阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang99/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

258 Đại Bảo Tích Kinh (Mahā-ratnakūta-sūtra) gồm một trăm hai mươi quyển, do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch. Cổ đức giải thích: Do là các pháp Đại Thừa thâm diệu nên gọi là Bảo, do tụ tập vô lượng pháp môn nên gọi là Tích. Kinh được chia thành bốn mươi chín hội, trong ấy hai mươi ba hội (tám mươi quyển) do các vị dịch kinh thời Ngụy, Tấn, Nam Bắc Triều, Tùy, Đường dịch được gọi chung là Cựu Dịch; hai mươi sáu hội còn lại do ngài Bồ Đề Lưu Chí dịch được gọi chung là Tân Dịch. Nội dung kinh rất rộng, bao gồm Bát Nhã (chẳng hạn hội Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã), Tịnh Độ (hội Vô Lượng Thọ Như Lai), Luật Tông (hội Ma Ha Ca Diếp, hội Tam Tụ Luật Nghi), Bồ Tát hạnh, Mật giáo v.v...

259 Ngũ cốc là năm loại hạt chính dùng làm lương thực tại Trung Hoa. Sau này, Ngũ Cốc là từ ngữ phiếm chỉ các loại lương thực. Ngũ Cốc gồm: đạo (gạo tẻ), thử (kê hạt lớn, proso millet), tắc (tiểu mễ, kê hạt nhỏ, foxtail millet), mạch (lúa mì, bao gồm các loại như hắc mạch, tiểu mạch, kiều mạch v.v...), thục (đại đậu, tức đậu nành).

260 Ngũ suy là năm dấu hiệu báo trước một vị trời sắp hết thọ mạng, chia thành hai loại: Đại ngũ suy và tiểu ngũ suy.

Đại ngũ suy là: 1) Y phục tự nhiên biến thành bẩn thỉu, nặng nề. 2) Hoa cài trên đầu bị héo. 3) Dưới nách toát mồ hôi. 4) Thân thể bẩn thỉu, rít nhớp. 5) Chẳng ưa thích tòa ngồi của chính mình.



Tiểu ngũ suy là: 1) Tiếng nhạc không tự nhiên trỗi lên nữa. 2) Ánh sáng nơi thân mờ yếu. 3) Nước tắm dính vào mình. 4) Tham đắm cảnh chung quanh không bỏ được. 5) Cảm thấy thân trống rỗng, mắt nháy lia lịa.

261 Theo Hoa Nghiêm Kinh Sớ, chữ Thân có nghĩa là “tụ tập”. Do Văn là từ Cú hợp thành, Cú do Danh hợp thành, nên Cú và Văn được gọi chung là Thân.

262 Trong phần này, không rõ vì sao hòa thượng Tịnh Không chỉ nói năm môn đầu, không giảng năm môn còn lại. Theo A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, mười môn ấy chính là: 1) Âm thanh ngữ ngôn 2) Danh cú văn thân 3) Thông thủ tứ pháp 4) Chư pháp hiển nghĩa 5) Nhiếp cảnh duy tâm 6) Hội duyên nhập Không (gom các duyên về Không) 7) Lý Sự vô ngại 8) Thông nhiếp sở thuyên (đúc kết những điều đã nói) 9) Sự sự vô ngại 10) Hải ấn bính hiện (Chân như hải ấn hiển hiện rạng ngời).

263 Hoa Nghiêm Huyền Đàm có tên đầy đủ là Hoa Nghiêm Kinh Sớ Sao Huyền Đàm, còn gọi là Thanh Lương Huyền Đàm. Nội dung bao gồm phần cương yếu và những phần luận định liên quan đến Huyền Nghĩa của kinh Hoa Nghiêm trích từ các tác phẩm Hoa Nghiêm Kinh Sớ và Hoa Nghiêm Kinh Tùy Sớ Diễn Nghĩa Sao. Tác phẩm này lại còn được chú giải bởi các bộ Hoa Nghiêm Huyền Đàm Quyết Trạch (do Tông Diễn soạn) và Huyền Đàm Hội Huyền Ký (do Phổ Thụy soạn).

264 Tu từ là biện pháp tăng cường hiệu quả thuyết phục của ngôn ngữ, ngoài mục đích thẩm mỹ, còn tăng cường sức hấp dẫn, tạo ấn tượng trong tâm trí người nghe, cũng như khiến cho những ý tưởng được diễn tả trở nên rõ ràng, mạch lạc. Những biện pháp tu từ thường dùng nhất trong chữ Hán là ngụ ngôn, phú (diễn tả trực tiếp), tỷ (so sánh), hứng (gợi ý liên tưởng), khoa sức (thậm xưng, nói ngoa), phúng thích (bỡn cợt), đảo ngữ... cũng như sử dụng điển tích, thành ngữ v.v... Tác phẩm đầu tiên nghiên cứu một cách hệ thống về Tu Từ Học là Văn Tâm Điêu Long của Lưu Hiệp.

265 Văn Biền Thể còn gọi là Tứ Lục, Biền Lệ, Biền Văn, Biền Phú v.v... Theo sách Thuyết Văn Giải Tự, Biền () có nghĩa là hai con ngựa cưỡi đi song song. Biền Văn đã có từ thời Tiên Tần, hưng thịnh nhất dưới thời Ngụy - Tấn, về sau trở thành thể văn bắt buộc phải dùng trong trường thi vào đời Minh và Thanh. Toàn thể bài văn phải theo kết cấu đối ngẫu, tức là trừ một ít câu, cứ mỗi đoạn đều có thể chia thành hai vế đối, số chữ, vần điệu đều phải giống nhau, mỗi chữ chính yếu phải “ăn vần” với nhau rất phức tạp. Mỗi câu dùng bốn chữ, hay sáu chữ là chính, đôi khi có thể dùng năm hay bảy chữ, có khi dùng đến tám, chín, mười chữ, nhưng rất ít khi dùng đến kiểu này. Lời văn phải hết sức đẹp đẽ, bóng bảy, sử dụng điển tích cầu kỳ, bí hiểm, âm thanh du dương nhằm phô diễn sự học rộng, nhưng nhiều khi nội dung rỗng tuếch! Xin trích một đoạn trong bài Thu Nhật Đăng Hồng Phủ Đằng Vương Các Tiễn Biệt Tự (Lời giãi bày nhân một ngày Thu lên gác Đằng Vương của Hồng Phủ tiễn biệt nhau): “Lạo thủy tận nhi hàn đàm thanh, yên quang ngưng nhi mộ sơn tử. Tằng đài tủng thúy, thượng xuất trùng tiêu, phi các tường đan, hạ lâm vô địa. Hạc đinh phù chử, cùng đảo dự chi oanh hồi, quế điện lan cung, tức cương loan chi thể thế” (tạm dịch: Nước lụt đã hết, đầm lạnh xanh thẫm. Chiều tà, khói quyện ánh sáng, núi tím biếc. Đài cao chập chùng chót vót, vút tận trời xanh, gác son chênh vênh, nhìn không thấy đất. Le, hạc xúm xít bến sông, sóng vờn quanh đảo, cung lan, điện quế, dường thế núi quanh co).

266 “Thiên vận” là tên gọi gộp chung hai bộ sách Ngọc Thiên và Quảng Vận. Sách Ngọc Thiên là một loại tự điển cổ xưa do Cố Dã Vương biên soạn dưới đời Lương vào thời Nam Bắc Triều, phỏng theo cách biên soạn của bộ Thuyết Văn Giải Tự, nhưng cải tiến, hợp lý hơn, gồm ba mươi quyển, 16.917 chữ, chia thành 542 bộ thủ. Với mỗi chữ có ghi âm đọc theo cách Phiên Thiết (tức dùng hai chữ đã biết ghép lại nhằm giải thích âm đọc. Chẳng hạn, chữ được chú âm cách đọc là Thả Duyên thiết, nên phải đọc là Thuyên). Sơ Tổ Chân Ngôn Tông của Nhật Bản là ngài Không Hải vào năm 806 đã mang tác phẩm này về Nhật, và dựa theo đó để biên soạn bộ Tenrei Basho Meigi (Triện Lệ Vạn Tượng Danh Nghĩa), tức là bộ tự điển đầu tiên của Nhật. Quảng Vận có tên gọi đầy đủ là Đại Tống Trùng Tu Quảng Vận, do nhóm Trần Bành Niên biên soạn trong niên hiệu Tường Phù đời Tống Chân Tông, là một bộ sách được biên tập từ các vận thư (sách dạy cách gieo vần trong khi làm thơ phú, chữ nào vần với chữ nào) trước đó như Thiết Vận, Đường Vận v.v... Nội dung sách rất rắc rối, chia các chữ Hán thường dùng thời đó (26.194 chữ) thành bốn loại dựa theo dấu giọng (bình, thượng, khứ, nhập) rồi với mỗi giọng lại chia thành các vần, thành hai trăm lẻ sáu hệ thống vần chính. Do vậy, từ ngữ “thiên vận” thường được dùng để chỉ các loại từ điển và sách dạy gieo vần nói chung.

267 Thập Tam Kinh là mười ba bộ kinh điển chủ yếu của Nho gia mà các sĩ tử Trung Hoa kể từ đời Tống bắt buộc phải học nếu muốn đỗ đạt, gồm kinh Thi, kinh Thư, Lễ Ký, Châu Dịch, Tả Truyện (Tả Thị Xuân Thu là bộ biên niên sử nhằm chú giải kinh Xuân Thu do Tả Khâu Minh biên soạn), Công Dương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Công Dương Cao người nước Tề biên soạn), Cốc Lương Truyện (chú giải kinh Xuân Thu do Cốc Lương Tử biên soạn), Châu Lễ (tương truyền do Châu Công biên soạn, viết về cách tổ chức quan chế đời Châu), Nghi Lễ (ghi chép các thứ nghi lễ đời Châu), Luận Ngữ (ghi chép lời dạy của Khổng Tử), Hiếu Kinh (ghi chép lời Khổng Tử dạy Tăng Sâm về đạo hiếu), Nhĩ Nhã (bộ từ điển đầu tiên của Trung Hoa, không rõ tác giả) và Mạnh Tử (sách ghi lại tư tưởng, quan điểm của Mạnh Tử, thường được tin là do chính Mạnh Tử biên soạn, và do các học trò của ông như Vạn Chương, Công Tôn Sửu v.v... chỉnh lý).

268 Theo phẩm Hương Tích Phật trong kinh Duy Ma Cật, ngài Xá Lợi Phất tự nghĩ: “Đã sắp đến giờ thọ trai, các vị Bồ Tát này sẽ ăn bằng gì?” Khi ấy, cư sĩ Duy Ma Cật bèn bảo: “Đức Phật nói tám món giải thoát, nhân giả nên phụng hành, há lẽ chẳng lìa ăn uống để nghe pháp ư? Nếu ngài muốn ăn, hãy đợi giây lát, tôi sẽ cho ngài món ăn chưa từng có”. Thế rồi ngài Duy Ma Cật chẳng rời khỏi tòa, trước mặt đại chúng, hóa ra một vị Bồ Tát tướng hảo quang minh, oai đức thù thắng lấn át chúng hội, bảo vị Bồ Tát ấy hãy đến cõi Chúng Hương ở phương trên cách xa Sa Bà bốn mươi hai hằng hà sa cõi Phật. Trong cõi ấy, Phật hiệu là Hương Tích Như Lai. Hóa Bồ Tát cầu Phật ban cho cơm thơm đem về thế giới Sa Bà để làm Phật sự. Hương Tích Như Lai bèn đem những cái bát thơm ngát đựng cơm thơm trao cho hóa Bồ Tát. Chín trăm vạn Bồ Tát cõi ấy cũng theo hóa Bồ Tát đến thế giới Sa Bà. Khi đó, ngài Duy Ma hóa ra chín trăm vạn tòa sư tử, nghiêm tịnh tốt đẹp cho các vị Bồ Tát ấy ngồi. Hương thơm từ cơm ấy xông khắp thành Tỳ Da Ly và tam thiên đại thiên thế giới. Ngài Duy Ma Cật bảo ngài Xá Lợi Phất và chúng Thanh Văn: “Các vị nhân giả có thể ăn cơm cam lộ vị, do lòng đại từ un đúc của Như Lai, đừng đem lòng suy nghĩ có hạn lượng, sẽ không thể tiêu hóa cơm này”. Hóa Bồ Tát nói: “Đừng dùng tiểu trí, tiểu đức của Thanh Văn để suy lường vô lượng phước huệ của Như Lai. Bốn biển cạn sạch, cơm này vẫn không hết. Dẫu cho hết thảy mọi người bốc cơm vo thành nắm to bằng núi Tu Di [để ăn], ăn suốt một kiếp, cơm vẫn chẳng hết”.

269 Lục kinh là Hoa Nghiêm, Giải Thâm Mật, Như Lai Xuất Hiện Công Đức Trang Nghiêm, Đại Thừa A Tỳ Đạt Ma, Lăng Già và Đại Thừa Mật Nghiêm. Mười một luận là Du Già Sư Địa Luận, Hiển Dương Thánh Giáo Luận, Đại Thừa Trang Nghiêm Kinh Luận, Tập Lượng Luận, Nhiếp Đại Thừa Luận, Thập Địa Kinh Luận, Quán Sở Duyên Duyên Luận, A Tỳ Đạt Ma Tập Luận, Nhị Thập Duy Thức Luận, Biện Trung Biên Luận, Phân Biệt Du Già Luận. Tuy không được kể trong danh sách này, nhưng một bộ luận được nghiên cứu chủ yếu của tông Duy Thức là Thành Duy Thức Luận.

270 Theo Thành Duy Thức Luận, gọi là Biến Hành (Sarvatraga) vì nó hội đủ bốn điều kiện: 1) Bao gồm hết thảy tánh (thiện, ác, không thiện không ác) 2) Hết thảy nơi 3) Hết thảy thời (từ vô thủy đến nay) 4) Cùng chung với hết thảy (sanh cùng hết thảy các Tâm Sở). Biến Hành gồm Tác Ý, Xúc, Thọ, Tưởng, Tư. Bất Định (Aniyata) là Hối, Thùy Miên, Tầm, Tư. Gọi là Bất Định vì nó không trọn đủ bốn điều kiện trên đây, mà cũng tùy theo hoàn cảnh mà định là thiện hay ác. Biệt Cảnh (Vibhāvanā) là đối lập với Biến Hành. Chữ Biệt Cảnh chỉ những cảnh giới đặc thù khiến cho tác dụng tâm lý (Tâm Sở) phát sanh. Biệt Cảnh gồm Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, và Huệ.

271 Lục sư ngoại đạo là sáu người sáng lập sáu trường phái triết học và tôn giáo chủ yếu thời ấy, gồm:

1) A Kỳ Đa Xí Xá Khâm Bà La (Ajita Kesakambalin) chủ trương Duy Vật Luận, tức là thế giới và con người do Tứ Đại hợp thành, chủ trương con người chết đi là hết, không thiện, không ác.

2) Ca La Cưu Đà Ca Chiên Diên (còn phiên là Bạt Câu Đà Ca Chiên Diên, Pakudha Kaccāyana) chủ trương mọi hiện tượng do bảy yếu tố là đất, nước, gió, lửa, khổ, lạc, và mạng hợp thành. Thậm chí giết người không có tội vì chỉ là lưỡi gươm cắt đứt sự tổ hợp của bảy yếu tố.

3) Phú Lan Na Ca Diếp (Pūrana Kassapa) chủ trương sổ toẹt mọi quy chuẩn đạo đức trong xã hội đương thời, theo thuyết đoạn diệt.

4) Mạt Già Lê Câu Xá Lê Tử (Makkhali Gosāla) chủ trương trần truồng, chủ trương quyết định luận. Chúng sanh khổ hay vui chẳng do nhân duyên, mà tự nhiên nó là như thế! Con người không có cách nào thay đổi số phận.

5) San Xà Dạ Tỳ La Chi Tử (Sañjaya Belatthiputta) chủ trương hoài nghi luận, đề xướng con người khi nào chịu hết khổ sẽ sướng, giống như bánh xe hết lên cao sẽ xuống thấp.



6) Ni Càn Đà Nhã Đề Tử (Nigantha Nātaputta), chủ trương tương đối luận, ông này trở thành thỉ tổ đạo Jain (Kỳ Na Giáo) sau này. Tu sĩ phái này cũng thích lõa thể, họ tin rằng trần truồng là giải thoát mọi vướng mắc, chấp trước!

272 Ấu Học Quỳnh Lâm là sách vỡ lòng cho trẻ học. Tác phẩm này vốn có tên là Ấu Học Tu Tri do Ngô Đăng Cát (tự Doãn Thăng) biên soạn vào cuối đời Minh, sau đó được Trâu Thánh Mạch tu chỉnh, viết lời chú giải, đổi tên thành Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm, đến thời Dân Quốc, được Phí Hữu Dung, Diệp Phố Tôn và Thái Đông Phiên tu chỉnh lần nữa, gọi gọn là Ấu Học Quỳnh Lâm. Sách được viết theo loại Biền Văn, đăng đối rất hoàn chỉnh, chữ dùng chọn lọc, dễ đọc, dễ nhớ, bao gồm rất nhiều kiến thức cơ bản (theo quan niệm thời ấy), xin trích một đoạn đầu: “Hỗn độn sơ khai, càn khôn thỉ định. Khí chi khinh thanh, thượng phù giải vi thiên, khí chi trọng trược hạ ngưng giả vi địa. Nhật, nguyệt, ngũ tinh, vị chi thất chánh, thiên địa dữ nhân, vị chi tam tài. Nhật vi chúng dương chi tông, nguyệt nãi thái âm chi tượng. Hồng danh đế đông, nãi thiên địa chi dâm khí, nguyệt lý thiềm thừ, thị hạo phách chi tinh hoa” (Hỗn độn sơ khai, trời đất vừa định. Khí trong nhẹ nổi lên là trời, khí nặng đục chìm xuống là đất. Mặt trời, mặt trăng, năm ngôi sao, gọi là Thất Chánh. Trời, đất và con người gọi là Tam Tài. Mặt trời đứng đầu các loại thuộc dương, mặt trăng là hình tượng của thái âm. Mống trời còn gọi là cầu vồng, chính là khí ẩm thấp trong trời đất [kết thành], con cóc trong mặt trăng chính là tinh hoa của hồn phách mênh mông [trong vũ trụ]).

273 Tự Tại Thiên (Maheśvara) chính là một danh xưng khác của thần Shiva, một trong ba ngôi của Bà La Môn. Kinh Phật thường phiên âm vị này là Ma Hê Thủ La Thiên. Vị thần này thường được coi là thần hủy diệt, được tôn sùng nhất trong ba ngôi (Phạm Thiên, Tỳ Nữu và Thấp Bà). Vị thần này thường được tạc có ba mắt, bốn tay, lần lượt cầm chĩa ba, tù và, bình nước, và trống, thân bôi tro xanh xám, rắn hổ mang quấn quanh cổ, cưỡi trâu trắng. Ấn Độ Giáo thường thờ vị này dưới hình tượng Linga đặt trên Yoni.

274 Gọi là năm xứ Ấn Độ, tức là dựa theo cách nói của thời Cổ. Sách Vãng Thế Thư (Puranas) đã chia khu vực Ấn Độ hiện thời thành năm vùng, gọi chung bằng danh xưng Ngũ Ấn Độ, Ngũ Thiên Trúc, Ngũ Ấn, Ngũ Thiên, tức là Pracya, Uttarapatha, Aparanta, Dakshinapatha, và Majjhimdesa.

275 Nguyên văn “thời trung giả dã”. Chữ “thời trung” xuất phát từ sách Trung Dung. Khổng Tử nói: “Quân tử chi Trung Dung dã, quân tử nhi thời trung, tiểu nhân chi phản Trung Dung dã, tiểu nhân nhi vô kỵ đạn dã”, câu này được giải thích theo sách Trung Dung Tinh Hoa Tuyển Túy có nghĩa là: Người quân tử có thể hợp với đạo lý Trung Dung là do có thể bất cứ lúc nào cũng tuân thủ Trung Đạo, chẳng thái quá hay bất cập. Kẻ tiểu nhân sở dĩ trái nghịch Trung Đạo là vì không hiểu rõ lý này, chẳng có chuyện gì phải kiêng dè mà không dám làm.

276 Giá: Vượt khỏi hai bên, thoát ngoài đối đãi.

Chiếu: Thấy có hai bên, nhưng không vướng mắc vào một bên nào.



277 Tông này căn cứ trên cách phán định của tông Hoa Nghiêm đối với Thuyết Giả Bộ (một bộ phái Tiểu Thừa tại Ấn Độ), theo đó, không chỉ quá khứ và vị lai đều không có thật thể, mà các pháp hữu vi trong hiện tại cũng có pháp là giả, có pháp là thật. Do pháp hiện tại bao gồm cả giả lẫn thật nên mới gọi Hiện Thông Giả Thật Tông.

278 Hồ Thích (1891-1962) là một nhà tư tưởng thời cận đại của Trung Hoa. Ông ta quê ở huyện Tích Khê, tỉnh An Huy, tên thật là Hồ Tự Môn, tự Hy Cường, về sau đổi tên thành Hồ Thích, lấy bút hiệu là Thích Chi. Ông ta từng học ngành canh nông tại đại học Cornell ở Hoa Kỳ rồi học Triết tại đại học Columbia, chủ trương cách mạng văn hóa, đề xướng phong trào thay đổi văn hóa, bài xích Khổng Mạnh và các trào lưu tư tưởng cũ, là một người lãnh đạo tích cực trong phong trào Ngũ Tứ Vận Động. Trong nhiệt tình cải cách Trung Hoa, ông ta đã đề xướng cấm tuyệt sử dụng Văn Ngôn trong nhà trường cũng như hô hào “đả đảo Khổng gia điếm” (đả đảo tiệm buôn của nhà họ Khổng).

279 Học ký vấn, tức là học thuộc, ghi nhớ làu làu, nhuyễn nhừ, hễ ai hỏi đến sẽ nói thao thao, nhưng thật ra chẳng nắm được cốt lõi, chẳng hiểu ý nghĩa chân thật. Những ý nghĩa người ấy nói ra chỉ là do hỏi han hay tìm đọc, tham khảo từ sách vở hay dựa dẫm vào kiến thức của người đi trước, chứ không do tự tánh lưu lộ, nên hoàn toàn chỉ nắm được cái vỏ rỗng của văn tự!

280 Ngài Chi Lâu Ca Sấm (147-?), người xứ Đại Nhục Chi, đến Trung Hoa vào thời Hán Hoàn Đế. Tính đến niên hiệu Trung Bình (184-189) đời Hán Linh Đế, Ngài đã dịch các bộ Đạo Hành Bát Nhã Kinh, Ban Châu Tam Muội Kinh, A Xà Thế Kinh, Tạp Thí Dụ Kinh, Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh, một phần kinh Bảo Tích. Ngài chính là người đầu tiên truyền học thuyết Bát Nhã vào Trung Quốc. Bộ Ban Châu Tam Muội Kinh được coi như là bộ kinh đầu tiên giới thiệu tư tưởng Tịnh Độ Tông Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu cho rằng Sơ Tổ Huệ Viễn đã chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của hai bộ Ban Châu Tam Muội và Vô Lượng Thanh Tịnh Bình Đẳng Giác Kinh khi đề xướng liên xã.

281 Khang Tăng Khải (Samghavarman), không rõ năm sinh và năm mất, chữ Khang không phải là họ mà do Ngài đến từ xứ Khang Cư (Sogdiana) vùng Trung Á. Ngài đến Lạc Dương vào năm Gia Bình thứ tư (252) nhà Tào Ngụy, ở chùa Bạch Mã. Ngài dịch các bộ Úc Già Trưởng Giả Kinh, Vô Lượng Thọ Kinh, Tứ Phần Tạp Yết Ma. Trong Tục Tạng có Vô Lượng Thọ Phật Danh Hiệu Lợi Ích Đại Sự Nhân Duyên Kinh cũng đề tên dịch giả là ngài Khang Tăng Khải, nhưng do văn phong khác biệt, nên các học giả không dám đoan quyết bản ấy có phải do Ngài dịch hay không.

Ngài Chi Khiêm là người xứ Đại Nhục Chi, có tên tự là Cung Minh (không rõ năm sinh và năm mất), theo gia đình di cư đến Trung Hoa, sống ở Hà Nam, thông thạo ngôn ngữ sáu quốc gia, theo học với ngài Chi Lượng (đệ tử của ngài Chi Lâu Ca Sấm). Do tỵ nạn, chạy vào Đông Ngô, được Ngô vương Tôn Quyền coi trọng, phong làm quan Bác Sĩ, chuyên dạy Thái Tử Tôn Lượng. Ngài chuyên tâm dịch kinh Phật suốt mười ba năm, dịch Duy Ma Cật Kinh, Thái Tử Thụy Ứng Bản Khởi Kinh, Đại Minh Độ Kinh v.v... Khi Thái Tử lên ngôi, ngài lánh vào núi Cùng Ải ẩn cư, xin xuất gia với pháp sư Trúc Pháp Lan.



282 Pháp Hiền (?-1001) là một vị Tăng xuất thân từ tự viện Na Lạn Đà, đến Trung Quốc vào năm Khai Bảo thứ sáu (973), hợp sức ngài Pháp Tấn chùa Khai Nguyên ở phủ Hà Trung dịch Thánh Vô Lượng Thọ Kinh Thất Phật Tán, được vua ban áo bào màu tía. Nhận lời thỉnh của sư Pháp Tấn, ngài dịch bộ Vô Lượng Thọ Quyết Định Quang Minh Vương Kinh, được vua ban hiệu Truyền Giáo đại sư. Sư lại dịch kinh Cát Tường Trì Thế. Khi Sư mất, vua ban thụy hiệu Huyền Giác đại sư, tổng số kinh do Ngài dịch lên đến một trăm hai mươi bộ.

283 Gọi là Triệu Tống (960-1279) để phân biệt với nhà Lưu Tống (420-479) do Lưu Dụ sáng lập, cũng như tiểu quốc cũng mang tên Tống do tướng cướp Phụ Công Thạch chiếm cứ thời Tùy Mạt. Phụ Công Thạch thuở hàn vi thường đi trộm cắp cùng với Đỗ Phục Uy. Khi Đỗ Phục Uy nhân lúc nhà Tùy suy yếu, chiếm cứ vùng Hoài Nam, đã phong cho Phụ Công Thạch làm Trưởng Sử. Năm 623, Phụ Công Thạch làm phản, chiếm cứ vùng Đơn Dương, tự xưng là Tống Đế đặt niên hiệu là Thiên Minh. Về sau, Phụ Công Thạch bị Lý Tĩnh, Lý Hiếu Cung, Lý Thế Dân cùng vây đánh, hắn bị bắt trên đường bôn tẩu sang Cối Kê rồi bị Đường Cao Tổ (Lý Uyên) hạ lệnh giết chết.

284 Nguyên Ngụy tức là nhà Bắc Ngụy (386-557). Thác Bạt Khuể (còn đọc là Khuê) là một quý tộc họ Thác Bạt (Tuoba) thuộc sắc dân Tiên Ty (Tiên Ty là một sắc dân Mông Cổ, hậu duệ của sắc tộc Donghu). Đến đời vua thứ bảy là Ngụy Hiếu Văn Đế (Thác Bạt Hoành) trong nỗ lực Hán hóa dân tộc Tiên Ty, đã đổi họ Thác Bạt thành họ Nguyên, nên sử thường gọi nhà Bắc Ngụy là Nguyên Ngụy để phân biệt với những nhà Ngụy khác.

285 Kinh này có tên gọi đầy đủ là A Di Đà Phật Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh, một quyển, đã mất tên người dịch, được đánh số 370 trong tập 12 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh.

286 Tây Khang là tên một tỉnh được đặt ra khi chính quyền Dân Quốc còn nắm quyền cai trị Hoa Lục, bao gồm phần lớn vùng Kham của Tây Tạng. Khi Cộng Hòa Nhân Dân Trung Hoa thành lập, chính quyền Mao Trạch Đông đã tách một phần Tây Khang nhập vào Tây Tạng Tự Trị Khu và đem phần còn lại ghép vào tỉnh Tứ Xuyên.

287 Lã Bích Thành (1833-1943), người huyện Tinh Đức, tỉnh An Huy, là một nhà giáo dục thời cận đại, nhiệt tình hoạt động bảo vệ nữ quyền, đề xướng giáo dục nữ giới. Năm 1903, bà được mời làm biên tập viên cho tờ Đại Công Báo, trở thành nữ biên tập đầu tiên của Trung Hoa. Năm 1904, bà làm Giám Đốc trường công lập Bắc Dương cho nữ giới. Bà từng làm Bí Thư cho Viên Thế Khải năm 1912, nhưng từ chức năm 1915, sang học tại đại học Columbia của Mỹ. Bà văn tài mẫn tiệp, còn để lại bộ Hiểu Châu Từ. Phần lớn các sáng tác của bà nhằm hoằng dương Phật pháp.

288 “Ủy khuất” có nghĩa gốc là bị đối xử hay bị chỉ trích không công bằng, trong tâm khó chịu, ấm ức. Ở đây, chữ “ủy khuất” được dùng với ý nghĩa ấm ức, băn khoăn vì chưa hiểu rõ.

289 Thật ra, trong lịch sử Trung Hoa có rất nhiều nhà Tần, ở đây, Hòa Thượng Tịnh Không chỉ kể bốn nhà Tần có ảnh hưởng lớn đến lịch sử Trung Hoa:

1. Doanh Tần (221-207 trước Công Nguyên) do Tần Thủy Hoàng (Doanh Chính) sáng lập, diệt vong dưới đời Tần Tam Thế (Doanh Tử Anh).

2. Tiền Tần (350-394), còn gọi là Phù Tần, do Tần Huệ Vũ Đế (Phù Hồng) sáng lập, diệt vong dưới đời Phù Sùng (chưa kịp lập đế hiệu).

3. Hậu Tần (384-417), còn gọi là Diêu Tần, do Tần Vũ Chiêu Hoàng Đế (Diêu Trành) sáng lập, diệt vong trong đời Diêu Hoằng (chưa kịp xưng đế hiệu).

4. Tây Tần (385-431), do Tần Tuyên Liệt Vương (Khất Phục Quốc Nhân) sáng lập, diệt vong dưới đời Khất Phục Mộ Mạt.

Do vùng Quan Trung, Cam Túc, Thiểm Tây thuộc lãnh thổ nước Tần thời Chiến Quốc, nên những lãnh chúa quân phiệt khi xưng vương tại vùng này thường xưng là Tần. Chẳng hạn, thời Bắc Ngụy, Mạc Chiết Niệm Sanh giết quan thứ sử Tần Châu (nay thuộc Cam Túc), chiếm cứ Tần Châu, xưng vương, lập quốc, cũng lấy quốc hiệu là Tần.



290 Nước Tần thời Chiến Quốc thuộc địa bàn tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc. Theo truyền thuyết, tổ tiên vua Tần là Phi Tử. Phi Tử vốn là hậu duệ của Nữ Tu (cháu nội vua Chuyên Húc), đến đời cháu của Nữ Tu là Bá Ích giúp vua Đại Vũ trị thủy và lại giúp vua Thuấn chăm sóc, huấn luyện thú nên được ban họ là Doanh. Phi Tử giỏi nuôi ngựa, được Châu Hiếu Vương giao chăm sóc ngựa chiến, có công, nên Châu Hiếu Vương cắt Tần Ấp (nay là huyện Thanh Thủy tỉnh Cam Túc) phong cho, coi đất phong ấy là nước phụ dung (địa vị kém hơn nước chư hầu) của nhà Châu. Năm 770 trước Công Nguyên, Tần Tương Công phò tá Châu Bình Vương thiên đô, nên Châu Bình Vương phong cho Tần Tương Công tước Bá, nước Tần chính thức trở thành nước chư hầu, mở rộng địa bàn khắp cả tỉnh Thiểm Tây và Cam Túc.

291 Lục quốc là sáu nước chư hầu lớn thời ấy: Hàn, Triệu, Ngụy, Sở, Tề, và Yên. Ngoài sáu nước lớn ấy ra (nếu không kể Tần), thời Xuân Thu còn có các nước Tống, Vệ, Đông Châu, Trung Sơn, Lỗ, Đằng, Trâu, Phí v.v... nhưng thế lực các nước ấy rất yếu (có nước bị diệt vong trước khi Tần Thủy Hoàng diệt Lục Quốc, chẳng hạn Lỗ bị Sở diệt quốc vào năm 256 trước Công Nguyên, Trung Sơn bị nước Triệu diệt vào năm 296 trước Công Nguyên), nên khi Tần diệt Lục Quốc thì các nước ấy mất chỗ dựa, cũng diệt vong theo.

292 Đây là một trận đánh khá lớn tại Phì Thủy (nay thuộc vùng Đông Nam huyện Thọ, tỉnh An Huy) vào năm Thái Nguyên thứ ba (383) nhà Đông Tần do nhà Tiền Tần khởi xướng, quân Đông Tấn chỉ có tám vạn nhưng đã đánh tan tác mười vạn quân của Phù Kiên. Nguyên nhân là do Phù Kiên sau khi đã giết Tần Lệ Vương (Phù Sanh) đoạt ngôi, xưng là Tiền Tần Thiên Vương, lại được một mưu sĩ là Vương Mãnh giúp sức, quân lực mạnh mẽ, chỉ trong một thời gian ngắn đã diệt Tiền Yên, chiếm đất Lương (Hán Trung), Ích Châu, diệt nước Đại của dòng họ Thác Bạt, diệt Tiền Lương, đánh chiếm nhiều nơi thuộc Tây Vực. Do vậy, với tham vọng mãnh liệt, Phù Kiên bỏ qua lời khuyên của Vương Mãnh, toan làm chủ Trung Nguyên, đã phát binh đánh Tấn vào năm 378. Trải qua nhiều cuộc chiến, phe Tấn luôn thắng. Trong cuộc chiến Phì Thủy, Phù Kiên đã dốc mười vạn quân mong đè bẹp quân Tấn, nhưng thất bại thảm hại.


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương