BỘ y tế Số: /TTr-byt dự thảo 25



tải về 67.84 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích67.84 Kb.
#26423

line 2 BỘ Y TẾ

Số: /TTr-BYT


Dự thảo 25



CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM

line 3Độc lập - Tự do - Hạnh phúc

Hà Nội, ngày tháng 11 năm 2015


TỜ TRÌNH

Về việc ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập

Kính gửi: Thủ tướng Chính phủ

Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định số 695/QĐ-TTg ngày 21/5/2015 ban hành kế hoạch triển khai thực hiện Nghị định số 16/2015/NĐ-CP của Chính phủ quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp công lập (sau đây goi tắt là Nghị định 16), theo đó, Bộ Y tế có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ và các cơ quan liên quan xây dựng và trình Chính phủ sửa đổi hoặc ban hành Nghị định quy định cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập.

Thực hiện kế hoạch của Chính phủ, trong thời gian vừa qua, Bộ Y tế đã nghiên cứu các quy định tại Nghị định số 16, đối chiếu với các quy định tại Nghị định số 85/2012/NĐ-CP ngày 15/10/2012 của Chính phủ quy định về cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập và giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh của các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập (sau đây gọi tắt là Nghị định 85) và thấy rằng: Nghị định 85 chính là Nghị định quy định cơ chế tự chủ của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập, được xây dựng trên cơ sở các quan điểm của Nghị quyết 46/NQ-TW của Bộ Chính trị, đặc biệt là quan điểm "Nghề y là một nghề đặc biệt, cần được tuyển chọn, đào tạo, sử dụng và đãi ngộ đặc biệt" nhằm nâng cao tính tự chủ, hiệu quả hoạt động của các đơn vị sự nghiệp y tế công lập. Về cơ bản các nội quy định tại Nghị định 85 là phù hợp với các quy định tại Nghị định 16. Tuy nhiên, do Nghị định số 85 được ban hành trước nên có một số nội dung chưa được cụ thể hóa, một số nội dung chưa phù hợp với Nghị định 16 và thực tế hiện nay. Sau khi nghiên cứu, rà soát, Bộ Y tế xin trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 85, cụ thể như sau:

I. Các nội dung đề nghị sửa đổi, bổ sung Nghị định 85

1. Sửa đổi Điều 3. Phân loại đơn vị sự nghiệp đề phù hợp với quy định của Nghị định số 16 như sau:

“Sửa đổi điểm a, điểm b, điểm c và điểm d Khoản 1 Điều 3 như sau:

a) Nhóm 1: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên và chi đầu tư.



  1. Nhóm 2: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm chi thường xuyên.

c) Nhóm 3: Đơn vị sự nghiệp công tự bảo đảm một phần chi thường xuyên.

d) Nhóm 4: Đơn vị sự nghiệp công do Nhà nước bảo đảm chi thường xuyên.”

2. Sửa đổi Điều 6. Quy định về các khoạt động liên doanh, liên kết, dịch vụ như sau:

- Bộ Y tế đề nghị giữ nguyên Khoản 1, Khoản 2.

- Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 93/NQ-CP ngày 15/12/2014 về một số cơ chế, chính sách trong đó có quy định về hoạt động lien doanh, lien kết. Đề phù hợp với Nghị quyết 93 Bộ Y tế đề nghị bổ sung thêm Khoản 3, khoản 4 Điều 6 như sau:

"3. Đối với vốn góp bằng giá trị "năng lực, chất lượng và uy tín" của đơn vị: Phải được đánh giá tương xứng với giá trị, do đơn vị và nhà đầu tư thỏa thuận trong Đề án liên doanh, liên kết và được người có thẩm quyền phê duyệt. Tỷ lệ này được ổn định trong suốt quá trình hoạt động của liên doanh, liên kết, kể cả trong trường hợp mở rộng quy mô hoặc tăng vốn hoạt động của cơ sở liên doanh, liên kết.

4. Thủ trưởng đơn vị phải xây dựng phương án tài chính (huy động vốn; trả gốc vay và lãi vay), phương án hoạt động dịch vụ; chịu trách nhiệm trước pháp luật về hiệu quả của việc vay vốn, huy động vốn và hoạt động dịch vụ theo đúng quy định của pháp luật.”

3. Sửa đổi, bổ sung Điều 7. Tổ chức bộ máy; kế hoạch tuyển dụng và quản lý, sử dụng công chức, viên chức thành "Điều 7: Tự chủ về tổ chức bộ máy, nhân sự, Hội đồng quản lý", trong đó đề nghị sửa đổi, bổ sung:

3.1.Về tổ chức bộ máy:

- Bộ Y tế đề nghị giữ quy định các đơn vị phải có "Điều lệ tổ chức và hoạt động" được cơ quan quản lý cấp trên1 (các Bộ, ngành đối với đơn vị thuộc trung ương, Sở Y tế đối với đơn vị thuộc địa phương) phê duyệt nhằm bảo đảm cơ cấu hợp lý các khoa, phòng, giữa các chuyên khoa trong đơn vị, tránh tình trạng chỉ tập trung phát triển các khoa, phòng có thu, dẫn đến hệ thống y tế không đồng bộ.

- Để phù hợp với Nghị định 16, Bộ Y tế đề nghị được sửa đổi, bổ sung khoản 1 Điều 7 thành:

"a) Đơn vị sự nghiệp y tế xây dựng phương án sắp xếp, kiện toàn cơ cấu tổ chức của các đơn vị cấu thành trong Điều lệ tổ chức và hoạt động để trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện theo Điều lệ đã được phê duyệt.

b) Đơn vị sự nghiệp y tế công thuộc nhóm 1 và nhóm 2 được quyết định thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị ngoài các đơn vị quy định tại điểm a khoản 1 Điều này khi đáp ứng các tiêu chí, điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của pháp luật.

3.2. Về Hội đồng quản lý: Về cơ bản các quy định tại điểm b khoản 1 Điều 7 của Nghị đinh 85 phù hợp với Nghị định 16, các thành viên trong Hội đồng quản lý của Nghị định 85 chi tiết hơn nên Bộ Y tế đề nghị giữ như quy định tại Nghị định 85, đồng thời đề nghị sửa đổi, bổ sung chức năng, nhiệm vụ của Hội đồng quản lý, thủ tục thành lập, vị trí, chức năng, nhiệm vụ... đề nghị được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Nghị định 16.

Cụ thể, đề nghị sửa điểm b, khoản 1 Điều 7 Nghị định 85 thành khoản 2 Điều 7 mới, với 3 điểm như sau:

"2. Hội đồng quản lý

a) Đơn vị thuộc nhóm 1 phải thành lập Hội đồng quản lý để quyết định những vấn đề quan trọng trong quá trình hoạt động của đơn vị. Hội đồng quản lý có 09 thành viên, gồm: 01 Chủ tịch, 01 Phó Chủ tịch và 07 ủy viên. Chủ tịch Hội đồng là Người đứng đầu đơn vị, Phó Chủ tịch Hội đồng là Bí thư Đảng bộ đơn vị (trường hợp người đứng đầu đơn vị kiêm Bí thư đảng bộ thì 01 Phó Bí thư Đảng bộ tham gia); Ủy viên Hội đồng gồm: 01 Đại diện cơ quan quản lý cấp trên về quản lý chuyên môn y tế; 01 Đại diện cơ quan quản lý cấp trên về quản lý tài chính; 02 là cấp phó của người đứng đầu đơn vị (trường hợp đơn vị chỉ có 01 cấp phó, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp tham gia); 01 là Chủ tịch công đoàn của đơn vị; 02 người làm chuyên môn y tế được bầu chọn theo phương thức bỏ phiếu kín bởi toàn thể cán bộ, viên chức chuyên môn y tế có trình độ đào tạo từ đại học trở lên của đơn vị.

b) Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quyết định thành lập và quy định quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý đối với các đơn vị thuộc trung ương quản lý; Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập và quy định quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý đối với các đơn vị thuộc địa phương quản lý.

Căn cứ vào điều kiện cụ thể, yêu cầu quản lý và pháp luật chuyên ngành, trường hợp cần thiết người có thẩm quyền quyết định việc thành lập Hội đồng quản lý đối với các đơn vị sự nghiệp y tế thuộc nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4.

c) Hội đồng quản lý quyết định về chiến lược, kế hoạch trung hạn và hàng năm của đơn vị; quyết định chủ trương đầu tư mở rộng hoạt động, thành lập, tổ chức lại, giải thể các đơn vị trực thuộc; quyết định chủ trương lớn về tổ chức, nhân sự (bổ nhiệm, khen thưởng, kỷ luật viên chức); thông qua quy chế tổ chức và hoạt động của đơn vị để trình cấp có thẩm quyền quyết định; thông qua báo cáo quyết toán tài chính hàng năm, thực hiện kiểm tra, giám sát việc thực hiện kế hoạch, việc triển khai quy chế dân chủ, quyết định các vấn đề quan trọng khác của đơn vị theo quy định của pháp luật.

3.3. Bộ Y tế đề nghị sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 7 thành "khoản 3 Điều 7" mới như sau:

"3. Tự chủ về nhân sự

a) Đơn vị sự nghiệp y tế xây dựng Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp trình người có thẩm quyền phê duyệt; thực hiện việc tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và quản lý viên chức, người lao động theo quy định của pháp luật; được thuê hợp đồng lao động ngoài số lượng người làm việc làm được quyết định theo quy định tại điểm b khoản 3 điều này để thực hiện nhiệm vụ.

b) Bộ Y tế chủ trì, thống nhất với Bộ Nội vụ hướng dẫn cơ cấu viên chức theo chức danh nghề nghiệp và số lượng người làm việc tối thiểu tương ứng theo các lĩnh vực chuyên môn y tế2. Số lượng người làm việc được quyết định trên cơ sở Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức được cơ quan quản lý cấp trên3 phê duyệt, theo nguyên tắc sau:

- Đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: do đơn vị quyết định nhưng phải bảo đảm số lượng người làm việc tối thiểu tương ứng theo các lĩnh vực chuyên môn y tế.

- Đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: do người có thẩm quyền quyết định4.

- Trường hợp đơn vị chưa xây dựng được Đề án vị trí việc làm và cơ cấu viên chức; số lượng người làm việc được xác định tạm thời trên cơ sở số lượng biên chế được giao bình quân của 03 năm trước liền kề;

c) Sửa đổi điểm b, điểm c, điểm d như sau:

" Căn cứ vào số lượng người làm việc được quyết định theo quy định tại điểm b khoản 3 Điều này; căn cứ chức năng, nhiệm vụ, kế hoạch hoạt động chuyên môn, nhu cầu công việc, vị trí việc làm, cơ cấu viên chức, quỹ tiền lương của đơn vị, hằng năm đơn vị xây dựng kế hoạch tuyển dụng viên chức, trong đó nêu rõ yêu cầu về số lượng, chất lượng, cơ cấu viên chức cần thiết của từng tổ chức trực thuộc.

- Đối với đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do người đứng đầu đơn vị quyết định theo thẩm quyền để bảo đảm thực hiện được kế hoạch hoạt động chuyên môn nhưng phải báo cáo cơ quan quản lý cấp trên để tổng hợp, theo dõi, kiểm tra, giám sát.

- Đối với đơn vị thuộc nhóm 3, nhóm 4: Kế hoạch tuyển dụng viên chức của đơn vị do cơ quan, đơn vị có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm người đứng đầu đơn vị phê duyệt.

d) Người đứng đầu đơn vị được ký hợp đồng thuê, khoán đối với những công việc không cần bố trí lao động thường xuyên và các hoạt động dịch vụ khác; được ký hợp đồng lao động và các hình thức hợp tác khác với chuyên gia, nhà khoa học trong và ngoài nước theo quy định của pháp luật để đáp ứng yêu cầu chuyên môn của đơn vị.

3.4. Các nội dung quy định tại khoản 3 điều 7 Nghị định 85 được chuyển thành khoản 4 Điều 7 mới, bỏ khoản 4 Điều 7 cũ.

4. Sửa đổi, bổ sung điều 9 Nghị định 85

4.1. Điểm d, khoản 2 Điều 9 Nghị định 85 đề nghị được bổ sung "vay vốn các tổ chức tín dụng khác theo quy định của pháp luật" vào sau đoạn ..."Ngân hàng phát triển Việt Nam" vì hiện nay Chính phủ đã cho phép các đơn vị hợp tác đầu tư theo các hình thức quy định tại Nghị quyết 93/2014/NQ-CP ngày 15/12/2014 của Chính phủ được vay vốn của các tổ chức tín dụng khác". Bổ sung nội dung "hoặc được hỗ trợ lãi suất, bù chênh lệch lãi suất theo quy định ".

4.2. Sửa đổi, bổ sung khoản 3, bỏ khoản 4 Điều 9 cho phù hợp với Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ về đầu tư theo các hình thức đối tác công tư, cụ thể sửa như sau:

"3. Trường hợp đơn vị được cơ quan có thẩm quyền cho phép đầu tư theo các hình thức quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ-CP ngày 14 tháng 02 năm 2015 của Chính phủ về đầu tư theo các hình thức đối tác công tư thì thực hiện theo Nghị định này và các văn bản hướng dẫn thực hiện.

5. Sửa đổi Điều 10. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển đối với các cơ sở thực hiện xã hội hóa của đơn vị sự nghiệp y tế công lập như sau:

- Do Khoản 2 và Khoản 3 Điều 10 đã được viêt lại và chuyển sang Điều 6 của Nghị định nên Điều 10 được sửa đổi như sau:

Điều 10. Nguồn vốn chi đầu tư phát triển đối với cơ sở xã hội hóa quy định tại Khoản 2 Điều 6:

1. Quỹ phát triển hoạt động sự nghiệp;

2. Huy động của công chức, viên chức, người lao động trong đơn vị theo phương thức trả lãi suất cố định với lãi suất thỏa thuận tối đa không quá 150% mức lãi suất cơ bản do Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố tại thời điểm vay;

3. Nguồn vốn vay của các tổ chức tín dụng theo quy định của pháp luật, được ngân sách nhà nước hỗ trợ phần chênh lệch lãi suất giữa cho vay của tổ chức tín dụng và lãi suất cho vay đầu tư phát triển của nhà nước;

4. Vốn liên doanh, liên kết của các tổ chức, cá nhân và các nguồn vốn hợp pháp khác”.

6. Sửa đổi Khoản 1 Điều 13. Ngân sách nhà nước bảo đảm chi hoạt động thường xuyên như sau:

“1. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh (trừ các cơ sở làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh phong, tâm thần) thuộc nhóm 3, nhóm 4 được Ngân sách nhà nước bảo đảm phần chi phí chưa kết cấu trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo lộ trình tính giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh quy định tại Khoản 2, Khoản 3 và Khoản 4 Điều 18 và chi phí tiền lương, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo quy định tại Điểm b, Khoản 2, Điều 23 Nghị định này”.

7. Sửa đổi Khoản 2 Điều 15. Quyền tự chủ về sử dụng nguồn tài chính chi hoạt động thường xuyên như sau:

Đề phù hợp với Nghị định số 16 trong việc phân phối kết quả tài chính trong năm cho của các đơn vị thuộc nhóm 1, nhóm 2, nhóm 3 và nhóm 4, Bộ Y tế đề nghị sửa đổi Khoản 2. Điều 15 như sau:

“2. Phân phối kết quả tài chính trong năm:

a) Đối với đơn vị thuộc nhóm 1: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 12 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ;

b) Đối với đơn vị thuộc nhóm 2: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 13 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ;

c) Đối với đơn vị thuộc nhóm 3: Thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 14 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ;

d) Đối với đơn vị thuộc nhóm 4: Việc sử dụng kinh phí tiết kiệm chi thường xuyên thực hiện theo quy định tại Khoản 3, Điều 15 Nghị định số 16/2015/NĐ-CP ngày 14/02/2015 của Chính phủ”.

8. Sửa đổi Điều 16. Quy định về kinh phí không thường xuyên như sau:

- Bộ Y tế giữ nguyên 08 Khoản, đề nghị sửa đổi Khoản 4 và Khoản 8 Điều 16 để phù hợp với tình hình thực tế như sau:

“4. Kinh phí thực hiện các Chương trình mục tiêu quốc gia, Chương trình mục tiêu và các chương trình, dự án, đề án khác”

“8. Kinh phí mua sắm trang thiết bị, phương tiện làm việc và các tài sản cố định khác, sửa chữa lớn tài sản cố định phục vụ hoạt động sự nghiệp theo dự án được cấp có thẩm quyền phê duyệt”

9. Sửa đổi Điều 18. Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau:

- Bộ Y tế đề nghị sửa đổi lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ y tế để phù hợp với lộ trình quy định tại Nghị định số 16 như sau:

- Sửa gạch đầu dòng (-) thứ 2, Điểm b, Khoản 2 và tiêu đề Khoản 3 Điều 18:

“- Năm 2016 - 2018: Được tính 100% Quỹ tiền lương cơ bản đối với các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh;

“3. Giai đoạn từ năm 2020 trở đi, giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được tính đủ các chi phí sau:”

10. Bổ sung Khoản 5 Điều 21. Quản lý và sử dụng nguồn thu từ các dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh:

"5. Lãi tiền gửi (nếu có) là nguồn thu khác của đơn vị và được bổ sung vào Quỹ Phát triển hoạt động sự nghiệp hoặc bổ sung vào quỹ khác theo quy định của pháp luật, không được bổ sung vào Quỹ bổ sung thu nhập;”

11. Sửa đổi, bổ sung Điều 23. Nguồn đảm bảo chính sách tiền lương quy định cụ thể hơn việc cấp bù tiền lương cho các đơn vị nhóm 3, nhóm 4 và trạm y tế xã trong trường hợp số thu tiền lương đã kết cấu vào giá không bảo đảm trả tiền lương chế độ, cụ thể đề nghị sửa đổi, bổ sung như sau:

- Sửa đổi Khoản 2 và bổ sung Khoản 3, Khoản 4 và Khoản 5 Điều 23

“2. Đối với đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng: ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn chi trả tiền lương theo ngạch bậc, các khoản phụ cấp theo lương và các khoản đóng góp theo chế độ do nhà nước quy định (sau đây viết tắt là tiền lương) trên cơ sở số người làm việc thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng được cấp có thẩm quyền giao”

“3. Đối với đơn vị thuộc nhóm 3, 4:

a) Đối với đơn vị làm nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh: Đơn vị tự bảo đảm nguồn chi trả tiền cho người lao động từ nguồn thu dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh. Trường hợp số thu (phần kết cấu chi phí tiền lương) trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền quy định không bảo đảm chi trả đủ tiền lương cho số người làm việc thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền giao, ngân sách nhà nước bảo đảm phần còn thiếu để chi trả đủ tiền lương cho đối tượng này. Trường hợp nhà nước điều chỉnh mức lương cơ sở, nguồn kinh phí bảo đảm việc điều chỉnh thực hiện theo quy định pháp luật liên quan.”

b. Đối với đơn vị làm nhiệm vụ y tế dự phòng và khám bệnh, chữa bệnh:

- Đối với tiền lương của số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ y tế dự phòng được cấp có thẩm quyền giao: Thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều này.

- Đối với tiền lương của số người làm việc thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền giao: Thực hiện theo quy định tại Điểm a, Khoản 3 Điều này”

“4. Đối với trạm y tế xã: Trường hợp số thu (phần kết cấu chi phí tiền lương) trong giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh được cấp có thẩm quyền quy định không bảo đảm chi trả đủ tiền lương, ngân sách nhà nước bảo đảm phần còn thiếu để chi trả đủ tiền lương cho số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ khám bệnh, chữa bệnh của trạm y tế xã được cấp có thẩm quyền giao; không thực hiện bù trừ, điều tiết nguồn thu sự nghiệp của các trạm y tế xã khác, trung tâm y tế (trường hợp trạm y tế thuộc trung tâm y tế) để bảo đảm nguồn chi trả tiền lương cho trạm y tế xã”.

“5. Đối với các đơn vị làm nhiệm vụ: giám định y khoa, giám định pháp y tâm thần, kiểm định, an toàn vệ sinh thực phẩm, dân số, truyền thông về y tế:

a) Ngân sách nhà nước bảo đảm nguồn chi trả tiền lương theo số lượng người làm việc được cấp có thẩm quyền giao.

b) Trường hợp đơn vị được cấp có thẩm quyền cho phép thu chi phí của đối tượng sử dụng dịch vụ trong đó đã bao gồm chi phí tiền lương, đơn vị tự đảm bảo nguồn chi trả tiền lương từ nguồn thu dịch vụ. Nếu nguồn thu dịch vụ không bảo đảm chi trả đủ tiền lương, ngân sách nhà nước bảo đảm phần còn thiếu để chi trả đủ tiền lương cho số lượng người làm việc thực hiện nhiệm vụ được cấp có thẩm quyền giao”

12. Bổ sung Điều 25a về lập dự toán các quy định tại Điều 18 của Nghị định 16. Bổ sung Điều 25b về phân bổ dự toán các quy định tại Điều 19 của Nghị định 16. Bổ sung Điều 25c về Điều kiện, nội dung, yêu cầu để đơn vị sự nghiệp y tế công lập vận dụng cơ chế tài chính như doanh nghiệp các quy định tại Điều 21 của Nghị định 16.

II. Bố cục và những nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định

Trên cơ sở các nội dung cần sửa đổi, bổ sung nêu trên, Bộ Y tế thấy rằng, Nghị định 85 có 27 Điều thì cần phải sửa đổi, bổ sung 11 Điều, bổ sung thêm 03 Điều của Nghị định 16 do Nghị định 85 chưa đề cập đến các nội dung của 3 Điều này, cụ thể:



  1. Về bố cục của dự thảo Nghị định

Dự thảo gồm có 03 Điều, gồm:

- Điều 1. Sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 85/2012/NĐ-CP;

- Điều 2. Hiệu lực thi hành.

- Điều 3. Trách nhiệm thi hành.



2. Nội dung cơ bản của dự thảo Nghị định: Có dự thảo kèm theo

3. Bộ Y tế đã xin ý kiến góp ý của một số Bộ, ngành liên quan để hoàn chỉnh dự thảo Tờ trình và Quyết định của Thủ tướng Chính phủ, còn một số nội dung, Bộ Y tế xin tiếp thu và giải trình như sau (phần này sẽ bổ sung sau khi có ý kiến tham gia của các Bộ, ngành):

Bộ Y tế xin trình kèm theo Tờ trình các văn bản sau đây:

1. Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung,

2. Báo cáo đánh giá tác động của Nghị định,

3. Báo các tiếp thu và giải trình ý kiến thẩm định của Bộ Tư pháp,

4. Bảng thuyết minh chi tiết và tổng hợp ý kiến góp ý của các Bộ, ngành,

5. Công văn thẩm định của Bộ Tư pháp và văn bản tham gia ý kiến của Bộ Tài chính, Bộ Nội vụ.

Bộ Y tế xin kính trình Chính phủ xem xét và sớm ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định 85, tạo điều kiện để các đơn vị sự nghiệp y tế tự chủ, nâng cao hiệu quả hoạt động, giúp ngành y tế hoàn thành tốt nhiệm vụ chăm sóc và bảo vệ sức khoẻ nhân dân.


Nơi nhận:

- Như trên;

- PTTg Vũ Văn Ninh (để báo cáo);

- PTTg Vũ Đức Đam (để báo cáo);

- Văn phòng Chính phủ;

- Các Bộ: TC, NV, KH-ĐT, TP;

- BHXH Việt Nam;

- Bộ trưởng, các đ/c Thứ trưởng;

- Các Vụ, Cục, Tổng cục, Văn phòng Bộ, Thanh tra Bộ;

- Lưu: VT, KH-TC.



BỘ TRƯỞNG
Nguyễn Thị Kim Tiến




1 Nghị định 85 quy định là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với đơn vị thuộc TW, Sở Y tế đối với đơn vị thuộc địa phương

2 Để bảo đảm khi tính tiền lương vào giá, các đơn vị có nguồn thu phải sử dụng để tuyển người làm việc nhằm bảo đảm chất lượng dịch vụ, ví dụ quy định 01 giường bệnh tối thiểu phải 02 người, trong đó cơ cấu: bác sỹ, y tá, điều dưỡng, bộ phận gián tiếp...

3 Nghị định 85 quy định là Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ đối với đơn vị thuộc TW, Sở Y tế đối với đơn vị thuộc địa phương

4 Nghị định 85 quy định là Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ đối với đơn vị thuộc TW, Chủ tịch UBNC cấp tỉnh đối với đơn vị thuộc địa phương



tải về 67.84 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương