Du lịch mạo hiểM – HƯỚng phát triển mới cho khu di sản thiên nhiên thế giới phong nha – KẺ BÀNG



tải về 104.25 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu07.06.2018
Kích104.25 Kb.
#39550
DU LỊCH MẠO HIỂM – HƯỚNG PHÁT TRIỂN MỚI CHO KHU DI SẢN THIÊN NHIÊN THẾ GIỚI PHONG NHA – KẺ BÀNG

GS.TS. TRƯƠNG QUANG HẢI.

PGS.TS. ĐẶNG VĂN BÀO, TS. NGUYỄN HIỆU

Trường Đại học Khoa học tự nhiên, ĐHQG Hà Nội



1. Mở đầu

Hiện nay, du lịch được ví như là một ngành công nghiệp không khói, mang lại nhiều lợi ích cho nền kinh tế, luôn được chú trọng phát triển ở các quốc gia. Việc thúc đẩy phát triển du lịch nói chung và du lịch mạo hiểm nói riêng là xu thế tất yếu, dựa trên những lợi thế sẵn có từ thiên nhiên và những giá trị văn hóa đặc sắc bản địa. Tuy nhiên việc khai thác các nguồn tài nguyên đó, nhiều lúc, nhiều nơi còn chưa hợp lý, dẫn tới những tác động không tốt tới môi trường. Do vậy, trong những thập kỷ gần đây, việc phát triển kinh tế, trong đó có du lịch được đặt ra là phải gắn liền với bảo vệ môi trường, phát triển phải đi theo hướng bền vững.

Một trong những đặc trưng của hoạt động du lịch là tính độc đáo, đặc sắc – từ đó gây nên sự hấp dẫn đối với du khách, thỏa mãn tâm lý “hướng tới những điều mới lạ” của du khách. Tính độc đáo, đặc sắc có thể nằm ở đặc điểm tài nguyên du lịch, ở đặc điểm và cách thức thực hiện tour, ở một sự kiện bất thường hoặc mới được khám phá gắn với điểm đến,… Do vậy, du khách ngày càng muốn tham gia vào nhiều loại hình du lịch mới lạ, thậm chí chỉ là mới lạ ở cách thức tổ chức tour. Trên cơ sở một loại hình du lịch đã có, đáp ứng nhu cầu chuyên biệt của du khách và dựa vào những đặc điểm riêng của tài nguyên du lịch tại một địa phương nhất định, một loại hình du lịch mới có thể nảy sinh, trước hết phục vụ cho một đối tượng khách nhất định, sau đó dần được biết đến và được áp dụng rộng rãi ở những địa phương khác có điều kiện tương tự. Du lịch mạo hiểm là một trường hợp như vậy.

Có rất nhiều thuật ngữ được sử dụng gần gũi hoặc trong đó có hàm chứa nội dung về du lịch mạo hiểm, ví dụ như: du lịch mạo hiểm (adventure travele), du lịch sinh thái (ecotourism), du lịch thiên nhiên (nature tourism), du lịch ngoài trời (outdoor tourism), du lịch khám phá, du lịch leo núi, du lịch tôn giáo (spiritual tourism), du lịch văn hoá (cultural tourism),... Mặc dù được viết theo những cách khác nhau, nhưng các định nghĩa đều cho thấy du lịch mạo hiểm là một hoạt động ngoài trời diễn ra ở nơi chúng ta không thường xuyên tới hay ở một nơi đặc biệt nào đó. Hoạt động này có thể dẫn đến một số rủi ro, song qua đấy chúng ta có thể học được những kinh nghiệm mới để chế ngự chúng và vượt qua những thử thách đối với bản thân.

Có khá nhiều loại hình du lịch mạo hiểm, như: khám phá hang động, leo núi, vượt rừng, quan sát bão, bơi thuyền... Để tổ chức các tour du lịch mạo hiểm đòi hỏi tính chuyên nghiệp phải cao, vì nó liên quan trực tiếp đến sự an toàn của du khách. Cần phải có những nhóm khảo sát địa hình chuyên nghiệp, đội hậu cần tốt và phải luôn giữ được liên lạc trong mọi điều kiện. Các đơn vị khi tổ chức cần có sự phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch và chính quyền địa phương để có thể nhận được sự hỗ trợ cần thiết. Khám phá thiên nhiên, khám phá sức mạnh của bản thân, vượt qua mọi thử thách, hấp dẫn, dẻo dai và đầy lôi cuốn, các tỏu du lịch mạo hiểm đang dần trở thành một loại hình du lịch được đa số các bạn trẻ yêu chuộng. Điểm khác biệt và là ưu thế so với các loại hình du lịch khác đó là tính độc lập cao trong khám phá, trải nghiệm và mạo hiểm.

Quảng Bình là tỉnh miền trung Việt Nam với lãnh thổ kéo dài và hẹp về chiều ngang, có nơi chỉ khoảng 50km nhưng lại có sự phân hóa về lãnh thổ hết sức độc đáo và mang tính đặc thù cao, đặc biệt là sự phân bố của khối đá vôi lớn Phong Nha - Kẻ Bàng, được UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới với những cảnh quan đa dạng và hiểm trở, hệ thống rừng nguyên sinh trên núi đá vôi, hệ thống hang động lớn, đa dạng và phức tạp, rất hấp dẫn đối với những người yêu thiên nhiên và ưa mạo hiểm. Đó là những lợi thế rất rõ ràng và mang tính chất riêng của tỉnh nếu chúng ta biến được những giá trị này thành các sản phẩm du lịch với sức hấp dẫn cao, đặc biệt là du lịch mạo hiểm. Mặt khác, Quảng Bình nằm trên trục hàng lang phát triển du lịch của Việt Nam và là một trong những trọng điểm quốc gia về chiến lược phát triển du lịch của Việt Nam. Các tuyến giao thông quan trọng như đường sắt, Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh đều đi qua tỉnh. Trước thực tế đó, việc thúc đẩy phát triển du lịch trong đó có du lịch mạo hiểm đang là trách nhiệm cũng như thách thức đối với các cấp quản lý nói riêng cũng như người dân Quảng Bình nói chung.



2. Tiềm năng du lịch mạo hiểm Phong Nha – Kẻ Bàng

Tính đa dạng của cấu trúc địa chất - thạch học tổ hợp với điều kiện khí hậu nhiệt đới ẩm Việt Nam đã tạo nên tính đa dạng của địa hình trong phạm vi vùng karst Phong Nha - Kẻ Bàng, bao gồm cả địa hình karst và địa hình phi karst. Mặc dù ở phần trung tâm, khối núi có dạng đẳng thước và ít phân dị, song nhìn tổng thể, địa hình vùng Phong Nha - Kẻ Bàng có sự phân dị theo hướng thấp dần từ nam đến bắc và từ tây sang đông. Phần cực nam của vùng là dải núi trung bình với độ cao 1200 - 1600m với đỉnh lượn sóng thoải kéo dài phương á vĩ tuyến ở tây đến đông bắc - tây nam ở đông. Đây chính là bồn thu nước cho khối núi đá vôi ở phía bắc. Từ nam đến bắc, khối núi đá vôi có độ cao tương đối đồng nhất, khoảng 700 -900m. Ở phần rìa bắc, các dãy núi thấp có độ cao giảm dần từ 400 - 600m đến 200 - 300 m về phía thung lũng Rào Nậy. Từ tây sang đông, khối đá vôi Kẻ Bàng chính là khu vực phân thuỷ giữa đông và tây Trường Sơn. Khu vực biên giới Việt Lào gồm các đỉnh đá vôi sàn sàn nhau với độ cao 800 - 1000m.

Cũng như các vùng karst khác nhau, địa hình tại Phong Nha - Kẻ Bàng khá đa dạng và độc đáo, có nhiều tiềm năng cho phát triển du lịch nó chung và du lịch mạo hiểm nói riêng. Tại đây có đầy đủ các dạng karst cả trên mặt lẫn các dạng karst ngầm. Các dạng địa hình trên mặt như carư với các luống đá kéo dài từ 5- 7cm đến 20 - 25cm thậm chí tới 40 - 50cm, giữa các luống là các gờ sắc nhọn, độc đáo, đôi khi khá hiểm trở cho đi lại. Karst dạng nón và dạng tháp là hai dạng karst dương điển hình cho karst nhiệt đới và rất phát triển ở Việt Nam và Trung Quốc. Karst dạng nón ở Phong Nha – Kẻ Bàng gặp không nhiều lắm, trong đó karst dạng tháp phổ biến hơn cả. Phễu karst là dạng địa hình âm khá phổ biến, chiếm khoảng 38% diện tích toàn vùng phát triển karst. Cánh đồng karst cũng là một dạng địa hình âm trong các khối đá vôi rộng đến hàng chục kilomet vuông. Các sườn rửa lũa – hoà tan - đổ lở khá phổ biến trong khối karst Phong Nha – Kẻ Bàng. Chúng thường phân bố dọc các thung lũng và trũng giữa núi, tạo nên cảnh quan hùng vĩ, hiểm trở. Đó chính là đối tượng khai thác cho du lịch mạo hiểm.

Về các dạng karst ngầm, cho đến nay, sau 15 năm hợp tác thám hiểm và nghiên cứu hang động giữa Khoa Địa Lý - Địa Chất, Trường Đại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây), nay là Khoa Địa Lý, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên và Hội Hang động Hoàng gia Anh, hệ thống hang động trong khối đá vôi Phong Nha - Kẻ Bàng đã được phát hiện và đo vẽ với tổng chiều dài đạt trên 90km. Hầu hết các hang hiện nay đều có sông chảy qua, vì thế, Howard L. đã gọi là các hang sông. Các hang sông ở đây có thể được chia thành 3 hệ thống: Hệ thống hang Phong Nha (bắt đầu từ hang Khe Ry, Hang Én qua Hang Thung, Cha Ang ... và cuối cùng là hang Phong Nha với tổng chiều dài khoảng gần 45 km), hệ thống Hang Vòm (bắt đầu từ hang Rục Cà Roòng và kết thúc là Hang Vòm với tổng chiều dài khoảng trên 30km) và hệ thống hang Rục Mòn. Trong đó hệ thống hang Vòm và hang Phong Nha ở huyện Bố Trạch đều đổ nước về Sông Son, còn hang Rục Mòn nằm ở huyện Minh Hoá.

Về mặt hình thái, hầu hết các hang đều cao, rộng, trong hang có nhiều ngách và phòng rộng. Do đó, phần lớn các hang đều có bình đồ khá phức tạp chẳng hạn như hang Mê Cung, hang Tiên (hình),... Mặt cắt ngang của các hang sông hiện đại đều có đạng khá đẳng thước được xếp vào kiểu hang phreatic (là kiểu hang được phân chia theo mối quan hệ với mực nước ngầm khu vực) và được phát triển qua nhiều chu kỳ. Tính đa chu ky của các hang còn được thể hiện ở các bậc tầng hang động cũng như các mực cửa hang. Đến nay đã phát hiện được ít nhất 4 mực cửa hang (theo độ cao tương đối): Mực 0m là mực sông suối hiện nay, mực 205m, mực 4010m và mực 9010m. Cả 4 mực cửa hang đều được xác nhận ở hang Vượt thuộc hệ thống Hang Vòm (huyện Bố Trạch) với độ cao cụ thể là 0,0m; 24m; 43m và 93m.

Trong các hang động phân bố khá nhiều thạch nhũ, tạo nên các măng đá, nhũ đá, cột đá, viền đá, hoa đá với màu sắc và hình thù đẹp. Phần đáy các hang Én, Khe Ry, Đại Cáo,... còn phân bố các trầm tích vụn cơ học như cuội, cát gắn kết bởi xi măng vôi. Hầu hết các hang đều có bình đồ kiến trúc phức tạp gồm nhiều nhánh, mỗi nhánh lại gồm nhiều phòng. Biến động về kích thước mỗi tầng hang và nhánh hang cũng rất lớn từ 10 đến 40-50m chiều rộng và 10-20-50-70 đến 80m chiều cao... Trong mỗi hang đều quan sát thấy từ 2 đến 4 tầng hang. Rõ nét nhất là các hang khảo sát ở huyện Bố Trạch như hang Tối, hang Vòm, hang Phong Nha. Tầng hang thấp nhất là hang nước gắn liền với mực cơ sở xâm thực hiện tại của các sông có trong khu vực hoạt động rất mạnh. Do khả năng tiêu nước hoà tan cacbonat rất thuận lợi và cường độ hoạt động mạnh của các sông ngầm nên khả năng phá huỷ lớn, làm địa hình hang tầng 1, đặc biệt là vách hang vô cùng hiểm trở. Nhiều bãi cát sông ngầm tạo ra còn được tồn tại trong hang (Phong Nha, Tối, Khe Ry...).

Nói đến du lịch mạo hiểm có nghĩa không phải chỉ là đi du lịch nghỉ ngơi hay thăm quan thông thường, mà đây là đi du lịch để tìm kiếm những cảm giác mạnh, những cảm giác rùng rợn vượt quá khả năng tưởng tượng và chịu đựng bình thường. Để rồi sau khi vượt qua được thử thách đó sẽ đem lại cho người ta cảm giác lâng lâng tuyệt vời của người chiến thắng. Loại hình du lịch này là cách đem lại sức mạnh ý chí và rèn luyện thể lực cho du khách. Đối với các địa hình karst trên mặt như các khe hẻm sâu thẳm, những đỉnh núi cao sừng sững hay những thung lũng karst với sườn vách dốc đứng và rừng cây rậm rạp là những cảnh quan tự nhiên mà chắc chắn sẽ đem lại cho du khách những cảm giác mạnh và đầy tính mạo hiểm.

Ngoài việc đánh giá địa hình karst cho du lịch mạo hiểm, cũng cần phải nghiên cứu, đánh giá địa hình các vùng phi karst, vì chính chúng là những lưu vực cung cấp nước, tạo điều kiện thuận lợi và cả những khó khăn, đặc biệt là những rủi ro trong du lịch mạo hiểm.



3. Định hướng Quy hoạch phát triển du lịch mạo hiểm

Trên bản đồ du lịch Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng đã ghi nhận 5 tuyến du lịch đã và đang được khai thác ở các mức độ khác nhau. Các kết quả nghiên cứu mới đây cho phép chúng tôi xác định 8 tuyến du lịch mạo hiểm trong vùng karst Phong Nha – Kẻ Bàng là:



3.1. Tuyến du lịch mạo hiểm hang Phong Nha

Hang Phong Nha có chiều dài: 7729 m, độ chênh cao: 83m (+ 78m/ - 5m) và được khảo sát bởi Hội hang động Hoàng gia Anh (British Speleologica Expedition) vào các năm 1990 và 1992. Đây là một trong số ít hang động duy nhất đã được tổ chức tham quan du lịch. Hoạt động du lịch đã diễn ra vào hai thời kỳ: Thời kỳ 1920 đến 1945; thời kỳ từ 1990 đến nay.

Mặc dù hang Phong Nha đã được khám phá và đo vẽ với chiều dài gần 8000m, song hiện nay mới chỉ có 800m đầu tiên tính từ cửa hang là được đưa vào khai thác phục vụ du lịch. Chúng tôi lựa chọn đoạn hang từ bến thuyền độc mộc (Doc Moc habour) đến phòng Bác Hồ (Uncle Ho Chamber)- thác nước làm tuyến du lịch mạo hiểm hang động. Đây là đoạn hang với nhiều cảnh đẹp, rộng với nhiều thạch nhũ đẹp, đặc sắc và điều kiện sinh thái đặc biệt.

3.2. Tuyến Bản Đoòng - hang Én - hang Khe Ry

Đây là một tuyến du lịch kết hợp giữa du lịch hang động va du lịch sinh thái trên các dạng cảnh quan ngoài trời khác nhau. Khác với phần lớn diện tích của Khu di sản Thế giới, rừng nguyên sinh tại khu vực thượng nguồn Rào Thương, Rào Con - nơi cung cấp nước cho dòng sông chảy qua hang Én được hình thành trên địa hình núi thấp cấu tạo bởi các đá trần tích lục nguyên. Dòng suối chảy trong khu vực này với đáy rộng, nhiều gềnh nhỏ, hai bên là thảm thực vật nguyên sinh xanh tốt. Tuyến này là sinh cảnh của một số động vật hoang dã như Voọc chà vá, Cây mực, Khỉ đuôi lơn, Khỉ mặt đỏ. Tại sườn thung lũng này còn có cây Gùa cổ thụ, đường kính rộng đến 12 người ôm.

Quy hoạch cụ thể tuyến du lịch này cũng sẽ được trình bày ở phần sau.

3.3. Tuyến Khe Gió - hang Vòm

Theo đường mòn Hồ Chí Minh, qua eo Gió, ngược dòng sông Chày ta sẽ bắt gặp hang Vòm. Hang có chiều dài 15050m, độ chênh cao 145m. Cửa hang cao 50m và rộng 100m. Ngay tại cửa hang là một hồ nước trong xanh rộng mênh mông, sự kết hợp hài hoà giữa các cột thạch nhũ, tường đá, hồ nước và ánh sáng tự nhiên phản chiếu tạo nên những cảnh quan hùng vỹ và tạo ra nét rất riêng của hang vòm.

Trong hang có rất nhiều các đoạn nước sâu dài hàng trăm mét, muốn đi qua đều phải bơi. Đoạn phải bơi nhiều nhất là đoạn được các nhà hang động Anh đặt tên “Hall of Brifht Carvings”, với chiều dài khoảng 350m. Vào cách cửa hang khoảng 1,6km, trong không gian tối mịt mùng của hang sâu bất chợt thấy được một khoảng ánh sáng trời. Tia sáng đó được chiếu xuống từ độ cao khoảng gần 200m. Tại vị trí này lòng hang có sự mở rộng, đạt khoảng gần 100m, và đây cũng là đoạn có thể đi bộ được dài nhất trong hang Vòm. Đến đoạn được gọi là “Into the Great Wide Open” bắt đầu gặp các khối đá cao, đường dốc và có rất nhiều các cột đá, nhũ đá khổng lồ. Đi được khoảng 5 km sẽ dẫn tới một lối ra nằm dưới chân của một vách đá dốc đứng. Từ đây không có đường để vượt ra khỏi thung lũng, bắt buộc phải quay lại ngược trở lại hang.

Nhìn chung việc đi lại chính trong hang vẫn là bơi. Dọc theo đường đi có nhiều các bãi cuội lớn, lòng sông có nhiều ghềnh thác và đâu đâu cũng bắt gặp những thành tạo nhũ đá, măng đá, cột đá tuyệt đẹp.



3.4. Tuyến du lịch hang Tối

Có thể dùng thuyền máy theo dòng sông Son tới nhánh thứ hai bên trái, đó là Sông Chày. Ngược dòng 1 km, rẽ vào một hẻm bên trái, đó là lối vào hang. Cảnh quan trên đường tới hang Tối khá đặc sắc với dòng sông Chảy nước trong xanh, bờ sông lộ trơ các khối đá vôi bị bào mòn tạo nên nhiều cảnh quan đẹp. Khu vực phía trên hang là các vách núi đá vôi sừng sững tạo nên cho du khách ham muốn chinh phục. Cửa hang rộng 20 m cao 30m. Vượt qua cửa hang rồi đi bộ và bơi một vài đoạn ngắn qua một vài hồ nhỏ, bên trong có rất nhiều lối đi ở trên bờ và 800m đi dưới chân vách đá cao. Qua đoạn sống trâu cao 50 m dẫn đến một phòng rộng 500 m. Cuối phòng có một đường sống trâu ngắn dẫn đến một lối đi rộng, leo qua một vách đá lớn để đến dòng suối. Từ bên phải căn phòng tụt xuống một hành lang ta có một con suối với lối đi rộng 20m có rất nhiều măng đá tròn dẫn tới lối trèo xuống dòng sông khoảng 25m.

Dòng suối nhiều chỗ rộng hơn 50m. Thoạt đầu nước suối chảy qua bờ đá, vượt quan 200 m qua các gờ và hốc đá sắc nhọn sẽ đến chỗ đi dễ dàng trên sỏi và nền đất. Tiếp đó phải vượt qua một số hồ. Hồ đầu tiên dài 120m. Các hồ này tách nhau bởi các gờ đá nhỏ. Vượt qua 500 m hồ, dẫn đến một dòng suối. Ở đây thấy rất nhiều cá, côn trùng và mảnh vụn do các dòng lũ mang đến. Con suối có một đoạn ngắn chảy trên mặt đất qua một khu rừng rậm. Từ cửa ra này lại dẫn đến một cửa vào hang khác. Qua chuyến đi này, chúng tôi có nhận xét rằng. Mực nước của các dòng chảy và các hồ có liên quan đến sự hoạt động của thủy triều ở biển, mực nước có thể lên xuống tới 1m. Khi nước xuống thấp, một vài chỗ của Hang Tối trở nên lầy lội.

3.5. Tuyến du lịch đi bộ từ Khu tưởng niệm liệt sỹ đường 20 Quyết thắng - bản Ban

Đi bộ trong rừng trên các dạng địa hình đồi núi, thung lũng khác nhau là một trong những dạng du lịch mạo hiểm đang được phát triển mạnh. Mở đầu tuyến du lịch này là Khu tưởng niệm liệt sỹ đường 20 quyết thắng với huyền thoại về các cô gái thanh niên xung phong trên tuyến đường 20, các cô đã kiên cường bám sát trận địa, đã hy sinh ngay trong một mái đá tự nhiên bên đường.

Cảnh quan các đồi núi thấp trên đá trầm tích lục nguyên màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ tuổi Kreta đã tạo nên tính độc đáo của cảnh quan karst phổ biến trong Khu di sản Thiên nhiên Thế giới. Trong tầng trầm tích còn có khả năng tìm thấy những hóa thạch đặc biệt, đó là loài Khủng long đã bị diệt vong cách ngày nay khoảng 100 triệu năm về trước. Khả năng khám phá này sẽ tạo sự hưng phấn cho du khách khi quan sát địa hình và các trầm tích có khả năng lưu dữ hoá thạch.

Với những cánh rừng nguyên sinh được bảo tồn tốt trên sườn vách núi đá vôi, ở hai bên tuyến đường này còn là nơi cư trú của các loài sinh vật quý như Voọc Hà Tĩnh, Khỉ vàng, Sơn dương, Công,…

Làng người Arem - thôn 39 (xã Tân Trạch, Bố Trạch, Quảng Bình) là một trong hai làng duy nhất sống trong khu vực phục hồi sinh thái của vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng (ngoài ra còn có Bản Đoòng của người Bru - Vân Kiều) sẽ là một điểm đến khá lý thú cho khách du lịch.

3.6. Tuyến du lịch Bản Ban - Hang Khe Ry

Việc tiếp cận hang Khe Ry từ phía nam của Vườn Quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng cũng không kém phần hấp dẫn đối với du khách. Trong tuyến này, khách du lịch sẽ được đưa bằng xe ô tô tới bản Ban nằm bên bờ suối Bang. Điểm tập kết này là một bản người tộc người Arem đặc trưng.

Phần đầu của tuyến du lịch là đoạn băng rừng trên núi đá trầm tích lục nguyên màu đỏ của hệ tầng Mụ Giạ. Đây là khởi nguồn của các dòng suối chảy về hệ thống hang Vòm qua sông Chày để nhập vào sông Son. Khám phá nơi phát sinh các dòng sông với lòng suối hẹp, dốc với nhiều thác nước sẽ tạo nên sức hấp dẫn của tour du lịch này. Muốn tới hang Khe Ry phải theo đường 20 tới Bản Ban của xã Thượng Trạch, sau đó từ Bản Ban phải đi qua 2 con suối, vượt qua 3 quả đồi, sau đó đi thêm khoảng 1,5km dọc theo một con suối khác. Tới chân một vách núi cao dựng đứng con suối này đột nhiên biến mất dưới một bãi cuội rộng lớn. Đi theo lòng suối khô khoảng 200m sẽ tới được cửa hang Khe Ry. Mặc dù nhiều người dân đi rừng đã đi qua, song đây vẫn là nơi còn khá hoang vu, có rừng nguyên sinh che phủ và rất vắng vẻ, còn phát hiện thấy dấu chân Hổ ở khu vực trước cửa hang.

Nếu như trong các tuyến du lịch hiện có, du khách chỉ được chiêm ngưỡng hiện tượng ‘’nước mọc’’ ở đầu ra của hang sông thì tại hang Khe Ry, nước của dòng suối bị cuốn vào cửa biến. Cửa hang Khe Ry rộng nhưng thấp, đây là vị trí mà suối Khe Ry bắt đầu chảy ngầm vào lòng núi. Trên bản đồ có thể thấy Khe Ry cũng là nơi đổ vào của nhiều nhánh sông trong đó Khe Tiền và Khe Thi, rồi từ đó hợp lưu với dòng chảy ra từ hang Én để chảy về Phong Nha. Tuyến vào sâu trong hang Khe Ry từ hướng này được dự kiến là 1000m với thời gian tour là 2 ngày.



3.7. Tuyến Bản Ban - hang Rục Cà Roòng

Đây là tuyến du lịch mạo hiểm trên các dạng cảnh quan khác nhau. Từ Bản Ban, tuyến du lịch được thiết kế đi xuôi theo suối Cà Roòng. Đây là một thung lũng karst dạng khe hẻm. Thung lũng được hình thành dọc theo một số đứt gãy kiến tạo cắt qua đá vôi hệ tầng Bắc Sơn. Các đá vôi có cấu tạo dạng khối, độ tinh khiết cao đã tạo điều kiện cho sự hình thành các vách núi dốc đứng. Mặc dù chảy trong vùng karst, song trên lòng suối vẫn gặp khá nhiều cuội đá trầm tích lục nguyên, cuội thạch anh mài tròn tốt. Các viên cuội mài tròn tốt, màu sắc đa dạng, nhiều viên có màu sặc sỡ tạo nên sự ngỡ nghìng cho du khách.

Trên sườn vách đá vôi đốc đứng vẫn còn hiện diện thảm thực vật xanh tươi với nhiều loài đặc trưng cho hệ sinh thái rừng nhiệt đới. Hang Rục cà Roòng - hang đầu tiên của hệ thống hang Vòm sẽ là điểm dừng chân của du khách.

3.8. Tuyến đường 20 - hang Đại Cáo

Hang Đại Cáo là một phần nằm trong hệ thống hang Vòm và còn có tên gọi khác là hang Da Cáo. Hang có chiều dài 1607m và được khảo sát vào năm 1994. Để đến được hang, từ khu trung tâm đi xe theo đường 20 đến kilomet 24 thì dừng lại, sau đó đi bộ về phía tay phải con đường. Mặc dù khoảng cách từ đường 20 tới hang Đại Cáo không xa, song đây là tuyến du lịch mạo hiểm khó đi. Để tiếp cận hang Đại Cáo, du khách sẽ phải vượt qua một đoạn đường dài trên hai quả đồi khá dốc cấu tạo bởi đá trầm tích lục nguyên màu đỏ thuộc hệ tầng Mụ Giạ và vượt qua một số con suối nhỏ. Mặc dù đường ngắn song cũng phải mất 3 tiếng đồng hồ đi bộ mới có thể đến được hang Đại Cáo.

Phần tiếp theo của tuyến hành trình là các thung lũng đá vôi với sườn vách dốc đứng. Sự hùng vĩ với cảnh đẹp mê hồn của hang Đại Cáo sẽ giúp du khách quên đi những vất vả, khó khăn trên đường tới đây.

Tại phần cửa hang Đại Cáo có một đoạn dòng chảy nhỏ, nó được dẫn vào những ao nước lớn nằm phía trong hang. Lòng hang rộng khoảng 20m. Từ cửa vào 500m sẽ gặp một ngã ba hay một khớp nối hình chữ T. Nếu rẽ sang phải đi tiếp thì sẽ phải bơi, còn nếu rẽ trái thì nền hang chỉ là cát sốp, chỉ có một lạch nước rất nhỏ dài khoảng 400m nằm ở phần giữa. Đây là đoạn đi bộ hết sức thú vị.

Đi qua đoạn chữ T này khoảng 100m lại gặp một nhánh chữ T khác. Đường phía bên trái dẫn tới một lối vào rất rộng. Trên nền cát còn nhiều nhiều dấu chân của hổ. Đi thêm khoảng 50m nữa thì ngả này cũng bị tắc. Lối đi về phía bên phải phải bơi hoàn toàn. Bơi xa thêm được khoảng 50m nữa thì cũng không còn lối nữa.

4. Giới thiệu về tuyến du lịch mạo hiểm Bản Đoòng - hang Én - hang Khe Ry

Tuyến được xác định từ một điểm trên đường Hồ Chí Minh nhánh Tây (toạ độ 17028’588 VB, 106019’289 KĐ) ở Đông Nam khu bảo tồn, thuộc xã Hưng Trạch, qua bản Đoong (toạ độ 17026’998 VB, 106019’152 KĐ) đến hang Én (toạ độ 17026’085 VB, 106017’992 KĐ).

Tuyến du lịch mạo hiểm bản Đoòng – hang Én – hang Khe Ry là tuyến du lịch tổng hợp trên nhiều dạng cảnh quan khác nhau. Các dạng cảnh quan được gặp trong tuyến gồm cảnh quan núi thấp và trung bình trên đá biến chất với thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ẩm phân bố ở phần đầu hành trình; cảnh quan thung lũng karst phân bố dọc phần đầu Rào Thương và đoạn giữa hang hang Én – hang Khe Ry; cảnh quan văn hóa với bản Đoòng của người Bru - Vân Kiều; cảnh quan hang động karst trong hang Én và hang Khe Ry;

Đoạn đầu của hành trình, bắt đầu từ Km 39 trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây là cảnh quan núi thấp và trung bình trên đá biến chất với thảm thực vật rừng kín thường xanh mưa mùa nhiệt đới ẩm. Tại đây, địa hình núi thấp cấu tạo bởi các đá trầm tích biến chất trung bình hệ tầng Long Đại. Sau khi đi qua một đoạn đường bị tác động mạnh bởi con người với taluy dốc, theo mặt hướng dốc nên hiện tượng trượt lở đất xảy ra mạnh. Cảm giác không thoả mãn khi thấy sự tác động của con người vào thiên nhiên dẫn tới những hậu quả đáng kể sẽ bị lắng xuống khi bước vào tour du lịch. Đó là cảnh quan núi với sườn thoải, nguyên là một bề mặt san bằng bị phân cắt, trên đó lớp vỏ phong hóa dày và đặc biệt là lớp phủ thực vật xanh tươi.

Kết quả nghiên cứu thảm thực vật ở đây cho thấy kiểu rừng kín cây lá rộng thường xanh trên đất hình thành từ đá mẹ cát bột kết, phân bố đầu lối rẽ. Rừng có cấu trúc tốt. Các cây ở tầng vượt tán, tầng ưu thế sinh thái cao trên 20, che phủ tương đối kín. Dưới tán rừng là tầng gỗ nhỏ, tầng cây bụi và tầng cỏ, quyết. Trong rừng có các cây gỗ quý, tốt, kích thước lớn như Lim xanh (Erythrophloeum fordii), Huỷnh (Tarrietia javanica), Trầm hương (Aquilaria crassna)...Khi đường mới mở đường, các cây Lim nằm trên tuyến đường được khai thác có kích thước trên 1 m. Khu rừng tạo nên cảnh hùng vĩ của núi rừng Trường Sơn, gợi lại một thời oanh liệt, gian khổ nhưng nên thơ của các đoàn quân ra trận.

Dạng cảnh quan bề mặt san bằng chuyển xuống cảnh quan thung lũng bởi sườn vách khá dốc. Đây chính là thử thách đầu tiên của du khách. Trên sườn vách dốc trên 300, nhiều đoạn là vách dốc đứng, lộ trơ các khối đá cát kết rắn chắc, sắc nhọn. Phần thấp của sườn đã là địa hình phát triển trên đá vôi. Lớp phủ thực vật ở đây là kiểu rừng kín, cây lá rộng thường xanh ở thung lũng đá vôi. Trên địa thế cao không ngập nước, ngay đoạn đầu của tuyến. Mặc dù có nhiều đá lộ nhưng một số điểm có đất tương đối dày tạo điều kiện cho các cây gỗ lớn sinh trưởng. Rừng có các cây gỗ lớn cao 25-30 m, đường kính trên 80 cm, nhưng số lượng không nhiều. Dưới các cây gỗ lớn là tầng cây gỗ nhỡ cao 15-20 m, đường kính trên 40 cm, che phủ khá kín với các loài cây ưu thế như Sến mật (Madhuca pasquieri), Vạng trứng (Endospermum chinense)...Các cây thân cột như Cọ sẻ (Livistona chinensis), Móc đen (Caryota urens) cao 10-20 m có bộ lá đẹp. Dây leo khá phong phú với kích thước trên 10 cm, treo từ tầng cây gỗ lớn xuống giống như ở các khu rừng nguyên sinh ít bị tác động. Song, mây khá phổ biến trên mặt đất nhưng tầng cỏ, Quyết thưa do đất khô. Dưới rừng đi lại dễ dàng, thoáng, dễ quan sát.

Theo quy luật thông thường của tạo hoá, sau khi vượt qua sườn núi dốc hiểm trở, trước mắt du khách sẽ là một khe suối với cảnh quan vừa hùng vĩ, vừa hoang dại song hết sức ngoạn mục. Dòng suối nước trong xanh chảy qua các tảng đá khiến người ta có nhu cầu được uống ngay khi nghĩ rằng chúng chưa hề bị ô nhiễm bởi tính hoang sơ của cảnh quan. Phần tiếp theo của hành trình là cảnh quan thung lũng karst. Tại phần chuyển tiếp giữa hai loại đá gốc khác nhau, thung lũng được mở rộng, đáy rộng, dòng suối Rào Thương uốn khúc quanh co trên nền đá vôi, hai bờ là thảm thực vật xanh tươi, nguyên sơ. Tại đây còn gặp cây Gùa có đường kính rộng đến trên 12 người ôm. Trên các địa thế thấp, bị ngập nước vào mùa mưa, đất tương đối dày, màu nâu đen, ít đá lộ. Rừng gồm các cây gỗ cao trên 30 m, đường kính 60-80 cm, che phủ kín. Quần xã điển hình là Sấu với thân trắng, bạnh vè phát triển. Dọc theo suối, đôi chỗ còn sót lại các cây gỗ quý như Huê mộc (Dalbergia sp.), các cây Ráng tiên toạ (Cyathea sp.) có bộ lá và dáng rất đẹp mọc phổ biến dưới tán rừng.

Trên lộ trình đến hang Én, tại một thung lũng đá vôi có đáy rộng, phẳng dạng một bồn địa karst gặp một bản dân tộc duy nhất ở trung tâm khu bảo tồn nghiêm ngặt phía nam của Vườn Quốc gia, đó là bản Đoòng. Sự tồn tại của một bản người Vân kiều ở đây sẽ là không hợp lý nếu không gắn sự phát triển của họ với mục tiêu du lịch sinh thái. Cảnh quan rừng bị chặt phá, đất có nguy cơ bạc màu sẽ làm mất hứng cho khách du lịch. Thung lũng karst khu vực Bản Đoong đã được khai thác làm nhà, vườn, đất canh tác. Trước khi bị khai phá, trên bậc thềm tồn tại kiểu rừng kín thường xanh cây lá rộng nhiệt đới ẩm với các cây cao 30-40 m, đường kính 50 đến trên 1 m ở tầng vượt tán với các loài như Gừa (Ficus callosa), Nhội (Bischofia javanica), Gụ lau (Sindora tonkinensis)...Hiện nay, thỉnh thoảng còn sót lại một vài cây Gừa, Nhội. Gụ lau đã bị khai thác hết các cây gỗ lớn (gỗ còn gửi lại dân bản, xếp thành giường).

Từ bản Đoòng đến hang Én hoàn toàn đi trong thung lũng Rào Thương. Đây là khu vực thung lũng mở rộng với các bậc thềm và bãi bồi. Trên cảnh quan thung lũng này, đồng bào dân tộc thường xuyên cải tạo, cảnh quan hoang sơ, nguyên thủy ở phần trên không còn được quan sát. Bên cạch những hang karst sát mặt nước khá rộng là các bãi bồi với lớp phủ thực vật là cây bụi.

Từ Rào Thương đến Hang Én đi dọc theo suối khoảng 3 km. Hai bên suối là bãi bồi chưa ổn định với thành phần vật chất chủ yếu là cát thô. Trên bãi bồi phù sa, ít bị ngập nước, đã bị dân khai phá trồng màu, sau đó bỏ hoang.

Hang Én thực sự là một hang nước có kích thước lớn khổng lồ, cửa hang cao tới 78,6m và có chiều rộng hơn 70m. Hang là nơi đổ vào của suối Rào Thương. Cửa hang rộng, thoáng và có bãi cuội và cát rộng, sạch sẽ. Trên các vách núi ở khu vực cửa hang và trên vòm hang là nơi sinh sống của hàng vạn con chim én.

Mặc dù chiều dài hang chỉ có 1,645km, song hang én được xem là hang có lòng rộng nhất được phát hiện ở Việt Nam, nhiều chỗ vòm hang cao tới cả trăm mét và rộng tới trên 170m. Hang có cấu trúc khá đơn giản, việc đi lại cũng tương đối dễ dàng. Đáy hang bằng phẳng với nhiều bãi đá và bãi cát lớn nằm dọc theo dòng sông. Lòng sông trong hang hẹp, thường chảy ép về một phía của hang, trừ đoạn sông cách lối vào khoảng 50m là rộng và sâu, còn lại, ở những đoạn sông uốn khúc và cắt ngang đáy hang đều nông, có thể lội qua. Có thể nói, điều ấn tượng lớn nhất và cũng là sản phẩm du lịch giá trị nhất của hang én đó chính là dáng vẻ khổng lồ của nó và những bãi cát đẹp rộng mênh mông bên dòng suối trong xanh, nước chảy êm đềm và xung quanh là rừng cây còn khá hoang vu - những nơi lý tưởng cho các hoạt động dã ngoại, cắm trại và khám phá.

Thảm thực vật ở khu vực cửa hang Én gồm rừng ở các bãi đá vôi ven hang: cao 15-20m, che phủ tương đối kín. Các cây gỗ cao có Sổ lọng vàng, Kháo Nam Bộ (Persea cochinchinensis ?)... Dưới tầng cây gỗ lớn là các cây gỗ nhỏ cao 8-15m với các loài đặc trưng cho đá vôi như Mạy tèo (Streblus macrophyllus), Teo nông (S. tonkinensis)...Dưới cùng là tầng cỏ với các cây Nàng Hai (Laportea thorelii) đặc trưng cho đá vôi với lông của lá gây ngứa dữ dội. Trên vách hang, gần như thẳng đứng, chỉ có các cây Thị trâm (Diospyros vaccinoides) dạng bụi, lá bé, mọc rủ xuống như các cây Liễu rất đẹp mắt.

Ngoài ra, khi đến hang én du khách còn được chiêm ngưỡng những tác phẩm nghệ thuật giá trị đã được thiên nhiên miệt mài trạm khắc lên những vách đá. Những khối nhũ với nhiều dáng vẻ, hình thù khác nhau như làm tăng thêm sự sống động cho hang đá giữa chốn rừng hoang vu, sâu thẳm. Du khách có thể tận mắt chiêm ngưỡng những chiếc nhũ đá giống như những bông hoa khổng lồ đang hé nở, thấy những thác nhũ mềm mại nằm vắt trên vách hang, hay có thể bị lạc vào cả một vườn toàn những mảnh đá sắc nhọn có hình thù kì dỵ…

Hang Khe Ry lần đầu tiên được khám phá bởi nhóm chuyên gia hang động thuộc Hội hang động Hoàng gia Anh vào năm 1997. Đến năm 1999 công việc đo vẽ đã được hoàn tất. Cho đến thời điểm hiện nay, hang Khe Ry được xem là hang nước có chiều dài lớn nhất đã được khám phá Việt Nam, với chiều dài tổng cộng trên 19km.

Hang Khe Ry có cấu trúc khá phức tạp và phải bơi rất nhiều đoạn. Lòng hang có nhiều đoạn được mở rộng và tích tụ nhiều những bãi cát hay cuội sỏi khổng lồ. Xen giữa những đoạn lòng hang mở rộng là những đoạn thắt rất hẹp, có những đoạn phát triển như dạng khe hẻm. Đáy hang ghồ ghề và phức tạp, hầu hết những đoạn phải nước đề rất sâu và có nhiều đá ngầm sắc nhọn hoặc trơn nhẫy. Có những đoạn hang bị sập với quy mô lớn tạo nên những vòm hang rộng hàng trăm mét và những đống đá sập khổng lồ.

Cửa hang Khe Ry rộng nhưng thấp, đây là vị trí mà suối Khe Ry bắt đầu chảy ngầm vào lòng núi. Trên bản đồ có thể thấy Khe Ry cũng là nơi đổ vào của nhiều nhánh sông trong đó Khe Tiền và Khe Thi, rồi từ đó hợp lưu với dòng chảy ra từ hang Én để chảy về Phong Nha.

Đường vào hang phải qua nhiều đoạn ngoằn ngoèo với các hồ nước sâu. Vào tiếp 800 m gặp một đoạn nối chữ T có một vài lối dẫn đi các hướng. Đi sâu 600 m nữa sẽ bắt gặp lối đi ở phía bên trái. Sau đoạn chữ T, cảnh trí thay đổi, có nhiều thạch nhũ trên các vách đá và các hướng của đường đi. Đặc biệt từ chỗ nối, hang trở nên rất sống động. Dòng suối chắc chắn là sự khởi đầu của các dòng chảy về phía Đông. Từ đây dòng chảy trên bãi đá cuội, rộng khoảng 40m phía trái có nhiều măng đá.

Theo dòng suối 400 m nữa đến một kênh nước sâu thẳm. Theo kênh này tới một phòng rộng 60m có vòm trần hình cung, vách nhẵn. Một số đoạn đầu nguồn rất gần với mặt đất với vách đá sụp có dấu hiệu của các đàn dơi sinh sống. Khu vực này rõ ràng là mới được hình thành, chưa thấy có các thạch nhũ trang trí đẹp.

Tuyến vào sâu trong hang Khe Ry từ hướng này được dự kiến là 1000m với thời gian tour là 2 ngày.

Kết luận


Từ những kết quả nghiên cứu, điều tra, phân tích tính đặc thù về điều kiện tự nhiên, tài nguyên, hiện trạng phát triển du lịch và quy hoạch định hướng một số tuyến du lịch sinh thái vùng Phong Nha - Kẻ Bàng, có thể đưa ra một số kết luận như sau:

1. Di sản Thiên nhiên Thế giới Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng có tài nguyên nhiên nhiên phong phú và đa dạng với nhiều cảnh quan đẹp, đặc biệt là các cảnh quan karst trên mặt và karst ngầm có sức hấp dẫn du lịch, tài nguyên xã hội nhân văn tiềm tàng cho phép vùng phát triển nhiều loại hình du lịch như du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, du lịch nhân văn. Mặc dù đã có nhiều chuyển biến trong việc quy hoạch, đầu tư phát triển du lịch, song cho tới nay diễn biến trong kinh tế của ngành này vẫn chưa thật ổn định, nhiều nguồn tài nguyên du lịch vẫn chưa được khai thác đầy đủ, còn nhiều bất cập trong quá trình xây dựng và phát triển du lịch nói chung và du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm nói riêng.

2. Mặc dù có một số khó khăn hạn chế, song Quảng Bình có lợi thế so sánh trong mối quan hệ kinh tế, đặc biệt là du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm với các vùng xung quanh và quốc tế. Quảng Bình đã bước đầu tận dụng được những lợi thế này trong phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh quốc phòng.

3. Với những tiềm năng về địa hình, hang động karst, sự đa dạng sinh học trong một Khu Di sản thiên nhiên thế giới, vùng Phong Nha – Kẻ Bàng có thể xây dựng 8 tuyến du lịch mạo hiểm dạng tổng hợp, kết hợp giữa du lịch hang động và du lịch mạo hiểm trên các dạng cảnh quan khác nhau như sau: 1. Tuyến du lịch mạo hiểm hang Phong Nha ; 2. Tuyến Bản Đoòng - hang Én - hang Khe Ry; 3. Tuyến Khe Gió - hang Vòm; 4. Tuyến du lịch hang Tối ; 5. Tuyến du lịch đi bộ từ Khu tưởng niệm liệt sỹ đường 20 quyết thắng - bản Ban ; 6. Tuyến du lịch Bản Ban - Hang Khe Ry ; 7. Tuyến Bản Ban - hang Rục Cà Roòng và 8. Tuyến đường 20 - hang Đại Cáo.

4. Hai tuyến du lịch mạo hiểm có sức hấp dẫn cao nhất, có tính khả thi cao nhất là 1. Tuyến du lịch mạo hiểm hang Phong Nha ; 2. Tuyến du lịch mạo hiểm trên các dạng cảnh quan khác nhau Bản Đoòng - hang Én - hang Khe Ry. Tuyến du lịch mạo hiểm hang Phong Nha từ đoạn 800m qua phòng Bác Hồ – thác nhũ sẽ chỉ thiết kế trong 1 ngày; Tuyến Bản Đoòng - hang Én - hang Khe Ry có thể thiết kế từ 3 -5 ngày theo nhu cầu của du khách. Trước mắt, từ nay tới năm 2010 nên tổ chức tour 3 ngày, từ Km 39 trên đường Hồ Chí Minh nhánh tây – bản Đoòng – Hang Én – 500m đầu của cửa ra hang Khe Ry. Sau khi có kinh nghiệm tổ chứa các tour ngắn ngày, mức độ phức tạp chưa cao, từ 2010 sẽ tổ chức tiếp tour kéo dài qua hang Khe Ry.

5. Để tổ chức tour du lịch mạo hiểm cần có những công tác chuẩn bị hết sức chu đáo, cả về nội dung, phương diện luật pháp, tính kinh tế cũng như cơ sở vật chất. Về phần liên quan đến các thủ tục pháp lý và lợi nhuận, khi tổ chức tour cần có sự tư vấn rất kỹ của các chuyên gia trong lĩnh vực Luật học, kinh tế học và các nhà bảo hiểm có uy tín.

Các kết quả đạt được trình bày trên đây là kết quả của sự nỗ lực trong nghiên cứu với tinh thần nghiêm túc cao của tập thể tác giả. Qua đây, xin bày tỏ lòng cảm ơn sâu sắc vì sự giúp đỡ và tạo điều kiện của các sở ban ngành tỉnh Quảng Bình, Ban lãnh đạo Trường Đại học Khoa học Tự nhiên cùng với sự hợp tác có hiệu quả của các cá nhân, cơ quan tham gia phối hợp thực hiện đề tài “Nghiên cứu tuyến Du lịch mạo hiểm Phong Nha – Kẻ Bàng” dưới sự quản lý và chỉ đạo của Sở Khoa học và công nghệ tỉnh Quảng Bình.


Tài liệu tham khảo





  1. Báo cáo tổng hợp đề tài KC.08.07: Nghiên cứu những vấn đề kinh tế - xã hội - môi trường vùng sinh thái đặc thù Quảng Bình - Quảng Trị. Lưu trữ tại Bộ Khoa học và Công nghệ, 2003.

  2. Báo cáo tổng hợp đề tài “Nghiên cứu tuyến du lịch mạo hiểm Phong Nha - Kẻ Bàng”. Lưu trữ tại Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Quảng Bình, 2005.

  3. Fauna and Flora International - Indochina Programme, Timmins et al.. 1999. A preliminary Assessment of the Conservation Impertance and Conservation Priorities of The Phong Nha - Ke Bang National Park, Quang Binh Province, Vietnam.

  4. Howard L. Vietnam 1992: Return to the River Caves of Quangbinh. "Inter. Caver", No.5, 1992, pp.19-25.

  5. Nguyễn Ngọc Chính, Nguyễn Quốc Dựng, 1998. Báo cáo chuyên đề điều kiện tự nhiên Vườn quốc gia Phong Nha - Kẻ Bàng, tỉnh Quảng Bình. Tài liệu Viện Điều tra Quy hoạch Rừng. Hà Nội.

  6. Nguyen Quang My and Eng. Vu Van Phai. 1993. Karst Caves for Tourism in Vietnam. Hanoi University.

  7. Nguyen Quang My et Howard Limbert. 1993. Some outline about investigation of Karst in Vietnam and the world. Hanoi university.

  8. Vườn Quốc gia Phong Nha – Kẻ Bàng: Tiềm năng và phát triển. 1/2004.

Waltham A.C. Some features of karst geomorphology in South China. "Cave Science", Vol. 11, pp. 185-198.
Каталог: 3cms -> upload -> khcn -> File -> SachKhoaHoc -> 410 Nam -> tailieu7
410 Nam -> MỘt số KẾt quả nghiên cứu bưỚC ĐẦu về thảm thực vật và HỆ thực vật tại vùng mở RỘng của vưỜn quốc gia phong nha kẻ BÀNG
410 Nam -> Chương XIII: cuộc kháng chiến chống mỹ, CỨu nưỚC
410 Nam -> Chương XVI: VĂn hoá chăM
410 Nam -> Kinh nghiệm quản lý, BẢo tồn và phát huy giá trị di sản thiên nhiên thế giới vịnh hạ long trong sự phát triển kinh tế XÃ HỘi tỉnh quảng ninh ban quản lý Vịnh Hạ Long
410 Nam -> Chương 2: ĐỊa chất và khoáng sảN
410 Nam -> TỈnh quảng bình tác giả báo cáo: cn. Lê Trọng Trãi
tailieu7 -> NHỮng phát hiện mới về Đa dạng sinh họC Ở VƯỜn quốc gia phong nha – KẺ BÀNG
tailieu7 -> SỰ Đa dạng một số nhóm côn trùng cánh màng (hymenoptera) VÀ CÁnh nửA (heteroptera) Ở VƯỜn quốc gia phong nha – KẺ BÀNG, TỈnh quảng bìNH

tải về 104.25 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương