阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang98/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

2. Bản dịch mang tên Lăng Già A Bạt Đa La Bảo Kinh của ngài Cầu Na Bạt Đà La dịch vào năm Nguyên Gia 20 (443) đời Lưu Tống, gồm bốn quyển. Theo truyền thuyết, tổ Đạt Ma đã truyền cho ngài Huệ Khả bản kinh này. Sách Truyền Đăng Lục cũng nói Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn đã vẽ bức Lăng Già Tu Định Đồ trên vách tường trong Thiền thất.

3. Bản dịch mang tên Nhập Lăng Già Kinh mười quyển do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào đời Bắc Ngụy.

4. Bản dịch mang tên Đại Thừa Nhập Lăng Già Kinh, bảy quyển, do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường.

5. Bản hội tập mang tên Lăng Già Hội Dịch do pháp sư Viên Kha biên soạn vào đời Minh. Bản này hội tập ba bản Tống dịch, Ngụy dịch và Đường dịch.



Nguyên bản kinh này bằng tiếng Phạn được phát hiện vào năm 1923 tại Kathmandu của Nepal và được Nam Điều Văn Hùng (Nanjō Bunyū) người Nhật kiểm giảo, xuất bản. Đến năm 2005, Đàm Tích Vĩnh dựa theo bản này, tham khảo ba bản Hán dịch trước đó, dịch thành bản mới mang tựa đề Nhập Lăng Già Kinh Phạm Bổn Tân Dịch. Ở đây, Tổ Liên Trì dùng chữ “Lăng Già chư kinh” trong lời Sớ nhằm nói đến các bốn bản dịch gốc và một bản hội tập vào đời Minh.

229 Chương Thái Viêm (1868-1936), người xứ Dư Hàng, Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, vốn có tên là Học Thừa, tự là Mai Thúc. Về sau đổi tên thành Bính Lâm, hiệu Thái Viêm. Cụ còn có các biệt hiệu Cao Lan Thất Chủ Nhân, Lưu Tử Tuấn Tư Thục Đệ Tử. Cụ là một nhà tư tưởng, sử gia, chuyên gia về Quốc Học đồng thời là một trong những nhà cách mạng tiên phong của Quốc Dân Đảng. Năm 23 tuổi, cụ chuyên nghiên cứu Quốc Học dưới sự giảng dạy của Du Việt, rất được giới học thuật kính nể do sự bác lãm của mình. Khi chiến tranh Trung Nhật lần thứ nhất xảy ra, cụ tham gia Cường Học Hội, viết nhiều bài cho Thời Vụ Báo của Lương Khải Siêu, chỉ trích những hủ bại của triều đình nhà Thanh. Bị truy nã, cụ phải trốn sang Đài Loan, rồi sang Nhật Bản được Lương Khải Siêu tiến cử lên Tôn Văn. Cụ trở lại Thượng Hải làm cộng tác với tờ Á Đông Thời Báo, và xuất bản tác phẩm quan trọng nhất là Cầu Thư nhằm trình bày ý tưởng canh tân đất nước. Cụ bị nhà Thanh hạ ngục từ năm 1901 đến năm 1906 và đã nghiên cứu Phật học trong thời gian ở tù. Sau khi được thả, cụ đã tham gia Đồng Minh Hội và trở thành chủ bút tờ Dân Báo. Trong thời gian này, các học trò đắc ý của cụ là Hoàng Khản, Lỗ Tấn, Châu Tác Nhân (em trai Lỗ Tấn), Tiền Huyền Đồng v.v... Chính cụ đã ấp ủ danh xưng Trung Hoa Dân Quốc trước khi cách mạng Tân Hợi thành công. Trung Hoa Dân Quốc thành lập, Viên Thế Khải đã mời cụ làm cố vấn cao cấp. Khi cuộc tổng tuyển cử đầu tiên được tiến hành vào năm 1913, Tống Giáo Nhân đắc cử, nhưng chưa nhậm chức đã bị ám sát chết. Cụ Chương kịch liệt phê phán Viên Thế Khải đã ám sát họ Tống. Do vậy, cụ Chương bị hắn giam giữ cho đến khi Viên Thế Khải chết vào năm 1916. Năm 1924, cụ Chương rời Quốc Dân Đảng, tuyên bố chỉ trung thành với Trung Hoa Dân Quốc, phê phán những biện pháp và đường lối độc tài của Tưởng Giới Thạch. Cụ lập ra hội nghiên cứu Quốc Học Giảng Tập Hội tại Tô Châu vào năm 1934, kiêm chủ bút tờ Chế Tín cho đến khi mất. Khi cụ mất, chính quyền Dân Quốc đã làm lễ quốc táng. Một trong những đóng góp quan trọng của cụ là chế ra hệ thống Chú Âm Phù Hiệu để ghi cách đọc chữ Hán rất thuận tiện.

230 Đông Nhạc Đại Đế chính là thần núi Thái Sơn, còn có danh xưng là Đông Nhạc Đế Quân, hoặc Thái Sơn Phủ Quân. Vị này chưởng quản ngũ nhạc và tất cả danh sơn của Trung Hoa. Theo Đạo Giáo, vị này quản nhiệm cả mười vị Diêm Vương (trong Đạo Giáo còn có một vị thần là Phong Đô Đế Quân cũng cai quản Thập Điện Diêm Vương), chủ trì họa phước của nhân gian. Nguồn gốc của Đông Nhạc Đại Đế cũng có nhiều thuyết:

1. Cát Hồng đời Tấn cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là vua Phục Hy.

2. Có thuyết cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là Kim Hồng Thị, hậu duệ của Bàn Cổ, tu đạo thành tiên tại Thái Sơn.

3. Theo tiểu thuyết Phong Thần Diễn Nghĩa thì Đông Nhạc Đại Đế chính là đại tướng Hoàng Phi Hổ của Trụ Vương.



Có một số tăng sĩ cho rằng Đông Nhạc Đại Đế là hóa thân của Địa Tạng Vương Bồ Tát.

231 Nhà Mãn Thanh thuộc sắc tộc Nữ Chân (Jurchen), còn gọi là Nữ Trực, hoặc Nữ Trinh, sống chủ yếu ở vùng Mãn Châu, vốn là hậu duệ của một bộ tộc thuộc sắc dân Mạt Hạt (Malgal, cư dân chủ yếu của cổ vương quốc Bột Hải) phải lưu tán sau khi nhà Liêu diệt Bột Hải. Do họ thường sống tập trung quanh sông Amur vào thuở đầu nên sử thường gọi là Hắc Thủy Mạt Hạt (Hắc Thủy là dịch nghĩa của chữ Amur). Các bộ tộc Nữ Chân được thống nhất bởi Hoàn Nhan A Cốt Đả (Wanyan Aguda). A Cốt Đả xưng đế, lập ra vương triều Kim. Chữ Kim này chính là đặt theo tên của dòng sông Anchuhu (sông Vàng) ở quê hương người Mạt Hạt. Lãnh thổ nhà Kim bao gồm toàn bộ miền Bắc Trung Hoa, nhưng rồi nhà Kim bị nhà Nguyên của Hốt Tất Liệt diệt quốc vào năm 1234. Vào năm 1586, tù trưởng Nỗ Nhĩ Cáp Xích (Nurhachi) của bộ tộc Kiến Châu Nữ Chân đã thống nhất các bộ tộc Nữ Chân, lập ra vương triều Hậu Kim. Con trai ông ta là Hoàng Thái Cực đã đổi tên dân tộc thành Mãn Châu vì tin người Nữ Chân là hậu duệ của Văn Thù Sư Lợi Bồ Tát, và đổi quốc hiệu thành Đại Thanh.

232 Chữ Kháng Chiến ở đây chỉ giai đoạn Trung Hoa chống lại sự xâm lăng của quân phiệt Nhật từ năm 1937 đến năm 1945, khởi đầu bằng Lư Câu Kiều sự biến, tức sự kiện quân Nhật viện cớ một lính Nhật mất tích gần đồn lũy của thành Uyển Bình (phụ cận Bắc Kinh) để đòi xét thành. Quân Quốc Dân Đảng chống lại, hai bên đọ súng, và Nhật viện cớ ấy, tấn công chiếm Bắc Kinh và Thiên Tân.

233 Sử Trung Hoa thường gọi sự kiện này là Nhất Nhị Bát Sự Biến, hoặc Tùng Hỗ Chiến Tranh hoặc Thượng Hải Sự Biến. Sau khi tấn công thành công Mãn Châu, Nhật đã chiếm được Đông Tam Tỉnh của Trung Hoa và lập ra chính quyền bù nhìn Mãn Châu Quốc, với mục đích tiếp tục tiến chiếm Trung Hoa, quân phiệt Nhật thấy cần phải tạo ra một cớ để tấn công Trung Hoa. Vào ngày Mười Tám tháng Giêng năm 1932, họ sai năm tăng nhân người Nhật khiêu khích khiến cho các thanh niên Trung Hoa nổi giận, đánh đập họ ở ngoài xưởng máy Tam Hữu Thực Nghiệp Xã ở Thượng Hải. Kết quả, hai người bị thương nặng, một người chết. Vài tiếng sau, xưởng máy Tam Hữu bị người Nhật đốt trụi với mục đích báo thù. Các hình thức kháng Nhật liền sôi nổi bùng ra. Chính quyền Nhật liền viện cớ bảo vệ kiều dân Nhật tại Trung Hoa để đem quân vào Thượng Hải. Giữa đêm ngày Hai Mươi Tám tháng Giêng, Nhật ném bom Thượng Hải và ba ngàn quân Nhật chính thức tấn công nhiều nơi tại Thượng Hải. Chiến cuộc nổ ra, hai bên thương vong nặng nề, cho đến khi quân Quốc Dân Đảng vì thiếu lương thực phải rút khỏi Thượng Hải, phía Nhật dưới áp lực của liên quân Đồng Minh và chiến phí quá nặng cũng phải nhượng bộ; đôi bên ký kết hiệp ước đình chiến Tùng Hỗ vào ngày Năm tháng Năm năm 1932.

234 Ý nói: Bốn giáo trước xét theo lý luận đều có đủ cả ba pháp giới Sự vô ngại, Lý vô ngại, Sự Lý vô ngại.

235 Cam Lộ Hỏa Vương là vị thiện tri thức thứ mười bảy trong số năm mươi ba vị thiện tri thức. Bát Thập Hoa Nghiêm dịch tên vị vua này là Vô Yếm Túc Vương. Để tránh hiểu lầm Phật giáo khuyến khích giết người, xin trích dẫn một đoạn do vua tự giải thích trong Tứ Thập Hoa Nghiêm, phẩm Nhập Bất Tư Nghị Giải Thoát Cảnh Giới Phổ Hiền Hạnh Nguyện Phẩm, quyển 14, như sau: “Thiện nam tử! Ý ông nghĩ sao? Như ông đã thấy quả báo [do ta được thụ hưởng] đáng yêu như thế, sắc tướng như thế, quyến thuộc như thế, vinh hoa, sung sướng như thế, giàu có như thế, tự tại như thế, có phải là do ác nghiệp cảm thành hay chăng? Này thiện nam tử! Ta đắc Bồ Tát Như Huyễn Giải Thoát. Này thiện nam tử! Nay tất cả các chúng sanh trong cõi ta, hành nhiều nghiệp ác như hạng Chiên Đà La. Ta vì các chúng sanh ác chẳng chịu vâng theo sự giáo hóa tốt lành mà tạo các thứ phương tiện, vẫn chưa thể khiến họ bỏ ác nghiệp, quay về thiện đạo. Thiện nam tử! Ta vì điều phục các chúng sanh ấy, khiến cho họ thành thục, nên do lòng Đại Bi hướng dẫn, hóa hiện những kẻ ác, đối trước những kẻ ác ấy, cảnh cáo kẻ ác, và biến hóa ra những kẻ não hại, bức não, trách phạt [những kẻ ác đó], đủ thứ trừng phạt khổ sở, khiến cho những chúng sanh làm ác trong nước thấy chuyện ấy, sanh lòng hoảng sợ, đối với các món dục lạc, sẽ sanh lòng chán lìa, tâm sanh khiếp sợ, liền có thể vĩnh viễn đoạn hết thảy ác nghiệp, phát Bồ Đề tâm, đắc Bất Thoái Chuyển. Do vậy, thiện nam tử nên biết: Những chúng sanh tạo ác chịu đựng các nỗi khổ và những chúng sanh hung bạo [do ta ra lệnh] trừng phạt kẻ ác như ông đã thấy đều là huyễn hóa. Này thiện nam tử! Ta dùng các phương tiện như vậy nhằm làm cho chúng sanh thôi tạo mười nghiệp bất thiện, tu tập trọn mười thiện đạo, lợi lạc rốt ráo, an ổn rốt ráo, vĩnh viễn dứt các khổ, trụ trong Nhất Thiết Trí Địa của Như Lai. Này thiện nam tử! Thân, ngữ, ý của ta chưa hề mong não hại một chúng sanh nào. Lòng ta nghĩ thà đến hết đời vị lai, [chính mình] chịu khổ không gián đoạn, trọn chẳng phát khởi một niệm sân tâm, chưa từng khởi ý tưởng não hại chúng sanh bé bỏng như con muỗi, con kiến, huống là tạo tác các ác nghiệp như thế. Thiện nam tử! Ta tự ức niệm, cho đến trong mộng, chưa từng có một niệm tâm sanh phóng dật, huống là lúc thức mà lại giết người ư?”

236 Viên Giáo Nhất Thừa chỉ có hai bộ kinh là Pháp Hoa và Hoa Nghiêm, nhưng trong Pháp Hoa không có Sự Sự vô ngại, chỉ riêng kinh Hoa Nghiêm có nên mới gọi Hoa Nghiêm là Biệt Giáo Nhất Thừa nhằm phân định với Nhất Thừa nói chung.

237 Nghĩa thú: Ý nghĩa và chỉ thú (chỗ hướng đến, tông chỉ, mục đích hướng đến).

238 Bổng () là dùng gậy đánh, hát () là quát to. Đây là phương cách thường được dùng để chỉ điểm người đến tham học của ngài Lâm Tế Nghĩa Huyền. Về sau, mọi phương pháp chỉ dạy, cảnh tỉnh đều gọi chung là “bổng hát”.

239 Bắc Câu Lô Châu còn dịch là Uất Đan Việt, Uất Đát La, Úc Đa La Cưu Lưu, Ốt Đát La Củ Lô v.v... dịch nghĩa là Cao Thắng, Phước Địa. Theo kinh A Hàm, A Tỳ Đàm Luận, và Du Già Sư Địa Luận, châu Uất Đan Việt ở phương Bắc núi Tu Di. Châu này vuông vức, kích thước mỗi bề là mười ngàn do-tuần, bốn phía bằng phẳng, con người thọ ngàn năm, không có các nỗi khổ, thường hưởng khoái lạc, cần dùng vật gì cứ lấy từ cây Như Ý, chẳng cần phải lo ăn uống, nhà cửa. Con cái đẻ ra không cần nuôi, ai đi qua thấy trẻ đói đưa ngón tay gần miệng đứa bé, liền có sữa chảy ra. Châu này thuộc quyền quản trị của Tỳ Sa Môn thiên vương (Vaiśravana).

240 Bốn đại châu là ngoại trừ Bắc Câu Lô Châu còn có:

1. Nam Diêm Phù Đề (Jambudvīpa): Nằm ở phía Nam núi Tu Di, có hình tam giác cụt, đáy nhỏ hướng xuống dưới, châu vi mười ngàn do tuần. Châu này được đặt tên theo cây Diêm Phù. Địa cầu của chúng ta thuộc về châu này. Tuổi thọ biến thiên từ mười năm đến tám vạn bốn ngàn năm theo chu kỳ tăng giảm của tiểu kiếp.

2. Đông Thắng Thần Châu (Pūrvavideha): Nằm ở phía Đông núi Tu Di, có hình bán nguyệt, thọ mạng con người trong châu này là hai trăm năm mươi năm.

3. Tây Ngưu Hóa Châu (Aparagodānīya): Nằm ở phía Tây núi Tu Di, châu có hình tròn. Con người trong cõi này thọ năm trăm tuổi, không sống trong nhà mà ngủ trên mặt đất.




241 Nguyên văn “thập lý trường đình”: Thời Tần - Hán, cứ mỗi mười dặm đường, chánh quyền sở tại lập một cái đình để người đi đường nghỉ chân hoặc dành cho thân hữu tiễn biệt bạn bè. Đình là một cái nhà nhỏ không vách, chỉ có cột, bên trong thường có kê bàn ghế bằng đá. Theo cổ lễ, tiễn nhau phải theo chân mười dặm đường. Về sau, cứ năm dặm lập một cái đình, gọi đó là “đoản đình”, còn đình ở khoảng cách mười dặm gọi là “trường đình”.

242 Theo phẩm A Tăng Kỳ trong kinh Hoa Nghiêm, một bất khả thuyết là một trong các con số lớn, tính từ một lạc-xoa là một trăm ngàn, câu-chi là một trăm lạc-xoa, câu-chi lần câu-chi là một a-dữu-đa, a-dữu-đa lần a-dữu-đa là một na-do-tha v.v... Một bất khả thuyết là sau số 1 có 4.652.297.985.247.205.555.163.324.710.981.206.016 con số 0.

243 Tứ sự cúng dường” là cung cấp bốn nhu cầu sinh hoạt thông thường cho Phật và Tăng đoàn, tức là cung cấp y phục, thức ăn, vật dụng để nằm và thuốc men.

244 Tịnh Danh Kinh là tên gọi thông thường của kinh Duy Ma Cật (vì Duy Ma Cật dịch sang nghĩa tiếng Hán là Tịnh Danh, hoặc Vô Cấu Xưng). Sở dĩ nói “Tịnh Danh chư kinh” vì kinh này có đến bảy bản dịch, nhưng đã thất lạc bốn bản, chỉ còn ba bản:

1. Phật Thuyết Duy Ma Cật Kinh do cư sĩ Chi Khiêm dịch vào thời Đông Ngô.

2. Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần.

3. Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường.



Bản dịch của Ngài Cưu Ma La Thập có ghi tên kinh Duy Ma Cật là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Kinh. Tên gọi này do chính đức Phật nói, vì trong phẩm Chúc Lụy, đức Phật đã dạy ngài A Nan: “Này A Nan! Kinh này tên là Duy Ma Cật Sở Thuyết, còn gọi là Bất Khả Tư Nghị Giải Thoát Pháp Môn”. Bản của ngài Chi Khiêm ghi gần giống như vậy, bản của ngài Huyền Trang ghi: “Đức Thế Tôn bảo rằng: - Kinh như thế này có tên là Thuyết Vô Cấu Xưng Bất Khả Tư Nghị Tự Tại Thần Biến Giải Thoát Pháp Môn, hãy trì như thế”.

245 Pháp sư Trí Viên (976-1022) là một danh tăng thuộc Sơn Ngoại Phái của tông Thiên Thai, tự là Vô Ngoại, hiệu Trung Dung Tử, hoặc Tiềm Phu, quê ở huyện Tiền Đường, họ Từ. Sư xuất gia từ nhỏ, về sau thọ giới tại chùa Long Hưng ở Tiền Đường. Về sau, Sư sang chùa Phụng Tiên học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Nguyên Thanh. Sau đấy, Sư ẩn cư tại Mã Não Pha thuộc Cô Sơn, Tây Hồ, Hàng Châu, giao du thân thiết với ngài Từ Vân Tuân Thức. Do nghe ngài Nguyên Thanh nói tác phẩm Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa của Trí Giả đại sư bị người đời sau sửa đổi, nên mới có hai bản gọi là Lược Bổn và Quảng Bổn, Sư bèn viết tác phẩm Pháp Hoa Thập Diệu Bất Nhị Môn Thị Châu Chỉ, chủ trương Chân Tâm Quán. Sau đó, ngài Tứ Minh Tri Lễ viết bộ Thích Nạn Phù Tông Ký đả phá thuyết của ngài Nguyên Thanh và đề cao Quảng Bổn. Nhằm bênh vực thầy và tự biện hộ cho mình, ngài Trí Viên bèn hợp tác với ngài Phạm Thiên Khánh Chiêu soạn bộ Biện Ngoa để công kích ngài Tri Lễ. Lại soạn bộ Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa Biểu Trưng Ký nhằm bắt bẻ bộ Quảng Bổn là văn tự thô lậu, nghĩa lý sơ sài, lý lẽ mâu thuẫn và tường thuật sự việc lầm lẫn. Tông Thiên Thai từ sự kiện này mà chia thành hai phái Sơn Gia và Sơn Ngoại. Đôi bên viết sách công kích nhau, kéo dài mười mấy năm, tạo thành trận bút chiến dằng dai giữa hai phái Sơn Ngoại và Sơn Gia trong tông Thiên Thai. Ngoài các bộ sách nhằm tranh luận về vấn đề Quảng Bổn, Sư còn để lại các bộ sớ giải sau đây: Văn Thù Bát Nhã Kinh Sớ, Di Giáo Kinh Sớ, Bát Nhã Tâm Kinh Sớ, Thụy Ứng Kinh Sớ, Tứ Thập Nhị Chương Kinh Chú, Bất Tư Nghị Pháp Môn Kinh Sớ, Vô Lượng Nghĩa Kinh Sớ, Quán Phổ Hiền Hành Pháp Kinh Sớ, A Di Đà Kinh Sớ, Thủ Lăng Nghiêm Kinh Sớ (do có mười bộ sớ nên mới gọi là Thập Bổn Sớ Chủ), Thỉnh Quán Âm Kinh Sớ Xiển Nghĩa Sao, Duy Ma Kinh Lược Sớ Thùy Dụ Ký, Niết Bàn Huyền Nghĩa Phát Nguyên Cơ Yếu, Niết Bàn Kinh Sớ Tam Đức Chỉ Quy, Niết Bàn Kinh Trị Định Sớ Khoa, Kim Cang Phê Hiển Tánh Lục, Bát Nhã Tâm Kinh Di Mưu Sao. Mười bộ Sớ của Sư hiện thời chỉ còn bộ Bát Nhã Tâm Kinh Sớ, chín bộ kia đã bị thất truyền.

246 Tuy thường nói Luận Ngữ, Mạnh Tử, Đại Học và Trung Dung là Tứ Thư, nhưng Trung Dung và Đại Học chỉ là hai thiên sách trong sách Lễ Ký. Trung Dung là thiên thứ ba mươi mốt, còn Đại Học là thiên thứ hai mươi bốn. Thiên sách Đại Học nhấn mạnh tầm quan trọng của Thành (lòng thành), Trung Dung cũng nhấn mạnh Thành, nhưng điểm độc đáo của Trung Dung là nói đến ý nghĩa “chấp Trung” tức là cầu “trung hòa”. Theo đó, con người phải sống hợp với Trung, dùng lòng chí thành để đạt đến Trung.

247 Trung Luận (Mūlamadhyamakakārikā) còn gọi là Trung Quán Luận, Trung Luận Tụng, hoặc Trung Quán Căn Bản Luận do Long Thọ Bồ Tát trước tác, do ngài Cưu Ma La Thập dịch sang tiếng Hán. Tác phẩm này được coi là kinh điển căn bản của học thuyết Trung Quán, nhấn mạnh tầm quan trọng của Trung Đạo cũng như các phương pháp thể nhập Trung Đạo. Do tầm quan trọng của bộ luận này, trong Hán Tạng có đến bảy bộ chú giải như sau: Vô Úy Luận (do ngài Long Thọ tự viết để chú thích Trung Luận), Trung Luận Thích (do ngài Thanh Mục viết), Thuận Trung Luận (do Vô Trước Bồ Tát viết), Đại Thừa Trung Quán Thích Luận (do ngài An Huệ viết), Căn Bản Trung Luận Chú (do ngài Phật Hộ soạn), Bát Nhã Đăng Luận (do ngài Thanh Biện viết), và Tịnh Minh Cú Luận (do ngài Nguyệt Xứng viết).

248 Do quán các pháp là Giả, tức là nhìn từ Tướng để thể nhập Tánh, tức là phá chấp Hữu, nhập Không là quán chiếu bản tánh các pháp là Không, nhưng chẳng phải là trống không, rỗng tuếch, chỉ vì bản tánh không có vọng niệm, đối đãi nên gọi là Không, quán như vậy chính là phá chấp Không. Do vậy, bước thứ nhất này gọi là “song giá” (ngăn dứt cả hai kiến chấp Có và Không), sau đó nhập Trung thấy rõ bản chất của Không và Giả, Giả chính là Không, Không chính là Giả nên gọi là “song chiếu”, nên từ Tánh lại khởi ra tác dụng, do vậy, mới nói là từ Không trở lại Giả.

249 Thiên Thai Tam Đại Bộ là ba bộ sách do chính ngài Thiên Thai Trí Khải (Trí Giả đại sư) biên soạn, gồm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Nghĩa, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Văn Cú và Ma Ha Chỉ Quán. Ba bộ này là căn cứ lý luận cho toàn bộ giáo nghĩa của tông Thiên Thai. Ngoài ra, người học giáo nghĩa tông Thiên Thai còn phải nghiên cứu năm bộ sách nữa gọi là Thiên Thai Ngũ Tiểu Bộ tức Kim Quang Minh Kinh Huyền Nghĩa, Kim Quang Minh Kinh Văn Cú, Quán Âm Huyền Nghĩa, Quán Âm Nghĩa Sớ và Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ. Năm bộ này là bút ký của ngài Quán Đảnh ghi chép lời dạy của tổ Thiên Thai. Riêng Kim Quang Minh Huyền Nghĩa có hai bản Quảng Bổn và Lược Bổn, là đầu mối gây nên tranh cãi khiến tông Thiên Thai tách thành hai phái Sơn Gia (do Tứ Minh Tri Lễ cầm đầu) và phái Sơn Ngoại (do Từ Vân Tuân Thức và Cô Sơn Trí Viên lãnh đạo).

250 Đúng ra phải đọc là Pháp Hoa Kinh Văn Cú Ký Soán Yếu, nhưng ta quen đọc chữ Soán (: cướp lấy, đoạt lấy) thành Toản cho những tác phẩm thuộc thể loại trích yếu này. Soán Yếu có nghĩa là gạn lọc lấy, đoạt lấy những điều trọng yếu.

251 Thật ra, ngài Chương An chỉ chỉnh lý tác phẩm Pháp Hoa Văn Cú của tổ Trí Giả, phần Văn Cú do ngài Chương An biên tập, còn Văn Cú Ký chính là tác phẩm chú giải Văn Cú của ngài Kinh Khê Trạm Nhiên. Vì thế, trong các bản in Pháp Hoa Văn Cú Ký hiện thời thường ghi như sau: Tùy Thiên Thai Trí Giả đại sư thuyết, Tùy Chương An Quán Đảnh đại sư văn cú, Đường Kinh Khê Trạm Nhiên đại sư thuật ký (Thiên Thai Trí Giả đại sư đời Tùy giảng, Chương An Quán Đảnh đại sư đời Tùy ghi thành văn cú, Kinh Khê Trạm Nhiên đại sư đời Đường viết bút ký).

252 Đây là loại mão có thêu thùa rất đẹp, chỉ dành cho vị pháp sư chủ pháp đội trong các pháp hội đặc biệt như Diệm Khẩu hoặc Thủy Lục, mô phỏng hình đóa sen nở, chính giữa có trụ giống như một cái tháp nhỏ, đó là nơi chân thân Tỳ Lô Giá Na Phật ngự nên gọi là mão Tỳ Lô. Thông thường trong pháp hội của Trung Hoa, vị chủ pháp sau khi đã lên pháp tọa, lễ thỉnh, kết ấn, gia trì triệu thỉnh, rồi mới đội mũ lên, cung thỉnh Tam Bảo rồi mới khoác thêm hình Ngũ Phật lên mão, chứ không đội ngay từ đầu như trong các pháp hội Trai Đàn Chẩn Tế của người Việt. Sau khi hoàn tất nghi lễ thi thực, bèn tháo mũ ra, đặt lên án, trước khi bước xuống pháp tòa, hồi hướng, lễ Tam Quy, chứ không đội mão về liêu phòng hay trai đường.

253 Lục Quần Tỳ Kheo là sáu tỳ-kheo đệ tử Phật thường kéo bè kéo phái làm chuyện phi pháp, trái nghịch oai nghi nên gọi là Lục Quần (sáu người họp thành bầy), nhằm mục đích tạo duyên cho đức Phật chế giới. Các bộ luật cho biết tên họ là Nan Đồ, Bạt Nan Đà, Ca Lưu Đà Di, Xiển Na, Mã Tú và Mãn Túc. Sách Tát Bà Sa Tỳ Ni Tỳ Bà Sa cho biết: “Trong số Lục Quần tỳ-kheo, hai người đắc Lậu Tận nhập Vô Dư Niết Bàn là Ca Lưu Đà Di và Xiển Na, hai người sanh lên cõi trời là Nan Đồ và Bạt Nan Đà. Hai người đọa làm rồng là Mã Tú và Mãn Túc.... Hai người thông hiểu tinh tú vận hành là Nan Đồ và Bạt Nan Đà, hai người tinh thông nghệ thuật bắn cung là Ca Lưu Đà Di và Xiển Na, hai người thông thạo âm nhạc và kịch nghệ là Mã Tú và Mãn Túc”. Tùy theo cách dịch nghĩa phiên âm mà danh hiệu các vị này có sai khác, chẳng hạn Tăng Kỳ Luật ghi tên họ là Nan Đà, Ca Lưu Đà Di, Tam Văn Đạt Đa, Ma Hê Sa Đạt Đa, Mã Sư, Mãn Túc; Tỳ Nại Da Luật ghi là Xiển Đà, Ô Ba Nan Đà, A Thuyết Tha, Bổ Nại Bà Tố Ca, Xiển Đà, Ô Đà Di (theo cách phiên âm này thì hai vị có tên là Nanda và Chanda cùng được phiên thành Xiển Đà, có lẽ là lỗi chép sai khi sao lục).

254 Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh có hai bản dịch: Bản thứ nhất của ngài Mạn Đà La Tiên, bản thứ hai của ngài Tăng Già Sa La dịch. Kinh này tương ứng với hội thứ bảy trong bộ Đại Bát Nhã Kinh do ngài Huyền Trang dịch và bản Thánh Bát Nhã Ba La Mật Đa Thất Bách Tụng Đại Thừa Kinh trong Đại Tạng Kinh của Tây Tạng.

255 Đại Phẩm Bát Nhã Kinh còn gọi là Nhị Vạn Ngũ Thiên Tụng Bát Nhã, Ma Ha Bát Nhã Ba La Mật Kinh, Ma Ha Bát Nhã Kinh hay Đại Phẩm Kinh do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào năm Hoằng Thỉ thứ năm (403), gồm hai mươi bảy quyển. Những bản dịch tiếng Hán khác của kinh này là Quang Tán Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, Phóng Quang Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Vô La Xoa dịch vào đời Tây Tấn. Kinh này tương ứng với hội thứ hai trong bộ Đại Bát Nhã sáu trăm cuốn của ngài Huyền Trang. Kinh này được chú giải đặc biệt nhiều, nổi tiếng nhất là Đại Trí Độ Luận của ngài Long Thọ, Đại Phẩm Kinh Nghĩa Sớ của ngài Cát Tạng, và Đại Phẩm Kinh Du Ý (không ghi tên tác giả).

256 Kinh này có tên gọi đầy đủ Phật Thuyết Quán Phật Tam Muội Hải Kinh do ngài Trúc Tam Tạng Phật Đà Bạt Đà La dịch vào thời Đông Tấn, gồm mười quyển, sáu phẩm, nội dung nói đến những tướng hảo của đức Phật và cách quán tưởng. So với cách quán tưởng của Quán Kinh, kinh này phức tạp hơn rất nhiều, xin trích một đoạn như sau: “Phật bảo phụ vương: - Thế nào là quán tướng quang minh giữa hai mày của Như Lai? Nay đức Như Lai vì các chúng sanh trong đời sau mà hiện chút tướng quang minh nơi bạch hào. Quang minh ấy chia làm tám vạn bốn ngàn nhánh, cũng có tám vạn bốn ngàn màu, chiếu trọn khắp mười phương vô lượng thế giới, mỗi màu hóa ra một quả núi bằng vàng. Mỗi núi vàng có vô lượng hang báu. Trong mỗi hang báu có một hóa Phật ngồi xếp bằng nhập Thiền Định sâu, có Thanh Văn, Bồ Tát trăm ngàn đại chúng làm quyến thuộc. Khi ấy, trong hang Phật đó có các hóa Phật, đều phóng tướng quang minh đại nhân nơi bạch hào, cũng chiếu mười phương vô lượng thế giới [khiến các thế giới ấy] đều như sắc vàng ròng. Trên đất sắc vàng có hoa sen vàng. Trên mỗi hoa sen vàng đều có hóa Phật, cũng có cùng hiệu là Thích Ca Văn (Thích Ca Mâu Ni). Giữa chặng mày của chư Phật cũng phóng quang minh này, chiếu trọn khắp mười phương thế giới, giống như trăm ngàn ức Tu Di Sơn Vương hợp lại một chỗ. Các Tu Di Sơn Vương hiện bóng chư Phật, thân Phật cao rõ, bằng với núi Tu Di. Nơi bạch hào của các vị hóa Phật ấy cũng phóng quang nhiễu khắp chư Phật bảy vòng xong, đều nhập vào giữa hai mày của Thích Ca Mâu Ni Phật. Khi quang minh ấy nhập vào [tướng bạch hào giữa hai mày], nơi mỗi lỗ chân lông trên thân Phật đều có một hóa Phật, trong mỗi lỗ chân lông của mỗi vị hóa Phật ấy đều hóa ra tám vạn bốn ngàn hình tượng nhiệm mầu, đều là những chuyện mà hết thảy chúng sanh trong tam thiên đại thiên thế giới hiếm khi được thấy”.
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương