1- tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động



tải về 183.87 Kb.
Chuyển đổi dữ liệu04.08.2016
Kích183.87 Kb.
#12923

BỘ LAO ĐỘNG - THƯƠNG BINH VÀ XÃ HỘI

BÁO CÁO

SO SÁNH DỰ THẢO LUẬT AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG VÀ CÁC CÔNG ƯỚC, TIÊU CHUẨN QUỐC TẾ CÓ LIÊN QUAN ĐẾN AN TOÀN, VỆ SINH LAO ĐỘNG



1- Tình hình gia nhập công ước quốc tế về an toàn – vệ sinh lao động

Việt Nam đã gia nhập 21 Công ước của ILO, trong đó 20 công ước đã có hiệu lực thi hành, một công ước sẽ có hiệu lực thi hành vào năm 2015, bao gồm năm Công ước cơ bản (xem thêm danh sách đầy đủ về các Công ước này tại Phụ lục 1). Việt Nam đã gia nhập năm1 trong số tám Công ước cơ bản của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO).2 Các Công ước cơ bản quy định về các nguyên tắc và quyền cơ bản tại nơi làm việc theo đó các nước thành viên có nghĩa vụ tôn trọng, thúc đẩy và thực hiện các nguyên tắc về các quyền cơ bản, cho dù có gia nhập các Công ước liên quan hay không, bao gồm tự do hội họp và thừa nhận một cách hiệu quả quyền thương lượng tập thể.

Báo cáo này đưa ra một số bình luận, so sánh với một số công ước cơ bản liên quan đến an toàn – vệ sinh lao động có liên quan đến dự thảo luật an toàn – vệ sinh lao động mà Việt nam đã gia nhập hoặc chưa gia nhập, bao gồm:


  • Công ước về an toàn, vệ sinh lao động và môi trường lao động năm 1981 (Số 155) (đã gia nhập) và Nghị định thư năm 2002;

  • Công ước về các dịch vụ y tế lao động năm 1985 (Số 161);

  • Công ước về khung chính sách thúc đẩy an toàn, vệ sinh lao động năm 2006 (Số 187) (đã gia nhập);

  • Công ước về thanh tra lao động năm 1947 (Số 81) (đã phê chuẩn) và Nghị định thư năm 1995;

  • Công ước về vệ sinh (trong Thương mại và văn phòng) năm 1964 (Số 120) (đã gia nhập);

  • Công ước số 121 về Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Khuyến nghị 121 năm 1964

  • Công ước về Phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp năm 1958 (số 111) (Công ước cơ bản, đã gia nhập) ;

  • Công ước về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới lòng đất năm 1935 (số 45) (đã gia nhập);

  • Công ước về độ tuổi tối thiểu được làm các công việc dưới lòng đất (số 123) (đã gia nhập);

  • Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930 (số 29) (Công ước cơ bản, đã gia nhập).

2- So sánh với Công ước số 155 và Nghị định thư số 155

Về đối tượng áp dụng, Công ước 155 lưu ý đối tượng áp dụng trong một số ngành như hàng hải, đánh bắt thủy sản nếu việc áp dụng các công ước này sẽ làm nảy sinh những vấn đề riêng có khó khăn đáng kể cho việc áp dụng, đồng thời yêu cầu nói rõ lý do loại trừ. So sánh với dự thảo luật cho thấy cần chỉ rõ những điều luật không bắt buộc áp dụng với một số ngành, ví dụ như việc đo kiểm môi trường lao động định kỳ theo quy định tại khoản 2 Điều 12 của dự thảo luật là khó khả thi trên các tàu đánh cá, trong các trang trại có quy mô nhỏ, trong các hộ gia đình nơi người giúp việc làm việc, trong trường hợp người lao động mang việc về nhà làm.

Dự thảo Luật đã đề cập tới các chính sách của nhà nước về ATVSLĐ qui định tại Điều 4 trong đó thể hiện bảo vệ quyền của người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn; định hướng của Nhà nước trong đầu tư, nghiên cứu khoa học, hỗ trợ phát triển cơ sở sản xuất dụng cụ, thiết bị ATVSLĐ, phương tiện bảo vệ cá nhân. Điều 4(2) của Công ước số 155 quy định “Chính sách nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động nhằm phòng ngừa tai nạn lao động và những tổn hại cho sức khỏe, phát sinh từ công việc, có liên quan tới công việc hoặc trong khi tiến hành công việc, bằng cách giảm thiểu đến mức thấp nhất, trong điều kiện thực tế cho phép, những nguyên nhân rủi ro vốn có tại môi trường làm việc”. Quy định phòng ngừa được thể hiện quan khoản 2 Điều 5 của Dự thảo “ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại.”; Quy định tại khoản 5 Điều 25 Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động “Nội dung, chương trình huấn luyện phải bảo đảm giúp người huấn luyện có đủ kiến thức và kỹ năng về an toàn, vệ sinh lao động cần thiết cho công việc, nâng cao khả năng phòng chống tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và xử lý các trường hợp khẩn cấp.” Chính sách của Nhà nước trong khoản 1 Điều 4 Dự thảo luật cần cân nhắc đến “phòng ngừa tai nạn lao động và các tổn hại cho sức khỏe phát sinh từ công việc, liên quan đến công việc theo điều kiện thực tế cho phép” như vậy sẽ bảo vệ được cả các ảnh hưởng đối với cộng đồng, không đơn thuần chỉ bảo vệ quyền làm việc cho người lao động được làm việc trong điều kiện đảm bảo an toàn. Xét đến “điều kiện thực tế cho phép”, thông thường các quy định về thông số vệ sinh (thông gió, chiếu sáng, ồn, rung, bức xạ…) do Bộ Y tế ban hành thường được xét trên điều kiện thực tế cho phép theo quy định tại khoản 2 Điều 12 Dự thảo. Nhằm đảm bảo sự linh hoạt, việc hỗ trợ phát triển các cơ sở sản xuất dụng cụ an toàn được cân nhắc trên tình hình thực tế và được hướng dẫn tại văn bản dưới luật khi cần thiết theo nguyên tắc đã đề ra khoản 3 Điều 4 “Hỗ trợ vay vốn ưu đãi, giảm thuế đối với việc sản xuất dụng cụ, thiết bị an toàn lao động, vệ sinh lao động, phương tiện bảo vệ cá nhân.”

Để nhắm đến việc phòng ngừa, Điều 5 Công ước đề cập đến chính sách cần phải xem xét đề cập đến những lĩnh vực chủ yếu có ảnh hưởng đến an toàn, vệ sinh lao động và môi trường làm việc. Khoản 1 Điều 5 Công ước yêu cầu xem xét để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động “Từ thiết kế, thử nghiệm, lựa chọn, thay thế, lắp đặt, bố trí sử dụng, bảo dưỡng các yếu tố vật chất của công việc (nơi làm việc, môi trường lao động, dụng cụ, máy, thiết bị, các chất và các tác nhân hóa học, vật lý, sinh học, các quy trình lao động)”. Điều 5 của Dự thảo Luật đã thể hiện “1. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất. 2. Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động phải được thực hiện trong suốt quá trình lao động; ưu tiên các biện pháp phòng ngừa, loại trừ, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại”. Như vậy, có thể hiểu các bên liên quan như thiết kế, thử nghiệm, lựa chon, thay thế… đều có liên quan và phải tôn trọng, tuân thủ các nguyên tắc an toàn, vệ sinh lao động và nguyên tắc phòng ngừa luôn phải được chú ý thực hiện. Điều 11 dự thảo luật đề cập đến các biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh loa động mà người sử dụng lao động phải thực hiện; các thông tin an toàn, vệ sinh lao động được cung cấp kèm theo sản phẩm hàng hóa tại Điểm a khoản 1 Điều 8, khoản 2 Điều 23. Tuy nhiên, tại Việt Nam, việc thiết kế, thử nghiệm, lựa chọn được yêu cầu trong các luật khác nhau như: Luật tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật, Luật chất lượng hàng hóa, Luật Xây dựng, Luật Điện lực, Luật phòng cháy chữa cháy…

Để đảm bảo an toàn, vệ sinh lao động thì phải dùng nhiều biện pháp để đạt được các yêu cầu nêu cụ thể tại các điểm a, b, c, d khoản 2 Điều 11, không đơn thuần chỉ là các biện pháp kỹ thuật. Điều này thể hiện qua Điều 17 Phương tiện bảo vệ cá nhân, Điều 18 Bồi dưỡng bằng hiện vật, Điều 19 Thời giờ làm việc…

Tại Điều 10 Dự thảo luật đã đề cập đến trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc xây dựng nội quy, quy trình nhưng cần quy định căn cứ thêm các nguồn thông tin khác như văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, tài liệu hướng dẫn chuyên môn, kỹ thuật khác.

Các nội dung quy định tại Điều 5 c, d và Điều 14 của Công ước đã được thể hiện qua Mục 3 Chương II của Dự thảo luật về thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Nội dung quy định tại Điều 11đ của Công ước về các biện pháp bảo vệ người lao động khỏi bị xử lý kỷ luật do các hoạt động mà họ tiến hành một cách thích đáng theo đúng chính sách đã nêu trong Điều 4 Công ước; quy định tại Điều 13 của Công ước khi người lao động tự mình rời bỏ nơi làm việc, với những lý do hợp lệ chứng minh được rằng nơi đó có một mối nguy hiểm sắp xảy ra, đe doạ nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe mình được thể qua điểm b khoản 1 Điều 7 của Dự thảo luật. Điểm b khoản 1 Điều 7 Dự thảo quy định quyền từ chối hoặc rời bỏ nơi làm việc khi thấy rõ nguy cơ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, do vậy cần cân nhắc việc sử dụng cụm từ thể hiện trách nhiệm “chứng minh mối nguy hiểm” thay cho cụm từ “thấy rõ nguy cơ xảy ra tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp”.

Theo quy định tại Điều 11b Công ước phải xác định các quá trình sản xuất, các chất và các tác nhân nguy hiểm mà việc tiếp xúc phải bị ngăn cấm, bị hạn chế, phải xin phép hoặc chịu sự kiểm soát của một hoặc nhiều nhà chức trách có thẩm quyền. Mục 4 Chương II đề cập đến việc quản lý một số máy thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn – vệ sinh lao động. Điều 26 Dự thảo luật giao Chính phủ quy định về trách nhiệm quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, Cơ quan thuộc Chính phủ về các loại máy, thiết bị, vật tư có yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động.

Điều 5 của Công ước yêu cầu những nội hàm cơ bản các lĩnh vực chính sách cần xem xét đến để thực hiện chính sách của Nhà nước và cần phải làm rõ chức năng, trách nhiệm và thẩm quyền trong thực hiện chính sách này của các cơ quan nhà nước, người sử dụng lao động, người lao động theo tính chất bổ sung giữa các bên. Vấn đề này được thể hiện tại khoản 1 Điều 5 nguyên tắc bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động “ Bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động là quyền và nghĩa vụ của người sử dụng lao động, người lao động và mọi cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến lao động, sản xuất.” Ngoài ra, Dự thảo còn có một số điều khoản thể hiện rõ quy định có tính chất bổ sung giữa các bên như quyền, nghĩa vụ của các bệnh liên quan, phương tiện bảo vệ cá nhân; khai báo, điều tra, thống kê, báo cáo tai nạn lao động tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp, tuân thủ nội quy, quy trình tại nơi làm việc, kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc. Tuy nhiên, một số điều khoản khác chưa làm rõ tính chất bổ sung từ phía người lao động, ví dụ:

(1) Chưa quy định nghĩa vụ người lao động phải tham gia khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 20 Dự thảo luật;

(2) Người lao động thực hiện hoặc chấp hành yêu cầu điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng lao động Điều 21 Dự thảo luật;

(3) Điều 25 chưa quy định trách nhiệm, nghĩa vụ của người lao động trong việc phải tham dự huấn luyện; Tuy nhiên khoản 5 Điều này lại quy định người sử dụng lao động không được giao nhiệm vụ cho người lao động nếu kết quả các bài kiểm tra sau khóa huấn luyện không đạt yêu cầu hoặc không có chứng nhận đã được huấn luyện. Đề nghị cân nhắc bổ sung trách nhiệm của người lao động để họ chủ động tham gia các khóa huấn luyện để có được các kiến thức cần thiết.

(4) Người lao động thực hiện yêu cầu về giám định sức khỏe theo quy định tại khoản 6 Điều 36 Dự thảo luật.

Sự hợp tác giữa các bên trong việc thực hiện công tác an toàn – vệ sinh lao động là cần thiết, đây cũng chính là nội hàm tạo nên văn hóa an toàn. Điều này tiếp tục được nhắc đến tại Điều 20 của Công ước. Việc đưa ra các quy định có tính chất bổ sung về quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các bên là cần thiết.

Các nội dung về hoạt động của hệ thống thanh tra quy định tại Điều 9 của Công ước đã được thể hiện tại Điều 87 thanh tra an toàn, vệ sinh lao động của Dự thảo. Việc quy định các hình thức xử phạt thích đáng đối với trường hợp vi phạm pháp luật được dẫn chiếu tới quy định tai nạn lao động có dấu hiệu tội phạm quy định tại Điều 32 điều tra tai nạn lao động của Dự thảo luật. Bộ luật hình sự, Luật xử phạt vi phạm hành chính và văn bản hướng dẫn dưới luật đã đề cập đến các hình thức xử phạt đối với các hành vi vi phạm pháp luật về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên, việc dẫn chiếu đến pháp luật hình sự và hành chính để thể hiện tính tượng trưng, răn đe trong Dự thảo luật này nên được đề cập lại.

Quy định tại Điều 16 của Công ước được thể hiện qua quy định tại Điều 11 biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 13 Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; Điều 17 Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động.

Về trách nhiệm cộng tác với nhau trong việc thực hiện các yêu cầu của công ước ở nơi có từ 2 cơ sở sản xuất trở lên cùng tham gia hoạt động: Điều 65 của Dự thảo luật thể hiện trách nhiệm phối hợp của các bên tại nơi làm việc có người lao động của nhiều người sử dụng lao động tham gia. Dự thảo chỉ yêu cầu với những nơi có nguy cơ xảy ra tai nạn hoặc gây bệnh tật, cân nhắc quy định với tất cả các nơi có người lao động của từ 2 người sử dụng lao động trở lện.

Về ứng phó với các trường hợp khẩn cấp và các tai nạn, phương tiện cấp cứu quy định tại điều 18 của Công ước: Dự thảo luật đã thể hiện các quy tắc này tại khoản 1 và 2 Điều 14 về xử lý sự cố, ứng cứu khẩn cấp; Điều 77 kế hoạch ứng cứu khấn cấp. Tuy nhiên cần làm rõ nghĩa hơn giữa hai thuật ngữ “phương án” và “kế hoạch” để tránh hiểu nhầm lẫn giữa hai thuật ngữ và nội dung tại văn bản hướng dẫn dưới luật.

Quy định tại điều 19c Công ước: Điều 23 của Dự thảo mở rộng việc cung cấp thông tin đến tất cả người lao động, không chỉ đơn thuần đại điện người sử dụng lao động. Cân nhắc thêm yêu cầu điều kiện không tiết lộ bí mật kinh doanh, công nghệ theo quy định của Công ước cũng như của Bộ luật lao động 2012 đưa vào văn bản hướng dẫn dưới luật.

Quy định tại điều 19d của Công ước về việc người lao động và đại diện của họ phải được đào tạo thích đáng về an toàn, vệ sinh lao động được thể hiện qua các quy định tại Điều 25 của dự thảo luật về huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; điểm c khoản 5 Điều 73.

Quy định tại điều 19đ của Công ước về quyền chất vấn của người lao động và đại diện của họ đối với người sử dụng lao động và được người sử dụng lao động tham khảo ý kiến được thể hiện một phần qua khoản 1 Điều 15 của Dự thảo về phối hợp giữa người sử dụng lao động và đại diện người lao động trong xây dựng cơ chế thúc đẩy người lao động tham gia hoạt động cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hoá an toàn.

Quy định tại Điều 19e của Công ước về trách nhiệm của người lao động trong việc báo cáo, chứng minh về các mối nguy hiểm sắp xảy ra đe dọa nghiêm trọng tính mạng hoặc sức khỏe của mình; người sử dụng lao động không được phép yêu cầu người lao động phải trở lại hiện trường khi vẫn đang còn có mối nguy hiểm: Dự thảo luật đã thể hiện qua điểm b khoản 1 Điều 7, khoản 2 Điều 14. Tuy nhiên, văn bản dưới luật cần hướng dẫn rõ thêm thế nào là “thấy rõ” để làm rõ trách nhiệm “chứng minh mối nguy hiểm” của người lao động.

Quy định tại điều 21của Công ước: người lao động không phải chịu bất kỳ chi phí nào về các biện pháp bảo đảm an toàn, vệ sinh lao động: Dự thảo đề cập đến các chi phí do người sử dụng lao động chịu trách nhiệm chi trả ở một số điều khoản như: Điểm b, khoản 3, Điều 17 phương tiện bảo vệ cá nhân; điểm d khoản 2 Điều 18 Bồi dưỡng hiện vật; Điều 36 trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Chi phí ở các nội dung khác được thể hiện gián tiếp và được thể hiện ở văn bản hướng dẫn dưới luật. Cân nhắc bổ sung quy định mọi chi phí thực hiện các biện pháp an toàn, vệ sinh lao động do người sử dụng lao động chịu tại văn bản hướng dẫn dưới luật.

Điều 19d của công ước được thể hiện qua Điều 23 thông tin, tuyên truyền, giáo dục về an toàn, vệ sinh lao động, Điều 25 Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động của Dự thảo Luật.

Nghị định thư số 155 yêu cầu việc xác lập các thủ tục theo dõi, khai báo tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp do người sử dụng lao động tiến hành; các cơ quan bảo hiểm hoặc các cơ quan trực tiếp hữu quan tiến hành và phải có thống kê hàng năm về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Dự thảo luật đã quy định khá đầy đủ tại Mục 1 chương III. Đối với quy định về xuất bản các thông tin theo định kỳ hàng năm về tình hình tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hiện đã được dự thảo luật quy định thực hiện thống kê định kỳ 6 tháng, hàng năm, và thực tế đã được công bố định kỳ 6 tháng, hàng năm; Dự thảo giao các quy định về các thủ tục khai báo, thời hạn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo định kỳ do Chính phủ hướng dẫn. Điều 3 a) iii) của công ước yêu cầu về việc lưu giữ hồ sơ do vậy đề nghị bổ sung thêm nội dung lưu trữ hồ sơ vào hướng dẫn của Chính phủ. Tuy nhiên đề nghị các số liệu thống kê tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp từ cơ quan bảo hiểm xã hội cũng phải được chuyển cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động.



Nghị định thư yêu cầu các số liệu công bố hàng năm phải được thiết lập theo các quy trình phân loại phù hợp với quy trình quốc tế liên quan mới nhất và xây dựng theo mẫu của tổ chức lao động quốc và hoặc các tổ chức quốc tế khác có thẩm quyền. Điều này cần lưu ý đến trong quá trình xây dựng Nghị định hướng dẫn. Ví dụ tiêu chuẩn quốc tế hướng dẫn thống kê tai nạn lao động phải nghỉ việc từ 3 ngày trở lên; Việt Nam thống kê tai nạn lao động phải nghỉ việc từ 1 ngày trở lên.

3- So sánh với Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn, vệ sinh lao động (đã gia nhập, có hiệu lực vào năm 2015)

Về chính sách quốc gia, Công ước 187 yêu cầu trong điều kiện và thực tiễn của quốc gia và tham khảo ý kiến của tác tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động và người lao động, phải tăng cường các nguyên tắc cơ bản như đánh giá rủi ro và nguy cơ nghề nghiệp; phòng trừ các rủi ro và nguy cơ ngay tại nguồn; xây dựng văn hoá quốc gia về an toàn và vệ sinh có tính phòng ngừa bao gồm thông tin, tư vấn và huấn luyện. Các nguyên tắc này được Dự thảo thể hiện tại: Điều 12 về chỉ dẫn, cảnh báo về an toàn, vệ sinh lao động; Điều 13 Kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; Điều 15 về cải thiện điều kiện lao động, xây dựng văn hóa an toàn lao động; Mục 3 Chương II về thông tin, tuyên truyền, giáo dục, tư vấn, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động; khoản 5 Điều 40 quy định hỗ trợ phòng ngừa, chia sẻ rủi ro cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Điều 75 về kế hoạch an toàn , vệ sinh lao động; Điều 76 Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động; Điều 77 Kế hoạch ứng cứu khẩn cấp. Nội dung kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại Điều 13 và đánh giá rủi ro tại Điều 76 Dự thảo luật cần được hướng dẫn rõ thêm tại văn bản hướng dẫn dưới luật.

Theo Công ước, Hệ thống quốc gia của mỗi nước thành viên bao gồm: các văn bản pháp luật, thỏa ước tập thể, văn kiện có liên quan về an toàn, vệ sinh lao động; các cơ quan có thẩm quyền; các cơ chế để đảm bảo việc tuân thủ luật và các qui định của quốc gia, kể cả các hệ thống thanh tra; việc thu xếp, bố trí để tăng cường, ở cấp doanh nghiệp, sự hợp tác giữa bộ phận quản lý, người lao động và đại diện của họ như là nhân tố chính của các biện pháp phòng ngừa liên quan đến nơi làm việc. Ngoài ra hệ thống quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động theo quy định của Công ước cần bao gồm: Hội đồng hoặc các hội đồng tư vấn 3 bên cấp quốc gia; Các dịch vụ thông tin và tư vấn về an toàn và vệ sinh lao động; Cung cấp huấn luyện về an toàn và vệ sinh lao động; Dịch vụ về y tế lao động; Nghiên cứu an toàn và vệ sinh lao động; Cơ chế về thu thập và phân tích các dữ liệu tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp, sử dụng các văn kiện có liên quan của Tổ chức Lao động quốc tế; sự hợp tác với các hệ thống bảo hiểm hoặc an sinh xã hội có liên quan bảo hiểm tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp; Các cơ chế hỗ trợ cho việc cải thiện không ngừng điều kiện an toàn và vệ sinh lao động ở cấp doanh nghiệp và trong khu vực kinh tế không chính thức.

Các dịch vụ thông tin và huấn luyện, dự thảo luật thể hiện tại: Điều 82 Nội dung quản lý Nhà nước về an toàn, vệ sinh lao động; Điều 85 cơ sở dữ liệu quốc gia về an toàn, vệ sinh lao động; Điều 23 An toàn , vệ sinh lao động trong giáo dục, dạy nghề; Điều 24 Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động; Điều 25 Huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

Về dịch vụ y tế lao động, dự thảo đã thể hiện tại: Khoản 2 Điều 13 về đo kiểm môi trường lao động; Điều 20 khám sức khỏe, khám phát hiện bệnh nghề nghiệp; Điều 21. Điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng lao động; Quản lý sức khỏe người lao động; Điều 24 Tư vấn an toàn, vệ sinh lao động; Điều 72 Bộ phận y tế; Điều 78 Tổ chức lực lượng cấp cứu. Ngoài ra, đối với việc tổ chức hệ thống y tế còn được quy định cụ thể chủ yếu tại Luật chăm sóc sức khỏe nhân dân và các văn bản hướng dẫn liên quan.

Cơ chế thu thập, thống kê về tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp: Dự thảo luật đã quy định khá đầy đủ tại Mục 1 Chương III về khai báo, thống kê, báo cáo, điều tra sự cố nghiêm trọng, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Điều 81 Thống kê, báo cáo công tác an toàn, vệ sinh lao động. Dự thảo luật giao Chính phủ hướng dẫn các quy định về các thủ tục khai báo, thời hạn khai báo, điều tra, thống kê và báo cáo định kỳ. Để hợp nhất với dữ liệu của hệ thống quốc tế, đề nghị cân nhắc lại chuẩn thống kê tai nạn lao động phải nghỉ việc từ 3 ngày.

Về nghiên cứu khoa học, Dự thảo luật đã đưa ra quy định tại khoản 2 Điều 4; khoản 5 Điều 82. Ngoài ra, tại Việt Nam các hoạt động nghiên cứu khoa học còn phải tuân thủ Luật Khoa học, công nghệ.

Về hội đồng tư vấn quốc gia: Trong thực tế hiện đang tồn tại hội đồng quốc gia về bảo hộ lao động nhưng ở dự thảo luật này không đề cập đến. Tuy nhiên, Điều 89 của dự thảo luật về cơ chế phối hợp về an toàn, vệ sinh lao động thì đều có sự phối hợp, tham vấn giữa các bên liên quan. Đề nghị cân nhắc thêm về Hội đồng quốc gia.

Về cơ chế hỗ trợ cải thiện điều kiện lao động, hợp tác giữa bộ phận quản lý, người lao động và đại diện của họ tại doanh nghiệp, dự thảo luật thể hiện tại một số điều như: Điều 15 quy định về cải thiện điều kiện lao động; Điều 71, Điều 72, Điều 73, Điều 74, điểm d khoản 2 Điều 75 Chương V Những quy định về an toàn, vệ sinh lao động đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh.

Chương trình quốc gia theo yêu cầu của Công ước: các nước thành viên phải xây dựng, thực hiện, kiểm soát, đánh giá và định kỳ xem xét chính sách quốc gia về an toàn và vệ sinh lao động có tham khảo ý kiến của các tổ chức đại diện nhất của người sử dụng lao động và người lao động. Dự thảo luật đã thể hiện một phần yêu cầu này tại Điều 84 chương trình an toàn, vệ sinh lao động. Cơ chế phối hợp để xây dựng chương trình quốc gia đã được đề cập tại khoản 2 điều 89 của Dự thảo.

4- So sánh với Công ước số 81 về thanh tra lao động (đã gia nhập) và Nghị định thư năm1995

Theo quy định của Công ước, thanh tra lao động thực hiện trách nhiệm thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.

Theo quy định tại Điều 87 Dự thảo luật, Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động là lực lượng thanh tra thuộc cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Theo Bộ luật lao động thì thanh tra lao động sẽ được chia thành cấp trung ương (thuộc Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), ở cấp tỉnh (thuộc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội).

Các quy định tại Điều 1 đến Điều 11 của công ước là những nội dung cũng đã được thể hiện trong luật Thanh tra. Thanh tra lao động là công chức nhà nước, được tuyển dụng không phân biệt nam hay nữ. Thanh tra an toàn, vệ sinh lao động phải hoạt động theo quy định của Luật Thanh tra, được đào tạo để thực thi nhiệm vụ. Tuy nhiên, cần cân nhắc nội dung của công tác an toàn, vệ sinh lao động để đưa ra những yêu cầu về tiêu chuẩn đối với thanh tra lao động làm công tác thanh tra an toàn, vệ sinh lao động tại văn bản hướng dẫn dưới luật nếu thấy cần thiết.

Cân nhắc xem xét các điều 12, điều 15, 17,18 của Công ước để đưa ra những quy định mà Luật thanh tra đã quy định luật chuyên ngành quy định. Đề nghị xem xét bổ sung hoạt động mang tính chất đặc thù riêng của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động mà Luật thanh tra và văn bản hướng dẫn Luật thanh tra chưa quy định để quy định vào Dự thảo luật hoặc văn bản hướng dẫn dưới luật nếu cần thiết.

“Điều 12


Các thanh tra viên lao động mang theo những giấy tờ chứng minh về chức vụ của mình sẽ được quyền:

a) Tự do đến mà không phải báo trước, bất kể giờ nào, ngày cũng như đêm, bất cứ cơ sở nào dưới quyền kiểm soát của thanh tra;

b) Vào ban ngày tất cả các phòng ban mà họ có thể có lý do hợp lệ để cho rằng các phòng ban đó thuộc quyền kiểm soát của thanh tra;

c)Tiến hành mọi cuộc xét nghiệm, kiểm tra hoặc điều tra xét thấy cần thiết để bảo đảm rằng các quy định pháp luật được thi hành chặt chẽ, nhất là:

i)Hỏi riêng hoặc trước mặt các nhân chứng, người sử dụng lao động hoặc các nhân viên của cơ sở, về tất cả các vấn đề có liên quan đến việc thi hành những quy định của pháp luật;

ii)Yêu cầu cho xem mọi sổ sách, tài liệu mà trong pháp luật hoặc pháp quy về điều kiện làm việc có quy định phải lập, để kiểm tra xem có phù hợp với những quy định pháp luật không, để sao chép, làm trích lục các sổ sách, tài liệu đó;

iii)Đòi niêm yết thông báo mà pháp luật đã quy định phải niêm yết;

iv)Lấy và mang đi để phân tích các mẫu của các vật liệu và các chất đã sử dụng hoặc thao tác, miễn là người sử dụng lao động hoặc đại diện của người đó được báo cho biết rằng các vật liệu, các chất đã được lấy mang đi vì mục đích đó.

2. Khi đến thanh tra, các thanh tra viên phải thông báo cho người sử dụng lao động hoặc đại diện của người đó biết sự có mặt của mình, trừ khi thanh tra viên cho là việc báo như vậy có thể phương hại đến việc thực hiện nhiệm vụ của họ”.

Điều 15


Trừ phi có những ngoại lệ do pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định, các thanh tra viên lao động:

a). Không được phép có một lợi ích trực tiếp hoặc gián tiếp nào trong các cơ sở đặt dưới sự kiểm soát của mình;

b). Buộc không được tiết lộ, dù là đã thôi việc, những bí mật về chế tạo hay về thương mại hoặc về cách thức khai thác mà mình được biết trong khi thi hành nhiệm vụ; nếu không thì sẽ phải chịu các chế tài hoặc bị thi hành kỷ luật thích đáng;

c). Phải tuyệt đối giữ kín nguồn gốc của mọi khiếu nại báo cho biết một khuyết điểm của thiết bị hay một sự vi phạm những quy định pháp luật, và phải tránh không cho người sử dụng lao động hoặc đại diện của người đó được biết là mình đến thanh tra do có khiếu nại.

Điều 17

1.Những người vi phạm hay lơ là việc tuân thủ các quy định pháp luật mà việc thi hành thuộc trách nhiệm của các thanh tra viên lao động thì sẽ bị truy cứu ngay, không báo trước. Tuy nhiên, pháp luật hoặc quy định quốc gia có thể quy định những ngoại lệ đối với trường hợp cần báo trước để có thể sửa chữa ngay hoặc có những biện pháp phòng ngừa.



2.Các thanh tra viên lao động được tự mình quyết định việc khuyến cáo hay cảnh cáo, thay cho việc khởi kiện hoặc đề nghị truy tố.

Điều 18


Những chế tài thích đáng đối với việc vi phạm các quy định pháp luật mà việc áp dụng được đặt dưới sự kiểm soát của các thanh tra viên lao động và đối với việc gây trở ngại cho các thanh tra viên lao động trong khi thi hành nhiệm vụ, sẽ do pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định và được chấp hành một cách hữu hiệu.”

Điều 14 Công ước quy định Cơ quan thanh tra lao động phải được thông báo về các tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp trong các trường hợp và theo cách thức mà pháp luật hoặc quy định quốc gia quy định. Khoản 3 Điều 29 giao trách nhiệm cho Chính phủ hướng dẫn việc khai báo, điều tra thống kê, báo cáo tai nạn lao động; khoản 3 Điều 33 giao trách nhiệm cho bộ Y tế hướng dẫn thống kê, cáo cáo định kỳ bệnh nghề nghiệp. Các quy định tại Điều 30, Điều 32 dự thảo liên quan đến báo cáo tai nạn lao động. Cần cân nhắc quy định trực tiếp báo cáo cho thanh tra hay cơ quan quản lý nhà nước về lao động vì có thể làm phát sinh thêm những thủ tục nhất định trong thực tế (vừa báo cáo cơ quan thanh tra, vừa báo cơ quan quản lý nhà nước lao động); cơ quan thanh tra lao động cần là cơ quan trực tiếp xử lý các thông tin liên quan đến tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và có kiến nghị với cơ quan nhà nước những sửa đổi cần thiết. Thực tế hiện nay các số liệu thống kê luôn được thông báo cho cơ quan thanh tra thuộc cơ quan quản lý nhà nước về lao động. Quy định này nên được cân nhắc làm rõ tại văn bản hướng dẫn dưới luật.

Các yêu cầu về báo cáo hoạt động của thanh tra tại Điều 19, Điều 20, Điều 21 của công ước: Quy tắc về báo cáo kết quả hoạt động thanh tra, thực hiện theo luật thanh tra chung với các mẫu báo cáo do thanh tra lao động quy định. Tuy nhiên, nội dung báo cáo về tai nạn lao động hiện nay do Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội (cấp trên của cơ quan thanh tra); nội dung báo cáo bệnh nghề nghiệp, báo cáo công tác y tế lao động do Bộ Y tế, Trung tâm y tế dự phòng tiến hành công bố.

Ngoại lệ theo quy định tại Điều 29 của Công ước được dự thảo luật quy định tại khoản 2 Điều 87 Thanh tra trong các lĩnh vực phóng xạ, thăm dò và khai thác dầu khí, các phương tiện vận tải đường sắt, đường thủy, đường bộ, đường hàng không và các đơn vị thuộc lực lượng vũ trang được giao cho các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực đó thực hiện với sự phối hợp của thanh tra an toàn, vệ sinh lao động.



5 – So sánh với Công ước số 120 Vệ sinh trong thương mại và văn phòng (đã gia nhập)

Công ước quy định tại: Điều 7 “Mọi địa điểm để người lao động sử dụng, cũng như trang thiết bị của các địa điểm đó, phải được gìn giữ tốt và sạch sẽ.” Điều 8 “Mọi địa điểm để người lao động sử dụng phải thoáng đãng tự nhiên hoặc thông gió nhân tạo, hoặc có cả hai điều kiện đó, một cách đủ mức và thích hợp, để đem lại luồng không khí mới hoặc đã được lọc.”; Điều 9 “Mọi địa điểm để người lao động sử dụng phải được chiếu sáng một cách đủ mức và thích hợp; đối với các địa điểm làm việc, việc chiếu sáng phải hết sức cố gắng thực hiện bằng ánh sáng tự nhiên.” Điều 10 “Tại mọi địa điểm để người lao động sử dụng, phải duy trì được một nhiệt độ hết sức thoải mái và ổn định xét theo hoàn cảnh.”; Điều 11 “Mọi địa điểm làm việc, cũng như các vị trí làm việc, đều phải được bố trí để tránh cho sức khoẻ của người lao động mọi sự tác động có hại.” Các nội dung yêu cầu từ điều 8 đến Điều 11 của công ước được thể hiện tại khoản 2 Điều 10 của Dự thảo luật. Quy định tại các điểm a, b, c, d của khoản 2 Điều 11 phải trở thành yêu cầu đích do người sử dụng lao động thực hiện bằng nhiều biện pháp khác nhau, không chỉ đơn thuần là biện pháp kỹ thuật.

Công ước quy định tại: Điều 12 “Phải có đủ số lượng nước uống được, hoặc một loại đồ uống tinh khiết khác cho người lao động sử dụng.”; Điều 13 “Phải trù liệu đủ tiện nghi tắm rửa và nhà tiêu thích hợp và các tiện nghi này phải được giữ gìn tốt và sạch sẽ.”; Điều 14 “Phải có đủ chỗ ngồi thích hợp cho người lao động và họ phải có khả năng được sử dụng các chỗ ngồi đó, trong chừng mực vừa phải.” Điều 15 “Phải trù liệu và giữ gìn tốt, sạch sẽ những tiện nghi thích hợp để người lao động có thể thay áo quần, cất giữ và hong phơi những áo quần mà họ không mặc trong khi làm việc.”; Điều 16 “Những địa điểm dưới mặt đất và những địa điểm không có cửa sổ mà bình thường đang tiến hành công việc thì đều phải đáp ứng những tiêu chuẩn vệ sinh thích đáng.”. Những quy định này hiện được thể hiện chi tiết tại các văn bản dưới luật hướng dẫn Bộ luật lao động và những văn bản pháp luật khác (quy chuẩn xây dựng…).

Các quy định của Công ước tại: Điều 17 “Phải có những biện pháp thích ứng và thiết thực để bảo vệ cho người lao động khỏi bị tác động do các chất và các phương pháp sản xuất bất tiện, có hại, độc hoặc nguy hiểm, bất kỳ vì lý do gì. Nếu tính chất công việc đòi hỏi thì cơ quan có thẩm quyền phải quy định việc sử dụng những trang, thiết bị bảo vệ cá nhân.”; Điều 18 “Những tình trạng ồn, rung có thể gây tác hại cho người lao động đều phải được giảm thiểu bằng những biện pháp thích ứng và thiết thực.”. Những nội dung này được thể hiện trong Dự thảo luật tại: Điều 17 Phương tiện bảo vệ cá nhân trong lao động; Điều 11 Biện pháp kỹ thuật an toàn, vệ sinh lao động; Điều 13 kiểm soát các yếu tố nguy hiểm, có hại tại nơi làm việc; Điều 76. Đánh giá rủi ro về an toàn, vệ sinh lao động. Tuy nhiên cần xem xét đến tính thiết thực mà Điều 18 của Công ước đã đề cập để đưa vào văn bản hướng dẫn dưới luật.

Điều 19 yêu cầu “Bất cứ cơ sở, thể chế, cơ quan quản lý hoặc đơn vị nào thuộc phạm vi áp dụng của Công ước này đều phải, tuỳ theo tầm quan trọng và tuỳ theo những sự bất trắc đã lượng định: a). Có bệnh xá riêng hoặc trạm sơ cứu riêng; b). Hoặc có một bệnh xá hoặc một trạm sơ cứu chung với những cơ sở, thể chế, cơ quan quản lý hoặc đơn vị khác; c). Hoặc có một hay nhiều tủ, hộp hoặc túi đựng thuốc sơ cứu.”. Yêu cầu này được thể hiện tại khoản 1 Điều 13 về trang bị phương tiện kỹ thuật bảo đảm ứng cứu, sơ cứu; Điều 72 bộ phận y tế (chỉ áp dụng đối với cơ sở sản xuất, kinh doanh). Đề nghị cân nhắc bộ phận y tế áp dụng chung đối với các cơ sở, văn phòng theo quy mô sử dụng lao động tại các văn bản hướng dẫn dưới luật.

6- So sánh với Công ước số 121 về Trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và Khuyến nghị 121

Điều 7 của Công ước quy định: “Mỗi nước thành viên phải đưa ra định nghĩa về “tai nạn lao động”, trong đó nêu các điều kiện để tai nạn giao thông được coi là tai nạn lao động; Tai nạn giao thông được đưa vào bảo hiểm xã hội chứ không phải trợ cấp tai nạn lao động, và trợ cấp tai nạn giao thông trong bảo hiểm xã hội tương đương với mức quy định trong công ước này thì không cần quy định về tai nạn giao thông trong định nghĩa tai nạn lao động.”

Ngoài ra mục 5 của Khuyến nghị 121 cũng quy định “ Các Nước thành viên, theo những điều kiện luật định, cần coi những trường hợp sau đây là tai nạn lao động:

a) tai nạn, bất kể vì nguyên nhân gì, xảy ra trong thời gian làm việc, tại hoặc gần nơi làm việc hoặc tại bất kỳ nơi nào mà người lao động tới vì công việc;

b) tai nạn xảy ra trong khoảng thời gian nhất định trước và sau giờ làm việc liên quan tới việc đi lại, lau dọn, chuẩn bị, đảm bảo an ninh, bảo quản, lưu trữ và đóng gói các công cụ lao động hoặc quần áo bảo hộ;

c) tai nạn xảy ra ngay trên đường giữa nơi làm việc và:

i) nơi ở chính hoặc phụ của người lao động; hoặc

ii) nơi người lao động dùng bữa;

iii) nơi người lao động nhận tiền công.”

Định nghĩa tai nạn lao động đã được quy định tại khoản 1 Điều 29 của Dự thảo luật. Ngoài ra, những trường hợp đặc biệt được hưởng chế độ tai nạn lao động được quy định tại Điều 36 dự thảo, trong đó có tai nạn giao thông. Những trường hợp bị tai nạn lao động và tai nạn (trong đó có tai nạn giao thông) theo quy định tại khoản 1,2 Điều 37 của dự thảo đều được hưởng chế độ từ Quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp theo quy định tại Điều 44 của Dự thảo. Một số trường hợp được hưởng chế độ tai nạn lao động tại điều 37 cần phải được thống nhất với định nghĩa tai nạn lao động theo quy định tại Dự thảo và quy định tại mục 5 của Khuyến nghị.

Điều 8 của Công ước yêu cầu quốc gia thành viên phải đưa ra một định nghĩa chung về bệnh nghề nghiệp.

Mục 6 của khuyến nghị yêu cầu “1) Các Nước thành viên, theo điều kiện luật định, cần coi các căn bệnh mắc phải do tiếp xúc với hoá chất hoặc điều kiện lao động nguy hiểm trong các quy trình sản xuất, kinh doanh hoặc công việc là bệnh nghề nghiệp.”

Dự thảo luật đã thể hiện định nghĩa bệnh nghề nghiệp tại khoản 1 Điều 34. Khi triển khai, Danh mục bệnh nghề nghiệp do Bộ Y tế ban hành nên có sự thừa nhận theo Bảng I của Công ước. Ngoài ra, cần chú ý đến việc khám và thực hiện chế độ bệnh nghề nghiệp cho những người sau khi nghỉ hưu nhưng mới khẳng định được hoặc có bằng chứng rõ ràng về mắc bệnh nghề nghiệp. Đồng thời, phải cân nhắc đến những lý do năng lực khám phát hiện bệnh nghề nghiệp của hệ thống y tế còn hạn chế.

Điều 9 của Công ước quy định quyền được hưởng trợ cấp không phụ thuộc vào thời gian làm việc, thời gian đóng bảo hiểm hay việc đóng bảo hiểm với điều kiện các bệnh nghề nghiệp có quy định thời gian làm việc có thể dẫn tới mắc bệnh. Các chế độ trợ cấp tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp quy định tại Mục 3 Chương III của Dự thảo được tính trên cơ sở thương tật của người lao động, không tính dựa vào thời gian làm việc. Tuy nhiên, mức hưởng có tính điều chỉnh một phần dựa vào số năm đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại điểm b khoản 2 Điều 46 của Dự thảo. Tại điểm c khoản 2 Điều 60 của Dự thảo đề cập chia sẻ rủi ro trong các trường hợp tai nạn lao động đặc biệt cần phải được làm rõ là những trường hợp nào tại văn bản hướng dẫn dưới luật để đảm bảo sự công bằng chung cho tất cả các trường hợp.

Điều 10 của Công ước quy định việc chăm sóc sức khỏe và các trợ cấp kèm theo cho người có tính trạng sức khỏe yếu cần bao gồm:


  1. khám đa khoa và chuyên khoa tại nội trú và ngoại trú, bao gồm thăm bệnh tại nhà;

  2. khám nha khoa;

  3. chăm sóc tại nhà, bệnh viện hoặc tại các cơ sở y tế khác;

  4. phục hồi sức khỏe tại bệnh viện, tại nhà, các cơ sở dưỡng bệnh và y tế khác;

  5. cung cấp thuốc men và trang thiết bị nha khoa, dược, và y tế khác, kể cả việc sửa chữa và làm mới chân tay giả và kính mắt khi cần thiết;

  6. dịch vụ chăm sóc do những người làm nghề khác nhưng luôn được pháp luật thừa nhận là có gắn với nghề y và được thực hiện với sự giám sát của một bác sĩ hoặc nha sĩ; và

  7. các việc chữa trị tại nơi làm việc, bất cứ nơi nào có thể :

  • cấp cứu cho người bị tai nạn nghiêm trọng;

  • chữa trị cho những người bị thương nhẹ và không phải nghỉ việc.

Dự thảo luật thể hiện những quy định liên quan đến Điều 10 của Công ước qua các điều khoản sau: Điều 21 Điều dưỡng sức khỏe, phục hồi chức năng lao động; Điều 36 Trách nhiệm của người sử dụng lao động đối với người lao động bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Điều 50 Phương tiện trợ giúp sinh hoạt, dụng cụ chỉnh hình; Điều 51 Trợ cấp phục vụ; Điều 53 Điều dưỡng, phục hồi sức khỏe sau khi điều trị thương tật, bệnh tật. Ngoài ra việc chăm sóc sức khỏe cho người bị tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp còn được quy định tại Luật bảo hiểm y tế và Luật sửa đổi, bổ sung Luật bảo hiểm y tế năm 2014 theo gói dịch vụ y tế cơ bản.

Điều 14 của Công ước quy định về trả trợ cấp một lần, định kỳ như sau: “1.Trợ cấp bằng tiền mặt cho những người có thể mất vĩnh viễn khả năng lao động tạo thu nhập hoặc mất một khả năng nào đó có thể cấp cho mọi đối tượng kể cả những người bị thương tật nghiêm trọng hơn mức đã quy định và ngay khi kết thúc thời gian hưởng trợ cấp theo Điều 12 mà vẫn chưa hồi phục khả năng bị tổn thương.

2. Trong trường hợp có thể mất vĩnh viễn toàn bộ khả năng lao động tạo thu nhập, trợ cấp sẽ được trả định kì và được tính cho phù hợp với quy định tại Điều 19 hoặc Điều 20.

3. Trường hợp mất vĩnh viễn phần lớn khả năng lao động tạo thu nhập trên mức quy định trong luật hoặc mới mất một khả năng nào đó thì trợ cấp được trả định kì và bằng một phần phù hợp trong số trợ cấp nêu tại đoạn 2 Điều này.

4. Trong trường hợp mất vĩnh viễn một phần khả năng lao động tạo thu nhập mặc dù không lớn nhưng ở mức độ vượt quá mức quy định đề cập trong khoản 1 của Điều này hoặc mất một khả năng nào đó thì trợ cấp bằng tiền mặt được trả một lần.”

Khuyến nghị 121 quy định trường hợp có mức độ suy giảm khả năng lao động từ 25% trở lên trả trợ cấp định kỳ; dưới 25% trả trợ cấp một lần.

Kế thừa từ Bộ luật lao động và Luật bảo hiểm xã hội, Dự thảo luật quy định những trưởng hợp bị suy giảm khả năng lao động từ 5-30% được hưởng trợ cấp một lần; các trường hợp có mức suy giảm từ 31% trở lên được hưởng trợ cấp hàng tháng. Mức trợ cấp một lần, hàng tháng được tính theo tủy lệ suy giảm khả năng lao động, có tính thêm số năm đóng bảo hiểm. Đề nghị cân nhắc quy định người bị suy giảm khả năng lao động từ 25% trở lên được nhận trợ cấp định kỳ.

Điều 26 của Công ước quy định trong luật định các Nước thành viên phải “ b) cung cấp dịch vụ phục hồi chức năng để giúp người tàn tật trở lại công việc trước đây, hoặc nếu không thể thì làm một công việc có thu nhập và phù hợp nhất với khả năng và nguyện vọng của người đó; và c) tiến hành các biện pháp để bố trí người tàn tật làm việc trong những vị trí phù hợp nhất.” Hệ thống dịch vụ phục hồi chức năng thuộc hệ thống y tế được điều chỉnh theo Luật chăm sóc sức khỏe nhân và Luật bảo hiểm y tế nên không được đề cập đến trong Dự thảo. Tuy nhiên, Dự thảo luật cũng đề cập đến trách nhiệm của người sử dụng lao động trong việc điều dưỡng, phục hồi chức năng lao động tại Điều 21.

7- So sánh với Công ước số 111 Phân biệt đối xử về việc làm và nghề nghiệp (đã gia nhập); Công ước số 45 về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới lòng đất năm 1935 (đã gia nhập); Công ước số 123 về độ tuổi tối thiểu được làm các công việc dưới lòng đất (đã gia nhập); Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930 (Đã gia nhập)

Các quy định trong dự thảo luật đã mang tính trung lập về giới để tránh những hành vi mang tính phân biệt đối xử, và đảm bảo sự bình đẳng trong tiếp cận và áp dụng luật dựa trên cơ sở khoa học và thực tiễn. Quy định khác biệt duy nhất về nữ được quy định tại: khoản 4 Điều 20 của Dự thảo về khám chuyên khoa phụ sản cho lao động nữ ; điểm đ khoản 3 Điều 74 tỷ lệ thành viên nữ trong Hội đồng bảo hộ lao động tùy theo đặc điểm, điều kiện thực tế trong cơ sở. Những quy định riêng khác đối với lao động nữ được dẫn chiếu tới Bộ Luật lao động hiện hành (Điều 62 của Dự thảo luật dẫn chiếu đến). Nguyên tắc tự do lựa chọn nghề nghiệp và phân bố tự nhiên của quần thể lao động trong Dự thảo luôn được tôn trọng.

Tuy nhiên, xin nhấn mạnh khoản 2 Điều 1 của công ước số 111 quy định: “Mọi sự phân biệt, loại trừ hoặc ưu đãi thuộc một công việc nhất định và căn cứ trên những đòi hỏi vốn có của công việc đó thì không bị coi là phân biệt đối xử”.

Quy định về độ tuổi tối thiểu được làm các công việc dưới lòng đất tại Công ước 123 được thể hiện trong văn bản dưới luật hướng dẫn Bộ luật lao động 2012 (Điều 62 của Dự thảo luật dẫn chiếu đến).

Quy định về trọng lượng mang vác tối đa và hành trình mang vác theo yêu cầu tại Công ước số 29 về lao động cưỡng bức cũng được thể hiện tại một số văn bản hướng dẫn dưới luật của Bộ luật lao động.

Quy định về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới lòng đất tại Công ước 45 được quy định tại Bộ luật lao động và văn bản hướng dẫn bộ luật lao động (Điều 62 của Dự thảo luật dẫn chiếu đến).



freeform 50


1 Công ước về lao động cưỡng bức năm 1930 (Số 29); Công ước về tiền lương bình đẳng năm 1949 (Số 100); Công ước về phân biệt đối xử (Việc làm và nghề nghiệp) năm 1958 (Số 111); Công ước về độ tuổi tối thiểu năm 1973 (Số 138) và Công ước về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999 (Số 182).

2 Ba Công ước cơ bản của ILO chưa được Việt Nam phê chuẩn bao gồm Công ước về xóa bỏ lao động cưỡng bức năm 1957 (Số 105); Công ước về tự do hội họp và quyền tổ chức năm 1948 (Số 87); và Công ước về quyền tổ chức và thương lượng tập thể năm 1949 (Số 98).

group 101Phụ lục 1. Danh mục các Công ước do Chính phủ Việt Nam phê chuẩn




group 104freeform 107Việt Nam đã phê chuẩn 20 Công ước đang có hiệu lực áp dụng. Việt Nam là thành viên của ILOfreeform 116freeform 117freeform 118freeform 122freeform 123freeform 127freeform 128 từ 1950 đến năm 1976, 1980 đến năm 1985 và từ năm1992 đến nay.





Các Công ước cơ bản

Thời gian

Tình trạng




Công ước số 29 về lao động cưỡng bức năm 1930

05/03/2007

Đang có hiệu lực




Công ước số 100 –Bình đẳng trong trả lương năm 1951

07/10/1997

Đang có hiệu lực




Công ước số 111 – Phân biệt đối xử (Về việc làm và nghề nghiệp) năm 1958

07/10/1997

Đang có hiệu lực




Công ước số 138 về tiền lương tối thiểu

24/06/2003

Đang có hiệu lực




Công ước số 182 về các hình thức lao động trẻ em tồi tệ nhất năm 1999

19/12/2000

Đang có hiệu lực




Công ước kỹ thuật

Thời gian

Tình trạng




Công ước số 81 về thanh tra lao động năm 1947

03/10/1994

Đang có hiệu lực




Công ước số 122 về chính sách việc làm năm 1964

11/6/2012

Đang có hiệu lực




Công ước số 144 – Về tham vấn ba bên(tiêu chuẩn lao động quốc tế)

09/6/2008

Đang có hiệu lực




năm 1976










Công ước số 005 về độ tuổi tối thiểu (trong công nghiệp) năm 1919

(Tự động bị bãi bỏ bởi Công ước số 138 ngày 24 tháng 6 năm 2004)



03/10/1994

Chưa có hiệu lực

Công ước số 006 về làm việc ban đêm của lao động chưa thành niên năm 1919

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 014 về ngày nghỉ hàng tuần (trong công nghiệp) năm 1921

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 027 về ghi trọng lượng trên các kiện hàng lớn chở bằng tàu năm 1929 (Packages Transported by Vessels) Convention,

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 045 về sử dụng phụ nữ vào những công việc dưới lòng đất năm 1935

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 080 về sửa đổi các điều khoản cuối cùng năm 1946

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 116 về sửa đổi các điều khoản cuối cùng năm 1961

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 120 về vệ sinh trong thương mại và văn phòng năm 1964

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 123 về độ tuổi tối thiểu được làm các công việc dưới lòng đất

20/2/1995

Đang có hiệu lực

Công ước số 124 về kiểm tra y tế cho lao động trẻ tuổi làm việc dưới lòng đất năm 1965

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước số 155 về an toàn, vệ sinh lao động năm 1981.

03/10/1994

Đang có hiệu lực

Công ước lao động hàng hải năm 2006 phù hợp với tiêu chuẩn an sinh xã hội: chăm sóc y tế; trợ cấp cao tuổi; trợ cấp tai nạn lao động



08/5/2013

Đang có hiệu lực

Công ước 187 về khung chính sách thúc đẩy an toàn – vệ sinh lao động năm 2006


23/1/2014

Có hiệu lực năm 2015




Каталог: DuThao -> Lists -> DT TAILIEU COBAN -> Attachments
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 151 /bc-btp cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Phần thứ nhất ĐÁnh giá TÌnh hình tổ chức thực hiện luật hợp tác xã NĂM 2003
Attachments -> BỘ NÔng nghiệp và phát triển nông thôn cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> Danh mỤc LuẬt/NghỊ đỊnh thư cỦa các quỐc gia/khu vỰc đưỢc tham khẢo trong quá trình xây dỰng DỰ thẢo luật tài nguyên, môi trưỜng biỂn và hẢi đẢo
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> CHÍnh phủ CỘng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BỘ giao thông vận tải cộng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam
Attachments -> BÁo cáo tổng hợp kinh nghiệm nưỚc ngoài a. Nhận xét chung
Attachments -> BỘ TƯ pháp số: 104/bc-btp cộng hoà XÃ HỘi chủ nghĩa việt nam

tải về 183.87 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương