Việt 7- tienve org Chủ nghĩa hậu hiện đại: những khái niệm căn bản



tải về 0.57 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu11.09.2017
Kích0.57 Mb.
#33071
1   2   3   4   5   6

IV.

Ở ngoại diện, truyện là một bản ghi chép những lời phát biểu của nhân vật Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee và nhân vật Cảnh Sát Mật. Thật ra, độc giả có thể cảm thấy mình đang đọc một bản ghi chép những lời tường thuật hơn là những lời phát biểu bình thường. Những lời tường thuật này giống như được thực hiện trực tiếp truyền thanh, qua đó hai nhân vật, ngoài việc bày tỏ những cảm nghĩ riêng tư, còn mô tả những hành động của chính mình và những sự kiện quanh mình ngay ở thời điểm và không gian những điều ấy đang xảy ra. Thử đọc lại những câu Cảnh Sát Mật mô tả các hành động của Paul Klee và của chính mình:

"Y đang đọc một tập truyện ngắn Trung Hoa. Y đã tháo giày bốt. Hai bàn chân y duỗi ra cách lò sưởi của toa hành lý hai mươi sáu phân." [...] "Binh Nhì Cơ Giới Klee đã vào thực quán của trạm hoả xa. Y đang thưởng thức một bữa ăn trưa thịnh soạn. Chúng tôi sẽ theo y đến đó." [...] "Chúng tôi thấy y đang lấy từ áo khoác ra một cuốn sổ và cây bút chì. Chúng tôi thấy y bắt đầu, theo ý chúng tôi là rất đúng tác phong công vụ, viết vào cuốn sổ tất cả chi tiết của sự việc." [...]"Bực quá nên y bắt đầu đá vào toa trần." [...]"Binh Nhì Cơ Giới Klee đang tìm kiếm trên bầu trời -- một bước truy tầm hết sức hợp lý, theo ý chúng tôi. Chúng tôi, Cảnh Sát Mật, cũng rà khắp bầu trời Hohenbudberg, với mắt chúng tôi. Nhưng chẳng tìm thấy gì. Chúng tôi đang bàn cãi với nhau xem chúng tôi có nên vào thực quán của trạm hoả xa và bắt đầu thảo bản báo cáo sơ khởi, để chuyển lên các cơ quan đầu não, hay không." [...] "Trong lúc này, chúng tôi quyết định tạm thời cứ theo dõi thêm những hành động của Binh Nhì Cơ Giới Klee." [...] "Bây giờ chúng tôi nhìn thấy Binh Nhì Cơ Giới Klee đang giấu tấm bạt và mớ dây thừng dùng để gói chiếc phi cơ lúc trước vào một toa tàu trống theo lộ trình Essigny-le-Petit."

Và thử đọc lại những câu Paul Klee mô tả các hành động của chính mình:

"Bây giờ chúng tôi đang tiến vào Hohenbudberg." [...]"Bây giờ tôi bước ra khỏi thực quán của trạm hoả xa và đi bộ dọc theo các toa để đến toa trần mà phi cơ của tôi (tôi xem chúng như phi cơ của tôi) đang được chở trên đó. Ngạc nhiên và hoảng hốt, tôi phát hiện rằng một chiếc đã bị mất. Trước đây có ba chiếc, được cột dính vào toa trần và phủ bằng tấm bạt. Bây giờ tôi thấy với con mắt hoạ sĩ nhà nghề rằng thay vì ba khối phủ bạt trên toa trần chỉ còn có hai. Nơi chiếc thứ ba đã nằm chỉ có một đống vải bạt và giây thừng đã tháo lỏng. Tôi vội nhìn quanh xem có ai đã lưu ý đến sự biến mất của chiếc phi cơ thứ ba hay không." [...] "Bây giờ tôi sẽ hỏi nhiều công nhân hoả xa và nhân viên nhà ga xem họ có thấy ai chở chiếc phi cơ đi mất không. Nếu họ bảo không, tôi sẽ hết sức bực mình. Tôi sẽ đá vào toa trần cho đỡ tức." [...]"Tôi nhìn lên bầu trời, xem thử có chiếc phi cơ của tôi trên đó không. Trên bầu trời có phi cơ thuộc nhiều loại, nhưng không chiếc nào thuộc loại tôi đang tìm kiếm." [...] "Bây giờ tôi sẽ đi quanh phố và xem thử có tiệm bán sô-cô-la nào không. Tôi thèm sô-cô-la."

Với cách viết như thế, tác giả giữ vai trò một người đang ở tại một tổng đài để theo dõi và chi chép các sự kiện đang diễn ra trong từng giây từng phút qua lời tường thuật của mỗi nhân vật. Thực hiện điều này, Donald Barthelme đã gỡ bỏ vai trò của tác giả như một người kể chuyện. Quả vậy, độc giả có cảm tưởng không phải đọc một câu chuyện được Donald Barthelme kể, mà đọc lời tường thuật của hai nhân vật do ông "ghi chép" lại bằng một văn bản ở thì hiện tại.

Cách "ghi chép" của Donald Barthelme, thoạt trông, có vẻ là một sự mô tả hiện thực rất khách quan, nhưng kỳ thực lại chứa đựng những nghịch lý thú vị:

Ngoại trừ vỏn vẹn hai câu nhân vật Cảnh Sát Mật nói với ngôi thứ hai ("Chúng tôi không có những bí mật của bạn và đó chính là điều chúng tôi đang theo đuổi, những bí mật của bạn", và "Bạn muốn biết Binh Nhì Cơ Giới Klee đang làm gì ngay lúc này, trong toa hành lý?"), toàn bộ những lời tường thuật của hai nhân vật cũng có thể được đọc như những ý nghĩ riêng tư của các nhân vật và chỉ riêng họ tự biết ngay trong lúc họ đang hành động. Nhưng nếu đó là những ý nghĩ riêng tư của các nhân vật, thì đúng ra Donald Barthelme phải viết "Paul Klee nghĩ" và "Cảnh Sát Mật nghĩ", thay vì "Paul Klee nói" và "Cảnh Sát Mật nói". Thế nhưng, Donald Barthelme lại viết "Paul Klee nói" và "Cảnh Sát Mật nói", và như vậy ông muốn khẳng định đó là những lời tường thuật của hai nhân vật. Tuy nhiên, độc giả có thể nhận ra ngay rằng trong cuộc sống thực tại không thể nào có những lời tường thuật như vậy.

Phân tích như thế, chúng ta thấy những nghịch lý này có vẻ lộ rõ trên bề mặt của truyện và tạo nên một khoảng cách giữa văn bản và cuộc sống thực tại. Tuy nhiên, khoảng cách này không tồn tại vững chắc, mà mang tính co giãn lung linh trong quá trình đọc truyện. Lý do là, mặc cho chúng ta nhận thức rằng văn bản này chỉ là một sản phẩm của óc tưởng tượng thuần tuý và được xây dựng bằng ngôn ngữ, chính danh tính có thật của nhà danh hoạ Paul Klee -- một danh tính gắn liền với lịch sử -- lại tạo nên một mạch nối giữa văn bản và cuộc sống thực tại. Do đó, trong quá trình đọc, chúng ta thấy mình đứng trước một tình thế lưỡng sự, chông chênh giữa văn bản và hiện thực cuộc sống.

Khoảng cách co giãn lung linh này là một trong những đặc tính mỹ học của văn chương hư cấu hậu hiện đại.



V.

Sau khi đối chiếu những điểm trùng hợp giữa truyện và nhật ký của Paul Klee, chúng ta có thể thấy ngay Donald Barthelme đã sắp xếp xen kẽ những chi tiết có thật lấy từ nhật ký của Paul Klee với những chi tiết hoàn toàn giả tưởng về cả hai nhân vật Paul Klee và Cảnh Sát Mật.

Tất nhiên người đọc có thể phàn nàn ngay rằng viết như thế thì có gì là đáng ngạc nhiên, vì cách viết pha trộn hư cấu và phi hư cấu đã hiện diện trong nhiều tác phẩm văn chương từ những thế kỷ trước. Phàn nàn như thế không phải là không có phần hợp lý, nhưng chúng ta cần nhìn thấy những dị biệt quan trọng về kỹ thuật và mỹ học giữa văn chương của những thời trước và văn chương hậu hiện đại trong cách viết pha trộn hư cấu và phi hư cấu. Trong văn chương của những thời trước, cách viết pha trộn hư cấu và phi hư cấu chủ yếu là nhằm thuyết phục người đọc ở tính cách "như thực" của truyện. Những đoạn văn nghiên cứu sinh học về cá voi trong Moby Dick (1851) làm cho người đọc tin vào sự hợp lý của tất cả những diễn biến trong tác phẩm. Những diện mạo, lời nói, cử chỉ của các nhân vật có thật (những người hàng xóm của Mark Twain thời thơ ấu), khi được tái hiện trong The Adventures of Huckleberry Finn (1884), có vẻ sẽ tạo được một nền tảng hiện thực vững vàng cho phép Mark Twain lấy trớn để xây dựng vô số chi tiết hư cấu "như thực" khác. Theo quy cách cũ kỹ ấy, nếu chúng ta muốn viết một tiểu thuyết nhằm kể một câu chuyện về một thời điểm nào đó, thời Tây Sơn chẳng hạn, chúng ta hẳn phải đem vào truyện ít nhiều sự kiện rút ra từ các văn bản "lịch sử" về thời Tây Sơn và, đồng thời, cố gắng dựa vào những sự kiện ấy để xây dựng những chi tiết hư cấu mang vẻ sống động "như thực" đối với người đọc, hy vọng rằng người đọc sẽ bị cuốn hút vào tiểu thuyết để cảm thấy mình đang thực sự chứng kiến cái "hiện thực" ấy và khóc cười với nó. Những yếu tố phi hư cấu, khi được khéo léo lồng vào giữa những yếu tố hoàn toàn hư cấu, sẽ khiến người đọc cảm thấy những tình tiết, trạng huống trong toàn bộ tác phẩm trở nên sống động và như là "có thật", thậm chí lắm lúc những yếu tố hoàn toàn hư cấu còn có vẻ "thật" hơn là những yếu tố phi hư cấu. Với quan niệm mỹ học ấy, một tác phẩm hư cấu được gọi là thành công khi nó làm cho độc giả "đánh mất chính mình" hay "chìm đắm" vào cái "hiện thực" trong câu truyện đang đọc, và nhà văn trở thành một kẻ có khả năng điều khiển hoàn toàn những phản ứng tình cảm của độc giả.

Mark America nhận định rằng quan niệm mỹ học cũ kỹ ấy làm khả năng đọc của chúng ta không thể phát triển được, vì đọc truyện theo cung cách truyền thống là một việc quá dễ thực hiện. Tác phẩm hư cấu được viết theo những quy cách cũ không đòi hỏi người đọc phải có một thái độ đọc sáng tạo và tích cực, mà tạo điều kiện cho người đọc thoải mái buông mình theo những thói quen thưởng thức một cách thụ động. Ông viết:

[Đ]ối với những tiểu thuyết theo quy cách cũ, thật là dễ dàng, hầu như thoải mái, để nhặt một cuốn sách và đắm chìm vào trong cái thế giới giả tạo của bức màn tự sự. Như những độc giả biết chữ, chúng ta đầu tư rất ít vào việc sử dụng những khả năng đọc chữ của chúng ta để tự thách đố chính mình trước hình thức tự sự mang tính thí nghiệm, mà lại muốn giao phó trọn vẹn công việc cho một tác giả, kẻ, vì biết rằng chúng ta tìm kiếm sự thoải mái từ văn bản của y, đã tạo ra cho chúng ta thứ tự sự "rành rành" theo công thức có sẵn. Khi đọc những truyện theo quy cách cũ ấy, chúng ta chẳng bao giờ phải bị nhắc nhở rằng cái chúng ta đang làm là việc đọc một văn bản do một tác giả tạo ra. Tác giả trở thành vô hình, mà ngay cả bản in của cuốn truyện cũng thế. Cái hình ảnh "đánh mất chính mình trong một cuốn sách" là điều gì đó hầu hết những độc giả biết chữ đều mong muốn, tưởng như đó là điều tối hậu và chân lý bất biến của một sản phẩm văn chương thành công.[15]

Một tác giả đầy phát kiến mới lạ như Donald Barthelme đã không dừng lại ở cách viết cũ để cho phép độc giả đọc truyện của ông dễ dàng và thụ động như thế. Kỹ thuật pha trộn hư cấu và phi hư cấu của ông được thực hiện bằng những cách thế hoàn toàn khác, nhằm đạt những hiệu quả hoàn toàn khác. Ông xây dựng truyện ngắn của mình như một trò chơi qua đó độc giả phải đối diện với trạng thái lấp lửng giữa những sự kiện phi hư cấu (Paul Klee và những chi tiết rút từ nhật ký của ông) và những sự kiện hoàn toàn hư cấu (nhân vật Cảnh Sát Mật và lời nói của y). Trò chơi còn mở rộng đến cả những sự kiện phi hư cấu: quan sát thật kỹ, độc giả sẽ thấy, trong truyện này, Donald Barthelme đã sáng chế nhiều chi tiết giả và nhét chúng xen lẫn với những chi tiết có thực trong nhật ký của Paul Klee. Ví dụ: theo nhật ký, Paul Klee gia nhập bộ binh vào ngày 11/3/1916; đến ngày 12/8 ông mới được thuyên chuyển sang Không Đoàn; ngày 23/10, ông mới được giao nhiệm vụ đánh bóng thân phi cơ; và ngày 13/11, ông mới hộ tống đoàn vận chuyển ba chiếc phi cơ từ Milbertshofen đến Cologne (chứ không phải đến Cambrai). Như thế, sự kiện Paul Klee để mất một chiếc phi cơ giữa Milbertshofen và Cambrai vào tháng Ba 1916 là sự kiện hoàn toàn do Donald Barthelme sáng chế.

Độc giả có thể thắc mắc: "Tại sao Donald Barthelme phải sáng chế thêm những chi tiết giả vô ích như vậy? Dựa hẳn vào nhật ký của Paul Klee sẽ tạo nên cảm giác "khả tín" hơn chứ?"

Cảm giác "khả tín" không phải là điều Donald Barthelme muốn nhắm đến, mà ngược lại. Ông muốn độc giả phải nghi ngờ về tính cách "khả tín" của mọi sự. Ngay ở nhan đề truyện, tác giả đã bắt đầu trò chơi của ông. Danh tính của hoạ sĩ Paul Klee là danh tính có thật, nhưng danh tính ấy được gắn liền với chức vụ "Binh Nhì Cơ Giới" cùng với chi tiết "để mất một chiếc phi cơ" khiến nhan đề gợi đến một câu chuyện vừa có vẻ khôi hài vừa có vẻ bất khả tín. Mà quả là thế, dọc theo suốt truyện, không kể vô số chi tiết do Donald Barthelme sáng chế, ngay cả những chi tiết trích trực tiếp từ nhật ký của Paul Klee cũng tự chúng toát ra đầy tính cách giả tưởng. Chẳng hạn, hầu hết mọi người đều biết đến Paul Klee như một hoạ sĩ, ít ai biết rằng ông đã từng là Binh Nhì Cơ Giới chuyên đánh bóng thân phi cơ và theo đoàn hộ tống vận chuyển phi cơ. Chỉ đến khi tò mò tìm nhật ký của Paul Klee để đọc, thì độc giả mới có thể biết đó là chuyện có thật (theo như nhật ký).

Trò chơi xoá nhoà ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu nhằm làm mọc lên những nghi vấn đối với hiện thực là một trong những đặc điểm nổi bật của nghệ thuật tự sự hậu hiện đại. Nói rõ hơn, văn chương hư cấu hậu hiện đại chẳng những không còn muốn bắt chước hiện thực, mà lại nỗ lực tìm kiếm những cách viết mới nhằm phô bày tính cách hư cấu của chính hiện thực[16], và trò chơi xoá nhoà ranh giới giữa hư cấu và phi hư cấu là một trong những thi pháp hiệu nghiệm.

Điều thú vị là các nhà văn hậu hiện đại, bằng cách này hay cách khác, thường phô bày chính hệ thống xây dựng hư cấu trong tác phẩm của mình để độc giả có thể quan sát trong khi đọc văn bản. Có thể nói tác phẩm hư cấu hậu hiện đại có vẻ trông giống như một chiếc đồng hồ bọc plastic trong suốt cho phép người xem thấy rõ tất cả các cơ phận bên trong và "thưởng thức" những chuyển động tinh tế của chúng.

Như thế, để có thể thưởng thức những điều thú vị mang tính mỹ học khi đọc truyện ngắn này của Donald Barthelme, độc giả trước hết phải nhìn ngắm những "cơ phận và chuyển động nội tại" của nó, thay vì chăm chú theo dõi một cốt chuyện có đầu có đuôi.

VI.

"Cơ phận" đầu tiên cần được phân tích là lời tường thuật của nhân vật Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee. Đó là một bức collage (cắt ráp) từ những câu, chữ và ý lấy từ nhật ký của Paul Klee trộn lẫn với những chi tiết hoàn toàn do Donald Barthelme sáng chế. Kỹ thuật collage các chi tiết hư cấu và phi hư cấu của Donald Barthelme rất tinh xảo, và kết quả là một cuộc chơi pastiche (nhại văn phong) khéo léo đến độ nếu người đọc không kiên nhẫn so sánh với nguyên bản cuốn nhật ký thì không thể phân biệt được đâu là hư cấu và đâu là phi hư cấu, đâu là văn của Paul Klee và đâu là văn của Donald Barthelme.

Khả năng của Donald Barthelme trong việc chơi pastiche hiển nhiên là một điều thú vị, nhưng thú vị nhất là câu hỏi mọc lên trong trí người đọc: "Tại sao ông lại chọn những chất liệu 'ngoại vi' từ nhật ký của Paul Klee để làm collage?"

Thật vậy, trong bộ nhật ký 4 cuốn của Paul Klee (đó là chưa kể trong nhiều cuốn sách khác của Paul Klee) có biết bao chi tiết quan trọng và gắn bó mật thiết với tác phẩm và tư tưởng của nhà danh hoạ, nhưng Donald Barthelme lại chọn những chi tiết về sinh hoạt quân sự của Paul Klee. Nhà danh hoạ đã có một cuộc đời hết sức phong phú: ông là một hoạ sĩ ngoại hạng, một nhà mỹ học xuất sắc, một giáo sư tài giỏi, một nhạc sĩ vĩ cầm có tài, một người du hành không mệt mỏi, một người tình say đắm, một người chồng chung thủy, một người cha tuyệt vời, một người yêu văn chương và đã sáng tác một số thơ và truyện ngắn thú vị. Thời gian đi lính (chỉ có hai năm, chưa hề chiến đấu, chỉ làm những công việc nhỏ nhặt) có lẽ là đoạn đời vô vị nhất của ông -- một đoạn đời 'ngoại vi' của Paul Klee.

Trước hết, sự chọn lựa này cho thấy Donald Barthelme chống lại lối mòn của loại truyện dùng hình ảnh các danh nhân để làm nhân vật chính. Nhà văn thường đem những nét được xem là "đặc trưng" của đời sống vị danh nhân vào truyện, và dựa trên những nét ấy để khai triển câu chuyện. Donald Barthelme, ngược lại, lục lọi trong đời sống của vị danh nhân để tìm những mảnh vụn thiếu tính đặc trưng nhất và dùng kỹ thuật collage để thực hiện một văn bản hư cấu. Như chúng ta đã biết, trong nghệ thuật tạo hình, collage là kỹ thuật dán những chất liệu "nhặt được" ("found" materials), như các mảnh báo, vải, giấy dán tường, đinh sắt, gỗ, dây kẽm, v.v..., lên một tấm bảng gỗ hay vải bố, và đôi khi thêm đôi nét sơn vào đó. Đó là tiến trình chuyển hoá những chất liệu vô dụng tạp nhạp thành một tác phẩm nghệ thuật. Trong truyện ngắn này, Donald Barthelme đã thực hiện tiến trình ấy. Ông không thu thập "vàng" trong bộ nhật ký của Paul Klee, mà nhặt "rác" để làm chất liệu cho truyện.[17]

Sự chọn lựa này còn biểu hiện rõ thái độ mỹ học hậu hiện đại, một thái độ mỹ học trước những "đại tự sự" đang bị lay chuyển tận gốc rễ và đã bị đánh sập. Khi hiện thực không còn là một "câu chuyện" liên lỉ, nhất quán, mà chỉ là vô số những mảnh vụn chồng chất, đan xen vào nhau ngổn ngang trước mắt, thì để tạo nên một câu chuyện, người ta phải thực hiện việc ráp nối những mảnh vụn vào nhau theo những cách của riêng mình. Donald Barthelme không đem vào truyện những nét "đặc trưng" của Paul Klee, vì những nét "đặc trưng" ấy đã gắn liền với cái "đại tự sự" về dòng lịch sử nghệ thuật hội hoạ Tây phương. Ông lượm những mảnh vụn ngoại vi từ đời sống Paul Klee như một con người bên ngoài cái "đại tự sự" ấy, ráp chúng vào nhau, và ráp chúng vào cùng những mảnh vụn ông nhặt được từ chính ông trong khi viết.

Trong công việc ráp nối các mảnh vụn nhặt được, Donald Barthelme cũng không nỗ lực tạo nên một sự liền lạc. Đọc lời tường thuật của nhân vật Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee, chúng ta có thể tìm thấy những mảnh vụn của ngôn từ: các câu nói thường có những đoạn đứt quãng về ý tưởng, và nhảy từ điều này sang điều khác một cách bất ngờ. Thử đọc lại vài đoạn:

"Ban đêm tôi lang thang chơi bời khắp Bavaria (hay ở vài nơi như thế) và ban ngày tôi ở những bãi chuyển tiếp. Luôn luôn có bánh mì và thịt dồi và bia ở các thực quán tại các trạm hoả xa. Mỗi khi tôi đến một thị trấn đáng lưu ý tôi cố gắng đi xem những hoạ phẩm đáng lưu ý ở đó, nếu thời giờ cho phép. Luôn luôn có những sự trì hoãn, đổi lộ trình, những đoạn đường xấu. Rồi có cả việc quay ngược về căn cứ. Tôi gặp Lily khá thường. Chúng tôi đến với nhau trong những phòng ở khách sạn và điều ấy rất thú vị. Tôi chưa bao giờ làm mất một chiếc phi cơ hay thất bại trong việc chuyển giao một chiếc đến đúng nơi quy định. Chiến tranh có vẻ không thể chấm dứt. Walden đã bán được sáu bức vẽ của tôi."

Và:

"Lily sẽ gặp tôi tại phòng ngủ trọ vào Chủ Nhật, nếu tôi trở về đúng hẹn. Địa điểm chuyển giao là Phi Đội Tác Chiến Số Năm. Từ sáng đến giờ tôi chưa có gì để ăn."



Và:

"Giấy nghỉ phép và giấy thông hành đã sẵn sàng, nhưng còn phải chờ viên trung úy đến ký. Tôi hài lòng chờ đợi trong căn phòng ngăn nắp và ấm áp. Bức vẽ tôi thực hiện về tấm bạt rũ xuống với mớ dây thừng quả là đẹp. Tôi ăn một miếng sô-cô-la. Tôi hối tiếc về chiếc phi cơ bị mất, nhưng không nhiều lắm. Chiến tranh chỉ là tạm thời. Nhưng những bức tranh và sô-cô-la là vĩnh viễn."

Cách viết này trông giống như kỹ thuật "dòng ý thức" của văn chương hiện đại chủ nghĩa. Nhưng điều cầu ghi nhận là những câu nói trên đây không phải được trình bày như một thứ độc thoại nội tâm, mà cố ý được trình bày như một lời tường thuật sống động. Tất nhiên, viết như thế, Donald Barthelme đã nhại theo văn phong của nhiều đoạn trong nhật ký của Paul Klee, nhưng viết nhật ký cho riêng mình là mở cửa cho sự tự do của dòng ý thức, còn đem cách viết ấy vào lời tường thuật của một nhân vật trong truyện là nhắm vào những chủ đích mang tính mỹ học.

Trước hết, viết như thế, Donald Barthelme hiển nhiên muốn chống lại sự liền lạc thường thấy của lối tường thuật theo quy cách cũ, nghĩa là muốn chống lại sự bắt chước hiện thực. Đây là một trong những cách viết khiến độc giả cảm thấy câu chuyện trong văn bản là "bất khả tín". Độc giả hẳn phải thốt lên: "Ở ngoài đời có ai mà tường thuật kiểu đó." Nhưng thốt lên như thế, độc giả đã bắt đầu chạm đến một chủ đích khác của Donald Barthelme: ông thực hiện ý niệm "siêu hư cấu" một cách kín đáo, qua đó, ông cho độc giả thấy rõ ràng truyện chỉ là công việc xây dựng hư cấu bằng ngôn ngữ, và thế giới trong truyện không nhằm phản ảnh thế giới nào bên ngoài nó, mà chỉ hiện hữu trong ngôn ngữ của chính nó. Tất nhiên, đây là một trò đánh bẫy: dù đã cho rằng câu chuyện trong văn bản là "bất khả tín", hơn thế nữa, dù đã thấy rằng thế giới trong truyện không nhằm phản ảnh thế giới nào bên ngoài, chúng ta vẫn không khỏi bị níu kéo vào những liên tưởng về thế giới của đời sống con người, vì chính danh tính của Paul Klee và những mảnh vụn từ nhật ký của ông đã được chúng ta xem là có thật trong "hiện thực." Đưa tên tuổi của một nhân vật mang sử tính vào truyện, Donald Barthelme đã đặt một chiếc bẫy trước cảm nhận thẩm mỹ của chúng ta.



VII.

"Cơ phận" thứ nhì cần được phân tích là lời tường thuật của nhân vật Cảnh Sát Mật. Lời tường thuật này hoàn toàn hiển nhiên do Donald Barthelme sáng chế. Đọc qua lời tường thuật, chúng ta có thể thấy ngay những nghịch lý thú vị về "diện mạo" của nhân vật này. Cảnh Sát Mật dường như vừa là một tập thể (vì nó luôn luôn sử dụng ngôi thứ nhất số nhiều), vừa là một cá nhân (vì nó biểu lộ những cách suy nghĩ và hành động mang rõ tính cá nhân). Như thế, chúng ta có thể xem nó như một hiện hữu hư cấu. Nhưng, đồng thời, chúng ta cũng có thể xem nó như một ý tưởng giả định (vì hình tướng của nó không hề được mô tả và, hơn thế nữa, một hiện hữu mang những đặc tính "có-mặt-khắp-mọi-nơi", "hiểu-biết-hết-mọi-việc", và "sở-hữu-tất-cả-quyền-năng", tuyệt đối không thể có trong hiện thực, ngoại trừ chúng ta chấp nhận giả thiết rằng đó là thượng đế và thượng đế là có thật).

Đem nhân vật Cảnh Sát Mật vào truyện, Donald Barthelme thực hiện một việc tương đương với việc xây dựng một cuốn phim trong đó có diễn viên thật đóng chung với diễn viên hoạt hình. Diễn viên thật ở đây là nhân vật Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee, và diễn viên hoạt hình là nhân vật Cảnh Sát Mật. Như thế, chúng ta nhìn thấy hai thế giới hiện hữu đồng thời trên cùng một màn ảnh. Tất nhiên cả hai thế giới đều là hư cấu, nhưng thế giới của Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee luôn luôn có vẻ gần với hiện thực hơn (và tất nhiên là thế, vì Paul Klee không chỉ là một nhân vật trong truyện, mà còn luôn luôn khiến độc giả liên tưởng đến nhà danh hoạ có thật ngoài đời), còn thế giới của Cảnh Sát Mật luôn luôn có vẻ chỉ là một ý tưởng giả định. Tiến trình đọc truyện, do đó, là tiến trình quan sát sự tương quan và tác động lẫn nhau giữa hai thế giới này.

Thế giới của nhân vật Cảnh Sát Mật, trước hết, là một thế giới của những bí mật:

"Chúng tôi có những bí mật. Chúng tôi có nhiều bí mật. Chúng tôi thèm khát tất cả những bí mật. Chúng tôi không có những bí mật của bạn và đó chính là điều chúng tôi đang theo đuổi, những bí mật của bạn. Bí mật đầu tiên của chúng tôi là nơi chúng tôi hiện hữu. Không ai biết. Bí mật thứ hai của chúng tôi là chúng tôi có bao nhiêu người. Không ai biết. Có-mặt-khắp-mọi-nơi là mục đích của chúng tôi. Chúng tôi ngay cả không cần phải thực sự có-mặt-khắp-mọi-nơi. Lý thuyết về sự có-mặt-khắp-mọi-nơi là đã đủ. Cùng với sự có-mặt-khắp-mọi-nơi, luôn luôn đi song song với nhau khăng khít, là sự hiểu-biết-hết-mọi-việc. Và cùng với sự có-mặt-khắp-mọi-nơi và sự hiểu-biết-hết-mọi-việc, luôn luôn đi song song với nhau khăng khít, là sự sở-hữu-tất-cả-quyền-năng. Chúng tôi là một điệu luân vũ bộ ba."

Thế giới bí mật này được trình bày qua lời nói của một nhân vật (hay một tập thể to lớn) được đặt tên là Cảnh Sát Mật, nhưng đoạn văn trên có thể khiến độc giả liên tưởng ngay đến một thế giới siêu hình, và Cảnh Sát Mật là một hiện hữu siêu hình: một đấng thượng đế toàn năng. Bên cạnh đó, đấng thượng đế toàn năng này lại cũng có thể được nhìn thấy như một lý thuyết phi thực chứng mang tầm vóc của một thứ đại tự sự: "Chúng tôi ngay cả không cần phải thực sự có-mặt-khắp-mọi-nơi. Lý thuyết về sự có-mặt-khắp-mọi-nơi là đã đủ."

Liền theo đó, đấng thượng đế toàn năng này lại biểu lộ vài tính cách và hành động thuộc về con người bình thường:

"Tuy nhiên phong khí của chúng tôi là một nỗi buồn man mác. Có một tiếng thở dài bí mật mà chúng tôi thở dài, một cách bí mật. Chúng tôi khao khát được biết đến, được công nhận, ngay cả được ngưỡng mộ. Sở-hữu-tất-cả-quyền-năng mà không ai biết đến thì để làm gì? Tuy nhiên đó là một bí mật, nỗi sầu muộn ấy."

Những tính cách và hành động thuộc về con người bình thường (buồn man mác, thở dài, khao khát được biết đến, được công nhận, và được ngưỡng mộ) cho thấy đấng thượng đế toàn năng này bắt đầu để lộ sự bất toàn: đó là một đấng thượng đế toàn năng không được biết đến, không được công nhận, và không được ngưỡng mộ. Điều thú vị là ở đây lại có một nghịch lý khác: nhân vật này tự giới thiệu như một hiện hữu bí mật, nhưng chính sự giới thiệu ấy làm nó không còn bí mật nữa. Tất nhiên, nó vẫn còn bí mật đối với Paul Klee và sẽ theo dõi Paul Klee nhưng, vô tình, độc giả lại là người theo dõi nó.

Thoạt tiên, nó trình diễn khả năng "có-mặt-khắp-mọi-nơi" và "hiểu-biết-hết-mọi-việc" của nó một cách hoàn hảo:

"Bạn muốn biết Binh Nhì Cơ Giới Klee đang làm gì ngay lúc này, trong toa hành lý? Y đang đọc một tập truyện ngắn Trung Hoa. Y đã tháo giày bốt. Hai bàn chân y duỗi ra cách lò sưởi của toa hành lý hai mươi sáu phân."

Thế nhưng, tiếp tục theo dõi nó, độc giả thấy rằng càng lúc nó càng vấp phải những khuyết điểm của con người bình thường, và vì thế càng lúc nó lại càng trở thành một (hay chỉ vài) con người bình thường: nó theo Paul Klee vào quán ăn, vì thế nó không nhìn thấy lúc chiếc phi cơ bị đánh cắp (ở đây, nó không còn là một tập thể to lớn như nó ngụ ý, dù nó vẫn tự xưng là "chúng tôi", vì nếu nó là một tập thể to lớn, hẳn nó đã có người tiếp tục canh chừng chiếc phi cơ), và rồi chính nó tự thú nhận khuyết điểm của nó, một cách rất "người":

"Rủi thay chúng tôi đã ở trong thực quán của trạm hoả xa, ăn trưa, ngay trong thời gian việc tháo gỡ xảy ra, do đó chúng tôi không thể xác quyết nó đã đi về nơi nào hay ai đã tháo gỡ nó. Có điều gì đó chúng tôi không rõ. Thực là hết sức khó chịu."

Như thế, huyền thoại tự thêu dệt của nó về những khả năng "có-mặt-khắp-mọi-nơi" và "hiểu-biết-hết-mọi-việc" thình lình trở thành sự nói dối. Và sau đó, sự "sở-hữu-tất-cả-quyền-năng" cũng không có thật: nó không thể làm chiếc cơ xuất hiện trở lại, và không thể làm gì khác hơn người bình thường:

"Chúng tôi, Cảnh Sát Mật, cũng rà khắp bầu trời Hohenbudberg, với mắt chúng tôi. Nhưng chẳng tìm thấy gì."

Rồi nó để lộ ra một loạt những chi tiết khác: nó là một tập thể nhỏ ("chúng tôi đang bàn cãi với nhau") và yếu đuối nằm dưới sự lãnh đạo của một quyền lực to lớn hơn (quyền lực nào?), và tất cả những khả năng siêu việt của nó đều chỉ là những lý thuyết vớ vẩn và dối trá:

"Khả năng làm hỏng cái lý thuyết về sự hiểu-biết-hết-mọi-việc, cũng như làm hỏng chính sự nghiệp của chúng tôi, khiến chúng tôi phải gạt bỏ điểm này ra khỏi bản báo cáo sơ khởi. Nhưng nếu điểm này bị gạt bỏ, liệu có nhân vật chức trách nào đó ở Cơ Quan Mật Vụ Trung Ương nhận ra sự thiếu sót này không? Có nổi giận không? Có gào vào mặt chúng tôi không? Sự thiếu sót không được khen thưởng ở Cơ Quan Trung Ương."

Sau đó, nó hoàn toàn bất lực như những viên cảnh sát lầm lỗi, đang tuyệt vọng không tìm ra lối thoát và sợ bị thượng cấp khiển trách (thượng cấp nào nữa? hay lại là một trò dối trá khác của nó?), nên hoan hỉ chấp nhận việc Binh Nhì Paul Klee làm giả chứng thư. Thế nhưng, cuối cùng, nó vẫn cố nhấn mạnh vào sự bí mật như một giá trị của sự hiện hữu của nó:

"Chúng tôi muốn ôm chầm lấy y như một đồng chí và một người anh em nhưng rủi thay chúng tôi không thể ôm chầm được. Chúng tôi bí mật, chúng tôi hiện hữu trong bóng tối, niềm hoan lạc của cái ôm chầm mang tình đồng chí/tình huynh đệ là một trong những niềm hoan lạc chúng tôi không được hưởng, trong nhiệm vụ tệ hại của chúng tôi."

Đó là lời nói cuối cùng của nhân vật Cảnh Sát Mật, một lời nói rất gượng gạo và giả tạo, biểu lộ một cung cách hiện hữu hết sức rởm và vô ích.

Đọc lại toàn bộ lời tường thuật của nhân vật Cảnh Sát Mật từ đầu đến cuối truyện, chúng ta có thể thấy nó nói rất nhiều nhưng hoàn toàn vô giá trị đối với tất cả những diễn biến của truyện. Bên cạnh thế giới năng động và đầy ngẫu nhiên của Binh Nhì Cơ Giới Paul Klee, thế giới của Cảnh Sát Mật hiện hữu như một loại chùm gởi hoàn toàn thụ động: nó không thể tự hiện hữu, mà phải bám vào thế giới của Paul Klee để hiện hữu, và sự hiện hữu của nó hoàn toàn không có một tác động nào đến thế giới của Paul Klee. Thật vậy, chúng ta có thể xoá tất cả những lời nói của Cảnh Sát Mật, và thế giới của Paul Klee vẫn còn nguyên vẹn. Ở điểm này, chúng ta có thêm một bằng chứng cụ thể: truyện bắt đầu với giọng nói của Paul Klee và kết thúc với giọng nói Paul Klee; nhân vật Cảnh Sát Mật chỉ xuất hiện như một giọng nói bám theo, tồn tại giữa những khoảng Paul Klee ngưng nói. Hơn nữa, trong khi giọng nói của Cảnh Sát Mật kết thúc như một thái độ biểu lộ sự cạn kiệt, thì giọng nói của Paul Klee lại kết thúc như một cử chỉ tạm dừng, trong đó còn chứa đựng nhiều khả thể khai triển sinh động.



tải về 0.57 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương