VÔ MÔn quan 無門関 chữ VÔ CỦa phưƠng đÔNG



tải về 317.16 Kb.
trang2/4
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích317.16 Kb.
#30065
1   2   3   4

:習庵
Nếu bảo lối vào đạo Phật không có cửa thì người trên đời ai vào mà chẳng được.Còn như bảo muốn vào đạo bắt buộc phải qua cửa thì chả có anh chàng nào muốn bỏ nhà đi tu !Nếu Tập Am tôi cố tình thêm thắt mấy lời cước chú nơi đây thì chẳng khác nào đội thêm một lần nón cho người đã đội nón. Tôi hò reo tán dương nó đấy nhưng việc thật khó khăn như muốn vắt lấy nước từ bó lá tre khô. Quyển sách này tựa như món đồ đưa ra để phỉnh trẻ con, nếu có đem vứt đi chắc không oan. Xin chớ để lọt một chữ nào của bài tựa ra cho thiên hạ nhé. Bởi vì sau khi lời nói đã thốt ra thì dù có ngựa thiên lý như Ô Chuy cũng khó lòng bắt lại.
Ngày 30 tháng 7 năm Thiệu Định cải nguyên (1228)

Tập Am Trần Huân đề.


Lời tâu của Huệ Khai
表文:慧開
Mùng năm tháng giêng năm Thiệu Định thứ hai (1229) này, một lần nữa, chúng thần lại được may mắn đón chào thánh đản của hoàng đế bệ hạ15. Bần tăng Huệ Khai, với tư cách là thần dân của ngài, ngày mùng năm tháng chạp năm ngoái, đã tuyển chọn được 48 câu chuyện liên quan đến cơ duyên của Phật tổ, và theo chỗ hiểu biết của mình, thêm vào lời giải thích cho từng truyện một rồi đem đi in, những mong làm một món quà để chúc hoàng đế bệ hạ long thể an thái.
Nguyện cầu trí tuệ của hoàng đế bệ hạ sáng mãi như nhật nguyệt, sống lâu vô hạn, cùng với thiên địa tuần hoàn, để cho sinh linh trong tám cõi được ngợi ca thánh đạo và toàn thế giới được cảm hóa bởi ân đức của ngài.
Sư truyền pháp, hạ thần là tăng Huệ Khai, nguyên trụ trì Công Đức Báo Ân Hựu Từ Thiền Tự, được xây lên để báo đền công đức của Từ Ý Hoàng Hậu16, cẩn tấu.
Lời Tựa Thiền Tông Vô Môn Quan của Huệ Khai
:慧開
Chư Phật dạy cái tâm thanh tĩnh mới là trọng yếu17 còn pháp môn thì không cần cửa cũng có thể vào. Thế nhưng, nếu không có cửa, làm sao đi xuyên qua. Còn “theo cửa mà vào được thì đâu biết của nhà là quí”. Há không thấy “Cái gì nhờ duyên mà đạt được đều có lúc bắt đầu và lúc chấm dứt, khi sinh thành khi hủy hoại”, hay sao?
Những câu chuyện về Phật tổ mà tôi thu thập ở đây cũng vậy. Chúng giống như làm cái việc không có gió mà muốn dậy sóng, da thịt đang lành lại đi rạch vết thương18. Huống chi bám đuôi văn tự hòng lý giải một điều gì thì chẳng khác gì hươi hèo đập mặt trăng hay gãi ngứa ngoài giày. Như thế thì làm sao tìm đến chân lý được.
Huệ Khai tôi nhân mùa an cư năm Thiệu Định nguyên niên (Mậu Tý 1228), đến chỉ đạo việc học tập cho tăng chúng ở chùa Long Tường huyện Đông Gia. Người theo học tùy theo trình độ tu tập đã đặt ra những câu hỏi cho trường hợp cá biệt của mình. Nhân đó, tôi mới lấy công án19 của người xưa trao cho họ như viên ngói dùng để gõ cửa20 và tùy theo căn cơ của mỗi người mà hướng dẫn. Trong khi tuyển chọn để ghi chép lại, chẳng ngờ đúc kết được một tập. Trước vẫn không chủ tâm sắp xếp theo thứ tự nào cả, toàn thể cộng lại được 48 bài tập (tắc), đặt cho nó cái tên Vô Môn Quan. Nếu có ai thật tâm quyết ý muốn tu thiền mà không tiếc thân mệnh thì có thể đi thẳng một lèo vào cánh cửa này. Lúc đó thì có lẽ Đại Lực Quỉ Vương có ba đầu tám tay như thái tử Na Tra cũng không thể ngăn cản được. Ngay cả 28 đời Phật Tổ bên Thiên Trúc21 hay 6 đời tổ sư thiền Trung Quốc22 nếu vướng phải đường tiến của anh ta, chắc chỉ mong sao thoát thân toàn mạng. Tuy nhiên, nếu ngần ngừ một chút không chọn con đường này thì sẽ giống như người nhìn ngựa phi qua song cửa, chỉ trong một nháy mắt, không còn cơ hội bắt kịp chân lý nữa.

Có lời tụng rằng:


Đại đạo vô môn,

Thiên sa vạn lộ.

Thấu đắc thử quan,

Càn khôn độc bộ.



大 道  無  門
千 差  有  路
透 得  此  關
乾 坤  獨 

(Đường lớn không cửa,

Trăm vạn lối đi.

Vượt ải này rồi,



Thong dong tùy ý)

PHIÊN DỊCH VÀ BÌNH CHÚ
Bốn Mươi Tám Tắc trong Vô Môn Quan (bản của tham học tì khưu Di Diễn Tôn Thiệu)

  1. Con chó của Triệu Châu (Triệu Châu cẩu tử).

  2. Chồn hoang của Bách Trượng (Bách Trượng dã hồ).

  3. Câu Chi giơ ngón tay (Câu Chi thụ chỉ).

  4. Lão Hồ không râu (Hồ tử vô tu).

  5. Hương Nghiêm leo cây (Hương Nghiêm thượng thụ).

  6. Phật chìa nhánh hoa (Thế Tôn niêm hoa).

  7. Triệu Châu rửa bát (Triệu Châu tẩy bát).

  8. Hề Trọng chế xe (Hề Trọng tạo xa).

  9. Phật Đại Thông Trí Thắng (Đại Thông Trí Thắng).

  10. Sư Thanh Thoát nghèo khó (Thanh Thoát cô bần).

  11. Triệu Châu thử sức am chủ (Châu khám am chủ).

  12. Thụy Nham đóng trò (Nham Hoán chủ nhân).

  13. Đức Sơn bưng bát (Đức Sơn bưng bát).

  14. Nam Tuyền chém mèo (Nam Tuyền trảm miêu).

  15. Ba hèo đòn của Động Sơn (Động Sơn tam đốn).

  16. Nghe chuông mặc áo bảy màu (Chung thanh thất điều).

  17. Quốc Sư gọi ba lần ( Quốc Sư tam hoán).

  18. Ba cân tơ của Động Sơn (Động Sơn tam cân).

  19. Tâm bình thường là đạo (Bình thường thị đạo).

  20. Đại lực sĩ (Đại lực lượng nhân).

  21. Que cứt của Vân Môn (Vân Môn thỉ quyết).

  22. Trụ cờ của Ca Diếp (Ca Diếp sát can).

  23. Mặt mũi chính mình (Bất tư thiện ác)

  24. Dẹp bỏ ngôn ngữ (Ly khước ngữ ngôn).

  25. Ngưỡng Sơn thuyết pháp tam tòa (Tam tòa thuyết pháp).

  26. Hai tăng cuốn rèm (Nhị tăng quyển liêm).

  27. Không phải tâm chẳng phải Phật (Bất thị tâm Phật).

  28. Xa mến thầy Đàm (Cữu hương Long Đàm).

  29. Không phải gió không phải phướn (Phi phong phi phan).

  30. Tâm ấy là Phật (Tức tâm tức Phật).

  31. Triệu Châu dò ý lão bà (Triệu Châu khám bà).

  32. Kẻ ngoại đạo hỏi Phật (Ngoại đạo vấn Phật).

  33. Chẳng tâm chẳng Phật (Phi tâm phi Phật).

  34. Trí không là đạo (Trí bất thị đạo).

  35. Người đẹp lìa hồn (Thanh nữ ly hồn).

  36. Giữa đường gặp người đạt đạo (Lộ phùng đạt đạo).

  37. Đình tiền bách thụ (Cây bách trước sân).

  38. Đuôi trâu không lọt song cửa (Ngưu quá song linh).

  39. Vân Môn nói hớ (Vân Môn thoại đọa).

  40. Đá ngã tịnh bình (Dược đão tịnh bình).

  41. Đạt Ma làm yên lòng (Đạt Ma an tâm).

  42. Cô gái xuất thiền định (Nữ nhân xuất định).

  43. Gậy trúc của Thủ Sơn (Thủ Sơn trúc bề).

  44. Cây trượng của Ba Tiêu (Ba Tiêu trụ trượng).

  45. Người đó là ai? (Tha thị a thùy)

  46. Người leo đầu sào (Can đầu tiến bộ).

  47. Ba ải của Đâu Suất (Đâu Suất tam quan).

  48. Một đường của Càn Phong (Càn Phong nhất lộ)

PHẦN I: TỪ TẮC SỐ 1 ĐẾN TẮC SỐ 10.

Tắc số 1: Con chó của Triệu Châu23 (Triệu Châu cẩu tử).
趙州狗子
Bản tắc24 :
Nhân một người học thiền hỏi:

-Con chó có Phật tính25 hay không?

Hòa thượng Triệu Châu đáp:

-Không26.
Bình xướng:

Vô Môn nói rằng:


Kẻ muốn tham thiền trước tiên phải vượt qua những ải chắn do các vị tổ sư đặt ra. Người muốn ngộ đạo một cách tuyệt diệu bắt buộc trải qua giai đoạn triệt để xóa sạch mọi ý thức. Nếu không vượt nổi ải chắn của tổ, không dẹp bỏ được mọi ý thức thì còn giống hồn phách phải nương tựa cây cỏ 27. Thế thì cửa ải của các tổ 28 là gì nào? Ở đây nó chỉ là một chữ “Vô” (Không) mà thôi, nhưng chính ra đối với tông môn, đó là một ải chắn vô cùng quan trọng. Muốn dùng một cái tên ngắn gọn thì gọi nó là cái “Ải tên là Vô” hay “Ải không cửa” của nhà Thiền. Kẻ vượt được cái ải chắn này rồi, chẳng những có thể gặp gỡ hòa thượng Triệu Châu, mắt trong mắt, mà còn có thể kết nối lông mi lông mày29 với chư vị tổ sư, nhìn mọi vật bằng bằng con mắt của tổ, nghe mọi tiếng bằng lỗ tai của tổ. Có phải thống khoái không?
Có ai muốn vượt qua cái cửa ải kỳ diệu này không? Nếu có thì hãy tổng động viên ba trăm sáu mươi lăm khớp xương cùng với tám vạn bốn nghìn lỗ chân lông30, toàn thân tụ thành một “khối nghi ngờ lớn”, rồi tham thiền bằng một chữ Vô. Ngày cũng như đêm không lúc nào quên đặt vấn đề. Không nên coi chữ Vô này trong cái nghĩa “vô của hư vô” 31 và cũng không nên nên hiểu nó trong cái nghĩa “vô của hữu vô”. Hãy làm như mình đang ngậm một hòn thép nóng bỏng ở trong miệng32, muốn khạc ra mà không khạc được, muốn nuốt vào mà nuốt không trôi. Rửa cho sạch hết những kiến thức sai lầm và giác ngộ giả dối đã có, rồi cùng với thời gian, dần dần tu luyện thuần thục, để cho thế giới bên trong và bên ngoài hợp nhất, không còn phân biệt chúng được nữa. Điều đó giống như gã câm nằm mộng, chỉ một mình mình hiểu được mà không thể thổ lộ cùng ai. Đến khi thình lình chữ Vô ấy nổ tung ra, nó sẽ làm kinh thiên động địa, có khí thế của kẻ đoạt được đại đao của Quan Vân Trường, gặp Phật thì giết Phật, gặp tổ sư thì giết tổ sư33. Đứng bên bờ sinh tử mà thong dong tự tại, ở chỗ nào trong cõi lục đạo tứ sinh34, dù sanh về đâu hay trở thành cái gì cũng thấy mình đang rong chơi thanh thản.
Hỏi rằng tiếp thu chữ Vô này bằng cách nào à? Hãy dồn hết khí lực bình sinh nghiền ngẫm cho đến khi sức cùng lực kiệt, nếu nỗ lực không chút gián đoạn thì chỉ cần châm một mồi lửa nhỏ trên Phật đàn đã thấy được ánh sáng của Phật pháp bừng tỏa tức khắc.
Tụng:
Bèn có lời tụng:
Cẩu tử Phật tính,

Toàn đề chính lệnh.

Tài thiệp hữu vô,

Táng thân thất mệnh.



狗 子 佛 性
全 提 正 令
才 涉 有 無
喪 身 失 命

(Phật tính của chó,

Đề tài chính đáng.

Mới bàn có, không,



Đã toi thân mạng).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Công án trên chỉ ngắn ngủi có mấy câu. Trong đó, chữ “Phật tính” có nghĩa là “bản tính của Phật”. Nhiều người giải thích là “khả năng thành Phật trong tương lai” nhưng thế thì không ổn. Bởi vì người tu Thiền chỉ nhìn “cái bây giờ, ở đây và chính mình” (tức kim, thử xứ, tự kỷ). Câu hỏi của người học thiền đó chỉ hàm ý: “Thế bây giờ tôi có phải Phật hay không?”.
Giáo chủ Thích Ca đã ra tuyên ngôn “Nhất thiết chúng sinh, tất hữu Phật tính” (Tất cả chúng sinh đều có Phật tính). Câu nói đó về sau thành căn bản của tư tưởng Phật giáo Đại Thừa. Thế nhưng, người học thiền ở đây đã đưa ra một câu hỏi rất đứng đắn, có tính cách tôn giáo và hiện sinh: “Tôi đây cũng bình đẳng với muôn loài súc sinh, thế thì tôi có bản tính của Phật không nào?”. Ý thức được vấn đề như ông ta là một điều quan trọng. Suzuki Daisetsu, thầy tôi, gọi đó là yếu tố tri thức trong việc tham cứu công án và ông nhấn mạnh đến yếu tố này. Ngày nay ở các đạo tràng tu thiền, người ta không có ý thức về vấn đề mà chỉ theo chủ tâm theo đòi một cách máy móc.
Thiền sư Bankei (Bàn Khuê)35 có nói như sau:
“Ví dụ có người xuất gia mất tấm cà sa, tìm cách nào cũng không ra, cứ thế mà đi tìm, không ngừng nghỉ một phút. Đó là bởi vì ông ta có “mối nghi” thực sự. Người thời bây giờ vì thấy người xưa từng nghi ngờ, cũng đâm nghi ngờ theo. Đó chỉ là mối nghi bắt chước chứ không phải mối nghi thực sự. Cho nên họ sẽ không bao giờ có ngày giác ngộ. Bởi vì không mất gì cả mà lại bảo là mất rồi cố đi tìm.”
Khi nào công án chưa trở thành vấn đề của chính mình, kết cục nó chỉ là chuyện học đòi bắt chước. Ý thức được vấn đề một cách nghiêm chỉnh mới là chuyện trọng đại. Cổ nhân nói “Kẻ đại nghi ắt sẽ đại ngộ” là vì cớ ấy.
Nhân đây, nói về một chữ Vô (không) của thiền sư Triệu Châu, nếu đọc trong Triệu Châu Lục, rõ ràng là thiền sư đã trả lời “không” (Vô) để đối lại với “có” (Hữu) mà thôi. Nguyên điển chép thế này:
Có người học thiền hỏi: Con chó cũng có Phật tính chứ?

Sư đáp: Không đâu.

Người học thiền: Trên từ chư Phật dưới tới con kiến, ai ai cũng có Phật tính, cớ sao con chó lại không?

Sư: Vì nó còn vướng cái nghiệp (những vọng tưởng phiền não như tích, dục, tăng, ái)36.
Chữ Vô về sau của Triệu Châu (Triệu Châu Vô tự) thành ra không phải là cái Vô đối ứng với Hữu (hữu-vô-vô hay tương-đối-vô) như trong câu chuyện trên. Cắt mất phần sau lời đối đáp của nguyên điển, trong công án, nó được hiểu là cái Vô tuyệt đối (tuyệt-đối-vô). Công án này có mục đích giúp cho bản thân người tu hành thể nghiệm được “cái Vô của phương Đông”. Nó không phải là cái Vô của đời Đường, thời đại Triệu Châu, mà là cái Vô của đời Tống đến sau, tức thời đại Ngũ Tổ Pháp Diễn! Chính vào khoảng thời gian đó, hình thức gọi là “công án thiền” (khán thoại thiền) mới được thành lập vững vàng, cho nên công án về sau còn được gọi là những “ám hiệu mật lệnh” dưới trướng Ngũ Tổ.
Ngày nay công án này đã được hệ thống hóa và dùng vào việc giáo dục. Chúng ta là những người vốn chỉ biết thế giới mình sống, nghĩa là một thế giới có ý thức “phân biệt”, trong đó tự ngã là trung tâm, giữa Tha và Ngã có một tương quan đối lập. Trước tiên, phần tắc (cổ tắc, công án) giúp ta xác nhận bằng kinh nghiệm của mình là dưới đáy tận cùng của sự “phân biệt” ấy có một thế giới “bình đẳng”, “tha ngã là một” (tự tha nhất như) mà ta có thể biết đến khi ở trong trạng thái vô ngã. Thử đưa ra một ví dụ. Sở dĩ “sắc” và “hình” tồn tại được là vì có “không gian” (bình đẳng) chứ không thấy “không gian” nào tồn tại nhờ có “sắc” và “hình”. Từ khi có có cái Vô của “không gian” mới sinh ra cái Hữu có giới hạn của “sắc và “hình” vậy. Trong triết học của Nishida (Kitarô)37, ông đã luận về mối tương quan giữa “vật cá biệt” (cá thể) và “vật nói chung”, gọi chỗ đó là nơi cái Vô tồn tại. Muốn hiểu cái “Vô tuyệt đối”, nơi trú ngụ của tất cả mọi cá thể, thì không thể dùng suy tư. Phải dựa vào thể nghiệm trực tiếp mới bắt nắm được. Đó là ý nghĩa của chữ Vô trong công án.
Trong phần bình xướng, thiền sư Vô Môn đã đưa ra câu trả lời thích đáng cho những ai muốn trải qua thể nghiệm này. Trước tiên ông cho biết người tu thiền phải vượt qua cái ải của chữ Vô, sau đó ông đánh giá cao công án về chữ ấy. Trong phần cuối, ông thuyết minh một cách thân ái cách tham cứu chữ Vô như thế nào. Trong đạo tràng của chúng tôi, việc tụng đọc lời nói và làm theo lời chỉ dạy của ông là một điều ai cũng cố gắng thực hiện.
Theo tôi, phần bình xướng nói trên, nhất là đoạn đầu, rất rõ, không cần phải thuyết minh gì thêm cho dài dòng. Phần thứ hai, Vô Môn bàn về cách tham cứu chữ Vô (thì cần phải nói thêm). Đó là sự tổng động viên hồn xác, kết thành “khối nghi ngờ lớn” (nghi đoàn) rồi tham cứu chữ Vô ngày đêm không nghỉ. Đừng có hiểu theo lối nhị nguyên (thiên kiến, dualism), cũng đừng rơi vào chủ nghĩa hư vô (đoạn kiến, nihilism). Tham cứu chữ Vô đến độ cả mình (chủ quan) lẫn công án (khách quan) nhập làm một (đả thành nhất phiến). Lúc tự ngã và thế giới đều biến mất, chỉ còn cái Vô mà thôi. Đó là lúc đạt được trạng thái chính định (tam muội) của công án.Cái tâm phân biệt của tự ngã sẽ hóa ra “không”, chỉ còn lại mỗi cái vô ngã (vô tâm), tiếp xúc được với chốn gọi là “bình đẳng”. Rồi nếu gặp được cơ duyên gì, nó sẽ bất chợt bùng nổ ra (mạc nhiên đả phát), sinh ra sự thể long trời lở đất. Người ngộ đạo sẽ rứt bỏ được ràng buộc của Phật, tổ, cha mẹ, thân quyến, trở thành một “độc tôn Phật”, chủ thể tự do tự tại. Thể nghiệm cá nhân ấy giống như cảnh gả câm nằm mộng nhưng không kể lại giấc mộng ấy cho ai được cả. Đó là một thể nghiệm bằng trực giác của người uống nước, nóng hay lạnh chỉ có mình biết (lãnh hàn tự tri).
Lúc đó sẽ thoát khỏi mê lầm của vòng luân hồi, có thể rong chơi trong cõi trời đất. Khi tự giác được cái tôi vô ngã, vô tướng (vô vị chân nhân) là đã thấy được Phật tính của mình (kiến tính) vậy.

Tắc số 2: Chồn hoang của Bách Trượng (Bách Trượng dã hồ)38.
百丈野狐
Bản tắc:
Cứ mỗi khi hòa thượng Bách Trượng39 thuyết pháp, thường có một lão già đi sau tăng chúng đến nghe. Khi các thiền sinh rút lui, lão cũng bước ra theo. Thế rồi một hôm, lão bỗng không lui mà nán lại giảng đường.Lúc đó, Bách Trượng mới hỏi:

-Người đứng trước mặt ta, ông là ai vậy?

Lão già thưa:

-Tôi không phải loài người. Xửa xưa, thời Phật Ca Diếp40, tôi đã trụ trì ở núi này. Một hôm, đệ tử có người hỏi rằng người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả41 khổ đau hay không.Tôi mới trả lời là không, người như thế không sa vào vòng nhân quả. Vì nói vậy mà suốt một thời gian dài tôi sa vào súc sinh đạo, bị đọa làm thân chồn hoang, cho đến nay đã trải qua năm trăm kiếp. Vậy xin thầy ban cho tôi một câu trả lời đúng để tôi có thể thoát ra khỏi kiếp chồn.

Nói xong, lão đặt lại câu hỏi cho Bách Trượng:

-Thế thì người tu hành đạo Phật đến chỗ cao diệu vẫn còn có thể sa vào vòng nhân quả khổ đau hay sao?

Hòa thượng mới trả lời:

-Không mê muội nhân quả.

Lúc đó, lão già chợt đại ngộ, vái lạy hòa thượng Bách Trượng và nói:

-Như thế thì tôi đã thoát được kiếp chồn. Xác của tôi bỏ lại nằm ở sau núi. Xin thầy hãy lấy lễ chư tăng mà chôn cất cho.

Hòa thượng bèn lệnh cho tăng giữ chức duy na42 thông tin43 để chúng tăng tụ họp, báo rằng sau giờ cơm trưa sẽ làm lễ chôn cất một tăng sĩ vừa mới mất. Mọi người ngạc nhiên xôn xao: “Chúng ta mạnh khỏe như thế này, ở Niết Bàn Đường44 chẳng ai nằm bệnh cả, sao lại bảo thế”. Cơm nước xong hòa thượng hướng dẫn mọi người ra một cái hang đá phía sau núi, dùng trượng khều ra được xác chết một con chồn hoang. Bèn hỏa táng ngay. Đến chiều, hòa thượng Bách Trượng tề chỉnh uy nghi bước lên bục giảng, thuật lại mọi sự xảy ra trong ngày cho chúng tăng. Đại đệ tử là Hoàng Bá45 nhân đó mới hỏi:

-Ngày xưa, lão già vì trả lời sai một câu hỏi mà bị đọa làm thân chồn hoang suốt năm trăm kiếp, nếu lão ta trả lời đúng thì liệu lão sẽ trở thành gì ạ?

-Ngươi tới đây. Ta sẽ vì lão già trả lời cho!

Hoàng Bá bèn tiến sát đến bên Bách Trượng, bất thần đưa tay tát vào mặt thầy46. Hòa thượng bèn vỗ tay cười, nói:

-Ta tưởng râu của lão Hồ47 màu đỏ! Chẳng dè ở đây lại có lão Hồ râu đỏ thật!
Bình xướng:
Vô Môn nói rằng:
Bảo là “Không sa vào vòng nhân quả” thì bị đọa làm chồn hoang, còn nói “Không mê muội nhân quả” lại thoát được kiếp chồn hay sao? Nếu có con mắt thứ ba 48 mà nhìn thấu suốt điểm quan trọng này thì mới biết lão già ở trong núi Bách Trượng kia đã được sống sung sướng thảnh thơi suốt ngàn vạn năm chứ có gì đâu.
Tụng:
Bèn có bài tụng:
Bất lạc bất muội

Lưỡng thái49 nhất trại.

Bất muội bất lạc,

Thiên thác vạn thác.



不  落 不 昧
兩  釆 一 賽
不  昧 不 落
千  錯 萬 錯
(Không rơi, không lầm,

Thò lò hai mặt.

Không lầm, không rơi,

Vạn lần sai tất)



Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:
Công án này hơi dài.
Chắc hòa thượng Bách Trượng khi dạo núi đã tìm thấy xác chồn hoang. Từ đó ông mới dựng nên “kịch bản” này. Có thể gọi lão già trong cái xác chồn hoang là một “một hòa thượng Bách Trượng đời trước” (tiền Bách Trượng) mà chuyện về ông ấy có thật không thì không thành vấn đề. Bởi vì vừa mới đạt đến chỗ “bất lạc nhân quả” (kẻ đã ngộ đạo rồi không rơi vào sự chi phối của luật nhân quả), nhà tu hành lại sa xuống cái hố sai lầm của “sự giác ngộ về cái gọi là bình đẳng (đản không)” vì đinh ninh mình là nhân vật cao cường nhất trong núi. Đó mới là vấn đề của ông ta. Ý nghĩa của thiền kiểu chồn hoang (dã hồ thiền) là thế đấy!
Con người ta vừa mới thoát ra sự ràng buộc của cái tâm “phân biệt” và thu nhận vào lòng thế giới vô cùng rộng lớn của “bình đẳng”, không nhiều thời ít, có lúc say sưa vì cái tâm cảnh mình vừa tiếp thu được nên có khuynh hướng trở thành một “ma vương gây trở ngại cho việc tu thiền” (thiền thiên ma).Ngay cả thiền sư Hakuin 50 năm 24 tuổi, khi giác ngộ được về chữ Vô cũng có thái độ ngạo mạn về trình độ của mình. Đến khi gặp Shôju Rôjin (Chính Thụ Lão Nhân) chỉ bảo, mới phản tỉnh về sự sai lầm đó.
Theo lời bình của hòa thượng Vô Môn, không thể giải thích “bất lạc nhân quả” là sai hay “bất muội nhân quả” là đúng được. Dùng “con mắt thứ ba” mà hiểu thì mới thấy ông Bách Trượng đời trước đã sống năm trăm kiếp hạnh phúc trong thân xác chồn hoang của mình.
Vì một lời“bất lạc”, mắc phải sai lầm thành chồn hoang. Nhưng trả lời “bất muội” để thoát kiếp chồn lại là cái sai lầm thứ hai. Chồn mà cứ vui sống kiếp chồn, không thèm thuồng chi khác là đáng gọi là Phật rồi. Người mà không thỏa mãn sống làm người, luôn luôn đi tìm những gì đâu đâu thì đáng gọi là chồn vậy.
Thành ra ở chỗ nào cũng là trong vòng nhân quả, lúc nào cũng phải theo luật nhân quả. Bậc đại tu hành không phải tìm kiếm gì ở bên ngoài. Như Suzuki Daisetsu (dùng chữ “trửu quăng” (khoanh cùi chỏ) có chép trong thiên Tập Nhi sách Luận Ngữ) nói phải “tự khoành tay mình làm chỗ gối đầu cho mình”, vui với cái mình có. Ở trong sự “bình đẳng” (chân không vô tướng) phải có sự “dị biệt”51 (chân không diệu hữu). Cái “bình đẳng sai lầm” (ác bình đẳng) do không biết có sự dị biệt ấy gọi là “thiền kiểu chồn hoang” (dã hồ thiền) vậy.


Tắc số 3: Câu Chi giơ ngón tay (Câu Chi thụ chỉ)52.
倶胝竪指
Bản tắc:
Hòa thượng Câu Chi53, hễ có ai chất vấn về thiền, đều đưa một ngón tay lên. Ở chỗ Câu Chi có một chú tiểu, khi nghe người khách lạ từ xa đến hỏi: “Hòa thượng chùa này giảng về những yếu quyết trong Phật pháp như thế nào?”, đã đưa ngay tức khắc một ngón tay lên.Hòa thượng Câu Chi nghe được chuyện đó, cầm dao chặt phăng ngón tay của chú ta. Tiểu chịu đau không nổi khóc thét lên và bỏ chạy. Thấy thế, hòa thượng gọi với bảo dừng. Chú ta bèn quay đầu lại thì thấy lúc đó, hòa thượng lại giơ một ngón tay của mình lên. Chú tiểu thoáng thấy đã ngộ đạo. Khi Câu Chi lâm chung, ông cho gọi tất cả tăng chúng tụ tập lại, và nói:

-Khi ta tu với hòa thượng Thiên Long, học được kiểu thiền một ngón tay, thế mà dùng suốt đời vẫn chưa hết.

Nói xong, trút hơi thở cuối cùng.
Bình xướng:
Vô Môn nói rằng:
Cả Câu Chi lẫn chú tiểu, không phải nhờ đưa một ngón tay lên mà ngộ đạo. Nếu các ngươi nhận ra được ý nghĩa thực sự của điểm này thì có thể xâu trọn từ hòa thượng Thiên Long, hòa thượng Câu Chi, chú tiểu và cả chính các ngươi nữa thành một chuỗi 54.
Tụng:

Bèn có bài tụng:


Câu Chi độn55 trí lão Thiên Long,

Lợi nhận đơn đề khám tiểu đồng.

Cự Linh56 đài thủ vô đa tử57,

Phân phá Hoa Sơn thiên vạn trùng.


俱 胝 鈍 置 老 天 龍
利 刃 單 提 勘 小 童
巨 靈 抬 手 無 多 子
分 破 花 山 千 萬 重

(Câu Chi chơi xỏ lão Thiên Long,

Dao bén đưa ra nhử tiểu đồng.

Cự Linh phá núi Hoa bao lớp.

Cũng chỉ giơ tay, lọ tốn công).
Lược dịch lời bàn của Giáo sư Akizuki Ryômin:

Hòa thượng Câu Chi thuộc dòng thiền Mã Tổ bởi vì thầy Thiên Long của ông là học trò của Đại Mai Pháp Thường. Công án nói trên, trong một sách khác, lại biến dạng đi một chút:


Sách ấy kể rằng Câu Chi trước khi chết, gọi học trò lại và bảo: Ta theo học lão sư Thiên Long được kiểu thiền một ngón tay (nhất chỉ thiền) mà cả đời dùng hoài dùng mãi vẫn không hết. Cái nhân duyên giữa ông với thiền một ngón tay đã xảy ra như sau:
Trước kia, Câu Chi là một tăng sĩ sống trong một cái am con, tự phụ mình đã tu học đến nơi đến chốn. Một hôm có một sư nữ đến thăm. Bà này cũng thuộc loại kiệt xuất. Vào trong am của ông rồi mà đầu vẫn đội nón mê. Sau khi chọc khắp nơi bằng cái tích trượng dùng để đi đường, bà bước quanh chỗ sư ngồi ba lần, rồi đến đứng trước mặt bảo: “Nếu ông dạy được một câu có thể giúp người khác ngộ đạo thì ta sẽ cởi nón ra”. Nói như thế ba lần nhưng không lần nào thiền sư trả lời điều bà muốn. Ông chỉ tử tế hỏi thăm: “Trời đã tối, chưa tìm ra chỗ ngủ, bà tính sao đây?”. (May mắn là ông đã nói được một câu, câu nói thông thường nông dân vẫn hay hỏi khách lạ).
Sư nữ đó vẫn không để cho chuyện tầm thường lôi cuốn, tiếp tục bức bách: “Nếu ông trả lời được, ta sẽ xin ngủ lại!”. Thế nhưng thiền sư vẫn giữ nguyên sự im lặng.
Sư nữ bèn phất tay áo, bỏ đi.
Tôi hôm đó, thiền sư Câu Chi buồn bực vì mình chẳng trả lời nổi sự thách thức của bà kia, không tài nào nhắm mắt.Ông suy nghĩ: “Làm thân đàn ông như ta mà không có khí phách nam nhi. Được rồi, ta sẽ bỏ am lên đường hành cước, đi tìm danh sư tu hành trở lại, để giác ngộ chân lý mới được”. Đó là điều người ta gọi là “biết xấu hổ” (thức tu) vậy.
Tuy nhiên, lúc đó, Câu Chi nằm mộng thấy một vị thần hiện ra bảo: “Chớ đi đâu cả. Sắp có một vị bồ tát mang nhục thân đến đây và sẽ dạy ngươi hiểu đạo.” Đúng như thế, khoảng mươi hôm thì Thiên Long lão sư, người nhận pháp tự của hòa thượng Đại Mai, tìm đến. Lúc ấy, Câu Chi mới bày tỏ mọi sự và xin được dạy bảo. Thiên Long chẳng nói chẳng rằng, chỉ giơ một ngón tay lên.Thấy thế, đột nhiên Câu Chi hiểu ra lẽ đạo.Từ đó, lúc nào trả lời câu hỏi của học trò, lúc nào Câu Chi cũng chỉ đưa một ngón tay lên và không đề xướng một lý thuyết nào cả.
Giống như ý hai câu thơ của người xưa:
Bất kiến Tây Hồ Lâm Xử Sĩ58,

Nhất sinh thụ dụng chỉ mai hoa.



tải về 317.16 Kb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương