TÂm sở VẤN ĐÁp tỳ khưu Chánh Minh LỜi nóI ĐẦU “Ý dẫn đầu các pháp”



tải về 0.61 Mb.
trang7/9
Chuyển đổi dữ liệu02.09.2016
Kích0.61 Mb.
#30346
1   2   3   4   5   6   7   8   9

46- HỎI: Tạo ra cảnh là tâm sở Tác ý, nếu tâm sở Tác ý tạo ra những cảnh liên hệ với dục, liên hệ với sân, liên hệ với hại. Hành giả phải làm sao để tâm sở Tầm không rơi vào tà Tầm?

Đáp:

Tuy tâm sở Tác ý tạo ra những cảnh có liên hệ đến dục, liên hệ đến sân, liên hệ đến hại. Để tâm không rơi vào tà tầm, hành giả cần phải nhận thức đúng cảnh, rồi nghĩ đến một tướng (nimitta) thiện khác, sau đó an trú tầm vào tướng thiện ấy để đối trị tướng bất thiện kia.

Và Đức Phật có dạy năm cách an trú tầm như sau:

Iddha bhikkhave bhikkhuno yaṃ nimittaṃ āgamma yaṃ nimittaṃ manasikāroto uppajjanti pāpaka akusalā vitakkā chandūpasaṃhitā pi dosūpasaṃhitāa pi mohūpasaṃhitā pi.

Này các tỷ kheo, ở đây vị tỷ kheo y cứ vào tướng nào, nghĩ đến tướng ấy, dẫn đến các ác bất thiện tầm, làm sanh khởi dục tầm, sân tầm, si tầm”.

Trong trường hợp này, Đức Phật dạy có năm cách an trú tầm vào thiện pháp là;

- Cách 1: Nghĩ đến một tướng thiện để đối trị với dục tướng, sân tướng hay si tướng. Ví như dùng nêm đánh bật một cái nêm khác. Đây là cách tạm thời giải thoát (tadaṅga vimutti).

- Cách 2: Hành giả cần quán sát những nguy hiểm của các tà tầm ấy, để khởi tâm ghê tởm các loại tà tầm ấy. Ví như người tuổi trẻ thích trang điểm, lại mang vào cổ xác rắn, hay xác chó, nên có tâm ghê tởm những thứ ấy.

- Cách 3: Không lưu ý đến những cảnh ấy, như người không muốn thấy cảnh trước mặt, liền quay sang phía khác.

- Cách 4: Quán sát sự sinh diệt của các cảnh ấy, khiến nó giảm dần sức mạnh, cuối cùng thì biến mất. Ví như người đang đi mau thì đi chậm lại, đứng lại, ngồi xuống, nằm xuống, cũng vậy hành giả làm cho các tầm bất thiện thô tháo giảm dần, chỉ còn những tầm bất thiện vi tế, cuối cùng thì dứt hẳn bất thiện tầm.

- Cách 5: Nghiến răng, dán chặc lưỡi lên nóc họng, lấy tâm chế ngự tâm, nhiếp phục tâm, đánh bại tâm liên hệ đến các tầm bất thiện. Ví như người lực sĩ nắm đầu người ốm yếu, chế ngự, nhiếp phục và đánh bại nó

47- Hãy trình bày sự khác nhau giữa tâm sở Tư (cetanā cetasika), tâm sở Tác ý (manasikāra cetasika) và tâm sở Tầm? (vitakkacetasika).

Đáp:

Tâm sở Tư có phận sự thúc đẩy các pháp tương ưng hướng về cảnh, phận sự này giống như trạng thái của tâm sở Tầm và của tâm sở Tác ý. Nhưng làm thế nào nhận định được “đây là tâm sở Tư”, “đây là tâm sở Tầm”, “đây là tâm sở Tác ý” ?.

Ba tâm sở này có điểm tương đồng là “điều sử các pháp đồng sanh hướng về cảnh”, nhưng chúng có trạng thái cùng phận sự khác nhau:

Trạng thái của tâm sở Tư là điều động các pháp đồng sanh “níu” lấy cảnh và có phận sự “thúc đẩy các pháp đồng sanh”.

Tâm sở Tư giống như người chủ thuyền gặp phải khi con thuyền bị lật úp, những hành khách rơi xuống nước, người chủ thuyền cố gắng lật chiếc thuyền lại, rồi điều động tất cả hành khách cùng bám vào be thuyền. Thuyền ví như cảnh, hành khách ví như các danh pháp đồng sanh với tâm sở Tư, người chủ thuyền ví như tâm sở Tư

Trạng thái của tâm sở Tác ý là hướng dẩn các pháp đồng sanh hướng đến cảnh và có phận sự làm cho các pháp đồng sanh khắn khít với cảnh.

Tâm sở Tác ý này ví như người phụ tá cho chủ thuyền, y hướng dẫn hành khách bơi đến be thuyền và bám được chặt vào be thuyền, không cho rơi khỏi be thuyền.

Trạng thái của tâm sở Tầm là “đưa các pháp đồng sanh “đi vào cảnh” và có phận sự là “thực hiện liên tục” việc này”.

Tâm sở Tầm ví như người phụ tá thứ hai của chủ thuyền, khi hành khách bám được vào be thuyền, y liền đưa hành khách ấy vào trong thuyền.

Lại nữa, phận sự của tâm sở Tư là hổ trợ cho thành tựu quả về sau, phận sự của tâm sở Tác ý là hướng các pháp đồng sanh không cho sai lệch mục tiêu, phận sự của tâm sở Tầm là làm cho các tâm sở không có gián đoạn, bám cảnh một cách liên tục.

Ba loại tâm sở này lại có ví dụ để so sánh như sau: Trong chiếc thuyền đua có ba ngưới chèo, một người chèo ở mũi thuyền, một người chèo ở giữa thuyền và một người chèo ở lái thuyền.

Cả ba đều có mục đích đến mục tiêu, nhưng việc làm khác nhau, người chèo ở mũi thuyền mong mau chóng đến mục tiêu để giành thắng lợi nên ra sức chèo liên tục.

Người ở lái thuyền ngoài phận sự chèo thuyền, y còn phải giử cho thuyền đi đúng hướng, không cho lệch mục tiêu.

Người ở giữa thuyền ngoài việc chèo thuyền, y còn phải điều động, thúc đẩy hai tay chèo kia nhanh chóng chèo nhịp nhàng đồng bộ với nhau.

Người ở mũi thuyền ví như tâm sở Tầm, người ở giữa thuyền ví như tâm sở Tư, người ở lái thuyền ví như tâm sở Tác ý.

Khi so sánh giữa tâm sở Tư và tâm sở Tác ý có ví dụ như sau: Một người lái xe hai bánh, bánh sau thúc đẩy bánh trước tiến tới, cũng vậy tâm sở Tư thúc đẩy tâm sở Tác Ý “dẫn dắt” pháp đồng sanh đến cảnh.



48- Hỏi: Thế nào là tâm sở Tứ (vicāracetasika)?

Đáp:

Chữ vicāra là do vi = căn car.



Vi nghĩa là đặc biệt, căn car nghĩa là “đi lang thang bất định”.

Vicāra trong tạng Luận là một thuật ngữ mang ý nghĩa “suy xét trên một đối tượng (cảnh)” hay “dán áp tâm trên đối tượng một cách đặc biệt”,vicāra được dịch là Tứ.

Hai tâm sở Tầm - Tứ có những nét rất giống nhau, gần như chúng hổ trợ cho nhau rất mật thiết.

Trong Tạng Kinh khi đề cập đến Nhị thiền, Đức Phật dạy: “Vị Tỷ kheo chứng và trú Nhị thiền, một trạng thái hỷ lạc không tầm không tứ, do định sanh”.

Trong Tạng Luận, Đức Phật dạy :



  • Savitakkasavicāra dhammā.

  • Tất cả pháp có tầm có tứ

  • Avitakkavicāramattā dhammā.

  • Tất cả pháp không tầm có tứ.

  • Avitakkāvicārā dhammā.

  • Tất cả pháp không tầm không tứ.1

Vì sao có sự khác biệt này?

Vì trong Tạng Kinh Đức Phật Ngài nhắm đến tâm quả cho tái sanh về cảnh giới, cả hai loại: tâm quả Nhị Thiền (không tầm có tứ) và tâm quả Tam thiền (không tầm không tứ) đều đưa tái sanh về cõi Nhị thiền, cao nhất là cõi Quang Âm thiên. Nên trong Tạng Kinh, Đức Phật chỉ đề cập đến “Nhị thiền không Tầm không Tứ”.

Còn trong Tạng Luận, Đức Phật dạy theo thực tính pháp (sbhavadhamma), nên Ngài nêu rõ từng trạng thái tâm: tâm Nhị thiền không Tầm có Tứ, tâm Tam thiền không Tầm cũng không có Tứ.

Hành giả nên nhận định đúng rõ ràng đặc tánh của tâm sở Tầm và tâm sở Tứ.

Tầm ví như con ong hướng đến cánh hoa sen (là cảnh), còn Tứ ví như khi đến cánh hoa sen rồi thì bay vòng quanh cánh hoa để quan sát, nên Tứ đôi khi còn được dịch là “suy tư”. Hoặc ví dụ như sau: Tiếng chuông đầu tiên là Tầm, tiếng chuông ngân là Tứ.

Pāli có giải thích: “Vicāranaṃ = vi cāro: Kềm giử cảnh gọi là Tứ”

Tâm sở Tứ khi phát triển cao độ trở thành chi thiền như tâm sở Tầm, nó có đủ năng lực áp chế hoài nghi, vì sao? Vì đã quan sát thấy rõ cảnh nên sự hoài nghi trong pháp không còn.

Tâm sở Thắng giải (adhimokkha cetasika) chỉ có khả năng đối trị với hoài nghi trong cảnh, nhưng nghi hoặc trong pháp thì tâm sở Thắng giải không có khả năng áp chế, chính tâm sở Tứ khi phát triển thành chi thiền thì có được khả năng này

Nghe ai đó có viên ngọc quý, khi chưa thấy viên ngọc có thể có nghi ngờ, nhưng khi người kia trưng bày viên ngọc ra thì sự nghi hoặc không còn, cũng vậy đối với các pháp thượng nhân như thiền định, Đạo quả, tam tướng… khi chưa chứng đạt thượng nhân pháp hay chưa thấy ấn tướng của pháp thiền thì có thể nghi ngờ pháp ấy, nhưng khi thấy rõ ấn tướng thiền, hoặc thấy rõ tam tướng thì sự nghi hoặc về pháp ấy không còn. Do đó chi thiền Tứ đối trị với hoài nghi (pháp).

Cũng nên hiểu rằng “khi tâm sở Tứ phát huy sức mạnh mới áp chế hoài nghi Pháp, nếu chưa phát huy sức mạnh nó chỉ là tâm sở bình thường mà thôi”.

Điều này giải thích vì sao trong tâm Si hợp hoài nghi có tâm sở Tứ phối hợp”. Ví như người quan sát thoáng qua món nữ trang, có thể nghi ngờ là giả hoặc không đúng chất lượng, khi quan sát kỹ thì không còn nghi ngờ vì đã xác định rõ “thật, giả”, “có hay không có tỳ vết”.

49- HỎI: Hãy trình bày tứ ý nghĩacủa tâm sở Tứ?

Đáp:

Tứ ý nghĩa của tâm sở Tứ là:



  • Trạng thái: có sự trông nom cảnh (anumajjana lakkhaṇa).

  • Phận sự: Làm cho tâm và tâm sở khắn khít với cảnh liên tục (sahajātānuyojana rāsa).

  • Thành tựu: Xiết chặc các pháp tương ưng trong cảnh đã nhận biết, không cho xa lìa cảnh (anupabandha paccupaṭṭhāna).

  • Nhân cần thiết: Phải có cảnh đáng gìn giữ (ārammaṇa padaṭṭhāno) và có ba uẩn ngoài ra (sesakhandhattaya padaṭṭhāna).

Giải thích:

Trạng thái: Khi tâm sở Tầm đưa tâm đến cảnh rồi, khi ấy, tâm sở Tứ nắm giữ cảnh để tâm và tâm sở áp vào cảnh, không cho cảnh ấy mất đi. Như thế, các pháp đồng sanh với Tứ có sự khắn khít với cảnh.

Tư cách gìn giữ cảnh cho các danh pháp cùng nhận biết cảnh, đó là trạng thái của tâm sở Tứ.



Phận sự: Khi tâm sở Tứ phát sanh, có thể làm cho tâm và tâm sở đồng sanh khắng khít trong cảnh, không buông bỏ cảnh. Tiếng chuông lần đầu ví như tâm sở Tầm, tiếng chuông ngân ví như tâm sở Tứ.

Hoặc ví như con chim bay lên hư không, lúc nó vỗ cánh bay thẳng lên ví như tâm sở Tầm, bay vào hư không rồi chao liệng giữa hư không ví như tâm sở Tứ.

Những điều này cho thấy tâm sở Tứ nhận cảnh tế nhị hơn so với tâm sở Tầm, đồng thời hổ trợ cho Tầm thực hiện phận sự đối với các pháp đồng sanh với tâm sở Tứ.

Nếu tâm sở Tầm có phận sự là tiếp xúc liên tục với cảnh thì tâm sở Tứ lại có phận sự giúp các pháp đồng sanh liên tục tiếp xúc với cảnh. Đây là phận sự của tâm sở Tứ.



Thành tựu: Hành giả hành Chỉ Tịnh hay Minh Sát nhận thức rõ sự thành tựu của Tứ, tức là khi cảnh parikammanimitta (Sơ khởi tướng) xuất hiện, tâm và tâm sở biết rõ cảnh này, khi tâm và tâm sở ấy diệt, tâm và tâm sở sanh sau cũng nhận được cảnh Sơ khởi tướng giống như tâm và tâm sở đã diệt. Tức là lộ tâm thứ nhất nhận cảnh như thế nào thì những tâm lộ sanh sau cũng nhận cảnh như thế ấy, đây chính là thành tựu của tâm sở Tứ.

Hiển nhiên, giữa những tâm lộ (cittavithī) có xen lẫn những tâm hữu phần (bhavaṅgacitta) và cảnh của tâm lộ khác với cảnh của hữu phần. Điều này không ảnh hưởng đến thành tựu của tâm sở Tứ. Vì rằng: tâm sở Tứ có sự thành tựu yếu kém hay vững mạnh ở ngay chính trong tâm mà tâm sở Tứ hợp, khi một tâm lộ A có tâm sở Tứ thành tựu vững mạnh diệt đi, một số tâm hữu phần sanh lên nhưng rõ ràng tâm sở Tứ trong lộ tâm A khác với tâm sở Tứ trong tâm hữu phần về sức mạnh thành tựu. Khi tâm lộ B khởi lên cũng nhận cảnh như cảnh trong lộ tâm A. Đó mới là sự thành tựu của tâm sở Tứ. Nếu lộ tâm B nhận cảnh khác xem như sự thành tựu của tâm sở Tứ trong lộ tâm A không đủ sức mạnh duy trì cảnh để lộ tâm B bắt lấy.



Nhân cần thiết của tâm sở Tứ là có cảnh hiện hữu và có ba uẩn: thức, thọ, tưởng.

Điều này hiển nhiên, vì trạng thái, phận sự và thành tựu của tâm sở Tứ phải nương vào cảnh, mà không có cảnh thì làm sao “chăm nom cảnh”, làm sao cho “tâm - sở hữu khắn khít với cảnh được” và khi ấy “tâm – tâm sở dán chặt vào đâu?”.

Do đó, cảnh là nhân cần thiết đối với tâm sở Tứ. Và ba uẩn là : Thọ, tưởng, và thức uẩn phải có là điều hỉển nhiên vì tâm sở Tứ thuộc hành uẩn mà tứ danh uẩn không thể tách lìa nhau được.

50- HỎI: Có phải tâm sở Tầm nhận thức như thế nào thì tâm sở Tứ nhận thức như thế ấy không?

Đáp:

Thông thường là như vậy vì hai tâm sở này thường đi chung với nhau, tâm sở Tầm hổ trợ cho tâm sở Tứ “xem xét cảnh”, khi đưa các pháp đồng sanh đến cảnh. Nếu Tầm liên hệ đến thiện pháp thì Tứ cũng liên hệ đến thiện pháp, nếu Tầm liên hệ đến bất thiện pháp thì Tứ cũng liên hệ đến bất thiện pháp.

Nhưng sự “tìm kiếm cảnh” và “xem xét cảnh” lại có sự khác nhau. Ví như người tìm được viên ngọc anh ta chỉ biết “đó là ngọc”, mang về cho người thợ ngọc xem xét, sau khi xem xét người thợ ngọc biết rõ giá trị viên ngọc hơn người tìm ngọc. Cũng vậy, cùng biết cảnh như nhau nhưng Tầm nhận thức cảnh khác với Tứ.

Trong lãnh vực bất thiện, do sức mạnh của Tưởng sai biệt (papañnca) Tầm có khuynh hướng rơi vào dục tưởng, sân tưởng, hại tưởng trở thành dục tầm, sân tầm và hại tầm. Trái lại Tứ có khuynh hướng rơi vào Tưởng kiến, vì “xem xét sai”.

Hai đoạn kinh sau đây nêu lên ý nghĩa nhận thức cảnh sai biệt của hai loại tâm sở này:

Này các tỷ kheo, chớ có suy tầm các tầm ác bất thiện (mā akusalaṃ cittakke cittakeyyā)1 như dục tầm, sân tầm, hại tầm. Vì cớ sao? Vì các tầm ấy, này các tỷ kheo, không liên hệ đến mục đích, chúng không phải là căn bản của phạm hạnh, chúng không đưa đến yếm ly, ly tham, đoạn diệt, an tịnh, thắng tri, giác ngộ Níp Bàn.

Và:

Này các tỷ kheo, chớ có suy tư ác, bất thiện tâm (mā akusalaṃ cittaṃ cinteyyātha)2: “Thế giới là thường hằng” hay “thế giới là vô thường”, hay “thế giới là hữu biên”, hay “thế giới là vô biên”3



Như thế, rõ ràng tuy cùng một cảnh nhưng tâm sở Tầm nhận thức cảnh theo cách riêng, còn tâm sở Tứ cũng nhận cảnh theo cách riêng.

Tương tự như vậy trong lãnh vực thiện, do sức mạnh của trí, Tầm trở thành chánh Tư duy là: ly dục tầm, vô sân tầm và vô hại tầm. Còn Tứ thì xem xét “vô thường tướng, khổ tướng, vô ngã tướng”.



51- HỎI: Thế nào là tâm sở Thắng giải (adhimokkha cetasika)?

Đáp:

Adhimokkha = adhi + căn muc (phóng thích). Adhi: cao tột.

Nghĩa thông thường của adhimokkha là “phóng ra đến nơi cao tột”.

Adhimokkha dịch là Thắng giải nghĩa là “thoát ra nghi hoặc”.

Pāli có giải:

Imam’eva’ti sanniṭṭhāna karanaṃ = adhimokkha: làm vững chắc “điều ở đây”, gọi là Thắng giải.

Thắng giải ví như “quyết định” của quan tòa vì có tính vững chắc không lay chuyển.

Thắng giải được hiểu như “một phán quyết sau cùng (adhi)”.

Ở đây, “sự phán quyết” chỉ nêu lên khía cạnh “thoát ra sự lưỡng lự, phân vân”, không đề cập đến khía cạnh “đúng hay sai” của quyết định ấy. Tính chất “đúng hay sai” chẳng liên quan gì đến Thắng giải cả.

Tâm sở Thắng giải là loại tâm sở Tợ tha, khi nó hợp trong tâm bất thiện (trừ tâm si hợp Hoài nghi) chính khi ấy tâm sở Hoài nghi không thể có mặt được. Vì Thắng giải có khả năng áp chế hoài nghi cảnh. Nói cách khác, Thắng giải quyết định “đây là cảnh”, không có sự phân vân: “Đây là cảnh hay không phải là cảnh nhỉ?” và thế là hoài nghi không thể sanh khởi. Ngược lại trong tâm Si hợp Hoài nghi, do sức mạnh Hoài nghi nên không thể có tâm sở Thắng giải, Hoài nghi có hai trạng thái: Hoài nghi thông thường (là hoài nghi cảnh) và hoài nghi pháp thực tính.



52- HỎI: Hãy trình bày tứ ý nghĩa của tâm sở Thắng giải (adhimokkha cetasika).

Đáp: Tứ ý nghĩa của tâm sở Thắng giải là:

  • Trạng thái: cách quyết định (saṇṇitthāna lakkhaṇa)

  • Phận sự: có sự chắc chắn trong cảnh (saṃsapanaruso).

  • Thành tựu: có sự quyết đoán cảnh (vinicchaya paccupaṭṭhāna).

  • Nhân cần thiết: có cảnh thích hợp (sanniṭṭhānatabba padṭṭhāna).

Giải thích:

Trạng thái: Đặc tính của tâm sở Thắng giải là phá hủy trạng thái lưỡng lự, phân vân đối với cảnh. Đó là pháp có tính quyết định, dứt khoát đối với cảnh, bất kể đó là cảnh tốt hay xấu, ví như quan tòa quyết định “đây là có tội”, “đây là không có tội”. Cũng vậy, tâm sở thắng giải quyết định “đây là cảnh”, “đây không phải là cảnh”, tính tốt hay xấu của cảnh không ảnh hưởng đến quyết định này.

Có hai loại quyết định: Quyết định của phán xét và quyết định thực hiện.

Chính ác hạnh hay thiện hạnh được hoàn tất cũng do ảnh hưởng từ sức mạnh qua “quyết định làm hay không làm”của tâm sở Thắng giải.

Thực hiện bố thí, hoặc chấp nhận từ bỏ mạng sống vì lợi ích của tha nhân… Những thiện hạnh của người này có được, do người ấy có tâm quyết định dứt khoát (đối với cảnh). Như khi gặp người đang đau khổ, tâm sở Thắng giải quyết định “đây là cảnh bi thương”, thế là tâm Bi sanh khởi và “quyết định làm”, nếu tâm sở Thắng giải quyết định “không phải là cảnh đau khổ” và “quyết định không làm” thì thiện sự sẽ không thực hiện.

Đối với bất thiện ác hạnh cũng vậy, chính vì có “quyết định trong cảnh” và “quyết định thực hiện” nên sự vi phạm giới, sát sanh, trộm cắp, tham luyến tài sản … mới hình thành, nếu có “quyết định không thực hiện” thì ác bất thiện pháp bị trừ diệt.

Đức Phật có dạy:



Āsane sāramatino
Sāre cāsāradassino
Te sāraṃ nādhigacchanti
Miccha saṅkappa gocarā.


Không cốt lõi cho là cốt lõi
Cốt lõi thấy không cốt lõi
Không đến được cốt lõi.
Do đi với tà tầm.1


Sārañ ca sārato ñatvā
Asārañ ca asārato
Te sāraṃ adhi gacchātīti
Sammā saṃkappa gocarā


Cốt lõi biết cốt lõi
Không cốt lõi là không cốt lõi
Đến được cốt lõi ấy
Do đi với Chánh tầm.2

“Cốt lõi cho là không cốt lõi, không cốt lõi cho là cốt lõi”, đó là quyết định sai đối với cảnh, thuộc lãnh vực bất thiện.

“Cốt lõi cho là cốt lõi, không cốt lõi cho là không cốt lõi”, đó là quyết định đúng đối với cảnh, thuộc lãnh vực thiện.

Cách thức quyết đoán như vậy là trạng thái của tâm sở Thắng giải.



Phận sự: tâm sở Thắng giải ngược với hoài nghi, hoài nghi thì có trạng thái phân vân lưỡng lự đối với cảnh, không quyết đoán chắc chắn.

Còn tâm sở Thắng giải quyết định như “đinh đóng cột”, khi tâm sở Thắng giải sanh khởi thì sự lưỡng lự không còn, tâm người ấy vững trong cảnh.

Nên hiểu rằng: sự quyết đoán của tâm sở Thắng giải có tính độc lập với các tâm sở khác đối với cảnh.

Chính tâm sở Thắng giải này đã giải thích vì sao “biết sai mà vẫn làm, biết đúng lại không làm”. Biết sai – đúng là tâm sở trí, nhưng khi tâm sở này không còn, tâm bất thiện sanh lên “biết lại cảnh ấy” và quyết định “làm” hay “không làm” chính là phận sự của tâm sở Thắng giải.



Thành tựu: hành giả với trí tuệ thấy rõ “tính quyết định” hiển lộ trong tâm (dù rằng quyết định ấy là đúng hay sai) đối với cảnh. Hành giả hiểu rằng: “đây là thành tựu của tâm sở Thắng giải”. Chính sự “quyết định nhanh chóng làm điều thiện hay làm đều ác là sức mạnh của tâm sở Thắng giải hiển lộ. Đó là sự thành tựu của tâm sở Thắng giải.

Đức Phật có dạy:



Abhitthāretha kareyāne
Pāpā cittaṃ nivāraye
Dandhaṃ hi karato puññaṃ
Pāpasmiṃ ramati mano


Hãy gấp rút làm thiện
Ngăn tâm rơi vào ác
Chậm chạp làm việc lành
Ý thích ngay việc ác.1

Trong lãnh vực thiện giúp cho các hạnh lành được hình thành, trong lãnh vực bất thiện các ác hạnh được thực hiện cũng do thành tựu của tâm sở Thắng giải.

Nói cách khác, “quyết định làm” là trạng thái, “không còn do dự” là phận sự, “thực hiện việc làm” là thành tựu của tâm sở Thắng giải.

Nhân cần thiết: Tâm sở Thắng giải phát sanh lên do nương vào cảnh đáng quyết đoán. Nghĩa là lúc tâm và tâm sở biết cảnh nào đó, cảnh ấy không có sự nghi ngờ hiện khởi trong tâm.

53- HỎI: Thế nào là tâm sở Tinh tấn (viriya cetasika)?

Đáp:

Tinh tấn là sự cố gắng tiến tới, là sự siêng năng liên tục.

Chữ viriya là do căn aj + īr.

Căn aj nghĩa là đi, vi thay cho aj + īr = vi+ īra = vīra (hoặc vira).

Vīra nghĩa là cương quyết, anh dũng, nên viriya được định nghĩa là “hành động của người anh hùng (vīrānaṃ bhāvo kammaṃ)”.

Viriya còn có nghĩa: “thực hiện đúng theo phương pháp (vidhinā īrayitabbaṃ pavattetabbaṃ vā).

Đồng nghĩa với viriya là những từ như: ussāhana (cố gắng cần mẫn), paggaha, paggahana (cố gắng, sử dụng hết sức mình), upatthambhana (trợ giúp, nâng đỡ).

Viriya ví như viên dũng tướng lâm trận, anh dũng lướt tới, bất chấp nguy hiểm để tiêu diệt đối phương, bảo vệ đoàn quân của mình. Cũng vậy, tinh tấn là trạng thái lướt tới đến áp đảo những nghịch pháp, bảo vệ các pháp đồng sanh.

Hay ví như căn nhà hư cũ, nhưng vẫn đứng vững nhờ có cây cột chống đỡ. Cũng vậy viriya chống đở, ủng hộ các pháp đồng sanh không cho lui sụt trước những nghịch pháp

Các vị Luận sư cho rằng ý nghĩa ussāha (cần mẫn, siêng năng) gần nhất với viriya và có giải thích rằng:

“Udukkhasābho sahanaṃ = ussaha: Đủ sức chịu đựng khó khăn, gọi là siêng năng”.

Tinh tấn có hai loại là: tà tinh tấnchánh tinh tấn.

Tà tinh tấn là cố gắng, kiên trì tạo ra những ác nghiệp, hay cương quyết duy trì những tri kiến sai lệch. Tức là sự tinh tấn trong các bất thiện tâm.

Tà tinh tấn ví như tên tướng cướp uy mảnh, xông lướt đến để chiếm đoạt tài vật phi pháp.

Đối nghịch với tà Tinh tấn là chánh Tinh tấn, đó là tinh tấn trong các thiện pháp. Chánh tinh tấn bao hàm nhiều lãnh vực như:

Trong lãnh vực trừ diệt ác pháp, làm sanh khởi và tăng trưởng thiện pháp nó được gọi là Chánh cần (sammappadhāna).

Trong lãnh vực nâng đỡ, làm nền tảng cho các thiện pháp, nó được gọi là Cần như ý túc (viriyiddhipāda).

Trong lãnh vực cai quản, điều hành các pháp đồng sanh siêng năng, dũng mảnh. Ví như viên tướng ra lệnh cho tướng sĩ dưới quyền cùng xông trận với mình. Nó được gọi là Tấn quyền (viriyindriya) một trong năm quyền.

Trong lãnh vực có sức mạnh, không giao động trước nghịch pháp lười nhát, nó được gọi là Tấn lực (viriyabala).

Trong lãnh vực dẫn đến giác ngộ, được đến chứng đắc Níp Bàn, nó có tên là Tấn giác chi (viriyabojjhaṅga).

Trong lãnh vực diệt nghiệp luân hồi khi chứng đạt Níp Bàn, nó có tên là Chánh tinh tấn (sammā vāyāna).

Như vậy, những ý nghĩa như: “chuyên cần, kiên trì, chịu đựng, cố gắng hết sức mình” xem như sát nghĩa với viriya (tinh tấn) nhất.



54- HỎI: Trong các pháp: Như ý túc, Chánh cần, quyền, lực, giác chi, chánh đạo thì những từ như viriya, padhāna, vāyama đều chỉ cho tinh tấn. Nhưng những từ này có ý nghĩa gì khác biệt không?

Đáp:

Những từ ngữ padhāna, viriya, vāyama đều có nghĩa chung là “tinh cần, siêng năng”. Nhưng mỗi từ đều nêu lên một khía cạnh khác nhau trong thiện pháp.



Padhāna ngoài nghĩa tinh cần, còn có nghĩa là: trước nhất, đầu tiên. Cũng vậy, những thiện pháp thành tựu được, trước tiên phải làm cho các ác, bất thiện pháp được trừ khử, các thiện pháp mới có thể sanh khởi sau đó để rồi tăng trưởng lớn mạnh, tất cả thiện pháp đều nương vào tinh tấn. Bốn pháp Chánh cần (catuttha sammappadhāna) là pháp thành tựu trước tiên, nên padhanā còn được xem là nền tảng cho thiện pháp. Cho dù hành giả hành Tứ Niệm xứ, nhưng tâm thiện chưa sanh khởi được do có ác, bất thiện pháp thì sự hành trì Tứ Niệm xứ không có kết quả.

Viriya mang ý nghĩa là dũng mảnh, nên viriya có tính đột xuất lướt đến, bất ngờ bốc cao lên. Để chỉ rõ ưu thế này của Tinh tấn, Đức Phật dùng “viriya chanda - Tấn như ý túc”, “viriyindriya - tấn quyền”, “viriyabala - tấn lực”, “viriya bojjhaṅga – tấn giác chi”.

Vāyama từ động từ vāyamati (vi + a + yam + a) nghĩa là cố gắng.

Vāyama là sự cố gắng “quét sạch” chướng ngại sau khi tập trung tất cả những pháp đồng sanh vững mạnh, nó như cơn gió (vāya) sau khi được tập trung trở thành cơn bảo lớn và “quét sạch” những gì cản trở phía trước. Cũng vậy, chánh Tinh tấn là sự nổ lực “quét sạch” những cấu uế phiền não để làm hiển lộ Níp Bàn, giúp tâm cùng các pháp đồng sanh chứng đạt Níp bàn. Có ví dụ sau đây để minh họa:

Một người muốn hái một trái cây ngon ngọt trên cao (ví như Níp Bàn), ban đầu y chạy chầm chậm để khởi động (ví như chánh cần), đến thời điểm nào đó y gia tăng tốc độ một cách thích ứng (ví như tấn quyền, tấn lực, tấn giác chi), khi đến thời điểm cần thiết y tung tất cả sức mạnh nhảy vọt lên cao để chụp lấy trái cây (ví như chánh Tinh tấn).

Tuy tất cả ba từ padhāna, viriya, vāyama có cùng chi pháp là tâm sở Tinh tấn, nhưng khi dụng sự thì có công năng khác nhau.

Đức Phật có dạy:

Handa dāni bhikkhave āmantayāmi vo: “Vayadhammā saṃkhāra apamādena sampādethāti: Này các tỷ kheo, nay Ta khuyên dạy các thầy “các pháp hữu vi là vô thường, hãy tinh tấn chớ có phóng dật”.

Đây là di huấn sau cùng của Đức Thế Tôn.1



tải về 0.61 Mb.

Chia sẻ với bạn bè của bạn:
1   2   3   4   5   6   7   8   9




Cơ sở dữ liệu được bảo vệ bởi bản quyền ©hocday.com 2024
được sử dụng cho việc quản lý

    Quê hương