阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang100/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

293 Thập () là chữ kép của Thập () dùng trong văn kiện, nhất là các bằng khoán, để tránh bị sửa đổi hay đọc lầm lẫn. Thập có còn nghĩa là những thứ lặt vặt. Một quyển sách cũng gọi là Thập. Do vậy, chữ Thập ở đây có nghĩa xưng tụng Ngài điều gì cũng biết, chẳng sót một điều nhỏ nhặt nào.

294 Con đường Tơ Lụa là một tuyến đường giao thông, buôn bán nối liền châu Á và châu Âu thời cổ. Nếu kể cả đường biển sẽ bao gồm Hồng Hải, Đông Phi, Ấn Độ, Đông Nam Á, Bắc Phi và Somalia. Con đường này dài hơn bốn ngàn dặm (6.500km) được hình thành từ thời Hán nhờ sự khám phá và sứ vụ Tây Vực của Trương Khiên. Gọi là con đường Tơ Lụa vì Trung Hoa là nước đầu tiên sản xuất tơ lụa, gấm vóc được khối Hồi Giáo và các vương quốc châu Âu hết sức ưa chuộng. Khởi đầu từ thành phố Nam Dương (tỉnh Hà Nam) cho đến Ngọc Môn Quan, Dương Quan, thông sang Thông Lãnh (Pamir) tới tận Trung Á, Tây Á, kết thúc tại vùng Địa Trung Hải của Âu Châu. Con đường này suy vi khi đế quốc Mông Cổ tan rã, khiến cho tình hình an ninh không đảm bảo, thổ phỉ cướp bóc khiến các thương gia không dám chuyển hàng nữa, cũng như do hàng hải phát triển khiến con đường chuyển vận trên bộ mất dần vai trò. Không chỉ tơ lụa, mà các hàng hóa như gai, xạ hương, hương liệu, gia vị, châu báu, đồ thủy tinh, đồ gốm, đồ sứ, trà, rượu, ngay cả nô lệ cũng được chuyển vận theo con đường này.

295 Quy () vốn là dụng cụ để vẽ hình tròn, Củ () là dụng cụ để vẽ hình vuông, nên “quy củ” được hiểu theo nghĩa rộng là phép tắc, quy định.

296 Đây là một thành ngữ, dùng hình ảnh ngựa cõi trời có thể sải cánh bay lượn tùy ý trên hư không, chẳng thể đoán trước được. Thành ngữ này thường dùng để hình dung khí thế của thơ văn hay thư pháp tung hoành ngang dọc, ào ạt, hùng vĩ, không thể đoán trước kết cục, diễn biến.

297 Hành Chánh Viện Trưởng là danh xưng để gọi Thủ Tướng của Đài Loan, tại Hoa Lục thì gọi là Tổng Lý Quốc Vụ Viện.

298 Từ cách đọc này trong tiếng Hán, chữ Quy Tư phải đọc đúng âm là Cưu Ty. Xứ này nằm phía Bắc sa mạc Taklamakan trong vùng trũng Tarim, phía Nam sông Muzat. Dân Cưu Ty nói tiếng Toracharian (thuộc hệ ngôn ngữ Ấn Âu), có văn tự riêng. Người Trung Hoa đã biết đến xứ này từ thời Hán. Thời Đường xứ này rất nổi tiếng về âm nhạc và ca vũ, cung đình triều Đường rất chuộng nhạc Cưu Ty, thể loại Nhã Nhạc của Trung Hoa chịu ảnh hưởng lớn từ nhạc Cưu Ty. Đàn Tỳ Bà cũng do người Trung Hoa vay mượn của dân Cưu Ty và cải tiến. Hiện thời, Quy Tư chính là thành phố Kuqa (Khố Xa) thuộc địa khu Aksu của Tân Cương Duy Ngô Nhĩ Tự Trị Khu, Trung Quốc.

299 Tây Vực là danh xưng để gọi chung toàn bộ những vùng đất nằm ở Thiên Sơn nam lộ (tức là tuyến đường Tơ Lụa đi từ Ngọc Môn Quan về phương Tây). Từ Ngọc Môn Quan đi về phương Tây có ba tuyến đường: Bắc, Nam, và Trung. Thoạt đầu vào thời Tùy Đường, Tây Vực bao gồm: Phía Bắc đến Phất Lâm (đế quốc Byzantine), phía Đông đến Ba Tư, phía Nam đến giáp ranh Bà La Môn (Ấn Độ). Thời Nguyên, cả khu vực Âu Châu cũng được gộp vào Tây Vực. Hiểu theo nghĩa hẹp, Tây Vực chỉ bao gồm các quốc gia Trung Á nằm dọc theo con đường Tơ Lụa. Sử Trung Hoa thường ghi các quốc danh nổi tiếng tại Tây Vực như Thiện Thiện (Lâu Lan), Nhược Khương, Ô Tra, Tây Da, Tử Hợp, Quyên Độc, Tiểu Uyên, Tinh Tuyệt, Thả Mạt, Vu Điền, Nhung Lô, Ba Sơn, Sớ Lặc, Kiệt Thạch, Nguy Tu v.v...

300 Phân dã” là cách phân chia bầu trời thành mười hai cung (Tinh Kỷ, Huyền Hiêu, Phản Tý, Giáng Lũ, Đại Lương, Thật Trầm, Thuần Thủ, Thuần Hỏa, Thuần Vỹ, Thọ Tinh, Đại Hỏa, Tích Mộc) của thiên văn cổ Trung Hoa, khá giống như cách chia mười hai cung Hoàng Đạo hiện thời, nhưng trong “phân dã” thì mặt đất cũng chia thành mười hai cung tương ứng với bầu trời. Do vậy, để chiêm nghiệm vận mạng một nước, quan Thái Sử thường quan sát tinh tú tương ứng với phân dã của nước ấy.

301 Quan Trung là vùng bình nguyên sông Vị, thuộc miền Trung tỉnh Thiểm Tây hiện thời, thuộc vùng thượng lưu sông Hoàng. Vùng này nông nghiệp trù phú, dân cư đông đảo, thường gọi là Bát Bách Lý Tần Xuyên (vùng Tần Xuyên tám trăm dặm). Do chung quanh vùng này có bốn ải là Tán Quan (ở phía Tây), Hàm Cốc Quan (phía Đông), Vũ Quan (phía Nam) và Tiêu Quan (phía Bắc) nên gọi là Quan Trung. Kinh đô Hàm Dương của nước Tần thời Tần Thủy Hoàng cũng thuộc Quan Trung.

302 Chữ Sư ở đây chỉ quân đội.

303 Tuất (): Thời cổ, quan đại phu chết được gọi là Tuất, nên cổ văn thường dùng chữ Tuất để nói về cái chết của những người đáng tôn trọng.

304 Ngài Huyền Trang tên thật là Trần Huy, hậu duệ của công thần Trần Thật (104-187) thời Đông Hán. Ngài thuộc gia đình vọng tộc, ông cố là Trần Khâm làm quan Thái Thú vùng Thượng Đảng thời Đông Ngụy, ông nội là Trần Khang làm quan Quốc Tử Bác Sĩ nhà Bắc Tề, cha là Trần Huệ làm huyện lệnh Giang Lăng đời Tùy. Khi Ngài sanh ra, cha đã từ quan, cõi đời loạn lạc, gia cảnh suy sút. Ngài có ba người anh, người anh thứ hai là Trần Tố, đã xuất gia trước đó tại chùa Tịnh Trụ ở Lạc Dương. Vị này có tài giảng kinh nên người đương thời thường gọi là pháp sư Trưởng Kiện.

305 Đôn Hoàng nay thuộc thành phố Tửu Tuyền, tỉnh Cam Túc. Thời Xuân Thu, do nơi này có một loại dưa ngon nổi tiếng, nên gọi là Qua Châu. Do ở trong vùng sa mạc, nên đôi khi còn gọi là Sa Châu. Tới thời Chiến Quốc, Đôn Hoàng thuộc địa bàn của Đại Nhục Chi. Nơi này từng bị quân Hung Nô chiếm lãnh một thời gian dài, đến khi nhà Hán lấy lại bèn đổi chữ viết từ 燉煌 (đồi núi lửa) thành Đôn Hoàng (敦煌), ngụ ý cầu chúc thịnh vượng dài lâu. Thời ngài Huyền Trang, Đôn Hoàng bị dân Thổ Phồn (một vương quốc của dân Tây Tạng) chiếm đóng, mãi đến đời Đường Tuyên Tông mới chiếm lại Đôn Hoàng.

306 Na Lạn Đà (那爛陀) là một tu viện nổi tiếng được xây dựng bởi vua Śakrāditya (Thước Ca La A Điệt Đa) của vương triều Ma Kiệt Đề. Na Lạn Đà thường được dịch nghĩa là Thí Vô Yếm (bố thí không chán), đấy là một danh hiệu của long vương hồ Amrā gần tu viện. Thuở cực thịnh, Na Lạn Đà có đến mười ngàn vị tăng tu học và hai ngàn giáo sư, là một đại học Phật giáo lớn nhất thời ấy. Riêng thư viện của Na Lạn Đà chiếm hết ba tòa nhà lớn, mỗi tòa nhà gồm chín tầng. Hiện nay, di chỉ Na Lạn Đà thuộc tiểu bang Bihar của Ấn Độ, cách thành phố Patna năm mươi lăm dặm về phía Đông Nam. Năm 1193, Khtiyar Uddin Muhammad Bin Bakhtiyar Khilji, tướng quân của vua Qutb-ud-din Aibak, Sultan xứ Delhi (người sáng lập vương triều Ghuhlam), đã tấn công tu viện Na Lạn Đà, thiêu sống hoặc chặt đầu hàng ngàn vị tăng, đốt cháy kinh sách, đập nát các kiến trúc. Theo sử gia Minhaj-ib-Siraj của Ba Tư, thư viện cháy đến vài tháng mới tắt. Tu viện trưởng Shakya Shribhadra (Thích Thắng Hiền) chạy thoát sang Tây Tạng, truyền thừa giáo nghĩa Căn Bản Nhất Thiết Hữu Bộ (Mūlasarvāstivāda). Tu viện Na Lạn Đà diệt vong.

307 Chánh Pháp Hoa Kinh do ngài Trúc Pháp Hộ dịch vào đời Tây Tấn, chỉ có hai mươi bảy phẩm, hơi khác với bản dịch của ngài La Thập ở chỗ phẩm Chúc Lụy được xếp vào cuối cùng, phẩm Phổ Hiền Bồ Tát Khuyến Phát được xếp thành phẩm hai mươi sáu với danh xưng Lạc Phổ Hiền. Thiêm Phẩm Diệu Pháp Liên Hoa Kinh do Ngài Xà Na Quật Đa dịch vào đời Tùy, gồm hai mươi bảy phẩm, và phẩm Chúc Lụy cũng được xếp vào cuối cùng.

308 Uất Trì Kính Đức tên thật là Uất Trì Cung (585-658), Kính Đức là tên tự, người xứ Thiện Dương, Sóc Châu (nay thuộc Sóc Thành, Sóc Châu, tỉnh Sơn Tây). Ông này xuất thân là thợ rèn, về sau đăng lính, do vũ dũng được phong tới chức Triêu Tán Đại Phu. Kính Đức theo Lưu Vũ Châu chống lại nhà Tùy, lập nhiều chiến tích. Sau đấy, bị tướng của Lý Thế Dân (Đường Thái Tông) bắt được, dụ hàng, ông ta theo Lý Thế Dân trở thành một đại tướng khai quốc công thần, được ghi tên trong gác Lăng Yên. Ông ta cùng với Tần Quỳnh được dân Trung Hoa coi là “môn thần” (thần giữ cửa). Các đền miếu Trung Hoa thường vẽ hình hai ông này để trấn yểm quỷ mị không cho vào cửa. Do lúc trẻ ông ta từng làm thợ rèn, nên còn được coi là thần bảo hộ nghề rèn ở Trung Hoa. Dòng họ Uất Trì vốn xuất phát từ sắc dân thiểu số Tiên Ty thời Bắc Ngụy. Người thuộc bộ lạc Uất Trì của Tiên Ty đều lấy chữ Uất Trì làm họ. Uất Trì cũng là họ của hoàng tộc xứ Vu Điền.

Ngài Khuy Cơ (632-682), tên tự là Hồng Đạo, là con trai của Uất Trì Tông (giữ chức Tả Kim Ngô Tướng Quân, đô đốc Tùng Châu, tước Khai Quốc Công). Khi ngài Huyền Trang bắt đầu dịch kinh, Sư được phái phục vụ và bảo vệ dịch trường. Ngài Huyền Trang thấy chàng thanh niên này mặt mũi thanh tú, khí độ hào hùng, liền muốn hóa độ thành đệ tử, nên thương lượng với cha ngài Khuy Cơ. Do Khuy Cơ vốn là quý tộc, nên phải tốn qua nhiều thủ tục mới có thể xuất gia, nên mãi cho đến năm Trinh Quán 22 (648) mới chính thức xuất gia. Năm Vĩnh Huy thứ năm (654), Sư vâng chiếu học văn tự của năm xứ Ấn Độ; hai năm sau, chính thức tham dự vào hàng ngũ tăng sĩ dịch kinh, đảm nhiệm vai trò Bút Thọ, theo hầu ngài Huyền Trang trải khắp các dịch trường Từ Ân, Tây Minh, Ngọc Hoa v.v... Ngài từng tạo tượng Văn Thù Bồ Tát bằng ngọc thạch tại Ngũ Đài Sơn, và đích thân chép kinh Bát Nhã. Những tác phẩm chủ yếu của Ngài là Bát Nhã Ba La Mật Đa Tâm Kinh U Tán, Diệu Pháp Liên Hoa Kinh Huyền Tán, Thuyết Vô Cấu Xưng Kinh Sớ, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Sớ, Biện Trung Biên Luận Thuật Ký, Tạp Tập Luận Thuật Ký, Duy Thức Nhị Thập Luận Thuật Ký, Đại Thừa Bách Pháp Minh Môn Luận Giải, Du Già Sư Địa Luận Lược Toản, Đại Thừa Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương, Thành Duy Thức Luận Khu Yếu, Đối Pháp Luận Sớ, Kim Cang Kinh Luận Hội Thích, Di Lặc Hạ Sanh Kinh Sớ...



309 Thông thường “nhị thất” là mười bốn (2x7), Hòa Thượng Tịnh Không giảng là “hai mươi bảy” nên chúng tôi dịch theo lời giảng của Ngài.

310 Tịnh Độ Tùng Thư như tên gọi bao gồm toàn bộ tất cả những tác phẩm viết về Tịnh Độ từ trước đến nay, do các vị Đạo An, Mao Dịch Viên, Trần Tử Bình v.v... biên soạn vào năm 1972, thâu thập ba trăm tác phẩm, chia thành kinh luận, chú sớ, tinh yếu, trước thuật, toản tập (trích lược những phần trọng yếu), thi kệ, hành nghi (nghi thức), sử truyện. Trong mỗi loại, các tác phẩm được sắp xếp theo triều đại và niên đại.

311 Thành phố Thượng Ngu nằm ở Đông Bắc tỉnh Chiết Giang, thuộc hạ lưu sông Tào Nga. Huyện Thượng Ngu đã được thành lập từ thời Tần Thủy Hoàng. Theo truyền thuyết, đây là đất phong của con cháu vua Ngu Thuấn, cho nên mới gọi là Thượng Ngu.

312 Nhà ăn (trai đường) được gọi là Ngũ Quán Đường vì khi thọ trai, phải quán tưởng năm điều:

1. Kế công đa thiểu, lượng bỉ lai xứ: Xét công nhiều ít, nghĩ do đâu mà có. Cơm cháo một ngày ba thời đều chẳng dễ có. Phải nghĩ đến các thức ăn do bao người vất vả gieo trồng, chăm bón, gặt hái, phơi sấy, xay giã, nấu nướng, chế biến, toàn bộ đều do đàn na tín thí cúng dường.

2. Thổn dĩ đức hạnh, toàn khuyết ứng cúng: Tự xét đức hạnh của chính mình có xứng đáng nhận lãnh sự cúng dường ấy hay chưa, phát khởi tâm trân trọng, dụng công tu hành.

3. Phòng tâm nan quá, thực đẳng vi tông: Đề phòng cái tâm mắc phải tham, sân, si, chớ tham đồ ăn ngon. Thấy món ngon chẳng khởi tâm tham, luôn quán chiếu, thấy hết thảy đều do các duyên hòa hợp, đều là hư huyễn.

4. Chánh sự lương dược, vị liệu hình khô: Thức ăn là món thuốc tốt lành để chữa căn bệnh thân thể khô gầy.

5. Vị thành đạo nghiệp, ưng thọ thử thực: Ăn uống nhằm duy trì sắc thân này để tu tập đạo nghiệp thành công, chớ không phải để cung phụng, chiều chuộng cái thân, thỏa mãn lòng tham.



313 Chữ “thương sanh” theo nghĩa gốc là nơi cây cỏ sanh trưởng tươi tốt, như trong kinh Thư, thiên Ích Tắc có câu: “Đế quang thiên chi hạ, chí ư hải ngung thương sanh”, Khổng Tử giảng câu này phải hiểu là “quang thiên chi hạ, chí ư hải ngung, thương thương nhiên sanh thảo mộc, ngôn sở cập quảng viễn” (chỗ có ánh sáng mặt trời, cho đến góc biển, cây cối mọc xanh tươi, ý nói: Sự phổ cập rất xa rộng). Về sau, chữ “thương sanh” thường được dùng để chỉ dân chúng.

314 Quyển tử là in trên một tờ giấy dài, hai đầu gắn trục để cuộn lại. Vì thế, kinh Phật còn được gọi là “xích trục hoàng quyển” (trục đỏ, quyển vàng). Triếp điệp bản là in thành từng trang trên một tờ giấy dài, in xong sẽ xếp thành sách, gắn bìa hai đầu. Những cách in này nhằm mô phỏng lối chép kinh trên lá Bối. Còn “phương sách” là in giống như triếp điệp, nhưng chỉ có một mặt giấy, xếp mặt không có chữ đâu lưng vào nhau, dùng chỉ khâu gáy để đính vào bìa, giống như sách in hiện thời.

315 Đại liệm nhằm phân biệt với tiểu liệm. Tiểu liệm là dùng vải liệm bọc kín thi thể người chết. Đại liệm là đưa thi thể người chết đã tiểu liệm vào quan tài. Nghi lễ Nho gia quy định rất rắc rối, chẳng hạn khi tiểu liệm phải bọc vải liệm theo trình tự nào, buộc dây từ chỗ nào trở đi. Khi đại liệm cũng có quy định đặt theo hướng nào, chất liệu quan tài tùy theo độ tuổi của người chết mà khác biệt, sơn phết quan tài như thế nào. Chẳng hạn người chết từ năm mươi tuổi trở xuống, không được sơn quan tài sắc vàng, chỉ dùng màu đỏ v.v...

316 Thiên Giám là niên hiệu của Lương Vũ Đế (Tiêu Diễn).

317 Khế tích: Khế là ngừng lại, nghỉ ngơi, Tích là tích trượng. Do vậy, Khế Tích có nghĩa đen là ngừng lại, đặt tích trượng xuống để nghỉ. Do vậy, “khế tích” có nghĩa là một vị Tăng sau một thời gian du phương tham học bèn trụ lại một nơi nào đó trong một thời gian dài.

318 An Phủ Sứ, còn gọi là Kinh Lược Sứ, Tuyên Phủ Sứ, hay Tuyên Úy Sứ, được thiết lập từ đời Tùy, là mệnh quan do triều đình phái đi tuần sát các quan chức tại các địa phương. Về sau, chức vụ này thường là một võ quan cao cấp. Đến đời Tống, do chủ trương trung ương tập quyền, các chức vụ Tiết Độ Sứ, Quán Sát Sứ đều phế bỏ, đem chức Tri Châu trực thuộc triều đình. Do phạm vi quản trị của Tri Châu quá nhỏ, triều đình phải phái mệnh quan triều đình đi làm An Phủ Sứ coi sóc những khu vực lớn hơn. Đến đời Nam Tống, An Phủ Sứ được gọi là Kinh Lược An Phủ Sứ, có quyền hạn khá lớn. Đến đời Nguyên, An Phủ Sứ quản trị một Lộ, tức tương đương với Tỉnh Trưởng sau này.

319 Trương Sĩ Thành (1321-1387) là một tướng lãnh nghĩa quân chống lại Mông Cổ sống vào cuối đời Nguyên, quê ở Câu Trường (nay là thành phố Đại Phong, tỉnh Giang Tô). Họ Trương vốn làm nghề gánh muối. Năm Chí Chánh (1353) cùng với các em là Trương Sĩ Nghĩa, Trương Sĩ Đức, Trương Sĩ Tín và Lý Bá Thăng kéo cờ khởi nghĩa, được dân chúng ủng hộ, chiếm được vùng Thái Châu, Hưng Hóa, Cao Bưu của tỉnh Giang Tô. Năm 1354, Trương Sĩ Thành xưng đế ở Cao Bưu, đặt quốc hiệu là Đại Châu, tự xưng là Thành Vương, lấy niên hiệu là Thiên Hựu. Tháng Chín năm ấy, Thái Sư kiêm Tả Thừa Tướng Thoát Thoát của nhà Nguyên dẫn binh tấn công Cao Bưu, đánh bại Trương Sĩ Thành. Trương Sĩ Thành đang lúc bó tay chịu chết thì Nguyên Thuận Đế nghe lời sàm tấu, tước đoạt binh quyền của Thoát Thoát, khiến Trương Sĩ Thành thừa dịp đánh bại quân Nguyên, chiếm đến Tô Châu. Một đối thủ quan trọng của Trương Sĩ Thành thuở ấy là Châu Nguyên Chương đã xưng đế ở Nam Kinh cũng tấn công Trương Sĩ Thành ráo riết. Trương Sĩ Thành phải xin xưng thần, nhưng Châu Nguyên Chương từ chối. Đến năm 1357, họ Trương phải chịu nhận tước phong nhà Nguyên. Tuy vậy, cuộc tranh giành quyền lực giữa Trương Sĩ Thành và Châu Nguyên Chương vẫn dằng dai mãi cho đến năm 1367 khi Tô Châu thất thủ, Trương Sĩ Thành bị họ Châu giải về Nam Kinh và bị xử tử hình.

320 Tứ Phần Luật (Dharmagupta-vinaya), còn gọi là Đàm Vô Đức Luật Tạng là một bộ luật gồm sáu mươi quyển, do các vị Trúc Phật Niệm, Phật Đà Da Xá v.v... cùng dịch tại Trường An từ năm 410 đến 412 vào thời Diêu Tần. Đây là giới luật được truyền thừa theo truyền thống Pháp Tạng Bộ của Thượng Tọa Bộ tại Ấn Độ. Bộ luật này được chia thành bốn phần: 1. Luật tỳ-kheo 2. Luật tỳ-kheo-ni 3. Nói về những quy định thông thường trong sinh hoạt như Tự Tứ, quần áo, thuốc men, y Ca Thi Na v.v... 4. Những quy định về phòng ốc, điều bộ Tỳ Ni v.v... Theo truyền thống, bộ luật này được coi là do tôn giả Pháp Chánh (Dharmagupta, còn phiên âm là Đàm Vô Đức) hội tập từ giới bổn được lưu truyền trong Thượng Tọa Bộ. Sau khi bộ luật này được dịch sang tiếng Hán, vẫn chưa được phổ biến, mãi đến đời Văn Đế nhà Bắc Ngụy, ngài Pháp Thông Luật Sư bắt đầu hoằng truyền, môn nhân là Đạo Phú viết sớ giải. Sau đấy, các vị Huệ Quang và Trí Thủ tiếp tục hoằng dương Tứ Phần Luật. Môn nhân của ngài Trí Thủ là Đạo Tuyên Luật Sư đã hệ thống hóa, biên tập, chú giải hoàn chỉnh Tứ Phần Luật, khiến cho Tứ Phần Luật có ảnh hưởng lớn nhất đối với Phật giáo Trung Hoa. Bộ Tứ Phần Luật Xan Phiền Bổ Khuyết Hành Sự Sao của ngài Đạo Tuyên là một tác phẩm trọng yếu để nghiên cứu Tứ Phần Luật.

321 Châu Chỉ Am (1781-1839), tên thật là Châu Tế, tự là Bảo Tự và Giới Tồn, hiệu Vị Trai; về già lấy hiệu là Chỉ Am, người xứ Kinh Khê tỉnh Giang Tô (nay là huyện Tuyên Hưng). Ông đỗ Tiến Sĩ năm Gia Khánh thứ mười (1805), văn chương trác tuyệt, được coi là một nhà văn học nổi tiếng thời ấy. Ngoài tác phẩm Tâm Kinh Thuyên Chú, ông còn để lại những tác phẩm nổi tiếng như Giới Tồn Trai Luận Từ Tạp Trước, Phổ Lược, Tống Tứ Gia Từ Tuyển v.v...

322 Đây là thói quen của Phật môn Trung Hoa, nhằm tỏ lòng tôn kính, ít khi gọi đủ pháp danh hay pháp hiệu mà chỉ gọi tên bằng chữ đầu (nếu đồng thời có nhiều vị cùng chữ thì gọi bằng chữ thứ hai trong pháp danh), chẳng hạn tổ Huệ Viễn được gọi là Viễn Công, tổ Ấn Quang được gọi là Ấn Công hay Ấn Tổ, hòa thượng Khai Như núi Phổ Đà được gọi là Khai Công, pháp sư Đế Nhàn được gọi là Đế Công v.v...

323 Linh Chi Nguyên Chiếu (1048-1116) là người Dư Hàng (nay là Dư Huyện tỉnh Chiết Giang), họ Đường, tự Trạm Nhiên, hiệu An Nhẫn Tử. Xuất gia từ nhỏ, mười tám tuổi đã được thọ Cụ Túc Giới, học giáo nghĩa Thiên Thai với ngài Thần Ngộ Xử Khiêm, nhưng dốc chí nơi giới luật. Về sau, Sư lễ ngài Quảng Từ xin thọ Bồ Tát Giới, nối pháp Nam Sơn Chánh Truyền. Trong niên hiệu Nguyên Phong (1078-1085), Sư trụ trì chùa Chiêu Khánh, hoằng truyền giới luật, về già, dời sang chùa Linh Chi, ở đó suốt ba mươi năm, cõi đời gọi ngài là Linh Chi Tôn Giả. Khi mất, được vua ban thụy hiệu Đại Trí Luật Sư. Những tác phẩm chủ yếu của Ngài là Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh Sớ, Tứ Phần Luật Hành Sự Sao Tư Trì Ký (chú giải bộ Hành Sự Sao của tổ Đạo Tuyên).

324 Mi chú: Ghi chú ở trên đầu mỗi câu hay mỗi đoạn của chánh kinh.

325 Ngài Cưu Ma La Thập có bốn đại đệ tử là Đạo Sanh, Tăng Triệu, Đạo Dung, và Tăng Duệ.

326 Từ ngữ “tam giáo cửu lưu” hay gọi tắt là “cửu lưu” phiếm chỉ các tông phái học thuật và tôn giáo của xã hội Trung Quốc thời cổ. Thoạt đầu, cửu lưu gồm:

1. Nho gia.

2. Đạo gia.

3. Âm Dương gia: Chuyên nghiên cứu Âm Dương, Ngũ Hành, đại biểu xuất sắc của học thuyết này là Trâu Diễn, Đổng Trọng Thư. Âm Dương Gia thịnh hành nhất vào thời Ngụy - Tấn, đến đời Đông Hán, kết hợp với tư tưởng Đạo gia trở thành Hoàng Lão Học Phái.

4. Pháp gia: Chuyên đề xướng quân chủ tập trung, trị dân bằng pháp luật nghiêm ngặt, không từ thủ đoạn chính trị nào, nên còn gọi là Bá Đạo. Các nhân vật tiêu biểu của phái này gồm Thương Ưởng, Quản Tử, Tử Sản, Hàn Phi, Lý Tư, Thân Bất Hại, Thận Đáo...

5. Danh gia: Chuyên biện định Danh và Thực, nặng về lý luận, nhiều khi trở thành ngụy biện như Công Tôn Long chủ trương “ngựa trắng không phải là ngựa, đá cứng không phải là đá”. Các đại biểu chủ yếu của phái này là Công Tôn Long, Doãn Văn, Đặng Tích, Huệ Thi v.v...

6. Mặc gia: Những người theo thuyết Kiêm Ái của Mặc Địch.

7. Tung Hoành gia: Chủ trương liên kết hay chia rẽ các quốc gia để đạt được mục tiêu chính trị, các nhân vật tiêu biểu là Tô Tần, Trương Nghi, Cam Mậu, Nhạc Nghị, Phạm Chuy, Mao Toại v.v...

8. Tạp gia: Không chuyên một đường lối nào.

9: Nông gia: Chủ trương phát triển, nghiên cứu nông nghiệp.

Từ cách hiểu ban đầu này, về sau phát triển thành ba loại cửu lưu, nhằm phân loại các nghề nghiệp trong xã hội:

1. Thượng cửu lưu: đế vương, thánh hiền, văn nhân, vũ sĩ, nông dân, thợ thuyền, thương nhân.

2. Trung cửu lưu: học trò, thầy thuốc, thầy bói, họa sĩ, người chép thuê, tăng, ni, đạo sĩ.

3. Hạ cửu lưu: sư gia (người hầu ghi chép án từ hoặc cố vấn, tham mưu cho quan lại), sai nha, bà mối, đầy tớ sai vặt, trộm cắp, kỹ nữ v.v...



327 Tô Đông Pha tên thật là Tô Tuân, em trai là Tô Triệt (còn gọi là Tô Tử Do, hay Dĩnh Tân Di Lão) và Tô Tiểu Muội đều nổi tiếng về văn tài.

328 Hậu Ngụy là từ ngữ gọi chung các triều đại mang hiệu Ngụy (như Đông Ngụy, Bắc Ngụy, Tây Ngụy) sau nhà Tào Ngụy (do Tào Phi sáng lập). Ngài Đàm Loan sanh năm 476 nhằm năm đầu niên hiệu Thừa Minh đời Hiếu Văn Đế nhà Bắc Ngụy (còn gọi là Nguyên Ngụy, do Thác Bạt Khuể sáng lập), viên tịch năm Hưng Hòa thứ tư (542) đời Hiếu Tĩnh Đế nhà Đông Ngụy (do Nguyên Thiện Kiến chắt của Ngụy Hiếu Văn Đế sáng lập dưới sự ủng hộ của Cao Hoan).

329 Ở đây, nguyên văn ghi lầm thành “Diệu Trung Sao”, có lẽ do người ghi lại văn tự đã nghe lầm chữ Tông thành Trung vì trong tiếng Quan Thoại hai chữ này đọc hơi giống nhau.

330 Kỳ Hoàng là gọi tắt của Kỳ Bá và Hoàng Đế, hai người được coi là tổ của y học Trung Quốc. Do đó, “nghiệp Kỳ Hoàng” là học nghề thuốc, hành y.

331 Đến đây là đã giảng xong quyển một của bộ A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa, bắt đầu bước vào quyển thứ hai.

332 Phật Địa Luận (Buddhabhūmi-sūtra-shāstra) có tên gọi đầy đủ là Phật Địa Kinh Luận, là một bộ luận do ngài Thân Quang Bồ Tát (Bandhuprabha) viết, được ngài Huyền Trang dịch sang tiếng Hán thành bảy quyển. Luận này nhằm giải thích Phật Địa Kinh, nội dung hết sức phong phú, giải thích ý nghĩa kinh và những khái niệm thanh tịnh pháp giới, Đại Viên Kính Trí, Bình Đẳng Tánh Trí, Nhiếp Đại Giác Trí v.v...

333 Quang Âm Thiên còn gọi là A Ba Hội Đề Bà, A Ba Hội Thiên, A Hội Hằng Tu Thiên, A Ba Hỗ Tu Thiên, A Ba La Thiên v.v... hoặc dịch nghĩa là Quang Ấm Thiên, Thủy Vô Lượng Thiên, Vô Lượng Thủy Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên, Cực Quang Thiên, Quang Tịnh Thiên, Biến Thắng Quang Thiên, Hoảng Dục Thiên, Quang Diệu Thiên. Đây là tầng trời thứ ba trong Nhị Thiền Thiên. Trong tầng trời ấy không có âm thanh, quang minh do định tâm luôn tỏa ra, dùng quang minh để diễn đạt ý tưởng nên gọi là Quang Âm Thiên. Tuổi thọ của chư thiên trong tầng trời này là tám đại kiếp, lấy Thiền Duyệt làm thức ăn, sắc thân tối thắng, sống yên vui, trọn đủ thần thông.

334 Lục Kinh là sáu bộ kinh điển chính yếu của Nho gia bao gồm Thi, Thư, Lễ, Nhạc, Dịch và Xuân Thu. Nhạc Kinh đã thất truyền, có lẽ do bị Tần Thủy Hoàng thiêu hủy.

335 Văn Thành Công Chúa (623-580) là cháu gái Đường Thái Tông, được hoàng đế nhà Đường gả cho vua Songstan Gampo (605-650) của Tây Tạng thuộc vương triều Yarlung (sử Hán thường gọi là vương quốc Thổ Phồn) nhằm xoa dịu sự quấy phá, tấn công liên tục của họ. Theo sử liệu Tây Tạng, công chúa Văn Thành đã đem Phật giáo vào Tây Tạng. Cùng với sự giúp đỡ của công chúa Bhrikuti (Xích Tôn Công Chúa) xứ Nepal, công chúa Văn Thành thành công trong việc lôi kéo vua Songtsan Gampo tin theo đạo Phật và dân Tây Tạng chuyển từ tín ngưỡng đạo Bon sang Phật giáo, mở đường cho Liên Hoa Sinh đại sĩ (Padmasambhava) truyền Mật Tông vào Tây Tạng sau này. Người Tây Tạng gọi công chúa Văn Thành rGya MobZa (người con gái đất Hán) hoặc Mun Chang Kung Co. Ngôi chùa Jokhang (Đại Chiêu Tự) được coi là nơi thờ bức tượng Phật do công chúa Văn Thành đem từ Trung Hoa sang Tây Tạng. Người Tây Tạng tin vua Songtsan Gampo là hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, còn Xích Tôn công chúa là hóa thân của Lục Độ Mẫu (Green Tara), Văn Thành Công Chúa là hóa thân của Bạch Độ Mẫu (White Tara). Tara lại là một vị Bồ Tát do Quán Thế Âm Bồ Tát hóa thân, có đến hai mươi mốt hóa thân khác nhau; trong đó ba thân Lục Độ Mẫu, Bạch Độ Mẫu và Xích Độ Mẫu được tôn thờ nhiều nhất.


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương