TÂn phúC Âm hóa bản thân tu sĩ VÀ CỘng đOÀn dòng thánh tâm huế thưỜng huấn ngày 16-24/7/2014 MỤc lụC


X. TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI TU BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA



tải về 1.33 Mb.
trang17/21
Chuyển đổi dữ liệu10.05.2018
Kích1.33 Mb.
#37991
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21

X. TÁI ĐỊNH HƯỚNG ĐỜI TU BẰNG VIỆC TÌM CHÚA HƠN LÀ CÔNG VIỆC CỦA CHÚA




1. Hệ quả của việc chỉ tìm công việc của Chúa


Để sống tốt và thành công trong đời sống và sứ vụ tu sĩ, chúng ta phải luôn luôn đặt Chúa làm trung tâm chứ không phải bản thân mình, và tìm Chúa hơn là công việc của Chúa. Quả vậy, sứ vụ tông đồ là cái chung nhất của những ai muốn dấn thân phục vụ tha nhân, muốn đi truyền giáo, muốn xả thân cho người nghèo, nghĩa là nhắm đến phục vụ, tức Công Việc của Chúa. Các cơ cấu Giáo Hội được nhắm tới và được đón nhận như điểm tựa mục vụ, vì chúng giúp ta dấn thân cho sứ vụ tông đồ. Việc hoàn thiện các đức tính nhân bản, thăng tiến các tài năng, nghiệp vụ là những yếu tố giúp việc tông đồ hiệu năng hơn.
Việc đánh giá cao thành tích tông đồ và coi thường người thiếu khả năng khiến một số người bỏ bê đời sống cầu nguyện và nội tâm thiêng liêng để chạy theo tính hiệu quả của công việc. Nếu coi hoạt động tông đồ là động lực tối hậu thì khi không còn hoạt động tông đồ được nữa (do hoàn cảnh, bệnh tật, tuổi tác), các vấn đề tiêu cực sẽ nổi lên, vì sự quá lý tưởng và kỳ vọng vào việc tông đồ sẽ gặp chán nản, hoặc không còn hứng khởi kiên trì theo đuổi sứ vụ ơn gọi. Lúc đó những tiêu cực hay việc rời bỏ đời tu là kết quả đương nhiên của cơn khủng hoảng.
Sự xung đột thường xảy ra giữa các cơ cấu tông đồ nặng tính truyền thống của thế hệ lớn tuổi và lối sống tông đồ sáng tạo của thế hệ mới. Nếu không điều chỉnh hài hoà được thì gánh nặng cơ cấu truyền thống sẽ bị kết thúc bởi khủng hoảng thiếu ơn gọi mới và những cuộc ra đi càng làm cạn kiệt nhân sự đưa đến giải thể. Có những người ở lại chỉ vì đối với họ, việc rời bỏ đời tu là một sự sụp đổ hoàn toàn. Trong hoàn cảnh ấy, đức khiết tịnh cũng chỉ được duy trì bởi sự khổ hạnh, một khổ hạnh gắn liền với kỷ luật hơn là với tình yêu tự nguyện và hạnh phúc trọn vẹn cho Thiên Chúa.
Có người chọn giải pháp tiêu cực: đã quá muộn để rời bỏ đời tu, phải cố chịu đựng cuộc sống như định mệnh đã an bài, luôn đau khổ vì tiếc nuối những hoạt động thật ý nghĩa trong quá khứ mà bây giờ không còn nữa. Người khác ở lại vì đời tu mang lại cho họ một cuộc sống đầy đủ, tiện nghi, an toàn, dù rất tầm thường, và chấp nhận một số công việc tông đồ ít ỏi mà họ có thể làm. Nếu sứ vụ tông đồ là động lực đời tu mà còn như thế thì người mang động lực có tính cách trần thế khác sẽ thế nào khi gặp khó khăn thử thách? Họ sẽ bỏ cuộc hoặc sẽ sống một đời tu miễn cưỡng, đã không triển nở hạnh phúc, mà còn sẽ có những tiêu cực nguy hại cho bản thân, cho tha nhân, cho Hội Dòng và sứ mệnh của Hội Dòng, vốn là công trình của Thiên Chúa.

2.Tính ưu tiên của việc tìm kiếm chính Chúa


Trái lại, việc dấn thân vì chính Chúa giúp ta nhận biết Chúa là tuyệt đối và có qui chiếu tối hậu nơi Ngài, đến đỗi ngay cả giữa những cơn thử thách lớn lao và ngờ vực của đêm tối đức tin, chúng ta cũng cảm nhận được Chúa Là Tất Cả. Xác tín này cổ vũ dấn thân sống bền đỗ đời sống và sứ vụ ơn gọi trong mọi hoàn cảnh cuộc đời. Nó đem lại bình an và kích hoạt sức mạnh cần thiết để chúng ta sống vui tươi cuộc đời ơn gọi của mình, như ĐTC Phanxicô mong muốn các nữ tu phải thể hiện niềm vui và một diện mạo nhân bản xuất phát từ việc nhận biết Chúa Giêsu: “Khi chị em bước vào cuộc hành trình suy niệm về Chúa Giêsu Kitô, cầu nguyện và sám hối với Ngài, lòng nhân bản của chị em phát triển. Làm thế nào để một nữ tu thể hiện lòng nhân bản của mình? Thông qua niềm vui, và ngày càng hân hoan hơn nữa! Tôi thật buồn khi nhìn thấy các nữ tu với khuôn mặt buồn rười rượi. Họ có thể mỉm cười, nhưng đó là một nụ cười giả tạo như những nụ cười của một tiếp viên hàng không. Không! Chị em hãy cho thấy nụ cười hân hoan đến từ niềm vui nội tâm nhé?228
Kinh nghiệm này là một ân ban được tăng trưởng nhờ kiên trì cầu nguyện, chiêm niệm và đời sống nội tâm sâu xa. Nó là đá tảng vững chắc trong những thời khắc khó khăn, chán nản, lầm lạc và cả tội lỗi nữa. Nó mời gọi ta sám hối trở về cùng Chúa với lòng nhiệt thành ban đầu. Trong những cơn khủng hoảng tình cảm hay tính dục, kinh nghiệm này là sức vượt lên, vì tin chắc rằng Chúa luôn yêu thương tha thứ cho đến tận cùng, bất chấp tất cả yếu đuối và tội lỗi của chúng ta.
Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả là hàn thử biểu cho đời sống và sứ vụ ơn gọi. Nó không được đo lường bởi tính hiệu quả và thành công. Nó soi sáng và kích hoạt mọi hoàn cảnh sống, và là nguồn đặc sủng năng động tông đồ. Cảm nhận kinh nghiệm này giúp chúng ta không bao giờ phải đi tới ngõ cụt là lìa bỏ ơn gọi vì một sự thay đổi công việc hay nhiệm sở, tuổi tác hay bệnh hoạn làm cản trở công việc tông đồ. Chính kinh nghiệm này giải thích thái độ của những người ngày đêm âm thầm phục vụ trong những nơi và công việc tầm thường, khuất ẩn, chẳng ai để ý tới, hoặc thái độ của những người đang dấn thân trong các hoạt động tông đồ đang thành công bất ngờ bị bứng đi, và phải lặng lẽ ra đi như tới một nơi lưu đày.
Kinh nghiệm Chúa là Tất Cả được nuôi dưỡng bởi các lời khuyên Phúc Âm: - Đức khó nghèo giúp lệ thuộc tuyệt đối vào Chúa: Chúa Giêsu sai các môn đệ đi truyền giáo không được mang theo gì cả để họ tín thác vào Thiên Chúa229; - Đức vâng lời dạy qui phục ý Chúa qua Bề Trên, là người có kinh nghiệm tìm ý Chúa cho mình cũng như cho bề dưới, và cùng bề dưới tìm Ý Chúa; - Đức khiết tịnh diễn tả một tình yêu trọn vẹn cho Thiên Chúa, không chia sẻ cho ai hay cái gì khác230. Kinh nghiệm về sự tuyệt đối của Thiên Chúa giúp từ bỏ ý riêng: nhượng bộ ý muốn và kế hoạch riêng cho Chúa, như Trinh nữ Maria trong ngày truyền tin đã qui phục ý muốn và kế hoạch đời Mẹ cho ý muốn và kế hoạch cứu độ của Chúa cho Mẹ và cho cả nhân loại.
Kinh nghiện nền tảng Chúa là Tất Cả phải vừa là điểm khởi đầu vừa là điểm phải đến: Mọi sự đều qua đi, nhưng Thiên Chúa không hề thay đổi. Ai có được Thiên Chúa thì chẳng thiếu gì hết: Một mình Thiên Chúa là đủ. Do đó, phải ưu tiên tìm chính Chúa trong các công việc của Chúa và qui hướng các công việc của Chúa về chính Chúa. Chỉ khi nào vượt lên được chính mình và những thứ kéo ghì mình xuống để vươn lên chính Chúa hơn là công việc của Chúa thì chúng ta mới thực sự có được một đời tu bình an, thành công và hạnh phúc.


3.Điều hợp giữa chính Chúa và công việc của Chúa


Cần có một sự điều hợp giữa chính Chúa và công việc của Chúa trong đời sống và sứ vụ tu sĩ chúng ta. Nếu chính Chúa là động lực ơn gọi, ta có được bảo đảm cho tính trung thực của đời tu. Nếu công việc tông đồ là động lực, thì phải xem nó có kiên vững và tiến triển hướng về chính Chúa không? Nếu chỉ tìm công việc của Chúa mà quên chính Chúa thì sẽ có nguy cơ đi tới tình huống thiếu động lực đích thực. Như vậy kinh nghiệm Chúa là Tất Cả đã có mặt ngay từ đầu, hoặc đã trỗi lên qua dòng đời dâng hiến với việc thực thi các sứ vụ tông đồ. Việc dấn thân trong sứ vụ, sự nhiệt tình tông đồ, lòng tận tụy truyền giáo có thể là những trung gian quí báu dẫn tới kinh nghiệm “Chỉ một mình Chúa là đủ.” Trái lại, kinh nghiệm Chúa là Tất Cả cho ta ánh sáng, sức mạnh, và nhiệt huyết tông đồ.
Có hai cách thức để đạt tới trải nghiệm quí báu này: hoặc ngay từ đầu đã có kinh nghiệm về chính Chúa, hoặc dần dần tiến lại với chính Chúa qua trung gian sứ vụ tông đồ, tức các công việc của Chúa. Công cuộc đào tạo và tự đào tạo phải đưa mỗi người đến trung tâm của ơn gọi là chính Chúa. Do đó, không được ham công việc của Chúa mà không ở với chính Chúa. Phải luôn tìm Chúa trong mọi công việc của Chúa và qui hướng mọi việc tông đồ về chính Chúa, để khi không thể làm việc của Chúa thì vẫn luôn còn có chính Chúa, và như thế là đủ. Có thể nói đó là đường hướng và nội dung căn bản của đời sống cầu nguyện liên lỉ sâu xa.
Thường ta không đạt được kinh nghiệm Chúa là Tất Cả ngay từ bước đầu tiên của ơn gọi, nhưng trong suốt hành trình được đào tạo và tự đào tạo, cũng như trong cuộc sống và sứ vụ tông đồ, nó phải được tôi luyện qua các khủng hoảng hay những thách đố lớn. Ta phải nhanh chóng thanh tẩy các động lực ơn gọi và đặt trọng tâm nơi Chúa Giêsu, “Đấng vẫn là một hôm qua, hôm nay và mãi mãi231. Trong thư gửi tín hữu Colossê, thánh Phaolô cho chúng ta tầm nhìn sâu sắc và tổng thể về vai trò trung tâm này của Chúa Giêsu232. ĐTC Phanxicô nói: “sự bất tuân phục và sự hoài nghi của chúng ta là những gút mắc chồng chéo trong linh hồn của mỗi người. Những gút mắc này lấy đi sự bình an và thanh thản của chúng ta. Chúng thật nguy hiểm, vì nhiều gút mắc có thể hình thành một mớ càng lúc càng đau đớn và khó tháo gỡ hơn. Tin vào Chúa Giêsu có nghĩa là dâng hiến cho Chúa trọn thân xác chúng ta với lòng khiêm nhu và can đảm của Mẹ Maria, để Chúa có thể tiếp tục ngự trong tâm hồn chúng ta233.

Trong bài giảng thánh lễ ngày 5/12/2013, Ngài khẳng định rằng những lời nói và hành động của một Kitô hữu phải tập trung vào Chúa Giêsu, nếu không thì sẽ là trống rỗng, dẫn đến chia rẽ và điên rồ của tự phụ… Một tín hữu nói lời không bắt rễ từ Chúa Kitô là người tín hữu không có Chúa Kitô. Và việc không có Chúa Kitô này tạo nên chia rẽ giữa chúng ta, chia rẽ trong Giáo Hội. Hãy khiêm nhường xin Chúa giúp đỡ để nói lời bắt nguồn từ Chúa Giêsu Kitô234.


Chúng ta sống giữa thế gian nhưng không thuộc về thế gian mà là thuộc về Thiên Chúa và Giáo Hội, có sứ mệnh tiếp tục công việc của Chúa Kitô, làm cho Ngài được nhận biết và yêu mến, qua đời sớng và sứ vụ tu sĩ chúng ta dưới sự hướng dẫn và tác động của ơn Chúa Thánh Thần. Thánh Gioan căn dặn: “Anh chị em phải coi chừng để khỏi đánh mất những gì anh chị em đã làm được, hầu lãnh được đầy đủ phần thưởng”235. Amen.


Phần Ba




A. DI SẢN TRỐI LẠI CHO CON VỮNG NGHIỆP

Đứng gần thập giá Đức Giê-su, có thân mẫu Người, chị của thân mẫu, bà Ma-ri-a vợ ông Cơ-lô-pát, cùng với bà Ma-ri-a Mác-đa-la. Khi thấy thân mẫu và môn đệ mình thương mến đứng bên cạnh, Đức Giê-su nói với thân mẫu rằng: ‘Thưa Bà, đây là con của Bà’. Rồi Người nói với môn đệ: ‘Đây là mẹ của anh’. Kể từ giờ đó, người môn đệ rước bà về nhà mình” (Ga 19, 25-27).


Xe có tốt mấy, máy móc có tối tân và mạnh bao nhiêu đi nữa mà thiếu nhiên liệu thì không thể vận hành và phát huy tiềm năng được. Cũng thế, dù những suy tư và hiểu biết của chúng ta về tất cả những gì liên quan tới đời sống và sứ vụ linh mục/tu sĩ của chúng ta có đúng đắn và sâu sát đến đâu đi nữa mà thiếu nội lực thiêng liêng, thiếu sức sống của Chúa và dầu đức tin thì cũng không duy trì vững vàng lâu dài và phát huy hiệu quả là làm cho người ta biết Chúa, trở lại với Chúa và yêu mến Chúa được. Chúng ta sẽ suy niệm về ba quà tặng cuối cùng của Chúa Giêsu, Thánh Thể, Thánh Thần và Thánh Mẫu, là di sản mà Ngài đã trăn trối lại trước khi lìa bỏ thế gian về cùng Chúa Cha, mong cho các môn đệ ngày ấy và chúng ta bây giờ vững bước được trên con đường thập giá đi theo Ngài cứu rỗi các linh hồn và làm vinh danh Chúa.


1. Cử Hành và Sống Bí tích Thánh Thể


Trong bữa Tiệc Ly, Chúa Giêsu đã trối lại cho chúng ta Bí tích Thánh Thể, mà Thánh Lễ là hình thức cầu nguyện cao nhất của đời sống phượng tự Kitô giáo. Thánh Thể là “suối nguồn và chóp đỉnh của đời sống và sứ vụ của Hội Thánh”, là “đỉnh cao mà mọi hoạt động của Giáo Hội hướng tới, đồng thời là nguồn suối phát sinh tất cả sức mạnh của Giáo Hội236 nên cũng là trung tâm đời sống và sứ vụ của chúng ta. Những gì Chúa Giêsu đã nói và đã làm trong bữa Tiệc Ly,237 khi thiết lập Bí tích Thánh Thể và chức linh mục, đều giúp cho đời sống thiêng liêng của chúng ta lớn dần lên đến độ “các sinh hoạt hàng ngày của chúng ta sẽ thực sự mang ý nghĩa và chiều kích Thánh Thể.”238
Trước hết, việc soát xét lương tâm mà thánh Phaolô dạy239 để chuẩn bị dâng thánh lễ và rước lễ sẽ giúp chúng ta ý thức mình bất xứng, phải cậy dựa vào ơn Chúa và lời cầu bàu của Giáo Hội. Thiên Chúa tỏ lộ mầu nhiệm ý muốn và kế hoạch của Ngài trong phụng vụ Lời Chúa, mà chúng ta phải liên kết với các thực tại của cuộc sống, ngõ hầu cuộc sống được biến đổi bởi chính Lời ấy, khiến chúng ta sống và hành động xứng danh linh mục/tu sĩ trong việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân.
Như đã làm trong bữa tiệc ly với bánh, Chúa Giêsu cũng cầm lấy chúng ta và chúc phúc cho chúng ta, khi kêu gọi và tuyển chọn chúng ta. Chúng ta tạ ơn Chúa và có lẽ phải hét lên vui mừng, vì tình yêu vô điều kiện Chúa ban và vì may mắn của chúng ta, là được chọn dù chưa chắc chúng ta đã tốt hơn những người khác. Ước gì chúng ta không bao giờ sợ bị cầm lấy và chúc phúc như thế, bởi Chúa và Giáo Hội, qua Hội Dòng và anh em, cùng các người chúng ta phục vụ, kể cả qua những gánh nặng khó khăn, thử thách đau khổ, tuổi tác và bệnh tật của chúng ta.
Để luôn trung thành giữ lời cam kết với Chúa và với Hội Thánh, đôi khi chúng ta cảm thấy đời sống và con tim bị bẻ ra vì hiểu lầm và đau khổ, vì sự cô đơn và những chiến đấu chống lại những ước muốn nhân loại yếu đuối bên trong và các cơn cám dỗ tấn công từ bên ngoài. Nhưng khi hiểu được ý nghĩa của đời sống bị bẻ ra như tấm bánh vì Chúa và vì tha nhân, chúng ta sẵn sàng hiến tặng thời giờ, của cải, sức khỏe, hạnh phúc, niềm vui, cả những đau khổ và buồn phiền cho Chúa và các linh hồn, vì tất cả những thứ đó cũng chính là cuộc sống và con người chúng ta. Thánh Phaolô khẳng định: tôi rất vui lòng tiêu phí tiền của, và tiêu phí cả sức lực lẫn con người của tôi vì các linh hồn”240, và chính đó là hiến tế cuộc đời đẹp lòng Chúa mà Ngài hằng chờ đợi nơi chúng ta. Quả thế, máu các thánh tử đạo đổ ra vì Chúa và vì Nước Trời chỉ có một lần thôi, nhưng máu của chúng ta đổ ra cách này hay cách khác, mỗi ngày, từng giọt một, qua trách nhiệm và bổn phận từng ngày sẽ khó khăn hơn và công nghiệp hơn: “Một lúc đổ cả máu đào, hay từng giọt một đằng nào công hơn?” Và như Thánh Phaolô, mỗi ngày, chúng ta bổ khuyết nơi thân xác chúng ta phần còn thiếu sót trong cuộc khổ nạn cứu thế của Đức Kitô.241
Bánh và rượu dâng lên sẽ được quyền năng Chúa biến thành Mình và Máu Chúa Kitô. Nếu chúng ta dâng bản thân chúng ta, những tình cảm và tình yêu, những vấn đề, những lo lắng, đau khổ và hạnh phúc... thì quyền năng ấy cũng sẽ biến đổi thành những gì tốt đẹp hơn, hữu ích hơn cho chúng ta và cho các linh hồn, nhất là các linh hồn được trao phó cho chúng ta trách nhiệm. Đặc biệt, nếu chúng ta dâng những yếu đuối và tội lỗi của chúng ta, Chúa sẽ tha thứ, biến đổi và thánh hoá chúng ta, bởi vì với Chúa, chẳng có tội gì quá nặng đến đỗi Chúa không thể tha thứ, miễn là chúng ta thực tình ăn năn trở lại đón nhận ơn Chúa! Vì thế, ĐTC Phanxicô dạy rằng Thiên Chúa không bao giờ mỏi mệt để tha thứ, thì chúng ta cũng đừng bao giờ mỏi mệt chạy đến xin ơn tha thứ, và Ngài thúc giục chúng ta “Hãy tin tưởng đến với Chúa Giêsu, Ngài luôn tha thứ cho chúng ta242.
Trong việc sống thánh lễ này, chúng ta cũng được mời gọi sống và làm chứng cho sự hiệp nhất của Hội Thánh: nhiều hạt lúa miến kết thành tấm bánh, nhiều trái nho ép thành ly rượu. Sự hiệp nhất này là nguồn mạch và bằng chứng hữu hiệu cho sứ vụ loan báo Tin Mừng của Hội Thánh.243 Nhờ việc sống thánh lễ, chúng ta sẽ hiểu hơn sức mạnh biến đổi của Bí tích Thánh Thể và tìm thấy nơi mầu nhiệm này sự can đảm và nguồn sức mạnh để đi theo Chúa Giêsu và phục vụ Ngài nơi tha nhân. Chúng ta kín múc dồi dào nguồn sức mạnh này từ Bí tích Thánh Thể, được cử hành trong thánh lễ mỗi ngày và được thờ phượng nơi Nhà Tạm mỗi khi đến viếng Mình Thánh Chúa,244 như chính Chúa Giêsu mời gọi “hãy đến với Ta, hỡi những ai đang vất vả và gánh nặng, Ta sẽ nâng đỡ và bổ sức cho245.
Quả thế, chính Chúa Giêsu Thánh Thể sẽ nạp lại năng lượng và tăng thêm nhiệt huyết tông đồ cho chúng ta, bằng việc tiếp tục kích hoạt ngày sống và đổ đầy niềm hy vọng vững chắc cho chúng ta. Bí tích Thánh Thể là dấu chỉ thường hằng của tình yêu Thiên Chúa, một tình yêu đỡ nâng hành trình của chúng ta tiến về hiệp thông trọn vẹn với Chúa Cha, qua Chúa Con, trong Chúa Thánh Thần. Đây là thứ tình yêu vượt thắng mọi tình yêu nhân loại, dù có khi rất hấp dẫn và cần thiết tự nhiên. Chính từ nơi Nhà Tạm mà chúng ta phục hồi và nạp thêm năng lượng cho đời sống thiêng liêng và sứ vụ của mình, vì trước khi muốn nói về Chúa thì phải ở với Chúa, nói với Chúa và lắng nghe Chúa nói đã. Thánh Phêrô khuyên “Anh chị em hãy trao trút nỗi lòng của anh chị em cho Chúa, vì Ngài hằng thương yêu chăm sóc đến anh chị em246. Ai trong chúng ta đã không có hơn một lần trải nghiệm những thăng trầm vấp ngã? Hãy năng chạy đến với Chúa Giêsu Thánh Thể. Hiện nay trên thế giới, việc Chầu Thánh Thể Liên Tục Ngày Đêm để cầu nguyện cho hòa bình, cho việc phục hồi và canh tân giáo xứ, cộng đoàn rất được cổ vũ. Chúng ta chưa làm được như thế, ước gì chúng ta sẽ ý thức làm tốt hơn giờ chầu Thánh Thể hằng ngày của chúng ta.
Việc cử hành Thánh lễ kết thúc, nhưng việc sống Thánh Thể vẫn tiếp tục trong cuộc đời chúng ta. Lễ xong, chúng ta ra đi để sống mầu nhiệm vừa cử hành, để sẻ chia những gì mình vừa lãnh nhận, để đem yêu thương cho mọi người trong cuộc lữ hành đức tin. ĐTC Biển Đức XVI dạy: “Thánh Thể không tách xa chúng ta khỏi những người đương thời với chúng ta; ngược lại, bởi vì Thánh Thể là cách diễn tả hay nhất của tình yêu Thiên Chúa, nó mời gọi chúng ta cộng tác với tất cả anh chị em mình để đương đầu với những thách đố hiện tại và làm cho hành tinh này thành một nơi tốt đẹp để sống.247 Xin Chúa ban cho chúng ta được ơn tham dự thánh lễ mỗi ngày thật sốt sắng dường như là thánh lễ cuối cùng của cuộc đời mình vậy.

(Tấm bánh cuộc đời)



tải về 1.33 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   ...   13   14   15   16   17   18   19   20   21




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương