TỔng cục dân số KẾ hoạch hóa gia đÌNH


Bài 20: Quyền được chăm sóc SKSS/ SKTD của VTN/TN (phần 2)



tải về 0.59 Mb.
trang5/7
Chuyển đổi dữ liệu10.08.2016
Kích0.59 Mb.
#15516
1   2   3   4   5   6   7

Bài 20: Quyền được chăm sóc SKSS/ SKTD của VTN/TN (phần 2)
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là những quyền của VTN trong việc chăm sóc SKSS/ SKTD.

Quý vị và các bạn thân mến,

Dung đang là sinh viên năm thứ nhất tại một trường đại học lớn ở Hà Nội. Do thay đổi môi trường sống và nguồn nước sinh hoạt của nhà trọ không đựơc sạch nên gần đây Dung thấy mình hay bị ngứa ở bộ phận sinh dục. Dấu hiệu này mỗi ngày một tăng khiến cô cảm thấy rất khó chịu. Cô muốn đi khám xem thực chất mình bị bệnh gì, nhưng Dung không biết phải khám ở đâu. Nhân tiện có cô bạn thân đến chơi, Dung đã chia sẻ chuyện này. Chưa nói dứt lời, cô bạn của Dung đã phản đối: “Mày không được đến khám tại các phòng khám sản phụ khoa đâu. Ở đó họ coi thường mình lắm. Khi mày đến họ sẽ nghĩ chắc mày phải chơi bời hư hỏng nên mới phải đến đây, đấy là chưa kể gặp người quen thì biết thanh minh thế nào.” Nghe bạn nói, Dung thấy sợ quá. Vậy là ý định đi khám kiểm tra của Dung bị cô bạn dập tắt.

Một tuần trôi qua, cô không dám đi khám và cũng không dám nói chuyện này với ai, nhưng cảm giác khó chịu ở phần kín ngày một nặng lên. Rồi Dung cũng tìm thấy một địa chỉ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản cho vị thành niên, thanh niên…

Buổi sáng hôm đó Dung đeo khẩu trang kín mít vừa đi vừa ngó xem có gặp người quen không. Rụt rè bước vào phòng khám, cô cúi gằm mặt. Dung không ngờ thái độ của các chị bác sĩ ở đây lại thân thiện, tâm lý như vậy. Thế là mọi lo lắng dần xua tan, Dung mạnh dạn nói lên nguyện vọng của mình.

Ở đây cô đã đựơc bác sỹ khám chu đáo và giải thích nguyên nhân viêm ngứa âm đạo là do nguồn nước sinh hoạt không tốt. Sau đó Dung được bác sỹ tư vấn rất kỹ về cách chăm sóc và vệ sinh cơ thể và chị còn giải thích cho Dung hiểu đây là quyền của vị thành niên, thanh niên về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục. Có lẽ do sự ân cần của bác sĩ nên Dung cảm thấy rất thoải mái khi trò chuyện với chị. Cũng nhờ đến phòng khám mà Dung đã biết được vị thành niên có các quyền như: được giữ bí mật, được cảm thông chia sẻ, được tôn trọng, được tiếp cận các dịch vụ về chăm sóc sức khoẻ sinh sản, sức khoẻ tình dục…

Quý vị và các bạn thân mến!

Nếu các bạn có những băn khoăn, vướng mắc gì về SKSS/ SKTD thì hãy tìm đến các Trung tâm Chăm sóc SKSS để được tư vấn và chăm sóc kịp thời. Điều đó có nghĩa là bạn đang thực hiện quyền chăm sóc sức khoẻ sinh sản của mình đấy.

Cảm ơn sự chú ý lắng nghe của quý vị và các bạn!



Bài 21: Những trở ngại đối với VTN/TN khi thực hiện mong muốn của mình trong chăm sóc SKSS/SKTD
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Những trở ngại đối với VTN/TN khi thực hiện mong muốn của mình trong vấn đề chăm sóc SKSS/SKTD”.

Quý vị và các bạn thân mến,

Năm nay Diệu Linh 16 tuổi, cô học giỏi lại xinh đẹp, đang là niềm tự hào của cả gia đình. Cô không đàn đúm lang thang cùng đám bạn bè. Ở trường về là cô lao vào chiếc máy vi tính học thêm nhiều thứ.Vậy mà tự nhiên cô trở tính, trở nết, hay cáu gắt, hay cãi bố, lại hay lang thang đi chơi sau giờ học.

Rồi một buổi sáng chủ nhật, Diệu Linh tìm đến Trung tâm chăm sóc SKSS VTN/TN. Cô rụt rè chia sẻ với nhà tư vấn:

“Hôm nọ mấy đứa bạn cùng lớp cháu bảo: Con trai và con gái chỉ cần đứng ôm nhau mà để cho hai “cái ấy” cọ vào nhau- dù còn quần áo vẫn có thể mang thai được. Cháu sợ quá, về nhà liền mở mạng ra tìm hiểu xem có phải không. Đúng lúc ấy mẹ cháu vào phòng bắt gặp cháu đang đọc bài viết về các biện pháp tránh thai. Chuyện chỉ có vậy, cháu không ngờ mẹ đã làm ầm lên. Mắng cháu là trẻ con, là hư hỏng, không được tìm hiểu về vấn đề này. Mặc cho cháu giải thích thể nào mẹ cháu đều gạt đi và cấm cháu không bao giờ được nói đến chuyện này nữa.

Sau lần xung đột với mẹ, Diệu Linh buồn lắm! Cô luôn nghĩ rằng Mẹ không tin tưởng mình. Thế rồi cô trở nên bướng bỉnh, học hành sa sút…Cô cố tìm cách chứng tỏ mình là người lớn bằng việc yêu một bạn trai cùng lớp.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến. Linh không dám chia sẻ với mẹ về chuyện rắc rối mà mình đang gặp phải, nên đành tìm đến nhà tư vấn. Gần đây Linh thấy trong người có nhiều thay đổi như hay buồn nôn, mệt mỏi…Cô đang lờ mờ đoán mình có thai nhưng hoang mang không biết phải đi khám ở đâu…”

Các bạn thân mến! Dư luận xã hội trong đó có luồng “cấm đoán” phản đối việc giáo dục về sức khoẻ sinh sản vị thành niên, cho đó là vẽ đường cho hươu chạy. Xu hướng dấu diếm, bưng bít thông tin “tế nhị” hiện nay chủ yếu vẫn là trong các gia đình, trường học, nặng về cấm đoán, đe doạ, nhẹ về giải thích một cách khoa học. Từ đó các em kém hoặc không hiểu biết về sự phát triển cơ thể, về sức khoé sinh sản, về tình dục an toàn lại tò mò muốn khám phá nên đã dẫn đến tai hoạ. Đó là chưa kể đến việc giáo dục kỹ năng sống cho các em như: giáo dục ước mơ, rèn luyện nhân cách, lý tưởng, sự nghiệp… để các em hướng sự quan tâm đến nhiều chuyện lớn hơn là để bản năng tình dục lấn át tất cả.

Cấm các thông tin không lành mạnh đến với các em là không thể được. Đe doạ cấm đoán có khi còn làm các em thêm tò mò. Tốt nhất là dạy cho các em hiểu biết. Cha mẹ cũng cần đọc sách báo để hiểu biết và chia sẻ thông tin với con nhất là các mẹ với con gái tuổi dậy thì. Cũng cần bồi dưỡng cho các em lí tưởng cuộc sống, tổ chức các hoạt động tập thể vui chơi lành mạnh, hoạt động thể thao, tránh để các em có nhiều thời gian riêng tư bên nhau, ở nơi vắng vẻ, kín đáo sẽ không có lợi. Thông tin trên mạng, sách báo, truyền hình…cũng cần đề cập nhiều hơn nữa bằng các hình thức sinh động mang tính khoa học, giáo dục nhưng hấp dẫn thiết thực cho các bậc cha mẹ và bản thân các em.

Quý vị và các bạn thân mến!



Hãy chủ động tìm kiếm thông tin ở những địa chỉ chăm sóc SKSS/VTN tin cậy là để bảo vệ sức khoẻ sinh sản của bản thân. Đó là thông điệp mà chúng tôi muốn chia sẻ với các bạn ở buổi phát thanh này.

Cảm ơn sự chú lắng nghe của quý vị và các bạn!



Bài 22: Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em
Chào quý vị và các bạn

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên, thanh niên. Chủ đề hôm nay là “Phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.”

Quý vị có biết, xâm hại tình dục trẻ em bao gồm lạm dụng tình dục trẻ em và bóc lột tình dục trẻ em. Lạm dụng tình dục trẻ em là sử dụng trẻ em để thoả mãn nhu cầu tình dục của người lớn hơn, không nhằm mục đích kiếm tiền. Lạm dụng tình dục trẻ em phổ biến ở các dạng hiếp dâm trẻ em, loạn luân (giữa cha, mẹ và con trai, con gái, giữa anh chị em trong gia đình), hành vi dâm ô nhằm thoả mãn dục vọng của mình nhưng không có giao cấu, người lớn hơn sờ mó , đụng chạm vào các bộ phận kín của trẻ em hoặc yêu cầu trẻ em sờ mó, đụng chạm vào các bộ phận kín của người lớn. Lạm dụng tình dục và xâm hại tình dục không chỉ xẩy ra đối với các em gái mà còn xẩy ra đối với cả các em trai.

Theo số liệu thống kê của Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ LĐTBXH) năm 2011 cho thấy, cả nước có 1.453 trẻ bị xâm hại tình dục, tính trung bình 5 năm gần đây thì mỗi năm có khoảng gần 1.000 trẻ bị xâm hại tình dục. Trong đó, riêng số vụ hiếp dâm trẻ em lên tới 80%. Nhiều vụ có tính chất đặc biệt nghiêm trọng như: Hiếp dâm tập thể, hiếp dâm trẻ dưới 5 tuổi, cha dượng hiếp dâm con riêng của vợ, thầy giáo xâm hại tình dục học trò nhiều lần, thậm chí cha đẻ hiếp dâm con gái..

Trà My năm nay 12 tuổi, sống với mẹ, gia đình em khó khăn nên hè em lại đi làm giúp việc để lấy tiền đỡ đần mẹ. Ông bà chủ nơi em làm việc rất tốt bụng, biết hoàn cảnh em khó khăn nên thỉnh thoảng ông bà vẫn cho em thêm tiền, mỗi lần đi công tác ông lại mua thêm quà cho em. My rất quý và tin ông bà, em cố gắng làm việc chăm chỉ để ông bà chủ hài lòng. Hôm đó, bà chủ đi làm về muộn nên nhà chỉ có 2 chú cháu. Đang loay hoay dọn dẹp nhà cửa bỗng ông chủ ôm chầm lấy em và có những cử chỉ làm em rất sợ hãi, ông doạ em không được nói với ai nếu không ông sẽ đuổi việc, sau đó ông cho My thêm ít tiền. My rất sợ bị đuổi việc nên em im lặng...

Các bạn ạ, xâm hại tình dục có nhiều hình thức và biểu hiện khác nhau. Có người dụ dỗ, cho các em xem tranh ảnh, sách báo, phim đồi truỵ, rồi vuốt ve, sờ mó, hôn hít vào bộ phận kín trên cơ thể các em. Có người cố tình phô bày những bộ phận kín của cơ thể mình trước mặt các em hoặc bắt các em sờ mó vào bộ phận sinh dục của họ. Những người này thường lợi dụng sự quen biết và tình cảm thân mật để dụ dỗ, cho các em tiền hoặc quà mà tuổi các em thường ưa thích, cho các em đi nhờ xe hoặc giúp đỡ làm việc gì mà các em đang gặp khó khăn nhưng cũng có thể là doạ dẫm, đe doạ hoặc khống chế bắt các em làm theo ý mình. Không chỉ có các em gái, các em trai cũng có thể bị xâm hại tình dục. Tuấn là một cậu bé mới 13 tuổi nhưng trông khá chững chạc, người lớn. Mới đây có anh hàng xóm mới chuyển về rất vui tính và dễ mến, anh rất giỏi vi tính nên hễ có chuyện gì khó Tuấn lại sang nhờ anh giúp. Dần dần anh em rất thân và quý nhau, thỉnh thoảng anh lại rủ Tuấn đi chơi, đi câu cá... Gần đây mỗi lần đi câu cá, anh lại hay ôm và vuốt ve khắp người Tuấn, anh nói rằng đây là bí mật riêng của hai người, Tuấn không được nói với ai. Tuấn cảm thấy có điều gì đó không bình thường nhưng anh bảo như thế không sao cả. Rồi một hôm lúc cậu đang nằm ngủ anh ta liền hôn Tuấn, Tuấn thấy sợ hãi vô cùng nhưng Tuấn không hề biết rằng em đang bị anh hàng xóm XHTD.

Vì vậy, để tránh bị XHTD các em không nên:

- Ở trong phòng kín chỉ có 2 người, đặc biệt là với người lạ.

- Nhận quà và tiền của người khác mà không rõ lý do.

- Uống rượu bia và sử dụng các chất kích thích cùng người lạ.

- Xem phim ảnh và sách báo khiêu dâm.

Các em hãy nhớ rằng,

Cơ thể các em là của bản thân các em, không ai có quyền tuỳ tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín trong cơ thể hoặc có bất kỳ hành động thô lỗ nào đối với các em. Các em phải biết tự bảo vệ cơ thể mình.



Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn./.

Bài 23: Cần làm gì để phòng tránh xâm hại tình dục?
Chào quý vị và các bạn!

Quý vị và các bạn đang nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là “Cần làm gì để Phòng tránh xâm hại tình dục”.

Thảo đang ở nhà học bài một mình thì Thành bạn của anh trai Thảo đến chơi. Biết bạn mình đi vắng mà chỉ có mình Thảo ở nhà nên Thành đã tán tỉnh và ôm chầm lấy Thảo. Bị bất ngờ, Thảo muốn kêu lên nhưng cô bé lại im lặng vì sợ mọi người xung quanh biết nên Thảo đã cố hết sức đẩy Thành ra và chạy ra khỏi phòng. Vì xấu hổ sau đó Thảo không dám kể với ai, nhưng mỗi lần Thành đến chơi là Thảo lại thấy sợ hãi.

Các bạn gái thân mến, các em cần phải luôn luôn có ý thức cảnh giác với những người lợi dụng hoàn cảnh bất lợi của mình để có những hành vi lạm dụng, XHTD. Những người này có thể là người trẻ, cũng có thể là người lớn tuổi thậm chí còn là những người mà các em thưởng yêu quý, tin tưởng. Vì vậy các em cần có kiến thức và kỹ năng, luôn cảnh giác để chủ động phòng tránh những tình huống xấu xảy ra có hại cho mình.

Các em hãy luôn làm chủ cơ thể của mình bởi vì cơ thể các em là của bản thân các em, không ai có quyền tuỳ tiện động chạm, sờ mó vào chỗ kín trên cơ thể các em hoặc có bất kỳ hành động thô lỗ nào đối với các em. Hãy tin vào linh tính của mình khi các em thấy có điều gì đó không bình thường có thể xảy ra dù chưa biết linh tính đó có chính xác hay không. Các em cũng cần cảnh giác và chủ động nghĩ cách phòng tránh để thoát khỏi tình huống đó nếu nó xẩy ra.

Các em hãy tránh xa những nơi không an toàn như những nơi khuất, vắng vẻ, ít người qua lại, những nơi lạ chưa biết hoặc những nơi đông người tụ tập uống rượu, bia…Không nên ăn mặc hở hang và gần gũi quá mức với người lạ, người khác giới. Khi gặp tình huống mà cảm thấy không bình thường và có thể nguy hại cho mình như bị dụ dỗ vào những nơi khuất, vắng vẻ, vào phòng kín với người lạ, được cho đi nhờ xe, được cho quà hoặc rủ đến những nơi xa lạ các em nên từ chối và hãy kiên quyết nói “Không” để tự bảo vệ cho mình và bỏ đi ngay.

Trong câu chuyện trên, Thảo không nên xấu hổ mà cần phải kêu to để gọi mọi người đến giúp đỡ và chạy ra ngoài hoặc có thái độ phẫn nộ, quyết liệt đuổi Thành về. Thật may là em đã thoát thân lúc đó nhưng Thành đã có chủ ý thì khả năng tiếp theo vẫn có thể lặp lại.

Khi bị XHTD, các em hãy nhớ:

      • Các em không có lỗi mà các em có quyền được bảo vệ, giúp đỡ.

      • Tố cáo ngay kẻ XHTD để họ bị trừng trị vì nếu không tố cáo ngay, em có thể sẽ bị kẻ đó XHTD hoặc có thể có những người khác cũng bị kẻ đó XHTD.

      • Kể ngay chuyện đó với người lớn tin cậy.

      • Tố cáo với các cơ quan, tổ chức có trách nhiệm để được bảo vệ.

      • Nếu bị cưỡng hiếp, hãy đến ngay cơ sở y tế để được giúp đỡ kịp thời.

Quý vị và các bạn vừa nghe bản tin phát thanh về vấn đề cần làm gì để phòng tránh xâm hại tình dục trẻ em.

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn./.



Bài 24: Nhiễm HIV chỉ vì một lần “trót dại” ?
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là: “Nhiễm HIV chỉ một lần trót dại”.

Theo ông Nguyễn Hoàng Long, cục trưởng cục phòng chống HIV/AIDS - Bộ Y tế, tính đến ngày 31/8/2014 Việt nam có 223.130 người nhiễm HIV được báo cáo. Đây chỉ là số người nhiễm HIV được phát hiện và xác nhận. Trong thực tế con số có thể lớn hơn.

Quý vị và các bạn thân mến!

Chắc các bạn sẽ giật mình khi chúng tôi thông báo theo số liệu thống kê từ cục phòng chống HIV/AIDS là mỗi tháng Việt Nam có thêm 1000 ca nhiễm HIV mới.

HIV là vi rút gây suy giảm miễn dịch ở người, là căn bệnh thế kỷ, hiện nay chưa có vắc-xin để phòng chống. HIV lây truyền qua quan hệ tình dục không an toàn, qua đường máu (do dùng chung bơm kim tiêm, truyền máu bị nhiễm HIV, tiếp xúc trực tiếp với máu của người nhiễm HIV thông qua vết thương hở) và mẹ bị nhiễm HIV có thể truyền cho con.

Câu chuyện mà chúng tôi kể sau đây là một thông điệp muốn nhắn gửi đến quý vị và các bạn, hãy sống an toàn, lành mạnh để tránh mắc phải căn bệnh thế kỷ.

Cô gái xinh đẹp tuổi me xanh học lớp 11, tuy gia đình còn thiếu thốn nhưng bố mẹ cũng dốc lòng cho cô ăn học để bằng bạn bằng bè. Cô cũng muốn như vậy nhưng phấn đấu theo lập trình mong ước của bố mẹ cô sao mà khó khăn nhọc nhằn quá. Riêng cô, cô đã tự chọn cho mình một con đường đỡ nhọc nhằn hơn đó là nhận lời yêu một người giàu có. Kinh nghiệm từ chị gái đứa bạn cô… chỉ hơi xinh một tý mà từ khi yêu được anh nhà giàu thì cứ như được chắp cánh tiên: học hành thi cử được nâng đỡ, chồng giầu có nhà to, đi đâu có ô tô ngay. Vì mơ ước cháy bỏng như vậy, cô lân la làm quen với các bạn con nhà giàu,năng theo họ đến dự sinh nhật của bạn bè họ, sẵn chút tài lẻ mà cô có như hát, nhảy với vẻ hơi e thẹn rụt rè ngây thơ một tí. Quả nhiên, đi săn mãi cô đã lọt vào mắt xanh không phải là một anh mà là mấy anh con nhà giàu cùng một lúc.

Ngày lễ tình yêu năm nay, những 4 anh tặng hoa, tặng quà cho cô. Cả 4 anh tranh nhau rủ cô đi chơi làm cô băn khoăn khó xử. Nhưng rồi cô cũng giải quyết xong khi cô xếp lịch hẹn với từng anh một. Sắp đến giờ hẹn với anh sau cô lấy cớ bận học phải xin phép về vì bố mẹ quản lí nghiêm về giờ giấc.

Rồi chuyện gì đến cũng phải đến khi cô gặp đúng anh chàng họ sở chính hiệu. Cuộc du lịch diễn ra thật êm ả, vi vu với cảnh đẹp, ăn ngon, quà tặng theo ý thích của cô, nhưng cuối cùng lại có cảnh xe chết máy giữa đường trong khi trời tối vắng vẻ. Những lời tán tỉnh êm ái ngọt ngào, kèm theo lời hứa hẹn tương lai tuyệt đẹp và trong cảnh không thể vùng vẫy thoát ra được. Cô đã phải chiều theo ý muốn của anh ta. Sau lần đấy, cô cảm thấy buồn và tiếc nuối cho đời con gái của mình. Nhưng cô lại tự an ủi là mình đã đựoc nhiều thứ khác.Từ đó cô chẳng còn gì để mất nữa. Cô bắt đầu lao vào những cuộc chơi qua đêm, sao nhãng chuyện học hành.. Đôi lúc cô thấy vui và tự hào vì mình không cần phải học, không phải làm mà tiền tiêu rất rủng rỉnh vì luôn có đại gia “tài trợ”.

Rồi bỗng nhiên anh ta ốm, cứ khặc khừ chẳng ra bệnh gì. Anh cho cô một món tiền và giới thiệu cô đến làm việc cho một cửa hàng bán quần áo. Anh ta nói phải đi xa để lo công chuyện làm ăn. Rồi anh biến mất sau lần đó…

Mọi chuyện ập đến với cô khi cô nhận được tin báo anh chàng họ sở ngày xưa đã chết vì nhiễm HIV/AIDS. Rồi cô đi xét nghiệm, cầm kết quả dương tính HIV trong tay cô hiểu ước mơ giàu sang mà không cần phải học chấm hết từ đây.

Các bạn nên nhớ: Biết sử dụng bao cao su đúng cách trong quan hệ tình dục là biết bảo vệ mình không bị HIV.



Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!
Bài 25: Bạn đã biết cách phòng tránh lây nhiễm HIV chưa?
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là:“Bạn đã biết cách phòng lây nhiễm HIV chưa?”

Thưa quý vị và các bạn! Người bị nhiễm vi rút HIV sẽ có những hậu quả như: Mang vi rút trong người suốt đòi, sau một thời gian hệ thống miễn dịch bị phá huỷ khiến cơ thể không còn khả năng miễn dịch nên có thể chết vì những nhiễm trùng cơ hội thông thường . Người nhiễm HIV thiếu trách nhiệm có thể còn làm lây lan vi rút ra cộng đồng, ảnh hưởng đến sức khoẻ của cộng đồng. Người bị nhiễm HIV nếu như không biết phòng tránh còn có thể lây lan cho người thân của mình. Tuấn là một trường hợp như vậy.

Nghề lái tàu viễn dương khiến anh phải thường xuyên xa nhà, xa vợ con hàng tháng liền. Tuấn lại đang ở độ tuổi 30 - cái tuổi có thể nói là sung mãn nhất về tình dục. Phải xa vợ lâu ngày anh cảm thấy bức xúc lắm. Thời gian đầu anh đã phải cố gắng kiềm chế cảm xúc của mình. Nhưng rồi mọi chuyện không dừng lại ở đấy khi có những buổi ăn nhậu cùng bạn bè. Trong hơi men chuếnh choáng anh đã không kiểm soát mình bằng lí trí được. Rồi Tuấn có quan hệ không an toàn với gái mại dâm.

Sau lần sống buông thả đó Tuấn cảm thấy có lỗi với vợ vô cùng. Anh tự nhủ là sẽ không bao giờ phản bội vợ lần thứ hai. Cuộc sống cứ thế trôi đi, lâu dần anh cũng quên chuyện đã xảy ra trong quá khứ…

Trong một lần bị tai nạn giao thông phải vào viện cấp cứu. Bác sĩ đã gặp riêng anh và thông báo kết quả xét nghiệm máu là anh đã bị nhiễm HIV. Tuấn bàng hoàng không tin vào tai mình nữa. Số phận thật trớ trêu vậy sao? Bây giờ Tuấn ân hận thì đã muộn. Anh không đủ can đảm để quay về gặp lại vợ con dù trong lòng muốn nói với vợ đến trăm ngàn lời xin lỗi.

Từ bệnh viện ra về anh gọi điện nói với vợ hãy đi xét nghiệm HIV, rồi anh bỏ nhà đi luôn từ hôm đó.

Các bạn thân mến! Giá như Tuấn biết sống an toàn thì những người thân của anh đâu có rơi vào hoàn cảnh bi thảm như ngày hôm nay. Vợ anh đã khóc rất nhiều vì lo lắng mình sẽ sống được bao lâu để nuôi con. Một mình vợ anh nuôi hai đứa con thơ dại trong khi đang mang trong mình căn bệnh thế kỷ.

Để phòng tránh lây nhiễm HIV/AIDS các bạn hãy sống chung thuỷ một vợ một chồng. Nếu có quan hệ tình dục thì phải thực hiện tình dục an toàn, sử dụng bao cao su đúng cách để tự bảo vệ mình. Khi mắc các bệnh lây truyền qua đường tình dục cần đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị triệt để cho bản thân và cho cả bạn tình. Vì những tổn thương do nhiễm trùng lây truyền qua đường tình dục sẽ là nguy cơ cao bị lây nhiễm HIV.

Không dùng chung các vật dụng tiêm chích qua da và truyền máu, sử dụng các chế phẩm máu chưa xét nghiệm HIV. Tránh tiếp xúc với dịch tiết cơ thể của người nhiễm HIV. Người mẹ nhiễm HIV nếu muốn sinh con cần đến cơ sở y tế để dược tư vấn trước sinh, sau sinh.

Quý vị và các bạn thân mến!

Chung thuỷ một vợ một chồng, không sử dụng chung bơm kim tiêm và các dụng cụ để tiêm chích qua da để phòng tránh bị lây nhiễm HIV/AIDS cho mình và người thân.

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!

Bài 26: Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV
Chào quý vị và các bạn!

Mời quý vị và các bạn nghe chương trình phát thanh về chăm sóc sức khỏe sinh sản vị thành niên. Chủ đề hôm nay là giảm kỳ thị và phân biệt đối xử với người có HIV.

Thưa quý vị và các bạn!

Chính gặp phải sự kỳ thị và phân biệt đối xử mà cuộc sống của hai mẹ con Liên rơi vào bế tắc. Chồng Liên là người nghiện chích ma tuý và chết cách đây hai năm vì căn bệnh thế kỷ. Trước khi chết anh mới thú nhận thật với Liên là anh đã nhiễm HIV. Tài sản anh để lại cho vợ là đứa con nhỏ 3 tuổi cùng với hàng loạt giấy vay nợ do nghiện chích ma tuý. Hai mẹ con đưa nhau đi xét nghiệm HIV. Dường như có sự chuẩn bị tâm lý trước nên khi nhận kết quả dương tính từ bác sĩ, Liên cố nén lòng vì cô hiểu cuộc sống của mẹ con cô còn muôn vàn khó khăn. Một điều may mắn là đứa con trai tội nghiệp của cô không bị nhiễm HIV. Điều lo lắng nhất từ Liên là cô còn sống đựợc bao lâu để nuôi con.

Mọi cú sốc lần lượt giáng xuống đầu Liên, khiến cô không biết phải bắt đầu từ đâu mà sống. Nghĩ đến con, Liên lại quyết tâm phải sống, phải làm việc để nuôi con. Trước đây cô đang là công nhân tại xí nghiệp cơ khí. Sau khi chồng chết cô được quản đốc phân xưởng mời lên và giải quyết cho về nghỉ với lí do xí nghiệp hết việc. Đang từ chỗ có việc làm, nay Liên trở thành người thất nghiệp cũng tại chồng cô nhiễm HIV. Hàng ngày cô phải đi làm thuê để kiếm tiền nuôi con. Công việc lúc có, lúc không. Vì nếu như ai biết hoàn cảnh của Liên là họ lại không thuê làm nữa. Một buổi chiều Liên đến đón con tại trường mẫu giáo thì đựoc cô giáo thông báo là các phụ huynh đã chuyển trường cho con quá nữa vì biết có con của người nhiễm HIV học tại đây. Liên buồn và cảm thấy bế tắc hoàn toàn. Đêm hôm đó Liên đã ôm con mà khóc vì thương con, vì tủi thân…

Sáng hôm sau hai mẹ con bồng bế nhau lên tàu đi vào Nam với hy vọng ở nơi mới họ không biết mình là ai.

Căn bệnh thế kỷ HIV/AIDS đã để lại hệ luỵ cho xã hội, người thân và người mắc. Một trong những rào cản khiến việc phòng chống HIV/AIDS chưa đạt hiệu quả như mong muốn chính là sự phân biệt, kỳ thị đối với người nhiễm và những người có liên quan vẫn còn nặng nề.

Kỳ thị và phân biệt đối xử là hành vi xa lánh, từ chối, tách biệt, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khác vì biết hoặc nghi ngờ người đó nhiễm HIV.

Kỳ thị và phân biệt đối xử có thể công khai hoặc ngấm ngầm, thô bạo hoặc tế nhị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau. Ở nước ta hiện nay sự kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV vẫn còn xảy ra ở nhiều nơi như tại gia đình, nhà trường, cơ quan, cộng đồng dân cư… Nếu phải chịu sự kỳ thị và phân biệt đối xử thì người có HIV gặp rất nhiều rào cản trong việc tiếp cận các dịch vụ chăm sóc, dự phòng, khiến họ càng bị rút ngắn thời gian sống do không được điều trị ngay.

Thưa quý vị và các bạn! Người có HIV rất cần sự hỗ trợ của gia đình và xã hội, nếu bị kỳ thị và phân biệt đối xử họ gần như mất chỗ dựa cả về vật chất và tinh thần. Họ sẽ mất hết niềm tin vào cuộc sống, họ bị dồn vào ngõ cụt, khiến họ bỏ đi lang thang.Từ đó tạo ra áp lực lớn với xã hội và cộng đồng. Các bạn nhớ rằng HIV không lây qua tiếp xúc thông thường như cùng ăn uống chung, ở cùng nhà, bắt tay, mặc chung quần áo, làm việc cùng cơ quan…

Thông điệp mà chúng tôi muốn nhắn gửi tới các bạn hôm nay là “Không kỳ thị và phân biệt đối xử với người nhiễm HIV”

Cảm ơn sự quan tâm theo dõi của quý vị và các bạn!


tải về 0.59 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương