TRÊN ĐƯỜng emmau một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, op



tải về 0.51 Mb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích0.51 Mb.
#17396
1   2   3   4   5

III. Sự phân định

 

1. Thế nào là phân định?



2. Tại sao phải phân định?

3. Một số chỉ dẫn để phân định

Trước khi tìm hiểu thế nào là phận định, mỗi chúng ta đều nhận ra một đòi hỏi, một bổn phận cấp thiết, đó là phải tìm hiểu và sống theo thánh ý Thiên Chúa. Điều này thật không đơn giản. Dân Israel xưa đã từng chứng kiến có những ngôn sứ thật và ngôn sứ giả. Vào thời Tân ước, Giáo hội từng được cảnh báo sẽ có những tên phản Kitô xuất hiện và lừa gạt mọi người. Và trong chính kinh nghiệm tâm linh cụ thể của mỗi người, nhiều khi chúng ta không phân biệt được đâu là ý riêng mình, đâu là ý Thiên Chúa; đâu là làm việc cho Chúa, đâu là việc làm của Chúa; đâu là phân định, đâu là quyết định; đâu là lắng nghe những tâm tình của mình, đâu là cậy dựa vào lý trí của mình; đâu là vấn đề thuộc tâm lý, đâu là vấn đề thuộc tâm linh… Chúng ta sẽ phần nào làm sáng tỏ những vấn nạn này; nhưng trước tiên, tìm hiểu cách tổng quát thế nào là phân định.


1. Thế nào là phân định?

Trong cuốn tự điển “American college dictionnary”, 1966, ta thấy động từ “phân định” được định nghĩa như sau: 1. Nhận thấy bằng mắt hoặc bằng một giác quan nào khác, nhận thức bằng trí tuệ… 2. Phân biệt bằng trí tuệ, nhận ra sự khác biệt, coi như tách biệt nhau; tách biệt, phân biệt.

Như vậy, chúng ta có thể hiểu việc phân định thường bao gồm một trật hành vi nhận thức và hành vi phân biệt hoặc phán đoán. Cũng vậy, trong việc phân định thiêng liêng, cả việc nhận thức và phán đoán đều quan trọng. Về mặt lý thuyết, có thể phân làm hai loại: phân định cá nhân và phân định cộng đoàn. Nhưng dù là loại phân định nào, mục tiêu cuối cùng cũng là đạt tới một tình yêu sáng suốt, dẫn tới sự tự do đích thực. [1]

Có thể nói, xét về bản chất, việc phân định là một nghệ thuật, người ta có thể thủ đắc nhờ việc học hỏi, rút tỉa kinh nghiệm; tuy nhiên, phân định cũng là một đặc sủng, một ân ban nữa, chứ không phải thuần tuý là sự cố gắng hay tài khéo của con người.

Xét về lịch sử của việc phân định, Guillet cho thấy trong những bản văn cổ nhất (Cựu ước), người ta chưa nói đến sự phân định. [2] Lý do là vì ảnh hưởng của các thần (chính và tà) mạnh mẽ và bao trùm đến độ người có kinh nghiệm này không làm sao cưỡng lại được; mặt khác, đối với người Do Thái, thần khí tốt và xấu đều xuất phát từ Thiên Chúa, mặc dù thần khí tốt biểu lộ những hoạch định cứu độ của Thiên Chúa, và thần khí tốt là ý muốn đưa kẻ thù tới chỗ diệt vong. [3]

Còn trong Tân ước, trong thư gởi giáo đoàn Rôma, thánh Phaolô đã nói tới khả năng phân định như sau: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là thánh ý Thiên Chúa, cái gì là tốt, cái gì hoàn hảo”. [4] Còn đối với tín hữu Êphêxô, thánh nhân viết: “Anh em đừng hoá ra ngu xuẩn, nhưng hãy tìm ra đâu là ý Thiên Chúa”. [5] Người cũng nhắn nhủ giáo dân Côlôxê: “Chúng tôi không ngừng cầu nguyện và kêu xin Thiên Chúa cho anh em được am tường thánh ý Người với tất cả sự khôn ngoan, hiểu biết mà Thần Khí ban cho. Như vậy anh em sẽ sống được như Chúa đòi hỏi và làm đẹp lòng Người”. [6]

Chúng ta có thể tìm thấy những giáo huấn tuyệt vời như thế trong thư của thánh Phaolô và thánh Gioan; [7] tuy nhiên, trong Tin mừng, lại không thấy nhắc đến hạn từ “phân định”. Tác giả Guillet lý giải cho chúng ta điều này:

“Từ ngữ ‘ơn phân định các loại thần khí’ đã có mặt trong các thư, nhưng không thấy trong các sách Tin mừng, không phải vì các sách này không biết đến - các sách này chú tâm hoàn toàn vào việc thuật lại những lời lẽ và hành động của Đức Giêsu, nên không màng đến việc soạn thảo ra một học thuyết. Trái lại, đối diện với những vấn đề được đặt ra trong các giáo đoàn, các Thánh thư dành nhiều chỗ hơn cho các nguyên tắc và giáo thuyết. Có thể nói cách nôm na rằng, việc phân định các loại thần khí, đã được sống trong các sách Tin mừng và đã được tư duy trong các Thánh thư”. [8]

Trong lịch sử linh đạo, có nhiều bản văn đề cập đến sự phân định, [9] đặc biệt theo truyền thống thánh Inhaxiô Loyola, nhiều con đường thiêng liêng được giới thiệu nhằm giúp chúng ta tìm ra ý Chúa trong những chọn lựa mang tầm mức sinh tử.

Tuy nhiên có những trường hợp đơn giản hơn, nhưng đòi hỏi bản thân phải có thói quen phân định, có lương tâm nhạy bén và tinh tế để chọn lựa. Chẳng hạn tôi được phép đi quyên tiền để giúp người nghèo, nhưng gia đình tôi cũng nghèo khổ, tôi có quyền lấy số tiến đó giúp gia đình mình không? Trong trường hợp này, sự phân định đơn giản là nhận ra sự khác biệt. Người nghèo và gia đình tôi nghèo, là hai lãnh vực hoàn toàn khác nhau; sự khác biệt này rất tinh tế, ấy là chưa kể nhiều khi con người hay thích ngụy biện đề bào chữa cho ý riêng của mình nữa.

Tuy nhiên, nếu hiểu phân định đơn giản chỉ là nhận ra và chấp nhận sự khác biệt, thì dường như việc phân định dễ dàng quá; thực ra, phân định không phải chỉ là thói quen thủ đắc được; nhưng đúng hơn, như đã nói, đó là một đặc sủng được Chúa ban cho một số phần tử trong Giáo hội [10] chứ không phải ban cho hết mọi người. Do vậy, các nhà tu đức khuyên chúng ta nên đến bàn hỏi với những người đồng hành thiêng liêng, hiểu theo nghĩa những vị này được ơn phân định.

Việc phân định không chỉ dừng lại ở cấp độ cá nhân với việc nhận ra sự khác biệt, lựa chọn giữa điều tốt và điều xấu, nhưng còn được áp dụng giữa điều tốt và điều hoàn hảo. [11] Ngoài ra, từ Công đồng Vatican II, việc “phân định thần khí” còn được mở rộng đến chiều kích cộng đồng Hội thánh, qua việc nhìn ra những “dấu chỉ thời đại”, lắng nghe tiếng Chúa qua các phong tục tập quán, các nền văn hóa và tôn giáo… [12] của mọi dân tộc nữa. [13]

Sau khi tìm hiểu những khái niệm về phân định thần khí, và rảo qua một thoáng về lịch sử hình thành, dẫu sao chúng ta cũng cần phải tóm kết lại “phân định” là gì. Trong rất nhiều định nghĩa về sự phân định, xin trích dẫn câu định nghĩa của cha E. Malatesta, dòng Tên:

“Qua từ ‘phân định thần khí’, người ta hiểu đó là tiến trình qua đó chúng ta xem xét, dưới ánh sáng của đức tin và trong độ tương hợp của đức ái, bản chất của những tâm trạng thiêng liêng mà chúng ta cảm thấy nơi chính mình và được người khác cảm nhận. Mục đích của việc xem xét ấy là xác định, trong chừng mực có thể được, đâu là những tâm trạng đưa dẫn chúng ta đến với Thiên Chúa để phục vụ Người và tha nhân trong một sự toàn thiện lớn hơn, và đâu là những tâm trạng đưa đẩy chúng ta đi xa mục đích đó”. [14]

Khi tìm hiểu kỹ định nghĩa trên, chúng ta phần nào hiểu được “phân định thiêng liêng” hay “phân định thần khí” là gì; tuy nhiên, để có cái nhìn trọn vẹn hơn về sự phân định, còn những vấn đề khác nảy sinh: tại sao phải phân định? Đâu là tiêu chuẩn hay những trợ giúp để phân định? Chúng ta không thể bỏ qua việc tìm hiểu những vấn nạn này.


2. Tại sao phải phân định?

Để trả lời cho câu hỏi này, xin khởi đi từ một góc cạnh khác theo Kinh thánh: thế nào là sự thánh thiện? Ngoài những giải đáp mang tính thần học tu đức, chúng ta không thể bỏ qua yếu tố Kinh thánh quan trọng này: thánh thiện là thoát ra khỏi tình trạng hỗn mang, là biết phân biệt thiện với ác, tốt với xấu…; tóm lại, là phải biết phân định. Như vậy, chúng ta mới hiểu được ý nghĩa sâu xa các hành động của Thiên Chúa trong việc sáng tạo: lúc khởi đầu thế giới còn là một mớ hỗn mang, Thiên Chúa liền phân biệt ánh sáng và bóng tối, nước và đất liền…, và sự phân biệt cuối cùng hết sức quan trọng: phân biệt thụ tạo và Đấng Tạo Hoá. [15]

Trật tự sáng tạo này bị đảo lộn khi con người đánh mất sự phân biệt, không còn biết sự khác biệt giữa mình với Thiên Chúa, muốn ăn trái cấm để được bằng Thiên Chúa; và như thế, ngay tức khắc con người đánh mất chính mình, trở về tình trạng “hỗn mang”, bất phân định. Như thế, con người chỉ thực sự tìm lại được mình, tìm lại được địa vị làm con, khi thoát ra khỏi tình trạng hỗn mang đó. Và chỉ khi đó, con người mới có thể trưởng thành trong đời sống thiêng liêng. Thomas Green định nghĩa: “Người Kitô hữu trưởng thành là người có khả năng phân định”. [16]

Trong Cựu ước, việc mời gọi đi tới mức trưởng thành trước nhan Chúa chỉ tuần tự xuất hiện trong lương tâm của Israel, khi trách nhiệm cá nhân bắt đầu trở nên quan trọng, ý niệm về sự phân định chiếm vị trí hàng đầu trong các sách ngôn sứ.

Trong Tân ước, có thể nói, lời mời gọi trưởng thành đi liền với khả năng phân định để sống theo Thần Khí. Thánh Phaolô cho thấy con người sống theo Thần Khí là con người xét đoán được mọi sự, mà chẳng có ai xét đoán được người đó. [17] Tác giả thư Do Thái khiển trách những người thiếu khả năng này:

“Quả vậy, với thời gian, đáng lẽ anh em đã phải là những bậc thầy, thế mà anh em lại cần phải để cho người ta dạy anh em những điều sơ đẳng về các sấm ngôn của Thiên Chúa: thay vì thức ăn đặc, anh em lại phải cần dùng sữa. Thật vậy, phàm ai còn phải dùng đến sữa, thì không hiểu gì về đạo lý liên quan đến sự công chính, vì người ấy vẫn còn là trẻ con. Thức ăn đặc thì dành cho những người đã trưởng thành, những người nhờ thực hành mà rèn luyện được khả năng phân biệt điều lành điều dư”. [18]

Thế nhưng, phân biệt điều lành điều dữ, vốn là việc làm của Thiên Chúa, đâu phải là chuyện dễ dàng; hơn nữa, đối diện với tiếng nói của Thiên Chúa, con người còn phải chạm trán với tiếng nói của sự dữ, của tội lỗi, và ngay cả của chính bản thân mình; có khi tiếng nói này rõ ràng, biệt lập với nhau; nhưng không ít khi tất cả trở nên bí ẩn, mơ hồ, hoà trộn vào nhau, khiến con người khó có thể phân biệt được đâu là tiếng nói của Chúa, đâu là tiếng nói của ma quỷ, và đâu là tiếng nói chính cái ngã của mình.

Guillet mô tả rất hay tình trạng này của con người:

“Con người chìm đắm trong ba tầng mù tối: sự mù tối của một Thiên Chúa bắt người khác nhận mình mà không xuất đầu lộ diện; sự mù tối của Satan đang dấu mình, đứa gợi ý hơn là sự khẳng định, đề nghị hơn là bắt người khác nhận mình… Sau cùng là sự mù tối của chính con người không tài nào nhìn thấy được trong thâm cung lòng mình, cũng không sao bao bọc được hoàn toàn sự nghiêm trọng nơi những hành vi của mình cùng những hậu quả của những hành vi đó”. [19]

Sống trong vùng mù tối như thế, con người không ngừng bị cật vấn và bắt buộc phải chọn lựa. Lúc này, chọn lựa không đơn giản là chọn cái này, bỏ cái kia, mà là phải nhận ra, phân biệt tiếng nói mình nghe thấy. Đó chính là sự phân định. Đây là việc làm hết sức cần thiết trên hành trình thiêng liêng. Rất nhiều khi, con người không tự phân định được cho mình, nhưng phải cần đến sự giúp đỡ của người khác, những người có khả năng và kinh nghiệm về phân định. Do vậy, vai trò phân định của vị đồng hành luôn thiết thực và cần thiết cho sự trưởng thành thiêng liêng của người thụ hướng.


3. Một số chỉ dẫn để phân định

Làm thế nào có được sự phân định chính xác, đó chính là vấn nạn đã được đặt ra từ thời Cựu ước, khi dân Chúa phải phân biệt đâu là ngôn sứ thật, đâu là ngôn sứ giả. Đây là sự phân định căn bản nhất trong thời Cựu ước. [20]

Trong thời Tân ước, có nhiều bản văn nói về những tiêu chuẩn cụ thể để phân định thần khí:

- “Hoa quả của Thần Khí là: bác ái, hoan lạc, bình an, nhẫn nhục, nhân hậu, từ tâm, trung tín, hiền hoà, tiết độ” (Gl 5, 22-23).

- “Căn cứ vào điều này, anh em nhận ra Thần Khí của Thiên Chúa: Thần khí nào tuyên xưng Đức Giêsu Kitô là Đấng đã đến và trở nên người phàm” (1Ga 4, 2).

- “Ở điểm này, mọi người sẽ nhận biết anh em là môn đệ của Thầy: là anh em có lòng yêu thương nhau” (Ga 13, 35).

- “Thầy để lại bình an cho anh em, Thầy ban cho anh em bình an của Thầy” (Ga 14, 27).

Dựa vào những hoa quả của Thần Khí như thế, chúng ta có thể xác định được sự hiện diện và hoạt động của Người trong chúng ta; ngoài những hoa quả ấy ra, rất có thể thần khí đang hoạt động trong ta là thần khí ma quỷ, hay là thần khí con người của chính chúng ta.

Trong việc phân định ngày này, người ta còn nói đến tiêu chuẩn là những phẩm tính của chủ thể phân định. Thomas Green nói tới ba phẩm tính căn bản: [21]

- Phẩm tính thứ nhất là người phân định phải có ý muốn làm theo thánh ý Thiên Chúa. Điều này giả thiết người phân định phải có một đức tin sống động, khát khao tìm kiếm và thi hành thánh ý Chúa trong những hoàn cảnh cụ thể của cuộc sống.

- Phẩm tính thứ hai là phải có sự cởi mở với Thiên Chúa, nghĩa là sẵn sàng để Người dạy dỗ, hướng dẫn. Điều này nhắc nhở rằng rất thường khi con người làm việc cho Chúa, nhưng lại chỉ cậy dựa vào sức riêng mình, vào tài khéo của mình. Một khi để Thiên Chúa “thất nghiệp” như thế, thì khó lòng có được sự phân định đúng đắn.

- Và phẩm tính thứ ba là, sau khi hội đủ hai yếu tố trên, người phân định còn phải “biết” Thiên Chúa; điều này hệ tại ở chính kinh nghiệm gặp gỡ và yêu mến Người. Những ai không có kinh nghiệm về Thiên Chúa, thì dù có nghe tiếng Người cũng không dễ dàng gì có thể nhận ra.

Truyền thống tu đức cũng đưa ra những tiêu chuẩn căn bản nhằm giúp cho sự phân định được chính xác. Khi phân tích những biểu hiện và tình trạng nội tâm của con người, nhà phân định có thể nhận ra đâu là thần khí Thiên Chúa, đâu là thần khí ma quỷ, và đâu là thần khí con người. Nếu là thần khí Thiên Chúa thúc đẩy, người ta sẽ có những biểu hiện như: sự chân thực, nghiêm túc, ngoan ngoãn để Thần Khí hướng dẫn, thận trọng, khiêm tốn, bình an, tin tưởng vào Thiên Chúa, dễ phục thiện, có ý ngay lành, kiên tâm trong đau khổ, quên mình, hồn nhiên, tự do tinh thần, ước muốn theo gương Chúa Kitô và có một tình yêu vô vị lợi. [22]

Nếu đó là thần khí ma quỷ, thì những biểu hiện đi kèm sẽ là : sự dối trá, tính hiếu kỳ bệnh hoạn, bối rối, lo âu, thất vọng, cố chấp, hành động vô ý thức liên miên và tinh thân bất ổn, tự ái và tự cao tự đại, khiêm nhường giả tạo, thiếu tin tưởng và nhát đảm, bất tuân phục và cứng lòng, không nhẫn nại trong đau khổ và di hận dai dẳng, các đam mê phóng túng và khuynh hướng mạnh về thú vui nhục dục, giả hình, lòng quyến luyến thái quá với sự an ủi giác cảm, thiếu lòng sùng kính sâu xa đối với Chúa Giêsu và Mẹ Maria, quá tỉ mỉ bám theo bản văn lề luật nhưng không hiểu và sống tinh thần của luật. [23]

Và nếu đó là thần khí con người, [24] thì bản thân luôn hướng chiều về những thoả mãn chính mình, đó là bạn của thú vui và là kẻ thù của bất cứ loại đau khổ nào. Thần khí này sẵn sàng hướng về bất cứ điều gì hợp với tính khí riêng, sở thích và ngẫu hứng cá nhân, hoặc sự thoả mãn tính tự ái; sẵn sàng khước từ những khổ hạnh hoặc hy sinh hãm mình. Đôi lúc khó phân định những biểu hiện xuất phát từ thần khí ma quỷ hay từ thần khí con người và vị kỷ, nhưng luôn tương đối dễ phân biệt hai loại thần khí này với thần khí Thiên Chúa. Do vậy, trong mọi trường hợp, thường có thể phân định được thần khí nào đối nghịch với thần khí Thiên Chúa, cho dù chưa biết rõ đó là thần khí ma quỷ hay thần khí con người. [25]

Những tiêu chuẩn trên nhằm áp dụng cho việc phân định cá nhân, nhưng cũng có thể hiểu cho việc phân định cộng đoàn. Tuy nhiên, đối với việc phân định cộng đoàn, Futrell [26] phân tích nhiều vấn đề quan trọng có thể nảy sinh, và ông đề nghị thêm ba tiêu chuẩn nữa: [27]

- Tiêu chuẩn thứ nhất: sự hiệp thông. Đây là việc chia sẻ cùng một đặc sủng hoặc cùng một ơn gọi trong Thần Khí.

- Tiêu chuẩn thứ hai: sự nhất trí chung và tức khắc về sự biểu lộ cơ bản và về sự hiệp thông ấy bằng lời lẽ. Nói cách khác, không những phải có sự chia sẻ cùng một đặc sủng, mà còn phải có sự nhất trí về sự diễn đạt cơ bản bằng lời của đặc sủng ấy.

- Tiêu chuẩn thứ ba: một ý niệm chung để áp dụng những quyết định đã được tiến hành sau sự phân định chung của cộng đoàn.

Tóm lại, để có được sự phân định chính xác, dù là phân định cá nhân hay cộng đoàn, còn phải phụ thuộc vào rất nhiều yếu tố. Những tiêu chuẩn gợi ý trên chưa phải là tất cả những gì làm nên sự phân định trọn vẹn. Vấn đề vẫn còn bỏ ngỏ cho Thánh Thần hoạt động và cho khát vọng tìm kiếm của con người.

Cuối cùng, phải luôn luôn nhớ rằng con người không bao giờ được đi trước hay “bóp chết” Thần Khí, thái độ khiêm tốn và đợi chờ vẫn là những đức tính căn bản người phân định không được coi nhẹ. Hơn nữa, kinh nghiệm thực tế cho thấy, những tiêu chuẩn đưa ra để phân định không phải là mớ lý thuyết cứng nhắc, cần phải có sự uyển chuyển linh động trong khi tiến hành việc phân định đối với từng tâm hồn khác nhau. Đừng quên rằng, mỗi tâm hồn là một thế giới duy nhất, riêng biệt, và Thiên Chúa đã có kế hoạch dành riêng cho từng tâm hồn như thế.

Sau khi tìm hiểu những tiêu chuẩn giúp cho việc phân định, xin tạm khép lại chương tìm hiểu về việc phân định này, chúng ta bước vào chương II với việc tìm hiểu nền tảng Kinh thánh của việc đồng hành thiêng liêng. Kinh thánh có nói gì về việc đồng hành thiêng liêng không? Đâu là những điểm căn bản chúng ta có thể rút ra từ Kinh thánh cho việc đồng hành thiêng liêng? Có chăng bài học quý báu về việc đồng hành thiêng liêng rút ra từ Kinh thánh?…

Chúng ta cùng giải gỡ những vấn nạn đại loại như thế khi tìm hiểu các số trong chương này:

I. Mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong Cựu ước

II. Lời thành xác phàm hiện diện giữa lòng nhân loại

III. Thánh Thần hiện diện - đồng hành

IV. Thử phân tích một trường hợp đồng hành thiêng liêng điển hình của chính Đức Giêsu với hai môn đệ trên đường Emmau.

[1] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 13-14; 18-19.

[2] Xc. Jacques Guillet, Khổ chế và thần bí, khoản nói về “sự phân định thiêng liêng”, Beauchesne Paris, 1957, tập III, tr. 1223; Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 25-26.

[3] Xc. Tl 9,23; 1Sm 16,14-23. 18,10. 19,9; 2V 19,7; Is 19,14. 29,10.

[4] Rm 12,2.

[5] Ep 5,17.

[6] Cl 1,9-10.

[7] Xc. 1Ga 4,1

[8] Jacques Guillet, Khổ chế và thần bí, Beauchesne Paris, 1957, tr. 1231 (Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 51).

[9] Ngay từ thời xuất hiện đời đan tu, các sư phụ đã đặt nặng việc “phân định” hay “phân định thần khí” (hoặc “biện phân thần khí”). Thánh Bênađô ghi nhận rằng Thánh kinh nói tới 6 thứ thần khí: thần khí Chúa (Nkm 7,5), thiên sứ (Dcr 2,2), quỷ (Tv 77,9), xác thịt (Cl 2,18), thế gian (1Cr 2,12) và con người (1Cr 2,11).

Sáu thần khí đó có thể thu lại thành ba:

1. Thần khí Chúa thúc giục ta làm điều tốt để nên thánh;

2. Thần khí xấu lôi kéo ta vào đường tội lỗi;

3. Thần khí “con người” thì bị giới hạn vì đam mê tội lỗi, cho nên cũng thường rơi vào điều xấu.

(Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 292-293)

[10] Xc. 1Cr 12,10.

[11] Chẳng hạn như việc phải quyết định ơn gọi: ơn gọi nào cũng tốt, nhưng lời mời gọi sống đời sống dâng hiến, thực thi đức ái trọn hảo, là sự chọn lựa quyết liệt hơn; hoặc việc phân vân nên sống đời tu hoạt động, hay lui về sống đời chiêm niệm…

[12] Thực ra, ngay từ thời các Giáo phụ, khi xây dựng nền thần học tự nhiên (dựa trên triết học hơn là mặc khải) để đối thoại với nền văn hóa Hy Lạp, Giáo phụ Justinô đã nói về “hạt giống Lời” nơi các tôn giáo và các nền văn hóa khác. Công đồng Vatican II chỉ làm công tác khai triển và trở về nguồn mà thôi.

[13] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 294-295.

[14] Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 53.

[15] Xc. St 1,1-3,24.

[16] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 30.

[17] Xc. 1Cr 2,15.

[18] Dt 5, 11-14.

[19] Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 31.

[20] Tác giả Thomas Green liệt kê sáu tiêu chuẩn căn bản do Guillet đề nghị, đó là:

- Các lời của ngôn sứ loan báo tai hoạ thì có nhiều cơ may là đích thực hơn các lời ngôn sứ loan báo tin vui.

- Những lời ngôn sứ đích thực được xác nhận bằng việc loan báo “những dấu chỉ” đã xảy ra thực sự.

- Sứ điệp của ngôn sứ trung thành với đạo lý tinh ròng của Israel. Đây là tiêu chuẩn còn quan trọng hơn cả hai tiêu chuẩn trên, vì ma quỷ cũng có thể làm được những điều như hai tiêu chuẩn trên gợi ý.

- Đời sống chứng tá của vị ngôn sứ cũng có giá trị ngang bằng với những giáo thuyết ông dạy.

- Tiêu chuẩn thứ năm nội tại ngay trong con người vị ngôn sứ, đó là chủ đích của vị ngôn sứ. Thực ra, tiêu chuẩn này rất khó áp dụng và khó có thể kiểm chứng được.

- Tiêu chuẩn cuối cùng là chính kinh nghiệm ơn gọi của vị ngôn sứ.

 (Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 32-37).

[21] Xc. Sđd, tr. 81-90.

[22] Xc. 1Cr 13, 4-7; Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 350-352.

[23] Xc. Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 364-365.

[24] Thánh Tôma Kempis mô tả những biểu hiện thuần tuý nhân loại trong cuốn Gương Chúa Kitô, quyển III, chương 54.

[25] Xc. Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 366.

[26] J. C. Futrell, tác giả của bộ sách Cầu nguyện và quyết định, sự phân định thiêng liêng (Prière et décision, le discernement spirituel), bộ “Đời sống Kitô giáo”, số 147, 1975 (Xc. cước chú số 63 của Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 282).

[27] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 283-292.



Chương II

NỀN TẢNG KINH THÁNH

 

I. Mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong Cựu ước



II. Lời thành xác phàm hiện diện giữa lòng nhân loại

III. Thánh Thần hiện diện – đồng hành

IV. Phân tích cuộc đồng hành thiêng liêng Đức Giêsu với hai môn đệ Emmau

 

Nếu hiểu theo sát nghĩa và cách thức thực hành việc đồng hành thiêng liêng, thì trong Kinh thánh không có từ ngữ nào nói về việc đồng hành như thế; tuy nhiên, nếu xét theo cốt lõi của việc đồng hành, thì Kinh thánh lại trình bày cho chúng ta nền tảng rất sâu xa về việc Thiên Chúa đồng hành với con người. Nền tảng đó chính là mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện giữa lòng nhân loại; qua sự hiện diện này, Thiên Chúa mặc khải chính mình cho nhân loại, Người đồng hành với con người trong mọi biến cố và trên muôn nẻo đường của cuộc sống. Chúng ta khởi đi từ Cựu ước để tìm hiểu cách thức Thiên Chúa đồng hành với con người.




I. Mầu nhiệm Thiên Chúa hiện diện trong Cựu ước

Trong Cựu ước, ta bắt gặp một câu nói rất quen thuộc, như một bảo đảm vững chắc có sự hiện diện và phù trợ của Thiên Chúa đối với những ai được Người kêu gọi và tuyển chọn: “Ta sẽ ở với ngươi”.

Thiên Chúa của Israel là một Thiên Chúa đồng hành với con người, ở với con người, chung chia những khó khăn gian khổ với con người. Đây chính là kinh nghiệm sống động của tổ phụ Abraham từ buổi bình minh của lịch sử cứu độ. [1] Được Thiên Chúa kêu gọi, ông cất bước lên đường mà không định hướng trước mình sẽ đi đâu, chỉ tin rằng Thiên Chúa sẽ hướng dẫn, đồng hành với ông tới vùng đất hứa. Hành trình đức tin của ông đã trở thành gương mẫu cho cả một dân tộc được quy tụ nhờ tin vào lời hứa.

Kế đến, “Ta sẽ ở với ngươi”, cũng là kinh nghiệm của Môsê, khi ông được Thiên Chúa mặc khải danh tánh và kêu gọi qua biến cố bụi gai bốc cháy. [2] Kể từ đó ông dấn thân vào cuộc phiêu lưu và chung chia gian khổ với Israel qua hành trình sa mạc; bao phen bị chống đối, bao gánh nặng chất chồng, ông chỉ có một bảo đảm duy nhất: “Ta sẽ ở với ngươi”. Khi thoát khỏi Ai Cập, dưới chân núi Sinai, dân mới cảm nghiệm được thế nào là tình thương và sự dẫn dắt của Thiên Chúa. Người phán với họ: “Các ngươi thấy Ta xử với Ai Cập thế nào, và đã mang các ngươi như trên cánh chim bằng, mà đem đến với Ta”. [3] Sự hiện diện của Thiên Chúa được cụ thể hóa bằng Hòm bia giao ước. [4] Dân luôn luôn cảm nghiệm sự gần gũi, Thiên Chúa ở giữa dân Người. [5]

Chúa dẫn dắt dân riêng qua các tổ phụ, các vua chúa, các ngôn sứ…, tất cả những vị này cũng nhận được một bảo đảm vững chắc: “Ta sẽ ở với ngươi”. Vua Đavít, khi đạt đến tột đỉnh vinh quang, đã “thương hại” Thiên chúa phải ở trong lều vải, nên muốn xây nhà cho Người; thế nhưng Thiên Chúa lại nhắc cho ông rằng: “Chính Ta đã cất nhắc người từ một kẻ lùa chiên ngoài đồng, ngươi đi đâu Ta cũng theo đó”. [6] Còn ngôn sứ Giêrêmia, khi được kêu gọi, ông muốn thoái lui và nại vào lý do mình còn quá trẻ, nhưng Chúa trấn an ông: “Ta sẽ ở với ngươi để giải thoát ngươi”. [7]

Nếu mục đích của việc đồng hành thiêng liêng là giúp cho người ta lắng nghe và nhận ra ý Chúa trong cuộc đời của mình, nhận ra đâu là con đường Thiên Chúa dẫn dắt mình đi, để rồi từ đó can đảm cất bước lên đường, thay đổi đời sống… thì những trường hợp điển hình chúng ta vừa trưng dẫn ở trên, phải được coi là một sự đồng hành thiêng liêng đích thực: Abraham khi nghe tiếng Chúa gọi đã cất bước đăng trình, đi vào cuộc phiêu lưu của hành trình đức tin với muôn vàn thử thách; Môsê khi nhận ra sứ mạng của mình là lãnh đạo dân, ông đã sống chết với một dân cứng đầu cứng cổ; Đavít từ khi được kêu gọi, ông đã trở thành trung thần của Đức Chúa; và Giêrêmia một khi đã để cho Chúa “quyến rũ”, cả đời ông chịu hao mòn, chịu bách hại để Lời Chúa được loan báo, ý định của Chúa được thực hiện. Đó chính là kết quả tuyệt vời của việc đồng hành thiêng liêng; chỉ khác rằng, thường thì Thiên Chúa hướng dẫn con người qua trung gian; còn ở đây, Người trực tiếp hướng dẫn và đồng hành với những ai được kêu gọi và chọn lựa theo như ý Người muốn. Chính vì Thiên Chúa đồng hành với họ, nên trong mọi biến cố, họ đều có Người hiện hiện, và đó chính là một trợ lực quý giá nhất giúp họ đạt đến đích điểm hành trình tìm kiếm, hành trình đức tin của mình.

Nếu như trong Cựu ước, chúng ta đã gặp được một Thiên Chúa hiện diện thân thương như thế, thì trong Tân ước, sự hiện diện của Người lại càng gần gũi và cụ thể biết bao; bởi vì Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm và hiện diện giữa chúng ta. [8]


Каталог: doc -> tailieu
doc -> I. Quản lý sâu bệnh ở khu vực dự án Ô Môn – Xà No 4 II. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật 12 Chủ sở hữu có trách nhiệm liên hệ với một đại diện phê duyệt của tỉnh để truyền đạt các hướng dẫn và yêu cầu xử lý
doc -> Tr­êng thcs nguyÔn §øc C¶nh Gi¸o ¸n §¹i Sè 7 Ch­¬ngI sè h÷u tØ. sè thùc
doc -> Ban chỉ ĐẠo công nghệ thông tin của cơ quan đẢng giáo trình thiết kế, XÂy dựng và quản trị CƠ SỞ DỮ liệu hà NỘI, 2004
doc -> THỦ TƯỚng chính phủ
doc -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
doc -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
doc -> Sè: 90/2003/Q§-ub
doc -> Chương 1 Các khái niệm căn bản về mạng và giao thức mạng Mạng máy tính

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương