阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang92/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   88   89   90   91   92   93   94   95   ...   101

Tập 92

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm sáu mươi tám331.


Cửu, tổng thích danh đề.

九、總釋名題。

(Chín, giải thích chung tên gọi của kinh).
Phần Tổng Thích Danh Đề chia thành hai đoạn lớn.
Sơ, đề nghĩa, nhị, dịch nhân.

初、題義,二、譯人。

(Một là ý nghĩa của tựa đề kinh, hai là nói về người dịch)
Đoạn lớn thứ nhất giải thích tựa đề bản kinh, đoạn lớn thứ hai nói về người phiên dịch, tức Cưu Ma La Thập đại sư.
Như thượng bát môn tự nghĩa, dĩ tri nhất kinh đại chỉ. Kim dục thích văn, tiên minh tổng đề, sử hữu cương lãnh. Cố thứ chi, dĩ tổng thích danh đề.

如上八門敘義,已知一經大旨。今欲釋文,先明總題,使有綱領,故次之以總釋名題。

(Do những ý nghĩa được trình bày trong tám môn như trên, đã biết được ý chỉ chung của kinh này. Nay sắp giải thích kinh văn, trước hết giảng rõ tựa đề chung của bản kinh, nhằm làm cho người đọc biết được cương lãnh. Vì thế, tiếp theo đây là phần Tổng Thích Danh Đề).
Đoạn này nhằm trình bày nguyên do có đoạn lớn này: Vì sao phải có đoạn này, trước hết, nêu ra rõ ràng. Tám môn trên đây là phần Huyền Nghĩa của kinh này, nói theo cách bây giờ, đó là phần khái yếu, khái thuyết, khái luận của kinh Di Đà, chúng tôi đã giảng xong, quý vị đã hiểu rất rõ ràng minh bạch tông chỉ nghĩa thú của bộ kinh này.

Tới lúc này mới thật sự bước vào kinh văn. Trong kinh văn, trước tiên giới thiệu đề mục, vì đề mục là tổng cương lãnh của cả bộ kinh, rất giống với tựa đề của một bài văn, hết sức quan trọng.


(Kinh) Phật Thuyết A Di Đà Kinh.

() 佛說阿彌陀經。

(Chánh kinh: Phật Thuyết A Di Đà Kinh).
Phần Sớ dưới đây là lời chú giải.
(Sớ) Đề nghĩa hữu tứ.

() 題義有四。

(Sớ: Phần giảng về ý nghĩa của tựa đề kinh gồm bốn đoạn).
Trong phần này có bốn đoạn, chia ra như thế nào? Đoạn thứ nhất là Phật, một chữ là một đoạn, đoạn thứ hai là Thuyết, đoạn thứ ba là A Di Đà, đoạn thứ tư là Kinh.
(Sớ) Sơ, năng thuyết Phật.

() 初、能說佛。

(Sớ: Một, vị Phật nói kinh này).
“Phật” là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật.
(Sớ) Nhị, chánh minh thuyết.

() 二、正明說。

(Sớ: Hai, giải thích chữ Thuyết).

“Chánh” là [kinh này] do Thích Ca Mâu Ni Phật nói.
(Sớ) Tam, sở thuyết Phật.

() 三、所說佛。

(Sớ: Ba, đức Phật được nói đến)
Đoạn thứ ba là nội dung được nói. Thích Ca Mâu Ni Phật nói gì vậy? Nói tới Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật, giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới cho chúng ta.
(Sớ) Tứ, kết thuyết danh.

() 四、結說名。

(Sớ: Bốn, kết lại để nêu tên kinh).
Đấy là Kinh.
(Sớ) Ngôn thử độ Thích Ca Mâu Ni Phật.

() 言此土釋迦牟尼佛。

(Sớ: Nói đến Thích Ca Mâu Ni Phật trong cõi này).
“Thử” (đây) là đối với “bỉ” (kia) mà nói, vì A Di Đà Phật không ở trong thế giới này. Thông thường chúng ta nói đến “thế giới”, trong quan niệm của người bình thường, [chữ “thế giới”] chỉ quả địa cầu này; thật ra, trong Phật pháp, phạm vi của từ ngữ này to hơn rất nhiều. Chẳng phải chỉ là một địa cầu, mà “thế giới” trong Phật pháp là một Ngân Hà Hệ như chúng ta nói trong hiện tại, số lượng tinh cầu trong ấy đúng là chẳng biết rõ. Kinh Phật thường nói là “tam thiên đại thiên thế giới”. Tam thiên đại thiên thế giới là khu vực giáo hóa của một đức Phật, như vậy thì Phật có diệt độ hay không? Không có, Phật chẳng diệt độ. Chúng ta nói “Phật diệt độ” là nói theo địa cầu này: Thích Ca Mâu Ni Phật xuất hiện, Thích Ca Mâu Ni Phật diệt độ. Nếu nói theo đại thế giới, đức Phật chẳng diệt độ, đức Phật diệt độ trên quả địa cầu này, lại xuất hiện trên một tinh cầu khác, chuyện là như thế đó! Do vậy, Phật quả thật bất sanh bất diệt, chúng ta phải nên biết điều này.

A Di Đà Phật chẳng thuộc vào Ngân Hà Hệ này, mà thuộc một tinh hệ (galaxy) khác. Tinh hệ ấy cách chúng ta hết sức xa xôi, kinh nói “mười vạn ức cõi Phật”. Nếu mỗi cõi Phật là một Ngân Hà Hệ, chúng ta thuộc Ngân Hà này, Ngân Hà của Tây Phương Cực Lạc thế giới ở bên đó, ở giữa [hai tinh hệ] có mười vạn ức Ngân Hà Hệ, khoảng cách quá ư xa xôi. Những nhà khoa học hiện thời vắt óc suy nghĩ [chẳng tìm ra] cách nào, muốn ngồi phi thuyền cũng chẳng đến được, khoảng cách thật sự quá xa xôi. Tuy xa xôi, chúng ta muốn tới vẫn chẳng khó, vẫn là rất dễ. Đấy là nói về “thần thức” (tục ngữ gọi là “linh hồn”), tốc độ của thần thức vô cùng nhanh, bất luận phương tiện giao thông khoa học kỹ thuật gì cũng chẳng có cách nào sánh bằng, chỉ trong một cái khảy ngón tay, hay trong một niệm có thể từ thế giới này vãng sanh Tây Phương Cực Lạc thế giới. Vì thế, đừng nên sợ khoảng cách xa xôi, chớ nên bận lòng! Đấy là Thích Ca Mâu Ni Phật...


(Sớ) Thuyết bỉ độ A Di Đà Phật y chánh trang nghiêm.

() 說彼土阿彌陀佛依正莊嚴。

(Sớ: Nói về y báo và chánh báo trang nghiêm của A Di Đà Phật trong cõi kia).
“Y” là hoàn cảnh, nói tới hoàn cảnh sống ở bên kia. “Chánh” là nói tới thân thể chúng ta, thân thể là chánh báo. Dung mạo, sự khỏe mạnh, sự trường thọ nơi thân thể này đều là chánh báo của thân. Y báo là hoàn cảnh vật chất. Giới thiệu Tây Phương Cực Lạc thế giới A Di Đà Phật và nhân dân bên ấy, đó là “y chánh trang nghiêm”, nhằm mục đích gì?
(Sớ) Tín nguyện vãng sanh chi kinh dã.

() 信願往生之經也

(Sớ: [Đây là] kinh tín nguyện vãng sanh).
Khuyên chúng ta phải tin tưởng, khuyên chúng ta phát nguyện, phát nguyện gì? Chúng ta di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới. Hiện tại có rất nhiều người di dân sang ngoại quốc, tôi thấy họ rất khổ. Ở ngoại quốc, áp lực trong cuộc sống rất nặng, Hoa kiều ở ngoại quốc chẳng hạnh phúc! Do vậy, chúng ta nên di dân sang Tây Phương Cực Lạc thế giới, đấy mới là cõi nước thật sự yên ổn, còn nước Mỹ chắc chắn chẳng an ổn.
(Sớ) Thống quát đại ý, thứ nãi ly thích.

() 統括大意,次乃離釋。

(Sớ: Nêu đại ý tổng quát rồi mới tách ra từng điều để giải thích).
Trước hết, nêu lên đại ý. “Ly thích” là giải thích từng đoạn một. Phần dưới là Sao, Sao là chú giải của lời Sớ. Sớ và Sao đều do Liên Trì đại sư viết. Sau khi đại sư viết chú giải cho kinh này, vì lời chú giải khá sâu, sợ người đời sau nghiên cứu gặp khó khăn, nên Ngài lại tự viết thêm lời chú giải cho bản chú giải, chú giải lời chú giải gọi là Sao. Nếu văn tự trong lời Sao dễ hiểu, minh bạch, chúng tôi sẽ tỉnh lược, chẳng giảng cặn kẽ, có chỗ nào khó thì chúng tôi sẽ nêu ra để nghiên cứu, thảo luận.
(Sao) Thống quát giả, tiên thả lược biểu toàn văn, sử huyết mạch quán thông, ý nghĩa cụ túc.

() 統括者,先且略表全文,使血脈貫通,意義具足。

(Sao: “Thống quát” là trước hết nêu đại lược ý nghĩa được biểu thị trong toàn bộ bản kinh, khiến cho [người đọc] thông suốt điều cốt lõi, ý nghĩa trọn đủ).
Đây là ý nghĩa của chữ “thống quát”.
(Sao) Thứ nãi nhất nhất ly nhi thích chi.

() 次乃一一離而釋之。

(Sao: Kế đó bèn tách ra thành từng điều một để giải thích).
“Ly thích” là đem tên kinh Phật Thuyết A Di Đà Kinh chia thành bốn đoạn, giải thích tường tận từng đoạn một.
(Sao ) Đề chỉ Phật danh.

() 題止佛名。

(Sao: Tên kinh chỉ có danh hiệu Phật).
Bộ kinh này dùng danh hiệu Phật làm tựa đề.
(Sao) Nhi ngôn y chánh đẳng giả, Quán Kinh “ngôn Phật tiện châu”, kim cử Phật danh, nhiếp vô bất tận cố.

() 而言依正等者,觀經言佛便周,今舉佛名,攝無不盡故。

(Sao: Mà nói là y báo, chánh báo v.v... vì như Quán Kinh đã dạy “hễ nói tới Phật liền trọn đủ”, nay nêu lên danh hiệu Phật sẽ nhiếp trọn hết, chẳng sót điều gì).
Trong tựa đề kinh chẳng nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm, chỉ nói tới danh hiệu Phật. Tuy chẳng nói tới y báo và chánh báo trang nghiêm, nhưng hễ nói tới Phật thì y báo và chánh báo trang nghiêm đều gồm trọn trong ấy. Tuy tỉnh lược về mặt ngôn ngữ, nhưng ý nghĩa hết sức hoàn chỉnh, toàn vẹn.

“Ly thích” là tách ra để giảng. Chúng ta phải đặc biệt lưu ý chỗ này, vì không riêng gì người niệm Phật cần phải biết, đó cũng đồng thời là Phật học thường thức, chúng ta hiểu rõ thì mới chẳng đến nỗi nẩy sanh hiểu lầm đối với Phật giáo.
(Sao) Thứ ly thích dã.

() 次離釋也。

(Sao: Kế đó là tách ra từng điều để giải thích).
Tách ra để giảng, trước hết giảng chữ Phật.
(Sớ) Phật giả, Phạm ngữ cụ vân Phật Đà, thử vân Giác Giả.

() 佛者,梵語具云佛陀,此云覺者。

(Sớ: “Phật”, tiếng Phạn nói đầy đủ là Phật Đà, cõi này dịch là Giác Giả).
“Cụ” là xưng hô đầy đủ, tức nói đầy đủ thì [Phật] là Phật Đà Da (Buddhaya). Chúng ta dịch Phạn văn của Ấn Độ sang tiếng Hán, “Phật Đà Da” gọi thành Phật là do tỉnh lược.....Người Hoa thích đơn giản, chẳng thích rườm rà, vì thế, dịch tiếng ngoại quốc [sang tiếng Hán] cũng rất đơn giản. Từ ngữ Phật Đà Da bỏ bớt âm cuối, giữ lại một chữ Phật!
(Sớ) Thử vân Giác Giả.

() 此云覺者。

(Sớ: Cõi này dịch là Giác Giả).
Phật Đà Da nghĩa là gì? “Giác” có nghĩa là trí huệ giác ngộ.
(Sớ) Bị tam giác cố.

() 備三覺故。

(Sớ: Do trọn đủ ba ý nghĩa giác).
Đầy đủ ba ý nghĩa Giác.
(Sớ) Hựu vân Trí Giả, vô bất tri cố.

() 又云智者,無不知故。

(Sớ: Còn dịch là Trí Giả, vì không gì chẳng biết).
Trong ý nghĩa của chữ “Phật”, có ý nghĩa Giác và ý nghĩa Trí, hai thứ ý nghĩa.
(Sớ) Hựu Phật giả, thập hiệu chi nhất.

() 又佛者,十號之一。

(Sớ: Lại nữa, Phật là một trong mười hiệu).
Phật có mười hiệu. Trong mười hiệu ấy có một hiệu là Phật, tức là Phật Đà.
(Sớ) Hựu Phật Địa minh thập nghĩa Phật, Thiên Thai minh Lục Tức Phật, Hoa Nghiêm minh thập thân Phật.

() 又佛地明十義佛,天台明六即佛,華嚴明十身佛。

(Sớ: Lại nữa, Phật Địa Luận nói tới mười ý nghĩa của chữ Phật, tông Thiên Thai nói tới Lục Tức Phật, kinh Hoa Nghiêm nói về mười thân Phật).
“Minh” là nói rõ. Trong Phật Địa Luận332 có nói về mười ý nghĩa của chữ Phật. Trong bản chú giải kinh Pháp Hoa, Thiên Thai Trí Giả có nói sáu loại Phật, gọi là Lục Tức Phật. Trong kinh Hoa Nghiêm có giảng mười loại Phật, gọi là “thập thân Phật”.
(Sớ) Cố Phật giả, thiên trung thiên, thánh trung thánh.

() 故佛者,天中天,聖中聖。

(Sớ: Vì thế, Phật là trời của các vị trời, là thánh của các bậc thánh).
Đây là tôn xưng Phật, tôn xưng Ngài “thiên trung thiên”, là bậc thánh của chư thánh.
(Sớ) Phàm đơn ngôn Phật giả, tức Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni dã.

() 凡單言佛者,即本師釋迦牟尼也

(Sớ: Nếu chỉ nói một chữ Phật thì chính là Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật).
Chỉ nói một chữ Phật, tức là nói tới vị thầy căn bản của chúng ta là Thích Ca Mâu Ni Phật, giống như trong tựa đề kinh này.
(Sao) Phạm giả, tịnh dã.

() 梵者,淨也。

(Sao: “Phạm” là tịnh).
Người Ấn Độ, cổ nhân Ấn Độ tự xưng họ là hậu duệ của Đại Phạm Thiên (Brahma), do vậy, ngôn ngữ của họ được gọi là Phạm ngữ, văn tự gọi là Phạm văn. Cách nói này cũng chẳng phải là không có đạo lý, truyền thuyết từ cổ nói tổ tiên họ từ trời giáng xuống, tức là Phạm Thiên giáng xuống. Theo Tiến Hóa Luận (Theory of Evolution), tổ tiên của nhân loại là vượn và khỉ, do vượn và khỉ tiến hóa [thành người]; trong Phật pháp chẳng nói “tiến hóa”. Đức Phật bảo chúng ta, tổ tiên của nhân loại do đâu mà có? Từ Quang Âm Thiên (Ābhāsvara)333 tới. Người từ Quang Âm Thiên tới địa cầu này, tới nơi này, khi ấy trên địa cầu có một loại thực vật gọi là “địa phì” vô cùng thơm ngon, họ rất thích ăn thứ này. Sau khi ăn nhiều, họ bị mất thần thông phi hành (đi lại bằng cách bay lượn), đi không được! Vì sao? Khởi lên tâm tham, tham ái nơi này, nên không trở về được. Sau khi không trở về được, ở lại nơi này, cho nên con người do đấy mà có. Do vậy, tổ tiên của con người là chư thiên cõi Quang Âm Thiên. Theo Phật pháp, Sơ Thiền là Phạm Thiên, Nhị Thiền là Quang Âm Thiên. Do vậy, truyền thuyết của Cổ Ấn Độ hết sức gần gũi [với kinh Phật]. “Phạm” có nghĩa là thanh tịnh.
(Sao) Đối Hoa danh Phạm, văn chất chi vị dã.

() 對華名梵,文質之謂也。

(Sao: So với tiếng Hán nên gọi là Phạm, ngụ ý văn chương lẫn nội dung đều hay đẹp).
“Phạm bổn”: Kinh Phật nguyên văn viết bằng Phạn văn (Sankrit). “Đối Hoa danh Phạm”, “Hoa” là tiếng Hán, “đối Hoa danh Phạm”, do so với tiếng Hán mà nói thì gọi là Phạm. Sách Diễn Nghĩa giảng: “Văn chất chi vị giả, Phạm bổn giai Tây Vực chi ngữ, chất nhi vô văn, dịch dĩ thử phương chi ngữ, tắc dụng lục kinh, Trang, Lão chi văn, văn thái ỷ lệ, hoán nhiên thành chương” (“Văn chất chi vị” [ý nói]: Bản tiếng Phạn đều dùng ngôn ngữ của Tây Vực, ý nghĩa phong phú nhưng lời văn thô mộc. Dịch sang tiếng xứ này, bèn dùng văn chương trong Lục Kinh334, Trang, Lão, văn từ đẹp đẽ, bóng bẩy, tươi đẹp, tạo thành văn chương rạng ngời). Phạn văn ý nghĩa phong phú, nhưng thiếu bóng bẩy, chẳng dùng phương cách tu từ, câu văn chẳng được tô điểm cho đẹp đẽ. Tiếng Hán khác hẳn, một tác phẩm văn chương tiếng Hán sau khi viết xong, phải được gọt giũa, phải tô điểm câu văn cho đẹp đẽ. Sự tô điểm ấy gọi là Văn. “Chất” () là có nội dung, Văn () là được tô điểm, trau chuốt, lúc ấy, mới là văn chương hay đẹp bậc nhất. Kinh Phật dịch sang tiếng Hán, đích xác là văn chương lẫn nội dung đều vượt trỗi!

Sau khi đức Phật diệt độ một ngàn năm, Phật pháp truyền tới Trung Quốc. Theo sử sách Trung Quốc ghi chép, thời điểm xác thực [Phật pháp được truyền vào Trung Quốc] là lúc hai vị pháp sư Ma Đằng (Kāśyapa Mātanga) và Trúc Pháp Lan (Dharmaraksa) được Hán Minh Đế phái đặc sứ thỉnh các Ngài từ Tây Vực tới Trung Quốc vào năm Vĩnh Bình thứ mười đời Hán Minh Đế tức là năm 67 Công Nguyên, hiện thời là năm 1987, hơn một ngàn chín trăm năm, Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc rất sớm! Sau này, vào giữa đời Đường, kinh Phật từ Tây Vực truyền sang Trung Quốc với số lượng lớn. Pháp sư Trung Quốc sang bên ấy thỉnh kinh, mà cũng có kinh do pháp sư Ấn Độ đem tới. Có thể nói là kinh điển hết sức phong phú. Những kinh luận đem tới, chẳng phải là được phiên dịch toàn bộ, mà chỉ chọn lọc những thứ trọng yếu để ưu tiên dịch trước, dịch sang tiếng Hán.

Nhưng chư vị có nghĩ nguyên bản Phạn văn đã đi về đâu hay không? Không còn nữa, tại Trung Quốc đại lục tìm không được nguyên văn một bộ kinh điển nào bằng tiếng Phạn. Thuở ấy, kinh lá Bối (bối diệp kinh) được lưu thông với số lượng lớn, cớ sao ngày nay chẳng còn một bộ nào! Đặt câu hỏi như vậy. Tôi từng đem vấn đề này thỉnh giáo tiên sinh Phương Đông Mỹ, sau khi Phương tiên sinh nghe xong, cũng cảm thấy đây là một câu hỏi đích xác, cụ suy nghĩ, nghĩ ra câu trả lời. Đối với câu trả lời do cụ nghĩ ra ấy, tôi cũng rất đồng ý với cách nói của cụ. Cụ nói: “Người Trung Quốc quá tự phụ, lòng tin quá mạnh, cho rằng những kinh điển người Hán đã phiên dịch, không chỉ là ý nghĩa hoàn toàn chẳng sai lầm, mà văn tự còn được gọt giũa bóng bẩy hơn bản tiếng Phạn. Đọc kinh điển bằng tiếng Hán, kinh điển tiếng Phạn có thể chẳng cần đến nữa!” Đó là câu trả lời của Phương tiên sinh, tôi nghe cũng cảm thấy rất hài lòng, đủ thấy người Hoa có lòng tự tin mạnh mẽ.... Người hiện thời đọc kinh điển bằng tiếng Hán bèn hoài nghi, không tin, muốn tìm kinh điển bằng tiếng Phạn, tiếng Anh, hay tiếng Tây Tạng. Đấy đúng là chuyện đau buồn! [Kinh điển bằng] tiếng Nhật được dịch từ tiếng Hán ra, [kinh điển bằng] tiếng Tây Tạng cố nhiên một phần được dịch trực tiếp từ tiếng Phạn, nhưng vẫn có một phần được dịch từ tiếng Hán!

Phật giáo Tây Tạng trễ hơn Phật giáo Trung Quốc vài trăm năm. Phật giáo Tây Tạng do Văn Thành Công Chúa335 đời Đường [sau khi] được gả về Tây Tạng đã đề xướng. Khi ấy, vua Tây Tạng mới [phái người] sang Ấn Độ, sang Trung Quốc thỉnh kinh. Từ thời Hậu Hán tới đời Đường, tối thiểu phải trễ hơn sáu, bảy trăm năm, xét về mặt tu học thành tựu, nói thật ra, Tây Tạng kém hơn Trung Quốc. Chẳng nói gì khác, coi như chúng ta thừa nhận những đại lạt-ma như Đạt Lại, Ban Thiền là A La Hán chuyển thế thì họ mới là A La Hán mà thôi, trong khi tổ sư các tông, các phái của Trung Quốc đều là đại Bồ Tát minh tâm kiến tánh, cao trỗi hơn A La Hán rất nhiều, làm sao A La Hán có thể sánh bằng? Do vậy, [không tin tưởng kinh điển bằng tiếng Hán, chạy theo kinh điển bằng tiếng Tây Tạng] không chỉ là đánh mất lòng tự tin, mà ngay cả tín tâm học Phật cũng bị mất, làm sao có thể thành tựu cho được? Ở ngoại quốc, Mật Tông rất thịnh hành, nhưng thật ra, Phật học Trung Quốc chắc chắn không thể kém Tây Tạng. Nói thật ra, nếu thật sự muốn học Phật phải học những thứ của Trung Quốc, có thể nói là kinh điển Phật học bằng tiếng Hán là độc nhất vô nhị.

Tôi còn nhắc nhở người Mỹ, tôi tiếp xúc người Mỹ học Phật cũng nhiều, họ cũng giống như ong vỡ tổ học Thiền, học Mật; vì thế, tôi cảnh tỉnh họ, tôi nói thẳng với họ: “Phật giáo chưa truyền đến Mỹ!” Họ nghe nói, cảm thấy kỳ quái, hiện thời Phật giáo tại Mỹ rất thịnh hành. Người Nhật truyền giáo bên đó, người Nhật có thế lực rất lớn. Chín mươi phần trăm giáo hội, chùa miếu tại Mỹ là của người Nhật Bản, Tây Tạng chiếm sáu bảy phần trăm, Trung Quốc chỉ chiếm hai ba phần trăm. Người Nhật có thế lực lớn nhất, bao trùm Phật giáo nước Mỹ. Tôi bảo người Mỹ: “Phật giáo chưa truyền tới Mỹ”. Họ nghe nói vậy, rất lạ lùng, tôi bèn giải thích: “Quý vị hãy quan sát cẩn thận một phen, người Hoa thờ tượng Phật hay tượng Bồ Tát, vừa nhìn bèn thấy là người Hoa, Phật giáo đã truyền đến Trung Quốc rồi. Người Nhật thờ tượng Phật, tượng Bồ Tát, vừa nhìn đã thấy là người Nhật Bản, lại còn đi giầy kiểu Nhật. Tượng Phật của Thái Lan cằm nhọn, vừa nhìn đã thấy là người Thái”. Tôi nói: “Quý vị có khi nào thấy một tượng Phật, tượng Bồ Tát ở Mỹ giống một người Mỹ hay chăng?” Tôi nhắc nhở họ: Phật giáo trao cho chúng ta tinh thần đội trời đạp đất, độc lập, chẳng phải là để người khác xỏ mũi lôi đi, đây là chỗ chúng tôi bội phục năm vóc sát đất đối với Phật pháp.

Người Nhật truyền bá Phật giáo mang tánh chất xâm lược; hiện thời họ chẳng dùng võ lực, chẳng dùng quân đội xâm lược, mà dùng hai phương pháp tôn giáo và kinh tế để xâm lược, diệt vong cả quốc gia của quý vị mà quý vị vẫn chẳng biết. Dùng Phật pháp để khống chế tư tưởng của quý vị, nghe theo lời họ, thuận theo sự sắp đặt của họ, nguy lắm! Vì thế, tôi cảnh tỉnh người Mỹ, đừng để họ dùng phương pháp ấy xâm lược. Hiện thời, người Mỹ dần dần bị mất lòng tự tin, nghĩ người Nhật Bản tốt đẹp, thứ gì của Nhật Bản cũng là bậc nhất, chúng ta phải cảnh giác điều này. Do vậy, phải nhận ra văn hóa, ưu điểm của chính mình, mà cũng phải biết khuyết điểm của chính mình. Khuyết điểm lớn nhất của chúng ta trong hiện thời là thiếu lòng tự tin, chẳng đoàn kết. Có thể sửa đổi hai khuyết điểm này, chúng ta sẽ là bậc nhất trên thế giới, là người lãnh đạo thế giới.


(Sao) Cụ giả, cụ túc, Phạn ngữ đương vân Phật Đà, bất ngôn Đà giả, tỉnh văn dã.

() 具者,具足,梵語當云佛陀,不言陀者,省文也。

(Sao: “Cụ” là đầy đủ. Nói theo tiếng Phạn sẽ là Phật Đà, [trong tiếng Hán] chẳng nói chữ Đà là vì tỉnh lược).
“Tỉnh văn” là tỉnh lược. Người Trung Quốc chuộng đơn giản, thích tỉnh lược. Do vậy, họ tỉnh lược âm cuối của chữ Phật Đà Da, chỉ nói là Phật.
(Sao) Dịch dĩ Chấn Đán nhi ngôn, tắc vân Giác Giả.

() 譯以震旦之言,則云覺者。

(Sao: Dịch sang tiếng Trung Hoa sẽ là “bậc giác ngộ”).
Vào thời cổ, người ngoại quốc gọi Trung Hoa là “Chấn Đán” vì Trung Hoa ở phương Đông, nơi mặt trời mọc. Ngoài ra, còn có một danh xưng là Chi Na. Chi Na (Cina-sthana) là tiếng Phạn, có nghĩa là chuẩn mực văn hóa cao, sản vật phong phú. Nói theo cách hiện thời, đó là một quốc gia hay một khu vực văn minh, kinh tế phát triển cao nhất. Giống như trong kinh Phật nói đến danh xưng Xá Vệ Quốc (Srāvastī), đó là tôn xưng xứ ấy là một nơi có văn hóa và kinh tế phồn hoa, hưng thịnh nhất tại Cổ Ấn Độ.

Phật dịch sang tiếng Hán “tắc vân Giác Giả” (nên gọi là Giác Giả). Giác là:


(Sao ) Đối mê giả đắc danh dã.

() 對迷者得名也。

(Sao: Do đối với người mê mà gọi là Giác).
“Mê” là tương phản của giác ngộ. Vì thế, mê và giác là một cặp, Phật là giác, bất giác là mê, phàm phu mê, Phật giác ngộ. Giác có ba ý nghĩa:
(Sao) Tam giác giả, tự giác dị phàm phu.

() 三覺者,自覺異凡夫。

(Sao: “Ba thứ giác”: Tự giác khác với phàm phu).
Đức Phật tự giác, phàm nhân tự mình mê hoặc. Quả thật, chúng ta chẳng biết chính mình do đâu mà có, cũng chẳng biết chính mình tương lai sẽ đi về đâu, thậm chí không biết hiện tại phải nên làm những gì. Sống hồ đồ cả đời này, đó là bất giác, đúng là “túy sanh, mộng tử” (sống say, chết mộng). Phàm phu là như vậy, trong thế gian này, tranh danh, đoạt lợi, đến rốt cuộc rỗng tuếch, quý vị có thể đoạt được thứ gì hay chăng? Chẳng có gì cả! Cổ nhân nói con người nên làm được ba điều bất hủ: Lập công, lập đức, lập ngôn, đó gọi là “di phương hậu thế” (để lại tiếng thơm cho đời sau), quan niệm này vẫn là mê, bất giác. Vì sao? Địa cầu có thành, trụ, hoại, không, quý vị chẳng giữ được. Theo các nhà địa chất khảo sát, trước đây địa cầu đã trải qua bốn lần hồng thủy (lụt lội lớn), cả mặt đất đều bị chìm đắm, tất cả văn hóa đều bị hủy diệt toàn bộ, mỗi lần hồng thủy gần như văn hóa đều phải bắt đầu lại. Quý vị để tiếng thơm cho đời sau, đấy là mộng tưởng, là chuyện chẳng thể làm được! Có thể thấy lời Phật dạy chính xác, chẳng sai lầm. Mê hoặc, điên đảo! Phải giác ngộ điều này!

Phật chẳng mê, chẳng có phiền não, chẳng mê, chẳng luân hồi; phiền não là nhân, luân hồi là quả. Lục đạo luân hồi do đâu mà có? Trong tâm quý vị xuất hiện phiền não, còn trong tâm Phật chẳng có phiền não, nên chẳng có lục đạo luân hồi. Trong kinh, đức Phật nói thánh giả Tiểu Thừa Tứ Quả La Hán vượt thoát luân hồi, vượt thoát bằng cách nào? Đoạn Kiến Tư phiền não bèn vượt thoát tam giới, vượt thoát luân hồi. Phật chẳng có Kiến Tư phiền não, không chỉ chẳng có Kiến Tư phiền não, mà Trần Sa phiền não cũng chẳng có, Vô Minh phiền não cũng chẳng có. Đối với ba loại phiền não này, A La Hán bất quá đoạn được Kiến Tư phiền não, chứ Trần Sa phiền não và Vô Minh phiền não hãy còn; vì thế, chẳng còn luân hồi trong lục đạo của tam giới.

Chư vị đồng tu phải nhớ kỹ, nếu chúng ta chẳng đoạn Kiến Tư phiền não, bất luận quý vị học pháp môn nào cũng chẳng thể thành tựu, vì sao? Quý vị chưa có năng lực thoát tam giới. Giống như pháp sư Đàm Hư đã nói, Ngài là tổ sư tông Thiên Thai, tông Thiên Thai dùng phương pháp Chỉ Quán để tu Thiền Định, tu Chỉ Quán, tu tới mức tốt nhất cũng chẳng qua là sanh lên trời mà thôi, chẳng thoát khỏi tam giới. Kể ra công phu Thiền Định rất sâu, ngồi xếp bằng nhìn vách có thể ngồi trên một tháng, một trăm ngày không đứng dậy, phi phàm lắm! [Nhưng] quả báo của người ấy cũng bất quá là Sơ Thiền hay Nhị Thiền mà thôi, hoặc trên trời Tứ Thiền, công phu như thế đấy, chẳng thoát khỏi tam giới.

Do vậy, chư vị đồng tu, nếu muốn thoát sanh tử luân hồi trong đời này, mong thật sự lìa khổ được vui, sạch sẽ, gọn gàng, quý vị phải nghiêm túc nghiên cứu kinh A Di Đà, kinh Vô Lượng Thọ. Trừ pháp môn này ra, bất luận pháp môn nào quý vị cũng đừng mong thành tựu trong một đời này! Tôi chẳng nói bừa đâu, chính quý vị hãy suy nghĩ một chút, quý vị có thể đoạn phiền não hay chăng? Chẳng phải là nói pháp môn chẳng hay, pháp môn nào cũng đều hay, nhưng nếu quý vị tu theo cách ấy mà thật sự có thể đoạn phiền não thì sẽ thành công. Quý vị dùng phương pháp ấy để tu, nhưng tu mà chẳng thể đoạn phiền não, nói cách khác, quý vị chẳng thành công, uống thuốc ấy vô hiệu!

Pháp môn này chẳng đoạn phiền não mà vẫn có thể vãng sanh, mầu nhiệm ở chỗ này. Trừ pháp môn này ra, trong “tám vạn bốn ngàn pháp môn” như thường nói, bất luận pháp môn nào cũng đều phải đoạn Kiến Tư phiền não thì mới có thể vượt thoát lục đạo luân hồi, chỉ riêng pháp môn này chẳng cần. Quý vị thật sự tin tưởng, thật sự phát nguyện, thật sự chịu niệm Phật, nhất định thành công trong một đời này. Quý vị phải buông hết thảy xuống, không chỉ buông duyên thế gian xuống, mà tất cả hết thảy Phật pháp đều phải buông xuống. Ta chẳng cần phải nghiên cứu hết thảy các kinh giáo, chỉ cần nghiên cứu hai bộ kinh này là đủ rồi, bảo đảm quý vị vãng sanh trong một đời này. Nếu quý vị tu Thiền, tu Mật, tu Giáo, sẽ chẳng đáng trông cậy, vì sao? Tư tưởng của quý vị hỗn loạn, công phu bị xen tạp, chẳng thuần; vì thế, rất khó đạt được hiệu quả. Pháp môn này chẳng có bí quyết gì khác, giống như trong Đại Kinh đã dạy: “Phát Bồ Đề tâm, một mực chuyên niệm”, còn trong bộ kinh này thì dạy: “Nhất tâm bất loạn, tâm bất điên đảo”. Chỉ cần quý vị thật sự làm theo như thế, chắc chắn thành công; vì thế nói là “vô cùng trọng yếu”.

Tôi thưa cùng các vị đồng tu, tôi nhất định nắm chắc vãng sanh, sở dĩ ngày nay tôi khẳng định như thế để khuyên quý vị vì tôi quyết định nắm chắc. Trên thế giới này, suốt ngày từ sáng đến tối, tôi hoan hỷ, cười hề hà, vì sao? Tôi đến lữ hành, tôi tới vui chơi, chẳng lo nghĩ, chẳng vướng mắc, lẽ nào chẳng tự tại! Phải nghiêm túc nỗ lực. Trước khi tôi có được pháp môn này, tôi giống hệt như quý vị: Suốt ngày từ sáng đến tối suy nghĩ lung tung, phiền não trùng trùng; sau khi hiểu được pháp môn này, [những điều ấy] chẳng còn nữa, vọng tưởng, tạp niệm chẳng còn, hết thảy phiền não cũng chẳng còn, phiền não cũng chẳng tìm được, chẳng nghĩ đến phiền não nào, đều chẳng nghĩ tới. Tôi thật sự đạt được lợi ích và chỗ hay khéo của pháp môn này.

Nay tôi đem lợi ích thù thắng này cống hiến quý vị. Do vậy, nếu mọi người phát tâm in kinh, tốt nhất là in hai bộ kinh này, tức Di Đà Kinh Sớ Sao và Yếu Giải, hoặc Chú Giải kinh Vô Lượng Thọ, công đức vô lượng vô biên, vì sao? Người khác có được những tác phẩm ấy, thật sự có thể đắc độ. Họ có những kinh sách khác, tuy hay, nhưng chẳng cứu được cái mạng trong hiện tại. Mấy bộ sách ấy thật sự cứu mạng, thật sự có thể giải quyết vấn đề; do vậy, hết thảy các công đức chẳng thể sánh bằng công đức này! Đây là nói về tự giác; Phật giác, phàm phu bất giác, “tự giác dị phàm phu”, “dị” () là chẳng giống phàm phu.
(Sao) Giác tha dị Nhị Thừa.

() 覺他異二乘。

(Sao: Giác tha là khác với Nhị Thừa).
“Nhị Thừa” là nói tới Thanh Văn và Duyên Giác, chúng ta thường gọi họ là A La Hán và Bích Chi Phật, trong Phật pháp gọi những vị này là Tiểu Thừa. Tiểu Thừa đã đoạn Kiến Tư phiền não, có thể vượt thoát lục đạo sanh tử luân hồi; nhưng họ chỉ là tự giác, chẳng giác tha, tục ngữ gọi họ là “tự liễu hán” (kẻ chỉ lo giải thoát cho riêng mình). Chính mình đã giác ngộ, nhưng không chịu giúp đỡ người khác, không chịu giáo hóa chúng sanh, đó là kẻ Tiểu Thừa. Do vậy, sự tự giác của Tiểu Thừa chưa viên mãn; trong ba loại phiền não, họ chỉ đoạn được một loại là Kiến Tư phiền não, hai loại khác vẫn chưa đoạn được! Vì sao chưa đoạn được? Hai loại phiền não kia phải giáo hóa chúng sanh thì mới đoạn được. Người Tiểu Thừa tham cầu thân tâm tự tại, chẳng muốn tiếp xúc xã hội, vì người trong xã hội quá phiền phức. Vì thế, họ chẳng đoạn được Trần Sa Hoặc và Vô Minh Hoặc. Phật khác hẳn, Phật giáo hóa chúng sanh trọn khắp, đại từ, đại bi, chẳng giống Thanh Văn và Duyên Giác.
(Sao ) Giác mãn dị Bồ Tát.

() 覺滿異菩薩。

(Sao: Giác mãn khác với Bồ Tát).
“Mãn” (滿) là viên mãn, Bồ Tát thật sự là tự giác, chính mình tự giác, mà cũng giáo hóa chúng sanh, cũng giúp đỡ người khác giác ngộ, nhưng chưa viên mãn. Chỉ có Phật viên mãn, đại giác viên mãn; do vậy, Ngài chẳng giống Bồ Tát.

Xưng hô trong Phật môn, ở đây tôi nói đại lược, đây là một thứ kiến thức thông thường, quý vị phải ghi nhớ. Hiện thời, chúng ta thấy nhiều vị xuất gia thường được tôn xưng là “đại sư X....”, xưng hô như vậy không được! Sau khi các vị đồng tu hiểu chuyện này, sau này gặp người xuất gia, đừng nên gọi vị ấy là đại sư, gọi “đại sư” là chửi vị ấy, vì sao? Chữ “đại sư” dùng để gọi Phật! Bồ Tát còn chưa có tư cách xưng là đại sư, Bồ Tát xưng là Đại Sĩ, [chẳng hạn như] Quán Âm Đại Sĩ. Quý vị có thấy chỗ nào gọi Ngài là Quán Âm Đại Sư hay chăng? Chẳng có, mà là Quán Âm Đại Sĩ; bởi lẽ, Bồ Tát được gọi là Đại Sĩ, hoặc Khai Sĩ.



“Đại sư” là tiếng để tôn xưng Phật. Mọi người bình thường chớ nên xưng, vì sao? Phải là người đã giác mãn mới có thể xưng, tuy người ấy đã giác, nhưng chưa giác mãn, sẽ chẳng thể xưng là đại sư. Do vậy, gọi vị ấy là đại sư là quá lố! Giống như chúng ta gặp một ai, muốn tỏ lòng tôn kính người ấy, danh xưng tôn kính cao nhất trong thế gian là Tổng Thống, tôi gặp quý vị [bèn gọi quý vị là] “Tổng Thống tiên sinh”, chẳng phải là chửi quý vị hay sao? Quý vị chẳng phải là Tổng Thống, mà gọi quý vị là Tổng Thống tiên sinh! Quý vị làm giáo viên trong nhà trường, cao nhất trong nhà trường là hiệu trưởng, trông thấy quý vị bèn gọi quý vị là “hiệu trưởng tiên sinh”, đấy chẳng phải là chửi người ta hay sao? Do vậy, [xưng hô như vậy] tuyệt đối là sai lầm, con người hiện thời có nhiều chỗ vượt phận, làm chuyện quá lố!
(Sao) Tam giác câu viên, cố viết tự tha giác mãn chi giả.

() 三覺俱圓,故曰自他覺滿之者。

(Sao: Ba thứ giác đều trọn vẹn, cho nên nói là bậc tự giác, giác tha viên mãn).
Phải đạt tới địa vị ấy, chúng ta mới tôn xưng vị ấy là Phật, gọi Ngài là đại sư.

Chữ “Phật” có rất nhiều ý nghĩa, thuở ấy, trong tiếng Hán chẳng thể tìm được từ ngữ để dịch danh từ này, không thể làm gì khác hơn là dịch âm rồi chú giải. Dưới đây là ba ý nghĩa giác khác nữa, cũng là nói tới tự giác, giác tha, giác mãn.


(Sao) Hựu ly tâm danh tự giác, ly sắc danh giác tha, câu ly danh giác mãn, diệc tam giác nghĩa.

() 又離心名自覺,離色名覺他,俱離名覺滿,亦三覺義。

(Sao: Lại nữa, lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, cùng lìa [danh lẫn sắc] gọi là giác mãn. Đó cũng là ý nghĩa của ba thứ giác).
Trong phần trước, tam giác là nói theo mặt nhân sự (quan hệ giữa con người với nhau). A La Hán, Bích Chi Phật, Bồ Tát, quả thật có những hạng người ấy, có chuyện ấy, [cách giải thích ý nghĩa ba thứ giác trong đoạn trước được] nói theo phương diện ấy. Còn ba ý thứ giác ở đây hoàn toàn nói theo công phu tu chứng của chính mình, chẳng dính gì đến người ngoài. Ở đây, nói tới Sắc và Tâm là nói theo Duy Thức Học. Duy Thức Học cũng là Tâm Lý Học Phật giáo, nói tới Tâm Lý Học. Tâm ở đây là thức tâm, chúng ta thường nói là “bát thức”. Bát thức hoàn toàn nói về tâm lý: A Lại Da Thức là nói đến bản thể của cái tâm, bảy thức trước là nói tới tác dụng của cái tâm ấy, tức là tác dụng tâm lý. Do vậy, trong các tác dụng, tác dụng thứ nhất là Mạt Na. Mạt Na là Chuyển Thức, [hàm nghĩa] từ Thể chuyển biến thành tác dụng như thế nào, nên nó được gọi là Chuyển Thức. Thứ sáu là Ý Thức, nay chúng ta luôn sử dụng Ý Thức, Ý Thức phân biệt các thứ, chấp trước đủ thứ. Hết thảy những thứ này toàn là tâm ý thức.

Nơi mắt, tai, mũi, lưỡi, thân là Ngũ Thức, chúng ta có năm thứ cảm quan (giác quan), mắt có thể thấy, tai có thể nghe v.v... Vì thế, kinh Lăng Nghiêm dạy: “Nguyên y nhất tinh minh, phân thành lục hòa hợp” (vốn là một cái trong trẻo, sáng suốt, chia thành sáu thứ hòa hợp). Thể của chúng là một, nhưng do nơi công cụ khác nhau mà khởi tác dụng khác nhau. Do hiện thời khoa học kỹ thuật phát triển, chúng ta lý giải chuyện này chẳng khó. Thí dụ như điện, Thể của điện là một, nhưng nơi đèn thì tỏa sáng, nơi microphone bèn khuếch đại âm thanh, nhưng điện chỉ là một! Nơi máy móc khác nhau, bèn khởi tác dụng chẳng giống nhau. A Lại Da như dòng điện, mắt, tai, mũi, lưỡi, thân giống như máy móc chạy bằng điện, nơi mỗi loại máy, nó khởi tác dụng khác nhau, nhưng dòng điện ấy chắc chắn giống nhau. Vì thế, tâm là một, nơi mắt có thể thấy, nơi tai có thể nghe, nơi mũi ngửi hương, nơi lưỡi nếm vị, đó là do máy móc khác nhau, nên khởi tác dụng khác nhau. Những thứ này thảy đều gọi là vọng tâm, hư vọng, chẳng phải là chân tâm.

Tác dụng của chân tâm tuyệt diệu thay! Tác dụng của chân tâm chẳng bị “máy móc” ràng buộc. Nếu là chân tâm [thì dùng bất cứ giác quan nào] cũng có thể thấy, nghe, mà cũng có thể nếm mùi vị. Do vậy, kinh Lăng Nghiêm nói: “Lục căn hỗ dụng” (sáu căn dùng lẫn cho nhau). Bất luận đối với một vật thể nào, nó đều có thể phát huy toàn bộ công năng, toàn bộ tác dụng, đó là chân thật. Vì thế, chúng ta thường nói người dùng chân tâm “có thần thông”, vì sao có thần thông? Thí dụ như người ấy nhìn vào chỗ này, có thể thấy phía sau hay chăng? Có thể thấy đằng sau, trông thấy được! Thân thì sao? [Chỗ nào trên] thân cũng đều khởi tác dụng, chẳng bị chướng ngại! Đỉnh đầu cũng thấy được phía trên, lòng bàn chân cũng thấy được phía dưới, bốn phương tám hướng đều thấy. Vì thế, chân tâm hiện tiền, bản năng (năng lực sẵn có) của quý vị bèn khôi phục.

Hiện thời, trên thế giới này, có không ít kẻ có thần thông, thật đấy, chẳng giả, nhưng ngàn vạn phần quý vị đừng nên quấy rầy họ, chớ nên thân cận họ, chẳng có lợi ích gì! Vì thần thông của họ đều do quỷ thần dựa thân hiện ra, chẳng phải là năng lực do người ấy vốn có. Yêu ma quỷ quái tới thế gian này là vì họ có duyên với kẻ ấy, nhờ thân thể kẻ ấy để hiển lộ thần thông, đôi bên đều có lợi. Ma quỷ có lợi, mà chính người ấy cũng cảm thấy nay ta có thần thông, cũng nhóm họp chẳng ít đồ chúng khuấy động sóng gió, kiếm chác tiếng tăm, lợi dưỡng. Hiện tại, người mê tín chuyện này đặc biệt đông, nói sự thật họ chẳng tin, nói lời giả dối họ tin ngay!

Khi tôi giảng pháp môn Tịnh Độ tại Los Angeles, người nghe đại khái chỉ có bốn mươi mấy người, trong số ấy, có một vị cư sĩ bảo tôi: “Thưa pháp sư! Nếu ngài giảng Tài Thần Kinh336, sợ rằng người nghe hơn một vạn”. Ông ta bảo tôi: “Lô Thắng Ngạn337 giảng Tài Thần Kinh ở đó, bán vé tham dự mỗi vé hai mươi Mỹ kim, mà chẳng còn chỗ nào trống”. Quý vị xem thử là bao nhiêu người? Lô Thắng Ngạn thật sự phát tài. Chúng tôi nói lời thật với mọi người, lời thật chẳng ai nghe! Kẻ nói giả dối nhằm lừa người, con người hiện thời chịu bị lừa gạt, nên hễ bị gạt bèn kéo tới. Trước mắt thì tốt đẹp lắm, tiền bạc cuồn cuộn đưa tới không ngừng, nhưng quả báo về sau cũng kinh khủng lắm, đấy là “cái được chẳng bù nổi cái mất”, như cổ nhân đã nói: “Đao khẩu thỉ mật” (liếm mật trên lưỡi dao). Mật trên mũi dao rất ngọt, nếm vào được hưởng vị mật ngọt, nhưng lưỡi cũng đứt luôn! Quả báo về sau đáng sợ lắm, chúng ta nhất định chớ nên làm chuyện ấy!

Do vậy, phải tự giác, tự giác lìa tâm, tức là lìa tâm ý thức, đó gọi là tự giác, đấy là công phu chân chánh. Lìa tâm ý thức thì lìa bằng cách nào? Nói đơn giản, thức là phân biệt, ý là chấp trước, tâm là giữ lại ấn tượng. Nếu trong cuộc sống, chúng ta xử sự, đãi người, tiếp vật, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, không giữ lại ấn tượng, đó là “lìa tâm ý thức”, là tự giác. Chư vị hãy suy nghĩ, có thể làm được hay chăng? Chẳng dễ dàng! Đó là tự giác.

Ý nghĩa tự giác này còn sâu hơn phần trước, đây là công phu thật sự, phải lìa tâm ý thức. Trong các buổi giảng, tôi thường dùng bốn câu để giảng: “Chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, chẳng khởi tâm, chẳng động niệm”. Phải thật sự thực hiện! Thật sự làm như vậy, có người hỏi tôi: Như vậy chẳng phải là biến thành ngây ngốc hay sao? Nếu ngây ngốc là Phật thì rất dễ, trong bệnh viện chích một mũi thuốc bèn ngây ngốc, thành Phật rồi, cần gì phải khổ sở tu như thế? Chẳng cần nữa! Không phải vậy! “Chẳng phân biệt” như tôi vừa mới nói với quý vị chính là “phân biệt” và “chẳng phân biệt” là một, không hai; đó gọi là “chẳng phân biệt”. “Chấp trước” và “chẳng chấp trước” là một, không hai; đó gọi là “chẳng chấp trước”. “Chẳng động niệm” thì “động niệm” và “chẳng động niệm” cũng là một, chẳng hai. “Khởi tâm” và “chẳng khởi tâm” cũng là một, không hai!

Điều này nghe qua rất huyền diệu, nhưng tôi nói lời thật với quý vị. Thí dụ như chúng ta đãi người, tiếp vật, trên tay cầm một quyển sách, người ta hỏi quý vị: “Pháp sư! Thấy cầm gì trên tay?” Tôi chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, tôi chẳng nói một câu nào, nhưng người ta hỏi, tôi chẳng ngơ ngác! Họ hỏi tôi đó là gì, tôi đáp: “Sách!” “Sách gì?” “Kinh Di Đà”. Quý vị thấy tôi lại phân biệt, lại chấp trước, lại khởi tâm, lại động niệm, nhưng phân biệt, chấp trước, khởi tâm, động niệm là vì kẻ đó. Kẻ ấy nói đây là sách, cho nên tôi nói với hắn đây là sách. Kẻ ấy nói đây là kinh Di Đà, nên tôi cũng nói kinh Di Đà. Trong tâm của chính tôi có chấp trước đây là sách, đây là kinh Di Đà hay không? Không có! Do vậy, đối với chính mình mà nói thì quả thật chẳng khởi tâm động niệm, chẳng có phân biệt, chấp trước, nhưng đối với người khác lại khởi tâm, lại động niệm, lại phân biệt, lại chấp trước, cho nên là một, không hai! Nếu quý vị học được như vậy thì gọi là Phật.

Đối với chính mình, “Phật pháp trên thế gian”, đối với người khác, “bất hoại thế gian tướng” (chẳng phá hỏng tướng thế gian). Đối với hết thảy các hiện tượng và hết thảy trật tự trên thế gian đều tùy thuận, quyết định chẳng phá hoại chúng, tâm chính mình thanh sạch, chẳng nhiễm mảy trần, quý vị đắc đại tự tại. Trên thế gian này, không có một ai mà ta chẳng thể hòa thuận, không có chuyện gì chẳng đáng yêu, quý vị đắc đại tự tại. Nhưng người thế gian chẳng giống như Phật, họ bên ngoài phân biệt, bên trong cũng thật sự phân biệt, bên ngoài chấp trước, bên trong cũng chấp trước, chuyện này phiền phức lắm! Phật, Bồ Tát cao minh ở chỗ: Bên ngoài bèn ứng theo quý vị, thuận theo sự phân biệt của quý vị mà phân biệt, thuận theo sự chấp trước của quý vị mà chấp trước; đối với chính Ngài thì căn bản là chẳng có phân biệt, chấp trước, bản lãnh ở chỗ này, điều đó gọi là tự giác, chúng ta phải học điều này. Tu hành là tu gì? Tu điều này. Mỗi ngày gõ mõ, niệm kinh, lạy Phật, dập đầu, người ta nói những điều đó đều là làm ra vẻ, làm bộ, làm tịch, dẫu làm giống đến mấy, nhưng trong tâm thiếu công phu, vô dụng!

Lần này tôi qua Gia Nã Đại, gặp một vị đồng tu, cho tôi biết: Trong quá khứ, ông ta theo một vị lão sư phụ học Phật. Ông ta nói vị sư phụ ấy tu hành hết sức tốt đẹp, công khóa mỗi ngày đều chẳng thiếu, luôn hết sức nghiêm túc tu học, ông ta bội phục năm vóc sát đất. Ông ta nói gần đây vị thầy đó bị ma dựa, đang ở trong nhà thương điên. Ông ta đến hỏi tôi nguyên nhân vì sao? Hỏi tôi có nên thân cận vị ấy hay chăng? Tôi bảo ông ta: “Tu hành trên hình thức, dù tu tốt đẹp vẫn là làm bộ, làm tịch. Tu hành chân chánh là dụng công nơi nội tâm để chuyển cảnh giới, chứ không do hình thức”.

Chúng ta đọc truyện ký của cổ nhân, thấy Hàn Sơn, Thập Đắc ở trong chùa miếu điên điên khùng khùng, họ là hai người làm việc vặt vãnh, chuyên nhóm lửa trong nhà bếp, về sau mới biết họ là Văn Thù, Phổ Hiền hai vị đại Bồ Tát. Họ ở chùa Quốc Thanh núi Thiên Thai, sư Phong Càn giã gạo trong phòng xay xát là A Di Đà Phật. Các Ngài đều làm việc cực nhọc, hầu hạ mọi người. Do vậy, các Ngài thấy [chư Tăng] mỗi nửa tháng tụng giới trong Giới Đường, trang nghiêm tụng giới, nghiêm túc lắm! Hàn Sơn, Thập Đắc ở ngoài cửa trêu ghẹo, cợt nhả, vì sao? Tụng giới luật rất nghiêm túc, nhưng không làm được! Vì thế, phải biết: Công phu chân chánh ở nơi tâm địa. “Nhân địa bất chân, quả chiêu vu khúc” (cái nhân chẳng thật, chuốc quả ngoắt ngoéo). Sư phụ ông ta gặp ma chướng, bị ma dựa là có nguyên nhân.

Ông ta hỏi: “Tôi có nên thân cận người ấy hay chăng?” Tôi bảo ông ta: “Nếu ông đã theo ông ta nhiều năm như vậy, phải có nghĩa vụ chăm nom ông ta. Ông ta đang bệnh khổ, nếu cần được giúp đỡ thì có tiền nên giúp đỡ ông ta, chăm sóc ông ấy”. Ông ta thưa: “Sư phụ tôi tiền nhiều lắm!’ Tôi nói: “Vậy thì ông chẳng cần phải đến, lắm tiền quá sẽ bị ma dựa. Trong kinh A Nan Vấn Sự Phật Cát Hung, đức Phật đã dạy: ‘Tích tài táng đạo’ (tích tụ tài sản, đạo tiêu vong), tâm ông ta không ở nơi đạo, mà hằng ngày lòng đặt nơi tiền tài”. Nhất là tại Hương Cảng, sư phụ ông ta ở Hương Cảng, tiền nhiều quá, bỏ trong ngân hàng lại sợ ít lời, mua cổ phiếu lại sợ cổ phiếu sụt giá, chuyện này phiền phức lớn lắm, ông ta đâu có lòng nào tu đạo? Vì thế, dù mỗi ngày tụng niệm công khóa chăm chỉ, tâm ông ta không đặt nơi đạo, sẽ bị ma dựa! Chúng ta phải hiểu chỗ này, lìa tâm và sắc rất ư trọng yếu!

Sắc là gì? Cảnh giới bên ngoài. Cảnh giới bên ngoài phải bỏ, quyết chẳng bị động tâm bởi ngũ dục lục trần bên ngoài. Bên ngoài là tài, sắc, danh, ăn uống, nghỉ ngơi, tiếng tăm, lợi dưỡng, quý vị vẫn bị động tâm vì những thứ ấy là sai rồi, quý vị sẽ mê, chẳng giác. Do vậy, tự giác và giác tha ở đây có nghĩa là bên trong thì đoạn phiền não, bên trong chẳng khởi tâm, chẳng động niệm, chẳng phân biệt, chẳng chấp trước, bên ngoài chẳng bị ngũ dục lục trần dụ dỗ, mê hoặc, đó là Giác. “Câu ly” (đều lìa), hai bên đều lìa, trong lìa phiền não, ngoài dứt trần duyên, đó là Giác Mãn, giác hành viên mãn. Vì vậy, đoạn này giải thích [ý nghĩa của Tam Giác] hoàn toàn dựa theo công phu của chính mình, hết sức trọng yếu.

Học Phật, thu hoạch trong giai đoạn thứ nhất là pháp hỷ sung mãn, đấy là sự chứng đắc, hưởng thụ đầu tiên. Năm Dân Quốc 42 (1953), tôi thân cận tiên sinh Phương Đông Mỹ, hết sức khó có, cụ muốn tôi theo học ở nhà cụ, chẳng học ở trường. Vì thế, tôi học ở nhà cụ. Cụ giảng triết học khái luận, giảng tới cuối cùng bèn giảng triết học trong kinh Phật. Cụ đưa ra một nhận định đanh thép: “Triết học trong kinh Phật cao nhất trong toàn bộ triết học thế giới, là sự hưởng thụ cao nhất trong đời người”. Tôi bị rúng động bởi hai câu ấy. Vì thế, phát tâm học Phật, nghiên cứu Phật học. Tôi vô cùng cảm kích thầy, vì sao? Ngày nay tôi thật sự chứng thực sự hưởng thụ tối cao trong đời người, tôi đạt được.

Vì thế, học Phật thân tâm tự tại, khoái lạc. Tôi thấy rất nhiều người học Phật, học đến nỗi mặt mày cau có. Đấy là học Phật chẳng đúng phương pháp, chẳng đạt được lợi ích, giống như chúng ta mắc bệnh, uống thuốc vô hiệu! Mong mọi người hãy khéo kiểm điểm, nghiêm túc học tập, người học Phật sung sướng. Tôi ở ngoại quốc có pháp duyên tốt đẹp như thế, hết thảy mọi người đều mong theo tôi vì thấy tôi rất vui sướng, sự vui sướng của tôi do đâu mà có? Do niệm A Di Đà Phật. Tôi dạy họ: “Quý vị niệm như thế sẽ rất vui sướng!” Điều này có thể tiếp dẫn rất nhiều chúng sanh. Nếu tôi suốt ngày từ sáng đến tối đeo bản mặt cau có, chẳng có ai muốn học Phật hết! Quý vị thấy học Phật theo kiểu đó, thì có còn nên học Phật hay chăng? Chẳng nên học Phật!

Chư vị hãy gắng tích cực, nếu chúng ta chẳng học Phật pháp tốt đẹp, không chỉ chúng ta có lỗi với đức Phật, mà còn là phá hoại Phật pháp, vì sao? Chúng ta dọa lây người khác không dám học Phật, tội lỗi ấy vô lượng vô biên, khác nào phá hoại Phật pháp. Nói chung, chúng ta khiến cho người ta trông thấy, [liền nghĩ]: Học Phật tốt lắm, quý vị thấy người học Phật hạnh phúc, vui sướng dường ấy. Thứ nhất là nếu khiến cho người ta có ấn tượng ấy, như vậy là quý vị có thể phổ độ chúng sanh, có thể tiếp dẫn chúng sanh rộng khắp, rất quan trọng! Pháp hỷ từ trong nội tâm phát ra, chẳng phải do học được, nhất định chẳng do bị cảnh giới bên ngoài kích thích, mà thật sự từ nội tâm sanh ra hỷ duyệt, đó là pháp hỷ. Ngày hôm nay, chúng tôi giảng tới đây!


A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa

Phần 46 hết

---o0o---




tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   88   89   90   91   92   93   94   95   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương