TÂn phúC Âm hóa bản thân tu sĩ VÀ CỘng đOÀn dòng thánh tâm huế thưỜng huấn ngày 16-24/7/2014 MỤc lụC


IV. Suy tư và nỗ lực cải tiến của các nhà đào tạo



tải về 1.33 Mb.
trang3/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.33 Mb.
#37991
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21

IV. Suy tư và nỗ lực cải tiến của các nhà đào tạo


Người có trách nhiệm trước nhất và cao nhất trong việc tuyển chọn và đào tạo linh mục là Giám Mục giáo phận đối với ứng sinh linh mục triều, và Bề Trên Dòng đối với ứng viên tu sĩ. Đây cũng là trách nhiệm của mọi thành phần Dân Chúa, giáo sĩ, tu sĩ và giáo dân, đặc biệt là các cha xứ: “Toàn thể cộng đồng kitô giáo có bổn phận phải cổ động các ơn gọi để đáp ứng đủ những nhu cầu thừa tác vụ thánh trong toàn thể Giáo Hội. Bổn phận này bó buộc cách riêng các gia đình, các nhà đào tạo, đặc biệt là các giáo sĩ, nhất là các cha sở... trong việc chuẩn bị thích đáng cho những người nam đứng tuổi cảm thấy mình được gọi vào thừa tác vụ thánh.6
Nhưng trong chiều kích Giáo Hội tham gia, Giám mục giáo phận và Bề Trên Dòng ủy nhiệm cho một số nhà đào tạo đã được chuẩn bị kỹ lưỡng cộng tác với Ngài để:

  • đồng hành với các ứng sinh,

  • tiệm tiến thẩm tra và giúp ứng sinh biện phân ý Chúa và thực thi ý Chúa (qua câu chuyện đời của anh),

  • bảo đảm cho ứng sinh là anh được Thiên Chúa kêu gọi,

  • mời gọi anh tham gia vào việc đào tạo chính anh bằng việc tự đào tạo chính mình,

  • và sau cùng, chính việc Giám Mục và Bề Trên Dòng gọi ứng sinh lên chịu chức linh mục xác nhận ơn gọi đích thực của Chúa đối với anh.

Cuộc sống đức tin, nhất là đời sống ơn gọi, luôn là lối đi ngược dòng với xu hướng thời đại của nền văn minh sự chết [tục hóa, hưởng thụ vật chất và khoái lạc]. Tuy nhiên, sống trong một bối cảnh xã hội như thế, chắc chắn các thanh thiếu niên nam nữ Công giáo cũng không thể không chịu ảnh hưởng, kể cả các dự tu nam nữ trong thời gian tìm hiểu và đi học ở ngoài xã hội. Do đó, các nhà đào tạo phải quan tâm đến các mối liên hệ xã hội và đời sống độc thân thanh khiết của các ứng sinh trước khi vào Chủng viện hay Dòng tu.7 Phải cân nhắc thái độ của ứng sinh đối với giới tính và khả năng sống độc thân thánh hiến8; đồng thời phải xem ứng sinh có ngăn trở Giáo luật nào không.9


Trong một xã hội tục hoá, buông thả luân lý và hưởng thụ khoái lạc, các nhà đào tạo cần phải giúp các ứng sinh nhận ra được lý tưởng cao cả của chức linh mục và đời sống tu sĩ, cùng những yêu sách tất nhiên của nó ở trong Giáo Hội, hầu kiên trì sử dụng mọi phương thế tự nhiên và siêu nhiên để gìn giữ và tự bảo vệ lấy mình, trong mọi mối tương quan nhân loại, nhất là tương quan khác phái, hầu được xứng hợp theo đuổi lý tưởng ơn gọi cho đến cùng.
Người trẻ ngày nay trưởng thành sớm về mặt sinh học,10 nên chuyện tình cảm yêu đương không thể tránh. Họ cần được giúp hiểu và sống tốt nguyên vẹn cuộc đời mình trước khi đi vào lựa chọn đời sống hôn nhân hay đời sống linh mục và tu sĩ đúng như Chúa muốn và Giáo Hội dạy. Đồng thời cũng phải giúp họ thẳng thắn nhìn nhận những cản trở và chiến đấu không thể vượt qua được để lượng sức mình mà đổi hướng sớm, không cần đợi đến lúc bị phát hiện hay bị tố cáo, vì con đường linh mục hay tu sĩ không phù hợp cho họ.11
Đối với người Việt Nam chúng ta, lãnh vực tính dục rất tế nhị, các nhà đào tạo phải làm cho mình trở thành người biết nhẫn nại lắng nghe và khả tín hầu ứng sinh dễ dàng bộc lộ sự thật, đồng thời đừng để mình dễ bị “sốc” và có ngay biện pháp khiến ứng sinh lo sợ và co mình lại hoặc nói dối, kẻo một lần đã nói dối thì họ sẽ có khuynh hướng nói dối mãi, dù biết rằng sẽ phải trả giá rất đắt khi lời nói dối bị vạch trần.12
Vì thế, thật hữu ích trong thời gian đầu này, ứng sinh cần được trình bày rõ và tự mình có trách nhiệm đối mặt với những gì đã xảy ra cho mình và giải quyết chúng, với sự giúp đỡ của các nhà đào tạo, nhất là vị linh hướng. Có thế thì sự chọn lựa đời sống linh mục hay tu sĩ có hướng dứt khoát ngay từ đầu, để tiến trình đào tạo và tự đào tạo được thanh thản và hiệu quả.
Nếu chỉ là chuyện tình cảm và tình yêu thì nên dần dần chấm dứt đi, một khi đã chọn lựa đời tu. Nếu lỡ có chi hơn thế mà không đến đỗi mắc ngăn trở Giáo Luật thì càng phải cương quyết chấm dứt, triệt để biến đổi lật sang trang đời mới, không nuôi dưỡng đèo bồng du dưa nữa. Kể cả hai bên đều cùng đi tu thì phải biến đổi và thăng hoa nó lên, để tránh những hệ lụy “người xưa cảnh cũ” sau này. Tốt nhất là không nên tìm cơ hội gặp gỡ riêng tư với người tình cũ. Nhớ tiến trình con cóc tiến hóa “đứt đuôi nòng nọc.”13
Và dù có nói là quyết tâm lật sang trang đời mới thì cũng cần có đủ thời gian để ứng sinh trắc nghiệm chính mình là mình có thể kiên trì làm được điều đó; đồng thời người có trách nhiệm có đủ dữ kiện để an tâm chứng nhận rằng ứng sinh đã thực sự đổi mới và kiên trì tiến bước được trên đường ơn gọi. Giáo Hội đã quá đau khổ, bị thiệt hại vì chuyện này và đang nỗ lực nghiêm khắc chấn chỉnh ngay từ bước tuyển lựa và đào tạo đầu tiên.14 Tiếc là nhiều người quá chú trọng đến THI về kiến thức mà không có TUYỂN kỹ càng về phẩm chất đạo đức, thanh danh luân lý tính dục và những vấn đề thuộc tâm sinh lý, cũng như những cản trở Giáo luật có thể có.
Đã là con người thì ai cũng có những nhu cầu và ham muốn tự nhiên cần phải chiến đấu, nhưng tội nghiệp cho những ai “bén mùi chùi chẳng sạch” sẽ phải chiến đấu nặng nề hơn. Tuy nhiên, nếu cứ phải chiến đấu quá nặng nề và quá dai dẳng thì không nên để tiếp tục, vì sẽ khổ cho đương sự và nhiều người khác sau này, thiệt hại cho công cuộc dưỡng giáo và truyền giáo của Giáo Hội.15
Chớ gì ngay từ những ngày còn là dự tu, các người có trách nhiệm trong gia đình, giáo xứ, Hội Dòng và Giáo phận tích cực hướng dẫn, nói rõ cho các em biết và xem xét, nếu em nào không có khả năng sống độc thân khiết tịnh (tiết dục toàn vẹn và trường kỳ) như Giáo Hội đòi hỏi thì thôi, đừng cho tiếp tục nữa, kẻo các em sẽ hiểu sai lệch và có một lương tâm lệch lạc về đời sống linh mục và tu sĩ, rất nguy hiểm. Cũng nên xem xét kỷ các động lực đi tu của các ứng sinh.
Chuyện gì làm riêng tư một mình thì có Chúa biết. Nhưng chuyện gì làm giữa hai người thì rồi người khác cũng sẽ biết, không biết được hôm nay thì mai kia cũng sẽ biết. Có thể vì nhân đạo, họ không nói hoặc chưa nói đó thôi. Ứng sinh nên nhớ rằng những người thương mình và bảo vệ Giáo Hội sẽ không chấp nhận thái độ nước đôi đó đâu, họ sẽ can thiệp để ngăn chặn. Những người ghét mình hay gia đình mình sớm muộn gì cũng sẽ tố cáo.16 Và ngay chính người con gái khó quên được chuyện ấy cũng sẽ không giữ kín được lâu đâu. Nàng có thể chấp nhận mất người yêu cho Chúa và Giáo Hội, chứ không chịu mất trong tay một hay nhiều cô gái khác đâu; và rồi chính nàng sẽ làm ra chuyện, vì muốn dành lại cho mình hoặc “không ăn được thì đạp đổ!” Nếu cả đôi bên đều cùng đi tu thì tới một lúc nào đó lương tâm thức tỉnh bên nữ sẽ bộc bạch hết với người có trách nhiệm và bạn thân thiết, dù có dặn nhau “sống để dạ thác mang theo,” hoặc biểu lộ ra qua thái độ muốn chiếm hữu – ghen tuông – độc quyền.
Nếu thiếu tính tự giác tự nguyện đổi hướng về phía ứng sinh, thì ứng sinh nào bị phát hiện là không thích hợp, vì khiếm khuyết thể lý, quân bình tâm lý hay luân lý, và có những ngăn trở theo Giáo luật hoặc thiếu tinh thần phục thiện và cố tình dối trá, nên mạnh dạn và nhanh chóng đưa đương sự ra khỏi con đường theo đuổi ơn gọi. Cả hai phía, các nhà đào tạo và ứng sinh, không được phép nuôi dưỡng những hy vọng hảo huyền và những ảo tưởng nguy hiểm, dù biết rằng mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Cũng không ai được tự phụ rằng ơn thánh sẽ thay thế cho những khiếm khuyết tự nhiên.
ĐTC Biển Đức XVI nhấn mạnh các đặc tính của một nền đào tạo tốt cho các chủng sinh: toàn diện, ý thức bổn phận, khổ chế, bền bỉ và trung thành anh dũng, thiết lập trên một đời sống thiêng liêng được kích hoạt bởi tương quan mật thiết với Chúa, ở bình diện cá nhân cũng như cộng đoàn, quan tâm đặc biệt việc cử hành phụng vụ và năng lãnh nhận các bí tích, vì đời sống linh mục đòi hỏi một ý chí nên thánh ngày càng tăng trưởng, một ý thức trong sáng về Giáo Hội, một sự rộng mở với tình huynh đệ, không loại trừ mà cũng không phe cánh. Với sự trợ giúp của Chúa, linh mục tương lai phải xây dựng sự hiểu biết và dấn thân, cũng như một nền văn hoá cá nhân vững chắc, là kết quả của một sự học hỏi say mến và bền bỉ, vì đức tin có một chiều kích lý trí và hiểu biết thiết yếu.17
Điều mà vị linh hướng khám phá về người thụ hướng ở toà trong sẽ không được tiết lộ ra ở toà ngoài. Điều này không những để bảo vệ người thụ hướng, mà còn cống hiến cho anh sự tín nhiệm và tin tưởng rằng điều gì anh đã bộc lộ ở tòa trong vẫn được giữ bí mật. Chính niềm tín nhiệm và bảo đảm này mang lại sự chữa lành tận gốc. Ngay trong tai họa lạm dụng tình dục trẻ em khiến lập trường Giáo Hội trở nên cứng rắn hơn và yêu cầu tích cực hợp tác với thẩm quyền dân sự thì ấn tòa giải tội vẫn phải được tuyệt đối tuân giữ, cha giải tội không được tố cáo các linh mục xưng thú phạm tội ấu dâm.18

Tóm lại, việc chuẩn bị các ứng sinh thích hợp là nhiệm vụ hàng đầu của cộng đoàn Giáo phận và Dòng Tu, mà trên hết là của Giám Mục Bản Quyền và những người Ngài tin tưởng ủy thác cho công cuộc tối quan trọng này. Sự chuẩn bị nhắm đến việc tiếp nhận các ứng sinh vào chủng viện và Dòng Tu, qua việc phân định, nhận xét, đánh giá, tuyển chọn và khai tâm họ đi vào sự cam kết khởi đầu tiến trình tự biến đổi và cam kết với sứ vụ.19 Việc đào tạo ở chủng viện hay học viện tùy thuộc vào phẩm chất của các ứng sinh đã được nhận vào. Phẩm chất của đầu vào quyết định phẩm chất của đầu ra.




B. TIẾN TRÌNH ƠN GỌI NĂM BƯỚC

Tất cả mọi sự đều có tiến trình của nó, và phải tiệm tiến đi như thế trong trật tự, đi sai nhịp là sẽ bị đảo lộn, rối tung lên và có nguy cơ thất bại. Ơn gọi cũng thế, không thể đòi hỏi anh em mới vào Dòng phải giống như anh em sắp ra trường, cũng như không thể chấp nhận anh em năm cuối mà cũng dẫm chân tại chỗ như khi mới vào. Vì thế, việc nói về tiến trình sống ơn gọi này hữu ích không phải chỉ riêng cho các anh em mới bắt đầu, mà cả những anh em lớp lớn, và thậm chí cả những người đã chịu chức vẫn còn cần thiết để sống tốt và thành công trong đời sống và sứ vụ ơn gọi của mình cho đến cùng.


Sống tiến trình ơn gọi năm bước này là một công trình hợp tác của mọi thành phần Giáo Hội với ơn Chúa. Nhưng việc đầu tiên phải làm là cầu nguyện, vì việc theo đuổi ơn gọi là điều Chúa muốn chứ không phải con người muốn mà thành. Chính Chúa Giêsu đã cầu nguyện suốt đêm cùng Chúa Cha trước khi chọn 12 tông đồ từ giữa các môn đệ: “Trong những ngày ấy, Đức Giê-su đi ra núi cầu nguyện, và Người đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa. Đến sáng, Người kêu các môn đệ lại, chọn lấy mười hai ông và gọi là Tông Đồ20. Và cũng chính Chúa Giêsu dạy phải cầu nguyện cho có thêm thợ gặt, như thánh Luca viết: “Lúa chín đầy đồng mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về21; còn thánh Matthêu thì nói chi tiết hơn: “Đức Giê-su thấy đám đông thì chạnh lòng thương, vì họ lầm than vất vưởng, như bầy chiên không người chăn dắt. Bấy giờ, Người nói với môn đệ rằng Lúa chín đầy đồng, mà thợ gặt lại ít. Vậy anh em hãy xin chủ mùa gặt sai thợ ra gặt lúa về22. Giáo Hội cầu nguyện, Giáo phận cầu nguyện, Hội Dòng cầu nguyện, giáo xứ cầu nguyện, gia đình cầu nguyện, những người thân quen cầu nguyện, nhất là chính ứng sinh cầu nguyện để mình được Chúa thương chọn gọi: Dạ, con đây, xin sai con đi”23.
Việc thứ hai là phải vun trồng và bảo vệ ơn gọi: phải tạo mọi điều kiện thuận lợi cho ơn gọi được triển nở, phải cất đi hay tránh xa những môi trường, những mối quan hệ gây hại cho ơn gọi, nhất là các tương quan với người khác phái trong thế giới tục hóa và hưởng thụ hôm nay.

1. BƯỚC THỨ NHẤT: CHÚA GỌI


(Gọi tên con)

Chúa gọi trực tiếp từ trong sâu thẳm cõi lòng hay gián tiếp qua người nọ kẻ kia, hoặc Chúa phối hợp cả hai cách để nói lên kế hoạch yêu thương quan phòng của Chúa cho mỗi người, với từng bối cảnh cụ thể của cuộc sống mỗi người. Ứng sinh trong giai đoạn quan trọng này cần có người đồng hành cùng tìm kiếm và phân định ý Chúa.


Chúng ta thử ngắm nhìn một số ơn gọi điển hình trong Thánh Kinh. Trước hết là câu chuyện Ơn gọi của cậu bé Samuel. Chắc anh em đã nhiều lần đọc đoạn sách này: “Cậu bé Sa-mu-en phụng sự Đức Chúa, có ông Ê-li trông nom. Thời ấy, lời Đức Chúa thì hiếm và thị kiến cũng không hay xảy ra. Một ngày kia, ông Ê-li đang ngủ ở chỗ ông, mắt ông đã bắt đầu mờ, ông không còn thấy nữa. Đèn của Thiên Chúa chưa tắt và Sa-mu-en đang ngủ trong đền thờ Đức Chúa, nơi có đặt Hòm Bia Thiên Chúa. Đức Chúa gọi Sa-mu-en. Cậu thưa: “Dạ, con đây!” Rồi chạy lại với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu. Con về ngủ đi.” Cậu bèn đi ngủ. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần nữa. Sa-mu-en dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Ông bảo: “Thầy không gọi con đâu, con ạ. Con về ngủ đi.” Bấy giờ Sa-mu-en chưa biết Đức Chúa, và lời Đức Chúa chưa được mặc khải cho cậu. Đức Chúa lại gọi Sa-mu-en lần thứ ba. Cậu dậy, đến với ông Ê-li và thưa: “Dạ, con đây, thầy gọi con.” Bấy giờ ông Ê-li hiểu là Đức Chúa gọi cậu bé. Ông nói với Sa-mu-en: “Con về ngủ đi, và hễ có ai gọi con thì con thưa: ‘Lạy Chúa, xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe.” Sa-mu-en về ngủ ở chỗ của mình. Đức Chúa đến, đứng đó và gọi như những lần trước: “Sa-mu-en! Sa-mu-en!” Sa-mu-en thưa: “Xin hãy phán, vì tôi tớ Ngài đang lắng nghe24. Ai đã giúp anh em nhận ra lời mời gọi của Chúa?
Câu chuyện thứ hai là Tiến trình ơn gọi của Đức Mẹ25: Thiên Chúa đi bước trước sai sứ thần vào nhà trinh nữ và nói: “Mừng vui lên, hỡi Đấng đầy ân sủng, Đức Chúa ở cùng bà.” Thoạt đầu Đức Mẹ băn khoăn: Nghe lời ấy, bà rất bối rối, và tự hỏi lời chào như vậy có ý nghĩa gì. Sứ thần liền giải thích: “Maria, xin đừng sợ, vì bà đẹp lòng Thiên Chúa. Và này đây bà sẽ thụ thai, sinh hạ một con trai, và đặt tên là Giêsu. Người sẽ nên cao cả, và sẽ được gọi là Con Đấng Tối Cao. Đức Chúa là Thiên Chúa sẽ ban cho Người ngai vàng vua Đavít, tổ tiên Người. Người sẽ trị vì nhà Giacóp đến muôn đời, và triều đại của Người sẽ vô cùng vô tận.” Đức Mẹ phản bác lại vì trái với quyết ý và kế hoạch của Mẹ cho cuộc đời mình, cũng như Mẹ nghĩ theo cách tự nhiên của con người: “Việc ấy làm sao xảy ra được, vì tôi không biết đến việc vợ chồng!” Sứ thần lại giải thích: “Thánh Thần sẽ ngự xuống trên bà, và quyền năng Đấng Tối Cao sẽ rợp bóng trên bà, vì thế, Đấng Thánh sắp sinh ra sẽ được gọi là Con Thiên Chúa.” Sứ thần còn nêu bằng chứng thuyết phục: “Kìa bà Êlisabét, người họ hàng với bà, tuy già rồi, mà cũng đang cưu mang một người con trai: bà ấy vẫn bị mang tiếng là hiếm hoi, mà nay đã có thai được sáu tháng. Vì đối với Thiên Chúa, không có gì là không thể làm được.” Bấy giờ Đức Mẹ từ bỏ, hay đúng hơn lụy phục ý muốn và kế hoạch riêng của Mẹ cho ý muốn và kế hoạch của Chúa: “Vâng, tôi đây là nữ tỳ của Chúa, xin Chúa cứ làm cho tôi như lời sứ thần nói.” Chúng ta thấy Thiên Chúa không hành động nghịch lại tự do của con người, mà Ngài cần đến sự ưng thuận tự do của tạo vật của Ngài: Cả trời và đất, cả thiên đàng và trần thế, cả chính Thiên Chúa đều chờ đợi lời đáp trả của Mẹ Maria. Mẹ trở nên mẫu gương cho chúng ta trước lời mời gọi của Chúa. Mẹ có ý muốn và kế hoạch cho cuộc đời của Mẹ. Nhưng một khi thiên sứ giải thích và thuyết phục, Mẹ nhận ra ý muốn và kế hoạch của Chúa trên cuộc đời Mẹ thì Mẹ liền mau mắn lụy phục ý muốn và kế hoạch của Mẹ cho ý muốn và kế hoạch của Chúa. Ai trong chúng ta cũng có ý muốn và kế hoạch riêng cho đời mình, liệu ý muốn và kế hoạch đó có phù hợp với ý muốn và kế hoạch của Chúa cho mình không; và nếu không thì chúng ta có dám luỵ phục ý muốn và kế hoạch của mình cho ý muốn và kế hoạch của Chúa không, vì chúng ta chỉ thực sự triển nở và hạnh phúc trong ý muốn và kế hoạch của Chúa cho mình?
Câu chuyện thứ ba là Ơn gọi của bốn Tông đồ đầu tiên: “Một hôm, Đức Giê-su đang đứng ở bờ hồ Ghen-nê-xa-rét, dân chúng chen lấn nhau đến gần Người để nghe lời Thiên Chúa. Người thấy hai chiếc thuyền đậu dọc bờ hồ, còn những người đánh cá thì đã ra khỏi thuyền và đang giặt lưới. Đức Giê-su xuống một chiếc thuyền, thuyền đó của ông Si-môn, và Người xin ông chèo thuyền ra xa bờ một chút. Rồi Người ngồi xuống, và từ trên thuyền Người giảng dạy đám đông. Giảng xong, Người bảo ông Si-môn: “Chèo ra chỗ nước sâu mà thả lưới bắt cá.” Ông Si-môn đáp:“Thưa Thầy, chúng tôi đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, tôi sẽ thả lưới.” Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như rách cả lưới. Họ làm hiệu cho các bạn chài trên chiếc thuyền kia đến giúp. Những người này tới, và họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm. Thấy vậy, ông Si-môn sấp mặt dưới chân Đức Giê-su và nói: “Lạy Chúa, xin tránh xa con, vì con là kẻ tội lỗi!” Quả vậy, thấy mẻ cá vừa bắt được, ông Si-môn và tất cả những người có mặt ở đó với ông đều kinh ngạc. Cả hai người con ông Dê-bê-đê, là Gia-cô-bê và Gio-an, bạn chài với ông Si-môn, cũng kinh ngạc như vậy. Bấy giờ Đức Giê-su bảo ông Si-môn: “Đừng sợ, từ nay anh sẽ là người thu phục người ta.” Thế là họ đưa thuyền vào bờ, rồi bỏ hết mọi sự mà theo Người”26.

Là những người đánh cá chuyên nghiệp mà suốt cả đêm các ông không bắt được con cá nào, dù là thời gian thuận tiện cho việc đánh bắt, vì ban đêm các phiêu sinh vật nổi lên mặt nước và cá theo đó mà tìm thức ăn. Ấy thế mà khi có Chúa Giêsu ở cùng trên thuyền và vâng lời Ngài, dù Ngài không từng trải nghề cá, các ông được một mẻ cá lạ lùng. Và chính mẻ cá lạ lùng này đã thúc đẩy các tông đồ mau mắn theo Chúa. ĐTC Phanxicô khuyến khích giới trẻ: “Hãy tin tưởng vào Chúa Giêsu. Chúa luôn luôn ở với chúng ta. Người ở bên bờ của cuộc đởi, Người đến gần những thất bại của chúng ta, những yếu đuối của chúng ta, những tội lỗi của chúng ta, để biến đổi chúng27.



Lời mời gọi của Chúa thật đa dạng và phong phú, đến như bất ngờ và dường như không thể. Chúng ta có thể kể đến lời mời gọi Matthêu bên bàn thu thuế28, Mai-đệ-liên gái điếm29 hay Phaolô bắt đạo30 và bao nhiêu kỳ tích ơn gọi của các thánh, cùng những người mà chúng ta có thể biết được… Nhìn vào câu chuyện đời với những biến cố nổi bật của chính mỗi người chúng ta, thành công hoặc thất bại, thánh thiện hoặc tội lỗi, các nhà đào tạo, nhất là vị linh hướng, có thể giúp chúng ta đọc được dấu chỉ lời mời gọi của Chúa, hoặc trực tiếp, hoặc gián tiếp bởi ai đó gợi ý thúc đẩy. Có thể là cha mẹ, cha xứ, thầy xứ, bạn bè… giống như Gioan Tẩy Giả giới thiệu Chúa Giêsu cho hai môn đệ mình, hoặc như Anrê dẫn em mình là Simon, Philipphê dẫn Nathanael đến với Chúa Giêsu... Hôm nay, Chúa vẫn luôn tiếp tục gọi và đổi mới lời mời gọi của Ngài qua từng biến cố cuộc đời của chúng ta, chúng ta đừng để đánh mất cơ hội đáp trả.
Những ngày thường huấn này là cơ hội thuận tiện để mỗi người chúng ta đọc lại lịch sử ơn gọi của mình, và nghiêm túc bắt đầu việc lượng sức để quyết định dứt khoát ơn gọi của mình, càng sớm càng tốt, ích lợi vừa cho bản thân vừa cho Giáo Hội và Nhà Dòng. Dù đã ở trong Dòng một thời gian, lâu mau tuỳ người, chúng ta cũng vẫn đang tìm hiểu ơn gọi mỗi ngày cho chín chắn hơn, bằng việc kiểm tra chính mình và các ân ban của mình xem có phù hợp với đời sống và sứ vụ tu sĩ linh mục không. Chúng ta phải phân định và đánh giá các ân huệ ấy xem có ăn khớp với kế hoạch chung và nhu cầu của Giáo Hội và Hội Dòng hay không. Dĩ nhiên phải có hòa điệu trong việc sống các ân ban đa dạng ấy mới sống ơn gọi một cách vui tươi hạnh phúc được.
Bên cạnh đó, những người có trách nhiệm đào tạo cũng tìm hiểu và đánh giá để đón nhận và thăng tiến chúng ta, như Chúa Giêsu đã thẩm định ông Nathanael là “người đích thực, lòng dạ không có gì gian dối” và đã tiếp nhận ông vào hàng ngũ tông đồ của Chúa31. Các ngài cũng xem xét tính tình, khả năng, lòng đạo đức, ý hướng và động lực của chúng ta có phù hợp với ơn gọi tu sĩ linh mục không. Trong thư gửi người công giáo Á Nhĩ Lan về những tổn thương đau đớn do nạn lạm dụng tình dục của hàng giáo sĩ, ĐTC Biển Đức XVI qui kết là “do các thủ tục thiếu sót trong việc ấn định ra tư cách xứng đáng của các ứng viên chức linh mục và cuộc sống tu trì; thiếu sót trong việc đào tạo nhân bản, luân lý, tri thức và thiêng liêng trong các chủng viện và tập viện.32 Tuy nhiên, cơ hội vẫn chưa đóng lại và chúng ta được mời gọi khẩn trương hơn trong việc học hỏi, trao đổi và linh hướng để quyết định thật sự lật sang trang đời mới trước khi quá muộn, vì tội thì tha lỗi thì sửa, mỗi vị thánh đều có một quá khứ và mỗi tội nhân đều có một tương lai. Người chưa phạm lỗi gì chưa chắc đã “bảo đảm” hơn người có lỗi mà đã sửa được và dứt khoát không tái phạm: tiên cũng có khi đọa, thánh cũng có khi lầm, huống chi là con người mỏng dòn hèn yếu như chúng ta! Đào tạo đích thực boe61n người lầm lỗi thành người không còn lầm lỗi, biến người xấu thành người tốt, người tốt thành người tốt hơn để đi đến sự hoàn hảo thánh thiện.
Việc phân định ơn gọi này không thể thiếu, dù bước đầu có thể rất may mắn như cậu bé Ba Tây dịp ĐTC Phanxicô đến chủ sự Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới lần thứ 28, sau khi vượt qua rào cản nhảy lên xe ĐGH, thì thầm với ngài: “Tâu Đức Thánh Cha, con muốn trở thành một linh mục của Chúa Kitô”. Đức Thánh Cha Phanxicô trả lời: “Cha sẽ cầu nguyện cho con, nhưng cha xin con cũng cầu nguyện cho cha”, Ngài cảm động rơi nước mắt và ôm cậu: “Từ hôm nay, ơn gọi của con được thiết lập33. “Được thiết lập” hôm nay không có nghĩa là được bảo đảm mãi về sau, nhưng phải gìn giữ và phát triển tích cực hơn lên mỗi ngày mới được.
Trong những giờ suy niệm cá nhân trước Thánh Thể, chúng ta hãy tạ ơn Chúa vì đã kêu gọi chúng ta, đồng thời xin cho chúng ta được kiên trì cộng tác với ơn Chúa, dù chúng ta không tốt hơn và nhiều khả năng hơn nhiều anh em đồng tuổi khác, để tỏ rõ tình thương vô điều kiện và quyền tự do chọn gọi của Chúa, như Ngài đã nói: “Không phải các con chọn Thầy, nhưng chính Thầy đã chọn các con”. ĐTC Biển Đức XVI khích lệ hơn 6.000 chủng sinh, những người ao ước trở nên linh mục của Chúa Kitô để phục vụ Giáo Hội và con người, đến từ khắp nơi trên thế giới trong thánh lễ ngày 20/8/2011: “Các con đã nghe theo tiếng gọi của Chúa Kitô, và được cái nhìn đầy yêu thương của Ngài lôi cuốn. Các con hãy hướng mắt lên Ngài: qua việc Nhập thể, Ngài mang lại cho thế giới mạc khải sau cùng về Thiên Chúa, và nhờ sự Phục sinh, Ngài đã trung thành thực thi lời hứa. Hãy tạ ơn Chúa vì dấu chỉ yêu mến đánh dấu mỗi người trong các con”34.
Còn ĐTC Phanxicô trong cuộc gặp các chủng sinh và tập sinh hôm 6/7/2013 nhắc nhở: “Trở thành linh mục, tu sĩ hay nữ tu, không phải là một lựa chọn chúng ta thực hiện hoàn toàn bằng bản thân mình. Tôi không tin tưởng một chủng sinh, hay một tập sinh nói với tôi ‘Con đã chọn con đường này’. Tôi không thích nói như vậy! Điều đó không đúng. Câu trả lời của chúng ta được kích hoạt bởi một lời mời gọi tình yêu. Đó là một cái gì bạn cảm thấy bên trong. Cái gì đó làm chúng ta không yên. Và bạn đáp trả lại ‘Vâng.’ Xin Mẹ Maria luôn đồng hành nâng đỡ chúng ta.



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9   ...   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương