TRÊN ĐƯỜng emmau một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, op



tải về 0.51 Mb.
trang1/5
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích0.51 Mb.
#17396
  1   2   3   4   5
TRÊN ĐƯỜNG EMMAU
Một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng
Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP
LỜI GIỚI THIỆU

Người ta thường nói rằng một buổi hòa nhạc thành công, đòi hỏi ít nhất phải hội đủ ba yếu tố chính: một bản nhạc hay, các nhạc công giỏi và một nhạc trưởng tài ba. Thiếu một trong ba yếu tố đó, khó có thể đạt được một buổi hòa nhạc thành công. Tương tự như thế, một chương trình giáo dục có định hướng và có tầm nhìn về tương lai, bao gồm ít nhất bốn chiều kích chính: chiều kích nhân bản, chiều kích tâm linh, chiều kích tri thức và chiều kích mục vụ. 

Có một thời người ta thích dùng phạm trù “chiêm niệm” - “hoạt động” để phân chia các Dòng. Rồi từ sự phân chia trắng đen này sẽ định vị mức độ đời sống tâm linh cần thiết cho mỗi Dòng. Lối phân chia trên, dĩ nhiên, vẫn tồn tại, nhưng không thể duy trì cách nhìn và tiêu chuẩn đánh giá, ít nhất cho lãnh vực tâm linh.  

Chiều hướng thần học tu đức hiện nay chủ ý giúp các Kitô hữu ý thức một cách sâu xa lịch sử cứu độ trong cuộc đời mình và khám phá ý nghĩa cũng như vai trò của mình trong tiến trình cứu độ. “Để Thần khí của Đức Kitô hoạt động trong ta” và sống trong tương giao hằng ngày với Thiên Chúa trong đức Tin, Cậy, Mến theo tinh thần của Tin mừng, được coi là yếu tố căn bản của đời sống tâm linh Kitô giáo.

Chính vì vậy, đời sống tâm linh đích thực là biết mở rộng tâm hồn cho tương quan cứu độ, có khả năng nhận diện những biến cố biểu lộ ơn cứu độ và đưa toàn thể con người mình vào trong mầu nhiệm cứu độ của Thiên Chúa.

Trong ý nghĩa đó, mặc dù chương trình đào tạo tu sĩ toàn diện phải bao gồm bốn chiều kích nói trên, tuy nhiên luôn luôn phải đặt ưu tiên cho đời sống tâm linh. Theo sắc lệnh về Canh tân và thích nghi đời sống tu trì: “Những ai khấn tuân giữ các lời khuyên Phúc Âm đều phải tìm kiếm và yêu mến Thiên Chúa trên hết mọi sự, vì Người đã yêu chúng ta trước (x. 1Ga 4,10). Trong mọi hoàn cảnh người tu sĩ phải cố gắng phát triển đời sống ẩn dật với Chúa Kitô trong Thiên Chúa, vì đó là nguồn và động lực phát sinh tình yêu tha nhân, chủ ý cứu độ nhân loại và xây dựng Giáo hội.” (PC. 6, a).

Trong thập niên vừa qua, lãnh vực đào tạo nói chung và đào tạo tâm linh nói riêng trở thành nhu cầu khẩn thiết cho các Dòng tu ở Việt Nam. Trong hoàn cảnh khan hiếm tài liệu bằng tiếng Việt, có thể coi “Trên đường Emmau” của Phạm Quốc Văn, O.P. như một đóng góp đáng khích lệ cho công tác nhiêu khê và diệu vợi này. Ý thức sự bao la và sâu thẳm của vấn đề, tác giả chỉ muốn khai thác một mảng rất nhỏ, tạm gọi là “một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng”.

Thế giới tâm linh là một hành trình thăm thẳm và đồng hành tâm linh là một nghệ thuật, luôn đòi hỏi người sử dụng phải cao tay ấn. Ngoài ra, có nhiều trường phái, quan điểm và lối lý giải không những khác nhau, mà nhiều khi mâu thuẫn nhau. Tuy nhiên, với văn phong trong sáng và lối trình bày khá khúc chiết, tác giả đã giúp người đọc dễ lãnh hội vấn đề. Hy vọng tập sách nhỏ sẽ mang lại những đóng góp tích cực trong tiến trình phân định và đồng hành tâm linh.

P. Nguyễn Thái Hợp, OP



DẪN NHẬP 

Trước khi tìm hiểu đề tài, kính thưa quý độc giả, chúng tôi muốn trình bày thoáng qua một nỗi khát vọng rất sâu xa của con người, đó là nỗi khát vọng tâm linh. Được Thiên Chúa tạo dựng, tự sâu thẳm tâm hồn, con người mang trong mình nỗi khát vọng hồi hương. Thánh Âu Tinh diễn tả rất hay điều này: “Lạy Chúa, lòng con khắc khoải mãi cho đến khi nào được nghỉ yên trong Chúa”. Chính nỗi khắc khoải này, là nguồn động lực giúp cho con người tìm về đời sống tâm linh. Vấn đề được trình bày ở đây, đồng hành thiêng liêng, là một mảng rất nhỏ trong hành trình tâm linh của mỗi người Kitô hữu.

Khát vọng tâm linh

Tác giả Thánh vịnh 41 không kém phần ví von thi vị khi dùng hình ảnh con nai vàng khát khao đi tìm dòng nước để diễn tả tâm hồn con người luôn khao khát hướng về Thiên Chúa:

Như nai rừng mong mỏi

tìm về suối nước trong

hồn con cũng trông mong

được gần Ngài, lạy Chúa” (41, 2).

Lòng khao khát khôn nguôi này của con người có thể gọi tên một cách khác đó là đời sống tâm linh. Đời sống tâm linh là một nhu cầu không thể thiếu trong đời sống người Kitô hữu. Cũng như bất cứ một tiến trình phát triển tự nhiên nào khác, đời sống tâm linh cũng cần được huấn luyện, để mỗi cá nhân có thể trải nghiệm, trưởng thành, và nên như lời chứng tá.

Như nai rừng khát khao tìm nguồn nước, lòng người cũng khắc khoải kiếm tìm khôn nguôi. Có thể nói những khát vọng của con người là khát vọng khôn cùng. Người ta biểu lộ những khát vọng này bằng nhiều cách khác nhau. Xuyên qua những nhu cầu vật chất, tình cảm, danh vọng, địa vị xã hội... con người để lộ cho thấy không gì có thể lấp đầy khát vọng thăm thẳm của lòng mình.

Cũng trong thời đại chúng ta, hơn lúc nào hết, nhiều giáo phái mới ra đời, con người tìm đến những gì là siêu nhiên, là đời sống tinh thần. Đặc biệt những tôn giáo lớn có truyền thống tâm linh sâu xa đã có sức thu hút nhiều người. Tông huấn “Giáo hội tại Á châu” số 18, đã gọi tên những hiện tượng này là “cơn khát nước hằng sống” của con người hôm nay. Khao khát đời sống tâm linh chính là cách thức con người phản tỉnh, phản kháng lại tình trạng trống rỗng của tâm hồn, đi tìm cho đời sống một ý nghĩa, một niềm hy vọng. Mỗi chúng ta, đều như nai khát. Đâu là nguồn suối mát trong? Trả lời câu hỏi này không miễn chấp cho mỗi cá nhân phải lên đường tìm kiếm, phải “giác ngộ”. Điều khó khăn là người môn sinh gặp phải quá nhiều thách đố trên bước đăng trình.

Thách đố đầu tiên là mỗi môn sinh, theo lẽ thường, phải được một vị thầy khải thị và đồng hành.[1] Nếu thiếu đi sự đồng hành thiêng liêng này, người môn sinh có thể phải mò mẫm mãi, không khéo lại lạc đường, bỏ cuộc. Tiếc thay, thời đại chúng ta không có nhiều vị thầy giàu kinh nghiệm và chuyên chú hẳn vào công việc này.

Thách đố thứ hai là người môn sinh được khuyến khích để lội ngược dòng; trong khi đó dòng chảy lại mạnh quá, ồ ạt quá: dòng chảy tục hóa, hưởng thụ, thờ ơ, coi nhẹ phẩm giá của con người... Các chọn lựa đi liền với những bậc thang giá trị bị đảo lộn, lòng người không khỏi hoang mang. Đâu là những giá trị đích thực trong cuộc sống? Đâu là một đời sống đạo đúng nghĩa? Đâu là khoảng không tự do mỗi người có thể xoay xở? Hoặc đâu là sự dung hoà giữa việc chọn lựa Chúa, với những thực tại đời thường?... Những câu trả lời “theo mẫu in sẵn” có lẽ không thoả mãn được những vấn nạn hiện sinh này. Vẫn cứ phải lội ngược dòng, dẫu lòng chưa xác tín?

Một điều rất thật, mỗi người trẻ hôm nay đều là những “con đẻ của thời đại”, nên trong từ nếp nghĩ, cách hành xử, kiểu xoay xở... đều bị ảnh hưởng những quan niệm, cung cách sống của một lối mòn tục hoá, hưởng thụ, giải trừ huyền nhiệm trong cuộc sống. Cái khó là phải thanh lọc, phải lột xác. Đau lắm! Theo xu hướng chung này, con người rất dễ có nguy cơ đánh mất sự thăng bằng giữa những lo toan bề bộn của cuộc sống và đời sống thiêng liêng. Chứng tá đức tin sống động lúc này cần thiết biết bao! Và rồi đâu phải người môn sinh lúc nào cũng hăng hái, có những lúc chán nản, muốn buông xuôi, bỏ cuộc; ấy là chưa kể những vấp váp trên hành trình có vẻ như đơn độc dẫu đang cùng đồng hành với nhiều người. Bao bóng mát bên đường vẫn mời gọi, một cám dỗ muốn dừng chân. Cần sự cảm thông biết bao! Cần được nâng đỡ biết chừng nào! Cuộc hành trình mỗi ngày cứ phải làm mới lại. Mỗi ngày là một khởi đầu, một niềm hy vọng mới. Và như thế, cuộc kiếm tìm chưa kết thúc, nai khát vẫn xa nguồn, vẫn khắc khoải, lòng vẫn một điều canh cánh. Sách Diễm Ca diễn tả một cuộc tìm kiếm Người Yêu, một cuộc gặp gỡ trong tương quan ngôi vị, đó cũng phải là cuộc tìm kiếm và gặp gỡ của mỗi chúng ta:

Suốt đêm, trên giường ngủ,



tôi tìm người lòng tôi yêu dấu.

Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!

Vậy tôi sẽ đứng lên, đi rảo quanh khắp thành,

nơi đầu đường cuối phố,

để tìm người yêu dấu của lòng tôi.

Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!” (Dc 3, 1-2)

Trong đời sống thiêng liêng, đôi khi mối tương quan giữa ta với Chúa giống như một cuộc trốn tìm. Không ít khi ta cảm thấy Chúa dường như vắng bóng: “Tôi đi tìm chàng mà đâu có gặp!”. Nhưng nếu phải nói rốt ráo hơn, Thiên Chúa đi tìm ta, nhiều khi ta đã lẩn mặt Người! Thiên Chúa đã gieo vào lòng chúng ta niềm khát vọng, nỗi khắc khoải khôn nguôi, để rồi chúng ta phải lên đường tìm kiếm Người luôn mãi. Tác giả Thánh vịnh 62 đã diễn tả rất sống động điều này:

Lạy Thiên Chúa, Ngài là Chúa con thờ

ngay từ rạng đông con tìm kiếm Chúa.

Linh hồn con đã khát khao Ngài,

tấm thân này mòn mỏi đợi trông,

như mảnh đất hoang khô cằn không giọt nước” (62, 2).

Ngôn sứ Isaia nhắc nhở chúng ta: Hãy tìm kiếm Chúa khi Người còn cho gặp (Is 55, 1-11), và Thánh vịnh 118 ca ngợi hết lời hạnh phúc của những ai hết lòng tìm kiếm Thiên Chúa (118, 1-8). Những cuộc tìm kiếm này càng tỏ rõ hơn trong những trình thuật Tin mừng. Trong Tin mừng chúng ta bắt gặp sự tìm kiếm của các mục đồng (Lc 2, 1-20), nỗi khát khao của những nhà chiêm tinh đi tìm kiếm Chúa (Mt 2, 1-12). Và rồi chúng ta cũng thấy hình ảnh của Giakêu: Thiên Chúa đi tìm kiếm kẻ tìm kiếm Người (Lc 19, 1-10). Và đây, lời khẳng định của Chúa Giêsu như một bảo đảm cho những ai tìm kiếm Người: “Anh em cứ xin thì sẽ được, cứ tìm thì sẽ thấy, cứ gõ cửa thì sẽ mở cho” (Mt 7, 7).

Tuy nhiên, phải nhìn nhận rằng người ta hay hiểu lầm và tách biệt tâm linh như một mảng giữa muôn vàn mảng khác của cuộc sống. Đúng hơn, tâm linh là trọn vẹn đời sống, là cả một tiến trình với không ít những thăng trầm. Ứng với từng lứa tuổi, từng thời điểm khác nhau, tuỳ hoàn cảnh sống…, con người có những cách cảm nhận, có những cơn khủng hoảng khác biệt; do vậy, vấn đề đồng hành thiêng liêng là một tiến trình dài hạn, kiên nhẫn và bền bỉ. Đây cũng là một thách đố đối với những người thi hành sứ mạng này. Làm sao giúp cho ngươi thụ hướng có được sự gặp gỡ đích thực với chính Thiên Chúa, chứ không chỉ dừng lại ở những tình cảm hời hợt chóng qua, hay những mớ lý thuyết cao siêu huyền bí. Có thể nói, công việc đồng hành thiêng liêng vừa khơi mở, vừa kiện toàn đời sống tâm linh cho người thụ hướng và cho chính bản thân người làm công tác hướng dẫn nữa.

Đề tài trình bày

Khởi đi từ những khát vọng như thế, dựa vào mặc khải của Kinh thánh, thần học về đời sống tâm linh, kinh nghiệm của các bậc thầy tâm linh, và vay mượn thêm những nghiên cứu của khoa tâm lý học, đặc biệt là tâm lý chiều sâu, người viết muốn tìm hiểu một mảng rất nhỏ trong hành trình đời sống tâm linh, đó là việc đồng hành thiêng liêng. Mong sao một chút suy tư và tìm kiếm này giúp bản thân ý thức và tìm ra lối ngỏ nào đó cho hành trình tâm linh của mình; và biết đâu những suy tư này cũng có thể khuyến khích ai đó trên bước đường tìm kiếm hay giúp đỡ người khác kiếm tìm Thiên Chúa.

Về vấn đề từ ngữ, hạn từ “đồng hành thiêng liêng” ở đây được dùng thay thế cho hạn từ quen thuộc từ trước tới giờ: “linh hướng”. Theo nguyên ngữ: direction spirituelle (Pháp ngữ) hay spiritual direction (Anh ngữ) thường được hiểu là hướng dẫn về đường tâm linh, tiếng Việt dịch ra là linh hướng. Cứ theo ngữ nghĩa thì cách gọi này bao hàm sự hướng dẫn, chỉ dạy và bắt buộc người thụ huấn phải theo. Điều này giả thiết một người đóng vai thầy, một người đóng vai trò; trò lãnh nhận sự chỉ giáo từ chính kinh nghiệm và đời sống của thầy. Mối tương quan thầy - trò này cách nào đó tạo nên tính cách thụ động nơi người thụ hướng, tạo nên hố ngăn cách làm cho hai người không thể ngang hàng với nhau được (trò không thể bằng thầy); và đặc biệt còn làm mờ nhạt đi vai trò của vị thầy đích thực là Chúa Thánh Thần, vị thầy mà cả người linh hướng và người thụ hướng đều phải lắng nghe. Do vậy, ngày nay người ta ưa dùng từ ngữ khác: “đồng hành” (accompagnement), nhằm giảm bớt khoảng cách phân biệt giữa đôi bên. Đôi khi một số tác giả cũng vay mượn một từ ngữ khác của khoa tâm lý: “tư vấn”[2] (counseling), nhằm nêu bật tính cách bàn hỏi, trong bầu khí tự do, và có tính cách như một lời khuyên chứ không buộc phải dứt khoát thi hành.

Nhiều tác giả khi viết về đề tài này đều quen dùng hạn từ “linh hướng”[3], có nghĩa là hướng dẫn tâm linh, hướng dẫn linh hồn…; và từ đó nảy sinh những từ ngữ như: “cha linh hướng”, “cha linh hồn”, “con thiêng liêng”… Những cách nói này dễ hiểu, tuy nhiên cũng có những nghĩa hàm hồ, giới hạn. Nếu có “cha linh hồn” thì cũng có thể có “mẹ linh hồn” hay “em linh hồn”! Nếu nói là “cha linh hướng” thì người ta có thể hiểu cha linh hướng là người chủ động tất cả, có chương trình, có kế hoạch cụ thể và bắt người thụ hướng phải tuân theo. Tuy nhiên, thực chất của việc “linh hướng” không phải là như thế; không chỉ có các linh mục mới làm được công việc này mà là cả các nam nữ tu sĩ hay thậm chí là người giáo dân cũng làm được. Hơn nữa, “linh hướng” không phải hoàn toàn là tự mình hướng dẫn linh hồn người khác, mà chỉ là đồng hành, chia sẻ, cùng họ lắng nghe và tìm ra thánh ý Chúa, giúp họ tìm ra con đường chính Chúa muốn họ đi. Cả người đồng hành và người được đồng hành đều phải ngoan ngoãn nghe theo sự hướng dẫn của Thánh Thần, vị đồng hành đích thực.

Trong bài viết, đôi chỗ chúng tôi dùng song song cả hai hạn từ này, nhưng về nội dung thì phải hiểu “linh hướng” theo nghĩa là “đồng hành thiêng liêng” chứ không theo nghĩa hạn hẹp của hạn từ đó như chúng ta đã phân tích.

Về nội dung tập sách này, chúng tôi không có tham vọng tìm hiểu mọi vấn đề liên quan đến việc đồng hành thiêng liêng, hơn nữa đó cũng là một điều vọng tưởng vượt quá khả năng của người viết. Tập sách cũng không nhằm trình bày những cách thức đồng hành cụ thể ứng với từng đối tượng theo bậc sống, lứa tuổi, giới tính, hoặc theo từng hoàn cảnh sống cụ thể…, mà chỉ muốn trình bày một số nguyên tắc, một số nét cơ bản quan trọng trong việc đồng hành thiêng liêng. Từ những nguyên tắc căn bản này, chúng ta có thể rút ra phương cách thực hành trong những trường hợp cụ thể. Không thể có một cách thức thực hành nào chung cho mọi đối tượng, nhưng chúng ta có thể áp dụng một nguyên tắc chung cho mọi tình huống.

Về bố cục, ngoài phần dẫn nhập và kết luận, chúng tôi chia tập sách thành ba phần:

Phần I: Dẫn vào việc đồng hành thiêng liêng. Trong phần này, xin trình bày khái niệm căn bản về việc đồng hành thiêng liêng, đưa ra một số phân biệt cần thiết, một số nguyên tắc để đồng hành như: lắng nghe, phân định; kế đến là tìm hiểu nền tảng Kinh thánh và lịch sử của việc đồng hành. Cụ thể, phần I này gồm ba chương: Chương I - Khái quát về việc đồng hành thiêng liêng, chương II - Nền tảng Kinh thánh, và chương III - Lịch sử việc đồng hành.

Phần II: Các mối tương quan trong việc đồng hành thiêng liêng. Phần này chủ yếu nói về hai mối tương quan đặc biệt: Chương I - Tương quan giữa người được đồng hành với Thiên Chúa, mối tương quan này là yếu tố then chốt làm cho cuộc đồng hành thiêng được hiển lộ; chương II - Tương quan giữa người đồng hành với người được đồng hành: tuy vị đồng hành chỉ đóng vai trò trung gian, nhưng nếu mối tương quan này không được thiết lập đúng đắn, thì người thụ hướng sẽ ít có cơ may dò tìm ra được thánh ý Thiên Chúa; và ngoài ra, ở chương III, xin được đề cập đến những trục trặc, những khó khăn trong mối tương quan giữa vị đồng hành và người thụ hướng.

Phần III: Những phẩm tính và bổn phận trong việc đồng hành thiêng liêng. Phần này trình bày những phẩm tính cần thiết và những nhiệm vụ của cả vị đồng hành lẫn người thụ hướng, cụ thể gồm hai chương: Chương I - Nói về phía người đồng hành, và chương II - nói về phía người được đồng hành.



Giải thích đề tựa

Với nội dung, bố cục như trên, xin được trình bày thêm đôi nét để giải thích lý do tại sao chọn đề tựa cho tập sách này là “TRÊN ĐƯỜNG EMMAU”.

Trước hết, đây là ý tưởng rút ra từ Kinh thánh: trong Tin mừng thứ ba, thánh sử Luca sau khi trình bày sự kiện ngôi mộ trống, và việc Đấng Phục Sinh hiện ra với các phụ nữ khi họ ra viếng mộ, các bà về kể lại sự kiện cho Nhóm Mười Một, nhưng các ông cho là chuyện lẩn thẩn nên không tin; [4] thánh sử còn tường thuật sự kiện Đức Giêsu sau khi phục sinh đã hiện ra với hai môn đệ trên đường Emmau, khi các ông đang thất vọng về việc Thầy mình đã chết. Đức Giêsu giả làm khách bộ hành và cùng đi trên lộ trình với hai môn đệ đó, Người tham gia câu chuyện, và dùng Kinh thánh mà mở trí cho các ông, nhưng lòng các ông mê muội không nhận ra Người. Cuối cùng, trong khi đồng bàn, lúc chứng kiến cử chỉ bẻ bánh, hai môn đệ đã nhận ra vị khách bộ hành không là ai khác mà là chính Đức Giêsu, Đấng mà các ông đang âu sầu buồn bã vì Người đã chết. Sau khi nhận ra Người, các ông đã vội vã lên đường làm chứng, loan báo về một Đấng Kitô đã chết và nay đang sống.[5] Đó cũng chính là nội dung của những lời loan báo Tin mừng đầu tiên (Kerygma) của Giáo hội tiên khởi.

Theo trình thuật Tin mừng trên, chúng ta có thể nói cuộc gặp gỡ giữa Đức Giêsu và hai môn đệ Emmau là một cuộc đồng hành thiêng liêng đích thực, trong đó: Đức Giêsu là vị đồng hành, hai môn đệ là những người thụ hướng, và nội dung cuộc trao đổi giữa Đức Giêsu và hai môn đệ là chính nội dung của cuộc đồng hành.

Trong ý hướng ấy, để trình bày việc đồng hành thiêng liêng, ứng với ba phần như đã giới thiệu, chúng tôi chọn đề tựa cho tập sách này là TRÊN ĐƯỜNG EMMAU”. Mong sao những điều chúng ta sẽ tìm hiểu mở ra một hành trình Emmau mới, giúp cho những môn sinh mới bước đầu trên hành trình tâm linh, có thể gặp được Đức Giêsu là vị đồng hành đích thực, thông qua vị đồng hành là những người được Thiên Chúa tuyển chọn, được trao phó sứ mạng hướng dẫn anh em mình.

Xin được chân thành tri ân các bậc cha anh, đặc biệt là cha Phêrô Đặng Xuân Thành, đã đóng góp những ý kiến quý báu; cha Phaolô Nguyễn Thái Hợp đã đọc bản thảo và viết lời giới thiệu; những người bạn đã giúp trình bày bìa và ấn hành, để tập sách khiêm tốn này có thể đến với quý độc giả hôm nay. Chúng tôi cũng không quên ghi ơn những tác giả và dịch giả của các tập sách, các bài viết mà chúng tôi có dịp được tham khảo và trích dẫn trong tập sách này.

Cuối cùng, tập sách nhỏ trên tay quý vị cũng mới chỉ là những bước khởi đầu trên hành trình tìm kiếm, nên những thiếu sót và thiển cận chắc hẳn khó lòng có thể tránh khỏi. Rất mong nhận được sự góp ý của các bậc cao minh và sự đồng hành của các bậc thầy tâm linh lão luyện.

Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, OP

 

[1] Bộ giáo luật hiện hành nói đến việc đồng hành thiêng liêng ở các số 239 § 2; 240 §2; 246 §4; 630 §1.5; 719 §4. Trong các văn kiện gần đây của Tòa thánh, việc đồng hành thiêng liêng được đề cập đến ở: Những chỉ dẫn về việc huấn luyện trong các Hội dòng, số 63 (Bộ các Hội dòng tận hiến, ngày 2.2.1990); Tông huấn Pastores dabo vobis, số 67 và 81 (Đức Gioan Phaolô II, ngày 25.3.1992)

[2] Từ này không được sử dụng phổ biến lắm vì dễ gây ngộ nhận, đồng hoá việc đồng hành thiêng liêng với việc tư vấn tâm lý thuần tuý hay ngay với cả việc tư vấn mục vụ.

[3] Ví dụ một số sách như:


. Khuyết danh, Thực hành linh hướng, Sài Gòn, 1978, bản ronéo.
. Francis Kelly Nemeck, OMI, Marie Theresa Coombs, Hermit, The way of sipiritual direction, phương pháp linh hướng, người dịch: Lm. Nguyễn Hưng, lưu hành nội bộ, 2000.
. Fr F Antonisamy, An introduction to Christian spirituality. St. Pauls Press, 2000… 

[4] Xc. Lc 24, 1-11.

[5] Xc. Lc 24, 13-35.

Phần I:

DẪN VÀO VIỆC ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG

Chương I: ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG LÀ GÌ?


I. Khái Niệm

 

1. Khái quát về việc đồng hành



2. Phân biệt giữa tâm lý và tâm linh

3. Phân biệt giữa siêu ngã và tâm linh

4. Phân biệt giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn hay trị liệu tâm lý

5. Phân biệt giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn mục vụ

 

Đồng hành thiêng liêng là gì? Đồng hành thiêng liêng có thực là một nhu cầu cần thiết trong hành trình đời sống tâm linh hay không? Có bắt buộc mọi người phải đi nẻo đường này mới tìm thấy thánh ý Thiên Chúa? Việc đồng hành thiêng liêng có phải là tác vụ dành riêng cho những thừa tác viên có chức thánh? Và bản chất của việc đồng hành thiêng liêng là gì? Đồng hành thiêng liêng cũng chỉ là tư vấn tâm lý hay tư vấn mục vụ? Đồng hành thiêng liêng có giống với việc lãnh bí tích Hoà giải không? Kinh thánh có nói gì về vấn đề này?… Chúng ta có thể liệt kê hàng loạt những câu hỏi tương tự như vậy cho vấn đề đang được đề cập. Có lẽ những vấn nạn sẽ sáng tỏ phần nào khi chúng ta tìm hiểu ba chương đầu của phần I này. Chúng ta đi vào câu hỏi căn bản thứ nhất:



Chương I: ĐỒNG HÀNH THIÊNG LIÊNG LÀ GÌ?

I. Khái niệm

Trước tiên, chúng ta cần có cái nhìn khái quát về việc đồng hành thiêng liêng là gì; sau đó rất cần phải có sự phân biệt, dẫu là sơ sài, thế nào là sự khác biệt giữa tâm lý và tâm linh, giữa siêu ngã và tâm linh, giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý, giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn mục vụ. Rất thường khi, người ta hay lẫn lộn giữa các lãnh vực này với nhau; và cũng không ít khi vấn đề trở nên phức tạp hơn khi chúng đan xen vào nhau. Do vậy, việc phân tích những khác biệt này ngay từ lúc đầu là việc làm cần thiết.


1. Khái quát về việc đồng hành

Chúng ta có thể hiểu nôm na đồng hành thiêng liêng là việc gặp gỡ đối thoại thân thiện giữa hai người trong mối tương quan ngôi vị, để cùng giúp nhau đạt đến sự tự do của con cái Chúa, sự hoàn thiện Kitô giáo, thông qua việc lắng nghe, phân định, và đặc biệt là cùng nhau cầu nguyện.[1]

Đồng hành thiêng liêng là một nghệ thuật hướng dẫn các linh hồn cách tiệm tiến từ lúc khởi đầu đời sống thiêng liêng cho đến khi đạt đến đỉnh cao của sự hoàn thiện Kitô giáo. Đồng hành thiêng liêng là nghệ thuật theo nghĩa như một khoa học ứng dụng. Dưới sự hướng dẫn của sự khôn ngoan siêu nhiên, khoa học này ứng dụng cho từng trường hợp riêng biệt những nguyên tắc thần học về sự hoàn thiện Kitô giáo. Với mục đích đạt tới sự hoàn thiện, người đồng hành không được phép đốt giai đoạn, nhưng phải tuân theo quy luật tiệm tiến, ứng với từng khả năng lãnh hội, tuỳ tình trạng tâm hồn, tinh thần đạo đức và nhu cầu của người được đồng hành lúc ấy mà có những hướng dẫn cho phù hợp. Đây không phải là việc làm cấp tốc, kết quả thấy trước mắt trong ngày một ngày hai, mà là cả một tiến trình bắt đầu từ khi tâm hồn quyết định rõ ràng theo con đường hoàn thiện Kitô giáo cho tới khi đạt đến đỉnh cao của sự trọn lành đó.[2]

Tiến đến sự trọn lành là lời mời gọi chung dành cho mọi Kitô hữu; mỗi người có thể đi một nẻo đường khác nhau, như trong lịch sử linh đạo chúng ta thấy có ơn gọi làm Tông đồ, có con đường ẩn tu, có nẻo đường tử đạo, có linh đạo Biển Đức, Phan Sinh, Đa Minh, Cát Minh, Y Nhã, Vinh Sơn, La San, Charles de Foucauld… Tuy nẻo đường có thể khác nhau, nhưng mục đích đều nhắm đến sự hoàn thiện Kitô giáo, nhắm đến đức ái trọn hảo. Việc đồng hành thiêng liêng đóng vai trò quan trọng trong tiến trình thăng tiến đời sống tâm linh của mỗi người. Tùy theo hoàn cảnh, cá tính, ơn gọi… mỗi người có thể thích hợp với một đoàn sủng riêng, với sự hướng dẫn cụ thể và cá vị.

Tầm quan trọng của việc đồng hành thiêng liêng đối với đời sống tâm linh được chú trọng cách riêng với thánh Inhaxiô Loyola. Việc đồng hành thiêng liêng nằm trong toàn bộ tiến trình “linh thao” nhằm giúp cho đương sự “phân định thần khí”. Kể từ thời cải cách của Công đồng Trentô, vai trò đồng hành thiêng liêng coi như “tất yếu” trong hành trình tâm linh, đặc biệt đối với các chủng sinh và tu sĩ. Hiến pháp của nhiều dòng tu đòi hỏi phải có sự hiện diện của cha linh hướng trong quá trình đào tạo.[3]

Phần lớn các tác giả tu đức và các Đấng sáng lập dòng đều nhấn mạnh đến sự cần thiết của việc linh hướng hay đồng hành thiêng liêng. Tuy nhiên, cũng có những dòng tu, hiến pháp không buộc phải có cha linh hướng,[4] nhưng trong cung cách thực hành, thì hiến pháp cũng trù liệu những vị có trách nhiệm hướng dẫn về đời sống tinh thần: Giám sư tập sinh, Giám sư sinh viên… giữ vai trò như một vị đồng hành, dĩ nhiên chúng ta hiểu theo nghĩa rộng của hạn từ này.

Như vậy, nếu nói một cách rốt ráo, Thiên Chúa hướng dẫn mỗi người nên thánh theo con đường thích hợp nhất, cá biệt; cho dù là họ cùng sống, cùng chia sẻ một đoàn sủng. Có khi Thiên Chúa trực tiếp hướng dẫn họ, đồng hành với họ không thông qua trung gian là sự đồng hành của con người. Thế nhưng, Thiên Chúa thường theo tiến trình sư phạm tiệm tiến, muốn con người đi trên chính bước chân của mình với sự cộng tác của anh em đồng loại để khám phá ra Thiên Chúa, đáp lại lời mời gọi yêu thương của Người và tiến bước trên con đường hoàn thiện.

Như vậy việc đồng hành thiêng liêng đóng vai trò trợ giúp chứ không phải tuyệt đối cần thiết cho sự hoàn thiện hay phần rỗi của mỗi người. Cũng cần phân biệt sự đồng hành thiêng liêng với một số tác vụ khác trong Hội thánh. Công việc này không nhất thiết là tác vụ riêng dành cho các thừa tác viên có chức thánh. Người ta có thể lẫn lộn vai trò của Cha giải tội với vai trò của vị đồng hành. Trong quá khứ, người ta thường phân biệt việc giải tội và việc đồng hành thiêng liêng theo mục đích và chất thể: xưng tội giới hạn vào việc xưng thú tội lỗi (kể cả tội nhẹ) để lãnh ơn tha thứ; còn đồng hành thiêng liêng thì mở rộng cả đến việc bày tỏ khuynh hướng của bản thân, trình trạng của linh hồn, những điểm hay điểm dở, những đam mê tật xấu, chước cám dỗ, ơn soi sáng của Thánh Thần, cách thức cầu nguyện, mối tương quan với Chúa, mối ưu tư khắc khoải… Ngoài sự phân biệt xét về bản chất, còn nhiều phân biệt khác không kém phần quan trọng:

- Sự phân biệt giữa “luân lý” và “tu đức”: một bên dựa trên điều truyền buộc (phải tuân giữ mười điều răn Đức Chúa Trời để được cứu độ), một bên dựa trên các lời khuyên (thực hành các nhân đức để nên trọn lành).

- Chỉ các linh mục mới có quyền ban ơn tha tội (cử hành bí tích Hoà giải), còn việc đồng hành thiêng liêng thì có thể do một người khác không cần có chức thánh đảm nhiệm.[5]

Ngày nay, những tiêu chuẩn phân biệt trên được xét lại với cách nhìn tích cực hơn. Tất cả mọi Kitô hữu đều được mời gọi nên thánh; họ không thể chỉ an phận với việc tránh tội (để khỏi phải mất linh hồn, khỏi sa hoả ngục), nhưng còn phải nỗ lực để trở nên hoàn thiện nữa. Như thế, việc “xưng tội nhẹ” cũng mang chiều kích đồng hành thiêng liêng rồi, vì đó là một trong những cách thức thực hành “nhân đức” (tội nhẹ không buộc phải xưng) để tiến đến đời sống hoàn thiện Kitô giáo.

Như thế, cha giải tội có thể là chính vị đồng hành thiêng liêng; nhưng nếu người đồng hành thiêng liêng không phải là linh mục thì không được quyền giải tội, điều này là hiển nhiên, và Giáo hội cấm bất cứ ai không phải là linh mục xen vào các vấn đề lương tâm, cho dù vị ấy là bề trên của đương sự đi nữa.[6]

Sau khi có cái nhìn khái quát về việc đồng hành, chúng ta cùng tìm hiểu sự phân biệt tinh tế giữa việc đồng hành và một số lãnh vực khác.


2. Phân biệt giữa tâm lý và tâm linh

Thật khó phân biệt rạch ròi đâu là biểu hiện của tâm lý thuần tuý, đâu là biểu hiện của tâm linh. Thường thì hai chiều kích này đan xen vào nhau trong cùng một con người, bởi vì con người là xác và hồn, là “tinh thần nhập thể”; và ân sủng thì lại không phá đổ tự nhiên nhưng đặt nền trên chính tự nhiên, thấm vào tự nhiên, nâng cao, biến đổi và làm cho tự nhiên trở nên cao cả. Chính vì vậy, có nhiều hiện tượng mang dáng dấp thần bí và bất thường, mà cho đến nay khoa học vẫn chưa thể lý giải thoả đáng được,[7] nhưng có bằng chứng chắc chắn là những hiện tượng này thuộc lãnh vực tự nhiên. Tuy nhiên, theo khía cạnh phân định thần khí, cần phải giải quyết những hiện tượng có dáng dấp như những hiện tượng thần bí đích thực, nhưng lại có nguồn gốc tự nhiên hay pha trộn một cách nào đó với siêu nhiên. Con người không thể nắm bắt hết được những quy luật vận hành của tự nhiên, cũng như không biết hết được những gì tự nhiên có thể thực hiện; thế nhưng, có một nguyên tắc rất căn bản chúng ta có thể áp dụng để phân định, đó là nguyên tắc “bất mâu thuẫn”. Theo nguyên tắc này, trong bất cứ một sự kiện nào nếu chắc chắn không phát xuất từ siêu nhiên thì có thể giải thích là do tự nhiên (hay do ma quỷ).

Phân biệt được tâm lý và tâm linh là việc cần thiết khi tiếp xúc với những người nói rằng họ có những cảm nghiệm khác thường. Trong trường hợp này người làm công việc đồng hành phải hết sức thận trọng. Có hai thái cực cần phải tránh: công nhận là siêu nhiên hay phép lạ bất cứ một hiện tượng nào bất thường, hoặc không chấp nhận bất cứ điều gì ngoài hiện tượng tự nhiên.[8] Thái độ tốt nhất lúc này có lẽ là người đồng hành thiêng liêng không nên bận tâm suy nghĩ xem một kinh nghiệm khác thường thực sự là đúng hay sai; đừng ầm ĩ về chuyện đó; cũng đừng vội nói đến những “ơn lạ”;[9] nhưng tốt nhất, hãy quay về trọng tâm của vấn đề là giúp người đang được mình đồng hành nhận ta thánh ý Thiên Chúa, sống trong tình thương của Thiên Chúa và của tha nhân.[10]

Các hiện tượng có tính cách tâm lý thường phát xuất từ những nguyên nhân tự nhiên như: các nhân tố thuộc sinh lý hay thể chất, óc tưởng tượng, [11] tình trạng suy nhược, đau bệnh, đặc biệt là chứng rối loạn về thần kinh.[12] Để có được sự phân định chính xác về những hiện tượng nào mang dáng dấp của tình trạng suy nhược này, đôi khi cần phải nại đến các chuyên gia về tâm lý và y học. Trên cơ sở kiểm chứng của họ, người đồng hành thiêng liêng có thể có được sự phân định đúng đắn.

Một hiện tượng rất thường hay gặp liên quan đến những đổ vỡ trong quá khứ, có thể gọi tên là ý thức về tội lỗi, ý thức này dẫn tới tâm tình hoán cải; tuy nhiên, không phải lúc nào con người cũng có được ý thức về tội lỗi đúng nghĩa, mà nhiều khi chỉ là hiện tượng tâm lý thuần tuý, đó là mặc cảm tội lỗi mà thôi. Không ít người đã được giáo dục trong một bầu khí đầy cấm đoán, sợ hãi; trong những bài giáo lý, bài giảng… đâu đâu con người cũng được nhồi nhét những lệnh cấm, những tội lỗi và hình phạt…; rốt cuộc, tự vô thức, con người luôn mang mặc cảm tội lỗi; và trong việc thực hành tâm linh, những tảng băng ngầm vô thức này luôn trồi lên chi phối đời sống con người. Việc phân biệt đâu là siêu ngã, đâu là tâm linh cũng chẳng phải là một việc làm đơn giản.


3. Phân biệt giữa siêu ngã và tâm linh

Siêu ngã là một phần nhân cách của con người, nó kiểm soát và chi phối những hoạt động của con người, mà nhiều khi không thể nào cưỡng lại được. Có những người bị siêu ngã “thống trị”, và suốt đời mang mặc cảm tội lỗi, thấy mình đáng nguyền rủa, đáng bị người khác hành hạ… Những vô thức này thể hiện qua những hình thái mang mầu sắc tâm linh, như một thái độ ăn năn sám hối, khiêm tốn, hãm mình, đau khổ về những sai lầm trong quá khứ… Điều khó khăn là làm sao phân biệt đâu là những biểu hiện của siêu ngã, đâu là biểu hiện của đời sống tâm linh đích thực.

Khởi đi từ những nỗi sợ hãi, những sang chấn tâm lý từ thời niên thiếu, con người có thể bị “lập trình”, “vô thức hoá”, “nội tâm hoá” những mệnh lệnh cấm đoán, những quy chuẩn luân lý… và biến tất cả thành một cấu trúc kiểm soát và phê phán thường trực bên trong chính tâm lý của mình, cấu trúc mà Sigmund Freud gọi là siêu ngã; đây chính là nguồn ngọn của mọi “áy náy lương tâm” hay mặc cảm tội lỗi. Chính vì vậy:

Mặc cảm tội lỗi sẽ nói lên một thiếu sót so với nền luân lý “nội tâm” kia. Nó giả thiết một đạo lý, nhưng đạo lý đó phải được nội tâm hoá: một cấu trúc nơi đương sự làm chứng nhân danh đạo lý ấy… Trong chừng mực mà trẻ một cách nào đó tự đồng hoá với người cha đầy răn đe, thì nó sẽ nội tâm hoá lời giáo huấn ấy, đó là chìa khóa để được người khác yêu thương và quý mến”.[13]

Khi nào mặc cảm tội lỗi trồi lên, khi đó “nhu cầu bị phạt” - một nhu cầu bệnh hoạn - cần được đáp ứng; đây chính là biểu hiện của tâm bệnh chứ không phải là biểu hiện của tâm linh. Hơn nữa, thông thường mặc cảm tội lỗi như thế là biểu hiện lòng tự trọng bị tổn thương, hơn là biểu hiện lòng sám hối vì cảm nhận được lòng yêu thương thực sự của Thiên Chúa. Họ thường thất vọng về chính mình, vì bản thân không làm được những điều như mình muốn. Sự hối tiếc quy ngã này không phải là thái độ đúng đắn trên lộ trình thiêng liêng, mà chỉ làm con người thêm thất vọng về mình mà thôi.

Hối hận theo đúng nghĩa Kitô giáo là thái độ khiêm hạ trước nhan Thiên Chúa, vì đã không đáp trả được lòng yêu thương của Người, hoặc đã đáp trả bằng thái độ vô ơn bất nghĩa. Một khi ý thức mình đã xúc phạm đến tình yêu, làm tổn thương tình yêu, con người phải biết cậy trông và tin tưởng vào tình thương hải hà của Thiên Chúa, chạy đến với Người để được thứ tha. Thái độ ân hận phải được khởi đi từ một ý thức như thế, chứ không phải là sự quy ngã, hay hành động theo thúc đẩy của vô thức. Thái độ quy ngã chỉ tăng thêm lòng tự ái và thậm chí còn làm cho tội ra nặng thêm; ngược lại, lòng sám hối thực tâm (sám hối vì yêu mến, vì nhận ra tình thương của Chúa mà can đảm “trở về”) sẽ lôi kéo tình thương của Thiên Chúa, và chính tình thương ấy nâng đỡ, biến đổi, chữa lành những đổ vỡ trong tâm hồn.[14]

Công việc của người đồng hành thiêng liêng là làm sao giúp cho người thụ hướng tự hoà giải được với chính mình, với tha nhân và với Thiên Chúa; hoàn toàn chấp nhận được những yếu đuối của bản thân trong thái độ khiêm tốn, tin tưởng và bình an. Thánh Phaolô chẳng nói rằng “Tôi cảm thấy vui sướng khi mình yếu đuối… Vì khi tôi yếu chính là lúc tôi mạnh[15] đó sao? Thiên Chúa không phải là Đấng độc đoán, nghiêm khắc và dữ tợn như những hình ảnh của siêu ngã bày ra.

Một khi con người thoát ra khỏi vòng kiềm toả của siêu ngã và có được mối tương quan ngôi vị với Thiên Chúa, nhận ra Người là Đấng yêu thương, tha thứ, thì con người mới có thể có lời đáp trả đúng đắn, và bắt đầu tiến bước trên đường thiêng liêng qua chính nẻo đường riêng tư Thiên Chúa dành cho họ.

Chúng ta chuyển sang sự phân biệt khác, phân biệt giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý. Việc tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý đang là vấn đề nổi bật của xã hội chúng ta ngày nay.


4. Phân biệt giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn tâm lý hay trị liệu tâm lý

Ở thời đại chúng ta hôm nay, vấn đề tư vấn tâm lý đang hết sức thịnh hành. Người ta bế tắc không tìm ra hướng đi cho cuộc sống, đổ vỡ trong các mối tương quan bè bạn, công việc, nhất là trong mối tương quan hôn nhân gia đình. Thoạt tiên, người ta có thể lầm lẫn việc đồng hành thiêng liêng với những kiểu tư vấn tâm lý như thế. Đặc biệt là việc trị liệu tâm lý; càng ngày chúng ta càng chứng kiến con người gặp nhiều khủng hoảng, căng thẳng (stress), cuộc sống của họ bị xô lệch, vỡ vụn, và bản thân họ không thể nào tự tìm lại được thế quân bình, phải cần đến sự can thiệp của những chuyên gia tâm lý. Điều trị bằng phân tâm học là một hình thức điều trị dựa trên các mối quan hệ, nhà phân tâm sẽ giúp cho thân chủ nhìn rõ được con người thật của mình thông qua việc lắng nghe, phản hồi; từ đó thân chủ có thể được kéo ra khỏi vùng vô thức và điều chỉnh lại các mối tương quan của mình cho quân bình hơn. Việc trị liệu tâm lý này cũng thường bị lầm lẫn với việc đồng hành thiêng liêng. Ở đây, xin nêu ra những tiêu chuẩn căn bản để phân định sự khác biệt tinh tế này. Fr F. Antonisamy đưa ra ba tiêu chuẩn rất cụ thể để phân biệt:[16]

1. Tư vấn tâm lý là cố gắng tìm trạng thái cân bằng cho người tư vấn, giúp họ lấy lại được thế đứng quân bình về tâm lý cũng như tư tưởng; còn đồng hành thiêng liêng là cố sao giúp cho họ có được mối tương quan với Thiên Chúa, mối tương quan ngôi vị, quân bình và bằng an.

2. Nền tảng của việc tư vấn tâm lý là khoa học nhân văn, nghĩa là từ một hệ thống thu tập những nguyên tắc cũng như nhu cầu chung của con người, người tư vấn giúp họ (thân chủ) khám phá và tìm ra cách thức thoả mãn cũng như cân bằng những nhu cầu ấy; còn nền tảng của việc đồng hành thiêng liêng là chính sự can thiệp của Thiên Chúa, nhìn từ góc độ ân sủng và tình thương của Người.

3. Công việc chính yếu của tư vấn tâm lý là điều chỉnh những rối loạn cảm xúc; còn việc chính yếu của đồng hành thiêng liêng là điều chỉnh những “rối loạn” về đời sống đức tin và luân lý.[17]

Từ những nguyên tắc trên, chúng ta có thể phân biệt một cách chung chung giữa tư vấn tâm lý và việc đồng hành thiêng liêng:

- Tư vấn tâm lý căn bản là thoả mãn những yêu cầu, vấn nạn của thân chủ về mặt tâm lý, xã hội; còn đồng hành thiêng liêng là hướng dẫn cho người thụ hướng về đường tâm linh, giúp họ thiết lập mối tương quan tốt đẹp với Thiên Chúa, và tìm ra được con đường Thiên Chúa muốn họ đi.

- Những người xin tư vấn tâm lý muốn tìm những lời khuyên, những giải pháp mang tính cấp thời để điều chỉnh tình trạng mất thăng bằng của mình; những giải pháp này đến từ phía con người và nhiều khi chỉ là giải pháp tạm thời, chữa cháy. Việc đồng hành thiêng liêng không phải chỉ là chờ đợi những lời khuyên, những giải pháp, mà bản thân người được đồng hành phải thiết lập được mối tương quan căn để với chính Thiên Chúa; chỉ có Người mới là giải pháp tối hậu hay đích điểm của hành trình tâm linh.

- Trong việc tư vấn tâm lý, nhà tư vấn giữ vai trò quan trọng, nếu không muốn nói là quyết định; còn trong việc đồng hành thiêng liêng, Người đồng hành chỉ đóng vai trò hướng dẫn, còn vai trò chính vẫn là Thiên Chúa, Đấng mà cả người đồng hành và người được đồng hành cũng đều phải lắng nghe.

Những phân biệt trên chỉ là những điểm gợi ý rất thoáng qua. Thực ra, rất khó có thể phân biệt rạch ròi được sự khác biệt tinh tế giữa những điều liên quan đến tâm lý và tâm linh, tư vấn và đồng hành. Tuy nhiên, những phân biệt này, dẫu cho rất sơ sài, cũng là việc làm cần thiết không thể coi nhẹ. Chính vì thế, chúng ta cùng tìm hiểu một khía cạnh khác nữa trong việc đồng hành, đó là:




5. Phân biệt giữa đồng hành thiêng liêng và tư vấn mục vụ

Nếu không phân tích sâu xa, chúng ta rất dễ lầm tưởng đồng hành thiêng liêng và tư vấn mục vụ là một. Tư vấn trong mục vụ là một loại tư vấn đặc biệt, phân biệt hẳn với các loại tư vấn khác xét về phương pháp và định hướng. [18]

Các nhà tư vấn mục vụ trước tiên phải là những người sống đức tin và nắm giữ các giá trị Kitô giáo. Niềm tin và các giá trị này bộc lộ cách gián tiếp hay trực tiếp trong quá trình tư vấn. Chính nhờ đời sống chứng tá và kinh nghiệm đức tin sống động của mình, người tư vấn không phải chỉ nói lý thuyết mà còn có thể chia sẻ kinh nghiệm sống cụ thể và thiết thực của mình cho người khác. Mục đích minh nhiên và chủ yếu của các nhà tư vấn mục vụ là giúp các Kitô hữu giải quyết những vấn đề của họ sao cho phù hợp với tinh thần của Đức Giêsu theo như giáo huấn của Tin mừng và của Giáo hội. Phần lớn các cuộc tư vấn đều liên quan trực tiếp đến những vấn đề người giáo hữu đang phải đối diện; những vấn đề này được đem ra thảo luận trong bối cảnh đức tin và tình trạng dấn thân sống niềm tin của chính người đang được tư vấn.[19]

Việc tư vấn mục vụ được xây dựng trên cơ sở một bên là người giúp đỡ và một bên là người tìm sự trợ giúp. Điều này giả định rằng nhà tư vấn là người có đức tin, đáng tín nhiệm, có sự am hiểu, và có kinh nhiệm trong việc tư vấn; do đó có thể chia sẻ đức tin và giúp đỡ cho người khác cách hữu hiệu.[20]

Từ những khái niệm về tư vấn mục vụ ở trên, chúng ta có thể phân biệt sự khác nhau giữa tư vấn mục vụ và đồng hành thiêng liêng. Như chúng ta đã biết, mục đích của việc đồng hành thiêng liêng là giúp người ta lớn lên trong đời sống thiêng liêng, thông qua mối tương quan sâu sắc với Thiên Chúa, đặc biệt qua Đức Kitô, nhận ra kế hoạch của Người trên cuộc đời họ, nhận ra Người đang làm việc trong chính bản thân họ. Nếu như nền tảng của tư vấn mục vụ dựa trên mối tương quan giúp đỡ, thì trong việc đồng hành, vị linh hướng chủ yếu quan tâm đến cách mà người thụ hướng quan hệ với Thiên Chúa và với người khác.[21] Chính Chúa Thánh Linh sẽ soi sáng, dẫn đường họ đến với Đức Giêsu, Đấng “là đường, là sự thật và là sự sống”; chỉ nơi Người, đời sống tâm linh của chúng ta mới đạt tới các chiều kích dài, rộng, cao, sâu và sự trọn vẹn viên mãn.

Tác giả Richard P. Vaughan, S.J. cho chúng ta nhận định rõ ràng: “Tư vấn mục vụ không phải là đồng hành thiêng liêng”. [22] Đối với một số vị đồng hành, đồng hành có nghĩa là phải lắng nghe người thụ hướng bộc lộ những vấn đề về cầu nguyện, về đời sống nội tâm của họ, từ đó cho họ những chỉ dẫn cần thiết. Đối với một số vị đồng hành khác, đồng hành hoàn toàn giống với việc tư vấn, nghĩa là không có tính chỉ thị; vị đồng hành chỉ diễn đạt lại những gì người thụ hướng nói về mối tương quan của đương sự đối với Thiên Chúa, và giúp đương sự nhận ra cách mà Chúa Thánh Thần đang hướng dẫn mình. Như thế:

Vị đồng hành đóng góp vào việc xác minh đời sống đức tin và những hình thức cụ thể mà đời sống đức tin ấy khoác lấy, và vị đồng hành làm công việc này bằng cách cùng với người thụ hướng khảo sát những hoạt động của Thiên Chúa mà đương sự ý thức được. Dần dần, bản sắc đích thực của các hình thức cụ thể ấy sẽ hiển lộ rõ. Trong trường hợp này, sự nhấn mạnh được đặt nơi nguồn gốc và bản chất của hoạt động ân sủng, nơi những giai đoạn nối tiếp nhau của quá trình nhọc nhằn tìm kiếm Thiên Chúa, và nơi sự khám phá đầy thú vị về Người”.[23]

Sau khi lược qua khái niệm căn bản về việc đồng hành thiêng liêng, chúng ta tìm hiểu xem điều căn cốt trong công việc quan trọng này là gì. Ở đây chúng tôi bàn đến hai khía cạnh căn bản đó là lắng nghe và phân định.





[1] Xc. Fr F. Antonisamy, An introduction to Christian spirituality, tr. 171.

[2] Xc. Jordan Aumann, OP.  Đời sống tâm linh, tập II, tr. 262, 300.

[3] Xc. Phan Tấn Thành, Giáo trình bí tích Hoà giải, tr. 82.

[4] Chẳng hạn như dòng Đaminh, Hiến pháp dòng không buộc các tập sinh hoặc tu sĩ phải thực hành việc đồng hành thiêng liêng này.

[5] Trong lịch sử linh đạo, có những vị đồng hành lỗi lạc nhưng không có chức thánh như: thánh Têrêra Avila, thánh Catarina, thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu …

[6] Xc. Giáo luật điều 630.

[7] Ví dụ như thần giao cách cảm, siêu cảm, siêu ngôn… và một số hiện tượng ma thuật.

[8] Xc. Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 369-370.

[9] Thánh Gioan Thánh Giá cho chúng ta một nguyên tắc đơn giản: đừng hao phí năng lực vào chuyện đó; nếu điều gì bắt nguồn từ Thiên Chúa, trong bất kỳ trường hợp nào, nó vẫn có kết quả tròn đầy dù người khác có công nhận hay không.

[10] Xc. Wilfrid Stinissen, Quà tặng tâm linh, tr. 86.

[11] Người có tính đa sầu đa cảm chẳng hạn, thiên về những ảo tưởng mang tính cách thần bí. Tự bản chất, những người như vậy có tính nội hướng cực độ và óc tưởng tưởng phong phú. Sự lãnh đạm thái quá của họ đối với môi trường xung quanh dễ dẫn tới một điều gì giống như xuất thần, và những tưởng tượng sống động của họ có thể phát sinh những điều có vẻ như những mặc khải siêu nhiên và thị kiến, có những cảm nghiệm như là thần bí: được tiếp xúc âu yếm với Thiên Chúa, nhận được những thị kiến an ủi và những mặc khải khi ở trong tình trạng đạo đức, sốt sắng (Xc. Sđd tr. 371).

[12] Tình trạng cơ thể suy nhược, như lao động trí óc hoặc khắc khổ thái quá, thần kinh suy nhược, rối loạn… đôi khi là nguyên nhân của một kiểu lãnh đạm với môi trường xung quanh, các cơ năng cảm giác có thể suy yếu, dễ phát sinh những ảo tưởng mang dáng dấp thần bí.

[13] Daniel Widlocher, Nhà tâm lý học đối diện với vấn đề mặc cảm tội lỗi, phần bổ sung trong tạp chí đời sống thiêng liêng, số 61, quý 2-1962, tr. 308 (Trích theo Jean Francois Catalan, Kinh nghiệm thiêng liêng và tâm lý học, tr. 106-107).

[14] Xc. Wilfrid Stinissen, Quà tặng tâm linh, tr. 80-81.

[15] 2 Cr 12, 10
[16] Ở đây tác giả chỉ đưa ra ba tiêu chuẩn để phân biệt giữa tư vấn tâm lý và đồng hành thiêng liêng, tuy nhiên chúng ta cũng có thể áp dụng một cách tương tự cho việc phân tâm trị liệu và đồng hành nữa.

[17] Xc. Fr F. Antonisamy, An introduction to Christian spirituality, tr. 176-177.

[18] Tác giả Richard P. Vaughan, SJ. trình bày cho các nhà tư vấn mục vụ ba định hướng tư vấn, cụ thể là: 1. Làm việc trong tư cách là một chuyên gia; 2. trong tư cách là một người giúp đỡ đầy quan tâm và cảm thông; 3. trong tư cách là một người giúp tạo điều kiện cho quá trình giải quyết vấn đề được dễ dàng hơn (Richard P. Vaughan, SJ. Tư vấn mục vụ - những kỹ năng căn bản, tr. 31).

[19] Đây cũng chính là điểm phân biệt tư vấn mục vụ với các loại tư vấn khác, như: tư vấn hôn nhân gia đình, tư vấn tâm lý…

[20] Xc. Richard P. Vaughan, SJ. Tư vấn mục vụ - những kỹ năng căn bản, tr. 21-22.

[21] Xc. Richard P. Vaughan, SJ. Tư vấn mục vụ, những kỹ năng căn bản, tr. 23.

[22] Ibidem tr. 23.

[23] Raymond Hostie, Pastoral Counseling. New York: Sheed and Ward, 1960, tr. 10 (Trích lại trong Richard P. Vaughan, SJ. Tư vấn mục vụ, những kỹ năng căn bản, tr. 23-24).


 II. Việc lắng nghe

 

1. Lắng nghe điều gì?



1.1. Lắng nghe những khát vọng của tâm hồn

1.2. Lắng nghe tiếng Chúa

1.3. Lắng nghe “sự sống chuyển mình”

2. Những nguyên tắc cơ bản để lắng nghe

2.1. Lắng nghe nhưng không xét đoán

2.2. Ý thức mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa

2.3. Bỏ ngỏ để Chúa hành động

2.4. Không bao giờ lấy quyết định dùm người khác

3. Chiều kích tâm lý của việc lắng nghe

3.1. Biết mình

3.2. Đón nhận tha nhân với những khác biệt

3.3. Khả năng lắng nghe người khác

4. Chiều kích thiêng liêng của việc lắng nghe

4.1. Lắng nghe trong niềm tin

4.2. Lắng nghe với niềm hy vọng

4.3. Lắng nghe bằng lòng mến


Lắng nghe là việc làm không thể thiếu trong mọi mối tương quan. Việc lắng nghe tích cực sẽ giúp cho đương sự bộc lộ tâm hồn cách cởi mở, trung thực, và tránh được thái độ sợ sệt, khép kín, phòng vệ.

Tuy nhiên, phải lắng nghe điều gì? - Đây là nội dung của việc đồng hành thiêng liêng. Đâu là nguyên tắc để lắng nghe? - Đây là cách thức để đồng hành. Và đâu là những chiều kích của việc lắng nghe? - Đây là những khía cạnh của việc đồng hành.

Chúng ta đi vào vấn đề thứ nhất:


1. Lắng nghe điều gì?

Chúng ta không hiểu lắng nghe theo nghĩa tâm lý hay giao tiếp thuần tuý, mà lắng nghe ở đây bao hàm sự hiểu biết, đón nhận và giúp người thụ hướng khám phá ra con người thật của họ, khám phá ra sự hiện diện của Thiên Chúa trong họ, và kế hoạch của Người dành cho họ. Chính vì vậy, nội dung của việc lắng nghe ở đây cũng chính là nội dung của việc đồng hành thiêng liêng.

Chúng ta tìm hiểu nội dung việc lắng nghe này theo một số khía cạnh, khởi đi từ tình trạng bản thân của người thụ hướng, từ những khát vọng trong tâm hồn họ, giúp họ lắng nghe được tiếng Chúa, và nỗ lực đáp trả lại lời mời gọi của Người.




1.1. Lắng nghe những khát vọng của tâm hồn

Khát vọng của tâm hồn là điều gì đó rất thăm thẳm, kín ẩn, và rất nhiều khi người ta không nhận ra và cũng chẳng thể gọi tên khát vọng đó là gì. Bước đầu của cuộc đồng hành là phải giúp cho người thụ hướng khám phá ra đâu là khát vọng sâu xa của họ, xuyên qua những biểu hiện mà vị đồng hành có thể thấy được. Nhờ việc lắng nghe, cùng với sự chân thành bộc lộ của người thụ hướng, vị đồng hành có thể giúp cho đương sự nhận ra con người thật của họ, khát vọng thâm sâu của họ thông qua những biến cố và tình trạng thật của cuộc sống: có thể đó là những kinh nghiệm đổ vỡ, thất bại, tội lỗi, khủng hoảng, những xu hướng của bản thân, những cơn cám dỗ thường xuyên phải đối mặt, kinh nghiệm chiến đấu thiêng liêng, kinh nghiệm cầu nguyện, kinh nghiệm gặp gỡ Chúa… Xuyên qua những dữ kiện này, kết hợp với sự phân định, người thụ hướng được hướng dẫn để nhận ra thực sự họ đang mong muốn điều gì.

Cũng nên biết rằng, không phải người thụ hướng nào cũng ý thức và dễ dàng bộc lộ những điều sâu thẳm trong lòng; nhiều khi, họ chỉ kể cho vị đồng hành những chuyện ngoài lề, chuyện của người khác, toàn những chuyện chẳng liên quan gì đến vấn đề cốt thiết của việc đồng hành thiêng liêng. Do vậy, vị đồng hành phải khôn ngoan để hướng dẫn họ đi vào đúng mục đích của cuộc gặp gỡ, giúp họ thanh lọc những yếu tố không cần thiết, và phân định để thấy rõ được đâu là vấn đề thực sự của họ.

Chính vì vậy, việc nhận diện ước muốn nền tảng của người thụ hướng là điều không chút dễ dàng. Dù muốn dù không, nơi mỗi con người còn cả một thế giới vô thức chi phối nữa, thế giới mà Sigmund Freud gọi là những “tảng băng ngầm”. Những ước muốn, những xung năng nơi mỗi con người đan xen vào nhau, thúc đẩy con người hành động mà nhiều khi họ không hề ý thức. Như thế, những gì người thụ hướng bộc lộ có thể mới chỉ là phần nổi (phần ý thức) của tảng băng ngầm (phần vô thức), còn biết bao điều sâu kín có thể bị che đậy. Nếu vị đồng hành chỉ đánh giá, phân định người thụ hướng qua những gì họ nói ra, thì e rằng sự phân định này sẽ thiếu sót, sai lệch.

Vị đồng hành còn phải khôn ngoan đoán biết những gì chưa được bộc lộ, mà nhiều khi đây mới là vấn đề chính. Chẳng hạn, người thụ hướng tỏ ra mình là người luôn tự ti, mặc cảm, lúc nào cũng thấy mình tội lỗi, đáng nguyền rủa, và luôn phải sống trong tình trạng bất an, lo sợ, căng thẳng… mà không trình bày nguyên nhân tại sao họ lại có cảm thức ấy. Bằng chính kinh nghiệm đồng hành và sự khôn ngoan, vị đồng hành có thể đoán biết đương sự đang rơi vào tình trạng bất ổn luân lý nào đó, ví dụ như mắc tật thủ dâm, đồng tính luyến ái, hay có mối quan hệ bất chính nào khác…

Một khi nắm bắt được nguyên nhân gây ra những xáo trộn, những xao xuyến trên, vị đồng hành có thể từng bước giúp đương sự nhận ra, đón nhận con người thật của mình, và từ đó khám phá ra lòng nhân từ và kế hoạch của Thiên Chúa, học biết lắng nghe tiếng Chúa.


1.2. Lắng nghe tiếng Chúa

Xuyên qua những vấn đề của chính bản thân, người thụ hướng được giúp đỡ để lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Đây là một hành trình dài, đòi hỏi sự kiên nhẫn của cả hai bên, đặc biệt là thái độ cởi mở và khát khao của người thụ hướng. Thực tế, việc nhận ra và chấp nhận được tình trạng của bản thân đã là bước khó khăn; và như vậy, việc lắng nghe được tiếng Chúa qua tình trạng cụ thể đó, cũng lại là một thách đố không nhỏ.

Trước tiên, vị đồng hành phải giúp cho người thụ hướng ý thức chính Thiên Chúa đang hoạt động trong họ, muốn những điều tốt đẹp cho họ, và Người có thể biến những đổ vỡ, những khát vọng của họ thành cơ hội thuận tiện để họ có thể gặp gỡ được Người. Người ta thường nói: “Thiên Chúa vẽ đường thẳng bằng những nét cong” là vậy. Thánh Phaolô thì xác tín rằng: “Thiên Chúa làm cho mọi sự đều sinh ích cho những ai yêu mến Người, tức là cho những kẻ được Người kêu gọi theo như ý Người định”. [1]

Rất thường khi, người ta cảm thấy thất vọng về một quá khứ không mấy hay ho của mình, một quá khứ được dệt nên bằng những thất bại, đau khổ, tội lỗi…; thế rồi họ buông xuôi, không thiết tha cầu nguyện, không thiết tha phấn đấu gì nữa. Kẻ thù nguy hiểm nhất trên hành trình thiêng liêng đó là sự thất vọng. Thiên Chúa không bao giờ thất vọng về con người, không bao giờ đặt dấu chấm hết cho những nỗ lực của họ. Những ai rơi vào tình trạng này, rất cần được giúp đỡ để khám phá ra thế nào là một Thiên Chúa xót thương. Bài học quý báu của lịch sử cứu độ phải là tấm gương soi cho những ai đang trên hành trình lữ thứ; đó không phải là một lịch sử chết ghi lại các biến cố, mà là một lịch sử sống động cho thấy bàn tay Chúa luôn tác động trên cuộc sống con người, ghi dấu ấn tình thương của Người qua từng biến cố, kể cả những biến cố tội lỗi và đau thương nhất. Nếu không khám phá ra tình thương Thiên Chúa, thì người thụ hướng chưa thể lên đường trên hành trình hoán cải nội tâm.

Lắng nghe tiếng Chúa không phải là việc làm của một riêng ai, cả vị đồng hành và người thụ hướng đều phải lắng nghe tiếng Chúa nói với mình. Vị đồng hành lắng nghe để biết được chương trình của Thiên Chúa muốn thể hiện nơi người thụ hướng; người thụ hướng lắng nghe để nhận ra ý Chúa tỏ hiện qua vị đồng hành, và có khi tỏ hiện ngay trong chính cõi thâm sâu của tâm hồn mình.

Do vậy, việc lắng nghe tiếng Chúa bao gồm cả việc trao đổi và lắng nghe nhau; đặc biệt người thụ hướng phải kiên nhẫn gặp gỡ vị đồng hành, siêng năng cầu nguyện, và luôn mở rộng tâm hồn để Chúa tác động. Theo cha André Louf, cuộc đối thoại trong khi đồng hành thiêng liêng là điểm thuận lợi hơn cả, trong đó sự hiển lộ có thể xảy đến không phải do nỗ lực của con người, cũng không lệ thuộc bất cứ kỹ thuật cầu nguyện hay suy niệm nào. Chính nơi sự siêu thoát và trần trụi nội tâm của người thụ hướng, mà Đức Kitô và Thần Khí sẽ đến gặp gỡ, tác động trong họ. [2]

Tác giả André Louf còn cho thấy:

Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất của việc đồng hành thiêng liêng, là dạy cho người anh em biết đứng vào đúng chỗ, sẵn sàng, chuyên tâm vào một sự chờ đợi không mệt mỏi và vô cùng tận. Thiên Chúa luôn rất gần chúng ta, và không những gần mà còn ở trong chúng ta, nơi thâm tâm chúng ta, nơi cái tâm của cái tâm ta”. [3]

Như vậy, việc lắng nghe tiếng Chúa không phải chỉ là sử dụng những phương pháp quen gọi là “khoa học nhân văn”, mà điều quan trọng là lắng nghe Thần Khí tác động, từ đó có thể nhận ra cái tôi đích thực và vận mệnh đời mình. Cái tôi ấy đã được nhào nặn qua biết bao biến cố, kinh nghiệm, ân sủng; và vận mệnh ấy chính là thuận theo kế hoạch của Thiên Chúa ngay trong chính tình trạng của bản thân mình. Việc còn lại của người thụ hướng là nỗ lực đáp trả thánh ý Thiên Chúa, hay là lắng nghe “sự sống chuyển mình” trên hành trình tâm linh diệu vợi.


1.3. Lắng nghe “sự sống chuyển mình”

Việc đồng hành thiêng liêng không dừng lại ở việc giúp cho người thụ hướng nhận ra chính bản thân họ và nhận ra chương trình của Chúa trên cuộc đời họ; nhưng đòi còn phải có những kết quả cụ thể, đó là sự cộng tác tích cực của đương sự để hoàn thành vận mạng đời mình theo chương trình của Thiên Chúa, là sự biến đổi toàn diện con người, là sự gặp gỡ Thiên Chúa thực sự và sống động.

Từ khi lãnh bí tích Thánh tẩy, người Kitô hữu đã được gieo vào tâm hồn mầm sống, được biến đổi, và được sống bằng chính sức sống của Thiên Chúa; tuy nhiên, do hậu quả của tội lỗi, con người phải gánh chịu bao đổ vỡ nơi tâm hồn, những “di chứng của tội lỗi” ngăn cản không cho con người nhận ra Thiên Chúa, làm cho mầm sống đã được gieo vào lòng con người, có đó, nhưng không phát triển sung mãn được. Chính vì vậy, nhờ việc được chữa lành, những thương tích dần dần phai lạt, và con người được ban ân sủng để mầm sống đức tin triển nở. Đó chính là lúc sự sống chuyển mình, con người đi vào hành trình hoán cải và đổi mới.

Tiến trình “sự sống chuyển mình” diễn ra thế nào? Hay nói cách khác, hành trình gặp gỡ và biến đổi của người thụ hướng trong cuộc đồng hành thiêng liêng có diễn tiến ra sao? Thực ra, khó có thể diễn tả rạch ròi tiến trình này; hơn nữa, đối với mỗi người sự hoán cải diễn ra mỗi khác. Tuy nhiên, ở đây chúng tôi thử vay mượn hình ảnh bộ tranh “Mục ngưu đồ” [4] của Phật giáo để diễn tả điều mà thực ra rất khó diễn tả.

Theo bộ tranh “Mục ngưu đồ” tiến trình “giác ngộ”, “trở về tâm”, “thuần tâm”, hay tìm ra “bản lai diện mục” của hành giả, gồm tất cả mười bước. Chúng ta có thể tham khảo song song ở đây cả hai trường phái: tranh Đại Thừa (lối tu tiệm) và tranh Thiền Tông (lối tu đốn).



Tranh Đại Thừa

1. Vị mục: chưa chăn, chưa tìm được trâu.

2. Sơ điều: mới chăn.

3. Thọ chế: chịu khép, luyện trâu.

4. Hồi thủ: quay đầu, kéo trâu.

5. Tuần phục: vâng chịu, hàng phục trâu.

6. Vô ngại: thuần thục trâu.

7. Nhiệm vận: tha hồ, bỏ mặc.

8. Tương vong: cùng quên.

9. Độc chiếu: một bóng người và trâu đồng điệu.

10. Song dẫn: dứt cả hai, mất cả trâu lẫn người.

Tranh Thiền Tông

1. Tầm ngưu: tìm trâu.

2. Kiến tích: thấy dấu.

3. Kiến ngưu: thấy trâu.

4. Đắc ngưu: được trâu.

5. Mục ngưu: chăn trâu.

6. Kỵ ngưu quy gia: cưỡi trâu về nhà

7. Vong ngưu tồn nhân: quên trâu còn người.

8. Nhân ngưu câu vong: người trâu đều quên.

9. Phản bổn hoàn nguyên: trở về nguồn cội.

10. Nhập triền thuỳ thủ: thõng tay vào chợ. [5]

Có thể tạm dùng những hình ảnh trên mà diễn tả tiến trình hoán cải, hay sự hiển lộ của người thụ hướng. Khởi đi từ quá trình khát khao tìm kiếm, khám phá khát vọng thâm sâu của mình (tìm trâu), trải qua cuộc đồng hành, người thụ hướng được hướng dẫn, phân định để nhận ra (dắt trâu), và chấp nhận con người thật của mình (luyện trâu); từ đó lắng nghe tiếng Chúa nói trong hoàn cảnh cụ thể mình đang sống (thuần trâu). Một khi nhận ra được con đường Chúa muốn mình đi, người thụ hướng thoát ra khỏi cái tôi ích kỷ, khỏi sự thương tật của mình (buông trâu, quên người), và sau cùng hoàn thành vận mệnh đời mình theo kế hoạch ân sủng của Thiên Chúa (hoà với thiên nhiên, thõng tay vào chợ).

Có thể tạm coi đó là những bước căn bản trong tiến trình hoán cải tâm linh. Bây giờ chúng ta bước vào tìm hiểu những nguyên tắc lắng nghe trong đồng hành.


2. Những nguyên tắc cơ bản để lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật, và phải tuân theo những nguyên tắc tối thiểu. Những nguyên tắc này có thể giúp các tâm hồn xích lại gần nhau, hiểu và cảm thông với nhau hơn. Dĩ nhiên tuỳ từng trường hợp, mà có thể có những cách thức khác nhau khi lắng nghe người khác; nhưng điều trước tiên cần lưu ý là:


2.1. Lắng nghe nhưng không xét đoán

Người đồng hành có thể tạo được một môi trường an toàn cho người khác khả dĩ bộc lộ hay không, chính là thái độ lắng nghe mà không xét đoán này. Một căn bệnh cố hữu thường hay gặp là người ta quá dễ dàng cho người khác lời khuyên, lên lớp luân lý, tệ hại hơn là kết án, trước khi kiên nhẫn lắng nghe họ trình bày. Một khi đã có sẵn những thiên kiến, những khuôn mẫu, dù là mẫu mực về đời sống tâm linh đi nữa, thì vô tình việc lắng nghe chỉ còn là công việc đánh giá, xếp hạng, và dán mác mà thôi. Lắng nghe đích thực là một thái độ đồng cảm không xét đoán, không phản đối, và cũng không quả quyết. [6] Chính thái độ này tạo cho người được đồng hành cảm giác mình được đón nhận, được an toàn; từ đó họ có thể dễ dàng bộc lộ tâm hồn mình, can đảm nhìn thẳng vào những gì sâu thẳm nhất, những khuynh hướng tốt cũng như xấu, những yếu đuối và thất bại. Theo Wilfrid Stinissen, điều người khao khát đời sống tâm linh mong muốn trên hết không phải là sự khích lệ, sự trợ giúp, dù có liên quan đến giải tội thì ngay cả việc tha tội cũng không phải là mục đích tối hậu; nhưng điều họ thực sự tìm kiếm là trở nên một chủ thể và được người khác đón nhận như chính họ là. [7]

Quả thực, việc bày tỏ tâm hồn mình không phải là công việc đơn giản; làm sao có thể phơi bày con người thật của mình cho người khác nếu không tin tưởng con người này tuyệt đối? Đó là chưa kể phải chiến thắng sự tự ái, mặc cảm, hổ thẹn, một khi những điều thầm kín nhất được tỏ lộ, được “bật mí” cho người khác. Tuy rằng, tự sâu thẳm, mỗi người đều có nhu cầu bộc lộ chính mình, cả những ưu cũng như khuyết điểm, nhưng điều quan trọng là phải được người khác trân trọng và đón nhận. Chỉ khi ấy, người ta mới có thể chui ra khỏi cái tôi vỏ ốc an toàn, mới có thể bóc trần con người thật của mình trước mặt người khác.

Thánh Phaolô cũng nhắc nhở cho chúng ta điều này: “Hãy đón nhận nhau như Đức Kitô đã đón nhận anh em” (Rm 15,7). Trọng trách chắc là không nhỏ đối với những ai được người khác tin tưởng dám trao trọn con người thật của mình. Một khi dám bày tỏ con người thật của mình cho người khác, đó là bước đầu người ta biết mình, chấp nhận chính mình. Hành trình tâm linh không thể tiến xa nếu không khởi đầu bằng chính thái độ biết mình và chấp nhận mình như thế. Hành trình tâm linh của thánh Âu Tinh cũng nói lên điều đó, thánh nhân cầu nguyện tha thiết: “Lạy Chúa, xin cho biết Chúa, và xin cho con biết con”. Julian of Norwich (1342 - 1416) còn xác tín mạnh mẽ điều này hơn nữa, ông viết: “Khi một linh hồn thực sự chấp nhận chính mình, linh hồn đó sẽ được kết hợp với Thiên Chúa”. [8] Chỉ khi nào con người thực sự nhận ra sự trần trụi của đời mình, Thiên Chúa mới có được chỗ đứng trong tâm hồn của họ. Như thế, chắc hẳn việc làm cho người khác chấp nhận được chính con người của họ, từ đó họ ý thức và khám phá ra Thiên Chúa, là một sứ mạng không nhỏ của người đồng hành.

Trong mọi hoàn cảnh, người đồng hành luôn phải tỏ ra tín nhiệm và tin tưởng vào khả năng của người thụ hướng. Nên biết rằng việc gặp gỡ đích thực chỉ thực sự diễn ra khi đương sự hoàn toàn tự do trong mối tương quan với Thiên Chúa. Bước đầu, việc lắng nghe của người đồng hành chính là mở lối ngỏ trong tâm hồn người được đồng hành, để Thánh Thần tác động trực tiếp trong cõi sâu thẳm tâm hồn họ. Nếu như vị đồng hành ngạc nhiên hay hoảng hốt trước sự bộc lộ của người thụ hướng, thì vị đồng hành cũng chẳng hiểu biết gì về chính bản thân mình, và cũng chẳng có kinh nghiệm sâu xa nào với Thiên Chúa; [9] đã vậy, lại còn có nguy cơ bít luôn cả lối ngỏ trong tâm hồn người thụ hướng, khiến họ đã tăm tối lại càng tăm tối hơn.

Thái độ lắng nghe không kết án, không đồng nghĩa với thỏa hiệp, đồng loã, thiếu sự phân định, mà là điều kiện cần thiết để khả dĩ có được sự phân định minh xác. Thái độ lắng nghe này cũng không đồng nghĩa với sự im lặng giả tạo, nghĩa là miệng không nói lời kết án nhưng trong thâm tâm đã thực sự kết án rồi. Thái độ như thế sẽ không tạo nên được mối tương quan lành mạnh, và trực giác sẽ mách bảo cho người thụ hướng biết rằng người đồng hành với mình chỉ đang sử dụng kỹ thuật để khai thác những bí mật tâm hồn mình mà thôi. Thái độ chân thành và đức ái sẽ giúp vị đồng hành biết thế nào là lắng nghe thực sự. Vị đồng hành chỉ biết lắng nghe người khác, một khi ý thức rằng mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa.


2.2. Ý thức mình chỉ là dụng cụ của Thiên Chúa

Vị đồng hành thiêng liêng, trước tiên và sau hết, phải xác tín rằng mình chỉ là khí cụ trong tay Thiên Chúa, chính Người mới là vị đồng hành đích thực. Xác tín này sẽ giúp vị đồng hành không bao giờ cậy dựa vào sức riêng, vào tài khéo của mình khi lắng nghe người thụ hướng; nhưng phải biết lắng nghe Thánh Thần nói với mình; và xác tín rằng chính Thánh Thần cũng nói với người thụ hướng nữa. Các bậc thầy vĩ đại về đồng hành thiêng liêng thường nhấn mạnh rằng người đồng hành chỉ là dụng cụ Thiên Chúa dùng mà thôi, cho dù đó là dụng cụ có tự do và lý trí.

Những trích dẫn sau đây sẽ làm sáng tỏ phần nào xác tín trên. Trước tiên là lời của thánh Gioan Thánh Giá:

Việc hướng dẫn các linh hồn cho thấy người đại diện chính, người hướng dẫn chính và người thúc đẩy các linh hồn không phải là người đồng hành, nhưng là Thánh Thần… Vị đồng hành chỉ là những dụng cụ hướng dẫn các linh hồn nên hoàn thiện bằng đức tin và bằng luật Chúa theo tinh thần Chúa ban cho mỗi người”. [10]

Hay lời của một nhà tu đức khác:

Duy một mình Thiên Chúa là Thầy và là vị linh hướng của chúng ta; còn các thụ tạo chỉ là dụng cụ của Người khi Người muốn sử dụng. Vì thế, những vị thầy nào cũng chẳng hơn hoặc khác gì là người lắng nghe và theo Chúa vì họ chỉ là những người lệ thuộc và thích ứng với những khởi hứng nội tâm của Thánh Thần Thiên Chúa mà thôi, hoặc vì chính Thiên Chúa mời gọi, hướng dẫn và thúc đẩy chúng ta cậy dựa vào họ”. [11]

Vậy chúng ta phải hiểu thế nào về nhân vị với đầy đủ lý trí và tự do của người đồng hành một khi coi họ chỉ như là dụng cụ của Thiên chúa? Chẳng lẽ họ không đóng góp phần tích cực nào trong việc đồng hành thiêng liêng của mình? Chúng ta có thể lý giải vấn nạn này bằng cách loại suy từ việc linh hứng trong Kinh thánh: cả Thiên Chúa và con người đều là tác giả của Kinh thánh, Thiên Chúa là nguyên nhân đệ nhất, và con người chỉ là nguyên nhân dụng cụ, được Thiên Chúa linh hứng và họ viết ra. Những con người này vẫn hoàn toàn tự do và tích cực đóng góp nét đặc sắc của cá nhân để hình thành tác phẩm. Cũng vậy, người đồng hành thiêng liêng hoàn toàn tự do và sáng tạo trong việc hướng dẫn người khác, giúp người khác gặp gỡ chính Chúa, thông qua kinh nghiệm về Chúa của mình, kinh nghiệm lắng nghe tiếng của Người, tiếng của vị đồng hành đích thực. [12] Chính Đức Giêsu, khi đến trần gian, Người không làm theo ý riêng của mình, nhưng làm theo ý Đấng đã sai Người. [13] Đây cũng phải là nguyên tắc căn cốt của người đồng hành thiêng liêng.

Chính vì ý thức mình chỉ là một dụng cụ như thế, nên người đồng hành xác quyết một nguyên tắc căn bản khác như là một hệ luận, giúp cho có được sự lắng nghe đích thực, đó là luôn hành động dựa vào sự khôn ngoan của Chúa chứ không cậy vào sức riêng mình. Người đồng hành thiêng liêng phải lắng nghe tiếng Chúa nói với mình, tiếp nhận sự khôn ngoan từ Thiên Chúa với lòng tin tưởng: “Đừng lo phải nói gì hay nói thế nào. Khi đến lúc, Thiên Chúa sẽ cho anh em biết phải nói làm sao hay phải nói gì. Chính Thánh Thần của Cha anh em sẽ nói trong anh em”. [14] Việc đồng hành với người khác không miễn trừ cho bản thân khỏi tìm kiếm thánh ý Thiên Chúa đối với mình; nếu không khát khao tìm kiếm, không quen lắng nghe, thì người đồng hành thiêng liêng làm sao có thể giúp người khác lắng nghe tiếng Chúa, làm sao có thể thức tỉnh để phân định. Như vậy, sự khôn ngoan ở đây không phải thuần tuý là lý trí, nhưng đúng hơn đó là sự thông tuệ, là đặc sủng của Thánh Thần, [15] là tình yêu, là kết quả của sự gắn kết sâu đậm giữa mình với Thiên Chúa, là sự khôn ngoan Thần Linh trực tiếp xuất phát từ Thiên Chúa, là thứ hiểu biết kinh nghiệm bằng tình yêu và phát xuất từ tình yêu. [16] Tác giả của tác phẩm “The Cloud of Unknowing” đã diễn tả huyền nhiệm này cách sâu sắc và xác tín:

Nếu bạn muốn ra đi trên cuộc hành trình thiêng liêng một cách nhanh chóng và không sợ sai lầm, duy chỉ một điều này là đủ: Thiên Chúa vẫn đang sống trong trí khôn và hành động trong tâm hồn của bạn, nhẹ nhàng nâng bạn đến tình yêu vĩnh cửu. Vâng, đây là con đường Thiên Chúa muốn bạn đi, con đường đó sẽ giúp bạn tới đích. Chính tình yêu mà bạn kinh nghiệm sẽ nói cho bạn một cách chính xác lúc nào bạn cần nói và lúc nào bạn nên thinh lặng. Tình yêu sẽ giúp bạn một cách thận trọng và không hề mắc phải sai lầm trong mọi việc. Trong sự bí nhiệm, tình yêu sẽ soi sáng cho bạn bằng sự thận trọng ưu việt lớn lao, sẽ dạy cho bạn biết lúc nào nên bắt đầu và lúc nào nên dừng lại… Cứ thử xem, tôi bảo đảm Thiên Chúa sẽ liên tục hiện diện trong công việc của tình yêu. Tình yêu này sẽ khởi hứng và kích thích bạn để hiểu biết và làm bất cứ điều gì cần thiết”. [17]

Chính trong tương quan tình yêu, mà vị đồng hành thiêng liêng không quá loay hoay theo kiểu con người, nhưng phó thác, tin vào sự hướng dẫn của Thiên Chúa, vì chính Người là vị đồng hành đích thực. Thái độ này của người đồng hành có thể gọi tên là: “bỏ ngỏ để Thiên Chúa hành động”.


2.3. Bỏ ngỏ để Chúa hành động

Tin tưởng Chúa hành động nơi người được đồng hành, là một thái độ quy phục trong niềm tin. Thiên Chúa có thể dùng nhiều cách để hướng dẫn con cái của Người; vị đồng hành chỉ là một trong những cách thế Thiên Chúa dùng để bày tỏ thánh ý nhiệm mầu của Người mà thôi. Người được đồng hành sẽ trở nên như thế nào chính là do tác động của Thiên Chúa chứ không phải do công khó và tài khéo của vị đồng hành. Chỉ có thể là dụng cụ hữu hiệu của Thiên Chúa nếu vị đồng hành hoàn toàn quy phục Thiên Chúa trong niềm tin.

Sự quy phục trong lãnh vực đồng hành thiêng liêng này chính là thái độ bỏ ngỏ để Thiên Chúa hành động. Điều này sẽ giúp cho người đồng hành thiêng liêng vượt qua được những tham vọng muốn cung cấp cho người thụ hướng của mình những chỉ dẫn cặn kẽ, những giải pháp cụ thể và hữu hiệu tức thời trước những khó khăn; hay lầm tưởng người thụ hướng phải luôn lệ thuộc vào mình mới có thể nên hoàn thiện; hoặc là cung cấp những kỹ thuật để người được đồng hành với mình có thể nên thánh cấp tốc… Nếu không có thái độ bỏ ngỏ để Chúa làm việc, thì người đồng hành thiêng liêng rất có thể sẽ rơi vào nhiều cạm bẫy, những cạm bẫy khó lòng tránh khỏi. [18] Thiên Chúa mời gọi người đồng hành thiêng liêng vào mối dây liên hệ này, không phải để ước đoán điều người thụ hướng cần, nhưng đúng hơn là lắng nghe Thiên Chúa cho biết nhu cầu thực của họ. [19] Thái độ cởi mở và khiêm tốn của người đồng hành thiêng liêng còn tỏ lộ cho thấy một điều rất căn bản: Thiên Chúa luôn hiện diện và hướng dẫn từng con cái của Người.

Thiên Chúa yêu thương tất cả mọi loài thụ tạo của Người; đặc biệt là con người mang hình ảnh của Thiên Chúa, được Người yêu thương một cách cá vị: “Ta đã gọi người bằng chính tên người, người là của riêng Ta… vì trước mặt Ta, ngươi thật quý giá và Ta yêu ngươi”. [20] Các ngôn sứ, đặc biệt là ngôn sứ Hôsê, đã diễn tả tình yêu này như mối tình phu phụ, thành tín và yêu thương: “Ta sẽ lập với ngươi một hôn ước vĩnh cửu, Ta sẽ lập hôn ước với ngươi trong công minh và chính trực, trong ân tình và xót thương; Ta sẽ lập hôn ước với người trong tín thành và ngươi sẽ được biết Đức Chúa”. [21] “Ta yêu người bằng một tình yêu bền vững [22] Thánh Gioan Thánh Giá cảm nghiệm sâu xa tâm tình này: “Tình yêu Thiên Chúa quá thân mật đến nỗi Người đã ở thực sự trong mỗi người”. [23]

Chính vì Thiên chúa yêu thương mỗi người một cách cá vị, cho nên mỗi người cũng cảm nhận về tình yêu Thiên Chúa một cách riêng tư. Hành trình tâm linh không ai giống ai, nên thánh không có nghĩa là rập khuôn theo người khác. Thiên Chúa có nẻo đường dành riêng cho mỗi người, và chỉ có Người mới biết hết được hành trình tâm linh ấy; bởi chưng:


Каталог: doc -> tailieu
doc -> I. Quản lý sâu bệnh ở khu vực dự án Ô Môn – Xà No 4 II. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật 12 Chủ sở hữu có trách nhiệm liên hệ với một đại diện phê duyệt của tỉnh để truyền đạt các hướng dẫn và yêu cầu xử lý
doc -> Tr­êng thcs nguyÔn §øc C¶nh Gi¸o ¸n §¹i Sè 7 Ch­¬ngI sè h÷u tØ. sè thùc
doc -> Ban chỉ ĐẠo công nghệ thông tin của cơ quan đẢng giáo trình thiết kế, XÂy dựng và quản trị CƠ SỞ DỮ liệu hà NỘI, 2004
doc -> THỦ TƯỚng chính phủ
doc -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
doc -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
doc -> Sè: 90/2003/Q§-ub
doc -> Chương 1 Các khái niệm căn bản về mạng và giao thức mạng Mạng máy tính

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương