TRÊN ĐƯỜng emmau một thoáng nhìn về việc đồng hành thiêng liêng Lm. Giuse Phạm Quốc Văn, op



tải về 0.51 Mb.
trang2/5
Chuyển đổi dữ liệu11.08.2016
Kích0.51 Mb.
#17396
1   2   3   4   5

"Tạng phủ con chính Ngài tác tạo


Dệt tấm hình hài trong dạ mẫu thân con

Tạ ơn Chúa đã dựng nên con cách lạ lùng

Công trình Ngài xiết bao kỳ diệu

Hồn con đây biết rõ mười mươi”. [24]

Tự nơi sâu thẳm nhất của hữu thể con người, Thiên Chúa đã ghi khắc tình thương của Người và mời gọi con người đáp trả; Người hướng dẫn, mở ngỏ, đi bước trước, đợi chờ, và con người chỉ cần đáp lại tiếng “xin vâng”. Việc người đồng hành thiêng liêng cần làm là giúp cho người thụ hướng có thể nhận ra và mau mắn đáp lại lời xin vâng đó. Thánh Gioan Thánh Giá khuyên nhủ những người làm công tác đồng hành thiêng liêng rằng:

Những vị linh hướng nên lưu tâm, đừng bắt các linh hồn đi theo đường lối hay những điều am hợp với mình; tốt hơn là phải lo phân định xem đâu là đường lối Thiên Chúa đang hướng dẫn họ. Một khi không làm được điều đó thì hãy để cho họ được tự do, đừng quấy rầy họ nữa”. [25]

Thánh Thần luôn hoạt động đắc lực nơi người đồng hành và cả nơi người thụ hướng, nhưng “gió muốn thổi đâu thì thổi”, việc hệ trọng là phải lắng nghe, phân định, làm sao để người thụ hướng có thể có được mối tương quan ngôi vị với Thiên Chúa; và quyết định cuối cùng vẫn là việc của chính đương sự với Thiên Chúa. Đây cũng là một nguyên tắc mà người đồng hành thiêng liêng không thể bỏ qua.


2.4. Không bao giờ lấy quyết định dùm người khác

Một cám dỗ rất lớn của cả hai bên, đó là người được đồng hành dễ có khuynh hướng dựa dẫm; nhất là khi đang gặp đau khổ, khủng hoảng, họ muốn có được phương thuốc trị liệu cấp thời, muốn người khác quyết định dùm cho hoàn cảnh của họ; và về phía người đồng hành, nếu không ý thức, thì cũng rất dễ dàng cho người khác lời khuyên, hay quyết định dùm họ. Dĩ nhiên người đồng hành thiêng liêng cần phải soi sáng, phân định, và làm cho người được đồng hành nhận ra con đường Chúa muốn họ đi; thế nhưng, người đồng hành không thể quyết định thay cho họ. Nói cách khác, mỗi người phải tự lãnh nhận trách nhiệm về cuộc đời của mình, phải bước đi trên chính đôi chân của mình với sự trợ lực của Thiên Chúa. Hành trình tâm linh vẫn là một hành trình độc đáo và tự do; Thiên Chúa cũng không tương quan với con người cách chung chung, đại khái, nhưng là mối tương sâu thẳm và ngôi vị.

Không phải chỉ trong lãnh vực đồng hành thiêng liêng, mà trong các lãnh vực khác như tư vấn tâm lý, tư vấn mục vụ… việc tự do quyết định của cá nhân vẫn được đề cao và tôn trọng. Mục đích của việc tư vấn hay đồng hành không nhằm giải quyết những khó khăn cấp thời nhưng nhắm đến sự trưởng thành cá nhân (về mặt tâm lý và tâm linh) như mục đích tối hậu và toàn diện. [26] Sự trưởng thành này không thể là kết quả của một sự dựa dẫm, mà phải là nỗ lực của cá nhân trong việc tự do quyết định và lãnh nhận trách nhiệm về hậu quả của hành vi tự do ấy. Cứ theo lẽ tự nhiên thì một người bình thường là người có tự do quyết định và có trách nhiệm về cuộc sống của mình. Mặc dù mỗi người đều có thể bị điều kiện hoá qua hoàn cảnh sống, môi trường giáo dục, tuổi tác, cá tính, vô thức tâm linh…, nhưng những điều kiện này thường không quá mạnh đến nỗi huỷ bỏ hết tự do quyết định của cá nhân. Thiếu đi tính tự do tự quyết chính là thiếu đi nhân tố căn bản nhất làm nên hành vi nhân linh của con người.

Phương tiện để đạt đến sự tự do là lý trí thực tiễn, lý trí này sẽ thúc đẩy ý chí thực hiện những quyết định rõ ràng để đạt đến mục đích. Ý chí chia sẻ sự hiểu biết và các thẩm định của lý trí thực tiễn khi thực hành sự chọn lựa. Sự tự do này được gọi là ý chí. [27] Thánh Tôma Aquinô giải thích: “Các thụ tạo có lý trí tự đi đến cùng đích, qua ý chí tự do của mình, ý chí này cho phép chúng bàn hỏi và thực hiện chọn lựa”. [28]

Về mặt thực hành, để có thể có được sự tự do quyết định thực sự, người được đồng hành phải thoát khỏi “sức mạnh áp chế” của người đồng hành; hay nói tích cực hơn, người đồng hành phải để cho người thụ hướng được tự do. Nếu không có sự tự do này, việc tự do chọn lựa có nguy cơ bị dập tắt, và như vậy sẽ không còn là đồng hành thiêng liêng đích thực, mà chỉ là mối tương quan phụ thuộc trói buộc tự do của người khác.

Tóm lại, phải tránh tối đa mối tương quan kiểu quyền bính, kiểu cha - con, phải để cho người được đồng hành thực sự tự do chọn lựa và quyết định. Người đồng hành không ra lệnh, không lấy quyết định dùm, nhưng hướng dẫn để người thụ hướng có thể bước đi trên chính đôi chân của mình mà đến với Thiên Chúa; hay đúng hơn là giúp họ biết mở lòng ra để Thiên Chúa đến với họ. Việc lắng nghe đích thực phải được mở rộng ra với chân trời tự do như thế.

Chúng ta cùng tìm hiểu chiều kích tâm lý và tâm linh trong việc lắng nghe đồng hành thiêng liêng.


3. Chiều kích tâm lý của việc lắng nghe

Lắng nghe là một nghệ thuật, không phải ai cũng dễ dàng mở toang cửa sổ tâm hồn họ cho ta; dẫu sao, theo khía cạnh tâm lý, nơi sâu thẳm bí nhiệm của tâm hồn vẫn là nơi trú ngụ an toàn nhất cho bản thân một khi tất cả trở thành bất trắc và đe dọa. Khó có thể phá vỡ cơ chế tự vệ đã ăn sâu vào vô thức của mỗi người. Do vậy, ta thường thấy, mỗi khi gặp khó khăn hay thất bại, người ta thường chui vào vỏ ốc của mình như một nơi ẩn trốn bình an nhất.

Xét theo khía cạnh tâm lý, có những yếu tố không thể thiếu trong quá trình lắng nghe: Đó là việc biết mình - “tri kỷ tri bỉ”, trân trọng và đón nhận sự khác biệt của người khác, và phải có khả năng lắng nghe lẫn nhau.


3.1. Biết mình

Biết mình không phải là một chuyện dễ dàng; chẳng vậy, Socrate, triết gia Hy Lạp, đã có lý khi chọn châm ngôn sống cho bản thân là “hãy biết mình”. Biết mình là cả một hành trình dài khám phá, cần phải gọi tên, xác định và tôn trọng con người phức tạp của mình trong bất cứ giai đoạn nào. Nhiều lúc chính bản thân người đồng hành cũng cảm thấy bế tắc, mất phương hướng sống. Cần phải biết mình để rồi không đánh mất mình, không vong thân giữa cuộc đời trăm ngả. Cuộc sống mỗi người là một chuỗi liên tục không đứt đoạn; chối từ quá khứ là không có hiện tại và cũng chẳng có tương lai.

Cuộc sống được hình thành từ hàng vạn mảnh vụn kinh nghiệm chúng ta có về bản thân qua các biến cố, qua mối tương quan với tha nhân, qua công việc, qua học hành nghiên cứu… Tất cả mọi việc xảy ra đều góp phần làm nên cuộc sống và nhân cách con người. Việc hiểu biết chính mình như thế là điểm hội tụ sức mạnh giúp người đồng hành có thể đối đầu với những xung đột, đánh giá đúng các bậc thang giá trị, phân định một cách chính xác những nhu cầu của người được đồng hành, lắng nghe và cảm thông với họ.

Nếu muốn biết mình, phải can đảm sống thật, sống con người trần trụi, không tự vệ, không đeo mặt nạ, không bôi đen, không tô hồng thực tế… Đó là cơ may để nhận ra khuôn mặt đích thực của mình. Việc biết mình đòi hỏi luôn phải phản tỉnh trong mọi hoàn cảnh, đón nhận những cảm xúc, biết được điều mình đang mong muốn, đang khát vọng. Biết mình là khả năng lắng nghe chính mình trong mọi trạng huống của cuộc sống, là kinh nghiệm về bản thân trong từng bước thăng trầm, trong thành công và thất bại, trong thống nhất và đổ vỡ, trong nỗi khao khát kiếm tìm và khoảnh khắc gặp gỡ… Đó là vốn sống, là trải nghiệm, là sự thống nhất con người, là làm chủ tư tưởng, ước muốn, tình cảm, là bài học căn bản trong bước đầu lắng nghe, tạo mối thâm giao với người khác.

Biết mình bao hàm việc hiểu biết những sở trường sở đoản của bản thân, biết được tài khéo và nội lực của mình. Sự hiểu biết này giúp cho người đồng hành có thể chạm trán với sự thật không thể tránh khỏi như tội lỗi, yếu đuối, thua cuộc… Việc chân nhận sự thật này giúp cho bản thân có thể tự sửa chữa lại con người của mình, đặc biệt là thái độ tự tôn hay tự ty, thiết lập mối tương quan ngôi vị, tự do và quân bình với chính Thiên Chúa và với người đang được mình đồng hành. Từ mối tương quan quân bình này, người đồng hành dễ dàng đón nhận chính nỗi cô đơn của bản thân. Trước khi đối diện với Thiên Chúa, thì phải biết sống đơn độc ngay với chính mình; phải có khả năng vừa đón nhận, vừa tương giao với người khác, vừa biết sống sự cô độc dường như mâu thuẫn nhau, nhưng lại hội tụ nơi một con người, từ đó mới có thể mở lòng ra với Thiên Chúa và với tha nhân.

Có thể nói, nếu không biết mình, vị đồng hành cũng không thể hiểu biết được người khác, không thể hiểu được chương trình Thiên Chúa dành riêng cho họ. Một khi không biết mình, vị đồng hành dễ có cảm nghĩ làm được mọi chuyện, ngay cả chuyện tiếm quyền Thiên Chúa trong việc đồng hành, thấy khả năng của lý trí còn vượt trổi hơn cả ân sủng. Đúng ra, “một vị đồng hành, nếu đầy thần khí Thiên Chúa, thì không bao giờ đi trước ân sủng, bất luận là trong việc gì, nhưng chỉ kiên nhẫn theo sau từng bước, một khi đã thận trọng cân nhắc…”. [29] Như vậy, chính thái độ biết mình sẽ giúp cho vị đồng hành đón nhận được người khác trong những khác biệt của họ.


3.2. Đón nhận tha nhân với những khác biệt

Tự bản chất, mỗi người là duy nhất, độc đáo; và như vậy không ai giống ai hoàn toàn, sự khác biệt là điều tất yếu. Tuy nhiên, con người hay có khuynh hướng loại trừ, khó có thể đón nhận những gì khác với mình, ngược với mình; tẩy chay những ai không đồng quan điểm với mình… Chính khi đó, con người làm nghèo nàn hoá chính mình, thay vì là sự phong phú vô cùng khi biết đón nhận và dung hòa những khác biệt. Người đồng hành thiêng liêng cũng không được miễn trừ những khuynh hướng tự nhiên như thế, họ phải cố gắng vượt qua, để thấy được sự phong phú, tính thống nhất trong những phức biệt. Mỗi người có một cá tính duy nhất, và được kêu gọi hoàn trọn hành trình đời mình theo những nét riêng biệt của bản thân. Mỗi người có những điểm yếu, điểm mạnh khác nhau, có những trang lịch sử đời tư khác nhau, và có một nẻo đường nên thánh riêng biệt, cho dù họ có sống chung trong một mái gia đình, chung một nền giáo dục, sinh hoạt chung trong một hội đoàn, một giáo xứ… Do vậy, trong bất cứ một mối tương quan liên vị nào, thì cuộc gặp gỡ đích thực phải được đặt nền trên sự nhận thức rằng mỗi người đều là cá vị phân biệt và khác biệt. Việc đồng hành đích thực cũng phải khởi đi từ sự gặp gỡ khác biệt ấy.

Thiên Chúa yêu con người, không chờ con người phải nên hoàn thiện rồi Người mới yêu, nhưng Người yêu chúng ta từ khi chúng ta còn là tội nhân. Thế nhưng con người lại khó lòng kiên nhẫn, chờ đợi và chấp nhận nhau. Thực tế thì ai cũng có khuyết điểm, cũng có lỗi lầm cả. Dám chấp nhận người khác như họ là, chính là khởi điểm của một mối tương quan đúng nghĩa. Chấp nhận người khác, không có nghĩa là đồng lõa, nhu nhược, nhưng là thái độ đón nhận, cảm thông, không kết án, sẵn sàng tha thứ và cho người khác cơ hội để khắc phục, thăng tiến.

Trước khi vĩnh biệt trần gian, chị thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu đã để lại những lời vàng ngọc, lời có sức mạnh an ủi bao tâm hồn tan vỡ. Mở trang sách Tự Thuật của chị, ta bắt gặp những dòng này:

Biết rằng tôi có thể phạm hết những tội con người có thể phạm được, tôi bị cạn kiệt vì thống khổ, thì tôi vẫn ném mình vào vòng tay của Đức Giêsu, vì tôi xác tín rằng Người sẽ vui mừng biết mấy khi đứa con hoang đàng trở về với Người. Không phải bởi vì Thiên Chúa giữ tôi trong lòng nhân từ của Người, nhưng từ tội lỗi ghê gớm mà tôi tìm thấy Người trong tình yêu và chân lý”. [30]

Như vậy, chấp nhận người khác không hề có sự loại trừ việc chấp nhận chính bản thân mình; nhìn thấy thiện chí của người khác, cũng là hy vọng vào thiện chí của mình; khơi gợi những gì là tốt đẹp để giúp người khác thăng tiến, cũng là tìm ra nẻo đường để hoàn trọn chính bản thân. Trong hướng nhìn tích cực này, đồng hành sẽ là chất men làm dậy lên ngọn lửa nhiệt tình nơi tâm hồn con người, đặc biệt là nơi người thụ hướng, ngọn lửa này sẽ bùng lên thiêu đốt những gì là cản trở để họ cất bước lên đường trên hành trình tìm kiếm, khám phá.

Chúng ta tìm hiểu chiều kích tâm lý khác nữa, đó là:


3.3. Khả năng lắng nghe người khác

Một câu nói tưởng như thừa nhưng rất căn bản: muốn lắng nghe người khác, trước tiên phải có khả năng lắng nghe họ đã. Lắng nghe là nền tảng mọi mối giao tiếp; một kẻ chỉ biết nói về mình mà không biết thinh lặng lắng nghe, thì mối thông giao sẽ bế tắc. Lý tưởng của một cuộc gặp gỡ sâu xa là cả hai bên đều phải biết lắng nghe nhau. Nếu áp dụng ngôn ngữ của nhà quảng cáo trong trường hợp này có lẽ cũng có thể chấp nhận được: “Luôn luôn lắng nghe, luôn luôn thấu hiểu”. [31]

Nhờ lắng nghe, chúng ta mới có thể thoát ra khỏi thế giới kinh nghiệm của mình mà đi vào thế giới kinh nhiệm của kẻ khác. Nên lưu ý một nguyên tắc rất căn bản trong việc đồng hành là phải khởi đi từ hoàn cảnh sống, từ kinh nghiệm cụ thể và riêng tư của người thụ hướng đối với Thiên Chúa. Chúng ta không thể bắt người khác bước đi trong đôi giầy quá lớn hoặc quá nhỏ của mình, mà ngược lại phải giúp họ bước đi bằng chính đôi giầy của họ, và ta cũng phải bước đi bên họ bằng đôi giầy của họ nữa. Việc thoát ra khỏi bản thân mình như thế không phải là việc làm dễ dàng, và không phải ai cũng làm được; việc làm này đòi hỏi phải biết quên mình, phải biết “trở nên mọi sự cho mọi người”, biết “hiến mình vì anh em”.

Việc lắng nghe người khác, không giống như lắng nghe tiếng chim hót, tiếng suối reo; nhưng là lắng nghe một con người trong mối tương quan ngôi vị, lắng nghe và đón nhận tất cả sự hiện hữu của họ với những nét đẹp tâm hồn, tội luỵ, khuynh hướng, và bao điều huyền nhiệm đang hình thành nên nhân cách của họ. Trong lúc này, người đồng hành phải gạt bỏ mọi thiên kiến, định chế, khuôn mẫu, nhất là những chuẩn mực luân lý của cá nhân mình, để có thể lắng nghe, cảm thông và thấu hiểu được con người của họ như chính họ đang là.

Để có được khả năng lắng nghe này, ngoài những nỗ lực tập luyện, còn phải biết đón nhận như là một ân ban, một khả năng đặc biệt Thiên Chúa trao để phục vụ người khác. Người ta không thể chỉ lắng nghe người khác qua hàng loạt những trợ giúp kỹ thuật, mà còn phải lắng nghe bằng tâm hồn, bằng tấm lòng cảm thông, trắc ẩn. Người ta chỉ có thể nghe được tiếng lòng của người khác với những đổ vỡ, lo lắng, khát vọng…, bằng trái tim chứ không phải đôi tai thuần tuý. Nếu chỉ lắng nghe người khác bằng đôi tai, người ta thường bị cám dỗ bỏ qua nhiều điều và cho rằng những điều ấy không quan trọng, dễ dàng hấp tấp trả lời, phê phán, trấn an, hoặc đôi khi xếp loại các vấn đề theo những tiêu chuẩn mình đã có sẵn. Và như vậy, nhiều khi người thụ hướng chưa kịp bộc lộ điều sâu xa trong lòng mình thì đã đi vào ngõ cụt của sự tương giao, bế tắc.

Chẳng phải lúc nào người thụ hướng cũng đến với vị đồng hành rồi bày tỏ một cách sáng suốt, thứ tự lớp lang những vấn đề của mình; nhưng rất nhiều khi họ đến với vị đồng hành trong tâm trạng bất an, “xả ra” biết bao vấn đề, những dồn nén, sợ hãi, và nhiều khi cả sự bất mãn, chống đối nữa. Do vậy, khả năng lắng nghe là điều cần thiết để đón tiếp những con người này và từ từ hướng dẫn họ.

Chúng ta tìm hiểu chiều kích khác của việc lắng nghe:




4. Chiều kích thiêng liêng của việc lắng nghe

Ở trên, chúng ta mới chỉ bàn tới những khía cạnh tâm lý của việc lắng nghe; còn một chiều kích khác vượt trên cả khía cạnh tâm lý nữa, đó là chiều kích thiêng liêng. Trong việc đồng hành thiêng liêng, hai người lắng nghe nhau thôi chưa đủ, cả người đồng hành và người được đồng hành còn phải lắng nghe tiếng Chúa nữa. Việc lắng nghe này giả thiết một thái độ quy phục đức tin trong tình yêu và hy vọng. Tin rằng Thiên Chúa đang dẫn mình đi trên một nẻo riêng biệt, bởi vì Người là Cha nhân lành, chúng ta đặt tất cả niềm hy vọng vào Người và lấy tình yêu của mình mà đáp trả tình thương đợi chờ của Thiên Chúa.


4.1. Lắng nghe trong niềm tin

Lắng nghe người khác trong việc đồng hành thiêng liêng là cùng với họ đi vào hành trình đức tin, phía trước vẫn là chân trời vô định mời gọi con người khám phá, và việc lắng nghe là sự quy phục vô điều kiện đối với Thiên Chúa, là hiến dâng những gì thâm sâu nhất của mình cho Đấng là chiều sâu thăm thẳm. Đó chính là hành vi “lao mình vào vực thẳm”, là “buông theo ân sủng”, là tin tưởng một cách tuyệt đối không do dự.

Hành trình đức tin ấy, xưa kia tổ phụ Abraham đã đi, ông ra đi theo tiếng gọi của Thiên Chúa, dẫu phía trước vẫn là u minh mù tối. [32] Chính nhờ đức tin son sắt như thế, Thiên Chúa đã hứa ban ơn và thiết lập giao ước với ông. [33] Quả thực, đức tin của tổ phụ Abraham thật là kiên vững, khi ông phải đối diện với thử thách tưởng chừng không thể nào vượt qua được: dâng con một cho Thiên Chúa làm hy lễ. Thế nhưng đức tin đã giúp ông vượt qua tất cả. [34]

Trong Kinh thánh Cựu ước, chúng ta cũng bắt gặp nhiều hành trình đức tin khác nữa: hành trình đức tin của dân Chúa trong sa mạc, [35] đức tin như điều kiện sống còn của dân Chúa, [36] dân tuyên xưng đức tin vào Thiên Chúa; [37] đức tin và cuộc thử thách của ông Gióp, dầu cho phải chịu bao đau khổ, ông vẫn trung thành với Chúa và tin vào Người là Đấng toàn năng… [38]

Trong Tân ước, chúng ta bắt gặp đức tin của người phung hủi, [39] đức tin viên đại đội trưởng ở Caphacnaum, [40] đức tin bị thử thách của ông Phêrô, [41] đức tin của người đàn bà ngoại giáo… [42] hay đức tin của tên gian phi sám hối. [43]

Mỗi người, trong mỗi hoàn cảnh khác nhau, khoảnh khắc khác nhau, nhờ đức tin, họ đã lắng nghe được tiếng Chúa: Samuen nghe được tiếng Chúa trong đền thánh lúc đêm khuya tĩnh mịch; [44] Êlia, Isaia, Giêrêmia, Êdêkien… đã nghe được tiếng Chúa gọi mình làm ngôn sứ; [45] các môn đệ đã nghe tiếng Chúa gọi để trở nên Tông đồ; [46] và bao người như Giakêu, người đàn bà tội lỗi… đã nghe tiếng Chúa mà ăn năn hối cải. Đó cũng phải là bài học kinh nghiệm cho hành trình đức tin của chúng ta hôm nay, đặc biệt trong việc đồng hành thiêng liêng.

Như vậy, chúng ta thấy, không thể thiếu chiều kích đức tin trong việc lắng nghe đồng hành. Có thể nói mạnh hơn, chính việc lắng nghe là hành vi đức tin, trong đó vị đồng hành và người thụ hướng quy phục bản ngã thâm sâu nhất của mình trong huyền nhiệm tình yêu không thể diễn tả được. Bằng việc lắng nghe, họ bỏ mình hoàn toàn để ở lại trong tình yêu của Đấng mến yêu họ. [47]

Chính trong đức tin, họ lắng nghe nhau và cùng nhau lắng nghe tiếng Chúa. Việc lắng nghe như thế cho chúng ta có quyền hy vọng về sự hiển lộ thiêng liêng.


4.2. Lắng nghe với niềm hy vọng

Lắng nghe là khao khát, chăm chú chờ đợi Thiên Chúa. Chúng ta không mong đợi điều gì, mà là mong đợi gặp gỡ một ngôi vị, gặp gỡ một con người, gặp gỡ chính Chúa. Đó chính là chiều kích hy vọng trong việc lắng nghe.

Cũng như xưa kia ngôn sứ Khabacuc lắng nghe và canh chừng xem Chúa nói gì với mình, [48] như dân riêng khát khao mong đợi Chúa “hơn lính canh mong đợi hừng đông”, [49] như những trinh nữ khôn ngoan chuẩn bị dầu đèn mong chàng rể đến, [50] như chủ nhà tỉnh thức kẻo kẻ trộm khoét vách nhà mình…, [51] khoảnh khắc Thiên Chúa tỏ lộ cho con người cũng bất ngờ như thế. Nếu không sống trong thái độ đợi chờ và hy vọng, thì “giờ” Thiên Chúa tỏ hiện, con người cũng chẳng nhận ra, cũng chẳng đón tiếp Người. Càng khao khát, càng đợi chờ, thì một khi Chúa đến niềm vui lại càng lan toả hơn.

Vị đồng hành sẽ chẳng giúp gì được cho người thụ hướng nếu không lắng nghe họ trong niềm hy vọng như thế. Rất nhiều khi, vị đồng hành phải đối diện với cơn cám dỗ bỏ cuộc, vì những điều người thụ hướng bộc lộ thật quanh co, tăm tối. Nhưng một khi biết đón nhận và lắng nghe trong sự kiên nhẫn đợi chờ, thì vị đồng hành sẽ không thất vọng, vì biết rằng kết quả việc đồng hành đến từ phía Thiên Chúa chứ không phải là do tài khéo của mình. Nhờ vậy, vị đồng hành có thể thoát ra khỏi nguy cơ muốn kiểm soát tiến trình thiêng liêng của người thụ hướng, muốn giải quyết cấp thời những nhu cầu của họ, muốn đụng chạm tận tay kết quả của cuộc đồng hành. Tất cả những tham vọng như thế đều đi ngược lại với tiến trình lắng nghe, đều phản lại kế hoạch của Thiên Chúa, vốn được thể hiện không phụ thuộc vào sự sắp xếp của con người.

Như thế, không thể lắng nghe nếu đánh mất niềm hy vọng, một chiều kích căn bản trong hành trình đức tin.


4.3. Lắng nghe bằng lòng mến

Việc lắng nghe này, đặt nền trên mối tương quan liên vị với Thiên Chúa; bởi vì lắng nghe là công việc của trái tim hơn là của đôi tai, là thái độ của cõi lòng nơi mà những bí ẩn thâm sâu nhất vẫn tồn tại và cần được Thiên Chúa đụng chạm tới. Việc lắng nghe này đòi hỏi một thái độ rất tinh tế, cảm nhận bằng con mắt đức tin, và bằng chính kinh nghiệm cụ thể của mình về Thiên Chúa, kinh nghiệm đáp trả lời mời gọi của Đức Giêsu “Anh em hãy ở lại trong tình yêu của Thầy”. Chính việc lắng nghe, việc “ở lại” này mà người thụ hướng có thể sinh hoa trái là tìm ra được con đường Thiên Chúa dành riêng cho mình, con đường độc đáo, cá vị, ngang qua kinh nghiệm hay sự hướng dẫn của vị đồng hành. Riêng đối với vị đồng hành, chính nhờ việc lắng nghe này mà những cảm nghĩ, lo lắng… của người đang được mình đồng hành sẽ hiển lộ.

Trọng tâm của việc đồng hành phải là những kinh nghiệm thiêng liêng, và mục đích cuối cùng là sự kết hợp với Chúa. Đó chính là sự kết hợp nhờ đức tin, niềm hy vọng, và đặc biệt là đức ái. Khi ấy, người ta tuân giữ lề luật không còn phải như một gánh nặng, mà luật đã được ghi khắc tận trong tâm khảm con người; [52] được thay thế trái tim bằng thịt thay vì là trái tim bằng đá, [53] đó là lúc con người hoàn toàn quy hướng về Chúa, vì ai yêu mến Chúa thì tuân giữ lời Người, [54] và kho tàng ở đâu thì lòng người ta ở đó. [55]

Tuy nhiên, vấn nạn vẫn còn đó, dù là lắng nghe bằng lòng mến, nhưng khám phá ra thánh ý Thiên Chúa vẫn còn là một thách đố. Thiên Chúa không ngỏ lời với chúng ta như cung cách con người thường áp dụng; chính vì vậy, một trong những phương cách căn bản nhất giúp ta nhận ra đâu là ý Chúa, đâu là ý riêng mình, và có khi là mưu ma chước quỷ nữa, đó chính là sự phân định.

[1] Rm 8,28.

[2] Xc. André Louf, Ân sủng còn kỳ diệu hơn, tr. 55-56.

[3] Sđd. tr. 55

[4] Cách diễn tả này vay mượn từ Phật giáo, có thể sẽ rất xa lạ và khó hiểu đối với những ai chưa tiếp xúc, chưa quen với giáo lý nhà Phật. Tuy nhiên với góc nhìn hội nhập văn hóa vào đời sống tâm linh, người viết tạm so sánh tiến trình “giác ngộ” của nhà Phật với tiến trình “hoán cải” của Kitô giáo. Cách so sánh này có nhiều điểm khập khiễng, chưa hoàn toàn tương đồng, nhưng xin được mạo muội đưa ra như một cố gắng hội nhập.

Bộ tranh “Mục ngưu đồ” có từ thời nào chẳng rõ, nhưng mãi tới thời nhà Tống, thế kỷ XII, một số họa sĩ áo nâu mới phục chế lại các bức họa này, hoà với dòng Thiền Phật giáo Bắc Tông, gồm mười bức hoạ tất cả. Tuy bộ tranh này xuất phát từ nhiều trường phái khác nhau, nhưng “Mục ngưu đồ” gom lại thành hai loại: một của phái Đại Thừa (lối tu tiệm), và một của phái Thiền Tông (lối tu đốn).



Dù là tranh Đại Thừa hay Thiền Tông, cả hai đều trình bày quá trình trở về tâm, thuần tâm; trong đó hình ảnh con trâu được coi như tâm kẻ hành đạo, khởi đi từ quá trình tìm trâu, dắt trâu, luyện trâu, thuần trâu, rồi buông trâu, quên người, và sau cùng hoà với thiên nhiên, thõng tay vào chợ.

[5] Xc. Thời sự thần học, số 35, tháng 3. 2004, tr. 21.

[6] Điều này khác với thái độ thờ ơ lãnh đạm, không quan tâm gì đến người đang nói với mình. Nguyên tắc căn bản trên xem ra có vẻ đơn giản, nhưng trong thực hành đó cũng là một thách đố không nhỏ. Bởi lẽ: “Việc làm dễ nhất là cho người khác một lời khuyên!”

[7] Xc. Wilfrid Stinissen, Quà tặng tâm linh, tr. 49.

[8] Julian of Norwich, Revelation of Divine Love, Artos, Skelleftea, 1991, tr. 88 (Trích theo cước chú của Wilfrid Stinissen, Quà tặng tâm linh, tr. 51).

[9] Vì chẳng có gì của con người trở nên xa lạ với người môn đệ Đức Kitô (Gaudium et Spes, số 1).

[10] John of the Cross, Living Flame of Love, 3, 46 (Trích lại theo Francis Kelly Nemeck, OMI, Marie Theresa Coombs, Hermit, Phương pháp linh hướng tr. 106).

[11] Baker, Augustine, Holy Wisdom, tr. 41.

[12] Xc. Francis Kelly Nemeck, OMI, Marie Theresa Coombs, Hermit, Phương pháp linh hướng tr. 108.

[13] Xc. Ga 4, 3-4.

[14] Mt 10, 19 -20.

[15] Xc. 1Cr 12, 4 -11.

[16] Xc. Francis Kelly Nemeck, OMI, Marie Theresa Coombs, Hermit, Phương pháp linh hướng, tr. 112.

[17] Grady, Laureen. “Afterword to a Pistle of Discrecioun of Stirings”, Contemplative Review, tr. 10. (Trích lại trong Sđd, tr. 122-123).

[18] Chúng tôi sẽ trình bày những “cạm bẫy” này ở chương sau, khi nói về những khó khăn trong mối tương quan đồng hành.

[19] Xc. Francis Kelly Nemeck, OMI, Marie Theresa Coombs, Hermit, Phương pháp linh hướng, tr. 111.

[20] Is 43, 1-4.

[21] Hs 2, 21-22.

[22] Gr 31,3.

[23] Xc. Ga 15,5.

[24] Tv. 139, 13-14.

[25] John of the Cross, Living Flame of Love, 3,46.

[26] Xc. Phương Hoài Nhân, OP. Tư vấn mục vụ, tr. 86.

[27] Xc. Ibid. tr. 90.

[28] St. Tôma Aquinô, Summa Theologica, I, q. 22, a. 2, ad 4.

[29] Đoạn văn do Fénelon viết, André Louf đã đọc lên hôm ngài được bổ nhiệm làm Đan viện phụ (Xc. André Louf, Ân sủng còn kỳ diệu hơn, tr. 6).

[30] Trích lại theo Wilfrid Stinissen, Quà tặng tâm linh, tr. 57.

[31] Câu quảng cáo của Công ty bảo hiểm Prudentio.

[32] Xc. St 12, 1-9.

[33] Xc. St 15, 1-18.

[34] Xc. St 22, 1-19.

[35] Xc. Xh 14, 5-31; 17.

[36] Xc. Is 7.

[37] Xc. Dnl 6, 4-6.

[38] xc. G 42.

[39] Xc. Mt 8, 1-4.

[40] Xc. Mt 8, 5-13.

[41] Xc. Mt 14, 22-33.

[42] Xc. Mt 15, 21-28.

[43] Xc. Lc 23, 39-43.

[44] Xc. 1Sm 3, 1-10.19 - 4,1a.

[45] Xc. 1V 19, 16-21; Is 6, 1-10; Gr 1, 1.4-10.17-19; Ed 2, 2-5.8 - 3,4.

[46] Mt 4, 18-22; 9, 9-13; 10, 1-4…

[47] Xc. Francis Kelly Nemeck, OMI; Marie Theresa Coombs, Hermit, Phương pháp linh hướng, tr. 76.

[48] Xc. Kb 2, 1-4.

[49] Tv 129.

[50] Xc. Mt 25, 1-13.

[51] Xc. Mt 24, 42-44.

[52] Xc. Gr 31, 31-34.

[53] Xc. Ed 36.

[54] Xc. Ga 14, 23-29.

[55] Lc 12, 33-34.

[56] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 13-14; 18-19.

[57] Xc. Jacques Guillet, Khổ chế và thần bí, khoản nói về “sự phân định thiêng liêng”, Beauchesne Paris, 1957, tập III, tr. 1223; Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 25-26.

[58] Xc. Tl 9,23; 1Sm 16,14-23. 18,10. 19,9; 2V 19,7; Is 19,14. 29,10.

[59] Rm 12,2.

[60] Ep 5,17.

[61] Cl 1,9-10.

[62] Xc. 1Ga 4,1

[63] Jacques Guillet, Khổ chế và thần bí, Beauchesne Paris, 1957, tr. 1231 (Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 51).

[64] Ngay từ thời xuất hiện đời đan tu, các sư phụ đã đặt nặng việc “phân định” hay “phân định thần khí” (hoặc “biện phân thần khí”). Thánh Bênađô ghi nhận rằng Thánh kinh nói tới 6 thứ thần khí: thần khí Chúa (Nkm 7,5), thiên sứ (Dcr 2,2), quỷ (Tv 77,9), xác thịt (Cl 2,18), thế gian (1Cr 2,12) và con người (1Cr 2,11).

Sáu thần khí đó có thể thu lại thành ba:

1. Thần khí Chúa thúc giục ta làm điều tốt để nên thánh;

2. Thần khí xấu lôi kéo ta vào đường tội lỗi;

3. Thần khí “con người” thì bị giới hạn vì đam mê tội lỗi, cho nên cũng thường rơi vào điều xấu. (Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 292-293)

[65] Xc. 1Cr 12,10.

[66] Chẳng hạn như việc phải quyết định ơn gọi: ơn gọi nào cũng tốt, nhưng lời mời gọi sống đời sống dâng hiến, thực thi đức ái trọn hảo, là sự chọn lựa quyết liệt hơn; hoặc việc phân vân nên sống đời tu hoạt động, hay lui về sống đời chiêm niệm…

[67] Thực ra, ngay từ thời các Giáo phụ, khi xây dựng nền thần học tự nhiên (dựa trên triết học hơn là mặc khải) để đối thoại với nền văn hóa Hy Lạp, Giáo phụ Justinô đã nói về “hạt giống Lời” nơi các tôn giáo và các nền văn hóa khác. Công đồng Vatican II chỉ làm công tác khai triển và trở về nguồn mà thôi.

[68] Xc. Phan Tấn Thành, Đời sống tâm linh, tập III, tr. 294-295.

[69] Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 53.

[70] Xc. St 1,1-3,24.

[71] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 30.

[72] Xc. 1Cr 2,15.

[73] Dt 5, 11-14.

[74] Trích lại trong Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 31.

[75] Tác giả Thomas Green liệt kê sáu tiêu chuẩn căn bản do Guillet đề nghị, đó là:

- Các lời của ngôn sứ loan báo tai hoạ thì có nhiều cơ may là đích thực hơn các lời ngôn sứ loan báo tin vui.

- Những lời ngôn sứ đích thực được xác nhận bằng việc loan báo “những dấu chỉ” đã xảy ra thực sự.

- Sứ điệp của ngôn sứ trung thành với đạo lý tinh ròng của Israel. Đây là tiêu chuẩn còn quan trọng hơn cả hai tiêu chuẩn trên, vì ma quỷ cũng có thể làm được những điều như hai tiêu chuẩn trên gợi ý.

- Đời sống chứng tá của vị ngôn sứ cũng có giá trị ngang bằng với những giáo thuyết ông dạy.

- Tiêu chuẩn thứ năm nội tại ngay trong con người vị ngôn sứ, đó là chủ đích của vị ngôn sứ. Thực ra, tiêu chuẩn này rất khó áp dụng và khó có thể kiểm chứng được.

- Tiêu chuẩn cuối cùng là chính kinh nghiệm ơn gọi của vị ngôn sứ.

(Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 32-37).



[76] Xc. Sđd, tr. 81-90.

[77] Xc. 1Cr 13, 4-7; Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 350-352.

[78] Xc. Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 364-365.

[79] Thánh Tôma Kempis mô tả những biểu hiện thuần tuý nhân loại trong cuốn Gương Chúa Kitô, quyển III, chương 54.

[80] Xc. Jordan Aumann, OP. Đời sống tâm linh, tập III, tr. 366.

[81] J. C. Futrell, tác giả của bộ sách Cầu nguyện và quyết định, sự phân định thiêng liêng (Prière et décision, le discernement spirituel), bộ “Đời sống Kitô giáo”, số 147, 1975 (Xc. cước chú số 63 của Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 282).

[82] Xc. Thomas Green, SJ. Sự phân định thiêng liêng, tr. 283-292.

Каталог: doc -> tailieu
doc -> I. Quản lý sâu bệnh ở khu vực dự án Ô Môn – Xà No 4 II. Quản lý thuốc bảo vệ thực vật 12 Chủ sở hữu có trách nhiệm liên hệ với một đại diện phê duyệt của tỉnh để truyền đạt các hướng dẫn và yêu cầu xử lý
doc -> Tr­êng thcs nguyÔn §øc C¶nh Gi¸o ¸n §¹i Sè 7 Ch­¬ngI sè h÷u tØ. sè thùc
doc -> Ban chỉ ĐẠo công nghệ thông tin của cơ quan đẢng giáo trình thiết kế, XÂy dựng và quản trị CƠ SỞ DỮ liệu hà NỘI, 2004
doc -> THỦ TƯỚng chính phủ
doc -> Ủy ban nhân dân cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam tỉnh thừa thiên huế Độc lập Tự do Hạnh phúc
doc -> TIÊu chuẩn quốc gia tcvn 8108 : 2009 iso 11285 : 2004
doc -> Sè: 90/2003/Q§-ub
doc -> Chương 1 Các khái niệm căn bản về mạng và giao thức mạng Mạng máy tính

tải về 0.51 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương