VĂn phòng quốc hội trung tâm Tin học


Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ lao động - TB & XH



tải về 355.93 Kb.
trang3/5
Chuyển đổi dữ liệu30.08.2016
Kích355.93 Kb.
#29309
1   2   3   4   5
Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ lao động - TB & XH

Kính thưa Quốc hội,

Trước hết, tôi xin cảm ơn đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước đã quan tâm đến lĩnh vực của ngành. Trong quá trình tham gia xây dựng cũng như triển khai thực hiện công việc đều được sự góp ý, tham gia của cử tri cả nước, trong đó có đại biểu Quốc hội. Tại kỳ họp này chúng tôi nhận được 4 chất vấn của đại biểu Quốc hội, 22 ý kiến kiến nghị của cử tri, tôi đã trực tiếp trả lời các đại biểu Quốc hội cũng như cử tri những nội dung cử tri nêu. Thực hiện theo chương trình của Quốc hội và sự chỉ đạo của Chính phủ, tôi xin phép được lắng nghe và giải trình những ý kiến tại kỳ họp này Quốc hội nêu.
Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội

Thưa Quốc hội,

Các câu hỏi đại biểu Quốc hội gửi tới đã được Bộ trưởng trả lời, có thể có ít thời gian nên một vài đại biểu Quốc hội đến hôm nay chưa nhận được câu trả lời. Chủ đề chúng ta đặt ra để chất vấn Bộ trưởng Bộ Lao động, thương binh và xã hội tập trung vào giải quyết việc làm, đào tạo nghề, kể cả việc làm cho lao động nông thôn là việc hết sức hệ trọng và việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số, mục đích là để giảm nghèo thì cần phải có việc làm. Đi theo việc làm trong nước thì có vấn đề xuất khẩu lao động, những vấn đề đặt ra đối với việc xuất khẩu lao động, hiện nay có thể nói cũng có nhiều lao động xuất khẩu có phép, có tổ chức, cũng có nhiều lao động tự xuất khẩu cho nên cũng gây ra tình hình không tốt cho công tác đối ngoại liên quan đến công tác quản lý của Bộ.

Vấn đề thứ hai, liên quan đến chính sách người có công, có nhiều đối tượng thụ hưởng, đây là một chính sách nhất quán, chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta được triển khai cho đến nay cũng còn có một số tồn tại, một số vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện.

Đó là những chủ đề chính, ngoài ra các vị đại biểu Quốc hội cũng có thể quan tâm tới một số vấn đề khác. Bây giờ tôi xin kính mời các vị đại biểu Quốc hội lần lượt đặt câu hỏi. Tôi cũng xin lưu ý các vị đại biểu, xin các vị nói rõ và nói gần máy để Bộ trưởng có thể ghi chép kịp.

Trần Quốc Tuấn - Trà Vinh

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi cùng rất nhiều cử tri đánh giá rất cao sự đóng góp của ngành lao động, thương binh và xã hội trong phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trong phiên chất vấn này tôi xin phép được gửi đến Bộ trưởng 2 câu hỏi như sau.

Câu thứ nhất, về khai thác hiệu quả nguồn lực đầu tư trong công tác dạy nghề.

Kính thưa Bộ trưởng, thời gian qua Đảng và Nhà nước rất quan tâm đến lĩnh vực dạy nghề, giải quyết việc làm cho người lao động, nhiều chương trình, dự án đã được triển khai, nhiều cơ sở vật chất, trang thiết bị được đầu tư cho các trường nghề tại các địa phương. Tuy nhiên hiện nay các nguồn lực này đang bộc lộ những hạn chế, bất cập, không phát huy được hiệu quả và có nguy cơ lãng phí chỉ với một lý do duy nhất là có trường, có thầy nhưng lại thiếu trò. Một trong những nguyên nhân dẫn đến hậu quả trên là vì tay nghề của các học viên sau khi được đào tạo không đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, người sử dụng lao động. Mặc dù đã được học nghề nhưng khi doanh nghiệp nhận vào vẫn phải đào tạo lại nên người học không ham muốn học nghề. Với vai trò là người trực tiếp tham mưu cho Chính phủ trong lĩnh vực này Bộ trưởng có giải pháp gì để vừa khai thác tốt nhất hiệu quả các nguồn lực đầu tư của nhà nước tại các trường nghề. Nhưng cũng vừa đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp trong sử dụng lao động hiện nay.

Câu hỏi thứ hai, về thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề. Kính thưa Bộ trưởng chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động trong lĩnh vực dậy nghề đã được Chính phủ ban hành tại Nghị định 69 ngày 30-5-2008. Nhưng đến nay việc thực hiện xã hội hóa lĩnh vực dạy nghề còn khá mờ nhạt. Xin Bộ trưởng cho biết nguyên nhân do đâu? Với vai trò là người đứng đầu ngành Lao động, Thương binh xã hội, Bộ trưởng sẽ tham mưu cho Chính phủ, chỉ đạo triển khai thực hiện các giải pháp nào để có thể thu hút mạnh các nhà đầu tư thực hiện xã hội hóa công tác dạy nghề nhằm góp phần giảm bớt gánh nặng cho ngân sách quốc gia hiện nay. Xin cảm ơn Bộ trương, xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Minh Lâm - Long An

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi xin gửi đến Bộ trưởng một câu hỏi đang được cử tri quan tâm như sau:

Trong thời gian qua, công tác đào tạo lao động nông nghiệp, nông thôn hiệu quả chưa cao, phần lớn đào tạo nâng cao tay nghề chưa thực sự để giải quyết việc làm mới. Đào tạo nghề chưa phù hợp với nhu cầu xã hội, cơ sở vật chất xây dựng thiếu tập trung, chưa tương xứng với số lượng người học gây lãng phí. Công tác quản lý lao động tự do tại các tỉnh biên giới, lao động phổ thông người nước ngoài còn buông lỏng. Trách nhiệm của Bộ trưởng đối với vấn đề trên như thế nào ? Bộ trưởng có giải pháp gì trong thời gian tới để giải quyết những hạn chế trên ? Xin cảm ơn Quốc hội, cảm ơn Bộ trưởng.
Nguyễn Văn Tuyết - Bà Rịa - Vũng Tàu

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi xin gửi đến Bộ trưởng 2 câu hỏi:

Thứ nhất, theo báo cáo điều tra lao động và việc làm của Tổng cục thống kê đến thời điểm 1-1- 2013 cả nước có 1.326.800 người thiếu việc làm và 857.400 người thất nghiệp trong tổng số lực lượng lao động từ 15 tuổi trở lên. Điều đáng quan tâm là có tới 83,3 % số người thiếu việc làm đang sinh sống ở khu vực nông thôn. Xin Bộ trưởng cho biết công tác đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm cho lao động nông thôn còn những bất cập và tồn tại hạn chế gì? Nguyên nhân và những giải pháp khắc phục của Bộ trưởng.

Câu hỏi thứ hai, tại cuộc họp chiều ngày 14-5-2013 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Thứ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội có nói là theo các chuyên gia kinh tế thì lạm phát cũng như suy thoái kinh tế không ảnh hưởng nhiều đến đời sống của người nghèo.

Thưa Bộ trưởng, đây là con đường của Thứ trưởng hay quan điểm của cả Bộ trưởng hay của lãnh đạo Bộ, nếu là quan điểm đúng thì xin Bộ trưởng phân tích rõ thêm vấn đề này và nếu không đúng thì Bộ trưởng sẽ xác định trách nhiệm của mình với tư cách người đứng đầu như thế nào. Xin trân trọng cám ơn Quốc hội, cám ơn Bộ trưởng.
Ly Kiều Vân - Quảng Trị

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi xin gửi đến Bộ trưởng 2 câu hỏi. Câu hỏi thứ nhất đó là vấn đề người Việt Nam làm việc bất hợp pháp tại nước ngoài đang được cử tri quan tâm, trong đó có lao động thuộc 62 huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ, chính quyền địa phương không có thông tin và không quản lý được số lao động này, làm cho việc quản lý lao động ở địa phương gặp khó khăn. Hiện nay Bộ mới đang giải quyết số lao động làm việc ở Ả- rập Xê-út, còn đối với các nước khác Bộ cho rằng đều thực hiện các biện pháp để người lao động được hưởng các quyền và lợi ích hợp pháp, trong khi đó việc xử lý và giải quyết vấn đề này ở các nước là hoàn toàn khác nhau. Xin Bộ trưởng cho biết hướng giải quyết về vấn đề này như thế nào.

Câu hỏi thứ hai, theo Quyết định 71 của Thủ tướng Chính phủ thì chỉ tiêu xuất khẩu lao động giai đoạn 2009 - 2010 thực hiện thí điểm đưa 10 nghìn lao động ở các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2011 - 2015 đưa 50 nghìn lao động của các huyện nghèo đi làm việc ở nước ngoài, giai đoạn 2006 - 2020 tăng 15% tổng số người đi làm việc ở nước ngoài so với giai đoạn 2011 - 2015. Nhưng thực tế, đến nay sau gần 4 năm thực hiện đề án theo thông tin từ Bộ mới chỉ có gần 10 nghìn lao động thuộc huyện nghèo xuất cảnh, có những lao động đã có chứng chỉ học tiếng. Tuy nhiên, họ phải chờ một thời gian khá lâu nhưng vẫn chưa xuất cảnh được, trong lúc đó họ phải vay ngân hàng hàng chục triệu đồng để chi phí cho việc làm thủ tục xuất cảnh và bên cạnh đó có một số lao động về nước trước thời hạn lại gia tăng, tất cả những người lao động này đang phải chịu gánh nặng, họ đã trở thành con nợ của ngân hàng và ngân hàng đang gặp khó khăn, vì không thu được nợ. Xin Bộ trưởng cho biết trách nhiệm này thuộc về ai, với thực tế xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo như hiện nay thì chỉ tiêu đề án đặt ra có đạt được theo như kế hoạch hay không và hướng giải quyết của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào. Xin trân trọng cảm ơn Bộ trưởng.


Nguyễn Thành Tâm - Tây Ninh

Kính thưa Quốc hội,

Kính thưa Bộ trưởng,

Tôi có 2 vấn đề, xin phép được trao đổi. Về đào tạo nghề cho lao động, đã có đại biểu phát biểu trước, tôi chỉ xin đề nghị Bộ trưởng làm rõ thêm là hiện nay về quản lý đào tạo nghề thì có 2 Bộ đang quản lý là Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội và Bộ Giáo dục và Đào tạo dẫn đến tình trạng trùng giẫm trong nội dung quản lý và nó dẫn đến các hệ lụy là việc đầu tư cơ sở vật chất cho đào tạo nghề bị phân tán và cụ thể hiện nay là ở cấp huyện thì vừa đào tạo nghề ở Trung tâm giáo dục thường xuyên, đồng thời là các Trung tâm dạy nghề. Đây là nguy cơ lãng phí rất lớn, trong khi đó người học thì học không nhiều và đầu tư không tới nơi, tới chốn. Cho nên đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm của mình về việc xử lý vấn đề này như thế nào? Trước đây Bộ Giáo dục đào tạo cũng đã đồng ý với chủ trương nên đề nghị thống nhất quản lý đào tạo nghề lại.

Về vấn đề quản lý đào tạo nghề giữa Bộ Giáo dục, đào tạo và Bộ Lao động, thương binh và xã hội thì có trùng giẫm. Hiện nay hai Bộ này đang chỉ đạo triển khai đầu tư Trung tâm Giáo dục thường xuyên cũng như Trung tâm dạy nghề ở cấp huyện và nguy cơ lãng phí ở đây rất lớn. Nên đề nghị Bộ cho ý kiến quan điểm của mình về việc chấn chỉnh việc quản lý đào tạo nó trùng giẫm như thế này?

Vấn đề thứ hai, đề nghị Bộ cho biết định hướng của Bộ trong việc đào tạo nguồn nhân lực phục vụ cho yêu cầu tái cơ cấu nền kinh tế hiện nay như thế nào? Bởi vì tái cơ cấu kinh tế đặt ra rồi nhưng vấn đề tái cơ cấu nguồn nhân lực hiện nay chưa rõ. Với vai trò tham mưu về lĩnh vực nhân lực lao động thì Bộ có giải pháp gì để thực hiện trong ngắn hạn cũng như trong dài hạn?

Vấn đề thứ hai, về chế độ chính sách đối với những người nghỉ hưu, vấn đề này đã đặt ra rất nhiều lần là nhiều người nghỉ hưu trước những năm 1990 do cơ chế tiền lương lúc đó thì hệ số lương rất thấp, cho nên khi về hưu mức lương được hưởng là thấp hơn so với những người về hưu sau này mức lương cao hơn và dẫn đến tình trạng chênh lệch mức thu nhập giữa những người về hưu trước và những người về hưu sau, giai đoạn do hai chính sách khác nhau rất lớn. Cử tri phản ánh rất nhiều về việc này, thời gian qua cũng điều chỉnh nhưng điều chỉnh không căn cơ, bởi vì hệ số lương hưởng đã chênh lệch và mỗi lần điều chỉnh mức lương tối thiểu thì mức chênh lệch ngày càng cao hơn. Do đó với góc độ là cơ quan tham mưu thì Bộ có ý kiến như thế nào về đề nghị của các cử tri, đặc biệt những cử tri lớn tuổi về hưu trước đây trong việc giải quyết bất cập này? Tôi xin hết ý kiến, xin cảm ơn Quốc hội.
Nguyễn Sinh Hùng - Chủ tịch Quốc hội

Bộ trưởng nghe được câu hỏi sau chưa? tức là lương hưu người về trước thì lương hưu thấp, người về sau lương hưu cao, có mâu thuẫn ở trong xã hội, giải thích thế nào?

Xin mời một đại biểu nữa hỏi, đại biểu Bạch Thị Hương Thủy và đại biểu Phương Thị Thanh chuẩn bị.
Bạch Thị Hương Thủy - Hòa Bình

Kính thưa Chủ tọa kỳ họp.

Kính thưa Bộ trưởng.

Trong báo cáo của Ủy ban thường vụ Quốc hội đã được Trưởng ban Dân nguyện trình bày ngày hôm qua. Một lần nữa đời sống khó khăn của đồng bào hậu thủy điện lại được nhắc đến, dự án ổn định và nâng cao đời sống dân cư vùng lòng hồ Sông Đà với mục tiêu tốt đẹp là có cơ sở hạ tầng hoàn thiện, đồng bào được hưởng mức sống ngang bằng với các địa phương khác trong tỉnh, tuy nhiên trải qua hai giai đoạn thực hiện mục tiêu này xem ra còn xa vời. Hiện nay dân số ngày càng tăng, đất ở, đất sản xuất không còn, sức ép về việc làm đè nặng lên mỗi gia đình và các cấp chính quyền. Tôi xin hỏi Bộ trưởng trong thời gian tới, Bộ trưởng có giải pháp gì để hỗ trợ việc làm cho lao động ở vùng nông thôn nói chung và đồng bào vùng tái định cư thủy điện khi nhà nước thu hồi đất.

Xin cảm ơn Bộ trưởng.
Phương Thị Thanh - Bắc Kạn

Kính thưa Quốc hội, kính thưa Bộ trưởng

Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Ưu đãi người có công đã có hiệu lực từ ngày 01/9/2012, Chính phủ đã ban hành Nghị định 31, nhưng đến nay Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội chưa ban hành văn bản hướng dẫn về quy trình xác định trình tự, thủ tục, hồ sơ xác định người bị nhiễm chất độc hóa học và các địa phương thì đang rất trông chờ ở văn bản hướng dẫn của Bộ. Xin được hỏi Bộ trưởng, trách nhiệm của Bộ trưởng về việc chậm ban hành văn bản hướng dẫn nêu trên.

Thứ hai, hướng giải quyết của Bộ đối với các trường hợp người bị nhiễm chất độc hóa học bị thất lạc hồ sơ, hoặc hồ sơ bị cháy do lỗi của cơ quan có thẩm quyền hoặc là các trường hợp không còn giấy tờ gốc chứng minh thời gian tham gia kháng chiến ở vùng quân đội Mỹ sử dụng chất độc hóa học vì đơn vị cũ đã giải thể.

Xin trân trọng cảm ơn.
(Nghỉ giải lao).
Phạm Thị Hải Chuyền - Bộ trưởng Bộ lao động - TB & XH

Kính thưa Quốc hội,

Trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, tôi xin được lần lượt trả lời từng ý kiến của đại biểu Quốc hội nêu.

Thứ nhất, về tình hình khai thác thực hiện đầu tư trong lĩnh vực dạy nghề đến nay hiệu quả chưa cao, trách nhiệm của Bộ và hướng tới giải quyết như thế nào. Ý kiến của đại biểu Trần Quốc Tuấn, tỉnh Trà Vinh.

Tôi xin được trả lời như sau:

Thưa đại biểu Quốc hội, vấn đề dạy nghề cho lao động nói chung và dạy nghề cho lao động nông thôn một trong những mục tiêu của Đảng đã nêu ra để đảm bảo nguồn nhân lực cho phát triển đến năm 2020 nước ta cơ bản thành nước công nghiệp. Để đạt được mục tiêu đó công tác dạy nghề những năm trước đây cũng đã được đầu tư. Tuy nhiên từ sau khi có chiến lược về nguồn nhân lực, đặc biệt quy hoạch về phát triển mạng lưới dạy nghề. Do yêu cầu của nguồn nhân lực cho đất nước những năm gần đây lĩnh vực đầu tư cho cơ sở dạy nghề được tăng cường hơn. Chính vì vậy, số đơn vị, số cơ sở dạy nghề trong toàn quốc đến nay đã trên 1.000 đơn vị. Trong đó công lập trên 800, doanh nghiệp trên 70, cơ sở dạy nghề tư thục cũng trên 400 cơ sở. Trách nhiệm của Bộ với trách nhiệm quản lý nhà nước chúng tôi thấy phải hướng dẫn triển khai sử dụng có hiệu quả các nguồn lực đã đầu tư. Những năm vừa rồi chúng tôi đã thực hiện chương trình hướng dẫn các địa phương triển khai thực hiện chương trình này thông qua đề án đổi mới dạy nghề, trong đó có nội dung đầu tư hạ tầng cơ sở cho dạy nghề như ý kiến đại biểu Quốc hội Tuấn tôi thấy có một ý kiến đúng. Vừa rồi để thực hiện trách nhiệm quản lý nhà nước Bộ cũng đã đi kiểm tra 10 tỉnh, thấy rằng hiện nay một số đơn vị trong đầu tư còn chưa đồng bộ, cũng còn một số trường khi đã được đầu tư rồi nhưng đội ngũ giáo viên cơ hữu còn đang thiếu.

Trước tình hình đó báo cáo với Quốc hội, một mặt chúng tôi yêu cầu các địa phương đã quyết định đầu tư thì phải đầu tư cho đồng bộ cả cơ sở vật chất, thiết bị và đội ngũ giáo viên. Phía nhà nước chỉ hỗ trợ một phần kinh phí cho đầu tư lĩnh vực này. Tuy nhiên do nhiều lý do khác nhau một số địa phương đầu tư chưa được đồng bộ nó ảnh hưởng đến việc khai thác cơ sở này.

Một ý đại biểu quan tâm đó là cơ sở được đầu tư nhưng số học sinh học nghề chưa nhiều, như vậy có lãng phí cơ sở vật chất không? Xin báo cáo với Quốc hội, trong lĩnh vực dạy nghề và những thời gian gần đây chúng ta biết từ nhận thức trong dân cũng như trong các bạn trẻ về phân luồng sau học phổ thông thì phần đông muốn vào các trường trung cấp chuyên nghiệp trở lên đến đại học và tư tưởng vào học nghề để lao động trực tiếp thì chưa được thông suốt trong phụ huynh cũng như các em học sinh mới kết thúc khóa học phổ thông. Chính vì vậy mà tỷ lệ vào các trường cũng chưa nhiều và có một yếu tố mà đúng như đại biểu nêu là do điều kiện hiện có của các trường nên giữa nội dung đào tạo, cơ sở vật chất để đào tạo cũng còn chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp cần, nhưng các đại biểu biết rằng cá biệt có những nơi, ví dụ sáng hôm nay chúng ta nghe bản tin buổi sáng ở Bắc Ninh thì các anh cũng có nêu là một doanh nghiệp của Nhật, họ đến đầu tư chỉ muốn tuyển lao động phổ thông để tự đào tạo, thấy nghề của mình không phù hợp thì điều đó cũng là một thực tế. Bởi vì, chúng ta đang đào tạo cái chúng ta đang có, tức là cơ sở vật chất và đội ngũ giáo viên và thiết bị, những nghề mà các doanh nghiệp mới đến thì chúng ta cũng chưa cập nhật được ngay. Ví dụ trong hoạt động dịch vụ là du lịch, khách sạn, trong công nghiệp thì hàng điện v.v... thì chúng ta vẫn đào tạo nghề rất thông thường thì không phải doanh nghiệp nào cũng dùng mà các doanh nghiệp đầu tư ở nước ngoài họ vào phần đông họ sử dụng lao động phổ thông là nhiều hơn, còn lao động kỹ thuật cao theo quy định thì họ lại được mang lao động kỹ thuật cao của nước họ đến và lao động phổ thông thì không phải họ làm được ngay mà họ cũng phải có hướng dẫn một thời gian nhất định. Chính vì vậy mà các doanh nghiệp của nước ngoài, một số doanh nghiệp họ phải chọn học sinh hết 12 để họ đào tạo thêm thì tôi nghĩ việc đó cũng phù hợp với thực tiễn hiện nay của các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư tại chúng ta.

Trách nhiệm của Bộ về vấn đề này và tới đây thế nào xin báo cáo với Quốc hội, chúng tôi thấy trách nhiệm của mình rất lớn, mặc dù chỉ là cơ quan tham mưu hoạch định chính sách, hướng dẫn triển khai, kiểm tra đôn đốc. Nhưng dù sao cũng là trách nhiệm của ngành trong việc hướng dẫn triển khai và kiểm tra nhắc nhở. Chính vì vậy thông qua kiểm tra vừa rồi, tới đây chúng tôi sẽ đề xuất cho Chính phủ 2 nội dung, đào tạo nghề cho lao động nông thôn thì sẽ sơ kết là 3 năm thực hiện vấn đề này và những vấn đề bất cập từ đầu tư cơ sở hạ tầng, từ đầu tư trang thiết bị, đội ngũ giáo viên và phương pháp đào tạo.

Thứ hai là chúng tôi có chỉ đạo hệ thống ngành dọc của mình, đó là các trường nghề phải gắn với thị trường lao động, tất cả các trường của từng địa phương thì phải bám sát với các doanh nghiệp quanh khu vực mình họ cần gì để đào tạo, trên cơ sở cái mình đã có. Tất nhiên, những cái người ta cần mình không có thì phải chịu. Vì vậy, tôi thấy rất nhiều trường vừa rồi tôi đi kiểm tra làm việc này rất tốt, ví dụ Trường cao đẳng nghề số 3 của Hải Phòng, của Quân khu 3, hay Trường cao đẳng nghề của Quân khu 1, tôi đến thấy các đồng chí rất bám vào nhu cầu các doanh nghiệp khu vực đó để đào tạo, khi học sinh học xong các anh đưa đến các địa chỉ đó thực tập. Chính vì vậy, các anh nói đối với trường chúng tôi 70, 80% anh em đào tạo xong là có việc làm, phần đông những trường này đều là những đồng chí đã thực hiện nghĩa vụ quân sự xong.

Một số địa phương tôi đi kiểm tra thấy các đồng chí đã thực hiện được việc này, các đồng chí đã chỉ đạo là không đào tạo theo những gì mình có nữa mà phải đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động. Bây giờ một số cơ sở dạy nghề chúng tôi có chỉ đạo là phải hình thành một bộ phận mang tính chất tư vấn, tiếp thị, tức là phải nắm nhu cầu thị trường để quyết định định hướng đào tạo cho trường. Tôi nghĩ rằng nhiều cơ sở dạy nghề làm được như vậy sẽ chuyển được là ta sẽ dạy nghề phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp cần và đáp ứng được người lao động được đào tạo xong thì có nghề để làm. Xin báo cáo ý kiến thứ nhất của đại biểu Trần Quốc Tuấn ở Trà Vinh như vậy.

Thứ hai, xã hội hóa về dạy nghề. Chúng tôi rất ý thức vấn đề này, trong công tác dạy nghề, trong phạm vi quản lý nhà nước như tôi nói trên chỉ có trên 800 trường, nhưng các doanh nghiệp cũng có 76 trường nghề của doanh nghiệp, đây gọi là xã hội hóa thì không hẳn, nhưng như vậy đã khuyến khích các doanh nghiệp. Các đồng chí biết là doanh nghiệp được để lại 30% lợi nhuận sau thuế cho quỹ của họ, họ chia cho quỹ khen thưởng, quỹ phúc lợi, quỹ để phát triển sản xuất, nhiều doanh nghiệp dùng quỹ phát triển sản xuất này để đầu tư cho dạy nghề, phù hợp với ngành của họ. Đối với doanh nghiệp đủ điều kiện thành lập thì chúng tôi tạo mọi điều kiện với trách nhiệm là cơ quan quản lý cho phép thành lập các trường nghề trên cơ sở các địa phương và bản thân doanh nghiệp đề nghị. Đến nay có trên 400 trường nghề của tư nhân, tôi nghĩ đó là tinh thần xã hội hóa rất tốt.

Tuy nhiên, ở đây các đồng chí có so sánh sợ rằng trường công lập được đầu tư, được ưu tiên về đất đai, được hỗ trợ một phần về kinh phí mua sắm thiết bị, còn các trường tư về cơ chế đất cũng được các địa phương tạo điều kiện để các doanh nghiệp được thành lập, nhưng việc hỗ trợ về tài chính ngân sách cho cơ chế để thu chi trong các trường này tôi nghĩ rằng vừa rồi cũng có một số trường dân lập, các đồng chí cũng đã hoạt động tốt, như vậy gọi là xã hội hóa.

Thứ hai, cùng với việc đó chúng tôi thấy để đáp ứng được nguồn nhân lực cho giai đoạn hiện nay, Bộ còn liên kết với các tổ chức quốc tế ví dụ như với Đức, Hàn Quốc, Nhật Bản để tổ chức các trường dạy nghề mà họ đưa cả nhân lực, cả thiết bị họ sang đào tạo nghề ở tại Việt Nam cho người Việt Nam nhưng làm việc cho doanh nghiệp của họ.

Đấy là những cách thời gian vừa rồi đã làm tôi thấy làm bước đầu cũng có hiệu quả. Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến của đại biểu là để sử dụng có hiệu quả cơ sở đã được trang bị phải đầu tư đồng bộ hơn, thứ hai nữa là phải chuẩn bị kỹ hơn để làm thế nào để tổ chức đào tạo tốt hơn, để khai thác hết nguồn lực đã đầu tư cho các cơ sở dạy nghề này.

Đây là ý kiến thứ nhất của đại biểu Trà Vinh thì tôi xin được trả lời như vậy.

Ý kiến thứ hai nữa là đại biểu Nguyễn Minh Lâm ở Long An, nói là đào tạo nghề cho lao động nông thôn, vấn đề lao động tự do và trách nhiệm của Bộ trưởng và giải pháp.

Riêng vấn đề đào tạo nghề tôi nói chung còn đào tạo để cho lao động nông thôn thì báo cáo với đại biểu Quốc hội, như các đại biểu biết rằng hiện nay chúng ta trên 70% người dân sống ở khu vực nông thôn.

Phần đông những người sống ở khu vực này là những người không hoặc chưa được đào tạo. Họ vẫn làm bằng kinh nghiệm sẵn có. Chính vì vậy mà để khai thác cơ sở vật chất đã có, ví dụ như là trên cơ sở về đất đai cũng như là phương tiện đã có ở địa phương thì rất cần có sự hỗ trợ từ phía nhà nước giúp họ có một kỹ năng nghề nhất định để họ đưa năng suất, chất lượng các sản phẩm của họ lên tốt hơn. Chính vì vậy, Quyết định 1956 ra đời nhằm mục tiêu cơ bản là mục tiêu đó.

Thứ hai nữa, bản thân trong nông thôn thì các hoạt động dịch vụ cũng đã xuất hiện. Và cũng rất cần một bộ phận người lao động có nghề, có trình độ làm những dịch vụ, từng địa phương. Chính vì vậy, đào tạo dịch vụ cũng có.

Thứ ba, trong địa bàn nông thôn có rất nhiều làng nghề và không phải lao động nào cũng tự đến làng nghề học được nếu như không có hỗ trợ từ phía của nhà nước.

Chính vì vậy, thời gian vừa rồi, để đáp ứng yêu cầu đào tạo đó, Chính phủ cũng đã ban hành Quyết định 1956 cho dạy nghề nông thôn. Chúng tôi đánh giá rằng, để đánh giá kết quả dạy nghề lao động cho nông thôn thì chúng tôi đã tổ chức hội nghị ở 3 vùng. Chúng tôi thấy rằng nhìn chung là hiệu quả.

Tuy nhiên, tiếp thu ý kiến đại biểu, cũng còn nơi này, nơi khác, cách thức tổ chức chưa hiệu quả, chính vì vậy cần phải được xem xét. Chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ và trực tiếp là Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân đã chỉ đạo là đến tháng 6 này sẽ đánh giá 3 năm thực hiện chủ trương dạy nghề cho lao động nông thôn. Trên cơ sở những phần được thì phát huy và những phần chưa được thì ngoài ý kiến chủ quan của cơ quan quản lý Nhà nước lắng nghe ý kiến của đại biểu Quốc hội và cử tri để mình xem xét tới đây sẽ đề nghị sửa cái gì trong Quyết định 1956 về đào tạo nghề cho lao động nông thôn.

Còn một ý nữa đại biểu Nguyễn Minh Lâm ở Long An nêu quản lý lao động tự do ở các vùng biên giới đây cũng là một vấn đề.

Báo cáo với đại biểu Quốc hội, lao động tự do ở các địa phương có địa giới hành chính giáp biên như chúng ta giáp với Trung Quốc, Lào, Campuchia, Thái Lan, tình hình lao động tự do của nhân dân ở những vùng biên giới ấy không phải hôm nay mà chắc chúng ta cũng thấy rằng đã có từ lâu đời, do mối quan hệ thân quen, do điều kiện kinh tế - xã hội ở gần nó cũng tương tự giống nhau. Lao động này phần đông là lao động ở tại đó, không phải lao động có chuyên môn mà lao động đi làm việc theo mùa vụ và theo từng công việc cụ thể, chúng ta sang các nước bạn và lao động bên nước bạn cũng sang chúng ta.

Năm trước tôi vào trong Tây Ninh, các đồng chí cũng nói chúng ta phải sử dụng lao động của Campuchia để giúp cho chúng ta trong thời vụ để thu hái sản phẩm và hiện tại chúng ta cũng sang Trung Quốc, sang Lào. Vậy cách quản lý ở đây thế nào? Trách nhiệm quản lý Nhà nước phải đến đâu?

Báo cáo các đại biểu Quốc hội, vừa rồi trên cơ sở lượng lao động của chúng ta sang các nước bạn cũng như các nước bạn về chúng ta lao động tự do ở những đơn vị giáp biên cũng đông. Chính vì vậy, chúng tôi đã tham mưu cho Chính phủ xây dựng một quy định về thống nhất giữa phía Việt Nam với phía Trung Quốc là nên thống nhất quản lý những lao động tự do này như thế nào? phương án xây dựng ấy chúng tôi đã được trình, tất nhiên tới còn xin ý kiến của các bộ, ngành để thống nhất quản lý. Mặt khác chúng tôi cũng đã đi rà soát nắm tình hình này và cùng với Hà Giang đã tổ chức Hội nghị cho 4 huyện giáp đường biên. Chúng tôi có dự Hội nghị ở tại Lạng Sơn bàn về vấn đề quản lý lao động này.

Chúng tôi hy vọng trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội và của cử tri cả nước, chúng tôi xin tiếp thu để tới đây hoàn thiện để tham mưu ra được quy định trong phạm vi chỉ là quản lý lao động vùng biên cho phù hợp, tất nhiên việc này không chỉ ngành lao động, như các đồng chí biết rồi, nếu xuất cảnh lại còn cả công an, còn cả ngoại giao v.v... Tới đây chúng tôi xin tiếp thu ý kiến đó, chúng tôi sẽ tiếp tục và nghiên cứu thêm để khi Chính phủ cho ý kiến hoặc Thủ tướng cho ý kiến thì chúng tôi sẽ báo cáo được với Quốc hội vào kỳ sau. Đó là ý kiến của đại biểu Nguyễn Minh Lâm ở Long An.

Ý kiến thứ ba, ý kiến của đại biểu Nguyễn Văn Tuyết, đoàn Bà Rịa -Vũng Tàu.

Thứ nhất là thiếu việc làm, thất nghiệp. Xin cho biết là đào tạo nghề gắn với việc làm thế nào? Báo cáo với đại biểu Quốc hội là về vấn đề đào tạo nghề thì xin phép, tôi không nói lại mất thời gian của đại biểu Quốc hội như tôi vừa trình bày ở trên và đúng là trong thực trạng lao động đang thiếu việc làm, mất việc làm thì rất cần được đào tạo lại để người ta chuyển đổi một nghề cho phù hợp hơn thì trách nhiệm trong ngành, chúng tôi đang chỉ đạo các địa phương phải nắm lực lượng lao động này và trên cơ sở nắm cả nhu cầu để có kế hoạch tổ chức đào tạo cho lao động này.

Thứ hai, hôm trước trong họp Thường vụ Quốc hội, có một Thứ trưởng của Bộ đến dự có nói rằng suy thoái kinh tế thì không ảnh hưởng đến đời sống của hộ nghèo thì xin Bộ trưởng cho biết đó có phải là quan điểm của Bộ hay là ý kiến của Thứ trưởng. Báo cáo với Quốc hội đó là ý kiến của Thứ trưởng phát biểu trong một hội nghị, còn Bộ thì chúng tôi khẳng định rằng do ảnh hưởng suy thoái kinh tế thì đời sống nhân dân nói chung, trong đó có đời sống người nghèo dứt khoát bị ảnh hưởng và một bộ phận sẽ khó khăn. Tuy nhiên, chúng tôi rất mừng là Đảng ta xuyên suốt một quan điểm, đó là phát triển kinh tế thị trường, nhưng định hướng xã hội chủ nghĩa. Chính vì vậy, để đảm bảo định hướng xã hội chủ nghĩa đó thì những năm gần đây từ Đảng, đến Chính phủ và các ngành, các địa phương rất quan tâm vấn đề này và nội dung quan tâm đó như tôi đã trình bày tại phiên họp ngày 30 thảo luận về tình hình kinh tế-xã hội, tức là đối với nhóm những người nghèo thì một mặt trên cơ sở nghị quyết Trung ương 5 về một số vấn đề về an sinh xã hội giai đoạn 2012 - 2020 của Ban chấp hành Trung ương Khóa XI thì Chính phủ đã có một chương trình hành động để thực hiện nghị quyết này, trong đó có một số chỉ tiêu cụ thể, nhất là hỗ trợ cho nhóm người nghèo.

Một là hỗ trợ về chính sách, như các đại biểu biết là hỗ trợ về chính sách chăm sóc sức khỏe, về chính sách đi học, hỗ trợ cho đất, cấp đất, cấp nhà cho những người không có điều kiện, hỗ trợ cho vay vốn để tạo việc làm, hỗ trợ cho các cháu vay đi học thì rất nhiều những chính sách hỗ trợ đấy. Chính vì vậy, chúng tôi có nhận định rằng có khó khăn, nhưng nó cũng hạn chế khó khăn và trong lúc khó khăn này thì tất cả những người nghèo vốn đã khó khăn thì họ cũng phải chịu một khó khăn này. Nhưng chúng ta đã có chủ trương đúng và có nhiều chính sách dành cho các đối tượng này, nên mức độ khó khăn đỡ hơn, chứ nói không khó khăn thì không có. Xin báo cáo với đại biểu Quốc hội ý kiến như vậy.

Ý kiến tiếp theo là ý kiến của đại biểu Ly Kiều Vân ở Quảng Trị, ở đây đại biểu Ly Kiều Vân có hai ý kiến:

Thứ nhất là quản lý lao động ở Ả-rập Xê-út và các nước, xin Bộ trưởng cho biết về quan điểm trên? Riêng ý kiến này do ghi không được đầy đủ, nhưng tôi xin phép đại biểu Vân, chắc đại biểu muốn hỏi về trách nhiệm của Bộ trong quản lý lao động ở nước ngoài và quan điểm của Bộ về xử lý vấn đề đối với người lao động ở nước ngoài thế nào?

Báo cáo Quốc hội, hiện nay chúng ta có khoảng 500 nghìn lao động đang làm ở các nước, đến nay chúng ta chỉ có 8 ban quản lý lao động ở các nước, phần đông là các cơ quan đại diện ngoại giao của chúng ta ở các nước có trách nhiệm quản lý, bảo vệ quyền lợi cho người lao động.

Trong quy định về đưa lao động Việt Nam đi lao động có thời hạn ở nước ngoài thì có luật đã quy định rất rõ trách nhiệm của doanh nghiệp, thứ nhất là anh phải đưa người ta đến, thực hiện theo đúng hợp đồng, khi người lao động có vấn đề bản thân doanh nghiệp đó phải tự tháo gỡ đối với doanh nghiệp anh đã ký hợp đồng. Nếu không thực hiện được anh phải báo cáo đại sứ quán hoặc tổ chức đại diện của Việt Nam tại nước ngoài để cùng phối hợp, xem xét, giải quyết. Chính vì vậy, trong những năm gần đây tình trạng lao động không được thực hiện đầy đủ các hợp đồng cũng như lao động do bị một số chủ có việc làm không đúng chúng ta đều có can thiệp và cơ bản đều được giải quyết và xử lý.

Nhưng thực trạng có tình trạng một số người lao động không đi theo đường quy định, tức là không đi lao động qua các doanh nghiệp được phép xuất khẩu lao động, chính vì vậy trách nhiệm của đơn vị này khi đưa lao động sang đến đó bản thân ngành quảnh lý lao động vì không cấp phép nên không được theo dõi, không biết doanh nghiệp nào. Đây là một vấn đề mà tới đây chúng tôi muốn thông qua đại biểu Quốc hội và cử tri cả nước, nên khi quyết định mang sức lao động của mình đi làm cho một tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài mình phải biết họ là ai và quyền lợi của mình đến đâu hãy đi, nếu không nghe một số cò lao động, khi đến nước chúng ta làm việc đó không thực hiện được hợp đồng lúc đó chúng ta sẽ rất khó khăn và Chính phủ không muốn điều đó, Chính phủ có trách nhiệm phải bảo vệ quyền lợi của người lao động thông qua cơ quan đại diện của mình ở nước ngoài và ngành lao động cũng có trách nhiệm nếu những vấn đề cụ thể về lao động sẽ phối hợp với ngành lao động của nước sở tại đó và doanh nghiệp đó xem xét, xử lý. Đó là ý thứ nhất của đại biểu Vân ở Quảng Trị.

Ý kiến thứ hai là về việc thí điểm đưa lao động từ huyện nghèo ra lao động ở nước ngoài mỗi năm chỉ được 6/10 số lao động ở cấp huyện, thì trách nhiệm thuộc về ai và hướng giải quyết như thế nào. Ở đây ý muốn nói là có một chủ trương đưa lao động các huyện nghèo đi xuất khẩu lao động và thực hiện chủ trương đó thì ngành lao động trong những năm vừa rồi trên cơ sở đăng ký lao động của các huyện nghèo cũng đã tổ chức cho 12.000 lao động để bồi dưỡng học phong tục tập quán, học tiếng, học một số những yêu cầu cơ bản khác để chuẩn bị cho việc đi xuất khẩu lao động. Đến thời điểm này chúng ta cũng đã đưa được khoảng 10.000 của các hộ nghèo đi. Tuy nhiên hiện nay cũng có một số người lao động về trước thời hạn, hiện tượng này là có, tìm hiểu về hiện tượng này chúng tôi thấy số lao động ở huyện nghèo, đặc biệt ở vùng sâu, vùng xa thì ý thức, phong cách lao động và tính chịu đựng chưa được như một số lao động ở các địa phương khác.

Năm 2011 tôi cùng với đoàn của Chủ tịch nước sang Malaixia, Chủ tịch nước cho phép tôi được đi gặp các lao động Việt Nam làm việc ở Malaixia, làm việc với Bộ Lao động của Malaixia và làm việc với doanh nghiệp sử dụng lao động của chúng ta, kể cả người đưa lao động đều phàn nàn về tính tự do không chấp hành ý thức kỷ luật lao động tương đối nhiều đối với số lao động ở vùng nghèo đi lao động. Đặc biệt khi được lương xong một số người lao động nghỉ luôn, sử dụng hết số tiền mới làm vì vậy phía bạn rất phàn nàn. Lúc về tôi bàn ngay với các anh ở bộ, có lẽ mình phải tính kỹ số lao động ở các huyện nghèo đi, làm thế nào để hướng dẫn, nếu thấy những người không đủ điều kiện cũng phải nói rõ cho họ khó khăn ở nơi mình đến nếu không họ rất ảo tưởng, nếu mình không làm kỹ thì họ sẽ hiểu rằng sang đến đấy là tốt nhưng sang đó lại không đạt theo ý của họ. Thực sự đã sang lao động làm việc ở nước ngoài là thực sự nghiêm túc, không thể như ở lao động nông nghiệp ở nhà của chúng ta cho nên một số lao động cũng không chịu được quy định ngặt nghèo của các doanh nghiệp đó cho nên cũng đã bỏ về.

Hàng năm việc này có đạt được không, chúng tôi nghĩ là cũng còn một thời gian, chúng tôi tính trên cơ sở những điểm yếu đó thì chúng tôi sẽ cố gắng trên cơ sở ý kiến của đại biểu Quốc hội, chúng tôi sẽ chỉ đạo cơ quan chuyên môn sẽ nghe lại toàn bộ thực hiện Quyết định 71 về đưa lao động các hộ nghèo đi xuất khẩu lao động, trên cơ sở đó thì chúng tôi sẽ điều chỉnh những vấn đề gì bất hợp lý, những mục tiêu đã đề ra sẽ được thực hiện. Đấy là ý kiến của đại biểu Ly Kiều Vân ở Quảng Trị.

Ý kiến của đại biểu Nguyễn Thành Tâm ở Tây Ninh. Có 2 ý kiến.

Ý kiến thứ nhất đề nghị làm rõ đào tạo nghề giữa Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội thì có chồng chéo không? Chồng chéo thế nào? Báo cáo đại biểu Quốc hội.

Thứ nhất, hiện nay trong quy định đào tạo nghề cho những người trực tiếp sản xuất thì ngành lao động, thương binh xã hội quản lý, còn đào tạo nghề từ trung cấp chuyên nghiệp, đào tạo Đại học trở lên tiền lương có chênh lệch.

Thứ hai, về chênh lệch lương hưu với các đồng chí nghỉ trước năm 1990. Chính vì vậy, nhiều năm qua ngành lao động đã tham mưu và Bộ Nội vụ đã tham mưu cho Chính phủ nhiều lần điều chỉnh lương hưu. Qua 6 lần điều chỉnh, kể từ năm 2008 đến nay số nâng mức lương của người nghỉ hưu tăng 134%, so với tỷ lệ tăng của đương chức thì lúc nào cũng tương đương.

Tuy nhiên, ý kiến của đại biểu nêu là nên cân nhắc vấn đề này, đó là thực trạng những người nghỉ hưu thu nhập còn thấp, rõ ràng cùng một chức vụ như nhau mà nghỉ hưu ở hai thời điểm khác nhau đúng là thu nhập có chênh lệch, nhưng để tính chênh lệch như thế nào thì rất khó. Ví dụ trước năm 1993 ta đồng loạt vụ trưởng như nhau, vụ phó như nhau, cứ 2, 3 năm lên một bậc lương. Nhưng sau năm 1993 anh lại hưởng theo học vị của mình, ví dụ chuyên viên, chuyên viên chính, có người chỉ là chuyên viên chính đã có điều kiện bổ nhiệm lên vụ trưởng hoặc thứ trưởng, nhưng có người là chuyên viên cao cấp rồi mới được bổ nhiệm vào chức vụ thứ trưởng, vụ trưởng. Nếu ta so sánh hai chức vụ như nhau ở hai thời điểm khác nhau thì đến bây giờ quả là khó. Nhưng chúng tôi thấy ý kiến đại biểu nêu là nên xem lại vấn đề này, chúng tôi đồng ý là nên nghiên cứu vấn đề lương của những người nghỉ hưu sớm, trước năm 1990. Đó là câu hỏi của đại biểu Nguyễn Thành Tâm ở Tây Ninh.

Ý kiến của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy ở Hòa Bình. Đời sống khó khăn của dân cư xung quanh đập thủy điện, mục tiêu ổn định đời sống của dân nhưng mục tiêu này còn xa. Đến nay giải pháp để hỗ trợ việc làm cho đồng bào vùng tái định cư thế nào?

Báo cáo đại biểu Quốc hội, năm 2012 tôi đã có dịp đến với đồng bào tái định cư ở Thủy điện Hòa Bình. Tôi thấy khi dành đất cho thủy điện bà con đều sống ở ven núi, chính vì vậy việc đào tạo, đổi nghề cho họ là việc cần và con em họ phải được ưu tiên trong giải quyết việc làm cho phù hợp với điều kiện để đỡ khó khăn. Trên cơ sở khi về làm việc với tỉnh Hòa Bình, các đồng chí cũng thống nhất rất cao là những chính sách dành cho đồng bào tái định cư hoặc chính sách hỗ trợ cho đồng bào về đào tạo nghề, hỗ trợ vay vốn sản xuất các đồng chí đều thực hiện.

Tuy nhiên, tôi thấy đúng là chính sách còn rất khiêm tốn so với nhu cầu thực tế của bà con ở đây bởi vì cả đời người ta có vài sào ruộng, khi mà nước thủy điện dâng thì bị ngập mất hết mà lại không có một nghề nào thì quả tình cũng khó khăn thật. Chúng tôi rất chia sẻ và trách nhiệm chúng tôi với trước dân phải có trách nhiệm nghiên cứu để tiếp tục tham mưu cho Chính phủ, cho Đảng và tiếp tục có những chính sách hỗ trợ tích cực hơn đối với những hộ mà do tái định cư và thủy điện chỗ Hòa Bình còn nhỏ so với Sơn La và so với rất nhiều các nơi khác. Trách nhiệm chúng tôi sẽ cùng với các ngành tiếp tục nghiên cứu để xem xét đề xuất những chính sách cho phù hợp. Đó là ý kiến của đại biểu Bạch Thị Hương Thủy ở Hòa Bình.

Ý kiến tiếp của đại biểu Phương Thị Thanh ở Bắc Kạn về Pháp lệnh ưu đãi người có công ra đời và đã có Nghị định 31 mà đến nay chưa có hướng dẫn của Bộ thì chậm và trách nhiệm của Bộ đến đâu?

Báo cáo với Quốc hội, trước tiên chúng tôi thấy trách nhiệm của mình, lẽ ra khi pháp lệnh có hiệu lực, một số chính sách được thực hiện từ mùng 1 tháng 9 năm 2012, còn tuyệt đại bộ phận các chính sách còn lại có hiệu lực từ mùng 1 tháng 1 năm 2013. Các văn bản hướng dẫn pháp lệnh này đã phải xong nhưng chúng tôi đến mùng 9 tháng 4 năm 2013 thì Nghị định 31 của Chính phủ về hướng dẫn Pháp lệnh người có công mới hoàn thành. Chúng tôi ý thức được trách nhiệm phải làm càng sớm, càng tốt, đây là trách nhiệm của mình cũng là nguyện vọng rất chính đáng của những người có công. Chính vì vậy báo cáo với Quốc hội ngay ngày 15 tháng 5, ngay cùng với việc chuẩn bị nghị định thì chúng tôi đã chuẩn bị thông tư. Ngày 15 tháng 5 năm 2013 chúng tôi đã có Thông tư 05 hướng dẫn thực hiện Pháp lệnh người có công và đến nay chúng tôi đã tổ chức tập huấn cho các cán bộ, các địa phương về pháp lệnh này và hướng dẫn về làm các thủ tục giải quyết những tồn đọng và những chính sách mới.

Như các đại biểu biết đây là một pháp lệnh sửa đổi có bổ sung chính sách mới, đối tượng mới nên lượng công việc cũng nhiều, dày, vì muốn hướng dẫn cụ thể và để ra được pháp lệnh bởi vì các đối tượng tăng, kinh phí tăng, chính sách tăng, nên khi để tham mưu cho Chính phủ ra được nghị định thì chúng tôi cũng mất một thời gian là hội thảo, xin ý kiến. Chính vì vậy cũng có phần chậm một chút so với quy định, tôi thấy có trách nhiệm của mình trong phần triển khai các văn bản pháp luật này. Xin cảm ơn đại biểu Quốc hội. Tôi xin được trả lời 6 ý kiến của các đại biểu Quốc hội.


Каталог: content -> tintuc -> Lists -> News -> Attachments
Attachments -> TÒA Án nhân dân tối cao
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> PHÒng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CÔng an tỉnh thái bình phòng csgt đƯỜng bộ
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng cảnh sát giao thông độc lập Tự do Hạnh phúc
Attachments -> CỘng hòa xã HỘi chủ nghĩa việt nam phòng csgt đƯỜng bộ Độc lập Tự do Hạnh phúc

tải về 355.93 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương