阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang95/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   91   92   93   94   95   96   97   98   ...   101

() 天中天者。

(Sao: “Bậc trời của các trời”).
Đây là khen ngợi Phật. Chúng ta đối với Phật quả thật chẳng có cách nào tán thán, cho nên ca ngợi Ngài là “thiên trung thiên”, nghĩa là bậc trời của các trời.
(Sao) Thiên hữu tứ: Nhất, Thế Gian Thiên, chư quốc vương thị.

() 天有四:一、世間天,諸國王是。

(Sao: Trời có bốn loại: Một là Thế Gian Thiên, tức là các quốc vương).
Trong kinh Phật nói tới bốn loại trời. Loại thứ nhất cũng gọi là Danh Thiên, tức là Danh Tự Thiên, hữu danh vô thực, đấy là “Thế Gian Thiên”. “Chư quốc vương thị” (là các quốc vương) giống như Trung Quốc vào thời cổ, hoàng đế xưng là “thiên tử”, nhưng trên thực tế họ là người, chẳng phải trời. Quốc vương Nhật Bản xưng là Thiên Hoàng (Tennō), nhưng cũng là người, cũng chẳng phải là trời! Những kẻ ấy đều hữu danh vô thực, họ được gọi là Thế Gian Thiên. Người thế gian tôn xưng họ, chứ họ chẳng phải là trời thật sự.
(Sao) Nhị, Sanh Thiên, Dục, Sắc, Vô Sắc chư thiên thị.

() 二、生天,欲色無色諸天是。

(Sao: Thứ hai là Sanh Thiên, tức chư thiên Dục Giới, Sắc Giới, Vô Sắc Giới).
“Sanh”: Thật sự ở trên trời. Phật pháp nói có hai mươi tám tầng trời. Dục Giới có sáu tầng trời, có ham muốn ăn uống, nam nữ. Thiên giới càng lên cao, dục vọng càng mỏng. Lên cao hơn là Sắc Giới. Sắc Giới có mười tám tầng [gọi chung là] Tứ Thiền: Sơ Thiền ba tầng, Nhị Thiền ba tầng, Tam Thiền ba tầng, Tứ Thiền chín tầng. Mười tám tầng trời này, tài, sắc, danh, vọng, ăn uống, ngủ nghỉ, ngũ dục đều không có. Các đồng tu học Thiền, hãy tự mình khéo phản tỉnh một phen, quý vị còn có dục vọng hay chăng? Đối với tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê có còn động tâm hay chăng? Trên mặt Sự không có thì chẳng ăn nhằm gì cả, khẩn yếu là trong tâm [chẳng có]. Nếu trong tâm còn động tâm, tôi bảo đảm chẳng đến được Sắc Giới, mà vẫn ở trong Dục Giới. Bởi vậy cũng biết, tu Thiền không dễ dàng! Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê bày ra trước mặt mà thật sự chẳng động tâm, mới lên được Tứ Thiền Thiên, chẳng đơn giản! Đó là công phu rất khá. Trong tâm chúng ta hơi động một chút ý niệm là không được rồi, dục vẫn chưa đoạn, vẫn là Dục Giới.

Sắc Giới lại lên cao hơn nữa là Vô Sắc Giới, đây chính là Tứ Không Thiên, đây là chỗ cao nhất trong thế giới Sa Bà. Chư thiên cõi ấy thật sự giác ngộ thân là thừa thãi, ngay cả thân cũng từ bỏ. Bốn cõi trời này, nói thật ra là thế giới tinh thần, không có vật chất, không có thân thể nên không có thân tướng. Chúng ta thường nói đến linh hồn, [bốn tầng trời Tứ Không] là cảnh giới cư trụ của linh hồn! Có thể sanh lên hai mươi tám tầng trời thì gọi là Sanh Thiên, [hàm ý] thật sự sanh lên cõi trời.


(Sao) Tam, Tịnh Thiên, Tứ Quả, Chi Phật thị.

() 三、淨天,四果支佛是。

(Sao: Ba là Tịnh Thiên, tức là Tứ Quả và Bích Chi Phật).

Tịnh Thiên: Tịnh là thanh tịnh, chẳng phải là chư thiên thông thường, mà là người học Phật, chưa hoàn toàn đoạn hết phiền não, nhưng chẳng sanh trong Dục Giới, những vị ấy được gọi là Tam Quả La Hán, [tức là] Tam Quả của Tiểu Thừa ở trong Tứ Thiền Thiên. Tứ Thiền Thiên có tất cả chín tầng342. Thật ra, [tầng trời thứ tư trong] Tứ Thiền Thiên bình thường chỉ có ba tầng, thêm một tầng nữa là Ngoại Đạo Thiên, tầng ấy gọi là Vô Tưởng Thiên. Họ cái gì cũng chẳng nghĩ đến, tu thành Vô Tưởng Định, tu đến Tứ Thiền Ngoại Đạo Thiên. Bốn loại trời này đều là phàm phu, vẫn chưa phải là thánh nhân. Trừ bốn loại ra, còn có loại thứ năm, gọi là Ngũ Bất Hoàn Thiên, đây là chỗ tu hành của bậc Tam Quả Tiểu Thừa, trong kinh Phật gọi là Tịnh Cư Thiên (Śuddhāvāsa), Tịnh Cư thiên tử tu hành ở nơi ấy. Kẻ căn tánh nhạy bén trực tiếp chứng A La Hán, vượt thoát tam giới; kẻ độn căn phải trải qua Tứ Không Thiên mới thoát tam giới. Đấy là Tịnh Thiên. “Tứ Quả Chi Phật”: Tam Quả sẽ chứng Tứ Quả ở nơi ấy. “Chi Phật” là Bích Chi Phật, hai hạng người ấy ở nơi đó.


(Sao) Tứ, Nghĩa Thiên, Thập Trụ Bồ Tát thị.

() 四、義天,十住菩薩是。

(Sao: Bốn là Nghĩa Thiên tức Thập Trụ Bồ Tát).
Từ trời Đao Lợi trong Dục Giới lên đến trời Tứ Thiền, quá nửa các vị Thập Trụ Bồ Tát hóa thân trong ấy làm Thiên Vương, dùng thân phận thiên vương hóa độ chúng sanh, đấy là Nghĩa Thiên. Thập Trụ ở đây là Thập Trụ trong Viên Giáo, mà cũng là Thập Địa Bồ Tát trong Biệt Giáo.
(Sao) Phật tịnh siêu chi, thị thiên nhi hựu thiên dã.

() 佛並超之,是天而又天也。

(Sao: Phật đều vượt trỗi họ, lại là bậc trời của chư thiên).
“Phật tịnh siêu chi” : Đối với bốn loại trời vừa nêu trên đây, Phật đều vượt trỗi họ, nên được gọi là Thiên Trung Thiên. Đây là tôn xưng đức Phật, Phật vượt trỗi toàn bộ. Ngày hôm nay tôi giảng tới đây.

A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 47 hết

---o0o---


HẾT

1 Cuốn ở đây là cách chia theo lối in cổ. Mỗi quyển như vậy gồm từ 20 tới 40 trang hiện thời. Bản in hiện thời gộp chung thành một tập, chia ra hai phần Thượng, Hạ, trong mỗi phần lại chia thành cuốn.

2 Do tác phẩm này là bản in chung Sớ, Sao, và Diễn Nghĩa, để tiện theo dõi, người biên tập đã dùng các chữ Sớ, Sao, và Diễn để người đọc biết đoạn văn ấy nằm trong lời Sớ, lời Sao của tổ Liên Trì hay lời Diễn Nghĩa của pháp sư Cổ Đức.

3 Chúng sanh do mê vọng nên từ Căn Bản Vô Minh sanh khởi ba thứ tướng vi tế (gọi là Tam Tế), gồm Vô Minh Nghiệp Tướng, Chuyển Tướng và Hiện Tướng. Giải thích chi tiết như sau:

1. Vô Minh Nghiệp Tướng: Nghiệp ở đây là hoạt động ý thức. Rời khỏi niệm sẽ bất động, hễ động sẽ cảm lấy quả. Vì thế nói “quả chẳng thể lìa khỏi nhân”. Do khởi tâm động niệm, mê mất tự tánh vốn sẵn linh tri, bèn có khổ quả sanh tử trong chín giới.

2. Chuyển Tướng (còn gọi là Chuyển Thức): Chân Như Trí vốn không có Năng, Sở, thanh tịnh, tịch diệt. Nay do khởi tâm động niệm, đánh mất sự tinh minh, chuyển thành vọng kiến.

3. Hiện Tướng (tướng của cảnh giới): Cảnh giới chỉ tướng của tinh thần và vật chất. Tinh thần thuộc về hoạt động ý thức, là tướng vô hình, vật chất là sắc tướng hữu hình.

Do ba tướng này khó thể cảm nhận rõ ràng nếu không quan sát cặn kẽ nên gọi là Tam Tế.

Lục Thô (còn gọi là Lục Trần Tướng), tức là từ Tam Tế lại sanh khởi những cảnh giới tạo thành sáu thứ thô tướng. Gọi là Thô vì có thể dễ dàng cảm nhận được. Nói chi tiết, Lục Thô gồm:

1. Trí tướng: Chẳng biết những cảnh giới do thức biến hiện chính là bóng dáng hư huyễn của tự thức biến hiện, lầm lạc nẩy sanh loại trí huệ phàm phu phân biệt các pháp.

2. Tương tục tướng: Noi theo trí tướng phân biệt, đối với cảnh giới ham thích sanh khởi ý tưởng vui, đối với cảnh giới không ưa thích sanh khởi ý tưởng khổ, khiến cho các thứ mê vọng sanh khởi không ngừng.

3. Chấp thủ tướng: Chẳng hiểu rõ những cảnh giới khổ, vui v.v... đều là hư vọng chẳng thật, thường nghĩ tưởng những cảnh giới ấy, nắm níu chúng, sanh lòng chấp trước sâu nặng.

4. Kế danh tự tướng: Do những ý niệm điên đảo trên đây, đối với những tướng bị chấp trước, đặt cho chúng đủ mọi tên gọi, so đo, phân biệt rồi nẩy sanh phiền não.

5. Khởi nghiệp tướng: Do chấp vào danh xưng, khái niệm, học thuyết, quan niệm, dấy khởi thân miệng, tạo đủ mọi thứ ác nghiệp.

6. Nghiệp hệ khổ tướng: Do bị nghiệp thiện ác trói buộc mà cảm lấy khổ quả sanh tử, chẳng được tự tại.



Trong sáu tướng này, bốn tướng đầu là Hoặc Nhân (nhân tạo nên phiền não), tướng thứ năm là Nghiệp Duyên, tướng thứ sáu là Khổ Quả.

4 Thái Cực là khởi thủy của vũ trụ theo kinh Dịch, là lúc vũ trụ chưa phân cực (tạo thành đối lập). Thái Cực thường được biểu diễn bằng một vòng tròn rỗng (Vô Cực Đồ). Những đồ hình vẽ Thái Cực gồm hai phần đen và trắng gọi là Thái Cực Âm Dương Đồ. Lưỡng Nghi là trạng thái của Thái Cực đã phân thành hai khái niệm đối lập, tức Âm và Dương. Nếu chỉ hiểu theo hình tướng thì Lưỡng Nghi được tượng trưng bằng trời và đất. Tứ Tượng là bốn hình tượng căn bản trong vũ trụ gồm Thanh Long, Bạch Hổ, Châu Tước, Huyền Vũ, tượng trưng cho bốn phương, bốn mùa, đồng thời tượng trưng cho Thái Âm, Thái Dương, Thiếu Âm, Thiếu Dương. Bát Quái là tám biểu tượng tượng trưng cho các trạng thái, hình dáng của mọi vật trong thế gian.

5 Không có ý nghĩa ở đây không phải là hoàn toàn vô nghĩa (nonsense), mà là không có ý nghĩa cố định, không chấp chặt, không giáo điều, mà là uyển chuyển, tùy theo căn tánh của mỗi người sẽ lãnh ngộ vô lượng ý nghĩa khác nhau. Dĩ nhiên mỗi một bộ kinh có những giáo nghĩa nhất định, nhưng tùy theo căn tánh sẽ triển khai, lãnh hội vô lượng ý nghĩa từ những giáo nghĩa căn bản ấy. Chẳng hạn, cùng bộ kinh Di Đà này, có người không hiểu được vô lượng ý nghĩa, chỉ nghĩ nó là truyện thần thoại dành cho ông già bà cả, hay chuyên để tụng trong đám ma cho đỡ tốn thời gian!

6 Chiếp bản là cách in thành một tờ giấy dài, có đánh số từng trang, xong xếp lại thành cuốn, hai đầu dán bìa cứng, nhưng không dùng chỉ khâu gáy. Hiện thời, cách này vẫn dùng để in một số kinh Phật, nhưng in hai mặt giấy.

7 Chữ này có hai âm đọc là Zhū (âm Hán Việt tương ứng là Châu, hoặc Chu) hoặc Shū (âm Hán Việt tương ứng là Thù).

8 Sách Diễn Nghĩa ghi là “Sự Lý song dung”, nhưng phần lời giảng của Hòa Thượng lại ghi là “Lý Sự song dung”, chúng tôi đoán đây là lỗi ấn loát, nhưng vẫn để nguyên như vậy.

9 “Vi biên” chính là sợi dây bằng da trâu thuộc để xâu các thẻ sách cho khỏi đứt lề. Thời Khổng Tử chưa có giấy, sách phải viết lên thẻ tre hay thẻ gỗ có khoét lỗ, dùng da trâu thuộc làm dây buộc lại cho khỏi lạc (sợi dây ấy gọi là “vi biên”). Khổng Tử đọc kinh Dịch đến nỗi ba lần sách dứt dây vi biên; vì thế, cổ nhân dùng thành ngữ “sổ Dịch vi biên” (mấy lượt dây buộc kinh Dịch bị đứt) để chỉ sự nghiên cứu, cân nhắc kỹ càng trong nghiên cứu, trước tác.

10 Đan trì (丹墀 ) theo nghĩa gốc là những tầng cấp được sơn màu đỏ, không có mái che, dẫn lên một tòa điện đường trong kiến trúc cổ. Về sau, dù không sơn đỏ, phần tam cấp (hoặc nhiều bậc hơn) chiếm hết toàn bộ phần trước nền nhà vẫn được gọi là “đan trì”.

11 Ngũ Suy là năm dấu hiệu báo trước thọ mạng của một vị trời trong Dục Giới sắp hết thọ mạng. Ngũ Suy được chia thành hai loại:

1. Đại Ngũ Suy gồm y phục dơ bẩn, hoa trên đỉnh đầu bị héo, dưới nách tự nhiên tươm mồ hôi, thân thể bẩn thỉu hôi hám, chẳng thích ngồi trên tòa của mình.

2. Tiểu Ngũ Suy gồm tiếng thiên nhạc chẳng trỗi lên nữa; ánh sáng nơi thân giảm bớt, mờ dần; nước tắm dính vào thân; đắm đuối những cảnh mình tiếp xúc không thể lìa bỏ được; thân cảm thấy trống trải, mắt nháy lia lịa.

Hễ tướng Đại Ngũ Suy xuất hiện, vị trời ấy chắc chắn phải chết; còn nếu tướng Tiểu Ngũ Suy xuất hiện, có thể tu thiện căn để cứu vãn.



12 Moses (còn viết là Musa, Mosheh, Musse, Moshe Rabbeinu) là lãnh tụ tôn giáo của dân Do Thái thời cổ, được coi là nhà lập pháp, tiên tri, chỉ huy quân sự và sử gia thời ấy. Ông ta được xem như là tác giả của bộ Torah (năm cuốn đầu trong Thánh Kinh Do Thái, tương đương với năm quyển đầu trong Cựu Ước của Thánh Kinh Thiên Chúa Giáo, còn gọi là Pentateuch). Theo Kinh Thánh, Moses là con trai của Amram và Jochebed, thuộc chi tộc Levite. Theo một chiếu chỉ của Pharaoh Ai Cập, tất cả các bé trai sơ sinh thuộc dân tộc Do Thái trong năm ấy phải bị giết để tránh cho đế quốc Ai Cập khỏi bị sụp đổ. Sau khi cố giấu diếm đứa con mới sanh được ba tháng, cuối cùng Jochebed buộc phải phó thác con cho số phận bằng cách thả chiếc nôi của con trôi theo dòng sông Nile. Cuối cùng, cậu bé được công chúa Thermuthis của Ai Cập vớt được, nhận làm con nuôi và đặt tên là Mosheh (có nghĩa là vớt khỏi nước) và trở nên một thành viên của hoàng gia Ai Cập. Sau khi ra tay giết chết một quản nô Ai Cập để cứu một người Hebrew, Moses phải chạy trốn vào vùng Sinai, rồi trở thành mục tử trong 40 năm tại Midian. Về sau, ông được Jehovah (Thiên Chúa của người Do Thái) mặc khải tại núi Horeb, truyền hãy trở về Ai Cập với sứ mạng giải phóng dân tộc mình khỏi ách nô lệ. Ông cùng với anh là Aaron dẫn dắt dân Do Thái băng qua Hồng Hải, tiến vào hoang mạc tìm cách trở về đất hứa Israel. Do lòng vô tín của dân Israel, ông cùng với họ phải lưu lạc trong đó suốt 40 năm. Dù thọ đến 120 tuổi, Moses không được vào Đất Hứa mà chết trong hoang mạc. Mười Điều Răn (Ten Commandments, Decalogue) là do Thiên Chúa khải thị cho Moses trên núi Sinai, và trao cho ông ta bảng đá khắc mười điều ấy.

13 Tướng Phần (còn gọi là Sở Thủ Phần) là một thuật ngữ chỉ hình ảnh của cảnh giới bên ngoài (lục trần) được sáu căn tiếp nhận, lưu giữ ấn tượng trong tâm thức.

14 Đây là một tác phẩm để dạy cho trẻ học vỡ lòng thuở xưa. Thoạt đầu có tên là Ấu Học Tu Tri (Trẻ nhỏ mới học cần biết) do Trình Đăng Cát soạn cuối đời Minh. Đến thời Gia Khánh đời Thanh, Trâu Thánh Mạch (hiệu Ngô Cương) viết thêm lời chú thích, đổi tựa đề thành Ấu Học Cố Sự Quỳnh Lâm. Bản này lại được các ông Phí Hữu Dung, Diệp Phố Tôn, và Thái Đông Phiên tăng đính một lần nữa dưới thời Dân Quốc. Toàn thể cuốn sách được viết theo lối văn biền ngẫu, văn tự giản dị, đẹp đẽ, dễ đọc, dễ học, dễ nhớ. Nội dung bao gồm nhiều chủ đề thiên văn, địa lý, tình cảm con người, hôn nhân, gia đình v.v... Trong sách giới thiệu nhiều thành ngữ cũng như nêu rõ nguồn gốc của các thành ngữ ấy.

15 Tiêu quy tự tánh: “Tiêu” là các niệm đều tiêu dung, tức hoàn toàn không còn thấy hữu niệm và vô niệm, dứt trừ mọi vọng tưởng, phân biệt, chấp trước, mà cũng chẳng thấy có dứt trừ vọng tưởng, phân biệt, chấp trước. “Quy” là quán chiếu tánh của mọi niệm đều có cùng một thể với tự tánh thanh tịnh tâm, chẳng ra ngoài tự tâm.

16 “Nhương tý” (xắn tay áo, lộ cánh tay, biểu lộ sự phấn chấn) là một thành ngữ thể hiện sự sốt sắng tích cực. Đây là một thành ngữ phát xuất từ một câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Thượng lễ vi chi, nhi mạc chi ứng, tắc nhương tý nhi nhưng chi” (Bậc chú trọng lễ nghĩa dùng lễ đãi người, dẫu chẳng được đáp ứng vẫn sốt sắng thực hiện). Câu này được dịch theo lời chú giải của Vương Bật.

17 Trước kia, ở Trung Hoa xâu chuỗi chưa thông dụng. Khi ngài Đạo Xước đề xướng niệm Phật, để ghi nhớ số câu, người ta thường dùng những hạt đậu để ghi nhớ số, trong đó, loại “hoàng đậu” (đậu nành) được dùng phổ biến nhất.

18 Chữ “phá âm” là những chữ tùy theo cách sử dụng hoặc ngữ cảnh mà sẽ có âm đọc khác nhau. Chẳng hạn như chữ sẽ đọc là Tham (trong “tham gia”, “tham dự”), nhưng sẽ đọc thành Sâm trong Nhân Sâm, Đảng Sâm, hoặc đọc là Tam nếu dùng với ý nghĩa là số ba. Chữ đọc thành Thiền trong Thiền Học, Thiền Môn, nhưng phải đọc là Thiện khi dùng với ý nghĩa “nhường lại” như “thiện vị” (nhường ngôi). Ngoài ra, có những trường hợp, chữ Phá Âm có thể đọc khác âm (trong tiếng Quan Thoại) khi dùng với những ý nghĩa khác nhau, nhưng âm Hán Việt vẫn giữ nguyên, như trong trường hợp chữ Bị ở đây.

19 Câu này được dịch theo cách giải thích của pháp sư Văn Châu trong bài Lăng Nghiêm Kinh Thất Xứ Phá Vọng Thập Phiên Hiển Kiến và lời giải thích của hòa thượng Tịnh Không.

20 Kiến Phần (còn gọi là Năng Thủ Phần): Tác dụng nhận biết sự vật (cảnh) của tâm đối với cảnh được duyên bởi Thức.

21 Thất Chuyển Thức là danh từ Duy Thức Học để gọi chung bảy thức trước A Lại Da Thức, tức Nhãn, Nhĩ, Tỉ, Thiệt, Thân, Ý và Ý Căn (Mạt Na). Du Già Sư Địa Luận, quyển 63 giảng: “Nói đại lược thì có hai thức: Một là A Lại Da Thức, hai là Chuyển Thức. A Lại Da Thức là Sở Y, Chuyển Thức là Năng Y. Chuyển Thức lại gồm bảy thức, tức là từ Nhãn Thức cho đến Ý Căn”.

22 Tâm Sở (Caitasika): Còn gọi là Tâm Số, Tâm Sở Pháp, Tâm Số Pháp, là thuật ngữ chỉ những thuộc tính của tâm. Nói cách khác, đây là những tác dụng tinh thần phức tạp của tâm. Thành Duy Thức Luận, quyển 5, trang 13 giảng: “Hằng y tâm khởi, dữ tâm tương ứng, hệ thuộc ư tâm, cố danh Tâm Sở” (Thường nương theo tâm để khởi lên, tương ứng với tâm, lệ thuộc vào tâm, nên gọi là Tâm Sở).

23 Quán Âm Tam Kinh chính là chương Quán Tự Tại Bồ Tát (phẩm Nhập Pháp Giới) của Bát Thập Hoa Nghiêm, chương Nhĩ Căn Viên Thông của kinh Lăng Nghiêm và phẩm Phổ Môn của kinh Pháp Hoa.

24 Nguyên văn “thương hải, tang điền” là một thành ngữ chỉ sự biến đổi cực lớn. Điển tích này xuất phát từ truyện Vương Viễn trong bộ Thần Tiên Truyện do Cát Hồng viết vào đời Tấn. Trong truyện ấy, tiên nữ Ma Cô nói tiên nhân Vương Viễn: “Ta đã từng thấy biển Đông ba lượt biến thành ruộng dâu”.

25 Câu này có thể hiểu thô thiển là “từ ngay nơi đây sanh ra, cũng sẽ diệt ở chính nơi đây”. Hiểu sâu xa hơn thì như đại sư Ngẫu Ích đã giảng: “Nói theo thể tánh thì gọi là Đương Xứ, chữ Xứ chỉ một niệm tâm tánh vốn sẵn thanh tịnh của chúng ta, trọn khắp pháp giới, nhưng một niệm tâm tánh bị nghiệp lực huân tập, khi nhân duyên đầy đủ sẽ hiện rất nhiều tướng, rất nhiều quả báo. Khi những cái nhân ấy kết thúc thì quả báo cũng chẳng còn nữa” (dẫn theo lời giảng của pháp sư Tịnh Giới trong sách Lăng Nghiêm Tinh Hoa).

26 Sâm la vạn tượng” là thuật ngữ chỉ mọi hiện tượng, mọi vật chất trong vũ trụ.

27 Nguyên văn “hồng vân thác nguyệt” là một cách vẽ trăng truyền thống trong hội họa Trung Hoa (Quốc Họa). Để diễn tả vầng trăng, người ta vẽ một vòng tròn giữa các đám mây. Về sau, từ ngữ này cũng được dùng để chỉ những cách nói gián tiếp, tỷ dụ nhằm gợi ý cho người nghe hình dung được sự vật muốn diễn tả.

28 Quốc Học: Ngành học nghiên cứu về văn hóa và tư tưởng của cổ Trung Quốc bao gồm các lãnh vực triết học, tư tưởng, văn chương, thơ ca, hội họa, thư pháp, lễ nhạc, nghi tiết v.v...

29 Ngũ Luân: Năm mối quan hệ căn bản giữa con người, tức là vua tôi, cha con, anh em, chồng vợ, bè bạn.

Thập Nghĩa: Mười nguyên tắc luân lý trong quan hệ giữa người với người, tức là cha từ, con hiếu, anh đối xử tốt với em, em kính trọng anh, chồng đối xử tình nghĩa với vợ, vợ biết nghe lời chồng, người lớn phải rộng rãi, kẻ nhỏ tuổi phải biết hiếu thuận, vua nhân từ, bầy tôi trung tín.

Tứ Duy: Bốn chuẩn mực đạo đức trọng yếu của con người, là Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.

Bát Đức: Tám phẩm đức con người cần phải có, tức là Hiếu, Đễ (hòa thuận với anh em), Trung, Tín, Lễ, Nghĩa, Liêm, Sỉ.



Nói chung, đây là những chuẩn mực đạo đức được mở rộng hay thu gọn từ khái niệm Ngũ Thường trong Nho Gia.

30 Đúng ra, tên gọi nguyên thủy là Hãn Hãi (瀚海), Hãn có nghĩa là mênh mông, bát ngát, lâu ngày bị đọc trại thành Hàn Hải (寒海: biển lạnh). Hãn Hãi ở đây là một tên cổ của sa mạc Qua Bích (Gobi), khác với Hãn Hải (hồ Baikal) tại vùng Nga Á. Do sa mạc Gobi quá rộng nên đôi khi người Hoa tưởng lầm là có hai sa mạc Hãn Hãi và Qua Bích khác nhau.

31 Lục kết tam không: Lục kết là động, tịnh, căn, giác, không, diệt. Tam không là nhân không, pháp không, và nhân pháp câu không (nhân và pháp đều không).

32 Tự Chứng Phần (còn gọi là Tự Thể Phần), Tự là Tự Thể, Chứng là chứng biết. Tự Chứng Phần chính là tác dụng tự nhận biết. Kiến Phần có tác dụng suy lường, nhận biết Tướng Phần (bóng dáng của lục trần được soi rọi vào các thức), nhưng chẳng thể tự biết chính nó cũng có những nhận thức sai lầm. Tự Chứng Phần là bản thể của sự nhận biết, là bản thể của Kiến Phần. Chia chẻ ra nhiều như vậy, chỉ nhằm giải thích tỉ mỉ tác dụng của tâm thức. Nhưng Kiến Phần, Tướng Phần, Tự Chứng Phần, Chứng Tự Chứng Phần đều là những thành phần của vọng tâm nên chúng đều bị diệt. Do chúng hư huyễn, nên sự hoại diệt ấy cũng là huyễn. Vì thế, gọi là “huyễn diệt”.

33 “Thiền Hòa Tử” là tiếng để gọi những người tu Thiền, Hòa là hòa khí, mang ý nghĩa những người tu Thiền cảm thấy đồng bạn thân thiết như anh em nên gọi nhau là “Thiền Hòa Tử”.

34 Thập Tứ Giảng Biểu là mười bốn biểu đồ nêu lên những khái niệm trọng yếu trong Phật pháp do cư sĩ Lý Bỉnh Nam biên soạn. Mười bốn biểu đồ này được các giảng sư vận dụng như một lộ trình (roadmap) để hệ thống hóa Phật pháp. Các biểu đồ này được trình bày trong phần Phật Học Khái Yếu của bộ Lý Bỉnh Nam Lão Cư Sĩ Toàn Tập.

35 Chữ đúng ra phải đọc là Thải (hay Thái). “Thái nữ” là một danh xưng để gọi một trong sáu chức nữ quan hầu hạ trong cung dưới thời Hán. Do những người này tuyển mộ từ dân gian nên gọi là “thái nữ” (thái có nghĩa gốc là chọn lựa, hái, ngắt), về sau, chuyên dùng để gọi cung nữ. Đôi khi cũng viết là Thái Nữ (綵女), do các cung nữ thường mặc áo lụa màu sắc rực rỡ. Theo Hậu Hán Thư, Thái Nữ là chức quan thấp hơn hai bậc Mỹ Nhân và Cung Nhân. Do người Việt quen đọc Thái Nữ là “thể nữ” nên chúng tôi cũng tuân theo cách đọc này.

36 Thiện thiên nữ (Śrī-mahā-devī), gọi đủ là Đại Cát Tường Thiện Thiên Nữ, còn gọi là Ma Ha Thất Lợi, Thất Lợi Thiên Nữ, Cát Tường Công Đức Thiên, Bảo Tạng Thiên Nữ, Đệ Nhất Oai Đức Thành Tựu Chúng Sự Đại Công Đức Thiên. Thiên nữ này là vợ của Na La Diên Thiên, mẹ của thần Ái Dục (Kama), là em gái của Tỳ Sa Môn Thiên. Trong Mật Tạng, bà còn được gọi bằng nhiều danh xưng khác. Số danh xưng lên đến 108 danh hiệu khác nhau, ngoài danh xưng phổ biến nhất là Đại Cát Tường ra, bà còn được biết dưới các tên gọi phổ biến khác như Laksmi, Jaladhija v.v... Bà thường được tạc tượng mang hình dáng thiên nữ xinh đẹp, trẻ trung, tay trái cầm châu Như Ý, tay phải kết ấn Thí Vô Úy, đôi khi có đến bốn tay hoặc tám tay. Thiện thiên nữ được coi là vị phước thần có công năng ban phước, diệt tai họa. Theo kinh Đại Bát Niết Bàn, bà có một người em gái tên Hắc Ám Thiên Nữ, thường gieo tai họa, nhưng hai chị em luôn đi chung với nhau.

37 Hư linh: Chỉ là cách diễn tả khác của ý niệm Tịch và Chiếu. Có công năng nhận biết vạn pháp không gì chẳng thấu triệt là Linh (tức Chiếu), tuy nhận biết vạn pháp, nhưng không vướng mắc, không chấp trước, không in giữ bóng dáng, ấn tượng của sáu trần nên gọi là Hư (rỗng rang). Đó chính là cách diễn tả khác của khái niệm Tịch.

38 Hồn thành” (渾成hoặc hỗn thành: 混成) là một danh từ trong Đạo Giáo, dựa theo ý câu nói của Lão Tử trong Đạo Đức Kinh: “Hữu vật hỗn thành, tiên thiên địa sanh” (Có một vật tự nhiên sanh thành, sanh trước trời đất). Các nhà chú giải cho rằng “hữu vật hỗn thành” là chỉ cho đại đạo, cho thái cực, cho vũ trụ sơ khai, mang ý nghĩa tự nhiên sanh thành. Do vậy, “hỗn thành” thường được dùng với ý nghĩa là tự nhiên sẵn có.

39 Ý nói: Trước khi đạt đến địa vị Thỉ Giác thì vẫn có cái danh là Bồ Tát, nhưng vẫn còn vướng mắc trong Tứ Tướng và Tứ Kiến. Người ấy có giác ngộ chứ không phải chẳng có, nhưng sự giác ngộ ấy nhiều nhất chỉ là Chánh Giác (tương đương với Tiểu Thừa A La Hán), không thể nào là Chánh Đẳng Chánh Giác được!

40 Sanh tướng vô minh (Mulavidya): Còn gọi là Vô Thỉ Vô Minh, Nguyên Phẩm Vô Minh, là căn bản của hết thảy phiền não, đồng thời là căn bản của Vô Minh phiền não. Nó chính là cái tâm bất giác, mê vọng. Gọi là “sanh tướng vô minh” vì vô minh đã có từ vô thỉ, là căn bản gây nên sanh tử lưu chuyển.

41 Na Già (Nāga), theo Huyền Ứng Âm Nghĩa, quyển 23, có nghĩa gốc là “rồng, voi, vô tội”. Về sau, từ ngữ này thường được dùng để xưng tụng Phật hoặc La Hán, nhằm sánh ví những bậc có đại lực dụng. Đại Trí Độ Luận, quyển 3 viết: “Ma Ha là lớn, Na là Vô, Già là Tội. A La Hán đoạn các phiền não, cho nên gọi là Đại Vô Tội (Ma Ha Na Già)”. Thiền Định của Phật cũng được gọi là Na Già Đại Định như luận Câu Xá, quyển 13 chép: “Có các bộ (các bộ phái Tiểu Thừa) nói, chư Phật Thế Tôn thường ở trong Định, tâm chỉ là lành, không có tâm vô ký. Vì thế, Khế Kinh chép: ‘Na Già hành tại Định, Na Già trụ tại Định, Na Già tọa tại Định, Na Già ngọa tại Định” (Đức Thế Tôn đi, đứng, ngồi, nằm thường ở trong Định).

42 Tôn giáo (Religion) hiểu theo quan điểm Tây Phương luôn liên quan đến một đấng Sáng Thế, quy kết vũ trụ do một đấng thiêng liêng tạo ra, nên nói tôn giáo là Tha, không nhấn mạnh đến tự tâm như Phật giáo.

43 Phạm trù (范疇, category of being) là thuật ngữ trong Triết Học, chỉ một hệ thống phân loại những khái niệm triết học có chung một số đặc điểm chung, sẽ được xếp vào cùng một tiểu loại. Tiểu loại ấy sẽ gọi là Phạm Trù. Nói cách khác, có thể hiểu đơn giản, Phạm Trù là cách phân loại tổng quát các khái niệm thành những tiểu tập hợp riêng biệt nhằm dễ biện luận, suy tưởng. Các phạm trù quan trọng nhất trong Triết Học Cổ Hy Lạp theo Aristotle là Thực Thể (Ousia), Số Lượng (Poson), Phẩm Chất (Poion), Quan Hệ (Pros Ti), Nơi Chốn (Pou), Thời Gian (Pote), Tư Thế (Keisthai), Trạng Thái (Echein), Động Tác (Poiein) và Ảnh Hưởng (Paschein).

44 Thập bát giới: Phối hợp lục căn, lục trần, lục thức thành thập bát giới. Nói cách khác, thập bát giới lấy sự nhận thức của con người làm trung tâm. Sáu căn có công năng nhận thức sự vật, sáu trần tượng trưng cho đối tượng được nhận thức, lục thức là sự cảm thọ và hình thành quan niệm nhận thức đối với sáu trần. Phạm vi hoạt động của sáu căn, sáu thức và sáu trần được gọi chung là mười tám giới. Do vậy, ta có nhãn giới, nhĩ giới cho đến ý giới, sắc giới, thanh giới cho đến pháp giới và nhãn thức giới cho đến ý thức giới.

45 Nguyên văn “lão sanh thường đàm”. Hiểu theo nghĩa đen, “lão sanh thường đàm” là những câu nói tầm thường của hạng thư sinh già cả, không đỗ đạt gì. Thành ngữ này được dùng với ý nghĩa châm biếm: Những ý kiến ngôn luận, tầm thường của hạng học hành suốt đời mà vẫn lẹt đẹt thì chẳng phải là ý tứ cao xa gì! Thành ngữ này bắt nguồn từ thiên Quản Lộ Truyện trong Ngụy Chí của bộ sách Tam Quốc Chí: Vào thời Tam Quốc, ở nước Ngụy có một người tên Quản Lộ rất thích Thiên Văn, đặc biệt thông hiểu sâu xa kinh Dịch, thường hay đoán quẻ cho người khác, rất linh nghiệm, đến nỗi có lần Lại Bộ Thượng Thư Hà Yến đích thân mời Quản Lộ vào dinh xem bói. Hà Yến hỏi: “Phiền Ngài bói xem sau này tôi có làm đến chức Tam Công hay không? Hơn nữa, tôi liên tục nằm mộng thấy mười mấy con nhặng xanh bám vào chót mũi, đuổi không đi, chẳng biết là điềm gì?” Quản Lộ nói: “Xin cho phép tôi nói thẳng. Xưa kia, Châu Công phù tá Thành Vương, thường dậy sớm ngồi chờ rạng sáng để vào chầu, tận tụy với chức vụ khiến cho quốc vận hưng thịnh, chư hầu các nước đều ủng hộ. Đấy hoàn toàn là kết quả đúng theo lẽ trời, chứ không phải bói toán có thể đoán được. Hiện thời, Ngài quyền cao, oai thế lẫm liệt, nhưng ít ai mến mộ đức hạnh của Ngài, người khiếp sợ oai thế của Ngài thì đông! Đấy chẳng phải là điều tốt lành! Sách tướng nói mũi nằm ở vị trí trung thiên, nhặng xanh bám lên là điềm nguy ngập. Tôi mong Ngài hãy trên là noi theo Văn Vương, dưới bắt chước Khổng Tử thì sẽ có hy vọng làm đến Tam Công, đuổi được lũ nhặng xanh”. Thượng Thư Đặng Dương ngồi cạnh, nghe lời ấy, bĩu môi: “Thử lão sanh chi thường đàm!” (Lời ấy nghe nhàm cả tai, có gì lạ đâu?)

46 Hộ Pháp Bồ Tát (Dharmapāla, 530-561), còn gọi là Hộ Pháp Luận Sư là một vị luận sư chủ chốt của Du Già Hạnh Duy Thức Tông (Yogacara) tại Trung Ấn Độ vào thế kỷ thứ sáu, sống cùng thời với luận sư Thanh Biện (Bhavyaviveka) là một luận sư lỗi lạc về Trung Quán. Ngài Hộ Pháp là học trò của ngài Trần Na (Dignāga), một vị đại sư về Nhân Minh Học. Ngài Hộ Pháp sanh tại Kiện Chí Phụ La (Kanchipura, nay thuộc vùng Tamil Nadu), là con của một vị đại thần, được vua gả công chúa cho, nhưng Ngài đã bỏ trốn đi xuất gia trong đêm trước ngày cử hành hôn lễ. Ngài nghiên cứu các học phái Tiểu Thừa và Đại Thừa, theo học tại học viện Nalanda, trở thành một bậc luận sư lỗi lạc. Về sau, Ngài kế tục ngài Trần Na, trở thành viện trưởng học viện Nalanda và nhập tịch dưới cội Bồ Đề. Ngài có những bộ luận nổi tiếng như Quảng Bách Luận Thích, Thành Duy Thức Bảo Sanh Luận, Quán Sở Duyên Duyên Thích v.v... Giống như Tăng Triệu của Phật Giáo Trung Quốc, ngài Hộ Pháp tài hoa lỗi lạc nhưng mất rất sớm, khi chưa đầy ba mươi hai tuổi.

47 Âu Dương Cánh Vô (1871-1943) tên thật là Âu Dương Tiệm, tự là Cánh Vô, còn có tên tự là Kính Hồ, là người huyện Nghi Hoàng, tỉnh Giang Tây. Ông là học trò của tiên sinh Dương Nhân Sơn. Do nghe thầy giảng Hoa Nghiêm Pháp Tướng bèn quy hướng Phật giáo. Năm 36 tuổi khi mẹ mất, ông đoạn tuyệt sắc dục, ăn chay trường, tuy không xuất gia, nhưng sống hạnh xuất gia. Ông được coi là bậc thầy về Quốc Học, và là một chuyên gia về Duy Thức đầu thời Dân Quốc, sáng lập Chi Na Nội Học Viện, Pháp Tướng Đại Học, nhưng do chiến cuộc, các học viện này không thể duy trì lâu dài. Sau khi Trung Hoa kháng Nhật thành công, ông tái lập Chi Na Nội Học Viện tại Giang Tân, tỉnh Tứ Xuyên, rồi mất vì bệnh phổi tại đó vào năm 1943. Môn nhân biên tập các di cảo thành bộ Cánh Vô Nội Ngoại Học. Tác phẩm này bị thất lạc do tình thế rối ren tại Hoa Lục sau khi Mao Trạch Đông nắm quyền, chỉ còn một phần được nhà xuất bản Văn Phong tại Đài Loan ấn hành với tựa đề Âu Dương Đại Sư Di Tập, trong đó bao gồm những bài luận định nổi tiếng của ông như Duy Thức Quyết Trạch Đàm, Đối Không Hữu Chư Tông Điển Tịch Chi Tự Luận, Du Già Sư Địa Luận Tự, Chi Na Nội Học Viện Huấn Thích v.v...

48 “Đồng loại” là những kinh giảng về cùng một pháp môn.

49 Ngũ Hồ Loạn Hoa là thời kỳ loạn lạc liên miên từ năm 296 đến 419. Thời kỳ này bắt đầu từ khi tám vị vương gia nhà Đông Tấn nổi loạn tranh chấp quyền lực với Tấn Huệ Đế (295-306) khiến thủ lãnh các dân tộc ở ngoài biên ải thừa cơ xâm nhập Trung Nguyên, chiếm cứ từng vùng, tự xưng vương, lập ra các vương quốc. Sử Trung Hoa thường gọi giai đoạn này là Ngũ Hồ Thập Lục Quốc. Ngũ Hồ là năm dân tộc du mục sống ngoài quan ải, tức là Hung Nô, Tiên Ty, Yết, Khương, Đê. Tuy nói là Ngũ Hồ, nhưng còn có sắc dân khác như Cao Câu Ly, Đinh Linh v.v... cũng lập vương quốc, nhưng Sử chỉ nói đến Ngũ Hồ vì đa số các vương triều trong thời kỳ này do các sắc dân kể trên thành lập. Thập Lục Quốc chỉ là mười sáu nước chính, ngoài ra còn có nhiều vương triều nhỏ hơn. Thập Lục Quốc là: Hán (do Lưu Uyên, dân tộc Hung Nô, thành lập), Thành Hán (do Lý Hùng, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Tiền Lương (do Trương Thật, người Hán, sáng lập), Hậu Triệu (do Thạch Lặc, dân tộc Yết, sáng lập), Tiền Yên (do Mộ Dung Hoảng, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Tiền Tần (do Phù Kiên, dân tộc Đê, sáng lập), Hậu Yên (do Mộ Dung Thùy, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Hậu Tần (do Diêu Trành, dân tộc Khương, sáng lập), Tây Tần (do Khất Phục Quốc Nhân, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Hậu Lương (do Lữ Quang, dân tộc Đê, sáng lập), Nam Lương (do Thốc Phát Ô Cô, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Nam Yên (do Mộ Dung Đức, dân tộc Tiên Ty, sáng lập), Tây Lương (do Lý Cảo, dân tộc Hán, sáng lập), Bắc Lương (do Đoàn Nghiệp, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Hồ Hạ (do Hách Liên Bột Bột, dân tộc Hung Nô, sáng lập), Bắc Yên (do Mộ Dung Vân, người Cao Câu Ly, sáng lập). Ngoài ra, trong thời này còn có những vương triều nhỏ hơn, không tạo ảnh hưởng mạnh mẽ cho lịch sử Trung Hoa bằng những nước vừa kể trên như: Cừu Trì, Đãng Xương, Đặng Chí, Nhiễm Ngụy, Tiếu Thục (Tây Thục), Hoàn Sở, Địch Ngụy (do Địch Liêu, sắc dân Đinh Linh thành lập), Đại, Tây Yên, Vũ Văn Bộ, Đoàn Bộ, Thổ Cốc Hồn, Cao Cú Ly (do Cố Quốc Nguyên Vương, người Cao Cú Ly, sáng lập) v.v...

50 Đây là hai trong ba tánh của Duy Thức (Biến Kế Sở Chấp Tánh, Y Tha Khởi Tánh và Viên Thành Thật Tánh).

Y Tha Khởi Tánh: Tánh của các pháp do nương vào các nhân duyên đối đãi mà sanh khởi, như hư, như huyễn, chẳng cố định, chẳng vĩnh viễn tồn tại. Nói cách khác, các pháp đều nương vào những yếu tố khác (thường gọi là nhân duyên) mà tồn tại, chứ không có thực thể. Chẳng hạn, sợi dây thừng là do các sợi gai kết thành, mỗi sợi gai lại do các phân tử gai cấu tạo thành v.v...



Biến Kế Sở Chấp Tánh: Đối với những sự vật không có thực chất, lại khởi phân biệt, chấp trước, gán cho chúng những danh tự, so đo, tính toán, yêu ghét. Chẳng hạn, cùng do các sợi dây gai bện thành, nhưng cái thì gán cho tên gọi là dây thừng, cái thì gán cho tên gọi là bao bố v.v... Hoặc trong bóng tối ngỡ sợi dây thừng là con rắn rồi kinh hoảng, sợ sệt.

51 Theo quan điểm vật lý hiện thời, những hạt cơ bản trong những thế kỷ trước như chất tử (proton), trung tử (neutron), điện tử (electron), quang tử (photon) và giới tử (meson) đều có thể chia thành những hạt nhỏ hơn như khinh tử (lepton), đào tử (tau lepton), khoa khắc (quark), giao tử (gluon), ba sắc tử (boson), phản lạp tử (antiparticles) v.v...

52 “Độc đầu ý thức”: Ý thức của cái tâm tán loạn có thể chia thành bốn loại, tức minh liễu (nhận biết rõ ràng), định trung (ý thức khởi tác dụng trong Định), độc tán (ý thức đột nhiên sanh khởi do nghĩ nhớ quá khứ, hoặc suy tưởng vị lai, hoặc do so sánh, phân biệt, chấp trước mà có), mộng trung (ý thức trong giấc mộng). Trong bốn loại này, minh liễu ý thức là ý thức do năm thức trước (nhãn thức, nhĩ thức, tỷ thức, thiệt thức, thân thức) tiếp nhận năm trần mà sanh khởi, nó phải luôn sanh khởi cùng với năm thức trước nên còn gọi là Ngũ Câu Ý Thức. Định trung, độc tán và mộng trung ý thức chẳng cùng với năm thức trước sanh khởi nên gọi là Độc Đầu Ý Thức, hoặc Tán Vị Độc Đầu Ý Thức.

53 Tung Sơn nằm ở phía Bắc thành phố Đăng Phong, phía Tây tỉnh Hà Nam, gồm hai rặng Thiếu Thất và Thái Thất. Chùa Thiếu Lâm nằm trên ngọn Thiếu Thất.

54 Cơ Phong còn gọi là Thiền Cơ hoặc Chuyển Ngữ. Cơ có nghĩa là kích phát sự chuyển biến trong nội tâm, là mấu chốt để khế hợp chân lý, chữ Phong (mũi nhọn) chỉ sự thích ứng nhạy bén, khít khao. Dùng chữ Cơ Phong để chỉ giữa thầy và trò có sự tương hợp khít khao, thầy nói ra, trò tiếp nhận ngay, khít khao không suy xuyển. Lời thầy nói ra, trò vừa nghe liền khích động sự giác ngộ trong nội tâm.

55 Ngài Bát Lạt Mật Đế (Pramiti), dịch nghĩa là Cực Lượng, người xứ Trung Ấn, không rõ năm sanh và năm mất, sau khi dịch kinh Lăng Nghiêm, Ngài trở về Ấn Độ (có thuyết nói Ngài bị quốc vương Trung Thiên Trúc cho người bắt Ngài về Ấn trị tội đã lén lút truyền kinh Lăng Nghiêm ra ngoài), không rõ mất năm nào. Năm Thần Long nguyên niên (705) đời Đường Trung Tông, Sư đến đạo tràng Chế Chỉ (nay là chùa Quang Hiếu) ở Quảng Châu, đọc ra nguyên văn kinh Lăng Nghiêm gồm 10 quyển, sa-môn Di Già Thước Khư dịch nghĩa, sa môn Hoài Địch dịch văn, cư sĩ Phòng Dung làm nhiệm vụ Bút Thọ (biên tập, nhuận sắc, hiệu chỉnh). Phòng Dung là người xứ Lạc Dương, tỉnh Hà Nam, từng làm quan đến chức Chánh Gián Đại Phu Đồng Phượng Các Loan Đài Bình Chương Sự. Do ông này có họ hàng với Trương Dịch Chi, “ái thiếp” của Võ Tắc Thiên, nên khi Đường Trung Tông lên ngôi, đã triệt hạ những sủng thần của Võ Tắc Thiên, khiến Phòng Dung bị vạ lây, bị đày ra Khâm Châu, chết ở đó. Ông tham gia vào đạo tràng dịch kinh của ngài Bát Lạt Mật Đế trong thời gian tạm ngụ tại Quảng Châu trên đường đi đày.

56 “Thoát thai hoán cốt” là một thuật ngữ của Đạo Giáo, nhằm sánh ví người tu tiên đắc đạo, sẽ chuyển thân phàm thành thân thánh, thành thân thần tiên không hư nát, giống như đổi phàm thai thành thánh thai, đổi xương phàm thành xương tiên. Về sau, Đạo gia tin tưởng có những loại thuốc tiên (kim đan, tiên đan) uống vào sẽ thoát thai hoán cốt. Từ ngữ này về sau được dùng phổ biến với ý nghĩa một người đã đạt đến cảnh giới thành tựu cao cả nào đó, trở thành bậc thầy trong một lãnh vực nào đó.

57 “Quải đơn” là xin gia nhập chúng thường trụ của một ngôi chùa. Thuở xưa, chư Tăng ngủ trên đơn chứ không nằm trên giường. Đơn là một miếng gỗ kê lên giá, vừa đủ cho một người nằm. Khi có người gia nhập tăng chúng thường trụ thì kê thêm đơn, nên xin gia nhập một ngôi chùa nào sẽ được gọi là “quải đơn”.

58 Thất Chuyển Thức chính là bảy thức trước, không kể A Lại Da Thức. Thất Chuyển Thức còn gọi là Thất Chuyển, Chuyển Thức hoặc Chuyển Tâm, với hàm ý: Những thức này là do A Lại Da Thức chuyển sanh. Chúng có sanh diệt, biến đổi nên gọi là Chuyển. Du Già Sư Địa Luận, quyển 63 giảng: “Đại lược có hai loại thức, một là A Lại Da Thức, hai là Chuyển Thức. A Lại Da Thức là cái để Chuyển Thức nương tựa. Trong Chuyển Thức lại gồm bảy thức, tức là Nhãn Thức cho đến Ý Căn Thức. Ví như sóng nương vào dòng nước chảy xiết [mà phát sanh], hoặc như hình bóng phản chiếu do nương tựa vào tấm gương sáng”. Tướng Phần chính là hình ảnh của cảnh giới bên ngoài được nhận thức, lưu giữ bởi các thức. Do bảy thức trước chỉ do A Lại Da Thức sanh thành nên Tướng Phần của chúng được gọi là Sơ Tướng Phần (Sơ là lợt lạt, không thân thiết), còn Tướng Phần của A Lại Da Thức được gọi là Thân Tướng Phần (Thân là thân thiết, gần gũi).

59 Tâm Sở (gọi đủ là Tâm Sở Hữu Pháp) là thuộc tánh của tâm thức, là tác dụng của tám thức căn bản (tám thức này thường gọi là tám Tâm Vương), được chia thành sáu loại lớn:

- Biến Hành gồm Xúc, Tác Ý, Thọ, Tưởng, Tư.

- Biệt Cảnh gồm Dục, Thắng Giải, Niệm, Định, Huệ.

- Thiện Tâm Sở gồm Tín, Tinh Tấn, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả, Bất Hại.

- Tùy Phiền Não gồm Tham, Sân, Si, Mạn, Si, Ác Kiến, Phẫn, Hận, Não, Phú, Cuống, Siểm, Kiêu, Hại, Tật, Xan, Vô Tàm, Vô Quý, Bất Tín, Giải Đãi, Phóng Dật, Hôn Trầm, Trạo Cử, Thất Niệm, Bất Chánh Tri, Tán Loạn.

- Bất Định gồm Hối, Miên, Ác Tác, Tầm, Tư.



Trong bộ sách Phật Học Phổ Thông, hòa thượng Thiện Hoa đã giải thích rất cặn kẽ năm mươi mốt món Tâm Sở này.

60 “Hóa thành” là một tỷ dụ được nói trong phẩm Hóa Thành Dụ của kinh Pháp Hoa. Để thuyết minh lý do vì sao nói pháp ba thừa, thay vì nói thẳng pháp Nhất Thừa, đức Phật nêu ra một tỷ dụ: Giống như có một vị đạo sư (người dẫn đường) biết chỗ có kho báu (bảo sở), hướng dẫn mọi người lên đường đến kho báu. Đường xa mỏi mệt, mọi người nản lòng, muốn quay về, vị đạo sư bèn hóa ra một cái thành lớn có lương thực, cỏ nước đầy đủ, cho mọi người nghỉ mệt. Khi họ đã nghỉ ngơi thỏa đáng, hồi phục sức lực, vị đạo sư ấy bèn diệt cái thành được biến hóa ấy, bảo cho họ biết đã gần đến “bảo sở”, hãy mau vững bước gắng sức tiến lên. Do vậy, chữ “hóa thành” trong lời Diễn Nghĩa nhằm chỉ các pháp quyền biến, phương tiện.

61 Chấp trước chốn am tranh (thảo am chi trệ tình): Chỉ tình chấp vào sự tịch diệt tĩnh lặng, chấp vào pháp lạc của Tứ Thiền, không muốn độ sanh của hàng tiểu quả Thanh Văn.

62 Tập ấm: Con trưởng thừa hưởng tước phong của cha gọi là “tập ấm”. Đời này tiếp nối đời khác đều được tập ấm thì gọi là “thế tập”.

63 Hãn mã: Công lao ngoài chiến trận.

64 Di ấm: Do tổ tông làm quan, con cháu đời đời thừa kế quan tước ấy, đó gọi là “di ấm” hay “thế tập”.

65 Tạo Tượng Lượng Độ Kinh do quan Tổng Quản Nghi Tân Chưởng Dịch Phiên Mông Chư Văn Tây Phiên Học của Nội Các nhà Thanh dịch, được đánh số 28 trong tập 1 của Vạn Tục Tạng Kinh. Chúng tôi xin trích một đoạn như sau: “Dĩ tự thủ chỉ lượng, bách hữu nhị thập chỉ, nhục kế sùng tứ chỉ, phát tế diệc như thử, diện luân thụ tung độ, đới bán thập nhị chỉ, phân tam vi ngạch tỵ, cập hài câu đắc nhất... Ấn đường bạch hào địa, quảng đới bán nhất chỉ, mi như sơ nguyệt nha, trung cao trường tứ chỉ, nhĩ quảng hữu nhị chỉ, tiêm đẳng mi trung tế, đỗng minh khoan tứ túc, khiếu khổng đắc bán chỉ, nhĩ đóa cao tứ mạch, quảng phân ưng mãn chỉ” (Lấy ngón tay của chính mình để làm đơn vị đo, thì tượng Phật cao một trăm hai mươi ngón tay, nhục kế cao bốn ngón tay, mí tóc cũng giống như vậy, độ rộng của khuôn mặt là mười hai ngón rưỡi, chia khuôn mặt thành ba phần là trán, mũi và cằm, mỗi phần đều nhau... Giữa hai chân mày là chỗ đặt tướng bạch hào, rộng chừng nửa ngón tay, lông mày như mảnh trăng non, chính giữa cao rộng khoảng bốn ngón tay. Tai có bề ngang bằng hai ngón tay, đỉnh tao ngang bằng với lông mày, vành tai rộng bằng bốn bàn chân [của tượng], lỗ tai rộng nửa ngón tay, trái tai có bề dày bằng bốn hạt lúa mạch, trái tai to bằng cả ngón tay).

66 Nguyên văn “xích”, xích là đơn vị đo lường chiều dài của Trung Hoa, gần bằng một phần ba mét.

67 Thích Môn Pháp Giới Lục do cư sĩ Quách Hàm Trai người tỉnh Hồ Nam biên soạn vào năm 1937, Ấn Quang đại sư giám định và viết lời tựa. Nội dung bao gồm những câu chuyện về tịnh hạnh cao đẹp cũng như những gương phá giới đọa lạc của các tỳ-kheo và tỳ-kheo-ni xưa nay trích từ các bộ Cao Tăng Truyện, Truy Môn Tông Hạnh Lục, Pháp Uyển Châu Lâm, Thái Bình Quảng Ký, Phật Tổ Thống Kỷ, Tịnh Độ Thánh Hiền Lục, Trúc Song Tùy Bút v.v...

68 Viên Sơn là một rặng núi nhỏ nằm phía Nam sông Cơ Long, phụ cận Đài Bắc. Chùa Lâm Tế này có tên gọi đầy đủ là Lâm Tế Hộ Quốc Thiền Tự, do sư Mai Sơn Tú Huyền (Mai Sơn Đằng Am) thuộc thiền phái Diệu Tâm Tự của tông Lâm Tế Nhật Bản khai sơn vào thời Đài Loan bị Nhật Bản chiếm đóng.

69 Công lợi, gọi đầy đủ là “công lợi chủ nghĩa” (Utilitarianism, hoặc Utilism) là một học thuyết được đề xướng bởi John Stuart Mill và Jeremy Bentham. Nói tóm gọn, giá trị luân lý của một hành động được biện minh bởi mục đích mang lại hạnh phúc, sung sướng cho nhiều người nhất. Nó thường được dùng với mục đích ngụy biện cho những hành động bất kể hậu quả nếu những hành động ấy đem lại hạnh phúc, hưởng thụ cho một nhóm người nào đó. Ta thường nói là “cứu cánh biện minh cho hành động”.

70 Trưởng giả Giải Thoát là vị thiện tri thức thứ năm trong năm mươi ba vị thiện tri thức được Thiện Tài đồng tử tham phỏng. Môn giải thoát của vị thiện tri thức này có tên là Như Lai Vô Ngại Trang Nghiêm Giải Thoát Môn, có thể tùy ý thấy mười phương chư Phật Như Lai.

71 Ngài Thiên Như sống vào đời Nguyên, pháp danh là Duy Tắc (1276-1357), pháp hiệu Thiên Như, họ Đàm, người huyện Lô Lăng. Sư xuất gia từ nhỏ tại Hòa Sơn, về sau, qua núi Bắc Thiên Mục theo học với ngài Trung Phong Minh Bổn và đắc pháp nơi Ngài, trụ tại chùa Sư Tử Lâm ở Cô Tô. Sư soạn bộ Lăng Nghiêm Hội Giải rất nổi tiếng. Ngài chuyên hoằng truyền Lăng Nghiêm, nhưng cũng giống như thầy Ngài là thiền sư Trung Phong, tuy cực lực hoằng dương Thiền Pháp, nhưng chuyên tu Tịnh Độ. Ngoài bộ Tịnh Độ Hoặc Vấn và Hội Giải, Sư còn có những tác phẩm nổi tiếng khác như Lăng Nghiêm Kinh Viên Thông Sớ, Thập Pháp Giới Đồ Thuyết, Thiên Như Duy Tắc Thiền Sư Ngữ Lục v.v...

72 Nội hàm (intension, connotation): Những ý nghĩa đặc trưng hoặc phẩm chất được chứa đựng trong một từ ngữ.

73 Ngũ Trụ Địa Vô Minh (còn gọi là Vô Minh Trụ Địa) chính là món thứ năm trong năm món phiền não thuộc Ngũ Trụ Địa (Kiến Nhất Xứ Trụ Địa, Dục Ái Trụ Địa, Sắc Ái Trụ Địa, Hữu Ái Trụ Địa và Vô Minh Trụ Địa). Ngũ Trụ Địa vô minh chính là hết thảy vô minh trong tam giới. Nói cách khác, nó là căn nguyên của hết thảy phiền não, là cái nhân của Biến Dịch sanh tử.

74 Nhất Quán Đạo là một tà phái mượn danh nghĩa Phật giáo, vốn là hậu duệ của Bạch Liên Giáo, do Lưu Thanh Hư lập ra vào năm 1886 tại Đông Chấn Đường thuộc huyện Thanh Châu, tỉnh Sơn Đông, rồi được truyền bá rộng rãi nhờ công sức của Lộ Trung Nhất và Trương Thiên Nhiên. Giáo phái này từng bị chính quyền Trung Hoa Dân Quốc lần lượt nghiêm cấm vào năm 1936 và năm 1956, nhưng vẫn tồn tại dai dẳng dưới các danh xưng khác nhau. Nhất Quán Đạo được truyền vào Đài Loan năm 1954 do công sức của Tôn Huệ Minh, nhưng vẫn không được công nhận như một tôn giáo hợp pháp. Mãi cho đến năm 1987, tổng thống Tưởng Kinh Quốc của Đài Loan mới bãi bỏ lệnh cấm này. Giáo phái này vay mượn các giáo nghĩa của Phật giáo, Khổng giáo, Đạo giáo, kể cả Thiên Chúa giáo và Hồi giáo. Họ thờ vị thần cao nhất gọi là Minh Minh Thượng Đế (tức Vô Cực Lão Mẫu, cho rằng tất cả Phật, Bồ Tát, thần thánh trên đời đều do Vô Cực Lão Mẫu sanh ra), cũng như thờ Di Lặc Bồ Tát, Tế Công đại sư (họ coi Trương Thiên Nhiên là hóa thân của vị này), Nguyệt Huệ Bồ Tát (hóa thân thành Tôn Tố Chân, tức Tôn Huệ Minh, vợ của Trương Thiên Nhiên), Quán Âm Bồ Tát, Quan Công, và Lữ Tổ (Lữ Động Tân). Nhằm tạo sự chánh thống, họ cũng tuyên xưng họ là Phật giáo chánh truyền, Lưu Thanh Hư tự xưng là người thừa kế chính thức của tổ Bồ Đề Đạt Ma, đã có công chấn chỉnh Phật giáo, được sự mặc khải để củng cố Phật giáo sau khi các tăng sĩ hậu duệ của Lục Tổ Huệ Năng đã làm suy đồi, truyền bá sai lạc Phật pháp!

75 Sách Ngũ Đăng Hội Nguyên có thể coi là một bộ sử của Thiền Tông Trung Quốc, do ngài Phổ Tế chùa Linh Ẩn ở Hàng Châu biên tập vào năm Thuần Hựu 12 (1252) đời Nam Tống, gồm 20 quyển. Sở dĩ có tên là Ngũ Đăng vì tài liệu để biên soạn đã dựa theo năm bộ “Đăng Lục” của các Thiền phái chánh yếu thời ấy, tức Cảnh Đức Truyền Đăng Lục (do ngài Đạo Nguyên thuộc tông Pháp Nhãn biên soạn vào thời Bắc Tống), Thiên Thánh Quảng Đăng Lục (do ngài Lý Đạo Úc thuộc tông Lâm Tế biên soạn vào đời Bắc Tống), Kiến Trung Tĩnh Quốc Tục Đăng Lục (do ngài Duy Bạch thuộc tông Vân Môn biên soạn vào đời Bắc Tống), Liên Đăng Hội Yếu (do ngài Ngộ Minh thuộc tông Lâm Tế biên soạn vào đời Nam Tống), và Gia Thái Phổ Đăng Lục (do ngài Chánh Thọ thuộc tông Vân Môn biên soạn vào đời Nam Tống).

76 Theo Đại Tỳ Bà Sa Luận, “cực vi vi” (paramānu) là vật chất nhỏ nhất có thể chia chẻ được, nếu chia nhỏ cực vi sẽ không còn gì, chỉ là hư không, nên nó còn gọi là Lân Hư Trần (vi trần gần với hư không). Cực vi có những đặc tính như không thể chia nhỏ, không thể thấy, không thể nghe, không thể ngửi, không có các thuộc tính dài, ngắn, vuông, tròn, cao, thấp v.v... Bảy cực vi hợp thành một vi trần (anu), chỉ có mắt của chư thiên, chuyển luân thánh vương và Bồ Tát mới thấy được vi trần. Bảy vi trần hợp thành một đồng trần (loha-raja). Bảy đồng trần hợp thành một thủy trần (apa-raja), bảy đồng trần hợp thành một thố mao trần (śaśa-raja, tức là hạt bụi chỉ dính trên lông một con thỏ), bảy thố mao trần hợp thành một dương mao trần (avi-raja), bảy dương mao trần hợp thành một ngưu mao trần (go-raja), bảy ngưu mao trần hợp thành một hướng du trần (ātāyana-cchidra-raja), bảy hướng du trần hợp thành một kỷ (liksā), bảy kỷ thành một sắt (yūka), bảy sắt thành một khoáng mạch (yava), bảy khoáng mạch hợp thành một tiết (anguli-parva, lóng ngón tay), hai mươi bốn tiết hợp thành một chẩu (hasta). Bốn chẩu là một cung (dhanu). Năm trăm cung hợp thành một câu lô xá (krośa), tám câu lô xá là một du thiện na (yojana, do tuần).


77 Lục Diệu Môn gồm:

1. Sổ Tức Môn: Đếm hơi thở từ một đến mười để nhiếp loạn tâm.

2. Tùy Môn: Chú tâm quán hơi thở, biết đang thở ra hay hít vào, biết hơi thở dài, ngắn, nông, sâu v.v... nhưng không chú ý đếm hơi thở như trong Sổ Tức.

3. Chỉ Môn: Lắng lòng dứt mọi vọng tưởng, cách này chỉ có thể áp dụng sau khi Tùy Môn đã đạt đến hiệu quả giúp cho tâm an tịnh.

4. Quán Môn: Do Chỉ Môn đã chứng Thiền Tịch, nhưng Huệ chưa khai phát nên mới quán tâm phân minh để lắng dứt sự đắm trước nơi sự an tịnh trong Chỉ Môn.

5. Hoàn Môn: Chuyển tâm phản chiếu. Hành giả tuy quán chiếu, nhưng rất có thể sẽ vướng vào các phân biệt, chấp trước như năng, sở, ngã chấp v.v... nên phải chuyển cái tâm để quán chiếu ngay cái tâm đang quán chiếu để dứt trừ mợi chấp trước.



6. Tịnh Môn: Tâm không nương tựa vào đâu, sóng vọng dứt bặt, nên gọi là Tịnh.

78 Chúng sanh thọ sanh trong địa ngục và ngạ quỷ bằng cách hóa sanh nên nói “một phần trong hóa sanh”.

79 Thành Duy Thức Luận (Vijñāptimātratāsiddhi) là một bộ luận chủ yếu của Pháp Tướng Duy Thức Tông, do ngài Huyền Trang viết nhằm chú giải bộ Duy Thức Tam Thập Tụng của Thế Thân Bồ Tát. Ngài Huyền Trang đã tổng hợp ý kiến chú giải của mười vị đại luận sư Ấn Độ thời ấy để viết ra bộ luận này khi Ngài còn đang tham học ở học viện Na Lan Đà.

80 Ma Tổ chính là Thiên Hậu. Ở Việt Nam, danh xưng của vị thần này thường bị đọc trại thành Mã Tổ, những ngôi đền thờ bà Thiên Hậu thường được gọi là chùa Bà. Hành Thiên Cung còn gọi là Ân Chủ Công Miếu, là miếu thờ Quan Công lớn nhất và nổi tiếng nhất tại Bắc Đài Loan.

81 Nhất Quán Đạo là hậu duệ của Tiên Thiên Đại Đạo (tàn dư của tà phái Bạch Liên). Vào thời Thuận Trị, Hoàng Đức Huy thờ La Thanh làm tổ sư, lấy giáo nghĩa của La Thanh sáng lập ra Tiên Thiên Đạo tại Bà Dương, tỉnh Giang Tây. Sau đó, Lưu Thanh Hư tuyên bố được Vô Sanh Lão Mẫu ân tứ, truyền cho tên mới của giáo phái là Nhất Quán Đạo. Nhất Quán Đạo chính thức ra đời tại Tế Ninh (tỉnh Sơn Đông) do Lộ Trung Nhất sáng lập vào năm 1905. Lộ Trung Nhất được kế thừa bởi Trương Thiên Nhiên Nhiên và được tuyên truyền rộng rãi bởi công sức của vợ ông ta là Tôn Huệ Minh. Đây là một tà phái mượn danh nghĩa Phật giáo, chủ trương ăn chay, thờ Minh Minh Thượng Đế (còn gọi Vô Cực Lão Mẫu, Vô Sanh Lão Mẫu, Vô Cực Thiên Mẫu v.v..), Di Lặc Tôn Phật và Nam Hải Cổ Phật (Quán Thế Âm Bồ Tát), Tế Công Hoạt Phật (ngài Tế Điên), Lữ Pháp Luật Chủ (Lữ Thuần Dương, Lữ Động Tân), Quan Pháp Luật Chủ (Quan Công) v.v... Chủ trương hợp nhất Nho - Thích - Đạo, nhưng thật ra là pha trộn lung tung giáo nghĩa của Phật giáo với pháp tu luyện của đạo sĩ và tín ngưỡng mê tín trong dân gian, cầu cơ, thỉnh tiên, sấm ký v.v... chuyên giảng kinh Phật xuyên tạc theo kiểu luyện đan, luyện khí.

82 Y Tha Khởi là một trong ba tánh (Y Tha Khởi, Biến Kế Sở Chấp và Viên Thành Thật) được lập ra bởi Duy Thức Học. Y Tha Khởi nghĩa là các pháp đều do các duyên hòa hợp, do tâm thức biến hiện, hư huyễn chẳng thật. Một thí dụ thường dùng là dây thừng. Dây thừng là do các sợi gai và sức người bện thành. Lại xét đến sợi thừng thì sợi thừng do các tế bào của cây gai hợp thành, tế bào do các vi trần (phân tử, nguyên tử, lạp tử v.v...), như vậy, sợi dây thừng chỉ do các duyên hòa hợp mà có, không có thực thể.

83 Tứ cú là “Hữu, Vô, diệc Hữu diệc Vô, phi Hữu phi Vô” (Có, không, cũng có cũng không, chẳng phải có mà cũng chẳng phải không). Đối với bốn câu này, lại đem mỗi câu phối hợp với bốn câu trên đây thành ra 4x4=16. Mười sáu câu ấy lại đem phối hợp với ba đời thành 16x3=48 câu. Bốn mươi tám câu ấy lại đem phối hợp với hai trạng thái (đã khởi và chưa khởi) thành ra 96 câu. Do vậy, 96 câu ấy phối hợp với “tứ cú” ban đầu thành một trămcâu nhằm chỉ tất cả những khái niệm và chấp trước về nhị biên trong thế gian. Một trăm câu ấy được gọi là “bách phi”.



84 Phụng Kỵ Quan là gọi tắt của chức quan Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng Kỵ Quan. Chức quan này do con cháu trực hệ của Khổng Tử đảm nhiệm, mang tính chất cha truyền con nối. Chức quan này có lai lịch rất cổ, từ thời Tần Thủy Hoàng, cháu đời thứ chín của Khổng Tử là Khổng Phụ được phong làm Lỗ Quốc Văn Thông Quân, kiêm nhiệm Thiếu Phó. Từ đó, trở đi các vương triều đều hết sức trọng đãi con cháu Khổng Tử, lần lượt phong nhiều chức hiệu khác nhau. Đến đời Tống Nhân Tông, do kiêng tên húy của tổ phụ, đã đổi chức Văn Tuyên Công của con cháu Khổng Tử thành Diễn Thánh Công và danh hiệu này được giữ mãi cho đến cuối đời Thanh. Sau khi nhà Thanh bị lật đổ, chánh quyền Dân Quốc chủ trương phế bỏ tước hiệu của triều Thanh nên đổi Diễn Thánh Công thành Đại Thành Chí Thánh Tiên Sư Phụng Kỵ Quan (chức quan thờ phụng Khổng Tử). Chức quan này có dinh thự riêng, có quyền hạn ngang với Ty Trưởng. Đến năm 1998, phế bỏ dinh thự này, chỉ giữ lại chức quan. Đến năm 2008, tại Đài Loan, được sự đồng ý của gia tộc họ Khổng, chức quan này không còn bổ nhiệm cho ai nữa. Ông Khổng Đức Thành chính là người cuối cùng giữ chức quan này, cụ Lý Bỉnh Nam làm Bí Thư Trưởng cho ông Khổng Đức Thành.

85 Giản nhiệm quan: Theo quy chế của Trung Hoa Dân Quốc, giản nhiệm quan là viên chức hành chánh bậc hai, bao gồm những chức vụ trọng yếu như Thứ Trưởng, Ty Trưởng, Sảnh Trưởng (đứng đầu một Sở như Sở Giao Thông của một tỉnh chẳng hạn), Thẩm Phán Tối Cao Pháp Viện, Thẩm Phán các tòa Đại Hình v.v... Cụ Lý là Bí Thư Trưởng của một vị Ty Trưởng mà được đối xử, cấp lương bổng như một vị Ty Trưởng.

86 Nguyên văn Giáo Thụ, đây là danh xưng gọi giảng viên thuộc các trường Đại Học.

87 Đây là kiểu áo dành cho nam giới do Tôn Văn (Tôn Trung Sơn) đề xướng, thường được các lãnh tụ khối xã hội chủ nghĩa thích mặc, mệnh danh là “áo lãnh tụ” hay “áo đại cán”, tức là áo sẫm màu, thường là đen, vải cứng, may cổ đứng cài chặt, tay dài, đằng trước có bốn túi, túi áo có nắp đậy.

88 Bình () là một đơn vị đo diện tích của Nhật Bản. Do Đài Loan từng bị chiếm đóng nên dân chúng vẫn quen thói sử dụng bình. Một bình khoảng 3.3 mét vuông.

89 Có lẽ người ghi lại văn bản đã chép nhầm ở chỗ này vì đây là hai câu trong kinh Pháp Hoa.

90 Nói năm mươi mốt vị thiện tri thức (thay vì năm mươi ba vị thiện tri thức) tức là không tính tỳ-kheo Đức Vân và Phổ Hiền Bồ Tát vì hai vị này đều dạy Thiện Tài đồng tử pháp môn Niệm Phật.

91 Bạch mộc nhĩ (Tremella) còn gọi là ngân nhĩ, tuyết nhĩ, ta thường gọi là “nấm tuyết”, là một loại nấm, được coi là có độ dinh dưỡng khá cao, thậm chí được tin tưởng là có tác dụng “diên niên ích thọ”, bổ tỳ, bổ gan, thanh lọc ruột và bao tử. Người Hoa thường chưng nấm tuyết với táo Tàu để làm thuốc thanh can, nhuận tỳ, giải độc.

92 Nguyên văn “thấn nghi quán” (殯儀館). Không hiểu sao tại Việt Nam, nhất là trong Chợ Lớn, các nhà đòn vẫn ghi biển đề là Tang Nghi Quán, trong khi dòng chữ Hán dưới đó vẫn ghi rõ ràng là Thấn Nghi Quán. “Thấn” (còn đọc thành Tấn, hoặc Tẫn) là mai táng. Ở đây, thuận theo cách ghi ấy, chúng tôi vẫn dùng chữ Tang Nghi Quán.

93 Bạch luyện có nghĩa là vải lụa đã gột tẩy trắng tinh, cũng thường dùng để ví thác nước.

94 Trong lời Sớ dùng chữ “sính trì”, lời Diễn Giải ghi là “trì sính”, chúng tôi dịch theo chữ được dùng trong lời Sớ.

95 Châu Công tên thật là Cơ Đán, là con trai thứ tư của Châu Văn Vương (Cơ Xương), em trai của Châu Vũ Vương (Cơ Phát), do được phong thái ấp ở Châu Thành (nay thuộc huyện Phụng Tường, tỉnh Thiểm Tây) nên gọi là Châu Công. Con cháu của Châu Công là người nước Lỗ, nên Châu Công còn được gọi là Lỗ Châu Công. Khi Châu Vũ Vương mất, con trai là Châu Thành Vương (Cơ Tụng) còn nhỏ, Châu Công phù tá, giữ quyền nhiếp chánh, suốt ba năm dẹp nội loạn, chế định lễ nhạc, pháp luật, chú giải kinh Dịch, đặt vững nền tảng cho Nho Giáo cũng như vương triều nhà Châu. Ông nổi tiếng là người hiền lương, trung chánh, chí công vô tư. Do vậy, ông được hậu thế xưng tụng là thánh nhân. Tống Chân Tông từng truy tặng ông tước hiệu Văn Hiến Vương, và kinh điển Nho gia thường gọi ông bằng mỹ hiệu Nguyên Thánh.

96 “Thua một thẻ” có nghĩa là thua kém. Trù () là cái thẻ dùng để đếm, hay tính toán thời cổ. Trong sách A Di Đà Kinh Sớ Sao Sự Nghĩa, Liên Trì đại sư giải thích như sau: “Trù là tính toán. Trương Lương nói: “Thỉnh tá tiền trợ, trù chi” (Xin mượn đôi đũa để tính toán) là dùng theo ý này. Lại nữa, cổ nhân chơi bài phạt kẻ thua uống rượu, dùng thẻ để ghi nhớ hình phạt. Dương Toản chẳng đồng ý với hình phạt của Doãn Quân, muốn sửa đổi, bèn cầm bút, trầm ngâm, hồi lâu sau nói: “Toản thua một thẻ”.

97 Bà Diệp Mạn (tên thật là Lưu Thế Luân), người Hồ Nam, sanh năm 1914, vợ ông Điền Bảo Đại, được coi là một chuyên gia văn hóa quán thông Nho - Đạo - Phật của Đài Loan. Ông Điền, chồng bà ta, từng làm đại sư tại Mỹ, Nhật, Phi Luật Tân, Úc v.v... Bà ta sáng lập Văn Hiền Học Hội nhằm truyền bá Tam Giáo, thành lập Văn Hiền Thư Viện tại Los Angeles, mỗi năm mở nhiều khóa giảng Tứ Thư, Đạo Đức Kinh và kinh Phật. Bà ta cũng dạy học tại đại học Phụ Nhân tại Đài Loan, kiêm chủ biên tờ Phụ Nữ Tạp Chí.

98 Xin lưu ý ở đây Hòa Thượng không hề chê bai Mật Tông, Ngài chỉ chê thói tệ của những người mạo danh tu Mật Tông. Nhất là hiện thời có những người học được một hai pháp, được “quán đảnh danh nghĩa” (tức là tham dự các buổi empowerment nhằm kết duyên) của các lạt-ma Tây Tạng, bèn ngộ nhận đã được quán đảnh đúng pháp, lập tức lập tông, lập phái, lập đạo tràng, tự xưng là Thượng Sư hay Pháp Vương để quán đảnh, truyền pháp cho người khác, lập ra rất nhiều dị thuyết, không giữ giới luật, thậm chí mạo nhận mình là hóa thân của vị này vị nọ, gây tổn hại rất lớn cho Mật Tông nói riêng và Phật pháp nói chung.

99 Hòa Thượng giảng bộ Sớ Sao này vào năm 1984-1985.

100 Như Như có nghĩa là các pháp đều bình đẳng, không hai. Như là tên gọi khác của Lý, tức bản thể bất biến, bình đẳng, hoàn toàn vượt khỏi đối đãi, so lường, nên gọi là Như. Do pháp nào cũng đều là Như, nên gọi là Như Như (thường được diễn tả bằng câu: “Do cái này Như nên cái kia Như”), nhằm nhấn mạnh ý nghĩa vạn pháp bình đẳng, vô sai biệt.

101 Tự Lượng là cách so sánh để nhận hiểu sự vật dựa trên kiến giải chủ quan của chính mình. Do nó không thuộc ba thứ Lượng (Hiện Lượng, Tỷ Lượng, và Thánh Ngôn Lượng) nên gọi là Tự Lượng (Tự là tương tự). Do Hiện Lượng, Tỷ Lượng và Thánh Ngôn Lượng dựa trên chánh tri chánh kiến hoặc dựa trên trí huệ của thánh nhân (Phật, Bồ Tát, La Hán, Thanh Văn, Duyên Giác), nên chúng còn gọi là Chánh Lượng. “Không đằng” là bay vọt lên không. Do vậy, “không đằng tự lượng” có nghĩa là so sánh, lãnh hội mọi pháp bằng tà tri tà kiến, thiên kiến của chính mình, rồi lập ra đủ mọi thứ ý kiến, tranh chấp tưng bừng.

102 Vĩnh Tư Lục tên gọi đầy đủ là Ấn Quang Đại Sư Vĩnh Tư Tập do Hải Lượng biên tập. Đây là tác phẩm tổng hợp những bài viết, câu đối, cảm hoài, những mẫu chuyện về Ấn Quang Đại Sư do các môn nhân, đệ tử viết ra sau khi Ngài đã viên tịch.

103 Do thuở ấy, Trung Hoa là xứ phát triển, văn minh nhất, Phật giáo hưng thịnh nhất trong cả khu vực nên pháp sư Cổ Đức mới nói như vậy. Hãy nên hiểu theo nghĩa rộng: “Chẳng sanh Trung Hoa Phật quốc” là chẳng sanh vào những nơi có văn hóa phát triển, Phật giáo hưng thịnh.

104 Hồ Thích (1891-1962), vốn có tên là Tự Môn, tự Hy Cương, về sau đổi tên thành Hồ Thích, tự là Thích Chi, bút danh Thiên Phong, Tạng Huy v.v... là người huyện Tích Khê, tỉnh An Huy, là một triết gia kiêm lãnh tụ văn hóa thời đầu Dân Quốc. Ông thường được coi là một học giả do nghiên cứu nhiều lãnh vực như văn học, triết học, sử học, khảo cứu, giáo dục, luân lý, hồng học (nghiên cứu tác phẩm Hồng Lâu Mộng), từng được tặng giải Nobel văn học vào năm 1939. Ông cũng là một trong những lãnh tụ của phong trào Ngũ Tứ Vận Động, chủ trương phế bỏ Văn Ngôn, cải cách văn hóa, chuyên dùng Bạch Thoại, cực lực đề xướng chủ nghĩa thực nghiệm (pragmatism). Năm 1910 (lúc 18 tuổi), ông sang Mỹ học ngành canh nông tại đại học Cornell, sau đấy chuyển sang học văn chương, đến năm 1914 theo học Triết tại đại học Columbia, trực tiếp học Triết với triết gia John Dewey. Năm 1917, về nước dạy học tại đại học Bắc Kinh. Ông từng làm đại sứ toàn quyền của Trung Hoa Dân Quốc tại Mỹ năm 1938 cũng như đảm nhiệm các chức vụ viện trưởng, khoa trưởng của nhiều đại học khác nhau. Ông đặc biệt tôn sùng triết gia A. L. Huxley và chịu ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tư tưởng của ông này.

105 Lâm Khán Trị (1907-1992) là một vị nữ cư sĩ nổi tiếng của Phật Giáo Đài Loan. Bà sanh tại trấn Lộc Cảng, huyện Chương Hóa (Đài Loan), trong một gia đình thư hương, nhưng mồ côi cha mẹ từ nhỏ, nếm trải đủ mùi nhọc nhằn. Năm 35 tuổi, do nghe danh pháp sư Bân Tông, bà chú tâm để ý học Phật, bắt đầu ăn chay, học Phật, quy y với pháp sư Vô Thượng, được đặt pháp danh là Pháp Viên. Năm Dân Quốc 38 (1949), do lão cư sĩ Lại Đống Lương tiến cử, bà được theo học với lão cư sĩ Lý Bỉnh Nam, được thầy đặt tự hiệu là Huệ Trị. Vâng lệnh thầy, bà xin thọ tại gia Bồ Tát giới tại chùa Đại Tiên ở Đài Nam do lão hòa thượng Khai Tham làm đàn đầu hòa thượng. Bà là một trong những phụ tá đắc lực của ngài Lý Bỉnh Nam trong công tác kiến thiết, hoằng pháp lợi sanh tại Đài Trung Phật Giáo Liên Xã. Bà chủ trương “Phật hóa gia đình” nhằm an định xã hội, giảm thiểu chướng ngại trên đường vãng sanh. Bà cũng đi các nơi tuyên dương giáo pháp Tịnh Độ. Bà còn biên soạn các tác phẩm Niệm Phật Cảm Ứng Kiến Văn Ký, Phật Thuyết A Di Đà Kinh Thiển Giảng, Khuyến Tu Niệm Phật Pháp Môn Thiển Giảng

106 Yên Sơn là một rặng núi thuộc tỉnh Hà Bắc, chạy từ phía Tây sông Triều Bạch đến Sơn Hải Quan, đỉnh cao nhất là ngọn Vụ Lĩnh. Đá núi này rất đẹp, có màu sắc tươi tắn, rực rỡ, nếu không chú ý sẽ tưởng lầm là ngọc thạch.

107 Du và Cẩn là tên những loài ngọc quý, chữ “du cẩn” thường được dùng để chỉ chung các loại ngọc quý, cũng như dùng làm mỹ từ để khen ngợi đức hạnh của người khác.

108 “Hỗ thị” có nghĩa gốc là nương cậy, nhờ vả. Bài Lục Nga trong thiên Tiểu Nhã kinh Thi có câu: “Vô phụ hà hỗ, vô mẫu hà thị” (không cha nương vào đâu, không mẹ, cậy vào đâu) nên cổ văn thường dùng chữ “hỗ thị” để chỉ cha mẹ.

109 Thượng Thư còn gọi là Thư Kinh hoặc chỉ gọi gọn là Thư, là một trong năm bộ kinh điển trọng yếu của Nho Gia. Đây là một bộ Sử và là sách văn xuôi cổ nhất của Trung Quốc, được chia làm nhiều phần, mỗi phần đều gọi là Thư như Ngu Thư, Hạ Thư, Thương Thư, và Châu Thư. Nội dung ghi chép những ngôn luận và mệnh lệnh của các vương triều thời cổ. Đến đời Hán mới xuất hiện danh xưng Thượng Thư hàm nghĩa “bộ sách về thời thượng cổ”. Tục truyền, Thượng Thư thời cổ có đến 3.240 thiên, sau khi Khổng Tử san định, chỉ còn lại 120 thiên.

110 Chùa Quốc Ân ở trấn Tập Thành, huyện Tân Hưng, tỉnh Quảng Đông. Chùa Quốc Ân do chính Lục Tổ sai môn đồ sửa ngôi nhà cũ của Ngài ở Long Sơn thành chùa, đặt tên là Báo Ân Tự. Đến năm Thần Long thứ ba (707), Đường Trung Tông (Lý Hiển) mới xuống chiếu, ban biển ngạch, đổi tên thành chùa Quốc Ân.

111 Khảo tỷ là tiếng gọi cha mẹ đã khuất. Thiên Khúc Lễ của sách Lễ Ký giảng: “Sanh viết phụ mẫu, tử viết khảo tỷ” (lúc còn sống thì gọi là cha mẹ, lúc mất thì gọi là khảo tỷ).

112 Điều này không có nghĩa là kinh hay ngôn thuyết của chư Phật, chư Bồ Tát, chư Tổ là tà kiến, mà là vì người nghe khởi chấp trước, phân biệt, vọng tưởng, suy lường xằng bậy, dính mắc nơi tướng văn tự và ngôn thuyết, nên gọi là tà kiến.

113 Nghịch Tăng Thượng Duyên: Tăng Thượng Duyên do gặp nghịch cảnh. Tăng Thượng Duyên là cái duyên thúc đẩy khiến cho cái nhân mau chóng kết thành quả.

114 Theo Phật Học Đại Từ Điển, chữ “tinh minh” hình dung sự trong trẻo đến tột cùng, chỉ Chân Như bổn tánh của chúng ta. Từ Chân Như bổn tánh phát khởi tác dụng, mà cụ thể là sáu thức, tác dụng của sáu thức ấy chẳng trở ngại lẫn nhau, nên gọi là “lục hòa hợp”.

115 Hai câu đầu trong đoạn này dựa theo ý bài thơ Lục Nga trong thiên Tiểu Nhã của kinh Thi: “Lục lục giả nga, phi nga y hao, ai tai phụ mẫu, sanh ngã cù lao... vô phụ hà hỗ, vô mẫu hà thị, xuất tắc hàm tuất, nhập tắc mị chí, dục báo chi đức, hạo thiên võng cực” (cỏ nga xanh biếc, chẳng phải cỏ nga cũng là cỏ hao, xót thay cha mẹ, sanh ta nhọc nhằn... Không cha nương ai? Không mẹ cậy ai? Ra thì thương xót, vào thì chăm nom, muốn báo ân đức, trời thẳm mênh mông, khôn ngăn sánh tầy).

116 Minh linh (螟蛉: Bollworm) là một loài sâu ký sinh trong thực vật, phổ biến nhất là loại sâu hại lúa hay hút nhựa khiến cây lúa chết khô (có lẽ là một loại rầy). Tò vò (quả lõa, 蜾蠃, potter wasp) là một loại ong mình đen, vằn vàng, đốt rất đau. Tò vò thường bắt minh linh, đốt cho minh linh mê đi, nhưng không chết, nhốt vào tổ rồi đẻ trứng lên mình nó, khi tò vò con nở ra sẽ ăn sạch con minh linh ấy. Cổ nhân lầm tưởng tò vò không có con, phải bắt minh linh về nuôi nấng để nở thành tò vò con nên thường gọi con nuôi là “minh linh”.

117 Từ ngữ “tả hữu vô phương” xuất phát từ đoạn văn sau đây trong thiên Đàn Cung sách Lễ Ký: “Sự thân hữu ẩn nhi vô phạm, tả hữu tựu dưỡng vô phương, phục cần chí tử, trí táng tam niên. Sự quân hữu phạm nhi vô ẩn, tả hữu tựu dưỡng hữu phương, phục cần chí tử, phương táng tam niên. Sự sư vô phạm vô ẩn, tả hữu tựu dưỡng vô phương, phục cần chí tử, tâm táng tam niên” (Thờ cha mẹ, hễ cha mẹ có lỗi, con nên ẩn giấu, đừng chống đối công khai, chăm sóc phụng dưỡng theo mọi cách đừng nề hà một phương cách bó buộc nào. Siêng năng hầu hạ cha mẹ cho đến khi cha mẹ mất, để tang ba năm. Thờ vua thì hễ vua có lỗi phải can gián, đừng ẩn giấu lỗi vua. Phụng sự vua đủ mọi lẽ, nhưng phải có khuôn phép nhất định. Phụng sự cho đến khi vua chết, bèn để tang ba năm. Thờ thầy bèn chẳng chống đối thầy, mà cũng chẳng giấu lỗi của thầy, phụng dưỡng thầy đủ mọi lẽ, nhưng không ràng buộc theo quy cách nhất định nào. Phụng sự cho đến khi thầy mất, để tang trong lòng ba năm). Do vậy, “tả hữu vô phương” có nghĩa là chăm sóc đủ mọi khía cạnh, không bị ràng buộc bởi một quy củ nào.

Từ ngữ “định tỉnh” xuất phát từ thiên Khúc Lễ trong sách Lễ Ký: “Phàm vi nhân tử chi lễ, Đông ôn nhi Hạ sảnh, hôn định nhi thần tỉnh” (Phàm là lễ nghi của phận làm con thì mùa Đông giữ cho cha mẹ ấm áp, mùa Hạ giữ cho cha mẹ được mát mẻ, sáng thăm tối viếng). Trịnh Huyền chú giải: “Định là xếp đặt giường gối ngay ngắn, Tỉnh là hỏi cha mẹ cảm thấy như thế nào [khi thức dậy]”. Do đó, về sau, chữ “định tỉnh” thường được dùng để chỉ sự quan tâm, hỏi han của con cái đối với cha mẹ mỗi ngày.



Liên Trì đại sư dùng hai thành ngữ này để nói người niệm Phật phải luôn nghĩ nhớ A Di Đà Phật như nghĩ tới cha mẹ, luôn niệm Phật, tưởng Phật, nhớ Phật đó là “định tỉnh”, miễn làm sao không quên Phật hiệu, tâm chẳng lìa tâm Phật, đừng chấp nhặt một phương pháp niệm Phật cố định nào nên mới nói “tả hữu vô phương”. Tâm mình luôn đồng tâm Phật, chẳng bỏ pháp môn này chạy theo pháp môn khác nên gọi là “vô vi” (không trái nghịch).

118 Nói là “niệm bảy âm” vì khi niệm câu hồng danh sáu chữ để đi kinh hành, chữ Đà sẽ được kéo dài thành hai âm tiết.

119 Thuở xưa chưa có giấy, phải viết vào những thẻ tre gọi là “giản trát” (簡札). Vì thế, “đoạn giản tàn biên” có nghĩa là sách vở đứt đầu, đứt đuôi, không toàn vẹn.

120 Ngài Hải Đông chính là ngài Nguyên Hiểu (617-686), biệt hiệu là Tây Cốc Sa Di. Sư là người xứ Tân La, là sơ tổ của Hải Đông Tông (tông Hoa Nghiêm tại Đại Hàn). Ngài được sanh ra tại quận Áp Lương, nước Tân La (nay thuộc Khánh Thượng Bắc Đạo - Gyeongsangbuk-do, Đại Hàn), họ Tiết, thuở nhỏ có tên là Thệ Tràng. Sư xuất gia năm 29 tuổi tại chùa Hoàng Long. Do hâm mộ ngài Huyền Trang và Khuy Cơ, Sư cùng ngài Nghĩa Tương vượt biển sang Trung Hoa. Giữa đường gặp mưa phải nghỉ tại một nghĩa địa là nơi có nhiều quỷ yêu tác quái. Do vậy, Sư ngộ giải “do tâm sanh nên các pháp sanh, tam giới duy tâm, vạn pháp duy thức. Ngoài tâm không pháp, cần gì phải cầu nơi khác nữa”, bèn thôi đi tiếp, quay trở lại Tân La. Sau khi đã giải ngộ tâm địa, Sư ẩn giấu thân phận bằng cách thị hiện cuồng ngạo, phóng túng, ngôn hạnh quái dị, vào tửu quán, nhà thổ, hoặc cầm đao vàng, trượng sắt, tuyên giảng kinh Hoa Nghiêm, hoặc vào núi sâu lặng lẽ tọa Thiền. Ngài chú giải các kinh Pháp Hoa, Lăng Già, Niết Bàn, Hoa Nghiêm, Duy Ma, Bát Nhã, Thắng Man, Giải Thâm Mật, Đại Vô Lượng Thọ, Di Lặc Thượng Sanh, Phạm Võng v.v... cũng như sớ giải các bộ luận Khởi Tín, Nhiếp Đại Thừa, Trung Biên, Thành Thật, Quảng Bách, A Tỳ Đàm, Tam Luận v.v.. Tổng cộng đến hơn tám mươi mốt loại, nhưng chỉ còn giữ được mười sáu tác phẩm. Sau khi viên tịch, Sư được ban thụy hiệu là Đại Thánh Hòa Tịnh Quốc Sư. Tác phẩm chú giải kinh Di Đà được sách Diễn Nghĩa nhắc tới ở đây chính là A Di Đà Kinh Sớ. Ngài còn viết một bản sớ giải kinh Vô Lượng Thọ mang tựa đề Vô Lượng Thọ Kinh Tông Yếu.

121 Ngài Tánh Trừng (1253-1330), pháp tự Trạm Đường, còn có hiệu là Việt Khê, là một vị cao tăng thuộc tông Thiên Thai, sống vào đời Tống. Ngài có họ ngoài đời là Tôn, người xứ Cối Kê (nay thuộc huyện Thiệu Hưng, tỉnh Chiết Giang). Mẹ Ngài mộng thấy mặt trời từ trên không rơi xuống, bèn hoài thai Ngài. Vừa tròn bốn tuổi, Sư đã cầm bút tự vẽ tượng Phật. Đưa kinh Phật cho Sư, Sư liền lập tức trì tụng trôi chảy. Năm Chí Nguyên 13 (1276), Sư thọ Cụ Túc Giới dưới tòa ngài Thạch Môn Thù Luật Sư, về sau y chỉ ngài Phật Giám Tiêm Công để học Thiên Thai Giáo Quán. Sư từng vì dân chúng vùng Ngô Việt cầu mưa, giúp họ chôn cất người chết trong năm hạn hán. Năm Chí Trị nguyên niên (1321) đời Nguyên Anh Tông, Sư vâng chiếu vào kinh giảo chánh Đại Tạng Kinh, được ban hiệu là Phật Hải đại sư, rồi trụ trì chùa Thượng Thiên Trúc. Cuối cùng Sư quy ẩn tại chùa Phật Quả, kiên định tâm chí chuyên tu Tịnh Độ. Tác phẩm chú giải kinh Di Đà được sách Diễn Nghĩa nhắc đến ở đây chính là bộ Phật Thuyết A Di Đà Kinh Cú Giải (xin chú ý: Cú Giải là giải nghĩa theo từng câu).

122 Ngài Cừ Am Đại Hựu (1334-1407) là cao tăng tông Thiên Thai, sống vào đời Minh, người huyện Ngô, tỉnh Cô Tô, pháp tự là Khải Tông, pháp hiệu Cừ Am, xuất gia năm mười hai tuổi, học Hoa Nghiêm với ngài Cổ Đình, rồi học Ma Ha Chỉ Quán với ngài Cửu Cao Thanh. Một hôm, do xem Thiên Thai Tứ Giáo Nghi của ngài Mông Nhuận đời Nguyên mà tỉnh ngộ, dần dần thông đạt cương yếu của tông Thiên Thai. Sư dựng thất đặt tên là Chân Như, chuyên tu Niệm Phật tam-muội. Năm 1405, Sư vâng chiếu trở về kinh, chỉnh lý Phật điển, biên tập những yếu nghĩa của kinh Bát Nhã. Tác phẩm trọng yếu gồm Tịnh Độ Chỉ Quy, A Di Đà Kinh Lược Giải, Kim Cang Kinh Lược Giải. Sau này, ngài U Khê Truyền Đăng viết lời sao cho bộ A Di Đà Kinh Lược Giải, đặt tên là A Di Đà Kinh Lược Giải Viên Trung Sao.

123 Kinh này có tên gọi đầy đủ là A Di Đà Cổ Âm Thanh Vương Đà La Ni Kinh, đã mất tên người dịch. Trong kinh này, đức Phật ngự tại thành Chiêm Ba, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới, gọi tên cõi ấy là Thanh Thái, xưng tán công đức trang nghiêm của cõi ấy, nói rõ tên họ song thân của A Di Đà Phật trước khi Ngài xuất gia (cha là Nguyệt Thượng, mẹ là Thù Thắng Diệu Nhan), con trai tên Nguyệt Minh, cũng như tuyên dương Cổ Âm Thanh Vương Đại Đà La Ni. Theo cổ đức, kinh này nói về Ứng Thân của A Di Đà Phật, vì Ngài thị hiện bỏ nước xuất gia, thị hiện tám tướng thành đạo thì phải là Ứng Hóa Thân, chứ không phải là Báo Thân Phật như trong Tịnh Độ Tam Kinh.

124 Hậu Xuất A Di Đà Kệ Kinh được dịch vào thời Hậu Hán, đã mất tên người dịch, là một bài kệ tụng xưng tán sự thù thắng nhiệm mầu của cõi Cực Lạc.

125 Chữ “đồng bộ” ở đây được dùng theo ý nghĩa: Tuy có hai kinh khác nhau, nhưng có thể coi như là những phiên bản chi tiết hay tóm lược của cùng một bộ kinh. Nói cách khác, hai kinh là một, giống như sách chỉ cùng một bộ, nhưng cách trình bày khác nhau.

126 Tức là Nhất Hạnh tam-muội được dạy trong kinh Văn Thù Sở Thuyết Bát Nhã Ba La Mật. Kinh này đã được Hòa Thượng Minh Lễ dịch ra tiếng Việt và xếp vào bộ Niệm Phật Viên Đốn Tam Kinh.

127 Tiêu quy tự tánh: Tiêu trừ hết thảy các vọng tưởng, chấp trước, phân biệt, kiến giải hư vọng, nhận biết bản thể của các pháp là Chân Như tự tánh.

128 Tả Truyện (tên gọi đầy đủ là Xuân Thu Tả Thị Truyện), còn gọi là Tả Thị Xuân Thu, vốn là một bộ biên niên sử cổ của Trung Quốc nhằm chú giải kinh Xuân Thu do sử quan nước Lỗ là Tả Khâu Minh biên soạn. Nội dung sách lấy kinh Xuân Thu (do Khổng Tử san định làm gốc), thâu thập các sự kiện từ các bộ sử khác như Châu Chí, Tấn Thừa, Trịnh Thư, Sở Ngột, chủ yếu ghi chép những sự kiện lịch sử trong thời Xuân Thu.

129 Chữ Tịnh Độ Ngũ Kinh trong lời Sớ của tổ Liên Trì chỉ ba kinh Tịnh Độ (A Di Đà Kinh, Vô Lượng Thọ Phật Kinh, Quán Vô Lượng Thọ Phật Kinh), Cổ Âm Thanh Vương Kinh và Hậu Xuất A Di Đà Kệ Kinh.

130 Ngũ châu nhân quả: Sở Tín Nhân Quả, Sai Biệt Nhân Quả, Bình Đẳng Nhân Quả, Thành Hạnh Nhân Quả và Chứng Nhập Nhân Quả. Sở Tín Nhân Quả là phần giảng quả báo về mặt y báo và chánh báo của Như Lai (từ quyển một đến quyển mười một, gồm sáu phẩm). Sai Biệt Nhân Quả là nói đến lộ trình tu chứng thành Phật, nêu rõ nhân quả tu chứng của bốn mươi mốt địa vị tu chứng của hàng Pháp Thân đại sĩ (từ quyển mười hai đến quyển bốn mươi tám, gồm hai mươi chín phẩm). Bình Đẳng Nhân Quả là nói về nhân do tu Phổ Hiền Hạnh và quả nơi cảnh giới Như Lai, nhân quả tương dung, bình đẳng vô sai biệt (gồm hai phẩm, từ quyển bốn mươi chín đến quyển năm mươi hai). Thành Hạnh Nhân Quả tuyên thuyết nhân quả xuất thế, trước hết giảng ngũ vị nhân hạnh, sau luận về tám tướng thành đạo (gồm một phẩm, từ quyển năm mươi ba đến quyển năm mươi chín). Chứng Nhập Nhân Quả tuyên thuyết diệu môn nhập pháp giới (bao gồm toàn bộ những quyển còn lại), trước hết nêu rõ đại dụng tự tại nơi Phật quả, và nêu lên sự khởi dụng tu nhân của hàng Bồ Tát (mà điển hình là năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài Đồng Tử).

131 Theo phẩm Hoa Tạng Thế Giới trong Bát Thập Hoa Nghiêm Kinh, Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải được nghiêm tịnh bởi việc tu trì thanh tịnh thế giới vi trần số đại nguyện do đức Tỳ Lô Giá Na Như Lai đối trước mỗi đức Phật trong khi Ngài còn tu hạnh Bồ Tát, thân cận vi trần số Phật trong vi trần vô số kiếp trước. Hoa Tạng Thế Giới Hải được Tu Di Sơn vi trần số phong luân nhiếp trì. Trên tầng phong luân cao nhất là biển hương thủy (nước thơm), trong biển ấy có một hoa sen to tên là Chủng Chủng Quang Minh Hương Tràng. Hoa Tạng Trang Nghiêm Thế Giới Hải ở ngay trên hoa sen ấy được bao quanh bằng Kim Cang Luân Sơn. Đất ở phía trong Kim Cang Luân Sơn đều do chất Kim Cang hợp thành. Trên đất ấy lại có bất khả thuyết Phật sát vi trần số biển nước thơm, mỗi một biển nước thơm được bao quanh bởi tứ thiên hạ vi trần số sông nước thơm. Trong mỗi sông nước thơm lại có bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới chủng. Trong mỗi thế giới chủng lại có bất khả thuyết Phật sát vi trần số thế giới. Biển nước thơm ở ngay trung tâm có tên là Vô Biên Diệu Hoa Quang, trong đó có một hoa sen lớn. Trên hoa sen ấy có một thế giới chủng tên là Phổ Chiếu Thập Phương Xí Nhiên Bảo Quang Minh, hai mươi thứ thế giới trang nghiêm đều xuất hiện trong thế giới chủng ấy, xếp chồng lên nhau. Mỗi thứ thế giới trang nghiêm như vậy đều bao gồm Phật sát vi trần số thế giới. Hai mươi thứ thế giới ấy kể từ dưới lên trên như sau:

1. Tối Thắng Quang Biến Chiếu Hoa Tạng Thế Giới, dùng các thứ bảo ma-ni để trụ, Phật hiệu Ly Cấu Đăng.

2. Chủng Chủng Hương Liên Hoa Diệu Trang Nghiêm Hoa Tạng Thế Giới, dùng lưới hoa sen báu để trụ, Phật hiệu Sư Tử Quang Thắng Chiếu.

3. Nhất Thiết Bảo Trang Nghiêm Phổ Chiếu Quang Hoa Tạng Thế Giới, nương vào các thứ anh lạc báu để trụ, Phật hiệu Tịnh Quang Trí Thắng Tràng.

4. Chủng Chủng Quang Minh Hoa Trang Nghiêm Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Kim Cang Thi La Tràng nhiều màu để trụ, Phật hiệu Kim Cang Quang Minh Vô Lượng Tinh Tấn Lực Thiện Xuất Hiện.

5. Phổ Phóng Diệu Hoa Quang Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển hết thảy cây cối được trang nghiêm bởi lưới bánh xe báu để trụ, Phật hiệu Hương Quang Hỷ Lực Hải.

6. Tịnh Diệu Quang Minh Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển cung điện Kim Cang để trụ, Phật hiệu Phổ Quang Tự Tại.

7. Chúng Hoa Diệm Trang Nghiêm Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển hết thảy các ngọn lửa có màu giống như các thứ báu để trụ, Phật hiệu Hoan Hỷ Hải Công Đức Danh Xưng Tự Tại Quang.

8. Xuất Sanh Oai Lực Địa Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển các thứ tòa hoa sen bảo sắc [rộng lớn như] hư không để trụ, Phật hiệu Quảng Đại Danh Xưng Trí Hải Tràng.

9. Xuất Diệu Âm Thanh Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Ma Ni Vương thường lưu xuất mây hết thảy âm thanh nhiệm mầu trang nghiêm để trụ, Phật hiệu Thanh Tịnh Nguyệt Quang Tướng Vô Năng Tồi Phục.

10. Kim Cang Tràng Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển hết thảy trang nghiêm sư tử tòa Ma Ni để trụ, Phật hiệu Nhất Thiết Pháp Hải Tối Thắng Vương.

11. Hằng Xuất Hiện Đế Thanh Bảo Quang Minh Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển các thứ hoa đặc biệt lạ lùng để trụ, Phật hiệu Vô Lượng Công Đức Hải.

12. Quang Minh Chiếu Diệu Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Hoa Toàn Hương Thủy để trụ, Phật hiệu Siêu Thích Phạm.

13. Sa Bà Hoa Tạng Thế Giới, nương vào lưới hoa sen được gìn giữ bởi các phong luân nhiều màu để trụ, Phật hiệu Tỳ Lô Giá Na Như Lai Thế Tôn.

14. Tịch Tĩnh Ly Trần Quang Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển các thứ y báu để trụ, Phật hiệu Biến Pháp Giới Thắng Âm.

15. Chúng Diệu Quang Minh Đăng Hoa Tạng Thế Giới, nương vào lưới tịnh hoa để trụ, Phật hiệu Bất Khả Tồi Phục Lực Phổ Chiếu Tràng.

16. Thanh Tịnh Quang Biến Chiếu Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển hoa sen các thứ hương diệm để trụ, Phật hiệu Thanh Tịnh Nhật Công Đức Nhãn.

17. Bảo Trang Nghiêm Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Quang Minh Tạng Ma Ni Tạng để trụ, Phật hiệu Vô Ngại Trí Quang Minh Biến Chiếu Thập Phương.

18. Ly Trần Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển diệu hoa sư tử tòa để trụ, Phật hiệu Vô Lượng Phương Tiện Tối Thắng Tràng.

19. Thanh Tịnh Quang Phổ Chiếu Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Vô Lượng Sắc Hương Diệm Tu Di Sơn để trụ, Phật hiệu Phổ Chiếu Pháp Giới Hư Không Quang.



20. Diệu Bảo Diệm Hoa Tạng Thế Giới, nương vào biển Nhất Thiết Chư Thiên Hình Ma Ni Vương để trụ, Phật hiệu Phước Đức Tướng Quang Minh.

132 Hộ Sanh Họa Tập là một tập sách do họa sĩ “mạn họa” (manga) Phong Tử Khải, đệ tử của pháp sư Hoằng Nhất, vẽ theo sự hướng dẫn của ngài Hoằng Nhất. Dưới mỗi bức vẽ, ngài Hoằng Nhất chọn một bài thơ hay một đoạn văn ngắn nhằm khuyên đại chúng “bảo vệ tánh mạng loài vật chính là bảo vệ tánh mạng của chính mình”. Tập sách này được ra mắt lần đầu tiên vào năm 1929.

133 Theo Bách Pháp Minh Môn Luận, Căn Bản Phiền Não gồm Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi, và Bất Chánh Kiến, còn Kiến Tư Phiền Não thì gồm mười loại; vì sao lại nói Kiến Tư Phiền Não chính là Căn Bản Phiền Não? Nếu xét kỹ, ta thấy Tham, Sân, Si, Mạn, Nghi chính là Tư Phiền Não (Tư Hoặc), còn Bất Chánh Kiến chính là Kiến Hoặc. Nếu phân tích tỉ mỉ thì Bất Chánh Kiến được chia thành năm thứ nhỏ hơn Thân Kiến, Biên Kiến, Kiến Thủ Kiến, Giới Thủ Kiến và Tà Kiến.

134 Trong A Di Đà Kinh Yếu Giải Giảng Ký, hòa thượng Tịnh Không đã giảng như thế này: “Dị Sanh là địa vị Tam Hiền trong Biệt Giáo, Đồng Sanh là từ địa vị Sơ Trụ trong Viên Giáo trở lên. Sau khi đã minh tâm kiến tánh, quý vị sử dụng cùng một cái tâm giống như chư Phật, dùng chân tâm, nên gọi là Đồng Sanh Tánh. Khi chưa kiến tánh, dùng thức tâm (tám thức), chẳng dùng chân tâm, nên gọi là Dị Sanh”.

135 Gọi là “phò cơ” (đúng ra phải đọc là “phù cơ”, “phù” () là nâng đỡ) vì đồng tử (thanh đồng, cơ đồng) gồm có hai người sẽ nâng cơ bút (thường có hình giống như cái giỏ, phía trước có mỏ nhọn thường khắc hình chim loan, nên còn gọi là “loan bút”; do vậy, cầu cơ theo lối này còn gọi là “phò loan”) để viết chữ xuống mâm đựng cát. Một hình thức ít phổ biến hơn là thanh đồng trực tiếp cầm bút gỗ viết xuống mâm cát.

136 Theo Mật Tông Tây Tạng, Dzogchen chỉ trạng thái viên mãn, nguyên sơ, hoàn thiện của cái tâm. Theo ngu ý, chữ này gần như tương đương với Thỉ Giác, vì trong các sách vở viết về Dzogchen, họ hay dùng tỷ dụ như sau: “Tâm đạt đến trạng thái Dzogchen sẽ giống như quả cầu pha lê phản chiếu màu sắc của vật đặt gần nó, nhưng quả cầu vẫn trong suốt”. Điều này giống như cách nói “tịch mà thường chiếu, chiếu mà thường tịch” trong Đại Thừa Phật giáo. Phép tu này được đề xướng bởi Cổ Mật (Nyingmapa) và cũng được các tông phái khác coi trọng. Theo truyền thuyết, phép tu này được sáng lập bởi Prahevajra, truyền cho Mañjuśrīmitra, Mañjuśrīmitra truyền cho Śrī Simha. Vị này truyền cho Liên Hoa Sinh đại sĩ (Padmasambhava), sáng tổ của Phật giáo Tây Tạng.

137 Huệ Cự là một tổ chức bất vụ lợi do cụ Châu Tuyên Đức (1899-1989) thành lập nhằm mục đích truyền bá chánh pháp, uốn nắn lòng người theo khuôn mẫu đạo đức. Tổ chức này gồm năm bộ phận chính là Huệ Cự Tạp Chí Xã, Huệ Cự Xuất Bản Xã, Huệ Cự Phật Học Hội, Dư Thị Cơ Kim Hội và Chiêm Thị Cơ Kim Hội. Cụ Châu Tuyên Đức quê ở huyện Nam Xương, tỉnh Giang Tây, tốt nghiệp ngành hóa học công nghiệp tại đại học Bắc Kinh, từng làm giảng sư đại học, kiêm nhiệm chức vụ giáo vụ trưởng, hiệu trưởng của nhiều trường học tại Trung Quốc và Đài Loan. Dư Thị Cơ Kim Hội chính là quỹ tài trợ nhằm tưởng niệm tiên sinh Dư Gia Cúc (một học giả Phật Giáo và Nho Giáo thời cận đại) với mục đích tưởng thưởng khuyến khích các hoạt động chấn hưng phong hóa xã hội. Chiêm Thị Cơ Kim Hội là quỹ tài trợ do tiên sinh Chiêm Dục Trai (Chiêm Lệ Ngô) khởi xướng, quyên tặng, nhằm trao giải thưởng cho các luận văn nghiên cứu Phật giáo trong các trường đại học, cũng như tài trợ các hoạt động Phật giáo tại Canada.

138 “Chỉnh thể” (Entirety) là một khái niệm triết học đối lập với khái niệm “bộ phận”. Chỉnh thể thường được hiểu là một đối tượng có kết cấu thống nhất, tuân theo một hình thức hay quy luật cấu tạo nhất định. Hiểu theo nghĩa rộng, “chỉnh thể” là toàn thể.

139 Tưởng Duy Kiều (8173-1958), tự Trúc Trang, biệt hiệu Nhân Thị Tử, người huyện Vũ Tấn, Thường Châu, tỉnh Giang Tô. Ông thuở nhỏ lắm bệnh, cứ phải nghỉ học thường xuyên, đến năm mười tám tuổi, do học Tiểu Châu Thiên Khí Công mới khôi phục sức khỏe. Năm hai mươi tám tuổi, mắc bệnh phổi nặng, bèn dứt tuyệt thế duyên, tịnh luyện Tiểu Châu Thiên để chữa bệnh. Bài viết của ông Tưởng về chuyện này đã được hòa thượng Viên Đức dịch thành phần phụ lục trong bộ Mạt Pháp Nhất Tự Đà La Ni Kinh. Ông là một nhà triết học, giáo dục kiêm Phật học nổi tiếng đầu thời Dân Quốc, trước tác rất nhiều. Những tác phẩm trọng yếu có Trung Quốc Cận Tam Bách Niên Triết Học Sử, Lữ Thị Xuân Thu Hội Giảo, Phật Học Khái Luận, Phật Học Cương Yếu. Tác phẩm Chi Na Phật Sử Cương của ông đã được học giả Cảnh Dã Triết (Sakai Satoru) của Nhật dịch ra tiếng Nhật và ghép vào bộ Trung Quốc Phật Giáo Sử của mình. Ông còn hợp tác với Dương Đại Ưng để soạn bộ Trung Quốc Triết Học Sử Cương Yếu và Tống Minh Lý Học Cương Yếu.

140 Quản Tử là bộ sách được coi là do Quản Trọng (một chính trị gia nổi tiếng thời Xuân Thu, giúp Tề Hoàn Công thành tựu nghiệp bá) viết, nhưng các nhà nghiên cứu cho rằng tác phẩm này chỉ được gán cho Quản Trọng nhằm tăng uy thế, vì sách có chép những sự kiện sau khi Quản Trọng đã mất. Sách gồm tám mươi sáu thiên, nhằm trình bày tư tưởng chính trị của Quản Trọng: Vận dụng pháp luật để cai trị. Sách này rất được các nhà tư tưởng thuộc phái Pháp Gia coi trọng, nhất là Hàn Phi Tử.

141 Phá Âm Tự là một chữ có nhiều âm đọc, tùy theo cách đọc mà sẽ có ý nghĩa khác nhau, tuy mặt chữ không đổi. Như chữ Bị trong đoạn này này có ba âm đọc:

1) Bị có nghĩa là tấm chăn, mang vác.

2) Bí có nghĩa là tóc giả

3) Phi là mang khoác.



Theo Hòa Thượng, chữ Bị ở đây phải đọc là Phi, theo ý nghĩa thứ ba; nhưng ta vẫn quen đọc là Gia Bị.

142 Trần Bình là đại thần của Hán Cao Tổ (Lưu Bang) người làng Hộ Dũ xứ Dương Vũ (nay là huyện Nguyên Dương, tỉnh Hà Nam), đa mưu túc trí, từng phục vụ dưới trướng Hạng Vũ, rất được Hạng Vũ coi trọng. Về sau, đắc tội với Á Phụ Phạm Tăng nên phải trốn sang cầu cạnh Lưu Bang. Vì Lưu Bang nghi kỵ, không trọng dụng, nên Ngụy Vô Tri phải tiến cử. Về sau, Trần Bình giữ chức Thừa Tướng nhà Hán. Thuở bần hàn, Trần Bình tuy cao lớn, đẹp trai, học giỏi, khéo ăn nói, nhưng vì đã lớn mà chẳng có nghề nghiệp vững chắc, gia cảnh bần hàn, nên không ai gả con cho, ngoài ba mươi tuổi vẫn chưa có vợ. Mãi về sau, Trương Phụ là người giàu có trong làng, có đứa cháu nội đã năm lượt góa chồng, không ai dám lấy, Trần Bình đành phải bấm bụng xin cưới. Do vợ chăm làm, gia đình vợ giúp đỡ, Trần Bình khá lên, được phong làm Xã Tể (gần như xã trưởng). Mỗi lần trong làng tế lễ, phân chia thịt đã tế cho người trong làng, các bô lão thường khen: “Trần Bình nhụ tử (thằng nhãi con Trần Bình) chia thịt rất khéo”.

143 Đây là hai câu trích từ đoạn sau đây trong kinh Lăng Nghiêm: “Thử chư Kim Cang Bồ Tát Tạng Vương, tinh tâm ấm tốc, phát bỉ thần thức, thị nhân ứng thời, tâm năng ký ức bát vạn tứ thiên Hằng hà sa kiếp, châu biến liễu tri, đắc vô nghi hoặc”. Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của sách Đại Phật Đảnh Thủ Lăng Nghiêm Kinh Dịch Giải (do cư sĩ Vương Trị Bình biên soạn), quyển bảy: “Tinh tâm là cái tâm thuần chân. Cái tâm này trên có cùng một từ lực với chư Phật, dưới cùng một niềm bi ngưỡng với chúng sanh, cho nên có thể khiến cho thần thức thông sáng. Câu này có nghĩa là cái chân tâm ấy âm thầm được phát khởi nhanh chóng, khiến cho thần thức được phát huy tác dụng, nên câu kế đó mới nói: Người ấy ngay lập tức có thể nhớ được chuyện trong tám vạn bốn ngàn Hằng hà sa kiếp, thông hiểu trọn khắp”.

144 Biến Tướng Đồ (còn gọi là Biến Tướng, Biến Tượng, Biến Hội, hay Biến) là những tranh vẽ hay phù điêu miêu tả những sự kiện trong kinh Phật (Phật đản sanh, Phật nhập Niết Bàn, Phật chuyển pháp luân, Hoa Nghiêm Thập Xứ Cửu Hội Đồ v.v...), hoặc sự trang nghiêm nơi Tịnh Độ (như Tịnh Độ của A Di Đà Phật, Tịnh Độ của Phật Dược Sư, Tịnh Độ nơi Đâu Suất Nội Viện), hoặc cảnh tượng nơi địa ngục.

145 Chúng tôi dịch câu này theo cách diễn giải của trang nhà Bách Độ Tri Đạo.

146 Yếu Tập chính là bộ sách Chư Kinh Yếu Tập (được xếp vào tập hai mươi bốn của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh), gồm hai mươi quyển, do ngài Đạo Thế soạn. Nội dung gồm những phần trích thuật trọng yếu từ các bộ kinh Đại Thừa và được phân loại thành các tiểu mục như Tam Bảo, Kính Tháp, Nhiếp Niệm, Nhập Đạo v.v... Tác phẩm này còn được gọi là Thiện Ác Nghiệp Báo Luận, có tánh chất tương tự như bộ Kinh Luật Dị Tướng của ngài Bảo Xướng soạn vào đời Lương.

147 Đây là cách nói dựa theo kinh Niết Bàn khi đức Phật giảng về chữ Y trong tiếng Phạn. Chữ Y gồm có ba điểm xếp theo hình tam giác (đỉnh nhọn xoay xuống dưới). Phật dùng chữ Y để ví với tam đức bí tạng. Ba chấm ấy hợp thành chữ Y, chúng không thể tách rời mà phải đồng thời tồn tại thì mới thành chữ Y, do vậy nói “bất tung hoành” (chẳng dọc ngang), tức là không thể phân biệt chúng là khác nhau theo phương diện thời gian hay không gian. Ba điểm của chữ Y nếu xếp nằm cùng một hàng thì không thành chữ Y, ngoài chữ Y thì không có ba chấm này, ngoài ba chấm này thì không có chữ Y nên mới nói “bất tịnh biệt” (chẳng ngang hàng, chẳng tách rời). Mượn hình ảnh này để diễn tả tam đức chỉ là một trong những khía cạnh của chân tâm. Hễ chứng được một đức thì cả ba đức đều đồng thời tồn tại nên hòa thượng Tịnh Không mới giảng đơn giản là “ba nhưng một, tuy một mà ba”, rồi Ngài nói thêm như “chứng đắc Pháp Thân, sẽ nhất định có Giải Thoát” v.v...

148 Chữ “người đời sau” ở đây chỉ những nhà dịch kinh, chú giải hay các giảng sư sau thời Tùy - Đường - Tống.

149 Tứ Gia Hạnh là Noãn Pháp, Đảnh Pháp, Nhẫn Pháp, và Thế Đệ Nhất Pháp. Theo tông Duy Thức, để tu hành đạo Bồ Đề, nhằm tu tập phước đức và trí huệ và tiến nhập địa vị Kiến Đạo trong Biệt Giáo, phải tu hành Tứ Gia Hạnh, thành tựu địa vị Lục Trụ trong Biệt Giáo để tiếp tục tiến lên những địa vị cao hơn.

150 Trước khi ngài Huyền Trang dịch kinh Đại Bát Nhã đã có rất nhiều hội trong bộ này được dịch riêng lẻ. Có thể nói không sai là toàn bộ những bản kinh nào có chữ Bát Nhã trong tựa đề đều là một hội của kinh Đại Bát Nhã. Kinh Kim Cang (Vájra-cchedikā-prajñā-pāramitā-sūtra) hiện thời còn giữ được sáu bản dịch:

1. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh, do ngài Cưu Ma La Thập dịch vào đời Diêu Tần. Đây là bản được lưu hành rộng rãi nhất từ xưa đến nay.

2. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Bồ Đề Lưu Chi dịch vào đời Đường.

3. Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Chân Đế dịch vào đời Tùy.

4. Kim Cang Năng Đoạn Bát Nhã Ba La Mật Kinh do ngài Đạt Ma Cấp Đa dịch vào đời Tùy.

5. Năng Đoạn Kim Cang Hội tức hội thứ chín trong kinh Đại Bát Nhã do ngài Huyền Trang dịch vào đời Đường.

6. Phật Thuyết Năng Đoạn Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật Đa Kinh do ngài Nghĩa Tịnh dịch vào đời Đường.


151 Nguyên văn “tùng yên mặc”. Thành phần chủ yếu của loại mực này là mồ hóng (bồ hóng) thu được do đốt gỗ tùng, thêm vảo băng phiến (long não, borneol), xạ hương hòa với chất a giao (chất keo từ da trâu hầm),

152 Mao Biên là một loại giấy nổi tiếng ở tỉnh Giang Tô, có màu vàng nhạt, sớ giấy mịn, mỏng, nhưng bền chắc, hút mực rất tốt. Giấy để lâu ít bị ngả màu, lại không đắt lắm. Do vậy, nó được dùng chủ yếu để in sách.

153 Bát Tự (còn gọi là Tứ Trụ) là cách đoán vận mạng dựa trên bốn yếu tố năm, tháng, ngày, giờ, từ bốn yếu tố ấy tính ra Can và Chi của chúng nên thành ra tám chữ, vì thế gọi là Bát Tự. Dựa trên Ngũ Hành tương sanh, tương khắc mà luận đoán vận mạng.

Đếm nét bút” là dựa theo cách viết tên gọi trong tiếng Hán có bao nhiêu nét bút mà vận dụng Âm Dương Ngũ Hành để thiết lập quẻ Dịch tương ứng hòng đoán vận mạng.



154 Đúng ra chữ trong danh xưng 長崎 phải đọc là Khi, nhưng do các sách báo Việt Ngữ thường phiên âm là Kỳ nên chúng tôi tuân thủ cách đọc này.

155 Kim Cang Tế (Vajra-tala-sthāna): Theo luận Câu Xá, phía dưới đại địa là Kim Cang Tế, tức là vật chất ngưng đọng khi thế giới mới thành lập. Kim Cang có nghĩa là kiên cố. Có thể hiểu đại lược Kim Cang Tế chính là phần cốt lõi nâng đỡ mặt đất, hoặc nếu hiểu hạn hẹp, thô thiển theo chỉ riêng địa cầu thì Kim Cang Tế chính là phần ở giữa bao quanh lõi quả đất, nằm phía dưới mặt đất.

156 Chùa Nam Hoa thuộc thành phố Thiều Quan, tỉnh Quảng Đông, nằm bên bờ sông Tào Khê. Chùa này do Tam Tạng Trí Dược khai sơn vào năm Thiên Giám nguyên niên (502) đời Lương, đến thời Lục Tổ trụ tích, hoằng dương Thiền Tông tại Tào Khê, chùa có tên là Bảo Lâm. Năm Thần Long nguyên niên (705), Đường Trung Tông hạ chiếu đổi tên chùa thành Trung Hưng Tự. Năm Thần Long thứ ba (707), lại đổi tên thành Pháp Tuyền Tự. Năm Khai Bảo nguyên niên (968) đời Tống, Tống Thái Tổ hạ chiếu đổi thành Nam Hoa Thiền Tự và chùa giữ tên này cho đến ngày nay. Chùa trải qua nhiều cơn biến động, có lúc bỏ hoang như vào cuối đời Tùy, hoặc cháy sạch như vào năm Long Sóc nguyên niên (661) đời Đường Cao Tông. Chùa tiếp tục bị cháy nhiều lần dưới đời Nguyên. Chùa được trùng tu quy mô như hiện thời do công sức của hòa thượng Hư Vân vào năm Dân Quốc 22 (1933).

157 Chúng tôi dịch câu này theo cách giải thích của lão pháp sư Trạm Sơn Đàm Hư trong bài Vĩnh Gia Huyền Giác Thiền Sư Chứng Đạo Ca Lược Giải. Lão pháp sư Đàm Hư giảng như sau: “Hoặc thị hoặc phi nhân bất thức, nghịch hành, thuận hạnh thiên mạc trắc. Ngô tảo tằng kinh đa kiếp tu, bất thị đẳng nhàn tương cuống hoặc: Trên thế giới dù đúng hay sai, không gì chẳng phải do sức Bát Nhã, nhưng nhân gian đều chẳng biết. Còn đối với thuận hạnh hay nghịch hạnh, dù bậc cao nhân trên cõi trời cũng chẳng suy lường được. Thiên thượng nhân gian đều chẳng thể nhận biết suy lường thì tôi là một ông Tăng nghèo hèn, làm sao có thể nhận biết, suy lường được? Cần phải biết Phật pháp, chẳng do đông người, cũng chẳng vì cao quý, mà chỉ do tin tưởng, ngưỡng vọng chân thật. Nhiều đời, nhiều kiếp huân tập, mới có thể tự liễu giải thấu triệt. Tôi nay đã liễu giải là do đã từng tu hành nhiều kiếp trong quá khứ. Đây không phải là chuyện dễ dãi, lơ mơ mà toan đem chuyện này dối gạt, mê hoặc người đời. Đây là chuyện kiến lập đạo tràng, há phải là chuyện phù phiếm ư?” Cũng xin lưu ý là các bản Chứng Đạo Ca đang lưu hành đều chép là “bất thị đẳng nhàn,


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   91   92   93   94   95   96   97   98   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương