TỔng cục dân số KẾ hoạch hóa gia đÌNH


Không nên tự ý chữa trị vô sinh, hãy đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ tư vấn cách điều trị



tải về 0.59 Mb.
trang7/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.59 Mb.
#15516
1   2   3   4   5   6   7

Không nên tự ý chữa trị vô sinh, hãy đi khám tại các cơ sở y tế chuyên khoa để được bác sỹ tư vấn cách điều trị.

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn./.


Bài 33: Chúng ta không nên lựa chọn giới tính khi sinh.
Chào quý vị và các bạn!

Trước khi vào chương trình hôm nay tôi xin kể để các bạn nghe chuyện Vợ chồng anh An chị Sinh. Anh chị đã có một con gái 4 tuổi. Anh chị muốn đứa con tiếp theo phải là con trai để đạt được 10 điểm mà lên mặt với bạn bè. Cũng vì vậy mà sau đứa con đầu, chị Sinh đã có thai hai lần, nhờ dịch vụ kỹ thuật “chui” phát hiện sớm, biết không phải con trai, anh chị lại đưa nhau đi giải quyết. Không biết còn chờ đến lần thứ bao nhiêu nữa để được như ý nhưng sức khỏe của chị Sinh thì mỗi ngày một suy giảm sau mỗi lần phá thai. Vậy việc làm của vợ chồng anh An chị Sinh có nên không?



Trong chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên hôm nay chúng tôi xin được cùng bàn luận ngay với các bạn về chủ đề “ Chúng ta không nên lựa chọn giới tính khi sinh”. Tại sao lại như vậy?- Vì nếu ai cũng lựa chọn giới tính khi sinh sẽ dẫn đến tỷ số giới tính khi sinh tự nhiên bị thay đổi và sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển cấu trúc dân số trong tương lai. Thông thường thì số trẻ em trai sinh ra sống từ 103 đến 106 trai/100 trẻ em gái. Nếu số trẻ em trai sinh ra dưới mức 103 em hoặc trên mức 106 em thì gây ra mất cân bằng giới tính khi sinh.

Mất cân bằng giới tinh khi sinh có nguyên nhân chủ yếu là từ tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn tồn tại trong xã hội. Nhiều gia đình vợ chồng phải sinh cho được con trai để nối dõi dòng tộc. Sinh con trai mới là có hiếu với cha mẹ. Không sinh được con trai là đại bất hiếu với tổ tông, dòng tộc. Để xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh còn có nguyên nhân thực tế là việc thực hiện bình đẳng giới trong cộng đồng xã hội hiện nay còn nhiều hạn chế. Định kiến giới trong xã hội vẫn còn tồn tại. Một nguyên nhân nữa làm gia tăng mất cân bằng giới tính khi sinh là tâm lý mong muốn sinh con trai của nhiều gia đình có sự phát triển của công nghệ, kỹ thuật hỗ trợ qua các dịch vụ y tế thiếu kiểm soát dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh càng phổ biến, càng gia tăng.

Quý vị và các bạn có biết, mất cân bằng giới tính khi sinh là vấn đề liên quan đến văn hoá, phong tục tập quán nhất là đối với một số quốc gia ở châu Á như: Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc, Ấn Độ… Ở Việt Nam ta vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh xuất hiện từ năm 2006 và đang có xu hướng ngày càng gia tăng. Năm 2006 tỷ số bé trai sinh sống là 110 bé trai trên 100 bé gái. Năm 2012 tỷ số này đã tăng lên là 112,3 bé trai/ 100 bé gái. Năm 2013 tỷ số là 113,8 bé trai/100 bé gái. Đến năm 2014 tỷ số này là 114,3 bé trai/100 bé gái (nguồn Tổng cục DS- KHHGĐ, Bộ Y tế).

Việc lựa chọn giới tính khi sinh ở một số nước trong khu vực đã dẫn đến tình trạng mất cân bằng giới tính trong cấu trúc dân số và hệ lụy của nó là dân số sẽ thừa nam, thiếu nữ. Các nước trong khu vực như Hàn Quốc, Đài Loan, Trung Quốc, Ấn Độ… tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh của họ bắt đầu từ thập niên 70- 80. Và thực tế là họ đã phải đến Việt Nam để tìm vợ. Đã có hàng trăm ngàn các cô gái Việt Nam ở các vùng quê muốn đổi đời đã đi lấy chồng Đài Loan, Hàn Quốc thân gái dặm trường. Mất cân bằng giới tính khi sinh đã khiến cho tình trạng thừa nam thiếu nữ ở nước ta ngày càng có nguy cơ tăng thêm áp lực trong tương lai gần. Nếu ngay từ bây giờ chúng ta còn thờ ơ với vấn đề này thì 20-25 năm sau hậu quả của mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta sẽ rất nặng nề, giống như một số nước Châu Á đang phải gánh chịu.

Hệ lụy của mất cân bằng giới tính trong xã hội sẽ dẫn đến các nguy cơ làm cho vấn đề bất bình đẳng giới trong xã hội càng sâu sắc thêm. Điều đó sẽ dẫn đến các biến đổi xã hội theo chiều hướng xấu như: tình trạng tảo hôn, kết hôn sớm gia tăng. Nhiều nam giới, nhất là nam giới thuộc các tầng lớp nghèo sẽ gặp khó khăn trong việc kết hôn. Sẽ gia tăng bất bình đẳng giới trong tìm kiếm việc làm, gia tăng các tệ nạn xã hội như: mua bán tình dục, xâm hại tình dục, mua bán phụ nữ do sự mất cân bằng giới tính sẽ ngày càng phức tạp. Mất cân bằng giới tính còn là nguyên nhân gia tăng tình trạng bạo lực trên cơ sở giới.

Nếu chúng ta không sớm can thiệp cứ để cho tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh như hiện nay thì chênh lệch số lượng giữa nam và nữ ở Việt Nam sẽ thừa 4,3 triệu nam vào năm 2050.

Vậy chúng ta không nên lựa chọn giới tính khi sinh (như việc làm của anh An và chị Sinh) mà ngay từ bây giờ, mỗi gia đình cần nâng cao trách nhiệm xã hội. Mỗi cặp vợ chồng đang còn sinh đẻ, cần nhận thức được về các hệ lụy xã hội do mất cân bằng giới tính khi sinh gây ra.

Vì trách nhiệm xã hội, vì tương lai của dân tộc: Chúng ta không nên lựa chọn giới tính khi sinh. Vì đó là việc làm vi phạm pháp luật và vô nhân đạo.

Xin cảm ơn sự lắng nghe của quý vị và các bạn./.

Bài 34: Làm thế nào để ngăn chặn lựa chọn giới tính khi sinh ?
Xin chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Làm thế nào để không lựa chọn giới tính khi sinh?”.

Các bạn thân mến, chúng ta đã cùng trao đổi về việc không nên lựa chọn giới tính khi sinh. Nhưng làm thế nào để có thể ngăn chặn, kiểm soát được việc này? Bản tin hôm nay chúng tôi xin được trao đổi với các bạn về một số giải pháp giúp hạn chế để dần, tiến tới chấm dứt việc lựa chọn giới tính khi sinh. Như các bạn cũng đã biết, địa phương chúng ta hiện nay đang vận động các cặp vợ chồng trong tuổi đẻ không sinh con thứ ba. Hội phụ nữ cũng mới cùng chi đoàn ra mắt câu lạc bộ những chị em sinh con một bề. Các hoạt động này cũng đang góp phần tích cực vào việc không lựa chọn giới tính khi sinh.

Thưa quý vị, thưa các bạn.

Mất cân bằng giới tính khi sinh đang là mối quan ngại ngày càng gia tăng tại một số quốc gia châu Á. Tại Việt Nam, mất cân bằng giới tính khi sinh đã tăng từ 106,2 bé trai/100 bé gái (năm 2000) lên 113,8 bé trai/100 bé gái (năm 2013) và xu hướng này đang tiếp tục gia tăng. Mất cân bằng giới tính khi sinh có nguyên nhân sâu xa là từ sự bất bình đẳng giới trong xã hội, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn trong nhiều gia đình. Vì vậy để giải quyết vấn nạn này cần phải:



  • Thúc đẩy hơn nữa vai trò của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội. Thực hiện triệt để quyền bình đẳng giới, nâng cao địa vị và quyền của phụ nữ và trẻ em gái trong xã hội.

  • Tăng cường công tác tuyên truyền thay đổi hành vi giúp giải quyết vấn đề phân biệt đối xử bất bình đẳng giới hiện nay. Tuyên truyền để mọi người nhận thức được việc lựa chọn giới tính khi sinh là việc bị luật pháp Việt Nam nghiêm cấm (khoản 2 điều 7 Pháp lệnh dân số năm 2003 đã quy định “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính thai nhi dưới mọi hình thức” ).

  • Có cơ chế phối hợp liên ngành và thúc đẩy sự tham gia của các tổ chức xã hội. Quan trọng nhất là giải quyết được vấn đề phân biệt đối xử đối với phụ nữ và trẻ em gái đã ăn sâu trong tiềm thức của nhiều gia đình và đó là lý do chính dẫn đến việc lựa chọn giới tính khi sinh. Mặt khác sự phối hợp liên ngành sẽ hình thành hệ thống giám sát chặt chẽ các dịch vụ kỹ thuật đã « ngầm » hỗ trợ cho việc lựa chọn giới tính khi sinh, cần phải có chế tài xử phạt thật nặng để răn đe ngăn chặn.

  • Sớm có chính sách trợ cấp từ Nhà nước và các tổ chức xã hội đối với trẻ em gái, khuyến khích việc sinh con gái, thậm chí tôn vinh việc sinh con gái như một số nước trong khu vực đã làm.

  • Có sự quan tâm chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở, sự phối hợp của các ngành đoàn thể để từng bước giảm thiểu, tiến tới có thể kiểm soát được hoàn toàn tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh.

Sinh đẻ là việc hệ trọng do các gia đình quyết định nhưng cũng rất cần sự định hướng của môi trường xã hội, của chính sách khuyến khích để hướng tới sự chủ động tự nguyện của gia đình.

Nếu các gia đình được môi trường xã hội định hướng để nâng cao trách nhiệm xã hội, vui vẻ không thực hiện lựa chọn giới tính khi sinh thì việc giảm thiểu tỷ lệ mất cân bằng giới tính khi sinh ở nước ta sẽ được kiểm soát hoàn toàn.

Không lựa chọn giới tính khi sinh là hành vi tiến bộ, có văn hóa của Gia đình Văn hóa, của cộng đồng dân cư Văn hóa.

Ngay từ bây giờ, vì trách nhiệm xã hội, mỗi chúng ta nói không với việc lựa chọn giới tính khi sinh.

Xin cám ơn các bạn, cám ơn quý vị đã lắng nghe.



Bài 35 : Con trai – con gái : Giá trị ngang nhau.
Chào quý vị, chào các bạn !

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Con trai hay Con gái- Con nào cũng như nhau.

Trong chế độ xã hội hiện nay, dù là trai hay gái thì chúng ta cũng đều được luật pháp công nhận các quyền và nghĩa vụ ngang bằng nhau. Tuy nhiên, chúng ta đã phải trải qua chế độ phong kiến hàng ngàn năm nên tư tưởng phong kiến trọng nam khinh nữ đã tạo nên sự bất bình đẳng giới sâu sắc trong gia đình và xã hội. Ngày nay, vấn đề bất bình đẳng giới đã trở thành vấn đề toàn cầu. Vì vậy Liên hợp quốc đã có “Công ước quốc tế về Xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ”. Công ước này đã kêu gọi các quốc gia phải thực hiện xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ, bảo đảm đầy đủ các quyền được hưởng của phụ nữ như nam giới.

Gia đình anh Xuân có hai con gái. Anh chị đã thương yêu , chăm sóc các cháu. Các cháu chẳng những chăm chỉ việc nhà mà còn học giỏi. Sau khi học xong ra trường xin được việc làm ở thành phố, các cháu còn biết giành dụm tiền đưa về cho bố mẹ sửa nhà, chăm sóc ông bà. Còn gia đình anh Bình có một gái đầu, một trai sau. Mượn cớ nhà có khó khăn, anh chị bắt con gái lớn bỏ học ở nhà phụ giúp cha mẹ để lo cho em ăn học. Mặc dù con gái anh học rất giỏi. Chi đoàn thanh niên và các thầy cô giáo rất tiếc cho em nên đã đến nhà vận động anh chị tiếp tục cho con đi học. Nói qua nói lại một hồi mới lộ ra không phải nhà anh quá khó khăn mà chỉ vì anh nghĩ quẩn, cho là nuôi con gái lớn cho đi lấy chồng về nhà người ta thì học nhiều làm gì cho thêm tốn. Rõ ràng là anh vẫn còn tư tưởng trọng nam khinh nữ nên mới xử sự như vậy. Khi các thầy cô giáo và chi đoàn nói rõ điều hơn lẽ thiệt cho anh biết, anh đã cho con gái tiếp tục đi học trở lại.

Ở Việt Nam ta, từ sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 Đảng và Chính phủ đã có nhiều chủ trương chính sách thể hiện rõ quan điểm nhằm xóa bỏ mọi chế độ phân biệt đối xử với phụ nữ, ngăn cấm hành động bạo lực đối với phụ nữ và trẻ em gái trong gia đình và ngoài xã hội. Hiến pháp đã sửa đổi năm 2013 đã khẳng định tại chương II điều 16: “ Mọi người đều bình đẳng trước Pháp luật. Không ai bị phân biệt đối xử trong đời sống chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa, xã hội.” Đây là thể hiện quyết tâm của Nhà nước ta thực hiện Công ước của Liên Hợp quốc “Về xóa bỏ mọi hình thức phân biệt đối xử với phụ nữ” mà Chính phủ Việt Nam đã ký cam kết.

Luật Hôn nhân và Gia đình cũng đã xác định nguyên tắc “ …Cha mẹ không phân biệt đối xử giữa các con. Các con có nghĩa vụ và quyền ngang nhau trong gia đình.”

Tháng 11 năm 2006, Nhà Nước ta đã ban hành Luật bình đẳng giới. Chính phủ đã có Kế hoạch hành động quốc gia Vì sự tiến bộ của phụ nữ Việt Nam. Mục tiêu của Kế hoạch này là: “Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao phát huy trình độ năng lực và vai trò của phụ nữ; bảo đảm để phụ nữ thực hiện được chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là lĩnh vực chính trị,, kinh tế, văn hóa và xã hội trong công cuộc đẩy mạnh Công nghiệp hóa- Hiện đại hóa đất nước” .

Trong xã hội chúng ta, con trai con gái đều có quyền ngang nhau. Nhà Nước đã tạo môi trường pháp lý, môi trường xã hội để xóa bỏ mọi rào cản do bất bình đẳng giới, để phụ nữ thể hiện vai trò, năng lực trong mọi lĩnh vực hoạt động chính trị- xã hội, kinh tế, văn hóa, khoa học- kỹ thuật. Thực tế là lĩnh vực hoạt động nào cũng đã có rất nhiều phụ nữ thành đạt.

Con gái hay con trai đều bình đẳng như nhau trong gia đình và xã hội.

Ai cũng có cơ hội để thành công nếu bạn biết nắm bắt và cố gắng.

Cảm ơn sự lắng nghe của quý vị và các bạn.

Bài 36: Nguy cơ thừa nam, thiếu nữ trong tương lai
Thưa quí vị, Thưa các bạn.

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Nguy cơ thừa nam thiếu nữ trong tương lai.

Các bạn cũng đã nghe báo, đài nói nhiều về việc nhiều đàn ông xứ Hàn, xứ Đài sang xứ ta để cưới vợ. Tại sao lại như vậy?- Chẳng lẽ thời hội nhập thì tình yêu cũng phải xuyên quốc gia mới “hoành”. Nói vậy thôi chứ cô dâu chú rể không biết tiếng, không nói được với nhau thì biết làm sao bây giờ. Chắc có vấn đề gì trong chuyện này đây ? Đúng là có chuyện thật. Tôi xin nói ngay để các bạn biết.

Mất cân bằng giới tính khi sinh ở một số nước châu Á xuất hiện từ cuối thập niên 70, đầu thập niên 80 của thiên niên kỷ trước. Còn ở Việt Nam ta mất cân bằng giới tính khi sinh bắt đầu xuất hiện từ những năm 2000 và ngày càng tăng lên rõ rệt vào năm 2006. Mất cân bằng giới tính khi sinh ở các nước được phân bố đều, còn ở Việt Nam ta mất cân bằng giới tính phân bố theo vùng khá rõ rệt (chủ yếu là các vùng xung quanh các trung tâm đô thị lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh và các thành phố thuộc tỉnh, có lẽ vì ở đó dễ tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật phát hiện sớm giới tính thai nhi).

Từ năm 2010 – 2013, Quảng Ninh là một trong tốp 10 tỉnh có tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh cao nhất cả nước. Năm 2010 là 108 trẻ nam/100 trẻ gái. Năm 2013 là 115 trẻ nam/100 trẻ gái.

Nguyên nhân cơ bản của mất cân bằng giới tính khi sinh là do tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn rất nặng nề. Các gia đình muốn có con trai để nối dõi tông đường. Nguyên nhân nữa phải kể đến là do có sự phát triển mạnh của các dịch vụ áp dụng kỹ thuật cao thiếu kiểm soát đã ngầm hỗ trợ cho các gia đình để lựa chọn giới tính khi sinh.

Tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh hiện nay được coi là một trong các thách thức lớn trong thực hiện bình đẳng giới ở nước ta hiện nay. Nếu tình trạng này còn tiếp diễn sẽ là hệ lụy nghiêm trọng cho các gia đình và sự ổn định của xã hội. Việt Nam đã và đang thực hiện một số biện pháp nhằm xóa bỏ vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh. Chính phủ đã ban hành các văn bản nhằm hạn chế việc nạo phá thai do lựa chon giới tính khi sinh. Pháp lệnh dân số năm 2003 quy định: “Nghiêm cấm các hành vi lựa chọn giới tính khi sinh dưới mọi hình thức tư vấn, chẩn đoán giới tính thai nhi, phá thai do lựa chọn giới tính”. Nghị dịnh 104/NĐ-CP hướng dẫn thi hành Pháp lệnh dân số năm 2003 đã xác định các hành vi như: “Phổ biến các biện pháp tạo giới tính, chẩn đoán giới tính thai nhi bằng xét nghiệm máu, siêu âm hoặc loại bỏ thai nhi vì lý do giới tính đều bị coi là vi phạm pháp luật và bị xử lý”. Bộ Y tế đã có hàng loạt văn bản chỉ đạo ngành y tế triển khai các giải pháp, hoạt động nhằm giảm thiểu tình trạng lựa chọn giới tính thai nhi, nghiêm cấm cán bộ y tế có hành vi lựa chọn giới tính thai nhi. Các Sở Y tế tỉnh, thành phố cũng có các văn bản yêu cầu các cơ sở y tế khám chữa bệnh công lập và tư nhân nghiêm cấm chẩn đoán để lựa chọn giới tính thai nhi bằng các biện pháp như: bắt mạch, xét nghiệm máu, zen, nước ối, tế bào, siêu âm…

Nhưng để cho các qui định pháp luật đi vào cuộc sống thì điều quan trọng là phải tăng cường công tác tuyên truyền để mọi người nhận thức được nguy cơ và các hệ lụy của việc mất cân bằng giới tính khi sinh. Các nhà quản lý về dân số cũng đưa ra dự báo 3 khả năng cho tỷ số giới tính khi sinh ở Việt Nam:



  • Khả năng tích cực : nếu chúng ta ra tay tích cực ngay từ bây giờ thì tỷ số giới tính khi sinh có thể sẽ tăng lên khoảng 115 nam/100 nữ vào năm 2020 và sau đó sẽ giảm về mức 105 nam/100 nữ vào năm 2025.

  • Khả năng quá độ với mức độ can thiệp vừa phải thì tỷ số giới tính sẽ tăng lên khoảng 120 nam/100 nữ vào năm 2020 và sau đó giảm dần về mức 105 nam/ 100 nữ vào năm 2030.

  • Khả năng không can thiệp gì cả cứ để như hiện nay thì tỷ số giới tính khi sinh sẽ tăng lên là 125 nam/100 nữ vào năm 2020 và tiếp tục duy trì đến năm 2050.

Tổ chức Y tế thế giới cũng cảnh báo nếu Việt Nam không ngăn chặn giảm thiểu tỷ số mất cân bằng giới tính khi sinh, cứ để như khả năng 3 thì chỉ đến năm 2030 Việt Nam sẽ thừa 4,3 triệu nam thanh niên so với số nữ trong độ tuổi kết hôn. Có nghĩa là số nam thanh niên này sẽ không có cơ hội để lấy vợ trong nước.

Đến năm 2030, liệu 4,3 triệu nam thanh niên Việt Nam (là con cháu của chúng ta bây giờ) có còn cơ hội được lấy vợ là người Việt Nam không hay phải ra nước ngoài xa xôi để tìm vợ ?! Điều đó tùy thuộc vào thái độ và hành vi của mỗi chúng ta hôm nay.



Mỗi người chúng ta phải có trách nhiệm không để xảy ra tình trạng thừa nam, thiếu nữ trong tương lai.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 37: Thực trạng và nguyên nhân của nữ thanh niên kết hôn có yếu tố

nước ngoài.

Chào quý vị và các bạn!



Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Thực trạng và nguyên nhân của nữ thanh niên kết hôn có yếu tố nước ngoài.

Các bạn biết không,

Trong những năm gần đây, việc kết hôn với người nước ngoài đã trở thành hiện tượng không còn là mới mẻ ở nước ta, đặc biệt là tại một số khu vực như: Hải Phòng, An Giang, Cần Thơ. Sự việc này có lúc đã trở thành một đề tài nóng bỏng trên các phương tiện truyền thông đại chúng, báo chí, các diễn đàn bởi những vấn đề ẩn chứa trong nó. Thời gian gần đây, báo chí trong và ngoài nước đã phanh phui rất nhiều vụ bạo hành đối với các cô dâu Việt lấy chồng ngoại quốc. Từ những cô dâu Việt trên đất nước Đài Loan bị sát hại như cô dâu Trần Thị Hồng Thắm hay trở về Việt Nam trong tình trạng người không ra người như cô dâu Trần Thị Bích My, Cao Thị Hồng Nương đến những cái chết thương tâm của những cô dâu Việt trên đất Hàn như Huỳnh Mai, Kim Đồng… Tất cả những vấn đề hậu quả của hôn nhân với người nước ngoài đều do các cô dâu phải gánh chịu . Nhiều cuộc hôn nhân không những không hạnh phúc mà những người phụ nữ phải đối mặt với nguy cơ trở thành nô lệ tình dục, bị đe dọa về nhân phẩm và cả tính mạng.

Thưa quý vị và các bạn! Với nhiều vấn đề như vậy nhưng tại sao tình trạng những phụ nữ Việt Nam kết hôn với người nước ngoài còn có xu hướng gia tăng, chưa thể dừng lại?

Theo số liệu khảo sát của Viện Phát triển bền vững vùng Nam Bộ, hiện đã có khoảng 90 ngàn cô dâu Việt tại Đài Loan - chiếm 70% cô dâu nước ngoài tại đây. Trung bình cứ 80 gia đình Đài Loan thì có 1 cô dâu Việt. Khoảng 15% số cô dâu Việt thất bại tại Đài Loan vì các nguyên nhân không đạt mục địch kinh tế, bị bạo hành, không phù hợp cuộc sống. Vậy điều gì đã dẫn tới hiện tượng được xem là “nóng bỏng” này hiện nay?

Những cô gái trẻ đặc biệt là ở những vùng quê nghèo khó, mong muốn được nhanh chóng “đổi đời” bằng cách kết hôn với người nước ngoài. Nếu bỏ qua những hệ quả vĩ mô như tình trạng “chảy máu chất xám” thì còn có nguyên nhân do sự mất cân đối về giới đang xảy ra ở một số nước trong khu vực. Ở tầm vi mô chúng ta cũng có thể thấy một thực trạng khá buồn là hầu như tất cả các cô gái trẻ VN lấy chồng nước ngoài đều vì lý do kinh tế. Sự khó khăn về vấn đề kinh tế gia đình là một sức ép vô hình lên các cô gái Việt Nam buộc họ phải tự nguyện ra đi. Chính vì đồng tiền mà các bậc cha mẹ cũng sẵn lòng “gả bán” con sang xứ người để lấy vài nghìn đôla. Tất cả những điều đó phản ánh một thực tế nghiêm trọng là sự bất bình đẳng giới vẫn còn đang diễn ra ở những vùng quê nghèo khó tại Việt Nam.

Bên cạnh nguyên nhân về kinh tế, còn một số nguyên nhân khác như kết hôn giả với người nước ngoài để được nhập quốc tịch và việc này cũng gây ra những hậu quả pháp lý vô cùng rắc rối…

Quý vị và các bạn thân mến!



Chính quyền địa phương và các đoàn thể cần tuyên truyền, giáo dục về bình đẳng giới và quyền con người để các cô gái Việt Nam tự bảo vệ mình.

Khi nhận thức được giá trị của bản thân mình chắc chắn họ sẽ tìm được những con đường sống tốt hơn cho cuộc đời.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị và các bạn.

Bài 38: Nữ thanh niên cần chuẩn bị những gì khi làm dâu xứ người?
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Nữ thanh niên cần chuẩn bị những gì khi làm dâu xứ người.

Trời rét, từng đợt gió thổi ào ào làm cánh cửa phòng tư vấn rung lên như muốn mở tung ra. Đúng lúc ấy một cô gái còn rất trẻ đẩy cửa bước vào. Người cô gầy xanh xao, bộ dạng co ro vì rét. Thỉnh thoảng toàn thân cô lại run lên, mặt tái nhợt.

Sau khi rót cho cô một cốc nước chè nóng, khoác tạm cho cô chiếc áo ấm. Tôi lặng im chờ nghe cô nói. Trong căn phòng ấm áp, cô như bình tâm lại… Cô nói tên là Hồng ở Gia Lộc, Hải Dương. Nhà nghèo không có điều kiện để ăn học như các bạn cùng trang lứa. Cô phải đi làm giúp việc cho một nhà hàng từ khi 16 tuổi. Công việc cũng chẳng nặng nhọc gì nhưng được ăn ngon, nhàn nhạ, người cô cứ như lột xác, trắng hồng lên, xinh đẹp hẳn ra. Anh chủ nhà hàng thấy cô ngày càng xinh đẹp, lại chăm chỉ chịu khó nên tỏ ra quý mến cô. Mọi công việc trong nhà hàng được anh ưu tiên Hồng hơn những nhân viên khác. Đang là nhân viên phục vụ, chuyên rửa bát đĩa nay anh chuyển cô lên làm nhân viên lễ tân. Thấy Hồng được ưu ái hơn, mọi người nghi ngờ là ông chủ có tình ý với cô.

Chuyện chẳng có gì nhưng mọi việc đến tai vợ anh. Một cuộc đánh ghen ầm ĩ tại nhà hàng khiến Hồng vô cùng xấu hổ, buộc cô phải khăn gói rời chỗ làm giữa đêm đông giá rét. Cô không dám quay về quê vì nghĩ đến cảnh quanh năm nhọc nhằn mà lúc nào cũng thiếu thốn. Nhưng ở lại thành phố thì cô không biết phải bắt đầu từ đâu trong khi trình độ văn hoá mới hết lớp 5, vốn liếng làm ăn lại không có… Rồi cô được người ta giới thiệu để lấy chồng nước ngoài . Hồng như người chết đuối vớ được cọc, Cô mừng lắm không cần phải suy nghĩ hay do dự điều gì. Nghĩ đến cảnh mình không có trình độ bằng cấp gì vậy ngẫu nhiên lại được lấy chồng nước ngoài- điều này trước đây có nằm mơ cô cũng không dám. Cô nhanh chóng tiến hành mọi thủ tục để được xuất ngoại. Cô không cần tìm hiểu xem chồng mình là ai, bao nhiêu tuổi,làm nghề gì…Với Hồng, tại thời điểm này chỉ cần có chỗ nương thân là được rồi.

Giờ đây mọi thủ tục đã hoàn tất chỉ còn một tháng nữa là đến ngày ra nước ngoài làm dâu. Tình cờ Hồng đọc được một bài phóng sự điều tra về những khó khăn của các cô dâu Việt tại Đài Loan, Hà Quốc, Trung Quốc.... Lúc này cô mới thấy lo cho chính bản thân mình.Và đây cũng là lí do khiến cô tìm đến nhà tư vấn. Ngồi chia sẻ với nhà tư vấn, Hồng đặt ra rất nhiều câu hỏi đại loại như: “ Bây giờ em phải làm gì, liệu có còn kịp để thay đổi không, em cần chuẩn bị những gì?…”

Các bạn thân mến!

Rời Việt Nam sang làm dâu tại xứ người, trở ngại đầu tiên mà các cô dâu Việt gặp phải là vấn đề ngôn ngữ. Họ là những người mới nhập cư, chưa đủ điều kiện nhập quốc tịch, hầu hết không có việc làm, chỉ ở nhà sinh đẻ và nuôi con, làm nội trợ và phục vụ công việc gia đình, giao tiếp xã hội gần như bị hạn chế. Vì vậy, nữ thanh niên khi lấy chồng nước ngoài cần phải có trình độ ngoại ngữ nhất định, phải hiểu biết về lối sống, phong tục tập quán, chính sách pháp luật của quốc gia đó.

Các cô dâu Việt cần phải lường trước những khó khăn thách thức khi làm dâu xứ người như sự chênh lệch về tưổi tác quá lớn nên giữa hai vợ chồng rất khó có sự hoà hợp, đồng cảm, bị quản lí khắt khe, họ ít được giao tiếp và không được gặp gỡ bạn bè, đồng hương hay tham gia các hoạt động xã hội khác vì gia đình nhà chồng sợ các cô dâu bỏ trốn.

Sau khi trò chuyện cùng nhà tư vấn, cô gái ít nhiều cũng giải toả được những lo âu trong lòng.Trước khi chia tay, cô chỉ xin nhà tư vấn hãy mãi là nơi để cô được chia sẻ mỗi khi buồn và cô đơn. Nhà tư vấn chấp nhận lời đề nghị của cô, tiếp tục giúp cô tìm thấy sự bình yên trong cuộc sống!

Thông điệp mà chúng tôi muốn gửi tới các bạn là: Nếu muốn kết hôn với người nước ngoài, bạn hãy trang bị cho mình những kiến thức về văn hoá, ngoại ngữ, cũng như có sự chuẩn bị tốt về tâm lí.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị và các bạn!

Bài 39: Vai trò của Tư vấn và khám SKSS trước hôn nhân
Chào quý vị và các bạn!

Hai bạn Nam và Hạnh sắp tổ chức lễ cưới. Nam rất muốn đưa Hạnh đi khám sức khỏe để được tư vấn trược khi kết hôn nhưng lại sợ Hạnh hiểu lầm cho là Nam không tin tưởng Hạnh nên mới đưa Hạnh đi khám. Khó khăn lắm Nam mới thổ lộ cùng chương trình phát thanh về chăm sóc SKSS VTN/ TN. Và chương trình muốn chia sẻ với bạn Nam, bạn Hạnh cùng các bạn.



Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Vai trò của Tư vấn và khám SKSS trước hôn nhân.

Chắc có bạn sẽ nghĩ chưa kết hôn, “máy móc” vẫn còn zin thì khám tư vấn cái gì đây ? Nếu nghĩ như thế thì thực ra bạn mới biết một phần của vấn đề thôi. Bạn có biết năm 1994, cả thế giới đã tổ chức Hội nghị Dân số và Phát triển họp ở thủ đô Cai -Rô của Ai Cập. Tại hội nghị này thế giới đã thống nhất quan niệm thế nào là sức khỏe sinh sản và đã đưa ra định nghĩa : “ Sức khỏe sinh sản là sự phát triển hoàn hảo về thể chất, tinh thần và xã hội trong mọi vấn đề có liên quan đến hoạt động và chức năng của bộ máy sinh sản, đến quá trình sinh sản chứ không phải chỉ là không có bệnh hay khuyết tật của bộ máy sinh sản”.

Như vậy sức khỏe sinh sản được xem xét trên 3 khía cạnh là:


  • Về thể chất: cấu tạo và hoạt động của bộ máy sinh sản bình thường và khỏe mạnh để thực hiện đầy đủ chức năng sinh sản.

  • Về tinh thần: là sự thoải mái, hài lòng, không băn khoăn lo lắng về khả năng hoạt động của bộ máy sinh sản. Mỗi người đều có quyền quyết định có quan hệ tình dục hay không, quan hệ vào thời điểm nào, mong muốn có con hay không, số con muốn có, khoảng cách và thời gian sinh con và được cung cấp thông tin đầy đủ và phương tiện để thực hiện điều đó.

  • Về mặt xã hội: được môi trường xã hội tôn trọng và công bằng để đáp ứng việc thực hiện quyền sinh sản và hoạt động tình dục của mỗi người. Được cung cấp bảo đảm các dịch vụ cho quá trình mang thai và sinh đẻ.

Như vậy tư vấn và khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân sẽ giúp bạn biết được tình trạng sức khỏe của bản thân mình và sức khỏe của người mà mình sẽ kết hôn để tự tin khi bước vào cuộc sống vợ chồng. Giúp bạn ổn định tâm lý, tinh thần khi bước vào cuộc sống gia đình. Bạn sẽ được cung cấp thông tin và tư vấn đầy đủ để quyết định sinh con vào thời điểm nào, sinh mấy con, khoảng cách giữa các lần sinh tốt nhất là mấy năm. Khi bạn có thai thì chăm sóc thai như thế nào, cần khám thai mấy lần, khám thai ở đâu. Khi sinh con bạn sẽ sinh ở đâu để bảo đảm được làm mẹ an toàn. Khi đi khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân bạn còn được tư vấn cung cấp thông tin để thực hiện kế hoạch hóa gia đình và phòng tránh các bệnh lây qua đường tình dục…

Việc khám chăm sóc sức khỏe sinh sản trước hôn nhân là việc có ý nghĩa rất quan trọng và là việc nên làm trước khi kết hôn vì các bác sỹ khám sẽ tư vấn cho bạn cả về vấn đề sức khỏe , tâm lý để giúp các bạn chuẩn bị tâm lý có thể vượt qua mọi bỡ ngỡ, sẵn sàng đón nhận để bước vào cuộc sống vợ chồng.

Bạn không nên e ngại vì Luật hôn nhân và gia đình và Pháp lệnh dân số năm 2003 cũng đã khuyến cáo : “Nam nữ trước khi kết hôn cần được tư vấn và khám SKSS.”

Chúc các bạn sắp kết hôn thực hiện tốt việc này.

Cám ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe.
Bài 40: Bạn có biết nơi tư vấn và Chăm sóc SKSS tiền hôn nhân?
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Tư vấn và khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân ở đâu?”

Chắc có bạn sẽ nghĩ rằng hai người yêu nhau mà làm như thế là thiếu tế nhị, là không tin tưởng nhau sao? Cũng bởi vậy đây là vấn đề mà nhiều bạn trước khi kết hôn thường bỏ qua, ít quan tâm đến. Nhưng thực ra đây lại là vấn đề rất quan trọng đối với cuộc sống lứa đôi sau này. Pháp lệnh dân số năm 2003 và Nghị định của Chính phủ hướng dẫn thực hiện cũng yêu cầu: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn.”

Việc khám để được tư vấn về sức khỏe sinh sản trước hôn nhân là việc làm rất quan trọng và rất cần thiết để giúp phát hiện sớm và giúp điều trị kịp thời những bệnh có ảnh hưởng đến sức khỏe sinh sản cho cả hai người để không ảnh hưởng đến đời sống vợ chồng và con cái sau này. Việc đi khám để được tư vấn sức khỏe sinh sản trước hôn nhân còn thể hiện trách nhiệm với tương lai, hạnh phúc của mình, với người mình yêu. Việc đi khám để được tư vấn và chăm sóc sức khỏe sinh sản trước hôn nhân còn được coi như để sàng lọc nâng cao chất lượng dân số.

Năm 2003, Tổng Cục dân số kế hoạch hóa gia đình đã chỉ đạo thí điểm mô hình tư vấn cung cấp kiến thức, kỹ năng sống cho tuổi vị thành niên, thanh niên trước hôn nhân. Đến năm 2013, mô hình này đã được mở rộng ra 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước với tên gọi thống nhất là “ Mô hình tư vấn và khám sức khỏe sinh sản tiền hôn nhân”

Bạn có thể đến các mô hình này để được tư vấn và khám sức khỏe sinh sản trước khi đăng ký kết hôn. Bạn cũng có thể đến các “Trung tâm Kế hoạch hóa gia đình - Chăm sóc sức khỏe sinh sản” ở tuyến huyện, quận để được khám kiểm tra sức khỏe trước khi kết hôn.

Khi đi khám bạn nhớ:



  • Nhịn ăn sáng để có thể sẵn sàng làm xét nghiệm máu.

  • Chuẩn bị các thông tin liên quan đến tiền sử sức khỏe của bản thân và cha mẹ hoặc các vấn đề có liên quan ảnh hưởng đến sức khỏe của mình để trao đổi với bác sỹ khám cho bạn.

  • Bạn nên chuẩn bị trước các vấn đề mà bạn băn khoăn thắc mắc liên quan đến sức khỏe và sức khỏe sinh sản của bạn để được tư vấn, cung cấp thông tin.

  • Nếu là nữ đang trong thời gian chu kỳ kinh nguyệt thì bạn phải chờ hết chu kỳ mới đi khám được.

Tư vấn khám sức khỏe sinh sản trước hôn nhân là việc làm cần thiết để bạn bước vào hôn nhân một cách tự tin hơn.

Các bạn nên quan niệm đây là dịp để các bạn kiểm tra lại sức khỏe của mình trước khi bước vào đời sống gia đình, được làm chồng, làm vợ, làm mẹ. Đó là việc làm rất có trách nhiệm của các bạn.

Chúc các bạn tự tin để làm việc nên làm.

Cám ơn quý vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 41: Chăm sóc sức khoẻ đúng cách trước khi mang thai
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là Chăm sóc sức khoẻ đúng cách trước khi mang thai.

Yêu nhau đã 2 năm, hôm vừa rồi Vân và Nam bàn đến chuyện đám cưới. Trong lúc nói chuyện Nam có nói với Vân rằng sau khi cưới xong anh muốn hai vợ chồng có con luôn, nếu con gái thì sẽ xinh như mẹ và con trai thì sẽ mạnh mẽ giống bố. Câu nói của Nam làm Vân suy nghĩ rất nhiều, làm thế nào để có đứa con khoẻ mạnh?. Sẽ có rất nhiều bạn trẻ có những suy nghĩ như Vân. Vậy chăm sóc sức khoẻ đúng cách trước khi mang thai có khó không và thực hiện như thế nào?

Các bạn ạ, việc quan tâm chăm sóc sức khoẻ toàn diện trước khi mang thai là điều hết sức cần thiết vì sức khỏe của người mẹ ảnh hưởng rất lớn đến sự an toàn cũng như sự phát triển của thai nhi. Vì vậy các bạn hãy lưu ý ngay từ trước khi có thai, bạn cần một chế độ chăm sóc sức khỏe toàn diện để chuẩn bị nền tảng tốt nhất cho em bé sau này. Chăm sóc sức khoẻ bao gồm quan tâm chế độ dinh dưỡng, chế độ kiểm tra sức khoẻ và chế độ tâm lý.

Chế độ dinh dưỡng: Trước tiên các bạn cần chuẩn bị cho mình một chế độ ăn uống hợp lý, vệ sinh. Bạn cần bổ sung các thực phẩm giầu dinh dưỡng như protein, vitamin, khoáng chất và acid folic. Các nhóm thực phẩm này cần được cân bằng trong bữa ăn hàng ngày. Hạn chế thói quen ăn vặt, các đồ ăn giàu calo nhưng nghèo dinh dưỡng, các đồ ăn chứa nhiều dầu mỡ như khoai tây chiên, bánh nướng, nước ngọt, soda,... để tránh thiếu dinh dưỡng và tăng cân không cần thiết. Không nên dùng thực phẩm chưa được tiệt trùng như thịt, cá sống,...vì trong đó chứa một số vi khuẩn nguy hiểm có thể dẫn đến sảy thai, thai chết lưu. Bên cạnh đó bạn nên uống đầy đủ nước, uống ngay cả khi không khát. Trung bình một ngày bạn cần uống đủ 2 lít nước vì nước không chỉ giúp thanh lọc cơ thể, giải độc, mà còn hỗ trợ hấp thu chất dinh dưỡng tốt nhất, giảm nguy cơ bị bệnh về thận và nhiễm trùng đường tiết niệu. Trong quá trình mang thai, nước còn giúp tăng cường nước ối quanh bào thai. Tuy nhiên cần đảm bảo đó là nguồn nước sạch. Nếu đó là nước có nồng độ clo, hóa chất cao hay ô nhiễm thì cần phải thay bằng nguồn nước khác an toàn.

Chế độ chăm sóc sức khoẻ:

Về giấc ngủ: Bạn cần ngủ đủ giấc, nếu bạn thường thức khuya, dậy sớm, ngủ không đủ giấc sẽ ảnh hưởng đến việc rụng trứng và khó mang thai hơn. Hơn nữa, thiếu ngủ sẽ làm sức khỏe, tinh thần mệt mỏi, rệu rã, điều này sẽ còn tồi tệ hơn khi bạn ốm nghén.

Chủ động tránh xa nguy cơ nhiễm trùng vì hoá chất. Hãy vệ sinh thật kỹ sau khi làm vườn, sau khi chơi và dọn ổ chó mèo, tiêm phòng bệnh cúm, tránh tiếp xúc với bệnh nhân mắc bệnh truyền nhiễm. Bạn hãy tránh xa khu vực có sơn, bởi một số loại sơn chứa chì, có thể gây hại cho sự phát triển của thai nhi. Ngoài ra, bạn cũng nên hạn chế dùng các loại hóa mỹ phẩm, nhất là các mỹ phẩm không rõ nguồn gốc, có tính tẩy rửa hay ăn mòn mạnh và bạn cũng không chắc chắn về thành phần của chúng. Bởi vì rất có khả năng chúng có thành phần độc hại, không tốt cho thai nhi. Nên sử dụng phương pháp làm đẹp tự nhiên.

Hãy tập thể dục thường xuyên để có một cơ thể dẻo dai, khoẻ mạnh: Bạn hãy lựa chọn cho mình bài tập phù hợp. Không nên tập các bài quá sức đối với bản thân. Yoga, khiêu vũ, bơi lội… giúp bạn có một sức khỏe dẻo dai, và một tinh thần sảng khoái, cân bằng, từ đó bạn sẽ vượt qua giai đoạn thai nghén dễ dàng hơn.

Chế độ tiêm phòng, tẩy giun: Bạn hãy đi tiêm phòng viêm gan, cúm, rubella, sởi, quai bị vì nếu mắc những bệnh này trong 3 tháng đầu của thai kỳ sẽ vô cùng nguy hiểm. Ngoài ra, bạn cũng cần tiêm phòng một số loại bệnh như thủy đậu, khám sức khỏe răng miệng và điều trị dứt điểm trước khi mang thai. Bạn cũng cần tẩy giun vì bạn sẽ không thể tẩy giun trong khi mang thai. Đặc biệt cần phải tẩy giun cho cả gia đình cùng một thời gian để đảm bảo không có sự lây chéo ngược lại.

Kiểm tra sức khoẻ toàn diện: Hai bạn hãy kiểm tra sức khoẻ toàn diện tại cơ sở y tế tin cậy. Tại đây bạn sẽ được các bác sỹ kiểm tra sức khoẻ bao gồm: Xét nghiệm công thức máu, xét nghiệm hóa sinh máu, xét nghiệm nước tiểu, siêu âm ổ bụng,  điện tâm đồ, khám phụ khoa… để kịp thời phát hiện các bệnh nguy hiểm và được tư vấn, điều trị trước khi mang thai.

Bên cạnh chế độ dinh dưỡng và chăm sóc sức khoẻ, hai bạn cũng cần giữ cho nhau tâm lý thoải mái, vui vẻ và luôn có sự quan tâm chia sẻ trong cuộc sống.

Các bạn thân mến, Để có những đứa con khoẻ mạnh, thông minh chúng ta cần phải biết chăm sóc sức khoẻ sinh sản của bản thân đúng cách.

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn.

Bài 42: Chăm sóc sức khoẻ đúng cách trong quá trình mang thai
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là Chăm sóc sức khoẻ đúng cách trong quá trình mang thai.

Thưa quý vị và các bạn!

Chăm sóc sức khoẻ phụ nữ đúng cách trong quá trình mang thai có ý nghĩa rất quan trọng trong việc giảm tỷ lệ tử vong và bệnh tật cho cả mẹ lẫn con.

Mấy hôm nay ông bà Dậu buồn lắm, chả là cô con dâu cả trong gia đình mới mang thai được 36 tuần đã sinh. Nhìn đứa cháu đẻ non phải nằm trong lồng kính còn cô con dâu thì xanh xao làm ông bà thấy thương con, thương cháu vô cùng. Chỉ vì con trai bà đi làm xa, ông bà lại già cả nên mọi chuyện trong nhà chỉ có cô con dâu chèo chống. Nào là việc cơ quan, việc gia đình rồi tranh thủ làm thêm nên con dâu bà làm việc ngày đêm mà ăn uống lại sơ sài đạm bạc không đủ dinh dưỡng cho hai mẹ con trong khi các bác sỹ đã khuyên phải bổ sung dinh dưỡng vì em bé có nguy cơ suy dinh dưỡng... Giá như ông bà đỡ đần và biết chăm sóc con dâu trong lúc mang thai tốt hơn thì con và cháu bà đã không xảy ra cơ sự như thế.

Quý vị và các bạn thân mến,

Quá trình mang thai và sinh nở đối với người phụ nữ là rất quan trọng. Một thai kỳ bao giờ cũng có nguy cơ dù đó là nguy cơ thấp hay là cao, vì vậy việc chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trong quá trình mang thai là hết sức cần thiết và luôn phải đặt lên hàng đầu. Trong quá trình mang thai người phụ nữ cần có sự hỗ trợ, động viên của người thân và có sự thăm khám cũng như thực hiện chế độ chăm sóc theo hướng dẫn của bác sỹ để cho thai kỳ được kết thúc tốt đẹp, mẹ tròn con vuông, từ đó mới có thể giảm được tỷ lệ tử vong cho mẹ, cho con và mới có thể cho ra đời những em bé thông minh, khỏe mạnh.

Để có một đứa con khoẻ mạnh, người chồng và gia đình cần chăm sóc sức khoẻ bà mẹ trước khi sinh. Chăm sóc trước sinh bao gồm:


  • Khám thai định kỳ ít nhất 3 lần trong thời gian mang thai (Khám thai lần 1: xác định có thai và đánh giá các yếu tố nguy cơ; Khám lần 2: kiểm tra sự phát triển của thai, các yếu tố bệnh lý hoặc dọa đẻ non; Khám lần 3: dự kiến ngày, nơi sinh, tiên lượng cuộc đẻ).

  • Chăm sóc dinh dưỡng: Người mẹ cần được ăn uống đủ chất, ăn nhiều thức ăn bổ dưỡng như thịt, cá, trứng, rau quả tươi và ăn nhiều hơn bình thường, nhất là trong ba tháng đầu của thai. Tuyệt đối không dùng các chất kích thích như: cà phê, thuốc lá, ma túy, rượu, không dùng các loại thuốc chữa bệnh có nguồn gốc androgen.

  • Thực hiện tiêm chủng đầy đủ và theo dõi cân nặng cho các bà mẹ. Phụ nữ mang thai nên tiêm vắc xin phòng uốn ván và tăng cân tối đa từ 10 -12 kg trong thời kỳ mang thai.

  • Chăm sóc sức khoẻ tinh thần: Người mẹ cần ngủ đủ giấc và nên giữ tinh thần luôn nhẹ nhàng, thoải mái. Trong thời kỳ mang thai người phụ nữ rất cần đến sự quan tâm chia sẻ và động viên của chồng cũng như người thân trong gia đình.

Các bạn hãy luôn nhớ,

Để mẹ khoẻ, con khoẻ phụ nữ mang thai cần được ăn uống đầy đủ, lao động nghỉ ngơi hợp lý, thực hiện tiêm phòng và uống thuốc theo sự hướng dẫn của bác sỹ”

Cám ơn sự quan tâm theo dõi của các bạn.

Bài 43: Nạn tảo hôn ở nước ta và các hệ luỵ
Chào quý vị và các bạn,

Chỉ vì muốn có cháu sớm nên ông An muốn tổ chức ngay đám cưới cho con trai. Mặc dù thằng Toàn con trai ông mới 17 tuổi và vợ nó còn thiếu 6 tháng mới đầy 17 tuổi. Ai khuyên can thì ông bảo cứ cưới trước cho có con rồi sau đủ tuổi cho nó đi đăng ký có sao đâu. Đó là ông nói theo cái lý của riêng ông chứ các con ông ở tuổi đó thì ai dám chắc là chúng sịnh đẻ bình thường khỏe mạnh.



Vậy nên chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. hôm nay chúng ta sẽ cùng bàn về Nạn tảo hôn ở Việt Nam và các hệ luỵ để sau chương trình này có thể ông An sẽ nghĩ lại.

Ông bà xưa có câu “ Gái thập tam, Nam thập lục” (có nghĩa là con gái 13 tuổi, con trai 16 tuổi đã có thể sinh đẻ ). Tuy nhiên ở tuổi này cơ thể và bộ máy sinh dục của cả nam và nữ vẫn còn đang phát triển, chưa hoàn thiện, chưa thích hợp cho việc sinh đẻ. Nếu kết hôn và sinh đẻ ở tuổi này thì rất nguy hiểm cho tính mạng của cả mẹ và con. Đứa con sinh ra sẽ còi cọc, nhẹ cân, không thể khỏe mạnh, dễ bị các dị tật. Chính vì vậy mà Luật hôn nhân và gia đình của nước ta đã quy định tuổi kết hôn của nữ là đủ 18 tuổi trở lên và tuổi kết hôn của nam là đủ 20 tuổi trở lên.

Nếu nam nữ kết hôn dưới tuổi quy định của luật pháp thì gọi là Tảo hôn và hôn nhân sẽ không được pháp luật công nhận, bảo hộ.

Thực tế ở nước ta, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu, vùng xa, tình trạng nam nữ kết hôn sớm dưới tuổi quy định của pháp luật vẫn còn nhiều, chiếm gần 20% số kết hôn.

Vì sao đã có quy định tuổi kết hôn theo luật pháp mà tệ nạn tảo hôn vẫn còn diễn ra nhiều?


  • Thứ nhất là do phong tục tập quán lạc hậu. Tâm lý muốn có con đàn cháu sớm của nhiều gia đình ở các vùng sâu, vùng xa vẫn tồn tại.

  • Thứ hai là do trình độ dân trí thấp, lạc hậu, thiếu hiểu biết về luật pháp, chỉ theo “luật tục” xưa cũ.

  • Thứ ba là việc quản lý hành chính của chính quyền địa phương còn yếu, thiếu cương quyết, cả nể theo tình cảm bản địa.

  • Thứ tư là các tổ chức đoàn thể xã hội hoạt động còn yếu kém, còn thờ ơ chưa tạo được dư luận xã hội đủ mạnh để lên án, phản ứng trước tệ nạn tảo hôn.

Chúng ta cũng biết rằng tệ nạn tảo hôn đã gây tác động xấu và biết bao hệ lụy cho cả gia đình và xã hội:

  • Các đám cưới tảo hôn thường là ép gả, cưới theo ý nguyện, toan tính của gia đình, thường là vì lợi ích kinh tế.

  • Trai, gái lấy vợ, lấy chồng sớm sẽ không có cơ hội để học tập, phát triển cho tương lai sau này.

  • Lấy vợ, lấy chồng sớm khi cơ thể vẫn chưa phát triển hoàn thiện còn là nguyên nhân dẫn đến bệnh tật, đau ốm thường xuyên nên gia đình nghèo đói.

  • Lấy vợ, lấy chồng sớm, sinh con ở tuổi chưa thành niên còn là nguyên nhân dẫn đến tử vong cả mẹ và con, để lại gánh nặng cho gia đình và xã hội. Nếu không thì con sinh ra cũng bị còi cọc, làm gia tăng tỷ lệ trẻ suy dinh dưỡng. Thậm chí tỷ lệ trẻ sinh ra bị khuyết tật của các cặp vợ chồng ở tuổi vị thành niên luôn cao hơn so với các cặp vợ chồng ở độ tuổi thành niên.

  • Các gia đình tuổi vị thành niên sẽ làm gia tăng gánh nặng cho xã hội về chăm sóc y tế, về giáo dục và phần nhiều là gia tăng nghèo đói vì các gia đình tảo hôn chưa đủ sức khỏe để đảm đương công việc lao động nặng nhọc, chưa có kinh nghiệm trong xây dựng, phát triển kinh tế gia đình.

Nếu không muốn để các hệ lụy này xảy ra thì cộng đồng chúng ta phải coi tảo hôn là một tệ nạn xã hội, một phong tục lạc hậu cần phải tuyên truyền vận động các gia đình, các dòng họ không ép buộc con cháu cưới tảo hôn.

Các đoàn thể chính trị của thanh niên, phụ nữ cần phối hợp với chính quyền địa phương để tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện nếp sống văn hóa, xây dựng thôn bản văn hóa. Vận động các gia đình cam kết không cưới vợ, gả chồng cho con tảo hôn.



Vì chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống không cưỡng ép tảo hôn.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.


Bài 44: Hậu quả của hôn nhân cận huyết thống.
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Hôn nhân cận huyết thống và ảnh hưởng của nó tới chất lượng dân số”.

Vậy thế nào là hôn nhân cận huyết thống?- Hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân giữa những người có quan hệ dòng máu trực hệ trong phạm vi 3 đời (kể cả bên nội và bên ngoại )

Tại sao những người có quan hệ trực hệ dòng máu trong phạm vi 3 đời lại không được kết hôn với nhau? - Bởi vì hôn nhân cận huyết sẽ dẫn đến các nguy cơ dễ mắc các bệnh di truyền do thoái hóa gen như bệnh tan máu bẩm sinh, bệnh mù màu, bệnh bạch tạng, vảy nến và đặc biệt là các bệnh di dạng, khuyết tật. Đứa trẻ sinh ra do hôn nhân cận huyết thì thể trạng sức khỏe sẽ kém phát triển, dễ bị mắc các bệnh về thần kinh, về huyết học, bị suy dinh dưỡng do chức năng chuyển hóa kém. Tóm lại là những người có huyết thống trực hệ trong phạm vi ba đời mà kết hôn với nhau có thể cho ra đời những đứa con không được hoàn hảo, dễ bị suy dinh dưỡng, tăng khả năng bệnh tật, dẫn đến nguy cơ chất lượng dân số càng suy giảm dần, số lượng dân số không phát triển được.

Bởi vậy Luật hôn nhân và gia đình của Việt Nam ta đã qui định: “Cấm kết hôn giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa anh chị em cùng cha mẹ, cùng cha khác mẹ hoặc cùng mẹ khác cha, giữa những người có quan hệ dòng máu trong phạm vi ba đời”.

Sở dĩ luật phải qui định cấm bởi vì hôn nhân cận huyết thống sẽ làm ảnh hưởng đến sự tồn vong của dòng giống.

Tuy nhiên trong thực tế ở một số dân tộc, do tập tục, lại sống biệt lập, cát cứ ở nơi xa xôi hẻo lánh nên nhiều người trong một họ sống với nhau trong một khu vực, không có điều kiện giao thiệp với bên ngoài nên con cháu họ buộc phải kết hôn với nhau. Cũng có những dân tộc khác do vấn đề tài sản thừa kế không để bị phân chia ra ngoài dòng tộc nên cũng dẫn đến hôn nhân cận huyết.

Hôn nhân cận huyết đã ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng dân số, đến tương lai nòi giống vì vậy chúng ta phải tuyên truyền giáo dục, vận động để bà con thấy rõ tác hại của hôn nhân cận huyết thống mà thay đổi tập tục cũ lạc hậu.

Thực tế là hôn nhân cận huyết thống đã làm cho nhiều dân tộc thiểu số không phát triển tăng lên được về số lượng. Thậm chí đang hao hụt dần và đứng trước nguy cơ tiêu vong.

Vậy bạn muốn cho dòng tộc của mình phát triển ngày thêm đông, no ấm hay cam phận một dòng tộc có nhiều người đau ốm, khuyết tật, nhiều người phải giã từ cõi đời khi vẫn còn ít tuổi. Số lượng người trong dòng tộc càng giảm đi, không phát triển thêm được.

Quí vị và các bạn, đặc biệt là các bạn trẻ cần sớm nhận biết, chính tập tục hôn nhân cận huyết đã khiến cho dòng tộc của mình không được khỏe mạnh và các thế hệ con cháu của mình đang phải gánh chịu hậu quả của hôn nhân cận huyết thống.

Dòng tộc của bạn sẽ hưng thịnh hay sẽ tiêu vong là tùy thuộc vào thái độ của bạn trước vấn nạn hôn nhân cận huyết thống theo tập tục.

Hãy nói không với hôn nhân cận huyết thống.

Chỉ kết hôn đúng theo quy định của pháp luật thì dòng tộc của bạn mới có cơ hội để phát triển, hưng thịnh.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.

Bài 45: Bạn phải làm gì khi bị ép buộc tảo hôn, hôn nhân cận huyết thông?
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Làm thế nào để tự giải thoát khỏi tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống ?”

Như chúng ta đã biết, tảo hôn là việc kết hôn khi con gái chưa đủ 18 tuổi và con trai chưa đủ 20 tuổi theo quy định của pháp luật. Còn hôn nhân cận huyết thống là hôn nhân mà cô dâu và chú rể có quan hệ huyết thống trong phạm vi ba đời ( kể cả bên nội hoặc bên ngoại ). Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống đa phần là ở vùng sâu, vùng xa, dân cư sống biệt lập, có tập tục lạc hậu, kinh tế chưa phát triển, trình độ dân trí thấp, còn chịu ảnh hưởng nhiều của tập tục lạc hậu.

Hôn nhân cận huyết thống sẽ làm cho những đứa con sinh ra không được khỏe mạnh, dễ bị các bệnh di truyền do ảnh hưởng cận huyết thống, thoái hóa gen vì vậy làm cho nhiều dân tộc không phát triển được hoặc đang đứng trước nguy cơ tự tiêu vong. Tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống cũng còn có lý do về tài sản thừa kế của dòng tộc không muốn để vào tay người ngoài nên các cuộc hôn nhân đa phần là sắp đặt, ép buộc theo tục lệ.

Ngày nay dưới chế độ mới, Luật hôn nhân và gia đình của Nhà nước ban hành đã quy định chế độ hôn nhân tiến bộ, một vợ, một chồng, vợ chồng bình đẳng và hoàn toàn tự nguyện. Luật cũng nghiêm cấm việc tảo hôn, việc ép hôn của những người có quan hệ trực hệ, huyết thống trong phạm vi ba đời. Do vậy tảo hôn, hôn nhân sắp đặt, ép gả, hôn nhân cận huyết thống đều là hôn nhân trái với quy định của luật pháp và sẽ không được pháp luật công nhận, bảo hộ.

Nếu bạn là nạn nhân của tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì bạn phải biết dựa vào quy định của luật pháp để tự bảo vệ tương lai, hạnh phúc của chính mình, đừng cam chịu theo sự sắp đặt của tập tục lạc hậu, cổ hủ. Bạn hãy tìm đến các đoàn thể như đoàn thanh niên, hội phụ nữ ở địa phương… để được giúp đỡ, bảo vệ. Nếu gia đình, dòng tộc đã ép buộc bạn thực hiện tảo hôn, hôn nhân cận huyết mà bạn buộc phải tuân theo thì Đoàn thanh niên, Hội phụ nữ ở địa phương có thể đứng ra yêu cầu Tòa án Nhân dân tuyên bố hủy bỏ việc kết hôn trái pháp luật mà gia đình, dòng tộc đã sắp đặt, ép buộc bạn.

Để tạo môi trường xã hội thuận lợi ngăn chặn tệ nạn tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống thì cần củng cố các tổ chức đoàn thể chính trị như đoàn thanh niên, hội phụ nữ, hội Cựu chiến binh để các tổ chức đoàn thể này đủ sức bảo vệ quyền lợi của thanh niên, hội viên. Cần tăng cường công tác tuyên truyền giáo dục phổ biến Luật hôn nhân và gia đình trong Nhân dân. Vừa tuyên truyền chung trong cộng đồng, vừa tuyên truyền trực tiếp cho người đứng đầu dòng tộc, các gia đình có con tảo hôn, hôn nhân cận huyết thống .

Chỉ có tăng cường tuyên truyền, giáo dục luật pháp để Nhân dân hiểu được tác hại của Tảo hôn, Hôn nhân cận huyết thống và không làm theo các tập tục lạc hậu thì mới có thể nâng cao chất lượng dân số, chất lượng cuộc sống của chúng ta.

Hãy biết tự giải thoát mình hoặc nhờ đoàn thể, chính quyền giúp mình giải thoát không chấp nhận hôn nhân cận huyết thống.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 46: Cần phải làm gì để nâng cao chất lượng dân sô?
Chào quý vị và các bạn,

Bà Mai cứ thắc mắc với cán bộ dân số, còn 6 tháng nữa con bà sẽ cưới vợ mà nghe đâu chúng nó đã đưa nhau đi tiêm cái gì..la la ấy. Thời của bà có ai trước khi cưới lại phải đi tiêm đâu cơ chứ. Chị cán bộ dân số nghe xong cười nói với bà: không phải cái gì ...la la đâu bác ơi. Mà chúng nó đi tiêm phòng vắc xin Ru- ben- la đấy bác ạ. Bây giờ phải tiêm phòng loại này để khi cưới có thai sẽ tránh được các bệnh tật ngay từ thai nhi bác ạ. Nghe cán bộ dân số giải thích, bà Mai như trút được gánh nặng trong lòng.



Quý vị và các bạn đã nghe chuyện thắc mắc của bà Mai . Hôm nay chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên sẽ bàn về vấn đề là Cần phải làm gì để nâng cao chất lượng dân sô?

Chiến lược quốc gia về Dân số - Sức khỏe sinh sản giai đoạn 2011-2020 ở nước ta đã xác định tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số, cải thiện tình trạng sức khỏe sinh sản và duy trì mức sinh hợp lý.

Trong giai đoạn hiện nay, bình quân chung toàn quốc đã đạt được mức sinh thay thế. Giảm sinh không còn là ưu tiên hàng đầu trên phạm vi toàn quốc nữa mà cần tập trung vào việc nâng cao chất lượng dân số.

Vậy chất lượng dân số là như thế nào ?

Có thể hiểu muốn có chất lượng dân số thì mỗi đứa trẻ ngay từ khi còn là thai nhi đến khi sinh ra và lớn lên phải phát triển hoàn toàn bình thường, khỏe mạnh cả về thể chất, trí tuệ và tinh thần.

Điều 20 của Pháp lệnh dân số năm 2003 cũng đã xác định: “Nâng cao chất lượng dân số là chính sách cơ bản của Nhà nước trong sự nghiệp phát triển đất nước”.

Nhà nước thực hiện chính sách nâng cao chất lượng dân số về thể chất, trí tuệ và tinh thần nhằm nâng cao chỉ số phát triển con người của Việt Nam lên mức tiên tiến của thế giới, đáp ứng yêu cầu của Công nghiệp hóa – Hiện đại hóa đất nước. (Chỉ số phát triển con người của mỗi quốc gia bao gồm: thu nhập bình quân đầu người; sức khỏe chung của con người về cân nặng, chiều cao, sức bền, dinh dưỡng, các dị tật; và chỉ số về giáo dục. Năm 2006 chỉ số phát triển con người ở Việt Nam được xếp thứ 108/177 nước.)

Các biện pháp để nâng cao chất lượng dân số là:



  • Nhà nước đảm bảo quyền cơ bản của con ngươi: quyền phát triển đầy đủ, bình đẳng về thể chất, trí tuệ, tinh thần; hỗ trợ nâng cao những chỉ số cơ bản về chiều cao, cân nặng, sức bền; tăng tuổi thọ bình quân; nâng cao trình độ học vấn và tăng thu nhập bình quân đầu người.

  • Tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ Nhân dân hiểu và chủ động tự nguyện thực hiện các biện pháp để nâng cao chất lượng dân số.

  • Đa dạng hóa các loại hình cung cấp hàng hóa và dịch vụ công cộng, đặc biệt về giáo dục, y tế để cải thiện chất lượng dân số.

  • Thực hiện chính sách và biện pháp hỗ trợ đối với vùng có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn để nâng cao chất lượng dân số.

Để thực hiện được các biện pháp đó, Nhà nước cũng đã giao trách nhiệm cụ thể :

  • Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số, thông qua các chương trình, dự án phát triển kinh tế- xã hội, đầu tư cơ sở hạ tầng kỹ thuật, xây dựng hệ thống an sinh xã hội và bảo vệ môi trường sinh thái.

  • Cơ quan , tổ chức, cá nhân có trách nhiệm thực hiện công tác bảo vệ sức khỏe và rèn luyện thân thể, nâng cao trình độ giáo dục và phát triển trí tuệ, phát triển kinh tế và nâng cao phúc lợi xã hội, giữ gìn giá trị văn hóa, tinh thần và bảo vệ môi trường sinh thái.

  • Cơ quan quản lý Nhà nước về Dân số có trách nhiệm phối hợp với các cơ quan, tổ chức hữu quan xây dựng và triển khai thực hiện mô hình nâng cao chất lượng dân số với phát triển gia đình bền vững; mô hình tác động nâng cao chất lượng dân số cộng đồng; cung cấp thông tin, tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ gia đình, cá nhân thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.

  • Cơ quan, tổ chức , cá nhân được cung cấp thông tin, hướng dẫn, giúp đỡ và tự nguyện thực hiện các biện pháp nâng cao chất lượng dân số.

Tuy nhiên chất lượng dân số của cả nước cũng phải bắt đầu từ chất lượng dân số của mỗi gia đình. Cần hướng tới xây dựng mô hình Gia đình no ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc, bền vững. Cụ thể:

+ Nhà nước có chính sách và biện pháp nhằm loại trừ mọi hình thức phân biệt giới, phân biệt đối xử giữa con trai và con gái, bảo đảm phụ nữ và nam giới có quyền lợi và nghĩa vụ như nhau trong việc xây dựng gia đình: No ấm - Bình đẳng -Tiến bộ - Hạnh phúc và bền vững.

+ Nhà nước có chính sách khuyến khích duy trì gia đình nhiều thế hệ, mở rộng các dịch vụ xã hội phù hợp với các hình thức gia đình; bảo đảm cho mọi thành viên trong gia đình được hưởng các quyền lợi và thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ.

+ Cơ quan, tổ chức, cá nhân có trách nhiệm tuyên truyền, tư vấn và giúp đỡ gia đình nâng cao đời sống vật chất, tinh thần và xây dựng cuộc sống ấm no, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững.

+ Các thành viên trong gia đình có trách nhiệm hỗ trợ nhau trong việc thực hiện các biện pháp chăm sóc sức khỏe , sức khỏe sinh sản, kế hoạch hóa gia đình, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho từng thành viên trong gia đình.

Để hỗ trợ các gia đình có điều kiện thực hiện mô hình gia đình: No ấm, bình đẳng, tiến bộ, hạnh phúc và bền vững, góp phần nâng cao chất lượng dân số gia đình thì Uỷ ban nhân dân các cấp, đặc biệt là cấp cơ sở có trách nhiệm chỉ đạo thực hiện các biện pháp phát triển kinh tế, các dịch vụ xã hội, bảo đảm an sinh xã hội nhằm nâng cao chất lượng dân số của cộng đồng trong phạm vi địa phương, góp phần vào việc nâng cao chất lượng dân số chung của cả nước.

Để ngày mai đất nước giầu mạnh thì hôm nay phải đầu tư nâng cao chất lượng dân số”

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 47: Vai trò của dinh dưỡng trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Vai trò của dinh dưỡng trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Tốc độ đô thị hóa nhanh đã làm thay đổi bữa ăn, cách ăn và lối sống của nhiều gia đình, nhiều vùng quê. Môi trường đất, nguồn nước, thực phẩm, không khí ngày càng ô nhiễm. Lối sống và cách ăn đã thay đổi khi đời sống kinh tế các gia đình được nâng lên. Sở thích ăn nhiều mỡ, nhiều thịt, nhiều đường, giảm rau, uống nhiều bia rượu, nước giải khát có ga, dùng đồ ăn nhanh, đồ ăn được chế biến sẵn và đời sống thiếu vận động đã làm tăng nguy cơ mắc nhiều bệnh như béo phì, bệnh tim mạch, bệnh ung thư, bệnh tiểu đường, bệnh gan, loãng xương… đã ảnh hưởng trực tiếp đến một bộ phận không nhỏ dân cư, không chỉ người lớn mà ngay cả trẻ em độ tuổi tiểu học. Rõ ràng là bữa ăn, dinh dưỡng đang tác động, ảnh hưởng xấu đến chất lượng dân số.

Vậy chúng ta phải giải quyết vấn đề này như thế nào ?

Thưa quí vị và các bạn.

Dinh dưỡng là cái gốc của sức khỏe, là cơ sở để tạo ra con người khỏe mạnh, thông minh. Chúng ta xem xét dinh dưỡng qua bữa ăn từ góc độ của cả xã hội:


  • Bữa ăn là vấn đề kinh tế lớn của xã hội. “Miệng ăn núi lở”. Vì vậy cần bảo đảm bữa ăn đủ dinh dưỡng với chi phí tiết kiệm nhất.

  • Bữa ăn cũng là vấn đề khoa học. Bữa ăn trên cơ sở kiến thức khoa học về dinh dưỡng hiện đại. Tuyên truyền giáo dục để mọi người, mỗi gia đình cần biết nên ăn gì, ăn bao nhiêu, cách làm ra cái để ăn và cách ăn uống hợp lý, tiết kiệm.

  • Bữa ăn là vấn đề xã hội lớn. “Đói ăn vụng, túng làm liều”. Phải giải quyết việc làm để có thu nhập, để bảo đảm ăn cho bản thân mỗi người và gia đình.

  • Bữa ăn là vấn đề văn hóa lớn. Cần giữ truyền thống tốt đẹp của dân tộc “Đói cho sạch”, “lá lành đùm lá rách”. Bảo vệ và giữ gìn các món ăn ngon truyền thống, nhiều dinh dưỡng của dân tộc, tiếp thu món ăn truyền thống của các nước phù hợp với điều kiện và thực tế nước ta.

Vì bữa ăn, chế độ dinh dưỡng có liên quan đến chất lượng dân số cho nên cần có sự chăm lo giải quyết vấn đề bữa ăn từ góc độ xã hội theo quan điểm:

  • Đầu tư cho dinh dưỡng là đầu tư cho sự phát triển. Đầu tư cho dinh dưỡng sẽ tạo ra nguồn nhân lực có tiềm lực sức khỏe, có trí lực để có khả năng lao động sáng tạo phục vụ cho phát triển của đất nước. Đầu tư cho dinh dưỡng còn là thực hiện quyền được sống no đủ của người dân. Là quyền của trẻ em được chăm sóc chống suy dinh dưỡng. Là quyền bình đẳng giới đối với phụ nữ để bảo tồn, duy trì nòi giống.

  • Giáo dục cho cộng đồng về dinh dưỡng để có kiến thức cơ bản về bữa ăn hợp lý, về giá trị của các loại thực phẩm để mọi người biết được nên ăn gì, ăn bao nhiêu, không ăn thừa và cũng không ăn thiếu. Giáo dục kiến thức dinh dưỡng cho mọi người, đặc biệt là cho phụ nữ vì phụ nữ là người chăm lo cho bữa ăn gia đình.

  • Đẩy mạnh cuộc vận động xóa đói giảm nghèo. Khuyến khích phát triển mô hình phát triển kinh tế gia đình VAC (vườn-ao-chuồng) để xóa đói giảm nghèo, bảo đảm an ninh dinh dưỡng cho gia đình và cộng đồng.

  • Tổ chức bữa ăn hợp lý, khoa học và tiết kiệm dựa chủ yếu vào thực phẩm có nguồn gốc thực vật.

  • Tuyên truyền hướng dẫn để toàn dân thực hiện vệ sinh an toàn thực phẩm. Bảo đảm thức ăn không được là nguồn gây ra bệnh cho con người.

Chế độ dinh dưỡng hợp lý, khoa học là nguồn gốc cơ bản để tạo nên sức lực, trí lực và tinh lực cho mỗi người, góp phần vào nâng cao chất lượng dân số của xã hội. Quan tâm đến chất lượng dinh dưỡng bữa ăn chính là quan tâm đến chất lượng cuộc sống, chất lượng dân số. Bởi vậy mỗi người, mỗi gia đình, toàn xã hội phải quan tâm đến bữa ăn hàng ngày để dinh dưỡng là nguồn bổ sung , đem lại sức khỏe hữu ích cho mỗi con người.

Đừng sai lầm để ăn uống là nguồn gốc gây bệnh cho chính mình, ảnh hưởng đến gia đình và xã hội.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 48: Vai trò của chăm sóc sức khoẻ trong việc nâng cao chất lượng dân số.
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Vai trò chăm sóc sức khoẻ trong việc nâng cao chất lượng dân số.

Như chúng ta đã biết: Chất lượng dân số là sự phản ánh các đặc trưng về thể chất, trí tuệ và tinh thần của toàn bộ dân số. Sức khỏe con người là cái gốc của chất lượng dân số. Hiến pháp của Nhà nước Việt Nam được sửa đổi năm 2013 cũng đã qui định tại điều 20: “Khẳng định mọi người đều được hưởng quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo hộ về sức khỏe …”

Quốc hội cũng đã ban hành Luật chăm sóc bảo vệ sức khỏe Nhân dân.

Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Pháp lệnh Dân số năm 2003 cũng qui định việc kiểm tra sức khỏe nam nữ trước khi kết hôn bao gồm: “những nội dung liên quan đến bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS. Cơ sở thực hiện kiểm tra sức khỏe thông báo kết quả kiểm tra và tư vấn về ảnh hưởng của kết quả kiểm tra đối với sức khỏe cho cả 2 bên nam, nữ; bảo đảm bí mật của kết quả kiểm tra sức khỏe theo qui định của pháp luật”. Nghị định cũng đã qui định việc kiểm tra sức khỏe và bệnh di truyền những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tâm thần, bệnh di truyền, người có nguy cơ bị khuyết tật về gen, người bị nhiễm chất độc hóa học, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại và các bệnh lây nhiễm cần được vận động đi kiểm tra sức khỏe trước khi có ý định sinh con. Ban dân số - gia đình và trẻ em, phòng y tế cấp xã phường có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho những người có nguy cơ cao về bệnh di truyền đi kiểm tra bệnh di truyền. Cơ sở y tế thực hiện kiểm tra sức khỏe bệnh di truyền có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra, tư vấn cho người được kiểm tra hoặc gia đình của người được kiểm tra về ảnh hưởng của bệnh tật đối với việc sinh con và bảo đảm bí mật kết quả kiểm tra theo qui định của pháp luật.

Ở Việt Nam tỷ lệ thai nhi bị dị tật bẩm sinh là 3%. Nếu mỗi năm ước có 1 triệu trẻ em sinh ra thì thì có từ 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh. Nếu chẩn đoán sàng lọc tốt sẽ phát hiện sớm được 1.700 trẻ bị tan máu bẩm sinh thể nặng, 1.400 trẻ bị dow, 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh, 10.000 đến 20.000 trẻ bị thiếu men G6PD và nhiều bệnh lý di truyền, dị tật bẩm sinh khác, để có thể điều trị sớm một số bệnh ngay trong thời kỳ thai nhi. Việc chăm sóc sức khỏe cho nhóm đối tượng đặc thù cũng cần được quan tâm. Trong chính sách Dân số - chăm sóc sức khỏe sinh sản cũng qui định: “Tư vấn cho các cặp vợ chồng có nguy cơ cao để từng bước giảm tỷ lệ dân số bị thiểu năng về thể lực và trí tuệ do các nguyên nhân di truyền bẩm sinh, nhất là do hậu quả nhiễm chất độc màu da cam. Xúc tiến nghiên cứu thử nghiệm, tiến tới ứng dụng sàng lọc gen cho nhóm đối tượng này. Từng bước ứng dụng các kỹ thuật y sinh học tiên tiến như tạo phôi trong ống nghiệm, sàng lọc và lưu trữ tinh trùng nhằm nâng cao chất lượng dân số.”

Điều 23 - Pháp lệnh dân số năm 2003 cũng đã xác định: “Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho nam nữ kiểm tra sức khỏe trước khi đăng ký kết hôn. Xét nghiệm gen đối với người có nguy cơ bị khuyết tật về gen, nhiễm chất độc hóa học. Tư vấn về gen di truyền, giúp đỡ vật chất và tinh thần đối với người bị khuyết tật về gen, nhiễm chất độc, nhiễm HIV/AIDS.

Điều 38 Hiến pháp năm 2013 xác định: “mọi người có quyền được bảo vệ, chăm sóc sức khỏe, bình đẳng trong việc xử dụng các dịch vụ y tế và có nghĩa vụ thực hiện các quy định về phòng bệnh, khám bệnh, chữa bệnh. Nghiêm cấm các hành vi đe dọa cuộc sống, sức khỏe của người khác và cộng đồng”.

Chế độ chăm sóc sức khỏe trong nâng cao chất lượng dân số rất quan trọng đặc biệt là chăm sóc sức khỏe, sức khỏe sinh sản trong nhóm đối tượng có nguy cơ rủi ro cao.



Hãy thực hiện tốt việc chăm sóc sức khỏe ban đầu để nâng cao chất lượng dân số .

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 49: Lợi ích của sàng lọc, chẩn đoán trước và sơ sinh.
Chào quý vị và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Lợi ích của sàng lọc, chẩn đoán trước và sơ sinh.

Các bạn và quí vị cũng đã biết, trong thời kỳ mang thai có nhiều nguy cơ có thể xảy ra đối với sức khỏe của người phụ nữ do đó việc chăm sóc sức khỏe phụ nữ có thai là việc làm rất cần thiết và quan trọng. Vì vậy việc khám thai định kỳ, khám thai để chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh là rất quan trọng và rất cần thiết.

Tại sao phải khám thai để chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh ?

Mỗi năm ở nước ta có một triệu trẻ em sinh ra. Trong số này trẻ sinh ra bị dị tật bẩm sinh chiếm khoảng 3%, tức khoảng 22.000 đến 30.000 trẻ sinh ra. Nếu như tất cả các bà mẹ sinh con đều được khám chẩn đoán để sàng lọc trước sinh thì trong 1 triệu trẻ em sinh ra có thể phát hiện được sớm 1.700 trẻ bị bệnh tan máu bẩm sinh thể nặng, 1.400 trẻ bị bệnh Down, 500 trẻ bị dị tật ống thần kinh, 200 trẻ bị suy giáp trạng bẩm sinh và 50-70 trẻ bị dị tật chưa rõ nguyên nhân. Nếu các bà mẹ mang thai được khám sàng lọc kết hợp với chẩn đoán sàng lọc tốt sẽ loại bỏ được 95% những dị tật bất thường và cho ra đời những đứa trẻ hoàn toàn khỏe mạnh. Tuy nhiên khó khăn hiện nay là ngành y tế mới khám sàng lọc được 1% (khoảng 10 ngàn ca).

Khám thai để chẩn đoán sàng lọc trước sinh, sơ sinh hiện nay là một việc làm được luật pháp khuyến khích, cho phép.

Nghị định của Chính phủ hướng dẫn việc thực hiện Pháp lệnh Dân số năm 2003 cũng qui định việc kiểm tra sức khỏe nam nữ trước khi kết hôn bao gồm: những nội dung liên quan đến bệnh di truyền, bệnh lây truyền qua đường tình dục, nhiễm HIV/AIDS. Cơ sở thực hiện kiểm tra sức khỏe thông báo kết quả kiểm tra và tư vấn về ảnh hưởng của kết quả kiểm tra đối với sức khỏe cho cả 2 bên nam, nữ; bảo đảm bí mật của kết quả kiểm tra sức khỏe theo qui định của pháp luật. Nghị định cũng đã qui định việc kiểm tra sức khỏe và bệnh di truyền những người có tiền sử gia đình có người mắc bệnh tâm thần, bệnh di truyền, người có nguy cơ bị khuyết tật về gen, người bị nhiễm chất độc hóa học, người thường xuyên tiếp xúc với hóa chất độc hại và các bệnh lây nhiễm cần được vận động đi kiểm tra sức khỏe trước khi có ý định sinh con. Ban dân số- gia đình và trẻ em, phòng y tế cấp xã phường có trách nhiệm tuyên truyền, vận động và tạo điều kiện cho những người có nguy cơ cao về bệnh di truyền đi kiểm tra bệnh di truyền. Cơ sở thực hiện kiểm tra sức khỏe bệnh di truyền có trách nhiệm thông báo kết quả kiểm tra, tư vấn cho người được kiểm tra hoặc gia đình của người được kiểm tra về ảnh hưởng của bệnh tật đối với việc sinh con và bảo đảm bí mật kết quả kiểm tra theo qui định của pháp luật.

Khám thai để chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh là việc rất nên làm để giúp cho các bà mẹ được tư vấn chủ động trong việc sinh ra những đứa con hoàn toàn khỏe mạnh, bình thường, tránh được các rủi ro đáng tiếc .

Khám thai để được chẩn đoán sàng lọc trước sinh và sơ sinh để nâng cao chất lượng dân số là việc rất nên làm.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.



Bài 50: Bình đẳng giới mang lại hạnh phúc cho gia đình và xã hội phát triển.
Xin chào quí vi và các bạn,

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là Bình đẳng giới sẽ mang lại lợi ích cho các gia đình và cộng đồng xã hội phát triển.

Trong lịch sử phát triển của xã hội loài người thì vai trò xã hội của giới cũng có sự thay đổi. Trong chế độ mẫu hệ thì vai trò xã hội của giới nữ được xã hội tôn vinh, coi trọng. Phụ nữ đảm đương và quyết định chủ yếu các công việc trong gia đình và bộ tộc. Trong chế độ phụ hệ cộng với tư tưởng Nho giáo thì vai trò nam giới lại được đề cao để thay thế cho chế độ mẫu hệ. Cả hai chế độ xã hội trên đều tạo ra sự bất bình đẳng giới, đặc biệt là bất bình đẳng giới với nữ như hiện nay.

Bất bình đẳng giới đối với giới nữ hiện nay được thể hiện trên 4 lĩnh vực chủ yếu là:


  • Công việc gia đình luôn luôn quá tải do chị em phải đảm đương nhiều vai trò cùng một lúc: vừa lao động sản xuất, vừa chăm sóc gia đình, con cái, không còn thời gian để chăm lo cho bản thân.

  • Thiệt thòi hơn về chính trị, kinh tế. Phụ nữ ít có cơ hội tham gia vào việc ra quyết định trong các vấn đề xã hội có liên quan và ngay cả các vấn đề trong gia đình.

  • Phụ nữ ít có sự lựa chọn và cơ hội hơn nam trong tất cả các lĩnh vực, đặc biệt trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản. Phụ nữ không có quyền quyết định thực hiện biện pháp tránh thai và kế hoạch hóa gia đình.

  • Phụ nữ và con gái luôn là đối tượng bị bạo hành trong gia đình, kể cả bạo lực tình dục. Phụ nữ không được đảm đương các công việc trong gia đình và xã hội hơn chồng.

Trong xã hội ngày nay, chúng ta đang cố gắng để thực hiện sự bình đẳng giới trong vai trò xã hội của cả nam và nữ. Bình đẳng giới trong vai trò xã hội sẽ phát huy được tiềm năng của cả nam và nữ, dẫn đến sự bình đẳng trong phân công lao động, nâng cao vị thế và khả năng ra quyết định của phụ nữ.

Hiến pháp được sửa đổi năm 2013 của Nhà nước ta cũng đã khẳng định: “công dân nữ và nam có quyền ngang nhau về mọi mặt chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và gia đình… Nghiêm cấm mọi hành vi phân biệt đối xử với phụ nữ, xúc phạm nhân phẩm phụ nữ”. Năm 2006, Nhà nước cũng đã ban hành Luật bình đẳng giới. Luật bầu cử Hội đồng Nhân dân các cấp và Luật bầu cử Quốc hội cũng đã quy định: trong các cơ quan dân cử phải có ít nhất từ 25 đến 30% đại biểu là nữ để nâng cao vai trò và vị thế của phụ nữ trong xã hội. Chính phủ cũng đã có Chương trình Kế hoạch hành động Quốc gia vì sự tiến bộ của phụ nữ với mục tiêu là: “Cải thiện đời sống vật chất và tinh thần, nâng cao phát huy trình độ năng lực và vai trò của phụ nữ; đảm bảo để phụ nữ thực hiện được chức năng của mình và được tham gia đầy đủ, bình đẳng vào tất cả các lĩnh vực hoạt động, đặc biệt là các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa và xã hội trong công cuộc đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước vì mục tiêu Dân giàu, Nước mạnh, Xã hội công bằng, Dân chủ, Văn minh”.

Bình đẳng giới mang lại sự tiến bộ cho phụ nữ. Đó không chỉ là lợi ích riêng của phụ nữ, của gia đình họ mà còn là lợi ích chung của toàn xã hội. Chính phủ, cộng đồng xã hội tạo điều kiện xã hội thuận lợi để phụ nữ tham gia vào các hoạt động phát triển, trong đó chú trọng đặc biệt đến lĩnh vực giáo dục, và chăm sóc sức khỏe sinh sản, giúp phụ nữ phấn đấu vươn lên phát huy vai trò và vị trí của phụ nữ trong thời kỳ đổi mới của đất nước. Xứng đáng với danh hiệu “ Phụ nữ Việt Nam Năng động sáng tạo- Tự tin, tự trọng- Anh hùng bất khuất- Trung hậu đảm đang”.

Bình đẳng giới mang lại lợi ích cho các gia đình và là lợi ích của một xã hội phát triển.

Cảm ơn quí vị và các bạn đã lắng nghe.




TÀI LIỆU THAM KHẢO


  1. Sổ tay Tuyên truyền viên dân số - y tế cơ sở, Tổng cục dân số KHHGĐ, năm 2009

  2. Tài liệu đào tạo nhân viên – SKGĐ cấp cơ sở, Ủy ban quốc gia DS-KHHGĐ, 1999

  3. Dân số - Sức khỏe sinh sản và KHHGĐ Việt Nam, 2001

  4. Tài liệu bồi dưỡng cán bộ cơ sở về công tác Dân số, gia đình và trẻ em. Ủy ban dân số, gia đình và Trẻ em, 2005

  5. Giáo trình dân số, Đại học quốc gia Hà Nội, 2009

  6. Giáo trình thực hiện tiếp thị xã hội các Phương tiện tránh thai, Tổng cục dân số năm 2012

  7. Sổ tay truyền thông, giáo dục và tư vấn sức khỏe, Bộ Y tế, 2005

  8. Sổ tay SKSS gia đình Dự án bình đẳng giới trong CSSKSS, NXB Y học, 2001

  9. Tài liệu hỏi đáp dành cho cán bộ chuyên trách cơ sở, Tổng cục dân số năm 2012

  10. Tài liệu Chuẩn quốc gia về các dịch vụ CSSKSS, Bộ Y tế, 2008.





tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương