Việt 7- tienve org Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản



tải về 0.57 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.57 Mb.
#33071
1   2   3   4   5   6

VIII.

Từ đầu truyện đến đây, Donald Barthelme đã thực hiện xong hai tiến trình chuyển hoá to lớn. Thứ nhất là tiến trình chuyển hoá của Paul Klee: khởi sự như một Binh Nhì Cơ Giới tầm thường trong một cuộc "chiến tranh có vẻ không thể chấm dứt", hiện hữu của nhân vật Paul Klee càng lúc càng trở nên phong phú và có ý nghĩa hơn như một nghệ sĩ hội hoạ đầy cảm hứng và tự tin đến độ, ngay sau biến cố chiếc phi cơ bị mất, anh có thể bình tĩnh ngồi vẽ hình dáng gợi cảm của tấm bạt buông thõng và mớ dây thừng, rồi sau đó lại thấy "chiến tranh chỉ là tạm thời" và "những bức tranh và sô-cô-la là vĩnh viễn". Bám song song theo tiến trình đó là một tiến trình chuyển hoá khác: nhân vật Cảnh Sát Mật khởi sự như một đấng thượng đế toàn năng và kết thúc như một hiện hữu giả tạo và vô nghĩa (hay khởi sự như một thứ lý thuyết phi thực chứng có tầm vóc đại tự sự và kết thúc như những lời nói lảm nhảm vô dụng). Chúng ta có thể diễn dịch hai tiến trình chuyển hoá song song này như sự diễn tả triết lý của Barthelme -- một con người hậu hiện đại.

Chính hai tiến trình này cho thấy cấu trúc tổng thể trừu tượng của truyện. Đó là cấu trúc của hai tuyến phát triển song song đan xen vào nhau: một tuyến bội trương dần lên và có kết thúc mở, một tuyến giảm thiểu dần xuống và có kết thúc đóng. Cấu trúc này có thể được biểu hiện qua lược đồ dưới đây:

Chúng ta có thể thấy chỉ riêng cấu trúc tổng thể trừu tượng của truyện cũng đã làm toát lên ý đồ triết lý của Donald Barthelme. Trong thực tế, hầu hết các tác giả bình thường, khi khởi sự viết một tác phẩm hư cấu, trước tiên, có thể tưởng tượng ra một cốt chuyện hoàn chỉnh và sử dụng ngôn từ để ghi lại trên giấy cốt chuyện ấy, hoặc nẩy sinh ra một mẩu chuyện nhỏ nào đó, rồi cố gắng thêm thắt các chi tiết để khai triển độ dài của tác phẩm. Ít ai khởi sự bằng cách tư duy về một cấu trúc tổng thể trừu tượng của truyện, một cấu trúc tự nó đã là một sườn triết lý của truyện. Donald Barthelme là một trong những cây bút kiệt xuất về điều này, và dường như mỗi truyện của ông đều có một cấu trúc độc đáo.[18]

Khi đọc những truyện như thế, việc khám phá ra cấu trúc tổng thể trừu tượng chứa đựng triết lý của truyện là một trong những yếu tố quan trọng góp phần vào sự thưởng thức. Sau khi khám phá ra cấu trúc ấy, độc giả có thể "hiểu" truyện một cách sâu sắc hơn, vì bên cạnh việc thưởng thức những cái đẹp và ý nghĩa ở cấp độ chữ, câu và đoạn văn, độc giả còn có thể thưởng thức tác phẩm ở một cấp độ lớn hơn: cấp độ phi ngôn ngữ của triết lý và mỹ học trong tổng thể trừu tượng của tác phẩm. Điều này tương tự như việc khám phá và thưởng thức cấu trúc tổng thể trừu tượng của một tác phẩm khí nhạc hoà tấu. Cấu trúc ấy chứng tỏ tài ba và tầm tư duy đặc biệt của người sáng tạo.

IX.

Dọc theo bài viết này, chúng ta đã cùng thử thưởng thức một tác phẩm văn chương hậu hiện đại. Hiển nhiên độc giả nào cũng có thể đọc và "thưởng thức" bất cứ tác phẩm nào theo cách của riêng mình, nhưng sự thật cho thấy một cách đọc nhất định nào đó chỉ có thể giúp độc giả thực sự thưởng thức một loại tác phẩm nào đó. Cách đọc tin tức trên báo chí không thể dùng để thưởng thức thơ, vì tin tức và thơ là hai dạng văn bản khác nhau. Cũng thế, cách đọc một truyện ngắn hiện thực chủ nghĩa không thể dùng để thưởng thức một truyện ngắn hậu hiện đại.

Từ phần đầu bài viết, chúng ta đã thấy cách đọc không thích nghi có thể đưa đến sự phán xét lầm lạc về giá trị của tác phẩm. Liền đó, chúng ta thấy kiến thức liên văn bản đóng một vai trò hết sức quan trọng. Nếu chúng ta không biết được rằng trong lời tường thuật của nhân vật Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee có những chi tiết Donald Barthelme lượm ra từ nhật ký của nhà danh hoạ Paul Klee, thì hẳn chúng ta đã bỏ lỡ cơ hội thưởng thức và biết không khâm phục kỹ thuật collage và pastiche của ông. Nhu cầu kiến thức liên văn bản thật là không bờ bến. Bộ "bách khoa toàn thư" của bản thân chúng ta càng phong phú, chúng ta càng có thêm những cơ hội thưởng thức nhiều góc cạnh thú vị khác của tác phẩm. Để thưởng thức truyện này, đọc kỹ nhật ký của Paul Klee hẳn chưa phải là đủ. Thực ra, có lẽ còn rất nhiều nhiều điều ta phải biết thêm nữa. Thử lấy một vài ví dụ nhỏ: nếu chúng ta có kiến thức rành mạch về các tranh collage của Paul Klee, hẳn chúng ta đã có cơ hội chiêm nghiệm sâu sắc hơn về kỹ thuật collage của Donald Barthelme; và nếu chúng ta đã từng nghiên cứu về tính cách phi trung tâm trong các tác phẩm hội hoạ trừu tượng của Paul Klee, hẳn chúng ta đã có thể tìm thấy những cách diễn dịch hay hơn về thái độ của Barthelme trong việc sử dụng những chất liệu "ngoại vi" và cách bài trí các chất liệu ấy trong truyện. Kế đến, chúng ta lại thấy nhu cầu tri thức về triết lý và mỹ học hậu hiện đại. Tri thức ấy càng sâu và rộng, càng cho chúng ta thêm cơ hội để lĩnh hội những ý nghĩa và vẻ đẹp cốt lõi của tác phẩm. Chẳng hạn, nếu chúng ta không nắm được một chút tri thức nào về triết lý và mỹ học hậu hiện đại, có lẽ chúng ta sẽ không thể có điều kiện để tự tin diễn dịch rằng Donald Barthelme đã thể hiện triết lý hậu hiện đại trong việc khởi sự xây dựng giọng nói của Paul Klee từ những chất liệu vặt vãnh bên lề rồi chuyển hoá giọng nói ấy đến một cấp độ đầy tự tín để triệt hạ giọng nói của thế lực đại tự sự.

Tôi tin rằng, đến đây, chúng ta đã khai thác và thưởng thức được phần nào những điều đáng thưởng thức trong truyện. Thiết nghĩ thưởng thức được đôi chút như thế cũng đã quá thú vị, dù trong khi thưởng thức chúng ta không có lý do gì để đưa ra những phát ngôn đại loại như "tôi xúc động vô cùng vì tôi nhìn thấy mình trong nhân vật chính", hay "truyện hay quá, tôi say sưa đọc một mạch từ đầu tới cuối, và rơi nước mắt mấy lần". Đó là những câu phát ngôn của độc giả văn chương ngày xưa khi thưởng thức một tác phẩm hư cấu ngày xưa. Văn chương hậu hiện đại dự tưởng độc giả như là kẻ tiếp cận văn bản một cách tỉnh táo bằng tri thức tích cực thay vì cảm xúc thụ động, luôn luôn xem nó là một sản phẩm được xây dựng thuần túy bằng ngôn ngữ, cảm thấy thích thú khi dự phần vào việc diễn dịch nó, nhưng không bao giờ mong mỏi có thể diễn dịch tuyệt đối chính xác và rốt ráo, vì tác phẩm hư cấu hậu hiện đại không phải là một tác phẩm khép kín, mà là một văn bản mở.

Ở vị trí độc giả, chúng ta đã thực hiện cuộc đọc và thưởng thức như thế, và chúng ta mong mỏi và tin tưởng sẽ không phải đọc mãi những bản dịch Việt ngữ, mà sẽ được đọc những tác phẩm bằng Việt ngữ trong một ngày rất gần. Các nhà văn đương đại của chúng ta hẳn có đủ khả năng để viết những tác phẩm mới lạ hơn thế nữa, nếu họ sẵn sàng bắt tay vào thí nghiệm và khám phá. Mà tại sao không?

(Sydney, 12/2000)



_________________________

[1]Adolf Hitler, bài diễn văn khai mạc "Cuộc Đại Triển Lãm Nghệ Thuật Đức Quốc 1937", do Ilse Falk dịch sang Anh ngữ, in lại trong Theories of Modern Art: A Source Book by Artists and Critics, ed. Herschel B. Chipp (Berkeley: University of California Press, 1968), 479.

[2]Fredric Jameson, "Postmodernism, or the Cultural Logic of Late Capitalism," New Left Review, no.146 (Jul./Aug.1984): 59.

[3]Terry Eagleton, "Capitalism, Modernism and Postmodernism," New Left Review, no.152 (Jul./Aug.1985): 61.

[4]Về chủ nghĩa hậu hiện đại và khái niệm "đại tự sự", tôi đã trình bày trong bài "Viết: từ Hiện Đại đến Hậu Hiện Đại", Việt số 5/2000, 99-119.

[5]Jameson, ibid., 65, 60.

[6]Eagleton, ibid., 61.

[7]Fredric Jameson phát biểu trong bài phỏng vấn của Anders Stephanson, Flash Art (international edition), no.131 (Dec.1986/Jan.1987):69.

[8]Ibid.

[9]Ibid., 72.

[10]Ibid.

[11]Jean-François Lyotard, The Postmodern Condition: A Report on Knowledge, trans. Geoff Bennington and Brian Masumi (Manchester: Manchester University Press, 1984), 81.

[12]John Cage phát biểu trong cuộc phỏng vấn với Nicholas Zurbrugg tại Geneva, ngày 12 tháng 9 năm 1990. Đăng lại trong Nicholas Zurbrugg, The Parameters of Postmodernism (Carbondale: Southern Illinois University Press, 1993), 34-35.

[13]John Cage, Silence (Middletown, Connecticutt: Wesleyan University Press, 1983), 93.

[14]Paul Klee, The Diaries of Paul Klee 1898-1918 (Berkeley and Los Angeles: University of California Press, 1964).

[15]Mark Amerika, "Tryptich: Hypertext, Surfiction, Storyworlds" (Part One), Amerika On-Line #10, ở http://www.heise.de/tp/english/kolumnen/ame/3313/1.html

[16]Nhãn quan hậu hiện đại nhìn thấy rằng không một văn bản nào có thể mô tả chính xác hiện thực, mà thực ra chỉ là một loại hư cấu về hiện thực, vì, nói cho cùng, ngay cả đời sống đang diễn ra trước mắt chúng ta cũng không phải là một hiện thực khách quan nhất định để có thể dễ dàng mô tả, mà là vô số hiện thực diễn ra đồng loạt, và chúng được xây dựng bởi vô số tác động chủ quan, trong đó có cả tác động của chính cá nhân chúng ta. Do đó, tất cả những nỗ lực mô tả hiện thực của quá khứ như một câu chuyện kể có đầu có đuôi theo tuyến tính và đạt tính khách quan đều sai lầm và vô ích. Những văn bản có thể được xem là sử liệu (như nhật ký, hồi ký, thư từ) thực chất chỉ là những văn bản bất toàn, manh mún, và thậm chí hoàn toàn bị bóp méo một cách chủ quan ngay từ đầu. "Lịch sử", do đó, nói cho cùng, không còn là điều khả tín nữa, mà chỉ còn là một "câu chuyện" được xây dựng như một thứ văn bản khả độc, và suốt quá trình xây dựng văn bản ấy những tác động chủ quan đã không ngừng làm lệch lạc sự thật. "Lịch sử" không còn được xem là một tiến trình liên tục xảy ra có đầu có đuôi như một câu chuyện kể theo phong cách hiện thực tuyến tính, mà chỉ là những mảnh vụn của quá khứ bày ra đó ngổn ngang, chồng chất, đa tầng, đa phương như hiện thực cuộc sống hiện tại hàng ngày.

[17]Chúng ta thấy Donald Barthelme trích văn của Paul Klee để làm collage, và dấu đi xuất xứ. Độc giả có thể tự hỏi làm như thế có phải là đạo văn hay không. Tuy nhiên, độc giả cũng có thể biện hộ giùm cho Donald Barthelme rằng đó không phải thực sự là đạo văn, bởi vì ông chỉ lượm những mảnh "rác" chứ không phải những mảnh "vàng" của Paul Klee. Đúng ra, ý niệm về "playgiarism" của nhà văn hậu hiện đại Raymond Federman có thể được dùng để giải thích kiểu chơi này một cách thú vị hơn. Federman cho rằng plagiarism (đạo văn) là thái độ đáng chê trách, vì đó là sự ăn cắp văn của người để giả làm văn mình một cách trịnh trọng. Còn "playgiarism" (một từ mới do Federman sáng chế, tạm dịch là "ngạo văn") là ăn cắp văn của người khác như một trò đùa, rồi trộn những món ăn cắp vào văn mình nhằm tạo nên một kiểu chơi ngạo đối với kẻ bị cắp. Ở đây, Barthelme có vẻ muốn chơi ngạo rằng những câu văn của Paul Klee trong nhật ký cũng không thực sự thuộc về Paul Klee vì thật ra chúng cũng chẳng mô tả đúng được gì về chính Paul Klee. Một câu nói của L.-F. Céline trở nên thật thú vị trong trường hợp này: "Đời sống cũng chỉ là một tác phẩm hư cấu ... và một tiểu sử chỉ là cái gì đó người ta tạo ra sau khi mọi chuyện đã qua rồi." (câu này trích theo Mark Amerika, op.cit.)

[18]Vì giới hạn của bài viết, tôi xin được bàn sâu về điều này trong một lúc khác.




tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương