Vị trí vai trò của doanh nghiệp



tải về 405.29 Kb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu23.08.2016
Kích405.29 Kb.
#25922
1   2   3   4   5   6   7

 Doanh nghiệp phân bố ở cả 61 tỉnh, thành phố, tập trung lớn nhất là thành phố Hồ Chí Minh, chiếm 23%, thành phố Hà Nội 15,0%, thấp nhất là Bắc Cạn chiếm 0,2%, Lai Châu 0,3%, Sơn La 0,3%. Doanh nghiệp có quy mô nhỏ thường tập trung ở các tỉnh đồng bằng sông Cửu long, trung du miền núi phía Bắc và Tây Nguyên.

Doanh nghiệp thuộc miền Ðông Nam Bộ chiếm 32,0%, bình quân 1 DN có 83 lao động và 22 tỷ đồng vốn, gấp 5,5 lần quy mô doanh nghiệp thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, gấp 3,7 lần quy mô các tỉnh trung du và miền núi phía Bắc, gấp 2,8 lần doanh nghiệp các tỉnh Tây Nguyên. Doanh nghiệp thuộc khu vực Hà Nội, Hải Phòng, Ðà Nẵng có quy mô gấp 3 - 5 lần doanh nghiệp thuộc các tỉnh miền Tây Nam Bộ, miền núi và Tây Nguyên.

Do doanh nghiệp nước ta phổ biến là quy mô nhỏ, vốn sản xuất kinh doanh lại thấp, trong đó vốn cố định càng thấp hơn (bình quân 8,8 tỷ đồng/1 doanh nghiệp), nên khả năng trang bị kỹ thuật công nghệ tiên tiến là rất hạn chế, mức trang bị tài sản cố định cho 1 lao động ở mức rất thấp, bình quân 119 triệu đồng/1 lao động (khoảng 7,5 ngàn USD), trong đó cao nhất là doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 247 triệu đồng, doanh nghiệp nhà nước 137 triệu đồng, thấp nhất là ngoài quốc doanh 43 triệu đồng.

Ðáng lưu ý là các ngành kinh tế quốc dân cần trang bị tài sản cố định cho lao động cao hơn để có được kỹ thuật tiên tiến thì lại có mức trang bị thấp hơn bình quân chung như: ngành nông lâm nghiệp 109 triệu đồng/lao động, công nghiệp chế biến 79 triệu đồng, hoạt động khoa học công nghệ 43 triệu đồng/lao động, xây dựng 37 triệu đồng, vận tải đường bộ 48 triệu đồng. Trong khi một số ngành kinh doanh khác lại có mức trang bị cao như: hoạt động tài chính tín dụng 997 triệu đồng/lao động, hoạt động trung gian tài chính 1,04 tỷ đồng/lao động.

Tóm lại quy mô nhỏ, phân tán đi kèm với thủ công lạc hậu là hạn chế bất cập lớn nhất của doanh nghiệp nước ta, từ đó chi phối đến nhiều yếu kém khác như: Sức cạnh tranh thấp, hiệu quả kinh doanh không cao, lao động thiếu tính ổn định và bền vững lâu dài.

 (3) Các yếu tố sản xuất kinh doanh không được đáp ứng đầy đủ

Không đặt vấn đề phân tích về mặt môi trường pháp lý, mà chỉ phân tích các yếu tố cơ bản nhất sử dụng cho sản xuất kinh doanh là: lao động, tiền vốn, đất đai và các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật, thông tin.

3.1 Lao động

Nguồn lực lao động của nước ta dồi dào, lực lượng lao động trẻ là to lớn, sẵn sàng vào làm việc cho các doanh nghiệp và chấp nhận mức lương chưa phải là cao. Thực tế 3 năm qua, doanh nghiệp đã tiếp nhận mới mỗi năm gần 70 vạn lao động, riêng năm 2002 tiếp nhận trên 1 triệu người. Song thực trạng là không ít doanh nghiệp vẫn thiếu lao động có tay nghề cao, lao động có kỹ thuật được đào tạo hệ thống, phải chăng đây là vấn đề chất lượng lao động. Ta có đủ và thừa về mặt số lượng, nhưng lại quá yếu và thiếu về trình độ tay nghề của người lao động. Theo số liệu Tổng điều tra cơ sở Kinh tế - hành chính sự nghiệp 1/7/2002 thì cơ cấu trình độ tay nghề của lao động khu vực doanh nghiệp như sau:

- Lao động có trình độ từ cao đẳng trở lên chiếm 12,8%.

- Lao động là công nhân kỹ thuật chiếm 29,2%.

- Lao động được đào tạo trình độ trung cấp chiếm 7,4%.

- Không được đào tạo chiếm 50,6%.

Theo số liệu điều tra doanh nghiệp hàng năm thì lao động là cán bộ khoa học kỹ thuật năm 2000 chiếm 8,1%; năm 2002 còn 6,8% và những lao động có tay nghề cao, công nhân kỹ thuật cũng có xu hướng giảm tương đối. Như vậy lao động được thu hút vào khu vực doanh nghiệp ngày càng tăng nhanh, nhưng cơ cấu lao động có trình độ kỹ thuật, lao động được đào tạo lại giảm, điều đó cho thấy nhiệm vụ đào tạo nghề cho người lao động không đáp ứng được nhu cầu của nền kinh tế nói chung và của khu vực doanh nghiệp nói riêng, đặc biệt đối với lao động trong các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước thuộc địa phương quản lý thì lao động không được đào tạo chiếm từ 55 - 75%.

3.2 Vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh

Như trên đã phân tích, vốn của doanh nghiệp rất thấp, 86,2% số doanh nghiệp có vốn dưới 10 tỷ đồng, doanh nghiệp có vốn trên 500 tỷ đồng (tương đương 32 triệu USD trở lên) chưa phải là lớn nhưng cũng chỉ chiếm gần 0,4% (cả nước có 260 doanh nghiệp ở thời điểm 1/1/2003). Thực trạng đó ngoài nguyên nhân do tiềm lực của các nhà đầu tư chưa mạnh, nhưng có nguyên nhân quan trọng là thị trường vốn chưa hoàn chỉnh, chưa đủ sức đáp ứng nhu cầu vốn cho doanh nghiệp. Qua số liệu về cơ cấu vốn đầu tư tăng thêm của năm 2002 cho thấy vốn vay tín dụng chỉ chiếm 38% trong tổng vốn đầu tư tăng thêm trong năm, vốn tự có trên 49%, vốn từ ngân sách nhà nước 4% và các nguồn huy động khác gần 9%. Trong 38% vốn tín dụng thì doanh nghiệp nhà nước chiếm 56,4%, trong số đó 63,4% là vốn tín dụng ưu đãi của nhà nước, như vậy nguồn vốn tín dụng đã thấp, nhưng quá nửa dành cho doanh nghiệp nhà nước, còn lại ưu thế thuộc về doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, doanh nghiệp ngoài quốc doanh chịu khó khăn nhiều hơn khi tiếp cận với nguồn vốn tín dụng và luôn phải kinh doanh trong tình trạng thiếu vốn.



3.3 Ðất đai

Ðối với doanh nghiệp thì đất đai là yếu tố quan trọng, nhưng các doanh nghiệp sử dụng có tình trạng vừa thừa lại vừa thiếu, thừa với các doanh nghiệp nhà nước được thành lập trước đây do lịch sử để lại, nhưng thiếu với một số doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới thành lập gần đây. Ðã vậy chính sách tiếp cận với đất đai ở các địa phương còn những khó khăn phiền hà, nhất là các thành phố và khu vực kinh tế tập trung. Theo số liệu điều tra toàn bộ Công nghiệp năm 1999 thì bình quân một doanh nghiệp Công nghiệp sử dụng 0,50 ha đất, nhưng doanh nghiệp nhà nước sử dụng bình quân 1,61 ha/1 doanh nghiệp, khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 0,55 ha/1 doanh nghiệp, còn khu vực ngoài quốc doanh chỉ có 0,17 ha/1 doanh nghiệp. Ðiều đó cho thấy:

- Cần phải sử dụng tiết kiệm đất ở những doanh nghiệp thừa đất mà chủ yếu là những doanh nghiệp nhà nước trước đây.

- Giải quyết nhu cầu đất cho các doanh nghiệp mới thành lập còn thiếu đất hoặc sắp thành lập, chủ yếu là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh.



3.4 Các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, thông tin

Nhìn chung các doanh nghiệp rất lúng túng trong việc tìm kiếm các dịch vụ hỗ trợ kỹ thuật công nghệ, dịch vụ cung cấp thông tin về thị trường, giá cả, môi trường đầu tư, nhưng khó khăn nhất vẫn là các doanh nghiệp ngoài quốc doanh và doanh nghiệp nhà nước. Theo tự đánh giá của doanh nghiệp thì năm 2002 có tới 48% số doanh nghiệp cho là khó khăn của họ là thông tin thị trường, 72% có khó khăn về kỹ thuật công nghệ thấp kém.

Vì vậy vấn đề đặt ra là phải có tổ chức và chính sách phù hợp để phát triển dịch vụ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật và cung cấp thông tin cho doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ, doanh nghiệp ngoài quốc doanh.

(4) Hiệu quả kinh tế của sản xuất kinh doanh chưa cao

Mặc dù những năm qua hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp có bước tiến bộ đáng kể, nhưng nhìn chung hiệu quả kinh doanh còn thấp.

Tỷ suất lợi nhuận trên vốn thấp, 1 đồng vốn hoạt động trong 1 năm tạo ra 0,043 đồng lãi (4,3%), trong đó:

- Doanh nghiệp nhà nước 2,9%.

- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh 2,3%.

- Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 10,0%; (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 1,8%; doanh nghiệp liên doanh 17,2% chủ yếu do lợi nhuận của doanh nghiệp khai thác dầu khí lớn, trên 45%).

Mức tỷ suất lợi nhuận này còn thấp xa so với mức lãi suất tiền vay vốn, vì vậy phần lớn các doanh nghiệp vay vốn nhiều thì hoạt động kinh doanh có lãi chỉ đủ trả cho lãi suất tiền vay.

Tỷ lệ lãi trên doanh thu tiêu thụ tuy có tăng, nhưng cũng quá thấp, mới đạt 5,1% trong đó:

- Doanh nghiệp nhà nước 4,2%.

- Doanh nghiệp ngoài quốc doanh 1,5%.

- Khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 13,6%; (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài 2,7%; doanh nghiệp liên doanh 22,0% chủ yếu do khai thác dầu khí có lợi nhuận cao).

Số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ vẫn còn tới 21%, đặc biệt với khu vực có vốn đầu tư nước ngoài gần 50% số doanh nghiệp thua lỗ (doanh nghiệp 100% vốn nước ngoài còn cao hơn: 56%), nếu loại trừ lãi của doanh nghiệp khai thác dầu khí, thì tổng mức lỗ của khu vực này gần bằng 50% tổng mức lãi của khu vực này tạo ra.

Các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài hoạt động sản xuất kinh doanh bị thua lỗ nhiều là do các nguyên nhân chủ yếu sau:

- Khấu hao thu hồi vốn của khu vực này cao với mục đích để thu hồi vốn nhanh, số liệu năm 2002 cho thấy tỷ trọng chi phí khấu hao tài sản cố định chiếm 9,0% tổng giá trị sản xuất, bằng 11,8% giá trị tài sản cố định, trong khi khu vực doanh nghiệp nhà nước tỷ lệ trên là 8,2% và 8,6%, khu vực ngoài quốc doanh là 3,0% và 7,2%.

- Không kiểm soát được giá đầu vào và giá đầu ra, xu hướng diễn ra là giá đầu vào thường cao (giá thiết bị, giá nguyên vật liệu) và giá đầu ra thấp theo giá bao tiêu của công ty mẹ.

- Một số khoản chi phí dịch vụ, thuê chuyên gia, thuê tư vấn... chưa thật hợp lý.

Khu vực ngoài quốc doanh còn 20,4% số doanh nghiệp sản xuất kinh doanh thua lỗ với mức lỗ 1539 tỷ đồng (năm 2002), nguyên nhân chủ yếu là quy mô nhỏ, kỹ thuật lạc hậu, sản xuất kinh doanh không ổn định.

Doanh nghiệp nhà nước phản ánh trên số liệu thống kê là khu vực sản xuất kinh doanh có hiệu quả hơn, trong đó có yếu tố thuận lợi từ phía nhà nước đem lại cho doanh nghiệp như: được ngân sách cấp vốn bổ sung hàng năm (năm 2002 trên 6704 tỷ đồng), được vay vốn lớn hơn và trên 82,5% vốn vay theo chế độ ưu đãi được dành cho doanh nghiệp nhà nước... Vì vậy thực chất, hiệu quả kinh doanh cũng chưa phải cao.



(5) Thực hiện chính sách với người lao động cần phải được bảo đảm tốt hơn

Mặc dù mức thu nhập bình quân của người lao động tăng lên qua các năm (năm 2000 là 1,054 triệu đồng/tháng; năm 2001: 1,103 triệu đồng/tháng; tăng 4,6%; năm 2002 đạt 1,249 triệu đồng/tháng; tăng 13,2%), nhưng chênh lệch giữa các ngành, các khu vực quá lớn, số liệu của năm 2002 cho thấy:

Khu vực doanh nghiệp ngoài quốc doanh mới được 916 ngàn đồng/tháng bằng 70,0% khu vực doanh nghiệp nhà nước (1,309 triệu đồng/tháng) và bằng 48,3% khu vực có vốn đầu tư nước ngoài (1,897 triệu đồng/tháng). Trong đó lao động trong các hợp tác xã có 646 ngàn đồng/tháng, doanh nghiệp tư nhân 756 ngàn đồng/tháng.

Những ngành lao động nặng nhọc, độc hại nhưng thu nhập thấp như: thuỷ sản 722 ngàn đồng, nông lâm nghiệp 810 ngàn đồng, khai thác đá 845 ngàn đồng, khai thác quặng kim loại 958 ngàn đồng, công nghiệp chế biến 1,145 triệu đồng, trong đó: dệt 947 ngàn đồng, may, da giầy 913 ngàn đồng; ngành xây dựng 1,064 triệu đồng. Trong khi nhiều ngành khác lại có mức thu nhập rất cao như: khai thác dầu khí 10,667 triệu đồng, kinh doanh bất động sản 6,05 triệu đồng, giáo dục đào tạo 4,7 triệu đồng, vận tải hàng không 4,9 triệu đồng, bảo hiểm hưu trí 3,1 triệu đồng, hoạt động tài chính 2,1 triệu đồng...

Những tỉnh thuộc vùng miền núi, trung du, Tây Nguyên và một số tỉnh đồng bằng sông Hồng thu nhập chỉ dưới 800 ngàn đồng (Thái Bình 513 ngàn đồng, Ninh Bình 713 ngàn đồng, Lào Cai 690 ngàn đồng, Lạng Sơn 596 ngàn đồng), các doanh nghiệp thuộc vùng Tây Bắc 754 ngàn đồng, vùng Tây Nguyên 776 ngàn đồng, chỉ bằng 50% khu vực miền Ðông Nam Bộ (1,5 triệu đồng) và khu vực Hà Nội.

Ðiều đáng quan tâm lớn hơn là thực hiện chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động chưa được thực hiện nghiêm túc. Số liệu đến năm 2002 mới có 20,8% số doanh nghiệp tham gia đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, còn thấp hơn tỷ lệ năm 2000 là 23,1%; trong đó doanh nghiệp nhà nước là 99,0%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh 10,7%; doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài 81,0%. Nếu so với số doanh nghiệp có từ 10 lao động trở lên (là doanh nghiệp bắt buộc phải đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động) thì cũng chỉ đạt 40,0% (năm 2000 là 45,6%). Trong đó; doanh nghiệp nhà nước thực hiện 100%; doanh nghiệp ngoài quốc doanh 23,3%; khu vực có vốn đầu tư nước ngoài 87,3%, Như vậy vẫn còn 60,0% số doanh nghiệp thuộc diện bắt buộc nhưng chưa thực hiện Luật Lao động quy định về bảo hiểm xã hội cho người lao động. Ðiều đáng lưu ý hơn là tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động so với tổng quỹ lương vốn đã thấp, song lại có xu hướng thấp dần, năm 2000 là 8,68%; năm 2002 còn 7,37% (kể cả bảo hiểm y tế, kinh phí công đoàn và bảo hiểm xã hội). Ðiều đó có nghĩa là cùng với tình trạng phần lớn các doanh nghiệp sử dụng lao động nhưng không đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động, thì ngay trong các doanh nghiệp có thực hiện nghĩa vụ bảo hiểm xã hội, nhưng cũng không thực hiện triệt để, vẫn còn một bộ phận người lao động không được hưởng quyền lợi này (thường đó là những lao động chỉ được chủ doanh nghiệp ký hợp đồng ngắn hạn, mặc dù họ vẫn làm việc thường xuyên và lâu dài trong doanh nghiệp).

Tóm lại qua tất cả những yếu kém và bất cập của doanh nghiệp đã phân tích ở trên, có thể đi đến một số nhận định khái quát sau:

- Phát triển doanh nghiệp trong những năm qua mà trung tâm là doanh nghiệp ngoài quốc doanh mang nặng tính hình thức, chạy theo số lượng, phát triển bề rộng, chưa quan tâm đến chất lượng và bề sâu. Không ít tỉnh sử dụng biện pháp hành chính để đưa hàng loạt các hộ kinh doanh cá thể trong các ngành nghề đánh cá, buôn bán vàng, kinh doanh nhà nghỉ... lên doanh nghiệp tư nhân, vì vậy mà hàng loạt doanh nghiệp rất nhỏ (thực chất chỉ là hộ gia đình) ra đời ở các địa phương, không ít tỉnh có tới ngàn doanh nghiệp nhưng có tới trên 60% chỉ là doanh nghiệp nhỏ dưới 10 lao động như: Cà Mau 83%, Sóc Trăng 70%, Bến Tre 73%, Ðồng Tháp 70%, Lâm Ðồng 60%, Vĩnh Long 65%, Tiền Giang 63%, ngay cả thành phố Hồ Chí Minh doanh nghiệp dưới 10 lao động chiếm tới 53%, Hà Nội 46,4%. Kết quả là các doanh nghiệp thành lập thì lớn, nhưng thực tế hoạt động chỉ chiếm 67%, doanh nghiệp hoạt động cũng thiếu tính ổn định bền vững và hiệu quả thấp.

- Năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp nước ta không cao, mới thể hiện được trong một số ít ngành nghề như: Dệt, may, da giầy, sản xuất đồ gỗ, gốm sứ mỹ nghệ... Còn phần lớn sản phẩm hàng hoá, đặc biệt là hàng hoá dịch vụ chưa đạt được sức cạnh tranh thắng thế ngay cả trên thị trường trong nước. Ðây chính là hậu quả của phát triển tràn lan, thiếu tính quy hoạch và không chú ý tới yếu tố kỹ thuật công nghệ và lợi thế kinh doanh, đó là nhân tố quan trọng quyết định trong cạnh tranh của doanh nghiệp.

- Các yếu tố đồng bộ trong phát triển doanh nghiệp chưa được tính đến một cách vững chắc, nên khi doanh nghiệp bung ra, một số các điều kiện không được đáp ứng đầy đủ, kịp thời như lao động, vốn, thị trường và kể cả cơ chế tổ chức quản lý cũng không theo kịp.



- Hoạt động tài chính vốn đã kém hiệu quả, song còn tiềm ẩn những nhân tố thiếu an toàn trong nguồn vốn kinh doanh. Bộ phận vốn chủ sở hữu giảm dần từ 38,1% năm 2000 xuống còn 33,1% năm 2002, bộ phận vốn là nợ phải trả tăng dần, trong đó nợ chiếm dụng và nợ quá hạn cũng tăng theo, đặc biệt với khu vực doanh nghiệp nhà nước nguồn vốn chủ sở hữu giảm nhanh từ 35,3% năm 2000 xuống còn 27,4% năm 2002, trong đó doanh nghiệp nhà nước trung ương từ 34,5% xuống còn 24,6%. Công ty cổ phần có vốn nhà nước từ 28,3% xuống còn 20,9%.

tải về 405.29 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương