阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang101/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101

336 Tài Thần Kinh có hai cách hiểu:

1. Tài Thần Kinh là Huyền Đàn Nguyên Soái Kinh của Đạo Giáo. Vị thần Kim Long Như Ý Chánh Nhất Long Hổ Huyền Đàn Chân Quân (tục danh Triệu Công Minh, gọi tắt là Huyền Đàn Nguyên Soái) này được tin là chủ về phú quý tài sản, chưởng thiện, phạt ác, quản trị phước lộc trong nhân gian. Huyền Đàn Nguyên Soái thường được tạc tượng mặt đen, rậm râu, đầu đội mão sắt, cưỡi hổ đen, tay cầm roi sắt, nên còn gọi là Hắc Hổ Huyền Đàn. Người Triều Châu gọi vị này là Tài Bạch Tinh Quân, và tin Huyền Đàn Nguyên Soái có bốn phụ tá là Chiêu Bảo Thiên Tôn, Nạp Trân Thiên Tôn, Chiêu Tài Sứ Giả và Lợi Thị Tiên Quân (hoặc Lợi Thị Đồng Tử). Đạo Giáo còn phân định: Văn Tài Thần là Phạm Lãi, Võ Tài Thần là Triệu Công Minh.



2. Tài Thần Kinh là nghi quỹ Mật Tông Tây Tạng dạy về pháp tu quán tưởng thần Câu Tỳ La (Kubera, Kuvera). Câu Tỳ La chính là Bắc Phương thiên vương Tỳ Sa Môn (Vaiśravana), tuy có thuyết nói Câu Tỳ La là con trai của Tỳ Sa Môn thiên vương. Trong truyền thống Tây Tạng, Tài Thần Câu Tỳ La được gọi là Jambala (hay Dzambala), thường được tạc tượng lùn, mập, bụng phệ (tượng trưng cho sự giàu có và hoan hỷ), tay cầm một con chồn mongoose (một loại chồn chuyên ăn rắn độc tại Ấn Độ) nhả ra tiền vàng hay châu ngọc. Mật Tông Tây Tạng nói có năm vị Jambala có màu sắc khác nhau: trắng, đen, đỏ, xanh lục và vàng, nhưng thường được thờ và cầu nguyện nhiều nhất là Hoàng Tài Thần, tức Jambala sắc vàng. Mỗi vị có chân ngôn và nghi quỹ riêng. Năm vị Tài Thần này được coi là hóa thân của các vị Phật hay Bồ Tát khác nhau, chẳng hạn Hoàng Tài Thần là hóa thân của Bảo Sanh Như Lai (Ratnasambhava), vị này thân màu vàng, ngồi trên hoa sen, tay cầm ngọc như ý và chồn mongoose. Bạch Tài Thần sắc trắng, hóa thân của Quán Thế Âm Bồ Tát, cưỡi sư tử tuyết hoặc rồng, tay cầm quyền trượng và con chồn mongoose. Hắc Tài Thần là hóa thân của Bất Động Phật (Akshobhaya), thường đứng trên xác chết đặt trên tòa sen, tay cầm chén Kapala và chồn Mongoose v.v...

Do Lô Thắng Ngạn pha trộn lung tung Đạo Giáo và Mật Tông nên rất có thể ông ta giảng Tài Thần Kinh theo cả hai kiểu.

337 Lô Thắng Ngạn là giáo chủ tà phái Chân Phật Tông của Đài Loan. Ông ta sanh năm 1945, quê ở Gia Nghĩa (Đài Loan), thuở nhỏ theo đạo Tin Lành, từng tốt nghiệp kỹ sư khảo sát từ đại học Trung Chánh, chuyên dạy Kinh Thánh vào Chủ Nhật mỗi tuần. Đột nhiên, năm 1969, ông ta tuyên bố được Diêu Trì Kim Mẫu khai Thiên Nhãn Thông và hai mươi vị đạo sư của Đạo Giáo, Hiển Giáo và Mật Giáo Tây Tạng thị hiện, khải thị nên theo Phật giáo, học Phong Thủy với Liễu Minh Hòa Thượng, quy y với ngài Ấn Thuận để học Thiền, và bắt đầu khai đạo, thành lập tông phái Linh Tiên Tông. Giáo nghĩa của ông ta pha trộn lung tung những niềm tin dân gian, tín ngưỡng Đạo Giáo, vay mượn và xuyên tạc Mật Tông Phật giáo, nhất là Mật Tông Tây Tạng. Ông ta tuyên bố từng được “điểm đạo” bởi các vị lạt-ma nổi tiếng của Tây Tạng như Karmapa đời thứ mười sáu, Rangjung Rigpe Rinpoche, Tai Situ Rinpoche, nhưng các lạt-ma Tây Tạng không công nhận điều này! Ông ta tự tuyên bố mình là hóa thân của một vị Bồ Tát tên Padmakumara (Liên Hoa Đồng Tử), vị này chính là hóa thân của A Di Đà Phật (sic!), nên thường tự xưng là Liên Hoa Hoạt Phật. Năm 1982, ông ta dẫn vợ con sang Mỹ, định cư tại Seattle và đổi tên đạo của mình thành Linh Tiên Chân Phật Tông; về sau chỉ còn gọi là Chân Phật Tông. Ông ta lại xin quy y với thượng sư Thổ Đăng Đạt Cát của Hoàng Giáo Tây Tạng (chi phái Mông Cổ) tại Hương Cảng để tăng uy thế. Năm 1986, ông ta chính thức xuống tóc xuất gia tại chùa Lôi Tạng do chính ông ta sáng lập tại Seattle, nhưng vẫn sống với vợ con, hưởng thụ mọi lạc thú trần tục, thậm chí tín đồ không cần kiêng rượu thịt. Vợ ông ta là Liêu Lệ Hương tự xưng là Liên Hương Thượng Sư và nắm quyền chỉ đạo pháp vụ trong Chân Phật Tông. Năm 1996, sau khi xin được tiếp kiến Đạt Lai Lạt Ma và sư trưởng Ganden Tri Rinpoche (trưởng dòng tu Gelugpa, tức dòng tu của Đạt Lai Lạt Ma), Lô Thắng Ngạn tuyên bố ông ta được hai vị này công nhận ông ta là lạt-ma cao cấp của Tây Tạng và có toàn quyền xử lý sự vụ của tín đồ Phật giáo Tây Tạng tại Đài Loan, nhưng văn phòng chính phủ Tây Tạng phản bác tuyên bố này. Ngày 24 tháng Mười năm 2007, bảy đại đoàn thể Phật giáo Trung Hoa tại Mã Lai (Tổng hội Phật giáo Mã Lai, Hội Thanh Niên Phật Giáo Mã Lai, Hội Phật giáo Hoằng Pháp Mã Lai, Tích Lan Phật Giáo Tinh Tấn Hội, Phật Quang Sơn, Phật Giáo Từ Tế Công Đức Hội, Tổng Hội Kim Cang Thừa Mã Lai) cùng một số tổ chức Phật giáo tại Đài Loan và Hương Cảng đã cùng tuyên cáo Chân Phật Tông là ngoại đạo dựa hơi Phật giáo. Hai vị Ấn Thuận và lạt-ma Thổ Đăng Đạt Cát đều tuyên bố minh bạch họ không có quan hệ sư thừa với họ Lô.

338 Cổ Văn Quán Chỉ là tuyển tập các bài cổ văn được coi là tuyệt diệu nhất trong nền văn học Trung Hoa. Tác phẩm này do chú cháu Ngô Sở Tài và Ngô Điều Hầu biên soạn vào năm Khang Hy 34 (1694). Tác phẩm này chọn lựa hai trăm hai mươi bài văn viết theo lối Văn Ngôn từ thời Tiên Tần đến giữa đời Minh. Chữ Cổ Văn do Hàn Dũ đề xướng nhằm phân biệt với Kim Văn (tức Biền Văn). Chữ Quán Chỉ xuất phát từ Tả Truyện, theo đó công tử Quý Trát của nước Ngô đi sứ nước Lỗ, nghe tấu nhạc Thiều đã thốt lên: “Quán chỉ hỹ! Nhược hữu tha nhạc, ngô bất cảm thính dĩ”. Câu này được các nhà chú giải đời sau giảng: Nhạc Thiều là đỉnh cao tột nhất của âm nhạc. Đã được thưởng thức nhạc Thiều rồi, không còn muốn nghe bất cứ thứ âm nhạc nào khác nữa. Do vậy, chữ Quán Chỉ được dùng để chỉ những gì tuyệt tác, hay nhất, tốt đẹp nhất.

339 Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm, gọi tắt là Thông Giám Tập Lãm, gồm một trăm mười sáu quyển, được biên soạn vào năm Càn Long 32 (1767) bởi nhóm Phó Hằng, Doãn Kế Thiện, Lưu Thống Huân, A Lý Cổn, Lưu Luân, Vu Mẫn Trung v.v... theo lệnh của hoàng đế Càn Long. Thật ra, bộ sách này là bản tổng hợp hai bộ sách Ngự Phê Tư Trị Thông Giám Cương Mục thời Khang Hy và bộ Lịch Đại Thông Giám Toản Yếu do Lý Trần Dương biên soạn dưới đời Minh. Nội dung bao gồm các sự kiện lịch sử từ thời Tam Hoàng Ngũ Đế đến đời Minh, kèm thêm các nhận định, giải thích, điển cố, khảo chứng. Trong sách này cũng thâu thập hơn ba trăm lời nhận định của Càn Long.

340 Ngũ Chủng Di Quy là sách giáo khoa về đức dục do Trần Hoằng Mưu biên soạn, nội dung bao gồm những chủ để như dưỡng tánh, tu thân, trị gia, làm quan, xử thế, giáo dục. Do sách gồm có năm phần chính nên gọi là Ngũ Chủng Di Quy, tức là Dưỡng Chánh Di Quy, Giáo Nữ Di Quy, Huấn Tục Di Quy, Tùng Chánh Di Quy, Tại Quan Pháp Giới Lục (sách răn mình của kẻ đang làm quan). Các phần này được biên soạn dựa trên giáo huấn của tiền nhân, và hoàn thành vào nhiều thời điểm khác nhau, chỉ được in chung lại thành Ngũ Chủng Di Quy vào năm Càn Long thứ tám (1743).

341 Pháp sư Thiên Ất (1924-1980) là một tỳ-kheo ni nổi tiếng của Đài Loan, tục danh Hồng Kim Châu, sanh tại Cao Hùng, Đài Loan, tốt nghiệp Văn Khoa trường đại học Chiêu Hòa (Showa), Đông Kinh vào năm 1944. Năm 1948, xin xuất gia với ngài Viên Dung chùa Đông Sơn ở Bình Đông, được ban pháp danh Ấn Nghi, hiệu Thiên Ất, thọ Cụ Túc Giới năm 1953 tại chùa Đại Tiên (tại Quan Tử Lãnh), được chọn làm Thủ Sa Di Ni trong giới đàn ấy. Sau đấy, Sư lên Đài Bắc y chỉ pháp sư Từ Hàng, học lớp nghiên cứu Phật học tại chùa Tịnh Tu. Sư cũng theo học với ngài Bạch Thánh. Sư trước sau nhiều lượt làm Dẫn Tán Sư trong Tam Đàn Đại Giới, đảm nhiệm Trụ Trì chùa Tử Vân, Hưng Long, Viên Thông Học Uyển, tham dự diễn giảng Phật pháp nhiều nơi, từng giảng Tứ Phần Tỳ Kheo Ni Giới Bổn ít nhất ba lần. Sư được ngài Bạch Thánh phó pháp dòng Lâm Tế đời thứ 42, pháp danh Định Giác vào năm 1961. Năm 1970, Sư được thỉnh làm Đắc Giới Hòa Thượng cho ni chúng tại chùa Viên Sơn Lâm Tế khi mới 47 tuổi. Sư lại được thỉnh làm Đắc Giới Hòa Thượng vào năm 1976 trong giới đàn Long Hồ Am ở Đại Cang Sơn, tuyên giảng hai bộ Tỳ Kheo Ni Giới Bổn và Tỳ Ni Nhật Dụng Thiết Yếu. Sư viên tịch tại Đài Bắc vào ngày Mười Bốn tháng Ba năm 1980.

342 Theo luận Câu Xá, Tứ Thiền Thiên gồm tám tầng trời: Vô Vân Thiên (Anabhraka), Phước Sanh Thiên (Punya-prasava), Quảng Quả Thiên (Brhat-phala), Vô Phiền Thiên (Avrha), Vô Nhiệt Thiên (Atapa), Thiện Hiện Thiên (Sudrsha), Thiện Kiến Thiên (Sudarshana), Sắc Cứu Cánh Thiên (Akanistha). Nếu tính thêm một tầng trời ngoại đạo là Vô Tưởng Thiên (Asamjñisattvāh), sẽ thành chín tầng. Tịnh Cư Thiên nằm trong Tứ Thiền Thiên, bao gồm các tầng trời Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Kiến, Thiện Hiện và Sắc Cứu Cánh Thiên. Hòa Thượng nói “loại thứ năm” ngụ ý thánh chúng sống trong năm tầng trời chẳng phải là phàm phu (chư thiên thông thường), chứ không phải là ngoài bốn tầng Sơ Thiền, Nhị Thiền, Tam Thiền và Tứ Thiền còn có một tầng thứ năm.


tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương