Phú, Thụy Long, v.v. qua 77 bài hát trong 7 đĩa CD: Trăm Năm Trong Cõi Người Ta, Bên Tình Bên Hiếu, Quyến Gió Rủ Mây, Tài Tử Giai Nhân, Cá Chậu Chim Lồng, Hại Nhân Nhân Hại và Chữ Tài Chữ Mệnh.

Trong lúc say sưa nghe anh nói về quãng thời gian dài anh bỏ ra để thực hiện tác phẩm trường ca này, tôi hình dung ra hình ảnh anh cặm cụi dưới bóng đèn trong cái studio nhỏ ở ngoại ô Paris, mân mê trau chuốt từng nốt nhạc, như người thợ điêu khắc chăm chú khắc từng đường nét cho tác phẩm của mình. Bao mùa mưa nắng và gió tuyết của Paris đã đi qua căn studio nhỏ bé và ghé mắt qua khung cửa sổ với lòng cảm phục cho sự bền bỉ của người nhạc sĩ Việt này. Một ngày nào đó, tôi nghĩ có lẽ cái studio này sẽ là một trong những nơi thăm viếng của những du khách khi có dịp ghé đến thăm thành phố Paris tráng lệ để dành sự ngưỡng mộ đến một người nhạc sĩ đã dành một phần đời mình cho một tác phẩm văn học lớn của dân tộc Việt, như những người du khách thường đến thăm căn nhà nơi người họa sĩ tài danh Vincent van Gogh đã vẽ nên những bức tranh nổi tiếng qua bao thế kỷ.

Khi được hỏi điều gì làm cho anh cảm thấy tự hào và mãn nguyện khi hoàn thành xong tác phẩm trường ca này, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết đó chính là niềm tự hào khi anh cố gắng không đi vào vết bánh xe của những nhạc sĩ đi trước bằng cách giữ nguyên thuỷ không thay đổi một chữ nào trong số 3254 câu thơ của Kim Vân Kiều. Một số người chúng ta cũng đã biết là trước đây, Nhạc sĩ Phạm Duy cũng đã từng phổ nhạc Truyện Kiều, tuy nhiên, ông chỉ dựa phần nhiều vào ý thơ của thi sĩ Nguyễn Du và cũng không hoàn thành hết tất cả thi phẩm này.

Lẽ tất nhiên, như Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện cho biết, ông cũng không tránh khỏi những khó khăn trong thời gian thực hiện. Điều khó khăn đầu tiên là những người cầm quyền trong nước không muốn thấy tác phẩm Kim Vân Kiều được một nhạc sĩ sống ở nước ngoài phổ nhạc trước bọn chúng. Chúng đã tìm mọi cách để đánh phá và ngăn cản, thậm chí thuê cả một số nhạc sĩ trong nước bắt tay vào thực hiện để mong có thể tranh đua thời gian với anh. Chúng còn cử người đến dụ dỗ, mua chuộc Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện hợp tác với chúng. Nhưng Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện trước sau vẫn đứng vững và luôn nêu cao tinh thần bất khuất không khuất phục của người Nhạc Sĩ Quốc Gia chân chính. Anh khước từ tất cả mọi sự hợp tác, mua chuộc, dụ dỗ của bọn chúng và âm thầm một thân một mình dùng tiền bạc và công sức của chính mình để thực hiện công trình phổ nhạc Kim Vân Kiều theo đúng như dự định ban đầu của anh. Tôi còn nhớ trong thời gian Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện đến công du trong chuyến ra mắt CD ở Hoa Kỳ, bọn chúng cũng vẫn cố gắng tung ra một chiến dịch "đánh lận con đen" bằng cách cố tình cho phổ biến nhạc phẩm Kim Vân Kiều ngay phía bên dưới bài phỏng vấn của anh trên các báo chí và diễn đàn, mà nếu người đọc tinh ý, sẽ nhận ra ngay những màn trình diễn này được dàn dựng từ các sân khấu ở trong nước, với sự đạo diễn và dàn dựng một cách gượng ép với những câu thơ Kiều đã được sửa đổi lại rất nhiều từ nguyên bản.

Với trường ca "Kim Vân Kiều", Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện xứng đáng là người chiến sĩ âm nhạc kiên cường với cây đàn là vũ khí trong tay với chiến thắng là mang hồn nhạc làm sống lại Truyện Kiều với những nét nguyên thuỷ của thi phẩm này cho thế hệ đời sau có thể tìm đến Truyện Kiều qua âm nhạc mà không sợ bị mất đi bản sắc văn hoá Việt. Ngày thứ bảy 28/11/2009, tại Thư Viện Ba Lan ở bên cạnh Nhà Thờ Đức Bà (Notre Dame de Paris) và bên bờ sông Seine thơ mộng, Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện và Nhà văn Thanh Vân, người bạn đời của anh, đã trình diễn một tiết mục trong bản trường ca Kim Vân Kiều của anh trong buổi trình diễn Musique des Mots et des Couleurs do Hàn Lâm Viện Âu Châu về Khoa Học, Nghệ Thuật, Văn Chương tổ chức. Với công trình sáng tác rất có ý nghĩa này của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện, sau đó, anh đã vinh dự được mời làm thành viên của Hàn Lâm Viện Âu Châu này. Thật là một niềm vinh dự cho cá nhân anh nói riêng và cho cả cộng đồng người Việt hải ngoại nói riêng. Ký giả Trọng Minh đã chọn anh để vinh danh vào quyển sách "Vẻ Vang Dân Việt". Anh đã làm rạng rỡ thêm danh tiếng của ngôi trường Pétrus Ký ngày nào, mà người Thầy đã từng dạy anh môn Văn học ngày xưa với chính là Giáo sư Nguyễn Thanh Liêm.
Bao nhiêu năm xa xứ, với những hình ảnh kỷ niệm về quê hương ngày càng lu mờ trong tâm trí, nhưng khi nghe Kim Vân Kiều của anh, tất cả những ký ức ngày xưa chợt quay về. Kỷ niệm về những buổi học Truyện Kiều năm nào dưới mái trường xưa trong những ngày học lớp bồi dưỡng Văn chợt hiện về. Quê hương vẫn còn đó, nhưng nền văn hoá của cha ông dường như ngày càng bị mai một, rẻ khinh bởi chính sách ngu dân và chạy theo chủ nghĩa cộng sản lỗi thời của bọn cầm quyền trên quê hương. Thế hệ của tôi còn may mắn có được một chút kiến thức về những thi ca văn học xưa kia. Thế hệ trẻ tiếp nối trên quê hương và ở hải ngoại, tương lai sẽ đi về đâu nếu không được đọc những vần thơ tuyệt tác như Truyện Kiều? May mắn thay, chúng ta đã có cả một Truyện Kiều được chuyển tải thành một trường ca với những bài hát dễ thuộc và dễ phổ biến của Nhạc sĩ Quách Vĩnh Thiện. Cảm ơn anh, người Nhạc sĩ đã tự nguyện làm "người mang hồn nhạc vào Truyện Kiều" để lưu lại cho các thế hệ mai sau.
Cao Minh Hưng

Câu Lạc Bộ Tình Nghệ Sĩ-USA


oOo

tải về 1.72 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   23   24   25   26   27   28   29   30   31




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương