CHÀo năm mới xuân kỷ SỬU 2009



tải về 332.46 Kb.
trang1/4
Chuyển đổi dữ liệu07.07.2016
Kích332.46 Kb.
#1428
  1   2   3   4
CHÀO NĂM MỚI XUÂN KỶ SỬU 2009

Nguyễn Bá Hiền

Phó Hiệu trưởng
Năm Mậu Tý đã qua đi để lại cho chúng ta những niềm vui và nỗi buồn khó tả. Chúng ta có niềm vui vì năm 2008 đánh dấu sự thành công trên nhiều mặt của Nhà trường: hoàn thành vượt mức các chỉ tiêu tuyển sinh, đặc biệt là tuyển sinh Cao đẳng, quy mô đào tạo ngày càng được mở rộng; chỉ tiêu đào tạo bồi dưỡng cán bộ nhân viên cho ngành theo Nghị định số 55 và số 59 của Thủ tướng chính phủ. Chỉ tiêu lao động và thu nhập đều tăng so với cùng kỳ năm trước. Chất lượng đội ngũ được nâng lên một bước quan trọng, năm qua đã có hơn 10 cán bộ giảng dạy được cử đi học Cao học, nâng cao tổng số cán bộ, giảng viên đang học cao học là 26 người. Công tác biên soạn và nghiên cứu khoa học năm qua cũng được đẩy mạnh và phát triển.

Sự kiện nổi bật của năm qua là chúng ta đã tổ chức thành công lễ kỷ niệm 35 năm thành lập trường và đón nhận phần thưởng cao quý do Chủ tịch nước khen tặng, đó là huân chương Lao động hạng nhất cho trường và các phần thưởng cao quý khác cho cá nhân và cho tập thể, theo đó Nhà trường đã tổ chức các cuộc hội thảo, toạ đàm tại trường và tại các địa phương đạt kết quả tốt, nhiều hoạt động văn hoá, thể thao, giao lưu kết nghĩa đã được Đoàn trường và Công đoàn tổ chức, nhiều hội thi, hội thao các cấp đều đạt các giải thưởng cao.

Tuy nhiên vào những ngày cuối của tháng 10 năm 2008, thầy Hiệu trưỏng đã qua đời trong sự tiếc thương vô hạn của cán bộ viên chức, học sinh sinh viên toàn trường và bạn bè thân hữu gần xa, đây là tổn thất to lớn cho sự nghiệp của Nhà trường. Trong điếu văn của Lãnh đạo nhà trường tại lễ truy điệu thầy Hiệu trưởng có hứa với thầy Hiệu trưởng rằng, toàn trường sẽ biến đau thương thành hành động, sẽ đoàn kết một lòng cùng với Ban giám hiệu, BCH Đảng uỷ sẽ tiếp tục sự nghiệp mà thầy Hiệu trưởng để lại.

Để thực hiện quyết tâm đó, trong năm 2009 chúng ta sẽ ra sức đoàn kết, hăng hái thi đua hoàn thành xuất sắc các chỉ tiêu Bộ giao, giữ vững danh hiệu trường tiên tiến xuất sắc của ngành, tiếp tục mở rộng quy mô đào tạo, nâng cao chất lượng đào tạo và đào tạo theo nhu cầu xã hội, tiếp tục hoàn thành chiến lược phát triển trường đến năm 2010 và tầm nhìn 2020, tiếp tục thực hiện công tác đào tạo theo tín chỉ theo tiến độ đã đề ra. Không ngừng chăm lo đời sống vật chất và tinh thần cho cán bộ viên chức – người lao động và học sinh sinh viên trong toàn trường. Phấn đấu đến hết Quý I năm 2009 sẽ nhận bàn giao và đưa khối nhà hành chính mới xây vào sử dụng. Tiếp tục đề nghị Bộ làm thủ tục bổ sung Ban giám hiệu và bổ nhiệm Hiệu trưởng đồng thời đề nghị Đảng bộ Quận làm thủ tục bổ sung BCH Đảng uỷ và Bí thư Đảng uỷ nhà trường để lãnh đạo công việc của Nhà trường trong tình hình mới.

Chào mừng năm mới Kỷ Sửu, Nhà trường xin ghi nhận sự đóng góp của mỗi cán bộ viên chức, người lao động và mỗi học sinh sinh viên trong toàn trường và mong rằng sang năm mới trường ta sẽ thu được nhiều thắng lợi mới.

Nhân dịp đón xuân mới, thay mặt lãnh đạo Nhà trường xin gửi tới toàn thể cán bộ, giảng viên, viên chức, người lao động và học sinh sinh viên toàn trường cùng gia đình năm mới mạnh khoẻ, an khang thịnh vượng.


TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ BỒI DƯỠNG

THẾ HỆ TRẺ CHO ĐỜI SAU
Phạm Thị Hoa

Bộ môn Lý luận chính trị


Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh thường xuyên động viên thế hệ trẻ phải ra sức rèn luyện tinh thần, tu dưỡng đạo đức, không ngừng học tập vươn lên để xứng đáng là người chủ tương lai của nước nhà. Người nhắc nhở Đảng và chính quyền các cấp phải đặc biệt quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ. Trước khi vĩnh biệt chúng ta trong “Di chúc”, Người còn căn dặn “ Đoàn viên thanh niên ta nói chung là tốt, mọi việc đều hăng hái xung phong, không ngại khó khăn, có chí tiến thủ. Đảng cần chăm lo giáo dục đạo đức cách mạng cho họ, đào tạo họ thành những người kế thừa xây dựng chủ nghĩa xã hội vừa “hồng” vừa “chuyên”. Bồi dưỡng thế hệ cách mạng cho đời sau là việc rất quan trọng và rất cần thiết”.[1]

Sau cách mạng tháng Tám thành công, Nhà nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời, Hồ Chí Minh khẳng định lực lượng quan trọng trong xây dựng và phát triển đất nước là thế hệ trẻ thanh niên. Năm 1947, Người khẳng định :“Thanh niên là chủ tương lai của nước nhà. Thật vậy, nước nhà thịnh hay suy, yếu hay mạnh, một phần lớn là do các thanh niên”. Với Người, thế hệ trẻ không chỉ là bộ phận quan trọng của dân tộc mà còn là lực lượng xung kích của cách mạng: “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”.[2]

Với vai trò là đội ngũ hậu bị - lực lượng kế cận hùng hậu của cách mạng, Người nói: “Tôi luôn nói đến thế hệ trẻ, vì trong mọi công việc, thế hệ trẻ ta luôn hăng hái xung phong và họ xứng đáng là cánh tay đắc lực của Đảng”[3]. Là những người chủ tương lai của nước nhà, thế hệ trẻ - trước hết là thanh niên, có trách nhiệm kế tục sự nghiệp cách mạng, thực hiện sứ mệnh vẻ vang mà lớp người đi trước đã chuyển giao vào tay mình, Hồ Chí Minh khẳng định: “Thanh niên phải trở thành một lực lượng to lớn, vững chắc trong công cuộc kháng chiến và kiến quốc, phải: “là người tiếp sức cách mạng cho thế hệ thanh niên già…, là người xung phong trong công cuộc phát triển kinh tế và văn hóa, trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội”.[4]

Trong thư gửi thanh niên và nhi đồng toàn quốc, nhân dịp tết nguyên đán 1946, Bác viết: “Một năm khởi đầu từ mùa xuân. Một đời khởi đầu từ tuổi trẻ, tuổi trẻ là mùa xuân của xã hội”[5]. Với tấm lòng đầy nhiệt huyết, có sức sống tràn trề và năng lực sáng tạo…Đó là thế mạnh, là vốn quý của tuổi trẻ. Chính vì thế, trong quá trình lãnh đạo cách mạng, Chủ tịch Hồ Chí Minh có lòng tin mãnh liệt vào sức mạnh vô địch cũng như năng lực sáng tạo phi thường của quần chúng nhân dân, trong đó có thế hệ trẻ. Thế hệ trẻ nói chung và trẻ em nói riêng luôn ở trong từng nhịp đập trái tim và tâm trí của Người; lúc nào Người cũng dành muôn vàn tình yêu thương cho thế hệ trẻ; Người còn gửi gắm niềm tin khi đặt trọn tương lai của cách mạng, của dân tộc vào họ. Nhân ngày khai trường của của năm học đầu tiên của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, tháng 9/1945, Người đã gửi thư, khích lệ và động viên học sinh cả nước: “Ngày nay chúng ta cần phải xây dựng lại cơ đồ mà tổ tiên ta đã để lại cho chúng ta, làm sao chúng ta theo kịp các nước trên toàn cầu”. Trong công cuộc kiến thiết đó, Nước nhà trông mong chờ đợi ở các em rất nhiều: “Non sông Việt Nam có trở nên tươi đẹp hay không, dân tộc Việt Nam có bước tới đài vinh quang để sánh vai với các cường quốc năm châu được hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công học tập của các em”.

Công tác đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ nhằm mục tiêu xây dựng con người mới XHCN phải được tiến hành thường xuyên, liên tục và lâu dài nhằm đáp ứng những yêu cầu cần thiết cho thời đại. Theo Hồ Chí Minh cách mạng càng phát triển, càng đòi hỏi đội ngũ cán bộ các thế hệ, dân trí phải được nâng cao, giáo dục phải phát triển để làm nhiệm vụ chăm lo bồi dưỡng các thế hệ cách mạng, trong đó đặc biệt quan tâm tới thế hệ trẻ.

Muốn thế hệ trẻ của chúng ta trở thành những người kế thừa xây dựng CNXH vừa “hồng” vừa “chuyên” thì công tác giáo dục phải tiến hành một cách toàn diện như lời Người đã dạy: “Trong việc giáo dục và học tập phải chú trọng đủ các mặt: Đạo đức cách mạng, giác ngộ xã hội chủ nghĩa, văn hóa, kinh tế, lao động và sản xuất”. Người cho rằng, giáo dục bồi dưỡng thế hệ trẻ phải chú ý đến cả hai yếu tố đạo đức và tài năng, trong đó lấy đạo đức làm gốc. Đức ở đây chính là đạo đức cách mạng, nội dung cốt lõi của đạo đức cách mạng là cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư.

Thấm nhuần và thực hiện những tư tưởng đúng đắn, sâu sắc của Người, nhiều thế hệ cách mạng đã nhanh chóng trưởng thành, đóng góp công lao to lớn cho sự nghiệp giải phóng dân tộc và xây dựng CNXH. Hiện nay trong sự nghiệp đổi mới toàn diện đất nước, trước xu thế toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế quốc tế, thế hệ trẻ Việt Nam luôn kiên định lý tưởng XHCN mà Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dày công vun trồng. Họ đã và đang chứng tỏ bản lĩnh, sức trẻ, sự sáng tạo và tinh thần dám nghĩ, dám làm của mình, ra sức tu dưỡng, học tập và rèn luyện về mọi phương diện, tích cực lao động sản xuất, tiến vào khoa học- công nghệ, để cùng toàn Đảng, toàn dân thực hiện công cuộc đổi mới, đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, nhằm xây dựng một nước Việt Nam dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh. Đảng và Nhà nước ta đặc biệt chăm lo đến việc giáo dục đào tạo bồi dưỡng thế hệ trẻ, coi đó là vấn đề then chốt trong chiến lược con người. Điều đó thể hiện sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đến những nhu cầu, nguyện vọng và xu hướng của tuổi trẻ, có nhiều ghi nhận và tôn vinh những thanh niên, học sinh tiêu biểu xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc XHCN. Đảng và Nhà nước ta đã đề ra những chủ trương, chính sách, kế hoạch giáo dục đào tạo cụ thể, xác thực theo tiêu chí xây dựng con người trong tiến trình CNH, HĐH là có kỹ năng, kỹ thuật, kỹ xảo, khả năng sáng tạo trong thời đại kinh tế tri thức.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, Hội thanh niên Việt Nam nòng cốt là Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh kết hợp với các tổ chức xã hội, phát động nhiều phong trào sôi nổi trên phạm vi cả nước, tiêu biểu là phong trào “Thanh niên lập nghiệp”, “Tuổi trẻ giữ nước”, “Thanh niên tình nguyện”…Từ những phong trào này thế hệ trẻ Việt Nam được trưởng thành về mọi mặt: Phẩm chất chính trị, đạo đức lối sống, trình độ học vấn, kinh nghiệm…; qua đó cũng khơi dậy tiềm năng to lớn của tuổi trẻ, tạo cơ hội, môi trường để thế hệ trẻ đóng góp sức lực vào công cuộc xây dựng CNXH và bảo vệ Tổ quốc.

Tuy nhiên, phải thừa nhận rằng, do ảnh hưởng từ những mặt trái của nền kinh tế thị trường, xu thế toàn cầu hóa, và đặc biệt do không nghiêm túc rèn luyện, phấn đấu, một bộ phận thanh thiếu niên nước ta đang có những biểu hiện tiêu cực đáng lo ngại, như phai nhạt lý tưởng, chạy theo lối sống buông thả, lười học tập và tu dưỡng đạo đức, nghiện ngập, vi phạm pháp luật…Vì vậy, hơn bao giờ hết, toàn Đảng, toàn dân càng phải chăm lo giáo dục, bồi dưỡng thể hệ trẻ, coi đó là một trong những nhiệm vụ hàng đầu, bởi nó liên quan trực tiếp tương lai của đất nước.

Ngày nay, nước ta mặc dù vẫn còn nhiều khó khăn, thử thách, song trên nền tảng Chủ nghĩa Mác- Lênin, Tư tưởng Hồ Chí Minh và những quan điểm, đường lối đúng đắn của Đảng, kế tục truyền thống tốt đẹp của các thế hệ đi trước, thế hệ trẻ Việt Nam mãi mãi đi theo con đường Bác Hồ đã lựa chọn, đất nước ta nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn để thỏa lòng mong ước của Người. Có thể khẳng định rằng, cùng với những biện pháp tích cực và đồng bộ khác, cuộc vận động: “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” mà Đảng ta đã và đang phát động chính là một cơ hội tốt cho thế hệ trẻ tiếp tục rèn luyện phấn đấu và trưởng thành.

--------------------------

(1). Toàn văn di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh; NXB trẻ, Thành phố HCM, 2005, tr 33.

(2), (3), (5) Những lời Bác Hồ dạy thanh niên thiếu niên và học sinh; NXB Thanh niên, NXB Bến Tre, 2000, tr 13; tr 10; tr11.

(4) Hồ Chí Minh: Toàn tập, NXB Chính trị Quốc gia, Hà Nội, 1995, tr.488

Tài liệu tham khảo khác:

- Tạp chí Lịch sử Đảng số 4/2008.

- Tạp chí Cộng sản các số năm 2008.


NÔNG NGHIỆP VIỆT NAM TRƯỚC KHỦNG HOẢNG TÀI CHÍNH TÍN DỤNG THẾ GIỚI VÀ GIẢI PHÁP CỦA VIỆT NAM
Nguyễn Hoàng Oanh

Khoa Quản trị kinh doanh
Khủng hoảng tài chính, tín dụng thế giới xuất phát từ Mỹ, đến nay đã lan rộng ra hầu hết các quốc gia trên thế giới trong đó có Việt Nam. Ảnh hưởng trực tiếp của cuộc khủng hoảng này đến nền kinh tế Việt Nam được thấy rõ thông qua nguồn vốn đầu tư trực tiếp, kim ngạch xuất khẩu, lượng kiều hối đều giảm, tỷ lệ lạm phát, thất nghiệp có chiều hướng gia tăng…..

Việt Nam với gần 80% dân số ở khu vực nông nghiệp, nông thôn; phần lớn các mặt hàng xuất khẩu chủ lực thuộc lĩnh vực nông nghiệp như cao su, cà phê, gạo……Trong những năm qua kim ngạch xuất khẩu nông sản chiếm tỷ trọng rất lớn trong tổng kim ngạch XNK của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu nông sản 11 tháng năm 2008 đạt 7,8 tỷ USD tăng 37,9% so với cùng kỳ năm 2007. Cụ thể, các mặt hàng chính như gạo có mức tăng kim ngạch cao nhất trong các mặt hàng nông sản, ước tổng lượng gạo xuất khẩu 11 tháng đầu năm đạt gần 4,3 triệu tấn, kim ngạch 2,7 tỷ USD, tăng hơn 88% về giá trị so cùng kỳ năm 2007. Cà phê xuất khẩu 11 tháng đạt 863 nghìn tấn, kim ngạch 1,78 tỷ USD. Cao su 586 nghìn tấn, tăng 22,3% về kim ngạch so cùng kỳ năm trước. Chè ước 11 tháng đầu năm đạt 100 nghìn tấn, tương đương 140 triệu USD. Hạt điều dự kiến 153 nghìn tấn, tăng 11% về lượng và 19,5% về giá trị so cùng kỳ; 11 tháng đầu năm sản phẩm tiêu đạt kim ngạch xuất khẩu trên 300 triệu tấn; đồ gỗ và lâm sản ước trên 2,77 tỷ USD, tăng 18% so với cùng kỳ năm trước. Hiệu quả xuất khẩu nông sản cao; so sánh hiệu quả xuất khẩu giữa dệt may và nông sản thì: “Nếu xuất khẩu dệt may được 100 đồng thì Việt Nam chỉ được 30 đồng nhưng với 100 đồng xuất khẩu nông sản sẽ thu về 70 đồng. Giảm 1 tỷ USD xuất khẩu nông sản tương đương với giảm 3 tỷ USD xuất khẩu các mặt hàng khác. Theo TS Đặng Kim Sơn - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển NNNT cho biết: ngành nông nghiệp đã liên tiếp 2 lần “cứu” nền kinh tế thoát khỏi bờ vực khủng hoảng. Năm 1989, công nghiệp tăng trưởng âm, nhưng nông nghiệp phát triển mạnh nên cứu được khủng hoảng. Đến năm 1999, công nghiệp – dịch vụ đều giảm, chỉ có nông nghiệp tăng trưởng tốt nên đã cứu được nền kinh tế đang bên bờ vực khủng hoảng. Như vậy ngành nông nghiệp đóng góp vai trò quan trọng trong việc ổn định an ninh lương thực, an sinh xã hội và tăng trưởng kinh tế.

Cơn bão khủng hoảng tài chính bắt đầu tác động đến nông sản xuất khẩu của nước ta từ tháng 9/2008. Cùng thời điểm đó, hầu hết các nước xuất khẩu nông sản lớn đều được mùa. Bên cạnh đó, cuộc khủng hoảng tài chính nặng nề tại các thị trường chủ chốt như Mỹ, EU, Trung Quốc, Nhật Bản... là nguyên nhân chính khiến sức cầu sụt giảm mạnh. Những rắc rối của hệ thống ngân hàng tại những thị trường lớn làm hạn chế khả năng thanh khoản của các doanh nghiệp nhập khẩu hàng từ Việt Nam. Những tác động trên đã làm cho giá nông sản xuất khẩu giảm nhanh và ở mức quá thấp, tác động sâu sắc đến sản xuất nông nghiệp Việt Nam. Nếu trong tháng 7/2008, kim ngạch xuất khẩu nông sản Việt Nam đạt kỷ lục 1,75 tỷ USD thì đến tháng 11/2008, con số này ước còn 1,2 tỷ USD, giảm gần 32%.

Hiện nay nhiều quỹ đầu tư đồng loạt rút vốn ra khỏi hoạt động đầu tư nông sản dẫn tới sự giảm cầu trên các thị trường kỳ hạn; giới đầu cơ quốc tế lại tung một lượng lớn hàng nông sản ra thị trường làm mất cân bằng cung cầu nghiêm trọng, làm giá nông sản giảm đột ngột. Việc nhiều quốc gia tăng trợ cấp nông nghiệp để đảm bảo an ninh lương thực cũng khiến nông sản mất giá, điển hình như cà phê giảm 32%, cao su giảm 50%... Dự báo giá các mặt hàng nông sản sẽ tiếp tục giảm trong tương lai, trong đó những mặt hàng có nguy cơ giảm mạnh nhất là cao su, cà phê, chè… do cầu giảm; riêng đối với gạo là mặt hàng tiêu dùng thiết yếu nên cầu giảm không nhiều, do đó giá cả sẽ có tính ổn định.

Theo một số chuyên gia kinh tế, sẽ có 3 kịch bản về khủng hoảng tài chính toàn cầu: Khủng hoảng có thể kéo dài tới giữa năm 2009 và phục hồi ngay trong năm; kéo dài hết năm 2009 và phục hồi trong năm 2010; và khủng hoảng tiếp tục lún sâu hơn nữa. Trong ba kịch bản trên, thì kịch bản thứ hai có khả năng xảy ra với những nỗ lực của Chính phủ các nước nhằm cứu nguy thị trường tài chính. Tuy nhiên, cả 3 kịch bản này đều dẫn tới hệ quả là xuất khẩu nông sản Việt Nam giảm tương ứng là 10,8 tỷ USD; 13 tỷ USD và 15,3 tỷ USD. Và dù ở kịch bản nào thì ngành nông nghiệp sẽ gặp rất nhiều khó khăn không chỉ trong xuất khẩu mà cả cạnh tranh thị trường trong nước khi sản lượng thương mại toàn cầu sẽ giảm từ 1,8% xuống -1,1%. Điều này sẽ tác động rất lớn tới đời sống và thu nhập của nông dân.

Sang năm 2009, nông nghiệp, nông thôn Việt Nam sẽ tiếp tục khó khăn, do những biến động vĩ mô và biến động của thời tiết nên cần có biện pháp ứng cứu quyết liệt. Nếu nông nghiệp không được vực lên thì sẽ gây ảnh hưởng tới tăng trưởng và an sinh xã hội. Một số lượng lớn người nghèo bị ảnh hưởng mạnh trong khi số hộ cận nghèo rơi xuống nghèo sẽ có khả năng tăng cao. Nếu nông nghiệp không có những chính sách phát triển đột biến, để đủ sức chống chọi với khủng hoảng, trong khi công nghiệp, dịch vụ chúng ta đã bắt đầu giảm, kéo theo một lượng lao động mất việc tạm thời đổ về nông thôn càng gây sức ép khó khăn cho khu vực này.

Để ứng phó với khủng hoảng tài chính toàn cầu, Chính phủ đã có gói kích cầu 6 tỷ USD tập trung vào các lĩnh vực y tế, giáo dục, nông nghiệp, kết cấu hạ tầng, xuất khẩu…... Để ngăn cản tác động cộng hưởng của suy thoái kinh tế đối với lĩnh vực nông nghiệp, Chính phủ nên có nguồn vốn để giải cứu cuộc khủng hoảng nông nghiệp trong thời gian tới. Hiện nay, lãi suất ngân hàng đã giảm, nhưng nông dân và doanh nghiệp rất khó tiếp cận vốn tín dụng do ngân hàng đòi phải trả hết nợ cũ vay với lãi suất cao thì mới cho vay với lãi suất thấp như hiện nay. Thế nhưng, do nông dân và doanh nghiệp đều tồn đọng hàng nên rất khó có vốn để trả. Vì thế, Chính phủ cần chỉ đạo các ngân hàng áp dụng biện pháp khoanh nợ đối với những khoản vay chịu lãi suất cao và cho vay mới với lãi suất hiện nay, có như vậy mới tạo cơ hội để doanh nghiệp tiếp tục sản xuất.

Đối với nền kinh tế Việt Nam, cần chuẩn bị những phương án đối phó với những diễn biến xấu của nền kinh tế thế giới. Những khả năng có thể xảy ra đối với nền kinh tế Việt Nam trong năm 2009 là: 1) Nền kinh tế thế giới sẽ được phục hồi trong năm 2009, kinh tế Việt Nam sẽ có sự tăng trưởng khá, tốc độ tăng GDP từ 6% - 7%; 2) Nền kinh tế thế giới tiếp tục bị suy thoái, do đó dự đoán GDP của Việt Nam tăng trưởng 4 - 5%, lạm phát 8 - 9%.



Những giải pháp có thể là:

  1. Điều chỉnh cơ cấu sản xuất, ngành hàng nào có triển vọng xuất khẩu cao thì tăng sản lượng;

  2. Áp dụng các biện pháp để giảm giá thành, chiến lược về giá, tăng chất lượng nông sản và đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm;

  3. Tìm biện pháp hỗ trợ, giải quyết khó khăn cho các doanh nghiệp làng nghề, nông dân tiếp cận những nguồn vốn vay ưu đãi;

  4. Tiếp tục cải cách hành chính, tăng cường công tác dự báo, thống kê thị trường;

  5. Duy trì thị trường xuất khẩu truyền thống và xúc tiến nhiều hơn thị trường mới như Châu Phi, Châu Mỹ …… chú ý đến thị trường nội địa;

  6. Xây dựng hàng rào kỹ thuật quản lý chất lượng nông sản nhập khẩu, cải thiện hệ thống lưu kho, phân phối nông sản trong nước;

  7. Thu mua lúa và trợ cấp thẳng cho người nông dân;

  8. Ổn định sản lượng và giá vật tư nông nghiệp phục vụ sản xuất.

Tài liệu tham khảo: Website Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

ĐÀ NẴNG: SIÊU THỊ NỘI LOAY HOAY TÌM CHỖ ĐỨNG

Hoàng Hà Tiên

Khoa Quản trị kinh doanh
Năm 2002 siêu thị Đà Nẵng được đưa vào hoạt động, vào thời điểm đó siêu thị này là niềm tự hào của Đà Nẵng và cả miền Trung. Tới Đà Nẵng, người ta không chỉ dừng chân tại Ngũ Hành Sơn, bảo tàng Chăm... mà còn ghé siêu thị Đà Nẵng để mua sắm. Nơi đây từng là biểu tượng cho sự đổi mới, sầm uất của thành phố. Tháng 7 năm 2006, một siêu thị lớn nữa ra đời, siêu thị Nhật Linh với tổng diện tích 10000m2, 8 tầng trưng bày hàng tự chọn từ thời trang, hàng gia dụng đến hàng nội thất đa dạng và phong phú về chủng loại với hoạt động khai trương hoành tráng, hy vọng tràn trề về hiệu quả kinh doanh. Từ đó đến nay, hàng loạt siêu thị mới xuất hiện như Intimex, Rosa ...và không thể không kể đến hai đại gia siêu thị thế giới vào Đà Nẵng: Metro và Big C. Đà Nẵng bao giờ cũng hồ hởi với cái mới, trong ngày khai trương, người dân xếp hàng dài để được vào Metro trong ngày áp thấp nhiệt đới mưa tầm tã từ sáng đến chiều, chen đến nghẹt thở để được vào Big C với thời tiết nắng như thiêu như đốt. Giám đốc của cả hai siêu thị đều bất ngờ trước sự việc này bởi vì đây là điều chưa từng có trong tiền lệ.

Sự xuất hiện của các đại gia nước ngoài đã chia nhỏ miếng bánh thị trường bán lẻ Đà Nẵng, cạnh tranh là điều không thể tránh khỏi trong khi thị trường lại phát triển chưa tương xứng. Người dân Đà Nẵng có thu nhập bình quân đầu người ước đạt khoảng 23,3 triệu đồng/người/ năm (2008) nhưng tỷ lệ người dân có điều kiện tới siêu thị mua sắm chỉ đạt 25- 30%, tức là khoảng 70% người dân vẫn có thói quen mua sắm tại chợ hoặc lâu lâu mới ngó ngang qua siêu thị.

Và cái bánh thị trường đã được phân chia, Big C và Metro giành được vị thế áp đảo, cảnh chợ chiều diễn ra tại siêu thị Đà Nẵng, siêu thị Nhật Linh và một số siêu thị khác. Siêu thị Đà Nẵng đã phải đóng cửa để sửa sang tu bổ ngay thời gian đông khách nhất trong năm, siêu thị Nhật Linh thì mỗi ngày không có quá 20 người khách và buổi tối cứ ba bóng đèn thì bật một bóng bởi có sáng cũng không ai vào mà lại còn tốn thêm chi phí tiền điện.

Vậy những nguyên nhân nào làm cho các siêu thị của Đà Nẵng thua ngay tại sân nhà?

Mặc dù tâm lý chung của người Việt Nam là sính dùng hàng ngoại, thích đi siêu thị ngoại nhưng đây không phải là lý do chính để tạo nên chiến thắng oanh liệt của các siêu thị nước ngoài tại thị trường Đà Nẵng.

Nếu như những siêu thị của Việt Nam nhắm vào đối tượng khách là người có thu nhập trung bình khá và có thói quen đi siêu thị thì các siêu thị ngoại nhắm vào 70% còn lại, Big C với tiêu chí “Giá rẻ cho mọi nhà” , “Big C luôn soi giá giùm bạn”; còn Metro, đại gia bán sỉ khi vào Việt Nam, một trong những thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất thế giới, đã không bỏ qua hoạt động bán lẻ, nghĩa là dù khách hàng không có thẻ thành viên, khách hàng vẫn có thể được vào. Điều này làm cho những người dân nghèo cảm thấy họ được chào đón tại đây và mua hàng là điều không thể tránh khỏi.

Về vị trí địa lý, khi lựa chọn địa điểm kinh doanh, các siêu thị đều lựa chọn cho mình những địa điểm tốt nhất, Big C đã có một vị trí tuyệt vời, ngã tư trung tâm thành phố, gần sân bay, nhà ga, có tuyến đường xe buýt ra bến xe liên tỉnh, vị trí đó đã đóng góp không nhỏ vào sự thành công của Big C. Metro là nhà cung cấp hàng sỉ nên theo quy hoạch của thành phố, Metro phải đóng ở ngoại ô nhưng do tốc độ đô thị hoá nhanh nên Metro được lợi rất lớn, nơi đây không còn là ngoại ô hẻo lánh nữa mà mật độ dân số đã đông hơn và do đó đã thu hút được lượng khách không nhỏ tới đây tham quan, mua sắm.

Người dân Đà Nẵng quen dần với việc đi siêu thị, đi siêu thị không chỉ với một mục đích duy nhất là mua hàng, họ còn đi để ngắm nghía, để thư giãn và tập thể dục. Do đó, đòi hỏi các siêu thị phải có một không gian thật sự thoải mái. Ánh đèn sáng, màu vàng tạo sự ấm cúng, nhạc du dương và rộn rã theo mùa, hàng hoá bày biện ngăn nắp và bắt mắt điều này các siêu thị ngoại hơn hẳn các siêu thị trong nước và do đó khách hàng lựa chọn siêu thị ngoại khi có nhu cầu là điều tất yếu.

Với tiềm lực vốn lớn, Metro và Big C có hơn 40000 mặt hàng để người tiêu dùng thoả sức lựa chọn, bên cạnh đó các siêu thị nước ngoài luôn tung ra các đợt khuyến mãi trong năm với nhiều hình thức, quà tặng đính kèm sản phẩm, giảm 20-30% giá bán trên sản phẩm, giờ vàng mua sắm... trong khi siêu thị Đà Nẵng, Nhật Linh trong năm chỉ có vài ba đợt khuyến mãi, bốc thăm trúng thưởng thì 100 người mới có một người trúng, điều này làm người tiêu dùng không thấy được sự hấp dẫn của các chương trình khuyến mãi và do đó không thúc đẩy việc mua hàng của họ.

Ngoài ra còn có các dịch vụ liên quan mà không thể không nhắc đến. Với hệ thống kho bãi rộng, Metro giữ xe miễn phí còn Siêu thị Đà Nẵng thì phiếu gửi xe ghi 1000đ nhưng phí giữ xe thực tế lại là 2000đ, điều này làm cho người tiêu dùng cảm thấy không thực sự hài lòng và mãi đến khi siêu thị Đà Nẵng gần đóng cửa để tu bổ thì sự việc này mới được chấn chỉnh. Đối với dịch vụ đổi ngoại tệ, các siêu thị ngoại luôn có dịch vụ này, còn một số các siêu thị nội, dịch vụ này vẫn chưa có, do đó khách du lịch nước ngoài khi vào siêu thị, người mua muốn mua, người bán muốn bán, nhưng không làm sao xảy ra hoạt động mua bán. Và không thể không nhắc đến hệ thống toilet rất sạch sẽ của Big C, những điều tưởng chừng như nhỏ vậy nhưng nó mang lại hiệu quả rất lớn đến việc tạo dựng hình ảnh, tạo dựng lòng tin nơi khách hàng.

Ngày 1/1/2009, thị trường bán lẻ Việt Nam mở cửa hoàn toàn theo cam kết với WTO, các nhà đầu tư 100% vốn nước ngoài được phép nhảy vào, hàng hoá nước ngoài sẽ đổ bộ vào Việt Nam nhiều hơn. Thời gian chỉ tính từng ngày, vậy làm thế nào để tồn tại? Các siêu thị Việt sẽ phải tự thay đổi mình, phục vụ khách hàng tốt hơn, coi trọng chữ tín hơn, tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm nhằm tạo dựng lòng tin, từ đó sẽ tìm lại được chỗ đứng đã mất trên thị trường. Tôi xin kết thúc bài viết của mình bằng một hy vọng “Các doanh nghiệp Việt Nam có thói quen nước đến chân mới nhảy nhưng đã nhảy thì nhảy cao!?”.
Paul Rubin Krugman,

người được nhận giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008

Nguyễn Tri Vũ

Phòng Khoa học và Đối ngoại
Paul Robin Krugman sinh ngày 28/2/1953 tại Long Island, NewYork, Hoa Kỳ, là nhà Kinh tế học vĩ mô, giáo sư Đại học Princeton, đã được Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển quyết định trao giải thưởng Nobel Kinh tế năm 2008 vào ngày 13/10 vừa qua vì những đóng góp của ông cho khoa học kinh tế, đặc biệt là lý thuyết thương mại (mới) và kinh tế địa lý (mới).

Bài viết này nhằm giới thiệu tóm tắt về hai đóng góp quan trọng đó của ông cùng bạn đọc yêu thích hay quan tâm đến Kinh tế học nói chung, Kinh tế thương mại nói riêng.


  1. Lý thuyết thương mại mới – New trade theory

Các sách giáo khoa về Kinh tế học từ đầu thế kỷ XX đến những năm 1970, thậm chí cho đến hiện nay đã giải thích về thương mại quốc tế bằng các lý thuyết của Adam Smith (Lợi thế tuyệt đối), của David Ricardo (Lợi thế so sánh), của Heckscher-Ohlin (Tỷ lệ các nhân tố)... Theo đó, sự khác nhau giữa các quốc gia về các nguồn lực và về năng suất lao động là động lực của thương mại quốc tế, dẫn đến sự trao đổi và đem lại lợi ích cho các bên tham gia. Chẳng hạn như Việt Nam xuất khẩu gạo sang Nga và nhập khẩu về thiết bị điện; Hoa kỳ nhập khẩu hàng dệt của Trung Quốc và xuất khẩu sang Trung Quốc máy bay Boing...

Tuy nhiên, trong thương mại quốc tế lại có hiện tượng là giữa các nước như Nhật và Hàn Quốc, Pháp và Đức, Mỹ và Canada; mặc dù nguồn lực cũng như năng suất lao động không khác biệt nhiều nhưng trao đổi thương mại giữa những nước này lại khá lớn. Các nước phát triển buôn bán với nhau không phải chỉ có những sản phẩm do khác biệt về nguồn lực hay năng suất, không phải chỉ bán thứ này và mua thứ khác mà họ còn buôn bán với nhau cùng một loại sản phẩm như ôtô hoặc rượu. Nếu vận dụng các lý thuyết thương mại cũ nói trên thì sẽ khó giải thích một cách thuyết phục các hiện tượng này.

Từ những năm 1950 các nhà kinh tế đã phát hiện ra vấn đề này và cố gắng giải thích bằng lý thuyết thương mại nội ngành (intra industry trade) nhưng vẫn chưa mang tính toàn diện, triệt để. Đến năm 1979, bằng một bài báo dài 10 trang, P. Krugman đã đánh dấu sự ra đời của lý thuyết thương mại mới trên cơ sở lý luận về tính kinh tế của quy mô, sự đa dạng về sự sở thích của người tiêu dùng và cạnh tranh độc quyền.

Theo P. Krugman, sở dĩ trên thế giới mặc dù người ta có thể lập ra rất nhiều hãng sản xuất máy bay nhưng thực tế chỉ cần và chỉ có một số ít hãng sản xuất và cung cấp máy bay cho toàn thế giới như Boing, Airbus... Đó là vì tính kinh tế của quy mô. Thật vậy, sản xuất quy mô lớn cho phép hãng hạ giá thành đến mức thấp nhất và tạo nên sức mạnh cạnh tranh trên thị trường, duy trì sự tồn tại và có khả năng thôn tính các hãng khác nếu có ý định gia nhập ngành. Và dĩ nhiên, sản xuất quy mô lớn cũng tạo thuận lợi cho việc đầu tư, ứng dụng kỹ thuật và công nghệ mới, đảm bảo và liên tục nâng cao chất lượng sản phẩm.

Để giải thích cho các hiện tượng như Thụy Điển vừa xuất khẩu ôtô (Volvo) lại vừa nhập khẩu ôtô (ví dụ BMW hay Phantome), cầu thủ người Anh đá bóng cho câu lạc bộ của Ý và cầu thủ Brazin thì sang đá cho câu lạc bộ của Anh..., P. Krugman đã viện đến lý do là sự đa dạng về sở thích của người tiêu dùng. Thực tế đúng như vậy. Người tiêu dùng Việt Nam thích dùng gạo sản xuất ở Thái Lan, mặc dù Việt Nam là nước xuất khẩu gạo đứng thứ 2 thế giới...

Cho tới ngày nay, lý thuyết Thương mại mới của Paul Krugman (cùng với sự đóng góp lớn của Bhagwati, Dixit, Helpman, Norman…) đã trở thành lý thuyết chính trong ngành thương mại quốc tế, bổ sung cho lý thuyết lợi thế so sánh của Ricardo và Heckscher-Ohlin. Những nghiên cứu trong lĩnh vực thương mại quốc tế hơn 30 năm qua hầu hết đều dựa trên những nền tảng của lý thuyết này.





  1. Kinh tế địa lý mới – New economic geopraphy

Bên cạnh việc khai sáng cho lý thuyết Thương mại mới, P. Krugman còn là người tiên phong trong ngành kinh tế địa lý. Ông áp dụng lý thuyết thương mại quốc tế trong phân tích các vấn đề về địa lý, tạo ra sự nối kết giữa hai mảng nghiên cứu này; và là người đề xuất ra lý thuyết sau này được gọi tên là “địa lý kinh tế mới”. Trong một bài báo trên tờ Tạp chí Kinh tế Chính trị năm 1991, P. Krugman phát triển lý thuyết về sự lựa chọn địa điểm của lao động và hãng kinh doanh.

Theo ông, các hãng có xu hướng xác định vị trí sản xuất của mình ở những nơi “trung tâm” đông đúc dân cư và vốn, vì tận dụng được lợi thế nhờ quy mô. Nhưng việc này sẽ dẫn tới dân cư - vừa là người cung cấp lao động vừa là người tiêu dùng - sẽ càng di chuyển tới những “trung tâm” này vì ở đó có tính lợi thế quy mô cao hơn, cũng có nghĩa là giá cả hàng hóa rẻ hơn và sản phẩm đa dạng hơn. Điều này giải thích quá trình đô thị hóa và di cư ở trong lòng các quốc gia, từ những nơi thưa thớt dân cư tới những nơi đông dân hơn. Tuy nhiên, tập trung hóa vốn và lao động không phải là khả năng duy nhất. Sự hạn chế tập trung hóa chính là ở chi phí vận chuyển. Chi phí vận chuyển tới người tiêu dùng sẽ cao nếu như các hãng tập trung hóa ở một khu vực nhất định trong quốc gia. Do đó, quyết định lựa chọn địa điểm sản xuất của các hãng phụ thuộc vào tương quan giữa việc tận dụng lợi thế quy mô và việc tiết kiệm chi phí vận chuyển. Giảm chi phí vận chuyển sẽ dẫn tới quá trình tập trung hóa và đô thị hóa. Theo mô hình này, sự giảm sút nhanh chóng chi phí vận chuyển nhờ các tiến bộ công nghệ trong thế kỷ 20 đã giải thích phần lớn cho quá trình đô thị hóa và sản xuất tập trung ở các nước trên thế giới.

Những công trình về hai mảng nghiên cứu nói trên của P. Krugman là cơ sở chính để ông nhận được giải Nobel Kinh tế. Nhưng các mối quan tâm của P. Krugman không dừng lại ở đó. Trong chừng 10 năm gần đây, ông quan tâm nhiều tới các vấn đề kinh tế vĩ mô và kinh tế quốc tế như khủng hoảng tài chính, lạm phát- giảm phát…Trước khủng hoảng tài chính châu Á, trong khi hầu hết các nhà kinh tế đều ca ngợi các “con rồng” châu Á như là những thành công kinh tế vững chắc thì P. Krugman là một trong những người đầu tiên nhận ra những điểm yếu của các nền kinh tế này- cụ thể là sự phát triển dựa chủ yếu vào vốn và lao động, thay vì vào năng suất. Cuối thập niên 1990, ông có một loạt các bài viết về kinh tế Nhật Bản, giải thích sự suy thoái của kinh tế nước này bằng hiện tượng “cái bẫy thanh khoản” (liquidity trap), khiến cho chính sách tiền tệ nước này trở nên vô hiệu do lạm phát danh nghĩa quá thấp. Gần đây nhất, Krugman có nhiều bài viết về khủng hoảng tài chính Mỹ.

Không chỉ là nhà kinh tế xuất sắc, P. Krugman còn có khả năng diễn giải những vấn đề phức tạp nhất một cách hết sức giản dị và chính xác. Chỉ bằng những câu rất ngắn gọn, vài hình minh họa hay vài công thức, ông có thể chỉ ra những nguyên nhân then chốt nhất dẫn tới khủng hoảng tài chính châu Á năm 1998, suy thoái kinh tế Nhật Bản thập niên 1990 hay khủng hoảng tài chính Mỹ 2008.


Tài liệu tham khảo:

  1. http://nobelprize.org

  2. http://vi.wikipedia.org

  3. http://tuanvietnam.net


MỘT SỐ Ý KIẾN VỀ

TIÊU CHÍ PHÂN LOẠI DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA

THEO NGHỊ ĐỊNH SỐ 90/2001/NĐ - CP CỦA CHÍNH PHỦ

Trần Thị Hòa

Khoa Kế toán - Tài chính
Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) tồn tại và phát triển ở tất cả các quốc gia trên thế giới như một thành phần tất yếu của nền kinh tế. Ở nước ta, phát triển DNNVV là một nhiệm vụ quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Sự ra đời của nghị định số 90/2001/NĐ-CP, ngày 23/11/2001 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV đã đánh dấu tầm quan trọng của loại hình doanh nghiệp này. Tuy nhiên, sau 3 lần dự thảo sửa đổi, điều 3 “định nghĩa doanh nghiệp nhỏ và vừa” của nghị định số 90 vẫn còn bộc lộ một số hạn chế, gây khó khăn và lúng túng cho các doanh nghiệp và cơ quan quản lý nhà nước trong công tác xác định DNNVV. Bài viết này nhằm đưa ra một số ý kiến đánh giá và nhận xét về điều 3 của nghị định này.

1. Đặt vấn đề

Từ năm 1998 trở về trước, nước ta chưa có văn bản nào quy định phân loại doanh nghiệp theo quy mô, mà chủ yếu phân loại doanh nghiệp theo 2 nhóm: doanh nghiệp quốc doanh và doanh nghiệp ngoài quốc doanh. Sự ra đời của công văn số 681/1998/CP-KTN, ngày 20/06/1998 của Chính phủ về việc định hướng chiến lược và chính sách hỗ trợ phát triển DNNVV đã đánh dấu bước khởi đầu trong quá trình thống nhất quan niệm và đẩy mạnh hỗ trợ DNNVV ở Việt Nam. Công văn số 681 quy định, DNNVV là doanh nghiệp có quy mô vốn kinh doanh dưới 5 tỷ đồng và số lượng lao động bình quân năm ít hơn 200 người. Tuy nhiên, công văn này lại khẳng định, các tiêu thức này chủ yếu mang tính chất quy ước hành chính để phục vụ cho việc quản lý và vận dụng chính sách hỗ trợ phát triển. Bước sang năm 1999, với sự ra đời của Luật Doanh nghiệp, môi trường kinh doanh được cải thiện đáng kể, bằng các chính sách hỗ trợ, ưu đãi doanh nghiệp, thêm vào đó là sự ra đời của các luật thuế, các DNNVV đã có nhiều sự chuyển biến đột phá. Để phù hợp với xu thế mới, ngày 23/11/2001 Chính phủ ban hành nghị định số 90/2001/NĐ-CP nhằm trợ giúp phát triển DNNVV. Theo đó, nghị định số 90 đã đưa ra tiêu chuẩn chính thức, áp dụng thống nhất để phân loại DNNVV.

Cùng với quá trình phát triển của đất nước, việc vận dụng nghị định này vào thực tế hiện nay đã không còn phù hợp, bộc lộ một số bất cập, nhất là trong vấn đề “Định nghĩa DNNVV”, dẫn đến gây khó khăn và lúng túng cho các doanh nghiệp và các cấp quản lý nhà nước trong vấn đề xác định tiêu chuẩn DNNVV, liên quan đến việc hưởng các chính sách ưu đãi của Chính phủ đối với loại hình doanh nghiệp này. Vì lẽ đó, tác giả xin đưa ra một số ý kiến xung quanh vấn đề xác định các tiêu chí đối với DNNVV ở nước ta, có tham khảo tiêu thức đánh giá của một số quốc gia trên thế giới.

2. Tiêu chí phân loại DNNVV ở một số quốc gia trên thế giới và ở Việt Nam

Dựa theo quy mô có thể phân loại doanh nghiệp thành doanh nghiệp có quy mô lớn, vừa và nhỏ. Trong đó, việc xác định các tiêu chí và định mức để đánh giá quy mô của một DNNVV có sự khác biệt ở các quốc gia trên thế giới. Ngay trong cùng một quốc gia, những tiêu chí này cũng có thể được thay đổi theo thời gian vì sự phát triển của doanh nghiệp, đặc điểm nền kinh tế hay tốc độ phát triển kinh tế của quốc gia đó... Tuy nhiên, các tiêu chí phổ biến nhất được nhiều quốc gia sử dụng là: số lượng lao động bình quân mà doanh nghiệp sử dụng trong năm, tổng mức vốn đầu tư của doanh nghiệp, tổng doanh thu hàng năm của doanh nghiệp (Bảng 1).



Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016

tải về 332.46 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
  1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương