阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không


tương cuống hoặc”, riêng sách Diễn Nghĩa chép là “bất thị đẳng nhàn, sanh



tải về 12.87 Mb.
trang96/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101
tương cuống hoặc”, riêng sách Diễn Nghĩa chép là “bất thị đẳng nhàn, sanh cuống hoặc” (có lẽ là do lỗi ấn loát).

158 Đạo giáo đề xướng hai cách luyện đan:

1. Nội đan: Tập trung tư tưởng điều khiển các luồng “chân khí” trong người để xung phá, khai phóng các huyệt đạo trọng yếu trong người, kết hợp với hít thở và các động tác võ thuật để đả thông kinh lạc, luyện tấm thân không già, không bệnh, trường sanh bất lão. Họ chủ trương thân thể giống như cái lò nung thuốc (linh đan lô) nên gọi là “nội đan”, quan niệm thân này là một tiểu vũ trụ. Dùng phương pháp nội đan để hợp nhất Âm Dương, hòa nhập làm một với vũ trụ. Từ quan điểm này, phát sanh ra thuật Khí Công, Nội Gia Quyền, Thái Cực Quyền v.v... Những nhân vật cự phách của trường phái này là Hứa Tốn, Ngụy Hoa Tôn, La Phù Sơn, Thôi Hy Phạm, Tư Mã Thừa Trinh, Chung Ly Quyền, Lã Động Tân, Trương Bá Đoan, Vương Trùng Dương (tổ sư Toàn Chân Giáo), Trương Tam Phong...



2. Ngoại đan: Trường phái này do Ngụy Bá Dương, Đào Hoằng Cảnh, Cát Hồng đề xướng, dùng các phương thức bí truyền để nấu, sắc, nung luyện các loại thuốc và kim loại nhằm uống vào sẽ thành tiên, trường sanh bất tử. Từ đây phát sanh ra những ngành luyện kim, giả kim thuật, bùa chú, lôi pháp v.v... Đa số những thứ kim đan theo các sách cổ hết sức đề cao các chất kim loại độc, coi những thứ như chì, thủy ngân là mẹ của các kim loại, nên rất nhiều người uống vào đã bị trúng độc, hộc máu chết tươi. Đường Vũ Tông tin lời mê hoặc của đạo sĩ, uống kim đan, nửa điên, nửa tỉnh, bệnh ngặt nghèo, suốt mười ngày không nói được câu nào. Đường Tuyên Tông uống kim đan “trường niên dược” do thái y Lý Nguyên Bá chế, thổ tả không ngừng, lưng lở loét nát bấy, qua đời.

159 Thiện Tâm Sở gồm Tín, Tàm, Quý, Vô Tham, Vô Sân, Vô Si, Tinh Tấn, Khinh An, Bất Phóng Dật, Hành Xả và Bất Hại. Trong đó, Tàm là tự thẹn với mình, Quý là xấu hổ đối với người.

160 Ý nói: Nhân loại bắt đầu ghi chép các sự kiện lịch sử.

161 Đoạn chứng: Đoạn vọng tưởng phiền não, chứng đắc quả thù thắng (theo Phật Học Đại Từ Điển).

162 Thập Trụ Đoạn Kết Kinh có tên gọi đầy đủ là Tối Thắng Vấn Bồ Tát Thập Trụ Trừ Cấu Đoạn Kết Kinh gồm ba mươi ba phẩm do ngài Trúc Phật Niệm dịch vào thời Diêu Tần. Trong kinh này, đức Phật Thích Ca ngự tại Kỳ Viên, phóng quang chiếu suốt mười phương pháp giới. Lúc ấy từ phương Đông có Chấp Chí Thông Huệ Bồ Tát và năm vạn Bồ Tát vây quanh đến nơi đây nghe pháp. Trong số ấy, có một vị Bồ Tát tên là Tối Thắng Bồ Tát bèn hỏi Phật pháp yếu. Thích Ca Mâu Ni Phật bèn dùng pháp Thập Trụ để đáp.

163 Hô Đồ Khắc Đồ (Xutugtu, Khutukhtu, Khutagt) là tiếng Mông Cổ, có nghĩa là “thánh giả”, là danh xưng để gọi các vị lạt-ma cao cấp người Mông Cổ hoặc Tây Tạng sống trong các khu vực thuộc quyền quản trị của nhà Thanh, thường được coi là hóa thân của Phật, Bồ Tát, A La Hán theo truyền thống Phật giáo Tây Tạng. Theo quy chế nhà Thanh, những lạt-ma nào thuộc cấp bậc này đều được gọi chép vào sổ bộ của viện Lý Phiên. Mỗi khi một Hô Đồ Khắc Đồ qua đời, các đệ tử tìm được một đứa trẻ mới “hóa thân” của vị Hô Đồ Khắc Đồ tiền nhiệm, phải được triều đình nhà Thanh phê chuẩn. Hai vị Hô Đồ Khắc Đồ nổi tiếng nhất của Mông Cổ là Triết Bố Tôn Đan Ba (Jetsundampa) cai quản vùng Bắc Mông Cổ và Chương Gia Hoạt Phật (lCang-skya Khutukhtu). Vị sau cai quản vùng Nam Mông Cổ và có quan hệ mật thiết với triều đình nhà Thanh. Chương Gia Hoạt Phật được coi là hóa thân của vị A La Hán Đạt Tôn (tức tôn giả Xa Nặc, người đánh ngựa của Thái Tử Tất Đạt Đa). Jetsumdamba Khutukhtu được coi là hóa thân của học giả Taranatha Anandagarbha (1575-1634) của Tây Tạng. Ngài Taranatha từng sang Mông Cổ truyền giáo và lập nhiều tu viện tại đây nên được coi như là một trong những vị tổ sư khai sáng của Phật giáo Mông Cổ.

164 Cụ Mai Quang Hy (1880-1947), tự Hiệt Vân, là một nhà Phật học nổi tiếng đầu thời Dân Quốc, sở trường về Duy Thức. Cụ Mai là cậu của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, quê ở Nam Xương, tỉnh Giang Tây, thuở bé học Nho, từng đỗ kỳ thi Hương, rất được Tổng Đốc Hồ Quảng Trương Chi Đồng coi trọng, đề cử làm Giám Đốc trường Võ Bị. Cụ từng được ông Trương Chi Đồng gởi sang du học Nhật Bản, theo học tại trường Lục Quân Chấn Vũ, được huấn luyện thành sĩ quan chỉ huy. Sau khi tốt nghiệp, cụ lại học tại đại học Tảo Đạo Điền về ngành kinh tế chính trị. Cụ không màng công danh, do được người đồng hương là Khuê Bá Hoa khuyên giải, bèn theo học Phật với tiên sinh Dương Nhân Sơn, dốc sức nghiên cứu các bộ Đại Thừa Khởi Tín Luận, Pháp Hoa, Tam Luận cũng như các kinh điển trọng yếu của các tông. Từ đấy, cụ chuyên học Phật, từng tuyên bố: “Nếu chẳng phải sách Phật chẳng đọc, chẳng phải Phật hạnh chẳng làm”. Cụ hợp tác chặt chẽ với Thái Hư đại sư trong phong trào chấn hưng Phật giáo, viết nhiều bài có giá trị cho tờ Hải Triều Âm. Những tác phẩm tiêu biểu của cụ là Tướng Tông Cương Yếu, Tướng Tông Cương Yếu Tục Biên, Đại Thừa Tướng Tông Thập Thắng Luận, Tướng Tông Sử Truyện Lược Lục, Nhân Minh Nhập Chánh Lý Luận Giải Lục Tập Chú, Pháp Uyển Nghĩa Lâm Chương Duy Thức Chú v.v...

165 Nói là “phảng phất” vì phải đạt đến Phật quả mới thật sự thấy hết thảy pháp đều thanh tịnh. Từ Đẳng Giác trở xuống, do vẫn còn vi tế vô minh nhiều hay ít, nên chưa thể thấy hết thảy các pháp thanh tịnh trọn vẹn như Phật được.

166 Chạy hương (bão hương) là một trong bốn quy củ của Thiền Đường, nhất là trong Thiền Thất: Hành hương, bão hương, tọa hương và tham Thoại Đầu. Hành hương là bước nhanh, bão hương là đi rảo thật nhanh, gần như chạy lúp xúp, tọa hương là tịnh tọa. Sở dĩ ba quy củ này đều có chữ Hương vì dùng thời gian tàn một nén nhang làm hạn (một cây nhang dài cháy hết trong vòng một tiếng cho đến một tiếng rưỡi). Theo pháp sư Tâm Đạo, Bão Hương có từ thời hoàng đế Ung Chánh nhà Thanh. Vua Ung Chánh đặc biệt kính ngưỡng quốc sư Ngọc Lâm. Sau khi ngài Ngọc Lâm viên tịch, có pháp sư Thiên Huệ từ chùa Cao Mân vâng chỉ tiến kinh đàm Thiền. Qua đối đáp, vua thấy Thiên Huệ hầu như chẳng lãnh hội được ý chỉ của ngài Ngọc Lâm, bực tức quở: “Ngươi còn biết gì về tông chỉ của quốc sư Ngọc Lâm hay chăng?” Sư ngây người, không trả lời được. Do vậy, vua hạ lệnh Sư phải ngồi Thiền bảy ngày trong cung, tham cho thấu công án; nếu không, sẽ chém đầu ngay lập tức. Thiên Huệ tham Thiền suốt sáu ngày không thấu triệt, đến hôm cuối cùng, túng quá, chạy quanh Thiền Đường, chạy đến nỗi gần như mê đi, té lăn ra, va đầu vào cột, liền tỉnh ngộ, trở về trả lời câu hỏi của vua. Vua hứa khả, từ đấy Thiền môn lập ra quy chế Bão Hương. Cũng từ câu chuyện này, có thuyết nói, hương bản dùng trong Thiền Đường để cảnh tỉnh Thiền giả hiện thời chính là phỏng theo hình cây kiếm gỗ cầm trong tay của người lính canh chờ hết thời hạn bảy ngày sẽ chém đầu sư Thiên Huệ. Hiện thời, Bão Hương thường được áp dụng sau khi ăn cơm, hoặc sau khi ngồi Thiền. Tuy gọi là “chạy”, nhưng chỉ là rảo bước nhanh, lẹ hơn so với hành hương (đi kinh hành).

167 Garuda (kinh thường phiên âm là Ca Lâu La, hoặc dịch nghĩa là đại bằng kim xí điểu - 大鵬金翅鳥) là một loại chim rất to, thân người có sắc vàng óng, có khuôn mặt là mặt người, trắng bóng, nhưng có mỏ chim ưng, đầu đội vương miện, cánh vàng pha sắc đỏ, giống như vàng ròng. Sải cánh rất to, có thể quạt nước biển tách ra làm đôi để bắt rồng ăn thịt. Trong Mật Tông, Ca Lâu La là vật để cưỡi của Bắc Phương Bất Không Thành Tựu Phật. Các chùa ở Thái, Lào, Miên, Miến thường tạc hình tượng Ca Lâu La (người Thái hay Lào gọi trại thành Krut, còn tiếng Indonesia/Mã Lai gọi trại thành geroda) ở các đầu kèo đỡ mái chùa vừa để trang trí vừa bảo vệ chùa. Nam Dương và Thái Lan dùng hình tượng Ca Lâu La làm biểu tượng quốc gia, nhưng hình tượng chim Ca Lâu La trong quốc huy Nam Dương có hình chim thuần túy, sắc vàng óng, không phải là hình mình người cánh và chân chim, sắc đỏ như trong quốc huy Thái Lan.

168 Bốn bộ tiểu thuyết lớn của Trung Quốc, còn gọi là Tứ Đại Danh Trước, gồm Tam Quốc Diễn Nghĩa của La Quán Trung, Thủy Hử Truyện của Thi Nại Am, Tây Du Ký của Ngô Thừa Ân và Hồng Lâu Mộng của Tào Tuyết Cần. Ở đây, hòa thượng Tịnh Không không nhắc tới Hồng Lâu Mộng.

169 Tứ Không Định, gọi đủ là Tứ Không Xứ Định gồm: Không Xứ Định, Thức Xứ Định, Vô Sở Hữu Xứ Định và Phi Hữu Tưởng Phi Vô Tưởng Xứ Định.

170 Tứ Thiền Thiên là bốn tầng trời là nơi cư trụ của người đã đắc Tứ Thiền:

1. Sơ Thiền Thiên gồm các cõi trời Phạm Chúng Thiên, Phạm Phụ Thiên, Đại Phạm Thiên. Đại Phạm Vương làm chủ các tầng trời này.

2. Nhị Thiền Thiên gồm các tầng trời Thiểu Quang Thiên, Vô Lượng Quang Thiên, Cực Quang Tịnh Thiên (còn gọi là Quang Âm Thiên).

3. Tam Thiền Thiên gồm Thiểu Tịnh Thiên, Vô Lượng Tịnh Thiên, Biến Tịnh Thiên.

4. Tứ Thiền Thiên gồm Vô Vân Thiên, Phước Sanh Thiên, Quảng Quả Thiên, Vô Phiền Thiên, Vô Nhiệt Thiên, Thiện Hiện Thiên, Thiện Kiến Thiên, và Sắc Cứu Cánh Thiên.

Bốn tầng trời này đều thuộc Sắc Giới. Từ cõi trời Vô Phiền Thiên trở lên là nơi ở của các bậc thánh nhân từ A La Hán trở lên, không còn luân hồi trong lục đạo, nên năm cõi trời (Vô Phiền, Vô Nhiệt, Thiện Hiện, Thiện Kiến, và Sắc Cứu Cánh) được gọi chung là Ngũ Bất Hoàn Thiên hay Tịnh Cư Thiên.



171 Xin chú ý, lợi căn hay độn căn A La Hán ở đây là nói về người chưa chứng quả A La Hán. Nếu là lợi căn thì sẽ có thể nhanh chóng chứng quả A La Hán (đắc Cửu Thứ Đệ Định) ngay trong Tứ Thiền Thiên, không cần phải trải qua Tứ Không Thiên.

172 Trong Duy Ma Cật Sở Thuyết Kinh, Bảo Tích là tên một vị Trưởng Giả tại thành Tỳ Da Ly (Vaiśālī), thượng thủ của năm trăm vị trưởng giả, nương theo Phật thần lực đến cúng dường, tán thán, rồi thưa hỏi: “Bạch đức Thế Tôn! Năm trăm vị trưởng giả này đều đã phát tâm Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, nguyện được nghe cõi Phật thanh tịnh. Kính mong đức Thế Tôn giảng về hạnh Tịnh Độ của Bồ Tát”. Nhân đó, đức Phật bèn giảng phẩm đầu tiên của kinh Duy Ma Cật là phẩm Phật Quốc, trong đó có những câu được sách Diễn Nghĩa trích dẫn ở đây.

173 Theo chú giải của Nho gia, chỉ ư chí thiện” nghĩa là đạt đến cảnh giới hoàn thiện tột bậc. Về sau, từ ngữ này được dùng với nghĩa rộng hơn là đã đạt đến cảnh giới tối cao, toàn thiện, và an trụ trong cảnh giới ấy, không để mất đi.

174 Câu này hàm nghĩa những sự vật có cùng một tánh chất sẽ thu hút lẫn nhau, hoặc nói rộng hơn là phân chia sự vật theo tánh chất đặc trưng của chúng. Hệ Từ là một phần của Dịch Truyện, tức là những lời chú giải kinh Dịch, thường được coi là trước tác của Châu Văn Vương và Khổng Tử. Dịch Truyện bao gồm Thoán Truyện, Tượng Truyện, Văn Ngôn Truyện, Hệ Từ Truyện, Thuyết Quái Truyện, Tự Quái Truyện và Tạp Quái Truyện. Hệ Từ Truyện vốn là lời giải thích phần Hệ Từ. Theo quan điểm truyền thống do Châu Hy đề xướng, Châu Văn Vương và Châu Công giải thích mỗi quẻ trong kinh Dịch rồi buộc (hệ) dưới mỗi quẻ (thuở xưa chưa có giấy, những ghi chép được viết lên thẻ bằng tre), hợp thành kinh văn ngày nay của kinh Dịch. Hệ Từ Truyện do Khổng Tử viết nhằm giải thích Hệ Từ cũng như giải thích ý nghĩa chung của trọn bộ kinh Dịch.

175 Sát () là Phật sát, tức cõi Phật, còn gọi là “sát độ”. Một cõi Phật nhỏ nhất sẽ là một tam thiên đại thiên thế giới. Do có vô lượng vô biên cõi Phật chẳng thể tính kể được nên dùng chữ “hải” (biển cả) để hình dung số lượng các cõi Phật.

176 Chín mươi bốn pháp trước được chia thành năm loại lớn là Tâm Pháp (tám thức), Tâm Sở Hữu Pháp (còn gọi tắt là Tâm Sở, gồm năm mươi mốt thứ như Xúc, Thọ, Tư, Tưởng, Tác Ý v.v...), Sắc Pháp (gồm mười một thứ như Nhãn, Nhĩ, Sắc, Thiệt, Thân, Ý...), Bất Tương Ứng Hành Pháp (gồm hai mươi bốn pháp như Đắc, Mạng Căn, Chúng Đồng Phận, Dị Sanh Tánh v.v...). Sáu loại sau cùng là Vô Vi gồm sáu pháp tức Hư Không Vô Vi, Trạch Diệt Vô Vi, Phi Trạch Diệt Vô Vi, Bất Động Vô Vi, Tưởng Thọ Diệt Vô Vi, và Chân Như Vô Vi.

177 Mười tám món Không trong Đại Trí Độ Luận là Nội Không, Ngoại Không, Nội Ngoại Không, Không Không, Đại Không, Đệ Nhất Nghĩa Không, Hữu Vi Không, Vô Vi Không, Tất Cánh Không, Vô Thỉ Không, Tán Không, Tánh Không, Tự Tướng Không, Chư Pháp Không, Bất Khả Đắc Không, Vô Pháp Không, Hữu Pháp Không và Vô Pháp Hữu Pháp Không.

178 Theo Phật Thuyết Hưng Khởi Hạnh Kinh, quyển hai, đức Thế Tôn và năm trăm vị A La Hán nhận lời thỉnh của Bà-la-môn A Chỉ Đạt cho phép ông ta cúng dường Phật và tăng đoàn suốt ba tháng an cư. Cúng dường được mấy hôm, A Chỉ Đạt bị ma gây loạn tâm, đam mê ngũ dục, đóng chặt cửa hưởng lạc. Do vậy, đức Phật và năm trăm sa-môn bị đói, chư Tăng vào thành khất thực, nhưng suốt ba ngày chẳng xin được gì. Chỉ có một người nuôi ngựa lấy bớt phần lúa mạch nuôi ngựa cúng dường cho Phật và Tăng đoàn dùng tạm. Ngài A Nan đành đem lúa mạch nhờ người nấu thành cháo dâng lên Phật. Chư Tăng ngạc nhiên, thưa hỏi nguyên nhân vì sao đức Phật là Lưỡng Túc Tôn mà còn phải ăn lúa ngựa. Đức Phật giảng: Trong quá khứ hết sức lâu xa, có Phật Như Lai hiệu là Tỳ Bà Diệp Như Lai, ngự tại đại thành Bàn Đầu Ma Bạt, có mười sáu vạn tám ngàn đại tỳ-kheo thường theo hầu. Quốc vương thành ấy và nhân dân kiền thành cúng dường Phật và tăng đoàn, khiến cơm áo không bao giờ thiếu khuyết. Trong thành ấy, có một giáo sĩ Bà La Môn tên là Nhân Đề Kỳ Lợi, tinh thông kinh điển Vệ Đà và các phương pháp xem tướng, dạy dỗ năm trăm đồng tử. Một hôm quốc vương thiết trai cúng Phật. Do trong đại chúng có một vị tỳ-kheo tên Di Lặc bị bệnh không thể dự trai, đức Phật Tỳ Bà Diệp đem một phần về cho Di Lặc. Khi quay về, Tỳ Bà Diệp Phật và chư Tăng đi qua núi của Nhân Đề Kỳ Lợi, Nhân Đề Kỳ Lợi quá ghen tức, giận dữ thóa mạ: “Lũ đạo nhân trọc đầu đáng ra phải ăn lúa mạch nuôi ngựa, chứ lẽ đâu được hưởng thức ăn ngon lành như thế?” Lại hỏi năm trăm học trò: “Thầy nói như vậy có đúng hay không?” Lũ học trò thưa: “Thầy nói không sai tí nào”. Bà La Môn lúc đó chính là thân ta hiện tại, còn năm trăm học trò chính là năm trăm vị La Hán hiện thời”.

179 Theo Sử Ký, do thấy Lỗ Định Công hôn ám, ham mê nữ sắc, Tam Hoàn (ba gia đình hoàng tộc nước Lỗ) thừa cơ lũng đoạn triều chánh, Khổng Tử liền từ chức Đại Tư Khấu nước Lỗ, chu du các nước Vệ, Tào, Trịnh, Trần, Sái, Sở, Tống. Khi đó, do nước Ngô xua binh đánh nước Trần, nước Sở phái quân sang cứu. Đến biên giới đất Trần, Sở Chiêu Vương phái người thỉnh Khổng Tử đến gặp, Khổng Tử liền chuẩn bị rời đất Trần. Các quan đại phu nước Trần và Sái sợ nước Sở trọng dụng Khổng Tử, bèn vây hãm Khổng Tử tại cánh đồng giáp ranh biên giới Trần và Sái. Do đường không đi được, Khổng Tử và môn đệ phải nhịn đói suốt bảy ngày. Môn đệ nhiều người đói rũ, không dậy nổi, nhưng Khổng Tử vẫn thản nhiên. Về sau, Tử Cống trốn được, báo tin cho Sở Chiêu Vương, Sở Chiêu Vương bèn phái người đưa Khổng Tử ra khỏi đất Trần. Trần là một nước chư hầu nhỏ đời Châu. Người sáng lập đất Trần là Quy Mãn, hậu duệ của vua Thuấn. Sau khi phạt Trụ thành công, Châu Vũ Vương đã phong cho Quy Mãn làm Hồ Công, ban cho thái ấp ở đất Trần, nên từ đó, Quy Mãn được ban họ theo tên đất là Trần, lại được Châu Vũ Vương gả con gái là Thái Cơ cho. Nước Trần thuộc huyện Hoài Dương tỉnh Hà Nam, đóng đô tại Uyển Khâu, tiếp giáp các nước Sái, Kỷ, Tống, Sở và Từ. Trần bị diệt vong khi Ngô vương Phù Sai tấn công đoạt mất ba thành vào năm thứ ba mươi (năm 489 trước Công Nguyên) đời Trần Mẫn Công, Trần Mẫn Công cầu cứu Sở. Sở phái quân sang cứu, rồi Sở Huệ Vương thừa cơ sát nhập nước Trần vào lãnh thổ của Sở vào năm 478 trước Công Nguyên. Nước Trần biến mất từ đó.

180 Ở Trung Quốc có khá nhiều hồ mang tên Tây Hồ, nhưng mộ Nhạc Phi ở Tây Hồ thuộc Hàng Châu, thắng cảnh của tỉnh Chiết Giang. Tại mộ Nhạc Phi, ngoài tượng sắt của vợ chồng Tần Cối ra, còn có tượng Mặc Sĩ Tạ và Trương Tuấn cùng quỳ chịu tội. Mặc Sĩ Tạ quê ở Dương Vũ, huyện Khai Phong, làm Giám Sát Ngự Sử, là tay chân của Tần Cối, chủ trương đầu hàng quân Kim. Chính hắn đã dâng sớ đàn hặc vu cáo Nhạc Phi phản nghịch, hại chết Nhạc Phi và con trai là Nhạc Vân, cũng như hãm hại Trương Hiến. Trương Tuấn làm tướng đời Nam Tống, do đố kỵ tài năng của Nhạc Phi nên bị Tần Cối mua chuộc, ngụy tạo chứng cớ để kết tội Nhạc Phi. Về sau hắn làm đến Thái Sư, chuyên vơ vét tài sản quốc gia.

181 Chữ “duyên” ở đây chỉ tác dụng nhận biết. Chẳng hạn mắt thấy sắc thì nói là “Sắc được duyên bởi Nhãn Thức”. Kiến Duyên chính là Sắc được thấy bởi tánh Thấy (Kiến).

182 Hoa đốm là những chấm sáng nhảy nhót lăng xăng trên không trung.

183 Nói vô tài hay đa tài chỉ là dựa trên khả năng có được ăn uống hay không mà phân loại. Ngạ quỷ (tiếng Phạn là Preta, do vậy, đôi khi còn phiên âm là Bệ Lệ Đa) gồm có ba loại:

1. Vô Tài Quỷ: Hoàn toàn không thể ăn uống, gồm có ba loại nhỏ:

- Cự Khẩu (Diệm Khẩu): Thức ăn lọt vào miệng liền biến thành lửa đỏ.

- Châm Khẩu: Cổ họng nhỏ như cái kim, không có cách nào nuốt đồ ăn được.

- Xú Khẩu: Miệng nứt nẻ hôi thối, không thể ăn uống được.

2. Thiểu Tài Quỷ: Được ăn uống đôi chút, gồm có ba loại Châm Mao (lông trên thân nhọn hoắt như cái kim), Xú Mao (thân thể đầy lông cứng, hôi thối), Anh (có bướu). Ba loại quỷ này do nghiệp báo chỉ ăn những thứ bất tịnh như phân, nước tiểu, máu mủ, đờm rãi, huyết dịch của phụ nữ đang sanh nở v.v...

3. Đa Tài Quỷ: Tuy vẫn rất đói khát, nhưng có cơ hội được ăn nhiều hơn hai loại quỷ Vô Tài và Thiểu Tài. Loại quỷ thần này gồm ba loại:

- Khí giả: Ăn những thứ vật do người cúng tế rồi bỏ đi.

- Thất giả: Ăn những vật do người ta để quên, bỏ sót.

- Đại thế: Những loài đại lực quỷ vương Dạ Xoa, La Sát, có sự hưởng thụ gần giống như chư thiên; nhưng vẫn chịu đựng khổ sở vì ăn uống, không được tự tại như chư thiên.



184 Nguyên văn “dược dẫn tử”: Theo y học Trung Quốc, có những món thuốc cần phải có một thứ dược liệu phụ có tác dụng dẫn dược lực của món thuốc chánh yếu đi vào đúng kinh lạc và bộ vị đang bị bệnh, cũng như tăng cường hiệu quả của môn thuốc chánh, hoặc có tác dụng giải bớt độc tánh, bảo vệ ruột gan của bệnh nhân. Món thuốc phụ ấy sẽ gọi là “dược dẫn tử”. Chất dẫn thuốc đa số là rượu, nước muối, mật ong, nước cơm chắt, nước gạo rang, nước đường, nước gừng, nước cam thảo v.v...

185 Đây chính là phẩm thứ sáu, tức phẩm Tỳ Lô Giá Na trong bộ Bát Thập Hoa Nghiêm do ngài Thật Xoa Nan Đà dịch vào đời Đường. Ngài Đại Oai Quang khi ấy là Thái Tử của vua Hỷ Kiến Thiện Huệ đến đạo tràng Ma Ni Hoa Chi Luân, thấy sức thần thông của Ba La Mật Thiện Nhãn Trang Nghiêm Vương Như Lai mà được mười thứ lợi ích. Kinh chép: “Chư Phật tử! Các ông nên biết trong kiếp Đại Trang Nghiêm ấy có Hằng hà sa số tiểu kiếp, con người thọ hai tiểu kiếp. Chư Phật tử! Đức Nhất Thiết Công Đức Tu Di Thắng Vân Phật thọ mạng năm mươi ức năm. Sau khi đức Phật ấy diệt độ, có Phật ra đời tên là Ba La Mật Thiện Nhãn Trang Nghiêm Vương, cũng thành Chánh Giác trong khu rừng lớn Ma Ni Hoa Chi Luân ấy. Khi đó, Đại Oai Quang đồng tử thấy đức Như Lai ấy thành Đẳng Chánh Giác, hiện sức thần thông, liền đắc Niệm Phật tam-muội, tên là Vô Biên Hải Tạng môn, liền đắc đà-la-ni tên Đại Trí Lực Pháp Uyên, liền đắc đại từ tên Phổ Tùy Chúng Sanh Điều Phục Độ Thoát, liền đắc đại bi tên Biến Phú Nhất Thiết Cảnh Giới Vân, liền đắc đại hỷ tên Nhất Thiết Phật Công Đức Hải Oai Lực Tạng, liền đắc đại xả tên Pháp Tánh Hư Không Bình Đẳng Thanh Tịnh, liền đắc Bát Nhã Ba La Mật tên Tự Tánh Ly Cấu Pháp Giới Thanh Tịnh Thân, liền đắc thần thông tên Vô Ngại Quang Phổ Tùy Hiện, liền đắc biện tài tên Thiện Nhập Ly Cấu Uyên, liền đắc trí quang tên Nhất Thiết Phật Pháp Thanh Tịnh Tạng. Mười ngàn pháp môn như thế, thảy đều thông đạt”.

186 Thập Ba La Mật là Đàn Na Ba La Mật (Bố Thí Ba La Mật), Thi La Ba La Mật (Trì Giới Ba La Mật), Sạn Đề Ba La Mật (Nhẫn Nhục Ba La Mật), Tỳ Lê Da Ba La Mật (Tinh Tấn Ba La Mật), Thiền Na Ba La Mật, Bát Nhã Ba La Mật, Phương Tiện Ba La Mật, Nguyện Ba La Mật, Lực Ba La Mật, và Trí Ba La Mật.

187 Kinh Nhân Vương Hộ Quốc Bát Nhã Ba La Mật Đa nói tới Ngũ Nhẫn Bồ Tát như sau:

1. Phục Nhẫn: Đây là pháp nhẫn được chứng bởi các Bồ Tát thuộc những địa vị Thập Trụ, Thập Hạnh, Thập Hồi Hướng, chưa đoạn chủng tử phiền não, nhưng đã chế ngự được phiền não, chẳng cho chúng hiện hành.

2. Tín Nhẫn: Pháp nhẫn của Sơ Địa cho đến Tam Địa Bồ Tát. Đã thấy pháp tánh, đạt được chánh tín.

3. Thuận Nhẫn: Pháp nhẫn của Bồ Tát từ Tứ Địa cho đến Lục Địa, thuận theo Bồ Đề đạo, hướng đến quả Vô Sanh.

4. Vô Sanh Nhẫn: Pháp nhẫn của bậc Bồ Tát từ Thất Địa cho đến Cửu Địa, ngộ nhập lý Vô Sanh nơi các pháp.

5. Tịch Diệt Nhẫn: Pháp nhẫn của Thập Địa, Đẳng Giác và Diệu Giác, đoạn sạch các Hoặc, chứng Niết Bàn tịch diệt.



188 Hiện Lượng: Sự nhận biết các pháp bằng cái tâm chân thật, tức là cảm thụ, thông hiểu các pháp bằng chân tâm, chứ không qua thức. Hiện Lượng là cảnh giới đích thân chứng đắc, chứ không phải là sự nhận biết các pháp bằng vọng tâm.

Tỷ Lượng: Cảm thụ, nhận biết các pháp do so sánh, suy luận.



189 Kệ ở đây là cách tính độ lớn của một tác phẩm văn học vào thời cổ ở Ấn Độ. Cứ bốn câu (không cần biết dài ngắn, có vần hay không vần) thì gọi là một “kệ”, chứ không phải là kệ tụng như ta thường thấy trong kinh điển.

190 Bản này thường được gọi là Lục Thập Hoa Nghiêm do ngài Phật Đà Bạt Đà La (Buddhabhadra – Giác Hiền – 359-429) dịch. Ngài Phật Đà Bạt Đà La họ Thích Ca, là hậu duệ của Cam Lộ Phạn Vương (chú đức Phật). Xuất gia năm mười bảy tuổi, có trí nhớ siêu phàm. Ngài từng sang nước Kế Tân học pháp, rồi theo học Thiền với pháp sư Phật Đại Tiên. Về sau, nhận lời thỉnh của sư Trí Nghiêm vào Trung Hoa, đến Trường An vào năm Hoằng Thỉ thứ tám (406). Do không thuận thảo với ngài La Thập, Ngài cùng bốn mươi đệ tử dời sang Lô Sơn. Trong thời gian ở Lô Sơn, Ngài dịch bộ Đạt Ma Đa La Thiền Kinh. Năm Nghĩa Hy thứ tám (412) đời Tấn An Đế nhà Đông Tấn, Ngài sang Kinh Châu, rồi đến Kiến Khang (Nam Kinh ngày nay), trụ tích tại Đạo Tràng Tự, cùng với các vị như Pháp Hiển dịch Ma Ha Tăng Kỳ Luật và Đại Bát Nê Hoàn Kinh, rồi dịch kinh Hoa Nghiêm vào khoảng năm 420. Bản dịch này thường được gọi là Cựu Hoa Nghiêm hay Tấn Kinh, còn bản Bát Thập Hoa Nghiêm thường được gọi Tân Hoa Nghiêm hay Đường Kinh.

191 Trung Quốc chỉ có mười tông phái, trong đó hai tông phái là Tiểu Thừa (Câu Xá và Thành Thật), do vậy ngài Long Thọ là sơ tổ của toàn thể các tông phái Đại Thừa Phật pháp.

192 Bồ Tát Sanh Địa Kinh do cư sĩ Chi Khiêm người xứ Nhục Chi dịch vào thời Đông Ngô, được đánh số 533, xếp vào tập 14 của Đại Chánh Tân Tu Đại Tạng Kinh. Trong kinh ấy, đức Phật ngự tại tinh xá của dòng Thích Ca tại nước Ca Duy La Vệ, ngài Ma Sai Mạt (còn ghi là Sa Ma Kiệt) là một vị trưởng giả trong dòng họ Thích Ca, đến đảnh lễ thưa hỏi Bồ Tát nên hành hạnh nào sẽ mau thành Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác, lúc lâm chung chẳng sanh vào chỗ có tám nạn. Đức Phật dạy hành Bồ Tát hạnh phải lấy Nhẫn Nhục làm gốc, và giảng rõ Nhẫn Nhục gồm có bốn loại, cũng như hành bốn sự sẽ nhanh chóng thành Phật.
1   ...   93   94   95   96   97   98   99   100   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương