Verbum domini củA ĐỨc giáo hoàng bêNÊĐITÔ XVI gửi các giám mụC, HÀng giáo sĩ, CÁc ngưỜi nam nữ SỐng đỜi thánh hiếN


Kinh Thánh, ơn linh hứng và chân lý



tải về 1.18 Mb.
trang2/6
Chuyển đổi dữ liệu20.11.2017
Kích1.18 Mb.
#34442
1   2   3   4   5   6

Kinh Thánh, ơn linh hứng và chân lý


19. Một khái niệm chủ chốt giúp hiểu bản văn thánh như là Lời Thiên Chúa diễn tả trong ngôn ngữ loài người chắc chắn là khái niệm ơn linh hứng. Ở đây cũng vậy, chúng ta cũng có thể gợi ra một loại suy: giống như Lời Thiên Chúa đã trở thành xác phàm do tác động của Chúa Thánh Thần trong lòng Đức Trinh Nữ Maria thế nào, thì Sách Thánh cũng sinh ra từ lòng Giáo Hội do tác động của cùng Thánh Thần ấy. Kinh Thánh là “Lời Thiên Chúa được ghi chép lại dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần”.66 Như thế, ta nhận ra tất cả tầm quan trọng của tác giả nhân loại, người đã viết ra các bản văn linh hứng, và đồng thời, tầm quan trọng của Thiên Chúa được nhận biết như là tác giả đích thật của Kinh Thánh.

Như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã quả quyết, đề tài ơn linh hứng rõ ràng có tính quyết định để có thể tiếp cận đúng đắn Kinh Thánh và giải thích Kinh Thánh chính xác;67 công việc này cũng phải được thực hiện trong cùng một Thánh Thần, trong Người các bản văn thánh đã được viết ra.68 Bất cứ khi nào ý thức của chúng ta về ơn linh hứng Kinh Thánh suy yếu đi, ta rất có thể sẽ đọc Kinh Thánh như một chuyện hiếu kỳ thuộc lịch sử, chứ không như công trình của Chúa Thánh Thần, trong đó ta có thể nghe ra chính tiếng nói của Đức Chúa và nhận ra sự hiện diện của Người trong lịch sử.

Ngoài ra, các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng cũng có lý khi nhấn mạnh rằng đề tài ơn linh hứng được liên kết mật thiết với đề tài chân lý của Kinh Thánh. 69 Chính vì thế, nghiên cứu sâu xa hơn về ơn linh hứng chắc chắn cũng sẽ giúp hiểu biết sâu rộng hơn về chân lý được chứa đựng trong Sách Thánh. Như giáo huấn của Công Đồng về điểm này đã quả quyết, các Sách được linh hứng dạy về chân lý: “Vì phải xem mọi lời tác giả được linh hứng, tức các thánh sử, viết ra, là những điều Chúa Thánh Thần xác quyết, nên phải tuyên xưng rằng Kinh Thánh dạy ta cách chắc chắn, trung thành và không sai lầm, chân lý mà Thiên Chúa đã muốn Kinh Thánh ghi lại nhằm cứu độ chúng ta. Bởi vậy ‘tất cả những gì viết trong Sách Thánh đều do Thiên Chúa linh hứng và có ích cho việc giảng dạy, biện bác, sửa dạy, giáo dục để trở nên công. Nhờ vậy, người của Thiên Chúa nên thập toàn, và được trang bị đầy đủ để làm mọi việc lành’ (2 Tm 3,16-17, bản Hy-lạp)”.70

Chắc chắn, suy tư thần học luôn coi ơn linh hứng và chân lý như là hai khái niệm chìa khóa giúp cho có một khoa giải thích Kinh Thánh mang tính Giáo Hội. Tuy nhiên, chúng ta phải nhìn nhận rằng hiện nay có nhu cầu đào sâu cách thoả đáng các thực tại này, để có thể đáp trả gãy gọn hơn những yêu cầu liên quan đến việc giải thích các bản văn thánh theo bản chất của chúng. Nhìn trong viễn tượng này, tôi tha thiết hy vọng rằng công việc nghiên cứu trong lãnh vực này sẽ tiến bộ và đưa lại hoa trái cho cả khoa học Kinh Thánh lẫn đời sống thiêng liêng của các tín hữu.


Thiên Chúa Cha, suối nguồn và nguồn cội của Lời


20. Như thế, nhiệm cục mạc khải có khởi nguyên và nguồn cội nơi Thiên Chúa Cha. Do lời Ngài phán ra, Ngài “làm ra chín tầng trời, một hơi Chúa thở tạo thành muôn tinh tú” (Tv 33,6). Chính Ngài đã làm “cho ánh sáng chiếu soi lòng trí, để tỏ bày cho thiên hạ được biết vinh quang Thiên Chúa rạng ngời trên gương mặt Đức Kitô” (2 Cr 4,6; x. Mt 16,17; Lc 9,29).

Nơi Chúa Con, là Logos đã thành xác phàm (x. Ga 1,14), là Đấng đã đến để thi hành ý muốn của Đấng đã sai Người (x. Ga 4,34), Thiên Chúa, suối nguồn Mạc Khải, đã tỏ mình ra như là Cha và đưa đến chỗ hoàn tất việc thần hóa con người, việc này trước kia đã từng được đảm bảo bởi các lời tiên tri và bởi các kỳ công Ngài đã thực hiện trong công cuộc sáng tạo và trong lịch sử dân Ngài cũng như toàn thể nhân loại. Công cuộc mạc khải về Thiên Chúa Cha đạt tới đỉnh cao khi Chúa Con ban Đấng Bảo Trợ (x. Ga 14,16), tức Thần Khí của Chúa Cha và Chúa Con, Đấng dẫn ta “tới sự thật toàn vẹn” (x. Ga 16,13).

Chính vì thế, mọi lời Thiên Chúa hứa đều trở thành “có” nơi Đức Giêsu Kitô (x. 2 Cr 1,20). Như vậy, con người được ban cho khả năng rảo qua con đường đưa về với Chúa Cha (x. Ga 14,6), để cuối cùng, “Thiên Chúa có toàn quyền trên muôn loài” (1 Cr 15, 28).

21. Như thập giá của Đức Kitô đã cho thấy, Thiên Chúa cũng nói qua sự thinh lặng của Ngài. Sự thinh lặng của Thiên Chúa, kinh nghiệm về sự xa cách với Đấng toàn năng và là Cha, là một chặng quyết định trong hành trình trần thế của Con Thiên Chúa, Ngôi Lời nhập thể. Khi bị treo trên cây thập giá, Người đã kêu lên nỗi đau khổ do sự thinh lặng kia gây ra: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?” (Mc 15,34; Mt 27,46). Kiên trì vâng lời cho tới hơi thở cuối cùng, trong bóng tối sự chết, Đức Giêsu đã cầu khẩn Chúa Cha. Chính là cho Chúa Cha mà Người phó thác bản thân vào thời khắc đi qua cái chết, để vào sự sống đời đời: “Lạy Cha, con xin phó hồn con trong tay Cha” (Lc 23,46).

Kinh nghiệm này của Đức Giêsu phản ánh tình cảnh của bất cứ người nào, sau khi đã lắng nghe và nhận biết Lời Thiên Chúa, cũng phải đối diện với sự thinh lặng của Ngài. Đây đã là kinh nghiệm của vô số các thánh và các nhà thần bí, và hôm nay vẫn là yếu tố thuộc về hành trình của nhiều tín hữu. Sự thinh lặng của Thiên Chúa nối dài những lời Ngài đã nói trước đó. Trong những khoảnh khắc đen tối ấy, Ngài nói qua mầu nhiệm thinh lặng của Ngài. Chính vì thế, trong năng động của Mạc Khải Kitô giáo, sự thinh lặng xuất hiện ra như là một cách thức diễn tả quan trọng của Lời Thiên Chúa.



LỜi con ngưỜi đáp trẢ

vỊ Thiên Chúa đang lên tiẾng

Được mời gọi đi vào giao ước với Thiên Chúa


22. Khi nêu bật nhiều hình thức của Lời, chúng ta đã có thể chiêm ngưỡng, xuyên qua tất cả các cách thế này, vị Thiên Chúa đang nói và đang đến gặp gỡ con người, làm cho con người nhận biết Ngài trong đối thoại. Dĩ nhiên, như các Nghị Phụ Thượng Hội Đồng đã tuyên bố, “khi nói tới Mạc khải, cuộc đối thoại kéo theo hệ luận là tính tối thượng của Lời Thiên Chúa được ngỏ với con người”.71 Mầu nhiệm của Giao Ước diễn tả quan hệ này giữa Thiên Chúa, Đấng đang mời gọi bằng Lời của Ngài và con người đáp trả, với ý thức rõ ràng là đây không phải là cuộc gặp gỡ giữa hai đối tác ngang vai; điều chúng ta gọi là Cựu Ước và Tân Ước không phải là một khế ước giữa hai bên ngang hàng, nhưng hoàn toàn là một hồng ân của Thiên Chúa. Do hồng ân yêu thương này, Thiên Chúa vượt qua mọi khoảng cách, làm cho chúng ta thật sự trở nên các “đối tác” của Ngài, như thế thực hiện Mầu nhiệm hôn ước tình yêu giữa Chúa Kitô và Giáo Hội. Trong viễn tượng này, mỗi con người xuất hiện ra như là kẻ được Lời nói với, được thúc bách và kêu gọi đi vào cuộc đối thoại tình yêu ấy bằng một lời đáp trả tự do. Như thế, mỗi người chúng ta được Thiên Chúa ban cho khả năng lắng nghe và đáp trả lời của Ngài. Con người được tạo thành trong Lời và sống trong Lời; con người không thể hiểu được chính mình nếu không mở ra với cuộc đối thoại này. Lời Thiên Chúa cho thấy bản chất con cái và tương quan của cuộc đời chúng ta. Chúng ta thật sự được ơn thánh kêu gọi trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô, Con của Chúa Cha, và được biến đổi trong Người.

Thiên Chúa lắng nghe con người
và đáp lại các vấn nạn của con người


23. Trong cuộc đối thoại này với Thiên Chúa, chúng ta hiểu được chính mình và tìm được câu trả lời cho các vấn nạn sâu xa nhất vẫn ở trong trái tim chúng ta. Bởi vì Lời Chúa không hề đối nghịch với chúng ta, không bóp nghẹt các khát vọng chân chính của chúng ta, trái lại, soi sáng, thanh tẩy và đưa các khát vọng đó đến chỗ được hoàn tất. Đối với thời đại ta, thật quan trọng việc khám phá ra rằng duy một mình Thiên Chúa mới đáp ứng được cơn khát đang ở trong tim mỗi người! Vào thời đại chúng ta và nhất là ở Tây phương, điều đáng buồn là đã phổ biến ý tưởng cho rằng Thiên Chúa xa lạ với cuộc sống và các vấn đề của con người, và hơn nữa, sự hiện diện của Ngài chỉ có thể là một mối đe doạ đối với quyền tự lập của con người. Trong thực tế, toàn bộ nhiệm cục cứu độ cho thấy rằng Thiên Chúa lên tiếng và can thiệp vào trong lịch sử nhằm chiếu cố đến con người và để cứu độ con người toàn diện. Như thế, theo quan điểm mục vụ, điều quan trọng là trình bày cho thấy Lời Thiên Chúa có khả năng đáp lại các vấn đề mà con người phải đương đầu trong đời sống hằng ngày. Chính Đức Giêsu đã tự giới thiệu cho chúng ta như là Đấng đã đến để chúng ta được sống dồi dào (x. Ga 10,10). Do đó, chúng ta cần hết sức cố gắng để Lời Thiên Chúa xuất hiện ra như một sự mở ra với các vấn đề của mình, một đáp trả cho các câu hỏi của mình, một sự nới rộng các giá trị và đồng thời một sự thoả mãn mang lại cho các khát vọng của mình. Hoạt động mục vụ của Giáo Hội cần phải quan tâm cho thấy rõ làm thế nào Thiên Chúa vẫn đang lắng nghe các nhu cầu của con người và tiếng con người kêu cứu. Thánh Bônaventura đã quả quyết trong quyển Breviloquium: "Hoa trái của Kinh Thánh không phải là bất cứ thứ hoa trái nào, mà chính là hạnh phúc vĩnh cửu viên mãn. Vì Kinh Thánh là sách chứa đựng những lời ban sự sống đời đời; vậy Kinh Thánh được viết ra không chỉ để chúng ta tin, nhưng còn để chúng ta có sự sống đời đời, trong đó chúng ta sẽ thấy, sẽ yêu thương, và mọi khát vọng của chúng ta đều sẽ được thoả mãn hoàn toàn”.72

Đối thoại với Thiên Chúa bằng chính lời của Ngài


24. Lời Chúa đưa mỗi người chúng ta đi vào một cuộc đối thoại với Đức Chúa: Vị Thiên Chúa đang nói dạy chúng ta biết cách thưa chuyện với Ngài. Tức khắc ta nghĩ tới Sách Thánh vịnh, trong sách này, Thiên Chúa ban cho ta những lời ta có thể dùng mà thưa chuyện với Ngài, để đệ trình đời sống lên Ngài trong một cuộc đối thoại với Ngài, nhờ đó, biến chính đời sống trở thành một chuyển động đưa tới Thiên Chúa.73 Quả thật, trong các Thánh vịnh, ta có thể gặp được mọi tâm tình nhân loại trong cuộc sống, được trình bày một cách khéo léo trước nhan Thiên Chúa: niềm vui và nỗi đau, nỗi âu lo và niềm hy vọng, nỗi sợ hãi và nỗi khắc khoải, tất cả đều được nói tới ở đây. Cùng với các Thánh vịnh, ta cũng có thể nghĩ đến nhiều bản văn khác của Sách Thánh, các bản văn này diễn tả cách thức con người có thể theo mà ngỏ lời với Thiên Chúa dưới dạng một lời chuyển cầu (x. Xh 33,12-16), một bài ca diễn tả niềm vui chiến thắng (x. Xh 15) hay một lời than vãn về sứ mạng phải chu toàn (x. Gr 20,7-18). Theo cách đó, lời con người thưa với Thiên Chúa lại trở thành chính Lời Thiên Chúa, và như thế củng cố đặc tính đối thoại của toàn thể Mạc Khải Kitô giáo.74 Nhìn trong viễn tượng này, toàn thể cuộc sống con người trở thành một cuộc đối thoại với Thiên Chúa, Đấng đang nói và đang nghe, đang mời gọi và hướng dẫn đời ta. Ở đây, Lời Thiên Chúa cho ta thấy trọn cuộc sống con người diễn ra dưới lời mời gọi của Ngài.75

Lời Thiên Chúa và đức tin


25. “Phải bày tỏ ‘sự vâng phục bằng đức tin’ (Rm 16,26; x. Rm 1,5; 2 Cr 10,5-6) đối với Thiên Chúa, Đấng mạc khải. Nhờ sự vâng phục đó, con người tự do ký thác mình trọn vẹn cho Thiên Chúa bằng cách ‘dâng lên Thiên Chúa, Đấng mạc khải, sự quy phục trọn vẹn của lý trí và ý chí’ và bằng cách tỏ ý ưng thuận mạc khải Người đã ban”76 Bằng những lời này, Hiến chế tín lý Dei Verbum đã diễn tả chính xác tư thế của con người trước nhan Thiên Chúa. Cách đáp trả của riêng con người với vị Thiên Chúa đang nói là đức tin. Ở đây, ta thấy rõ là “để chấp nhận mạc khải, con người phải mở tâm trí và con tim ra đón nhận hoạt động của Chúa Thánh Thần, Đấng giúp họ hiểu được Lời Thiên Chúa hiện diện trong Sách Thánh”.77 Quả thật, chính việc rao giảng Lời Chúa làm phát sinh ra đức tin, nhờ đó, ta gắn bó hết lòng với chân lý mạc khải và ta hoàn toàn phó thác cho Chúa Kitô: “Có đức tin là nhờ nghe giảng, mà nghe giảng là nghe công bố lời Đức Kitô” (Rm 10,17). Trọn lịch sử cứu độ đã dần dà cho thấy quan hệ thâm sâu giữa Lời Thiên Chúa và đức tin, một đức tin được hoàn thành trong cuộc gặp gỡ với Chúa Kitô. Như thế, đức tin có dáng dấp cuộc gặp gỡ với một Đấng mà ta ký thác trọn đời cho. Hôm nay Đức Giêsu Kitô vẫn đang hiện diện trong lịch sử, trong Thân Thể Người là Giáo Hội; do đó, hành vi đức tin của ta vừa có tính riêng tư vừa có tính Giáo Hội.

Tội lỗi là từ chối nghe Lời Thiên Chúa


26. Không thể tránh được điều này là Lời Chúa cũng cho thấy khả thể bi thảm này là tự do con người có thể làm họ rút khỏi cuộc đối thoại giao ước với Thiên Chúa, mà vì đó con người đã được tạo thành. Quả vậy, Lời Chúa cũng cho thấy tội lỗi đang ẩn náu trong trái tim con người. Trong cả Cựu Ước lẫn Tân Ước, ta thường thấy tội lỗi được diễn tả như là sự từ khước nghe Lời, là bẻ gẫy Giao ước và do đó là đóng cửa với Thiên Chúa, Đấng vẫn mời gọi ta hiệp thông với Ngài.78 Quả thế, Kinh Thánh cho thấy tội lỗi con người, trong yếu tính, là sự bất tuân và từ chối nghe. Sự vâng lời triệt để của Đức Giêsu cho đến chết trên thập giá (x. Pl 2,8) đã hoàn toàn lột mặt nạ tội lỗi ấy. Do sự vâng lời của Người, Giao Ước Mới giữa Thiên Chúa và con người được hoàn tất, và chúng ta được ban cho khả năng giao hoà. Quả thật, Đức Giêsu đã được Chúa Cha sai đến làm lễ hy sinh đền tạ tội lỗi chúng ta và tội lỗi toàn thế giới (x. 1 Ga 2,2; 4,10; Dt 7,27). Như thế, chúng ta được ban cho có thể hưởng nhờ lòng Chúa từ bi thương xót ban ơn cứu chuộc và bắt đầu một đời sống mới trong Chúa Kitô. Chính vì thế, điều quan trọng là các tín hữu phải được dạy cho biết nhận ra rằng cội rễ của tội chính là từ khước nghe Lời Chúa và đón nhận nơi Chúa Giêsu, Ngôi Lời Thiên Chúa, ơn tha thứ mở ơn cứu độ ra cho chúng ta.

Đức Maria, “Mẹ của Ngôi Lời Thiên Chúa”
và “Mẹ đức tin”


27. Các Nghị Phụ đã tuyên bố rằng mục tiêu căn bản của Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XII này trước tiên là “đổi mới niềm tin của Giáo Hội vào Lời Thiên Chúa”. Chính vì thế, ta cần nhìn lên nơi hoàn tất tương giao hỗ tương giữa Lời Thiên Chúa và đức tin, đó chính là Đức Trinh Nữ Maria, là “đấng, bằng tiếng ‘xin vâng’ đối với Lời Giao ước và sứ mạng của mình, đã làm trọn cách hoàn hảo ơn gọi thần linh của nhân loại”.79 Thực tại nhân loại, được Lời tạo thành, tìm được hình ảnh hoàn hảo nhất nơi đức tin vâng phục của Đức Maria. Từ Truyền Tin đến Hiện Xuống, ngài luôn tỏ ra là một phụ nữ hoàn toàn sẵn sàng với ý muốn của Thiên Chúa. Người là đấng Vô Nhiễm Nguyên Tội, đấng “đầy ân sủng” (x. Lc 1,28) và vâng phục Lời Ngài vô điều kiện (x. Lc 1,38). Đức tin vâng phục của người đặt cuộc đời người từng giây từng phút trước sáng kiến của Thiên Chúa. Là Trinh Nữ lắng nghe, người sống hoàn toàn hoà điệu với ý muốn Thiên Chúa; người ghi giữ trong lòng mọi biến cố thuộc đời sống Con của người, bằng cách xếp đặt chúng lại thành một bức tranh khảm duy nhất (x. Lc 2,19. 51).80

Vào thời đại chúng ta, cần giúp đỡ các tín hữu thấy rõ hơn dây liên kết giữa Đức Maria Nadarét và việc lắng nghe Lời Thiên Chúa trong đức tin. Tôi cũng khuyến khích các nhà nghiên cứu đào sâu tối đa tương quan giữa Thánh Mẫu Học và nền thần học về Lời. Từ đó ta có thể rút ra nhiều lợi ích cho cả đời sống thiêng liêng lẫn việc nghiên cứu thần học và Kinh Thánh. Quả thật, điều mà sự hiểu biết đức tin đã giúp ta biết được về Đức Maria nằm ngay ở trung tâm của chân lý Kitô giáo. Trong thực tế, không thể nào quan niệm được cuộc Nhập Thể của Ngôi Lời nếu bỏ sang một bên sự tự do của người thiếu nữ ấy, là người, nhờ ưng thuận, đã nhất quyết cộng tác với việc Đấng Vĩnh Cửu bước vào thời gian. Đức Maria là hình ảnh của Giáo Hội đang chăm chú lắng nghe Lời Thiên Chúa, lời đang thành xác phàm nơi ngài. Đức Maria cũng là biểu tượng cho việc mở lòng ra với Thiên Chúa và với tha nhân; cho việc lắng nghe tích cực có khả năng nội tâm hoá và hấp thụ, trong đó Lời Thiên Chúa trở thành lòng mẹ mang sự sống.



28. Đến đây, tôi muốn nhắc đến sự quen thuộc của Đức Maria đối với Lời Thiên Chúa. Điều này nổi rõ xán lạn trong Kinh Magnificat. Ở đây, theo một nghĩa nào đó, ta thấy ngài đã tự đồng hoá với Lời, đi vào trong Lời; trong bài thánh ca đức tin đầy tuyệt diệu này, Đức Trinh Nữ đã ngợi khen Đức Chúa bằng chính lời của Người: “Kinh Magnificat, – có thể nói, là bức chân dung của tâm hồn ngài – hoàn toàn được dệt nên bằng các sợi chỉ Kinh Thánh, những sợi chỉ rút ra từ Lời Thiên Chúa. Vì thế, ta thấy ở trong Lời Thiên Chúa, Đức Maria tỏ ra thật sự ở trong nhà người, người thoải mái đi ra đi vào. Người nói năng và suy nghĩ nhờ Lời Thiên Chúa; Lời Thiên Chúa trở thành lời của người, và lời của người phát sinh từ Lời Thiên Chúa. Hơn nữa, ta thấy tư tưởng của người hoà điệu với tư tưởng của Thiên Chúa, ý muốn của người hệ tại việc muốn với Thiên Chúa. Vì được Lời Thiên Chúa thấm nhuần sâu xa, người có thể trở thành Mẹ của Lời Nhập Thể”.81

Ngoài ra, khi nhìn lên Mẹ Thiên Chúa, ta thấy hoạt động của Thiên Chúa trong thế giới luôn lôi kéo tự do của ta vào, bởi vì trong đức tin, Lời Chúa biến đổi chúng ta. Cũng thế, công việc tông đồ và mục vụ của chúng ta sẽ không bao giờ hữu hiệu nếu chúng ta không học nơi Đức Maria cách để cho Thiên Chúa nhào nắn chúng ta: “Với tình yêu và lòng mộ mến, việc quan tâm đến dung mạo của Đức Ma-ri-a như khuôn mẫu và nguyên mẫu cho đức tin của Giáo Hội có tầm quan trọng cốt thiết để tạo ra được ngày hôm nay nữa một thay đổi cụ thể về điển hình trong tương quan của Giáo Hội với Lời, trong thái độ lắng nghe với tư thế cầu nguyện cũng như qua việc quảng đại dấn thân cho sứ mạng và việc loan báo”82.

Khi chiêm ngưỡng nơi Mẹ Thiên Chúa một cuộc sống hoàn toàn được uốn nắn bởi Lời, ta khám phá ra rằng cả ta nữa, ta cũng được mời gọi bước vào Mầu nhiệm đức tin, nhờ đó Chúa Kitô đến cư ngụ trong đời sống chúng ta. Thánh Ambrôsiô nhắc chúng ta rằng, theo một nghĩa nào đó, mọi Kitô hữu đang tin, đều đang cưu mang và sinh hạ Lời Thiên Chúa: nếu chỉ có một người Mẹ duy nhất của Đức Kitô theo xác thịt, ngược lại, trong đức tin, Đức Kitô là hoa quả của lòng mọi người.83 Như thế, điều đã xảy ra cho Đức Maria cũng có thể xảy ra nơi chúng ta mỗi ngày, khi lắng nghe Lời và khi cử hành các Bí tích.

ViỆc giẢi thích KINH Thánh trong Giáo HỘi

Giáo Hội, nơi phát xuất ra việc giải thích Kinh Thánh


29. Một đề tài quan trọng khác đã được đặt ra trong Thượng Hội Đồng, mà giờ đây tôi muốn lưu ý, đó là việc giải thích Kinh Thánh trong Giáo Hội. Dây liên kết nội tại giữa Lời và đức tin nêu bật điều này là khoa giải thích chân chính Kinh Thánh chỉ có thể có khi ở bên trong đức tin của Giáo Hội, một đức tin có khuôn mẫu là tiếng ‘xin vâng’ của Đức Maria. Về điểm này, thánh Bônaventura đã khẳng định rằng, không có đức tin, ta không có chìa khoá để đi vào bản văn thánh: “Chính sự hiểu biết về Đức Giêsu Kitô là như một nguồn mạch, từ đó tuôn trào ra sự chắc chắn và sự hiểu biết về toàn bộ Kinh Thánh. Do đó, không thể đi vào hiểu biết Kinh Thánh nếu không có niềm tin đến từ Chúa Kitô. Niềm tin này là ánh sáng, là cửa và cũng là nền tảng của toàn Sách Thánh”.84 Còn thánh Tôma Aquinô, khi trích dẫn thánh Augustinô, đã nhấn mạnh rằng: “Ngay cả chữ viết của Tin Mừng cũng giết chết, nếu ở bên trong con người, không có ơn đức tin có sức chữa lành”.85

Điều này cho phép chúng ta nhắc lại một tiêu chuẩn căn bản của khoa giải thích Kinh Thánh: nơi phát xuất ra việc giải thích Kinh Thánh là đời sống của Giáo Hội. Khẳng định này không có ý coi quy chiếu về Giáo Hội như là một tiêu chuẩn ngoại tại mà các nhà chú giải phải tuân theo, nhưng đúng hơn là điều được yêu cầu bởi chính thực tại của Kinh Thánh và bởi cách thức Kinh Thánh đã thành hình trong thời gian. Quả thật, “các truyền thống đức tin đã tạo ra khung cảnh sống cho sinh hoạt văn chương của các tác giả Sách Thánh. Việc tháp nhập này cũng bao hàm việc chia sẻ cả đời sống phụng vụ và đời sống bên ngoài của các cộng đoàn, chia sẻ thế giới tinh thần, văn hoá và những thăng trầm trong lịch sử các cộng đoàn này. Tương tự như thế, việc giải thích Kinh Thánh đòi hỏi các nhà chú giải phải tham gia vào đời sống và đức tin của cộng đoàn tín hữu thời họ”.86 Do đó, “vì Sách Thánh cũng phải được đọc và giải thích dưới ánh sáng của cùng một Thần Khí, Đấng đã giúp viết ra Sách Thánh”,87 nên các nhà chú giải, các nhà thần học và toàn thể Dân Thiên Chúa phải coi Sách Thánh đúng theo bản chất của Sách Thánh, là Lời Thiên Chúa được truyền đạt cho chúng ta xuyên qua một lời nói của con người (x. 1 Tx 2,13). Đó là một dữ kiện thường hằng được mặc nhiên hàm chứa trong chính Kinh Thánh: “Không ai được tự tiện giải thích một lời ngôn sứ nào trong Sách Thánh. Quả vậy, lời ngôn sứ không bao giờ lại do ý muốn người phàm, nhưng chính nhờ Thánh Thần thúc đẩy mà có những người đã nói theo lệnh của Thiên Chúa” (2 Pr 1,20-21). Đàng khác, chính đức tin của Giáo Hội nhận biết Kinh Thánh là Lời Thiên Chúa; như thánh Âu-tinh đã nói một câu đáng ghi nhớ: “Hẳn là tôi sẽ không tin Tin Mừng, nếu thẩm quyền Giáo Hội không đưa tôi đến đó”.88 Chính Chúa Thánh Thần ban sự sống cho Giáo Hội và làm cho Giáo Hội có khả năng giải thích Thánh Kinh cách trung thực. Kinh Thánh là Quyển Sách của Giáo Hội, và từ vị trí chủ yếu của Kinh Thánh trong đời sống Giáo Hội, phát sinh ra việc giải thích Kinh Thánh đích thật.



30. Thánh Giêrônimô nhắc chúng ta rằng chúng ta không bao giờ có thể đọc Sách Thánh một mình. Chúng ta sẽ gặp rất nhiều khung cửa đóng kín và chắc chắn chúng ta sẽ dễ dàng rơi vào lầm lạc. Kinh Thánh đã được viết ra bởi Dân Thiên Chúa và cho Dân Thiên Chúa, dưới sự linh hứng của Chúa Thánh Thần. Chỉ trong sự hiệp thông này với Dân Thiên Chúa, trong cái “chúng ta” này, chúng ta mới có thể thực sự đi vào trung tâm của chân lý mà chính Thiên Chúa muốn nói với chúng ta.89 Nhà thông thái trứ danh (Thánh Giêrônimô), người đã từng nói “không biết Kinh Thánh là không biết Chúa Kitô”,90 đã quả quyết rằng chiều kích Giáo Hội trong việc giải thích Kinh Thánh không phải là một đòi hỏi được áp đặt từ bên ngoài; Quyển Sách ấy đúng là tiếng nói của đoàn Dân lữ hành của Thiên Chúa, và chỉ ở trong đức tin của đoàn Dân này, có thể nói chúng ta ở trong cùng một hòa điệu đúng đắn để hiểu Sách Thánh. Một giải thích trung thực về Kinh Thánh phải luôn luôn hoà điệu với đức tin của Giáo Hội Công Giáo. Chính vì thế, thánh Giêrônimô đã viết cho một linh mục: “Hãy bám chặt lấy giáo lý truyền thống mà cha đã được giảng dạy, để cha có thể khuyên bảo đúng theo giáo lý lành mạnh và phi bác những kẻ chống lại giáo lý này”.91

Nếu loại bỏ đức tin, bất cứ cách tiếp cận nào với bản văn thánh cũng chỉ có thể gợi ý cho ta một số yếu tố đáng lưu tâm về cấu trúc và các hình thái của bản văn, nhưng một cách làm như thế rất có thể chỉ là một mở đầu, còn bất toàn về phương diện cấu trúc. Như Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng , khi làm vọng lại một nguyên tắc được khoa giải thích Kinh Thánh hiện đại chấp nhận, đã quả quyết: “chỉ ai có một liên hệ sống thật sự với điều mà bản văn nói đến mới hiểu đúng bản văn Kinh Thánh”.92 Tất cả những điều này giúp nêu bật quan hệ giữa đời sống thiêng liêng và khoa giải thích Kinh Thánh. Quả thật, “khi người đọc trưởng thành trong sự sống của Thánh Thần, bấy giờ khả năng hiểu biết của họ về những thực tại được bản văn Kinh Thánh nói tới cũng gia tăng”.93 Cường độ của một kinh nghiệm Giáo Hội trung thực chỉ có thể làm phát triển khả năng hiểu biết Lời Thiên Chúa trong đức tin; ngược lại, phải nói rằng đọc Kinh Thánh trong đức tin cũng sẽ làm tăng trưởng chính đời sống Giáo Hội. Từ đó, chúng ta có thể hiểu một cách mới khẳng định trứ danh của Thánh Grêgôriô Cả: “Lời Chúa lớn lên cùng với người đọc Lời”.94 Như vậy, việc lắng nghe Lời Thiên Chúa dẫn đưa vào và làm gia tăng sự hiệp thông Giáo Hội giữa tất cả những người đang tiến bước trong đức tin.


"Linh hồn của khoa thần học thánh"


31. “Việc nghiên cứu Kinh Thánh phải là như linh hồn của khoa thần học”:95 câu trích dẫn từ Hiến chế tín lý Dei Verbum này, với thời gian, ngày càng trở nên quen thuộc hơn đối với chúng ta. Có thể nói rằng vào thời kỳ sau Công Đồng Vatican II, các khoa nghiên cứu thần học và chú giải thường nhắc tới công thức trên như một dấu chỉ cho thấy mối lưu tâm mới mẻ đối với Kinh Thánh. Thượng Hội Đồng Giám Mục lần XII cũng thường nhắc tới câu nói thời danh này để diễn tả quan hệ giữa việc nghiên cứu lịch sử và việc giải thích đức tin liên quan tới bản văn thánh. Trong viễn tượng này, các Nghị Phụ vui mừng nhìn nhận rằng việc nghiên cứu Lời Thiên Chúa trong Giáo Hội đã gia tăng trong mấy thập niên vừa qua, và các ngài bày tỏ lòng biết ơn sâu xa đối với nhiều nhà chú giải và nhà thần học đã và tiếp tục tận tụy, ra sức dấn thân và vận dụng khả năng mà góp phần đáng kể vào việc đào sâu ý nghĩa của Kinh Thánh, khi đương đầu với những vấn đề phức tạp mà thời đại chúng ta đặt ra cho khoa nghiên cứu Kinh Thánh.96 Các ngài cũng đã bày tỏ những tâm tình biết ơn chân thành đối với các thành viên của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng , đã nối tiếp nhau dọc theo các năm tháng này và trong thế liên kết chặt chẽ với Bộ Giáo Lý Đức Tin, vẫn tiếp tục vận dụng khả năng chuyên môn mà khảo sát nhiều vấn đề đặc thù gắn liền với việc nghiên cứu Kinh Thánh. Hơn nữa, Thượng Hội Đồng cũng đã muốn tự hỏi về tình trạng hiện nay của công việc nghiên cứu Kinh Thánh và tầm quan trọng của công việc này trong lãnh vực thần học. Quả thế, tính hữu hiệu về mục vụ trong hoạt động của Giáo Hội cũng như đời sống thiêng liêng của tín hữu tùy thuộc phần lớn vào tương quan phong phú giữa ngành chú giải và thần học. Chính vì thế, tôi thấy cần phải nhắc lại một vài suy nghĩ đã xuất hiện trong các trao đổi về chủ đề này tại các phiên họp của Thượng Hội Đồng.

Khai triển việc nghiên cứu Kinh Thánh và Huấn Quyền của Giáo Hội


32. Trước hết, cần nhìn nhận lợi ích mà khoa chú giải phê bình-lịch sử và các phương pháp phân tích bản văn mới được khai triển gần đây từng đem lại cho đời sống Giáo Hội.97 Trong cách thức tiếp cận Công Giáo đối với Kinh Thánh, cần phải lưu tâm tới các phương pháp này, vì đây là điều liên hệ đến tính hiện thực của mầu nhiệm Nhập Thể: “Sự cần thiết này là hậu quả của nguyên tắc Kitô giáo đã được diễn tả trong Tin Mừng thánh Gioan 1,14: Ngôi Lời đã trở nên người phàm. Sự kiện lịch sử là một chiều kích tạo nên niềm tin Kitô giáo. Lịch sử cứu độ không phải là một thần thoại học, mà là một lịch sử đích thực, và do đó, phải được nghiên cứu bằng các phương pháp nghiên cứu lịch sử nghiêm túc”.98 Tuy nhiên, việc nghiên cứu Kinh Thánh đòi hỏi phải hiểu biết và sử dụng thích đáng các phương pháp nghiên cứu này. Nếu đúng là trong thời buổi hiện đại, sự nhạy cảm này trong các nghiên cứu đã phát triển mạnh mẽ hơn, dù là theo cách không đồng đều tùy theo nơi chốn, tuy thế trong truyền thồng lành mạnh của Giáo Hội, vẫn luôn có một lòng yêu mến đối với việc nghiên cứu về “chữ viết (văn tự)”. Ở đây, chỉ cần nhắc tới nền văn hoá đan tu, chính nền văn hóa này là nền tảng tối hậu của nền văn hóa châu Âu; tại gốc rễ của nền văn hoá đan tu này, ta thấy có mối quan tâm tới lời. Lòng khao khát Thiên Chúa gồm có lòng yêu mến đối với lời trong mọi chiều kích của nó: “bởi vì trong lời Kinh Thánh, Thiên Chúa đang trên đường đến với chúng ta và chúng ta đang trên đường đến với Ngài, phải học cách đi sâu vào bí mật của ngôn ngữ, hiểu ngôn ngữ trong cấu trúc và trong các cách sử dụng của nó. Như thế, do chính công cuộc tìm kiếm Thiên Chúa, các khoa học phàm tục nào chỉ cho chúng ta con đường đi tới ngôn ngữ, đều trở nên quan trọng”.99

33. Huấn Quyền sống động của Giáo Hội có nhiệm vụ “giải thích chính thức Lời Thiên Chúa, đã được ghi chép hay truyền lại”;100 Huấn Quyền từng can thiệp một cách khôn ngoan và quân bình để có một lập trường đúng đắn đối với việc dẫn nhập các phương pháp mới về phân tích lịch sử. Tôi nghĩ cách riêng đến các thông điệp Providentissimus Deus của Đức giáo hoàng Lêô XIII và Divino Afflante Spiritu của Đức giáo hoàng Piô XII. Chính vị tiền nhiệm đáng kính của tôi là Đức Gioan Phaolô II đã nhắc lại tầm quan trọng của các văn kiện này đối với ngành chú giải và thần học nhân dịp kỷ niệm một trăm năm và năm mươi năm ngày các văn kiện ấy được công bố.101 Nhờ sự can thiệp của ngài, Đức giáo hoàng Lêô XIII đã có công bảo vệ việc giải thích Kinh Thánh của Công Giáo khỏi rơi vào các cuộc tấn công của thuyết duy lý, nhưng không tìm náu mình trong một ý nghĩa thiêng liêng tách rời lịch sử. Không lùi bước trước phương pháp phê bình khoa học, ngài chỉ cảnh giác đối với “các định kiến tự cho là dựa trên khoa học, nhưng trong thực tế đã gian xảo đưa khoa học đi ra ngoài lãnh vực của nó”.102 Về phần ngài, Đức giáo hoàng Piô XII phải đương đầu với nhiều đòn tấn công từ phía những người ủng hộ một cách chú giải tự cho là thần bí, cách chú giải này bác bỏ mọi tiếp cận khoa học. Thông điệp Divino afflante Spiritu đã rất tinh tế tránh tạo ra một sự phân đôi giữa “chú giải khoa học” dùng cho khoa hộ giáo và “giải thích thiêng liêng dùng trong nội bộ”; trái lại, thông điệp khẳng định cả “tầm mức thần học của nghĩa văn tự được xác định có phương pháp” lẫn sự kiện “chính việc xác định nghĩa thiêng liêng… cũng thuộc phạm vi của khoa chú giải”.103 Theo cách đó, cả hai văn kiện đều loại bỏ “sự chia cắt giữa lãnh vực nhân loại và lãnh vực thần linh, giữa nghiên cứu khoa học và cái nhìn đức tin, giữa nghĩa văn tự và nghĩa thiêng liêng”.104 Thế quân bình này sau đó đã được duy trì trong văn kiện của Ủy Ban Kinh Thánh Giáo hoàng năm 1993: “trong việc giải thích, các nhà chú giải Công Giáo không bao giờ được quên rằng những gì họ đang giải thích là Lời của Thiên Chúa. Nhiệm vụ chung của họ không kết thúc khi họ đã phân biệt được các nguồn, xác định được những hình thức hoặc giải thích được những phương thức văn chương. Công việc họ làm chỉ đạt tới đích khi họ đã giải thích được ý nghĩa của bản văn Kinh Thánh xét như là Lời của Thiên Chúa cho ngày hôm nay”.105


tải về 1.18 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương