阿彌陀經疏鈔演義 Chủ giảng: Lão pháp sư Tịnh Không



tải về 12.87 Mb.
trang93/101
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích12.87 Mb.
#29814
1   ...   89   90   91   92   93   94   95   96   ...   101

Phần 47

Tập 93

Xin xem A Di Đà Kinh Sớ Sao Diễn Nghĩa Hội Bản, trang một trăm bảy mươi.


(Sao) Hựu ly tâm danh tự giác, ly sắc danh giác tha, câu ly danh giác mãn, diệc tam giác nghĩa.

() 又離心名自覺,離色名覺他,俱離名覺滿,亦三覺義。

(Sao: Lại nữa, lìa tâm là tự giác, lìa sắc là giác tha, đều lìa [sắc và tâm] là giác mãn, đây cũng là ba nghĩa của Giác).
Đây là giải thích chữ “Phật”, trong chữ này hàm chứa rất nhiều ý nghĩa. Câu này liên quan đến giáo nghĩa rất sâu, nếu chẳng có sự tu dưỡng kha khá đối với giáo nghĩa, e rằng nghe giảng sẽ chẳng dễ gì hiểu rõ cho lắm. Ở đây tôi dùng phương thức đơn giản nhất, để lại nói rõ cùng quý vị: Sắc là gì? Tâm là gì?

Nói đơn giản, Tâm là phân biệt, chấp trước, vọng tưởng. Lìa hết thảy phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, đấy là “tự giác”. Tôi giảng cách này dễ hiểu, chắc chắn chẳng trái phạm giáo nghĩa. Nếu giảng tâm ý thức theo giáo nghĩa, nói tới Duy Thức, giảng cả nửa ngày, mọi người nghe như đang kẹt trong mây mù cả năm dặm, chẳng hiểu rõ ràng! “Ly sắc” là gì? Sắc là cảnh giới bên ngoài, chẳng chấp tướng là lìa sắc, trọn chẳng phải là nói sắc tướng bên ngoài đều từ bỏ, đó là là chuyện chẳng thể nào được, làm không được, trong tâm chẳng chấp trước, tức là không bị sắc tướng bên ngoài nhiễm trước, đó gọi là lìa, là “giác tha”.

Vì sao gọi là giác tha? Chẳng chấp tướng, nói đơn giản là buông xuống, buông cảnh giới bên ngoài xuống: Tài, sắc, danh vọng, ăn uống, ngủ nghê, tiếng tăm, lợi dưỡng, thật sự có thể thấy thấu suốt, buông xuống, đó là “ly sắc”. Chư vị hãy suy nghĩ, nếu quý vị chẳng thật sự thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài, quý vị có buông xuống được chăng? Quý vị thấy thấu suốt sắc tướng bên ngoài là giác tha. Biết hết thảy vạn pháp giống như kinh Kim Cang đã dạy: “Phàm những gì có hình tướng đều là hư vọng”. Do vậy, quý vị mới buông xuống: “Hết thảy pháp hữu vi, như mộng, huyễn, bọt, bóng”, quý vị mới không đắm nhiễm chúng. Thật sự triệt để liễu giải tướng cảnh giới bên ngoài. Triệt để liễu giải sẽ nhất định chẳng chấp trước, nhất định buông xuống, đó là “giác tha”. Tự giác và giác tha thảy đều viên mãn, đó là “giác mãn”. Nghĩa Tam Giác ở chỗ này không khác với ý nghĩa trong phần trước cho lắm!

Có những kẻ tự giác, nhưng chẳng thể giác tha; có những kẻ giác tha, chẳng thể tự giác. Chẳng hạn như người Tiểu Thừa tự giác, nhưng chẳng thể giác tha. Bản thân người Tiểu Thừa thật sự chẳng có phân biệt, chấp trước, vọng tưởng, nhưng chẳng thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, đó là “có tự giác, thiếu giác tha”. Quyền Giáo Bồ Tát có giác tha, nhưng chẳng tự giác. Tuy họ thấy thấu suốt cảnh giới bên ngoài, nhưng trong tâm, phiền não, kiến giải vẫn chưa buông xuống được, tri kiến vẫn chưa buông xuống được. Đối với cảnh giới bên ngoài như tiếng tăm, lợi dưỡng, ngũ dục, lục trần, quả thật vị ấy hết sức coi nhạt, đã buông xuống, nhưng có một thứ thành kiến không buông xuống được, đó là chẳng tự giác. Hiện tượng này rất rõ rệt nơi những kẻ sơ học như chúng ta. Chúng ta lấy việc học Phật pháp để nói thì “tiên nhập vi chủ” (pháp nào được tiếp xúc đầu tiên sẽ là chánh yếu), chẳng buông xuống được, hết sức chấp trước, đó cũng là nghiệp chướng, chướng ngại thành tựu trong một đời!

Trong các buổi giảng, chúng tôi thường nhắc nhở các đồng tu, thời gian tốt đẹp chẳng nhiều, cuộc sống yên ổn, xã hội còn có thể sống bình an chẳng phải là chuyện dễ, nhất định phải khéo giữ vững, nhất là trong những năm gần đây, chúng ta thấy tình hình thế giới, lòng người quả thật có những dấu vết, điềm báo đại tai nạn sắp xảy ra; vì thế, chúng ta phải nỗ lực vượt bậc! Phải nỗ lực tiến theo phương hướng “tự giác, giác tha”, trong có thể buông phiền não xuống, ngoài tận lực giảm bớt thế duyên (duyên trong cõi đời); đó gọi là “tùy duyên, chẳng phan duyên”, nhiều thêm một chuyện chẳng bằng ít đi một chuyện, ít đi một chuyện chẳng bằng không có chuyện gì. Cũng có lẽ người khác thấy chúng ta rất tiêu cực, chuyện này chẳng sao cả! Họ nói ta tiêu cực, ta [cứ chấp nhận là ta] tiêu cực, khéo dùng thời gian này để niệm Phật. Đợi đến khi chúng ta niệm Phật tốt đẹp, tai nạn xảy tới, chúng ta có chỗ tốt đẹp để ra đi, chẳng bị tai nạn; khi ấy, họ mới biết chúng ta tiêu cực quả thật có rất nhiều điều tốt đẹp. Vì thế, đối với duyên thế gian phải tiêu cực, đối với niệm Phật phải tích cực.

Lại thưa cùng quý vị, đối với chuyện nghiên cứu kinh luận Đại Thừa, chúng ta đều phải tiêu cực, vì sao? Tuy kinh luận rất hay, nhưng quá nhiều! Chẳng kịp nữa, chúng ta thảy đều buông xuống. Chúng ta niệm kinh chỉ niệm kinh A Di Đà, hoặc chỉ niệm kinh Vô Lượng Thọ là được rồi, quý vị chẳng biết lợi ích do niệm kinh này! Quán Kinh dạy chúng ta “đọc tụng Đại Thừa”. Trong ba thứ phước báo như Quán Kinh đã giảng, điều thứ ba là “phát Bồ Đề tâm, tin sâu nhân quả, đọc tụng Đại Thừa, khuyến tấn hành giả”, đó là vô lượng vô biên phước báo. Đọc tụng Đại Thừa là đọc gì? Chính là đọc kinh Vô Lượng Thọ, đọc kinh Di Đà, hoặc đọc chú giải kinh Di Đà, đều được! Quý vị mỗi ngày niệm một tiếng, sẽ có lợi ích vô cùng to lớn, niệm một tiếng giống như đem bộ phim về Tây Phương Cực Lạc thế giới chiếu trong tâm quý vị một lần. Chiếu phim mỗi ngày, sau này, tâm của quý vị bất tri bất giác toàn là cảnh giới Tây Phương Cực Lạc thế giới, bất tri bất giác dưỡng thành. Kinh Lăng Nghiêm gọi sự dưỡng thành ấy là “ức Phật”, chúng ta thường tưởng Phật, miệng niệm Phật. “Ức Phật, niệm Phật, hiện tiền, đương lai, tất định kiến Phật” (nhớ Phật, niệm Phật, hiện tiền, tương lai, nhất định thấy Phật), đấy là công đức chẳng thể nghĩ bàn. Do vậy, kinh khác chẳng cần niệm, vì sao? Không còn kịp!

Tôi cảm thấy thời gian tốt đẹp, nay chúng ta ấn định thời gian, bảy năm, bảy năm nhất định có thể niệm đến công phu thành phiến, nhất tâm bất loạn. Nói cách khác, quyết định có thể tự tại vãng sanh. Khi vãng sanh chớ nên bị bệnh, giống như các vị đại đức xưa nay, đứng mất, ngồi tịch, ra đi trong lúc cười nói, tự tại lắm! Làm được chăng? Thưa quý vị, ai cũng đều làm được, chỉ sợ quý vị chẳng chịu làm. Có lẽ quý vị hoài nghi, rất nhiều người xuất gia niệm Phật cả đời, tới cuối cùng vẫn ngã bệnh, vẫn chết rất đau đớn, làm sao ta có thể ra đi tự tại được? Quý vị chẳng hiểu: Những vị xuất gia ấy niệm Phật suốt đời, nhưng trong lẫn ngoài đều chẳng buông xuống, cho nên họ mới bị bệnh, mới đau khổ. Quý vị thảy đều buông xuống, còn có gì đau khổ nữa? Chẳng có! Toàn bộ nghiệp chướng tiêu hết. Hễ có một chuyện chưa buông xuống, đó chính là nghiệp chướng, quý vị đáng chịu quả báo như thế nào vẫn phải chịu như vậy. Vì thế, buông xuống tốt đẹp lắm!
(Sao) Hựu vân trí giả, trí tức giác nghĩa, vô bất tri giả.

() 又云智者,智即覺義,無不知者。

(Sao: Lại dịch là “trí giả” (bậc trí), trí có nghĩa là giác, không gì chẳng biết).
Chữ “Phật” có nghĩa là “trí giả” (bậc trí), bậc giác ngộ, bậc trí huệ. “Trí tức giác nghĩa” (trí nghĩa là giác), Trí là Thể, Giác là Dụng. Nói cách khác, Chân Như bản tánh vốn trọn đủ vô lượng trí huệ, trí huệ khởi tác dụng thì gọi là Giác; đối với chính mình thì gọi là Tự Giác, đối với người khác gọi là Giác Tha, chuyện là như vậy đó. Nay tự tánh của chúng ta bị mê, thiếu trí huệ, biến trí huệ thành thông minh tài trí thế gian, trong Phật pháp gọi [sự thông minh ấy] là “thế trí biện thông”, tức là thông minh, trí huệ, biện tài thế gian. Sau khi mê, chân trí huệ (trí huệ chân thật) biến thành trí huệ thế tục, biến thành trí huệ thế gian. Trí huệ thế gian khởi tác dụng, chẳng tránh khỏi có phiền não, phân biệt, chấp trước, so sánh, theo khuôn mẫu ấy. Chẳng giống như trí huệ chân chánh của Như Lai và đại Bồ Tát, chẳng có phiền não, chẳng sanh phiền não.

“Vô bất tri giả” (không gì chẳng biết): “Bát Nhã vô tri, vô sở bất tri” (Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết). “Vô tri” là nói tới trí huệ chân chánh. Hiện thời, chúng ta hoàn toàn tương phản, chúng ta có biết; do có biết nên có cái chẳng biết, thua thiệt to! Trong hội Lăng Nghiêm, tôn giả Phú Lâu Na thỉnh giáo Thích Ca Mâu Ni Phật [vì sao] chúng sanh khởi lên vô minh, Ngài hỏi: “Do nguyên nhân gì mà vô minh sanh khởi?” Đức Phật giải thích tuyệt hay bằng bốn chữ “tri kiến lập tri, thị vô minh bổn” (từ tri kiến lập thêm một cái biết nữa, đó là gốc vô minh). Đấy là căn bản của vô minh, vô minh sanh ra như vậy đó. Câu này có nghĩa là gì? Trong vô tri, quý vị thành lập một cái “có biết”, có biết là trật rồi!

Có biết là vô minh, vô tri là bổn tánh; quý vị nghe tôi nói câu này, ngàn vạn phần chớ nên hiểu lầm, phải ghi nhớ lời này: “Vô tri là trí huệ”, được rồi, nay ta sẽ ngây ngốc, đó có phải là trí huệ hay chăng? Hiểu lầm mất rồi! Quý vị hoàn toàn hiểu lầm. Vô tri tuyệt đối chẳng phải là cảnh giới của phàm phu chúng ta, không chỉ chẳng phải là cảnh giới của phàm phu, mà nó cũng chẳng phải là cảnh giới của hàng Nhị Thừa hay Quyền Giáo Bồ Tát. Nói cách khác, chúng tôi ở đây nói chơi, quý vị cũng đang nghe chơi. Nếu muốn đạt đến cảnh giới ấy, tôi dạy quý vị một phương pháp: Thật thà niệm Phật, niệm tới Lý nhất tâm bất loạn, cảnh giới ấy sẽ hiện tiền. Lý nhất tâm là hàng Viên Giáo Bồ Tát từ Sơ Trụ trở lên, quý vị mới có thể thật sự chứng thực. Nếu không, quý vị trở về nhà, dấy lên vọng tưởng, dấy vọng tưởng cách nào cũng là vô minh, cũng là tà tri tà kiến. Kinh Bát Nhã dạy: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”, vô tri là bản thể của Bát Nhã; “không gì chẳng biết” là nó khởi tác dụng. Khi nó chẳng khởi tác dụng là vô tri; khi có tác dụng thì không gì chẳng biết.


(Sao) Trí Luận vân.

() 智論云。

(Sao: Trí Độ Luận nói).

Trí Luận” là Đại Trí Độ Luận, có mấy câu được trích lục ở đây.


(Sao) Tri nhất thiết chúng sanh số phi số, thường phi thường đẳng, thị trí vô bất tri, sở vị đắc Nhất Thiết Chủng Trí thị dã, tức giác mãn nghĩa dã.

() 知一切眾生數非數,常非常等,是智無不知,所謂得一切種智是也,即覺滿義也。

(Sao: Biết hết thảy chúng sanh có số lượng hay chẳng phải số lượng, thường hay chẳng thường v.v... đó là trí không gì chẳng biết, nói “đắc Nhất Thiết Chủng Trí” là nói về chuyện này, đấy là ý nghĩa Giác Mãn vậy).
“Tri nhất thiết chúng sanh số phi số” (Biết hết thảy chúng sanh có số lượng hay chẳng phải số lượng): “Số” () là số lượng, phạm vi bao hàm của chữ này vô cùng rộng rãi; nếu lấy con số để nói thì tận hư không trọn pháp giới sẽ là số lượng của chúng sanh. Ai biết chuyện này? Đức Phật biết, các vị đại Bồ Tát biết, vì sao? Các Ngài đã kiến tánh. Trong Chân Như bổn tánh có trí huệ bản năng, các Ngài chẳng cần phải tính toán, cũng chẳng cần phải suy nghĩ, giống như computer, quý vị nhấn nút một cái, con số liền hiện ra, kỳ diệu vô cùng, quả thật là như vậy. Chỉ cần người ta hỏi đến, lập tức đáp được con số, chẳng cần phải suy nghĩ, cũng chẳng cần quan sát, bản năng (năng lực sẵn có) trong tự tánh chẳng thể nghĩ bàn dường ấy!

Mặt khác, chữ “số” này cũng có thể hiểu là “số thuật” (thuật bói toán số mạng). Chúng sanh đang mê nên đều có số mạng; vì có số mạng, nên người có thể đoán mạng. Nếu không có số mạng, họ (các thầy tướng số) làm sao đoán được? Những gã thầy bói quả thật đã căn cứ trên Toán Học rất cao thâm, kinh Dịch nói về Toán Học. Hiện thời, đã phát hiện rất nhiều tinh cầu trong vũ trụ nhờ suy luận Toán Học. Vì thế, cuộc đời một cá nhân có số, đời đời kiếp kiếp đều thuộc trong số lượng. Đại vũ trụ cũng có số, đều có thể dự đoán được. Vì vậy, có nhiều tiên đoán từ mấy ngàn năm trước, tiên đoán rất chính xác. Vì sao có thể suy tính chính xác đến mấy ngàn năm như vậy? Do trong ấy có số lượng!



Ai có thể thoát khỏi số lượng? Trong sách Liễu Phàm Tứ Huấn, thiền sư Vân Cốc đã nói: “Người đại tu hành chẳng bị số lượng câu thúc”; quý vị tìm đến thầy tướng số, ông ta sẽ bói toán chẳng linh, đoán không chuẩn xác, vì sao? Người ấy đã vượt khỏi số lượng. Những kẻ thông thường đều bị vận mạng câu thúc, giống như ông Viên Liễu Phàm vậy. Tôi đọc Liễu Phàm Tứ Huấn, thấy Viên Liễu Phàm là một phàm phu tiêu chuẩn. Chúng ta là phàm phu, nhưng ngay cả tiêu chuẩn [của phàm phu] còn chưa đạt! Ông ta là phàm phu tiêu chuẩn; nhưng sau này, ông ta gặp thiền sư Vân Cốc, có thể sửa đổi vận mạng, sáng tạo vận mạng. Có thể thấy vận mạng là có, Phong Thủy cũng có, nhưng biến đổi [vận mạng] thì phải biến đổi từ cái tâm. Cảnh chuyển theo tâm, số cũng phải từ tâm mới có thể hóa giải. Do vậy, chữ Số này bao hàm rất nhiều nghĩa, hàm nghĩa cũng rất sâu.

“Thường phi thường đẳng”: Hết thảy các pháp, có pháp nào thường trụ? Pháp nào vô thường? Thí dụ như nói theo phía chúng sanh chúng ta, chân tánh của chúng ta là thường, hết thảy chúng sanh đều có Phật Tánh, Phật Tánh là thường. Nhục thể (cái thân xác thịt) này là vô thường, nhục thể có sanh, lão, bệnh, tử, thành, trụ, hoại, không, tinh thần của chúng ta là chân thường. Nói theo cách bây giờ thì là tinh thần và vật chất. Thân thể này là vật chất, có tụ, có tán, nhưng nói thật sự theo phương diện tinh thần thì chẳng đến, chẳng đi, trong Phật pháp gọi điều ấy là Phật Tánh, hoặc gọi là Bổn Tánh, hoặc gọi là Chân Tâm; trong kinh nói chung có đến mấy chục danh từ đều nhằm để nói về sự thật này. Do vậy, cái nào là thường? Cái nào là vô thường? “Đẳng” là từ ngữ tỉnh lược, [hàm ý] tiếp theo đó còn có nhiều thứ nữa, đều là nói về nguyên lý, nguyên tắc trong vũ trụ và nhân sinh.

“Thị trí vô bất tri” (là trí không gì chẳng biết), trí huệ khởi tác dụng, không gì chẳng biết, đó gọi là Nhất Thiết Chủng Trí (Sarvathā-jñāna). Nhất Thiết Chủng Trí là trí huệ của Như Lai, là trí huệ viên mãn. Nhất Thiết Trí (Sarva-jñāna) là biết Không; nó biết Thể, nhưng không biết Dụng, nên gọi là Nhất Thiết Trí. Đạo Chủng Trí là biết Dụng mà cũng biết Thể, đấy là trí huệ của Bồ Tát. Đạt tới Nhất Thiết Chủng Trí thì hai loại trí huệ này đều viên mãn, đó là trí huệ nơi quả địa của Như Lai. Gọi là Nhất Thiết Chủng Trí nhằm nói lên ý nghĩa “trí huệ viên mãn”.
(Sao) Thập hiệu giả, vạn đức Thế Tôn, cử mạc năng tận. Lược nhi ngôn chi, Như Lai chí Phật, cộng hữu thập hiệu. Thập hiệu chi trung, Phật đương kỳ nhất. Cụ tư thập đức, thế xuất thế gian chi sở tông chủ, cố danh Thế Tôn.

() 十號者,萬德世尊,舉莫能盡。略而言之,如來至佛,共有十號。十號之中,佛當其一。具茲十德,世出世間之所宗主,故名世尊。

(Sao: “Mười hiệu”: Thế Tôn có muôn đức nói chẳng thể hết. Nói đại lược, từ Như Lai tới Phật có tất cả mười hiệu. Trong mười hiệu, Phật là một hiệu trong số đó. Đầy đủ mười đức, là bậc được tôn sùng nhất trong cả thế gian lẫn xuất thế gian, nên gọi là Thế Tôn).
Như Lai “thập hiệu”, mười hiệu ấy là “thông xưng”, [tức là] bất luận vị Phật nào cũng đều có đủ mười hiệu ấy. Mười hiệu ấy được đặt ra dựa trên trí huệ và đức năng [nơi quả địa Như Lai]. Trong mười hiệu, ở đây chỉ nêu ra hai hiệu, nêu ra “Như Lai”“Phật”. Thập hiệu là Phật học thường thức, chúng tôi giảng đơn giản một lượt.

Thứ nhất là “Như Lai” (Tathāgata). Cũng có rất nhiều cách giải thích hai chữ Như Lai này. Cách giải thích thường thấy nhất là: “Kim Phật như đồng cổ Phật chi tái lai, giá khiếu Như Lai” (Phật hiện tại giống như cổ Phật trở lại, nên gọi là Như Lai). Trí huệ và đức năng của mỗi vị Phật đều giống như nhau, Phật hiện tại giống như cổ Phật tái lai, đây là hoàn toàn nói theo mặt Sự. Nói theo Lý thì như kinh Kim Cang đã giải thích rất hay: “Như Lai giả, vô sở tùng lai, diệc vô sở khứ” (Như Lai là không từ đâu đến, mà cũng chẳng đi về đâu). Điều này giống hệt như trong Bát Nhã và Trung Quán đã nói: “Bất lai, bất khứ” (Chẳng đến, chẳng đi). Đó là ý nghĩa của Như Lai. Còn có một cách giải thích khác, ý nghĩa hết sức hay: “Như Lai giả, chư pháp Như nghĩa” (Như Lai là nghĩa Như của các pháp). Đấy là giải thích vì sao Như Lai được gọi là Như Lai, nêu ra đạo lý và cảnh giới do chính Ngài đã đích thân chứng đắc: “Hết thảy các pháp đều Như”. Hết thảy các pháp là tướng, Như điều gì? Tánh giống như nhau, Tánh và Tướng như nhau, đó là Như Lai. Do vậy, nói “nghĩa Như của các pháp”; nhưng nói theo kiểu này, các đồng tu chắc là rất khó thông hiểu. Chúng tôi lấy chuyện nằm mộng làm tỷ dụ. Nằm mộng, bỗng nhiên quý vị thức giấc, hãy suy nghĩ toàn bộ mộng cảnh, mộng cảnh là các pháp, cái tâm có thể biến hiện mộng cảnh ví như tự tánh. Quý vị nghĩ xem: Tất cả cảnh giới trong mộng có phải đều do cái tâm của quý vị biến hiện hay không? Nếu quý vị giác ngộ, tất cả cảnh giới trong mộng đều là tâm ta! Tâm là mộng cảnh, mộng cảnh là tâm. “Ngoài tâm không mộng, ngoài mộng không tâm”, tâm và mộng như nhau; đấy là nghĩa Như của các pháp.

Từ chỗ này, quý vị hãy suy nghĩ, sâm la vạn tượng trong tận hư không khắp pháp giới hiện thời đều là Tướng Phần được hiện bởi Chân Như bổn tánh của chúng ta. Quý vị nói “minh tâm kiến tánh”, tánh ở đâu vậy? Chẳng có một pháp nào chẳng phải là tánh! Giống như chúng ta nằm mộng, bỗng nhiên trong mộng nghĩ “tâm ở nơi đâu?” Chẳng có pháp nào trong mộng chẳng phải là tâm! Toàn là tự tánh của quý vị! Vì thế, kinh thường dạy: “Toàn bộ vọng chính là chân, toàn bộ chân chính là vọng”, chân là gì? Cái tâm có thể biến (năng biến tâm). Vọng là mộng cảnh được biến hiện [bởi tâm]. Chân và vọng là một, chẳng hai! Hiểu rõ sự thật này, chân - vọng chẳng hai, tánh - tướng như một. Đấy là lời giải thích “nghĩa Như của các pháp” trong kinh Kim Cang. Quý vị đạt tới cảnh giới này, có thể gọi là Như Lai. Vì thế, đức hiệu Như Lai được thành lập từ chỗ này. Chúng ta chưa đạt tới cảnh giới này, chẳng thể xưng là Như Lai; đạt tới cảnh giới này bèn gọi là Như Lai. Gọi Như Lai là đã chứng đắc Pháp Thân. Pháp Thân là bản thân của hết thảy các pháp, giống như mộng cảnh vừa mới được nhắc tới, bỗng nhiên nhận biết ta đang nằm mộng, tất cả hết thảy các cảnh giới trong mộng đều là chính mình, thân thể của chính quý vị trong mộng là chính mình, người khác trong giấc mộng vẫn là chính mình, do chính cái tâm của quý vị biến hiện, chẳng phải do người từ bên ngoài bước vào mộng cảnh, chẳng có chuyện ấy! Núi, sông, đại địa trong mộng vẫn là chính mình, không có gì chẳng phải là chính mình, mới biết tận hư không khắp pháp giới thảy đều là chính mình, đó gọi là “chứng đắc thanh tịnh Pháp Thân”, thừa nhận hết thảy các pháp quả thật là chính mình. Nhục thân của chúng ta có sanh, có diệt, Pháp Thân bất sanh, bất diệt. Không chỉ tinh thần bất diệt, mà vật chất bất diệt, Pháp Thân bất sanh, bất diệt. Nếu quý vị nghe hiểu những lời này, lãnh hội cặn kẽ, tuy chưa thể chứng đắc Pháp Thân, ít nhiều quý vị đã có khái niệm về Pháp Thân. Đấy là ý nghĩa của hai chữ Như Lai.

Đức hiệu thứ hai là “Ứng Cúng” (Arhat), [nghĩa là] đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường. Vì sao đáng nên tiếp nhận đại chúng cúng dường? Phật là vô thượng phước điền của hết thảy chúng sanh, chúng ta tới đâu để gieo phước? Cúng dường Phật có phước báo lớn nhất. Hiện tại, Phật chẳng còn trụ thế, chúng ta muốn tu phước thì làm sao? Chúng ta tới đâu cúng dường? Cúng dường những pháp sư xuất gia! Pháp sư xuất gia cố nhiên có người là đệ tử Phật chân chánh, mà cũng có yêu ma, quỷ quái. Nếu quý vị cúng dường sai, giống như quý vị gieo hạt giống trên đá, hoặc gieo trên cát, không chỉ chẳng sanh mầm, mà ngay cả hạt giống gieo xuống ấy cũng bị hư hoại. Do vậy, gieo phước điền chẳng dễ dàng. Nhưng tôi bảo quý vị: Tuy Phật chẳng tại thế, xá-lợi Pháp Thân Phật vẫn tồn tại trên thế gian, quý vị cúng dường xá-lợi Pháp Thân giống như cúng dường Phật chẳng hai, chẳng khác; xá-lợi Pháp Thân là gì? Kinh điển! Quý vị cúng dường kinh điển. Cúng dường bằng cách nào? Quý vị đọc tụng kinh điển mỗi ngày. Trong quá khứ, người ta chép kinh, nay chúng ta in kinh, đấy là cúng dường Phật, khiến cho xá-lợi Pháp Thân của Ngài thường trụ thế gian, vĩnh viễn chẳng bị hủy diệt. Nhất là kinh Di Đà, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ là cùng một bộ, một kinh là Đại Bổn, kinh kia gọi là Tiểu Bổn, nói kinh Vô Lượng Thọ hay nói kinh Di Đà hoàn toàn giống nhau. Trong Pháp Diệt Tận Kinh, đức Phật đã nói: Trong tương lai, Phật pháp sẽ diệt tận, kinh diệt đầu tiên là kinh Lăng Nghiêm, kinh diệt cuối cùng là kinh Di Đà. Tất cả hết thảy các kinh đều diệt sạch, kinh Di Đà và kinh Vô Lượng Thọ vẫn còn trên thế gian một trăm năm; bởi lẽ, kinh này thật sự là “tam căn phổ bị, lợi độn toàn thâu” (thích hợp khắp ba căn, gồm thâu lợi căn lẫn độn căn). Người chẳng gặp được những kinh ấy là kẻ thiếu phước; người gặp được kinh điển, y giáo tu hành, không ai chẳng thành tựu trong một đời! Do vậy, nói: Phật pháp thành tựu trong một đời, chỉ có pháp môn này; chúng ta đọc tụng, hoằng dương, lưu thông kinh điển này chính là cúng dường đức Phật. Do vậy, danh hiệu thứ hai là Ứng Cúng, Phật là phước điền chân thật của chúng sanh trong chín pháp giới.

Đức hiệu thứ ba là “Chánh Biến Tri” (Samyak-sambuddha), danh hiệu này được kiến lập theo trí huệ và đức năng của Phật. Ngài là bậc toàn trí toàn năng, không gì chẳng biết, không gì chẳng thể. Những gì Ngài biết nhất định là chính xác, chẳng sai lầm; vì vậy, gọi là Chánh Tri. Biến Tri là không chuyện gì Ngài chẳng biết, biết trọn khắp. [Gộp hai ý nghĩa Chánh Tri và Biến Tri lại] nên gọi là Chánh Biến Tri.

Danh hiệu thứ tư là “Minh Hành Túc” (Vidyā-carana-sampanna). Minh là “minh” () trong “quang minh”, Hành () là “hành” trong “tu hành”, Túc là “túc” trong “mãn túc” (滿足: trọn đủ). Đức hiệu này được kiến lập dựa trên thần thông của Phật. A La Hán có sáu thứ thần thông; tuy có sáu món thần thông, nhưng năng lực hữu hạn. Chẳng hạn như nói đến Túc Mạng Thông thì A La Hán chỉ biết tới năm trăm đời, biết năm trăm đời quá khứ, nhưng hơn năm trăm đời sẽ chẳng biết.

Túc Mạng Thông (Pūrvanivāsānusmrti-jñāna) của Phật chẳng có hạn lượng, vô lượng, vô biên. Đây là nêu một thí dụ để nói. Nơi Phật chẳng gọi là Lục Thông, mà đổi tên, gọi là Tam Minh (Tri-vidya), tức là ba thứ quang minh. Không gọi là “thần thông”, Minh cao minh hơn thần thông rất nhiều. Trọn đủ Tam Minh: Thiên Nhãn Minh, Túc Mạng Minh, Lậu Tận Minh. Đây cũng là năng lực của Ngài; “thần thông” nói thật ra là “có năng lực”. Chánh Biến Tri trong phần trước là nói về trí huệ, trí huệ lẫn năng lực đều viên mãn, chẳng có mảy may khiếm khuyết, nên gọi là Minh Hạnh Túc.

Thứ năm là “Thiện Thệ” (Sugata), có nghĩa là “bất tái lai” (chẳng trở lại); “bất tái lai” là chẳng thoái chuyển. Ngài đã thành Phật, chắc chắn chẳng đọa xuống hàng Bồ Tát, tuyệt đối chẳng lại đọa làm phàm phu. Nếu nói “chẳng trở lại” nghĩa là thành Phật sẽ không trở vào nhân gian thì cách nói như vậy chẳng thông! Phật thường thị hiện trong nhân gian, Ngài có đến; đó gọi là “đảo giá Từ hàng” (thả chiếc bè Từ). Cổ nhân giải thích Thiện Thệ là “bất hoàn lai” (chẳng trở lại), trên thực tế là nói Ngài chẳng thoái chuyển, sẽ không rớt xuống địa vị phàm phu. Ngài vào trong cõi phàm, tùy loại hóa thân, giống như Quán Âm Bồ Tát “nên dùng thân gì để đắc độ, bèn hiện thân ấy”. Tuy hiện thân ấy, trên thực tế vẫn là Phật, trọn chẳng thật sự đọa lạc trong thân ấy. Vì vậy, Ngài đến nhân gian thị hiện thân người, chắc chắn chẳng thật sự biến thành người, chẳng có, vẫn là Phật, bất quá hiện hình dáng con người để hòa quang đồng trần, nhằm giúp đỡ chúng ta mà thôi, tuyệt đối chẳng lui sụt. Đó là Thiện Thệ.

Thứ sáu là “Thế Gian Giải” (Lokavid), Giải () là lý giải. Hết thảy các pháp thế gian Ngài hoàn toàn thông đạt, chẳng có chuyện gì không biết. Pháp thế gian và xuất thế gian thảy đều thông đạt, đó là Thế Gian Giải. Hoằng pháp lợi sanh, quả thật chẳng phải là chuyện dễ dàng. Thuở ấy, tôi theo học Giáo với thầy Lý, thầy Lý dặn đi, dặn lại, dặn dò chúng tôi nhất định phải thông đạt pháp thế gian, nhưng học Phật phải luôn lấy Phật pháp làm chánh. Thầy đặc biệt nhắc nhở chúng tôi nhất định phải hiểu pháp thế gian. Không hiểu pháp thế gian, chỉ thông hiểu Phật pháp, sẽ chẳng thể độ chúng sanh, vì quý vị và người thế gian chẳng hợp nhau. Thông hiểu pháp thế gian mà chẳng thông hiểu Phật pháp, cũng chẳng thể độ chúng sanh; nếu muốn phát tâm độ chúng sanh, sẽ chẳng dễ dàng! Pháp thế gian lẫn xuất thế gian đều phải thông đạt, chuyện này khó lắm. Pháp thế gian, chúng ta không cần bàn tới những kiến thức khoa học kỹ thuật mới mẻ hiện thời, chúng ta chẳng bàn đến những thứ ấy, vì quá nhiều, mà chỉ nói đến kiến thức xưa kia. Tứ Khố Toàn Thư là thứ cổ xưa của Trung Quốc, quý vị có thể thông đạt trong một đời này hay không? Pháp thế gian, chẳng tính tới khoa học kỹ thuật hiện đại, những thứ mới mẻ hiện thời không kể đến, chỉ tính những thứ xưa cũ, đã khó rồi! Còn Phật pháp thì sao? Tam Tạng kinh điển. Có thể thấy chuyện này khó lắm, thật sự là khó! Do vậy, phát tâm dễ, muốn thật sự làm được chẳng dễ dàng, nhưng chúng ta vẫn phải tận tâm tận lực gắng gượng thực hiện!

Trong pháp thế gian, thầy Lý chọn lựa cho các học trò, thứ nhất là Tứ Thư phải đọc, thứ hai là cổ văn, đọc Cổ Văn Quán Chỉ338, thứ ba là Ngự Phê Thông Giám Tập Lãm339, đấy là lịch sử, phải biết giáo huấn lịch sử trong quá khứ, thứ tư là Ngũ Chủng Di Quy340 là sách dạy cách tu thân, đây là pháp thế gian thầy quy định chúng tôi phải đọc. Nay chúng tôi thấy nhiều người phát tâm gần như tốt đẹp mọi lẽ, nhưng chẳng hiểu đạo lý xử thế, không hiểu lễ tiết, cử chỉ, lời lẽ, hành vi thường gây mất lòng người khác, làm sao có thể hoằng pháp cho được? Dẫu quý vị thông hiểu Phật pháp cách mấy cũng chẳng được, không biết cách xử sự! Có rất nhiều người thật sự tu hành khá lắm, nhưng đối với pháp thế gian là một tờ giấy trắng tinh, điều gì cũng không biết. Vì thế, đối xử với kẻ khác đúng là dở khóc dở cười, người ấy có cố ý hay không? Chắc chắn là vô ý! Do chưa từng học, nên chẳng hiểu đạo lý đãi người xử thế. Vì vậy, pháp thế gian và xuất thế gian đều phải thông đạt. Đối với hết thảy các pháp thế gian, đức Phật chẳng có gì không thông đạt, cho nên gọi là Thế Gian Giải. Chẳng thông đạt pháp thế gian, chắc chắn chẳng thể độ chúng sanh, lời nói, việc làm, cử chỉ của chính mình khiến chúng sanh cảm thấy ngán ngẩm, dẫu đức hạnh cao tới đâu đi nữa, ngay cả chuyện làm người mà quý vị quá tệ thì còn nói gì được nữa? Do vậy, chúng ta phải lưu ý điều này. Tôi kính khuyên quý vị: Đối với sách vở thế gian, nhất định phải đọc Ngũ Chủng Di Quy. Cuốn này do cư sĩ Trần Hoằng Mưu biên soạn vào đời Thanh, biên soạn vô cùng hay, đây là “học Lễ” như thường nói: “Nhân vô lễ, tắc bất lập” (con người vô lễ chẳng thể thành tựu), không có cách nào chen chân trong xã hội, nhất định phải hiểu lễ tiết!

Thứ bảy là “Vô Thượng Sĩ” (Anuttara). Sĩ () là danh từ tôn xưng của Trung Quốc đối người đọc sách. Trong những người đọc sách, Phật là chí cao vô thượng, cho nên gọi Ngài là Vô Thượng Sĩ. Nếu nói tới học vị, không có ai cao hơn Phật, Ngài có học vị tối cao, nên gọi là Vô Thượng Sĩ.

Đức hiệu thứ tám là “Điều Ngự Trượng Phu” (Purusadamyasārathi). Người Trung Quốc thường nói tới “đại trượng phu”; “đại trượng phu” và “đại anh hùng” đều nhằm tôn xưng những người kiệt xuất xưa kia. Gọi là “kiệt xuất” tức là người khác chẳng làm được, nhưng người ấy có thể thực hiện, khi ấy, mới gọi là “anh hùng” hoặc “đại trượng phu”. Phật xưng là Điều Ngự Trượng Phu: Điều Ngự là đối với chúng sanh mà nói, trong tâm chúng sanh có phiền não, Phật có cách khuất phục, hóa giải phiền não của quý vị. Quý vị lạc phương hướng, chệch đường lối, Ngài có cách dẫn dắt quý vị đi vào con đường chánh đáng, đó là ý nghĩa của chữ Điều Ngự. Nghĩa gốc của Điều Ngự (調御) là đánh xe, trước đây đánh xe ngựa, xe kéo bằng ngựa [nên người đánh xe phải] khống chế (điều khiển) ngựa, Điều Ngự mang ý nghĩa này. Quả thật, đức Phật có năng lực ấy.

Đức Phật chẳng còn tại thế, nhưng kinh điển cũng có năng lực này, vì sao chúng ta chẳng đạt được lợi ích? Ở đây, có hai nhân tố: Thứ nhất là Phiền Não Chướng nặng nề, chẳng chịu tiếp nhận; thứ hai là chấp trước kiên cố, có thành kiến, bài xích Phật pháp, như vậy là chẳng có cách nào hết! Chẳng phải là Phật không thể lợi ích chúng ta, mà vì bản thân chúng ta có tánh chống đối ở trong ấy. Chúng ta bài xích Phật pháp, nên chẳng đạt được lợi ích. Trong hết thảy các kinh, chư vị phải biết: Tuyệt đối chẳng phải vì chúng ta học Tịnh Độ bèn đặc biệt ca ngợi Tịnh Độ, coi nhẹ các pháp môn khác, chẳng phải vậy! Nếu có quan niệm ấy, chúng ta sẽ chẳng đạt được nhất tâm trong Tịnh Độ; tuy có thể vãng sanh, nhưng phẩm vị chẳng cao lắm!

Pháp môn bình đẳng, không hai, không khác. Tuy pháp môn bình đẳng, lũ chúng sanh chúng ta nghiệp chướng bất bình đẳng, căn tánh bất bình đẳng, tri kiến bất bình đẳng! Vì thế, có pháp môn học dễ dàng, có pháp môn học khó khăn, có pháp môn chúng ta có thể đạt được lợi ích viên mãn rốt ráo, có pháp môn chúng ta học chỉ đạt được một ít phần lợi ích. Chỉ cần là Phật pháp chắc chắn đạt được lợi ích, nhưng quý vị đạt được [lợi ích] nhiều ít khác nhau! Các đại đức xưa nay, trong ngoài nước đều công nhận pháp môn “trì danh niệm Phật” của kinh Di Đà là lợi ích viên mãn rốt ráo, ai nấy đều có thể niệm, ai cũng có thể hành, vấn đề là chính quý vị có chịu tu tập hay không? Nếu quý vị chịu tin tưởng, chịu niệm, chịu hành, quý vị sẽ thành Phật trong một đời này.

Lần này, chúng tôi đọc bản chú giải của cư sĩ Hoàng Niệm Tổ, thấy đối với căn cơ của pháp môn này, cụ có nói một điều hết sức có lý! Pháp môn Niệm Phật nhằm tiếp độ người căn cơ thượng thượng. Điều này chẳng thể nghĩ bàn! Tiếp độ căn cơ thượng thượng, chúng ta suy nghĩ cặn kẽ, chẳng sai! Những ai là bậc thượng thượng? Bà cụ già căn cơ thượng thượng! Trong tâm bà ta chẳng có vọng tưởng gì, tri kiến gì cũng chẳng có, suốt ngày từ sáng đến tối niệm A Di Đà Phật là đủ rồi, điều gì cũng chẳng cần tới, đó là bậc thượng thượng thừa! Kẻ trung hạ vẫn còn hoài nghi, vẫn muốn làm chuyện này, chuyện nọ, khiến cho chính mình bị lầm lạc. Chúng ta thấy kẻ chẳng hiểu biết gì niệm ba năm, bèn đứng mất, ngồi mất, cười rồi ra đi, chẳng bị bệnh khổ, biết trước lúc mất, đấy chẳng phải là bậc thượng thượng thừa thì còn ai đáng gọi là bậc thượng thượng thừa? Chúng ta tưởng chính mình là bậc thượng thượng thừa, Phật, Bồ Tát thấy chúng ta là kẻ căn cơ hạ hạ, chẳng có cách nào hết! Do vậy, chúng ta ngàn vạn phần đừng coi thường các bà cụ già, chúng ta chẳng thể sánh bằng họ. Họ khăng khăng một câu Phật hiệu, ý niệm gì cũng đều chẳng có! Chúng ta niệm Phật hiệu, nhưng vẫn đọc kinh này, nghiên cứu kinh kia, vẫn mong hiểu nhiều hơn thứ này, thứ nọ, toàn bộ đều là xen tạp vọng tưởng, chẳng thuần như người ta! Thật sự thật thà niệm Phật, chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi, đấy là bậc thượng thượng thừa. Có thể làm được chín chữ ấy (chẳng gián đoạn, chẳng xen tạp, chẳng hoài nghi), chẳng có ai ba năm không thành Phật!

Nói “pháp môn thành Phật” thì thành Phật thật sự chẳng khó, ba năm quyết định thành công. Cho tới lúc ấy, trí huệ mở mang, hết thảy các pháp thế gian và xuất thế gian đều thông đạt. Chúng ta học, dẫu học ba mươi năm, hay ba trăm năm, vẫn là học ngoài da, vẫn là dùng chẳng được, không bằng người ta một câu A Di Đà Phật, đấy mới thật sự là tu từ căn bản, chẳng làm chuyện cành nhánh! Nhà Thiền nói tới căn bản, trong Tịnh Độ nói một câu A Di Đà Phật, căn bản ấy là căn bản viên mãn rốt ráo, nhà Thiền chẳng thể sánh bằng! Thiền chưa chắc ba năm đã có thể khai ngộ, niệm Phật ba năm nhất định có thể thành Phật, chẳng thể sánh tầy! Vì thế, chẳng phải là đức Phật không thể điều ngự, mà do chúng ta không chịu tiếp nhận; đây là nói đến thiện căn, phước đức, nhân duyên.

Tôi nhìn thính chúng trong giảng đường, cũng rất cảm khái, có nhiều người nghe tôi giảng kinh trong quá khứ, hiện thời không đến, tôi thấy hiện thời có rất nhiều gương mặt mới. Tôi cảm khái ở chỗ nào? Những người đó phước báo không lớn lắm, giải hạnh của bản thân tôi mỗi năm đều có tiến bộ, trong quá khứ họ nghe, [giải hạnh của tôi khi ấy] chỉ cao chừng đó, hiện tại tôi cao ngần này, họ nghe không được, họ chỉ có tư cách nghe cao đến mức đó, lên một bậc nữa, họ không thể nghe được, hết sức đáng tiếc! Do vậy, càng nghe về sau, phước báo càng lớn! Cũng có một số ít trước đây đã đến nghe, quý vị hãy lắng lòng hồi tưởng, cảnh giới tôi giảng mỗi năm khác nhau, khác hẳn! Vì thế, tôi mượn người ta rất nhiều băng thâu âm lời tôi đã giảng để nghe lại, sau khi nghe xong, tôi đều lắc đầu, vì sao? Không có một cuốn băng nào khiến tôi hài lòng, thảy đều không được. Nếu là tôi, tôi sẽ thiêu sạch toàn bộ! Ngày hôm nay giảng cho quý vị nghe, tới hôm sau lại chẳng vừa ý. Do vậy, điều khẩn yếu là phải niệm một câu Phật hiệu cho tốt đẹp thì hết thảy chúng ta đều thành tựu.

Danh hiệu thứ chín là “Thiên Nhân Sư” (Śāstā Deva-manuśyānām), đây là nói theo thân phận xuất hiện của đức Phật. Phật là đạo sư của cõi trời và nhân gian, nên chúng ta gọi Ngài là Thiên Nhân Sư. Do Phật pháp là sự giáo dục của đức Phật, chúng ta gọi Ngài là Thầy. Chúng ta chẳng gọi Ngài là thần, không xưng tụng Ngài là thần minh chí cao vô thượng, không gọi Ngài như vậy! Không gọi Ngài là Thượng Đế, chúng ta gọi Ngài là Thiên Nhân Sư. Ngài là thầy của chúng ta, bản chất của Phật giáo đã được bày tỏ [qua đức hiệu này]!

Đức hiệu thứ mười là “Phật” (Buddha), tam giác viên mãn, nên gọi là Phật. Đầy đủ mười đức hiệu này nên gọi là “Thế Tôn” (Loka-natha, Bhagavat), Thế Tôn là tổng xưng (danh xưng chung), trong thế gian chẳng có ai tôn quý bằng!
(Sao) Thập nghĩa giả.

() 十義者。

(Sao: Mười nghĩa là...)
Thập nghĩa Phật là như Phật Địa Luận đã giảng.
(Sao) Cụ nhị trí, đoạn nhị chướng, giác nhị đế, đắc tự tha nhị lợi, như “mộng giác, hoa khai” nhị dụ, hợp chi vi thập nghĩa dã.

() 具二智,斷二障,覺二諦,得自他二利,如夢覺華開二喻,合之為十義也。

(Sao: Đầy đủ hai trí, đoạn hai chướng, giác hai đế, đắc hai thứ lợi ích là tự lợi và lợi tha, lập ra hai thứ thí dụ là “như tỉnh mộng” và “hoa nở”, hợp lại thành mười nghĩa).
Mười ý nghĩa này có thể nói đều là nêu ra cương lãnh. Thứ nhất là trọn đủ “nhị trí”, tức là Căn Bản Trí và Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí (Mūlajñāna) còn gọi là Thật Trí, tức trí huệ chân thật. Hậu Đắc Trí (Prstha-labdha-jñāna) còn gọi là Quyền Trí, tức vận dụng quyền xảo (quyền biến, khéo léo). Chúng ta dùng tỷ dụ để nói thì như trong kinh đã dạy: “Bát Nhã vô tri, không gì chẳng biết”, vô tri là Căn Bản Trí, “không gì chẳng biết” là Hậu Đắc Trí. Căn Bản Trí không cần phải học, nó là thứ chính quý vị vốn có. Nói cách khác, nó là chiếu dụng (tác dụng chiếu soi) của tâm thanh tịnh, Tâm Kinh nói: “Chiếu kiến Ngũ Uẩn giai không”. Tâm thanh tịnh, nó sẽ tự nhiên chiếu, giống như nước, nếu khi nước thanh tịnh, chẳng cuộn sóng, sẽ tự nhiên soi chiếu cảnh giới bên ngoài, soi bóng rõ rệt, đó là Căn Bản Trí. Quyền Trí nhằm ứng phó chúng sanh, nên gọi là Hậu Đắc Trí. Hậu Đắc Trí cần phải học, nhưng Căn Bản Trí chẳng cần học. Vì sao Bồ Tát phải giáo hóa chúng sanh? Chẳng giáo hóa chúng sanh, trí huệ chẳng thể viên mãn ư? Chẳng thể viên mãn! Ắt phải giáo hóa chúng sanh, dạy dỗ khá lâu, vì quý vị tiếp xúc chúng sanh thì mới hiểu vô lượng vô biên tập khí, vô lượng vô biên phiền não của chúng sanh, thảy đều hiểu được. Quý vị hiểu được, sẽ có trí huệ để đối trị, chỉ dạy họ, trí huệ ấy được gọi là Hậu Đắc Trí.

Chúng ta nêu tỷ dụ để nói, như Thiền Tông Lục Tổ đại sư, sau khi Ngài minh tâm kiến tánh, đắc Căn Bản Trí, Ngài có biết kinh Niết Bàn hay chăng? Không biết, phải có người đem kinh Niết Bàn đọc một lần, nhưng [nghe xong] Ngài hoàn toàn biết. Người ta chẳng đọc một lần, Ngài chẳng biết. Ngài cũng chẳng biết kinh Pháp Hoa, bảo thiền sư Pháp Đạt niệm kinh Pháp Hoa một lượt, Ngài liền biết, hiểu rõ! Pháp thế gian và xuất thế gian, có thể nói là điều gì Ngài cũng đều không biết, nhưng hễ tiếp xúc liền biết, vừa thấy liền hiểu, vừa nghe liền hiểu; đó là Hậu Đắc Trí. Do vậy, nếu Ngài chẳng giáo hóa chúng sanh, chẳng đi tham học, Hậu Đắc Trí sẽ chẳng thể viên mãn. Thiện Tài đồng tử tham học năm mươi ba lần cũng do đạo lý này, Ngài phải viên mãn điều gì? Viên mãn Hậu Đắc Trí, chẳng phải là viên mãn Căn Bản Trí; không có năm mươi ba lần tham học, Hậu Đắc Trí sẽ chẳng viên mãn. Do vậy, Bồ Tát phải phát nguyện phổ độ hết thảy chúng sanh, đối với người khác có lợi ích, đối với chính mình có lợi ích, thành tựu viên mãn Hậu Đắc Trí của chính mình. “Cụ nhị trí” chính là hai thứ trí huệ ấy, Ngài đều trọn đủ!



“Đoạn nhị chướng”. Nhị chướng là Phiền Não Chướng (Kleśāvarana) và Sở Tri Chướng (Jñeyāvarana). Đoạn Phiền Não Chướng bèn khôi phục tâm thanh tịnh, đây là chướng ngại lớn nhất. Chúng ta niệm Phật, nghĩ đến tâm thanh tịnh, mong tâm địa thanh tịnh, nghĩ đến công phu thành phiến, thành phiến sẽ vãng sanh. Trong công phu thành phiến có chín phẩm, ba phẩm thượng của công phu thành phiến sẽ sanh tử tự tại, muốn vãng sanh khi nào sẽ có thể vãng sanh khi ấy, muốn ở lại thêm mấy năm cũng chẳng trở ngại gì. Ba phẩm thượng của công phu thành phiến có năng lực này. Do vậy, mỗi cá nhân chúng ta đều có hy vọng. Nếu nói nhất tâm bất loạn mới có năng lực [vãng sanh tự tại] thì chúng ta chẳng có hy vọng gì, công phu thành phiến đã có năng lực này, chúng ta ai nấy đều có hy vọng, vì sao? Chúng ta đích xác có thể làm được. Bao lâu? Nghiêm túc thực hiện thì ba năm chắc chắn đạt được, có lẽ còn chưa cần tới ba năm, quyết định có thể làm được!

Bình thường đãi người tiếp vật phải thường đề cao cảnh giác, học điều gì? Học giảm nhẹ phiền não, quyết định chớ nên tăng trưởng tham, sân, si, mạn, phải thấy thấu suốt chúng, phải nhạt bớt chúng, chớ nên so đo. Oan gia đối đầu, ta không mong thấy kẻ ấy, nhìn thấy kẻ ấy đi tới bèn tránh sang bên cạnh, đó chẳng phải là tu hành. Người tu hành thì như thế nào? Lúc gặp oan gia đối đầu, ta ngồi với kẻ ấy cùng một chỗ, ta cũng chẳng cần phải bỏ đi, tốt nhất là huấn luyện chính mình trong khi ấy, [xét xem] tâm sân khuể của ta có giảm nhẹ hay không? Không có kẻ oan gia đối đầu ấy, ta làm sao có thể đoạn được cái tâm sân khuể? Chẳng có kẻ ta rất ưa thích, làm sao đoạn được tham ái? Tùy duyên, chẳng phan duyên, chẳng tìm kiếm! [Nghe nói] ta phải đoạn tâm sân khuể, bèn đi kiếm kẻ oan gia đối đầu, trật rồi! Đó là phan duyên. Chạm mặt, cũng chẳng cần tránh né, không chạm mặt, cũng chẳng cần phải đi tìm. Từ đầu đến cuối giữ gìn cái tâm bình thường, giữ gìn cái tâm thanh tịnh, tâm chúng ta mới trong sạch. Đó gọi là “bất tương, bất nghênh” (chẳng săn đón), tùy duyên, chẳng phan duyên, đoạn phiền não trong cảnh giới.

Công phu thật sự sẽ hiện trong cảnh giới. Không có cảnh giới, làm sao biết được công phu của chính mình? Kinh Kim Cang nêu thí dụ: Nhẫn Nhục tiên nhân tu Nhẫn Nhục Ba La Mật, gặp Ca Lợi Vương (Kalingarāja) cắt xẻo thân thể, Ngài viên mãn Nhẫn Nhục Ba La Mật, thật sự khảo nghiệm, chịu nổi khảo nghiệm, nên Nhẫn Nhục Độ viên mãn. Vì vậy, nhất định phải xét nghiệm công phu của chính mình trong cảnh giới, xem công phu của chúng ta đã thành phiến hay chưa? Tâm thanh tịnh có hiện tiền hay chưa? Đã đạt đến nhất tâm bất loạn hay chưa?

Loại thứ hai là Sở Tri Chướng, bản thân phiền não là chướng ngại, nhưng bản thân của sự hiểu biết (Sở Tri) chẳng phải là chướng ngại, vì đức Phật là Chánh Biến Tri, làm sao là chướng ngại cho được? Không gì chẳng biết! Chúng ta cũng giống như Phật, cũng là không gì chẳng biết, nhưng hiện thời chúng ta thật sự cái gì cũng không biết. Cái gì cũng đều không biết, nhất định là có chướng ngại ngăn trở trí huệ của chúng ta. Chúng ta gọi chướng ngại ấy là Sở Tri Chướng, phải đoạn điều ấy! Nếu muốn đoạn Sở Tri Chướng, làm như thế nào? Trong kinh, đức Phật đã dạy chúng ta một phương pháp, học rộng nghe nhiều để phá Sở Tri Chướng; năm mươi ba lần tham học của Thiện Tài đồng tử nhằm phá Sở Tri Chướng, viên mãn Hậu Đắc Trí.

Nhưng trong hiện tiền, tôi phải nhắc nhở các đồng tu, chúng ta có cần học rộng nghe nhiều hay chăng? Quý vị học rộng nghe nhiều, Sở Tri Chướng chẳng khử được. Không chỉ chẳng trừ khử được, mà còn tăng thêm, tuyệt đối là tăng trưởng tà tri tà kiến, chuyện này phiền lắm. Do vậy, quý vị theo học một vị thầy, đi theo một con đường, hai vị thầy là hai con đường, ba vị thầy là ba con đường, về sau, chẳng biết đi theo đường nào mới nên! Chẳng có cách nào cả! Vì thế, trong hiện tại cũng có mấy vị cư sĩ tìm tôi, mong tôi bồi dưỡng mấy nhân tài; hiện thời, nhân tài hoằng pháp lợi sanh quá ít, tôi bảo họ tôi chưa hề có ý nghĩ ấy, nguyên nhân do đâu? Tìm chẳng được học trò. [Họ nói]: “Học trò rất nhiều”, đâu có chuyện ấy! Kiếm đâu ra một đứa học trò phục tùng thầy một trăm phần trăm! Một người còn tìm chưa ra!

Tôi cũng từng nói với quý vị, trước kia, tôi thân cận thầy Lý, vừa nhập môn bái sư, [thầy Lý dặn dò]: “Điều kiện thứ nhất là chỉ được nghe thầy giảng, không được phép nghe bất cứ ai khác”. Nếu chẳng tiếp nhận điều này, vậy là xong, quý vị chẳng cần nhập môn! Giảng kinh, thuyết pháp hoan nghênh quý vị tới nghe, người đến chẳng cự tuyệt, người đi chẳng lưu lại, nhưng thầy dạy lớp [huấn luyện kinh giáo] ấy, quý vị chẳng thể tham dự. Quý vị muốn tham gia lớp ấy, chính thức làm học trò của cụ, chỉ nên nghe mình cụ giảng, bất luận ai khác giảng kinh thuyết pháp đều chẳng được đến nghe. Cụ dạy quý vị đi theo một con đường, dẫn quý vị đi theo một con đường. Chẳng được xem kinh điển, quý vị muốn xem kinh điển nào phải trình lên cụ, cụ đồng ý mới có thể xem. Chưa được thầy đồng ý thì kinh sách gì cũng chẳng được phép xem. Vì thế, chúng ta cảm thấy [dường như] vị thầy này chuyên chế, độc tài, chẳng đếm xỉa lý lẽ!

Chỉ có thầy mới có thể dẫn học trò theo một con đường, tới khi quý vị trong tương lai có thể tự phân biệt đúng, sai, tà, chánh thì bất cứ gì cũng đều có thể xem, ai giảng gì cũng đều có thể nghe, chỉ có lợi, chẳng có hại, vì sao? Quý vị có thể phân biệt chân, vọng, đúng, sai, người ta giảng sai quý vị sẽ biết, hấp thụ những ưu điểm của người ta, gạt bỏ những khuyết điểm, quý vị có năng lực đi tham học. Lúc chính mình chưa có năng lực, chỉ nên theo một vị thầy, [học với] hai vị thầy chắc chắn chẳng thể thành tựu. Do vậy, chúng tôi đến đâu để tìm được học trò? Tìm chẳng ra! Còn có người nói: “Pháp sư! Thầy suốt ngày đi ngoại quốc, lại chẳng ở nhà, học trò học với thầy bằng cách nào?” Học trò đương nhiên phải tự đi [theo con đường thầy đã chỉ]. Học trò thiếu phước báo, thầy phải dạy mỗi ngày ư? Chẳng cần, thầy chỉ cần chỉ cho quý vị một con đường, quý vị đi theo con đường ấy sẽ chẳng sai lầm!

Tôi ở Đài Trung nghe thầy Lý giảng kinh một giờ vào mỗi thứ Hai; lúc ấy, tôi cũng dẫn hai vị pháp sư theo, một vị là pháp sư Huệ Nhẫn, vị kia là pháp sư Kiến Như, dẫn họ tới Đài Trung thân cận thầy Lý, tới đó học Phật pháp. Pháp sư Kiến Như ở ba tháng liền bỏ đi, thầy ấy nói: “Không được! Tốc độ tiến triển quá chậm, mỗi thứ Hai học một tiếng đồng hồ, tôi đến đây học được gì?” Pháp sư Huệ Nhẫn ở được mười tháng, do dụng công quá độ, nên hễ vừa nhìn vào sách, mắt thấy một bầu đen kịt. Sư thiếu phước báo, dụng công quá mức, nghiệp chướng hiện tiền, phải rời đi! Tôi cảm thấy ở Đài Trung, mỗi tuần học một giờ đối với tôi hết sức thích hợp, vì sao? Tôi hoàn toàn có thể tiêu hóa. Khi ấy, năng lực tiếp nhận của tôi là như vậy. Thầy mỗi tuần dạy hai giờ, tôi vẫn rất tiêu dao tự tại, vẫn có thể tiếp nhận, nhưng nếu học bốn giờ, tôi sẽ rất bận bịu, rất căng thẳng. Hoàn toàn có thể tiêu hóa, biến [những gì thầy đã dạy] thành [sở ngộ của] chính mình, hết sức có thụ dụng. Tôi yên ổn trụ trong hoàn cảnh ấy mười năm. Người hiện thời thiếu lòng kiên trì, nên chẳng có cách nào hết! Vì thế nói: “Mỗi người mỗi chí”, chẳng thể miễn cưỡng!

Ngày nay chúng ta phá Sở Tri Chướng bằng phương pháp nào? Cổ nhân Trung Quốc nói: “Độc thư thiên biến, kỳ nghĩa tự kiến” (đọc sách ngàn lần, tự thấy ý nghĩa). Giáo huấn này có đạo lý rất sâu. Chẳng hạn như ta không hiểu kinh, có sợ không? Chẳng sợ! Quý vị cứ niệm mỗi ngày, niệm trên một ngàn biến, sẽ đại triệt đại ngộ. Quý vị đọc Đàn Kinh, thấy thiền sư Pháp Đạt thân cận Lục Tổ. Sư niệm kinh Pháp Hoa, đến gặp Lục Tổ với thái độ hết sức ngạo mạn, khi đảnh lễ đầu chẳng sát đất, Lục Tổ nói: “Ông ngạo mạn như thế, nhất định có gì đáng để kiêu ngạo?” Sư nói đã niệm ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, từ đầu đến cuối niệm ba ngàn biến, trong bụng có ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa, đáng nên kiêu ngạo, gặp tổ sư, lễ bái đầu chẳng sát đất, bị Lục Tổ quở trách một trận. Được Lục Tổ chỉ điểm, Sư hoát nhiên thông suốt, đại triệt đại ngộ. Người khác vì sao chỉ điểm cách nào cũng chẳng khai ngộ, do nguyên nhân gì? Vì quý vị chẳng có ba ngàn bộ kinh Pháp Hoa! Kinh Pháp Hoa phân lượng khá lớn, mỗi ngày niệm một bộ phải mất ba ngàn ngày, gần như là tốn thời gian tám, chín năm, mỗi ngày đều niệm chẳng gián đoạn; vì thế, được chỉ điểm liền khai ngộ. Một ngộ, hết thảy đều ngộ, có thể nói là giống như Lục Tổ đối với pháp thế gian và xuất thế gian hễ tiếp xúc bèn thông đạt, đấy là phương pháp tốt đẹp!

Nếu quý vị đọc bộ Ảnh Trần Hồi Ức Lục của pháp sư Đàm Hư, đó là tự truyện của Ngài. Lúc Ngài chưa học Phật, khi còn làm cư sĩ, đã có tám năm gian khổ học tập kinh Lăng Nghiêm, có ba bốn người cùng chung chí hướng cùng học. Về sau, Ngài xuất gia, trở thành nhất đại tổ sư của tông Thiên Thai, dựa vào gì? Do căn cơ tám năm gian khổ học tập kinh Lăng Nghiêm. Chúng ta hôm nay đọc kinh này, ngày mai đọc luận kia, chẳng được rồi! Niệm phần trước, chẳng hiểu phần sau, niệm tới phần sau, quên hết phần trước, vô dụng! Đọc quyển sách này xong, lại đổi sang quyển khác, quên hết, quý vị từ đầu đến cuối chẳng thể thành tựu. Chẳng giống như cổ đức, cổ đức là một bộ kinh sách đọc đến tận cùng, thảy đều đọc thông suốt, khai ngộ rồi mới đọc thứ khác, xem những thứ khác chẳng tốn sức, vừa đọc liền hiểu rõ, lý giải. Căn bệnh của người thời nay là chẳng biết vun trồng căn bản. Chẳng biết vun trồng căn bản [là bí quyết để thành tựu, thấy] chuyện ấy quá khổ sở, toàn làm những chuyện dễ coi. Vì thế, người hiện thời là hoa cắm trong bình, chẳng có rễ, rất đẹp, hai ngày là xong luôn, tàn úa, chẳng như cổ nhân, cổ nhân là rễ sâu cội vững, thật sự là mỗi năm trổ mầm mới, mỗi năm nở hoa mới. Vì thế, [người hiện thời] thua kém cổ nhân. Chư vị đồng tu phải nghiêm túc phản tỉnh.

Nếu bản thân chúng ta muốn thành tựu trong một đời này thì thời gian không nhiều lắm, tốn thời gian bất quá từ năm năm tới bảy năm; bởi lẽ, liễu sanh tử là chuyện bậc nhất, nắm vững Tây Phương Cực Lạc thế giới là chuyện bậc nhất. Kế đó là nghiên cứu kinh, phải biết đặt chuyện này vào hạng hai, nghiên cứu kinh muốn giác ngộ thì phải chuyên dồn công sức nơi một bộ. Có thể giúp chúng ta liễu sanh tử, không gì hơn bộ kinh Di Đà này! Chú giải có phân lượng nhiều dường ấy, đủ cho quý vị đọc. Quý vị chuyên đọc một bộ này, nghiên cứu kinh và chú giải, quý vị đọc suốt mười năm hay tám năm, sẽ là nhất đại tổ sư của Tịnh Độ Tông, là A Di Đà Phật tái lai, vì sao? Có thể vỗ ngực xưng là đại diện của A Di Đà Phật hóa độ chúng sanh trên quả địa cầu này, trở thành chuyên gia kinh Di Đà, chẳng cần tới bộ thứ hai! Những thứ được trích dẫn trong bộ chú giải này là rất nhiều kinh luận, pháp thế gian lẫn xuất thế gian, hết thảy đều được trích dẫn trong ấy, chẳng cần phải tra cứu sách tham khảo nữa, một bộ là đủ rồi! Hôm nay đã hết thời gian rồi, chúng ta giảng tới đây.
---o0o---



tải về 12.87 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   89   90   91   92   93   94   95   96   ...   101




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương