TỔng cục dân số KẾ hoạch hóa gia đÌNH


Bài 14: Phá thai bằng thuốc



tải về 0.59 Mb.
trang4/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.59 Mb.
#15516
1   2   3   4   5   6   7

Bài 14: Phá thai bằng thuốc
Chào quý vị và các bạn

Mời quý vị và các bạn theo dõi chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là phá thai bằng thuốc.

Các bạn thân mến,

Mang thai là niềm hạnh phúc của tất cả những người phụ nữ nhưng mang thai ngoài ý muốn lại khiến cho chị em rất lo lắng. Nếu không thể giữ thai, chị em cần lựa chọn biện pháp phá thai an toàn. Trong các phương pháp phá thai, phá thai bằng thuốc hay còn gọi là phá thai nội khoa được nhiều người lựa chọn bởi không cần phải can thiệp bằng thủ thuật. Phá thai bằng thuốc được thực hiện ở tất cả các cơ sở y tế công lập và tư nhân có đủ điều kiện và được cấp có thẩm quyền cho phép, do bác sĩ được đào tạo khám và chỉ định. Tuyệt đối không được tự ý phá thai bằng thuốc để tránh nguy cơ có thể dẫn đến tử vong. Phá thai bằng thuốc đạt hiệu quả 94% ở bệnh viện (vẫn có thể thất bại), tỷ lệ biến chứng không nhỏ, thậm chí tử vong nếu dùng sai chỉ định và không được theo dõi, cấp cứu kịp thời.

Vì không hiểu biết về phương pháp phá thai bằng thuốc mà chị Hoa suýt nữa phải trả giá bằng mạng sống của mình. Chị là cô nuôi dạy trẻ ở một khu công nghiệp của tỉnh A. Chị có người yêu là công nhân trong khu công nghiệp đó. Khi thấy chậm kinh hơn một tuần, chị dùng que thử thai thấy hiện lên hai vạch. Hoa rất lo lắng vì hoàn cảnh hiện tại chưa thể cưới xin gì mà mọi người biết được thì không còn mặt mũi nào. Chị không dám đến bệnh viện để phá thai mà chỉ dám lên mạng tìm hiểu cách phá thai nào nhẹ nhàng nhất, không phải đến bác sĩ. Chị mừng rơn khi thấy có thể phá thai bằng thuốc, vừa không đau đớn lại không ai biết. Không thể chờ đợi, Hoa đã đi mua một loại thuốc để phá thai mà với chị đó là “thần dược”. Uống thuốc được hai chục phút, Hoa thấy đau bụng và ra máu. Tưởng rằng đó là dấu hiệu bình thường nên Hoa vẫn đi làm và yên trí chờ đợi. Gần một ngày máu ra quá nhiều, Hoa bị ngất đi tại nơi làm việc. Các chị em đồng nghiệp vội vàng đưa chị đến bệnh viện cấp cứu. Bác sĩ đã phải truyền máu và nhanh chóng hút thai để cấp cứu cho chị.

Chị Hoa rùng mình khi nhớ lại chuyện đã qua. Tưởng rằng ai cũng có thể phá thai bằng thuốc, uống thuốc xong là thai ra và mọi chuyện trở lại bình thường. Chị đã không tính đến chuyện phải uống thuốc đúng cách và phải được y bác sĩ sản khoa theo dõi sau khi uống thuốc phá thai. Bên cạnh đó, nhiều trường hợp bị chống chỉ định phá thai bằng thuốc như thai ngoài tử cung, đang mang vòng, dùng corticoid kéo dài, có tiền sử băng huyết, vết mổ cũ, thiếu máu, có bệnh về tim mạch, thận, hen phế quản… Người muốn phá thai có một trong các yếu tố chống chỉ định không được áp dụng biện pháp này.

Phá thai bằng thuốc chỉ được áp dụng khi thai dưới 42 ngày tuổi và thai đã nằm trong tử cung. Mà điều này thì chị em không thể biết được, phải được bác sĩ sản khoa khám. Khi xác định chắc chắn thai đã nằm trong tử cung mới được dùng thuốc. Sau khi uống thuốc, chị em cần được theo dõi tại cơ sở y tế và chỉ được về nhà khi bác sĩ cho phép. Các biến chứng có thể gặp khi phá thai bằng thuốc là băng huyết, sót thai hoặc sót rau; chảy máu nhiều và kéo dài, đau bụng nhiều trong quá trình gây sảy thai hoặc có thể bị tác dụng phụ của thuốc như buồn nôn, ớn lạnh, sốt. Do đó, chị em cần theo dõi diễn biến quá trình ra máu, có bất kỳ dấu hiệu nào cần thông báo ngay cho bác sĩ để được hướng dẫn cách xử trí kịp thời.  

Dù không can thiệp thủ thuật nhưng phá thai bằng thuốc vẫn có nguy cơ nhiễm khuẩn đường sinh dục khá cao. Nguyên nhân là do trong quá trình phá thai bằng thuốc, thai phụ ra máu lâu hơn, tạo môi trường thuận lợi cho nhiễm khuẩn huyết, có thể gây tử vong. Bên cạnh đó, đôi khi phá thai bằng thuốc bị thất bại nên phải tiếp tục can thiệp bằng thủ thuật. Phương pháp phá thai bằng thuốc chỉ an toàn khi người cung cấp dịch vụ là các cán bộ y tế đã được đào tạo và có đủ kỹ năng thực hiện phương pháp phá thai này. Cần thực hiện trước ngày thứ 42 của thai kỳ để đảm bảo an toàn trong quá trình phá thai bằng thuốc.

Các bạn thân mến,

Phá thai bằng thuốc là một trong những sự tiến bộ của y học khiến cho quá trình phá thai diễn ra dễ dàng, không phải can thiệp thủ thuật. Tuy nhiên, để thực hiện biện pháp này, cần phải được bác sĩ thăm khám và chỉ định.

Tuyệt đối không được tự ý phá thai bằng thuốc mà phải có bác sỹ được đào tạo khám, chỉ định mới được thực hiện phá thai bằng thuốc.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Bài 15: Hậu quả của phá thai không an toàn
Chào quý vị và các bạn

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là hậu quả của nạo phá thai không an toàn.

Khi mang thai mà không muốn sinh con, các bạn nữ chỉ còn cách phá thai. Ở vào tình cảnh mong muốn thoát khỏi thai nghén càng nhanh càng tốt, các bạn thường bỏ qua yếu tố an toàn. Sợ người khác biết chuyện nên các bạn tìm đến các cơ sở phá thai chui hoặc tự mình thực hiện việc này. Như vậy, các bạn đã thực hiện phá thai không an toàn. Hậu quả là có thể dẫn đến các biến chứng vô cùng nguy hiểm như chảy máu âm đạo, rách cổ tử cung, nhiễm trùng tử cung. Phá thai không an toàn có thể gây chết người.

Xuân là một cô gái ngoan và học giỏi, từ tỉnh ngoài về học ở một trường đại học ở Hà Nội. Xuân có bạn trai là sinh viên trường bên cạnh. Hai người luôn quấn quýt bên nhau và đã vượt quá giới hạn vì không kiềm chế được ham muốn bản thân. Khi biết mình có thai, Xuân rất lo lắng. Không dám kể với ai, Xuân chỉ dám tâm sự với Thảo là cô bạn thân cùng phòng. Thảo khuyên Xuân nên đi bệnh viện phá thai nhưng Xuân không đồng ý. Xuân sợ mọi người biết thì xấu hổ chỉ có chết. Rồi một hôm, Xuân tìm được một địa chỉ phá thai nghe nói là rất uy tín. Xuân nhờ Thảo đưa tới chỗ đó. Thương bạn, Thảo mượn xe đưa Xuân đi. Phòng phá thai ở trong một ngõ nhỏ, khá ẩm thấp. Bà chủ phòng khám nói rằng nơi đây chuyên phục vụ cho các cô gái lỡ dở nên độ bí mật rất cao. Chỉ cần có thế là Xuân yên tâm rồi. Giải quyết xong, Xuân về đi học bình thường, cứ tưởng đã êm mọi chuyện. Nào ngờ hai ngày sau Xuân thấy đau bụng dữ dội, máu ra nhiều. Vì Xuân và Thảo cố giấu nên các bạn cùng phòng không ý thức được mức độ nguy hiểm mà cứ nghĩ cô đang trong ngày đèn đỏ. Cho đến lúc Xuân ngất đi, Thảo mới nói cho các bạn biết chuyện và cả phòng nhanh chóng gọi xe đưa Xuân đi cấp cứu. Bác sĩ chẩn đoán Xuân bị nhiễm trùng máu. Nguyên nhân là do Xuân đã phá thai ở cơ sở không đảm bảo kỹ thuật nên bị sót rau, vi khuẩn xâm nhập vào tử cung gây nhiễm trùng nặng. Bệnh viện hết sức cứu chữa nhưng cô vẫn không qua khỏi. Thế là chỉ vì những phút dại dột mà Xuân đã phải đổi cả mạng sống của mình. Không còn nữa những ngày sinh viên tươi đẹp. Không còn nữa những ước mơ bên giảng đường. Nếu Xuân đến phá thai tại cơ sở y tế chuyên khoa sản có uy tín thì chuyện đã khác. Khi việc phá thai diễn ra an toàn, Xuân hoàn toàn có thể trở lại bình thường để có cơ hội rút kinh nghiệm cho sai lầm của mình.

Các bạn ạ, mang thai ngoài ý muốn mang đến nhiều điều phiền toái cho các bạn nữ. Nhưng nếu có quyết định phá thai, các bạn cần sáng suốt lựa chọn những địa chỉ tin cậy để được phá thai an toàn. Đó là bệnh viện phụ sản tuyến trung ương hoặc bệnh viện phụ sản tuyến tỉnh/thành phố, khoa sản bệnh viện tuyến quận/huyện hoặc khoa sản bệnh viện tuyến tỉnh/thành phố. Điều này giúp đảm bảo cho sức khỏe của bạn và tránh những rủi ro đáng tiếc về khả năng sinh sản sau này. Và hơn tất cả là sự an toàn cho tính mạng của bạn.

Đó là những điều chúng tôi muốn chia sẻ trong bản tin này.

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn.



Bài 16: Bệnh lây truyền qua đường tình dục
Chào quý vị và các bạn

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các bạn thân mến,

Bệnh lây truyền qua đường tình dục là các bệnh lây truyền được truyền từ người này sang người khác qua quan hệ tình dục. Những bệnh lây truyền qua đường tình dục hay gặp là: trùng roi, nấm sinh dục, lậu, giang mai, viêm gan B, HIV/AIDS.

Biểu hiện thường gặp ở bệnh lây truyền qua đường tình dục là bộ phận sinh dục bị sưng, nóng, đỏ, đau, chảy mủ, có vết loét, ngứa; người bệnh có thể đái buốt, đái rắt, nước đái có mủ hoặc máu. Các dấu hiệu bệnh ở nam giới thường biểu hiện rầm rộ. Dấu hiệu bệnh ở nữ giới thường lặng lẽ hơn, có thể đau vùng bụng dưới do bị viêm tiểu khung.

Theo ước tính của các chuyên gia y tế thì hàng năm có khoảng gần 1 triệu trường hợp người bệnh mới mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh làm ảnh hướng đến sức khỏe và chất lượng sinh sản, chất lượng cuộc sống, tăng khả năng lây nhiễm HIV. Bệnh có thể gây chít hẹp niệu đạo, tiểu buốt, tiểu rắt, bí tiểu; có thể dẫn đến ung thư âm hộ, cổ tử cung, dương vật; có thể gây sảy thai, sinh non, sinh ra trẻ nhẹ cân. Bệnh có thể truyền từ mẹ sang con trong quá trình sinh đẻ dẫn đến trẻ bị mù lòa, thiểu năng trí tuệ.

Để phòng bệnh lây truyền qua đường tình dục, cần sử dụng bao cao su đúng cách cho tất cả các lần quan hệ tình dục. Thường xuyên vệ sinh vùng kín đúng cách. Hãy đến ngay cơ sở y tế chuyên khoa để được khám và điều trị kịp thời khi có dấu hiệu nghi ngờ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Việc ngại khám bệnh có thể dẫn đến hậu quả nặng nề như bạn Minh trong câu chuyện sau đây. Minh là công nhân ở khu công nghiệp X. Trong một lần liên hoan, nghe các bạn rủ nên Minh đã quan hệ tình dục với một cô tiếp viên nhà hàng. Sau đó, Minh thấy cậu nhỏ của mình có vết loét và hơi ngứa, cậu đã tự mua thuốc bôi ngứa về bôi nhưng không thấy đỡ. Vết loét có vẻ rộng ra, chảy nước khiến Minh rất lo lắng. Minh cũng nghĩ đến lần quan hệ với cô tiếp viên nhưng chỉ có một lần thôi làm sao mà mắc bệnh được. Chàng trai trẻ cứ tự mình mò mẫm để chữa bệnh mà không dám hỏi ai, càng không dám đến bệnh viện để khám. Chỉ đến khi các dấu hiệu ngày càng rầm rộ khiến Minh không thể chịu nổi, cậu ta mới xin phép nghỉ làm để đi khám bệnh. Sau khi khám và cho làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán Minh bị bệnh lậu là bệnh lây truyền qua đường tình dục. Do bệnh của Minh đã tiến triển phức tạp, lại được chữa một cách tùy tiện nên khá nặng, việc điều trị tốn kém và mất thời gian. Nhưng cũng còn may cho Minh được phát hiện và điều trị bệnh kịp thời vì bệnh này có thể chữa khỏi, nếu chẳng may bị lây truyền HIV thì còn kinh khủng hơn nhiều. Theo bác sĩ thì chỉ cần quan hệ tình dục với người có bệnh một lần là đã có thể bị lây truyền bệnh chứ không cần nhiều lần. Bác sĩ cũng nhắc Minh không nên quan hệ tình dục với các đối tượng có nguy cơ cao như gái mại dâm, tiếp viên nhà hàng.

Các bạn ạ,

Bệnh lây truyền qua đường tình dục không chừa một ai nếu có quan hệ tình dục không an toàn. Vì thế, cần thực hiện tốt các biện pháp phòng tránh mắc bệnh. Đó là chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình và phải thực hiện quan hệ tình dục an toàn bằng cách dùng bao cao su cho tất cả những lần quan hệ. Từ câu chuyện của bạn Minh, VTN/TN chưa có gia đình cũng có thể rút kinh nghiệm cho mình.

Hãy đi khám ngay khi bạn có dấu hiệu của bệnh lây truyền qua đường tình dục để được các bác sỹ có chuyên môn xác định bệnh và điều trị kịp thời.

Cảm ơn các bạn đã chú ý lắng nghe!

Bài 17: Một số lưu ý về bệnh lây truyền qua đường tình dục
Chào quý vị và các bạn

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là một số lưu ý về bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Các bạn thân mến,

Theo báo cáo của Tổ chức y tế Thế giới, bệnh lây truyền qua đường tình dục gồm khoảng 20 loại bệnh, là những căn bệnh nguy hiểm, ảnh hưởng tới sức khỏe nói chung và sức khỏe sinh sản nói riêng của người bệnh. Ở nước ta, mỗi năm có từ 800 nghìn đến trên 1 triệu trường hợp mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bài phát thanh này chủ yếu cung cấp thông tin để các bạn có sự hiểu biết đúng đắn, tránh hiểu lầm về bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Nếu hỏi bạn những người nào có thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục, hẳn bạn sẽ chỉ một nhóm đối tượng nào đó mà thôi. Điều này không đúng. Bất kỳ ai có quan hệ tình dục không an toàn đều có nguy cơ mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục. Bệnh lây truyền qua đường tình dục không phân biệt giới tính, chủng tộc, tầng lớp xã hội. Tuy nhiên, những người trẻ tuổi có khả năng quan hệ tình dục dễ dàng và quan hệ tình dục với nhiều người có khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục cao hơn so với những người khác. Có cả những trường hợp oan ức khi người bệnh là người đứng đắn, chung thủy mà vẫn mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục từ chồng, vợ hoặc bạn tình.

Nếu bạn cho rằng người không quan hệ tình dục không thể mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục thì sẽ là sai lầm. Bởi nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục không lây qua hoạt động tình dục mà lây qua việc tiếp xúc ngoài da như bệnh Herpes sinh dục. Điều này giải thích tại sao một số người dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục mà vẫn lây bệnh.

Phần đông chị em cho rằng không cần kiểm tra các bệnh lây truyền qua đường tình dục trong thời kỳ thai nghén. Tuy nhiên đây lại là việc làm cần thiết không thể bỏ qua. Bởi bệnh lây truyền qua đường tình dục có thể lây truyền từ mẹ sang con trong khi mang thai, sinh con, hoặc sau khi em bé được sinh ra. Bệnh lây truyền qua đường tình dục của người mẹ ảnh hưởng xấu đến thai nhi và trẻ sơ sinh. Bệnh có thể dẫn đến thai chết lưu, sinh con nhẹ cân, các vấn đề về thần kinh, mù mắt, bệnh gan và nhiều bệnh nhiễm trùng. Nếu thai phụ được khám kiểm tra và điều trị bệnh kịp thời sẽ giúp cho trẻ sinh ra tránh mắc những căn bệnh do lây truyền qua đường tình dục từ mẹ.

Bệnh lây truyền qua đường tình dục không phải là bệnh miễn dịch mà bạn có thể mắc một bệnh lây truyền qua đường tình dục nhiều lần nếu không biết phòng tránh. Điều đó sẽ xảy ra nếu bạn chủ quan. Hãy coi lần mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục của mình là bài học nhớ đời để có biện pháp bảo vệ cho mình và cho bạn tình của mình. Hãy nhớ rằng nguy cơ tái phát bệnh lây truyền qua đường tình dục rất cao. Không chỉ tái phát, người bệnh còn có nguy cơ mắc thêm một căn bệnh lây truyền qua đường tình dục khác nữa. Khi đó, việc chữa trị và diễn biến của bệnh sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều.

Rất nhiều người cho rằng chỉ ai có dấu hiệu bệnh mới cần chữa trị. Quan niệm sai lầm đó là một trong những nguyên nhân khiến một người mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục đã được chữa khỏi mà bệnh vẫn xuất hiện nhiều lần. Thực tế, có nhiều bệnh lây truyền qua đường tình dục cần phải điều trị bệnh cho cả hai người mới triệt để. Vì vậy, hãy thực hiện khi bác sĩ yêu cầu đưa bạn tình đi khám. Làm như vậy không chỉ tránh tác hại do bệnh gây ra cho bản thân bạn mà còn tránh cho cả hai người và không để bệnh có cơ hội tái phát.

Các bạn ạ,

Bất cứ người nào cũng có khả năng mắc bệnh lây truyền qua đường tình dục nếu có quan hệ tình dục không an toàn. Bệnh lây truyền qua đường tình dục gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe và tinh thần của người bệnh, có thể tái phát nếu điều trị không triệt để và trong nhiều trường hợp phải điều trị cho cả hai người.

Sống thủy chung. Chỉ quan hệ tình dục với một bạn tình, dùng bao cao su đúng cách khi quan hệ tình dục là những biện pháp tốt nhất để bảo vệ mình không bị các bệnh lây truyền qua đường tình dục.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý lắng nghe!

Bài 18: Các dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện đối với VTN/TN
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề ngày hôm nay là Các dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện đối với VTN/TN.

Tốt nghiệp cấp 3, do điều kiện gia đình khó khăn nên Trang Nhung xin vào khu công nghiệp Bình Dương làm công nhân. Sau thời gian bỡ ngõ, Nhung làm quen được với môi trường mới, cũng tại đây Nhung tìm được người yêu. Sau một thời gian tìm hiểu, đôi bạn quyết định chung sống với nhau để có điều kiện chăm sóc cho nhau và cùng tiết kiệm tiền để lo cho đám cưới. Nhưng khi chung sống với nhau Nhung mới thấy có nhiều chuyện bất cập, bạn trai Nhung rất hay ghen và ích kỷ, anh không muốn Nhung gặp gỡ, nói chuyện với những người con trai khác, cho dù đó là bạn cùng xưởng. Anh lúc nào cũng chỉ biết đòi hỏi “chuyện ấy” cho dù nhiều lúc Nhung không muốn hay những lúc Nhung mệt mỏi, anh cũng không chịu dùng biện pháp tránh thai mà cho rằng việc đó là Nhung phải lo. Nhung thấy mình thường trong trạng thái mệt mỏi, không thoải mái tuy nhiên cô cũng không biết phải giải quyết vấn đề ra sao! Cô bạn thân khuyên Nhung hãy đi gặp bác sỹ để xin tư vấn nhưng Nhung thấy rất ngại khi phải kể chuyện riêng tư của mình cho người lạ, cô sợ người ta lại đánh giá mình không tốt, sống thử trước hôn nhân... Trong một lần công ty tổ chức tư vấn, khám và kiểm tra sức khoẻ sinh sản, Nhung để ý thấy rất nhiều người vào góc tư vấn để hỏi chuyện. Nhung lấy hết can đảm để gặp, tâm sự với chuyên gia câu chuyện của mình và cô được chuyên gia tư vấn hỗ trợ tìm cách tháo gỡ những khó khăn mà cô đang đối mặt. Thì ra việc tư vấn cũng hết sức riêng tư và bí mật và chuyên gia thì thân thiện dễ chia sẻ chứ không như Nhung nghĩ.



Các bạn biết không, sức khoẻ nói chung và sức khoẻ sinh sản nói riêng luôn có mối liên quan đối với chất lượng dân số. Tuổi vị thành niên là thời kỳ phát triển đặc biệt, xảy ra hàng loạt những biến đổi nhanh chóng về cơ thể, về tâm sinh lý, về các mối quan hệ xã hội… Ở giai đoạn này, cơ thể của các em vẫn còn phát triển để hoàn thiện và chuẩn bị cho chức năng sinh sản sau này, nên cần phải được chăm sóc tốt. Tuy nhiên chăm sóc SKSS VTN/TN là một công việc phức tạp và tế nhị. Chăm sóc SKSS VTN/TN không chỉ là nhiệm vụ của ngành y tế, mà đòi hỏi cả xã hội, các tổ chức chính quyền, đoàn thể, nhà trường và gia đình cùng phối hợp thực hiện. Chăm sóc SKSS VTN/TN sẽ giúp hướng các em vào một lối sống lành mạnh, hướng các em đến những suy nghĩ, đánh giá, lựa chọn đúng đắn trong tình bạn, tình yêu, không mắc phải những sai lầm đáng tiếc ảnh hưởng đến hạnh phúc và tương lai cả đời sau này.

Cùng với sự phát triển của xã hội, nhu cầu được chăm sóc, chia sẻ về thể chất và tinh thần ở lứa tuổi này ngày càng cao. Dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện cho VTN/TN bao gồm cả dịch vụ y tế và dịch vụ xã hội. Hiện nay, trên cả nước đã có các điểm cung cấp dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện cho VTN/TN bao gồm: chăm sóc về tinh thần như tư vấn về sức khoẻ, dinh dưỡng, cách ứng xử trong cuộc sống và chăm sóc thể chất như khám, kiểm tra, điều trị các vấn đề liên quan đến sức khỏe sinh sản, đến bộ máy sinh sản, tư vấn phá thai an toàn và chăm sóc sau phá thai..... Các điểm cung cấp dịch vụ này được lồng ghép trong các cơ sở y tế như các bệnh viện đầu ngành, trung tâm chăm sóc sức khoẻ sinh sản, cơ sở y tế tuyến huyện - tuyến xã hay trung tâm của các tổ chức xã hội. Khi đến đây VTN/TN được đón tiếp chu đáo, được bảo đảm bí mật riêng tư và được giúp đỡ từ việc tư vấn đến nhận dịch vụ sẽ thực hiện đảm bảo tính riêng tư, an toàn. Tại đây, ngoài các bác sỹ có chuyên môn chuyên ngành VTN/TN còn gặp những tư vấn viên đồng đẳng để có thể giúp các em ổn định tâm lý, chia sẻ những vấn đề “tế nhị”, khó nói. Các em sẽ cảm thấy yên tâm khi tìm đến nơi này để tìm kiếm sự hỗ trợ cho bản thân từ sức khoẻ đến tinh thần.

Quý vị và các bạn thân mến,

Chăm sóc sức khoẻ sinh sản là quyền lợi chính đáng, là việc làm cần thiết của mỗi người .

VTN/TN không nên e ngại khi đến các dịch vụ chăm sóc SKSS thân thiện cho mình và bạn bè.

Cảm ơn quý vị và các bạn đã chú ý lắng nghe.
Bài 19: Quyền được chăm sóc SKSS/ SKTD của VTN/TN (phần 1)
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Những quyền của VTN trong việc chăm sóc SKSS/SKTD”.

Quý vị thân mến,

Ngày nay, trong công cuộc đổi mới cùng với sự phát triển chung của đất nước. Vị thành niên được thừa hưởng nhiều yếu tố thuận lợi trong cuộc sống để phát triển thể chất và tinh thần. Song cũng từ yếu tố thuận lợi đó lại nảy sinh các thách thức cho Vị thành niên như: Tuổi dậy thì các em đến sớm hơn; nhu cầu ham muốn tình dục trước hôn nhân cao hơn; tỉ lệ vị thành niên có thai ngoài ý muốn ngày một gia tăng; cha mẹ của vị thành niên lại quá bận rộn hay né tránh trò chuyện với con cái về SKSS/SKTD… Hơn ai hết Vị thành niên rất cần hiểu biết và có kiến thức về SKSS/SKTD. Chỉ có hiểu biết đầy đủ các em mới có những hành vi đúng để chủ động bảo vệ SKSS cho chính bản thân hôm nay và chuẩn bị hành trang cho cuộc sống ngày mai.

Tuổi vị thành niên là giai đoạn phát triển để hoàn thiện con người. Đây là thời kì đẹp nhất của cuộc đời, song cũng là thời kì có nhiều thách thức song song với sự phát triển thể chất, sự biến đổi mạnh của cơ thể, vóc dáng thì sự phát triển tâm lý, tinh thần của mỗi em cũng có diễn ra nhanh chóng để hình thành và hoàn thiện nhân cách và hành vi mới liên quan đến cuộc sống của mỗi con người. Các em có quyền được cung cấp đầy đủ thông tin về SKSS/SKTD trước khi trở thành người lớn một cách thường xuyên, liên tục dưới mọi hình thức.

Các em có quyền được tiếp cận với các dịch vụ chăm sóc SKSS thuận tiện, phù hợp. Các cán bộ chuyên môn, dịch vụ phải tạo mọi điều kiện để các em có thể tiếp cận để thực hiện 10 quyền khách hàng của mình:

  1. Quyền được thông tin

  2. Quyền được tiếp cận dịch vụ SKSS/SKTD

  3. Quyền được lựa chọn các biện pháp tránh thai

  4. Quyền được đảm bảo an toàn

  5. Quyền được đảm bảo riêng tư

  6. Quyền được giữ bí mật

  7. Quyền được tôn trọng

  8. Quyền được cảm thông thoải máí

  9. Quyền được tiếp tục sử dụng dịch vụ

  10. Quyền được bày tỏ ý kiến

Quý vị và các bạn thân mến!

Sức khoẻ sinh sản của mỗi người là tình trạng hoàn toàn khoẻ mạnh về thể chất, tinh thần và xã hội của tất cả những gì liên quan đến hoạt động và chức năng của bộ máy sinh sản chứ không phải chỉ là không có bệnh tật hay khuyết tật của bộ máy sinh sản. Ở tuổi vị thành niên các em không còn là trẻ con nhưng cũng chưa thành người lớn. Trước sự thay đổi về cơ thể và tâm sinh lý có thể các em sẽ cảm thấy bối rối, sẽ có những khó khăn bỡ ngỡ đang chờ đợi các em ở phía trước, nhưng đó chỉ là những vấn đề thông thường của đời sống, các em cần có thêm sự giúp đỡ của người lớn trong gia đình, các thầy cô giáo ở nhà trường và đoàn thể xã hội để trưởng thành và trở thành người lớn.

Những năm tháng VTN qua đi không bao giờ trở lại, mỗi người hãy tận dụng thời gian để học tập, để được sống vui tươi lành mạnh, để rèn luyện sức khoẻ, để có được tương lai tốt đẹp cho mình và có ích cho gia đình, xã hội.

Mỗi VTN/TN đều có quyền trong chăm sóc SKSS. Gia đình, nhà trường và xã hội bảo đảm để bạn thực hiện các quyền đó.

Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn trong buổi phát thanh hôm nay.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị và các bạn!


tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương