Verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ, CÁc ngưỜi nam nữ SỐng đỜi thánh hiếN


Phục vụ Đức Giêsu trong “những anh em nhỏ bé nhất” (x. Mt 25,40)



tải về 1.18 Mb.
trang6/6
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.18 Mb.
#34442
1   2   3   4   5   6

Phục vụ Đức Giêsu
trong “những anh em nhỏ bé nhất” (x. Mt 25,40)


99. Lời Chúa soi sáng cuộc sống con người và thúc bách lương tâm mỗi người xét lại đời sống của mình tận chiều sâu, bởi vì toàn thể lịch sử nhân loại đều ở dưới quyền phán xét của Thiên Chúa: “Khi Con Người đến trong vinh quang của Người, có tất cả các thiên sứ theo hầu, bấy giờ Người sẽ ngự lên ngai vinh hiển của Người. Các dân thiên hạ sẽ được tập hợp trước mặt Người” (Mt 25,31-32). Vào thời đại chúng ta, chúng ta thường dừng lại cách hời hợt trước giá trị của khoảnh khắc đang qua đi, y như thể nó không có liên quan gì tới tương lai. Trái lại, Tin Mừng nhắc chúng ta nhớ rằng mọi khoảnh khắc của cuộc sống chúng ta đều quan trọng và phải được sống cách sâu đậm, vì biết rằng mỗi người sẽ phải trả lẽ về cuộc đời của mình. Tại chương 25 của Tin Mừng theo thánh Mátthêu, Con Người sẽ coi bất cứ điều gì chúng ta làm hay không làm cho “những anh em bé nhỏ nhất” của Người (x. 25,40,45) như là làm hay không làm cho chính Người: “Ta đói, các người đã cho ăn; Ta khát, các ngươi đã cho uống; Ta là khách lạ, các ngươi đã tiếp rước; Ta trần truồng, các ngươi đã cho mặc; Ta đau yếu, các ngươi đã thăm viếng; Ta ngồi tù, các ngươi đến hỏi han” (25,35-36). Vậy chính Lời Thiên Chúa nhắc nhở chúng ta rằng chúng ta cần phải dấn thân trong thế giới và phải chịu trách nhiệm trước mặt Chúa Kitô, Chúa tể của lịch sử. Khi loan báo Tin Mừng, chúng ta hãy khích lệ lẫn nhau làm điều tốt và dấn thân cho công lý, hoà giải và hoà bình.

Lời Thiên Chúa và dấn thân trong xã hội vì công lý


100. Lời Thiên Chúa thúc đẩy con người xây dựng những liên hệ được linh hoạt bởi sự ngay thẳng và công lý; Lời chứng thực cho giá trị vĩ đại dưới mắt Thiên Chúa của mọi cố gắng nhằm làm cho thế giới nên công bình hơn và đáng sống hơn.327 Cũng chính Lời Thiên Chúa tố giác không chút mập mờ các bất công và cổ võ tình liên đới và sự bình đẳng.328 Vậy, dưới ánh sáng của các lời Chúa nói, chúng ta hãy nhận ra “các dấu chỉ thời đại” đang hiện diện trong lịch sử, chúng ta đừng từ chối dấn thân vì những người đang đau khổ và là nạn nhân của tính ích kỷ. Thượng Hội Đồng đã nhắc lại rằng dấn thân cho công lý và nhằm biến đổi thế giới là một đòi hỏi thuộc về bản chất của công cuộc phúc âm hoá. Như Đức giáo hoàng Phaolô VI đã nói, vấn đề là phải “đạt tới và hầu như đảo ngược lại bằng sức mạnh của Tin Mừng các tiêu chuẩn phán đoán, các giá trị quyết định, các tư lợi, các khuôn mẫu tư duy, các nguồn cảm hứng và các kiểu mẫu sống của nhân loại đi ngược lại với Lời Thiên Chúa và kế hoạch cứu độ”.329

Nhằm mục đích đó, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã đặc biệt nghĩ tới những người đang dấn thân vào đời sống chính trị và xã hội. Việc phúc âm hoá và phổ biến Lời Thiên Chúa phải gợi hứng cho hoạt động của họ trong thế giới nhằm tìm kiếm điều thiện hảo đích thực cho mọi người, trong thái độ tôn trọng và cổ võ phẩm giá của mọi người. Quả thật, nhiệm vụ trực tiếp của Giáo Hội không phải là tạo ra một xã hội công bình hơn, cho dù Giáo Hội có quyền và có bổn phận can thiệp vào các vấn đề đạo đức và luân lý liên quan tới thiện ích của những con người và những dân tộc. Chính là tín hữu giáo dân, đã được đào tạo tại trường học Tin Mừng, mới có nhiệm vụ can thiệp trực tiếp vào trong hoạt động chính trị và xã hội. Chính vì thế, Thượng Hội Đồng khuyến cáo cổ võ một nền huấn luyện thích đáng theo các nguyên tắc của Giáo huấn xã hội của Giáo Hội.330



101. Thêm vào đó, tôi cũng muốn một lần nữa lưu ý mọi người về tầm quan trọng của việc bảo vệ và phát huy các quyền con người của tất cả mọi người, các quyền này dựa trên luật tự nhiên đã được ghi khắc trong trái tim con người, và như thế, là các quyền “phổ quát, bất khả xâm phạm, bất khả nhượng”.331 Giáo Hội ước mong rằng nhờ việc thừa nhận các quyền này, nhân phẩm sẽ thực sự được nhìn nhận và được mọi người cổ võ,332 như là một nét được Thiên Chúa Tạo Hoá in lên thụ tạo của Ngài, thụ tạo mà Chúa Kitô đã nhận lấy nơi mình và cứu chuộc bằng việc Nhập thể, bằng cái chết và sự Sống lại của Người. Chính vì thế, việc phổ biến Lời Thiên Chúa chỉ có thể tăng cường việc nhìn nhận và tôn trọng các quyền con người của tất cả mọi người.333

Loan báo Lời Thiên Chúa,
hoà giải và hoà bình giữa các dân tộc


102. Giữa nhiều lãnh vực cần phải dấn thân, Thượng Hội Đồng tha thiết kêu gọi cổ võ cho hoà giải và hoà bình. Trong bối cảnh hiện nay, hơn bao giờ hết, cần phải tái khám phá ra Lời Thiên Chúa như nguồn hoà giải và hoà bình, vì bằng Lời ấy, Thiên Chúa hoà giải mọi sự với Ngài (x. 2 Cr 5,18-20; Ep 1,10): Chúa Kitô là “bình an của chúng ta” (Ep 2,14), là Đấng phá đổ các bức tường ngăn cách. Một số tham luận tại Thượng Hội Đồng đã cung cấp nhiều thông tin về các xung đột và căng thẳng trầm trọng và đầy bạo lực đang xảy ra trên hành tinh chúng ta. Có những lúc, những tình trạng thù nghịch dường như mang dáng dấp xung đột tôn giáo. Ở đây, tôi muốn khẳng định một lần nữa rằng tôn giáo không bao giờ có thể biện minh cho thái độ bất khoan dung hay chiến tranh. Chúng ta không thể nhân danh Thiên Chúa mà sử dụng bạo lực!334 Các tôn giáo phải khích lệ việc sử dụng lý trí đúng đắn và cổ võ các giá trị đạo đức có thể xây dựng cuộc sống chung với nhau.

Trung thành với công cuộc hoà giải Thiên Chúa đã thực hiện nơi Đức Giêsu Kitô, đã chịu đóng đinh và đã sống lại, người Công Giáo và tất cả mọi người thiện chí phải dấn thân mà nêu lên những tấm gương về hoà giải để xây dựng một xã hội công bình và ổn định.335 Chúng ta không bao giờ được quên rằng “ở đâu lời con người trở thành bất lực vì sự thắng thế của tranh chấp bạo lực và vũ khí, thì sức mạnh có tính ngôn sứ của Lời Thiên Chúa vẫn có đó và nhắc rằng hoà bình là điều có thể thực hiện, và chính chúng ta phải trở thành khí cụ kiến tạo hoà giải và hoà bình”.336


Lời Chúa và đức ái hành động


103. Sự dấn thân cho công lý, hoà giải và hoà bình có gốc rễ tối hậu và nên trọn nơi tình yêu đã được mạc khải cho chúng ta trong Chúa Kitô. Nhờ nghe các chứng từ đưa ra tại Thượng Hội Đồng, chúng ta để ý hơn đến mối dây liên kết giữa việc yêu mến lắng nghe Lời Thiên Chúa và việc phục vụ vô vị lợi anh chị em mình; tất cả các tín hữu phải hiểu là cần “diễn dịch Lời đã nghe thành những cử chỉ yêu thương, vì đây là cách duy nhất làm cho việc loan báo Tin Mừng trở thành khả tín, mặc dù nơi con người vẫn có những yếu đuối mỏng dòn”.337 Đức Giêsu đã đi qua thế gian này mà làm điều thiện (x. Cv 10,38). Lời Thiên Chúa được ngoan ngoãn lắng nghe trong Giáo Hội sẽ làm sống dậy “đức ái và công bình đối với mọi người, nhất là đối với người nghèo”.338 Không bao giờ được quên rằng “tình yêu – caritas – luôn luôn cần thiết, ngay trong xã hội công bình nhất… Người nào muốn loại bỏ tình yêu thì cũng sẵn sàng loại bỏ con người trong tư cách là con người”.339 Vì thế, tôi khuyến khích tất cả các tín hữu thường xuyên suy ngẫm bài ca đức mến mà Tông Đồ Phaolô đã viết và để cho mình được gợi hứng bởi bài ca này: “Đức mến thì nhẫn nhục, hiền hậu, không ghen tương, không vênh vang, không tự đắc, không làm điều bất chính, không tìm tư lợi, không nóng giận, không nuôi hận thù; không mừng khi thấy sự gian ác, nhưng vui khi thấy điều chân thật. Đức mến tha thứ tất cả, tin tưởng tất cả, hy vọng tất cả, chịu đựng tất cả. Đức mến không bao giờ mất được” (1 Cr 13,4-8).

Như vậy, tình yêu đối với người lân cận, bén rễ trong tình yêu Thiên Chúa, hàm ý là chúng ta phải thường xuyên dấn thân trong tư cách cá nhân và cộng đoàn Giáo Hội, địa phương lẫn hoàn cầu. Thánh Augustinô đã khẳng định: “Điều căn bản là hiểu rằng yêu thương là hoàn tất Lề Luật, cũng như hoàn tất toàn thể Kinh Thánh […]. Do đó, những ai tưởng rằng đã hiểu Kinh Thánh, hoặc ít ra một phần nào đó của Kinh Thánh, mà không ra sức dùng trí tuệ mà xây dựng tình yêu vừa đối với Thiên Chúa, vừa đối với người tha nhân, thì chứng tỏ họ chưa hiểu Kinh Thánh”.340


Loan báo Lời Thiên Chúa và người trẻ


104. Thượng Hội Đồng đặc biệt chú ý tới việc loan báo Lời Chúa cho các thế hệ trẻ. Ngay bây giờ, người trẻ là những thành viên tích cực của Giáo Hội và họ chính là tương lai của Giáo Hội. Ta thường gặp nơi họ có sự cởi mở bột phát với việc lắng nghe Lời Thiên Chúa và một lòng ao ước chân thành được biết Đức Giêsu. Quả thật, chính là trong thời tuổi trẻ mà phát sinh không kềm hãm được và chân thành những câu hỏi về ý nghĩa đời sống cá nhân mình và hướng đi cho chính cuộc sống của mình. Chỉ duy mình Thiên Chúa mới đưa ra được câu trả lời đích thực cho các câu hỏi này. Sự quan tâm tới thế giới trẻ đòi hỏi phải can đảm loan báo rõ ràng; chúng ta phải giúp những người trẻ có được sự tín nhiệm và thân quen với Kinh Thánh, để Kinh Thánh trở thành như cái la bàn chỉ cho biết con đường phải theo.341 Chính vì thế, người trẻ cần những chứng nhân và những tôn sư cùng bước đi với họ và đào tạo cho họ biết yêu mến và truyền thông Tin Mừng đặc biệt cho những người trẻ cùng lứa tuổi, và như thế, chính họ cũng trở thành những người loan báo chân chính và đáng tin.342

Lời Chúa cũng phải được trình bày cho thấy có những hệ luận về ơn gọi, hầu trợ giúp và định hướng cho người trẻ trong việc chọn lựa đời sống, kể cả chiều hướng dâng hiến hoàn toàn cho Thiên Chúa.343 Các ơn gọi chân chính đi vào đời sống thánh hiến hay đời sống linh mục sẽ có được mảnh đất mầu mỡ nhờ trung thành tiếp xúc với lời Chúa. Một lần nữa, tôi xin nhắc lại lời kêu gọi mà tôi đã đưa ra vào buổi đầu triều đại giáo hoàng của tôi, đó là hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô: “Người nào để cho Chúa Kitô đi vào, người ấy chẳng mất gì cả, chẳng mất gì cả, tuyệt đối không mất gì cả trong những điều làm cho đời sống mình nên tự do, tươi đẹp và vĩ đại. Không! Chỉ trong tình bạn này, các cánh cửa đưa vào sự sống mới rộng mở. Chỉ trong tình bạn này, các tiềm năng lớn lao của thân phận con người mới thực sự được giải phóng […]. Các bạn trẻ thân mến: đừng sợ Chúa Kitô! Người không lấy bất cứ điều gì cả, Người cho tất cả mọi sự. Ai hiến mình cho Người, sẽ nhận lại gấp trăm. Vâng, hãy mở ra, hãy mở rộng cửa cho Chúa Kitô – và các bạn sẽ tìm được sự sống chân thật”.344


Loan báo Lời Thiên Chúa và di dân


105. Lời Thiên Chúa khiến ta lưu ý tới lịch sử và tất cả những gì lại đâm mầm trong lịch sử này. Chính vì thế, khi bàn đến sứ mạng phúc âm hoá của Giáo Hội, Thượng Hội Đồng cũng đã muốn để ý đến hiện tượng phức tạp của các phong trào di dân, một hiện tượng trong mấy năm gần đây đã đạt tới một tỷ lệ chưa từng có. Ở đây phát sinh những vấn nạn rất tế nhị liên quan đến an ninh của các quốc gia và việc phải đón tiếp những người đi tìm một nơi ẩn náu, những điều kiện sinh sống, y tế và làm việc tốt đẹp hơn. Có rất nhiều người không hề biết Chúa Kitô hoặc có một hình ảnh sai lạc về Người, đến định cư tại các xứ sở có truyền thống Kitô giáo. Đồng thời, có những người thuộc các dân tộc thấm nhuần sâu xa niềm tin Kitô giáo lại di cư đến những xứ sở đang cần được loan báo về Chúa Kitô và một cuộc tân phúc âm hoá. Các tình huống ấy cống hiến nhiều khả thể mới cho việc phổ biến Lời Thiên Chúa. Về điểm này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã khẳng định rằng di dân có quyền được nghe kerygma (lời rao giảng Tin Mừng), lời này được đề nghị chứ không phải áp đặt cho họ. Nếu họ là Kitô hữu, họ cần được trợ giúp mục vụ thích đáng hầu củng cố đức tin và chính họ trở thành những người đi loan báo Tin Mừng. Ý thức về tính phức tạp của hiện tượng này, tất cả các giáo phận liên hệ phải được động viên để các phong trào di dân cũng được coi như một dịp giúp khám phá ra các hình thái mới để hiện diện và công bố. Điều cũng cần thiết là các giáo phận phải tùy theo khả năng mà tiếp đón và chăm sóc các anh chị em này, để khi đã được Tin Mừng đánh động, chính họ trở thành sứ giả của Lời Thiên Chúa và chứng nhân của Đức Giêsu Phục Sinh, niềm hy vọng của thế giới.345

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người đau khổ


106. Trong khi Thượng Hội Đồng làm việc, các Nghị Phụ cũng thường xét đến sự cần thiết phải loan báo Lời Thiên Chúa cho tất cả những ai đang đau khổ, về thể lý, tâm lý hoặc thiêng liêng. Quả thật, chính trong những lúc đau khổ, mà phát sinh những câu hỏi nhức buốt nhất trong trái tim con người, những câu hỏi tối hậu về ý nghĩa của chính đời mình. Nếu lời nói của con người dường như trở nên câm nín trước mầu nhiệm sự dữ và đau khổ, và nếu xã hội chúng ta chỉ đánh giá cao sự sống khi nó tương ứng với một số bình diện về hiệu năng và sự thoải mái, Lời Thiên Chúa lại giúp ta thấy rằng ngay những giây phút (đau khổ) này cũng được tình yêu Thiên Chúa “vỗ về” cách nhiệm mầu. Đức tin phát sinh từ cuộc gặp gỡ với Lời Chúa, giúp chúng ta coi đời sống con người đáng được sống trọn vẹn, ngay cả lúc nó bị tan nát vì sự dữ. Thiên Chúa đã dựng nên con người để họ được hạnh phúc và được sống, trong khi bệnh tật và cái chết đã đi vào trong thế giới như là hậu quả của tội lỗi (x. Kn 2,23-24). Nhưng Cha của sự sống là thầy thuốc tuyệt hảo của nhân loại, Ngài không ngừng âu yếm cúi mình xuống trên nhân loại đau khổ. Chúng ta chiêm ngưỡng đỉnh cao của việc Thiên Chúa gần gũi với các đau khổ của con người trong chính Chúa Giêsu, “Lời nhập thể. Người đã chịu đau khổ với chúng ta và đã chịu chết. Bằng cuộc thhương khó và cái chết của Người, Người đã đảm nhận sự yếu hèn của chúng ta nơi Người và đã biến đổi sự yếu hèn ấy cho đến cùng”.346

Sự gần gũi của Đức Giêsu với những người đau khổ chưa bao giờ gián đoạn: sự gần gũi này kéo dài trong thời gian nhờ tác động của Chúa Thánh Thần trong sứ mạng của Giáo Hội, trong Lời và trong các bí tích, nơi những con người thiện chí, nơi các sáng kiến bác ái được thực thi bằng tình yêu huynh đệ của các cộng đoàn, khi vén mở cho thấy khuôn mặt đích thực của Thiên Chúa và tình yêu của Ngài. Thượng Hội Đồng tạ ơn Thiên Chúa về chứng tá sáng chói, đôi khi ẩn giấu, của nhiều Kitô hữu – linh mục, tu sĩ và giáo dân – những người đã tiếp tục cho Chúa Kitô, vị thầy thuốc đích thực chữa trị tâm hồn lẫn thể xác, mượn đôi tay, cặp mắt và trái tim! Thượng Hội Đồng còn tiếp tục khuyến khích là hãy tiếp tục chăm sóc những người đau ốm bằng cách đưa lại cho họ sự hiện diện ban sự sống của Chúa Giêsu trong Lời và trong bí tích Thánh Thể. Hãy giúp họ đọc Kinh Thánh và khám phá ra rằng, trong tình trạng của họ, họ có thể tham dự một cách đặc biệt vào những đau khổ có sức cứu chuộc của Chúa Kitô nhằm cứu độ thế giới (x. 2 Cr 4,8-11.14).347

Loan báo Lời Thiên Chúa và những người nghèo

107. Kinh Thánh mạc khải sự ưu ái của Thiên Chúa đối với người nghèo và những người cùng quẫn (x. Mt 25, 31-46). Các Nghị Phụ đã thường xuyên nhắc lại rằng điều cần thiết là việc loan báo Tin Mừng, sự dấn thân của các Mục tử và của các cộng đoàn phải quay hướng về các anh em ấy. Quả thế, “những người đầu tiên được quyền loan báo Tin Mừng chính là những người nghèo, những người không những cần cơm bánh, mà còn cần cả lời ban sự sống”.348 Việc phục vụ do tình yêu, một công việc không bao giờ được thiếu trong các Hội Thánh của chúng ta, phải luôn luôn được kết hợp với việc loan báo Lời Thiên Chúa và việc cử hành các Mầu nhiệm thánh.349 Đồng thời, phải nhìn nhận và đề cao giá trị của sự kiện này là chính những người nghèo cũng là những tác nhân Phúc âm hóa. Trong Kinh Thánh, người nghèo đích thực là người hoàn toàn ký thác bản thân cho Thiên Chúa và chính Đức Giêsu, trong Tin Mừng, gọi là có phúc những người có “Nước Trời thuộc về” mình (Mt 5, 3; x. Lc 6, 20). Chúa ca tụng con tim đơn sơ của kẻ nhìn nhận Thiên Chúa là của cái chân thật của mình, kẻ đặt nơi Người niềm cậy trông của mình, chứ không phải nơi của cải thế gian. Hội Thánh không được làm cho người nghèo thất vọng: “Các Mục tử được kêu gọi lắng nghe họ, học nơi họ, hướng dẫn họ trong niềm tin của họ và thúc đẩy họ, để họ là những người kiến tạo chính lịch sử của họ”.350

Hội Thánh cũng biết rằng có một sự nghèo khó là nhân đức phải trau dồi và chọn lựa tự do, như nhiều vị thánh đã làm, và có một sự bần cùng lại thường là kết quả của những bất công, do tính ích kỷ gây ra, có triệu chứng là sự túng thiếu và đói khát, và nó gây ra các xung đột. Khi Hội Thánh loan báo Lời Thiên Chúa, Hội Thánh biết rằng phải cổ võ một “vòng tròn nhân đức” giữa sự nghèo khó “phải chọn” và sự nghèo khó “phải đánh đuổi”, bằng cách tái khám phá “sự thanh đạm và tình liên đới, như những giá trị Tin Mừng và, đồng thời, phổ quát […] Điều này hàm ẩn những chọn lựa về công lý và nếp sống thanh đạm”.351



Lời Thiên Chúa và việc bảo toàn tạo thành

108. Việc dấn thân vào trong thế giới, mà Lời Thiên Chúa đòi hỏi, thúc đẩy chúng ta nhìn bằng cắp mắt mới toàn thể vũ trụ, được Thiên Chúa tạo thành và đã mang trong mình các dấu vết của Ngôi Lời, do Người mọi sự đã được tạo thành (x. Ga 1,2). Quả thật, chúng ta cũng vậy, trong tư cách là Kitô hữu và sứ giả Tin Mừng, chúng ta có một trách nhiệm đối với tạo thành. Nếu, một đàng, Mạc Khải cho chúng ta biết dự phóng của Thiên Chúa trên vũ trụ, đàng khác, Mạc Khải đưa chúng ta tới chỗ tố giác những thái độ sai lầm của con người, khi họ không nhận biết mọi sự như là dấu vết của Đấng Tạo Hóa, mà chỉ như một chất liệu để họ lèo lái không chút áy náy. Theo cách này, con người thiếu sự khiêm tốn cốt yếu giúp họ nhận biết thụ tạo như là một ân ban của Thiên Chúa mà họ phải đón nhận và sử dụng theo kế hoạch của Ngài. Trái lại, sự kiêu căng ngạo mạn của người sống “y như thể Thiên Chúa không hiện hữu”, đưa họ tới chỗ khai thác và làm méo mó gương mặt của thiên nhiên, do không nhìn nhận thiên nhiên là một công trình của Lời tạo dựng. Khởi đi từ cái nhìn thần học này, tôi ao ước lặp lại các khẳng định của các Nghị Phụ, các ngài đã nhắc lại rằng “đón tiếp Lời Thiên Chúa đã được chứng thực trong Kinh Thánh và trong Truyền Thống sống động của Giáo Hội, làm nảy sinh một cách nhìn mới các sự vật, qua việc cổ võ một nền môi sinh học chân chính, bén rễ sâu xa nhất trong sự vâng phục đức tin [...], phát triền một sự nhạy cảm thần học mới mẻ đối với sự tốt lành của mọi sự đã được tạo thành trong Đức Kitô”.352 Con người cần được giáo dục lại về khả năng kinh ngạc thích thú và nhận biết vẻ đẹp trung thực được tỏ lộ trong các sự vật đã được tạo thành.353

LỜi Thiên Chúa và văn hóa

Giá trị của văn hóa đối với cuộc sống con người

109. Lời loan báo của Tin Mừng Gioan liên hệ đến cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời cho thấy dây liên kết bất khả phân ly hiện có giữa Lời Thiên Chúa và những lời con người, xuyên qua những lời này Lời Thiên Chúa được thông ban cho chúng ta. Chính là khởi đi từ nhận định này mà Thượng Hội Đồng Giám Mục đã dừng lại với tương quan giữa Lời Thiên Chúa và văn hóa. Quả thật, Thiên Chúa không tự mạc khải cho con người theo cách trừu tượng, nhưng bằng cách nhận lấy các ngôn ngữ, các hình ảnh và các cách diễn tả gắn liền với các nền văn hóa khác nhau. Đây là một tương quan phong phú đã từng được chứng thực rộng rãi trong lịch sử Hội Thánh. Ngày hôm nay, tương quan này đi vào một giai đoạn mới do sự lan rộng và sự bám rễ của hoạt động Phúc âm hóa giữa lòng các nền văn hóa khác nhau và do những phát triển mới đây của nền văn hóa Tây phương. Điều này trước tiên có hệ quả là sự nhận biết tầm quan trọng của văn hóa trong đời sống của bất cứ người nào. Hiện tượng văn hóa trong các phương diện đa dạng của nó quả thật tỏ ra như là một yếu tố cấu thành kinh nghiệm con người: “Con người luôn luôn sống theo một nền văn hóa riêng, và nền văn hóa này lại tạo ra giữa những con người một dây liên kết cũng riêng cho mình, bằng cách xác định tính chất liên nhân bản và xã hội của cuộc sống con người”.354

Dọc theo các thời đại, Lời Thiên Chúa đã gợi hứng cho tất cả các nền văn hóa khác nhau bằng cách làm phát sinh các giá trị luân lý căn bản, những cách thức diễn tả nghệ thuật chọn lọc và các kiểu sống làm mẫu.355 Chính vì thế, trong viễn tượng một cuộc gặp gỡ mới giữa Kinh Thánh và các nền văn hóa, tôi ước muốn nhắc cho tất cả các tác nhân thuộc thế giới văn hóa rằng họ không có gì phải sợ mở lòng ra với Lời Thiên Chúa, Lời này không bao giờ hủy diệt nền văn hóa đúng đắn, nhưng làm thành một sự kích thích thường hằng trong việc tìm kiếm những cách diễn tả của con người ngày càng thích hợp hơn trong việc tìm những cách thức diễn tả của con người ngày càng thích hợp và có ý nghĩa hơn. Bất cứ nền văn hóa chân chính nào, để thật sự phục vụ con người, đều phải mở ra với siêu việt, và cuối cùng với Thiên Chúa.



Kinh Thánh, một kho báu to lớn cho các nền văn hóa

110. Các Nghị Phụ đã nêu bật tầm quan trọng của việc yểm trợ nơi những người có văn hóa một sự hiểu biết đúng đắn về Kinh Thánh, kể cả trong những môi trường tục hóa và nơi những người không tin;356 Kinh Thánh chứa những giá trị nhân học và triết học đã từng ảnh hưởng tích cực lên toàn thể nhân loại.357 Phải tìm lại cho đầy đủ cảm thức về Kinh Thánh như một kho báu to lớn đối với các nền văn hóa.

Hiểu biết Kinh Thánh
trong các trường trung học và các đại học


111. Trường trung họcđại học là một khung cảnh riêng cho việc gặp gỡ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa. Ước gì các Mục tử quan tâm đặc biệt đến các môi trường này, bằng cách cổ võ một sự hiểu biết sâu xa Kinh Thánh, sao cho các hệ quả văn hóa phong phú, kể cả cho thời đại chúng ta, có thể nắm bắt được! Ước gì các trung tâm học vấn lệ thuộc các đơn vị Công giáo mang lại được một đóng góp độc đáo – đóng góp này phải được nhìn nhận – cho việc thăng tiến nền văn hóa và việc giáo dục! Cũng không được sao nhãng việc dạy về đạo, bằng cách đào tạo kỹ càng các thầy dạy. Trong nhiều trường hợp, việc dạy đạo này, đối với các sinh viên, là một cơ hội duy nhất để họ tiếp xúc với sứ điệp đức tin. Trong việc dạy này, rất nên cổ võ việc hiểu biết Kinh Thánh, bằng cách đánh tan các thành kiến, cũ và mới, và tìm cách làm cho người ta biết chân lý của Kinh Thánh.358

Kinh Thánh
qua các cách thức diễn tả nghệ thuật khác nhau


112. Quan hệ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa đã tìm được một lối diễn tả cụ thể trong những khung cảnh khác nhau, đặc biệt trong thế giới nghệ thuật. Chính vì thế Truyền thống quan trọng của Đông và Tây phương xưa nay vẫn trân trọng các diễn tả nghệ thuật được Kinh Thánh gợi hứng, chẳng hạn các nghệ thuật tạo hình (figuratifs), hoặc cả ngành kiến trúc, văn chương và âm nhạc. Tôi cũng nghĩ đến ngôn ngữ cổ xưa được diễn tả bởi các thánh tượng, ngôn ngữ này, khởi đi từ Truyền thống Đông phương, đã dần dà phổ biến khắp nơi trên thế giới. Cùng với các Nghị Phụ, toàn thể Giáo Hội bày tỏ sự trân trọng, sự quý mến và ngưỡng mộ đối với các nghệ sĩ “say mê vẻ đẹp”, đã để mình được gợi hứng bởi các bản văn thánh; các vị ấy đã góp phần vào việc tô điểm các nhà thờ chúng ta, vào việc cử hành đức tin chúng ta, vào việc làm phong phú nền phụng vụ của chúng ta và, đồng thời, nhiều người trong số các vị ấy đã giúp làm cho người ta nhận ra được, trong thời gian và trong không gian, các thực tại vô hình và vĩnh cửu.359 Tôi khuyến khích các cơ quan có thẩm quyền hãy cổ võ trong Giáo Hội một nền huấn luyện vững chắc cho các nghệ sĩ về Kinh Thánh dưới ánh sáng của Truyền Thống sống động của Giáo Hội và Huấn Quyền.

Lời Thiên Chúa và các phương tiện truyền thông xã hội

113. Cũng có liên hệ đến tương quan giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa, là tầm quan trọng của việc sử dụng chuyên chăm và thông minh các phương tiện truyền thông xã hội, cũ và mới. Các Nghị Phụ đã khuyến cáo là nên có một sự hiểu biết thích đáng về các dụng cụ ấy, bằng cách quan tâm đến sự phát triển mau chóng của chúng và đến các bình diện tương tác của chúng và bằng cách đầu tư nhiều năng lực hơn hầu đạt được một thẩm quyền trong các lãnh vực khác nhau, đặc biệt trong lãnh vực người ta gọi là các media mới, chẳng hạn internet. Đã có một sự hiện diện có ý nghĩa của Giáo Hội trong thế giới truyền thông đại chúng và Huấn Quyền Giáo Hội cũng đã nói lên ý kiến của mình nhiều lần về đề tài này kể từ Công Đồng Vatican II.360 Việc thủ đắc những phương pháp mới để truyền đạt sứ điệp Tin Mừng thuộc về sự căng thẳng thường trực của các tín hữu và, hôm nay, ngành truyền thông đang bung ra một mạng lưới bao trùm toàn địa cầu, khiến đưa lại một ý nghĩa mới cho lời kêu gọi của Đức Kitô: “Điều Thầy nói với anh em lúc đêm hôm, thì hãy nói ra giữa ban ngày; và điều anh em nghe rỉ tai, thì hãy lên mái nhà rao giảng” (Mt 10,27). Lời Thiên Chúa, ngoài dạng in ấn, cũng phải rền vang xuyên qua các hình thức truyền thông khác.361 Chính vì thế, cùng với các Nghị Phụ, tôi ước muốn cám ơn những người Công Giáo đang dấn thân với thẩm quyền nhằm hiện diện cách có ý nghĩa trong thế giới các phương tiện truyền thông, mà vẫn ao ước có một sự dấn thân rộng rãi hơn và có phẩm chất hơn.362

Trong số các hình thức mới truyền thông đại chúng, ngày hôm nay người ta nhìn nhận rằng vài trò của internet ngày một lớn lên, đây là một diễn đàn (forum) mới trên đó ta phải làm rền vang Tin Mừng, nhưng với ý thức, rằng thế giới ảo sẽ không bao giờ có thể thay thế được thế giới thực hữu và hoạt động Phúc âm hóa sẽ chỉ có thể tận dụng tình trạng ảo mà các phương tiện truyền thông mới cống hiến cho, để thiết lập những quan hệ có ý nghĩa nếu người ta đi tới được một sự tiếp xúc riêng tư là điều không có gì có thể thay thế được. Trong thế giới internet, một thế giới cho phép hàng tỷ hình ảnh xuất hiện trên hàng triệu màn hình trên thế giới, sẽ phải xuất hiện gương mặt của Đức Kitô cũng như sẽ có thể nghe được tiếng nói của Người, bởi vì “nếu không có chỗ cho Đức Kitô, thì không có chỗ cho con người”.363



Kinh Thánh và hội nhập văn hóa

114. Mầu nhiệm Nhập Thể một đàng làm cho chúng ta biết rằng Thiên Chúa luôn thông giao chính mình trong một lịch sử cụ thể, bằng cách nhận lấy các quy tắc (codes) văn hóa được ghi khắc trong lịch sử ấy, nhưng đàng khác, cũng chính Lời ấy có thể và phải được truyền đạt trong các nền văn hóa khác nhau, bằng cách làm biến hình chúng từ bên trong, nhờ điều mà Đức giáo hoàng Phaolô VI đã gọi là Phúc âm hóa các nền văn hóa.364 Lời Thiên Chúa, cũng như đức tin Kitô giáo, như thế cho thấy một đặc tính liên văn hóa sâu xa, có thể gặp gỡ và làm cho các nền văn hóa khác nhau được gặp gỡ.365

Trong bối cảnh này, ta cũng hiểu giá trị của việc hội nhập văn hóa Tin Mừng.366 Giáo Hội xác tín vững chắc về khả năng nội tại của Lời Thiên Chúa là gặp được tất cả mọi người cho dù bối cảnh văn hóa của họ có thế nào: “xác tín này phát xuất từ chính Kinh Thánh, vì Kinh Thánh, kề từ quyển sách Sáng thế, đã có một định hướng phổ quát (St 1,27-28), sau đó duy trì xác tín đó trong phúc lành đã được hứa ban cho tất cả các dân tộc nhờ Abraham và dòng dõi của ông (x. St 12,3; 18,18) và xác nhận xác tín này vĩnh viễn bằng cách nới rộng cho việc Phúc âm hóa đến ‘tất cả các dân tộc’”.367 Chính vì thế việc hội nhập văn hóa không được lầm lẫn với các tiến trình hời hợt để thích ứng và càng không được lẫn lộn với một thứ chiết trung mơ hồ làm tan loãng tính độc đáo của Tin Mừng để làm cho Tin Mừng được chấp nhận dễ dàng hơn.368 Mẫu mực chân chính cho việc hội nhập văn hóa là chính cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời: “một ‘cuộc trao đổi văn hóa’ (acculturation), hoặc ‘hội nhập văn hóa’ (inculturation), sẽ thực sự là phản ánh cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời, khi mà một nền văn hóa, được biến đổi và tái sinh nhờ Tin Mừng, làm sản sinh khởi đi từ chính Truyền thống sống động của mình những cách thức diễn tả độc đáo sự sống, cử hành và những tư tưởng Kitô giáo”,369 nhờ đâm chồi từ nền văn hóa địa phương, nhờ trân trọng các semina Verbi (hạt giống Lời) và tất cả những gì đang có trong nền văn hóa ấy như là điều tích cực, nhờ mở nó ra với các giá trị Tin Mừng.370



Các bản dịch và việc phổ biến Kinh Thánh

115. Nếu việc hội nhập văn hóa Lời Thiên Chúa bắt buộc thuộc về sứ mạng của Giáo Hội trong thế giới, việc phổ biến Kinh Thánh xuyên qua công việc quý báu dịch thuật ra trong các ngôn ngữ khác nhau là một giai đoạn quan trọng của tiến trình này. Về vấn đề này, ta phải luôn luôn có trong trí điều này là công việc dịch thuật Kinh Thánh đã bắt đầu “ngay từ thời Cựu Ước, khi người ta dịch bằng lời nói bản văn Híp-ri Kinh Thánh ra tiếng A-ram (Nkm 8, 8.12) và, sau này, bằng bản văn viết ra tiếng Hy-lạp. Quả thật, một bản dịch còn hơn chỉ là một sự chuyển ngữ bản văn gốc. Chuyển đi từ một ngôn ngữ sang một ngôn ngữ khác nhất thiết hàm chứa một sự thay đổi bối cảnh văn hóa: các khái niệm không giống nhau và tầm mức của các biểu tượng thì khác, bởi vì chúng đặt vào thế tương quan với các truyền thống tư tưởng khác và những cách sống khác”.371

Trong khi Thượng Hội Đồng đang làm việc, người ta đã phải ghi nhận rằng có những Giáo Hội địa phương chưa có một bản dịch toàn bộ Kinh Thánh trong ngôn ngữ riêng của họ. Có biết bao dân tộc hôm nay đang đói khát Lời Thiên Chúa, nhưng đáng tiếc là họ lại chưa có thể đạt tới “một cửa mở rộng rãi đối với Kinh Thánh”372 như Công Đồng Vatican II đã từng ao ước! Chính vì thế, Thượng Hội Đồng Giám Mục coi điều quan trọng là trước tiên đào tạo các chuyên viên có thể dấn mình việc dịch Kinh Thánh trong ngôn ngữ khác nhau.373 Tôi khuyến khích đầu tư các tài nguyên vào lãnh vực này. Đặc biệt tôi muốn kêu gọi nâng đỡ sự dấn thân của Liên Hiệp Kinh Thánh Công Giáo để con số các bản dịch Kinh Thánh gia tăng và việc phổ biến các bản dịch này ngày càng lan rộng.374 Do chính bản tính của công việc này, nên thực hiện nó trong sự cộng tác tối đa với các Hội Kinh Thánh khác.



Lời Thiên Chúa vượt quá các ranh giới các nền văn hóa

116. Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong khi tranh luận về quan hệ giữa Lời Thiên Chúa và các nền văn hóa, đã cảm thấy bị thúc đẩy đến chỗ tái khẳng định những gì các Kitô hữu đầu tiên đã có thể trải nghiệm kể từ ngày lễ Ngũ Tuần (x. Cv 2,1-13). Lời Thiên Chúa có thể xuyên thấu và được diễn tả trong các nền văn hóa và các ngôn ngữ khác nhau, nhưng chính Lời này vượt quá các ranh giới của các nền văn hóa đặc thù bằng cách tạo ra một sự hiệp thông giữa các dân tộc. Lời Chúa mời gọi chúng ta đi đến một sự hiệp thông rộng lớn hơn. “Chúng ta ra khỏi sự chật hẹp của các kinh nghiệm chúng ta và đi vào trong thực tại thật sự có tính phổ quát. Khi đi vào hiệp thông với Lời Thiên Chúa. [...] Đó là ra khỏi các ranh giới của mỗi nền văn hóa trong tình trạng phổ quát đang liên kết tất cả chúng ta lại, hợp nhất chúng ta lại, làm cho tất cả chúng ta nên anh em”.375 Chính vì thế, loan báo Lời Thiên Chúa luôn luôn yêu cầu, với chúng ta trước tiên, một cuộc xuất hành mới, là rời bỏ các khung cảnh và các lối hình dung giới hạn của chúng ta để dành chỗ cho sự hiện diện của Đức Kitô trong chúng ta.

LỜi Thiên Chúa và đỐi thoẠi liên tôn

Giá trị của đối thoại liên tôn

117. Ý thức rằng Thiên Chúa là Cha, Con và Thánh Thần, đi vào đối thoại với nhân loại, Giáo Hội nhìn nhận như là một phần chính yếu của việc loan báo Lời, cuộc gặp gỡ với tất cả mọi người thiện chí. Ngày hôm nay, đang khi tránh mọi hình thái chiết trung và tương đối hóa, Giáo Hội tìm cách đối thoại với những con người thuộc những truyền thống tôn giáo khác nhau theo đường hướng đã được Tuyên ngôn Nostra aetate của Công Đồng Vatican II chỉ dẫn, được triển khai bởi Huấn Quyền sau này của các Đức giáo hoàng.376 Tiến trình mau lẹ của hiện tượng toàn cầu hoá cung cấp cho ta khả thể sống trong một sự tiếp xúc chặt chẽ hơn với những con người thuộc các nền văn hóa và tôn giáo khác. Đây là một cơ may do Chúa quan phòng để cho thấy làm thế nào một cảm thức tôn giáo trung thực có thể cổ võ giữa loài người những quan hệ huynh đệ phổ quát. Điều hết sức quan trọng là các tôn giáo có thể hỗ trợ, trong các xã hội thường là tục hóa của chúng ta, một cái nhìn thấy được Thiên Chúa toàn năng là nền tảng của mọi sự thiện, nguồn không hề cạn kiệt của đời sống luân lý, sự nâng đỡ cho một cảm thức sâu sắc về tình huynh đệ phổ quát.

Xin đan cử một ví dụ, trong Truyền thống Do-thái – Kitô giáo, ta gặp được lời chứng rõ ràng về tình yêu của Thiên Chúa đối với mọi dân tộc Ngài đã quy tụ lại, điều này đã có ngay trong Giao ước chật hẹp với Nôê, trong một vòng ôm to lớn và duy nhất được tượng trưng bằng “cây cung giữa đám mây” (St 9,13.14.16), dân này, theo các lời của các ngôn sứ, Ngài nhắm quy tụ lại thành một gia đình phổ quát duy nhất (x. Is 2,2tt; 42,6; 66,18-21; Gr 4,2; Tv 47). Trong thực tế, ta gặp lại những chứng từ về dây liên kết mật thiết vẫn có trong tương quan với Thiên Chúa và nền luân lý tình yêu đối với mọi người trong nhiều truyền thống tôn giáo lớn.



Đối thoại giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo

118. Trong số những tôn giáo khác nhau, Giáo Hội “cũng tôn trọng các tín đồ Hồi giáo, vì họ cùng thờ phượng một Thiên Chúa duy nhất”.377 Họ quy chiếu về Abraham và dâng một việc phụng tự lên Thiên Chúa đặc biệt bằng việc cầu nguyện, bố thí và ăn chay. Chúng ta nhìn nhận rằng trong truyền thống Hồi giáo có hiện diện nhiều dung mạo, biểu tượng và chủ đề Kinh Thánh. Trong sự tiếp nối với công trình quan trọng của Đấng Đáng kính Gioan Phaolô II, tôi ước mong rằng các tương quan được gợi hứng bởi sự tin tưởng, đã được thiết lập từ nhiều năm giữa Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo, được tiếp tục và triển khai trong một tinh thần đối thoại chân thành và kính trọng.378 Trong cuộc đối thoại này, Thượng Hội Đồng đã bày tỏ nguyện vọng là chủ đề tôn trọng sự sống như là giá trị căn bản, và chủ đề các quyền bất khả nhượng của người nam người nữ và phẩm giá bình đẳng của họ có thể được đào sâu. Trong khi vẫn quan tâm đến vấn đề quan trọng là phân biệt giữa bình diện xã hội chính trị và bình diện tôn giáo, các tôn giáo phải mang đến phần đóng góp cho sự thiện hảo chung. Thượng Hội Đồng yêu cầu các Hội Đồng Giám mục, tại nơi nào thấy là thuận tiện và có lợi, hãy cổ võ những cuộc gặp gỡ để cho Kitô hữu và tín đồ Hồi giáo hiểu biết lẫn nhau, hầu cổ võ các giá trị mà xã hội đang rất cần để có một cuộc chung sống hòa bình và tích cực.379

Đối thoại với các tôn giáo khác

119. Trong hoàn cảnh này, mặt khác, tôi ước muốn bày tỏ lòng tôn trọng của Giáo Hội đối với các tôn giáo truyền thống và các truyền thống thiêng liêng cổ xưa của các châu lục, cũng hàm chứa những giá trị có thể hỗ trợ cho việc hiểu biết giữa những con người và các dân tộc.380 Chúng ta thường xuyên ghi nhận một sự đồng hưởng với các giá trị cũng được diễn tả trong các Sách tôn giáo của họ, như chẳng hạn sự tôn trọng sự sống, sự chiêm ngưỡng, thinh lặng, sự đơn giản trong Phật giáo; cảm thức về sự linh thánh, hy sinh và ăn chay trong Ấn giáo; và thêm nữa các giá trị gia đình và xã hội trong Khổng giáo. Chúng ta cũng khám phá ra cách thỏa đáng trong các kinh nghiệm tôn giáo khác, một sự lưu tâm chân thành đến sự siêu việt của Thiên Chúa, được nhìn nhận như là Đấng Tạo hóa, cũng như đến việc tôn trọng sự sống, hôn nhân và gia đình và đến cảm thức mạnh về tình liên đới.

Đối thoại và tự do tôn giáo

120. Tuy nhiên, việc đối thoại hẳn sẽ không phong phú, nếu nó không hàm chứa một sự tôn trọng trung thực đối với từng con người, hầu mỗi người có thể tự do gắn bó với tôn giáo của mình. Thượng Hội Đồng Giám Mục, trong khi khuyến khích sự cộng tác giữa các đại diện của các tôn giáo, cũng nhắc lại rằng “cần phải đảm bảo cách hữu hiệu cho mọi tín hữu sự tự do được tuyên xưng đạo giáo riêng của họ riêng tư hay công cộng, cũng như tự do lương tâm”:381 quả thế, “sự tôn trọng và đối thoại đòi hỏi sự hỗ tương trong mọi lãnh vực, nhất là trong những gì liên hệ đến các tự do căn bản và đặc biệt hơn, tự do tôn giáo. Chúng cổ võ hòa bình và sự đồng thuận giữa các dân tộc”.382

KẾT LUẬN

Lời vĩnh viễn của Thiên Chúa

121. Đến cuối các suy tư này, qua đó tôi muốn thu lượm và đào sâu sự phong phú của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ XII về Lời Thiên Chúa trong đời sống và sứ mạng của Giáo Hội, tôi còn mong muốn một lần nữa khuyến khích toàn thể Dân Thiên Chúa, các Mục tử, những người sống đời thánh hiến, và các giáo dân dấn thân để ngày càng quen thuộc hơn với Kinh Thánh. Chúng ta không bao giờ được quên rằng ở tại nền của mọi nền linh đạo Kitô giáo chân chính và sống động, có Lời Thiên Chúa được loan báo, được lắng nghe, được cử hành và được suy ngẫm trong Giáo Hội. Việc tăng cường quan hệ với Lời Chúa như thế sẽ càng được thực hiện hăng say nếu chúng ta càng ý thức là, trong Kinh Thánh cũng như trong Truyền thống sống động của Giáo Hội, chúng ta đứng trước Lời vĩnh viễn của Thiên Chúa nói trên thế giới và trên lịch sử.

Như Lời Tựa của Tin Mừng Gioan cho ta chiêm ngưỡng, tất cả những gì đang có đều ở dưới dấu chỉ của Lời. Ngôi Lời trào vọt ra từ Chúa Cha và Người đến cư ngụ giữa người nhà của Người, rồi Người lại trở về cung lòng Chúa Cha để mang theo với Người toàn thể tạo thành, trong Người và do Người, đã được tạo nên. Ngày hôm nay, Giáo Hội sống sứ mạng của mình trong tình trạng chờ đợi nôn nao cuộc tỏ mình vào lúc cánh chung của Hôn Phu: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!'” (Kh 22,17). Sự chờ mong này không bao giờ là thụ động, nhưng là một sự căng thẳng có tính truyền giáo trong khi loan báo Lời Thiên Chúa, Lời có sức thanh luyện và chuộc lại mọi người: cả vào ngày hôm nay nữa, Đức Giêsu Phục Sinh đang nói với chúng ta: “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15).



Cuộc tân Phúc âm hóa và việc tái lắng nghe

122. Do đó, thời đại chúng ta phải ngày càng là thời đại của một việc tái lắng Lời Thiên Chúa và một cuộc Tân Phúc âm hóa. Tái khám phá ra đặc tính trung tâm của Lời Chúa trong đời sống Kitô hữu làm cho chúng ta cũng tìm lại được ý nghĩa sâu xa nhất của điều mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã mạnh mẽ nhắc lại : tiếp tục missio ad gentes và ra sức bắt tay vào công cuộc Tân Phúc âm hóa, nhất là trong các xứ sở mà Tin Mừng đã bị quên lãng hay đang chịu sự lãnh đạm của con số người, lớn hơn do một kiểu chủ nghĩa tục hóa mơ hồ. Ước gì Chúa Thánh Thần thức tỉnh nơi loài người sự đói khát Lời Thiên Chúa và làm dấy lên những sứ giả nhiệt thành và chúng nhân Tin Mừng!

Theo gương vị Tông Đồ vĩ đại của Muôn Dân, đã được biến đổi sau khi nghe tiếng nói của Chúa (x. Cv 9,1-30), cả chúng ta nữa, chúng ta hãy lắng nghe Lời Chúa đang thúc bách chúng ta luôn luôn riêng tư, ở đây và lúc này. Sách Công vụ Tông Đồ kể cho chúng ta biết rằng Chúa Thánh Thần dành riêng Phaolô và Barnaba để đi rao giảng và phổ biến Tin Mừng (x. 13,2). Cũng thế, vào ngày hôm nay, Chúa Thánh Thần không ngừng gợi lên những thính giả và sứ giả xác tín có sức thuyết phục của Lời Chúa!



Lời và niềm vui

123. Nếu chúng ta càng biết tỏ ra sẵn sàng với Lời Chúa, chúng ta sẽ càng nhận thấy rằng Mầu nhiệm lễ Hiện Xuống đang ‘hiện hành’ cả hôm nay nữa trong Giáo Hội Thiên Chúa. Thần Khí Chúa tiếp tục ban chan hòa các ân huệ của Người xuống trên Giáo Hội để chúng ta được dẫn tới chân lý toàn vẹn, bằng cách mở chúng ta ra với ý nghĩa của Kinh Thánh và làm cho chúng ta trở thành sứ giả đáng tin của Lời cứu độ. Như thế chúng ta trở lại với Thư thứ nhất của thánh Gioan. Xuyên qua Lời Thiên Chúa, cả chúng ta nữa, chúng ta đã được nghe, được thấy và được chạm đến Ngôi Lời sự sống. Nhờ ân sủng, chúng ta đã nghe được lời loan báo nói rằng sự sống vĩnh cửu đã được biểu lộ, để chúng ta nhận biết rằng chúng ta đang sống trong sự hiệp thông với nhau, với những ai đã đi trước chúng ta dưới ánh sáng đức tin và với tất cả những ai, sống rải rác trên khắp thế giới, đang lắng nghe Lời, cử hành Bí tích Thánh Thể, sống chứng tá bác ái. Tông đồ Gioan nhắc chúng ta rằng: lời loan báo này được truyền thông cho chúng ta để “niềm vui của chúng ta được nên trọn vẹn” (1 Ga 1,4).

Thượng Hội Đồng Giám Mục đã cho phép chúng ta trải nghiệm những gì được chứa đựng trong sứ điệp Gioan: việc loan báo Lời tạo ra sự hiệp thông và mang đến niềm vui. Đây là một niềm vui sâu xa trào vọt ra từ chính trung tâm đời sống Ba Ngôi Thiên Chúa và được thông truyền cho chúng ta trong Chúa Con. Đây là niềm vui, như ân huệ khôn tả, mà thế gian không thể ban tặng. Ta có thể tổ chức những lễ mừng, nhưng không phải là niềm vui. Theo Kinh Thánh, niềm vui là một hoa quả của Chúa Thánh Thần (x. Gl 5,22), giúp chúng ta đi sâu vào trong Lời và làm cho Lời Chúa đi vào trong chúng ta mà mang hoa quả cho sự sống vĩnh cửu. Khi loan báo Lời Thiên Chúa trong sức mạnh Chúa Thánh Thần, chúng ta cũng ước muốn thông truyền nguồn suối cung cấp niềm vui chân thật, không phải là một niềm vui hời hợt và phù phiếm nhưng là niềm vui trào dâng từ ý thức rằng chỉ mình Chúa Giêsu có những lời ban sự sống đời đời (x. Ga 6,68).



«Mater Verbi et Mater laetitiae»

124. Quan hệ mật thiết giữa Lời Thiên Chúa và niềm vui được biểu lộ hiển nhiên nơi Mẹ Thiên Chúa. Chúng ta nhớ lại các lời của thánh Êlisabét: “Em thật có phúc vì đã tin rằng Chúa sẽ thực hiện những gì Người đã nói với em” (Lc 1,45). Đức Maria thật có phúc, vì Mẹ có đức tin, vì Mẹ đã tin, và vì trong đức tin này, Mẹ đã đón tiếp vào lòng mình Ngôi Lời Thiên Chúa để ban tặng Người cho thế giới. Niềm vui xuất phát từ Lời bây giờ có thể lan rộng tới tất cả những ai, trong đức tin, để cho mình được Lời Thiên Chúa biến đổi. Tin Mừng Luca qua hai bản văn đã giới thiệu cho chúng ta Mầu nhiệm lắng nghe và niềm vui này. Đức Giêsu khẳng định: “Mẹ tôi và anh em tôi, chính là những ai nghe lời Thiên Chúa và đem ra thực hành” (8,21). Và trước tiếng reo của một người phụ nữ, đang ở giữa đám đông, muốn tôn dương lòng dạ đã cưu mang Người và vú đã cho Người bú, Đức Giêsu vén mở cho thấy bí quyết của niềm vui chân thật: “Đúng hơn phải nói rằng: Phúc thay kẻ lắng nghe và tuân giữ lời Thiên Chúa! ” (Lc 11,28). Đức Giêsu cho thấy sự cao cả đích thực của Đức Maria, như thể mở ra cho mỗi người chúng ta khả năng sống mối phúc phát sinh từ Lời được lắng nghe và đem ra thực hành. Chính vì thế, cho mọi Kitô hữu, tôi nhắc lại rằng quan hệ riêng tư và cộng đoàn với Thiên Chúa tùy thuộc sự gia tăng của tình thân thiết của chúng ta với Lời Chúa. Cuối cùng, tôi xin ngỏ lời với mọi người, cả những ai đã đi xa Giáo Hội, đã bỏ đức tin hoặc chưa bao giờ nghe được lời loan báo ơn cứu độ. Cho mỗi người, Chúa nói: “Này đây Ta đứng trước cửa và gõ. Ai nghe tiếng Ta và mở cửa, thì Ta sẽ vào nhà người ấy, sẽ dùng bữa với người ấy, và người ấy sẽ dùng bữa với Ta” (Kh 3,20).

Vậy ước gì mỗi một ngày sống của chúng ta được hun đúc bởi cuộc gặp gỡ mới mẻ với Đức Kitô, Ngôi Lời làm người của Chúa Cha: Người ở tại nguồn và ở cuối và “tất cả đều tồn tại trong Người” (Cl 1,17). Hãy thinh lặng để lắng nghe Lời Chúa và để suy ngẫm Lời ấy, hầu nhờ hoạt động hữu hiệu của Chúa Thánh Thần, Lời ấy tiếp tục ở lại, sống và nói với chúng ta mọi ngày đời chúng ta. Như thế, Giáo Hội được đổi mới và tươi trẻ lại nhờ Lời Chúa vẫn tồn tại muôn đời (x. 1 Pr 1,25; Is 40,8). Như thế, cả chúng ta nữa, chúng ta cũng có thể đi vào trong cuộc đối thoại hôn ước vĩ đại được dùng để kết thúc Kinh Thánh: “Thần Khí và Tân Nương nói: ‘Xin Ngài ngự đến!’ [...] Đấng làm chứng về những điều đó phán rằng: ‘Phải, chẳng bao lâu nữa Ta sẽ đến’ – Amen! Lạy Chúa Giêsu, xin ngự đến!” (Kh 2,17.20).


Ban hành tại Rôma, cạnh Đền thờ thánh Phêrô,

ngày 30 tháng 9 năm 2010,

tưởng nhớ thánh Giêrônimô, năm thứ sáu Triều Đại của tôi.
BÊNÊĐITÔ XVI, Giáo hoàng



1 X. Đề nghị 1.

2 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Instrumentum laboris, s.27.

3 X. Đức Lêô XIII, Thông điệp Providentissimus Deus (18-11-1893): AAS (1893-94), 269-292; Đức Bênêđitô XV, Thông điệp Spiritus Paraclitus (15-9-1920): AAS 12 (1920), tr. 385-422; Đức Piô XII, Thông điệp Divino afflante Spiritu (30/9/1943): AAS 35 (1943), tr. 297-325.

4 Đề nghị 2.

5 Nt.

6 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 2.

7 Nt, s. 4.

8 X. Đức Phaolô VI, Tông thư Summi Dei Verbum (4-11-1963): AAS 55 (1963), tr. 979-995; nt, Motu Proprio Sedula cura (27-6-1971): AAS 63 (1971), tr. 665-669; Đức Gioan-Phaolô II, Buổi tiếp kiến chung (1-5-1985) : l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 2 và 3-5-1985, tr. 12; Diễn từ về việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (23-4-1993): AAS 86 (1994), tr. 232-242: La Documentation catholique (DC) số 2073, tr. 503; Đức Bênêđitô XVI, Buổi tiếp kiến tại Hội Nghị kỷ niệm 40 năm Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa (16-9-2005): AAS 97 (2005), tr. 957; Kinh Truyền tin (6-1-2005); Ủy Ban Kinh Thánh giáo hoàng, Kinh Thánh và Kitô học (1984): Ench. Vat. 9, số 1208-1339; Tính duy nhất vá đa dạng trong Giáo Hội (11-4-1988): Ench. Vat. 11, số 544-643; Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993): Ench. Vat.13, số 2846-3150; Dân Do-thái và Kinh Thánh Do-thái giáo trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001): Ench. Vat. 20, số 733-1150; Kinh Thánh và luân lý. Các nguồn cội Kinh Thánh của lối hành xử Kitô hữu (11-5-2008), Città del Vaticano 2008.

9 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn từ cho Giáo triều Rôma (22-12-2008): AAS 101 (2009) tr. 50; OR bản tiếng Pháp, 23-30-12-2008, tr. 3.

10 X. Đề nghị 37.

11 X. Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Dân Do-thái và Kinh Thánh Do-thái giáo trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001): Ench. Vat. 20, s. 733-1150.

12 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn từ cho Giáo triều Rôma (22-12-2008): AAS 101 (2009) tr. 50; l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp (OR bản tiếng Pháp), 23 và 30-12-2008, tr. 4.

13 X. Đức Bênêđitô XVI, Kinh truyền tin (4-1-2009): l’Osservatore Romano bản tiếng Pháp, 6-1-2009, tr. 7.

14 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio ante disceptationem, I : OR bản tiếng Pháp, 4-11-2008, tr. 9.

15 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 2.

16 Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), số 1: AAS 98 (2006), tr. 217-218.

17 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Instrumentum laboris, số 9.

18 Kinh Tin Kính của Công Đồng Nixê Côngtăngtinôpôli: DS 150.

19 Thánh Bernarđô Clairvaux, Homelia super Missus est, IV, 11 : PL 183, 86 B.

20 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

21 X. Đề nghị 3.

22 X. Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (6-8-2000) số 13-15: AAS 92 (2000), tr. 754-756.

23 X. In Hexaemeron, XX, 5: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 425-426; Breviloquium I, 8: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 216-217.

24 Thánh Bônaventura, Itinerarium mentis in Deum, II, 12: Opera Omnia, V, Quaracchi, 1891, tr. 302-303; x. Commentarius in librum Ecclesiastes, Chương 1, câu 11; Quaestiones, II, 3, Quaracchi 1891, tr. 16.

25 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 3; x. Công Đồng Chung Vatican I, Hiến chế tín lý về đức tin Công Giáo Dei Filius, ch. 2, De revelatione: DS 3004.

26 X. Đề nghị 13.

27 Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi tìm một nền luân lý phổ quát: một cái nhìn mới trên luật tự nhiên, s. 39.

28 X. Tổng Luận Thần Học, Ia-IIae, q. 94, a. 2.

29 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Kinh Thánh và luân lý. Các nguồn cội Kinh Thánh của lối hành xử Kitô hữu (11-5-2008), tr. 13, 32 và 109.

30 Ủy Ban Thần Học Quốc Tế, Đi tìm một nền luân lý phổ quát : một cái nhìn mới trên luật tự nhiên, s. 102.

31 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài suy niệm dịp cử hành Giờ Kinh Trưa khai mạc THĐGM (6-10-2008): AAS 100 (2008), 758-761.

32 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 14.

33 X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), s. 1: AAS 98 (2006), tr. 217-218.

34 “Ho Logos pachynetai (hoặc brachynetai)». X. Ôrigiênê, Péri Archon, I, 2, 8: Sources Chrétiennes (SC) 252, tr. 127- 129.

35 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài Giảng lễ Giáng sinh (24-12-2006): AAS 99 (2007), q. 2, OR bản tiếng Pháp, 2-1- 2007, tr. 2.

36 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sứ điệp chung kết, II, 4-6.

37 Thánh Maximô, La vie de Marie, s. 89: CSCO 479, tr. 77.

38 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), s. 9-10 : AAS 99 (2007), tr. 111-112.

39 X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (15-4-2009): OR bản tiếng Pháp, 21-4-2009, tr. 2.

40 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài Giảng lễ Hiển Linh (6-1-2009): OR bản tiếng Pháp, 13-1-2009, tr. 6.

41 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế Tín Lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 4.

42 Đề nghị 4.

43 X. Thánh Gioan Thánh Giá, Monte edu Carmel, II, 22.

44 Đề nghị 47.

45 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 67.

46 X. Bộ Giáo lý Đức Tin, Sứ Điệp Fatima, (26-6-2000): Ench. Vat. 19, s. 974 1021.

47 Adversus haereses, IV, 7, 4; SC 100, t. 465 ; V, 1, 3: SC 153, tr. 73; V, 28,4: SC 153, tr. 361.

48 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn Thượng Hội Đồng Giám Mục Sacramentum caritatis (22-1-2007), s.12: AAS 99 (2007), tr. 113-­114.

49 X Đề nghị 5.

50 Adversus haereses, Ill 24, 1: SC 34, tr. 401.

51 Homeliae in Genesim, XXI, s. 1; PG 53, 175.

52 Epistula 120, 10: CSEL 55, tr. 500-506.

53 HomiliaeEzechielemI. VII. 17: CC 142, tr. 94.

54 «Oculi ergo devotae animae sunt columbarum quia sensus eius per Spiritum sanctum sunt illuminati et edocti, spiritualia sapientes... Nunc quidem aperitur nimae talis sensus, ut intellegat Scripturas»: Richard de Saint-Victor, Explicatio in Cantica canticorum, 15: PL 196, 450 B và D.

55 Sacramentum Serapionis, II (XX), Didascalia et Constitu­tions apostolorum, xb. F. X. Funk II, Paderborn 1906, tr. 161.

56 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến Chế tín lý về Mạc Khải Dei Verbum, s. 7.

57 Nt. s. 8.

58 Nt.

59 X. Đề nghị 3.

60  X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Sứ điệp chung kết, 5.

61 Expositio Evangelii secundum Lucam, 6, 33: PL 15, 1677.

62 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 13.

63 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 102; Cũng xem Rupert of Deutz, De operibus Spiritus Sancti, I, 6: SC 131, tr. 72-74.

64 Enarrationes in Psalmos, 103, IV, 1: PL 37, 1378. Các phát biều tương tự với Ôrigiênê, In Ioannem V, 5-6: SC 120, tr. 380-384.

65 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 21.

66 Nt s. 9.

67 X. Đề nghị 5 và 12.

68 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 12.

69 X. Đề nghị 12.

70 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 11.

71 Đề nghị 4.

72 Prol: Opera Omnia V, Quaracchi 1891, tr. 201-202.

73 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho thế giới Văn hóa tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 721-730.

74 X. Đề nghị 4.

75 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio post disceptationem, s. 12.

76 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 5.

77 Đề nghị 4.

78 Ví dụ: Đnl 28,1-2.15,45; 32,1; trong số các ngôn sứi, xin xem: Gr 7,22-28; Is 2,8; 3,10; 6,3; 13,2; cho tới các vị cuối cùng: x. Dcr 3,8. Về thánh Phaolô, x. Rm 10,14-18; 1 Tx 2,13.

79 Đề nghị 55.

80 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), 33: AAS 99 (2007), tr. 132-133.

81 Nt, Thông điệp Deus caritas est (25-1222005), 41: AAS 98 (2006), tr. 251.

82 Đề nghị 55.

83 X. Expositio Evangelii secundum Lucam, 2, 19: PL 15, tr. 1559-1560.

84 Breviloquium, Prol.: Opera Omnia, V, Quaracchi 1891, tr. 201-202.

85 Tổng Luận Thần Học, Ia-IIae, q. 106, art. 2.

86 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), III, A, 3: Ench. Vat. 13, s. 3035.

87 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 12.

88 Contra epistulam Manichaei quam vocant fundamenti, V, 6: PL 42,176.

89 X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (14-11-2007): OR bản tiếng Pháp, 20-22-2007, tr. 12.

90 Commentariorum in Isaiam libri, Prol.: PL 24,17.

91 Epistula 52,7: CSEL 54, tr. 426.

92 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), II, A, 2: Ench. Vat. 13, s. 2988.

93 Nt, II, A, 2: Ench. Vat.13, s. 2991.

94 Homiliae in Ezechielem I, VII, 8: CCL 142, 87 (PL 76, 843 D).

95 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 24; X. Đức Lêô XIII, Thông điệp Providentissimus Deus (18-11-1893), Pars II, sub fine: AAS 26 (1893-94), tr. 269-292; Đức Bênêđitô XV, Thông điệp Spiritus Paraclitus (15-9-1920), Pars III: AAS 12 (1920), tr. 385-422.

96 X. Đề nghị 26.

97 X. Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), A-B: Ench. Vat. 13, ss. 2846-3150.

98 Đức Bênêđitô XVI, Can thiệp miệng tại phiên họp khoáng đại thứ XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015; x. Đề nghị 25.

99 Nt, Diễn văn cho thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-09-2008): AAS 100 (2008), tr. 721-730.

100 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

101 X. Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn dịp cử hành kỷ niệm 100 năm thông điệp Providentissimus Deus và kỷ niệm 50 năm thông điệp Divino afflante Spiritu (23-4-1993): AAS 86 (1994), tr. 232-243.

102 Nt, s. 4: AAS 86 (1994), tr. 235; DC s. 2073, tr. 504.

103 Nt, s. 5: AAS 86 (1994), tr. 235. DC s. 2073, tr. 505.

104 Nt, s. 5: AAS 86 (1994), tr. 236. DC s. 2073, tr. 505.

105 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), III, C, 1: Ench. Vat. 13, s. 3065.

106 S.12.

107 Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015; x. Đề nghị 25.

108 X. Đề nghị 26.

109 Đề nghị 27.

110 Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015-1016; x. Đề nghị 26.

111 X. Nt.

112 Nt.

113 X. Đề nghị 27.

114 Đức Bênêđitô XVI, Ngỏ lời với các tham dự viên phiên họp khoáng đại XIV của Thượng Hội Đồng Giám Mục (14-10-2008); DC s. 2412, tr. 1015-1016.

115 Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Fides et Ratio (14/09/1998), 55: AAS 91 (1999), 49-50.

116 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn gửi Đại Hội Giáo Hội toàn quốc lần thứ 4 tại Italia (19-10-2006): AAS 98 (2006), tr. 804-815; OR bản tiếng Pháp, 24-10-2006, tr. 3-4.

117 X. Đề nghị 6.

118 X. thánh Augustinô, De libero arbitrio, III, XXI, 59: PL 32, 1300; De Trinitate, II, I, 2: PL 42, 845.

119 Bộ Giáo Dục Công Giáo, Huấn thị Inspectis dierum (10-11-1989), 26: AAS 82 (1990), tr. 618.

120 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 116.

121 Tổng Luận Thần Học, I, q. 1, art. 10, ad 1.

122 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 118.

123 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), II, A, 2: Ench. Vat. 13, s. 2987.

124 Nt, II, B, 2: Ench. Vat. 13, s. 3003.

125 Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 726.

126 Nt.

127 X. Đức Bênêđitô XVI, Yết kiến chung (09-1-2008); OF bản tiếng Pháp 15-1-2008, tr. 12.

128 X. Đề nghị 29.

129 De arca Noe, 2, 8: PL 176, 642 C-D.

130 Xem Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 725.

131 X. Đề nghị 10; Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 3-5: Ench. Vat. 20, ss. 748-755.

132 X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 121-122.

133 Đề nghị 52.

134 X. Lời nói đầu cho Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 3-5: Ench. Vat. 20, ss. 799-801; x. Ôrigiênê, Các bài giảng về sách Dân số 9,4: SC 415, tr. 238-242.

135 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, 128.

136 Như trên, 129.

137 Đề nghị 52.

138 Questiones in Heptateuchum, 2, 73: PL 34, 623.

139 Homiliae in Ezechielem, I, VI, 15: PL 76, 836 B.

140 Đề nghị 29.

141 Đức Gioan-Phaolô II, Sứ điệp gửi Đại Kinh sư Rôma (22-5-2004), DC s. 2316, tr. 553.

142 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng,Dân tộc Do-thái và Kinh Thánh của họ trong Bộ Kinh Thánh Kitô giáo (24-5-2001), s. 87: Ench. Vat. 20, s. 1150.

143 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn từ biệt tại phi trường quốc tế Ben Gourion của Tel Aviv (15-5-2009): OR bản tiếng Pháp, 26-5-2009, tr. 13.

144 Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn ngỏ với các đại kinh sư Israel (23-3-2000), DC s. 2224, tr. 372.

145 X. Đề nghị 46 và 47.

146 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), I, F; tr. 62-63: Ench. Vat. 13, s. 2974.

147 X. Đức Bênêđitô XVI, Gặp gỡ với thế giới Văn hóa tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 726.

148 Đề nghị 46.

149 Đề nghị 28.

150 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 23.

151 Tuy nhiên ta nhớ rằng về những gì liên hệ đến cách sách gọi là đệ nhị lục của Cựu Ước và ơn linh hứng của chúng, người Công Giáo và Chính Thống không có cùng một Thư Quy Kinh Thánh như người Anh Giáo và Tin Lành.

152 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Relatio post disceptationem, s. 36.

153 Đề nghị 36.

154 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn gửi Cuộc họp Hội đồng thông thường lần IX của Ban Tổng Thư Ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục (25-01-2007): AAS 99 (2007), tr. 85-86.

155 Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về Hiệp Nhất Unitatis redintegratio, s. 21.

156 X. Đề nghị 36.

157 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

158 Thông điệp Ut unum sint (25-5-1995), s. 44: AAS 87 (1995), tr. 947.

159 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 10.

160 Như trên.

161 X. Nt., s. 24.

162 X. Đề nghị 22.

163 Thánh Grêgôriô Cả, Moralia in Job XXIV, VIII, 16: PL 76, 295.

164 X. Thánh Athanaxiô, Vita Antonii, 2,4: PL 73, 127.

165 Moralia, Regula: LXXX, XXII, PG 31, 867.

166 Tu luật, s. 73, 3: SC 182, tr. 673.

167 Tôma Xêlanô, La vita prima di S. Francesco, 22,2-3.

168 Luật, I, 1-2.

169 B. Giordano da Sassonia, Libellus de principiis Ordinis Praedicatorum, 104: Monumenta Fratrum Praedicatorum Historica, Roma 1935, 16, tr. 75.

170 Dòng Anh Em Thuyết Giáo, Hiến chương đầu tiên hoặc Consuetudines, II, XXXI.

171 Tiểu sử 40, 1.

172 X. Truyện một tâm hồn, Ms B, foglio recto.

173 Như trên, Ms C, foglio 35 verso.

174 In Iohannis Evangelium Tractatus, 1,12: CCL 36,7

175 Thông điệp Veritatis splendor (6-8-1993), số 25: AAS 85 (1993) tr. 1153.

176 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mặc khải của Thiên Chúa Dei Verbum, số 8.

177 Relatio post disceptationem, số 11: OR bản tiếng Pháp, 11-11-2008, tr. 11.

178 Số 1.

179 Đức Bênêđitô XVI, Diễn từ tại Đại hội quốc tế về “Kinh Thánh trong đời sống của Giáo Hội” (16-9-2005): AAS 97 (2005), tr. 956; DC s. 2344, tr. 948.

180 X. Relatio post disceptationem, s. 10: OR bản tiếng Pháp, 11-11-2008, tr. 14.

181 Sứ điệp chung kết, III, 6.

182 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 24.

183 Như trên, số 7.

184 Sách Lễ Rôma, Trình bày tổng quát về Sách Bài đọc trong Thánh Lễ, s. 4.

185 Như trên, số 9.

186 Như trên, số 3; x. Lc 4,16-21; 24,25-35.44-49.

187 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 102.

188 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng hội đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), ss. 44-45: AAS 99 (2007), tr. 139-141.

189 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), IV, C, 1; tr. 110; Ench. Vat.13, s. 3123.

190 Như trên, III, B, 3; tr. 89; Ench. Vat. 13, s.3056.

191 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, ss. 48.51.56; Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, ss. 21.26; Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad gentes, ss. 6.15; Sắc lệnh về chức vụ và đời sống các linh mục Presbyterorum ordinis, s. 18; Sắc lệnh về canh tân và thích nghi đời sống dòng tu Perfectae caritatis, s. 6. Trong truyền thống lớn của Giáo Hội, chúng ta tìm thấy những thành ngữ có ý nghĩa như: “Corpus Christi intelligitur etiam […] Scriptura Dei” (Sách thánh [Lời] của Thiên Chúa cũng được xem là Thân mình Đức Kitô): Waltramus, De unitate Ecclesiae conservanda, 13, Nxb W. Schwenkenbecher, Hannoverae 1883, tr. 33; “Thịt của Chúa là một thức ăn đích thực và máu ngài là một thức uống đích thực; điều thiện hảo đích thực được dành cho chúng ta trong cuộc sống hiện tại, là ăn thịt và uống máu ngài, không chỉ trong Bí tích Thánh Thể, nhưng còn trong việc đọc Kinh Thánh. Thật vậy, Lờ Thiên Chúa, được múc lấy từ việc hiểu biết Kinh Thánh Kinh, là một thức ăn đích thực và là một thức uống đích thực”: Thánh Giêrônimô, Commentarius in Ecclesiasten, số 313: CCL 72,278.

192 J. Ratzinger (Đức Bênêđitô XVI), Đức Giêsu Nadarét, Nxb Flammarion, Paris 2007, tr. 295.

193 Sách Lễ Rôma, Trình bày tổng quát về Sách Bài đọc trong Thánh Lễ, s. 10.

194 Như trên.

195 X. Đề nghị 7.

196 Thông điệp Fides et ratio (14-9-1998), số 13: AAS 91 (1999), tr. 16.

197 Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo, s. 1373-1374.

198 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 7.

199 In Psalmum. 147: CCL 78, 337-338.

200 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mac Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 2.

201 Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, ss. 107-108.

202 Sách Lễ Rôma, Trình bày tổng quát Sách Bài đọc trong Thánh Lễ, s. 66.

203 Đề nghị 16.

204 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007, số 45: AAS 99 (2007), tr. 140-141.

205 X. Đề nghị 14.

206 X. Giáo Luật, đ. 230 §2; s. 204 §1.

207 Sách Lễ Rôma, Trình bày tổng quát Sách Bài đọc trong Thánh Lễ, s. 55.

208 Như trên, 8.

209 Số 46: AAS 99 (2007), tr. 141.

210 Xem Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 25.

211 Đề nghị 15.

212 Như trên.

213 Sermo 179, 1: PL 38, 966.

214 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), s. 93: AAS 99 (2007), tr. 177

215 Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Compendium Eucharisticum (25-3-2009), Città del Vatican, 2009.

216 Epistula 52, 7; CSEL 54, 426-427.

217 Đề nghị 8.

218 Nghi Thức Thống Hối và Hòa Giải, Các định hướng giáo lý và mục vụ, s. 17.

219 Như trên, s. 19.

220 Đề nghị 8.

221 Đề nghị 19.

222 Các nguyên tắc và quy luật dành cho Phụng Vụ Các Giờ Kinh, III, 15.

223 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 85.

224 X. Giáo Luật, đđ. 276 §3, 1174 §1.

225 X. Giáo Luật của Các Giáo Hội Đông Phương, đđ. 377; 473 §1 và 2, 1°; 538 §1; 881 §1.

226 Sách Các Phép, Dẫn nhập tổng quát, s. 21.

227 X. Đề nghị 18; Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 35.

228 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), s. 75 : AAS 99 (2007), tr. 162-163.

229 Như trên.

230 Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Cẩm nang về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, Các Nguyên tắc và Định hướng (17-12-2001), s. 87: Ench. Vat. 20, s. 2461.

231 X. Đề nghị 14.

232 X. Thánh Ignatiô Antiôchia, Ad Ephesios, XV, 2: Patres Apostolici, Nxb. F.X. Funk, Tübingen, 1901, I, 224.

233 Thánh Augustinô, Sermo 288, 5: PL 38, 1307; Sermo 120, 2: PL 38, 677.

234 Giới thiệu tổng quát về Sách Lễ Rôma, s. 56.

235 Như trên, s. 45; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 30.

236 Sách Lễ Rôma, Giới thiệu tống quát Sách Bài đọc Thánh Lễ, s. 13.

237 X. Như trên, s. 17.

238 Đề nghị 40.

239 X. Giới thiệu tống quát Sách Lễ Rôma, s. 309.

240 X. Đề nghị 14.

241 Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), 69: AAS 99 (2007), tr. 157.

242 Giới thiệu tống quát Sách Lễ Rôma, s. 57.

243 Đề nghị 14.

244 X. Điều luật 36 của Thượng Hội Đồng Hippone năm 399: Denzinger-Schönmetzer, 186.

245 X. Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Vicesimus quintus annus (4-12-1988), 13: AAS 81 (1989), tr. 910; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Huấn thị Redemptionis sacramentum (25-3-2004), s. 62: Ench. Vat. 22, s. 2248.

246 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế về Phụng vụ thánh Sacrosanctum Concilium, s. 116; Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Giới thiệu tống quát Sách Lễ Rôma, s. 41.

247 X. Đề nghị 14.

248 Đề nghị 9.

249 Epistula 30, 7: CSEL 54, 246.

250 Nt, Epistula 133, 13: CSEL 56, 260.

251 Nt, Epistula 107, 9, 12: CSEL 55, 300, 302.

252 Nt, Epistula 52, 7: CSEL 54, 426.

253 Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Novo Millennio Ineunte (6-1-2001), 31: AAS 83 (2001), tr. 287-288.

254 Đề nghị 30 ; x. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 24.

255 Thánh Giêrônimô, Commentariorum. in Isaiam libri, Prol ; PL 24, 17B.

256 Đề nghị 21.

257 X. Đề nghị 23.

258 X. Bộ Giáo Sĩ, Cẩm nang tổng quát cho huấn giáo (15-8-1997), s. 94 ; Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae (16-10-1979), s. 27 : AAS 71 (1979), tr. 1298.

259 Như trên, s. 127 ; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Catechesi tradendae (16-10-1979), s. 27 : AAS 71 (1979), tr. 1299.

260 Như trên, s. 128 : Ench. Vat. 16, s. 936.

261 X. Đề nghị 33.

262 X. Đề nghị 45.

263 X. Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Giáo Hội Lumen gentium, ch. 5.

264 Đề nghị 31.

265 Số 15 : AAS 96 (2004), tr. 846-847.

266 Số 26 : AAS 84 (1992), tr. 698.

267 Như trên.

268 Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng, Lễ dầu 2009 ; OR bản tiếng Pháp, 14-4-2009, tr. 4.

269 Như trên.

270 Bộ Giáo Dục Công Giáo, Các quy tắc căn bản để đào tạo phó tế vĩnh viễn (22-2-1998), s. 11 ; Ench. Vat. 17, s. 174-175 ; DC s. 2181, tr. 411.

271 Như trên, s. 74 : Ench. Vat. 17, s. 263; DC s. 2181, tr. 420.

272 Xem như trên, s. 81a : Ench. Vat. 17, s. 271; DC, nt.,tr. 421.

273 Đề nghị 32.

274 Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Pastores dabo vobis (25-3-1992), s. 47 : AAS 84 (1992), tr. 740-742.

275 Đề nghị 24.

276 Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho Ngày thế giới Đời sống thánh hiến lần XI, 2-2-2008 : AAS 100 (2008), tr. 133 ; OR bản tiếng Pháp, 12-2-2008 ; tr. 7; x. Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Đời sống thánh hiến (25-3-1996), s. 82 : AAS 88 (1996), tr. 458-460.

277 X. Đề nghị 24.

278 X. Đề nghị 24.

279 Thánh Bênêđitô, Tu luật, IV, 21: SC 181, tr. 456-458.

280 Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho các đan sĩ tại đan viện Heiligenkreuz (9-9-2007), OR bản tiếng Pháp, 18-9-2007, tr. 14.

281 X. Đề nghị 30.

282 Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Thượng Hội Đồng Christifideles laici (30-12-1988), s. 17 : AAS 81 (1989), tr. 418.

283 X. Đề nghị 33.

284 Đức Gioan-Phaolô II, Tông huấn Thượng Hội Đồng Familiaris consortio (22-11-1981), s. 49 : AAS 74 (1982), tr. 140-141.

285 Đề nghị 20.

286 X. Đề nghị 21.

287 Đề nghị 20.

288 X. Tông thư Mulieris dignitatem (15-8-1988), s. 31: AAS 80 (1988), tr. 1727-1729.

289 Đề nghị 17.

290 X. Đề nghị 9 và 22.

291 Số 25.

292 Enarrationes in Psalmos, 85, 7: CCL 39, 1177.

293 Ôrigiênê, Epistola ad Gregorium, 3: PG 11, 92.

294 Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho Đại chủng viện giáo hoàng Rôma (17-2-2007): AAS 99 (2007), tr. 254; OR bản tiếng Pháp, 27-2-2007, tr. 3.

295 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum Caritatis (22-2-2007), s. 66: AAS 99 (2007), tr. 155-156.

296 Sứ điệp chung kết, III, s. 9.

297 X. Sứ điệp chung kết, s. 9.

298 X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo,1471-1479.

299 X. Sách Giáo Lý của Hội Thánh Công Giáo,1471-1479.

300 Đức Phaolô VI, Tông hiến Indulgentiarum doctrina (1-1-1967): AAS 59 (1967), 18-19.

301 X. Epistula 49, 3: PL 16, 1204.

302 Xem Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, Các nguyên tắc và Định hướng (9-4-2002), ss. 197-202: Ench. Vat. 20, ss. 2638-2643.

303 X. Đề nghị 55.

304 X. Đức Gioan-Phaolô II, Tông Thư Rosarium Virginis Mariae (16-10-2002): AAS 95 (2003), tr. 5-36.

305 Đề nghị 55.

306 Xem Bộ Phụng Tự và Kỷ Luật Bí Tích, Chỉ nam về lòng đạo đức bình dân và Phụng vụ, Các nguyên tắc và Định hướng (9-4-2002), s. 207; Ench. Vat. 20, ss. 2656-2657.

307 X. Đề nghị 51.

308 Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng Thánh Lễ tại Thung lũng Giosaphát, Giêrusalem (12-5-2009): AAS 101 (2009), 473l OR bản tiếng Pháp, 19-5-2009, tr. 12.

309 X. Epistula 108, 14: CSEL 55, 324-325.

310 Adversus haereses, IV, XX, 20, 7: SC 100, tr. 646-7.

311 Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Spe Salvi (30-11-2007), s. 31: AAS 99 (2007), tr. 1010.

312 Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho các đại biểu thế giới Văn Hoá tại Collège des Bernardins ở Paris (12-9-2008): AAS 100 (2008), tr. 730.

313 X. In Evangelium secundum Matthaeum 17,7: PG 13, 1197B; Thánh Giêrônimô, Translatio homiliarum Origenis in Lucam, 36: PL 26, 324-325.

314 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng lễ khai mạc cuộc toàn thể lần XII Thượng Hội Đồng Giám Mục (5-10-2008): AAS 100 (2008), tr 757: DC s. 2411, tr. 948.

315 Đề nghị 38.

316 X. Bộ Các Tu Hội Đời Sống Thánh Hiến và Các Hội Đời Sống Tông Đồ, Huấn thị Phát xuất lại từ Đức Kitô: Canh tân cam kết sống đời thánh hiến trong ngàn năm thứ ba (19-5-2002), s. 36: Ench. Vat. 21, ss. 488-491.

317 Đề nghị 30.

318 X. Đề nghị 38.

319 X. Đề nghị 49.

320 X. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990): AAS 83 (1991), tr. 149-340; và Nt, Tông tư Novo mllennio ieunte (6-1-201), s. AAS 93 (2001), tr. 294-295.

321 Đề nghị 38.

322 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng lễ khai mạc cuộc họp toàn thể lần XII Thượng Hội Đồng Giám Mục (5-10-2008): AAS 100 (2008), tr. 753-757; OR bản tiếng Pháp, 7-10-2008, tr. 1 và 9.

323 Đề nghị 38.

324 Sứ điệp chung kết, s. 12.

325 Đức Phaolô VI, Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), s. 22: AAS 68 (1976), tr. 20.

326 X. Công Đồng Chung Vatican II, Tuyên ngôn về tự do tôn giáo Dignitatis humanae, ss. 2.7.

327 X. Đề nghị 39.

328 X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2009; OR bản tiếng Pháp, 16-12-2008, tr. 3-4.

329 Tông huấn Evangelii Nuntiandi (8-12-1975), s. 19: AAS 68 (1976), tr. 18.

330 X. Đề nghị 39.

331 Đức Gioan XXIII, Thông điệp Pacem in terris (11-4-1963, s. 1: AAS 55 (1963), tr. 259.

332 X. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Centesimus annus (1-5-1991), s. 47: AAS 83 (1991), tr. 851-852; Diễn văn cho Đại Hội Đồng Liên Hiệp Quốc (2-10-1979), s. 13: AAS 71 (1979), tr. 1152-1153.

333 X. Toát yếu Học thuyết xã hội của Hội Thánh, ss. 152-159.

334 X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Ngày Hoà Bình Thế Giới 2007; OR bản tiếng Pháp, 19 đến 26-12-2006, tr. 3.

335 X. Đề nghị 8.

336 Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng dịp kết thúc Tuần lễ cầu nguyện cho sự hợp nhất Kitô hữu tại đền thờ Thánh Phaolô ngoại thành (25-1-2009): OR bản tiếng Pháp, 27-1-2009, tr. 24.

337 Nt, Bài giảng dịp kết thúc cuộc họp toàn thể lần XII Thượng Hội Đồng Giám Mục (26-10-2008): AAS 100 (2008), tr. 779; OR bản tiếng Pháp, 28-10-2008, tr. 3.

338 Đề nghị 11.

339 Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), s. 28: AAS 98 (2006), tr. 240.

340 De doctrina christiana, I, XXXIV, 40: PL 34, 34.

341 X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp cho Ngày Giới Trẻ thế giới lần XXI năm 2006: AAS 98 (2006), tr. 282-286; DC s. 2355, tr. 307-309..

342 X. Đề nghị 34.

343 X. Như trên.

344 Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng tánh lễ khai mạc triều đại giáo hoàng (24-4-2005): AAS 97 (2005), tr. 712; DC s. 2337, tr. 549.

345 X. Đề nghị 38.

346 X. Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng Ngày thế giới Bệnh nhân lần XVII (11-2-2009): OR bản tiếng Pháp, 10-2-2009, tr. 4.

347 X. Đề nghị 35.

348 Đề nghị 11.

349 X. Đức Bênêđitô XVI, Thông điệp Deus caritas est (25-12-2005), s. 25 : AAS 98 (2006), tr. 236-237.

350 Đề nghị 11.

351 Đức Bênêđitô XVI, Bài giảng (1-1-2009): OR bản tiếng Pháp, 6-1-2009, tr. 12.

352 Đề nghị 54.

353 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), s. 92: AAS 99 (2007), tr. 176-177.

354 Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho UNESCO (2-6-2980), s. 6: AAS 72 (1980), tr. 738; DC s. 1788, tr. 604.

355 X. Đề nghị 41.

356 X. Như trên.

357 X. Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Fides et ratio (14-9-1998), s. 80: AAS 91 (1999), tr. 67-68.

358 X. Lineamenta s. 23.

359 X. Đề nghị 40.

360 X. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về các phương tiện truyền thông xã hội Inter mirifica; Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyền Thông xã hội, Huấn thị mục vụ Communio et progressio về các phương tiện truyền thông xã hội được phát hành theo các quy định của Công Đồng Chung Vatican II (23-5-1971): AAS 63 (1971), tr. 593-656; Đức Gioan-Phaolô II, Tông thư Sự phát triển nhanh chóng của các ngành công nghệ trong lãnh vực truyền thông (24-1-2005): AAS 97 (2005), tr. 265-274; DC s. 2333, tr. 315-320; Hội Đồng Giáo Hoàng về Truyến Thông xã hội, Huấn thị mục vụ về kỷ niệm 20 năm ‘Communio et progressioAetatis novae (22-2-1992): AAS 84 (1992), tr. 447-468; nt, Giáo Hội trên internet (22-2-2002): Ench. Vat. 21, ss. 66-95; nt; Luân lý trên internet (22-2-2002): Ench. Vat. 21, s. 96-127.

361 X. Sứ điệp chung kết, s. 11; Đức Bênêđitô XVI, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông xã hội lần XLIII năm 2009; DC s. 2418, tr. 168-170.

362 X. Đề nghị 44.

363 Đức Gioan-Phaolô II, Sứ điệp cho Ngày Truyền thông xã hội lần XXXVI năm 2002, s. 6; DC s. 2265, tr. 203.

364 X. Tông huấn Evangelii nuntiandi (8-12-1975), s. 20: AAS 68 (1976), tr. 18-19.

365 X. Đức Bênêđitô XVI, Tông huấn hậu Thượng Hội Đồng Sacramentum caritatis (22-2-2007), s. 78: AAS 99 (2007), tr. 165.

366 X. Đề nghị 48.

367 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), IV, B; tr. 107.

368 X. Công Đồng Chung Vatican II, Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo Hội Ad gentes, s. 22; Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), IV, B.

369 Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho các Giám mục Kenya (7-5-1980), s. 6: AAS 72 (1980), tr. 496; DC s. 1787, tr. 534.

370 X. Đại Hội Thường Lệ lần XII của Thượng Hội Đồng Giám Mục, Instrumentum laboris, s.56.

371 Ủy Ban Kinh Thánh Giáo Hoàng, Việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội (15-4-1993), IV, B; tr. 107-108.

372 Công Đồng Chung Vatican II, Hiến chế tín lý về Mạc Khải của Thiên Chúa Dei Verbum, s. 22.

373 X. Đề nghị 42.

374 X. Đề nghị 43.

375 Đức Bênêđitô XVI, Bài suy niệm dịp khai mạc Thượng Hội Đồng Giám Mục (6-10-2008): AAS 100 (2008), 758-760; OR bản tiếng Pháp, 14-10-2008, tr. 12.

376 Trong số các can thiệp nhiều loại, ta nhớ đến: Đức Gioan-Phaolô II, Thông điệp Dominum et vivificantem (18-5-1986): AAS 78 (1986), tr. 809-900; Nt, Thông điệp Redemptoris missio (7-12-1990): AAS 83 (1991), tr. 249-340; Nt, Các Diễn văn và các Bài giảng tại Assisi nhân dịp Ngày cầu nguyện cho hòa bình 27-10-1986; DC s. 1929, tr. 1065-1083 và tháng 1-2002 làm vọng lại các biến cố ngày 11-9-2001: DC s. 2255, tr. 837.839-840; Bộ Giáo Lý Đức Tin, Tuyên ngôn về tính duy nhất và phổ quát cứu độ của Đức Giêsu Kitô và của Giáo Hội Dominus Iesus (6-8-2000): AAS 92 (2000), tr. 742-765.

377 X. Công Đồng Chung Vatican II, Tuyên ngôn về liên lạc của Giáo Hội với các tôn giáo ngoài Kitô giáo Nostra aetate, s. 3.

378 X. Đức Bênêđitô XVI, Diễn văn cho các Đại sứ các nước phần lớn là Hồi giáo bên cạnh Tòa Thánh và cho một vài đại diện cộng đồng Hồi giáo tại Italia (25-9-2006): AAS 98 (2006), tr. 704-706; DC s. 2366, tr. 884-885.

379 X. Đề nghị 53.

380 X. Đề nghị 50.

381 Như trên.

382 Đức Gioan-Phaolô II, Diễn văn cho người trẻ Hồi giáo tại Casablanca bên Marốc (19-8-1985), s. 5: AAS 7 (1986), tr. 99; DC s. 1903, tr. 943.


tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương