Verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ, CÁc ngưỜi nam nữ SỐng đỜi thánh hiếN


Đọc Sách Thánh trong tư thế cầu nguyện và “Lectio divina”



tải về 1.18 Mb.
trang5/6
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.18 Mb.
#34442
1   2   3   4   5   6

Đọc Sách Thánh trong tư thế cầu nguyện
và “Lectio divina”


86. Thượng Hội Đồng nhiều lần nhấn mạnh tới việc cần phải có một cách tiếp cận bản văn thánh trong tư thế cầu nguyện, coi như là yếu tố căn bản cho đời sống thiêng liêng của mọi tín hữu, đang dấn thân vào các thừa tác vụ và các bậc sống khác nhau, và đặc biệt nhắc tới Lectio divina.290 Quả thật, Lời Thiên Chúa nằm ở tại nền tảng của mọi linh đạo Kitô giáo chân chính. Như thế, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã đặt mình vào thế hòa điệu với những gì Hiến chế tín lý Dei Verbum đã khẳng định: “Ước gì các tín hữu sẵn lòng đi đến với chính bản văn Kinh Thánh, hoặc nhờ phụng vụ thánh đầy dẫy Lời Thiên Chúa, hoặc nhờ việc sốt sắng đọc Kinh Thánh, hoặc nhờ những lớp học hỏi thích hợp và những phương tiện khác ngày nay đang phổ biến khắp nơi cách đáng mừng, với sự ưng thuận và chăm lo của các vị chủ chăn trong Giáo Hội. Nhưng họ nên nhớ rằng kinh nguyện phải có kèm theo việc đọc Kinh Thánh”.291 Khi suy tư như vậy, Công Đồng muốn nhắc lại Truyền thống Giáo Phụ cổ kính vì Truyền thống này đã luôn khuyến khích người ta tiếp cận Sách Thánh trong tư thế đối thoại với Thiên Chúa. Như thánh Augustinô đã nói: “Lời cầu nguyện của bạn chính là lời bạn thưa với Thiên Chúa. Khi bạn đọc Sách Thánh, thì chính Thiên Chúa nói với bạn; khi bạn cầu nguyện, thì chính bạn nói với Thiên Chúa”.292 Ôrigiênê, một trong những bậc thầy của cách đọc Kinh Thánh này, chủ trương rằng muốn hiểu Kinh Thánh, còn hơn là muốn nghiên cứu Kinh Thánh, cần phải sống thân tình với Chúa Kitô và cầu nguyện. Quả thế, ngài xác tín rằng con đường ưu tiên phải theo để biết Thiên Chúa là tình yêu, và người ta không đạt được một scientia Christi (sự hiểu biết Chúa Kitô) chân thật nếu không say mê Người. Trong Thư gửi cho Grêgôriô, nhà thần học trứ danh thành Alêxanria đã khuyến cáo: “Con hãy chuyên chăm đọc Sách Thánh; hãy kiên trì làm công việc này (...). Khi chuyên chăm đọc Kinh Thánh với ý hướng tin và làm vui lòng Chúa, nếu trong lectio, mà thấy có cánh cửa đóng, con hãy gõ cửa, và người canh cửa sẽ mở ra cho con, người canh cửa mà Đức Giêsu đã nói tới: ‘Người canh cổng sẽ mở cổng cho ông ta’. Khi chuyên chăm làm lectio divina (đọc Sách Thánh) như thế, với lòng ngay thẳng và niềm tín thác không lay chuyển vào Thiên Chúa, con hãy cố tìm hiểu ý nghĩa Sách Thánh, mà ý nghĩa trọn vẹn phần lớn bị che giấu. Tuy nhiên, đừng bằng lòng với việc gõ cửa và tìm kiếm: muốn hiểu sự việc của Thiên Chúa, tuyệt đối cần làm oratio (cầu nguyện). Chính là để khuyến khích chúng ta mà Đấng Cứu Thế không những đã nói: “Cứ gõ cửa thì sẽ mở ra cho” và “Cứ tìm thì sẽ thấy”, nhưng còn nói: “Cứ xin thì sẽ được’”.293

Tuy nhiên, về điểm này, ta phải tránh nguy cơ một tiếp cận cá nhân chủ nghĩa, mà phải nhớ rằng Lời Thiên Chúa đã được ban cho chúng ta chính là để xây dựng sự hiệp thông, để nối kết chúng ta lại trong chân lý trong khi chúng ta tiến về với Thiên Chúa. Đây là một Lời ngỏ riêng tư với từng người, nhưng cũng là một Lời có sức xây dựng cộng đoàn, xây dựng Giáo Hội. Vì thế, bản văn thánh phải được luôn luôn tiếp cận trong tinh thần hiệp thông Giáo Hội. Thực thế, phải luôn luôn tiếp cận với bản văn thánh trong sự hiệp thông Giáo Hội. Quả vậy, “điều hết sức quan trọng là phải đọc trong cộng đoàn (...), bởi vì chủ thể sống động của Sách Thánh là Dân Thiên Chúa, là Giáo Hội. (…) Sách Thánh không thuộc về quá khứ, bởi vì chủ thể của Sách Thánh, là Dân Thiên Chúa được chính Ngài linh hứng, vẫn là đoàn Dân ấy, do đó Lời Chúa cũng luôn sinh động nơi chủ thể sống động. Chính vì thế, điều quan trọng là phải đọc và trải nghiệm Sách Thánh trong sự hiệp thông với Giáo Hội, nghĩa là với tất cả các chứng nhân vĩ đại của Lời này, bắt đầu với các Giáo Phụ đầu tiên cho tới các vị thánh thời nay, cho tới Huấn Quyền hiện nay”.294



Vì thế, muốn đọc Kinh Thánh trong tư thế cầu nguyện, nơi ưu tiên là phụng vụ, nhất là Bí tích Thánh Thể, khi đó, lúc ta cử hành Mình và Máu Chúa Kitô hiện diện trong Bí tích, chính Lời Chúa cũng hiện diện sống động giữa chúng ta. Theo một nghĩa nào đó, cách đọc Sách Thánh trong tư thế cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng đoàn, phải luôn luôn được sống trong liên hệ với cử hành Thánh Thể. Cũng như việc thờ lạy Thánh Thể chuẩn bị, tháp tùng và tiếp nối việc cử hành Thánh Thể,295 thì việc đọc Sách Thánh trong tư thế cầu nguyện, cá nhân cũng như cộng đoàn, cũng chuẩn bị, tháp tùng và đào sâu những gì Giáo Hội cử hành khi công bố Lời trong khung cảnh phụng vụ. Khi đặt để Lectio và phụng vụ trong quan hệ chặt chẽ như thế, ta có thể nắm vững hơn các tiêu chuẩn phải hướng dẫn việc đọc Lời Chúa trong bối cảnh mục vụ và đời sống thiêng liêng của Dân Thiên Chúa.

87. Trong các tài liệu được đưa ra trước và trong Thượng Hội Đồng, có nói tới một số phương pháp để giúp tiếp cận Kinh Thánh có kết quả và trong đức tin. Tuy thế, người ta đã lưu ý nhiều nhất đến Lectio divina, là lối đọc “có khả năng mở các kho tàng Lời Thiên Chúa ra cho tín hữu, và như thế cũng tạo ra cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô, Lời hằng sống của Thiên Chúa”.296 Ở đây, tôi muốn nhắc lại vắn tắt những bước căn bản của lectio divina. Nó mở ra bằng việc đọc ( lectio) bản văn, việc này dẫn ta một câu hỏi liên quan đến việc hiểu biết trung thực nội dung của bản văn: tự nó, bản văn Kinh Thánh muốn nói gì? Nếu không có chặng này, bản văn rất có thể chỉ trở thành một duyên cớ để không bao giờ phải ra khỏi các tư tưởng của chúng ta. Sau đó, là suy niệm (meditatio), với câu hỏi: bản văn Kinh Thánh muốn nói gì với chúng ta? Ở đây, mỗi người riêng tư, nhưng cũng trong tư cách là thực tại cộng đoàn, phải để cho mình bị chạm tới và đặt thành vấn đề, bởi vì đây không phải là cứu xét các lời được nói ra trong quá khứ nhưng là trong hiện tại. Rồi người ta đi tới phần cầu nguyện (oratio) với câu hỏi: Ta phải nói gì với Chúa để đáp lại Lời Người? Việc cầu nguyện như là khẩn xin, chuyền cầu, tạ ơn và ngợi khen, là phương cách đầu tiên mà Lời Chúa dùng để biến đổi chúng ta. Cuối cùng, Lectio divina kết thúc bằng sự chiêm ngưỡng (contemplatio), khi đó, ta đón nhận chính cái nhìn của Ngài để phán đoán thực tại như một hồng ân của Thiên Chúa, và chúng ta tự hỏi: Đức Chúa yêu cầu chúng ta phải hoán cải tinh thần, con tim và đời sống như thế nào? Trong Thư gửi tín hữu Rôma, thánh Phaolô khẳng định: “Anh em đừng có rập theo đời này, nhưng hãy cải biến con người anh em bằng cách đổi mới tâm thần, hầu có thể nhận ra đâu là ý Thiên Chúa: cái gì là tốt, cái gì đẹp lòng Chúa, cái gì hoàn hảo” (12,2). Quả thật, việc chiêm ngưỡng nhắm tạo ra trong ta một cái nhìn thực sự khôn ngoan trên thực tại, như Thiên Chúa nhìn, và kiến tạo trong ta “tư tưởng của Đức Kitô” (1 Cr 2,16). Ở đây, Lời Thiên Chúa xuất hiện như một tiêu chuẩn để biện phân: Lời “sống động, hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi: xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tủy; lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người” (Dt 4,12). Kế đó, cũng nên nhớ rằng Lectio divina không kết thúc trong năng động của nó bao lâu nó chưa mở ra với hành động (actio), thúc đẩy người tín hữu dâng hiến đời mình cho người khác trong tình bác ái.

Các chặng này được tổng hợp và gồm tóm cách tuyệt diệu nơi dung mạo Mẹ Thiên Chúa, là gương mẫu cho tất cả các tín hữu về việc ngoan ngoãn đón tiếp Lời Thiên Chúa, vì ngài “hằng ghi nhớ mọi kỷ niệm ấy, và suy đi nghĩ lại trong lòng” (Lc 2,19; x. 2,51), ngài biết tìm ra mối liên kết sâu xa đang hợp nhất các biến cố, các hành động và các sự vật tưởng chừng rời rạc, trong kế hoạch vĩ đại Thiên Chúa.297

Ngoài ra, tôi cũng muốn nhắc lại những gì Thượng Hội Đồng đã khuyến cáo về tầm quan trọng của việc đích thân đọc Kinh Thánh, được kể như một hành vi đền tội, chuẩn bị cho chúng ta được hưởng ân xá, theo các điều kiện thường lệ của Giáo Hội, dành cho mình hoặc dành cho những người đã qua đời.298 Tập tục nhận ân xá299 có ý nói tới giáo lý về các công nghiệp vô biên của Chúa Kitô, mà Giáo Hội, trong tư cách thừa tác viên của ơn cứu chuộc, được ban phát và áp dụng, nhưng cũng có ý nói tới sự hiệp thông các thánh và dạy ta rằng “ Trong Đức Kitô, chúng ta được liên kết mật thiết với nhau biết bao nhiêu, và cũng thế, đời sống thiêng liêng của mỗi người có thể đem lại lợi ích cho người khác như vậy”.300 Theo viễn tượng này, việc đọc Lời Thiên Chúa nâng đỡ chúng ta trong hành trình thống hối và hoán cải, giúp chúng ta đào sâu cảm thức thuộc về Giáo Hội và nâng đỡ chúng ta sống thân tình hơn nữa Thiên Chúa. Như thánh Ambrôsiô đã từng nói: khi chúng ta tiếp nhận Sách Thánh trong tay với đức tin và đọc Sách Thánh cùng với Giáo Hội, con người lại quay trở về mà đi dạo với Thiên Chúa trong vườn địa đàng”.301

Lời Thiên Chúa và việc cầu nguyện với Đức Mẹ


88. Khi nhớ lại mối liên kết bất khả phân ly giữa Lời Thiên Chúa và Đức Maria Nadarét, cùng với các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng, tôi mời gọi hãy cổ võ các tín hữu cầu nguyện với Đức Mẹ, nhất là trong đời sống gia đình; vì việc cầu nguyện này giúp suy gẫm các Mầu nhiệm thánh được Kinh Thánh kể lại. Chẳng hạn, một phương thế rất hữu ích là đọc riêng hay đọc chung Kinh Mân Côi,302 khi đó ta cùng với Đức Mẹ nhắc lại các Mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô,303 mà Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã muốn làm phong phú thêm bằng các Mầu nhiệm sự sáng.304 Việc nên làm là khi công bố từng Mầu nhiệm, ta nên kèm theo một đoạn Sách Thánh ngắn liên quan tới Mầu nhiệm ấy, để khuyến khích việc học thuộc lòng một số đoạn Kinh Thánh ngắn liên quan tới các Mầu nhiệm trong cuộc đời Chúa Kitô.

Ngoài ra, Thượng Hội Đồng cũng khuyến cáo là hãy khuyến khích các tín hữu đọc kinh Truyền Tin. Đây là một kinh vừa đơn giản vừa sâu sắc, giúp ta “hằng ngày tưởng niệm Mầu nhiệm Ngôi Lời Nhập Thể”.305 Dân Chúa, các gia đình cũng như các cộng đoàn sống đời thánh hiến rất nên trung thành với lời kinh kính Đức Mẹ này, mà Truyền thống mời gọi chúng ta đọc vào lúc mặt trời mọc, vào giữa ngọ và vào lúc mặt trời lặn. Vì trong kinh Truyền Tin, chúng ta xin Thiên Chúa, qua lời chuyển cầu của Đức Maria, ban cho chúng ta biết noi gương ngài, thực thi ý muốn của Thiên Chúa và biết đón tiếp Lời Thiên Chúa vào trong chúng ta. Cách thực hành này có thể giúp chúng ta củng cố một tình yêu chân thật đối với Mầu nhiệm Nhập Thể.

Còn có những lời kinh cổ xưa của Kitô giáo Đông phương,vẽ lại toàn bộ lịch sử cứu độ, do quy chiếu về Đấng Theotokos, quy chiếu về Mẹ Thiên Chúa, chúng ta nên biết để quý trọng và phổ biến. Chúng ta đặc biệt nghĩ tới các kinh AkathistosParaklesis. Đây là các thánh ca ngợi khen, được hát dưới dạng kinh cầu, thấm nhuần đức tin của Giáo Hội và những gợi nhắc tới Kinh Thánh; các kinh này giúp các tín hữu suy niệm cùng với Đức Maria các Mầu nhiệm của Chúa Kitô. Đặc biệt, thánh ca dâng lên Mẹ Thiên Chúa gọi là Akathistos – nghĩa là khi hát, người ta đứng –, được coi như một trong những cách diễn tả cao độ nhất của lòng sùng kính Đức Mẹ trong truyền thống Bydăngtin.306 Cầu nguyện bằng những lời này làm cho tâm hồn ta mở rộng và giúp đón nhận sự bình an đến từ trên cao, đến từ Thiên Chúa, sự bình an là chính Chúa Kitô, Đấng được Đức Maria sinh ra để cứu độ chúng ta.

Lời Thiên Chúa và Đất Thánh


89. Khi nhớ tới Lời Thiên Chúa đã thành người phàm trong lòng Đức Maria Nadarét, giờ đây trái tim chúng ta hướng về Miền Đất nơi Mầu nhiệm Cứu chuộc chúng ta đã được hoàn tất, và từ Miền Đất đó, Lời Thiên Chúa đã lan truyền cho đến tận cùng trái đất. Quả thế, nhờ tác động của Chúa Thánh Thần, Ngôi Lời đã nhập thể vào một thời điểm chính xác và tại một nơi chốn nhất định, tại một giải đất bên bờ Đế quốc Rôma. Chính vì thế, càng nhìn thấy tính phổ quát và tính duy nhất của con người Đức Kitô, chúng ta càng nhìn với lòng biết ơn Miền Đất nơi Đức Giêsu đã sinh ra, đã sống và đã hiến mạng sống vì tất cả chúng ta. Những viên đá trên đó Đấng Cứu Chuộc chúng ta đã dẵm lên vẫn còn mang đầy kỷ niệm của Người đối với chúng ta và tiếp tục “hô vang” Tin Mừng. Chính vì thế, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã nhắc lại thuật ngữ hết sức thích hợp được dùng để gọi Đất Thánh là “Tin Mừng thứ năm”.307 Thật hết sức quan trọng là phải có những cộng đoàn Kitô hữu tại những nơi đó, cho dù hiện nay có biết bao khó khăn! Thượng Hội Đồng Giám Mục muốn nói lên sự gần gũi sâu xa với tất cả các Kitô hữu đang sống trên Miền Đất của Đức Giêsu, mà làm chứng cho niềm tin của họ vào Đấng Phục Sinh. Tại đó, các Kitô hữu được kêu gọi phục vụ không những như “ngọn hải đăng của lòng tin cho Giáo Hội hoàn vũ, mà còn như một chất men của sự hoà hợp, khôn ngoan, và quân bình trong đời sống của một xã hội, theo truyền thống, đã và vẫn tiếp tục mang tính đa nguyên, đa sắc tộc và đa tôn giáo”.308

Ngày nay, Đất Thánh vẫn còn là một mục tiêu hành hương của Dân Kitô hữu, một nơi hành hương để cầu nguyện và đền tội, như từng được chứng thực từ thời xa xưa bởi các tác giả như thánh Giêrônimô.309 Càng đưa mắt và hướng lòng về Giêrusalem trần thế, lòng chúng ta càng cháy bừng khao khát đối với Giêrusalem trên trời, mục tiêu đích thực của mọi cuộc hành hương, và cháy bừng niềm ước mong tha thiết là được thấy Danh Chúa Giêsu, Danh duy nhất có ơn cứu độ, được mọi người nhìn nhận (x. Cv 4,12).



PHẦN BA

VERBUM PRO MUNDO

( LỜI CHO THẾ GIỚI )

"Chưa bao giờ có ai thấy Thiên Chúa cả;

nhưng Con Một

hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha,

đã tỏ cho chúng ta biết”

(Ga 1,18)



SỨ MẠnG cỦa Giáo HỘi:

Công BỐ LỜi THIÊN Chúa



Lời đến từ Chúa Cha và trở về cùng Chúa Cha


90. Thánh Gioan đã mạnh mẽ nhấn mạnh về nghịch lý căn bản của đức tin Kitô giáo: một đàng, ngài nói rằng “chưa có ai thấy Thiên Chúa bao giờ” (Ga 1,18; x. 1 Ga 4,12). Trí tưởng tượng của ta, các ý niệm của ta hay ngôn từ của ta không bao giờ có thể xác định được hay đo lường được thực tại vô biên của Đấng Tối Cao. Người vẫn là Deus semper maior (Thiên Chúa luôn luôn cao cả). Đàng khác, thánh Gioan lại khẳng định rằng quả thật “Ngôi Lời đã trở nên người phàm” (Ga 1,14). Người Con Một, Đấng hằng ở nơi cung lòng Chúa Cha, đã bày tỏ cho chúng ta biết Thiên Chúa, Đấng “chưa có ai thấy bao giờ” (Ga 1,18). Đức Giêsu Kitô đã đến với chúng ta, “đầy tràn ân sủng và sự thật” (Ga 1,14), để nhờ Người, chúng ta được ban các hồng ân ấy (x. Ga 1,17); quả vậy, “từ nguồn sung mãn của Người, tất cả chúng ta đã lãnh nhận hết ơn này đến ơn khác” (Ga 1,16). Như thế, trong Lời Tựa của Tin Mừng, tác giả Tin Mừng Gioan đã chiêm ngưỡng Ngôi Lời từ tình trạng Người ở với Thiên Chúa cho tới khi trở nên người phàm, và cho tới tận lúc Người trở về cùng Chúa Cha mang theo nhân tính của chúng ta, mà Người đã đảm nhận lấy mãi mãi. Do Người từ Chúa Cha mà đến và trở về cùng Ngài (x. Ga 13,3; 16;28; 17,8.10), Đức Kitô được tỏ ra như “Đấng tường thuật cho chúng ta” về Thiên Chúa (x. Ga 1,18). Thật vậy, như thánh Irênê thành Lyon đã khẳng định, Chúa Con “là Đấng mạc khải Chúa Cha”.310 Có thể nói Đức Giêsu Nadarét là “nhà chú giải” Thiên Chúa, Đấng “chưa ai thấy bao giờ”. “Người là hình ảnh của Thiên Chúa vô hình” (Cl 1,15). Ở đây, ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia về tính hữu hiệu của Lời Chúa: như mưa và tuyết từ trời rơi xuống để tưới và làm cho đất ra phì nhiêu, Lời Thiên Chúa cũng thế, “sẽ không trở về với Ta nếu chưa đạt kết quả, chưa thực hiện ý muốn của Ta, chưa chu toàn sứ mạng Ta giao phó” (Is 55,10t). Đức Giêsu Kitô là Lời chung kết và hữu hiệu này, Lời đến từ Chúa Cha và trở về cùng Ngài, khi đã hoàn toàn thực hiện ý muốn của Ngài trong thế giới.

Loan báo cho thế giới “Logos” về niềm hy vọng


91. Ngôi Lời Thiên Chúa đã thông ban cho chúng ta sự sống thần linh, một sự sống làm thay đổi khuôn mặt trái đất, làm cho mọi sự nên mới mẻ (x. Kh 21,5). Lời của Ngài làm cho chúng ta không những nên những người đón nhận Mạc Khải của Thiên Chúa, nhưng còn là những sứ giả của Ngài. Người là Đấng Chúa Cha sai đến để thực hiện ý muốn của Ngài (x. Ga 5,36-38; 6,38-40; 7,16-18), đang lôi kéo chúng ta đến với Người và làm cho chúng ta thuộc về cuộc đời và sứ vụ của Người. Như thế, Thần Khí của Đấng Phục Sinh làm cho đời sống chúng ta có khả năng loan báo hữu hiệu Lời khắp nơi trên thế giới. Đây chính là kinh nghiệm của cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi, họ đã thấy Lời được truyền bá nhờ việc rao giảng và làm chứng (x. Cv 6,7). Ở đây, tôi muốn đặc biệt nhắc tới cuộc đời của thánh Tông Đồ Phaolô, một con người hoàn toàn được Chúa chiếm đoạt (x. Pl 3,12) – “Tôi sống, nhưng không còn phải là tôi, mà là Đức Kitô sống trong tôi” (Gl 2,20) – và nhắc tới sứ mạng của ngài: “Khốn thân tôi, nếu tôi không rao giảng Tin Mừng” (1 Cr 9,16), vì ngài ý thức rằng tất cả những gì được mạc khải nơi Đức Kitô, thật sự là ơn cứu độ cho tất cả các Lương Dân, là sự giải thoát đưa ra khỏi ách nô lệ tội lỗi hầu được đi vào hưởng tự do dành cho con cái Thiên Chúa.

Quả thật, điều Giáo Hội công bố cho thế giới chính là Logos về niềm hy vọng (x. 1 Pr 3,15); con người cần “niềm Hy vọng lớn lao” để sống hiện tại của mình, niềm Hy vọng lớn lao là “vị Thiên Chúa có khuôn mặt con người và đã “yêu thương chúng ta đến cùng’ (Ga 13,1)”.311 Chính vì thế, Giáo Hội tự bản chất là truyền giáo. Chúng ta không thể giữ lại cho riêng mình những lời ban sự sống đời đời, những lời đã được ban cho chúng ta qua cuộc gặp gỡ với Đức Giêsu Kitô: những lời ấy được dành cho tất cả mọi người, cho từng con người. Bất cứ người nào thuộc thời đại chúng ta, biết hay không biết, đều cần đến sứ điệp này. Ước gì chính Chúa, cũng như vào thời ngôn sứ Amốt, làm dấy lên giữa loài người cơn đói khát lời Chúa (x. Am 8,11). Trách nhiệm của chúng ta là truyền đạt những gì chúng ta đã nhận được nhờ ơn Chúa.


Từ Lời Thiên Chúa, phát xuất sứ mạng của Giáo Hội


92. Thượng Hội Đồng Giám Mục đã mạnh mẽ tái khẳng định về nhu cầu phải tăng cường hơn nữa trong Giáo Hội ý thức truyền giáo, là ý thức đã có nơi Dân Thiên Chúa từ thuở ban đầu. Các Kitô hữu đầu tiên đã coi việc loan báo mang tính truyền giáo như là một điều cấp thiết bắt nguồn từ chính bản chất đức tin: họ tin vào một vì Thiên Chúa là Thiên Chúa của mọi người, Thiên Chúa duy nhất và chân thật, Đấng đã tự mạc khải trong lịch sử Israel và sau cùng, nơi Con Một của Ngài, và như thế, đưa lại câu trả lời mà mọi người vẫn chờ đợi tận đáy lòng. Các cộng đoàn Kitô hữu tiên khởi đã hiểu rằng đức tin của họ không thuộc về một truyền thống văn hoá đặc thù, khác biệt tùy theo các dân tộc, nhưng thuộc về lãnh vực chân lý, liên quan đến tất cả mọi người như nhau.

Lại cũng chính là thánh Phaolô đã dùng đời sống ngài mà làm sáng tỏ ý nghĩa của sứ mạng Kitô giáo và tính phổ quát nguyên thủy của sứ mạng này. Chúng ta hãy nghĩ tới đoạn sách Công vụ Tông Đồ nói về Hội đồng Arêôpagô ở Athêna (x. 17,16-34). Vị Tông Đồ Dân Ngoại đã đi vào đối thoại với những con người thuộc các nền văn hoá khác nhau, ngài ý thức rằng Mầu nhiệm Thiên Chúa, Đấng khả tri đồng thời là Đấng vô tri, Đấng mọi người đều nhận thức, dù mù mờ, đã thật sự tự mạc khải trong lịch sử: “Đấng quí vị không biết mà vẫn tôn thờ, thì tôi xin rao giảng cho quí vị” (Cv 17,23). Quả thế, tính mới mẻ trong lời công bố của Kitô giáo nằm ở chỗ ta có thể nói với mọi dân tộc: “Thiên Chúa, Ngài đã đích thân tự tỏ mình ra. Và giờ đây, con đường dẫn tới Ngài đã mở ra. Tính mới lạ của sứ điệp Kitô giáo không hệ tại một tư tưởng, mà là một sự kiện: Thiên Chúa đã tự mạc khải chính mình”.312


Lời và Nước Thiên Chúa


93. Do đó, không được coi sứ mạng của Giáo Hội như một thực tại tùy ý hay tùy chọn trong đời sống Giáo Hội. Vấn đề là để cho Chúa Thánh Thần làm cho chúng ta nên đồng hình đồng dạng với chính Chúa Kitô, và như thế, tham dự vào sứ mạng của Người: “Như Chúa Cha đã sai Thầy, thì Thầy cũng sai anh em” (Ga 20,21), để chuyển thông Lời bằng trọn cả đời sống chúng ta. Chính Lời Chúa sai chúng ta đi đến với anh chị em chúng ta: chính Lời soi sáng, thanh tẩy, và hoán cải; còn chúng ta, chúng ta chỉ là những tôi tớ.

Vậy cần phải liên tục tái khám phá ra tình trạng khẩn trương và vẻ đẹp của việc loan báo Lời, để cho Nước Thiên Chúa mà chính Chúa Kitô đã rao giảng, được ngự đến. Theo ý hướng đó, chúng ta hãy tái lập nơi chúng ta ý thức, rất quen thuộc đối với các Giáo Phụ, là việc loan báo Lời có nội dung là chính Nước Thiên Chúa (x. Mc 1,14-15), Nước đó là chính con người Chúa Giêsu (Autobasileia), như Ôrigiênê đã nhắc lại rất khéo.313 Chúa ban ơn cứu độ cho mọi người thuộc mọi thời đại. Tất cả chúng ta đều hiểu rằng, thật rất cần có ánh sáng của Chúa Kitô chiếu soi mọi lãnh vực của nhân loại: gia đình, trường học, văn hoá, việc làm, việc giải trí và các lãnh vực khác của đời sống xã hội.314 Vấn đề không phải là rao giảng một lời an ủi, mà là một lời gây nên sự đoạn tuyệt, mời gọi hoán cải, giúp người ta có thể gặp gỡ Thiên Chúa, nhờ đó làm phát sinh một chồi lộc của một nhân loại mới.


Mọi người đã rửa tội
đều có trách nhiệm đối với việc loan báo


94. Vì toàn Dân Thiên Chúa là một dân tộc “được sai đi”, Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định rằng “sứ mạng loan báo Lời Thiên Chúa là bổn phận của mọi môn đệ Đức Giêsu Kitô, như hệ quả của phép Rửa của họ”.315 Không một tín hữu nào trong Chúa Kitô lại có thể thấy mình xa lạ với trách nhiệm này, một trách nhiệm phát xuất từ chỗ ta thuộc về Thân Thể Chúa Kitô theo cách bí tích. Ý thức này phải được thức tỉnh trong mỗi gia đình, giáo xứ, cộng đoàn, hiệp hội và phong trào Giáo Hội. Vậy, Giáo Hội như là Mầu nhiệm hiệp thông hoàn toàn có tính truyền giáo, và mỗi người, tùy theo bậc sống, đều được kêu gọi góp phần rõ ràng vào việc loan báo Chúa Kitô.

Theo sứ mạng riêng của các ngài, các giám mục và linh mục là những người đầu tiên được kêu gọi sống một cuộc sống hoàn toàn lo phục vụ Lời, lo công bố Tin Mừng, cử hành các Bí tích và đào tạo các tín hữu hiểu biết chân thật Kinh Thánh. Các phó tế cũng được kêu gọi cộng tác, theo sứ mạng riêng, vào công cuộc phúc âm hoá này.



Trong suốt lịch sử Giáo Hội, đời sống thánh hiến vẫn rạng rỡ do khả năng đảm nhận minh nhiên nhiệm vụ loan báo và rao giảng Lời Thiên Chúa, trong missio ad gentes (đến với muôn dân) và trong những hoàn cảnh khó khăn nhất, cũng sẵn sàng thích ứng với các tình thế mới mà loan báo Tin Mừng, can đảm và mạnh dạn tiến bước vào những con đường mới và đương đầu với các thách đố mới nhằm công bố hữu hiệu Lời Thiên Chúa.316

Giáo dân được kêu gọi thực thi nhiệm vụ ngôn sứ, nhiệm vụ trực tiếp phát xuất từ phép Rửa của họ, và làm chứng cho Tin Mừng trong đời sống hàng ngày, tại bất cứ nơi nào họ sinh sống. Về điểm này, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng bày tỏ “lòng quý mến sâu sắc, lòng biết ơn họ và khuyến khích họ dấn thân vào công tác phúc âm hoá mà biết bao giáo dân, nhất là các phụ nữ, đang quảng đại và hăng say cống hiến trong các cộng đoàn rải rác trên khắp thế giới, theo gương thánh Maria Magđalêna, chứng nhân đầu tiên của niềm vui Phục Sinh”.317 Ngoài ra, Thượng Hội Đồng nhìn nhận với lòng biết ơn là các phong trào Giáo Hội và nhiều cộng đoàn mới, ở trong Giáo Hội, đang là một lực lượng lớn lao làm công việc loan báo Tin Mừng trong thời đại này và là một động viên lớn giúp triển khai nhiều cách thức mới để loan báo Tin Mừng.318

Sự cần thiết của "missio ad gentes"


95. Khi khuyến khích tất cả các tín hữu loan báo Lời Chúa, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tái khẳng định rằng thời đại chúng ta cũng cần dấn thân dứt khoát vào “missio ad gentes” (đến với muôn dân). Dù thế nào, Giáo Hội cũng không thể tự giới hạn vào một hoạt động mục vụ “duy trì” nhằm chăm sóc những người đã biết Tin Mừng của Chúa Kitô. Dấn thân truyền giáo là một dấu chỉ rõ ràng cho thấy sự trưởng thành của một cộng đoàn Giáo Hội. Ngoài ra, các Nghị Phụ đã mạnh mẽ diễn tả ý thức rằng Lời Thiên Chúa là chân lý cứu độ mà mọi người thuộc mọi thời đại đều cần đến. Vì thế, việc loan báo phải minh nhiên. Giáo Hội phải đi đến với tất cả mọi người với sức mạnh của Thần Khí (x. 1 Cr 2,5), và tiếp tục, theo cách thế ngôn sứ, bênh vực quyền của con người, là được tự do nghe Lời Thiên Chúa, trong khi vẫn đi tìm những phương tiện hữu hiệu nhất để công bố Lời, cho dù có bị bách hại.319 Giáo Hội cảm thấy mình mắc nợ mọi người về việc loan báo Lời cứu độ (x. Rm 1,14).

Loan báo và việc tân phúc âm hoá


96. Trong chiều hướng những gì Đức giáo hoàng Phaolô VI đã diển tả trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi, Đức giáo hoàng Gioan Phaolô II đã có nhiều cách nhắc cho các tín hữu nhớ rằng cần phải có một mùa truyền giáo mới cho toàn Dân Thiên Chúa.320 Vào buổi bình minh thiên niên kỷ thứ ba, không những vẫn còn nhiều dân tộc chưa biết Tin Mừng, mà ngay cả một số đông Kitô hữu vẫn cần được tái loan báo Lời Thiên Chúa một cách thuyết phục cho họ, để họ có thể trải nghiệm được cụ thể sức mạnh của Tin Mừng. Nhiều anh chị em “đã được rửa tội, nhưng chưa được phúc âm hoá đầy đủ”.321 Đã thường xảy ra là có những dân tộc đã một thời rất phong phú về đức tin và ơn gọi, nay đánh mất căn tính, do chịu ảnh hưởng nền văn hóa thế tục hoá.322 Yêu cầu phải có một cuộc tân phúc âm hoá, mà vị Tiền Nhiệm đáng kính của tôi đã cảm nhận sâu sắc, chúng ta cần phải tái khẳng định, không chút sợ hải, trong niềm xác tín về tính hữu hiệu của Lời Chúa. Kiên vững về lòng trung thành của Chúa mình, Giáo Hội không bao giờ mỏi mệt trong sứ mạng loan báo Tin Mừng của Phúc Âm và mời gọi mọi Kitô hữu tái khám phá điều nầy : bước theo Chúa Kitô thì đẹp biết bao.

Lời Thiên Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu


97. Các chân trời bao la của sứ mạng của Giáo Hội, tình trạng phức tạp của tình hình hiện tại đòi hỏi hôm nay phải có những phương thức mới mà thông truyền hữu hiệu Lời Thiên Chúa. Chúa Thánh Thần, tác nhân đầu tiên của mọi hoạt động phúc âm hoá, sẽ không bao giờ thôi hướng dẫn Giáo Hội Chúa Kitô trong hoạt động này. Tuy nhiên, điều quan trọng là mỗi hình thức loan báo phải ghi nhớ trước hết quan hệ nội tại giữa việc thông truyền Lời Chúa và việc làm chứng của Kitô hữu. Chính tính khả tín của việc loan báo tùy thuộc vào điều này. Một đàng, Lời phải thông truyền những gì chính Chúa đã nói với chúng ta; đàng khác, cần phải làm chứng để đưa lại tính khả tín cho Lời này, để Lời này không xuất hiện ra như một thứ triết lý tốt đẹp hay như một không-tưởng, mà là một thực tại người ta có thể sống và là thực tại làm cho người ta sống. Tính hỗ tương này giữa Lời và chứng tá phản ảnh cách thế Thiên Chúa dùng để tự thông truyền chính mình trong công cuộc Nhập thể của Ngôi Lời của Ngài. Lời Thiên Chúa đến với mọi người “qua cuộc gặp gỡ với các chứng nhân đang làm cho Lời nên hiện diện và sống động”.323 Đặc biệt, những thế hệ trẻ cần được khai mở vào Lời Thiên Chúa “qua việc gặp gỡ và làm chứng chân chính của người lớn, qua ảnh hưởng tích cực của bạn bè và qua cuộc đồng hành vĩ đại của cộng đoàn Giáo Hội”.324

Có một tương quan chặt chẽ giữa lời chứng của Kinh Thánh, như là việc chứng nhận Lời Thiên Chúa nêu lên về chính mình, và chứng tá đời sống của các tín hữu. Điều này bao hàm và dẫn tới điều kia. Chứng tá Kitô hữu thông truyền Lời đã được chứng thực trong Kinh Thánh. Phần mình, Kinh Thánh giải thích chứng từ mà Kitô hữu được mời gọi đưa ra bằng chính cuộc sống họ. Những ai gặp được những chứng nhân khả tín của Tin Mừng thì sẽ ghi nhận được tính hữu hiệu của Lời Thiên Chúa nơi những ai đón tiếp Lời.



98. Trong tác động qua lại giữa chứng tá và Lời, chúng ta hiểu được điều Đức giáo hoàng Phaolô VI đã viết trong Tông huấn Evangelii Nuntiandi. Trách nhiệm của ta không giới hạn vào việc đề nghị cho thế giới những giá trị chung; phải đi đến chỗ minh nhiên loan báo Lời Thiên Chúa. Chỉ bằng cách đó, chúng ta mới trung thành với mệnh lệnh của Chúa Kitô: “Vậy Tin Mừng được công bố bằng chứng tá đời sống chẳng chóng thì chày cũng phải được công bố bằng Lời sự sống. Không có việc phúc âm hoá thực sự nếu thánh danh, giáo huấn, cuộc đời, các lời hứa, Vương Quốc và Mầu nhiệm Đức Giêsu Nadarét, Con Thiên Chúa, không được loan báo”.325

Việc loan báo Lời Thiên Chúa đòi phải chứng tá đời sống cá nhân, đây là điều kể từ thuở ban đầu, các Kitô hữu vẫn ý thức. Chính Chúa Kitô là chứng nhân trung thành và chân thật (x. Kh 1,5; 3,14), đã làm chứng cho sự thật (x. Ga 18,37). Ở đây, tôi muốn nhắc lại vô số chứng từ mà chúng ta đã may mắn nghe được trong suốt Thượng Hội Đồng. Chúng tôi hết sức cảm động khi được nghe câu truyện của những người đã sống đức tin và làm chứng hùng hồn cho Tin Mừng, kể cả dưới các chế độ thù nghịch với Kitô giáo hay trong các tình thế bị bách hại.



Tất cả những chuyện đó không được làm chúng ta sợ hãi. Chính Đức Giêsu đã nói cùng các môn đệ: “Tôi tớ không lớn hơn chủ mình. Nếu họ đã bắt bớ Thầy, họ cũng sẽ bắt bớ anh em” (Ga 15,20). Vì thế, tôi muốn cùng với toàn thể Giáo Hội dâng lên Thiên Chúa một thánh ca ngợi khen về chứng tá của biết bao anh chị em, những người thuộc ngay thời đại chúng ta, đã hiến mạng sống mình để thông truyền sự thật về tình yêu Thiên Chúa được mạc khải trong Đức Kitô chịu đóng đinh và đã sống lại. Tôi cũng bày tỏ lòng biết ơn của toàn thể Giáo Hội đối với các Kitô hữu đã không đầu hàng trước các trở ngại và các cuộc bách hại vì Tin Mừng. Với lòng yêu mến sâu sắc và liên đới, tôi muốn quay về với các tín hữu thuộc mọi cộng đồng Kitô giáo, nhất là tại Á châu và Phi châu, hôm nay đang còn đánh liều mạng sống hoặc chịu đẩy ra bên lề xã hội vì đức tin. Như thế, chúng ta thấy thể hiện tinh thần của các Mối Phúc của Tin Mừng dành cho những người đang chịu bách hại vì Đức Giêsu Kitô (x. Mt 5,11). Đồng thời, chúng tôi không ngừng cất tiếng kêu gọi chính phủ các quốc gia hãy bảo đảm cho mọi người có tự do lương tâm và tự do tôn giáo, cũng như tự do làm chứng công khai về niềm tin của mình.326

LỜI THIÊN CHÚA
VÀ VIỆC DẤN THÂN VÀO THẾ GIỚI



tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương