VÔ MÔn quan 無門関 chữ VÔ CỦa phưƠng đÔNG



tải về 317.16 Kb.
trang4/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích317.16 Kb.
#30065
1   2   3   4

了 身 何 似 了 心 休
了 得 心 兮 身 不 愁
若 也 心 身 俱 了 了
神 仙 何 必 更 封 侯
(Thân kia nào quí được như tâm,

Tâm đã ngộ rồi nhẹ cái thân.

Ham gì trọn vẹn hai đàng nhỉ,

Là Phật rồi, phong chức có cần?)


Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Kiếp (kalpa), theo cách hiểu thú vị của người Ấn Độ là một nền đá rộng vuông vức, mỗi cạnh bốn mươi dặm, cứ một trăm năm lại có người tiên giáng hạ, lấy áo lông vũ quét nhẹ lên. Nếu nền đá chưa bị mài mất thì kiếp chưa hết. Ý nói khoảng thời gian cực dài. Người Trung Quốc không biết làm sao giảng nghĩa, chỉ dùng chữ “trường thì”.
Phật Đại Thông Trí Thắng có nghĩa là vị Phật trí tuệ lỗi lạc, cái gì cũng hiểu, cái gì cũng biết. Ông tu thiền đã 10 kiếp, lý ra đã thành tựu Phật đạo rồi nhưng cớ sao vẫn chưa. Nhà sư kia căn vặn và Thanh Nhượng đã phải giải thích lý do là vì Đại Thông Trí Thắng tự mình chưa thành Phật.
Khi dạy người ta trở thành kẻ đánh cờ chuyên nghiệp, trước hết không được dạy cờ thế mà phải để cho người ấy sau khi đánh nhiều ván, tự nhiên tự mình lãnh hội được. Trong chốn thiền môn, giảng nghĩa đến một lúc nào đó phải ngừng nếu không lại làm vướng bận tâm trí ngưới tu học. Thế nhưng trước quí độc giả nếu là những người không chuyên thì tôi không thể nào làm lối đó. Cho phép tôi dài dòng một chút:
Phật (Buddha) có nghĩa là bậc giác ngộ (The Awakened One), nghĩa là kẻ “tự mình thức tỉnh” về cái “con người chân thực” xưa nay của mình.Phật đạo chỉ là con đường “chân thực” để đi tìm con người mình có xưa nay (tự kỷ bản lai).Một khi đã thức tỉnh rồi, chúng sinh đều là “bản lai Phật”.Thành một thứ Phật cao hơn Phật là chuyện không cần thiết. Câu nói “Phật Đại Thông Trí Thắng không thành Phật” nằm trong ý nghĩa đó. Đã là Phật rồi thì mắc mớ gì trở thành Phật nữa. Thiền sư Bankei Yôtaku (Bàn Khuê Vĩnh Trác) ở Nhật nhân đấy có nói : “ Thay vì làm sao cho mình trở thành Phật, hãy làm những gì để mình là Phật thì mới gọi là biết chọn con đường rút ngắn”.

Chắc nhiều người trong số quí vị sẽ nói “À, ra là thế! Chỉ có nhiêu đó sao?” rồi dùng đầu óc, tư tưởng để tìm hiểu, xem công án này như trò chơi khăm. Thế nhưng, cách “tín tâm quyết định” ở đây không phải chuyện dễ đâu nhé! Nếu chỉ ngừng lại ở chỗ hiểu biết công án bằng đầu óc thì không thể tham thiền một cách đứng đắn và quả là chuyện đáng tiếc.


Chúng sinh đã là bản lai Phật rồi thì cần gì thành Phật nữa. Cho nên thiền sư mới bảo rằng cho dù là điều tổ sư Đạt Ma dạy, chỉ nên nghe theo một phần thôi. Ở điểm này, Vô Môn có vẻ khoáng đạt hơn Đạt Ma. Đây là một khuyến cáo thân mật và thích hợp mà ông đã truyền lại cho chúng ta.

Tắc số 10: Sư Thanh Thoát nghèo khó (Thanh Thoát cô bần)93.
清税孤貧
Bản tắc:
Hòa thượng Tào Sơn94 nhân có một tăng sĩ hỏi:

-Thanh Thoát 95tôi nghèo khó cô đơn. Dám xin đại sư có gì chẩn tế cho.

Tào Sơn bèn gọi:

-Nầy thầy Thanh Thoát!96

Thoát bèn thưa:

-Vâng!

Tào Sơn lúc đó mới bảo:

-Rượu ngon Thanh Nguyên97 của họ Bạch, đã uống cạn ba bát lớn rồi mà thầy vẫn chưa thấy môi mình ướt hay sao!98
Bình Xướng:
Vô Môn nói rằng:
Thanh Thoát thoạt nhìn ra vẻ nghiêm trang nhưng đang vụng về mánh mung thử thách chi đây. Tào Sơn lại là kẻ có con mắt soi thấu gan ruột kẻ đứng trước mặt. Đành vậy, nhưng thử hỏi Thanh Thoát đã uống được thứ mỹ tửu đó ở đâu cơ!
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Bần tự Phạm Đan99,

Khí như Hạng Vũ.

Hoạt kế tuy vô,

Cảm dữ đấu phú100.


貧 似  笵  丹
氣 如  項  羽
活 計  雖  無
敢 與  闘  富

(Nghèo tựa Phạm Đan,

Hăng như Hạng Võ.

Không cách kiếm ăn,



Cũng dám đọ của)
Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Thanh Thoát đến gặp Tào Sơn, có vẻ hết sức tự hào về cái nghèo khó của mình, nghĩa là muốn khoe rằng lòng mình trống không (chân không vô tướng), mảy may không có gì (vô nhất vật), tự mãn vì mình đã đạt được chữ Không, nghĩa là đã giác ngộ.
Tào Sơn bèn đột ngột gọi “Thoát xà-lê!” và Thanh Thoát bất chợt “Vâng!” theo phản xạ. Xà-lê xưa có nghĩa là tiên sinh, dùng để xưng hô với lòng tôn kính các bậc cao tăng nhưng giữa người tu thiền, nó chỉ có nghĩa thường là thầy, ông, mà thôi.
Kinh Thánh Tân Ước chép rằng: “Phước thay cho người nghèo khó vì họ sẽ được thấy mặt Chúa!”Lại có chuyện một vị giáo sư đại học nọ đến thăm Bạch Sơn đạo tràng của cụ Nan.in (Nam Ẩn), phát biểu dông dài về tôn giáo.Lão tăng lắng nghe không nói gì và chỉ lên tiếng mời ông ta uống chén trà. Dầu tách trà đã tràn đầy mà nhà sư già vẫn không ngừng rót. Trà đã tràn ngập mặt chiếu, cụ không chịu thôi cho. Lúc đó, cầm lòng không đậu, vị giáo sư kia yêu cầu cụ ngừng rót. Cụ mới cười bảo: “Thì nó cũng giống như trường hợp của giáo sư. Bên trong đã đầy rồi thì bên ngoài có đưa gì vào nữa cũng chỉ là vô ích”.
Nơi một chén trà, cái gì là quan trọng? Có phải hình thức, kiểu cọ, cách nung, hay là vì nó là di phẩm truyền lại từ một đại trà sư cỡ Sen no Rikyuu101? Không đâu, cái quan trọng nhất trong chén trà là khoảng trống không của nó. Chén không trống thì trà, vật quan trọng hơn cả, không thể đổ vào. Vì thế kẻ có con tim thanh bần mới là kẻ hạnh phúc hơn cả.
Trong khi thiền, ta ngồi trên tấm bồ đoàn, để cho tâm thân thống nhất và an định, trước tiên phải phủ định ngoại cảm. Chăm chỉ ngồi thiền được lúc lâu thì ngoại giới tuy không mất hẳn nhưng tan biến dần, như thể có đó mà không có đó. Chẳng khác nào khi tập trung xem một đoạn phim, ta quên cả tiếng quạt máy đang quay vù vù trên đầu. Đối với người ngồi thiền, nó tương đương với chữ Vô. Tiếp theo, ta sẽ phủ định nội cảm.Đây là chuyện khó thực hiện bởi vì vọng tưởng muốn xóa vọng tưởng lại là một vọng tưởng cũng như “dùng máu để rửa máu” cho nên vọng tưởng sẽ không bao giờ hết tuyệt. Phải dùng “nước để rửa máu”. Nước ấy chính là Sổ Tức Quán (quán pháp đếm số hơi thở xuất nhập trong lúc ngồi thiền). Nếu tinh tiến được trong phép ấy, nội giới cũng như ngoại giới đều tan rã và người tu thiền đến gần trạng thái “thuần nhất vô tạp”. Lúc đó, trong tâm, một cái lông thỏ cũng không còn, sẽ nhập vào cảnh “chân không vô tướng”. Đó là tâm cảnh thanh bần, trong lòng không có mảy may gì. Hòa thượng Thanh Thoát đã mang theo tâm cảnh đó đến đứng trước Thiền sư Tào Sơn, như thể một thách thức.
Khi Tào Sơn lên tiếng hỏi và Thanh Thoát trả lời “Vâng!” thì Tào Sơn xem như Thanh Thoát không thấy cái “diệu dụng” của “chân không” mà chỉ ràng buộc mình vào với cái “đản không” (chỉ là không mà thôi). Tào Sơn mới trách đã uống được ba bát rượu ngon rồi còn nói không là thế nào?
Truyện trên cũng cùng ý nghĩa với câu chuyện về một tăng sĩ đến gặp Hòa thượng Triệu Châu và hỏi:
-Khi không mang một vật (vô nhất vật) nào đến thì phải làm sao?

Triệu Châu trả lời:

-Phải đặt nó xuống! (Phóng hạ trước!)

Rồi lúc khách hỏi:

-Không mang vật gì đến mà sao lại bắt hạ nó xuống?

Thì hòa thượng mới trả lời:



-À ra thế! Nếu vật ấy quí giá đến cỡ đó thì vác nó đem đi đi!
Như thế, Triệu Châu đã phủ định chữ Không trong “vô nhất vật” của tăng sĩ cũng như Tào Sơn đã phủ định cái Không trong sự “cô bần” của Thanh Thoát.
Người học thiền bắt buộc phải qua giai đoạn thể nghiệm cái “cô bần” của Thanh Thoát. Tọa thiền vì thế không dễ dàng. Thế nhưng “chân không” là “vô tướng” cũng là “diệu dụng” (cái máy động tuyệt diệu), và phải “diệu dụng” mới được. Người thầy dẫn đến chân không (ông thầy thiền) đôi lúc còn phải lột mất đi cái không đơn thuần (đản không) trong tâm cảnh của người học thiền.

HẾT PHẦN I

1 Về điểm này, xin xem mục Vài đề nghị về thứ tự đọc Vô Môn Quan của Akizuki Ryômin ở cuối sách.

2 Phân đoạn đều là của người dịch. Đã loại bớt nhiều chi tiết rườm rà.

3 Sách 10 quyển, theo lời tựa của Vô Đảng, ra đời khoảng năm 1125, trong đó thiền sư đời Tống là Viên Ngộ Khắc Cần (1063-1135) trình bày và gia thêm lời bình giảng (thùy thị, bình xướng, trứ ngữ) cho100 cổ tắc (bách tắc tụng cổ) mà Tuyết Đậu Trùng Hiển (980-1052) đã tuyển chọn. Nguyên tựa đề : Phật Quả Viên Ngộ Thiền Sư Bích Nham Lục. Tác phẩm cơ sở của dòng thiền Lâm Tế. Còn gọi là Bích Nham Tập.

4 Xuất hiện khoảng 100 năm sau (1224) Bích Nham Lục. Là bảo điển của tông Tào Động. Sách lúc đầu do Thiên Đồng Giác Hòa Thượng ( tức Hoằng Trí Chính Giác, 1091-1257) theo dấu Tuyết Đậu Trùng Hiển, chọn lọc 100 công án nổi tiếng viết tụng cổ làm ra Hoằng Trí Tụng Cổ. Sau có thiền sư Vạn Tùng Hành Tú (1166-1246), am chủ Thung Dung Am gia bút những lời thùy thị và bình luận, mới trở thành Hoằng Trí Chính Giác Thiền Sư Tụng Cổ Thung Dung Am Lục, lược xưng Thung Dung Lục (hay Thong Dong Lục).


5 Hoàng đế thứ 5 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Chiêu, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

6 Tướng nhà Tống, từng có công đoạt thành Tương Dương từ tay quân Mông Cổ.

7 Vua đời thứ 2 nhà Nam Tống, dòng dõi Triệu Đức Phương, con Thái Tổ Triệu Khuông Dẫn.

8 Dùng tạm thay cho chữ “bột” với bộ “túc” không có trong bộ chữ của người dịch.

9 Núi Tu Di thì ai cũng biết nhưng Tam Đài khó hiểu hơn. Có lẽ là tam đài tinh (Thượng, Trung, Hạ Đài), theo thiên văn học Trung Quốc là ba ngôi sao bảo vệ Tử Vi Tinh.

10 Trong khi Vô Môn Quan có 48 tắc thì hai tác phẩm kia dều có 100 tắc.

11 Đây tác giả muốn nói đến tập công án Trung Quốc gồm 3 quyển do nhà sư đời Tống là Đại Huệ Tông Cảo ra đời năm 1147 (chứ không phải tác phẩm cùng tên bằng tiếng Nhật cùng tên của tăng Nhật Bản Dôgen (Đạo Nguyên) do các đệ tử ghi chép lời giảng của thầy, hoàn tất vào khoảng năm 1235-38)

12 Không hiểu tác giả tính toán như thế nào. Theo Chân Nguyên trong bản dịch sang Việt ngữ Bích Nham Lục đăng trên mạng, thiền sư Viên Ngộ đã soạn nó giữa khoảng 1111 và 1115 ở Hồ Nam. Vậy thì Bích Nham Lục cũng ra đời trước Vô Môn Quan nhưng phải trên 100 năm và trước cả Chính Pháp Nhãn Tạng. Cũng theo Chân Nguyên, Bích Nham Lục xuất bản và lưu hành ở Tứ Xuyên vào khoảng năm 1300 tức sau Vô Môn Quan (viết xong năm 1228 và in năm 1229) khoảng 70 năm.

13 Khác với cái Vô Tương Đối, vốn đối lập với cái Hữu . Xin xem thêm phần bình luận về tắc thứ nhất “Triệu Châu Cẩu Tử” (Con chó của Triệu Châu).

14 Tập Am là hiệu của Trần Huân (1197-1241) tiểu truyện có ghi lại trong nhiều sách kể cả Tống Sử. Ông đỗ tiến sĩ trong năm Gia Định (1208-1224) đời Cảnh Tông, làm đến chức Thái Thường Bác Sĩ, Xu Mật Viện Biên Tu, Quốc Tử Tư Nghiệp.

15 Tức sinh nhật của Tống Lý Tông.

16 Tức mẹ ruột của Tống Lý Tông. Để cúng dường cho bà , nhà vua đã xây chùa này nên nó mới có tên là Công Đức Báo Ân Tự.

17 “Phật ngữ tâm”. Câu nói nổi tiếng của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788) khi thị chúng có chép lại trong ngữ lục của ông. Theo đó tam thế chư Phật (các Phật trong quá khứ, hiện tại và vị lai) đều dạy người đi tu phải tự mình giữ cái tâm thanh tĩnh.

18 Câu nói thấy trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, chương Vân Môn Văn Yển.

19 Nguyên công án có nghĩa là án lệ khi xử kiện, sau có nghĩa là lời nghị luận đúng đắn của thánh hiền xưa, dùng làm bài tập cho người tu thiền theo đó mà tự tìm cách giải đáp.

20 Ý nói ngói để gõ cửa chân lý. Khi cửa mở ra rồi, ngói thành vô dụng, chỉ đáng vứt đi.

21 Từ Phật Đà đến Đạt Ma.

22 Từ Đạt Ma đến Lục Tổ Huệ Năng.

23 Thiền tăng Triệu Châu Tùng Thẩm (778-897), người đời Đường, nối tiếp đạo pháp của Nam Tuyền Phổ Nguyện (748-834). Thọ 120 tuổi. Thụy hiệu Chân Tế Đại Sư. Để lại Triệu Châu Lục, Chân Tế Đại Sư Ngữ Lục. Có tiểu truyện trong Toàn Đường Văn và Tống Cao Tăng Truyện, Tổ Đường Tập, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục.

24 Có thể dùng chữ Cử (Đề tài đưa ra) thay cho Bản Tắc.

25 Dịch chữ Phạn buddhata. Cùng nghĩa với Như Lai Tạng, Giác Tính.

26 Nguyên ý bảo là con chó không có Phật tính. Tùng Dung Lục lại chép một chuyện khác nội dung giống như thế nhưng trong đó câu trả lời của Triệu Châu là “Có”.

27 Thời gian gọi là Trung Hữu, hồn phách còn vất vưỡng, chưa có chỗ đầu thai.

28 Các cổ tắc thoại đầu.

29 Chữ trong Đại Huệ Thư: mi mao tương kết. Ý nói “quyện làm một”.

30 Chữ trong Phụ Mẫu Ân Trọng Kinh, nói đến trạng thái con người thành hình trong bào thai.

31 Trung tâm tư tưởng Lão Trang

32 Ví dụ có chép trong phần thị chúng của Lâm Tế Lục.

33 Cách ví von của Lâm Tế Lục. Để được giải thoát để trở thành chủ thể tự do tuyệt đối, phải cắt bỏ mọi câu thúc dù là Phật, La Hán, cha mẹ, thân quyến.

34 Lục đạo: địa ngục, ngạ quỉ, súc sinh, tu la, nhân gian, thiên thượng. Tứ sinh: thai sinh, noãn sinh, thấp sinh, hóa sinh.

35 Thiền sư Nhật Bản dòng Lâm Tế, húy là Vĩnh Trác (Yôtaku, 1622-1693). Đề xướng “bất sinh thiền”. Thụy hiệu Phật Trí Hoằng Tế Thiền Sư, Đại Pháp Chính Nhãn Quốc Sư.

36 Phải chăng ông muốn nói nếu không gạt hết vọng tưởng đang che lấp thì dù chó hay người đều sẽ không thấy Phật tính của mình (LND).

37 Nishida Kitaro (Tây Điền, Kỷ Đa Lang, 1870-1945), triết gia Nhật, phối hợp tư tưởng Thiền Tông và triết học Đức để khai thác lý luận về nơi chốn mà cái Vô tồn tại. Cùng với Suzuki Teitarô (Linh Mộc, Trinh Thái Lang, tức Suzuki Daisetsu ) là một trong hai triết gia Nhật Bản nghiên cứu về tư tưởng Thiên Tông nổi tiếng quốc tế.

38 Truyện có chép trong Bách Trượng Ngữ Lục và Ngũ Đăng Hội Nguyên (quyển 3, chương Bách Trượng Đại Trí).

39 Tức Bách Trượng Hoài Hải (720?749? - 814), thiền sư đời Đường, người nhận pháp tự của Mã Tổ Đạo Nhất (709-788), đã đặt ra Bách Trượng Thanh Qui để qui định hình thức sinh hoạt của thiền viện. Ngoài ra có để lại Bách Trượng Hoài Hải Thiền Sư Quảng Lục và Bách Trượng Sơn Đại Trí Thiền sư Ngữ Lục. Truyện về ông chép trong Toàn Đường Văn, Tổ Đường Tập, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, Ngũ Đăng Hội Nguyên.

40 Tiếng Pali là Kassapa Buddha, Phật đứng hàng thứ sáu trong bảy vị cổ Phật. Thời Phật Ca Diếp ý nói đã lâu lắm, trước khi Phật Thích Ca còn chưa ra đời (theo kinh Trường A Hàm).

41 Phạn ngữ là hetu-phala. Lý nhân quả ứng báo (thiện nhân thiện quả, ác nhân ác quả).

42 Người giữ kỷ cương. Đây chỉ nhân vật có nhiệm vụ trông coi chư tăng trong chùa.

43 Nguyên văn “bạch chùy cáo chúng” tức dùng chày đánh vào mõ lớn để thông tin.

44 Niết Bàn Đường còn gọi là Diên Thọ Đường, nới tăng sĩ có bệnh đến chữa trị, nghỉ ngơi.

45 Tức Hoàng Bá Hy Vận. Không rõ năm sinh năm mất, chỉ biết ông là một đại thiền sư đời Đường, đã nhận pháp tự của Bách Trượng Hoài Hải. Có để lại ngữ lục “Truyền Tâm Pháp Yếu”. Tiểu truyện của ông thấy chép trong Tổ Đường Lục, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục và Tống Cao Tăng Truyện.

46 Để chứng tỏ mình hiểu thế nào là cái tâm vô phân biệt.

47 Hồ là dân tộc vùng Trung Á. Đây ám chỉ Phật hay sư tổ Đạt Ma, đều là người ngoại quốc. Câu nói: “Tương vị hồ tu xích cánh hữu xích tu hồ” trong nguyên văn là một thành ngữ có ý khen ngợi: “Chỉ có người đồng điệu, tri kỷ mới hiểu nhau”.

48 Nguyên văn “nhất chích nhãn” (một con mắt) giúp ta nhìn thấy chân lý. Con mắt thứ ba ngoài hai nhục nhãn (của người trần mắt thịt). Có thể hiểu như trực giác.

49 Thái là một mặt của quân xúc xắc.Trại (còn đọc là tái) tức một lần đánh cuộc để thắng phụ.

50 Đại thiền sư Nhật Bản phái Lâm Tế sống vào giữa thời Edo, Hakuin Eikaku (Bạch Ẩn, Huệ Hạc, 1685-1768) là một tăng sĩ du hành, có công phục hưng môn phái của mình. Giỏi về thiền họa và để lại nhiều trước tác.

51 Tưởng chừng như mâu thuẫn nhưng thiết nghĩ cái tâm không phân biệt cần dẹp bỏ và sự dị biệt lúc nào cũng tàng ẩn trong bình đẳng là hai khái niệm thuộc hai phạm trù khác nhau (LND).

52 Truyện này có trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, chương nói về Câu Chi.

53 Thiền tăng đời Đường, học được “thiền một ngón tay” từ hòa thượng Thiên Long và nhận pháp tự của ông. Không rõ tên họ, năm sinh năm mất. Được nhắc đến trong Tổ Đường Tập và Cảnh Đức Truyền Đăng Lục. Có lẽ vì ông thường niệm Câu Chi Quan Âm Đà La Ni nên có tên ấy chăng?

54 Nếu ngộ được chỗ đó thì mọi người, không phân biệt ai, đều thành Phật hết.

55 Có nghĩa là chơi xỏ, làm cho không ngóc đầu lên nổi.

56 Trong thần thoại Trung Quốc, thần Cự Linh trong lúc khơi thông sông Hoàng Hà cứu lụt đã chẻ Hoa Sơn thành hai để dựng thêm ngọn núi Thú Dương.

57 Không khó khăn.Lâm Tế Lục có câu “Hoàng Bá Phật pháp vô đa tử” (Phật pháp của Hoàng Bá rất giản dị).

58 Lâm Bô (967-1028), tự Hòa Tĩnh, nhà thơ và ẩn sĩ đời Bắc Tống, sống ở Cô Sơn, Tây Hồ thuộc Hàng Châu, lấy mai làm vợ, hạc làm con (mai thê hạc tử).

59 Dôgen (Đạo Nguyên, 1200-1253) thiền sư Nhật Bản thời Kamakura, hiệu Thừa Dương Đại Sư, khai tổ phái Tào Động. Vốn dòng dõi quí tộc, từng sang nhà Tống học đạo tăng Như Tĩnh. Có viết Chính Pháp Nhãn Tạng và Vĩnh Hòa Quảng Lục.

60 Tức Trấn Giang Phủ Tiêu Sơn Hoặc Am Sư Thể Thiền Sư (1108-1179). Thiền sư dòng Lâm Tế đời Tống. Nhận pháp tự của Hộ Quốc Cảnh Nguyên (học trò Viên Ngộ Khắc Cần). Tiểu truyện được chép lại trong Ngũ Đăng Hội Nguyên nhưng câu chuyện Hồ tử vô tu không thấy nhắc đến trong sách này.

61 Tên thường dùng để ám chỉ Đạt Ma Sư Tổ. Có thuyết cho là Thích Ca. Người Hồ (ở đây là Ấn Độ) thường thấy để râu rậm.

62 Có chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9, chương về Hương Nghiêm Trí Nhàn.

63 Nguyên văn “Tây lai ý”. Nói cách khác, đó là câu hỏi: Mục đích của thiền là gì? Cho nên, hiểu được “Tây lai ý” là nắm được cốt lõi của Thiền tông.

64 “Huyền hà tả thủy”. Chữ trong Tấn Thư để nói về tài hùng biện của Quách Tượng.

65 Chỉ ba tạng Kinh, Luật, Luận. Ý nói những lời thuyết pháp của Thích Ca.

66 Nguyên văn Maitreya trong Phạn ngữ. Vị này thuyết pháp cho thần tiên trên cõi trời Đâu Suất, trong tương lai xa sẽ hạ thế và thành Phật dưới bóng cây Long Hoa.

67 Thi nhân đời Tống tên Đỗ Mặc, soạn thơ không đúng niêm luật nên những việc gì làm cẩu thả thường gọi là Đỗ soạn.

68 Quỉ ở đây có nghĩa là người chết.

69 Tiểu truyện của ông xin xem Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 11, Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9 và Tống Cao Tăng Truyện, quyển 13.

70 Nghĩa là “sát hoạt tự tại”. Làm sống lại người đang mê lầm trong địa ngục đạo hay giết chết được người mang ảo vọng tưởng mình đang sống.

71 Ryôkan (Lương Khoan, 1758-1831), hiệu Đại Ngu, thi tăng Nhật Bản thời Edo. Sống đời thoát tục, thích chơi đùa với trẻ con. Về già tìm thấy tình yêu bên nữ đệ tử là ni sư Teishin. Giỏi cả Hán thi lẫn Hòa ca.

72 Đây là một truyện trích trừ một ngụy kinh (kinh giả mạo) của Trung Quốc tên gọi Đại Phạm Thiên Vương Vấn Phật Quyết Nghi Kinh, trong Niêm Hoa Phẩm đệ nhị.

73 Biểu âm của tiếng Phạn Bhagavat, chỉ bậc tôn quí trên đời. Một trong mười cách gọi Thích Ca (Như Lai, Ứng Cúng, Chính Biến Tri, Minh Hành Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn).

74 Biểu âm của tiếng Phạn Makhakasyapa (Ma Kha Ca Diếp), lược thành Ca Diếp. Một trong mười đại đệ tử của Thích Ca. Tiểu sử có chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 1.

75 Chính Pháp Nhãn Tạng tức là con mắt Phật nhìn được chân lý chính đáng đang tàng ẩn thâm sâu, là cái bất khả tư nghì, bất khả đắc. Niết Bàn Diệu Tâm là tấm lòng liễu ngộ về nguyên lý bất sinh bất diệt, bởi vì không thể giảng nghĩa được nên mới gọi là diệu tâm. Còn Thực Tướng Vô Tướng có nghĩa là thực tướng với vô tướng vốn giống nhau mà thôi.

76 Chữ dùng thấy trong bài tựa của Thiền Nguyên Chư Thuyên Tập, nói về cách truyền giáo của Đạt Ma khi sang Đông độ. Lại nữa, trong sách Tổ Đình Sự Uyển có nói rằng lúc đầu các tổ truyền pháp thường sử dụng ba tạng kinh lớn, đến Đạt Ma tổ sư thì mới có tâm ấn đơn truyền, phá chấp hiển tông. Điều đó thường được gọi là giáo ngoại biệt truyền bất lập văn tự, trực chỉ nhân tâm kiến tính thành Phật.

77 Nguyên văn “hoàng diện Cồ Đàm”, thân Phật lấp lánh vàng nên mặt màu vàng. Có thuyết khác cho rằng vì Phật sinh ở Kapilavastu (thành Hoàng Sắc) nên mới có tên gọi như thế. Để ý ở Trung Quốc còn có những lối gọi tên Phật khác như Hoàng Lão, Hoàng Diện Lão Tử, Hoàng Đầu. Sở dĩ như thế vì họ xem Thích Ca cũng là một vị thần tiên như Lão Tử.

78 Nguyên văn “yếm lương vi tiện”. Theo Tư Trị Thông Giám, quyển 23 nói về sự kiện trong tháng 2 năm Thiên Phúc thứ 8, câu này nguyên nghĩa là “mua con cái lương dân để làm nô tì”.

79 Truyện này có chép trong Triệu Châu Lục.

80 Bát-đa-la chỉ vật chứa đựng. Nay nói chung chỉ thực khí như chén bát. Nguyên văn tiếng Phạn là patra.

81 Ý nói lửa của cái đèn mình cầm trong tay để đi kiếm lửa cũng đã là lửa nấu được cơm rồi. Việc gì tìm kiếm đâu xa nữa cho mất thời giờ (cơm chín đã lâu).

82 Truyện thấy chép trong Ngũ Đăng Hội Nguyên, phần nói về Nguyệt Am.

83 Theo sách “Vạn Tục Tạng” thì “Hề Trọng người nhà Hạ, bề tôi vua Đại Vũ, người đầu tiên biết thắng ngựa vào xe, được cử làm chức xa chính”. Mặc Tử, quyển thứ 9 có nhắc đến việc ông chế xe trong phần Phi Nho hạ 39: “Hề Trọng chế xe. Xảo Thùy đóng thuyền”. Lục Nghệ Luận của Trịnh Huyền cho biết: “ Hề Trọng là một trong bảy người phù tá Hoàng Đế. Biết chế ra xe”.

84 Nguyên văn “Hề Trọng tạo xa nhất bách bức” mà bức (phúc) có nghĩa là nhíp xe hoặc căm bánh xe. Các dịch giả dịch theo nhiều lối khác nhau, có khi là “trăm cỗ xe” (hàng loạt xe) hay chỉ là “bánh xe có trăm cây căm”. Trong khi chờ đợi một kiến giải có tính thuyết phục hơn cả, xin theo lối dịch của Akizuki Ryômin.

85 Nguyên văn là cơ tức cơ căn, cơ phong, thiền cơ. Ý nói có phản ứng hiểu đạo nhanh chóng.

86 Bốn góc (tứ duy): càn (tây bắc), khôn (tây nam), cấn (đông bắc), tốn (đông nam). Cùng với thượng hạ và tứ phương làm thành toàn thể vũ trụ.

87 Tích= tách ra, phân tích. Thể =bản thể, bản chất.

88 Thoại này có chép trong Pháp Hoa Kinh, phần Hóa Thành Dụ Phẩm. Lâm Tế Lục cũng có bài thị chúng kể lại chuyện Trí Thắng và cho rằng điều trọng yếu của người tu là được con tâm thanh tĩnh chứ không phải có cái danh hiệu Phật hay không.

89 Học trò đàn cháu 8 đời của Bách Trượng Hoài Hải. Năm sinh năm mất không rõ. Tên được nhắc đến trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục, quyển 13 và Ngũ Đăng Hội Nguyên, quyển 9. Hành trạng không rõ.

90 Một vị Phật thượng cổ tượng trưng cho trí tuệ hiểu biết.

91 Nguyên tiếng Phạn kalpa (kiếp ba), một đơn vị thời gian cực dài.Thường chỉ sự sinh diệt của vũ trụ. Tứ kiếp chỉ thời gian qua 4 giai đoạn từ lúc vũ trụ sinh thành đến lúc bị tiêu diệt, thành kiếp, trú kiếp, hoại kiếp, không kiếp.

92 Cả hai (chân tri và lý hội) đều là mục đích của người tu Thiền. Vô Môn coi trọng chân tri hơn lý hội.

93 Thoại này chép trong Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 17, chương nói về Tào Sơn.

94 Thiền sư đời Đường, tên gọi Tào Sơn Bản Tịch (840-901).Nhận pháp tự của Động Sơn Lương Giới, giúp ông gây dựng phái Tào Động. Có viết Phủ Châu Tào Sơn Bản Tịch Thiền Sư Ngữ Lục 2 quyển. Tiểu sử có trong Tào Sơn Lục (xem Vạn Tục Tạng), Tổ Đường Lục quyển 8 và Tống Cao Tăng Truyện quyển 13, Cảnh Đức Truyền Đăng Lục quyển 17.

95 Không rõ là ai. Có khi viết Thanh Thoát (một cách đọc của chữ Thuế), có khi viết là Thanh Nhuệ.

96 Thoát xà lê! Xà lê nguyên văn Phạn ngữ là A xà lê (Acarya) dịch là “chính hành” hay “qui phạm”. Tiếng xưng hô đối với các tăng lữ.

97 Thanh Nguyên là tên đất nơi làm rượu ngon. Họ Bạch là tên người cất rượu, chú thích xưa cho biết Bạch gia còn có thể là Bách hiên gia (nhà trăm hiên).

98 Đã uống xong mà cứ kêu ầm là mình chưa uống.

99 Còn gọi là Phạm Nhiễm, tự là Tử Vân, thụy hiệu Trinh Tiết tiên sinh.Truyện có chép trong Hậu Hán Thư Liệt Truyện. Người nghèo kiết xác nhưng biết sống an nhiên tự tại. Có bài hát về ông như sau: “Trong chum bụi đóng. Trong nồi cá lội”.

100 Thi đua xem ai giàu hơn như Vương Khải đấu của với Thạch Sùng.

101 Thiên, Lợi Hưu (1522-1591). Trà đạo gia nổi tiếng thời Azuchi Momoyama.Được coi như một nhà văn hóa lớn.

05.05.09


tải về 317.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương