PHẦn I: thông tin cơ BẢn về ĐẠi hàn dân quốc và quan hệ việt nam-hàn quốc I- các vấN ĐỀ chung



tải về 93.09 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu06.07.2016
Kích93.09 Kb.
#54
PHẦN I: THÔNG TIN CƠ BẢN VỀ ĐẠI HÀN DÂN QUỐC

VÀ QUAN HỆ VIỆT NAM-HÀN QUỐC

I- CÁC VẤN ĐỀ CHUNG :

- Tên nước:  Đại Hàn Dân Quốc, gọi tắt là Hàn Quốc. Tên chính thức tiếng Anh là Republic of Korea. (không gọi là Nam Hàn, Nam Triều Tiên, Cộng hòa Triều Tiên).


- Thủ đô:  Xơ Un (Seoul), dân số 10,42 triệu người (12/2007).


- Thành phố lớn: Busan, Taegu, Taejon, Kwangju, Inchon, Ulsan.


- Vị trí địa lý:  Ở phía Nam Bán đảo Triều Tiên; Đông, Tây, Nam giáp biển; Bắc giáp Triều Tiên qua giới tuyến quân sự chạy dọc vĩ tuyến 38o Bắc.


- Diện tích:  99.392 km2 (toàn bán đảo: 222.154 km2)


- Khí hậu:  Khí hậu ôn đới, có 4 mùa rõ rệt.


- Dân số:  48,4 triệu người (11/2008)

.
- Dân tộc:  Chỉ có 1 dân tộc là dân tộc Hàn (Triều Tiên).

- Tôn giáo:  Phật giáo 10,7 triệu; Tin lành 8,6 triệu; Thiên chúa 5,1 triệu; Nho giáo 104 nghìn….

(2005).
- Ngôn ngữ:  Tiếng Hàn Quốc (một tiếng nói, một chữ viết).

- Tiền tệ:  Đồng Won

.
- Quốc khánh:  + Ngày 03/10/2333 trước Công nguyên: Ngày Lập quốc, còn gọi là Lễ Khai thiên. Cơ quan đại diện ở ngoài nước tổ chức chiêu đãi.

+ Ngày 15/8/1945: Ngày Giải phóng (của Bán đảo Triều Tiên khỏi sự chiếm đóng của Nhật Bản) Tổ chức mít tinh kỷ niệm long trọng, Tổng thống đọc diễn văn. Lãnh đạo các nước gửi điện mừng.


+ Ngày 15/8/1948: Thành lập Chính phủ Đại Hàn Dân Quốc.


- Lãnh đạo chủ chốt hiện nay:


+ Tổng thống: Li Miêng Bắc (Lee Myung Bak), từ 25/2/2008.


+ Thủ tướng: Han Sưng Su (Han Seung Soo), từ 29/2/2008.


+ Chủ tịch Quốc hội: Kim Hiêng Ô (Kim Hyong O), từ 10/7/2008.


+ Bộ trưởng Bộ Ngoại giao và Thương mại: Yu Miêng Hoan (Yu Myung Hwan), từ 29/2/2008. 



II- KHÁI QUÁT LỊCH SỬ, ĐẤT NƯỚC, CON NGƯỜI :


1. Lịch sử

Dân tộc Triều Tiên có khoảng 5.000 năm lịch sử.  Năm 2333 trước Công nguyên, nước Cổ Triều Tiên (Ko Choson) ra đời, bao gồm cả vùng Mãn Châu, Hoa Đông (nay thuộc Trung Quốc) và Bán đảo Triều Tiên. Nhà nước này tồn tại khoảng 1.000 năm, liên tiếp bị nhà Chu, nhà Hán (Trung Quốc) xâm lược.


Từ năm 57 trước Công nguyên, ba nhà nước phong kiến mới lần lượt hình thành là Koguryo (bao gồm phía Bắc Bán đảo và vùng Mãn Châu, Trung Quốc), Paekche và Shilla (phía Nam Bán đảo), còn được gọi là thời kỳ Tam quốc. Năm 668, Shilla thôn tính Kokuryo và Paekche, lập nên triều đại Shilla thống nhất bán đảo, kéo dài gần 3 thế kỷ (668-918). Từ 918-1392, vua Wang Kon lập ra nước Koryo (Cao Ly, nhà Vương), lấy Thủ đô là Kaeseong. Từ 1392-1910, vua Ly Song Gye lập ra nước Choson (Triều Tiên, nhà Lý), rời đô về Xơ Un (1394), vua Sejong (triều vua thứ tư) đã sáng tạo ra bảng chữ cái mà ngày nay vẫn đang dùng.


Năm 1910, Nhật Bản thôn tính Bán đảo Triều Tiên. Năm 1945, Bán đảo Triều Tiên được giải phóng và bị chia cắt, hình thành hai nhà nước theo hai chế độ chính trị-xã hội khác nhau lấy vĩ tuyến 38o Bắc làm ranh giới: phía Nam là Đại Hàn Dân Quốc (thường gọi là Hàn Quốc, tên tiếng Anh là Republic of Korea) và phía Bắc là CHDCND Triều Tiên (tên thường gọi là Triều Tiên, tên tiếng Anh là Democratic People’s Republic of Korea).


Ngày 25/4/1950 nổ ra cuộc chiến tranh Triều Tiên, lúc đầu là giữa hai miền Triều Tiên và sau đó là sự tham chiến của quân đội Mỹ và một số lực lượng đồng minh, rồi đến sự tham chiến của quân đội Trung Quốc. Chiến tranh kết thúc năm 1953; Mỹ và CHDCND Triều Tiên ký Hiệp định đình chiến.




2. Đất nước, con người


a) Văn hóa - xã hội:



- Trước đây, Hàn Quốc là một đất nước chỉ có một dân tộc, một tiếng nói. Tuy nhiên, yếu tố này đang có nhiều thay đổi do Hàn Quốc ngày càng hội nhập quốc tế. Hàn Quốc đang chuyển sang xã hội “đa dân tộc, đa văn hóa”. Tính đến tháng 5/2008, tại Hàn Quốc có gần 900 nghìn người nước ngoài sinh sống: lao động là 437,7 nghìn người; người kết hôn với người Hàn Quốc là 144,3 nghìn, đại đa số là phụ nữ, trong đó 58% là người Trung Quốc, 22,2% đến từ Đông Nam Á, 40% trường hợp đàn ông nông thôn Hàn Quốc kết hôn gần đây là lấy người nước ngoài.

- Do chịu nhiều ảnh hưởng của Nho giáo, người Hàn Quốc rất coi trọng lễ nghĩa, trật tự trên dưới. Đặc biệt, rất coi trọng các mối quan hệ huyết thống, đồng môn, đồng hương. Giới trẻ Hàn Quốc ngày nay có xu hướng ưu chuộng văn hóa Mỹ, Nhật...

- Hàn Quốc có nền điện ảnh, âm nhạc và thời trang tương đối phát triển tại châu Á. Văn hóa Hàn Quốc đang được du nhập mạnh vào nhiều nước châu Á với tên gọi “làn sóng văn hóa Hàn”.

- Đặc trưng của các món ăn Hàn Quốc là cay và mặn. Món ăn nổi tiếng là Kim-chi (các loại rau muối thường với ớt), thịt nướng (thịt ba chỉ, thịt bò), miến lạnh...




b) Danh lam-thắng cảnh:


Hàn Quốc có nhiều di tích được UNESCO công nhận là di sản thế giới như:

- Cung Chang-đớc (Cung Xương Đức): hoàn thành năm 1405 và tháng 12/1997 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


- Thành Su-uân Hoa-sơng (Thuỷ Nguyên Hoa Thành): hoàn thành năm 1796 và tháng 12/1997 được UNESCO công nhận là di sản văn hoá thế giới.


- Am Sớc-kun (Thạch Quật Am) – Chùa Bun-kuc (Phật Quốc Tự): hoàn thành năm 774 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.


- Kho kinh tự chùa He-in (Hải Ấn Tự Tàng Kinh Bản Điện): hoàn thành vào thế kỷ 13 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.


- Tông Miếu (thời Chosun): hoàn thành năm 1394 và được UNESCO công nhận tháng 12/1995.


- Cố đô Kiơng-chu (Khánh Châu)-thuộc triều đại Shilla (57 trước CN – sau CN 935), được UNESCO công nhận tháng 12/2000.

- Núi lửa ngừng hoạt động Ha-na (Hán La) và Đỉnh Sơn-san-in-chun-bông (Thành Sơn Nhật Xuất Phong), Động nhũ đá tại đảo Chê-chu (Tế Châu) được UNESCO công nhận tháng 6/2007. 


 Ngoài ra, Hàn Quốc có một số địa danh đáng chú ý khác như: Suối Châng-kiê (Thanh Khê Xuyên), sông Hàn, chợ “Cửa Nam” (Namdaemun) và chợ “Cửa Đông” (Dongdaemun) tại Xơ-un; Công viên giải trí Everland và Làng văn hóa dân tộc tại Yông-in (cách Xơ-un khoảng 50 km), đảo du lịch Chê-chu (đây là tỉnh tự trị đặc biệt, du khách nước ngoài nhập cảnh không cần thị thực); thành phố biển Bu-san… 

   
III- CHÍNH TRỊ :

1. Thể chế nhà nước: Hiến pháp Hàn Quốc ban hành lần đầu tiên ngày 17/7/1948 quy định Hàn Quốc theo chế độ Cộng hoà, tam quyền phân lập. Quốc hội và Tổng thống do dân bầu trực tiếp, Thủ tướng và Chánh án Toà án tối cao do Tổng thống chỉ định và Quốc hội thông qua (trong vòng 20 ngày)

.
Sau khi thành lập, các tướng lĩnh quân sự lần lượt nắm quyền lãnh đạo đất nước. Ngày 25/02/1993, lần đầu tiên nhân vật dân sự Kim Yêng Sam (Kim Young Sam) lên làm Tổng thống Hàn Quốc, bắt đầu thời kỳ chính phủ dân sự tại Hàn Quốc.
- Hành pháp: Tổng thống là người đứng đầu cơ quan hành pháp và chỉ được giữ một nhiệm kỳ 5 năm. Ngày 19/12/2007, ứng cử viên Đảng Đại Dân tộc (GNP) Li Miêng Bac đã đắc cử Tổng thống thứ 17 với tỉ lệ 48,7%, cao nhất trong lịch sử và chính thức nhậm chức ngày 25/2/2008. 
- Lập pháp: Quyền lập pháp thuộc về Quốc hội. Quốc hội Hàn Quốc chỉ có một viện, gồm 299 ghế. Nghị sỹ Quốc hội Hàn Quốc được bầu theo nguyên tắc bỏ phiếu phổ thông, có nhiệm kỳ 04 năm. Tháng 4/2008, Hàn Quốc đã tiến hành bầu Quốc hội khóa 17, Đảng Đại Dân tộc hiện là đảng cầm quyền.

- Tư pháp: Hàn Quốc thực hiện chế độ tư pháp ba cấp gồm Toà án Tối cao, ba toà Thượng thẩm và các Toà án Quận ở các thành phố lớn. Toà án Tối cao xem xét và thông qua những quyết định cuối cùng, các kháng cáo đối với quyết định của các Toà Thượng thẩm. Quyết định của Toà án Tối cao là cuối cùng.




2. Các đảng phái chính trị hiện nay:

Tên Đảng

Số ghế tại Quốc hội (15/5/2009)

Đảng cầm quyền Đại dân tộc

170 (57%)

Dân chủ

84 (28%)

Tân tiến và Sáng tạo

20

Dân chủ Lao động

5

Liên minh thân Pac Kưn Hê

5

Hàn Quốc sáng tạo

1

Tiến bộ tân đảng

1

Không đảng phái

10

 

Tổng số: 299

IV- KINH TẾ :

Mặc dù xuất phát từ nước nghèo tài nguyên, bị tàn phá nặng nề trong chiến tranh, nhưng qua hơn 1/4 thế kỷ, Hàn Quốc đã thực hiện thành công công nghiệp hoá, trở thành một nước công nghiệp phát triển mới (NICs) và được gọi là "Kỳ tích sông Hàn". Trong giai đoạn 1962-1992, Hàn Quốc đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân hàng năm 9%. Năm 1996, Hàn Quốc là nước thứ hai ở Châu Á (sau Nhật Bản) gia nhập Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD).


Hàn Quốc hiện là nền kinh tế lớn thứ 13 thế giới. Năm 2008, GDP bình quân đầu người đạt 20.000 USD, kim ngạch thương mại đạt trên 857 tỷ USD (xuất khẩu 422 tỷ USD và nhập khẩu trên 435 tỷ USD), tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 2,5%. Dự trữ ngoại tệ tại thời điểm cuối tháng 5/2009 đạt 267,7 tỷ USD. Các ngành công nghiệp chủ chốt của Hàn Quốc là: đóng tàu, luyện thép, điện tử, công nghệ thông tin, ô tô… Các đối tác kinh tế quan trọng của Hàn Quốc là Trung Quốc, Mỹ, EU, Nhật Bản. Chính quyền hiện nay đặt mục tiêu kinh tế 7.4.7 ( tốc độ tăng trưởng 7%, GDP bình quân đầu người 40 nghìn USD, trở thành nền kinh tế lớn thứ 7 thế giới).



V- QUAN HỆ HÀN QUỐC VỚI VIỆT NAM :


1) Ngày thiết lập quan hệ ngoại giao : 22/12/1992


2) Những mốc lớn của quá trình phát triển quan hệ


- Trong chiến tranh Việt Nam, Hàn Quốc đưa 3 vạn quân sang Việt Nam tham gia cuộc chiến tranh xâm lược của Mỹ.

- Từ 1975-1982, Việt Nam và Hàn Quốc bắt đầu có quan hệ buôn bán tư nhân qua trung gian; từ 1983 bắt đầu có quan hệ buôn bán trực tiếp và một số quan hệ phi Chính phủ.


- Ngày 20/4/1992, ký thoả thuận trao đổi Văn phòng liên lạc giữa hai nước.


- Ngày 22/12/1992, ký Tuyên bố chung thiết lập quan hệ ngoại giao cấp Đại sứ. Cùng ngày, Hàn Quốc khai trương Đại sứ quán tại Hà Nội.

- Tháng 3/1993, Việt Nam khai trương Đại sứ quán tại Xơ un.


- Tháng 11/1993, Hàn Quốc mở Tổng Lãnh sự quán tại Tp. Hồ Chí Minh.



3) Tình hình quan hệ từ sau khi lập quan hệ ngoại giao (1992) đến nay:


a, Về chính trị, hai nước duy trì thăm và gặp cấp cao hàng năm.

Lãnh đạo Hàn Quốc thăm Việt Nam có Thủ tướng Lee Young Dug (8/1994) , Chủ tịch Quốc hội Kim Soo Han (8/1996), Tổng thống Kim Young Sam (11/1996), Tổng thống Kim Tae Chung (12/1998, thăm chính thức Việt Nam và dự Hội nghị Cấp cao ASEAN-6), Thủ tướng Lee Han Dong (08-11/4/2002), Chủ tịch Quốc hội Pac Kwan Yeong (30/9-04/10/2003), Tổng thống Nô Mu Hiên (10-12/10/2004), Thủ tướng Lee Hae Chan (19-21/4/2005), Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Kim Won Ki (14-18/1/2006), Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên dịp dự Hội nghị APEC-14 tại Hà Nội, Chủ tịch Quốc hội Hàn Quốc Lim Che Châng (19-25/4/2008).

Lãnh đạo Việt Nam thăm Hàn Quốc có Thủ tướng Võ Văn Kiệt (5/1993), Tổng Bí thư Đỗ Mười (4/1995), Chủ tịch Quốc hội Nông Đức Mạnh (3/1998), Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên (8/2000), Chủ tịch nước Trần Đức Lương (22-25/8/2001), Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Tấn Dũng (29/8-02/9/2002), Thủ tướng Phan Văn Khải (15-19/9/2003), Phó Chủ tịch nước Trương Mỹ Hoa (6/2004), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Văn An (21-25/7/2004), Chủ tịch nước Trần Đức Lương dự Hội nghị APEC-13 tại Hàn Quốc tháng 11/2005, Phó Thủ tướng Thường trực Nguyễn Sinh Hùng (21-24/5/2007), Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Nông Đức Mạnh (14-16/11/2007), Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Phú Trọng (19-23/3/2008), Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trương Tấn Sang (12-16/5/08), Ủy viên Bộ chính trị, Bí thư thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị (20-25/3/2009), UVBCT, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng thăm chính thức từ 28-31/5, dự Hội nghị Cấp cao kỷ niệm 20 năm quan hệ đối thoại ASEAN-Hàn Quốc từ 31/5-02/6/2009.

Năm 2001, trong chuyến thăm Hàn Quốc, Chủ tịch nước Trần Đức Lương và Tổng thống Kim Te Chung đã nhất trí nâng cấp quan hệ hợp tác hữu nghị hai nước lên mức “Quan hệ đối tác toàn diện trong thế kỷ 21”.

Ngày 21/02/2008, Tổng thống Hàn Quốc Nô Mu Hiên đã trao tặng Huân chương Quang Hoa hạng nhất (Grand Gwanghwa Medal), Huân chương cao quý của Chính phủ Hàn Quốc cho nguyên Thủ tướng Phan Văn Khải vì những đóng góp tích cực vào việc phát triển quan hệ đối tác toàn diện Việt Nam-Hàn Quốc.

Trong chuyến thăm chính thức Hàn Quốc 5/2009, Thủ tướng hai nước đã thỏa thuận sẽ nâng cấp quan hệ hai nước lên mức “Đối tác hợp tác chiến lược”, sẽ công bố vào dịp Tổng thống Hàn Quốc Lee Myung-bak thăm chính thức Việt Nam dự kiến vào Quý IV/2009.

Hàn Quốc ủng hộ đường lối mở cửa, cải cách của Việt Nam, hợp tác tích cực với Việt Nam trên trường quốc tế, ủng hộ ta gia nhập nhiều diễn đàn, tổ chức quốc tế (APEC, WTO, Ủy viên không thường trực HĐBA…). 

b, Về kinh tế, hiện nay Hàn Quốc đã trở thành trong những đối tác kinh tế quan trọng hàng đầu của Việt Nam. Về đầu tư trực tiếp đứng thứ nhất (năm 2008), và thứ 4 về quy mô đầu tư (tính đến 2/2009 đạt 16,2 tỷ USD, gấp 60 lần so với năm 1992) với 2064 dự án, tạo ra khoảng hơn 500 trăm nghìn việc làm. Gần đây, cơ cấu đầu tư của Hàn Quốc chuyển dịch theo hướng chú trọng hơn đến lĩnh vực dịch vụ, công nghiệp nặng (luyện thép, xây dựng, công nghệ thông tin); đã xuất hiện một số dự án quy mô lớn (Dự án xây dựng khu liên hợp luyện, cán thép của tập đoàn Posco, dự án khu đô thị mới Tây Hồ Tây của tổ hợp 5 công ty xây dựng Hàn Quốc, dự án khu đô thị Bắc An Khánh của liên doanh Posco - Vinaconex….v.v) 
Về thương mại: bạn hàng lớn thứ tư với kim ngạch song phương năm 2008 lần đầu tiên đạt 8,85 tỷ USD, tăng 34,4% so với năm 2007. Việt Nam xuất khẩu 1,78 tỷ USD (tăng 42,44% so với năm 2007, chủ yếu là nông lâm thủy sản, khoáng sản, thủ công mỹ nghệ và công nghiệp nhẹ), nhập khẩu 7 tỷ USD (tăng 32,48% so với năm 2007, chủ yếu là nguyên liệu đầu vào cho các ngành sản xuất công nghiệp và gia công hàng xuất khẩu). Hàn Quốc là một trong 6 thị trường Việt Nam nhập siêu nhiều nhất (năm 2008 là 5,28 tỷ USD, chiếm 29,3% tổng kim ngạch nhập siêu của Việt Nam). Hai nước đã thành lập Uỷ ban liên Chính phủ về hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật.


Về viện trợ ODA, Việt Nam vẫn là một ưu tiên của Hàn Quốc. Năm 2006, Chính phủ Hàn Quốc đã quyết định tăng lên mức 100 triệu USD/năm, viện trợ không hoàn lại 9,5 triệu USD/năm trong giai đoạn 2006-2009. Tại hội nghị CG 2007, Hàn Quốc cam kết tài trợ cho Việt Nam 286 triệu USD trong năm 2008 (tăng gấp 2,5 lần so với năm 2007, trở thành quốc gia tài trợ ODA lớn thứ 2). Đầu tháng 8/2008, hai bên ký thỏa thuận khung về việc Hàn Quốc cung cấp 1 tỷ USD vốn vay ưu đãi EDCF trong giai đoạn 2008-2011. Với cam kết này, Hàn Quốc trở thành nhà tài trợ song phương lớn thứ hai tại Việt Nam (chỉ sau Pháp) và Việt Nam là nước nhận hỗ trợ phát triển nhiều nhất của Hàn Quốc. Tổng ODA từ 1993-2008:  471,4 triệu USD (trước 2006: 30 triệu; 2006-2008: 100 triệu USD); 2008-2011: 1 tỷ USD tức khoảng 250 triệu USD/năm; dự kiến 2009: 268,7 triệu USD. Viện trợ không hoàn lại tăng lên, từ 41 triệu lên 11,5 triệu USD (2006), 11,7 triệu USD (2007), và 17,5 triệu USD (2008).  

Hai bên đã ký nhiều hiệp định quan trọng như: Hiệp định hợp tác kinh tế-khoa học kỹ thuật (02/1993), Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư-sửa đổi (9/2003), Hiệp định Hàng không, Hiệp định Thương mại (5/1993), Hiệp định tránh đánh thuế 2 lần (5/1994), Hiệp định Văn hoá (8/1994), Hiệp định Vận tải biển (4/1995), Hiệp định Hải quan (3/1995), Hiệp định về hợp tác du lịch (8/2002), Hiệp định miễn thị thực cho hộ chiếu ngoại giao và công vụ, Hiệp định hợp tác dẫn độ tội phạm (9/2003), Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự (9/2003), Hiệp định về viện trợ không hoàn lại và hợp tác kỹ thuật (4/2005 và sửa đổi 5/ 2009), Hiệp định chuyển giao người đã bị kết án phạt tù (5/2009).




- Về lao động, hiện nay, Hàn Quốc đang là thị trường xuất khẩu lao động lớn thứ ba của Việt Nam. Khoảng 54.000 lao động ta đang làm việc tại Hàn Quốc. Ngày 25/5/2004, hai bên ký thoả thuận mới về đưa lao động Việt Nam sang Hàn Quốc theo Luật cấp phép lao động (EPS) của Hàn Quốc.


- Về du lịch, những năm gần đây, Hàn Quốc đã vươn lên trở thành 1 trong những thị trường cung cấp nguồn khách du lịch trọng điểm của Việt Nam: năm 2007 là 475.000 lượt; năm 2008 do khủng hỏang kinh tế nên con số này giảm xuống còn 450.000 lượt.


- Về văn hoá - giáo dục, hai nước đã ký Hiệp định văn hoá tháng 8/1994, Bản ghi nhớ về hợp tác văn hóa nghệ thuật, thể thao và du lịch tháng 10/2008 cùng nhiều thoả thuận hợp tác giao lưu thanh niên và giáo dục khác. Hai bên thường xuyên trao đổi các đoàn văn hóa-nghệ thuật, tổ chức các hoạt động giao lưu văn hoá, nghệ thuật, triển lãm, điện ảnh. Năm 2006, Hàn Quốc đã thành lập Trung tâm văn hóa Hàn Quốc tại Hà Nội. Bộ Giáo Dục Việt Nam đã chọn Hàn Quốc làm đối tác chiến lược thông tin trong giáo dục – đào tạo.
Chính phủ, các trường đại học và các tổ chức của Hàn Quốc tài trợ nhiều dự án nâng cấp cơ sở hạ tầng giáo dục Việt Nam như dự án xây dựng trường tiểu học, trường dạy nghề ở miền Trung. Các quỹ học bổng như Korea Foundation, Samsung, Kumho... cung cấp nhiều suất học bổng để hỗ trợ các học sinh vượt khó tại Việt Nam, đào tạo nâng cao trình độ về ngôn ngữ và chuyên môn tại Hàn Quốc. Hiện có khoảng 5000 du học sinh Việt Nam đang học tập tại Hàn Quốc.

- Các tổ chức hữu nghị, tháng 9/1994, Việt Nam thành lập Hội Hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc và hiện do Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam Vũ Tiến Lộc làm Chủ tịch. Năm 2001, Hàn Quốc thành lập Hội Giao lưu Hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam và hiện do cựu Đại sứ Hàn Quốc tại Việt Nam Pắc Nô Su làm Chủ tịch. Tháng 5/1993, Hàn Quốc thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Hàn Quốc-Việt Nam, hiện do ông Lee Byung-Suk làm Chủ tịch. Tháng 5/1995, Việt Nam thành lập Hội Nghị sĩ hữu nghị Việt Nam-Hàn Quốc do ông Ngô Anh Dũng làm Chủ tịch.

Tại Hàn Quốc hiện có hai dòng họ Lý của Việt Nam đang sinh sống là dong họ Lý Tinh Thiện và dòng họ Lý Hoa Sơn/.

PHẦN II: THÔNG TIN ĐI LẠI

A. NHẬP CẢNH

1. Thủ tục nhập cảnh tại sân bay

Trên máy bay, tiếp viên hàng không sẽ phát cho hành khách tờ khai nhập cảnh vào giấy khai báo thuế, cần điền đầy đủ thông tin theo mẫu quy định. Đối với tờ khai nhập cảnh thì mỗi cá nhân phải tự điền đầy đủ các nội dung, mẫu khai báo thuế quan: mỗi cá nhân khai một bản, trường hợp cả gia đình cùng nhập cảnh thì một người đại diện khai báo.

Khi xuống máy bay, bạn hãy đi tới chỗ làm thủ tục nhập cảnh. Sau khi kiểm tra, đóng dấu xác nhận nhập cảnh vào hộ chiếu sẽ được nhận lại một nửa tờ khai nhập cảnh (nên giữ lại tờ khai này cho đến khi xuất cảnh).

Nhân viên xuất nhập cảnh có thể hỏi bạn một số câu hỏi như: mục đích nhập cảnh, địa chỉ cư trú, nếu đi công tác thì cơ quan nào mời, giấy mời v.v.



2. Chú ý về Hải quan

Hàn Quốc thực hiện chế độ kiểm dịch khá nghiêm ngặt đối với các mặt hàng nông sản. Một số mặt hàng nông sản bị cấm mang vào Hàn Quốc là các loại hoa quả tươi như xoài, cam, đu đủ, ớt, các loại rau củ quả tươi. Một số sản phẩm thịt gia súc, gia cầm… Nếu bị phát hiện sẽ bị tịch thu.

Khi nhập cảnh hoặc xuất cảnh Hàn Quốc, du khách vào Hàn Quốc có thể mang theo số tiền ngoại tệ, ngân phiếu hoặc tiền Hàn Quốc có trị giá dưới 10.000 USD thì không phải khai báo. Nếu mang số lượng lớn hơn 10.000 USD thì phải khai báo hải quan. Nếu vi phạm, có thể bị phạt theo Điều luật Giao dịch Ngoại tệ của Hàn Quốc (Foreign Exchange Transactions Act).

Hàng hóa có trị giá dưới 400 USD sẽ không phải nộp thuế, bạn có thể mang theo 1 lít rượu, 200 điếu thuốc, 50 điếu Xì Gà, 2 oz nước hoa và 250 gram các sản phẩm thuốc lá.

Cấm mang theo các chất ma túy, động vật hoang dã. Các loại tiền giả. Các chất cháy nổ, vũ khí, súng đạn, cần có giấy phép mới được nhập cảnh.

Kiểm dịch động thực vật: Tất cả các loài động, thực vật và các sản phẩm từ động thực vật nhập khẩu vào Hàn Quốc đều phải kiểm dịch ở sân bay, cảng vào thời điểm đến.

Trong trường hợp nhập/xuất cảnh một số tài liệu/ấn phẩm v.v bị cấm liên quan đến an ninh quốc gia, sức khỏe cộng đồng, hoặc tinh thần cộng đồng đều bị phạt nặng bằng án tù lên tới 10 năm hoặc tiền phạt lên tới 20 triệu won.

Nếu phát hiện xuất/nhập cảnh mang theo hàng hóa khác với những gì khai với hải quan, hoặc không khai với hải quan có thể bị phạt án tù lên tới 5 năm tù giam hoặc tiền phạt bằng cho tới gấp 10 lần thuế hoặc giá bán hàng hóa bị phát hiện.

Cố tình khai báo thiếu số lượng hàng hóa để trốn thuế có thể bị phạt tù 3 năm và phạt tiền 500% giá trị thuế hoặc giá bán của hàng hóa lấy theo cái nào cao hơn.

Luật pháp Hàn Quốc quy định các hành động nhập khẩu, xuất khẩu, sản xuất, điều chế, pha chế, chia nhỏ, bán, trung gian mua – bán, mua, và sở hữu chất gây nghiện mới mục đích nhập khẩu, xuất khẩu, pha chế, chia nhỏ, bán, hoặc mua; được coi là hành động trung gian giữa mua và bán chất gây nghiện và bị bản án ít nhất 1 năm tù.



B. GIAO THÔNG – ĐI LẠI

Xe bus là phương tiện giao thông chủ yếu của người Hàn Quốc. Có làn đường riêng để tránh kẹt xe, xe bus ngừng hoạt động từ 23:00 (có nơi 24:00) hàng ngày.

Tầu điện ngầm ở Hàn Quốc cũng rất phổ biến, an toàn, tiện lợi và giá cả phải chăng. Tàu điện ngầm ngừng hoạt động lúc 23:00. Mua vé tầu điện ngầm ở quầy bán vé, nếu có tiền lẻ có thể mua trực tiếp tại máy bán vé tự động.

Diện tích Hàn Quốc không lớn nhưng hệ thống giao thông được xây dựng rất hiện đại, chỉ cần 8h đồng hồ có thể đi từ Bắc – Nam Hàn Quốc. Có thể đi du lịch bằng xe bus đường dài. Có hai loại xe bus đường dài: cao cấp và bình dân. Loại cao cấp với chỗ ngồi thoải mái, có cả điện thoại công cộng trên xe. Loại bình dân cũng được trang bị đầy đủ. Dọc đường cao tốc có trạm dừng nghỉ ngơi ăn uống.

Tất cả các thành phố lớn của Hàn Quốc được kết nối bằng hệ thống xe lửa hiện đại. Bạn có thể mua Korean Rail pass, vé tàu có thể đặt chỗ trên bất cứ tàu nào của Hàn Quốc ( trừ tầu điện ngầm) trong khoảng 3 – 5 – 7 – 10 ngày.

Tình trạng phóng nhanh, vượt đèn đỏ thường xảy ra ở Hàn Quốc, nhất là đối với xe Bus, Taxi và xe máy. Các phương tiện thường không dừng ở vạch dành cho người đi bộ, người đi bộ cũng cần chú ý đến xe máy chạy trên phần đường dành cho người đi bộ.



C. VĂN HOÁ – DU LỊCH

1. Giao tiếp 

Khi gặp người Hàn Quốc cần cúi đầu chào, trong lần đầu tiên nên dùng kính ngữ dù có thể người đó ít tuổi hơn và không nên hỏi tuổi.

Khi ra vào cửa cần chú ý không dẫm lên thềm cửa, không quay lưng trực tiếp vào người bên trong phòng.

Khi đi các phương tiện giao thông công cộng thì tuyệt đối không ngồi ở chỗ dành cho người già, người tàn tật. Không khạc nhổ hay vứt rác nơi công cộng, nếu vi phạm có thể bị phạt rất nặng.

Khi đi uống rượu với người Hàn Quốc nên nhớ dùng cả 2 tay khi nhận rượu cũng như khi rót rượu và phải quay mặt đi khi uống. Người Hàn Quốc uống rượu nhiều nhưng cũng không phật ý khi bạn nói không uống được rượu, tuy nhiên nên để cho họ rót chút rượu vào cốc của bạn. Khi ăn với người Hàn Quốc, nên khen ngợi các món ăn Hàn Quốc, đặc biệt là món Kim chi.

Khi ngồi trên đệm, chú ý không được dẫm lên đệm ngồi. Trong trường hợp ngồi ghế, chú ý không kéo đi kéo lại ghế, để tay lên thành ghế và ngồi ngay ngắn với loại ghế có tay cầm.

Khi đến nhà người Hàn Quốc phải cởi giày, mang tất bẩn, rách thể hiện sự không lịch sự. Người Hàn Quốc kiêng kỵ số 4 vì theo phiên âm nó đồng nghĩa với từ chết, nên chú ý tránh con số này.

Ở Hàn Quốc dùng tay trái để đưa đồ vật cũng là hành động không lịch sự. Tặng quà cho nhau là nét sinh hoạt văn hóa bình thường của người dân. Có thể tặng quà vào bất cứ dịp gì như: kết hôn, thôi nôi, sinh nhật, đầy tháng …

Khi giao tiếp với người Hàn Quốc tuyệt đối không nên sử dụng tiếng Nhật Bản. Không nên đề cập đến những chủ đề gây tranh cãi như Triều Tiên hay Nhật Bản.

2. Ẩm thực

Các món ăn Hàn Quốc thường có gia vị cay, trong bữa ăn thường không có rau luộc hoặc xào như Việt Nam mà chỉ có các loại Kim chi ăn thay rau. Cần lưu ý một số món đặc trưng của Hàn Quốc như Huê (cá sống), bạch tuộc sống, mực sống thái nhỏ trộn tương ớt, cua ghẹ sống muối không phù hợp với ẩm thực của người Việt Nam dễ gây phản ứng mạnh cho cơ thể khi nếm thử.



3. Phong cảnh, di tích lịch sử, tôn giáo tín ngưỡng

Phong cảnh

Cố cung: hầu hết những cung điện xưa của Hàn Quốc tập trung ở thủ đô Seoul như Gyugbook, Deok-su kung, Changdeok-kung ….

Suối Chyeong-gye, sông Hàn, chợ Namdaemun, chợ Dongdaemun, công viên giải trí Everland và Làng văn hóa dân tộc tại Yông-in.

Tôn giáo

53% dân số Hàn Quốc có tín ngưỡng tôn giáo. Trong số này 49% theo đạo Phật, 49% theo Kitô giáo (trong đó có 38% theo Tin lành và 10% theo Công giáo), 1% là tín đồ đạo Khổng, 1% còn lại theo các tôn giáo khác.

Phật giáo là tôn giáo chủ yếu tại Hàn Quốc, các tôn giáo truyền thống như đạo Daejong, đạo Dangun, trở thành tôn giáo thiểu số trong khi đạo Shaman tiếp tục ăn sâu vào xã hội.. Hiện nay có nhiều người truyền đạo nhằm vào những người nhập cư, khách du lịch để lôi kéo tín đồ.

Người nước ngoài nên tránh bị lôi kéo vào các hoạt động mang tính tôn giáo này để tránh gặp phải phiền phức không cần thiết.



5. Mua sắm

Trước khi mua sắm ở Hàn Quốc cần đổi tiền ra đồng Won vì đa số các cửa hàng không nhận ngoại tệ, kể cả đồng USD. Đa số người dân dùng thẻ tín dụng.

Các cửa hàng lớn, siêu thị có niêm yết giá cố định thì không thể mặc cả, các khu vực chợ trời như Namdaemun, Dongdaemun … có thể mặc cả, khách nước ngoài hay bị nói thách giá cao.

Để thu hút khách nước ngoài đến Hàn Quốc, vào tháng tư hàng năm Hàn Quốc thực hiện hoạt động giảm giá đồng loạt từ 10% - 60% trong vòng một tháng, khách nước ngoài đến các công ty bách hóa, cửa hàng thương mại, khu vui chơi, trung tâm mua sắm ở Seoul, Pusan … đều được ưu đãi.



6. Ngôn ngữ

Ngôn ngữ chủ yếu là tiếng Hàn, một số dịch vụ công cộng có thể có tiếng Anh.



7. An ninh

Tỷ lệ phạm tội ở Hàn Quốc khá thấp, tuy vậy một số tệ nạn như trộm cắp, cướp giật vẫn xảy ra ở một số thành phố lớn. Chú ý khi đi lại một mình vào ban đêm.

Luật pháp Hàn Quốc rất nghiêm ngặt:

Nếu mang trên 1000g thuốc phiện hoặc trên 50g heroin hoặc các chất nghiện tổng hợp (ma túy tổng hợp ) 1 cách trái phép thì sẽ bị tù trên 7 năm.

Nếu mang trên dưới 200g thuốc phiện ma túy và các chất gây nghiện tổng hợp 1 cách trái phép thì bị phạt tù dưới 3 năm.

Các trường hợp nằm trong khoảng giữa 2 trường hợp trên thì bị phạt từ 3 đến 7 năm tù, những người nghiện ma túy mà mất kiểm soát hành vi hoặc gây mất trật tự xã hội sẽ bị phạt tù dưới 2 năm và nộp phạt 2 triệu won.

Tại Hàn Quốc thường xảy ra các cuộc biểu tình hòa bình, tuy nhiên đôi khi có thể biến thành bạo động, thường là các thanh niên Hàn Quốc trang bị gậy sắt, bom xăng đánh nhau với cảnh sát chống bạo động. Vì vậy nên tránh xa các cuộc biểu tình của người Hàn Quốc.

D. THỜI TIẾT – Y TẾ

Hàn Quốc có bốn mùa rõ rệt. Mùa xuân và mùa thu khá ngắn, mùa hè nóng và ẩm ướt, mùa đông thì lạnh, khô, tuyết rơi khá nhiều. Do khí hậu toàn cầu thay đổi ảnh hưởng đến khí hậu Hàn Quốc, gần đây lượng mưa nhiều hơn vào mùa hè và tuyết giảm vào mùa đông.

Vào đầu xuân thời tiết khó dự đoán vì có mưa thường xuyên và gió bão đi kèm. Vào khoảng giữa tháng 4, thời tiết trở nên êm dịu . Đây là thời điểm người dân chuẩn bị hạt giống cho vụ mùa năm sau.

Mùa thu có không khí khô lạnh, bầu trời trong xanh.

Các cơ sở y tế ở Hàn Quốc được trang bị tương đối hiện đại, tuy nhiên nếu muốn mua thuốc men cần phải có đơn của bác sỹ ( kể cả thuốc cảm, các loại thuốc thần kinh). Các bệnh viện ở Hàn Quốc thường không chấp nhận bảo hiểm y tế của nước ngoài, họ thường bắt trả trước bằng tiền mặt hoặc thẻ tín dụng, vì vậy cần tìm hiểu kỹ với các công ty bảo hiểm để đảm bảo có thể sử dụng bảo hiểm y tế tại Hàn Quốc.

E. XUẤT CẢNH

Tương tự như nhập cảnh, cấm mang theo rau, củ, quả, động vật hoang dã đang được bảo vệ. Cấm mang theo các chất cháy, nổ, vũ khí, các chất ma túy. Trong trường hợp mang quá 10,000 USD phải khai báo với hải quan.



F. CÁC CƠ QUAN ĐẠI DIỆN NGOẠI GIAO VIỆT NAM TẠI HÀN QUỐC

Đại sứ quán Việt Nam tại Hàn Quốc

Địa chỉ: 28-58 Samcheong-dong, Jongno-ku, Seoul, Korea 110-230

Điện thoại: +82-2-7392065

Fax: +82-2-7392064

Email: vndsq@yahoo.com

PHẦN III: THỊ THỰC

1. Hướng dẫn chung


  • Các trường hợp không cần xin thị thực vào Hàn Quốc: Công dân Việt Nam có hộ chiếu công vụ, hộ chiếu ngoại giao và thẻ APEC (đi cùng hộ chiếu phổ thông) nếu đi dưới 90 ngày

  • Thị thực vào Hàn Quốc bao gồm: thị thực thương mại, thị thực du lịch, thị thực kết hôn, thị thực du học, thị thực đi dự hội nghị, thị thực quá cảnh, thị thực đi chữa bệnh, thị thực lao động, thị thực thăm thân…Mỗi loại thị thực có những quy định cụ thể về thủ tục. Để biết thêm chi tiết, xin vui lòng xem tại trang điện tử của Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam.


2. Thủ tục xin thị thực

a. Hồ sơ xin thị thực gồm

  • 01 đơn xin cấp thị thực (theo mẫu của Đại sứ quán)

  • có dán 01 ảnh 3 x 4cm chụp trong vòng 3 tháng tính đến ngày nộp xin thị thực (Phải khai đơn bằng tiếng Hàn hoặc tiếng Anh) (Không đóng dấu hoặc ký tên vào hai phần dán tem Stamp 1 và Stamp 2 của Đại sứ quán)

Chú ý : trong trường hợp trẻ em có cùng hộ chiếu với bố mẹ thì dán thêm ảnh em bé lên mục 31 trong Đơn đăng ký xin thị thực và khai thông tin chi tiết về nhân sự ở các ô bên cạnh.

  • Hộ chiếu gốc (còn hạn trên 6 tháng đối với các loại thị thực đi dưới 90 ngày và còn hạn trên 1 năm đối với các loại thị thực đi trên 1 năm tính từ ngày cấp thị thực)

  • Những giấy tờ cần thiết theo từng loại thị thực

  • Chứng minh thư gốc của người đi nộp

                                                                                         

b. Thời hạn xét cấp thị thực

  • 6 ngày làm việc (tính cả ngày nộp hồ sơ) nếu hồ sơ không có vấn đề (áp dụng cho các loại thị thực trừ thị thực kết hôn, du học và lao động)

  • Trong các trường hợp phải bổ sung giấy tờ thì thời gian cấp thị thực có thể kéo dài hơn so với ngày hẹn và sau ngày bổ sung từ 1 đến 2 ngày sẽ thông báo kết quả (trừ thị thực kết hôn và thị thực du học)

  • Những hồ sơ đã bị từ chối phải đến lấy lại hộ chiếu trong vòng 1 tuần kể từ ngày thông báo kết quả

c. Phí thí thực

  • 30 USD nộp xin thị thực đi dưới 90 ngày

  • 50 USD nộp xin thị thực  đi một lần trên 90 ngày

  • 80 USD thị thực đi nhiều lần

Điều kiện được xin xét thị thực đi lại nhiều lần : áp dụng cho những đối tượng đã từng nhập cảnh vào Hàn Quốc trên 4 lần trong vòng 2 năm tính đến ngày nộp xin thị thưc. Thị thực  được cấp có thời gian sử dụng trong vòng 1 năm, mỗi lần nhập cảnh không quá 30 ngày

  • Chỉ thu lệ phí bằng tiền Đôla Mỹ ( USD )

  • Những hồ sơ bị từ chối chỉ trả lại hộ chiếu và các giấy tờ gốc, không trả lại hồ sơ và lệ phí đã nộp

d. Nộp hồ sơ

Đại sứ quán Hàn Quốc tại Hà Nội

Địa chỉ:Tầng 4, Trung tâm thương mại Daeha, 360 Kim Mã, Hà Nội.

Điện thoại: (84-4) 83151116 ; (84-4) 7710404 (Phòng lãnh sự)

Fax: (84-4) 8315117

Email: korembviet@mofat.go.kr

Tổng Lãnh sự quán Hàn Quốc tại TP. Hồ Chí Minh

Địa chỉ:107 Nguyễn Du, Quận 1, Thành phố Hồ Chí Minh

Điện thoại: (84-8) 38225757

Fax: (84-8) 38225750



Email: hcm02@mofat.go.kr

Каталог: Portals
Portals -> Phan Chau Trinh High School one period test no 2 Name: English : 11- time : 45 minutes Class: 11/ Code: 211 Chọn từ hoặc cụm từ thích hợp A, B, C, d để điền vào chỗ trống trong đoạn văn sau
Portals -> Năng suất lao động trong nông nghiệp: Vấn đề và giải pháp Giới thiệu
Portals -> LẤy ngưỜi học làm trung tâM
Portals -> BÀi tậP Ôn lưu huỳnh hợp chất lưu huỳnh khí sunfurơ so
Portals -> TỜ trình về việc ban hành mức thu phí tham gia đấu giá quyền sử dụng đất
Portals -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam độc lập – Tự do – Hạnh phúc
Portals -> GIẤY Ủy quyền tham dự Đại hội đồng Cổ đông thường niên năm 2016
Portals -> QuyếT ĐỊnh về việc quy định một số mức chi kinh phí bầu cử

tải về 93.09 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương